I
CHÂU UYÊN
Đứa con gái dáng gầy mặc bộ
pyjama lụa hồng viền trắng ngồi trên chiếc ghế đu trong vườn – giữa những bụi
hồng, những khóm huệ, những cây thược dược vàng trắng sặc sỡ.
Tóc quá vai một tý, thẳng,
đen mượt, buông lơi trên bờ vai nhỏ. Gương mặt cô ta hơi xương – mũi đẹp – đôi
môi hồng nhàn nhạt dễ thương. Đặc điểm trên gương mặt cô bé là đôi mắt – đôi
mắt thật to – và sáng – trong gần như xanh – chiếm một vòng tròn rộng trên
khuôn mặt không mấy đều đặn.
Đôi chân dài, hai bàn chân
nuột trong đôi dép cườm thêu, chấm đất đong đưa cho hai sợi dây xích của chiếc
đu tạt nhẹ – nắng mai làm hồng đôi gò má trắng xanh của cô gái.
Thỉnh thoảng cô bé lấy tay
đùa những sợi tóc bị gió tạt ngang qua trán, qua cổ và cười – nụ cười bâng quơ
làm mất nét buồn trên gương mặt.
Một lúc, dường như chán trò
ngồi đu đưa, người con gái đứng lên thả bộ trong vườn. Cô ta bước chậm, thật
chậm. Đi quanh những cụm hồng, những khóm huệ, cô ta đưa tay vuốt nhẹ lên những
đóa hoa, lẩm bẩm nói một mình rồi cúi hôn lên những búp non còn ngát hơi sương.
Nhìn dáng dấp cô gái khoảng
mười tám – nhưng gương mặt nàng, với đôi mắt có cái nhìn vô tư đến độ ngây ngô
khiến nàng có vẻ trẻ thơ.
Đột nhiên nàng dừng lại
trước một cây thược dược trắng, mân mê một chiếc lá rồi quỳ phục xuống ôm lấy
cây khóc nức nở.
Giọng cô gái tức tưởi:
- Tùng ơi! Sao anh không nói
gì với Châu Uyên đi? Bộ anh giận em hở Tùng? Anh giận anh bỏ Châu Uyên phải
không?
Người đàn bà đứng tuổi đi
vội ra vườn, đến bên cô gái, đỡ lấy vai cô ta dìu đứng lên nhưng cô bé nhất
định không chịu. Thiếu phụ dịu dàng:
- Uyên, vô nhà với mẹ đi
con.
Châu Uyên lắc đầu:
- Thôi má vô đi. Con năn nỉ
anh Tùng, bao giờ ảnh hết giận con vô nhà với ảnh.
- Nghe lời mẹ đi con. Đừng
đợi Tùng. Tùng chết rồi.
Đôi mắt to của Châu Uyên mở
gần nứt khóe:
- Tùng chết?
- Ừ, chết rồi.
- Chết là gì má?
- Là không còn sống.
Cô gái bật cười khanh khách:
- Là không còn sống! Trời
ơi! Chết là không còn sống. Mà sống là gì?!
Thiếu phụ lắc đầu buồn bã:
- Thôi con. Vô với mẹ. Ngoan
nào.
- Mình về nhà?
- Ừ. Về nhà.
- Anh Tùng ở đây?
Người mẹ gật đầu. Đôi mắt
ngây dại của Uyên trĩu xuống:
- Anh Tùng giận con. Má ơi!
Tùng giận con, không nói gì với con hết. Má nói ảnh dùm đi.
Thiếu phụ thở dài:
- Để má nói cho. Con vào nhà
đã.
Uyên ngoan ngoãn theo mẹ.
Những giòng lệ lăn dài trên má. Cơn khóc của một tức tưởi vô hồn. Trí nhớ đi
khỏi nàng và sự lặng lẽ cũng trở về ngự trị trên mắt – trên môi cô gái.
Châu Uyên – mười chín – Con
gái độc nhất của ông bà kỹ sư Tâm bị mất trí.
Đến năm mười bảy tuổi Châu
Uyên vẫn còn là một cô gái bình thường.
