Trường
đút hai tay vào túi cúi đầu lầm lũi bước, anh muốn đi tìm hương vị ngọt
ngào của sương đêm trên đầu môi và cảm giác lạnh se sắt của ngọn gió
đầu mùa tìm về gây gây da thịt. Trời chưa sáng hẳn, lớp sương mù rất
mỏng bủa vây thành phố, mặt trời tỏa sắc hồng rực rỡ thắm thiết sau hàng
cây xanh đen. Trường ngửa mặt hít hơi lạnh, anh bỗng cảm thấy quê hương
mình là đẹp, là thiết tha biết mấy. Có lẽ chưa bao giờ Trường để một
phút một giây mà thương mến ngọn cỏ nhánh cây bên đường như phút này.
Anh bỗng cảm thấy mình lớn hẳn lên, trong niềm suy tư và niềm luyến lưu
những giờ phút cuối cùng còn hiện diện trên mảnh đất quê hương, để bắt
đầu một cuộc hành trình rất xa xăm, và cũng rất xa lạ.
Trường
thoáng nghĩ đến tháng ngày qua, đến những khuôn mặt bạn bè, bàn ghế nhà
trường... mới từ giã không bao lâu, mà có lẽ chẳng bao giờ tìm lại được
nữa. Bạn bè thân thiết đếm không đầy trên ngón tay, tối hôm qua, khi
chia tay Duy, anh chợt cảm thấy một nỗi nghẹn ngào bâng khuâng rất xa lạ
dâng lên làm nghẹn hơi thở. Phải chăng tạo hóa đã ưu đãi anh hơn Duy?
Hơn những người bạn cùng lứa tuổi học trò mà đã sớm bước vào cuộc đời?
Trường bỗng cảm thấy ích kỷ và hẹp hòi với những người chung quanh, anh
cố xua đuổi ý nghĩ dằn vặt và tự bào chữa cho mình. Giờ này Duy bắt đầu
đi dạy học, mỗi sáng đều đều đến lớp học nhỏ bé để làm tròn chức vụ. Con
đường tương lai Duy vẽ vời mơ mộng chỉ còn là khoảng trống dài tít tắp,
cuộc đời sẽ đi về đâu với một chút ít kiến thức, với đám học trò nhỏ ê a
buồn tẻ. Duy định đến sân bay tiễn anh nhưng rồi thôi, hai đứa đã thỏa
thuận không tiễn đưa gì nữa. Duy theo anh về đến tận cổng, lần đầu tiên
Trường nắm tay Duy thật lâu, bàn tay xương xẩu thấm lạnh. Đôi mắt Duy
chớp nhanh.
- Thôi nhé, chúc cậu đi bình yên!
Duy rời bàn tay Trường rồi quay đi lầm lũi bước. Trường nhìn theo bối rối nói với:
- Chúc cậu ở nhà may mắn vậy...
Duy
quay lại nhếch mép, cười với Trường bằng đôi mắt. Bóng Duy nghiêng ngả
xa dần trong đêm. Trường thầm hỏi có phải đây là lần cuối không...
Trường
bỗng cảm thấy lạnh hai vai, anh đã đi gần hết các con đường từ khi trời
còn đầy sao, và bây giờ ánh nắng lên cao bắt đầu rực rỡ. Trường trở về
nhà trong niềm man mác mong manh. Anh đứng bên ngưỡng cửa đưa mắt nhìn
tất cả mọi vật, mẹ anh đang lúi húi bên phin cà phê, quay lại thấy
Trường bà cụ hơi trách móc:
- Sáng sớm mà con đã vội đi đâu, nhỡ cảm vào thì khổ!
Bà
cụ trao cho Trường ly cà phê đen bốc khói. Anh nhấm nháp từng tý để
nghe hương vị đậm đà tê lịm đầu lưỡi. Trường bỗng cảm thấy thèm thuồng
và thích thú vô cùng với mùi thơm ngào ngạt như chưa từng bao giờ được
hưởng.
Tiếng
cười trẻ con làm Trường quay lại ; cu Ngọc vô tư nghịch ngợm trên tay
chị Kim, thằng bé cười sằng sặc để lộ chiếc răng cửa bắt đầu nhú, thấy
Trường cu Ngọc nhoài người đòi bế, đôi tay chới với trong khoảng không.
Trường nâng cháu lên cao đùa nghịch rồi ôm gọn trong tay nựng nịu:
- Cu Ngọc dậy sớm thế, mới 7 giờ mà!
Chị Kim bước đến gần Trường, nắm tay con đỡ lời:
- Cháu dậy sớm để chơi với cậu, chiều nay cậu đi rồi còn gì cu nhỉ!
Thằng bé há miệng cười, gật gật với mẹ. Trường rút cây bút máy cài vào ngực cháu vỗ về:
- Cậu cho cu Ngọc nhé, mai mốt đi học mà viết, chịu khó học giỏi khi nào về cậu cho quà, cu nhé...
