Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

CHƯƠNG II_TIẾNG HÁT VÀNH KHUYÊN


CHƯƠNG II


Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng. Năm bàn ăn với năm bình hoa tươi rực rỡ, những chiếc khăn trải bàn kẻ ca-rô xanh, ly úp trên đĩa sứ trắng, khăn lau bằng giấy, khăn ăn trắng muốt. Ba má em và những người khách lớn tuổi ngồi ba bàn, hai bàn còn lại thì một của hai chị Hương Trinh, Hương Thu cùng các bạn, bàn kia do anh Trung và em làm chủ.

Khách đến đã gần đủ. Chị Mộng Vi, chị bạn sắp du học của chị Hương Trinh là người đến trước tiên, đang ngồi trò chuyện với mấy người bạn và các bạn của chị Hương Thu. Các bạn em, trong năm nhỏ được mời, có ba nhỏ đã đến: Thúy Hiền, Quỳnh Phương và Ngọc Mai. Còn thiếu Lan Vi và Hạnh Trang.

Chị Hương Trinh hỏi:

- Sao? Còn thiếu ai không? Hương Thu! Khách của em đủ chưa?

- Thưa chị đủ rồi ạ.

Một chị bạn của chị Hương Thu pha trò:

- Thưa chị, gì chớ đi ăn tiệc thì tụi em nhanh chân lắm chị à.

Chị Hương Trinh cười theo mọi người rồi quay hỏi anh Trung:

- Bạn của em đâu Trung, sao chẳng thấy “tướng” nào cả vậy?

Anh Trung nhăn nhó:

- Chắc tụi nó trúng gió lăn đùng cả ở ngoài đường rồi…

- Thằng quỷ chỉ giỏi nói nhảm thôi.

Anh Trung cười:

- Nói thế chứ em có mời đứa nào đâu...

- Sao thế?

- Chứ chị nghĩ xem, chị sắp em ngồi chung với Vành Khuyên, nếu em lại đi mời bạn bè đến, thì cản sao được chúng nó "ngốn" hết cả phần cô Út?

Chị Hương Thu:

- Gớm, Vành Khuyên xem đấy, anh Trung có tử tế không?

Anh Trung hếch mặt lên:

- Tử tế là cái chắc rồi!

- Chứ không phải anh không mời bạn để dễ bề lấn lướt lũ nhỏ đấy hở?

Chẳng đính chính mà anh Trung còn cười hì hì gật gù:

- Chí lý! Chí lý!

Cái anh này... quỷ thì thôi! Dám ngang nhiên nhận mình là... hạm ăn trước mặt mọi người thì quả là hết chỗ nói rồi.

Chị Hương Trinh:
- Còn Vành Khuyên thì sao em?
- Em còn thiếu hai nhỏ bạn nữa...

Chợt có tiếng Quỳnh Phương:

- Lan Vi tới rồi  kìa!

Lan Vi bước vào, cúi chào mọi người rồi đến bên em:

- Xin lỗi Vành Khuyên nghe, Lan Vi bận việc bất ngờ…

- Lỗi với phải gì...

- Chắc Lan Vi là người đến cuối cùng phải không Vành Khuyên?

- Gần cuối thôi. Còn Hạnh Trang nữa…

Lan Vi nhíu mày sau khi nghe em nói đến Hạnh Trang. Ganh gì mà dữ vậy không biết?Anh Trung kéo ghế cho Lan Vi ngồi trong lúc em không yên trong dạ:

- Không biết sao giờ nầy Hạnh Trang vẫn chưa đến?

Anh Trung:

- Vành Khuyên có chỉ nhà cẩn thận không đấy?

- Sao không... Có lẽ Hạnh Trang xin phép không được...

Nhưng rồi cuối cùng, Hạnh Trang cũng đến. Nhỏ ngượng ngập trình bày lý do đi trễ của mình:

- Trang xin lỗi…Xin phép mãi, ba má Trang mới cho đi...

Thúy Hiền kéo Trang ngồi cạnh. Nhỏ hỏi:

- Áo dài mầu đâu sao không mặc?

Hạnh Trang cúi nhìn chiếc áo dài trắng và có lẽ nhận ra sự "tầm thường" của mình với những chiếc áo mầu, những bộ jupe của bạn bè, nhỏ ấp úng:

- Tại... cái áo dài mầu của Trang giặt... chưa khô kịp...

Em nháy Thúy Hiền đừng hỏi thêm về chuyện ấy nữa, sợ Hạnh Trang buồn. Em chuyển sang chuyện khác:

- Bàn của tụi mình đủ rồi đó. Có mỗi mình anh Trung là lớn, bọn mình cứ tha hồ...

Bữa tiệc bắt đầu sau khi ba em ngỏ vài lời cùng quan khách. Trước tiên mọi người ăn bánh, uống nước chuyện trò. Cả bàn chị Hương Trinh, Hương Thu kéo sang bàn em làm một màn giới thiệu. Đáp lại, anh Trung làm "đầu tầu" kéo bọn em sang trả lễ. Em được cử làm "giới thiệu viên". Sau tên mỗi người, em không quên thêm một biệt danh cho vui vẻ:

- Đây là anh Trung mỹ danh “Trung Vô Diệm”…(vừa nói, em vừa né mình tránh cái nhéo của anh Trung)

- Còn đây là nhỏ Thúy Hiền, người "dữ" nhất lớp. Đây là Lan Vi, cây gạo bài. Đây là Hạnh Trang, tiếng hát tuyệt vời…

Phía bên kia, chị Mộng Vi bỗng kêu lên:

- Ồ! Em gái chị Quỳnh đấy phải không?

Hạnh Trang hơi đổi sắc mặt, nhỏ nhìn chị Mộng Vi chăm chăm, đầu lắc nhẹ:

- Thưa chị... không... em... em làm gì có chị...

Chị Mộng Vi nhìn lại Hạnh Trang trong lúc chị Hương Trinh hỏi:

- Bộ Mộng Vi có quen với Hạnh Trang à?

Chị Mộng Vi lắc đầu:

- À không... chắc là Vi nhìn lầm... Tại Vi có người bạn có đứa em gái giống... giống em Trang đây lắm nên thoạt nhìn, Vi cứ tưởng...

Hạnh Trang hơi cúi mặt, khó hiểu. Anh Trung tiếp tục giới thiệu:

- Cuối cùng, xin hân hạnh giới thiệu với quý dzị “giới thiệu viên” của chúng ta chính là người mang danh “Tiếng Hát Vành… Tai”!

Mọi người cùng cười ồ làm em đỏ bừng mặt, với tay ngắt anh Trung một cái thật đau. Anh phân bua:

- Đó, mọi người nghĩ coi, Vành Khuyên ăn gian quá xá. Trêu người ta là "Trung Vô Diệm" thì được, người ta trêu lại thì... ngắt với véo... Bây giờ, "Trung Vô Diệm" này xin đề nghị... bắt phạt Vành Khuyên phải hát một bài... Bà con đồng ý chứ?

Tất cả cùng nhao nhao lên tán đồng ý kiến của anh Trung. Chị Hương Trinh nói:
- Được rồi, vậy thì ai về chỗ nấy đi, để chị giới thiệu...
Chị đứng lên nói lớn:
- Thưa ba má, thưa các bác, các bạn và các em. Hương Trinh xin được làm rộn mọi người một chút... Chả là cô em út của Hương Trinh có nợ anh Trung của nó một bản nhạc, "chủ nợ" nhất định đòi phải trả vào lúc này mới chết... Cho nên, nếu mọi người đồng ý, "người thiếu nợ" Vành Khuyên sẽ xin hát một bài, trước là để trả nợ, sau là để giúp vui cho buổi tiệc hôm nay...
Mọi người cùng vỗ tay hoan nghinh. Anh Trung chạy vào phòng lấy đàn ra tự lúc nào, ra dấu cho em rời chỗ. Em tự giới thiệu:
- Vành Khuyên xin hát bản "Sơn nữ ca" của nhạc sĩ Trần Hoàn... Anh Trung của Vành Khuyên sẽ lãnh phần đệm nhạc...

Anh Trung ôm đàn, cúi đầu chào mọi người thật... điệu! Lúc hướng về phía các bạn của em, anh còn cười duyên một nụ nữa chứ! Xong đâu đấy, anh mới dạo nhạc để em hát. Em bắt đầu cất tiếng...

Trong tràng pháo tay tán thưởng của mọi người, chị Hương Trinh theo lời em dặn trước, giới thiệu tiếp:

- Tiếp theo đây, Hương Trinh xin giới thiệu một ca sĩ tí hon khác... Tiếng hát tuyệt vời Hạnh Trang...

Nhỏ Hạnh Trang đỏ bừng mặt khi Túy Hiền nắm một tay của nhỏ giờ cao lên và nói:

- Ca sĩ Hạnh Trang xin trình diện!

Em đưa Hạnh Trang ra "sân khấu". Anh Trung hỏi:

- Hạnh Trang hát bản gì nào?

Hạnh Trang lắc đầu:

- Em... em không dám hát đâu...

Mặc Hạnh Trang chối từ, em cứ giới thiệu:

- Vành Khuyên xin giới thiệu Hạnh Trang trong bản nhạc Lòng Mẹ của Y Vân. Bản nhạc này, Hạnh Trang xin được hát để chuộc cái lỗi đến trễ khiến mọi người phải chờ đợi đến dài cả cổ...

Bài Lòng Mẹ, Hạnh Trang đã hát cho cả lớp nghe, em lại thêm cái vụ đi trễ của nhỏ vào, nhỏ hết cách chối từ. Trang nhìn em nguýt dài lúc em lui về chỗ để mặc nhỏ đứng lại với anh Trung. Anh Trung dạo đàn, và rồi, Hạnh Trang cất tiếng. Giọng của Hạnh Trang thật ngọt ngào:

"Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào.
 Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào..."

Bài hát cảm động và tiếng hát truyền cảm của Hạnh Trang đã được mọi người tán thưởng nhiệt liệt. Tất cả cùng đòi nhỏ hát lần nữa nhưng nhỏ đã chạy vội về chỗ và nhất định không chịu hát nữa, nhỏ gắt em:

- Quỷ đâu ấy, đã bảo là xấu hổ lắm mà cứ giới thiệu người ta...

Em cười chẳng nói gì. Đằng kia, chị Hương Trinh đang giới thiệu một chị bạn của chị Hương Thu. Rồi lại đến lượt em tặng chị Mộng Vi. Chị Mộng Vi ngạc nhiên hết nhìn chị Hương Trinh rồi lại nhìn em.

Lúc em hát xong, chị vẫy em đến bên:

- Vành Khuyên hát hay lắm...

Quay sang chị Hương Trinh:

- Trinh làm Vi cảm động quá. Sẽ không bao giờ Vi quên được kỷ niệm này đâu...

Chị Hương Trinh nhìn chị Mộng Vi rồi nhìn em mỉm cười. Em thấy vui vui trước tình bạn của hai chị. Và em bỗng nghĩ đến Hạnh Trang...

*

Lúc ngồi uống trà, ăn bánh sau bữa tiệc, em thấy chị Mộng Vi và Hạnh Trang đang chuyện trò gì đó. Lúc em đến chỗ hai người, em chỉ còn nghe câu nói cuối cùng của chị Mộng Vi:

- Được rồi, chị hứa với em…

Em hỏi , nhưng cả hai cùng lảng sang chuyện khác. Chị Mộng Vi nói:

- Lúc mới gặp, chị cứ tưởng Hạnh Trang là em chị bạn, đến bây giờ mới vỡ lẽ ra... không phải...

Em hỏi vặn:

- Chứ chị hứa gì với Hạnh Trang đó?

Chị Mộng Vi:

- À… chị hứa… hứa khi ra nước ngoài, sẽ có quà về cho Hạnh Trang…

Em phụng phịu:

- Chỉ Hạnh Trang thôi à?

Chị Mộng Vi cười:

- Cả Vành Khuyên nữa chứ! Chịu chưa “cô nương”?

*

Anh Trung tình nguyện làm “tài xế” đưa tất cả các nhỏ bạn em về. Bốn nhỏ kia thì chịu liền. Chỉ có Hạnh Trang là kiếm cớ chối quanh để về một mình. Anh Trung nói:

- Hạnh Trang không chịu, anh... khóc cho mà xem...

Thúy Hiền:

- Thúy Hiền sẽ... oa xịt Hạnh Trang ra...

Em thêm:

- Vành Khuyên nữa... Vành Khuyên cũng nghỉ chơi Hạnh Trang luôn...

Nghe đến hai chữ "nghỉ chơi" từ miệng em, Hạnh Trang mới chịu thua. Nhỏ miễn cưỡng gật đầu:

- Nhưng anh Trung cho Trang  xuống trước cổng thôi đấy nhé... Anh đừng có vào nhà...

- ... Ba má Trang khó lắm phải không?

Trên đường đi, nhà Hạnh Trang là trạm thứ ba anh Trung ghé xe lại. Đúng như em đoán hôm trước, nhà Hạnh Trang quả sang trọng. Đó là một biệt thự nằm sâu trong một khoảng đất rộng, phía trước là vườn hoa thật đẹp. Hạnh Trang xuống xe chào anh Trung và bọn em rồi tiến đến bên cổng, bấm chuông. Anh Trung vẫy tay từ giã rồi cho xe lăn bánh. Lúc xe đến khúc quanh, em nhìn về phía nhà Hạnh Trang vừa kịp thấy một người đàn ông có lẽ là ba nhỏ đang tiến ra mở cổng và Hạnh Trang, nét mặt thoáng lo sợ. Phải chăng nhỏ xin phép đi và vì về trễ gờ hẹn em cầm chân nhỏ ở lại chơi khá lâu sau bữa tiệc nên nhỏ sợ? Anh Trung cũng nhìn thấy qua kính chiếu hậu. Anh nói:

- Ba Hạnh Trang coi bộ khó dữ...

Có đúng thế không, Hạnh Trang?

*

Em nghĩ mãi đến Hạnh Trang. Tội nhỏ quá. Ba má khó khăn như vậy, hèn chi nhỏ chẳng mang mặc cảm cô đơn, rất sợ làm mất lòng người khác. Nhỏ tìm đến em, nhỏ mong tạo được tình bạn với em cũng vì lẽ đó chăng?.

Một người bạn thân! Em liên tưởng đến hai chị Hương Trinh và Mộng Vi. Em nghĩ đến mình và Hạnh Trang. Được lắm chứ... Hạnh Trang đáng để em xem như một người bạn thân lắm chứ...
________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG III

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

CHƯƠNG I_TIẾNG HÁT VÀNH KHUYÊN


CHƯƠNG I


Tên thật của em là Nguyễn thị Hương Trầm, nhưng từ hai năm qua, mọi người đều gọi em là Vành Khuyên. Từ bạn bè, từ các thầy cô trong trường, đến chính gia đình em nữa, tất cả đều đã như quên hẳn cái tên Hương Trầm.

Cho đến bây giờ, và có lẽ còn cho đến mãi mãi, em nghĩ rằng sẽ không bao giờ em quên được cái tên Vành Khuyên kỷ niệm, cái tên mà mọi người đã gọi em bắt đầu từ buổi văn nghệ tất niên năm em học đệ thất.

Trời phú cho em một giọng hát ngọt ngào ngay từ khi còn bé. Chị Hương Trinh, rồi chị Hương Thu, hai chị thay nhau tập luyện cho em thêm thuần thục. Năm em lên lớp nhì, anh Trung lại dạy thêm em về nhạc lý và xướng âm. Mỗi lần trong nhà có đám xá, tiệc tùng, luôn luôn em được các anh chị giới thiệu ra trình diễn và luôn luôn, sau bài hát, em được tán thưởng nhiệt liệt.

Vào đệ thất, em đã khiến giáo sư nhạc phải đặc biệt chú ý vì giọng hát và khả năng nhạc lý của em. Rồi chính giáo sư là người đầu tiên khuyến khích em ghi tên dự tranh giải “Tiếng Hát Vành Khuyên”, một giải thưởng đặt ra hàng năm dành cho học sinh nào trong các lớp thất, lục, ngũ, tứ dự thi và được chấm khôi nguyên trong buổi văn nghệ tất niên do nhà trường tổ chức. Lúc đầu, em còn e ngại – vừa sợ, lại vừa mắc cỡ nữa – nhưng rồi vài giáo sư khác, một số bạn bè và gia đình đều ngỏ ý khuyến khích. Thế là em bậm gan ghi tên thi. Người đoạt giải “Tiếng Hát Vành Khuyên” năm trước đã lên đệ tam, nên trong cuộc thi năm ấy, thí sinh toàn là những người chưa có thành tích gì. Điều đó đã làm em vững tâm đôi chút.

Cuộc thi khởi diễn với hai vòng loại. Mười sáu người năm ấy rút thăm chia thành tám đôi, cứ hai người, ban giám khảo lại loại một. Ở vòng thứ hai, thêm bốn người nữa bị loại. Bốn người còn lại sẽ vào thi chung kết trong buổi văn nghệ tất niên. Thật may mắn, ở vòng đầu em loại một chị đệ ngũ ; đến vòng kế, lại loại được một nhỏ đệ thất. Rồi cuối cùng, trong buổi văn nghệ tất niên, trong bốn người vào chung kết, em được chấm khôi nguyên, đoạt giải “Tiếng hát Vành Khuyên”. Theo thông lệ, sau khi đoạt giải, tết vào, em đã phải đi một vòng tất cả các lớp trong trường gọi là để trình diện, đồng thời, từ đó, được cả trường gọi bằng cái tên mới “Vành Khuyên” suốt một năm, tức là cho đến buổi văn nghệ tất niên năm sau.

