Huế
đã bắt đầu trở sang mùa nóng. Các trường tiểu học đã khép kín, trả
những tâm hồn thơ dại về lại gia đình sau những ngày nhộn nhịp phát
thưởng. Tuy phượng chưa nở và tuy ve sầu mới trổi giọng, nhưng tôi biết
sắp được trông thấy lại màu hoa quen thuộc, duyên dáng, kiêu sa, màu đỏ
hoa học trò. Vâng tôi gọi đó là hoa học trò, bởi chỉ những ai đã từng
nôn nóng đợi, đã từng bâng khuâng buồn mới thấy phượng thực gần gũi,
thực dễ gợi nhớ vô cùng.
Trong
hộp đựng hoa ép của tôi cũng hiện diện vài tấm hoa phượng đã trở màu.
Từ màu đỏ thắm, những cánh hoa theo thời gian đã úa sang màu nâu thẫm,
nhưng cái dáng tròn trĩnh đặc biệt của nó bên cạnh tấm lá cong cong, rải
rác những chiếc lá nhỏ xíu, xinh xắn vẫn cứ dễ thương như thường. Tôi
tiếc vô cùng đã không thể ép nguyên vẹn cành hoa, bởi đài hoa vừa cứng,
vừa lớn, mà những cọng hoa gắn vào đài hoa lại mong manh. Tôi đã phải
ngắt từng cánh, sắp theo hình dạng tương tự của nó, và như thế, nhìn vào
tôi có thể tưởng tượng đến dáng hoa. Từ cái dáng năm cạnh ấy, tôi nghĩ
đến cả một con đường rực đỏ hao học trò màu đỏ càng rực rỡ hơn nữa bên
những tán lá xanh um. Con đường tôi hằng đi ngày xưa mỗi sáng mỗi chiều
từ nhà đến trường, con đường có những cành phượng thắm rủ là là, mềm
mại, đáng yêu vô cùng. Dường như rất nhiều người đồng ý với tôi là dáng
phượng đẹp, đẹp từ những lúc trơ cành, không một ngọn lá nhỏ, trông như
thân cây khô, cho đến lúc lá bắt đầu nẩy mầm, xanh nõn nà, mượt lạ, rồi
hoa nở, màu đỏ rực trên nền xanh của trời hè, trên nền xanh của lá trở
mầu già dặn, và cả lúc phượng kết trái, những trái phượng dài, cong như
kiếm, buông mình đong đưa theo gió như người hát xiệc đu dây.
Cũng
từ dáng phượng ấy, tôi trở lại lứa tuổi học trò, lứa thời gian còn cảm
thấy vừa sung sướng trước những ngày vui chơi thỏa thích mở rộng, vừa
cảm thấy buồn rầu trong nỗi nhớ vì xa thầy, bạn.
Thuở
còn học đệ thất, chúng tôi thơ ngây lượm lá phượng, hoa phượng rơi
trong trường đem dồn vào mấy hộc bàn. Mỗi lúc đổi giờ, hoặc ra chơi,
chúng tôi lôi ra, bán hàng xén. Những cái lò nho nhỏ, chén, dĩa, muỗng
bằng nhựa được đem từ nhà đến. Ngắm búp hoa phượng non xanh, chúng tôi
nghĩ là đu đủ, chúng tôi cắt những búp hoa đó, đổ nước vào làm bún, ăn
còn giả vờ xuýt xoa cay. Những ngày cuối năm, hộc bàn bọn chúng tôi đầy
hoa. Chơi nấu ăn, buôn bán chán, chúng tôi lượm hoa non lột hết phần đài
xanh và tháo luôn nhị ở trong làm những con voi con. Có con lớn, có con
bé, đem sắp trước bàn, ngay cả trong giờ học. Hoặc lấy nhị hoa quấn đầu
nhị vào nhau, xem đứa nào đứt vòi trước là thua. Chúng tôi còn lượm
những đài hoa đã già, thổi lên đánh kêu bôm bốp. Những ngày thơ ngây ấy
qua đi, chúng tôi lớn hơn một chút. Những trò chơi thuở đệ thất bị gán
vào tuổi con nít, chúng tôi vẫn thích lượm hoa, nhưng không để làm gì.
