Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

NHỮNG NGÀY XA XƯA - Nhã Uyên



MIÊN

Mùa hè đến bắt đầu từng cơn mưa đột ngột, thật nhẹ, rời rạc trên mái tôn, xông nặc mùi hơi đất nóng ẩm vì hút những hạt mưa lần lượt đậu lỗ chỗ trên mặt đất ; nhanh dần, nhanh dần, những hạt mưa phủ kín, từng giọt ngắn rồi giọt dài ướt hết cả sân đất trống trước nhà. Mưa. Ướt át. Lầy lội. Những ngày hạ oi ả, nóng bức ; nhức đầu như búa bổ và những cơn mưa đột ngột, u ám cả buổi chiều, u buồn vẻ không gian buổi sớm. Trái lại những buổi tối sao đầy trời rưng rức, không trăng, gió mát, rồi bầu trời xẩm màu nâu xám pha tím nhạt, gió mạnh, mưa rào thì trời mát vô cùng. Đó là những ngày hè tốt đẹp. Rất tốt đẹp cho tôi. Con bé còn trèo cây, còn chọc chó, còn gây gổ với con trai, còn dỗi hờn với mẹ, còn ganh tị với em, còn cắt tóc ngắn bum bê, còn và còn vô tư quá. Tôi chưa biết e dè trong cử chỉ, dáng đi. Tôi còn chưa biết làm dáng, không biết mắc cỡ với con trai, rất thích chơi trò con trai như bắn súng, giả làm cao bồi, đi bắt cúp dê.

Những buổi trưa hè vắng, tôi không ngủ, đi lang thang ra đường cái tìm những hoa dại về kết ở đầu giường, đuổi theo từng cánh bướm, đã chán chúng rồi thì tôi qua bắt cúp dê. Đó là con gì, tôi không biết thuộc loại gì (tôi học tới lớp nhì mà rất tệ). À, con đó nhỏ lắm, như con bọ hay bằng con rệp lúc no máu là cùng, nó sống chui nhũi dưới đất, nhưng không phải dế nhũi đâu.

Con bé gà mờ, chứ hiểu rành dế lắm đấy nhé, hiểu rành rọt và biết phân biệt các loại dế chứ không phải như ngày bé bỏng lên năm bắt dán thui cứ tưởng là dế nướng.

Những bữa mẹ bắt gặp và những trận đòn quắn đít. Con bé dỗi hờn bỏ bữa cơm chiều và bị phạt quỳ gối ngoài sân thật lâu. "Con bé gan lì quá, con dạy không biết nghe!" mẹ tôi thường nói như thế và những lời nói đó khiến tôi cảm động hơn là những ngọn roi quất liên tiếp vào người hay những cái cốc của mẹ tôi lúc nóng giận chỉ làm tôi đau trong giây lát và sau đó hết đau rồi chứng nào tật nấy, vẫn đi rong ngoài nắng mỗi trưa trốn mẹ không ngủ. Con chuồn chuồn mới bắt hôm qua tôi nhốt nó trong hộp, chẳng biết cho nó ăn chi tôi bứt vội ba lá rau muống dưới ao. Tôi thích tắm ao, nhưng không biết lội. "Cho chuồn chuồn cắn rốn ấy", thằng Tây lai nhà cạnh bày tôi như thế.

Tôi hiểu nó hơn mấy đứa nhỏ khác. Nó thật tội, cảm thấy xấu hổ về màu da đen đủi và đầu tóc xoắn tít mà nó mang nhờ của cha và không được màu da trắng, mái tóc thẳng như mẹ nó. Mắt nó đen, to, mở rộng chừng như đứt khóe. Nó lại rắn mắt lắm, tinh nghịch không ai bằng. Được cái nó to con nên tụi nhỏ dù ghét nó, chọc nó cũng không dám làm gì, nó đánh chạy bay hết cả đi. Nhất là buổi tối nó giả ma phát sợ. Chỉ có mình tôi không sợ nó và cả nó cũng không thèm nhát ma tôi, bồ bịch với nhau cả.

