Thứ Hai, 31 tháng 7, 2017

VỀ QUÊ - Trinh Chí














Tôi trở về quê một buổi chiều
Bên dòng sông nhỏ gió hiu hiu
Nắng vàng còn rải trên đồi núi
Thấp thoáng đằng xa bóng cánh diều

Cây đa trước ngõ chừ thêm bóng
Con suối đầu non nước bớt trong
Mấy khóm sim rừng khoe sắc tím
Hàng cau trong xóm đã đơm bông

Cất bước vào thôn theo lối nhỏ
Quanh co cây cối ngát hương xanh
Tiếng chim ríu rít đua nhau hót
Cánh bướm chập chờn cuối khúc quanh

Sau đám dừa xanh bóng mái nghèo
Im lìm ao nhỏ nước trong veo
Mái tranh thuở trước chừ đen quá
Bỗng hiện ra kìa : người mến yêu

Người thân vồn vã lời thăm hỏi
Tủi tủi sầu sầu lệ muốn rơi
Ánh mắt niềm vui, nhìn lấp lánh
Làn môi nở trọn nụ cười tươi.

                                       TRINH CHÍ
                                        (HÈ 1964)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 17, ra ngày 25-7-1964)

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

THẰNG CHÁU - Văn Sơn


Văn từ từ đưa chiếc quạt phẩy qua mặt đứa cháu đang ngủ say. Cái chấm đen bên mũi nó vẫn không cử động. Văn đưa ngón tay trỏ phủi nhẹ, thì ra đó không phải con ruồi. Nghe nhột, thằng bé khẽ nhíu mũi một cái rồi lại im ngủ. Đôi môi nó nhóp nhép trông thật đáng yêu. Văn muốn cúi xuống hôn mạnh lên mặt cháu kẻo chốc nữa đây nó đi xa thì... nhớ nhớ... thương thương... nhưng sợ nó mất ngủ chàng đành ngồi nhìn, rồi cười tủm tỉm một mình.

- Thằng Cu dậy chưa Văn?

Tiếng chị Cúc ở ngoài sân vọng vào. Văn vội đáp:

- Chưa chị ạ!

Chị Cúc là chị ruột của Văn, đã có chồng và mới sinh được đứa con đầu lòng. Theo thông lệ thôn quê người ta gọi ngay nó là thằng Cu. Chị Cúc theo chồng vào Saigon, lâu lâu mới có về thăm nhà ít ngày, chỉ lần này chồng chị đi học quân y ở xa nên chị về quê thăm nhà ba tháng. Ba tháng! Ngày đầu đón chị Cúc, Văn thấy sung sướng vì thời gian khá lâu. Thế mà nay đã hết rồi : Văn sắp xa chị Cúc, sắp xa thằng Cu ; ngày lại ngày trong gia đình sẽ chỉ còn có hai bóng : mẹ Văn và Văn.

Mẹ Văn đang lúi húi gói quà cho cháu, ngừng tay mắng yêu:

- Thằng Cu nó ngủ dữ!

Chị Cúc bước vào thu xếp va li. Mặc mẹ và chị loay hoay, Văn ngồi im bên cháu, thả tâm hồn quay ngược thời gian. Văn nhớ rõ, hôm chị Cúc mới về, chưa tới ngõ, thằng Cu đã reo lên:

- Ngoại, ngoại! Cậu Văn, cậu Văn!

Rồi nó sà ngay vào lòng Văn đòi bế, vòi vĩnh đủ điều.

Cu mới lên ba, trông nó thông minh đĩnh ngộ lắm. Vầng trán nó cao, sống mũi thẳng giống hệt anh Nguyên, cha nó. Còn đôi mắt, cái miệng thì thật chẳng khác chị Cúc. Nó bi bô nói chuyện cả ngày, hỏi hết việc nầy đến việc khác, việc gì nó cũng hỏi, hỏi cho rõ mới nghe. Thế nhưng đến khi nó nghịch thì nghịch đáo để, muốn gì nó làm cho bằng được.

Thằng Cu vẫn ngủ yên. Có lẽ trong giấc mơ nó thấy chi vui nên nhoẻn miệng cười để lộ mấy chiếc răng sún. Vì mấy chiếc răng ấy, Cu thường bị "cậu Văn" trêu. Lắm lúc nó hốt hoảng đòi đem đến thợ vàng trồng vào. Buồn cười nhất là khi có khách lạ, Cu thường mím chặt đôi môi để che giấu hàm răng thiếu sót...

Cu là nguồn vui của cả nhà. Cái vui của nó lan truyền sang mọi người, giúp mọi người đều vui. Cu hay hát nghêu ngao:

"Chị ơi! "Cu" có con mèo
Nó hay nghịch ngợm leo trèo lắm cơ!".

Hay "một đoàn học sinh bé tí ti, bé tí ti theo mẹ đòi ăn...". Nó nói chưa rõ nên có nhiều tiếng có âm điệu vừa Tây vừa Tàu làm ai cũng cười ngất.

Trong số những người quen, Cu thích anh Huy nhất vì anh chiều nó. Huy thường chỉ tấm ảnh của nó rồi hỏi:

- Đố Cu ai đây?

- Thằng Cu đấy.

- Thằng Cu tên gì?

Nghe hỏi tên, Cu làm ra vẻ quan trọng giương mắt nói lớn:

- Cí Tông (Chí Thông).

Cu hay đem khoe với anh Huy tất cả mọi việc nó nhớ được : nào... bữa nay thằng Cu nó vẫn tự xưng là thằng Cu với mọi người ăn một quả trứng gà, nào... má mua kẹo nhiều nhắm, cậu Văn có tập báo "Tuổi Hoa" đẹp "tảng". Nó kể tất cả, có điều thời gian nó không định rõ, bất cứ lúc nào cũng "bữa nay".

- Văn! Thức cháu dậy thì vừa đó con ạ.

Tiếng mẹ Văn tuy không lớn nhưng cũng đủ làm cho Văn giật mình. Chàng khẽ nâng cháu dậy, đi rửa mặt và thay quần áo cho nó. Hành lý đã sửa soạn xong, thằng Cu từ giã bà ngoại bằng mấy cái hôn. Văn bế cháu theo chị Cúc ra cổng. Dọc đường, cậu cháu rối rít những chuyện không đâu.

*

Đợi cho đoàn tàu mất hút trên con đường sắt Văn mới quay về. Đoạn đường bây giờ như dài thêm ra. Văn thấy buồn man mác như thiếu đi một nửa tâm hồn. Đến nhà, Văn ngả mũ dừng chân tại cửa ngõ. Không khí như trống trải thênh thang. Mẹ Văn từ vườn sau đi lên, Văn định nói:

- Thằng Cu đi rồi vắng gớm!

Nhưng chưa kịp thốt ra lời thì Văn đã nghe mẹ nói:

- Nó đi rồi vắng gớm!

Văn ngẩng lên nhìn trời. Con chim chiều từ ngọn bàng tơ sà xuống mái nhà. Có tiếng xa kéo chỉ từ xóm vọng sang.

Cảnh vật trông càng vắng...


VĂN SƠN (Huế)    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 30, ra ngày 25-7-1965)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2017

LY HƯƠNG - Bích Thảo


Trường đút hai tay vào túi cúi đầu lầm lũi bước, anh muốn đi tìm hương vị ngọt ngào của sương đêm trên đầu môi và cảm giác lạnh se sắt của ngọn gió đầu mùa tìm về gây gây da thịt. Trời chưa sáng hẳn, lớp sương mù rất mỏng bủa vây thành phố, mặt trời tỏa sắc hồng rực rỡ thắm thiết sau hàng cây xanh đen. Trường ngửa mặt hít hơi lạnh, anh bỗng cảm thấy quê hương mình là đẹp, là thiết tha biết mấy. Có lẽ chưa bao giờ Trường để một phút một giây mà thương mến ngọn cỏ nhánh cây bên đường như phút này. Anh bỗng cảm thấy mình lớn hẳn lên, trong niềm suy tư và niềm luyến lưu những giờ phút cuối cùng còn hiện diện trên mảnh đất quê hương, để bắt đầu một cuộc hành trình rất xa xăm, và cũng rất xa lạ.

Trường thoáng nghĩ đến tháng ngày qua, đến những khuôn mặt bạn bè, bàn ghế nhà trường... mới từ giã không bao lâu, mà có lẽ chẳng bao giờ tìm lại được nữa. Bạn bè thân thiết đếm không đầy trên ngón tay, tối hôm qua, khi chia tay Duy, anh chợt cảm thấy một nỗi nghẹn ngào bâng khuâng rất xa lạ dâng lên làm nghẹn hơi thở. Phải chăng tạo hóa đã ưu đãi anh hơn Duy? Hơn những người bạn cùng lứa tuổi học trò mà đã sớm bước vào cuộc đời? Trường bỗng cảm thấy ích kỷ và hẹp hòi với những người chung quanh, anh cố xua đuổi ý nghĩ dằn vặt và tự bào chữa cho mình. Giờ này Duy bắt đầu đi dạy học, mỗi sáng đều đều đến lớp học nhỏ bé để làm tròn chức vụ. Con đường tương lai Duy vẽ vời mơ mộng chỉ còn là khoảng trống dài tít tắp, cuộc đời sẽ đi về đâu với một chút ít kiến thức, với đám học trò nhỏ ê a buồn tẻ. Duy định đến sân bay tiễn anh nhưng rồi thôi, hai đứa đã thỏa thuận không tiễn đưa gì nữa. Duy theo anh về đến tận cổng, lần đầu tiên Trường nắm tay Duy thật lâu, bàn tay xương xẩu thấm lạnh. Đôi mắt Duy chớp nhanh.

- Thôi nhé, chúc cậu đi bình yên! 

Duy rời bàn tay Trường rồi quay đi lầm lũi bước. Trường nhìn theo bối rối nói với:

- Chúc cậu ở nhà may mắn vậy...

Duy quay lại nhếch mép, cười với Trường bằng đôi mắt. Bóng Duy nghiêng ngả xa dần trong đêm. Trường thầm hỏi có phải đây là lần cuối không...

Trường bỗng cảm thấy lạnh hai vai, anh đã đi gần hết các con đường từ khi trời còn đầy sao, và bây giờ ánh nắng lên cao bắt đầu rực rỡ. Trường trở về nhà trong niềm man mác mong manh. Anh đứng bên ngưỡng cửa đưa mắt nhìn tất cả mọi vật, mẹ anh đang lúi húi bên phin cà phê, quay lại thấy Trường bà cụ hơi trách móc:

- Sáng sớm mà con đã vội đi đâu, nhỡ cảm vào thì khổ!

Bà cụ trao cho Trường ly cà phê đen bốc khói. Anh nhấm nháp từng tý để nghe hương vị đậm đà tê lịm đầu lưỡi. Trường bỗng cảm thấy thèm thuồng và thích thú vô cùng với mùi thơm ngào ngạt như chưa từng bao giờ được hưởng.