Thỉnh thoảng buồn lại chơi trò đá gà bằng nhị hoa, hoặc để một cánh hoa
lên nắm tay, đánh bốp một cái thực lớn, nhìn cánh hoa rã rời, rơi bâng
khuâng, rồi vứt đi, với một cánh hoa khác. Những tiếng động làm đỡ buồn
tai, nhất là vào những buổi trưa hè nắng quá không muốn về, ở lại ăn mì
khô, uống si-rô đá, và nghe ve rền rĩ. Buồn chết.
Vào
những năm thi, chúng tôi thi nhau đoán xem cây phượng nào nở hoa nhiều
nhất. Chúng tôi tin hoa phượng nở nhiều là thi đỗ nhiều, nhất là nếu cây
phượng ấy nở ngay đúng trước lớp. Nhìn mầu hao mà hy vọng tràn trề.
Thật nhảm, nhưng cũng đáng yêu biết bao.
*
Như Ngọc thương yêu,
Chúng
mình đã sống qua bao nhiêu mùa hè, đã bao nhiêu lần rủ nhau đi lượm
từng cánh hoa mỏng manh. Chúng mình vốn yêu hoa hồng nên đã kết biết bao
nhiêu là cánh phượng hái từng chùm, tưởng như những cánh hồng đỏ, mà
thực ra cánh phượng làm sao có dáng hồng, có hương hồng được. Mùi hoa
phượng hơi hăng, cắn vào nghe chua chua. Như Ngọc có thấy thế không?
Ngọc
hẳn không còn nhớ đến ngày cuối cùng của niên học, thảng hoặc Ngọc còn
nhớ, nhưng không còn cảm. Riêng K., K. vẫn còn nhớ rõ dáng Ngọc ngồi thu
mình, cô đơn giữa những tiếng cười đùa. Buổi văn nghệ lớp nhạt nhẽo,
phải không Ngọc. Cầm tấm thành tích biểu trong tay, chúng mình đã buồn.
Thành tích biểu cuối năm, và cuối cùng. Sau buổi này, chúng mình sẽ
không còn được vô tư ra vào khung trường này. Chúng mình sẽ trở thành
người xa lạ. K. đã nhìn Ngọc, và K. thầm ước hoa phượng nở thật nhiều,
để chúng mình vừa đi, vừa tìm tòi dưới bước chân, giữa khu cỏ xanh lấm
tấm hoa đỏ những cành hoa nào còn nguyên vẹn nhất. Những kỷ niệm chung
ấy thực khó tìm lại. Ngày mai, mỗi đứa về mái nhà riêng của mình, mấy
khi mà gặp nhau. Trước cửa lớp phượng lấm tấm đỏ. Những cánh hoa đầu mùa
e ấp nhưng đôi lúc cũng có vẻ kiêu căng lạ. Mình bảo năm nay hoa trước
lớp mình nở sớm nhất trường, chắc sẽ thi đỗ nhiều. Ngọc mỉm cười không
trả lời. K. vẫn luôn luôn giữ niềm tin mang nhiều tính chất vớ vẩn ấy.
K. cho đó là một điều mê tín đáng yêu và mang vẻ dáng học trò nhất. Bây
giờ nhìn phượng nở, K. không biết nên đặt một cái "mê tín" nào cho nó
nữa. K. không còn mang sách đến trường, K. đã vào đời, chả lẽ gán cho nó
một điềm đem may mắn cho danh vọng và cho tiền tài sao? Bậy quá Ngọc
nhỉ, đã bảo hoa phượng là hoa học trò, chỉ có học trò mới có quyền nghĩ
và đặt những điều mê tín, những huyền thoại cho nó thôi. Còn chúng mình,
chỉ nên nhìn và ngắm, và tưởng đến một thời đã qua, đã xa, đã làm mình
xao xuyến nhớ.
Ngọc thương,
Ban-Mê-Thuột,
à quên, Pleiku của Ngọc có Phượng không? Miền đất ấy chắc không thiếu
loài hoa này đâu nhỉ. Mỗi lần thấy phượng bắt đầu ra hoa, Ngọc có như K.
buồn buồn nghĩ rằng thời gian qua thực chóng. Thuở nào còn bé bỏng, còn
nắm tay nhau đi thăm khung trường mùa hè, vừa vắng, vừa là lạ, để tìm
một nhánh hoa rơi còn nguyên, để cảm thấy được tất cả cái thong thả của
một học sinh không phải đi học, để hít vào lồng ngực không khí mùa hạ
vừa trong mát, vừa thanh tĩnh. Màu sắc mùa hạ thực rõ ràng phải không
Ngọc, trời thì xanh ngắt, mây trắng, hoa đỏ và cỏ thì mượt như nhung.
Tất cả mọi vật hiện diện đều phô bày hết các nét dáng của chúng, không
cần giấu những chỗ rêu phong mà vẫn sáng, không cần che những vết hoen ố
mà vẫn tươi như thường.
Bây
giờ chúng không còn thiết tha đến thời tiết nữa, xuân qua hạ tới, thu
đến đông về, tất cả chỉ gõ lên phần vật chất mà không ảnh hưởng đến tinh
thần chúng mình nữa. Bây giờ Ngọc đã có gia đình, xuân đã lo tính những
chuyến đi nghỉ mát, thu đã đắn đo chọn màu áo len. Hết mơ mộng vẩn vơ,
hết bâng khuâng lãng mạn. Mỗi lứa tuổi có một nếp sống riêng, vâng, một
cái nếp gấp ăn tự ngàn xưa. Đã qua tuổi dậy thì là thôi không còn mơ
mộng xa vời nữa. Có đáng tiếc không Ngọc? K. nghĩ là có, và có nhiều
lắm, không thế đã không thèm muốn nhìn đàn nữ sinh túa ra trường sau mỗi
trưa, mỗi chiều tan học, không thế đã không buồn khi thấy mùa khai
trường sắp mở, không thế đã không nhớ khi con đường trải dài những cánh
hoa nhẹ rơi sau mỗi chuyến gió đi qua. Thấy cho biết con người cứ hay
quên mất hiện tại, chỉ thương dĩ vãng và lo tương lai. Có lẽ tại hiện
tại không bao giờ hiện diện cả, phút trước, nó là tương lai, phút sau,
nó đã trở thành dĩ vãng. Hiện tại mỏng manh như sợi chỉ, nhưng thật bền.
Không có nó, không có tương lai, không có dĩ vãng, chỉ có hư vô trùm
khắp.
*
Tôi
gọi tên từng người bạn đã cùng tôi đi qua những tháng hè trong đó
phượng hiện diện rất rực rỡ, rất đáng nhớ. Tôi kêu tên Thơ, cô bạn có
đôi mắt như tên của nó, vừa to tròn, vừa thơ ngây. Tôi nhớ Thân với bản
nhạc "Hè về" mà tôi đã đổi lời ca, và nắn nót chép cho bạn như mấy cô
gái lớn cặm cụi chép thơ Xuân Diệu, Nguyên Sa. Tôi nhớ luôn cả anh Phan,
người bạn thư tín từ phương trời Gia Nã Đại. Tôi yêu hoa phượng và tôi
muốn anh cũng phải nhớ đến hoa phượng như nhớ tuổi học trò của anh. Tôi
viết thư kể anh nghe và hứa sẽ gửi qua một cành hoa ép. Tôi giữ lời hứa
trong tôi suốt mấy tháng trường, bởi tôi sống những ngày ấy cô đơn quá,
không một cô bạn đến rủ đi chơi. Bọn chúng tôi lo thi cho xong. Qua vụ
thi, mỗi đứa đi mỗi đường, hưởng cho trọn những ngày còn rỗi.