Mẹ tôi chỉ có mình tôi còn ba tôi đi rất xa không biết đi đâu, ba tôi có lẽ đi Tây Tàu gì đó không thấy về nhà và không cho tôi thấy mặt. Tôi giận ba tôi lắm, tôi hỏi mẹ : "Bộ ba ghét con lắm sao ba đi lâu vậy?" Mẹ tôi làm thinh, thoáng một chút buồn, chắc vậy bởi vì mẹ tôi không còn cười vui nữa, giây lâu mẹ tôi bảo "con đi chơi để mẹ nghỉ, con phá, ba về mẹ mét".

Vậy mà mỗi khi mẹ tôi la rầy làm tôi khóc tôi hay chạy vào phòng, bắc ghế lên bàn, và kể lể mét với ba tôi. Ba đây là cái ảnh lộng kiếng, mẹ tôi để trên bàn cao thật cao. Những lúc đó, tôi buồn ghê đi mất, tôi kể lể lăng nhăng, ba tôi mỉm cười trong ảnh.

Thế rồi con bé lăn ra nền nhà nằm khóc đã, không ai thương mình. Sau cùng, không thèm chạy ra để mẹ gọi mãi, tôi ngủ thiếp đi, nước mắt nhạt nhòa. Mãi đến lúc có một bàn tay dịu hiền, một bàn tay của cô tiên dịu dàng vuốt tóc và lau nước mắt cho tôi và đỡ tôi lên giường, thật nhẹ, thật êm. Tôi mở choàng mắt ra, hơi ngơ ngác sau giấc ngủ không trọn vẹn, lờ mờ trước mắt, mẹ tôi. Tôi dụi mắt, mẹ tôi đó, trên mắt mẹ long lanh nước mắt. Tôi đã làm mẹ buồn.

Mẹ buồn vì tôi, thật tôi không muốn. Thế rồi tôi xin lỗi mẹ và xuống nhà ăn cơm. Từ đó không còn đi chơi dưới nắng nữa không còn bắt "cúp dê" nhốt vào hộp quẹt không còn xịt chó để chó rượt và trèo lên cây bẻ trái luôn thể. Mẹ tôi bảo tôi trắng ra chứ đi nắng hoài đen thui như thằng mọi. Tôi nghĩ ngay đến thằng Tây lai, không, tôi không giống nó đâu, nó không cha nghĩa là ba nó đã bỏ mẹ con nó chứ ba tôi đâu bỏ mẹ tôi, bỏ tôi bao giờ. Thôi tôi không nhắc đến ba tôi nữa đâu, nhắc đến chỉ làm mẹ tôi đau xót, tôi thêm nhớ mong, tôi tủi hổ với bạn bè, kìa con Bông mặc áo mới của ba nó mua cho đi ngang nhà nghênh ngang, kìa con vàng ba nó dẫn đi phố mua đồ, đi xem hát bóng, kìa con Hoa đi chiếc xe đạp láng coóng ba nó thưởng vào cuối năm vì nó lãnh thưởng ở trường. Tôi học không thua gì nó. Chả là cô giáo bảo con bé rất thông minh chỉ cái tội ham chơi không thuộc bài thuộc vở cho bằng chúng bạn. Tôi xấu hổ lắm, những buổi mải mê thà diều cùng thằng Tây lai hay đi ra ao bắt cá nhỏ bỏ chậu nuôi, tôi không học bài. Đến giờ thì chỉ kịp ngó qua quít rồi chạy đến trường. Cô giáo kêu trà bài tôi đọc qua loa không thuộc bài mấy.

Dù sao mình phải rán học chứ, học để hơn con Hoa có ba nó dạy kèm. Từ bỏ những buổi đi chơi thật uổng, bỏ chơi nhảy lò cò hay nhảy dây còn chịu nổi chứ khi ngồi học bài, có bạn la réo thì có bị mẹ rầy, con bé chỉ chờ mẹ ngủ là lén chuồn khỏi nhà đội nắng hái tầm ruột, hái me chấm muối ớt, thật chua, thật cay đến chảy nước mắt, vừa ăn vừa hít hà, vẫn cứ ăn dù tối về có đau bụng. Còn rủ nhau đi bắt tổ chim, những con chim nhỏ còn nằm trên tổ, kêu chim chíp loạn cả lên, rất nhỏ nhưng chim mẹ bay trở về. Lũ trẻ thi nhau ném đá khiến nó kêu ỏm tỏi bay lên rồi lại sà xuống lũ con như muốn đem cả tổ đi thật xa, xa hẳn lũ trẻ độc ác. Tôi thấy tội "Thôi tụi mình để chim khá lớn rồi hãy bắt chứ còn nhỏ quá nó chết liền, chim mẹ nuôi ít ngày nữa rồi hãy trở lại!"...