Lên đệ lục, dịp Tết, em lại giữ được danh hiệu “Vành Khuyên” một lần nữa. Và bây giờ, đầu năm học đệ ngũ, có lẽ là thật sớm, em đã chuẩn bị ráo riết tập dượt ba bản nhạc ưng ý cho lần dự thi thứ ba, lần quan trọng vô cùng vì theo thể lệ cuộc thi, ai giữ được danh hiệu Vành Khuyên ba năm liên tiếp, sẽ mãi mãi được gọi là “Vành Khuyên”, đồng thời được thưởng một chiếc cúp vàng lưu niệm. Chiếc cúp vàng tuy có hấp dẫn thật đấy, nhưng dù sao nó cũng chỉ là một vật kỷ niệm để trưng bày, chẳng sao so được với hai chữ “Vành Khuyên”, cái tên em mang từ hai năm nay. Em muốn mãi mãi, khi nào còn học trong trường, em còn được gọi là “Vành Khuyên”…

Nhưng mới rồi đây, em đã cảm thấy bâng khuâng lo sợ. Năm nay, lớp em có thêm một nhỏ mới đổi từ trường tỉnh lên, nhỏ Hạnh Trang, cũng rất khá nhạc lý. Mới rồi đây, trong giờ nhạc, lần đầu tiên thầy gọi nhỏ ấy lên hát. Hạnh Trang hát bài "Lòng Mẹ" và nhỏ đã khiến cả lớp sững sờ trước tiếng hát tuyệt vời của mình.

Em bỗng thấy nghèn nghẹn nơi cổ khi thầy và tất cả bạn bè trong lớp cùng tán thưởng Hạnh Trang một tràng pháo tay thật dài. Thầy nhận xét:

- Hạnh Trang hát rất vững vàng, giọng lại truyền cảm chẳng kém Vành Khuyên.

Nhỏ Ngọc Mai:

- Bên tám lạng, đằng nửa cân...

Thúy Hiền, nhỏ lém nhất lớp:

- Yêu cầu Vành Khuyên lên hát đáp lễ một bài.

Mấy nhỏ khác nhao nhao lên:

- Phải đó, Vành Khuyên thay mặt bạn bè cũ hát đáp lễ Hạnh Trang đi.

Thầy vui vẻ hỏi cả lớp:

- Các em nghĩ sao về đề nghị của Thúy Hiền?

Các nhỏ trong lớp reo ầm lên “Chịu”,“Chịu”. Trong những tiếng reo đó, tiếng "Chịu" lớn nhất mà em nghe được là của... Thúy Hiền, nhỏ đã đưa ra đề nghị!

Thầy nói:

- Vậy thì bây giờ Vành Khuyên tính sao? Em chiều ý các bạn được chứ?

Em đang mang tâm trạng ganh tức với Hạnh Trang, tự thấy khó mà hát được, vì thế, em đứng lên thưa:

- Thưa thầy, xin thầy cho em khất đến lần sau. Bữa nay… Bữa nay giọng em không được như mọi ngày…

Nhỏ Ngọc Mai lớn giọng:

- Nè! Hổng được đâu nghe. Bộ định trốn “nghĩa vụ quân sự ” hở?

Nhỏ Thúy Hiền:

- Vành Khuyên mà không hát, tụi mình oa xịt nó ra nghe tụi bay. Nè… Một, hai, ba... oa xịt…

Vài nhỏ hợp cùng Thúy Hiền vừa vỗ tay vừa há miệng thật to mà... oa xịt khiến cả lớp cười ầm lên. Em nhìn thầy cũng đang cười mỉm mà thấy khó nghĩ quá... Hạnh Trang bỗng đứng lên:

- Từ ngày đổi lên đây học, Trang đã được nghe danh chị Vành Khuyên. Nhưng mới là nghe danh chớ chưa lần nào Trang được nghe chị hát cả. Vậy nhân đây, Trang cũng xin yêu cầu chị lên hát một bản…

Không biết Hạnh Trang có thành thật khi nói những lời vừa rồi? Nhưng em tự cảm thấy đó là những lời thách thức. Tự ái trong em bừng dậy. Chẳng cần suy nghĩ gì nữa, em đáp ngay:

- Vâng, vậy thì Vành Khuyên xin chiều ý các bạn.

Cả lớp vỗ tay ầm lên khiến thầy phải đập thước nói:

- Này! Có vui thì cũng vừa vừa thôi. Để các lớp bên cạnh người ta còn học…

Thúy Hiền – cũng vẫn là nhỏ ấy – đề nghị:

- "Sơn nữ ca" đi Vành khuyên!

Ngọc Mai:

- Thôi! "Tiếng Thu" thích hơn.

Em:

- Vành Khuyên sẽ hát bản "Trăng mờ bên suối”, bài hát mà cách đây hai năm, Vành Khuyên đã hát khi vào chung kết “Tiếng hát Vành Khuyên”…

Tất cả lại vỗ tay khích lệ, rồi sau đó im lặng lắng nghe em hát. Em lắng hồn vào lời ca, vào âm điệu trầm bỗng của bản nhạc. Tiếng em vang vọng trong bầu không gian ấm cúng của lớp học:

"Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối
 

Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu"

Vừa hát, em vừa liếc về phía Hạnh Trang xem nhỏ ấy phản ứng thế nào. Nét mặt hơi nghiêm của nhỏ ấy thật khó cho em suy đoán.

Khi những lời ca cuối cùng của bài hát vừa dứt, Thúy Hiền mở đầu cho một tràng pháo tay của cả lớp. Hạnh Trang vỗ tay xem chừng cũng khá nồng nhiệt. Nhỏ quay sang nhỏ Túy ngồi cạnh nói gì đó. Những lời ngợi khen em?

Chuông ra chơi cũng vừa reo vang. Cả lớp đứng dậy tiễn thầy ra về rồi mới cùng ùa ra sân.

Thúy Hiền bá vai em kéo đi:

- Theo tao, tao thưởng ly chanh muối!

Với cả lớp, em xem nhỏ nào cũng như nhỏ nào, nhưng riêng với Thúy Hiền, phải nhận rằng em dành cho nhỏ nhiều thiện cảm hơn cả. Thúy Hiền vừa lém vừa tốt bụng, chỉ phải cái hay nói thẳng tuột, chẳng giữ ý tứ gì. Vừa đi, em và Thúy Hiền vừa trò chuyện. Thúy Hiền:

- Mày thấy Hạnh Trang thế nào? Tao thấy nó hát cũng hay đó chứ!

Em bĩu môi:

- Ừ, hay lắm!

Thúy Hiền bật cười:

- “Ghen” rồi phải không, “cô nương”?

- Không biết!

- Nói thế chứ làm sao hay bằng… tiếng hát Vành Khuyên cho được!

- Em bật cười: “Đồ nịnh”, nhưng lòng thấy vui vui.

Cũng vừa đến quán nước, Thúy Hiền gọi hai ly chanh muối cho hai đứa. Đang uống nước và chuyện trò thì từ phía sau, một giọng nói vang lên:

- Chị làm cho em ly chanh tươi!

Em và Thúy Hiền cùng quay lại. Hạnh Trang nhìn hai đứa em mỉm cười làm quen. Rồi nhỏ kéo ghế ngồi cạnh Thúy Hiền và bắt chuyện:

- Hai chị nhanh chân ghê, mới đây mà đã đến nơi uống nước rồi...

Thúy Hiền nheo mắt:

- Tại Vành Khuyên nó khát nước quá. Mới trổi giọng oanh vàng xong mà…

Hạnh Trang cười:

- Chị Vành Khuyên hát hay quá... Người ta  đồn chẳng sai...

Câu khen của Hạnh Trang khiến tự ái em được vuốt ve. Em thấy nhỏ ấy không còn “khó ưa” nữa. Em đáp:

- Hạnh Trang quá khen Vành Khuyên đó nghe... Hạnh Trang hát cũng tuyệt lắm chứ bộ…

Đến lượt Thúy Hiền:

- Chắc thế nào Tết này, Hạnh Trang cũng thi “Tiếng hát Vành Khuyên”?

Lại một cách “thẳng tuột” của Thúy Hiền. Nhỏ ấy đã hỏi đúng câu hỏi em muốn đặt ra mà không tiện. Hạnh Trang khẽ lắc đầu:

- Trang chưa nghĩ đến chuyện đó. Nhưng, có lẽ Trang sẽ không xin thi…

- Vì sao vậy? – Thúy Hiền hỏi.

Hạnh Trang quay sang nhìn em, nụ cười tươi hơn:

- Thì có chị Vành Khuyên đây này, làm sao Trang dám sánh với chị ấy.

Em đỏ mặt:

- Hạnh Trang nói vậy chớ…

Thúy Hiền:

- Chỉ cần năm nay được giải nữa là Vành Khuyên nó đoạt cúp và được giữ luôn tên Vành Khuyên đó, Hạnh Trang à.

- Nếu vậy thì Trang càng không có lý do gì mà ghi tên thi nữa rồi...

Câu nói thoáng đùa mà thành thật của Hạnh Trang làm em chợt cảm động. Em bỗng thấy mình đã quá nhỏ nhen khi tự xem Hạnh Trang như một đối thủ để ghen ghét, ganh tức…

Em ngập ngừng:

- Bộ... bộ Hạnh Trang không thi thật à?

Hạnh Trang nhìn em khá lâu, rồi nhỏ mỉm cười nói:

- Vâng... chắc chắn là không... Trước tiên là vì Trang nghĩ rằng có thi thì mình cũng... rớt, kế nữa là Trang rất sợ phải đứng hát trước đám đông... Lúc nãy đó, đứng hát mà Trang run muốn chết vậy đó...

Thúy Hiền và em cùng cười. Chị chủ quán cũng vừa làm xong đá chanh cho Hạnh Trang. Nhỏ lịch sự không ngờ, mời em và Thúy Hiền rồi mới uống.

Uống nước xong xuôi, Hạnh Trang lại giành trả tiền cho cả ba. Thúy Hiền bao em, nhưng nhỏ lại có cái tính rất thực tế là nếu có nhỏ bạn nào muốn trả tiền thay mình thì nhỏ... chịu liền, chẳng cản ngăn gì cả.Bởi vậy, bỗng dưng em mắc nợ Hạnh Trang ly chanh muối.

Lúc xếp hàng vào lớp, Hạnh Trang nhỏ vóc nên đứng trước em và Thúy Hiền. Thúy Hiền bấm em bảo:

- Nè, Vành Khuyên, hình như Hạnh Trang nó muốn làm quen với mày đó.

- Tao cũng nghĩ thế.

- Mày chịu không?

- Để xem đã!

- Tao thấy hai đứa mày cũng xứng với nhau lắm đó... Hạnh Trang xem ý cũng hiền...

*

Chẳng những hát hay, Hạnh Trang còn học giỏi nữa. Nhỏ đã khiến mọi người phải ngạc nhiên khi trong cuộc thi “Học sinh Xuất sắc”, nhỏ đã đánh bại Lan Vi – nhỏ luôn đứng nhất lớp cũng là nhỏ thường chiếm giải này.

Trường em có một truyền thống mà em cho là rất đẹp, là thường tổ chức rất nhiều cuộc thi để học sinh trong trường ganh đua học hỏi. Ngoài “Tiếng hát Vành Khuyên” dành cho giọng hát hay nhất ở các lớp đệ nhất cấp, trường còn treo nhiều giải khác như giải “chuyên cần”, “Nữ công”, “Thể thao”… Tại mỗi lớp, nhà trường cũng khuyến khích tổ chức những cuộc thi tương tự. Tại lớp em, một trong những cuộc thi nội bộ là cuộc thi “Học sinh xuất sắc” tổ chức hàng tháng.

Muốn dự tranh giải này, chúng em phải xếp hạng từ một tới mười trong tháng. Các thí sinh ngồi thành một vòng tròn và tự đặt câu hỏi cho nhau. Giáo sư hướng dẫn sẽ rút thăm chọn số thứ tự cho từng thí sinh. Có bao nhiêu người dự thi thì có bấy nhiêu vòng câu hỏi. Ở vòng câu hỏi đầu tiên, nhỏ số 1 sẽ đặt câu hỏi cho nhỏ số 2 trả lời. Nhỏ này, nếu trả lời được, sẽ đặt câu hỏi cho nhỏ kế tiếp, bằng không, nhỏ số 3 sẽ trả lời thay. Vòng thứ hai, nhỏ số 2 sẽ là người đặt câu hỏi trước tiên. Vòng thứ ba là nhỏ số 3… cho đến vòng cuối cùng. Kết quả căn cứ vào số câu hỏi mà mỗi thí sinh đặt được. Như vậy, người đầu tiên của mỗi vòng đều đương nhiên được ghi trên bảng kết quả một điểm làm vốn. Người cuối cùng của vòng chỉ cần trả lời được câu hỏi là được cho một điểm. Ai đặt được nhiều câu hỏi hơn cả, cũng có nghĩa là đã trả lời được nhiều nhất, sẽ chiếm giải, lãnh một phần thưởng tượng trưng mua bằng tiền quỹ lớp.

Hạnh Trang xếp hạng ba trong tháng và nhỏ ghi tên thi. Tháng này, chỉ có tám trong số mười người đầu tiên ghi tên. Nhỏ Vũ Ninh, hạng tư và em, hạng tám, rủ nhau nghỉ một kỳ để làm khán giả. Coi vậy chứ làm khán giả cũng thú vị không kém. Vừa vẫn tự kiểm tra kiến thức của mình được, vừa hồi hộp theo dõi kết quả…

Rút thăm, Hạnh Trang được số 5 ngồi giữa, Quỳnh Phương số 4 – nhỏ nhì lớp – và Lan Vi số 6. Phải trả lời những câu hỏi của Quỳnh Phương, nhỏ đã vài lần chiếm giải, và đặt câu hỏi cho Lan Vi, cây gạo bài, không ai nghĩ là Hạnh Trang sẽ đoạt giải. Thế mà kết quả không ngờ, Hạnh Trang đã trả lời trôi chảy những câu hỏi của Quỳnh Phương, lại đặt được hai câu khiến Lan Vi không trả lời được!

Giáo sư khen Hạnh Trang:

- Em có trí nhớ tốt lắm!

Hạnh Trang quả là một nhỏ khéo cư xử. Đoạt giải “Học sinh xuất sắc”, nhỏ biết mình đã làm Lan Vi và Quỳnh Phương thất vọng nên nhỏ đến an ủi hai nhỏ này ngay:

- Hai chị làm Trang đến “điêu đứng” vậy đó. Phục hai chị ghê!

Quỳnh Phương thì cười vui vẻ trong khi Lan Vi có lẽ tức, chẳng nói năng gì.

Thúy Hiền cười nói đùa với Hạnh Trang:

- Hồi nãy lúc Hạnh Trang đang thi, Thúy Hiền ngồi ở dưới cầu nguyện cho Trang đoạt giải đó. Có cám ơn thì cám ơn đi…

Hạnh Trang khoanh tay trước ngực, cúi đầu thật thấp:

- Vâng… Trang xin thành thật cảm ơn lòng… xấu của Thúy Hiền đó!

Mọi người cùng cười vui vẻ.

Hạnh Trang đến bên em:

- Chị Vành Khuyên xem Trang có may mắn không? Mới "ra quân" đã "thắng lớn" rồi...

- Hạnh Trang học giỏi quá, Vành Khuyên phục rồi đó...

Hạnh Trang cười. Nhỏ hỏi:

- Tháng sau, chị Vành Khuyên có thi không?

- Để xem đã…

- Trang dặn chị điều này nhé... Có thi, nhớ đừng rút thăm ngồi cạnh Trang đấy nhé…

- Sao vậy?

- Bộ Vành Khuyên muốn hai đứa mình thành đối thủ của nhau sao?

Em nửa đùa nửa thực:

- Hạnh Trang làm quen với Vành Khuyên đó phải không?

Hạnh Trang không đáp chỉ mỉm cười e lệ.

*

"Vành Khuyên rất thương của Hạnh Trang ơi.

Cho phép Trang bỏ chữ "chị" khách sáo đi, Vành Khuyên nhé! Vành Khuyên biết không, Trang rất muốn cùng Vành Khuyên trở thành một đôi bạn thân để cùng nhau chia vui xẻ buồn đó. Nhiều lần đứng nói chuyện với Vành Khuyên, Trang đã bậm gan định ngỏ lời nhưng rồi lại… thỏ đế, im luôn. Trang đành nhờ đến lá thư này vậy. Vành Khuyên nghĩ thế nào, cho Trang biết gấp nhé! Chứ không, gặp mặt Vành Khuyên, Trang mắc cỡ lắm.

Hạnh Trang"     



Lá thư của Hạnh Trang gởi cho em lúc về học khiến em phải phân vân. Mãi, em mới nghĩ ra câu trả lời. Em viết đáp Hạnh Trang lá thư:

"Hạnh Trang mến.

Vành Khuyên đã đọc thư của Hạnh Trang rồi. Vành khuyên xúc động lắm. Nhưng Vành Khuyên chưa có quyết định gì cả vì hai đứa mình mới quen biết nhau, đâu đã hiểu rõ tính tình nhau? Lại nữa, Vành Khuyên chỉ sợ mình không xứng đáng làm bạn với Hạnh Trang... Vậy thì bây giờ mình cứ tạm xem nhau như hai người bạn “gần thân” đi nhé? Vành Khuyên tin rằng nếu quả thực mình mến nhau, thì thời gian sẽ nối kết tình bạn giữa hai đứa thật đậm đà. Hạnh Trang chịu chứ?

Vành Khuyên"     



Ngày mai đi học, em sẽ trao thư cho Hạnh Trang. Em sẽ bắt chước nhỏ ấy, chỉ trao thư vào lúc ra về, cho nhỏ ấy “mắc cỡ lắm” suốt buổi học mới được!

*

Có tiếng chị Hương Trinh trước cửa phòng học:

- Vành Khuyên đang làm gì thế?

Em giật mình đáp:

- Em đang viết thư trả lời cho nhỏ bạn…

Chị Hương Trinh cười:

- Vành Khuyên “điệu” quá ta.

- Tại nhỏ kia “điệu” trước đó. Nhỏ ấy viết thư cho em thì phải viết trả lời chứ bộ.