Tiếng cười trẻ con làm Trường quay lại ; cu Ngọc vô tư nghịch ngợm trên tay chị Kim, thằng bé cười sằng sặc để lộ chiếc răng cửa bắt đầu nhú, thấy Trường cu Ngọc nhoài người đòi bế, đôi tay chới với trong khoảng không. Trường nâng cháu lên cao đùa nghịch rồi ôm gọn trong tay nựng nịu:

- Cu Ngọc dậy sớm thế, mới 7 giờ mà!

Chị Kim bước đến gần Trường, nắm tay con đỡ lời:

- Cháu dậy sớm để chơi với cậu, chiều nay cậu đi rồi còn gì cu nhỉ! 

Thằng bé há miệng cười, gật gật với mẹ. Trường rút cây bút máy cài vào ngực cháu vỗ về:

- Cậu cho cu Ngọc nhé, mai mốt đi học mà viết, chịu khó học giỏi khi nào về cậu cho quà, cu nhé...


Thằng bé ngơ ngác mân mê ngực áo, tròn mắt nhìn Trường đăm đăm rồi thích thú cười thật tươi. Món đồ chơi thằng bé ham thích, hay đòi của Trường mỗi khi anh bế nó trên tay, nay bỗng dưng được giữ cu Ngọc nắm chặt như sợ bị đòi lại. Mẹ anh quay lưng nhìn thằng bé rồi nhìn Trường âu yếm:

- Bao giờ cậu về thì cháu đi học rồi còn gì, rồi tha hồ cậu dạy cháu cho giỏi...

Trường lặng lẽ nhìn mẹ chua xót, vẻ nghèo nàn đã làm bà cụ già hẳn đi, nước da nhám đen vì vất vả đã bắt đầu nhăn trên vầng trán. Trường nghĩ đến cuộc sống chật vật của gia đình mình từ bao nhiêu năm nay. Nếp sống sung túc và những dấu tích của một thời đài các xa xưa đã để lại tất cả trên mảnh đất quê hương yêu dấu của mẹ ngoài ấy. Chỉ còn lại những món lặt vặt, chiếc ấm đồng nặng trĩu, những bộ tách chạm trổ quý giá, những chiếc áo nỉ ấm áp, manh nhiễu óng ả mẹ quàng cổ ngày xưa, cho đến tấm khăn quấn đầu nhung đen đã cũ... những vết tích kỷ niệm mà bà cụ nâng niu gìn giữ như báu vật ngàn đời. Luôn luôn mẹ anh dành cho quê hương tất cả niềm tôn thờ hoài niệm. Đưa trái nhãn nhấm trên môi, mẹ Trường chép miệng, giọng nói như còn thoảng nỗi tiếc nhớ, như ướp trọn niềm hoài hương tận đáy lòng:

- Nhãn làng tao ngoài ấy ngon cơ, cùi dầy mà ngọt lịm chứ đâu như thế này...

Bao giờ Trường cũng chỉ tủm tỉm cười với Nhiên em gái út của anh mà cho rằng mẹ anh khéo tưởng tượng. Bà cụ luôn hứa hẹn sẽ đưa các con về thăm làng cũ, có vườn rộng thênh thang, trái cây ngon ngọt... Có lần Nhiên nhìn mẹ cười bông đùa:

- Chắc chanh làng mẹ cũng ngọt lịm như là đường phèn...

Mẹ Trường nhìn con trách móc:

- Chúng mày rồi cũng đến mất quê mất gốc thôi con ạ!

Đến bây giờ Trường cũng chỉ nghĩ đến quê mẹ với hình ảnh duy nhất là mảnh vườn rộng của mẹ đầy là cây là trái. Anh không dám nói ra ý nghĩ ấy sợ mẹ lại bảo Trường chỉ nghĩ đến ăn. Anh chỉ dám đùa với mẹ mà không bao giờ nghịch ngợm với bố. Mẹ Trường bảo ba anh già hẳn đi từ mười mấy năm nay. Nỗi vất vả nhọc nhằn đã làm ông cụ già trước tuổi. Ngày hai buổi đến sở làm đều đặn như cái máy, gương mặt khắc khổ hằn nét suy tư. Ông xót xa nhớ đến thuở đã qua mà tưởng chừng đã quá xa xưa. Trường đọc được trong mắt ba niềm chua xót mỗi khi ông cụ buồn buồn giở lại tập ảnh ngắm nghía.

Tiếng guốc bước rộn rã làm Trường giật mình quay lại, Nhiên ôm trong tay con chim bồ câu cười ngây thơ, hàm răng trắng lưa thưa mà Trường vẫn thường hay trêu chọc:

- Đố anh Trường hôm nay là ngày gì?

Trường nhìn em lạ lùng không hiểu Nhiên muốn nói gì. Trường còn đang thắc mắc thì Nhiên đã phá lên cười dòn dã:

- Ngày sinh nhật của con chim này nhé. Trường còn nhớ năm trước con chim của bác Nghị ấp hai con, cho mình con này hồi đó còn bé xíu...

Trường gật đầu như cái máy mà không nghe em nói những gì. Anh lặng lẽ ngắm Nhiên, kém Trường vài tuổi mà con bé trẻ con lạ lùng. Mấy năm trước, Trường còn cả ngày cãi nhau chí chóe với em. Con bé lại bướng kỳ lạ nhưng lại mau quên, đang giận nhau Nhiên chạy đến kéo tay Trường tinh nghịch:

- Đố anh Trường tìm thấy...

Trường làm bộ nghiêm trang không thèm nghe, giật tay lại rồi nhìn thẳng ra nơi khác. Nhiên giật mình đưa tay lên che miệng xuýt xoa:

- Ý chết, xin lỗi, xí đó nheng! Người ta quên chứ không thèm làm quen đâu à...

Trường phá lên cười thích thú là con bé đỏ mặt vùng vằng định dỗi nhưng rồi cũng đành cười theo. Trường bồi hồi hồi tưởng lại những kỷ niệm nho nhỏ mà thấy tiêng tiếc. Có lẽ chẳng bao giờ anh tìm lại được trọn vẹn những tháng ngày thơ ấu cũ, với những niềm vui, những lần giận hờn rất đỗi trẻ con bé bỏng. Trường vẫy em lại gần Nhiên vừa trao cho anh chiếc túi nhỏ vừa ngước mắt hỏi:

- Chuyện gì vậy?

- À, chiếc túi em may cho Trường đó, để đựng mấy đồ lặt vặt xách tay cho dễ...

Trường lặng lẽ nhìn em, muốn nói với Nhiên mấy lời thân thiết trước khi xa cách nhưng anh bỗng cảm thấy ngượng ngùng không sao mở lời. Trường không đủ tự nhiên để nhắn nhủ, khuyên Nhiên dù chỉ một câu. Nhiên mở to mắt nhìn anh giọng ngạc nhiên:

- Cái gì vậy anh Trường? Anh làm sao vậy?

Trường bối rối ngước mắt nhìn lên rồi cuối cùng đành thấp giọng hỏi bâng quơ, dù anh đã thừa biết câu trả lời:

- Nhiên đem trả anh Hùng mấy quyển sách anh dặn chưa?

- Rồi mà, bộ anh không tin hả? Vào đây em cho xem cái này bí mật...

Nhiên kéo tay anh sềnh sệch. Trường định đứng dậy theo em thì nghe tiếng mẹ gọi nhà ngoài. Anh vội gỡ tay Nhiên hấp tấp chạy ra. Anh thấy mẹ đang tươi cười chuyện trò cùng mấy bà cụ bạn. Thấy Trường, mẹ anh nắm tay con cao giọng kể lể:

- Thưa bác cháu nó xin chào hai bác để sửa soạn đi đấy ạ.

Bà khác nhìn Trường với đôi mắt đầy thiện cảm lẫn dò xét:

- À... có phải cái cậu sắp đi Nhật đấy không ạ?

Mẹ Trường nhìn anh cười hãnh diện:

- Chính cháu đấy ạ! Thưa bác những 5 năm nữa cháu mới về...

Trường nóng bừng mặt, ngượng muốn chín người khi nghe bà bạn mẹ nhìn anh khen nức nở:

- Gớm cháu bác học hành giỏi giang nhỉ, mà lại ngoan ngoãn nết na nữa chứ... Coi kìa! Cứ như con gái ấy thôi!!!

Trường nghe tiếng cười khúc khích trong nhà, anh vội tìm cớ rút lui vào trong vội vàng. Vừa thấy mặt anh, Nhiên vỗ tay cười trêu chọc:

- Ôi chao, anh Trường cứ như con gái được người ta xem mắt hỏi làm vợ ấy thôi!...

Trường cố nhịn cười, lừ mắt nhìn em:

- Bậy nào! Cái con bé này.

Nhưng Nhiên vờ như không trông thấy, cười hồn nhiên:

- Ông tướng giặc nhà tôi mà được khen ngoan thì loạn đến nơi!

Trường đành cười lảng theo, lắc đầu nhè nhẹ:

- Thôi thôi xin cô tha cho, trời đất lâu lâu cũng phải nổi cơn gió bụi chứ!

Trường chợt nghiêm mặt nhìn Nhiên thấp giọng:

- Nhiên này!

Nhiên ngước mắt nhìn anh chờ đợi:

- Gì cơ?

- Bây giờ nhà chỉ còn mình Nhiên thôi, nay mai chị Kim ra Nha Trang với anh ấy. Anh nhờ Nhiên trông coi mọi việc giùm anh nhé, thày mẹ cũng già rồi...

Nhiên ngoan ngoãn đứng im, đưa ngón tay lên miệng cắn nhè nhẹ. Trường bỗng nghe thương em hơn lúc nào cả, anh thấy muốn vỗ về em để nói lời thật dịu ngọt thương mến. Nhưng Trường vẫn đứng yên nhìn em. Anh thương tâm hồn đơn sơ của Nhiên, và mong em mãi ngây thơ như con chim bồ câu trắng mà hai anh em Trường nâng niu chăm sóc từ một năm nay.

Trường miên man nhớ lại một vùng ký ức. Thuở còn ấu thơ, mỗi tối hai anh em thường được mẹ cho nô đùa với nhau trong sân. Hôm ấy cậu Chi về chơi sau ba năm xa cách. Cậu ngồi bên mẹ trò chuyện, cậu gọi Trường và Nhiên lại gần, ôm hai đứa trong vòng tay. Lần đầu tiên Trường thấy cậu khóc, cậu nghẹn ngào nói với mẹ thật khẽ:

- Ngày mai em lại đi rồi không biết bao giờ mới về. Em chẳng bao giờ được gần chị lâu...

Rồi cậu úp mặt lên mái tóc Trường, giọng sũng ướt nước mắt:

- Bây giờ các cháu vui vẻ nô đùa, vậy mà chẳng bao lâu nữa hai anh em cháu lại xa nhau, mỗi đứa một ngả. Như cậu với mẹ cháu bây giờ... 