Nàng biết yêu hơi sớm : 16 –
Chàng là “ông thầy” dạy kèm Toán – Tùng – Sinh viên kiến trúc. Tình cảm giữa
chàng và nàng khắng khít trong vòng lễ giáo. Tùng gìn giữ trước những vô tình
sôi nổi của người yêu bé bỏng. Tư cách chàng làm hài lòng ông bà Tâm. Họ coi
tình cảm đôi trẻ là một luật định tự nhiên.
Sự bất hạnh xảy ra vào buổi
chiều thứ bảy. Tùng xin phép ông bà Tâm đưa Uyên đi xem ciné. Hớn hở hơn bao
giờ, cô gái trẻ chọn một chiếc robe đẹp nhất để mặc. Và Tùng đã phải suýt xoa:
- Uyên mặc đầm dễ thương lạ
lùng. Đưa em đi phố anh đến phải điên lên vì ghen trước những ánh mắt chiêm
ngưỡng của thiên hạ.
Đó là lời âu yếm sau cùng mà
Uyên nhận được ở người yêu. Và nàng cũng đáp lại chàng bằng nụ cười rạng rỡ sau
cùng. Bởi chỉ nửa giờ sau, Tùng đã trở thành một thân xác bất động nhầy nhụa
máu me và Châu Uyên thì hấp hối trong phòng cấp cứu của bệnh viện Chợ Rẫy.
Tai nạn xảy đến làm đứng tim
những người thân của hai kẻ bất hạnh. Ông bà kỹ sư Tâm điên lên, không còn đủ
bình tĩnh để đến thăm con gái. Chiếc xe Vespa của Tùng bị dẹp nát dưới bánh
chiếc xe chở hàng quân tiếp vụ. Tùng bể đầu – gãy hai chân và Châu Uyên bị tung
lên khá xa. Vết thương nứt sọ.
Ba ngày chống chọi với tử
thần – năm tháng dưỡng bệnh – Khi ông bà Tâm đưa được con gái yêu ra khỏi dưỡng
đường đã tưởng phải gởi nàng vào Dưỡng trí viện.
Châu Uyên mất trí. Bác sĩ
cho rằng vết thương trên đầu làm hỏng dây thần kinh của nàng. Không hy vọng gì
chữa khỏi, trừ một phép lạ hay… một tai nạn thứ hai làm bình thường hệ thống óc
não trở lại, đó cũng là một phép lạ.
Cơn điên chầm chậm. Cơn điên
dịu buồn. Cơn điên hiền hòa. Không có gì nguy hiểm nên nàng vẫn được sống với
ba mẹ. Nhiều lần mọi người tìm cách gợi lại trí nhớ của Uyên, nhưng tất cả đã
bị lệch lạc. Nàng chỉ nhớ bằng ảo giác của người điên.
Người đau đớn nhất là bà
Tâm. Người mẹ muốn được thay thế con gái trong nỗi bất hạnh triền miên khốn
khổ. Bà khóc với Chúa, bà khóc với Phật, bà khóc với chồng! Bà trở nên mê tín.
Nghe bất cứ nơi nào linh thiêng bà cũng cố gắng đưa Châu Uyên đến. Hy vọng mong
manh như bọt biển. Hy vọng tan nhanh như sương mù tháng hạ. Sau mỗi lần thất
vọng bà lại thương con hơn và cũng khổ hơn.
Đôi lúc, Châu Uyên chuyện
trò khôn ngoan như người tỉnh. Và bà Tâm lại nuôi cái hy vọng đầy tình thương.
Gần hai năm rồi, bà Tâm không muốn nhớ nhưng cũng không thể quên. Sự mòn mỏi
làm bà già đi trước tuổi.
Châu Uyên sống những tháng
ngày lặng lẽ trong bốn bức tường giam hãm, một mảnh vườn đầy hoa và nàng không
bao giờ phá phách, chỉ có hình ảnh Tùng, đôi khi đi từ cây hoa này đến khóm hoa
kia.