- Thế Vành Khuyên viết xong chưa? Cho chị nhờ chút việc được không?

- Dạ xong rồi. Chị cần em chuyện gì?

Chị Hương Trinh chắp tay sau lưng:

- Sắp đến Tết dương lịch rồi đó, Vành Khuyên…

- Thì sao hả chị?

- Năm nay ba má sẽ tổ chức một bữa tiệc đầu năm…

- Mình được mời bạn tới dự chớ chị?

- Hẳn rồi…

- Vậy thì em đoán ra rồi. Có phải chị sắp nhờ đến… tiếng hát Vành Khuyên phải không?

Chị Hương Trinh vỗ tay:

- Vành Khuyên thông minh lắm. Chẳng là thế này. Em biết chị Mộng Vi chứ? Chị ấy sắp đi ngoại quốc du học rồi đó. Trước khi xa nhau, chị muốn dành cho chị ấy một món quà kỷ niệm đặc biệt…

Em tiếp:

- Tiếng hát Vành Khuyên...

- Đúng rồi! Nhưng với một bản nhạc chị ưng ý nhất. Vành Khuyên hứa giúp chị nhé?

- Rồi, em xin hứa cả hai tay. Nhưng bù lại...

- ... Chị không quên công của em đâu.

Em nheo mắt:

- Một bộ jupe mới nghe:

Chị Hương Trinh gật đầu vui vẻ rồi đưa tay “móc ngoéo” với em. Em chợt nhớ đến Hạnh Trang:

- Có lẽ em cũng sẽ mời một nhỏ bạn mới đến chơi nữa chị à.

- Là ai thế?

- Nhỏ viết thư cho em đó chị.

- Mới chuyển trường hay sao mà lại "bạn mới"?

- Dạ, mới chuyển ở tỉnh lên... Học giỏi mà hát cũng hay nữa.

- ... Bằng Vành Khuyên không?

- Suýt soát.

Chị Hương Trinh le lưỡi:

- Nếu thế thì cuối năm nay…?

- Nhỏ đã hứa chắc với em là nhỏ không tranh giải “Tiếng Hát Vành Khuyên” rồi, chị yên trí….

Chị Hương Trinh:

- Chị chỉ sợ có ai đánh mất của Vành Khuyên cái tên dễ mến. Gọi mãi đâm quen, bây giờ cứ gọi đến hai chữ Hương Trầm, chị lại thấy là lạ sao đâu ấy. Cố nghen em. Làm sao để chị được gọi em là Vành Khuyên mãi mãi thì làm…

Em cười mơ ước:

- Em sẽ mãi là Vành Khuyên…

*

Chưa ngỏ lời mời Hạnh Trang vội, em lân la hỏi chuyện gia đình nhỏ. Hạnh Trang thật kỳ, nhỏ giấu cả lớp về gia đình mình. Giấu thật kỹ. Em gợi chuyện:

- Hạnh Trang cho Vành Khuyên biết nhà đi, để lúc nào rảnh Vành Khuyên đến chơi.

Hạnh Trang thoáng bối rối:

- Ơ… nhà của Hạnh Trang à… Thôi… Vành Khuyên chẳng nên đến làm gì…

- Sao thế?

- Tại… tại... ba má Trang… khó lắm…

- Thì Vành Khuyên sẽ lễ phép, giữ gìn ý tứ…

- Cũng không được đâu… Nhà Trang còn có….. con chó dữ.. dữ lắm… Nó hay cắn trẻ con lắm… Lỡ nó cắn Vành Khuyên thì sao?

Em cười to:

- Chớ bộ Hạnh Trang không thể xích nó lại à?

- …

- Nhà Hạnh Trang mà có nuôi chó dữ thì… Vành Khuyên biết rồi… Để Vành Khuyên đoán xem có đúng không nhé? Xem này… Nhà Hạnh Trang chắc là... giàu lắm phải không?

- …

-Nhà có nuôi chó dữ thì thế nào ngoài cổng sắt cũng có treo tấm bảng "Coi chừng chó dữ"... đúng chứ?

- ...

- Ba má Hạnh Trang thì… thì rất cưng con… Nhưng hai bác lại hơi…khó một tí…

- …

- Ba Hạnh Trang thì chắc là một thương gia...

Hạnh Trang buột miệng:

- Đâu có.

Em đón ngay:

- Chứ ba Hạnh Trang làm gì?

- ... công chức...

- Vậy thì nhất định là làm lớn rồi... Có đi xe VA, VB phải không?

- ...

Hạnh Trang không trả lời, nhưng em nghĩ, sự im lặng của nhỏ là câu xác nhận. Em muốn nói thêm một điều thì Hạnh Trang đã chợt ngẩng nhìn thẳng mắt em:

- Vành Khuyên à… Trang có điều này muốn nói với Vành Khuyên...

- Hạnh Trang cứ cho Vành Khuyên biết đi.

- Trang... Trang chỉ muốn xin Vành Khuyên... đừng hỏi chuyện gia đình Trang nữa... nghen?

Em bỗng ái ngại cho nhỏ:

- Bộ Hạnh Trang có chuyện không vui trong gia đình hả?

Hạnh Trang đỏ au đôi mắt, cúi đầu không nói. Em ân hận:

- Thôi, Vành Khuyên xin lỗi Hạnh Trang vậy. Vành Khuyên hứa sẽ không nhắc đến chuyện ấy nữa.

- Cảm ơn Vành Khuyên lắm.. Vành Khuyên tốt quá…

Em cười bí mật:

- Còn tốt hơn nhiều nữa kìa!

- ...

- Tết Dương lịch này, ba má Vành Khuyên có tổ chức một bữa cơm thân mật, Vành Khuyên được phép mời Hạnh Trang đến dự đó. Hạnh Trang nhận lời nhé?

Hạnh Trang cắn môi:

- Để Trang xin phép ba má đã…

- Ừ nhỉ. Chút nữa thì Vành Khuyên quên mất. Hạnh Trang cố xin cho được nghe...

- Trang sẽ cố...

- Ngoài Hạnh Trang ra, còn có Thúy Hiền, Quỳnh Phương, Ngọc Mai, Lan Vi nữa đó…

Giọng Hạnh Trang nhỏ hẳn:

- Như là Lan Vi giận Hạnh Trang mất rồi, Vành Khuyên à. Biết thế, Trang đã không thi “Học sinh suất sắc”…

Có vẻ như Hạnh Trang rất sợ cô đơn, lúc nào nhỏ cũng e làm mất lòng người khác. Em nói để Trang yên lòng:

- Hạnh Trang để ý chuyện ấy làm gì. Tính Lan Vi như thế nhưng thật ra, nó tốt lắm. Lâu ngày rồi Hạnh Trang sẽ rõ. Mà thôi… việc cần thiết nhất của Trang bây giờ, biết là gì không? Là phải xin phép ba má đến với Vành Khuyên cho bằng được đó nghen?

- Được rồi…

- … Và chuẩn bị sẵn một bài hát nữa. Thế nào hôm ấy, Vành Khuyên cũng giới thiệu Hạnh Trang một bài.

- Thôi, cho Trang xin đi… Run lắm….

Em cười:

- Run thì cũng phải hát…

Hạnh Trang chu miệng. Nhỏ nhún vai, lắc đầu. Cái bộ điệu quen thuộc của nhỏ ấy thật dễ mến. Nhưng biết chừng nào em mới xem nhỏ thực sự là một người bạn thân?

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG II

TIẾNG HÁT VÀNH KHUYÊN - Nguyễn Thái Hải


Truyện : NGUYỄN THÁI HẢI
Loại Hoa Xanh
Tủ sách Tuổi Hoa - 1972


Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

NGƯỜI CON CÓ HIẾU - Nhật Thụy phỏng dịch


Bên Pháp, ở một tỉnh kia, có một nhà triệu phú. Một hôm, nhân có việc vui mừng, ông đặt tiệc tại nhà mời tất cả các bạn hữu đến dự. Trong số đó có cả người thư ký riêng của ông.

Lúc tiệc rượu đang ồn ào, nhà triệu phú bèn móc túi lấy ra viên ngọc lớn mà ông mới mua được khoe cùng bạn hữu. Viên ngọc tỏa ra hào quang rực rỡ, ai nấy đều tấm tắc khen là viên ngọc hiếm có trên đời.

Mấy phút sau, nhà triệu phú sờ vào túi thì ô hô! Viên ngọc quý giá ấy không cánh mà đã bay hồi nào. Nhà triệu phú lưỡng lự giây lát rồi  hỏi tất cả các bạn hữu có mặt rằng:

- Các ông có ai sơ ý bỏ viên ngọc của tôi vào túi không?

Khách dự tiệc ai nấy đều xô ghế đứng dậy rốc túi, giũ áo, nhưng nào có ai vô ý hay gian tham đâu. Duy có người thư ký là điềm nhiên như không. Nhưng trông qua nét mặt của anh ta có vẻ thẹn thùng, lúng túng. Mặc dầu nhà triệu phú lịch thiệp chỉ hỏi có thế thôi và không nói thêm gì nữa cả. Tiệc tan ra về, ai nấy đều có vẻ nghi ngờ cho người thư ký kia.

Nhưng một sự không ngờ, sáng hôm sau, người triệu phú bỗng cho gọi viên thư ký riêng của ông vào và bảo:

- Viên ngọc hôm qua tôi đã tìm thấy rồi vì túi tôi đứt đường chỉ mà tôi không hay biết. Tôi vô ý để rơi viên ngọc xuống áo lót. Trước hết, tôi xin lỗi anh. Và xin anh cho tôi biết tại sao hôm qua ai cũng đứng dậy rốc túi, giũ áo mà anh vẫn ngồi yên để cho mọi người đều ngờ oan cho anh?

Người thư ký hơi đỏ mặt trả lời:

- Thưa ông, nhà tôi nghèo lắm, mà lại còn cha mẹ già và bầy em thơ. Vì không muốn để cha mẹ tôi và bầy em tôi túng thiếu nên mỗi tháng tôi phải bỏ ra hai phần ba tiền lương mang về giúp đỡ gia đình. Bởi thế mỗi bữa ăn trưa tôi không có đủ tiền vào ăn ở nhà hàng như những người khác. Tôi phải mua bánh và thịt để mỗi bữa trưa lẻn ra chỗ vắng mà đứng ăn.

Hôm qua tôi đã mua bánh và thịt rồi thì mới biết ông mời ăn. Vì nghèo, nên phải cần kiệm, tôi định dành chỗ bánh và thịt đó mai ăn để khỏi tốn thêm tiền. Bởi vậy cho nên khi ấy, nếu đứng dậy rốc túi thì bánh và thịt rơi ra, thì ông nghĩ coi, tôi hổ thẹn biết bao!

Nhà triệu phú gật gù nói rằng:

- Lời nói của anh làm cho tôi vô cùng cảm động. Không ngờ trên đời lại có người con đáng quý như vậy. Từ mai trở đi, tôi muốn rằng anh sẽ ở lại ăn trưa cùng tôi cho tiện, mong rằng anh sẽ không từ chối.

Và nhà triệu phú muốn cho người thư ký có hiếu kia khỏi mắc tiếng oan nên tối hôm sau lại đặt tiệc, mời các bạn hữu hôm trước đến dự. Trong bữa tiệc, ông ta bèn đem chuyện của người thư ký thuật lại cho mọi người nghe. Và ông cũng như tất cả các bạn hữu của ông đều đồng ý tặng viên ngọc quý giá ấy cho người thư ký giữa tiếng vỗ tay hoan hô của tất cả mọi người có mặt...


NHẬT THỤY (VHN)     
(Phỏng dịch theo Ag. Hoffman)




(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 107, ra ngày 14-9-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

BÀI THƠ THÁNG MƯỜI - Thảo Hồng













Có một mùa mang em trôi xa
Trái ấu thơ ngọt chín hiền hòa
Có trời xanh chìm theo quên lãng
Ánh sáng vây người quanh tím hoa

Mùa hè đã qua bên kia đường
Người về, ôi, huyễn hoặc như sương
Cành khô mang áo mùa thu tới
Héo úa trong hồn mấy nhớ thương.

Chuyện cũng buồn như mưa tháng mười
Cuối mùa nên hy vọng không tươi
Chiều mưa vàng lá sân trường đó
Buổi học ban đầu nghe vấn vương.

Xuân hồng chỉ đến mỗi một lần
Đời buồn, ừ, mình đã an thân
Bài thơ là chút hồn kiêu bạc
Mãi cách biệt nhau dẫu rất gần.

Niềm vui trước ngõ chả vào sân
Nước mắt trên môi mặn mấy lần
Hai năm chưa dứt lời thê thiết
Còn xót xa thầm với lặng câm.

                                  THẢO HỒNG

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 10, ra ngày 20-9-1971)

Bìa của Vi Vi : Trở lại với sách vở


Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

CHƯƠNG XV_BÀI THƠ KINH DỊ


CHƯƠNG XV


Đầu cúi gầm, chàng trai đặt bước đi trên con đường quen thuộc, kể từ ngày đặt chân tới biệt thự cụ Án Bùi. Nỗi buồn thương tràn ngập tâm tư mỗi khi nghĩ đến tin tức sét đánh sắp sửa đem lại cho nàng Gấm, vợ thầy Danh. Trời ơi! Biết nói sao đây? Trọng Viễn cảm thấy trong lòng rưng rưng, vô cùng ái ngại cho đứa con sắp mở mắt chào đời. Đứa bé bất hạnh không bao giờ được thấy mặt cha nó.

Chàng thanh tra cảnh sát nhè nhẹ đưa tay gõ cửa. Hoàn toàn im lặng, Trọng Viễn xoay quả đấm sứ, đẩy cửa bước vào. Chàng trai ý thức được ngay là không còn cần thiết phải báo cái tin tức chết người ấy cho cô đội Danh biết nữa.

Y hệt một đứa trẻ trong tình trạng đau khổ quá sức chịu đựng, nàng Gấm ngồi trước bàn khóc như mưa như gió, gục đầu vào cánh tay. Nghe tiếng chân người bước vào, cô đội ngẩng mặt lên, nghẹn ngào nói qua tiếng nức nở:

- Nhà tôi chết rồi phải không, thưa ông thanh tra?

Chàng thanh niên điếng người không nói nên lời. Nhưng ánh mắt nhìn trĩu nặng đau thương của chàng là một bằng chứng hùng hồn đủ cho thiếu phụ ý thức được rằng: không bao giờ nữa nàng còn thấy được mặt chồng. Làn da trên khuôn mặt đẹp não nùng đã xanh, lại tái nhợt thêm. Nàng Gấm lảo đảo trên mặt ghế dựa. Trọng Viễn kéo một chiếc ghế đẩu lại gần bên, lặng lẽ ngồi xuống. Chàng để yên cho thiếu phụ khóc la thảm thiết. Khóc như thế, nỗi đau trong lòng sẽ vơi đi được rất nhiều. Hơn ai hết, chàng thanh tra cảnh sát biết rõ như thế. Mãi sau, Trọng Viễn mới dịu dàng cất tiếng:

- Chắc hẳn cô đội cũng biết trước là thầy Danh lúc nào cũng chỉ muốn tìm cái chết?

Nàng Gấm không trả lời, chỉ khẽ gật đầu im lặng.

- Thầy Danh giết cậu Sinh! Tôi muốn biết tại sao? Rồi thầy ấy lại hạ sát cả thằng bé Ngây nữa? Vì lý do gì chứ? Vậy có thế nào cô cứ việc nói cho tôi hay. Giữ bí mật mãi mãi cho riêng mình, một mình mình biết, một mình mình hay là một điều khổ tâm lắm. Nó trĩu nặng, chận đè ngột ngạt không thể sống nổi đâu. Nếu thực cô đội còn muốn sống nữa, xin cứ nói sự thật tôi nghe.

Đôi mắt thiếu phụ xuân xanh còn quá trẻ tràn đầy biết ơn, dịu dàng đặt tia nhìn lên khuôn mặt đôn hậu của chàng thanh niên thông minh đã hiểu được lòng mình như người nhìn vào trang giấy có chữ. Nàng Gấm lên tiếng nói chuyện… Chăm chú ngồi nghe không bỏ sót một câu một chữ nào, Trọng Viễn ngạc nhiên khi thấy nội dung câu chuyện lại hết sức giản dị:

- Có tới gần một năm nay, cậu Sinh thú thực mối tình tha thiết của cậu đối với tôi. Từ thuở ấu thơ, khi niên thiếu, rồi ngay cả đến lúc tôi lấy chồng rồi, cậu ấy cũng vẫn gọi tôi bằng cái danh từ thân mật: “Gấm! Gấm!”. Nhà tôi thấy vậy lại lấy làm vui vẻ thích thú: “Cậu Sinh con nhà quan mà dễ dãi vui tính, thật là tốt!” Anh Danh thường hay nói như vậy. Nhưng rồi, cậu Sinh năng lui tới chỗ chúng tôi ở hơn, nhất là trong những ngày anh Danh vắng nhà. Khi thì cậu đem hoa tới, lúc lại đem cho mật ong, chim muông săn bắn được ở trong rừng. Khi không có gì, cậu chỉ đi ngang nhà, nhưng không bao giờ là không nói một câu đùa giỡn: “Thế nào Gấm! Vẫn vui vẻ, ngoan ngoãn đấy chứ? Cha Danh khù khờ ngu ngốc thế mà lại vớ được nàng tiên. Hắn thật tốt số quá” Tôi e ngại không biết dường nào! Chẳng dám đáp lời lại bao giờ. Thế rồi cậu ấy hăm hở, săn đón, trìu mến tôi hơn nữa. Cho đến một ngày kia…

Chàng thanh tra cảnh sát khôn khéo gợi ý:

- Một ngày kia, không thể kiên gan được nữa cô đáp lại tấm tình yêu nồng nhiệt ấy?