Về nhà tôi có kể cho mẹ nghe, mẹ tôi nhìn sâu vào mắt tôi : "Nếu mai này mẹ phải xa con, như ba con vậy, con có buồn không?" Tôi hoảng hốt "không, mẹ đừng bỏ con mẹ đi, nếu không, con chết mất!", tôi ôm chầm lấy mẹ như chưa lần nào được ôm.

Mẹ tôi bảo chim cũng như người, chim con mất mẹ nó cũng không sống nổi. Tôi hiểu rồi không đi bắt chim trên cây điệp nữa đâu. Và tôi nhờ thằng Tây lai đuổi hộ bọn trẻ, bảo vệ lũ chim con đến khi mọc cánh dài bay xa. Bù lại, tôi sẽ nặn đất sét cho thằng Tây lai trái cà, trái ớt. Tôi nặn rất đẹp, giờ thủ công tôi hạng nhất hoài. Những trái cà sơn màu đỏ đem nung vào bếp thật lâu. Và khi buồn tôi và nó đem ra ngắm nghía chán chê rồi đem chọi thử xem bao giờ vỡ nát.

Sân đất trước nhà, có một cây trứng cá tới mùa trái đầy cành, nhất là mùa hè này trái nhiều biết mấy, màu đỏ, màu vàng giữa màu xanh dờn của đám lá chồng theo cành. Nhiều trái đến nỗi trái rớt không ai thèm nhặt. Để mặc bọn trẻ đứng dưới đất, vội vàng và thật nhẹ, con bé leo nhanh lên cây, một với tay đã đầy những quả, cho căng tròn hai túi áo nhỏ. Nằm thanh thản, lưng dựa vào cành, con bé nhìn khoảng trời xanh lơ qua kẽ lá. Một thoáng gió mát, một loạt trứng cá ào xuống, đỏ cả sân đất. Vài đứa trẻ thèm thuồng xin leo lên sau khi thỏa một vài điều kiện như con bé sẽ được qua hái ổi, hái tầm ruột, hái me, hái điệp nhà nó. Phải xin mẹ trồng một cây khế mới được. ba bốn năm gì sẽ có trái tha hồ. Ôi loài trái ngọt, ăn mát cổ lại chua ngon. Tôi rất thèm, kẹo nào bằng trứng cá, bằng khế ngọt pha chua, bằng me, bằng tầm ruột.

Chơi cả buổi chiều đến lúc 4 giờ mẹ gánh hàng về là hết, phải đi tắm, phải học bài. Buổi tối, mẹ quạt cho ngủ trời nực một giấc no đầy vừa kể chuyện trăng sao dưới hàng hiên gió mát.

Những buổi chiều mưa dầm dề, ngồi thả thuyền giấy xếp tay theo ống máng xối chảy ra đường mương, mẹ rang hạt bí đậu phộng cầm tay nóng dòn. Cả buổi chiều, mẹ nghỉ bán, tôi không đi học chiều, mẹ ngồi vá áo và dạy hát những bài ca thật ngắn mà hay chi lạ. Ngồi bên mẹ, tóc mẹ thả dài thơm mùi bồ kết, óng mượt đen tuyền, tôi bắt chước kết hạt nút, làm khuy phụ mẹ, tôi làm quen dần với cây kim, sợi chỉ cái kéo. Lúc đầu hơi khó chịu vì phải ngồi yên, sau tôi cũng bắt đầu thích thú, quên cả mưa buồn làm hỏng buổi chạy tung tăng. Tôi khoanh tròn trong góc như con mèo nhỏ hát vu vơ vài câu. Ít buổi chiều nào như thế này, buổi sáng đi học, buổi chiều chơi không ngồi lâu với mẹ. Tôi ước muốn được ngồi với mẹ mãi, nhỏ nhít mãi để đòi mẹ hát.


