Còn
một buổi học nữa. Ngày mai Cường đã nghỉ hè rồi. Các bạn của Cường tỏ
vẻ luyến tiếc. Mặt mày đứa nào cũng buồn hiu. Kẻ thì làm Lưu bút. Người
thì tặng ảnh... để kỷ niệm. Giờ chơi đã đến ai cũng mong cho thời gian
ngừng lại, để được tâm sự, chỉ còn có dịp này thôi. Nhưng đối với Cường
thì lại khác. Cường cho đó là chuyện của con gái. "Con trai ai lại bịn
rịn trước phút chia tay"... Cường còn mong cho chóng về học, để còn hẹn
với thằng Tâm và Phương, vào trưa hôm nay. Lúc sau, tiếng kẻng vào học
vang dội. Học sinh vào lớp.
Ngồi
trong lớp chán ghê! Thầy giảng về đề tài Luật đi đường. Cường không
buồn để ý đến. Không nên phí thời giờ một cách vô ích, Cường mới nghĩ ra
một kế hoạch... Chuyện này rất quan trọng, Cường không thể tiết lộ cho
ai ngoài Tâm và Phương. Mắt Cường đăm đăm nhìn ra cửa sổ. Những cụm mây
trắng bay về nơi khoảng trống, gió thổi hiu hiu, cây Bàng rung động, lá
Bàng rơi xào xạc theo chiều gió. Cường thấy "hứng" quá. Bỗng có tiếng
thước kẻ, và tiếng thầy vang lên:
- Cường làm gì thế?
Cường quay lên, nhẹ nhàng đứng dậy:
- Muốn qua mặt một chiếc xe em phải làm thế nào? – Thầy hỏi.
Cường ngập ngừng chả biết làm sao... Cường đáp liều:
- Thưa... thầy... em làm sao qua mặt được xe, thầy.
Cường hơi yên chí. Thầy gắt:
- Nếu em là tài xế, khi qua mặt một chiếc xe thì em làm thế nào?
Trời
ơi! Cường có nghe lời giảng đâu mà biết. Thế thì chết. Thế nào cũng bị
"đét". Cuối năm mà bị đánh, về nhà ức lắm. Thằng Tâm ở bên kia, ra hiệu :
bàn tay cứ bóp bóp không khí. Cường chả hiểu gì? Thế là sao? Hay là nó
bảo mình vặn ga – Cường thầm nghĩ –
Mà vặn ga thì xe mới chạy nhanh. Nếu xe chạy nhanh, tức phải qua mặt.
Có lý lắm... Cây thước chạm vào tấm bảng, kéo Cường về thực tại:
- Đốp... Lâu thế?! – Thầy gắt.
Không ngần ngại, Cường đáp ngay:
- Dạ. Thưa... thầy muốn qua mặt một chiếc xe thì... Em phải vặn ga hết tốc...
Cả lớp cười như vỡ nóc nhà.
Mặt thầy đỏ bừng, thầy quát:
- Im! Nãy giờ em làm gì mà không nghe giảng bài. Hở??
Chết rồi! Sai rồi. Cường run quá. Chắc sẽ năm cây. Đúng theo dự đoán, thầy gọi Cường lên và "đét" cho năm cây đau nhói.
Keng... keng. Cường có mơ không nhỉ? Đúng rồi. Cường không mơ. Kẻng ra về.
Ra
khỏi sân, tụi Cường họp ngay lại. Cường đã tìm được cuộc đánh cắp xoài
rất có quy mô ở nhà ông Hội, đúng hai giờ trưa hôm nay. Nói gì chứ xoài
là nguồn sống của tụi Cường mà. Chẳng những thế, xoài còn bày ra những
trò chơi rất thích hợp cho đám con trai.
Mỗi khi buồn, Cường còn nói cho chúng nó nghe rằng:
- Xoài tượng là một loại rất hiếm thường đi đôi với nước mắm đường.
