Một cậu bé chuyện trò cùng mẹ
Rằng: “đến mai con sẽ xin ngoan”
Đến mai con sẽ xin ngoan!
Đến mai con lại khất lần ngày kia
Con ơi! Con chớ hề nói thế
Việc hôm nay đừng để ngày mai
Chi bằng con nói thế này:
“Mẹ ơi! Con muốn ngoan ngay bây giờ”
Bài chép lại
trên đây chị không còn nhớ tác giả là ai, và chị cũng không dám chắc rằng nó có
đúng từng câu từng chữ không. Có điều, về đại cương, thì đúng là như thế đấy.
Đại ý bài này khuyên các em không nên để lại đến ngày hôm sau việc gì có thể
làm ngày hôm nay.
“Việc gì làm
được hôm nay
Thì xin chớ
để qua ngày hôm sau”.
Ngày mới bắt
đầu. Trong niềm hân hoan vui mừng xuân mới, trong sự háo hức của buổi đầu năm,
chị muồn gửi tới các em những mẩu chuyện về bài học luyện tinh thần, bài học
của lòng nhiệt thành, sốt sắng, tích cực, say mê. Đó là sự làm việc với châm
ngôn “chớ để đến ngày mai”.
Chớ để ngày
mai! Xin các em nhớ như thế. Bởi vì khi chúng ta nói rằng: “Thôi, việc này hãy
để mai làm”, thì có thể là sẽ không bao giờ làm được. Vì ngày mai lại có những
cớ này cớ kia, và ta lại tự nhủ: “thôi thì lại để mai nữa”.
Ngày qua mau!
Năm tháng qua mau. Đang lúc tuổi trẻ, còn tràn trề nhiệt huyết, mà chúng ta
không diệt cái quan niệm trì hoãn “Thôi! Để mai làm” thì ngày mai tới, tuổi
càng thêm chồng lên, tinh thần biết còn khang kiện để làm được việc nữa chăng?
Mà cuộc đời sống lâu hay mau, không có ảnh hưởng gì tới người khác. Đáng kể
chăng là những thành tích mình đã làm trong cuộc đời. Cho nên, chúng ta phải
luôn luôn mài giũa cái chí khí, giữ được lòng hăng say, nhiệt thành.
Việc gì làm
được hôm nay
Thì xin đừng
để qua ngày hôm sau.
Bài mới nghe
giảng, hãy học ngay, thì sẽ mau thuộc. Để qua hôm sau, lời giảng trôi đi, học
thêm khó khăn. Hứa làm giúp ai, làm ngay cho xong việc. Để qua hôm sau, lỡ
quên, thành người thất tín.
Trong cuốn
“Tương lai ở trong tay ta” học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết:
“Một trong những bài đó khuyên chúng
tôi đừng để lại ngày mai việc gì có thể làm được ngày hôm nay. Tác giả kể
chuyện một người nhà quê đi thăm vườn cam thấy nhiều gốc có sâu, không bắt sâu
ngay, tự hẹn hôm sau sẽ làm công việc đó. Hôm sau chú ta đau, phải nghỉ vài
bữa, đến lúc khỏi thì gặp đám giỗ, xong đám giỗ thì có cơn dông, rồi tới công
việc gấp khác, nên quên hẳn công việc bắt sâu, nửa tháng sau mới trở lại vườn
cam thì cây nào cây nấy héo rũ cả rồi…
…………………….
Càng sống tôi càng thấy những người
thành công thường có cái đức: làm
ngay, không để tới ngày mai.
Xin bạn đừng hiểu lầm tôi. Tôi vẫn
biết có những việc không nên giải quyết vội; cứ để trong một thời gian, trí óc
bình tĩnh, ta thu thập thêm được đủ tài liệu rồi sẽ giải quyết. Lại có những
việc mới coi tưởng như quan trọng, nhưng để ít lâu, hoàn cảnh thay đổi rồi,
khỏi phải giải quyết nữa. Trong những trường hợp đó không nên hấp tấp mà lỡ
việc.
Nhưng việc gì đã cho là nên làm, đã
quyết định thế nào cũng làm, thì nếu có thể được, nên làm ngay đi, đừng trì
hoãn. Trì hoãn thường lỡ cơ hội ; mà dù không lỡ cơ hội thì thói trì hoãn cũng
có hại, nó gậm nhấm lần nghị lực, chí quyết đoán của ta.
(Tương lai ở
Trong Tay Ta trang 67)
“Thời giờ
thấm thoát thoi đưa
Nó đi, đi mất
có chờ đợi ai”.
Lời người xưa
nói không sai!
Cho nên, ngày
hôm nay đây, lời đầu gửi tới các em, chị xin các em ghi nhớ như là khuôn vàng
thước ngọc:
“Việc gì làm
được hôm nay
Thì xin chớ
để qua ngày hôm sau”.
Muốn trở nên
tốt lành, thì hãy làm ngay việc lành, đừng nói: “Từ mai, tôi sẽ tu thân” Không
phải vậy, hãy tu thân ngay giây phút này, các em nhé.
Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH
(Trích chuyên
mục VƯỜN HỒNG, tuần báo Thiếu Nhi số 120, ra ngày 1-2-1974)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com