Chủ Nhật, 3 tháng 5, 2020

CÂU CHUYỆN VỀ THÚ VẬT - Thùy Lan Trang


Bố lên tiếng. Sự việc nầy thật là điều hi hữu, chả là vì bố ít nói lắm, nghiêm kinh khủng kia đấy. Cả nhà lắng nghe, mẹ chống tay lên cằm. Anh Phương, chị Hà dừng đũa. Bé và thằng Thụy ngưng đá ngầm chân nhau. Bố đằng hắng lấy giọng:

- Nhà dạo nầy vắng và buồn ghê đi. Nầy nhé: sáng thì bố đi làm, Phương, Hà đi học, mẹ làm bếp, còn con Lan và thằng Thụy thì chỉ rúc vào giường nằm xem truyện thôi.

Bé hơi ức, tại sao bố biết là bé chỉ xem truyện? Thằng Thụy nó mê chưởng chứ bé đâu có thèm rớ đến tủ sách truyện làm gì. Vừa định cãi lại thì bị thằng Thụy đá vào chân một cái, cụt mất hứng. Chẳng kịp trừng mắt như mọi ngày, bé đã phải nghe bố nói tiếp:

- Có lẽ đến phải nuôi một vài súc vật trong nhà mất.

Phút yên lặng trôi qua, thay bằng tiếng nói ầm ầm rung cả bàn ăn. Tất cả không phản đối ý kiến của bố mà đều vỗ tay hoan hô, thằng Thụy còn bày đặt vỗ chân vào nhau nghe lục cục, bát canh sóng sánh suýt trào ra. Nhưng nuôi con gì bây giờ? Đấy chính là đầu đề cho câu chuyện của cả nhà. Bố muốn nuôi một lồng năm con chim họa mi. Bao giờ chẳng thế, thể nào bố cũng lôi chim họa mi vào, "thần tượng" của bố mà lại. Bé thuộc nằm lòng mấy câu thơ của bố về họa mi mà bố cứ ngâm vang cả nhà. Tiếc là không thể chép lại được vì chúng là thơ "ruột" của bố cơ, bố giữ bản quyền đấy. Anh em bé phản đối như điên, chê bai họa mi đủ thứ, nào là: họa mi lẳng lơ lắm, tiếng kêu gào của họa mi chói cả tai, màu lông không trang nhã đẹp mắt, và thịt chim họa mi không béo! Ý kiến cuối cùng là của thằng Thụy, ấy, nó chuyên có những tư tưởng lạ đời lắm, nói ra câu gì cũng như bửa vào tai người ta, nên được lãnh cái biệt hiệu: "Lê thị Khùng". "Khùng" là vì không kiểm soát được lời nói của mình, còn cái họ và tên đệm đẹp đẽ kia là của riêng Bé tặng cho. Dĩ nhiên nó chẳng ưa cái biệt hiệu đó chút nào. Nẫy giờ nói hơi ra ngoài đề, trở lại vụ phản đối bố nhá. Bố hơi đuối lý trước những lời của lũ con, thấy mẹ vẫn ngồi yên, bố vội bắt chuyện như chết đuối gặp phao cứu:

- Còn mình nghĩ sao, nên nuôi gì?

Mẹ tươi cười đáp:

- Tôi thì sao cũng được, vật gì mà chả là vật. Mình và các con muốn nuôi gì, tôi theo nấy.

Mẹ hiền và "ba phải" quá, nên câu trả lời của mẹ càng làm cho tình hình sôi nổi hơn. Ai cũng cố gắng bảo thủ ý kiến của mình và cố tình lôi cả mẹ vào vòng để có thêm đồng minh. Bố muốn nuôi chim họa mi, điều này ai cũng đã rõ. Anh Phương đề nghị nuôi hổ! Úy chu choa, rồi chả biết ai sẽ cho ăn và nuôi nấng nó đây? Chị Hà phản đối liền và tiếp nối bằng ý thích nuôi bồ câu, chị bảo:

- Nuôi thành đàn rồi chúng sinh con đẻ cái càng ngày càng đông hơn, nếu bán thì lời lớn.

Nhưng chị bị anh Phương bẻ lại:

- Rồi Hà đóng lấy chuồng chim nhé?

Thế là chị im ngay. Bé cứ nhao nhao lên đòi nuôi thỏ, mấy chú thỏ mũm mĩm, xinh xắn í mà. Thằng Thụy cho một câu:

- Nuôi thỏ để làm mả ấy à? Chỉ tổ tốn tiền mua thêm rau cỏ! Bộ hết thứ nuôi rồi sao?