*
Ông Tâm giải thích cho Hoàng
và Tuyên nghe về tình trạng hiện tại của Châu Uyên. Hoàng là cháu ruột, gọi ông
Tâm bằng chú, và Tuyên bạn chàng, cả hai đều tốt nghiệp bác sĩ từ Mỹ về.
Ông Tâm kết luận:
- Bây giờ hình ảnh duy nhất
nó nhớ là thằng Tùng, ngoài ra thì nó hoàn toàn mất trí.
Hoàng thở dài:
- Xui quá chú nhỉ. Chính
con, ngày được thư chú báo tin em bị nạn cũng ngỡ tình trạng không đến nỗi bi
đát như thế. Ai ngờ. Chắc con bé lớn lắm rồi.
- Nó lớn lắm. Một thiếu nữ
rồi còn gì, nhưng nó ngây ngô tội lắm.
- Thỉnh thoảng chú có cho
Uyên gặp lại bạn bè cũ không?
Ông Tâm lắc đầu:
- Thím không muốn nó gặp ai
cả. Bà tủi thân, hơn nữa không muốn cho nó ra khỏi căn phòng và mảnh vườn.
Tuyên bây giờ mới ngước lên:
- Cô Uyên đang ở đâu, chú?
Chàng bắt chước Hoàng gọi
ông Tâm bằng chú. Ông Tâm chỉ ra vườn sau:
- Chắc sau vườn. Chiều thím
hay đưa nó ra vườn cho có nắng có gió.
Hoàng đề nghị:
- Hay mình ra vườn thăm em
một lát hả chú?
Ông Tâm đứng lên:
- Thì đi.
Cả ba băng phòng khách qua
cửa hông – Khu vườn nhuộm nắng chiều, đẹp như một bức tranh rực rỡ. Châu Uyên
ngồi trên chiếc đu quen thuộc – tóc bỏ xõa, nàng mặc bộ đồ lụa màu hoàng yến,
da nàng trắng một cách lạ lùng dưới màu trời và màu áo, hình như nàng đang hát.
Ông Tâm chỉ tay:
- Châu Uyên đó, tối ngày nó
làm bạn với chiếc ghế đu và mấy khóm hoa này.
Thấy có người đi lại, Châu
Uyên mở to cặp mắt nhìn sững. Ông Tâm gọi con gái:
- Châu Uyên lại đây con.
Châu Uyên rụt rè tiến lại.
- Con biết ai đây không?
Uyên lắc đầu, tia nhìn vô
hồn ngơ ngác.
- Anh Hoàng con đó.
- Anh Hoàng?
Hoàng mừng rỡ:
- Ừ, anh Hoàng đây Uyên này –
Anh Hoàng ngày xưa của em đó. Hoàng con bác Tư đó mà.
- Anh Hoàng? Hoàng nào?
Hoàng nào ai mà biết. Thôi bỏ đi, không thèm nói với mấy người nữa, không thèm
chơi với mấy người nữa, mấy người xấu lắm, cả ba nữa, ba cũng xấu lắm.
Nàng đột ngột nhìn sang
Tuyên, kêu lớn:
- Kìa, Tùng… anh Tùng, trời
ơi!
Chưa ai kịp hiểu, Châu Uyên
chạy vội đến bên Tuyên, ôm chầm lấy chàng:
- Tùng ơi! Anh phải không?
Người con trai chết sững.
Rồi Tuyên đưa tay đỡ lấy Châu Uyên. Hoàng nói nhanh:
- Nhận đi mày, nhận đại đi.
Ôm nó, nói với nó mày là Tùng đi, cơ hội khó kiếm đấy, may ra mình gợi được trí
nhớ của nó.
Tuyên ngần ngại đưa mắt nhìn
ông Tâm. Người cha gật nhẹ:
- Hoàng nó nói phải đó cháu,
biết đâu không là một phép mầu.
Châu Uyên vẫn níu lấy Tuyên,
nũng nịu:
- Tùng, anh hết giận em rồi
phải không, anh không bỏ em đi nữa phải không?
Tuyên cúi xuống dịu dàng:
- Anh về với em, Châu Uyên,
anh không bỏ em nữa.