Thằng bé ngơ ngác mân mê ngực áo, tròn mắt nhìn Trường đăm đăm rồi thích thú cười thật tươi. Món đồ chơi thằng bé ham thích, hay đòi của Trường mỗi khi anh bế nó trên tay, nay bỗng dưng được giữ cu Ngọc nắm chặt như sợ bị đòi lại. Mẹ anh quay lưng nhìn thằng bé rồi nhìn Trường âu yếm:
- Bao giờ cậu về thì cháu đi học rồi còn gì, rồi tha hồ cậu dạy cháu cho giỏi...
Trường
lặng lẽ nhìn mẹ chua xót, vẻ nghèo nàn đã làm bà cụ già hẳn đi, nước da
nhám đen vì vất vả đã bắt đầu nhăn trên vầng trán. Trường nghĩ đến cuộc
sống chật vật của gia đình mình từ bao nhiêu năm nay. Nếp sống sung túc
và những dấu tích của một thời đài các xa xưa đã để lại tất cả trên
mảnh đất quê hương yêu dấu của mẹ ngoài ấy. Chỉ còn lại những món lặt
vặt, chiếc ấm đồng nặng trĩu, những bộ tách chạm trổ quý giá, những
chiếc áo nỉ ấm áp, manh nhiễu óng ả mẹ quàng cổ ngày xưa, cho đến tấm
khăn quấn đầu nhung đen đã cũ... những vết tích kỷ niệm mà bà cụ nâng
niu gìn giữ như báu vật ngàn đời. Luôn luôn mẹ anh dành cho quê hương
tất cả niềm tôn thờ hoài niệm. Đưa trái nhãn nhấm trên môi, mẹ Trường
chép miệng, giọng nói như còn thoảng nỗi tiếc nhớ, như ướp trọn niềm
hoài hương tận đáy lòng:
- Nhãn làng tao ngoài ấy ngon cơ, cùi dầy mà ngọt lịm chứ đâu như thế này...
Bao giờ Trường cũng chỉ tủm tỉm cười với Nhiên – em gái út của anh –
mà cho rằng mẹ anh khéo tưởng tượng. Bà cụ luôn hứa hẹn sẽ đưa các con
về thăm làng cũ, có vườn rộng thênh thang, trái cây ngon ngọt... Có lần
Nhiên nhìn mẹ cười bông đùa:
- Chắc chanh làng mẹ cũng ngọt lịm như là đường phèn...
Mẹ Trường nhìn con trách móc:
- Chúng mày rồi cũng đến mất quê mất gốc thôi con ạ!
Đến
bây giờ Trường cũng chỉ nghĩ đến quê mẹ với hình ảnh duy nhất là mảnh
vườn rộng của mẹ đầy là cây là trái. Anh không dám nói ra ý nghĩ ấy sợ
mẹ lại bảo Trường chỉ nghĩ đến ăn. Anh chỉ dám đùa với mẹ mà không bao
giờ nghịch ngợm với bố. Mẹ Trường bảo ba anh già hẳn đi từ mười mấy năm
nay. Nỗi vất vả nhọc nhằn đã làm ông cụ già trước tuổi. Ngày hai buổi
đến sở làm đều đặn như cái máy, gương mặt khắc khổ hằn nét suy tư. Ông
xót xa nhớ đến thuở đã qua mà tưởng chừng đã quá xa xưa. Trường đọc được
trong mắt ba niềm chua xót mỗi khi ông cụ buồn buồn giở lại tập ảnh
ngắm nghía.
Tiếng
guốc bước rộn rã làm Trường giật mình quay lại, Nhiên ôm trong tay con
chim bồ câu cười ngây thơ, hàm răng trắng lưa thưa mà Trường vẫn thường
hay trêu chọc:
- Đố anh Trường hôm nay là ngày gì?
Trường nhìn em lạ lùng không hiểu Nhiên muốn nói gì. Trường còn đang thắc mắc thì Nhiên đã phá lên cười dòn dã:
-
Ngày sinh nhật của con chim này nhé. Trường còn nhớ năm trước con chim
của bác Nghị ấp hai con, cho mình con này hồi đó còn bé xíu...
Trường
gật đầu như cái máy mà không nghe em nói những gì. Anh lặng lẽ ngắm
Nhiên, kém Trường vài tuổi mà con bé trẻ con lạ lùng. Mấy năm trước,
Trường còn cả ngày cãi nhau chí chóe với em. Con bé lại bướng kỳ lạ
nhưng lại mau quên, đang giận nhau Nhiên chạy đến kéo tay Trường tinh
nghịch:
- Đố anh Trường tìm thấy...