LOAN

Đêm nay là đêm tôi phải ngủ xa nhà. Nhà này là nhà dì tôi, nó nằm thụt sâu trong con hẻm. Ông chủ nhà đã ngăn đôi nhà dưới làm hai phòng, mà một nửa cho dì tôi thuê, một nửa cho một gia đình giáo chức. Phòng này đủ rộng cho dì và cho tôi. Dì dành riêng cho tôi cái giường sắt còn dì ngủ ở divan. Tôi không ngủ được, trằn trọc mãi. Tôi nhớ đến mẹ, đến ngoại. Ngoại tôi ở quê, cả mẹ tôi nữa, người vừa mất vì chứng bịnh đau tim trầm trọng. Dì tôi đem tôi lên tỉnh để tiếp tục học hành. Giờ chỉ còn mình ngoại tôi coi ngó nhà cửa, ngoại không chịu để dì bán nhà, bán vườn để lên tỉnh ở với dì với cháu. Ngoại tôi vẫn còn nuối tiếc căn nhà của tổ tiên để lại, bàn thờ Phật mà ngày ngày ngoại tôi thắp hương tụng niệm. Còn vườn tược nữa, ngoại tôi không nỡ rời bỏ. Thật ra, nhà đã lỗ chỗ đạn, ngói bể khá nhiều và dột nát, vườn tược bỏ hoang, cây cỏ bị thuốc nên chết dần lúc đang xanh tốt. Ngoại tôi biết không những của cải không còn gì mà ngay cả mạng sống cũng không còn được yên ổn nhưng nhất định ngoại tôi không đi đâu cả. Ngoại tôi vẫn thường nói ngoại già, sống chết có số, ở đây quen, ngoại mong chết tại mảnh đất quê mình, cho ngoại sống ở đây được phút nào hay phút đó. Dì tôi chiều ý ngoại nhưng dì lo sợ cho ngoại tôi lắm. Dì dặn dò bà bếp săn sóc ngoại kỹ lưỡng từng thức ăn, giấc ngủ. Dì thương ngoại tôi lắm. Ngoại tôi chỉ có hai người con, mẹ tôi là chị của dì và lớn hơn dì tôi ba tuổi. Ngoại tôi thuở ấy lấy ông tôi lúc hai mươi tuổi. Về làm dâu nhà ông ngoại, nhà tuy giàu song ngoại tôi đã cực khổ biết bao nhiêu.

Ngoại tôi sinh con muộn mà chỉ toàn con gái. Bên nhà chồng không bằng lòng và ngoại tôi thêm phần tủi cực. Tuy nhiên, ngoại tôi vẫn lo quán xuyến việc nhà. Chiến tranh khiến việc học của mẹ tôi lỡ dở, mẹ tôi ở nhà phụ buôn bán với ngoại. Ông ngoại tôi lại đâm ra rượu chè, tiền buôn bán không lời bao nhiêu rồi lại phải tản cư làm nhà trở nên nghèo. Ngoại tôi khéo xoay trở nên mới đủ ăn đủ mặc. Ông ngoại tôi đau rồi chết, nhà lại thêm túng quẫn. Tuy vậy, ngoại tôi không dám cầm bán di sản tổ tiên, ngày hai bữa cùng mẹ và dì sớm trưa buôn gánh bán bưng. Lúc ấy, dì tôi mới 17 tuổi. Sau đó, cuộc chiến tạm yên, dì tôi đi học lại còn mẹ tôi phụ ngoại tôi buôn bán. Mẹ tôi lấy ba tôi, sau khi tôi sanh ra được ít tháng, ba tôi bị động viên rồi chết trận cách đó không lâu... Mẹ tôi đau đớn ở góa nuôi con. Về phần dì tôi, dì tôi được ngoại và mẹ tôi nuôi đi học. Dì học rất giỏi và sau khi học xong ban trung học dì được bổ làm công chức ở tỉnh này. Dù không lấy chồng vì chưa gặp được người vừa ý, đến bây giờ mẹ tôi mất, dì nhất định nuôi mẹ nuôi cháu dầu dì đã quá ba mươi. Tôi thương dì quá, tôi rất ái ngại cho sự hy sinh lớn lao của dì, còn dì chỉ bảo dì lo tròn cho tôi như thuở trước mẹ tôi lo cho dì. Dì tôi hao hao giống mẹ tôi nhưng nước da dì trắng hơn, nét mặt dì thanh hơn. Dì vui tính và có óc thực tế, ham hoạt động trái với nét buồn trên đôi mắt sâu thẳm của mẹ tôi.