Trường ngây thơ ngước mắt nhìn cậu, nhưng trời tối đen Trường chẳng thấy gì. Trường  rụt rè đưa bàn tay sờ mặt cậu thấy ươn ướt, Trường thương cậu muốn khóc. anh quờ quạng trong bóng tối tìm bàn tay cậu, bên tai Trường tiếng khóc mẹ nghẹn ngào rất khẽ. Tuy chẳng hiểu gì nhưng Trường vẫn nắm chặt tay cậu như sợ cậu lại ra đi như bao lần trước, anh giữ tay cậu lắc lắc, mặt phụng phịu:

- Cháu chả chịu, cháu chả chịu cậu đâu! Cậu không thương mẹ, thương cháu, cậu cứ đi hoài...

Mẹ anh ngửng mặt, khẽ mắng Trường:

- Trường hư nào, chỉ quấy rầy cậu thôi!

Nhưng cậu Chi đã ghì chặt Trường trong vòng tay, giọng xót xa:

- Thôi Trường săn sóc mẹ thay cậu vậy, đừng làm mẹ buồn. Lớn lên rồi cháu sẽ hiểu...

Nhiên ngây thơ ngồi bên cậu, tay bá cổ nũng nịu:

- Cậu Chi làm cho cháu con chim có cánh đi. Anh Trường dốt nên chả biết làm gì...

Rồi cậu Chi lại ra đi từ dạo ấy chẳng về. Mẹ thường nhắc đến cậu, giọng rưng rưng: "Đời nó chả bao giờ được sung sướng!" Mẹ chỉ còn mỗi mình cậu là người thương mến. Mẹ thường kể những ngày còn bé, mẹ ở nhà với ông ngoại, còn cậu Chi đi học xa trên tỉnh, tháng tháng được về một lần. Chưa bao giờ Trường thấy cậu về lâu. Mẹ thường nhìn hai anh em Trường nô đùa bên nhau mà khóc. Bây giờ Trường mới thấy thấm thía lời cậu hôm nào. Con chim non vừa đủ lớn vẫy cánh bay xa, đôi cánh còn non nớt nhưng trái tim thì ăm ắp một trời tin yêu hy vọng, để lại tổ ấm chim mẹ mỏi mòn mong đợi và lũ chim non ngơ ngác lạc loài...

Ba chị em Trường giờ đây mỗi đứa một ngả, chị Kim theo chồng phương xa, năm thì mười họa về thăm nhà ít lâu rồi lại ra đi. Bây giờ đến lượt Trường ra đi, anh thương cu Ngọc khờ dại chẳng biết gì, anh không được ở bên cháu để nhìn nó lớn, để nghe cháu bập bẹ nói tiếng đầu tiên. Rồi tháng ngày qua mau, khi anh trở về thì Nhiên đã lớn, biết Nhiên có giữ được tâm hồn ngây thơ mà anh thương mến giữ gìn cho em không. Trường nghe mằn mặn đầu môi, anh chớp mắt thật nhanh nhìn qua khung cửa, ngày mai anh không còn đứng đây nữa, con chim non lần đầu tiên xa mẹ ắt phải ngỡ ngàng xa lạ biết mấy.

Trời sáng rực rỡ qua vòm cây khe lá, trên cành lá trĩu đầy lá non, hai con chim ríu rít nhảy nhót bên nhau, đôi mắt tròn hạt nhãn nhìn anh rồi chợt vỗ cánh bay xa, vang động khóm lá rung rinh. Trường lấy hơi hít thật dài, lồng ngực như rạn nở đón nhận, mà nghe khí trời thơm tho vô cùng, mà thấy màu nắng trong vườn óng ả như lụa đào, như tấm nhung the mượt mà của mẹ. Giọt nước thật tròn đọng trên khe lá,, Trường tưởng chừng giọt nước mắt chia ly đầu tiên trong đời...


BÍCH THẢO     


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 93, ra ngày 15-7-1968)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

BIỂN LẶNG - Linh Hương


1

Bàn tay em xóa nhẹ tấm kính ẩm sương. Phía dưới, khu chợ Đà Lạt hiện ra lờ mờ rồi rõ dần, dễ thương, xinh xắn như một chiếc hộp. Trên con đường nhỏ vòng vèo trên sườn đồi dẫn vào chợ, thành phố nhỏ này như cựa mình tỉnh giấc bằng những âm thanh ríu rít của lũ sơn ca, tiếng quang gánh kẽo kẹt nhịp nhàng cùng với tiếng nói chuyện rì rào huyên thuyên vang động con đường đất đỏ. Em tì một tay dưới cằm, chới với trong ước mơ tầm thường nhưng không bao giờ thành sự thật: được hòa mình vào nét sống động dễ yêu ấy. Em sẽ líu lo suốt ngày như chú sơn ca hoặc bước chân vào chợ ngắm những gian hàng lác đác của buổi sáng: này là bác bán bánh mì hoạt động không ngừng tay để đếm đủ số ổ trao cho khách, bà bán xôi đang dở từng nắm trên miếng lá chuối xanh ướt còn thả hơi khói… và tất cả… tất cả nhạt nhòa trong ánh đèn vàng chói nhức mắt của bệnh viện phản chiếu từ một giọt nước mắt lóng lánh rơi trên má em, rỏ dần xuống chiếc áo len giam giữ em trong nó hơn một năm nay. Từ ngày bỡ ngỡ nhận diện thành phố đẹp ướt át này để rồi quay lưng bước vào cái bệnh viện heo hút trên sườn đồi, em không thể nào ngờ rằng suốt đời phải nhờ nó ấp ủ, chở che cho một lá phổi duy nhất còn sót lại trong thân thể em. Em mất tất cả, từ lũ bạn nghịch ngợm ở thành phố cho đến lời nói trĩu đầy âu yếm của Ba. Mọi người lánh xa em như trốn tránh một ổ vi trùng đầy bệnh tật, chỉ còn có Thanh – con bé có đôi lúm đồng tiền thật sâu – và u già đã theo săn sóc Me em ngày xưa, theo chăm chút em từ miếng ăn, giấc ngủ, lúc vui, lúc buồn… “Ngày xưa”! Hai tiếng ấy nhắc nhở em tất cả những gì trầm ấm kỳ lạ đến huyền hoặc. Có phải ngày đó em chưa bao giờ rợn người tưởng tượng hàng loạt vi trùng rút rỉa hai lá phổi làm em rũ người xuống húng hắng từng cơn ho, có phải ngày đó em còn nhìn thấy sự ấm cúng ắp đầy mỗi lần đầy co ro trong chiếc áo ấm, hớn hở nắm tay Me dạo bước bên hồ Than Thở, mặc cơn gió lốc từ rừng thông vút xuống phà tê cóng cả mặt, có phải ngày đó Ba chưa phải đi làm ăn xa để mỗi lần Ba làm việc về, em lại ào ra cổng trước nhất, vòi vĩnh bắt Ba hun một cái vào trán thật kêu rồi mới cho vào, để có hôm em khóa cả cửa sắt, Ba loay hoay mở mãi không ra, như chịu thua, Ba thòng tay, nhấc bổng em từ bên kia cổng, mi một cái lên tóc và mắng khẽ vào tai: “Đồ chó con!” trong khi em nép sát vào ngực Ba cười rúc rích…, có phải ngày đó, em và Thanh còn băn khoăn, vẽ vời, xếp đặt những dự tính tốt đẹp cho tương lai mà hai đứa đều mong và nghĩ nó sẽ thành hình… nên em đã gọi tất cả bằng ngày xưa, ngày xưa của những gì nguyên thể, trong sáng và ngọt ngào như pha lê…

– Kìa Di, mặc áo len nhớ cài cúc lại chứ, không khéo lại ho nữa đấy!

Tiếng U vang lên làm em bàng hoàng tỉnh mộng. Rời cửa sổ, em ôm gối lại thành giường, ngồi thòng hai chân xuống đất mệt mỏi:

– Chả sao đâu U ạ, số…

Em chưa dứt câu thì U đã chồm tới, bịt miệng em trừng mắt mắng yêu:

– Lại nói tới số mệnh, U đã dặn cô đừng nói đến hai chữ đáng ghét ấy nữa mà!

U lần nào cũng hay lẩn thẩn kiêng kỵ như thế, thật giống Me em ngày xưa. Thấy em cúi đầu buồn rầu, U lo lắng nắm tay em se sẽ gọi:

– Cô Di, U chỉ dặn thế cô đừng buồn nhé!… Kìa… cô y tá mang thuốc lên rồi kia… cô lại uống dùm đi…

Nhưng em quay mặt hờn dỗi:

– U cứ xem Di như con nít không bằng… Di 17 tuổi rồi chứ bộ!

U phì cười, vỗ về:

– U có dám xem cô là con nít đâu nào – U thở dài – U chỉ làm tròn lời ký thác của Cậu Mợ đó thôi… à, cô uống sữa rồi uống thuốc đi nào! Chốc nữa, trời có nắng ấm, U sẽ cùng cô xuống xem vườn hoa buổi sáng nhé.