- Không đâu, ông thanh tra! Tôi yêu anh Danh, chồng tôi vô cùng. Vả lại, cậu Sinh vẫn tỏ ra đứng đắn chưa có điều gì đáng trách, nên tôi tự cảm thấy chẳng có gì đáng gọi là tội lỗi khi không phản ứng mạnh đối với những lời đùa rỡn vô hại của cậu Sinh. Ngờ đâu, cậu ấy lại tiến mạnh hơn nữa, thân mật lả lơi hơn nữa. Cách đây khoảng một tháng, tôi đã nói thẳng với cậu: “Đứng nên đùa rỡn như vậy, nghe cậu Sinh! Cậu nghĩ lại thử coi: Tôi hiện là gái có chồng lại sắp sửa làm mẹ đến nơi – Cậu ấy đã trả lời: Nhưng Gấm hãy còn trẻ quá! Em mới mười chín tuổi! Mười chín tuổi đầu mà sắp làm mẹ! Vô lý quá!...”. Đó rồi, thưa ông thanh tra, cậu Sinh lại mò tới… Cái ngày 12 dương lịch ấy, cậu đã bảo tôi: “Tối nay anh sẽ đến với em, nghe Gấm! Danh bận đi khám rừng. Ở nhà một mình chắc em sợ… ma lắm. Anh đến với Gấm thì Gấm sẽ hết sợ ngay”. Đáng lẽ tôi phải từ chối ngay, nhưng lại cứ im lặng, không nói gì hết. Quả thật, những khi nhà tôi đi vắng, nhà cửa sao hiu quạnh quá, đêm cứ kéo dài tưởng chừng vô tận. Nhất là từ khi có mang, trong mình đổi khác, tôi càng đâm ra sợ hãi bóng tối vô cùng. Vả lại, tôi cho rằng dù cậu Sinh có tới chăng nữa, cũng chẳng hại gì vì lòng dạ tôi chung thủy với chồng, trước sau không hề thay đổi. Thú thật với ông thanh tra, buổi tối hôm đó, cũng như những lần khác, tôi không hề có ý nghĩ phản bội anh Danh; không hề có ý định thất tiết với cậu Sinh.

Thế rồi cậu ấy tới, vui vẻ nói cười như mọi lần, bắc ghế trước lò sưởi sáng ấm, bên cạnh tôi… Hỡi ôi! Không biết kẻ ác tâm nào đã ngầm báo cho nhà tôi biết? Thì ra, lúc ban ngày, anh Danh đã nhận được lá thơ nặc danh. Anh lặng lẽ, giả bộ đi khám rừng, vui vẻ dắt thằng Ngây đi theo như mọi lần trước. Không đầy nửa giờ sau, anh đột ngột trở về. Nhà tôi mở cửa sồng sộc bước vào đúng lúc cậu Sinh đang giở trò lơi lả: “Gấm! Cho anh hôn em một cái đi, một cái thôi mà! Gấm!” Sinh vừa nói vừa cười vừa choàng tay ôm chặt lấy tôi… Chao ôi! Thưa ông thanh tra! Trời ơi! Nếu ông được trông thấy tận mắt anh Danh lúc ấy…! Vốn là một người hiền lành nhưng hay đổ quạu, khi nổi giận lên thì… ôi chao!... Nhà tôi thét lên: “A! Đồ khốn nạn! Khốn nạn thật!”. Và rút súng ra chĩa về cậu Sinh lúc đó cứ đứng ngây ra, lẩy cò như một kẻ điên dại. Thằng Ngây rú lên một tiếng hãi hùng, nhẩy choàng vào án ngữ ngay trước mặt cậu Sinh. Tội nghiệp thằng bé! Trời ơi!

Cơn xúc động khiến nàng Gấm nức nở, nghẹn ngào, không nói thêm được nữa. Đôi mắt nhung đẫm lệ đắm nhìn vào khoảng không như đang chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng tái diễn.

Trọng Viễn giơ tay:

- Thôi, cô có mệt xin hãy tạm nghỉ nói chút đi. Tôi chờ đợi một lát, không sao!

Nàng Gấm lắc đầu bướng bỉnh, tiếp tục nói. Tiếng nàng đứt quãng từng khúc:

- Thằng bé bị trúng ba phát đạn nhưng vẫn bám chặt lấy cậu Sinh mà chu chéo: “Hông! Hông! Hừng hắng! Hừng hắng!” (Không, không, đừng bắn, đừng bắn.) Dứt tiếng kêu, thằng Ngây gục ngay xuống, bất động.

Tròng mắt chàng thanh tra cảnh sát đỏ hoe. Miệng chàng lẩm bẩm, mũi có vị cay xè:

- “Đúng rồi! Trong tay của thằng Ngây còn cả cái khuy áo vét của cậu Sinh!”

- Lúc đó, Danh đã mất hết cả lý trí. Còn mấy viên đạn trong súng, anh bắn hết. Đến lượt cậu Sinh gục xuống, máu đổ chan hòa.

- Thế còn cô? Thầy Danh không nói gì với cô hết sao?

- Ồ, thưa ông thanh tra! Đối với tôi, nhà tôi hiểu hơn ai hết là tôi chỉ yêu có chồng, chỉ biết có chồng mà thôi. Lúc ấy, tôi sợ hãi quá, hét lên: “Anh Danh! Anh Danh yêu quý của em! Trời ơi! Anh làm cái gì vậy? Anh điên rồi sao? Trời ơi!”. Rồi tôi ôm chặt lấy nhà tôi mà khóc. Vừa khóc, vừa hôn chồng mà nói: “ Anh thừa biết là giữa em và cậu Sinh không hề có chuyện gì bất chính, ngoài cái tính bờm xơm chớt nhả của cậu công tử con quan nầy. Trời ơi! Anh còn lạ gì cậu ấy nữa mà lại còn điên rồ như vậy chứ. Trời ơi! Bây giờ làm sao đây?”. Lúc đó, nhà tôi mới tỉnh ra. Tỉnh ra rồi, anh ấy kinh hãi lắm, cứ run lên bần bật mà rằng: “Cậu Sinh! Thằng Ngây! Chết rồi! Chết rồi!”. Và ôm chặt lấy tôi, cơn nóng giận không còn, chỉ còn lại sự khiếp đảm cùng cực. Tôi giấu mặt vào ngực áo nhà tôi nhắm nghiền đôi mắt. Một lúc lâu lắm, anh Danh mới cất tiếng run run: “Gấm à! Để anh đi báo Cảnh sát nhé!”. Khổ quá! Thưa ông thanh tra, lỗi cũng tại tôi đã ngăn cản không cho anh ấy đi trình. “Không được! Đừng trình báo gì hết! Người ta sẽ buộc anh tội sát nhân và rồi… con của chúng ta, khi đẻ ra, cũng sẽ khổ cả một đời. Người ta sẽ nguyền rủa nó, vạch mặt chỉ tên nó, “con tên sát nhân”. Không! Anh đừng đi trình báo gì cả, nghe! Tai nạn rủi ro xẩy ra lúc chúng ta vẫn có mặt ở nhà. Không, anh phải nghe em! Đừng đi trình gì hết. Rồi ta liệu tìm cách khác. Đúng lúc đó, vợ chồng tôi chợt kinh hãi rụng rời, cùng thét lên một tiếng thất thanh. Lý do: cánh cửa ra vào từ từ hé mở. Tôi sợ quá gục xuống ngất đi. Khi tỉnh lại thì thấy nhà tôi và mụ Phé ở bên mình đang loay hoay cứu chữa. À, tôi quên chưa nói cho ông thanh tra biết: Mụ Phé quý mến nhà tôi, coi chàng như một vị thần. Chính anh Danh đã đích thân dựng cái lều tranh cho mụ Phé ở đó. Củi đun, thịt rừng cũng đều do tay anh kiếm đem đến cho mụ hằng ngày. Câu chuyện bí mật, rùng rợn vợ chồng tôi nói với nhau, mụ Phé đứng ngoài đã nghe rõ hết. Mụ vào để tính kế giúp đỡ chúng tôi. Chỉ hai cái xác người, mụ bình tĩnh bảo hai vợ chồng đang đứng run như cầy sấy: “Hai người hãy im cái miệng đi, Chú Danh phụ tôi một tay. Đem giấu hai cái này đi. Còn thím, thím lo chùi vết máu cho sạch hết trên sàn nhà nghe. Trong khi đó, này, chú Danh, làm đi!”. Mụ Phé cởi cái áo tơi đen quấn kín xác thằng Ngây, ra lệnh cho nhà tôi đem đi. Đi đâu, hai người chẳng cho tôi hay. Rồi đến thi thể cậu Sinh. Trước khi ra về, mụ Phé còn căn dặn vợ chồng tôi rằng: “Không ai nghi ngờ vợ chồng chú thím đâu, nghe chưa! Thà rằng tôi nhận tội giết người thay cho còn hơn là thấy chú thím bị mắc vòng lao lý. Cứ tin ở mụ Phé này nhé, chú thím Danh!”. Nhà tôi tỏ vẻ yên tâm được phần nào. Riêng tôi, suốt đêm ấy không hề chợp mắt, sợ hãi run rẩy trong vòng tay chồng. Anh Danh gượng gạo nói tỉnh để trấn an: “Gọn ghẽ đâu vào đấy cả rồi, còn gì đâu mà em cứ sợ hãi mãi thế! Can đảm lên chứ! Gấm!”. Can đảm lên! Và để có được can đảm, nhà tôi đâm ra uống rượu liên miên.

Nhưng, đôi lúc tỉnh rượu, anh ấy lại càng thấy sợ hãi vô cùng.

 - “Gấm à! Nếu chẳng may họ phát giác ra anh là thủ phạm, thì… anh sẽ… em nghe rõ đấy chứ?... anh sẽ… sẽ… tự tử mà chết. Chứ… chứ… anh không thể chịu đựng được đâu”. Nói chán rồi anh ấy lại khóc sướt mướt, tội nghiệp vô cùng.

Tiếng ai khẽ gõ nơi cánh cửa ra vào khiến vợ thầy Danh im bặt. Chưa ai kịp lên tiếng, người gõ cửa đã bước vào: cha Xứ. Vị linh mục e ngại làm phiền Trọng Viễn, luống cuống xin lỗi:

- Ồ, ồ! Ông thanh tra miễn chấp, xin miễn chấp!... Cô đội Danh! Chút nữa tôi sẽ trở lại vậy!

Chàng thanh tra cảnh sát niềm nở lưu khách:

- Xin mời cha Xứ nán lại một chút – Chàng cảm thấy đỡ e ngại cho nàng Gấm, lát nữa đây sẽ phải một thân một mình cô quạnh trong gian nhà rộng lớn – Cô đội Danh đang kể chuyện vì sao thầy Danh đã lỡ tay…

Nàng Gấm cắt ngang lời Trọng Viễn trong tiếng khóc nức nở:

- Tự sát! Thưa cha, thảm thiết quá! Liệu người ta có chôn cất tử tế cho chồng con không, thưa cha? Trời ơi… tự sát như thế là phạm tội nặng lắm, nhưng chồng con đã đau khổ quá nhiều, không còn đủ sức chịu đựng được nữa đó, thưa cha! Và anh ấy cũng đã thú tội với cha rồi.

Chàng thanh tra thoáng giật mình khi nhớ lại bóng người trong đêm tối đứng bên cha Xứ trước cửa nhà thờ bữa nọ. Thì ra người bí mật đó là thầy đội Phạm văn Danh. Thủ phạm, để mọi người không ai nhận ra mình, đã thay bộ sắc phục kiểm lâm để ở nhà, rồi mặc thường phục đến nhà thờ tìm cha Xứ.

Giọng nàng Gấm kể chuyện đều đều:

- Thưa cha Xứ, như cha Xứ đã thấy, từ bữa xẩy ra việc ghê gớm ấy, nhà con cứ như người loạn trí không còn biết mình là ai nữa…

Vị linh mục nhìn cô đội Danh, ánh mắt xót thương:

- Gấm, con! Chồng con đã phạm tội. Chồng con đã không chế ngự được cơn phẫn nộ, để nó bùng lên như một nghiệt chướng xui khiến chồng con hạ sát một lúc hai mạng người. Y đã không biết rằng: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai!”. Để một ý niệm giận dữ đột khởi trong nội tâm, tức khắc, trăm vạn cửa nghiệt chướng sẽ mở rộng. Thế rồi, lẽ ra phải thản nhiên chấp nhận hậu quả do cái nhân mình gieo, y lại khờ dại đi tìm can đảm trong men rượu, cái can đảm ấy, thực ra chỉ ở nơi khác mới có. Đức tin y đã sẵn thì đâu có khó gì. Lại mù quáng đi đặt hết lòng tin vào một bà già yếu đuối, nửa khôn nửa dại như mụ Phé. Thế rồi, chồng con lại tự cho mình cái quyền tự do liệng bỏ gánh nặng cuộc đời khi cảm thấy nó nặng quá không còn đủ sức mang nổi nữa. Cha thương mến y, cha thương mến con, nhưng cha không thể chấp nhận làm phép xác cho chồng con tại nhà thờ được đâu, con ạ… nếu khi nhắm mắt tắt hơi, chồng con không tỏ ra là đã biết hối hận… May sao, y lại ra đi đem theo sự tha thứ của Chúa. Chồng con đã thú tội trước sự hiện diện của nhân chứng đồng thời chấp nhận sẽ tiếp tục “sống” để cải sửa lỗi lầm. Vậy con đừng buồn khổ, băn khoăn nữa làm gì. Con còn nhiệm vụ nặng nề lắm phải hoàn tất: đứa con sắp ra đời của con, những lời thánh kinh con sẽ phải dạy cho nó, để sau này khi lớn khôn, nó nguyện cầu cho người cha bất hạnh của nó.

Thấy nàng Gấm lại nước mắt ràn rụa, vị cha Xứ nói thêm:

- Cả con nữa! Con cũng phải nguyện cầu cho chồng con, nghe Gấm! Con phải bảo bọc, giúp đỡ bà Cầm, bà già khốn khổ đã mất đi thằng Ngây, nguồn thương yêu duy nhất. Và cũng đừng quên chàng thanh niên bất hạnh tên Sinh kia nữa nhé. Lẽ ra, đối với chàng ta, con phải tỏ ra cứng rắn, quyết liệt hơn chút nữa thì chắc cũng chưa đến nỗi nào. Có đúng thế không?

Lệ nóng vẫn chẩy dài theo gò mà mịn đẹp xanh xao, nhưng chậm hơn hồi nẫy. Trên khuôn mặt thanh tú, một vài nét thư thái nhẹ nhàng bắt đầu xuất hiện.

Đưa tay phác một cử chỉ mời vị cha Xứ ngồi nghỉ trên ghế dựa, bên cạnh mình, Trọng Viễn hướng về nàng Gấm:

- Cô đội kể tiếp đi!

- Hai ngày sau, ông tới nơi. Và ông phát giác ra ngay thi thể thằng bé Ngây. Đã có lúc vợ chồng tôi hy vọng rằng mọi người sẽ cho là đã xẩy ra sự gì ghê gớm giữa cậu Sinh và thằng bé. Nhưng cũng vì con chó săn của ông. Nó tinh khôn quá. Anh Danh buộc phải bắn hạ nó. Ồ… – thiếu phụ trẻ tuổi chợt thảng thốt la lên một tiếng khi thấy Trọng Viễn khẽ cau nét mặt – Cũng là bất đắc dĩ, anh ấy đâu muốn thế. Đồng thời, chồng tôi đã phải hết sức thận trọng để khỏi làm ông bị thương đó.

- Cô đội có thể nói cho tôi biết ai đã đến gần nơi cửa sổ trong biệt dinh cụ Án Bùi bắt chước tiếng chim họa mi hót, nhái giọng thằng Ngây vậy? Và, phải chăng chính cô đã chăng sợi dây thừng thấp ngang mặt đường để gạt cho tôi vướng ngả bổ chửng?

Nàng Gấm quay nhìn ra cửa sổ, miệng lẩm bẩm:

- Không phải tôi! Bà mụ Phé đấy! Mục đích làm trì hoãn cuộc điều tra của ông. Mụ Phé lúc nào cũng chăm chú dối gạt ông, lừa cho ông đi vào những đường hướng sai lầm để có thì giờ thủ tiêu hai cái xác người chết. Thằng Ngây đó, bà ấy đã thành công. Trong lúc ông ở tại nhà mụ Phé, anh Danh, khi trông thấy bà Cầm bước ra khỏi nhà, đã nhét xác thằng Ngây vào một cái bao bố rồi giấu đằng sau cánh cửa vựa lúa. Đoạn, trong khi mọi người tập trung đông nghẹt tại sân nhà cụ Án, anh ấy lôi nó ra đặt trong một chiếc xe “bù-ệt” (1) đẩy tới cửa rừng già. Đêm đến, mụ Phé mò ra kéo cái xác xuống, đem giấu kín vào trong bờ bụi nào đó. Anh Danh lúc nào cũng tin rằng ông không thể tìm ra cậu Sinh, và do đó, ai cũng sẽ cho là chính cậu ấy đã bắn chết thằng Ngây. Nhưng đến bây giờ, chuyện đó còn ăn nhằm gì nữa đâu. Dù sao thì cậu Sinh cũng đã chết rồi.

Trọng Viễn hình dung lại nét mặt đau thương của bà Án, ánh mắt của Tường Vân cầu xin chàng ra tay để mở cuộc điều tra truy lùng tung tích anh trai… Chàng nghiêm nghị nhìn nàng Gấm:

- Cô đội cho rằng đặt điều vu khống cho người chết là một sự không quan trọng?

Thiếu phụ trẻ tuổi lại ứa nước mắt:

- Nhưng cũng vì cậu ấy nên mới xẩy ra nông nỗi. Thằng Ngây chết oan theo rồi đến lượt chồng tôi. Trời ơi!

Chàng thanh tra cảnh sát ngậm ngùi:

- Mụ Phé đã đoán đúng. Hừ!