Tôi vẫn còn thao thức, tiếng dì thở đều và tôi nghe tiếng thằng bé phòng bên khóc oe oe từng chặp ngắn và rồi tiếng ru vỗ về của người mẹ. Rồi sự tĩnh mịch của ban đêm trở lại, tôi đi lần vào giấc ngủ chập chờn.

Những ngày đầu tiên sống với dì nơi tỉnh thành tôi nhớ quê lạ. Tôi nhớ tiếng gà gáy vào buổi sáng, tiếng chim sáo kêu vào buổi chiều, nhớ ngoại tôi rồi nhớ thầy, nhớ bạn. Tôi sẽ đi học vào đầu tháng, và trong những ngày chờ đợi đi học, dì tôi đưa cho chồng sách bảo xem đỡ buồn lúc dì đi làm. Tôi ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa cũ, những hình ảnh đồng quê quen thuộc, tôi gọi thầm tên mấy đứa bạn, tôi tưởng tượng xem bà tôi đang làm gì. Tôi đứng dậy mở cửa sổ ra cho sáng thì bắt gặp một đứa bé gái chừng bảy tám tuổi, dường như nó ở nhà bên cạnh. Nó nhìn tôi ngạc nhiên, mắt nó tròn xoe, môi nó hơi hé mở rất dễ thương. Tôi ngoắc nó lại:

- Em ơi, lại chị bảo!

Nó ngần ngừ một giây lát rồi tiến lại.

- Phải em ở bên này không?

Nó gật đầu, không nói.

- Em dễ thương quá, em tên gì?

- Dạ em tên Miên.

Miên, Miên... tôi nhắc thầm, tên khá ngộ nghĩnh.

Thế là buổi chiều ấy tôi biết rõ về em Miên. Tôi biết ba em đi mất biệt từ một dạo ông làm ở sở cao su. Người ta nói ông bị bắt.

Mẹ em buôn bán ngoài chợ, nuôi em. Bà không tái giá và Miên còn quá bé bỏng, em mới chín tuổi và là con một. Những buổi rảnh tôi sang nhà chỉ bảo em học hành, em rất sáng dạ. Chiều chiều, tôi dẫn em đi dạo và kể em nghe những danh nhân, những nhân vật lịch sử oai hùng ; như một con chim, em hỏi ríu rít biết bao là thắc mắc.

Tôi kể cho em về quê tôi, dưới quê xa xôi, một xóm nghèo trong làng nhỏ quạnh hiu, buổi sáng sương mù buồn tẻ, dày đặc những phiến mây dài, trải bàng bạc trên ngọn đồi ; hoặc con đường rải sỏi đi đau chân, đất đỏ, những luống rau cải, những giồng đậu bắp chạy dọc theo con đường, những thửa ruộng xanh xa mút...

Tôi không có em, Miên không có chị, chúng tôi là chị em với nhau phải không Miên?

MIÊN

Bây giờ tôi đã lớn, đậu xong tú tài và tôi xin đi dạy ở trường tỉnh. Mẹ tôi suy yếu đã lâu, mỏi mòn trong ánh mắt làm tôi xót xa nhiều. Tôi không thể học thêm nữa và giã từ tuổi hồn nhiên thật khó. Tôi cũng lớn lên như hoa trong vườn hoang, như chim ngoài đồng nội. Hoa vươn lên để đón ánh nắng mai hiền hòa, chim chắp cánh bay ra xa vùng bể xa thực xa mù, chim bay quên cả tổ, quên núi rừng ngày mới nở xa xưa, hoa đâm nở xòe cả cánh, nhụy hoa sẽ bay sang ở nhờ một cành hoa khác, nhưng tôi tuy xa mẹ suốt buổi tôi vẫn hướng về mẹ tôi, mẹ là nguồn cội, mẹ là bóng râm ngợp mát che chở cho tôi và cả thời thơ dại tôi giấu trong lòng đều do mẹ tôi tạo ra cả. Những vụng dại, những ngây khờ, những bỡ ngỡ lúc đầu làm con gái, bước chân đầu đời của một con sò vừa ra khỏi vỏ đều được dẫn dắt bởi mẹ tôi.

