Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

CĂN NHÀ NGÔI TRƯỜNG VÀ MÙA THU TRỞ VỀ - Thơ Thơ



Một ngôi trường, mùa hè thi vị có hoa phượng nở đỏ rực, tuổi thơ là những gì ngọt dịu êm đềm. Dưới đám lá nhỏ mịn và xanh, hoa phượng nở lưa thưa, xinh xinh, khoảng thời gian đó, trường học đóng cửa – dĩ nhiên – tôi trở về nếp sống bình thường bên mẹ và chị Duyên – vì tôi ở nội trú – sau khi dự buổi tất niên nhỏ ở lớp.

Nhà tôi không mấy giàu, miếng đất sau nhà khá rộng vì phù sa năm bảy năm bồi đắp, mẹ tôi và chị Duyên ra công cày, cuốc, bây giờ miếng đất ấy trở thành một mảnh vườn khá rộng và xinh xắn, một hàng dài dừa xiêm non mua gốc tận bên kia giòng An Cựu, mấy bụi trầu xà lẹt lá vàng và um tùm, một khoanh đất trồng rau cải, mồng tơi, mướp khía, mướp hương, vài giàn bí đao trái to bằng hai cái bắp chân của tôi.

Ngay dưới gốc hàng dừa – vì đất xốp mẹ tôi thuê thợ đào cái mương dài thông ra sông để thả bèo và nuôi vịt, chính con mương ấy đã ngăn “phần đất riêng” của tôi với mẹ tôi.

Bên đây mương, mẹ tôi rào cho tôi bằng các phên tre mắt cáo, chỉ chừa một lỗ to ở chỗ đất trống để vịt có đường đi vào chuồng mỗi tối mà không phá hại chi đến cây cối của tôi.

Các thứ cây tự tay tôi trồng rất yếu ớt, và lèo tèo, một cây phượng xinh – nhưng chưa có hoa – một cây mãng cầu non, một vài bụi hành ngò và ớt, và mới có thêm bụi lựu đang đơm hoa đỏ rực. Mỗi sáng, tôi thức dậy sớm, đi ra sau nhà tưới cây, lu nước mưa ở góc vườn, cái gáo dừa cũng ở đấy, cây của tôi tràn đầy sức sống, và cũng mỗi ngày, tôi ngắm từng cái lá non mới nhú, từng cái hoa mới mọc, tôi đã bỏ bao nhiêu thì giờ, tỉ mỉ vạch lá xem một con sâu, một cái trứng ruồi, cắt, xén công phu, như những cụ già ngày xưa chơi kiểng, tôi phải ví công việc ấy, sự săn sóc đầy thương yêu ấy như tình mẹ, vì nguồn vui, tôi đã đặt hết vào đám cây trái ấy.

Mùa hè là những gì vui vẻ nhất tích tụ lại trong khoảng đời êm vui của tôi, thỉnh thoảng ra chợ với chị Duyên là tôi có dịp ăn quà thỏa thích, con gái là chúa ăn quà vặt, ăn bớt tiền chợ, tôi đã tự hào bao lần, tôi không phải là con gái, nhưng ra chợ, thì tôi lại sướng mê tơi, ăn luôn mồm, ăn sướng miệng, quên mất câu “đường đường một đấng nam nhi…” mẹ dạy, và có dịp gặp anh hề bán thuốc đau răng, giọng nói có duyên như con gái của anh ta pha hề thì không chê vào đâu được.

… Lúc ngày còn đi học, cuối giờ, tôi trốn khỏi phòng nội trú, đi lang thang trên con đường không tên dài hun hút, u ám. Con đường không một tia nắng lọt qua, thấm đến lớp lá nhỏ mịn màng, êm êm và héo mục dưới chân. Về mùa thu, hai hàng cây phượng trơ cành gầy guộc, khẳng khiu không lá. Tôi thơ thẩn, lặng lẽ, con đường dẫn đến một khu vườn trồng chôm chôm, vườn chôm chôm có rào nên tôi chỉ dám đứng ngoài dòm ngó chứ không dám leo trèo, con trai chi mà yếu xìu, tôi đã từng phê bình gắt gao tôi như vậy – thỉnh thoảng có một vài trái chin rụng, tôi nhặt lấy bóc vỏ ăn ngon lành. Đến đầu mùa xuân, hai hàng phượng trổ lá xanh non và mùa hạ đến, hoa phượng nở đỏ chói, gay gắt dưới ánh nắng, đầy hy vọng như lòng tôi.