“Một đứa ngủ, hai đứa ngủ

Đứa thứ ba rồi cũng chẳng thức lâu!”


Kinh dị quá sức! Mà cũng đúng quá sức! Lại còn:

“Chăn chiên hóa sói đổi nghề”

Đúng như thế! Thầy kiểm lâm Phạm văn Danh, thay vì phải bảo vệ cây rừng, bảo vệ những người khai thác lâm sản, giúp đỡ việc trồng trọt chăn nuôi, lại biến thành một kẻ sát nhân hung dữ như lang như sói…

Chàng dịu dàng nói với nàng Gấm mấy câu an ủi chân thành, ngỏ lời tạm biệt vị linh mục, rồi quay ra.

- Bây giờ quay về hỏi chuyện cô nàng “chính phạm”.

Sau khi gõ cửa, Trọng Viễn đỉnh đạc bước vào phòng cô giáo. Chàng thanh niên mủi lòng trước một Bạch Xuyến đang co rúm người trong chiếc ghế bành, hai hàm răng trắng bóng va vào nhau lộp cộp, hai tay ôm chặt thái dương, sắc mặt nhợt ra như người chết. Nghe tiếng động, cô giáo giương đôi mắt ngây dại ngó Trọng Viễn, đôi mắt lạc thần của một con dã thú khi đối diện toán thợ săn. Chàng thanh tra vờ đi như không để ý, cất giọng đanh thép. Mỗi tiếng nói của chàng nghe chát chúa như một làn roi quất trên da thịt:

- Cô Bạch Xuyến! Thì ra, một nhà mô phạm như cô lại có cái can đảm thấp hèn để… nói dối! Thì ra chính cô là tác giả lá thư nặc danh gởi cho bà Án, tố cáo mối duyên tình giữa cậu Sinh và cô Liên, cháu ông già Xê. Và cũng chính cô – giọng nói Trọng Viễn trầm xuống nghe thật khủng khiếp – đã viết thư báo cho thầy đội Danh là cậu Sinh mò tới nhà thầy ấy. Trời ơi! Hèn hạ không để đâu hết. Và hậu quả là… ba người lăn cổ ra chết vì mối tình tuyệt vọng của cô đối với... cậu Sinh!... Cô say mê cậu Sinh lắm, có đúng thế không, cô Bạch Xuyến?

Cô giáo không nói không rằng mà chỉ bật lên một tiếng rên dài như tiếng kêu của một con mèo ốm. Tiếng rên thê thảm ấy khiến chàng thám tử bất giác dịu ngay giọng nói:

- Rõ ràng là cô đâu có thèm nghĩ đến ai. Cô bất chấp cụ Án Bùi, kệ thây hai cô gái Tường Lan, Tường Vân, rồi mặc kệ luôn cả hạnh phúc của chính người cô yêu say đắm là cậu Sinh kia nữa.

Bạch Xuyến thoáng rùng mình, đôi mắt chợt sáng lên:

- Quả thật tôi không ngờ thầy đội Danh hiền lành thế lại có thể trở thành hung bạo tới mức ấy.

Chàng trai chợt buông tiếng cười nghe đau đớn thấm thía hơn cả một lời trách móc oán than:

- Khi hờn ghen cô cảm thấy uất hận như thế nào, đau khổ ra làm sao thì người khác khi lâm vào cảnh đó, cũng thế. Nhất là người khác ấy lại là thầy đội Danh, một người yêu vợ hơn tất cả mọi thứ ở trên đời – Trọng Viễn lắc đầu, chép miệng – Quả tình cô tội lỗi quá chừng!

Cô gái lỡ thời, qua tiếng khóc, nghẹn ngào kể lể như tự nói với mình:

- Ngay đến để ý sơ sơ thôi, chàng cũng không thèm để ý đến tôi nữa. Phần tôi, tôi lại chỉ sống vì chàng, sống cho chàng. Trong khi đó, những cô gái khác chỉ cần thoáng xuất hiện là đã được Sinh để lọt vào nhãn quan theo đuổi, bám sát, tán tỉnh ngay rồi. Trời ơi! Buồn thảm! Tuyệt vọng biết chừng nào, những giờ phút bồn chồn khắc khoải, rình rập các cuộc hẹn hò du dương của chàng trai tính tình hào hoa bay bướm ấy. Rồi cuối cùng lại đến nàng Gấm, vợ thầy Danh. Không lần nào đi săn là Sinh không tạt vào thăm người đàn bà có chồng sắp có con nhưng còn rất trẻ, rất xinh đẹp ấy! Thật là quá lắm, quá sức chịu đựng rồi. Tôi đã trải qua nhiều đêm không tài nào chợp mắt, dù chỉ một vài phút. Trời ơi! Những kẻ không yêu chàng, hoặc giả có yêu nhưng chẳng chút thực tâm, sao họ lại được tất cả. Riêng tôi, số phận hẩm hiu, lại chẳng có gì hết. Cực chẳng đã, tôi đã phải lấy trộm một chiếc “găng tay” để được hưởng thụ một chút nào hơi hướm của người trong mộng tưởng… Vâng, đúng như thế, thưa ông thanh tra! Đúng là tôi đã viết thư tố cáo cậu Sinh gởi cho thầy đội Danh.

Ánh mắt Trọng Viễn xa vời, phóng qua ô cửa sổ xuống vườn, ngưng lại trên bụi tường vi hoa phô sắc thắm, ba bốn cánh bướm vàng đang bay lượn nhởn nhơ. Chàng trai buồn rầu lẩm bẩm:

- Để rồi bây giờ, trên lương tâm cô in đậm ba vết đen, cái chết của ba người chắc chắn không bao giờ nhòa nhạt được.

Lại tiếng rên dài như tiếng kêu của mèo ốm. Trọng Viễn thấy thương hại thật tình. Chàng quay lại nhìn thẳng nét mặt héo úa của Bạch Xuyến:

- Chính cô mới là thủ phạm đích thực, thủ phạm duy nhất! Pháp luật không cần trừng phạt cô, nhưng theo tôi nghĩ, nếu còn một chút điểm lương tâm nào chắc hẳn sự hối hận rồi đây sẽ dằn vặt, ray rứt cô không phút  nào ngơi. Và tôi cho thế cũng là đủ lắm rồi… Ngày hôm nay, cô phải rời khỏi nơi đây. Tôi sẽ nói rõ cho cụ Án biết sau. Cô nghe rõ rồi chứ?

Trên sắc diện già nua bệnh hoạn, chợt lộ nét rung cảm tri ân. Chàng trai biết là Bạch Xuyến muốn nói cám ơn, nhưng nàng ta không còn đủ hơi sức.

Buổi chiều hôm đó, Bạch Xuyến đáp xe đò về xuôi, xuống ga xe lửa Phú Thọ. Xe đò lăn bánh, bon bon trên con đường tráng nhựa thẳng tắp, chạy dài mất hút sau lùm cây rừng xanh tốt dọc hai bên vệ đường. Nhìn theo hút xe, chàng thám tử nhẹ nhả một hơi thuốc lá, mỉm nụ cười buồn:

- Hà! Đời là thế…! Một vài bữa nữa, lại cũng con đường quạnh hiu này, con đường đã tống xuất một Bạch Xuyến buồn rầu, lại sẽ hân hoan dẫn dắt một chàng trai yêu đời tới xã Phú Hộ, phi trường Phủ Đoan. Lần nầy chắc hẳn cụ Án Bùi sẽ thôi, không còn ngăn cản mối duyên tình Lan-Dưỡng nữa…

Cuộc lễ an táng ba nạn nhân được tổ chức ngay sáng hôm sau.

Toàn dân xã Phú Hộ, người trong đồn điền trà, cà phê, đốc công, cai, công nhân, hầu như hết thẩy đều có mặt. Ai nấy đều im lặng, một sự im lặng nói lên rất nhiều cảm nghĩ buồn thương.

Lúc xế chiều, chàng thanh tra cảnh sát Phạm Trọng Viễn, hành trang gọn ghẽ, xuống phòng khách ngỏ lời giã biệt bà Án Bùi, Tường Lan và Tường Vân.

Ba mẹ con, nét buồn lộ rõ trên mặt, nghẹn ngào không nói nên lời. Tường Vân, lệ nóng đầy mi, ứa tràn, lăn dài xuống má, chỉ đứng lặng người ngó trân trân. Trọng Viễn rút vội cặp kính đen, đeo lên mắt. Chàng dư biết, những giọt lệ ấy không phải chỉ đơn thuần là nước mắt khóc anh trai.

Cố mỉm nụ cười tươi, chàng nói với bà Án:

- Nếu có dịp trở lại Phú Hộ công tác một lần nữa, mong bà cho phép ghé vào biệt dinh đây thăm bà và hai cô.

Nữ chủ nhân nhìn chàng trai trẻ. Trọng Viễn thoáng rung động: ánh mắt bà Án Bùi lộ rõ nét trìu mến thương yêu, dịu dàng như một bàn tay mẹ hiền ve vuốt. Chàng cảm thấy cõi lòng ấm hẳn lại.

- Không những cho phép mà tôi lại còn thỉnh cầu ông ghé thăm mẹ con tôi, ở lại thật lâu, cho hai cháu đây, nhất là – Bà ngưng lại một giây, mí mắt chớp nhanh, miệng cười thật tươi với nhiều dụng ý, dụng ý ấy, chàng thám tử nhận thức được ngay – … cháu Tường Vân đây, nó quý ông lắm, như yêu quý anh Sinh nó vậy. Cuộc điều tra của ông thật là vô cùng tế nhị, khéo léo vô cùng.

Qua mắt kính sẫm màu, Trọng Viễn liếc nhìn ánh mắt ướt sũng đang ngó mình đăm đăm, ánh mắt của nàng tiên hiền dịu, có bàn tay đẹp đẽ viết lên những lời châu ngọc trong cuốn nhật ký bỏ… lơ đễnh trên mặt bàn học.

Sau một cái ngả đầu lễ phép, Trọng Viễn quay mình bước ra thật nhanh. Gót giầy kêu lộp cộp mỗi lúc một nhỏ dần, xa dần như người chạy trốn.

Nửa tiếng đồng hồ sau, bác tài xế Giang đã đưa chàng trai xuôi Phú Thọ, xa nơi chốn thân yêu mộng vàng chớm dệt, xa biệt dinh cụ Án Bùi Đình Quang, tòa kiến trúc cổ kính, nơi chàng thiếu chủ hào hoa Bùi Đình Sinh an nghỉ giấc ngàn năm, bên cạnh thằng nhỏ Ngây, gần thầy đội kiểm lâm Phạm văn Danh, trong cái nghĩa trang xinh xắn rợp bóng mát cây rừng.

Ánh mắt mơ buồn sau làn khói thuốc thơm, qua ô cửa xe, ngắm nhìn đám ruộng đồng bát ngát, những đồi cà phê, trà, xanh tươi xoải rộng ngút ngàn. Ngắm nhìn đấy, nhưng Trọng Viễn không trông thấy rõ một vật gì ngoài bóng dáng khuôn mặt xinh tươi, đôi mắt ngấn lệ đăm đăm nhìn chàng không thốt nên lời.

Bất giác chàng trai lẩm bẩm một câu gì không rõ. Nhưng qua nét mặt, ánh mắt thiết tha, viền môi tươi tắn, người ta có thể đoán là Trọng Viễn đã nói với cái bóng ấy:

- "Tường Vân yên trí! Một ngày không xa, anh sẽ trở lại!".

----------------------
(1) Brouette : loại xe nhỏ một bánh có hai chân thấp

Saigon, ngày 20-04-1973     
NAM QUÂN             
Viết theo “Le Drame de Frileuse” 
của M. Grand Jean.           

CHƯƠNG XIV_BÀI THƠ KINH DỊ


CHƯƠNG XIV


Về tới biệt thự, Trọng Viễn đẩy mụ Phé vào một gian phòng bên cánh phải, trong kê toàn tủ sách, cửa ra vào có treo chìa khóa sẵn sàng. Chàng thản nhiên khóa trái cửa, để mụ phù thủy bên trong.

Bước xuống sân, chàng thanh tra áy náy vô cùng. Trọng Viễn cảm thấy khổ tâm không bút nào tả xiết khi nghĩ đến lúc bắt buộc phải báo cho bà Án biết về cái chết rùng rợn của đứa con yêu quý của bà. Trời ơi ! Và nhất là… nhất là lôi cuốn Tường Vân, cô gái đẹp dịu hiền phải đối chất với cái xác không hồn của người anh trai ruột thịt.

Phải ! Đúng như thế ! Chương trình kế hoạch “đối chất” của Trọng Viễn là: yêu cầu tất cả mọi người ở trong biệt dinh cụ Án phải nhìn mặt xác chết một lần, nhưng không báo cho một ai biết trước việc ấy.

Đồng thời, chàng giữ tuyệt đối bí mật. lẳng lặng kêu điện thoại cho cảnh sát Phú Thọ, điện trình Tòa án nội dung sự việc.

Ông Dự thẩm Tòa án Phú Thọ được thông báo chương trình kế hoạch chuyên môn của chàng thanh tra cảnh sát, đã thi hành các thủ tục một cách kín đáo, đồng thời hai thi thể nạn nhân được di chuyển bằng xe hơi đến quàn tại nhà bà Cầm. Xác thằng nhỏ Ngây được khâm liệm ngay. Còn thi thể Sinh, cao lớn, cân đối, vẫn mặc đủ quần áo chỉnh tề, đặt nằm ngay ngắn trên một cái giường lớn. Có điều lạ là người ta không thể chắp hai bàn tay cứng ngắc của cậu vào với nhau, và không làm cách nào khép được đôi mí cho che kín đôi tròng mắt lúc nào cũng mở trừng trừng.

Trọng Viễn, trăm khéo, nghìn khôn, đã ngầm báo cho bà Án tin tức rùng rợn về cậu con một. Bà tỏ ý muốn được thấy mặt con lần cuối cùng, ngay tức khắc. Chàng thanh niên vô cùng cảm phục trước thần thái bình tĩnh lộ trên sắc diện uy nghiêm của thiếu phụ. Bà chỉ thản nhiên, từ từ thốt:

- Trước sau tôi vẫn nói với ông: “Cháu Sinh chỉ là nạn nhân chớ không thể là thủ phạm được”. Ông đã thấy rõ lời tôi nói là đúng chứ ?

Tia mắt chàng nhân viên công lực, từ lúc nào vẫn phóng qua ô cửa sổ, chợt ngẩng lên nhìn mặt nữ chủ nhân. Làn da xanh mét trên khuôn mặt đài các tố cáo rõ nội tâm đứt đoạn của người mẹ thương con nhưng vẫn cố gắng không để phát lộ.

Trọng Viễn trầm giọng:

- Thưa bà ! Thành thực chia buồn cùng bà ! Và trân trọng thỉnh cầu nơi bà một điều: vì lợi ích của cuộc điều tra truy lùng thủ phạm, khi về tới biệt thự, xin đừng thổ lộ một chút gì về sự việc thê thảm này. Việc loan báo, xin để dành phần tôi. Có thế, tôi mới có thể lợi dụng sự xúc động của từng người khi họ được nghe công bố tin tức. Con người ta, khi bị cảm xúc, thường để lộ chân tướng, do đó mới hy vọng tìm ra đối tượng để quy định trách nhiệm về vụ sát hại hai mạng người một lúc này.

Qua một tiếng thở dài, thiếu phụ khẽ gật đầu. Mái tóc muối tiêu gọn đẹp khẽ rung rung:

- Xin vâng ! Trăm sự đều nhờ một tay ông lo hết ! Tôi xin hoàn toàn theo ý ông muốn !

Về đến biệt dinh, bà Án nhẹ nhàng như một cái bóng, về thẳng phòng riêng. Khi cánh cửa phòng đã khép chặt, khuất lấp con mắt của mọi người, bà mẹ thương con mới vật mình trên nệm giường, úp mặt vào cánh tay, òa lên khóc nức nở.

Trong khi đó, tại nhà bà Cầm, Trọng Viễn bắc một cái ghế dựa, ngồi cạnh giường Sinh nằm. Theo lệnh của chàng, hai nhân viên Cảnh sát, có mặt tại biệt thự từ hôm đầu, đã đi mời tới nhà cụ Án Bùi, tất cả những người được chàng thanh tra “hỏi thăm” về nội vụ. Từng người một, sẽ được đưa tới nhà bà Cầm, lưu giữ lại thật cẩn mật tại gian nhà bếp sau cuộc “đối chất” với xác chết.

Kẻ được đưa tới đối chất trước tất cả là… Tường Vân! Chàng thanh tra cảnh sát thấy cõi lòng se lại khi nghe thiếu nữ rú lên thảng thốt:

- Anh Sinh! Trời! Anh Sinh yêu quý của em! Trời ơi!

Chưa dứt tiếng kêu, Tường Vân đã nhào tới ôm chầm lấy xác anh, đặt môi lên vầng trán lạnh ngắt như muốn hà hơi làm cho nó ấm lại.

Trọng Viễn ân hận vì đã bị bắt buộc phải bố trí một cảnh tượng thương tâm đứt ruột như thế, chàng vội vàng chạy lại đỡ tấm thân băng tuyết, giây phút này mềm oặt như mớ dưa héo, rũ xuống, dìu đi, gần như bế bổng hẳn cô gái lên, đoạn đưa xuống gian bếp ngồi chờ cuộc đối chất cho tới khi chấm dứt. Tường Vân ngồi yên chỗ, chàng quay bước lên nhà trên ngồi vào chỗ cũ.

