Tôi
vốn muốn đặt tên cho bài hồi ký này là Dưới Mái Trường Trung-Tiểu-Học,
nhưng vì nhiều lý do nên lại thôi! Chắc ít người có kinh nghiệm học
trường trung tiểu học như tôi, một ngôi trường chỉ dành riêng cho những
học sinh hậu lớp nhất, hình như hồi xưa gọi là lớp Tiếp Liên, vì còn
đang tuổi ăn chưa no lo chưa tới nên ham chơi hơn ham học, và kết quả là
thi rớt đệ thất (lớp 6 bây giờ), đành ngậm ngùi ẩn nhẫn chờ thời, tạm
dừng chân bất đắc dĩ ở một nơi vẫn còn có thể dung thân, nếu kết quả học
tập cuối niên học lớp nhất đạt từ hạng nhất tới hạng năm, để dùi mài
kinh sử chờ năm sau thi lại!
Vậy
là, tháng lại ngày qua, tôi đã phải rời ngôi trường tiểu học thương yêu
của tôi với không ít niềm lưu luyến, để bước vào một khung trời mới,
tuy không như ý muốn, nhưng chắc chắn đã dạy tôi nhiều bài học cay đắng,
cùng những kỷ niệm dễ thương thuở học trò, một thời hoa bướm thẩn thơ.
Những
ngày đầu niên học, tôi cùng hai bạn nữa gần nhà, tới trường và lại về
nhà chung trên một chuyến xe xích lô máy, nhưng được khoảng một tuần,
tôi thấy đi sớm bằng lô ca chân tự do hơn nhiều, vì được tha hồ khám
phá, thăm thú mọi nơi trên con đường đến trường không ngắn chút nào đó,
lại đỡ tốn tiền ba má! Thế là sáng sáng, tôi lại một mình cắp cặp đi
học! Hình ảnh này làm tôi liên tưởng tới một đoạn văn đã đọc đâu đó, tả
cảnh một học sinh Tây đi học ngang qua vườn Luxembourg, thấy những chiếc
lá vàng rơi trên những pho tượng trắng!
Tuy
con đường dài đến trường trung tiểu học của tôi không ngang qua một
công viên nào như cậu học trò nhỏ kia, tôi cũng đã có những kỷ niệm có
một không hai để nhớ đời. Tôi vốn mê cây cỏ hoa lá, mà con đường ấy lại
có rất nhiều biệt thự kín cổng cao tường, đầy cây cao bóng mát, và những
giàn dây leo ngoài cổng quyến rũ bướm ong, và cả cô học trò nhỏ vẫn
chưa bỏ được thói ham chơi. Trưa tan học về, tôi thường nhẩn nha tha
thẩn trên những con đường đó, ngắm nhìn cảnh vật xung quanh, và một ngày
kia, cuối cùng thì tôi cũng đã tìm được một cây hoa ti gôn non còn rất
nhỏ, chỉ cao khoảng một tấc rưỡi, để đem về nhà trồng. Ngắm nhìn cây lớn
lên hàng ngày, mân mê từng chiếc lá, từng ngọn dây leo xoắn như lò xo,
hay từ trong nhà nhìn ra cành cây ướt rũ dưới màn mưa, tôi đã sáng tác
nên áng văn đầu đời, đặt tên là Giàn Ti Gôn, được đăng trên trang Mai Bê
Bi (My Baby) của nhật báo Chính Luận. Tôi đã được đăng cả mấy chục bài
trên trang Mai Bê Bi, và ngay cả tựa bài tới giờ tôi cũng chẳng còn nhớ
nổi, nhưng bài viết đầu đời đó thì đúng là mãi mãi không quên.