Mưa kéo về bất chợt, lá cây mục nát hòa với màu đất nâu sậm, bốc lên có mùi quen thuộc. Và rồi hoa phượng, mùa Thu dần dần đến… Tôi vẫn vô tư, và đâu biết đang có “một biến cố” lớn xảy ra trong quãng đời êm đềm ấy! Ở dưới này không có trường trung học, và tôi phải lên tỉnh. Đối với tôi, cái “nước Sàigòn” sao mà lớn thế, và tôi buồn không cùng.

Ừ nhỉ! Tôi sẽ mất những gì tôi hiện đang có, tôi không còn thấy ngôi trường, con đường không tên này, cả ngôi nhà và khu vườn thân yêu này, cả mẹ và chị Duyên nữa, những vật, những người thân yêu của tôi ơi! Tôi sẽ phải đi xa, không biết bao giờ sẽ trở về, tôi chỉ mong những gì có bây giờ, vẫn tồn tại ở mai sau, tôi cầu mong đừng có gì thay đổi, có lẽ nó là “một biến cố” quan trọng không kém biến cố tôi đang gánh chịu. Giã từ… giã từ và mong ngày tái ngộ…

Dĩ nhiên, bao giờ tâm hồn tôi cũng ăm ắp những kỷ niệm, và chuyến đi tuổi nhỏ ấy, cho đến bây giờ và có lẽ tôi không dám chắc chắn vì thời gian… cả về sau nữa, tôi sẽ không quên biến cố ấy.

Chị Duyên bây giờ đã có chồng, chồng chị là một trong những anh quân nhân đồn trú ở An Thành, có dịp đi qua nhà, và quen biết nhau từ đấy. Ngôi trường cũ đã xây kiểu khác, con đường không tên không còn nữa, nhà cửa san sát với nhau, không còn một chứng tích của ngày xưa.

Chỉ riêng giòng An Cựu vẫn chảy lờ đờ, không reo vui khi người xưa trở về. Mẹ tôi tóc thêm bạc trắng, vẫn vui bên đám cây trái của ngày xưa. Cây phượng, cây mãng cầu, bụi ớt, bụi ngò, và mẹ tôi : những nhân chứng nguyên vẹn và trung thành.

Tôi dìu mẹ tôi ra ngồi bên hiên, dưới hàng trầu xà lẹt già cỗi.

Mùa Thu đang về trên cao, tôi mỉm cười. Và tôi nũng nịu gọi mấy tiếng mẹ, mẹ.

Mẹ tôi cười, xỉa tay vào trán tôi:

- Mày làm như là con nhỏ nhít lắm vậy.


THƠ THƠ  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 6, ra ngày 19-9-1971)


 Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com 

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2018

THI ĐẬU - Phương Thu N.T.


- Chị Loan ơi! Hôm nay có bảng kỳ thi Tú tài I rồi đấy!

Nghe tiếng thằng Luân, tôi vội nhỏm dậy:

- Thật không? Sao mày biết?

- Thì chị Hà con bác Tiến mới đi coi bảng về mà lại.

- Thế chị Hà đậu không, Luân?

- Chị ấy rớt rồi!

Tôi bỗng thấy lo lo:

- Chị Hà rớt sao? Chị ấy học giỏi lắm mà rớt sao được?

Thằng Luân cười:

- Chị Hà khóc quá xá.

Tôi thở dài:

- Thôi, chiều nay phải đi coi bảng mới được... Lo quá! 

Nhưng rồi tôi đổi ý ngay:

- Mà thôi, em không dám coi đâu. Lỡ rớt thì "quê" quá! Anh Lam đi hộ em vậy nhé?

Anh Lam hỏi:

- Thế hôm thi Loan làm bài thế nào? Hy vọng chứ?

- Thì cũng tàm tạm. Nghĩa là môn nào cũng làm xong. Nhưng làm xong là một chuyện và đúng hay sai lại là một chuyện khác... Làm sao em biết được?

Chị Linh cười:

- Biết đâu Loan lại chả làm bài đúng hết và đậu cao. Phải không Luân?

- Đúng đấy! Em vẫn cầu cho chị Loan đậu để còn ăn khao mà!

Tôi mỉm cười. Kể ra tôi cũng hy vọng đậu lắm. Cả năm vật lộn với sách vở mà không đậu sao được?

Anh Lam bảo:

- À anh đề nghị với Loan thế này nhé! Nếu Loan đậu nên dẫn cả nhà đi ăn kem Mai Hương để gọi là "đại khao" một lần cho... xôm trò.

- Nhưng em đậu đâu mà khao?