2

Nhưng, suốt buổi sáng ấy và cả buổi chiều nữa, trời không nắng, một trận bão rớt tập trung cách Đà Lạt không xa làm bầu trời thành phố nặng nề từng áng mây đen kịt như sắp sửa úp chụp xuống những sinh hoạt vội vã hơn thường nhật của mọi người. Không những không cho em xuống vườn, U còn nài nỉ bắt em mặc thêm chiếc áo ấm thứ hai, trời ơi, chắc U định bắt em suốt đời như một tấm ảnh đóng vào khung gỗ cũ kỹ để những lúc trời mưa, người ta gỡ vào đem cất trong tủ sợ ướt sợ hư mãi sao? Em nhất định không mặc. Thấy em bướng bỉnh, U có vẻ hơi giận bước ra đứng ngoài hành lang sau khi đóng kín các cửa sổ trong phòng. Còn lại một mình trong phòng, hơn lúc nào hết, em thấy em đang thực sự sống với chính em, với tâm hồn của những ngày xưa trong nhịp điệu thánh thót hồn nhiên và thật bồng bềnh của hiện tại. Em bước lại bàn học, chiếc bàn mà Ba đã đem nó theo em vào đây để phòng này, ít nhất còn phảng phất những góc cạnh ấm cúng của phòng em ở nhà, để một phút hồi tưởng nào đó, em vẩn còn cái cảm giác được tưng tiu, chiều chuộng trong vòng tay thật dịu dàng mà cũng thật cứng rắn của Ba Me. Cũng trong trạng thái tĩnh ấy, chồng tập trên bàn vướng vít đầy bụi theo thời gian, trên một cái nhãn tập, nét chữ nguệch ngoạc, vụng dại của học trò đập vào mắt em: Trương thị Hà Di, lớp Đệ Tứ, trường… À! Thì ra em rời trường học đã gần hai năm, từ khi trong người em xuất hiện những triệu chứng của bệnh lao phổi, truyền nhiễm từ Me em… Thở dài thật khẽ, em mở hé một cánh cửa sổ cho thoáng bớt căn phòng, gió thừa dịp ào ạt lùa vào hất tung tập giấy trắng ngăn trang trong một quyển sách đã cũ. Những tập giấy em sáng tác các mẩu truyện ngắn mà không bao giờ gởi, có lẽ tại một phần ở sự nghiêm khắc, quan niệm cực đoan của Ba Me em mà cũng có lẽ tại nhà báo, sự thất vọng và chán nản bùng dậy sau một thời gian chờ đợi kéo dài mà không thấy bài xuất hiện trên trang báo, em đành miễn cưỡng vất bút. Riêng Thanh vì hoàn cảnh gia đình không cho phép Thanh có thời giờ suy tư để vắt óc, phổ biến tư tưởng của mình, nên… cả hai đứa, không hẹn mà cùng từ bỏ mộng văn sĩ, văn sĩ của tuổi thơ, văn sĩ của miền khói quyện, sương mờ nhưng vẫn thầm ước mong sẽ có một cơ hội tìm về với thị hiếu của mình. Thế nhưng… Trong hồn em như có một nốt nhạc vừa ngân lên, êm ả như tiếng rì rào của rừng thông, lê thê như áng mây xám xõa tóc bất tận bên khung cửa sổ, thanh tao như tiếng suối róc rách chảy xuống triền dồi đầy hoa thơm trái ngọt và tất cả hòa vào óc em khi cúi xuống hí hoáy viết trên giấy. Em nghĩ tới U nhiều nhất, đến cơn giận hờn thoáng qua của U, đôi mắt nheo nheo nghiêng nghiêng dưới ánh đèn lẩm nhẩm tên thuốc cho em uống, lúc nâng em dậy rót từng muỗng sữa khi em bệnh. Rồi đến Me, em nghĩ đến lúc Ba và Me em sánh vai đi trên đồi, em tung tăng theo sau, thỉnh thoảng dừng lại, ngắt những hoa mắc cỡ tim tím cho vào chiếc giỏ sách, đôi khi em phải dừng lại gỡ những bông lau lấm tấm trên chiếc váy hồng, xập xòe mỗi lúc gió phất phơ, em ngẩng lên thì Me và Ba đã lên đến đĩnh đồi. Me mặc chiếc áo ngự hàn trắng muốt đứng xa chỉ thấy loáng thoáng một mầu trắng, hai suối tóc đen mun chảy xuống hai bờ vai, hai tròng mắt sâu thẳm, đôi má Me hồng diễm tuyệt. Me thật đẹp, nhưng đôi mắt lúc nào cũng buồn bã, xa xăm. Em thầm nghĩ, chắc lúc sắp sinh Me ra, đã có lần ngoại ngồi nhìn mưa Đà Lạt, bên khung cửa sổ, ao ước mắt và tóc Me sẽ đen như thành gỗ mun, da Me trắng như màu trắng tinh khiết của vải ngoại may áo chờ me chào đời, má me hồng như bếp lửa mùa đông… nên Me mới đẹp đến thế. Nhưng ngoại quên cầu nguyện cho Me với Ba sau này hạnh phúc trường cửu nên đã có một lần cuối, chỉ mình Ba với em, chậm chạp dẫm từng bước lên đồi thông, tìm lại vết tích kỷ niệm, mường tượng như có tiếng Me đang vẫy gọi trong gió rít lê thê.

Và giữa hai hình ảnh chập chờn trong hồn với cảm thương, xót xa ngầm âm ỉ trong tim, em đặt lên đầu trang giấy hai chữ sau làn nước mắt nhạt nhòa: TÌNH THƯƠNG. Em muốn nói đến một tình thương bền vững nhất trong những tình thương, một ánh sao mai duy nhất khi trời sáng và một đóa hoa tuy không hữu hình nhưng những ai hơn một lần cảm thấy thiếu vắng nó, đều công nhận sự hiện hữu của nó…


3

Em đã nhận ra Thanh từ lúc Thanh mới đến. Từ trên lầu trông xuống, dáng con bé thật dễ thương với mái tóc xõa dài, rối lên theo từng làn gió. Em thích mái tóc của Thanh chỉ vì nó có vẻ đẹp tự nhiên, đơn sơ mà không kiêu kỳ. Thanh vội vã bước lên thang lầu. Em cũng chạy biến vào phòng, núp sau cánh cửa, và định sẽ hù Thanh một cái cho con bé giật mình. Nhưng khi đến cửa phòng, em thấy mặt mày xây vẩm, có lẽ tại em đứng ngoài gió quá lâu. Em cố gượng, nuốt cảm giác nôn nao, buồn mửa xuống bụng, hai bàn tay lạnh ngắt níu chặt thành giường, em chỉ kêu được: U ơi! Rồi nhoài mình xuống sàn gạch nôn toàn là nước, pha lẫn những tia máu đỏ sậm. U thì cuống lên gọi cô y tá vì ngỡ em có triệu chứng gì khác. Nhưng với cặp mắt trong nghề, cô y tá cho em biết tại ăn không tiêu mà lại ít hoạt động nên trúng gió, vậy thôi. Thanh vào phòng giữa lúc U đang lau mồ hôi cho em trong khi các bác lao công lau sạch nền gạch. Mặt Thanh hơi tái lại lo lắng nhưng em đã hỏi Thanh bằng giọng nói yếu ớt, nhưng không kém phần hân hoan:

– Thanh… Thanh đã gởi bài cho Di rồi chứ?

Thanh gật đầu rồi nhìn em dò hỏi:

– Sao thế Di?

Em nở nụ cười trên đôi môi tái nhợt, trấn an Thanh:

– Tại Di đứng ngoài gió lâu quá nên… mửa, Thanh ạ!

Cặp mắt Thanh nhìn thẳng em trách móc:

– Thanh đã dặn Di đừng chờ Thanh ngoài hành lang cơ mà…

Em lúng túng cười, cúi đầu:

– Di trông… Di sợ quá Thanh ơi! Di sợ bài Di, Thanh quên gởi…

Thanh choàng một tay qua vai em, âu yếm:

– Sao Thanh lại quên được, Thanh cũng biết Di trông lắm chứ nên Thanh đã đi bỏ thơ hồi sáng này…

Tay cuốn tròn một chéo áo, em bâng khuâng nhìn ra ngoài, khoảng không gian xanh dịu màu hy vọng làm em cũng có cảm tưởng hồn em chính là bầu trời phẳng phiu, êm ấm ấy. Em nói như trong mơ:

– Thanh à… Không biết đọc bài ấy, chị Duy Liên cho đăng không nhỉ? Hay…

Em nín bặt, quay nhìn Thanh không chớp chờ đợi câu trả lời. Thanh chớp mau mắt, tự tin:

– Sao lại không, bài Di hay thế mà không đăng được à?

Rồi như để chứng minh, Thanh tiếp:

– … Chính Thanh cũng thấy hay nữa đó, Di ạ… Di nhớ không, hồi đó tụi mình viết thật buồn cười, Di nhỉ? Đầy nhóc những tạp ngữ… trong tự điển Việt Nam không có…

Em bật cười, Thanh nói chuyện khôi hài dễ thương quá thôi. U từ nãy giờ im lặng cũng chen vô, pha trò:

– Các cô mà… chuyện gì lại chả dám làm?

Em giật giật tay áo U, nhõng nhẽo:

– Thuở ấy Ba Me đâu có cho Di viết… Ba sợ Di say mê nghiệp văn, nghề của những người sống bằng tim óc, bằng tâm hồn… – em thở dài – Me còn hơn thế nữa, Me cứ rầy em suốt ngày…

U bênh vực:

– Không đến nỗi thế đâu, bằng cớ là Di vẫn gởi được một vài bài cho tòa soạn, có phải thế không?

Rồi U cất giọng kể lể:

– Cô Thanh biết không, viết xong câu chuyện gởi cho tòa báo, cô ấy mới chịu ngủ đúng giờ giấc thường lệ, không thôi mấy hôm nay, cứ mỗi lần nằm ngủ mà nghe cô ho, U cũng muốn ran cả người trong lúc trời Đà Lạt lạnh thế này.

Hình như im lặng thường dùng để khỏa lấp những ý tưởng mà người ta không thể nào nói lên được. Em cũng chọn lối đáp chuyện ấy. U ơi! U không hiểu rằng em đang vùi đầu vào niềm an ủi còn sót lại đó sao. U không biết có những đêm nằm một mình trong căn phòng tẻ ngắt, đã bao lần em để những giòng nước mắt âm thầm chảy. Em vẫn còn nguyên vẹn hình hài mà Me cho bú mớm từ thuở lọt lòng, sao em không thể tung tăng chạy nhảy như hàng trăm đứa trẻ khác, sao Thượng Đế đã tạo dựng con người mà cho sinh ra loại vi trùng ghê tởm rút rỉa từng thớ thịt, từng cơ quan trong người? Thượng Đế đã biết trước những quãng hành trình ngắn ngủi em sẽ đi, sao còn cho em mở mắt vào đời? U ạ! Trời Đà Lạt có rét, gió Đà Lạt có buốt, rừng thông Đà Lạt có buồn thật đấy, nhưng nào bằng nỗi buồn âm ỉ trong hồn em, nỗi lạnh cóng khó tả khi quay lưng thấy em cô đơn một mình? Làm sao những ray rứt đừng đè nặng trong hồn em khi những cánh thư Ba gởi đến hỏi han tình trạng sức khỏe của em, em chưa trả ơn được Ba Me gì cả dù phải trả bằng vốn của mình. Làm sao mỗi khi trời trở lạnh, trong đêm tối, U dậy sờ soạng kéo chăn đắp ấm cho em, em đừng liên tưởng đến dáng Me để rồi quay đi giấu đôi mắt rưng rưng, U có hay không, có hay em giả vờ ngủ để U đừng nhìn thấy những giọt lệ trào ra khóe mắt nhắm nghiền không?? Hở U???


4

Thanh đến giữa lúc em không ngờ để chuẩn bị cho một niềm vui to tát. Có lẽ Thanh cũng cầu mong em đừng chờ nên lúc trao cuốn báo cho em, Thanh đã nở một nụ cười trong đáy mắt:

– Thanh cứ sợ Di lại chờ…

Còn bỡ ngỡ cầm quyển báo trên tay không hiểu, thì Thanh đã thân mật ngồi xuống bên cạnh em, lật lật từng trang. Em vừa à một tiếng hiểu biết thì Thanh cũng lên tiếng, ríu rít:

– Di biết không, bài Di được đăng đây… Tối hôm qua Thanh phải lội hết chợ mới có sạp báo bán quyển này đấy… vừa mở ra, đọc trang mục lục thấy tên Thanh Di, Thanh mừng quá chừng, về nhà suýt bị xe đụng mấy lần… bất ngờ quá hả Di?