Cô gái reo lên:
- Hay quá. Anh thương em quá.
Vậy mà má nói anh chết rồi, chết là gì em không hiểu, nhưng anh về với em nè.
Nàng quay sang ông Tâm:
- Anh Tùng nè ba.
Ông Tâm gật đầu:
- Tùng của con đó.
Châu Uyên nắm tay Tùng kéo
về phía chiếc xích đu:
- Lại đây ngồi với em. Em
nói cái này cho nghe, đừng có đi, em không cho anh đi đâu.
Hoàng ra hiệu cho bạn đi
theo Uyên rồi chàng kéo ông Tâm đi, vừa nói nhỏ:
- Phương pháp chữa bệnh tâm
lý hữu hiệu lắm chú ạ. May ra có thể thành công. Một sự ngẫu nhiên tuyệt vời
đó. Không biết thằng Tùng nó có giống thằng Tuyên không chú?
- Hình như giống nhau ở dáng
cao cao ốm ốm, gương mặt thì không, à còn mái tóc, giống lắm.
Hoàng gật gù:
- Miễn sao con bé thấy nó là
Tùng được rồi, mình đâu cần phải giống hay không. Thằng Tuyên tốt lắm, để con
sắp đặt với nó đóng vở kịch này xem sao.
Bà Tâm đi chợ về. Buổi chợ
bất thường vì sự có mặt của Hoàng và Tuyên. Hoàng vui vẻ:
- Được về nhà, được ăn cơm
với gia đình, và những món ăn Việt Nam sung sướng quá.
Bà Tâm nhìn đứa cháu chồng
mà ông bà đã nuôi từ khi còn bé cho ăn học rồi xuất ngoại thay cho anh chị đã
qua đời. Bà cười:
- Có cháu về đây cho vui cửa
vui nhà. Có mỗi em Uyên thì nó lại như thế, thím buồn cũng không biết làm sao.
Nhớ đến con gái, bà hỏi
chồng:
- Con đâu rồi ông?
- Nó chơi ngoài vườn.
- Anh Hoàng gặp em chưa?
Hoàng gật:
- Dạ rồi thím.
- Nó nhận ra anh không?
Ông Tâm nói đỡ:
- Thằng Hoàng thì nó không
nhận, nhưng nhận ra… thằng Tùng.
Bà Tâm ngơ ngác:
- Tùng? Gì lạ vậy?
Hoàng giải thích:
- Châu Uyên nó thấy thằng
Tuyên nó lại nhận là Tùng, tội nghiệp, con bé mừng rối rít thím ạ.
- Cậu Tuyên đâu rồi? Hồi nãy
thím có mời ở lại ăn cơm mà.
- Dạ nó đang trò chuyện với
em Uyên đó thím.
Bà Tâm chợt hiểu ra:
- À, nó nói chuyện với thằng
Tùng đấy chứ gì?
Ông Tâm gật gù:
- Tôi với thằng Hoàng đang
định sắp đặt một vở kịch, thằng Tuyên đóng vai Tùng thử xem con Uyên nó có tìm
lại được trí nhớ không, bà nghĩ sao?
- Bà Tâm chán nản:
- Thì cũng cứ cầu may xem
sao, chớ con nhỏ tôi thấy ít hy vọng quá rồi. Hồi mới bị trị còn không được
huống hồ bây giờ, chỉ sợ làm mất thì giờ của cậu Tuyên vô ích.
Hoàng vội nói:
- Mình cứ thử, trường hợp
không thành cũng khỏi phải ân hận đã biết mà không làm. Về phần bạn con, chú
thím cứ yên trí, bảo nó chết cho con sống nó cũng chịu.
Trong sự tuyệt vọng của
người mẹ chợt lóe lên một hy vọng mong manh. Bà Tâm nhìn giỏ thức ăn:
- Thôi để tôi đi làm cơm kẻo
tối. Ông và mấy cháu lấy rượu uống lai rai cho vui đi.
- Phải đó, Hoàng ra kêu cậu
Tuyên và em Uyên vô đây, mình nhâm nhi trong lúc chờ đợi.
_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG II