Từ hàng bao nhiêu ngàn năm nay, nói đến thức ăn của Vua, là phải nói đến yến tiệc linh đình, đủ mọi sơn hào hải vị... thôi thì bao nhiêu của ngon vật lạ trên đời này đều đến phần Vua cả... Vậy nhưng, các em biết không? Có một vị Vua đã... À mà để anh kể từ đầu cho các em nghe chứ? Này nhé:
Ngày
xưa có một vị Vua. Một hôm, ngài muốn đi thăm thú dân tình phía ngoại ô
kinh thành. Vì đã chán ngấy những cuộc kinh lý với những nghi lễ phiền
phức, tiền hô hậu ủng, nên lần này ngài bí mật cải trang làm thương gia
tầm thường để tránh sự chú ý của thần dân, và ngài chỉ đem theo một tên
hầu cận trung tín mà thôi. Ngài vui thích nhìn hết cái này đến cái nọ,
tò mò quan sát những sinh hoạt thường nhật của dân quê... cái gì cũng
mới lạ và ngộ nghĩnh đối với ngài, vì từ nhỏ tới lớn ngài chỉ sống trong
cung vàng điện ngọc. Đến xế chiều, ngài trở về Cung điện. Ngay lúc đó
ngài chợt thấy một bà cụ đang sàng gạo. Mớ cám mà bà cụ thải ra có một
mùi thơm dịu hấp dẫn, thoảng đến mũi nhà Vua... Và đột nhiên ngài thấy
nước dãi... ứa ra nhiều hơn trong miệng. Ngài muốn ăn thử một ít! Ngài
đi quá lên vài bước, rồi ra lệnh cho tên hầu trở lại lấy cho ngài một ít
cám để ngài ăn.
Tên
hầu muốn ngất xỉu. Hắn cố can nhà Vua, và thưa rằng một vị Đại đế mà ăn
cám thì không còn gì là thể thống, là danh giá nữa. Rồi hắn hạ giọng
ghé sát vào tai nhà Vua, tâu:
- Thưa Hoàng thượng, thứ đó để cho... cho... Muôn tâu... chỉ thích hợp cho... bò và heo mà thôi!
Nhưng
vị Đại Đế đã nổi giận, bảo hắn là ngài không muốn nghe hắn khuyên. Hắn
đành trở lại lấy cám mang đến dâng Vua. Và nhà Vua đã ăn một cách ngon
lành thú vị, hình như chưa bao giờ ngài được thưởng thức một món ăn ngon
và lạ miệng như vậy! Khi ăn xong, ngài nghiêm nghị nói với tên hầu:
- Nếu ngươi tiết lộ việc này với một kẻ nào khác, thì nhà ngươi sẽ mất đầu.
Sau
khi Vua tôi trở về triều, tên hầu cố kềm chế lòng mình để khỏi phải hở
môi cho người chung quanh biết cái việc hắn đã chứng kiến. Hắn thấy khó
có thể cưỡng lại được sự nôn nao thúc dục trong lòng hắn. Đêm hắn nằm
trằn trọc không ngủ được vì chuyện đó cứ ám ảnh hắn. Hắn ăn không còn
thấy ngon miệng. Hắn làm tất cả mọi công việc mà hắn nghĩ ra được để
giúp hắn quên đi. Không việc gì làm cho hắn quên được chuyện đó cả. Hằn
khổ sở nghĩ : " Nếu ta nói được với ai câu chuyện ấy, chỉ thì thầm vào
tai họ thôi cũng được, có lẽ ta sẽ dễ chịu hơn." Nhưng dĩ nhiên là hắn
không dám hé răng nói một tiếng nào. Nghĩ mà chơi vậy thôi, lệnh Vua chứ
đâu phải bỡn? Hở ra thì mất đầu là chuyện chắc...
Vài
ba ngày trôi qua. Hắn sống trong sự dày vò khổ sở. Tên hầu đã lâm bệnh,
người hắn gầy đi trông thấy, xanh xao vì thiếu ngủ, và tệ nhất là lòng
hắn vẫn nôn nao muốn tiết lộ cái điều bí mật đang hành hạ, dày vò hắn.
Cuối
cùng, không thể chịu đựng lâu hơn được nữa, hắn chạy ra khỏi nhà đến
bên một lùm cây... Ở đó hắn có thể thì thầm cái điều bí mật đang ẩn ức
trong lòng mà không sợ một ai nghe thấy. Nhưng gần đấy hắn thấy một
người tiều phu đang đốn củi. Hắn bèn chạy ra bờ sông, nhảy xuống chiếc
thuyền và bơi ra giữa dòng. Thấy một ngư phủ đang ngồi câu. Hắn lại quay
thuyền vào bờ và chạy vào trong một nghĩa địa, nhưng ở đó hắn lại nghĩ
những người nằm dưới những cái mộ kia có thể nghe lọt những lời của
hắn... Cuối cùng hắn chạy vào rừng, và đút đầu vào trong một hốc cây
lớn, hắn nóng nảy tuôn ra một tràng : "Hoàng Thượng ăn cám! Hoàng Thượng
ăn cám! Đại Đế ăn cám!"
Nói xong, hắn thấy dễ chịu hơn. Hắn trở về nhà và khỏi hẳn bệnh.
Sau
đó mấy tháng, chiếc trống lớn trong triều, chiếc trống báo giờ, bị
thủng và vỡ toang. Những người thợ làm trống của Hoàng gia vào rừng chặt
cây để làm trống mới. Họ lại vô tình chọn đúng cái cây mà tên hầu đã
đút đầu vào đó thì thầm nhỏ to cái điều bí mật đáng sợ ngày trước của
hắn.
Trong
vài tuần lễ chiếc trống mới đã làm xong. Đó là một cái trống rất đẹp.
Ai thấy cũng phải khen ngợi và ngắm đi ngắm lại không chán. Họ kính cẩn
và trịnh trọng đặt lên trên cái bệ bằng đá cao ngất.
Vua
và Quần thần cùng các quan khách, từ các thị trấn cho đến những miền
quê xa xôi đều về Kinh đô dự lễ Khánh thành Trống mới. Vua cũng như tôi,
mọi người nghiêm trang đứng chờ.
Sau
mọi nghi lễ long trọng, hồi trống đầu tiên sắp được một vị quan Đại
thần trịnh trọng đánh lên... Chiếc dùi trống trong tay vị Đại thần quay
đi mấy vòng tuyệt đẹp, rồi bước lên một bước, ông quay về phía Vua ngồi,
cúi đầu chờ lệnh.
Vua
phất tay áo... Vị Đại thần đứng lên, dồn hết tinh thần vào hai cánh
tay, bay bướm giáng xuống mặt trống mới tinh, trông rất ngoạn mục...
Nhưng thần dân kinh ngạc, ngơ ngác nhìn nhau... Thay vì "Thùng, thùng"
như chiếc trống cũ, thì từ trên cao kia, tiếng trống mới đang dõng dạc
vọng xuống từng tiếng một : "Hoàng Thượng ăn cám! Hoàng Thượng ăn cám!
Đại Đế ăn cám!".
HÀ TĨNH