Em ngồi im mắt mở to nhìn sững hai chữ: TÌNH THƯƠNG to, đen nổi bật bên trên các hàng chữ in nhỏ nhắn, khiêm tốn. Em lật nơi cuối bài, nhẩm đọc tên Thanh Di thật nhiều lần bởi vì… vì em còn nghi ngờ, em sợ bài đó không phải là của em, của người nào khác đặt giống tựa, em sợ Thanh ngộ nhận sẽ làm em thất vọng khôn cùng. Lúc trước, đã có bao lần hai đứa hồi hộp giở từng trang báo mà chả thấy bài mình đâu rồi lại nhìn nhau cười buồn. Nhưng ít nhất, trong đời em có một lần không lầm lẫn, đó chính là lần này, lần này đây, lần hai đứa ngồi bên nhau trên giường bệnh, nghe rõ từng tâm trạng của nhau, trong khi ngoài kia khung cửa kính, trời đan những hạt nắng vàng, sưởi ấm khu bệnh viện cô đơn. Trôi theo giòng mắt bàng hoàng, những chữ mà hôm trước đây, em còn uốn nắn theo ý nghĩ tâm tư, còn khoác lên nó một chiếc áo hy vọng mong manh, giờ đây đều hiện diện đầy đủ trên trang báo. Có phải đó là những nốt nhạc dập dờn khởi đầu cho một bài ca vui, có phải đó là viên thuốc ngọt chở che cho buồng phổi đầy sinh khí của em, có phải nó đã làm cho tâm tư em sống lại chuỗi ngày êm đềm trong một thời âu yếm của Ba Me mà sao em nghe nó… nó vang động kỳ lạ, không ngôn từ nào tả xiết.

Em ôm chầm lấy Thanh, mặc tờ báo rơi xoạch xuống đất, mặc U già cảm động nheo mắt nhìn, mặc… tất cả, em muốn được nói thật nhiều:

– Bài của Di thật hả Thanh? Trời ơi! Di mừng quá, Di thích quá! Một nửa ước mơ của Di sắp trọn vẹn rồi Thanh ạ. Di không mong muốn gì hơn. Thượng Đế không phụ lòng chúng mình Thanh há! Di trông kinh khủng vậy đó!

Em quay sang U, giọng em chùng xuống nhẹ nhàng:

– U à, U khuấy cho Di ly sữa để nguội nguội một tí, Di lên uống. Di xuống dạo chơi với Thanh trong vườn một chút nghe!

U trầm tĩnh, thong thả giao điều kiện:

– Nhưng cô phải mặc thêm chiếc áo ấm nữa U mới cho đi cơ!

Một thoáng, em định phụng phịu không mặc, nhưng nhìn ánh mắt tha thiết của U, em ngoan ngoãn khoác thêm chiếc áo len vắt ở đầu giường. Em đang được hồi sinh, em đang thực sự sống đây mà!


5

Em viết đến đoạn cuối câu chuyện, chỉ còn kết luận là xong thế mà đã 11 giờ khuya. U nằm lim dim dưới chiếu. Em chống tay nhìn vào khung cửa kính trước mặt nghĩ ngợi. Trong truyện em kể chuyện thằng bé một chân bị tê liệt từ nhỏ đang cố gắng thoát khỏi sự ám ảnh và mặc cảm của một kẻ thiếu mất phương tiện, một thành phần trọng yếu giúp phần tiện nghi cho đời sống. Thằng bé cố gắng hãnh diện với những đứa trẻ nhạo báng chiếc cẳng nó và tìm cách chứng tỏ nó là người bình thường, tháo vát trong mọi công việc. Một điều em muốn nhấn mạnh nơi nó là gia đình cậu bé nghèo, giữa hai nhu cầu chính: trốn tránh mặc cảm và giúp đỡ gia đình, cậu bé đã vươn lên dễ dàng để tìm lối thoát cho tâm hồn cũng như nếp sống gia đình. Thế cũng đã đủ khó diễn tả với ngòi bút yếu ớt của em. Nhưng khi viết đến đoạn thằng bé cảm thấy lạc loài, cô đơn giữa xã hội mà chỉ dành riêng cho những người đủ tiện nghi tranh đấu, sinh tồn, em nghe… vâng, em đã nghe như đó chính là tiếng của tâm tư em, chan hòa, ắp tràn chua xót trên trang giấy, với những tiếng nấc thầm lặng vang động trong hồn. Em đã thoát khỏi sự ràng buộc của văn từ để diễn tả trọn vẹn cảm xúc của mình, em đã đi sát tâm hồn em, cả với lời văn nữa.

Riêng phần cuối, em muốn suy nghĩ cặn kẽ hơn để đặt bút, vì bao giờ nốt nhạc cuối của một bài ca cũng là nốt ảnh hưởng đến tâm hồn của người nghe nhiều nhất. Em nghĩ văn chương cũng thế, hình ảnh chót sẽ là hình ảnh, và là cảm giác, sự nhận định của người đọc. Sự so sánh này làm em hơi lưỡng lự. Sau cùng, em cất bút, lại phải có một đêm suy nghĩ nữa, em mới xong một “tác phẩm” thứ tư. Đã ba bài em được đăng trên báo cũng như đã ba lần, Thanh đến trao em tận tay quyển báo biếu. Em xếp chúng vào một góc tủ, tưng tiu như những kỷ vật tinh thần. Em còn giữ cả mảnh giấy bao quanh tờ báo gấp đôi và kín đáo ký tên dưới chữ báo biếu cùng ngày tháng năm em nhận được. Em muốn giữ lại những ngày tháng đã cho em niềm vui trọn vẹn, vô bờ, rực mầu hồng khả ái ấy. Em vẫn còn sợ một ngày nào đó, chúng sẽ buồn bã đến chừng nào nhỉ, em có nắm “chúng” lại được không, hay giấu mặt, mặc thời gian xóa nhòa bao công lao?

Không dằn được, em mở nắp bàn lôi ra cả ba cuốn. Mặc dù thời gian đã xa tít tắp nhưng quyển nào cũng còn mới thật mới, tờ giấy phong tròn, ôm kín gáy báo thực dễ yêu. Ngắm nghía một chốc, em cất vào tủ với niềm sung sướng dịu dàng lan vào hồn. Me ơi! Me có biết con của Me đã biết viết văn và được đăng lên báo không? Con của Me sắp thành… văn sĩ rồi Me hay không? Me có nghĩ rằng bài con được nhiều người khen không? Nhất là U với Thanh, không biết họ có dối con không Me nhỉ? Chắc là không bởi vì hôm kia, con nghe U kể con bé phòng bên đọc bài của con, cô bé ấy khen quá chừng và định sẽ… làm quen mà không ngờ chính là con, Me ạ. Chắc Me cũng hiểu con sung sướng đến đâu vì ước vọng khi viết cho báo chỉ có bao nhiêu đó: nhận được sự rung cảm chân thành của mọi người khi đọc bài của mình, ngoài ra, con không cần gì nữa. Me ơi! Hãy giúp con tiếp tục nhận được những kết quả tốt đẹp ấy mãi, Me nhé!

Em hiểu em ngồi lặng yên đã lâu vì khi em đứng lên, chân em hơi chồn, trán em nóng bừng, quay cuồng trong các ý nghĩ thật mệt mỏi. Em cần phải ngủ. Em nghĩ thế và tắt đèn, lên giường. Nhưng bao nhiêu ý tưởng tâm tư cuồn cuộn trào ra. Những lúc suy nghĩ trong bóng tối thầm lặng như thế này, bao giờ nó cũng lột xác được tâm hồn em cả. Em miên man xây dựng trong đầu hình ảnh thằng bé với cái chân cứng đơ, chống nạng khập khiễng mỗi lần đi, à, em muốn nói đến tâm trạng của nó, như thế nào nhỉ: em “vẽ” thêm vẻ tinh anh, rạng ngời ý chí phảng phất u buồn vào đôi mắt ngây thơ của nó, chiếc môi mím chặt cố nén sự giận dữ khi bị bọn trẻ nhạo báng, chuyển đến hình ảnh thằng bé tìm cách làm ra tiền. Đã biết suy nghĩ và hiểu biết hoàn cảnh gia đình, cậu bé quyết định chọn nghề sau một buổi đi học về. Trong bài em viết, hình như ở đoạn này chưa có những diễn tả thật hoàn toàn, em muốn chuyển hướng một chút, một thất bại chẳng hạn. Em mường tượng cậu đang khập khiễng đi bán báo, những cử động khó khăn của cậu bé, mà không, đó là những nỗi sung sướng của cậu khi thấy mình đã tiến bộ, đã thoát khỏi những đặc ân mà xã hội dành cho các người tàn tật. Cậu tiến lần đến bến xe, tiếng rao ngân vang tha thiết như xoáy vào lòng thương xót của những người lên xuống xe, họ quay nhìn cậu thương hại. Lại không, em cho cậu bé cái tâm trạng của kẻ muốn vươn lên vì thế, sự xót xa của người chung quanh làm cậu hơi chán nản mặc dù cậu có thể lợi dụng sự thương xót để bán hết xấp báo. Cậu muốn dùng một phương tiện lâu dài hơn cái tình cảm phút chốc ấy, nó có thể tan biến khi người mua gặp cậu chừng vài lần nữa, mà sự tháo vát, tự lực của cậu thì không, nó bền bỉ để có thể cung ứng cho nhu cầu gấp rút của người mua gấp trăm lần. Bất ngờ, trong một lúc tranh mối với mấy thằng bé bán báo khác, chiếc nạng chống phải lỗ trũng trên mặt đường, cậu mất thăng bằng, chiếc nạng rời khỏi vai, thân mình cậu và cả cái chân cứng đơ lao thẳng xuống đất, xấp báo văng tung tóe… Trời ơi, cậu bé hét lên… mà không, chính là tiếng ú ớ của em trong cảm giác té sóng soài trên mặt đường, cái chân cứng nhắc, em có mơ không, chân em, cái chân phải của em cũng tê rần và… hình như không cử động được. Em gọi U liên tiếp qua làn nước mắt. u thức dậy, vội vã bật đèn. Em không nói với U được gì cả, em ôm lấy chân em, em sợ… vì nó vẫn cứng nhắc, em cử động nó mà không có một cảm giác nào cả. Em bắt U dìu em đi quanh phòng. U đã hiểu vì em nhìn chân em chầm chập. U thụp xuống xoa nắn từ khoảng đầu gối xuống bàn chân và lấy giọng bình thản bảo em:

– Tại cô viết lâu quá, không cử động nó đấy mà!

Sau phút ngẩn ngơ nhận định, rồi chợt hiểu, em bá cổ U khóc, lệ lã chã ướt cả vai U. Em lại muốn nói thật nhiều mà cổ nghẹn đi. Em muốn nói: U à, U là người mẹ và là người bạn mà em yêu mến nhất vì U đã dùng tất cả khả năng để có thể dìu dắt em suốt đời.