Thế
là mạnh thằng nào nấy cười. Nước miếng ứa miệng. Để Cường tả sơ về cách
thưởng thức, chắc các bạn cũng biết : "Xoài tượng nhé! Làm một bát mắm
đường. Xong rồi gọt ra... Chu choa sướng lắm...". Cường đã chơi cái trò
này nhiều lần trước mặt anh Mỹ, và mỗi lần như thế thì anh Mỹ nói không
ra tiếng, vì miệng đã đầy... nước miếng. Không biết trả thù bằng cách
nào nên anh thường lấy những chuyện xấu của Cường ra, để làm trò cười
cho bọn em của Cường:
- Các em ơi! Xem này, mau đi...
Cả đám nhóc theo lời anh ấy, lên để trêu Cường. Nào là:
-
Mẹ ơi! Tháng vừa rồi con đứng thứ năm mươi chín mẹ ạ! Tháng này con
chăm hơn. Mẹ nhé! Lớp con có sáu chục đứa. Tháng này nghỉ ba đứa... Thế
nên con được đứng thứ năm mươi bảy. Mẹ thấy con ngoan chưa?
Cả
lũ cười rùm. Đứa ôm bụng đứa ôm mặt. Cường vẫn thản nhiên, vừa ăn vừa
chép miệng. Anh Mỹ giả vờ quay đi chỗ khác. Anh đánh "ực" một cái. Cục
cổ của anh như chực chạy lên rồi lại chạy xuống. Anh tiếp:
- Giời đất ơi! Thế mà bảo chăm. Con nhà hư đốn mà bảo ngoan.
Cả
đám nhóc lại được một dịp cười vỡ bụng. Cường làm ra vẻ tự nhiên. Nhưng
trong lòng ức lắm. Tại vì chuyện đó có thật, nếu không thì chết với
Cường. Cường tự trách mình : Không biết tại sao mà ngu thế. Cường chỉ
nói cho mẹ nghe thôi. Chuyện ấy cũng hồi lớp nhì rồi mà tới nay anh cũng
còn trêu. Thấy thế yếu Cường liền đấu dịu:
- Nè thằng Sún kia! Có thèm thì bảo anh mày cho ăn, chớ đừng chọc tức.
Cả
lũ nhóc con ngần ngại. Nhưng khi thấy Cường chìa miếng xoài, hương chua
ngào ngạt, cả lũ xòe tay ra. Cường phát cho từng đứa. Thấy tình thế
vững chắc một trăm phần trăm, Cường nói:
-
Anh Mỹ ạ! Này nhá. Em thấy nãy giờ em thua anh (Cường cắn rốp) em rất
hài lòng... Vì hôm nay anh có vẻ xếp lắm... Vậy em mời anh thưởng thức
(Cường chia nửa miếng xoài ra) nửa miếng xoài này cho mát ruột...
Cục gù ở cổ anh, cứ nhảy vọt lên, xuống.
- Được rồi. Hôm nay anh nhận thấy em thông minh lắm – Anh Mỹ bắt đầu bước tới. Với tay lấy thì...
- Xí hụt. Ê mắc cỡ...
Cả đám cười rầm rầm. Cười gấp hai lần chúng nó cười Cường.
Cường vừa nói, vừa cười:
- Tụi em thấy chưa, anh Mỹ anh ấy tham lắm... Anh vừa nói vậy mà ảnh đã chộp rồi...
Mặt anh Mỹ đổi sang màu "Quan công":
- Mày lộng rồi hả Cường? Tao cho mày chết – anh Mỹ phóng tới chụp tay bẻ – Cường cũng không vừa:
- Mẹ ơi! Mẹ ơi... Anh Mỹ đánh con...
Mẹ từ dưới bếp chạy lên. Thấy anh Mỹ nắm tay Cường giằng giằng, mẹ quát:
- Làm gì thế Mỹ? Bỏ ra mau...
