Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

CHUYỆN GÌ XẢY RA KHI BẠN HÚT THUỐC? - Phất Mục Nhân Nghị


Lời đáp là những khám phá mới và bất ngờ, 
chắc chắn sẽ làm bạn đối tượng của câu hỏi 
trên đầu bài bàng hoàng thất vọng...


Thuốc lá, ích lợi hay nguy hại?

Đúng ra câu hỏi tiên khởi khi bàn về thuốc lá, loại thuốc hút có mùi thơm (?) đã quyến rũ con người từ thanh thiếu niên cho đến lớp tráng niên, chúng ta phải đặt ngay là: "Trong bao lâu thuốc lá mới hoạt động tác hại cơ thể ta?"

Đem câu hỏi này đặt trước bất cứ bác sĩ nào, ông ta cũng sẽ trả lời ngay rằng "Chỉ khoảng ba giây".

Vâng, chỉ có 3 giây. Hay có khi cỏn mau hơn thế nữa.

Ngay khi bạn nhọn miệng rít hơi thuốc đầu tiên, mùi thơm (hãy cứ cho nó là thơm đi) thuốc lá kia đã tung hoành ngay tức thì: Chúng xâm nhập tim bạn, phổi bạn và toàn cơ thể bạn. Khởi đầu, hơi thuốc kích thích tim bạn đập nhanh hơn bình thường từ 15 đến 25 nhịp mỗi phút, đồng thời áp suất máu bạn cũng tăng theo. Nó bào mòn lớp màng mỏng trên đôi môi vẫn hằng tươi đỏ của bạn, và cả lớp màng nhầy bọc vòm khẩu cái. Vào đến phổi, nó chận nghẹt các ống dẫn khí, tàn phá lần hồi các phế bào, và nguy hại hơn cả, nó để lại trong phổi bạn một chất bã chứa đầy những mầm mống gây bệnh ung thư. Cứ thế, các chất độc giết người khác lại tiếp tục được gởi lại trong dạ dày, thận và bọng đái. Bất cứ điếu thuốc nào cũng gây ra các sự kiện như trên và không một ai hút thuốc lá lại có thể được hơi thuốc lá tha thứ.

Bây giờ, bạn nhả khói thuốc ra. 90% chất tinh túy của khói thuốc lá đều đã xin ngụ lại trong cơ thể bạn, dưới dạng hàng tỷ những phân tử nhỏ li ti chỉ nhìn thấy được dưới kính hiển vi, chứa đựng không biết bao nhiêu độc chất. Chúng ta có thể điểm mặt các Acid, Glycerol, rượu, Aldehid, các Hidrocarbon và Ketone. Chẳng có thứ nào béo bổ cả!


Chánh phạm: Khí CO.

Trong nhiều năm qua các Khoa học gia vẫn cho rằng một ít hơi thuốc không đủ tấn công quá nhiều cơ quan trong cơ thể như vừa kể trên. Và công cuộc nghiên cứu đã cho thấy hơi thuốc gồm nhiều thứ khí khác nhau: Oxid Nitric, Dioxid nitrogen, Ammoniac... Và gần đây nhất Khoa học đã phát hiện một phần tử rất đáng sợ: một loại khí không màu không mùi có thể giết người trong giây lát, đó là khí Monoxid carbon (CO).

So với khí Oxigen nuôi dưỡng sự sống, khí CO có ái lực với các hồng huyết cầu trong máu gấp hai trăm lần. (Nên nhớ rằng các hồng huyết cầu có nhiệm vụ di chuyển phần lớn oxigen đến các cơ quan). Vì thế, đối với một người hút thuốc lá, máu chuyển vận từ 5 đến 10 lần lượng khí CO gấp hơn bình thường. Bù lại, cơ thể bắt buộc phải tạo thêm nhiều hồng huyết cầu.

Xét căn nguyên, khí CO ngăn cản các hồng huyết cầu làm tròn bổn phận nghĩa là cản trở việc thu nhận đầy đủ dưỡng khí oxigen. Cũng như cản trở hồng huyết cầu trao đổi khí thể hô hấp mặc dầu nhu cầu đòi hỏi. Mặt khác, một người hút thuốc là, nghĩa là đã hít khí CO, nếu sống ngang mặt biển, sẽ chỉ hít được một lượng khí Oxigen (dưỡng khí) ít oi như sống ở một độ cao 2.400m so với mặt biển.