6

Đang sắp xếp mền gối của bác lao công giặt xong đem lên, thì U chạy vào cho em biết là có tin Ba em với mảnh giấy nhỏ trên tay. Em mừng rỡ giật lấy rồi quay vào giường. Em nuốt vội những giòng điện tín ngắn ngủi nhưng em nhìn nó như những niềm vui sướng ửng lên từng vòng chữ o, chữ u và chữ a tròn trĩnh, dễ thương. Ba cho em biết là sẽ thăm em vào ngày thứ ba tới. Trong em, có một bản dương cầm đánh thánh thót êm êm lên từng cung bậc, và như có tiếng rì rào của thông thủ thỉ chia vui: Ba của bé sắp lên đó ư? Có mang gì không? Em đáp – Ồ! Dĩ nhiên là có, và nhiều nữa cơ chứ, những xấp vải trắng muốt đủ loại để U bỏ tiệm may áo dài cho em, khi nào em hoàn toàn bình phục sức khỏe, em sẽ mặc chúng, thông ạ! – Chỉ có thế thôi à? – Thông hỏi – Em cười thật tươi – Còn nữa, nhưng mà nhiều lắm, em kể chả hết đâu, kẹo này, bánh này và những kỷ niệm đặc biệt của những vùng Ba đi qua nữa, nhưng… – Thông tinh nghịch lùa qua khe cửa các luồng gió mát, thở vào tóc em – Bé muốn nói gì?… – Em chớp mắt giữa nỗi buồn len nhẹ: – Nhưng… chắc là Ba ốm lắm, ảnh ba gởi cho em, má ba gầy tọp đi, mắt Ba như lùi mãi vào trong, chắc là Ba nhớ em. Ba không muốn đi xa, nhưng Ba lại sợ kỷ niệm dằn vặt, nhưng đi xa Ba cũng buồn. Ba chán cuộc sống ngay khi Me vừa mất đi, Ba bảo em còn nên Ba mới sống. Ba ơi…

Em quay lại vì hình như có ai đặt tay lên vai em. Em ngước mắt nhìn. Chính là Thanh. Thanh mặc chiếc áo dài nội hóa màu hồng. Em khỏa lấp nỗi buồn, trêu cợt Thanh:

– Trời ơi! Thanh xinh ghê hở, Di nhìn mãi không ra, tưởng cô nào ấy chứ!

Thanh nở nụ cười trầm lặng, bí mật, trao cho em phong thư:

– Có cái này hay lắm, Di đọc đi.

Em mở ra lướt mắt vào giòng chữ trên trang giấy, đúng hơn là một tấm thiệp. Tấm thiệp có đề bút hiệu của em, mời đến dự buổi tiệc, à, một buổi họp mặt thân mật để kỷ niệm năm thứ mười kể từ ngày số báo đầu tiên ra đời. Phía dưới có để địa chỉ tòa soạn và ký tên: chị Duy Liên. Em hiểu tất cả và ngẩng đầu nhìn Thanh. Mắt Thanh long lanh, đồng tử nổi lên khuôn mặt em, và nhất là đôi mắt của em, đôi mắt hồn nhiên, trong trẻo em đã đánh mất từ lâu, bây giờ em đã tìm lại được trong đáy mắt, mà cũng là đáy tâm hồn của Thanh. Em nhìn Thanh như thế thật lâu nhưng Thanh đã âu yếm lên tiếng trước:

– Di… Di nghĩ sao?

Giọng em run lên vì xúc động, đáp một câu thật ngắn nhưng đầy đủ ý nghĩ:

– Bệnh lao dễ truyền nhiễm lắm, Thanh ạ!

Hình như Thanh bối rối để tìm câu bào chữa cho em, nên mãi một lúc sau Thanh mới trả lời:

– Chả sao đâu, Di gần hết rồi mà. Hơn nữa, lao cũng có cách ngừa rồi, Di ạ.

Tâm tư em đã có một lập trường nhất định nên em lắc đầu. Em nghĩ đến nửa tiếng đồng hồ phải ngồi trên chiếc xe quay kính bít bùng, trên còn đường gập ghềnh. Rồi em nhìn xuống hai cánh tay khẳng khiu, hai ống chân ốm nhách trông ghê rợn, em vẫn còn yếu lắm mặc dù thời gian được gọi là dưỡng bệnh khá lâu rồi. Nhưng em cũng không thể cấm tâm hồn em thoát ra khỏi những mắc xích hung dữ của bệnh tật, nó vẽ vời cho em thấy chiều thứ năm hôm này, tòa soạn sẽ vui tươi đến chừng nào: đủ mặt văn sĩ nhé, đã là nhà văn thì chắc chắn họ phải dễ thương rồi, nhất là ông chủ bút. Thế nào mặt ông cũng hơi nghiêm nhưng rất vui vẻ. Thế đã đủ lắm đối với em, dễ thương và thành thật nghiệp viết văn đã hun đúc những con người đáng yêu như thế. Em khoa tay vào không gian, khoanh một vòng tròn nho nhỏ, em đặt lên đấy hai chữ khả ái rồi hôn lên mỗi chữ một chiếc hôn thật dài. Em sẽ nhốt những người chuộng nếp sống tinh tuyền của tâm hồn vào vòng tròn bất định ấy, thế giới bất tận của riêng em… Ồ, em lại mơ viển vông rồi mà lại ích kỷ nữa. Em mấp máy môi, hỏi Thanh:

– Thanh ơi!… Không thể nào Di đi được đâu…

Rồi một ý kiến nảy ra, em hồi hộp cho Thanh biết:

– … Hay là Thanh lấy bút hiệu ấy đi rồi Thanh dự buổi họp mặt ấy xong, Thanh về kể lại cho Di nghe… đi đi Thanh!

Dĩ nhiên Thanh lưỡng lự ghê lắm, Thanh cắn môi:

– … Không, Thanh không thể cướp công của Di ngang nhiên được, mặc dù bút hiệu của Di có tên Thanh nhưng Thanh chưa dự một phần nhỏ nào lúc Di xây dựng một câu chuyện… Thà Di không đi thì thôi chứ Thanh không bao giờ làm việc ấy… Di… Di muốn Thanh phản bội tình bạn chúng mình hay sao?

Nước mắt rơi trên áo hồi nào em không hay, mộng ước của em chỉ có thể kết thúc ở giai đoạn này thôi sao?… Không, em quả quyết nói với Thanh:

– … Không, Thanh lầm rồi, Thanh không phản bội tình bạn mà chỉ vun bồi thêm cho tình bạn, Thanh cũng có khả năng sáng tác đấy chứ Thanh nhớ không… Chính trong khi đi dự buổi họp, Thanh là người hy sinh chứ không phải Di, Thanh có nghe rõ không? Bởi vì Thanh có thể tạo cho Thanh một địa vị trong lãnh vực văn chương cao cả hơn Di nữa cơ mà!

U cũng xen vào:

– Cô Thanh, U nghĩ cô nên nhận lời yêu cầu của cô Di đi, tình trạng phổi của cô ấy, Bác sĩ chưa khẳng định được vì…

– Vì sao… ?

Em cũng như Thanh chụp tay U hỏi rối rít. Chắc U biết rõ mình hớ hênh, nên U lấp liếm:

– Vì… cô chưa được khỏe lắm!

Chỉ có thế thôi sao U? Rõ ràng trong đáy mắt U nhiều lắm mà? U định dối em hở U, dối mà làm gì, nếu… Em nghe mắt cay xè, em nhìn U nhưng không hỏi vì em sợ câu trả lời của U sẽ như hòn đá nặng lôi em xuống vùng tăm tối tuyệt vọng. Thà thế còn hơn. Em lặng lẽ nhìn Thanh. Thanh chậm chạp gật đầu. Chỉ chờ có vậy, em ngả người xuống giường vì từ nãy giờ nói nhiều, em có cảm tưởng như lá phổi em muốn rạn ra từng mảnh lẫn với những xúc động mạnh làm quả tim dồn dập đập. Em mệt nhoài, em khép mắt ngủ, nhưng khi Thanh nhẹ nhàng đi ra, sau khi cái nắm cửa xoay một vòng khép lại, em lại mở mắt nhưng vẫn giữ trạng thái của kẻ ngủ say, một tay giữ mép mền. Em muốn suy nghĩ, suy nghĩ về buổi họp chiều nay và nhất là suy nghĩ về lời nói của U đó!


7

Khi U bảo U sẽ ra chợ mua các thứ lặt vặt, trong em đã có một chủ ý nên em gật đầu ngay. Nhìn dáng U khuất sau chiếc cổng to của bệnh viện, em tìm một quyển nháp, một cây bút chì. Em khóa trái cửa phòng rồi thong thả bước xuống thang lầu. Lần đầu tiên được tự do đi một mình em thích ghê lắm. Nói là thích chứ em cũng chả đi đâu xa, em chỉ quanh quẩn trong khu bệnh viện này thôi. Cô bé ở phòng cạnh đi ngược chiều tình cờ gặp em, đôi mắt thoáng vẻ ngạc nhiên, nhưng cũng mỉm cười. Chắc cô bé ngạc nhiên vì em ít khi đi một mình hoặc lang thang như thế này. Em cũng lúng túng cười lại và giấu vội quyển giấy trắng với cây bút sau lưng. Em sợ cô ấy biết, mà theo em nghĩ thì con người khi chưa biết ai sẽ dành cho người đó nhiều mỹ cảm, mà trường hợp biết, gặp rồi vẫn còn giữ trọn vẹn cảm tình, e hơi hiếm. À! Em muốn nói mục đích chuyến lang thang của em. Nó có một lý do rất đáng yêu như thế này: em muốn xây dựng một cốt truyện lấy nơi đây làm địa danh, dĩ nhiên đối tượng để em viết truyện chọn lựa trong những người bệnh nằm trong gian phòng rộng lớn kia, dễ quan sát hơn. Em muốn có những hình ảnh sống động thật sự, với những tưởng tượng dồi dào một tí, em nghĩ chắc câu chuyện sắp tới của em sẽ có nhiều tiến bộ đặc sắc.