Sáng nay tôi vào cửa lớp, vào thế giới ấu thời. Bấy giờ tôi lặng yên nhìn xuống, lũ học trò thân yêu của tôi đó. Những khuôn mặt thơ ngây, những nụ cười hồn nhiên phô bày hàm răng sún, chiếc răng khểnh. Học trò của tôi, ôi các em còn trong sạch quá. Trí khôn của các em chưa được mở rộng, kiến thức em còn hẹp hòi, non nớt, kinh nghiệm sống của em chưa có gì cả. Các em còn thơ dại, còn đùa nghịch tuy việc vui chơi đó bị giới hạn rất nhiều hoặc bị gạt bỏ, cấm đoán. Các em không được đi trại để mà sống tập thể, tự lập và quên đi những chuyện thương tâm đã xảy đến. Các em không thể về quê để đi trên con đường đất, rợp mát bóng cây và các em sẽ thăm lại người bà cằn cỗi, già nua của các em, sống chết nơi mảnh đất quê nhà. Bà của các em đã và đang cố sống để giữ lại một phần nào đất cát của tổ tiên còn sót lại sau bao lần mất mát. Ruộng của bà bỏ hoang không còn thơm ngát hương lúa chín, mùi rơm, mùi rạ mới, trâu nhà bà trở nên vô dụng rồi bị giết, mất lạc, vườn nhà bà cũng còn cây nhưng cây khô chết rũ, chết dần lúc xanh tươi trổ đầy những quả. Của cải không còn mấy, nhà cửa in vết đạn loang lỗ, người thân không còn mấy ai, cả một con vật thân yêu cũng chẳng còn. Đôi mắt bà lem nhem nhưng còn nhìn thấy được, nhìn thấy phần nào những cảnh mà bà đã thấy từ ấu thơ, khi khôn lớn và bây giờ gần xuống nằm trong lòng đất lạnh, bà chưa nghe nhắc chữ thanh bình quá xa vời và huyền diệu.

Vùng này là ngoại ô thành phố, một tỉnh nhỏ không yên, nơi đây tôi trải qua tuổi thơ mà các em sẽ trải qua. Tôi không tiếc nuối vì tuổi thơ chưa trọn vẹn, tôi chỉ tiếc thời gian chảy như giòng nước ra biển và tôi bấp bênh trên đó, bao giờ trở về cội nguồn, bao giờ tôi gặp lại người cha đã đi mất tích từ lúc tôi còn chưa biết gì. Đừng nhắc đến chuyện đi tìm một người cha với một người con gái chưa hết dại khờ như tôi.

Dù sao tôi đã tìm thấy hình ảnh ba qua mẹ. ba tôi chỉ chết đối với người khác nhưng với mẹ, với tôi ba tôi còn đó trong tim trong tâm hồn, nhớ ba tôi thì nhớ lời mẹ, nhớ gương mặt mẹ mỏi mòn qua năm tháng, mái tóc điểm vài sợi bạc. Tôi lớn thêm bao nhiêu mẹ thêm già chửng bấy.

Chị Loan đi thật xa : về nhà chồng, buổi đi nghẹn ngào làm tôi hơi băn khoăn như mất mát. Tôi chỉ còn mẹ và đám học trò chờ đợi tôi dưới kia, mắt thơ ngây và bàn tay bé nhỏ nắn nót viết từng hàng chữ. Bây giờ tôi tìm tình thương ở từng đứa học trò cũng như tìm lại những ngày thơ ấu êm đềm những chuỗi ngày xuân hồng, chuỗi ngày hạ nhớ mát ngợp trong tình mẹ, mẹ tôi là tất cả.


NHÃ UYÊN    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 153, ra ngày 15-5-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com