Ảnh hưởng trên không miễn nhiễm cho bất cứ một lứa tuổi nào. Một thể tháo gia hút thuốc lá nhiều sẽ mau cảm thấy mệt, mau đứt hơi hơn các bạn không hút thuốc.


Tim bị ảnh hưởng thế nào?

Ngoài khí CO, trong hơi thuốc lá còn có một chất độc khác có thể trích ngay từ lá thuốc lá: chất Nicotine. Trước khi khí CO bị phát hiện, Nicotine vẫn được kể là chánh phạm. Vai trò của Nicotine trong thuốc lá cũng tương tự chất Cafeinne trong cà phê và trà. Nhưng độc hơn gấp bội.

Chính chất nicotine đã khiến cơ thể bạn thực hiện một cuộc "leo thang" leo thang áp huyết, leo thang nhịp tim và cả lượng máu do tim phân phối đi cơ thể trong một đơn vị thời gian cũng nhẩy vọt theo.

Sở dĩ như vậy là vì nó tiết ra chất catecholamin kích thích tim bạn quá mạnh khiến tim đòi hỏi nhiều máu hơn để đáp ứng đủ nhu cầu. Trái lại, đối với những người yếu, tim vẫn cố hoạt động hết sức nhưng nhu cầu vẫn không thể nào được thỏa mãn.

Chất catecholamin (phần lớn là adrenalin) do nicotine để lại còn xâm nhập vào cả các tế bào mỡ, kích thích các tế bào này tiết vào máu các acid béo tự do. Mỗi lần kéo một hơi thuốc, lượng acid béo này cũng leo thang theo. Và ảnh hưởng quan trọng đến sự đông máu. Các thành huyết quản dễ thấm các thể mỡ, những lớp mỡ tích tụ ngăn cản lối lưu thông của máu.

Chất bã đen và buồng phổi.

Mùi của thuốc lá do hàng tỉ phần tử như đã kể sơ lược tạo nên. Kết tinh từ hơi thuốc, chúng tạo nên một loại bã đen dính, nhớt, gọi là chất Tar tức nhựa trải đường (hắc ín). Tính trung bình, hút một gói mỗi ngày sau một năm, bạn hít vào tất cả một tách chất cặn đen.

Xâm nhập vào buồng phổi, với chất bã đen này hơi thuốc sẽ phá hủy khả năng ngăn độc của phổi. Thông thường lớp màng nhầy khí quản tiết ra một lượng chất nhờn vừa đủ để hút bụi, đồng thời các tiêm mao rung động trên mặt trong khí quản sẽ trục lượng đờm này ra khỏi cuống họng. Nhưng hơi thuốc lá mà bạn đã hút vào sẽ kích thích lớp màng nhầy tiết ra quá nhiều đờm trong khi các tiêm mao bị tê liệt, nghĩa là lớp đờm dơ bẩn kia vẫn nằm mãi trong họng bạn. Chính lớp đờm này tích chứa khoảng 30 hóa chất gây bệnh ung thư!

Đi đến bất cứ một mô nào, nó cũng tạo nên những tế bào bất thường. Bệnh lao phổi và ung thư phổi là những bệnh thường xảy đến cho các người nghiện thuốc nhất.

Khi người hút thuốc đã mắc bệnh, bệnh sẽ trở thành kinh niên nếu vẫn không ngưng thuốc. Sự sản xuất thặng dư chất đờm đã cung cấp một nơi trú ngụ có thể nói là "vạn đại dung thân" của vi khuẩn.

Bạn tri kỷ luôn kèm bên bệnh sưng cuống họng kinh niên là bệnh khí thũng. Các tế bào lần lượt bị phá vỡ. Nhưng bệnh không giết người bệnh ngay, nó để cho bệnh nhân phải ho khan suốt 15 năm liền, sau đó mới "dứt điểm".

Người hút thuốc có thể biết được mình đã mắc bệnh khí thũng khi vào một ngày nào đó, sau một lúc làm việc ngắn, cảm thấy đứt hơi và khó thở. Lượng khí dự trữ của phổi đã tiêu tan!


Phương thức giải quyết duy nhất: Bỏ hút!

Phải. Ngưng hút thuốc là phương thức duy nhất giúp bạn làm lại cuộc đời.

Chuyện gì xảy ra sau đó?

Các vi trùng bệnh cuống họng kinh niên sẽ rút lui có trật tự. Bạn sẽ không còn ho khan ; miệng sẽ thơm tho không còn sặc mùi thuốc như xưa và nhất là bạn thở được dễ dàng.


PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 206, ra ngày 1-8-1973)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com