- Thì anh nói "nếu" cơ mà!

- Thôi, đừng nói trước, em sợ lắm. Nếu rớt thì xấu hổ chết đi được.

- Còn đậu?

- Đậu em cũng chả dám khao cả nhà đâu. Nhà mình đông thấy mồ. 13 "mạng" dắt díu nhau ra đường, người ta cứ tưởng xuống đường thì nguy to.

Chị Linh lại cười:

- Con bé này lo xa quá. nếu khao thì chỉ khao 11 chị em mình thôi chứ ba má đâu có đi... Mà thôi Loan đậu đã rồi hãy tính sau. Bây giờ Lam đi coi bảng giùm Loan đi.

Khi anh Lam dắt xe ra cổng, tôi bắt đầu sống những giờ phút thấp thỏm vì hồi hộp. Tôi đếm từng phút mong ngóng anh Lam về đem theo tin mừng hay... ngược lại.

Nếu tôi đậu, sang năm ngồi đệ I A, "hách" không chê được, cuối năm thi "tú kép" nữa là tôi nghiễm nhiên trở thành... sinh viên Dược khoa như chị Linh... Chao ôi! Tương lai của tôi rực rỡ quá!

Bao nhiêu niềm vui sẵn sàng đón nhận tôi khi tôi thi đậu. Tôi nghĩ đến khung cảnh... "thần tiên" ở Đà lạt sẽ đón chờ bước chân tôi đặt tới. Thư chú Thuận viết "Đậu rồi, Loan nhớ xin phép ba má ra Đàlạt chơi với chú thím ít lâu để... dưỡng sức. Đàlạt độ này đã bắt đầu mưa. Đàlạt mưa thường buồn, chắc Loan thích lắm".

Tôi cũng nghĩ đến khung trời Kontum rừng rú đất đỏ của Cẩm Vân. Cẩm Vân đã thưa với ba má tôi:

- Thưa bác, nếu Loan đậu, bác cho Loan về Kontum với cháu một tuần, bác nhé!

Má tôi đã gật đầu:

- Ừ, cứ thi đậu đi rồi muốn gì cũng được...

Thi đậu! Trời ơi! Nếu tôi thi đậu thì chả còn gì sung sướng cho tôi hơn. Tôi nhớ lại kỳ hè vừa rồi. Cả nhà tôi đều đi nghỉ hè cả. Anh Lam dẫn thằng Linh, thằng Luân, thằng Long ra Đàlạt. Thằng Lân, con Liễu, con Liên với chị Linh đi Nha trang. Thậm chí thằng Luận và con bé Ly nhỏ xíu cũng được theo má về Mỹ tho thăm quê ngoại. Chỉ có tôi là bận thi nên đành phải ở nhà với ba và chị Năm.

Tôi ở nhà thật buồn. suốt ngày, ngoài hai bữa cơm tôi chỉ biết vùi đầu vào chồng sách vở cao nghễu nghện để học thi. Tôiđã gầy xọp hẳn đi trông thấy. Ba thương hại bảo:

- Học vừa vừa thôi không lại ốm đau thì khổ.

Và an ủi:

- Thi xong, tha hồ cho Loan đi chơi.

Nhưng rồi ngày thi cũng phải tới. Sau 4 ngày lo lắng thi cử là thời gian chờ đợi kết quả, tôi sống trong lo âu, hồi hộp. Ba đã bảo:

- thi xong rồi, Loan có muốn đi chơi đâu thì đi không lại tới ngày khai giảng rồi.

Nhưng tôi lắc đầu:

- thôi, để coi con đậu hay rớt đã ba ạ.

Đi chơi mà cứ lo ngay ngáy mất hết cả thú vị. Tôi nghĩ thế và chỉ nằm nhà đợi kết quả mà không dám ra khỏi nhà.

*

... Có tiếng xe Honda nổ giòn trước cổng. Tim tôi như muốn bật ra khỏi lồng ngực. Tôi chạy vội ra. Anh Lam đã về. tôi lo lắng:

- Sao? Anh Lam?

- Hình như... Loan đậu rồi.

- Anh đừng có phịa! Sao lại "hình như"?

- Thì anh... linh cảm rằng Loan đậu, chứ sao?

Bọn em tôi đứng gần đó, reo to:

- A! Chị Loan đậu rồi. Chiều nay đi ăn kem Mai hương tụi bay ơi!

Tiếng chị Linh:

- Phải đấy! Tụi bây sửa soạn đi là vừa. Trưa nay nhớ ăn ít cơm thôi, còn để bụng mà ăn bánh chứ...