Người thứ hai được cảnh sát đưa vào nhìn mặt Sinh là… chị Duyên, cô nữ tỳ xinh đẹp của cụ Án Bùi. Liếc nhanh mắt, chiếu tia nhìn lên sắc diện cô gia nhân, chàng trai nhận ra ngay sự ngạc nhiên tột độ. Đúng thế! Chị Duyên không ngờ “người ta” lại đưa chị tới đây để chứng kiến cảnh tượng ghê gớm này. Nhưng, vốn là một cô gái có tâm hồn cứng rắn, cằn cỗi và… ích kỷ, chỉ tha thiết đến cái gì có lợi cho riêng mình mà thôi, Duyên nhếch môi cười lạt, thốt ra những lời chua cay khó chịu:

- Thế là rồi một đời! Đáng kiếp! Trẻ không tha, già không thương. Gặp ai sạch mắt một tí là cũng thả lời ong bướm, chẳng từ một ai. Đã bảo trước rồi mà! Nhất định là lại một nàng nào bị bỏ rơi báo thù đây!

Trọng Viễn cau mày khó chịu, ra hiệu cho cô gái im lặng và vẫy tay bảo ra đi.

Tài xế Giang xuất hiện nơi khuôn cửa ra vào. Không gì xúc động lòng người cho bằng cảnh tượng một người đứng tuổi, nét mặt từng trải phong sương, mà lại đầm đìa nước mắt. Bác tài Giang đưa một bàn tay vụng về lên quệt mắt, miệng lắp bắp nói chẳng ra lời, giọng khàn đục hẳn đi:

- Tội nghiệp quá! Cậu Sinh ơi!

Hơn mười lăm năm nay, lái xe cho gia đình cụ Án Bùi, bác tài Giang, một con người giang hồ lịch lãm, đã coi nữ chủ nhân, các cô, cậu tiểu chủ của mình như những người thân thích ruột rà.

Vừa đưa bác Giang quay ra, Trọng Viễn vừa ngẫm nghĩ:

- Kết quả cuộc “đối chất”, tới giây phút này coi bộ chưa có gì khả quan… Kiên nhẫn một chút coi, may… À, đây… mục này có vẻ hay hay đây…

Tường Lan bước vào. Chàng thanh tra không rời mắt ngó nàng dù chỉ một giây.

Thấy xác em trai, Tường Lan lảo đảo y người bị ai đánh đòn thật nặng trúng ngực. Hai tay ôm mặt, đầu gối như lỏng ra, không chống đỡ nổi thân người. Cô gái đẹp khuỵu chân quỳ sụp xuống bên cạnh giường người chết. Gục trán vào nệm giường trắng tinh, Tường Lan khóc than rền rĩ tưởng không còn chấm dứt được nữa.

Im lìm không nói một tiếng, Trọng Viễn khoanh tay ngồi chờ đợi.

Đợi cô gái dịu bớt cơn xúc cảm, chàng trai mới khẽ nghiêng mình:

- Thế nào, cô Tường Lan? Bây giờ đây cô đã thấy là phải cần nói hết sự thật cho tôi biết chưa?

Cô con gái cả cụ Án Bùi ngẩng mặt, đứng phắt lên. Sắc mặt nàng xanh rờn:

- Trời ơi! Ông vẫn cứ đinh ninh là tôi giấu giếm mọi điều liên hệ đến cái chết của em tôi. Lầm! Ông thanh tra lầm rồi! Nếu biết được bất cứ một điều gì có ích cho cuộc điều tra, xin ông cứ tin rằng tôi đã nói cho ông biết rồi chứ!

- Nhưng cô có thấy rằng, vì cứ ngậm miệng không nói gì mà cô đã khiến việc dò xét của tôi bị tê liệt hết đó không? Hoặc giả có vớ được một đường dây nào đó thì lại toàn là đường dây sai lạc, những đường mòn dẫn đi mỗi lúc một xa sự thật. Cô có tin là tôi đủ khả năng bắt buộc cô phải nói sự thật không? Nếu là ai khác, không phải cô Tường Lan, con gái lớn của cụ Án Bùi Đình Quang đây, cô có biết tôi sẽ nói thế nào không? – Trọng Viễn hắng giọng, nói hơi lớn – Tôi sẽ bảo rằng: “Thôi được! Cô không muốn nói gì hết phải không? Không sao! Cô sẽ giải thích với ông Dự Thẩm vậy!”

Bất giác cô gái rùng mình, gật đầu lia lịa:

- Ông nói đúng! Quả tình ông là một người thành thực và có lòng nhân ái vô cùng.

Trọng Viễn ngó thật sâu vào đôi mắt đẹp:

- Cảm ơn cô! Vậy thì cô giúp tôi một tay nhé!

Tường Lan lại khóc nấc lên.

- Nhưng, tôi… không… không thể… À, tôi… đây, tôi sẽ nói hết sự thật cho ông nghe. Và rồi ông sẽ thấy chẳng có gì liên hệ tới… tới…

Cô gái không nói hết câu. Nàng chỉ đưa mắt nhìn thi thể của em trai yêu quý và lại khóc như mưa như gió.

Trọng Viễn nhìn Tường Lan ái ngại:

- Cô chỉ cần cho tôi biết: chiếc sơ mi đẫm máu tại sao lại ở trong phòng cô? Và đêm hôm 12 rạng ngày 13 cô đã sang phòng em trai cô vì việc gì vậy?

Tường Lan giật thót mình:

- Ai bảo với ông như thế?

- Ai bảo thì ai! Cô không cần biết! Tôi hỏi, cô cứ việc trả lời thôi.

Giọng run run, Tường Lan bắt đầu nói:

- Mặc dầu mẹ tôi và em Sinh ngăn cản, tôi vẫn hẹn gặp chàng trai yêu tôi và một hai nhất định cưới tôi…

Chàng thanh tra nói tiếp luôn:

- Trung úy phi công Dưỡng!

Cô gái ửng đỏ sắc mặt:

- Vâng, Trung úy Dưỡng! Lúc đầu, chúng tôi thường gặp nhau ở ngoài phố. Nhưng vì cảm thấy bị theo dõi dữ quá, chúng tôi…

- … Hẹn gặp nhau tại nhà?

Tường Lan cúi mặt:

- Vì lẽ mẹ tôi sợ mang tai tiếng… Vả lại, thực ra, chúng tôi đâu có làm điều gì trái đạo.

Trọng Viễn gật đầu, ánh mắt thành thực:

- Tôi công nhận lời cô nói là sự thật! Nhưng, bằng cách nào Trung úy Dưỡng lọt vào biệt thự mà không bị ai bắt gặp?

Cô gái nói lí nhí, chàng trai phải cố lắng tai nghe mới rõ:

- Không bao giờ Dưỡng tới trước nửa đêm. Anh ấy trèo theo ống máng tới bao-lan phòng tôi.

- Trung úy Dưỡng tới nhiều lần bằng cách leo ống máng như thế?

- Ba lần tất cả. Lần chót đúng vào cái đêm ghê rợn Sinh bị mất tích, Dưỡng mặc thường phục như mọi lần cho đỡ bị để ý. Để leo ống máng cho dễ, anh ấy đã cởi áo vét ngoài ra, cắn giữ cổ áo bằng hai hàm răng. Đêm đó, rủi quá, lại là đêm mưa gió ầm ầm, Dưỡng leo lên được nửa chừng thì có mấy viên ngói bị gió tốc, sút ra, rớt xuống trúng ngực. Máu ra nhiều lắm. Cổ áo sơ mi, vai, vạt áo trước ngực đỏ lòm như ông đã thấy. Chúng tôi lo quá, không biết tính sao. Không lẽ cứ để vậy mà ra về phi trường sao? Mọi người sẽ để ý hỏi han lôi thôi, thêm rắc rối ra. Sau một hồi suy nghĩ, tôi chạy sang phòng em Sinh mượn một chiếc sơ mi cho Dưỡng dùng tạm, đồng thời thú thực hết với nó.

- Chắc cậu Sinh đã nổi cơn phẫn nộ?

- Vâng, đúng như thế! Nó đã la hét dữ lắm và còn nói thêm: “… Tôi không thèm sang bên ấy đâu! Gặp nó ở bên chị, chắc tôi sẽ giết nó quá!”. Rồi Sinh liệng cho tôi một chiếc áo sơ mi. Dưỡng thay áo xong ra về, để lại chiếc sơ mi dính máu. Đó, tất cả chỉ có thế. Ông thanh tra thấy rõ là chiếc áo vấy máu không dính líu một chút nào tới cái chết của em Sinh tôi chứ?

- Nhưng tôi muốn biết: cậu Sinh có gặp và cãi nhau với Trung úy Dưỡng không?

Tường Lan lắc đầu, ánh mắt thành thực:

- Dạ không! Vì lẽ, Dưỡng đi ngay đêm hôm đó! – Tia nhìn của cô gái thoáng vẻ oán trách người đang đối thoại với mình, – Chắc hẳn ông đã biết rõ điều đó rồi còn gì.

Trọng Viễn ôn tồn:

- Cô đừng vội giận. Chẳng qua tôi cũng chỉ muốn phanh phui tìm hiểu sự thật, dù cho sự thật ấy có buồn thảm tới mức nào đi nữa. Cô thấy chăng sự im lặng của cô đã khiến công việc của tôi bị trở ngại không ít. Cô Tường Lan – Chàng thanh tra cảnh sát gằn giọng, muốn nhân dịp này cho con gái nhà quan một bài học – Một thiếu nữ dòng dõi trâm anh như cô cần phải, không những tránh mọi điều xấu xa tai tiếng, mà lại còn phải hết sức giữ gìn ý tứ nữa. Vẻ bên ngoài, tiếng thế, nhiều khi tai hại lắm. Dư luận của những người sống tại đây, trong biệt thự này, nhất là những gia nhân, cũng đã khiến cho tôi có nhiều nhận xét sai lầm về cô. Đời là thế! Thiên hạ thường hay chú mục, để ý theo dõi các con cái nhà quan. Rồi họ phán xét các cô căn cứ vào hành vi thái độ bên ngoài… Nhiều khi họ xét đoán sai lầm… Phiền lắm! Giá cô đừng giấu giếm tôi một chút gì ngay từ buổi đầu thì có phải hay biết bao nhiêu không?

- Lúc đó, tôi cứ hy vọng rằng: rồi ra sự thật sẽ được phơi bày dưới ánh sáng mà không cần tôi nói ra việc phiêu lưu tình cảm giữa Dưỡng và tôi cho ai hay, vì nó chẳng một chút nào dính líu với vụ em Sinh mất tích cả.

Chàng trai chiếu tia nhìn nghiêm nghị:

- Cô có thể yên trí là tôi sẽ giữ kín chuyện của cô với Trung úy Dưỡng.

Tường Lan khẽ gật đầu, ánh mắt đầy vẻ biết ơn. Quay nhìn, đồng thời, tiến lại gần thi thể Sinh, cô gái thở ra một hơi dài:

- Còn bí mật về cái chết của em Sinh? Ai?... Ai có thể cho chúng ta biết được?

- Ai thì chưa biết. Có thể là một gã đàn ông, có thể là một người đàn bà, chưa rõ được. Có điều hy vọng là: khi “đối chất” với thi thể cậu Sinh “y” sẽ không còn đủ tinh thần… giữ im lặng được nữa.

Tiếp theo Tường Lan, đến lượt cô giáo Bạch Xuyến. Nhà nữ mô phạm đĩnh đạc bước tới, không nghi ngờ gì hết về sự việc sẽ xẩy ra. Trọng Viễn đặc biệt chú trọng đến cô gái hơn ba chục tuổi này. Thái độ, cử chỉ của Bạch Xuyến, từ lâu dưới mắt chàng thanh tra cảnh sát, đều có vẻ kém thành thật và thiếu hẳn tính chất tự nhiên. Vừa mới đặt chân lên bậc cửa phòng, cô giáo đã rú lên một tiếng nghe y hệt tiếng rú của một người nằm ngủ trông thấy một cái gì khiếp đảm lắm. Chớp mắt, Bạch Xuyến đã gục xuống bậc cửa, đôi mắt trợn trừng, chân giẫy tay giật không khác người mắc chứng kinh phong. Miệng cô giáo lắp bắp nói huyên thuyên những gì mà Trọng Viễn chỉ nghe rõ một câu nhắc đi nhắc lại:

- Tất cả chỉ tại tôi! Tất cả chỉ tại tôi!

Chàng trai đứng phắt lên, bồng xốc cô giáo, rảo bước đi xuống gian nhà bếp. Bà Án và hai cô con gái đã có mặt tại đó cùng với hai nhân viên cảnh sát. Bạch Xuyến được đặt nằm trên một tấm phản gỗ. Ba mẹ con nữ chủ nhân lăng xăng, người chạy đi lấy dầu nóng, người lay gọi. Một cảnh sát viên nắm hai tay cô gái bất tỉnh đưa lên đưa xuống đều đều làm cử chỉ hô hấp nhân tạo.

Trọng Viễn cho người đi tìm mụ Phé. Mấy phút sau, mụ già quái dị tới nơi. Vừa bước vào, y thị đã lừ đừ tiến lại gần xác chết, đôi mắt sáng long lanh nhìn mặt Sinh chăm chú, miệng lẩm bẩm nói những gì rất khẽ. Cử chỉ, thái độ quen thuộc, như những khi bói bài. Mụ đứng như thế, lẩm bẩm, thầm thì rất lâu, khiến Trọng Viễn phải lấy làm lạ. Chàng khẽ quát:

- Thế nào, mụ Phé?

Giọng khàn khàn cất lên, đồng thời mụ phù thủy ngước nhìn Trọng Viễn:

- Cậu cả! Giờ hung đã điểm!

Một đứa ngủ, hai đứa ngủ.

Đứa thứ ba rồi cũng chẳng thức lâu.


Tiếp theo câu thơ bí hiểm là tiếng cười gằn “Khạch! Khạch” nghe muốn sởn óc, đồng thời mụ Phé đưa tay làm dấu thánh giá. Xong, thản nhiên, mụ bước ra.

Kế đó, thầy đội kiểm lâm Phạm văn Danh được đưa vào.

Vừa thoáng trông thấy mặt Sinh, thầy Danh đã trợn ngược đôi mắt, lảo đảo thân mình ngã nghiêng ngã đổ. Trọng Viễn phóng mình lao tới đỡ, nhưng không kịp. Thời gian ánh chớp, viên đội kiểm lâm đã thọc tay vào thắt lưng, rút khẩu súng lục, kê nòng súng ngay ngực mình. Chàng thanh tra chồm tới hất tay cầm súng của đội Danh, chỉ vừa kịp khiến mũi súng đen ngòm chệch đi không chĩa thẳng nơi ngực. Nhưng viên đạn đã nổ, đập trúng bụng. Thầy đội Danh gục xuống quằn quại.

Tiếng nổ chát chúa khiến mọi người hốt hoảng chạy xô cả lại. Chị Duyên, Tường Lan, bác Giang tài xế đồng thanh hét lên:

- Cái gì thế? Ai bắn?

Trọng Viễn ra lệnh cho hai nhân viên cảnh sát không để một ai được vào trong phòng, đồng thời trả lời xuôi:

- Rủi ro! Tai nạn chết người vì rủi ro!

Tiếng mụ Phé rú lên ghê rợn:

- Rủi ro! Hừ! Rủi ro gì? Tai nạn gì? Tội nghiệp quá! Tội nghiệp quá! Cậu đã áp bức thế nào để đến nỗi nó, nó… hả, hả?

Mụ Phé chưa dứt lời, đã nghe tiếng cô giáo Bạch Xuyến tru thét lên:

- Chính tôi giết nó đó! Này, ông thanh tra! Bắt giữ tôi đây này! Chính tôi đã giết cậu Sinh, giết thằng Ngây. Rồi bây giờ, tôi lại giết cả thầy đội Danh nữa đó. Bắt tôi ngay đi, này!

Mọi người sửng sốt, lui rạt cả về phía sau.

Trọng Viễn nghiến chặt hai hàm răng, đôi mắt sáng quắc, chiếu tia nhìn thẳng mặt cô giáo, cất tiếng đanh thép:

- Im miệng đi, cô kia! Vào trong phòng chờ tôi! Sẽ có nhiều chuyện nói. Cô gieo tội ác đã nhiều rồi! Đi ngay! Đi!

Hất tay, chàng thanh niên ra dấu cho một nhân viên cảnh sát dẫn cô giáo đi.

Tường Vân hốt hoảng cũng bước theo người đã dạy dỗ mình. Trọng Viễn gọi giật lại:

- Ấy, không, không! Cô Tường Vân! Đừng đi theo con người ấy! Cô nán lại, tôi nhờ một việc. Cô cho gọi điện thoại mời bác sĩ tới ngay giùm.

Chợt ngẩng lên, thấy nữ chủ nhân đang lững thững bước vào, Trọng Viễn tiến lên trước mặt bà Án như có ý chặn lại:

- Xin bà hãy dừng bước! Tôi xin hứa sẽ trình bầy rõ ràng sự thật. Mời bà cứ về biệt dinh trước đi. Để thu xếp cho đem thi thể cậu Sinh về trên ấy đã, rồi tôi sẽ hội kiến với bà sau. Chừng tiếng đồng hồ nữa thôi.

Mọi người cất bước rời khỏi trại Con. Dáng điệu ai nấy ủ dột âu sầu, y hệt một đoàn người đi đưa một đám táng.

Trong khi đó, tại nhà bà Cầm, Trọng Viễn với hai nhân viên Cảnh sát phụ lực khiêng thầy đội kiểm lâm đặt lên trên chiếc giường gỗ, nơi đặt thi thể thằng Ngây. Thầy Danh vẫn bằn bặt hôn mê, áo bụng máu me đầm đìa.

Sau một tiếng rên dài, nạn nhân hồi tỉnh.

Trọng Viễn cúi xuống sát mặt:

- Thầy Danh, thầy có nghe tôi nói không? Hả?

Nạn nhân chớp chớp đôi mí mắt như muốn nói “có”.

- Thầy nói chuyện được không?

Thầy đội ú ớ được mấy tiếng:

- … Để chờ…

- Để chờ cái gì chứ?