Trường
làm bộ nghiêm trang không thèm nghe, giật tay lại rồi nhìn thẳng ra nơi
khác. Nhiên giật mình đưa tay lên che miệng xuýt xoa:
- Ý chết, xin lỗi, xí đó nheng! Người ta quên chứ không thèm làm quen đâu à...
Trường
phá lên cười thích thú là con bé đỏ mặt vùng vằng định dỗi nhưng rồi
cũng đành cười theo. Trường bồi hồi hồi tưởng lại những kỷ niệm nho nhỏ
mà thấy tiêng tiếc. Có lẽ chẳng bao giờ anh tìm lại được trọn vẹn những
tháng ngày thơ ấu cũ, với những niềm vui, những lần giận hờn rất đỗi trẻ
con bé bỏng. Trường vẫy em lại gần – Nhiên vừa trao cho anh chiếc túi nhỏ – vừa ngước mắt hỏi:
- Chuyện gì vậy?
- À, chiếc túi em may cho Trường đó, để đựng mấy đồ lặt vặt xách tay cho dễ...
Trường
lặng lẽ nhìn em, muốn nói với Nhiên mấy lời thân thiết trước khi xa
cách nhưng anh bỗng cảm thấy ngượng ngùng không sao mở lời. Trường không
đủ tự nhiên để nhắn nhủ, khuyên Nhiên dù chỉ một câu. Nhiên mở to mắt
nhìn anh giọng ngạc nhiên:
- Cái gì vậy anh Trường? Anh làm sao vậy?
Trường bối rối ngước mắt nhìn lên rồi cuối cùng đành thấp giọng hỏi bâng quơ, dù anh đã thừa biết câu trả lời:
- Nhiên đem trả anh Hùng mấy quyển sách anh dặn chưa?
- Rồi mà, bộ anh không tin hả? Vào đây em cho xem cái này bí mật...
Nhiên
kéo tay anh sềnh sệch. Trường định đứng dậy theo em thì nghe tiếng mẹ
gọi nhà ngoài. Anh vội gỡ tay Nhiên hấp tấp chạy ra. Anh thấy mẹ đang
tươi cười chuyện trò cùng mấy bà cụ bạn. Thấy Trường, mẹ anh nắm tay con
cao giọng kể lể:
- Thưa bác cháu nó xin chào hai bác để sửa soạn đi đấy ạ.
Bà khác nhìn Trường với đôi mắt đầy thiện cảm lẫn dò xét:
- À... có phải cái cậu sắp đi Nhật đấy không ạ?
Mẹ Trường nhìn anh cười hãnh diện:
- Chính cháu đấy ạ! Thưa bác những 5 năm nữa cháu mới về...
Trường nóng bừng mặt, ngượng muốn chín người khi nghe bà bạn mẹ nhìn anh khen nức nở:
- Gớm cháu bác học hành giỏi giang nhỉ, mà lại ngoan ngoãn nết na nữa chứ... Coi kìa! Cứ như con gái ấy thôi!!!
Trường
nghe tiếng cười khúc khích trong nhà, anh vội tìm cớ rút lui vào trong
vội vàng. Vừa thấy mặt anh, Nhiên vỗ tay cười trêu chọc:
- Ôi chao, anh Trường cứ như con gái được người ta xem mắt hỏi làm vợ ấy thôi!...
Trường cố nhịn cười, lừ mắt nhìn em:
- Bậy nào! Cái con bé này.
Nhưng Nhiên vờ như không trông thấy, cười hồn nhiên:
- Ông tướng giặc nhà tôi mà được khen ngoan thì loạn đến nơi!
Trường đành cười lảng theo, lắc đầu nhè nhẹ:
- Thôi thôi xin cô tha cho, trời đất lâu lâu cũng phải nổi cơn gió bụi chứ!
Trường chợt nghiêm mặt nhìn Nhiên thấp giọng:
- Nhiên này!
Nhiên ngước mắt nhìn anh chờ đợi:
- Gì cơ?
-
Bây giờ nhà chỉ còn mình Nhiên thôi, nay mai chị Kim ra Nha Trang với
anh ấy. Anh nhờ Nhiên trông coi mọi việc giùm anh nhé, thày mẹ cũng già
rồi...
Nhiên
ngoan ngoãn đứng im, đưa ngón tay lên miệng cắn nhè nhẹ. Trường bỗng
nghe thương em hơn lúc nào cả, anh thấy muốn vỗ về em để nói lời thật
dịu ngọt thương mến. Nhưng Trường vẫn đứng yên nhìn em. Anh thương tâm
hồn đơn sơ của Nhiên, và mong em mãi ngây thơ như con chim bồ câu trắng
mà hai anh em Trường nâng niu chăm sóc từ một năm nay.