Một
hôm nọ sau giờ học, như thường lệ, tôi lại một mình thơ thẩn trên đường
về nhà. Tôi đã qua lại ngôi biệt thự bề ngoài nhìn có vẻ hoang vắng đó
lắm lần, nhưng lần này không hiểu điều gì đã khiến tôi dừng chân, và tò
mò ghé mắt nhìn qua những lỗ thủng lốm đốm trên những tấm tôn tồi tàn
che kín chung quanh biệt thự: một khu vườn mà hàng trăm loài kỳ hoa dị
thảo muôn hồng nghìn tía đang cùng lúc khoe sắc, đủ màu xanh đỏ tím vàng
hồng trắng cam… lung linh hiện ra trước mắt tôi, khiến tôi có cảm giác
mình là cô bé Alice đang lạc vào xứ thần tiên! Tôi chưa bao giờ được
nhìn thấy nhiều loài hoa như thế, dĩ nhiên là trừ ở chợ hoa! Có những
loại hoa đến giờ tôi vẫn không biết được tên. Chủ nhân ngôi vườn chắc
phải là một người lắm mơ nhiều mộng và vô cùng yêu cái đẹp (giống
tôi), hơn nữa lại rất giàu (không giống tôi chút nào!), còn người thợ
làm vườn đó ắt hẳn phải là một tay cừ khôi, cự phách! Thì ra có một ai
đó, nép sau vẻ bề ngoài vắng vẻ, nghèo nàn này, đã cố tạo riêng cho mình
một thiên đường nơi trần thế, hầu xua đi những cát vẩn bụi lầm của nẻo hồng trần!
Vì
biết thông tin trễ, và nộp đơn xin học trễ, nên tôi đã không còn sự tự
do lựa chọn, mà đành phải vào học lớp có sinh ngữ là Pháp văn, thay vì
Anh văn là môn rất thịnh hành thời bấy giờ. Cũng như nhiều môn học khác
như toán, lý, hóa, thêu may, vẽ... tôi không có khiếu môn Pháp văn.
Ngoài ra, tôi còn thấy nó không hợp lý cho lắm, như danh từ buộc phải
hoặc là giống cái, hoặc là giống đực! Có những danh từ có thể nhân cách
hóa thì còn chấp nhận được, như thi ca, vầng trăng, mùa xuân… nhưng cái
bàn, cái ghế vô tri vô giác mà cũng giống cái với giống đực thì thật
không hợp lý chút nào! Học hết niên học đó tại trường trung tiểu học,
hình như tôi chỉ còn nhớ lõm bõm vài câu như : Qu’est- ce que cest? Où
est il? Mặc dù sau này tự học, tôi mới khám phá ra rằng, có những câu
thơ tôi từng đọc, hoặc nghe nói hàng ngày, hóa ra đều từ nguyên tác
tiếng Pháp mà ra, ví dụ như, Mưa ngoài trời như mưa trong lòng (Il pleut sur la ville, comme il pleut dans mon coeur) (Verlaine), hoặc, Thời gian ơi hãy ngừng cánh bay, để tôi được tận hưởng những tháng năm đẹp nhất của cuộc đời (Lamartine) (" Ô
temps ! suspends ton vol, et vous, heures propices ! Suspendez votre
cours : Laissez-nous savourer les rapides délices Des plus beaux de nos
jours !)…
Ngay cả những bài hát ưa thích của tôi phần lớn cũng đều là tiếng Pháp,
như bài La plage aux romantiques! Sau này khi thi đậu lớp đệ thất vào
ngôi trường mơ ước, tôi cũng đã chọn Anh văn! Biết sao được, khi môn
Pháp văn và tôi chẳng có chút duyên gì với nhau!
Một
kỷ niệm nhỏ nhưng khiến tôi nhớ mãi, sắp được kể ra ngay sau đây, sẽ
chỉ rõ “trình độ” tiếng Pháp của tôi đã điêu luyện tới mức độ nào trong
niên học đó! Một hôm lúc trời vừa tối, anh Hải và tôi vừa dắt chiếc xe
đạp cũ ra khỏi nhà, sắp quẹo vào chung cư, (vì anh Hải lúc đó có thói
quen tối tối hay lạng lách chở tôi vài vòng quanh chung cư chơi), thì
gặp ngay một anh lính Mỹ đang đứng đợi ai đầu hẻm. Đúng là ra ngõ gặp…
lính Mỹ! Nhưng theo trí nhớ của tôi, lính Mỹ lúc bấy giờ rất thích trẻ
em, và vì thế, anh Hải và anh lính Mỹ kia chẳng bao lâu đã nói chuyện
búa xua L’Amour, dĩ nhiên là bằng tiếng Anh, bỏ mặc tôi đứng xớ rớ một
bên. Đột nhiên anh Hải xỉa vào tôi và nói gì đó với người lính Mỹ, khiến
anh ta quay ngay sang tôi và xổ ra cả tràng tiếng Pháp véo von, du
dương như chim hót khiến tôi chỉ biết lỏn lẻn cười trừ! Biết nói gì đây,
khi tôi còn chưa phát âm vài câu căn bản C'est une chaise, C'est une
table nên hồn? Thấy vậy anh Hải vừa nói rằng tôi chỉ mới học tiếng Pháp
một chút thôi, vừa ra dấu bằng hai ngón tay cái và trỏ của anh nằm ngang
cách nhau một tí xíu! Cuộc gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng rất vui vẻ ấy hóa
ra cũng làm tôi rơi ít nhiều nước mắt khi hồi tưởng, vì giờ đây anh tôi
đã rời xa thế giới này lâu lắm rồi, còn người lính Mỹ trẻ trung đẹp
trai ấy bây giờ cũng chẳng biết sống chết, phiêu bạt nơi đâu!
Ngoài
những môn học giáo khoa bình thường ra, ở trường trung tiểu học tôi
cũng được học những môn học “nhiệm ý” như các học sinh lớp đệ thất những
trường công lập khác, như vẽ, nhạc, nữ công…, trong đó có môn Nhạc,
thật bất ngờ, đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Số là ở nhà, thỉnh
thoảng tôi cũng hay nghêu ngao những khúc hát vui tươi của nhạc sĩ Y
Vân, Nhật Bằng, Văn Phụng… như bài Vó câu muôn dặm, Ý nhạc ngày xanh,
Đường đi lối về, Nguồn sống bao la…Chẳng biết hay dở ra sao nhưng tôi
thường bị anh hai tôi chọc ghẹo mãi, khi giả vờ giới thiệu, đây, ca sĩ
Phương Hướng sẽ trình bày bài Bức họa đồng quê, với bàn tay anh đưa sang
bên rất sành điệu! Vì vậy nên khi được hạng nhất, đồng hạng với một bạn
nữa, trong giờ thi xướng âm bài Đêm thánh vô cùng thì tôi đã há hốc hết
cả miệng ra, vì không tin nổi cho dù là sự thật! Dù gì đi nữa thì hạng
nhất đó đã mang lại cho tôi rất nhiều đặc quyền đặc lợi: ngày nào cũng
vậy, dù mưa hay nắng, khoảng tám giờ sáng, hai đứa chúng tôi cũng đều
được triệu tập đi tập hát trong dàn hợp ca của trường, dưới sự hướng dẫn
của một thày giáo rất hiền, bài Khúc Ca Đồng Tháp của Trọng Danh, sẽ
được trình diễn vào dịp cuối năm, sắp Tết. Điều đó đồng nghĩa với việc
tôi được phép cúp cua thoải mái, một cách danh chính ngôn thuận, nhất là
và ngay cả nếu có rơi vào giờ toán! Hèn chi niên học đó tôi chẳng thể
nhớ nổi tôi đã học toán với thày, cô nào!