Những lần đạp xe trên con đường đầy hoa, tôi đã thấy những đóa mới lìa cành, còn tươi nguyên. Tôi đã muốn dừng xe mà ngượng ngùng không dám làm theo ý thích. Tôi khất lần anh Phan cho tới một lần đi với Ngọc đến trường chơi. Sân trường râm mát, rộng và xanh ngát. Hoa phượng rơi đầy, đỏ thắm. Chúng tôi tung tăng đi giữa hai mầu sắc vừa trẻ, vừa dịu ấy. Chúng tôi đã ngồi trên thảm cỏ, vừa mệt, vừa thích thú, mà cũng vừa thấy xao xuyến nữa. Tôi đã chọn được cho anh Phan một cánh hoa khá lớn, đủ 4 cánh đỏ thắm và một cánh lấm tấm trắng. Tôi nghĩ sẽ đem về, ép vào một tấm bìa nhỏ gửi sang. Làm học trò mà không nhớ phượng thì chưa phải là học trò, tôi độc đoán nghĩ như thế đo. Lúc về tôi cẩn thận cài hoa vào sau "Porte Bagage". Ấy thế mà lúc đến nhà, nhìn ra sau thì... cánh hoa đã không cánh mà bay, à mà có chứ, có những 5 cánh cơ, hèn gì bay nhanh đến nỗi tôi chả biết gì ráo. Tôi đã không thực hiện lời hứa, lý do ngoài ý muốn. Anh Phan trách tôi cuội và bảo tôi phịa khi tôi kể lại câu chuyện đó. Tôi không buồn, chỉ tiếc một điều không đưa được anh ấy về thuở mài đũng quần trên trường Quốc Học.
Những ngày đó bây giờ cũng đã xa. Năm nay chắc có dịp đi trên con đường phượng ấy, ngắm xác hoa đỏ phơi đầy trên mặt cỏ xanh hay trên mặt đường nhựa, có lẽ tôi cũng chỉ thấy yêu thích vẻ mềm mại của cành phượng vĩ, yêu thích màu sắc tương phản nhưng rất bắt mắt của hoa đỏ trời xanh, yêu nhớ thuở học trò đã đi qua, qua mãi, nhưng hết còn cái thú lượm hoa như trước.
Tuy nhiên, tôi biết, sẽ có một hôm nào đó, tình cờ lại ngồi xuống khung cỏ xưa, giữa những cánh hoa rơi nằm êm ái lên nền xanh mượt ấy, có lẽ tôi sẽ lại nhặt một cánh hoa, đặt lên bàn tay nắm lại, vỗ lên để nghe tiếng "bốp" rõ lớn. Lần này, hẳn không phải để đỡ buồn, mà để sống lại một ngày, và để tưởng đến tiếng súng hằng đêm vang vọng về thành phố. Hoặc sẽ lại ngắt những nhị hoa, tự chơi đá gà một mình. Tôi sẽ đặt tên bên phải tôi là "vui", bên tay trái là "buồn", tôi sẽ lại tự đặt lấy một điều mê tín mới. Nếu tay phải tôi thắng, tôi sẽ vui cười, lại xách xe rong một vòng quanh phố và thấy mình là kẻ hạnh phúc nhất trên đời. Nếu tay phải tôi thua, tôi sẽ buồn rầu mà trở về nhà, vào phòng kéo mền, gục mặt. Như thế chắc không để làm gì hết cho ai, cho tôi, nhưng chỉ để làm một điều thôi: đó là thực hiện cho đúng những điều mình đã đặt ra.