Kẻ bị trọng thương làm một cử động cố gắng phi thường mới nói nổi:

- Mời, mời… linh mục tới đã…

Do tính chất nghề nghiệp, Trọng Viễn ngày thường vốn là một người rất thản nhiên điềm tĩnh. Tuy nhiên, chàng vẫn tôn trọng mọi tư tưởng cá nhân miễn là những tư tưởng ấy phát xuất từ một khối óc vô tư và một trái tim thành thật. Ưu điểm nơi tính tình của chàng bao giờ cũng vẫn là công bằng và nhân ái.

Giờ đây, trong ký ức, quá khứ, như một cuốn phim quay chậm, sống lại, cho thấy rõ hình ảnh cậu bé Phạm Trọng Viễn, một buổi sáng chúa nhật đứng trong nhà thờ, chăm chú đọc thánh kinh: "... Chúa là vị tôn sư cai quản đời sống của chúng ta. Từ chối sự hiện diện của Chúa, chắc chắn con người sẽ gặp phải cảnh đau khổ triền miên..."

Lòng nóng như lửa đốt, chàng thanh tra cảnh sát vẫn cố nén, ra lệnh cho một nhân viên công lực chạy đi tìm bà Án để nhờ lo liệu cho việc người hấp hối yêu cầu. Chàng cảm thấy yên tâm. Bà Án là một người có thể đặt hết tin tưởng.

Phạm văn Danh kiệt sức trông thấy. Trên mặt nệm máu đỏ loang mỗi lúc một nhiều, nhểu cả xuống dưới gầm giường, đọng thành vũng dần dần đông đặc

Trọng Viễn lẩm bẩm: ”Bác sĩ sao lâu quá”.

Tiện tay, chàng mở một cánh cửa tủ kế bên, lôi ra một xấp chăn mền, quần áo gấp gọn trong đó, lục lọi lung tung. Một tiếng reo mừng. Trọng Viễn vớ chiếc khăn bông trắng. Rồi, quấn chiếc khăn ôm quanh bụng nạn nhân, rút khăn quàng cổ của mình cột chặt làm một cái băng tạm thời ngăn máu chẩy. Đúng lúc đó, linh mục Bạch Tâm tới nơi. Vị tu sĩ đến có một mình. Cô đội Danh, tức nàng Gấm, trong tình trạng có thai, nên ai nấy đều đồng ý với chàng thanh tra cảnh sát chỉ báo tin cho nàng biết khi vết thương thầy Danh đỡ được phần nào trầm trọng đã.

Sau khi gật đầu chào Trọng Viễn, linh mục bước vào, tiến lại gần bên thầy đội Danh, đồng thời nhẹ khoát tay ra dấu cho chàng trai hãy tạm thời lánh mặt. Người hấp hối cất tiếng thều thào:

- Cứ… để… ông… ấy ở lại, nghe để biết! Cha… cha… Gấm… sẽ nói giùm con… nói hết… nhé. Vì sao… vì sao… con đã giết người… nghe cha… Ông ấy… sẽ biết cách...

Linh mục nhẹ nắm bàn tay người bệnh:

- Con…! Con nói gì lạ vậy? Con lại vừa phạm thêm tội nữa rồi đó. Tội này mới là nặng nhất: Sự tuyệt vọng! Phạm văn Danh! Con nên nhớ rằng: đời sống của con không thuộc quyền con sở hữu! Sự hối hận, niềm khắc khoải ưu tư, là những cái mà con phải đem dâng hiến cho Chúa đặng sửa chữa lỗi lầm thay vì buông xuôi tất cả… Nói đi con! Nói là con đã hối tiếc lắm, đi!

Tia mắt lờ đờ của người bị thương dán chặt vào mắt vị cha Xứ. Hai giọt lệ ứa ra từ từ lăn trên làn da má xanh rờn.

Qua hơi thở, có tiếng thều thào:

- Tha tội cho con!

Giọng cha Xứ run run cảm động:

- Con vẫn còn lòng tin nơi Chúa đấy chứ! Con có chịu hứa với Chúa là sẽ để cho bác sĩ săn sóc chạy chữa cho không? Và con đủ can đảm chấp nhận điều đó chứ?

Khẽ hất đầu, vị Linh mục ra dấu chỉ Trọng Viễn.

Thầy đội Danh thở dốc, trên sắc diện, vẻ băn khoăn sầu khổ đã nhường chỗ cho nét thư thái nhẹ nhàng. Tiếng “vâng” từ cái miệng bất động lọt ra nhẹ như hơi gió thoảng, nhưng bàn tay giá lạnh nắm lấy mấy ngón tay cha Xứ lại khẽ bóp như xác nhận sự ưng chịu bằng lòng.

Tiếng nói của vị cha Xứ vẫn đều đều:

- Vậy là được rồi! Thế là đủ! Con hãy đọc với cha lời kinh sám hối nhé!

Trên vầng trán trắng bệch của người hấp hối, vị tu sĩ hiền đức đưa ngón tay sẽ làm dấu thánh giá, miệng thầm thì đọc lời kinh giải thoát…

- Cha tha tội cho con…

Rồi cha Xứ quay sang nhìn Trọng Viễn:

- Xong rồi! Ông có thể tới gần đây! Phạm văn Danh! Con cứ việc nói hết đi!...

Giọng nói của thầy đội kiểm lâm đã yếu lắm, thoảng nhẹ như sợi tơ trời:

- Tôi đã bắn chết cậu Sinh! Tôi đã bắn chết thằng Ngây!

Trọng Viễn ngẫm nghĩ:

- Cô giáo Bạch Xuyến cũng nói thế! Kỳ quái!

Thầy Danh lại thều thào:

- Gấm sẽ nói hết cho ông nghe! Lạy Chúa! Tha tội cho con!

Tiếp theo là một tiếng rên dài. Mấy ngón tay trắng bệch co ruỗi loạn lên, túm chặt mặt vải nệm. Cái đầu, từ lúc nào cố hết sức ngóc lên, giờ đây không còn đủ sinh lực, đổ vật xuống mặt nệm nghe “bịch” một tiếng. Vị linh mục nhẹ nhàng chắp hai tay người chết lại với nhau, khẽ vuốt đôi mí mắt, rồi quỳ gối bên giường.

Trọng Viễn nghiêng mình trước thi thể thầy đội Phạm văn Danh, đồng thời ghé miệng gần tai cha Xứ:

- Tôi đi báo cho vợ thầy ấy biết, đồng thời lấy khẩu cung luôn, nghe cha!

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG XV

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

CHƯƠNG XIII_BÀI THƠ KINH DỊ


CHƯƠNG XIII


Sau bữa cơm tối, chàng thanh tra cảnh sát lên phòng ngủ ngay. Trước khi đi sâu vào giấc ngủ ngon, Trọng Viễn lẩm bẩm, mơ màng với ý nghĩ vui vui:

- Ngày mai mình sẽ tới thăm mụ Phé một phen nữa. Không hiểu bên trong cái sọ dừa bù xù đó thật ra có những cái gì chứ? Lúc thì chưa hỏi đã nói. Lúc cậy răng lại không chịu thốt một lời.

Khoảng 11 giờ đêm, gió lớn bỗng nổi lên. Nửa giờ sau, bão tố diễn ra cuồng bạo. Mưa như trút nước, cây cối trong vườn bị gió lay, rên rỉ, thân cành vặn xoắn kêu rắc rắc, kinh hồn. Gió gào, mưa quét, cứ thế kéo dài suốt đêm. Mãi tới sáu giờ sáng mới tạm yên. Bão tố ầm ầm đã khiến Trọng Viễn cũng như mọi người trong biệt thự trằn trọc thâu đêm. Sáng tám giờ chàng mới thức giấc, mệt mỏi vô cùng. Đúng lúc ngồi ăn sáng, gia nhân bà Án mang lên cho chàng mảnh giấy của vị thiếu tá không quân tại phi trường Phủ Đoan, báo cho biết: trung úy Dưỡng khi bị cử đi công tác tại Saigon đã hết sức tranh đấu để xin người khác thay thế, nhưng không được, đành phải dứt áo lên đường. Rõ rệt là chàng sĩ quan trẻ tuổi rất khổ tâm về chuyến công tác này.

Trọng Viễn thầm nghĩ:

 Chàng Dưỡng không muốn một phút nào xa rời Tường Lan. Vậy thì chàng ta không một chút dính líu vào vụ án thê thảm này.

Đang sửa soạn “đi thăm” mụ Phé, chợt có tiếng người phu trạm gọi cổng. Gia nhân đưa lên cho chàng một bức thư. Chữ đề ngoài phong bì là một loại chữ vụng về, nét run run như nét chữ học trò lớp năm. Trọng Viễn lật đật xé bao ngoài:

“ Báo trước cho thanh tra Trọng Viễn biết rằng nếu cứ tiếp tục rớ vào nhưng chuyện không dính dáng gì đến mình, tính mạng sẽ bị lâm nguy nội 48 tiếng đổng hồ đó”.

Chàng trai chúm môi huýt gió một hơi dài:

 Úi chà! Ghê nhỉ!... Hừ!... Từ bữa đặt chân tới đây, “mỗ” chỉ rớ vào những việc gì dính dáng tới “mỗ” thôi mà. Có đụng chạm gì đến việc của người khác đâu. Đúng như mụ Phé đã nói: nghề nghiệp của tôi mà!

Tự động, chàng thanh tra cảnh sát đưa tay sờ vào túi áo bên phải, nơi nằm gọn một khẩu “browning”. Yên trí, chàng sửa soạn bước ra. Trước khi đi, Trọng Viễn lấy ra xem lá thư nặc danh gởi cho bà Án về vụ tình ái lăng nhăng giữa Sinh và cô gái tên Liên, so sánh với lá thư mới nhận được. Hai tuồng chữ hoàn toàn khác biệt. Vậy thì ít nhất có hai kẻ nhúng tay vào vụ án này. Tên thứ nhất muốn ngăn chặn để Sinh thôi đi những chuyện trăng hoa ong bướm, kẻ thứ hai muốn chàng chấm dứt ngay cuộc điều tra… Chữ viết tuy có khác, nhưng có thể kẻ chủ mưu chỉ là một.

Trọng Viễn xuống nhà dưới. Chàng gặp ngay Tường Vân. Cô gái thùy mị đón chào chàng thanh tra cảnh sát bằng nụ cười thật xinh. Vừa may! Trọng Viễn đang cần tìm nàng để hỏi tin tức:

- Cô Tường Vân! Cô có thể cho tôi được coi một vài dòng chữ viết của cậu Sinh?

- Dạ được chứ ạ! Để tôi đi lấy, ông chờ một lát nhé!

Hai phút sau, thiếu nữ trở xuống, tay cầm một tấm bưu thiếp anh trai nàng đã gởi tặng khi cậu ta đi du lịch tại Thụy Sĩ. Liếc mắt ngó qua, Trọng Viễn biết được ngay tuồng chữ rất đẹp ghi trên bưu thiếp và chữ viết gà bới nguệch ngoạc “bất thành tự dạng” trên hai lá thư nặc danh chẳng có điểm nào có thể gọi là của cùng một người cả.

Cậu Sinh, mặc dù có cố gắng tới mức nào chăng nữa cũng không thể viết xấu như thế được.

Thêm nữa, tuồng chữ viết trong là thư nặc danh mới nhận được đây nhất định không phải là tuồng chữ viết giả tạo. Rõ ràng là lối viết của một người quê mùa ít học, cầm bút còn vụng về lúng túng, nhưng cách hành văn lại rất thông minh lanh lợi: “Báo trước cho  thanh tra Trọng Viễn biết rằng…”

Tường Vân đưa mắt nhìn chàng trai. Ánh mắt bồn chồn khắc khoải. Trọng Viễn mỉm cười. Nụ cười của chàng đột nhiên ngượng nghịu vô cùng.

Một làn hơi ấm đưa lên hâm nóng làn da mịn màng của thiếu nữ. Trong nháy mắt, sắc mặt Tường Vân ửng hồng, đẹp rực rỡ, khiến Trọng Viễn chớp mắt liền mấy cái.

Hình như thiếu nữ hơi hối hận vì có một phút vô tâm đối với điều buồn lo đang trĩu nặng lên gia đình yêu quý của nàng. Tường Vân cất tiếng dịu dàng:

- Ông cố gắng tìm cho ra anh Sinh tôi nhé!

Chàng thanh tra cảnh sát đưa vội hai tay nắm lấy hai bàn tay nuột nà đưa ra trước mặt mình. Tiếng nói của chàng phào nhẹ như hơi gió:

- Tôi hứa với Tường Vân lời hứa danh dự!

Thế rồi, thong thả tản bộ hướng về phía nhà mụ Phé, vừa đi, Trọng Viễn vừa suy nghĩ rất lung. Trước khi vào gặp mụ, phải rẽ vào trong rừng một lúc đã, đến đúng chỗ con Bảo Tố bị bắn hạ. Biết đâu lại chẳng bắt gặp một gian lều hoặc một cái mái lá nào đó đã được dùng làm chỗ ẩn núp cho tên hung thủ. Trọng Viễn không phải là người nhát gan. Hơn nữa, chàng vẫn tin rằng sinh mạng của mình không có gì đáng ngại mặc dầu lá thư đe dọa vẫn nằm kềnh kệnh trong túi áo. Vả lại, nếu “kẻ kia” chủ tâm muốn hạ chàng, ắt hẳn hắn đã bắn trúng chàng ngay cùng một lúc với con chó chứ!

Trọng Viễn âm thầm kết luận:

- Không dám bắn hạ mình, không dám sát hại một nhân viên nhà nước. Đó đúng là bằng chứng rõ rệt để chứng minh thủ phạm chính là Sinh.

Trọng Viễn đặt bước đi vào một lối nhỏ phủ đầy lá rụng ẩm đẫm nước mưa hồi đêm. Chàng cảm thấy hơi lành lạnh. Đột nhiên, một bóng hình kỳ dị xuất hiện lù lù ngay trước mắt. Bóng hình ấy khoác một chiếc áo mưa đàn ông có mũ chụp sùm sụp trên đầu. Không hiểu là đàn ông hay đàn bà mà chỉ thấy “hắn” giang hai cánh tay áo lụng thụng, một tay nắm chặt chiếc gậy lớn. Có tiếng the thé cất lên:

- Ê, ê! Thôi nghe! Đứng lại, đừng có tiến lên nữa nghe. Tiến lên nữa là chết đấy!

Trọng Viễn thản nhiên:

- Tưởng ai! Hóa ra mụ Phé! – Chàng trai rút nhanh lá thư nặc danh vừa nhận được hồi nẫy – Này, mụ viết lá thư hăm dọa tôi đấy phải không?

Mụ phù thủy quắc mắt ngó chàng chăm chú:

- Ai biết đọc biết viết bao giờ?

Chàng trai mỉm một nụ cười:

- Bữa nọ, bà Cầm có nói rõ: chính bà đã tự tay chép ra giấy bài thơ kinh dị đó. Vậy là bà biết đọc thông viết thạo!... Thôi kệ, mụ cứ để tôi đi lên thử coi. Tiến lên, để xem tên nào định làm gì tôi nào… Mụ xê ra!

Mụ Phé vẫn lải nhải:

- Đã bảo đừng tới, đừng đi nữa mà!

Chợt mụ trầm giọng:

Một đứa ngủ, hai đứa ngủ.

Đứa thứ ba rồi cũng chẳng thức lâu.


Trọng Viễn có ý trêu chọc cho mụ tức khí phải phun ra hết:

- Này mụ Phé! Hai đứa nào chết thì chưa thấy. Chỉ có một đứa chết mà thôi. Mà đứa chết ấy cũng đã lại “đi” đâu mất rồi. Mụ thấy chưa? Mụ thấy rõ ràng là đã đến phiên tôi thế nào được. Xê ra!.

Mụ Phé nhìn chàng chòng chọc:

- À! Đã muốn thì cứ việc lên đi. Cậu sẽ thấy đủ… hai đứa. Rồi là tới phiên đứa thứ ba. Cậu nhất định muốn thế kia mà. Hừ!

Dứt lời, mụ phù thủy quỷ quái tung vung tay áo, ré lên một tiếng nghe như tiếng cú kêu, quay mình chạy mất hút.

Trọng Viễn khẽ nhún đôi vai rộng, chép miệng:

- Bà già quỷ quái!

Chàng thận trọng tiến bước, lắng tai nghe ngóng, không bỏ sót từng tiếng lá cây sột soạt, từng tiếng cành khô gãy kêu lắc rắc. Trọng Viễn dừng chân tại gốc cây thông to lớn, nơi con Bão Tố gục chết hôm trước.

Chàng ngậm ngùi khẽ nói:

- Khi đến đây, mày đã trông thấy hoặc đánh hơi thấy gì hả Bão Tố? Bão Tố ơi! Giá mày không bị chết oan, bây giờ còn ở cạnh bên ta thì thích quá.

Chàng thanh tra cảnh sát đi quanh gốc cây một vòng. Đột nhiên, chàng cúi xuống thật nhanh: sát gốc, gần mặt đất, một bông hoa pensée nhỏ xíu, héo úa, đẫm nước mưa, từ màu trắng trinh bạch đã ngả sang màu nâu nham nhở, bám chặt vào thân cây. Chắc là do gió thổi mạnh, bông hoa táp dính vào vỏ cây như dán bằng keo. Nếu không phải là con mắt của nhà chuyên môn điều tra tư pháp, chắc chắn không thể nhận ra được sự hiện diện của cái dấu vết rất nhỏ nhưng vô cùng quan trọng ấy. Trọng Viễn bàng hoàng, lật đi lật lại bông hoa héo úa mỏng manh như tờ giấy quấn thuốc lá trong lòng bàn tay hơi run. Chưa đầy năm phút sau, đột nhiên sự thật, sự thật xuất hiện như một làn chớp nhoáng, chói lòa, ghê rợn, khiến chàng thanh tra cảnh sát bật rú lên một tiếng kinh hoàng.