Xuống đến nơi, em bối rối kinh khủng khi phải chọn lựa giữa nhiều hình ảnh. Em cầm quyển giấy và cây viết có vẻ… giống điều tra viên quá. Hơn nữa, em gầy guộc trong chiếc áo len rộng thùng thình, ai cũng đoán được em là bệnh nhân trên lầu, đó đã là điều khó thứ hai. Sau, em xoay quyển giấy quạt phần phật vào mặt (có lẽ lúc ấy em buồn cười lắm vì đã mặc áo lạnh mà còn quạt). Tạo cho nó cái dáng của cây quạt bất đắc dĩ, em ngồi xuống cạnh một bệnh nhân nằm trong một góc kín của căn phòng, người bệnh mà em gặp đầu tiên ngay khi bước xuống thang lầu. Em len lén quan sát: một chân bà ta băng kín từ đầu xuống bàn chân. Em đoán có lẽ bà đã gặp một tai nạn, một chiếc xe húc phải chẳng hạn. Nhưng đôi mắt của bà trong sáng, chắc hẳn bà tin tưởng cái chân mình sẽ lành. Em quay đi vì nghĩ rằng bà chưa cho em những xúc động mạnh khi nhìn thấy bà, như thế sự tưởng tượng và viết thành câu chuyện khó có những màu sắc riêng của nó được. Em xoay ánh mắt về một cô bé nằm bên trái, gần em nhất. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt làm em choáng váng, cảm giác sợ hãi rần rật chạy từ đầu lan dần xuống các đốt xương sống làm em lịm người, bàng hoàng. Các giác quan của em hầu như tê dại đi: một cánh tay và một bàn chân của cô bé sưng vù lên, bầm tím làm em có cảm tưởng như thịt ở trong ấy đã rữa thối tất cả. Cứ mỗi lần cử động, cô ấy lại rên lên như nửa thân mình đã tê bại hẳn. Không nén được nữa, em vụt chạy ra sân, lưng tựa vào tường, thở từng hơi dài như xua tất cả những nặng nề ám ảnh ra khỏi đầu óc em. Ở lần đầu tiên, em thấy em đã thất bại hơn một nửa chương trình. Những xúc động mạnh quá hay nhẹ quá khiến em có thể viết văn mô tả mà không thể xây dựng thành một câu chuyện. Em nghĩ nhân vật chính phải là em, em trong một tâm hồn mới, một cái nhìn mới, một chiều hướng tư tưởng mới. Em có thể lấy những cảm giác nhẹ nhàng mà u sầu thật nhiều, có thể được, để viết. Nhưng không thể nào viết trong sự kinh hãi rối loạn khi… hình ảnh em viết có một nhân vật em thường xuyên gặp mặt… Bất chợt, một cảm giác nhờn nhợn, khó chịu tràn lên cổ, hình như có hàng trăm con vi trùng lúc nhúc bò lên. Em ôm ngực, dằn người xuống ho rũ rượi liên tiếp, lẫn trong nước miếng em vừa khạc ra, những đốm máu lợn cợn xuất hiện. Em nhìn sững đến ngây dại. Chính ngay lần sắp cắt bớt một lá phổi, em đã ho trong những cảm giác khủng hoảng như thế. Cảm giác ấy đã thực sự rõ rệt hơn lên sau những đêm viết lách mệt mỏi, em lên giường thì cơn ho lại dậy lên, nhưng vì em giấu mặt trong chiếc khăn tay xuống mền, nên âm thanh không vang dội. Dĩ nhiên U không hay để có thể la rầy hay cấm đoán em. Cố lấy bình tĩnh, em cúi xuống nhặt bút và xấp giấy vừa rơi xuống đất rồi lảo đảo đi lên, quên cả nhìn cô bé nằm cạnh cầu thang. Tuy vậy, em vẫn còn giữ ý định sẽ viết tiếp một câu chuyện, dù nỗi kinh hoàng ám ảnh của triệu chứng bệnh lao đang lan dần trong hồn em. Dường như em đã đoán trước được những gì xảy tới thì phải.

Em nằm một lúc lâu thì Thanh đến. Thanh vui tươi như đóa hoa hồng nhung ghé mình hứng giọt sương mát buổi sáng. Em đoán chắc là Thanh có nhiều chuyện vui lắm trong buổi họp mặt vừa qua nên đáy mắt Thanh long lanh sáng, tiếng nói Thanh ríu rít như buổi sớm mai. Em thu mình sưởi ấm trong chăn, nhắm nghiền mắt nghe tiếng se sẻ trò chuyện. Thanh không chú ý đến cái dáng mệt mỏi của em lúc nằm trên giường. Em cũng cầu mong thế. Em nghĩ nên để Thanh nói lúc này, lúc con tim của cô bé có những rung động nhịp nhàng mà cũng thật mãnh liệt. Em chỉ ghi nhận rất ít, những hình ảnh mờ ảo trôi qua óc em thật nhanh: những câu trò chuyện, những khuôn mặt dí dỏm, trầm ấm, những câu bắt bí khôi hài. Thật đúng với tưởng tượng của em khi vẽ vòng tròn lồng vào đấy 2 chữ khả ái. Thanh diễn tả thật say mê đến độ em có cảm tưởng Thanh đã thực sự bước vào thế giới ao ước, thần tiên của riêng cô bé, mà cũng… cũng có thể là thế giới tưởng tượng viển vông của em, của con bé yếu đuối đan cuộc đời bằng những sợi tơ trời màu hồng mong manh.


8

Mùi đầu tiên quạt vào mũi em là mùi ê-te nồng nặc. Em hơi hãi đưa mắt nhìn quanh căn phòng xa lạ, tiếng máy điều hòa không khí chạy ù ù. Em bắt gặp U ngồi thất thần nơi một góc phòng, mà hai mí mắt thì gấp lại tạo những vết nhăn dài ấn con mắt trũng sâu như hai đáy hố. Chiếc áo U đang mặc nhầu nát, có lẽ U đã thức suốt đêm. U chạy đến bên em sau khi bắt được ánh mắt tỉnh táo của em. U quỳ cạnh giường, má U ràn rụa nước mắt, U nói khe khẽ:

– Hôm qua cô sốt và ho nhiều quá, U sợ, gọi bác sĩ. Sau khi khám nghiệm, bác sĩ bảo đem cô xuống phòng này liền. U lo lắng quá. Ban nãy có Thanh đến thăm, cô ấy đứng lặng người…

Em trấn tĩnh U bằng giọng nói nhẹ nhàng:

– Chắc cũng không sao đâu U ạ, lại cần phải rọi phổi chứ gì?

Nhưng U đã nức lên, tay nắn noáy khớp xương nơi cổ tay em.

– Sao vô lý như thế được… rọi phổi thì cần gì phải đưa xuống đây, U biết mà. Tay chân cô ốm khủng khiếp như thế này…

Em gượng pha trò:

– Em thấy U như mấy bà… phù thủy trong truyện cổ tích ấy, cứ sợ nuôi mấy đứa bé không mập…

Giọng em yếu quá nên U phải cúi xuống thấp mới nghe rõ. U thì thầm như nói với ai:

– U sợ không làm tròn lời ký thác của Cậu, Mợ, cô Di ạ.

Em mỉm cười bình thản, liều lĩnh của kẻ đứng trước định mệnh:

– Chắc vi trùng lại ăn lan nữa chứ gì… U khéo lo, khoa học không bó tay đâu!

Nhưng rõ ràng giọng em yếu dần… em khe khẽ bảo U:

– U chạy lên trên phòng, lấy dùm em xâu chuỗi xuống đây…

U ngạc nhiên thì em hối thúc:

– Có chuyện này… em muốn nhờ U, nhớ mang xấp giấy truyện em đang viết nữa…

U không hỏi nữa, cắm đầu chạy lên rồi trở xuống với đủ các thứ. Em bảo U nâng em ngồi dậy, em xếp xâu chuỗi vào một chiếc hộp đựng thuốc đã hết. Em trao chiếc hộp lẫn xấp giấy cho U:

– U đến nhà Thanh bảo là em muốn tặng Thanh xâu chuỗi này kỷ niệm cầu nguyện cho em… chóng hết bệnh. Còn câu chuyện này, em nhờ Thanh viết nốt đoạn cuối, ký tên Thanh Di vào đó, bảo Thanh, em muốn Thanh cũng viết truyện, ký tên hai đứa mãi mãi để Thanh Di mãi mãi là hình ảnh, ý tưởng và mộng ước của hai đứa, U nhé!

U bước đến cửa, nhưng còn ngần ngừ chưa đi. Ánh sáng bên ngoài hắt vào một nửa người U, soi rõ từng giọt mồ hôi lẫn nước mắt ràn rụa. U cắn chặt môi đến rướm náu, em lại thúc:

– Em chờ tiếng ừ của Thanh đấy, U đi dùm em nhanh lên!

U khép cửa, cúi đầu rảo bước vì em nghe tiếng chân U thật vội vã. Phần em, mấy tiếng sau cùng em hét, cố gắng la to nên em thở dồn dập. Cảm giác ngứa ngáy lại xuất hiện, em cố nuốt xuống nhưng không được. Em ho từng chập, người em co quắp, nước mắt chảy nóng cả má. Em cố gắng nghĩ đến ngày về của Ba, là ngày mốt, không hiểu em… có gặp Ba nữa không? Có được nhào ra cửa bắt Ba hôn một cái thật kêu, đem hoa Ba tặng cắm vào bình không? Bất giác em nghĩ đến U, U đang cố sức chạy thật nhanh về nhà để… mà không, về nhà thương để tiếp tục săn sóc, giữ gìn em, “giữ tròn lời ký thác của Cậu, Mợ”. U đã cho em nhịp điệu cuối cùng êm đềm đó nhưng U có bao giờ nghĩ rằng em đã không trả U lại được một lời nhỏ, một âm thanh ngọt dịu đến thế không? Có bao giờ U nghĩ rằng, sau khi đến nhà Thanh, trao cho cô bé ấy những chương trình, những kỷ vật em ấp ủ bằng trái tim thương tích, nhưng khi U trở về, U sẽ mất em… vĩnh viễn không? U sẽ ra sao khi căn phòng có một mầu drap trắng xóa? Hở U??… Em lại nghĩ đến Me như một chắp nối vô hình. Em thấy mình như bé lại, mặc chiếc áo đầm hồng, lom khom bên bờ cỏ dại, hái những hoa tím rưng rức buồn cho vào giỏ, gió lạnh lùng xoáy xoáy vào những cành thông cao chót vót, run rẩy những cánh lá khô. Trời hững hờ kéo những tảng mây xám băng băng trôi thật nhanh. Rồi cũng thật tình cờ… em ngước nhìn lên đỉnh đồi. Kìa, có phải… có phải Me em đấy không? Sao Me đứng một mình, không có… Ba? Có phải Me cười, Me vẫy tay gọi em đó không? Vâng, con đến đây Me ạ! Me có hiểu là con thương nhớ Me đến chừng nào không? Ba cũng thế, Ba hay nhắc Me mỗi lần nói chuyện với con. Ba bảo con càng lớn càng giống Me, nhất là những lúc ho, má hồng lên, nước mắt long lanh trào ra. Ba nói rồi đôi mắt Ba rưng rưng. Thế mà Me vẫn bỏ Ba đi, vẫn bỏ con đi, bắt con làm đứa con gái mồ côi Mẹ! Me có biết là con sợ mất Me đến chừng nào không? Nhưng lần này, con nhất định không để mất Me nữa đâu! Con sẽ bắt đền Me thật nhiều để bù lại khoảng thời gian con xa vắng Me! Me sẽ lại chiều chiều dắt con đi bộ dọc theo hồ Than Thở, có những rặng cây lù mù xa tít tắp… Thích ghê Me nhỉ? Và… em cắm đầu chạy lên đỉnh đồi, một tay giữ chặt cái mũ rơm với hai dải lụa hồng phất phơ, một tay đong đưa chiếc giỏ… Hình như… có U dưới đồi gào em trở xuống, nhưng U à, em thương Me lắm, hãy để em về với Me… Em nhớ là em đã ngã xuống mặt cỏ mấy lần vì mấy bụi gai cứ nhào ra giữa đường, vướng cả lối đi… nhưng sau cùng, em đã ngã trong vòng tay Me, vòng tay ấm cúng đến ngọt ngào. Me cúi xuống âu yếm hôn em rồi trao cho em một bông hồng trắng tuyệt đẹp, đẹp như mầu trắng tinh khiết của áo Me! Me ơi! Có phải Me cho con gái Me một giọt nước mắt đó không? Một giọt nước mắt thánh thót, huyền diệu đã dìu con vào thế giới của Me, thế giới của một vùng biển lặng ngàn đời…


Linh Hương        
(bút nhóm Thương Linh)


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 107, ra ngày 1-6-1969)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017

XOÀI TƯƠNG - Trần văn Mỹ


Còn một buổi học nữa. Ngày mai Cường đã nghỉ hè rồi. Các bạn của Cường tỏ vẻ luyến tiếc. Mặt mày đứa nào cũng buồn hiu. Kẻ thì làm Lưu bút. Người thì tặng ảnh... để kỷ niệm. Giờ chơi đã đến ai cũng mong cho thời gian ngừng lại, để được tâm sự, chỉ còn có dịp này thôi. Nhưng đối với Cường thì lại khác. Cường cho đó là chuyện của con gái. "Con trai ai lại bịn rịn trước phút chia tay"... Cường còn mong cho chóng về học, để còn hẹn với thằng Tâm và Phương, vào trưa hôm nay. Lúc sau, tiếng kẻng vào học vang dội. Học sinh vào lớp.