Tôi vui vẻ:

- Được rồi. Chiều nay cứ phía... Mai hương trực chỉ. Chị Linh có nhiệm vụ đếm cho đủ các "nhân vật" không lại thừa nhân vật nào thì... nguy.

Má từ dưới bếp đi lên, vui vẻ hỏi:

- Sao? Loan đậu chưa?

Anh Lam nháy một bên mắt:

- Đậu rồi má ạ. Chiều nay Loan khao cả nhà. má cũng đi chứ?

- Chịu thôi! Chị em chúng mày đi thì đi. Má phải coi nhà chứ.

*

Chiều thứ bẩy, tiệm kem đông nghẹt người. Chị em chúng tôi phải khó nhọc lắm mới kiếm được 3 bàn đủ 11 ghế. Vừa yên chỗ, tụi em tôi đã nhao nhao:

- Kem 4 mầu.

- Bánh petit beurre...

Anh Lam trừng mắt nhìn lũ em. Cả bọn im bặt. Chị Linh dành cho tôi cái vinh dự được chọn món ăn. Chị trao cho tôi tờ thực đơn:

- Loan toàn quyền chọn lựa.

Khi trước mắt mỗi người đã có 1 ly kem và trên bàn đã bầy la liệt những đĩa bánh đủ vị, chị em tôi bắt đầu ăn trong tiếng cười, tiếng nói thật vui. Nhưng tôi chợt thấy lo lo. Trong túi tôi chỉ có 800$ chú Hưng mới cho hôm chủ nhật, không biết có đủ để trả bữa khao này không. Nếu thiếu thì nguy to. Tôi vừa ăn vừa thấp thỏm không yên. Đã thế, lũ nhóc lại cứ nhao nhao kêu thêm kem, thêm bánh...

Khi mọi người đã "no say", tôi lo lắng cầm tờ giấy tính tiền. Mặt tôi muốn méo xệch đi khi nhìn thấy số tiền phải trả khá lớn... Nhưng anh Lam đã móc túi trả tiền cho nhà hàng. Tôi sững người vì ngạc nhiên. Mọi khi anh Lam hay "bắt chẹt" tôi lắm cơ mà! Hôm nay là "dịp may hiếm có" để anh "moi túi", tại sao anh lại bỏ qua nhỉ? Chắc anh Lam muốn thưởng tôi thi đậu chứ gì? Nghĩ thế, tôi mỉm cười, ra vẻ khách sáo:

- Áy! Để em trả tiền cho, em có tiền đây mà!

Chị Linh gạt đi:

- Thôi, để đó, mai khao tụi bạn.

Sau khi xem 1 chầu ciné, chị em tôi mới lục tục kéo nhau ra về, vui vẻ tệ! Tôi sung sướng, nói chuyện với chị Linh luôn miệng. Mọi khi, tôi vẫn được tiếng là lầm lì, ít nói và hay buồn vơ vẩn. Nhưng hôm nay, dự định tương lai của tôi sắp thành sự thực, tôi không sung sướng sao được?

Về tới nhà, tôi gặp Khánh đang ngồi chờ tôi trong phòng khách. Mặt Khánh có vẻ buồn. Chắc cô bé rớt rồi chứ gì? Tôi nghĩ thế. Chị Linh mau miệng:

- Sao? Khánh đậu rồi chứ?

Khánh lắc đầu:

- Em rớt.

Anh Lam nhìn tôi;

- Loan cũng rớt.

Tôi tái mặt nhìn anh Lam:

- Anh nói sao? Loan rớt ư?

- Ừ, Loan không có tên trên bảng vàng...

Tôi run rẩy:

- Ô kìa! Sao hồi nãy anh nói Loan đậu?

- Loan nhớ sai rồi, anh nói "hình như" cơ mà!

Chị Linh cau mày:

- Sao Lam lại nói dối nó thế?

Tiếng má trách móc:

- Mày ác lắm! Ai lại "chơi xỏ" em như vậy bao giờ.

Tiếng anh Lam:

- Mà lầm rồi. Con đâu có "xỏ" nó. Con phải nói nó đậu để nó vui vẻ mà đi chơi, chứ nói rớt, nó đâu chịu đi chơi, chỉ ở nhà khóc thì ích lợi gì?...

Nước mắt tôi trào ra từ lúc nào. Bao nhiêu vui tươi chạy trốn tôi, bao nhiêu dự định sụp đổ, bao nhiêu cố gắng bây giờ thành công... cốc. Tôi nghẹn ngào ôm lấy mặt. Bên tai, tôi nghe loáng thoáng lời an ủi dịu dàng của má:

- Thôi, rớt năm nay thi đậu năm sau, lo gì...