Nếu
tưởng rằng học sinh lớp nhì, lớp nhất không có "tình ý" gì với nhau,
thì đó sẽ là một "sai lầm" lớn! Ngay từ khi còn học lớp nhất ở trường
tiểu học, một cậu bé "hot boy" tên Th. cũng học lớp nhất bên cạnh lớp
tôi đã "để ý" tới tôi rồi! Về phần tôi thì tôi cũng chỉ biết vậy chớ
chẳng cảm thấy gì. Tiếng Anh có một chữ, puppy love, lược dịch là tình
thơ, có thể tạm dùng trong trường hợp này. Thi rớt vô đệ thất,
tôi phải vô trường trung tiểu học, và trùng hợp thay, cũng thấy Th. ở
đó, cũng bên cạnh lớp tôi! Tình cảm một chiều của Th. không mất đi, và
giờ ra chơi nào Th. cũng chạy sang đứng ở cửa sổ nhìn tôi một lúc, trước
khi chạy chơi cùng chúng bạn. Số là, ở trong lớp đệ thất này, có một
bạn gái cùng lớp tôi, lai Tây, tên T, xinh như mộng, và không thể nghi
ngờ gì, là hoa khôi của lớp, ngồi gần cửa sổ hơn tôi. Việc Th. tiếp tục
nhìn tôi hàng ngày, ban đầu cũng làm tôi ngạc nhiên, nhưng chẳng lâu
sau, tôi hiểu đó chỉ là thói quen, lúc Th. vẫn chưa khám phá ra nét đẹp
của bạn T, dù bạn ấy ngồi gần cửa hơn mình. Nhưng việc ấy không sớm thì
muộn cũng đã xảy ra, và một hôm đẹp trời kia, Th. đã chuyển ánh nhìn
sang T. thay vì nhìn xa hơn chút nữa, hướng về tôi. Nhưng lạ lùng thay,
tôi đã không hề cảm thấy hụt hẫng, mất mát, tổn thương, hoặc thậm chí tự
ái, như người ta thường mô tả trong truyện người lớn, vì thứ nhất, tôi
còn quá nhỏ, mới chỉ 11 tuổi; thứ nhì, tôi chẳng hề để ý tới Th. Hơn
nữa, lúc đó tôi còn có một "vấn đề" hệ trọng hơn nhiều cứ canh cánh bên
lòng:
Đường
đi học về của tôi ngang qua một ngôi trường nữ danh tiếng nhất thủ đô:
ngôi trường tôi mơ ước. Trường trung tiểu học tôi đang theo học có phù
hiệu màu xanh lam đeo trên ve áo, và tan học vào giấc trưa. Trong khi
ngôi trường đồ sộ kia buộc nữ sinh đeo phù hiệu màu đỏ, và nếu học trung
học đệ nhị cấp, họ cũng về học buổi trưa, trùng với giờ của tôi! Nói
sao đây để tả cho hết nỗi lòng đầy đau khổ của tôi, cho dù mới tí tuổi
đầu, như người ta thường nói. Một hôm trên đường về, đang cắp cặp lơn
tơn ngang qua mấy chị nữ sinh đệ nhị cấp nọ, một chị bỗng nhìn tôi và
nói, sao em đi học sớm vậy? Một chị khác ngồi cạnh nhìn thấy phù hiệu
khác lạ của tôi bèn trả lời, đâu phải trường mình đâu! Đúng là miếng
ngon nhớ lâu, lời đau nhớ đời! Từ hôm đó về nhà, tôi rắp tâm dùi mài
kinh sử để chờ kịp khoa, quyết thay màu cho phù hiệu!
Trong
đời, ít khi người ta đạt được điều mình mơ ước, nhưng ít ra lần đó tôi
đã thành công, khi được ba chở tới chính ngôi trường này, cùng với anh
Hải, để say đắm nhìn thấy tên mình được đánh máy trên tờ giấy pelure, mà
tôi đại ngôn gọi là bảng vàng, dán ở cổng trường!
Tháng
lại ngày qua...Tôi vẫy tay chào vĩnh biệt ngôi trường trung tiểu học,
chốn dừng chân ghé tạm tưởng chỉ một thời, nhưng vẫn để lại trong lòng
những điều vương vấn...
Trần Thị Phương Lan