Những
con số cứ theo cái vòng luẩn quẩn, loanh quanh mà đảo lộn, quay cuồng
trước mắt Hương, đầy dẫy trên trang giấy trắng. Hương thấy mình sao mà
dốt lạ!... Có mấy bài toàn mà làm mãi không được. Dốt ơi là dốt! Dốt ơi!
Dốt à! Răng mà mi cứ theo ta hoài vậy. Có cút đi nơi khác không? Hở?...
Hương
chán nản vứt quyển vở nháp xuống đất. Bực tức cùng độ, Hương muốn rưng
rưng nước mắt. Từ trưa đến giờ... Có mấy bài toán... Hừ!
Cầm quyển vở nháp lên tay, Hương lại cắm cúi tính tính toán toán.
- Hai lần tám mười sáu, viết 6 nhớ một... hai lần bảy mười bốn với một mười lăm, viết mười lăm nhớ... nhớ... nhớ một.
Thật
ra, Hương giỏi Việt văn vô cùng. Bài luận nào cũng đứng đầu lớp, bài
nào cũng được cô giáo khen lấy khen để. Hương còn nhớ mình giỏi văn từ
năm lớp ba. Thời ấy cô giáo cứ bắt tập làm văn với những thành ngữ:
chỉ... mà thôi ; không những... mà còn ; thì, mà ; v.v... là Hương viết
ngay vào vở, không cần suy nghĩ. Nào là:
- Trời mưa thì có mây đen.
- Đứa nào hay ăn kẹo thì răng sún.
- Không những anh Huy học giỏi mà còn... hay đánh lộn nữa.
- Chị Thảo của em chỉ thích đi Vélo Solex mà thôi.
Chính
vì những câu văn nho nhỏ, ngộ nghĩnh ấy mà cô giáo cho nhiều điểm làm
Hương vui sướng vô cùng. Hương chỉ phải cái tội dốt toán mà thôi.
Hương
bắt đầu để ý đến con Trang, một đứa bạn giỏi toán nhất lớp Nhì C. Hương
tự hỏi vì sao con Trang lại "thông minh đĩnh ngộ" như vậy? Hương không
thể giải đáp một mình được. Nhưng tự nhiên, mỗi lần nhìn Trang, Hương
cảm thấy có một cái gì thua kém. Một người giỏi Toán và một người giỏi
Luận không thể thân thiện với nhau được. Đó là sự dĩ nhiên.
Hương để ý đến Trang, và bỗng một ý nghĩ là lạ, thoáng qua trong óc Hương:
- Mình thử bắt chước con Trang xem sao? Nó làm gì mình làm cái đó. Rồi nó giỏi Toán, chắc mình dần dần cũng giỏi.
Một buổi sáng, Hương bắt đầu thực hiện ý nghĩ kia.
Vào
lớp, ngó lên bàn đầu thấy con Trang đang khoanh tay ngồi yên lặng,
Hương vội vã khuỳnh hai tay lên bàn. Trông dáng điệu của Trang ngồi
thẳng thắn lắm, hai chân lại gác ngay ngắn lên cây ngang của bàn, dáng
điệu đó, kiểu ngồi đó làm Hương bắt chước gò cả "mũi" mới được. Một lúc,
Trang đưa tay lên gãi đầu, Hương cũng bắt chước đưa tay lên gãi mặc dù
chẳng ngứa cái khỉ mốc gì cả. Con Trang ho một tiếng, Hương "ho" một
tiếng. Con Trang ghi sổ vắng Hương cũng lấy viết hí hoáy.Thật là một cái
máy. Thậm chí đến nỗi con Trang làm trưởng lớp phải xuống văn phòng
luôn để lấy phấn, lấy vở, Hương cũng thụt thò... chạy theo đuôi.
Bí quyết! Tất cả đều là bí quyết!
Về
nhà, anh Huy của Hương đè đầu giao cho một lô toán, hẹn đến tối phải
làm xong. Trái với mọi lần, Hương tỏ ra rất hí hởn, vui vui.
- "Mình đã bắt chước được con Trang. Mình sẽ làm được toán như nó".
