CHƯƠNG BA
MỘT TAI NẠN XE HƠI
Bãi biển Vũng Tàu vừa trở
lại là một nơi nghỉ mát lý tưởng của miền Nam. Không còn những hoạt cảnh lố
lăng, và cũng không còn lối sống xô bồ của trai tứ chiếng, gái giang hồ nữa.
Trên mặt biển không còn nhấp nhô những mảng váng dầu đen nhánh cũng như hai bên
ven đường đã biến mất những chiếc xe hơi sặc sỡ và nghênh ngang.
Ở Bãi Trước, ở Bãi Sau, ở Ô
Quắn, nơi đâu cũng nước biển trong xanh, cũng gió biển mát lành.
Buổi sáng, Hiệp, Thuận và
Lộc, bạn nó, ba chú cháu bơi lội, nô đùa, vùng vẫy chán chê rồi mới chịu lên bờ
dắt nhau đi ăn lót dạ.
Ăn xong, Hiệp thuê một chiếc
ghế bố, nằm hóng mát dưới bóng cây dương liễu trong khi Thuận, Lộc rủ nhau đi
dạo quanh bờ biển.
Bỗng đằng xa, trên đại lộ,
có tiếng bánh xe hơi thắng gấp rít gai rợn trên đường, tiếng va chạm mạnh,
tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng cùng với nhiều tiếng hét thất thanh.
Như một đàn kiến nhậy cảm,
người lớn, trẻ con từ trong nhà, từ bờ biển đổ xô lại thật nhanh, đứng chen đặc
chung quanh nơi xẩy ra tai nạn như bâu vào một cục mật khổng lồ đen nhánh.
Mọi người đều xúc động mặc
dầu họ không được chính mắt thấy từ đầu tai nạn. Thấy rõ nguy cơ từ 30 giây
trước, chỉ có ba người : một bà mẹ, người lái xe và một viên cảnh sát.
Đường lúc đó vắng, cả trên
lề, cả trên mặt lộ.
Trên lề, một thiếu phụ tuổi
trạc 30, tay dắt cậu con trai chừng 4, 5 tuổi, thung dung dạo mát dưới hàng cây
cao vút. Cậu bé chơi thích thú với một quả bóng xa, tay nắm chặt sợi dây cho
quả bóng lơ lửng trên đầu ngót một thước. Chưa vừa ý, cậu bé còn cố rút tay ra
khỏi tay người mẹ, rồi chạy trước người mẹ mấy bước để cả hai tay được tự do
chơi với quả bóng cho thỏa thích.
Thiếu phụ mỉm cười bước
theo, mắt không rời cậu bé đi tung tăng trên khoảng lề đường thật sạch.
Bỗng quả bóng vọt bay chập
chờn ra giữa lộ : sợi chỉ mảnh mai buộc quả bóng đã sút khỏi bàn tay mũm mĩm
nhưng vụng về của cậu bé. Nhanh như cắt, cậu bé chạy theo quả bóng vừa đúng lúc
một chiếc xe hơi từ xa lao vút tới với một tốc độ đường trường. Cái chết thảm
thương của đứa trẻ ngây thơ, Tử thần đã nắm chắc trong tay, người mẹ hốt hoảng
hét lên một tiếng, lao vội theo con.
Thằng nhỏ vấp té. Người mẹ
cuống cẳng té theo. Vừa vặn chiếc xe hơi lồng lên như một thú dữ điên cuồng
chồm tới. Hai mẹ con mười phần chắc chết cả mười.
Xe chạy rất nhanh nhưng
người lái xe rất tinh mắt đã thấy mối nguy từ lúc cậu bé vừa chạy xuống đường.
Can đảm và trầm tĩnh phi thường, y hãm bớt tốc lực, ngoặt tay mặt cho xe leo
lên lề, đụng vào một cây trụ đèn và đứng tắp lại.
Lanh lẹ nhưng không luống
cuống, y mở cửa xe bước xuống, chạy ra nâng cậu bé dậy. Như một gốc cây con vừa
nhú khỏi mặt đất không coi bão tố ra gì, nó nhoẻn miệng cười, hai tay ôm chặt
quả bóng mầu như sợ người ta giựt mất.
- May quá! – Người đàn ông
nói – Cậu bé không hề hấn gì.
Y mừng rỡ ra mặt, hai tay
phủi vội vàng những vệt bụi bám vào áo quần thằng nhỏ.
Mẹ nó mặt cắt không còn hột
máu, ôm choàng lấy đứa con, xúc động, khóc nức nở.