Nếu thế thì kẻ sát nhân không phải là Sinh! Đáp máy bay để đi đâu đó cũng không phải là Sinh nốt! Tất cả những chi tiết sự việc đều do mụ Phé dựng đứng lên, bịa ra cả… Nhưng có điểm này: “Không chừng cậu ngự trên cao”… có thể… là… là... Trọng Viễn rợn người, cảm thấy rõ ràng mồ hôi toát ra, chảy dọc theo sống lưng, lạnh buốt. Muốn ngẩng đầu lên, chàng trai có cảm giác gáy mình đau nhức, cứng đơ ra, không động cựa được. Mắt không ngó, nhưng trong tâm trí, chàng thanh tra cảnh sát đã biết rõ là phía trên cao ngang đỉnh đầu mình, hiện có… cái gì.

Trực giác của Trọng Viễn linh thật!

Đúng như thế! Trên một cành thông cao chót vót, giữa đám lá thông xanh, một thây người treo lủng lẳng. Một người chết thắt cổ? Không đúng! Chết thắt cổ mà dây lại cột ngang nách, ôm choàng qua ngực?

Nội mười giây đồng hồ sau. Trọng Viễn đã biết được ngay, Sinh! Đúng xác chết đó là Sinh! Chàng quý tử con quan Án Bùi Đình Quang chỉ còn là cái xác không hồn, khuôn mặt nhợt ra, xanh mét như tàu lá chuối non. Máu trong người đã do vết thương nơi bụng rỉ ra, y hệt trường hợp của thằng Ngây. Và sinh mạng của chàng trai đã do lỗ hổng của vết thương trúng giữa tim mà bay đi mất.

Trọng Viễn sực nhớ lại giây phút xúc động buổi tối hôm đầu khi đặt chân tới đây. Lúc đó, sự lo lắng, bồn chồn, khắc khoải đã khiến hai khuôn mặt, của bà Án, của bà Cầm, một đẹp đài các, một hiền lành phúc hậu, in sâu những nếp nhăn giống nhau như hệt. Rồi đến bây giờ nhìn mặt Sinh, Trọng Viễn lại thấy những nét giống hệt những nét đã bắt gặp trên mặt thằng Ngây. Nghĩa là: niềm khắc khoải vô biên, xen lẫn khủng khiếp, ngạc nhiên đến tột độ.

Vừa trèo xuống, chàng thanh tra cảnh sát vừa ngẫm nghĩ:

- Phải xét kỹ, phải làm lại từ đầu. Hừ! Mụ Phé quái quỷ này! Rượu mời không uống, lại chỉ thích rượu phạt! Ngon ngọt không muốn, lại muốn những cứng rắn cay chua! Phải “ốp” cho mụ nói hết sự thật mới được! Không thể để mụ tưởng là đánh lừa được mình, cứ tiếp tục cười thầm chế riễu mình mãi.

Xuống tới mặt đất, Trọng Viễn đứng dựa vào gốc cây ngẫm nghĩ:

- Chút xíu nữa, lòng tự ái bị tổn thương khiến mình hành động không kịp suy nghĩ chín chắn. Mụ Phé rất được mọi người ở đây thương mến. Vậy mình phải dè dặt lắm mới được. Có lý nào mụ lại đích thân cầm súng lục bắn chết Sinh và thằng Ngây? Lại càng không phải nữa là mụ đã na được hai cái xác, thủ tiêu một, còn một thì treo lủng lẳng lên trên kia. Tại sao lại phải dàn cảnh ra như thế? À, à… mụ Phé này, thế nào mụ cũng phải nói, nói hết sự thật ra. Sự thật một khi trắng đen rõ rệt, vụ án bí mật tại biệt dinh cụ Án Bùi sẽ không còn bí mật nữa.

Một cành khô gẫy kêu “rắc" khiến Trọng Viễn giật nẩy mình. Một con thỏ rừng mình trắng như bông vun vút chạy qua. Nhìn theo bóng con vật chạy trốn, chàng trai thôi không nghĩ đến nạn nhân nữa mà liên tưởng đến "tên thủ phạm".

Trọng Viễn lẩm bẩm:

- Hung thủ không phải là Sinh! Vậy thì đúng là một con quỷ sống nào đó tàn bạo hết cỡ. Nó sẽ không lùi bước trước một vụ sát nhân thứ ba nữa. Con quỷ sống hiện giờ vẫn ẩn nấp đâu đây! Nó có một mình hay có sự tiếp tay của một tên đồng lõa? Đồng lõa? Ai, ai có thể là đồng lõa của hung thủ? Mụ Phé chăng? Kể cũng đáng nghi lắm. Nếu không có tà ý gì thì tại sao mụ lại lấy mấy cây bài ra làm rối loạn sự việc ngay từ lúc đầu? Mụ toan tính cái gì vậy? Bí mật!... Để né mạng lưới của pháp luật! Nhưng có một điều khó hiểu nhất là: động cơ nào đã thúc đẩy hung thủ xuống tay hạ sát cả hai người? Hai nhân vật hoàn toàn khác biệt nhau, thể chất khác, trình độ trí thức khác hẳn nhau, rồi địa vị trong xã hội lại xa nhau một trời một vực. Hay thủ phạm là một gã điên khùng loạn trí?... Hay là một… mụ điên. Mụ điên.

Có tiếng lá khô kêu sột soạt. Trọng Viễn ngẩng phắt lên. Mụ Phé đã sừng sững đứng trước mặt tự bao giờ. Mụ há hốc cái miệng đỏ lòm, sặc lên cười “ khạch khạch ”, cất tiếng nói như quạ kêu:

- Thế nào ? Cậu Cả ? Trông thấy tận mắt hai người chết rồi đấy chứ, hả ? Còn muốn người thứ ba nữa chết không ?

“ Cậu Cả ” đùng đùng nổi giận. Cứ nghĩ đến niềm đau khổ của mọi người trong biệt thự cụ Án khi được nghe được chàng báo tin dữ, Trọng Viễn lại có cảm giác như lửa đốt trong lòng. Chàng trai nghiến răng:

- Coi chừng đó, mụ Phé ! Mụ ghê gớm lắm ! Xác thằng Ngây đâu ? Nói đi ! Đồng thời mụ có chịu bảo cho tôi biết kẻ nào nhẫn tâm hạ sát cả hai người đó không ? Chịu không ? Có hay không ? Trả lời một tiếng thôi.

Mụ phù thủy luống cuống:

- Ấy, có, có ! Tại cậu không hỏi thì làm sao tôi nói!

Chàng thanh tra cảnh sát không ngờ mụ lại biết điều một cách dễ dàng đến thế, liền mỉm cười trách:

- Mụ đã lớn tuổi như thế rồi, ít nhất cũng phải biết hổ thẹn với lương tâm khi thấy việc điều tra một vụ án ghê gớm như thế này cứ kéo dài ra mãi trong lúc chính mụ, mụ lại biết được sự thật như thế nào. – Đôi mắt nâu quắc lên, giọng nói chàng thanh niên đanh lại – Giờ đây, dù muốn dù không, mụ cũng phải nói. Thế nào, mụ Phé ! Nghe tôi hỏi đây rồi liệu mà trả lời: ai đã giết cậu Sinh và thằng Ngây ?

- Tôi ! Chính tôi ! Tôi đã giết cả hai đứa!

Mụ Phé nổi cơn điên ? Đúng thế ! Trọng Viễn bất giác thối lui một bước như người đứng trước một con rắn độc đang nhóng cổ sắp sửa mổ tới. Miệng chàng lắp bắp:

- Á, a ! Nhưng tại sao ? Tại sao chứ ? Hả ?

- Tôi ghét tụi nhà mụ Án, suốt đời giàu sang phú quý, sống trong nhung lụa lượt là. Mà tôi thì khổ quá. Suốt đời chỉ sống nhờ vào sự bố thí của họ. Tôi thù hận tụi họ. Mụ Án làm bộ làm tịch, ỷ có mấy đứa con, đứa nào cũng xinh đẹp. Mà ngay cả mụ nữa, ăn uống tẩm bổ, cứ đẹp nõn ra. Còn tôi, thì lại phải sống hẩm hiu trong cảnh cô đơn đói khổ.

Trọng Viễn có cảm giác vừa được nghe một bài văn tả oán. Một bài văn gò ép, gượng gạo đã sửa soạn sẵn sàng từ lâu, chỉ chờ đúng dịp là đọc lên làu làu như diễn kịch.

Chân chàng thanh tra lại tự động bước tới một bước:

- Mụ Phé kỳ quái thật ! Thế ra chỉ vì ghen ghét mà mụ đã hành động dã man như vậy! Nhưng còn thằng Ngây! Thằng Ngây đã làm gì mụ chứ?

Mặt mụ đàn bà ngẩn ra mấy giây, nhưng lấy lại vẻ bình thản rất nhanh. Tiếng mụ lại cất lên đều đều:

- Tôi đã bắn chết cậu Sinh đêm hôm 12 rạng ngày 13. Lúc đó, cậu ấy với thằng Ngây đang đi chơi trong rừng trên con đường mòn lớn đó. Khi cậu Sinh gục chết, tôi đã bắt thằng nhỏ trèo lên treo xác cậu ta trên cành cây. Tôi đã giúp nó một tay bằng một sợi dây thừng đầu buộc một hòn đá, liệng qua cành cây. Thằng Ngây ríu ríu làm theo vì nó sợ hãi tôi quá. Khi trèo xuống, đột nhiên thằng nhỏ nổi cơn hung bạo, miệng la thét inh trời và nhảy xổ vào cắn xé tôi như một thằng điên.

- Thế là bà nổ súng bắn nó luôn ?

- Phải !

- Súng gì thế ?

Không một chút ngập ngừng do dự, mụ Phé nói ngay:

- Khẩu súng trường hai nòng cậu Sinh bỏ quên tại nhà tôi hồi sáng hôm ấy, khi cậu đưa mấy cuộn len đến cho tôi nối thêm vào ống tay áo lạnh của bà Án.

Chàng thanh tra cảnh sátchợt cất tiếng mừng reo chiến thắng:

- Bắn bằng khẩu súng hai nòng của cậu Sinh ! Ha ! Ha ! Vậy mà vết thương trên mình hai nạn nhân lại do đạn súng lục. Ha ! Ha ! Ha !

Mụ Phé biến sắc mặt, đôi đầu gối nhũn ra. Mụ gục xuống gốc cây thông, ôm mặt khóc nức nở. Trọng Viễn cúi xuống lay vai mụ:

- Tội nghiệp ! Này, mụ Phé ! Mụ có ý che chở cho ai thế ? Con hay cháu của mụ chăng ? Hay một tên du đãng côn đồ nào đó, hả ?

Mụ già không nói gì, chỉ lặng lẽ gật đầu. Chàng trai hỏi gặng:

- Nhưng là ai mới được chứ ? Ai ?

Mụ Phé dằn từng tiếng:

- Trung úy Dưỡng !

Ba chữ “Trung úy Dưỡng” tuy ngắn ngủi nhưng cũng đã đủ khiến trí tưởng tượng bén nhậy, phong phú của Trọng Viễn tái diễn được cả một tấn đại bi kịch, bắt đầu từ quá khứ: mụ Phé, trong buổi xuân thời, đã gởi đứa con trai vào cô nhi viện. Đứa con trai ấy, theo thời gian, lớn lên trở thành… Trung úy Dưỡng, một sĩ quan phi công. Vị sĩ quan phi công ấy đổi về làm việc tại phi trường Phủ Đoan thuộc xã Phú Hộ, cách biệt dinh cụ Án Bùi ba trăm thước. Trung úy Dưỡng yêu say đắm Tường Lan, cô con gái lớn của cụ Án Bùi, được người đẹp yêu lại. Cuộc tình duyên lứa đôi bị Sinh ngăn trở. Trung úy Dưỡng, trong một phút phẫn hận, đã hạ sát cậu Sinh, em trai ruột của người yêu mình. Sinh, trước khi bị bắn chết, đã giằng co vật lộn dữ dội và đã đả thương Trung úy Dưỡng. Dẫn chứng cụ thể: chiếc áo sơ mi đẫm máu, Trọng Viễn phát giác được trong ngăn kéo “com mốt” của Tường Lan.

Chàng thanh niên ý thức được vai trò tuyệt luân của mụ Phé trong việc đánh lạc hướng công lý, hy sinh tuyệt đối để cứu con trai.

Có thể thế lắm ! Ồ, nhưng còn thằng Ngây ! Cái chết của thằng bé ngớ ngẩn này giải thích thế nào ?

Hỏi, mụ Phé cho biết:

- Dưỡng đã giết thằng Ngây vì bất đắc dĩ, tuy trong lòng không muốn.

- Và chính mụ đã đưa ra ý kiến thủ tiêu xác thằng nhỏ ?

- Đúng như vậy ! Tôi chôn nó ở trong cánh rừng già. Ồ, thằng bé vẫn yêu thích cánh rừng già ấy lắm.

Trọng Viễn vẫn cố lấy giọng điềm nhiên:

- Thế rồi chính Trung úy Dưỡng đã giúp mụ di chuyển xác nó đi ?

Mụ Phé gật đầu:

- Phải!

Chàng thanh tra cảnh sát thở ra một hơi nhẹ, thật dài. Lại một câu chuyện bịa đặt, dựng đứng cứ như thật ấy thôi.

Đôi mắt tròng nâu như mắt thỏ lại quắc lên, giọng nói gằn từng tiếng chát chúa:

- Mụ điêu ngoa xảo quyệt ! Trung úy Dưỡng đã đi công tác tại Saigon từ ngày 13. Trung úy Dưỡng cũng không phải là con trai của mụ mà cũng không phải y đã xuống tay hạ sát cậu Sinh. Tôi đã lầm lớn mà nương tay để cho mụ lừa dối mãi. Thế nào ? Sự thật ra sao ? Mụ nói hay không thì bảo !

Yên trí thế nào mụ phù thủy cũng nổi trận lôi đình, phản ứng chắc phải dữ dội lắm. Trọng Viễn vô cùng ngạc nhiên khi thấy mụ Phé chăm chú nhìn chàng, tia mắt vô cùng buồn thảm. Hai giọt nước long lanh, từ hai con mắt, một bé, một to, ứa ra, từ từ lăn xuống gò má nhăn nheo. Cái miệng không răng lại phều phào mấy lời vè quái dị:

Một đứa ngủ, hai đứa ngủ.

Đứa thứ ba rồi cũng chẳng thức lâu.


Một cánh tay mụ Phé mệt nhọc đưa lên chỉ vào lùm cây um tùm kế bên chỗ Trọng Viễn đứng. Chàng thanh tra cảnh sát xăm xăm tiến lại trong khi mụ phù thủy lại gục mặt tiếp tục khóc rấm rứt.

Vạch cây rẽ bụi, Trọng Viễn phát giác ra ngay thi thể thằng Ngây. “Người ta” đã kéo lê xác nó từ nhà tới tận đây. Áo quần thằng nhỏ mặc trên người rách bươm, lấm đầy đất cát, chứng minh rõ điều đó.

Thế rồi, sự thật như những đốm nhỏ, lóe sáng dần trong tâm trí chàng thanh tra cảnh sát:

“Xác thằng nhỏ bị kéo lê trên mặt đất, có nghĩ là người làm việc ấy không đủ sức bồng hẳn nó lên. Người ấy là mụ Phé! Mục đích để làm gì?... Nhằm làm rối tung sự thật, đánh lạc hướng điều tra của mình… Rắc rối thật! Chỉ còn một cách duy nhất là cho đối chất với thi thể cậu Sinh mới hy vọng đạt được kết quả…”

Quay nhìn mụ Phé, chàng buông gọn:

- Này, đi theo tôi!

Mụ phù thủy ngồi nhổm lên, có cử chỉ thảng thốt vội vàng như muốn chạy trốn.

Trọng Viễn khẽ quát:

- Vô ích! Định đi báo tin cho ai đấy hả? Đừng hy vọng làm cái chuyện đó nghe! Tôi theo sát mụ đó, coi chừng!

Mụ Phé bướng bỉnh, quàng tay ôm chặt lấy gốc cây thông.

Kể từ ngày ra làm việc cho tới giờ, đã hơn mười năm, Trọng Viễn không hề áp dụng biện pháp cứng rắn với ai. Ngay cả bữa nay, hơn bao giờ hết, chàng lại còn tỏ vẻ thương hại thật tình. Lá bùa phù thủy rã tan như tờ giấy mỏng bị nước mưa, mưu mô vụng về, thô kệch, bị phanh phui phơi trần dưới ánh sáng, mụ Phé hiện nguyên hình là một bà già thân tàn ma dại, nghèo khổ cùng cực, ốm o thảm hại cùng cực.

Chàng thanh tra cảnh sát trầm giọng:

- Mụ Phé ! Mụ nên nhớ rằng tôi biết được nhiều chuyện lắm. Nếu mụ tỏ ra là người biết điều, chịu nghe lời tôi, sẽ có lợi vô cùng cho kẻ mà mụ muốn che chở. Tôi sẽ hết sức giúp đỡ. Mụ có thể tin ở tôi.

Sắc diện Trọng Viễn ánh lên một vẻ gì đặc biệt khiến mụ phù thủy nới lỏng tay, không ôm chặt thân cây nữa, đồng thời ánh mắt mụ cũng hết hẳn vẻ lạnh lùng bí mật.

Hai người chầm chậm đặt bước đi theo con đường mòn nhỏ hẹp. Mụ già khom lưng trên khúc cây gậy tre đen bóng. Áo quần rách bươm bay phần phật theo làn gió từng cơn thổi loạn, trong không khác gì một con chim trời đã trọng thương còn bị bạt gió, sã cánh tả tơi.

Trọng Viễn lặng lẽ đi phía sau. Tâm trạng chàng là tâm trạng cụt hứng của nhà thiện xạ, trước khi vào rừng yên trí là thế nào cũng đem được về, trình cho công chúng xem một con mãnh thú, nhưng giờ đây, mồi thịt rừng lại chỉ là một con chim bạt gió lông cánh tiêu điều xơ xác.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG XIV