Nghĩ
như vậy, Hương chạy ù qua nhà con Dung chơi. Đến bốn giờ chiều mới hớt
hơ hớt hải chạy về, dang nắng cả buổi trưa ngoài vườn con Dung, bây giờ
chạy ầm vô nhà tối tăm mặt mũi, té nhào lên mình con Lô Ki, nhảy nhổm
lên bàn lôi vở làm toán, vì năm giờ anh Huy về đến nơi thì chết. Tiếng
lẩm nhẩm của Hương vang lên đều đều:
- Bà Ba mua năm con vịt – ờ, năm con hén –
mỗi con một trăm tám ; năm lần tám... lần năm hăm lăm, lần sáu ba mươi,
lần bảy ba mươi lăm, lần tám bốn hai viết hai nhớ bốn. Bà mua thêm ba
đôi gà. Lấy này nhân ba cộng cái này, chia cái này, tiền tất cả... tiền
còn lại, đây... đủ hết đáp số nè.
- Trời ơi, hôm nay mình làm được toán rồi. Toán ơi! Ta yêu mi quá! Toán ơi!
Hương
nhảy cỡn lên. Không có lần nào mình làm toán được mau lẹ, không nghĩ và
chóng vánh như lần này. Rồi anh Huy... phải nể, không còn mắng Hương là
ngu, là dốt nữa. Trời ơi!
Có tiếng giày nện mạnh trên sỏi. Anh Huy về! Vừa thấy Hương, anh đã hỏi ngay:
- Thế nào cô bé? Toán làm xong chưa? Còn hai lần bảy mười bảy không?
Tuy vui mừng lắm, nhưng Hương cũng cố nén, giọng run run thật là... run:
- Em... em làm rồi.
Anh
Huy nhìn Hương một phút, hình như anh nhận thấy có điều gì khác lạ nơi
Hương ; nhưng rồi anh cũng quay vào phòng học, không quên buông thõng
một câu như thường lệ:
- Giỏi! Em của anh coi chừng đấy nhé! Sai thì chết... với anh.
Tự
nhiên, sau câu nói đó, như có một mãnh lực ma quái nào thúc đẩy, Hương
thấy run bần bật, theo anh Huy vào phòng. Bỗng anh Huy vừa nhìn vào vở
của Hương, vừa nói lớn:
-
Chết rồi Hương ơi! Em làm sao sai bét, sai be rồi. Giá tiền năm con vịt
mà cộng ba con gà nghĩa là sao? Mà anh nói ba đôi gà nghĩa là sáu con.
Ngốc quá. Tiền mà cộng với con gà. Trời ơi! Gà với vịt! Tức thật, toán
này anh ra mấy lần rồi? Hở Hương?
Hương bật thành tiếng khóc. Thật là không ngờ. Cứ tưởng bở. Hương đưa tay quệt mắt nhưng nước mắt cứ ứa ra. Anh Huy thương hại:
- Thôi nín đi! Động một chút là nhè! Lần này anh tha, xuống lau mặt rồi lên đây anh giảng cho.
Anh Huy lần lượt giảng từ từ cho Hương nghe. Sau mỗi câu, anh lại nhấn mạnh:
- Hiểu chưa? Nhắc lại coi.
Hương lập lại sau khi cố gắng nghe anh Huy giảng. Hương dần dần hiểu, thật suốt, thật kỹ.
Và Hương làm được vài bài tương tự, rồi khác hơn, khó hơn một chút.
Nhờ anh Huy giảng dạy kỹ lưỡng, một tháng sau, Hương thông suốt các loại tính, bài nào cô ra cũng biết làm.
Hương
thấy sung sướng. Một niềm sung sướng từ đâu tràn lên. Hương cảm động
thầm cám ơn anh Huy lắm. Hương nguyện từ đây sẽ không thèm bắt chước con
Trang nữa. Nó làm gì kệ nó. Hương nhận thấy một niềm tin mới: Phải tự
mình lo chăm chỉ học hành ắt sẽ giỏi. Có công mài sắt có ngày nên kim.
Bí quyết của sự học là thế, chính là thế đấy.
GIÁNG HƯƠNG