Ngồi trong lớp chán ghê! Thầy giảng về đề tài Luật đi đường. Cường không buồn để ý đến. Không nên phí thời giờ một cách vô ích, Cường mới nghĩ ra một kế hoạch... Chuyện này rất quan trọng, Cường không thể tiết lộ cho ai ngoài Tâm và Phương. Mắt Cường đăm đăm nhìn ra cửa sổ. Những cụm mây trắng bay về nơi khoảng trống, gió thổi hiu hiu, cây Bàng rung động, lá Bàng rơi xào xạc theo chiều gió. Cường thấy "hứng" quá. Bỗng có tiếng thước kẻ, và tiếng thầy vang lên:

- Cường làm gì thế?

Cường quay lên, nhẹ nhàng đứng dậy:

- Muốn qua mặt một chiếc xe em phải làm thế nào? Thầy hỏi.

Cường ngập ngừng chả biết làm sao... Cường đáp liều:

- Thưa... thầy... em làm sao qua mặt được xe, thầy.

Cường hơi yên chí. Thầy gắt:

- Nếu em là tài xế, khi qua mặt một chiếc xe thì em làm thế nào?

Trời ơi! Cường có nghe lời giảng đâu mà biết. Thế thì chết. Thế nào cũng bị "đét". Cuối năm mà bị đánh, về nhà ức lắm. Thằng Tâm ở bên kia, ra hiệu : bàn tay cứ bóp bóp không khí. Cường chả hiểu gì? Thế là sao? Hay là nó bảo mình vặn ga Cường thầm nghĩ Mà vặn ga thì xe mới chạy nhanh. Nếu xe chạy nhanh, tức phải qua mặt. Có lý lắm... Cây thước chạm vào tấm bảng, kéo Cường về thực tại:

- Đốp... Lâu thế?! Thầy gắt.

Không ngần ngại, Cường đáp ngay:

- Dạ. Thưa... thầy muốn qua mặt một chiếc xe thì... Em phải vặn ga hết tốc...

Cả lớp cười như vỡ nóc nhà.

Mặt thầy đỏ bừng, thầy quát:

- Im! Nãy giờ em làm gì mà không nghe giảng bài. Hở??

Chết rồi! Sai rồi. Cường run quá. Chắc sẽ năm cây. Đúng theo dự đoán, thầy gọi Cường lên và "đét" cho năm cây đau nhói.

Keng... keng. Cường có mơ không nhỉ? Đúng rồi. Cường không mơ. Kẻng ra về.

Ra khỏi sân, tụi Cường họp ngay lại. Cường đã tìm được cuộc đánh cắp xoài rất có quy mô ở nhà ông Hội, đúng hai giờ trưa hôm nay. Nói gì chứ xoài là nguồn sống của tụi Cường mà. Chẳng những thế, xoài còn bày ra những trò chơi rất thích hợp cho đám con trai.

Mỗi khi buồn, Cường còn nói cho chúng nó nghe rằng:

- Xoài tượng là một loại rất hiếm thường đi đôi với nước mắm đường.

Thế là mạnh thằng nào nấy cười. Nước miếng ứa miệng. Để Cường tả sơ về cách thưởng thức, chắc các bạn cũng biết : "Xoài tượng nhé! Làm một bát mắm đường. Xong rồi gọt ra... Chu choa sướng lắm...". Cường đã chơi cái trò này nhiều lần trước mặt anh Mỹ, và mỗi lần như thế thì anh Mỹ nói không ra tiếng, vì miệng đã đầy... nước miếng. Không biết trả thù bằng cách nào nên anh thường lấy những chuyện xấu của Cường ra, để làm trò cười cho bọn em của Cường:

- Các em ơi! Xem này, mau đi...

Cả đám nhóc theo lời anh ấy, lên để trêu Cường. Nào là:

- Mẹ ơi! Tháng vừa rồi con đứng thứ năm mươi chín mẹ ạ! Tháng này con chăm hơn. Mẹ nhé! Lớp con có sáu chục đứa. Tháng này nghỉ ba đứa... Thế nên con được đứng thứ năm mươi bảy. Mẹ thấy con ngoan chưa?

Cả lũ cười rùm. Đứa ôm bụng đứa ôm mặt. Cường vẫn thản nhiên, vừa ăn vừa chép miệng. Anh Mỹ giả vờ quay đi chỗ khác. Anh đánh "ực" một cái. Cục cổ của anh như chực chạy lên rồi lại chạy xuống. Anh tiếp:

- Giời đất ơi! Thế mà bảo chăm. Con nhà hư đốn mà bảo ngoan.

Cả đám nhóc lại được một dịp cười vỡ bụng. Cường làm ra vẻ tự nhiên. Nhưng trong lòng ức lắm. Tại vì chuyện đó có thật, nếu không thì chết với Cường. Cường tự trách mình : Không biết tại sao mà ngu thế. Cường chỉ nói cho mẹ nghe thôi. Chuyện ấy cũng hồi lớp nhì rồi mà tới nay anh cũng còn trêu. Thấy thế yếu Cường liền đấu dịu:

- Nè thằng Sún kia! Có thèm thì bảo anh mày cho ăn, chớ đừng chọc tức.

Cả lũ nhóc con ngần ngại. Nhưng khi thấy Cường chìa miếng xoài, hương chua ngào ngạt, cả lũ xòe tay ra. Cường phát cho từng đứa. Thấy tình thế vững chắc một trăm phần trăm, Cường nói:

- Anh Mỹ ạ! Này nhá. Em thấy nãy giờ em thua anh (Cường cắn rốp) em rất hài lòng... Vì hôm nay anh có vẻ xếp lắm... Vậy em mời anh thưởng thức (Cường chia nửa miếng xoài ra) nửa miếng xoài này cho mát ruột... 

Cục gù ở cổ anh, cứ nhảy vọt lên, xuống.

- Được rồi. Hôm nay anh nhận thấy em thông minh lắm Anh Mỹ bắt đầu bước tới. Với tay lấy thì...

- Xí hụt. Ê mắc cỡ...

Cả đám cười rầm rầm. Cười gấp hai lần chúng nó cười Cường.

Cường vừa nói, vừa cười:  

- Tụi em thấy chưa, anh Mỹ anh ấy tham lắm... Anh vừa nói vậy mà ảnh đã chộp rồi...

Mặt anh Mỹ đổi sang màu "Quan công":

- Mày lộng rồi hả Cường? Tao cho mày chết anh Mỹ phóng tới chụp tay bẻ Cường cũng không vừa:

- Mẹ ơi! Mẹ ơi... Anh Mỹ đánh con...

Mẹ từ dưới bếp chạy lên. Thấy anh Mỹ nắm tay Cường giằng giằng, mẹ quát:

- Làm gì thế Mỹ? Bỏ ra mau...

Anh Mỹ chưa kịp bỏ, mẹ cốc cho anh hai cái vào đầu. Nước mắt Cường chảy ra ràn rụa. Cường phân bua:

- Mẹ xem nhé... Anh xin con xoài con không cho... rồi... anh bảo con trêu anh... ảnh lại đánh con...

Anh Mỹ vừa hé môi:

- Mẹ xem con đương...

Tiếng mẹ:

- Thôi, thôi... không đương không sỏ gì hết.

Mẹ lạnh lùng bỏ đi vô, để cho anh Mỹ một nỗi niềm uất hận. Còn Cường, trái với lúc nãy : Cường khóc nhiều bao nhiêu thì bây giờ lại tươi cười bấy nhiêu. Cường không khác nào như ông Luật.

Ấy, xoài tượng có một mãnh lực như thế đó. Nhưng chưa hết đâu, còn nhiều...

Trưa hôm ấy, có ba đứa leo vào vườn nhà ông Hội. Không ai khác hơn là : Cường, Tâm và Phương. Đứng trước cây xoài tượng đầy những quả xanh, "Giời" ơi, thế này, ai mà không ham.

- Ê, Cường, gói muối đâu?

Tâm hỏi.

Cường vừa ra hiệu vừa đưa gói muối lên. Thằng Phương chép miệng khen:

- Ngon quá nhỉ?

- Suỵt... Suỵt... bứt đi Cường nói. Hai đứa leo lên cây.

- Đưa gói muối đây.

Cường đứng dưới lo canh.

- Này mày làm gì?? Cường vất lên cho nó.

- Rụp... Rụp...

- Mày làm gì đó Phương?

Không có tiếng trả lời. Cường nóng ruột quá. Thằng Phương đang ngồi trên cành, vạch muối ra ăn xoài. Miệng nó nhai... rốp... rốp... Mặt nhăn, mày nhíu lại. Cường ứa gan quá. Cường leo lên. Chắc là Cường leo nhanh quá mà không định hướng, chỉ "định xoài" nên:

- Rắc... ấy chết... tao rồi Tâm ơi!

Bịch một phát. Cường muốn sụm cặp chân. Hai đứa nó xuống đỡ Cường dậy.

- Ui da... đau quá...

- Có sao không mày?

Cường gắt:

- Tại mày... mày ham ăn đó.

- Tại mày chớ tại ai... mày leo nhanh...

- Đứa nào đó?? "Giời" ơi tiếng ông Hội.

- Làm sao đây? Phương nói.

Tiếng ông Hội quát càng to, bước chân nặng trĩu của ông đập xuống đất thình thịch. Cường điếng cả hồn. Đời tàn rồi. May thay trời còn thương, chân hết đau.

Chạy mau đi. Ba đứa cùng chạy, Cường dẫn đầu vì đã từng ăn cắp ở vườn này, hôm nay chẳng sợ lạc đường. Ông Hội càng lúc càng gần. Tiếng của ông Hội làm Cường muốn tắt thở. Tâm và Phương mặt mày xanh như "quả xoài sống". Tụi Cường đã vượt qua hai hàng rào. Ông Hội cũng thuộc loại già gân, cứ nà nà đuổi theo. Được một quãng khá xa, ông dừng lại chửi như sấm:

- Đồ cô hồn... đồ trời con...

Ba đứa đứng lại nghe. Cường nói thầm: Chắc có lẽ mình là trời con thật ấy...

Tối hôm ấy về nhà, Cường mở nhật ký ra, và điểm lại các lần mà được phong làm "trời con". Từ lớp tư, đến bây giờ là lớp nhứt. Ôi thôi vô số "Trời con". Mặc dù hối hận, Cường vẫn không quên được quả xoài tượng nằm cận chén mắm đường.


TRẦN VĂN MỸ (G.K)    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 135, ra ngày 15-8-1970)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com