Bé đỏ mặt:

- Vậy chứ nuôi gì?

Nó buông thõng:

- Nuôi lợn!

Rồi chưa kịp nghe ai phản đối, nó lừng khừng:

- Nuôi lợn sề ấy cơ.

- Khiếp,

Ba tiếng kêu thoát ra một lúc. Mẹ, chị Hà và bé cùng nhăn mặt khi nghĩ đến con vật bẩn thỉu, ụt ịt, hôi hám, béo ủn à ủn ỉn. Không hẹn mà cùng lên tiếng, cả nhà đả đảo ngay. Nào thì: nuôi làm gì cái thứ bẩn thỉu ấy, không gì "quê" bằng lợn, lợn ăn hỗn tạp hôi lắm. Riêng bé bồi một câu:

- Mày chỉ thích lợn thảo nào bẩn như lợn ấy.

Mặc cho ai phản đối, nó chỉ lườm bé một cái dài rồi ngồi tỉnh bơ. Bố hỏi lý do nuôi lợn thì nó chậm chạp và cơm rồi mới nói:

- Nuôi lợn có nhiều điểm lợi lắm chứ. Thử xem nào: lợn có nhiều thịt ngon, ví dụ không muốn nuôi nữa thì nhà đem ngả thịt ăn có sướng miệng không?

Ấy, nó lại xen cái trò ăn uống vào rồi, tham ăn quá nên lúc nào cũng nghĩ đến ăn. Nhưng dù sao ý kiến của nó cũng bị chê đủ thứ và rốt cuộc bố ngắt bằng giọng nghiêm:

- Không nuôi lợn được.

A! Có thế chứ. Bé nhìn thằng Thụy chọc tức...

Ngưng ăn hơi lâu, mọi người tiếp tục và câu chuyện vẫn không ngoài việc nuôi súc vật. Một chập sau, ý chừng như thấy lẻ loi một mình hơi... thiệt, nên anh em bé chia làm hai phe rõ rệt và ý thích cũng thay đổi. Anh Phương, thằng Thụy một phe và ủng hộ sự nuôi chó. Chị Hà và Bé cứ khăng khăng đòi nuôi mèo và hai phe vẫn hăng hái "tranh cử", chưa bên nào nhượng bộ bên nào. Bố mẹ vẫn cười trừ, ngồi xem lũ con đấu khẩu dữ dội. Chắc hẳn là bố mẹ xem thử phe nào có lý hơn sẽ theo ý kiến của phe ấy. Biết thế cho nên hai phe càng cãi nhau tợn. Để bé nhớ lại xem anh em bé cãi nhau những gì, này nhé:

Phe anh Phương, thằng Thụy:

- Nuôi làm gì cái thứ mèo vớ vẩn ấy? Con gái đã điệu lại thêm mèo điệu nữa thì... (phe anh ấy bỏ lửng câu này). Cái giống ấy chỉ chuyên đi giấu... chứ làm được gì. Ham nuôi lắm có ngày mèo cào lại chủ đấy v.v...

Phe chị Hà và bé cũng chẳng vừa:

- Cái thứ chó chỉ được tài "ị" bậy chứ đâu được thói quen "tốt" giấu của thừa. Chó sủa gâu gâu suốt ngày điếc cả tai. Ngu như chó ấy...

Hai phe không ngớt lời mạt sát con vật của nhau. Cãi hăng quá, bốn đứa đứng cả lên và quên hết nhiệm vụ thường nhật là: tiêu thụ những gì đựng trong đĩa, bát trên bàn ăn. Bố mẹ sợ có lẽ đến lúc phải đi bác sĩ khám tai nên đứng dậy giảng hòa. Và sau khi biểu quyết cùng quyết định bố mẹ nhất quyết ngày mai sẽ rước về: một chú chó và một cô mèo để vừa lòng cả hai phe. Hai phải mà lị. Bé ngồi nghĩ đến lúc được đích thân vuốt ve, nuôi nấng, săn sóc cô mèo đáng yêu, ôi chao sướng đến nỗi quên cả ăn. Và thằng Thụy phải đá vào chân bé rồi nháy mắt, nheo mũi chọc tức, bé mới chịu cầm bát đũa lên...


THÙY LAN TRANG    
(Bút nhóm Trang)       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 68, ra ngày 1-5-1967)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com