- Cám ơn ông – bà ta nói –
Ông tránh hay quá. Cháu nó dại… Tưởng chết cả hai mẹ con…
Viên cảnh sát đứng gác ở đầu
đường đã để ý đến chiếc xe phóng quá nhanh này. Chưa kịp huýt còi gọi lại thì
tấn kịch đã bắt đầu xẩy ra lẹ như chiếu trên màn bạc, đành cưỡi xe máy dầu lao
tới.
Giơ tay chào lễ phép nhưng
giọng nói nghiêm khắc, y hỏi người lái xe:
- Đi trong thành phố, sao
ông cho xe chạy nhanh quá vậy?
- Dạ, tôi xin nhận lỗi –
người kia nhũn nhặn trả lời – Cũng may mà tránh kịp đó ông, nếu không thì thật
là tai hại.
- Phải – người cảnh binh ôn
tồn khen – Ông can đảm và bình tĩnh lắm, nếu không còn chi là tính mạng của bà
đây và cậu nhỏ. Tuy nhiên, ông phạm luật đi đường, tôi có bổn phận làm biên
bản. Xin ông vui lòng cho coi căn cước và thẻ chủ quyền xe.
- Dạ.
Người xem túa đến mỗi lúc
một đông. Kẻ vuốt má thằng bé, người suýt soa ngó vết bánh xe cầy trên mặt lộ.
Chỗ này trầm trồ khen người lái giỏi, chỗ kia ước lượng tốc độ chiếc xe, căn cứ
vào vết móp của chiếc cản, vào độ cong của cây trụ đèn. Mỗi người một lời, mỗi
người một ý kiến, chả ai giống ai. Tất cả như thích thú được góp phần của mình
vào một biến cố chẳng những vô hại mà còn làm cho sôi động cái không khí tuy êm
đềm nhưng hơi buồn tẻ của bờ biển sắp đến giờ nắng gắt.
Trong đám người hiếu kỳ này
dĩ nhiên có cả thằng Thuận và thằng Lộc. Một đứa ngó viên cảnh binh lúi húi làm
biên bản, một đứa nhìn chăm chăm vào mặt người lái xe tài ba suýt gây ra tai
nạn chết người.
*
Hiệp đang nằm lơ đãng nhìn
trời, nhìn nước thì thấy thằng Thuận, thằng Lộc chạy ùa về, reo lên và tranh
nhau khoe:
- Chú ơi, đàng kia vừa có
một tai nạn xe hơi.
- Biết rồi, chú có nghe thấy
tiếng bánh xe thắng gấp và tiếng kính vỡ loảng xoảng. Có ai việc gì không?
- Thưa chú không – Lộc trả
lời – Người lái xe giỏi thật là giỏi. Chỉ một li một leo nữa là cán chết hai mẹ
con thằng nhỏ chạy bất tử xuống đường.
- Tránh khỏi cán chết người –
Thuận tiếp lời bạn – nhưng xe leo lên lề và tông vào cây trụ đèn. May phước
không có ai đi hay đứng láng cháng ở chỗ đó, nếu không thì thật là chết oan
mạng.
Hiệp không mấy chú ý đến lời
tường thuật của hai đứa cho đến khi chúng cao hứng đố nhau.
- Tao đố mày – Lộc nói – cái
xe có cái gì lạ không nào?
- Xe Peugeot, sơn đen – Thuận
đáp – Càng bị móp, bể đèn bên tay trái.
- Ai chả biết là xe Peugeot
sơn đen – Lộc cười chế nhạo – Ai chả biết…
Thuận vội cướp lời bạn:
- Tao hiểu rồi. Tại mày nói
không rành chứ. Có phải mày định nói đến cái xe hoạt động ra làm sao không? Tao
thấy nó cứ lượn đi lượn lại loanh quanh trong thị xã, hết Bãi Trước đến Bãi
Sau. Phải vậy không nào?
- Đúng rồi! – Lộc lại hỏi
tiếp – Thế còn gì nữa không đây?
- Còn, còn – Thuận ngập
ngừng suy nghĩ – còn chứ! Lúc trước, khi xe lượn đi lượn lại như vừa nói, nó
chỉ chạy với tốc độ bình thường chứ không quá nhanh như lúc sắp gây ra tai nạn.
- Giỏi, giỏi! Tao khen mày
đó!
- Bây giờ đến lượt tao đố
mày đó nghe – Thuận nói.
- Ờ, đố đi, cứ việc!
- Vậy tao đố mày xe bắt đầu
chạy như ngựa chứng từ chỗ nào?
- Dễ ợt! – Lộc đáp – Từ
trước cửa Ty Bưu điện.
- Đúng! Nhưng vào lúc nào,
biết không?
- Biết chớ! Lúc mười giờ
thiếu hai phút đó bồ!