Tôi là kẻ bất thường, đúng thế, chỉ vì hoa phượng...
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 70, ra ngày 1-6-1967)
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.comNhững lần đạp xe trên con đường đầy hoa, tôi đã thấy những đóa mới lìa cành, còn tươi nguyên. Tôi đã muốn dừng xe mà ngượng ngùng không dám làm theo ý thích. Tôi khất lần anh Phan cho tới một lần đi với Ngọc đến trường chơi. Sân trường râm mát, rộng và xanh ngát. Hoa phượng rơi đầy, đỏ thắm. Chúng tôi tung tăng đi giữa hai mầu sắc vừa trẻ, vừa dịu ấy. Chúng tôi đã ngồi trên thảm cỏ, vừa mệt, vừa thích thú, mà cũng vừa thấy xao xuyến nữa. Tôi đã chọn được cho anh Phan một cánh hoa khá lớn, đủ 4 cánh đỏ thắm và một cánh lấm tấm trắng. Tôi nghĩ sẽ đem về, ép vào một tấm bìa nhỏ gửi sang. Làm học trò mà không nhớ phượng thì chưa phải là học trò, tôi độc đoán nghĩ như thế đo. Lúc về tôi cẩn thận cài hoa vào sau "Porte Bagage". Ấy thế mà lúc đến nhà, nhìn ra sau thì... cánh hoa đã không cánh mà bay, à mà có chứ, có những 5 cánh cơ, hèn gì bay nhanh đến nỗi tôi chả biết gì ráo. Tôi đã không thực hiện lời hứa, lý do ngoài ý muốn. Anh Phan trách tôi cuội và bảo tôi phịa khi tôi kể lại câu chuyện đó. Tôi không buồn, chỉ tiếc một điều không đưa được anh ấy về thuở mài đũng quần trên trường Quốc Học.
Những ngày đó bây giờ cũng đã xa. Năm nay chắc có dịp đi trên con đường phượng ấy, ngắm xác hoa đỏ phơi đầy trên mặt cỏ xanh hay trên mặt đường nhựa, có lẽ tôi cũng chỉ thấy yêu thích vẻ mềm mại của cành phượng vĩ, yêu thích màu sắc tương phản nhưng rất bắt mắt của hoa đỏ trời xanh, yêu nhớ thuở học trò đã đi qua, qua mãi, nhưng hết còn cái thú lượm hoa như trước.
Tuy nhiên, tôi biết, sẽ có một hôm nào đó, tình cờ lại ngồi xuống khung cỏ xưa, giữa những cánh hoa rơi nằm êm ái lên nền xanh mượt ấy, có lẽ tôi sẽ lại nhặt một cánh hoa, đặt lên bàn tay nắm lại, vỗ lên để nghe tiếng "bốp" rõ lớn. Lần này, hẳn không phải để đỡ buồn, mà để sống lại một ngày, và để tưởng đến tiếng súng hằng đêm vang vọng về thành phố. Hoặc sẽ lại ngắt những nhị hoa, tự chơi đá gà một mình. Tôi sẽ đặt tên bên phải tôi là "vui", bên tay trái là "buồn", tôi sẽ lại tự đặt lấy một điều mê tín mới. Nếu tay phải tôi thắng, tôi sẽ vui cười, lại xách xe rong một vòng quanh phố và thấy mình là kẻ hạnh phúc nhất trên đời. Nếu tay phải tôi thua, tôi sẽ buồn rầu mà trở về nhà, vào phòng kéo mền, gục mặt. Như thế chắc không để làm gì hết cho ai, cho tôi, nhưng chỉ để làm một điều thôi: đó là thực hiện cho đúng những điều mình đã đặt ra.
Tôi là kẻ bất thường, đúng thế, chỉ vì hoa phượng...
Tỉ Tỉ
(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 70, ra ngày 1-6-1967)