Anh Mỹ chưa kịp bỏ, mẹ cốc cho anh hai cái vào đầu. Nước mắt Cường chảy ra ràn rụa. Cường phân bua:
- Mẹ xem nhé... Anh xin con xoài con không cho... rồi... anh bảo con trêu anh... ảnh lại đánh con...
Anh Mỹ vừa hé môi:
- Mẹ xem con đương...
Tiếng mẹ:
- Thôi, thôi... không đương không sỏ gì hết.
Mẹ
lạnh lùng bỏ đi vô, để cho anh Mỹ một nỗi niềm uất hận. Còn Cường, trái
với lúc nãy : Cường khóc nhiều bao nhiêu thì bây giờ lại tươi cười bấy
nhiêu. Cường không khác nào như ông Luật.
Ấy, xoài tượng có một mãnh lực như thế đó. Nhưng chưa hết đâu, còn nhiều...
Trưa
hôm ấy, có ba đứa leo vào vườn nhà ông Hội. Không ai khác hơn là :
Cường, Tâm và Phương. Đứng trước cây xoài tượng đầy những quả xanh,
"Giời" ơi, thế này, ai mà không ham.
- Ê, Cường, gói muối đâu?
Tâm hỏi.
Cường vừa ra hiệu vừa đưa gói muối lên. Thằng Phương chép miệng khen:
- Ngon quá nhỉ?
- Suỵt... Suỵt... bứt đi – Cường nói. Hai đứa leo lên cây.
- Đưa gói muối đây.
Cường đứng dưới lo canh.
- Này mày làm gì?? Cường vất lên cho nó.
- Rụp... Rụp...
- Mày làm gì đó Phương?
Không
có tiếng trả lời. Cường nóng ruột quá. Thằng Phương đang ngồi trên
cành, vạch muối ra ăn xoài. Miệng nó nhai... rốp... rốp... Mặt nhăn, mày
nhíu lại. Cường ứa gan quá. Cường leo lên. Chắc là Cường leo nhanh quá
mà không định hướng, chỉ "định xoài" nên:
- Rắc... ấy chết... tao rồi Tâm ơi!
Bịch một phát. Cường muốn sụm cặp chân. Hai đứa nó xuống đỡ Cường dậy.
- Ui da... đau quá...
- Có sao không mày?
Cường gắt:
- Tại mày... mày ham ăn đó.
- Tại mày chớ tại ai... mày leo nhanh...
- Đứa nào đó?? "Giời" ơi – tiếng ông Hội.
- Làm sao đây? – Phương nói.
Tiếng
ông Hội quát càng to, bước chân nặng trĩu của ông đập xuống đất thình
thịch. Cường điếng cả hồn. Đời tàn rồi. May thay trời còn thương, chân
hết đau.
Chạy
mau đi. Ba đứa cùng chạy, Cường dẫn đầu vì đã từng ăn cắp ở vườn này,
hôm nay chẳng sợ lạc đường. Ông Hội càng lúc càng gần. Tiếng của ông Hội
làm Cường muốn tắt thở. Tâm và Phương mặt mày xanh như "quả xoài sống".
Tụi Cường đã vượt qua hai hàng rào. Ông Hội cũng thuộc loại già gân, cứ
nà nà đuổi theo. Được một quãng khá xa, ông dừng lại chửi như sấm:
- Đồ cô hồn... đồ trời con...
Ba đứa đứng lại nghe. Cường nói thầm: Chắc có lẽ mình là trời con thật ấy...
Tối
hôm ấy về nhà, Cường mở nhật ký ra, và điểm lại các lần mà được phong
làm "trời con". Từ lớp tư, đến bây giờ là lớp nhứt. Ôi thôi vô số "Trời
con". Mặc dù hối hận, Cường vẫn không quên được quả xoài tượng nằm cận
chén mắm đường.
TRẦN VĂN MỸ (G.K)
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 135, ra ngày 15-8-1970)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com