- Giỏi! Thằng bé này thế mà
giỏi!
Hiệp ngạc nhiên, ngồi hẳn
lên, nhìn hai đứa hỏi:
- Ủa! Hai thằng này làm chi
mà điều tra người ta kỹ lưỡng thế?
- Thưa chú – Thuận đáp –
chúng con thả bộ đi loanh quanh các đường trong thị xã. Xe hơi ở đây ít quá.
Không kể vài chiếc đậu sát lề đường, chỉ có mỗi một chiếc Peugeot sơn đen này
di chuyển. Chúng con gặp nó mấy lần nên để ý.
- Chúng con gặp nó lần chót vào
lúc gần mười giờ – Lộc tiếp lời – Chúng con đang mải châu đầu vào hàng kem bỗng
nghe thấy bên kia đường có tiếng cửa xe hơi đóng ình một cái. Quay sang nhìn
thì thấy người lái xe đậu lại, xuống đường mua thuốc lá. Rồi ông ấy lên xe
phóng đi. Chúng con nhìn theo. Xe lướt qua mặt tiền Ty Bưu điện, tự nhiên chúng
con ngửng nhìn lên và thấy đồng hồ gần nóc Ty chỉ mười giờ kém hai phút.
Thuận bỗng reo lên sau một
lát im lặng:
- Còn một điều này nữa – nó nói
với bạn – tao đố mày, trả lời được đúng, tao sẽ gọi bằng em. Ông ấy có hành
động gì kỳ lạ không nào?
- Khôn vậy bồ? Trả lời đúng
mới được gọi bằng em! Dễ thường trả lời sai hay không trả lời được thì phải làm
cháu mày sao? Không chơi thế!
- Đâu có chi là lạ! – Thuận
phớt tỉnh cãi – Trả lời được thì làm em tao, bộ không hân hạnh lắm hay sao?
Không trả lời được thì chỉ được làm một thằng bạn ngu đần của tao mặc dầu tao
học thua mày sáu bẩy lớp chi đó.
- Thôi được – Lộc cười
nhượng bộ – làm em mày một cái chơi cũng được. Này nhé : tao thấy trước khi mở
máy, ông ấy nghiêng đầu ngước nhìn lên đồng hồ Bưu điện rồi ngó xuống đồng hồ
đeo tay, gật gù và nhếch mép cười ra chiều đắc ý. Có điều không rõ ông ta đắc ý
vì giờ của ông ta đúng với giờ nhà nước hay vì sắp đến nơi hò hẹn với bồ.
Thuận reo vang, vỗ lên lưng
bạn đồm độp, khen:
- Giỏi đấy! Mày quả xứng
đáng làm thằng em học giỏi của tao, Lộc à!
Hiệp thấy vui lây cái vui
hồn nhiên của hai đứa trẻ. Nhưng trong tia nhìn của chàng dường như có thoáng
một chút băn khoăn. Và chàng nghe chăm chú hơn những lời đối thoại trửng giỡn
của chúng.
- Tên họ thằng chả nghe thật
là kỳ cục – Thuận nói – Toàn những ý là ý mày à!
- Mày nói sao – Lộc hỏi vặn –
Những ý là ý là cái thống chế gì?
- Ủa, vậy mày không nghe ông
cảnh sát hỏi căn cước thằng chả sao? Tao nghe rõ ràng y khai tên là Lý Quý Ý
Chí. Bốn chữ, chữ nào cũng tận cùng bằng ý hết, chẳng phải toàn những ý là ý là
gì?
- Láo, láo! Tao khỏi cần
nghe cũng biết tên y là Hoạt. Y ở cách nhà tao có mấy khu phố. Lối xóm vẫn quen
gọi y là ông Ba Hoạt. Hôm nay, y đeo kính đen quá nên tao không trông rõ mắt.
Gọng kính tuy to nhưng cũng không che kín được vết thẹo ở thái dương bên tay
mặt. Tao nhìn kỹ. Không thể nào sai chạy được.
Thuận cố cãi:
- Nhưng tao nghe rõ ràng y
khai tên là Chí mà. Ông cảnh sát coi căn cước và thẻ chủ quyền xe cũng chỉ gật
gù cái đầu, rồi mỉm cười, hý hoáy viết chứ có nói gì nữa đâu.
Rồi nó níu tay Hiệp, hỏi:
- Cháu nghe rõ y khai tên là
Chí. Vậy y là Chí chứ sao lại là Hoạt được, phải không chú?
- Phải! – Hiệp trầm ngâm đáp
rồi gặng hỏi – Cháu nói tên họ đầy đủ của hắn ta là gì nhỉ?
- Thưa, là Lý Quý Ý Chí ạ.