Trường
miên man nhớ lại một vùng ký ức. Thuở còn ấu thơ, mỗi tối hai anh em
thường được mẹ cho nô đùa với nhau trong sân. Hôm ấy cậu Chi về chơi sau
ba năm xa cách. Cậu ngồi bên mẹ trò chuyện, cậu gọi Trường và Nhiên lại
gần, ôm hai đứa trong vòng tay. Lần đầu tiên Trường thấy cậu khóc, cậu
nghẹn ngào nói với mẹ thật khẽ:
- Ngày mai em lại đi rồi không biết bao giờ mới về. Em chẳng bao giờ được gần chị lâu...
Rồi cậu úp mặt lên mái tóc Trường, giọng sũng ướt nước mắt:
-
Bây giờ các cháu vui vẻ nô đùa, vậy mà chẳng bao lâu nữa hai anh em
cháu lại xa nhau, mỗi đứa một ngả. Như cậu với mẹ cháu bây giờ...
Trường
ngây thơ ngước mắt nhìn cậu, nhưng trời tối đen Trường chẳng thấy gì.
Trường rụt rè đưa bàn tay sờ mặt cậu thấy ươn ướt, Trường thương cậu
muốn khóc. anh quờ quạng trong bóng tối tìm bàn tay cậu, bên tai Trường
tiếng khóc mẹ nghẹn ngào rất khẽ. Tuy chẳng hiểu gì nhưng Trường vẫn nắm
chặt tay cậu như sợ cậu lại ra đi như bao lần trước, anh giữ tay cậu
lắc lắc, mặt phụng phịu:
- Cháu chả chịu, cháu chả chịu cậu đâu! Cậu không thương mẹ, thương cháu, cậu cứ đi hoài...
Mẹ anh ngửng mặt, khẽ mắng Trường:
- Trường hư nào, chỉ quấy rầy cậu thôi!
Nhưng cậu Chi đã ghì chặt Trường trong vòng tay, giọng xót xa:
- Thôi Trường săn sóc mẹ thay cậu vậy, đừng làm mẹ buồn. Lớn lên rồi cháu sẽ hiểu...
Nhiên ngây thơ ngồi bên cậu, tay bá cổ nũng nịu:
- Cậu Chi làm cho cháu con chim có cánh đi. Anh Trường dốt nên chả biết làm gì...
Rồi
cậu Chi lại ra đi từ dạo ấy chẳng về. Mẹ thường nhắc đến cậu, giọng
rưng rưng: "Đời nó chả bao giờ được sung sướng!" Mẹ chỉ còn mỗi mình cậu
là người thương mến. Mẹ thường kể những ngày còn bé, mẹ ở nhà với ông
ngoại, còn cậu Chi đi học xa trên tỉnh, tháng tháng được về một lần.
Chưa bao giờ Trường thấy cậu về lâu. Mẹ thường nhìn hai anh em Trường nô
đùa bên nhau mà khóc. Bây giờ Trường mới thấy thấm thía lời cậu hôm
nào. Con chim non vừa đủ lớn vẫy cánh bay xa, đôi cánh còn non nớt nhưng
trái tim thì ăm ắp một trời tin yêu hy vọng, để lại tổ ấm chim mẹ mỏi
mòn mong đợi và lũ chim non ngơ ngác lạc loài...
Ba
chị em Trường giờ đây mỗi đứa một ngả, chị Kim theo chồng phương xa,
năm thì mười họa về thăm nhà ít lâu rồi lại ra đi. Bây giờ đến lượt
Trường ra đi, anh thương cu Ngọc khờ dại chẳng biết gì, anh không được ở
bên cháu để nhìn nó lớn, để nghe cháu bập bẹ nói tiếng đầu tiên. Rồi
tháng ngày qua mau, khi anh trở về thì Nhiên đã lớn, biết Nhiên có giữ
được tâm hồn ngây thơ mà anh thương mến giữ gìn cho em không. Trường
nghe mằn mặn đầu môi, anh chớp mắt thật nhanh nhìn qua khung cửa, ngày
mai anh không còn đứng đây nữa, con chim non lần đầu tiên xa mẹ ắt phải
ngỡ ngàng xa lạ biết mấy.
Trời
sáng rực rỡ qua vòm cây khe lá, trên cành lá trĩu đầy lá non, hai con
chim ríu rít nhảy nhót bên nhau, đôi mắt tròn hạt nhãn nhìn anh rồi chợt
vỗ cánh bay xa, vang động khóm lá rung rinh. Trường lấy hơi hít thật
dài, lồng ngực như rạn nở đón nhận, mà nghe khí trời thơm tho vô cùng,
mà thấy màu nắng trong vườn óng ả như lụa đào, như tấm nhung the mượt mà
của mẹ. Giọt nước thật tròn đọng trên khe lá,, Trường tưởng chừng giọt
nước mắt chia ly đầu tiên trong đời...
BÍCH THẢO