- Mặt mũi, tầm vóc ra sao?
- Thưa chú, y cao lớn, dễ
đến một mét 70, mặt ngắn, trán ngắn, tóc hớt cao, nước da đen sạm, đeo kính đen
nên trông không rõ mắt.
Lộc cướp lời, nói xen vào:
- Có cái thẹo lớn ở thái
dương bên tay mặt. Ngón tay thô vì chính y làm thợ sửa xe, có một cửa tiệm nho nhỏ
ở mạn gần nhà cháu. Cháu biết y tên là Hoạt. Thằng Thuận nghe lầm, y không phải
tên là Chí mà là Hoạt. Phải không chú?
- Phải! – Hiệp ậm ừ đáp cho
qua.
- Thằng Thuận bảo là Chí,
chú ừ cho là phải. Cháu bảo là Hoạt, chú cũng ừ cho là phải. Vậy chú là ông…
Nói đến đây, Lộc vội ngưng
bặt, bưng miệng, tròn xoe mắt, khẽ kêu:
- Chết cha!
Hiệp mỉm cười, vuốt tóc nó:
- Không sao! – Hiệp nói –
Cháu định kêu chú là ông Ba Phải chứ gì!
Lộc ké né không dám đáp.
Hiệp thong thả thò tay vào túi lấy ra đồng bạc 20 đồng, rồi hỏi hai đứa:
- Đây có phải là 20 đồng
không nào?
Hai đứa ngó vào đồng bạc nằm
ngửa giữa lòng bàn tay mở rộng để lộ rành rành mấy chữ “Việt Nam Cộng Hòa” “20
đồng” rồi đồng thanh trả lời:
- Dạ phải!
Hiệp lật đồng bạc để cho
chúng thấy hình người nông phu trong ruộng lúa và hỏi:
- Thế đây có phải là 20 đồng
không?
- Dạ phải!
Hiệp cầm đồng bạc giữa mấy
ngón tay, tung lên rồi bắt lấy mấy lần, cười khanh khách trước khi chậm rãi
nói:
- Mặt trước là 20 đồng, mặt
sau cũng là 20 đồng, nhưng đồng tiền chú tung lên đây mới thật sự là 20 đồng. Các
cháu hiểu chưa?
Hai đứa ngơ ngác, không hiểu
gì cả. Hiệp giảng tiếp:
- Cũng như người lái xe kia
vậy. Y có thể là Chí. Y cũng có thể là Hoạt. Nhưng thực sự y là ai thì… còn
phải coi lại đã.
Chàng chậm rãi bước ra xe,
vừa đi vừa dặn hai đứa:
- Chiều nay, chú cháu mình
về Saigon…
Hai đứa vội kêu lên:
- Theo đúng chương trình,
mình còn ở đây chơi hai ngày nữa mà chú!
- Biết rồi! Nhưng nếu về Saigon
sớm để có thì giờ gỡ rối giùm cho một người khác khỏi mắc tội oan, các cháu
nghĩ có nên hy sinh vài ngày vui chơi ở Vũng Tàu không?
- Dạ nên! – Hai đứa đồng
thanh đáp.
Hiệp chưa kịp dặn thêm đã
thấy cả Thuận lẫn Lộc đều giơ tay chỉ về một phía và tranh nhau nói:
- Đó, người lái xe đó. Y đi
xích lô ra Bưu điện đó chú!
Hiệp gật gù có vẻ hài lòng,
hai tay vỗ lưng hai đứa, nói:
- Hai cháu đi chơi đâu thì
đi, nhưng liệu chừng mà về nghe. Trưa đúng 12 rưỡi gặp chú ở tiệm cơm mọi ngày.
Cơm xong, nghỉ ngơi một lúc, các cháu có quyền tắm gỡ một mách. Chiều mình về Saigon cho mát…
Thuận cố hỏi gặng khi chú nó
sắp bước vào trong xe:
- Chú đi đâu vậy, chú?
- Chú ghé Ty Cảnh sát một
lát, rồi cũng ghé Ty Bưu điện nữa.
- Để làm gì thế hả chú? – Lộc
đánh bạo hỏi.
- À, trước hết, để coi vụ
trộm lớn lao xẩy ra ở đâu. Rồi kiếm cách cứu một người nào đó khỏi bị bắt giam
oan uổng. Đồng thời cũng để bố trí tóm cổ một hai tên phạm pháp…
Chiếc Dauphine xinh xắn phóng vút đi. Thuận và Lộc
nhìn theo xe chạy đi một đỗi rồi ngẩn người đứng nhìn nhau không hiểu chú chúng
nó nói chuyện chi mà kỳ lạ vậy.
_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG BỐN