PHƯƠNG THU N.T.   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 77, ra ngày 15-9-1967)

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

THU VÀNG - Ái Khanh


My thấy nóng nóng ở mắt. Một hạt thủy tinh lăn dài xuống gò má phinh phính đáng yêu. Gió chiều phất phơ sợi tóc mềm vương vướng ở má, ở mắt. My vẫn ngồi yên trong lòng chiếc ghế mây kê dưới gốc mận, tay không buồn đưa lên vén tóc. My đang mải nghĩ đến phút chia tay vừa rồi, lòng rũ rượi buồn…

- … My ơi… i. i. i. !! Di đây. Mở cửa mau.

Một cô bé trạc 9, 10 tuổi tóc bỏ xõa ngang vai, đôi mắt tròn lóng lánh, làn da trắng xanh ; vừa cười dòn vừa đập đập vào hai cánh cổng tre đơn sơ dẫn vào một ngôi nhà xinh xắn nằm giữa ngôi vườn nhỏ nhiều hoa, nhiều trái.

My đang loay hoay xếp đồ đạc với mẹ nghe tiếng vụt chạy ra. Cô bé cũng trạc tuổi Di nhưng gương mặt hồng hào, đôi má cười lúm đồng tiền khoe đủ cả mấy chiếc răng chuột nhỏ xíu. Tóc cô bé tết thành cái đuôi mầu hoe hoe tung tăng nhẩy theo bước chân cô bé.

- Ừ! Ừ! Chờ nhé.

Vừa nói, chân cô bé đã đụng cổng. Tay mở cổng. Hai cô bé nhìn nhau toét miệng cười.

- Di. i. i…

Cô bé đứng ngoài cổng nãy giờ vừa đi tung tăng theo “cô chủ nhỏ” vào trong vừa ríu rít đáp lời chào của bạn:

- Hi! Hi… Có gì mà nhắn người ta gấp vậy.

Mắt My thoáng buồn. Cô bé không nói, đi thong thả vào vườn. Di đi sau liếc bạn. Cô bé tiu nghỉu thấy bạn không vui như ngày thường:

- Bộ có chuyện gì hả?

Di ngơ ngác hỏi. Đôi mắt ngước nhìn My tròn xoe. Trên trời không biết có bao giờ có những “vì sao phân vân” như thế không? My làm ra vẻ như người lớn, đưa tay chỉ chiếc ghế dài kê dưới gốc mận:

- Di ngồi xuống đi.

Di ngồi xuống với bạn. Ít nắng chiều còn lấp loáng sau mấy lá ổi tươi non rọi những quả trứng gà nhợt nhạt trên tóc trên vai hai cô bé. My vụt bảo:

- Chờ My vào lấy này tí nhá!

- Ơi. i. i. i…

Cô bé vụt chạy vào không để bạn nói. Lát sau quay ra vừa cười vừa giấu hai tay sau lưng:

- My cho Di cái này.

Di hơi chồm lên:

- Gì đó?

Hai hạt nhãn tròn sáng long lanh trong mắt cô bé.

- Gì? My nói đi.

- Đoán đi! Đoán đi!

Vừa nói My vừa bước thụt lùi.

Di nghiêng qua nghiêng lại liếc cái hộp nho nhỏ trên tay bạn:

- A! a. a… Con bướm đuôi, phỏng?

My lắc đầu.

- Mấy cánh Pensée Đà lạt phỏng?

Lại lắc đầu.

- Di biết rồi cái nhà sàn nhỏ.

- Đoán sai hết.

- Ơi… i. i…

- Nầy cho Di xem nầy.

Cô bé lại phía bạn, mở hộp. Trong chiếc hộp nhung xanh bên ngoài tết một nơ hồng: Một con búp bê cao độ 2 tấc. Đôi má trông thật đáng “mi” một cái, tóc buộc”queue chaval” vàng óng ả, mặc một cái áo đầm hồng, tay mang găng voan, chân đi vớ mầu da hồng hào. Búp bê làm bằng một chất mềm mại như người thật.

- Ơi. i. i… Cho Di hả?

- Cứ ơi mãi! Chứ sao?

Cô bé Di tròn xoe hai hạt nhãn, tay cầm cái hộp mân mê:

- Cái này… Sao mọi hôm My bảo My quí lắm, không cho Di được cơ mà.

- Ừ! Nhưng… hôm nay khác.

- Khác gì?

My ngồi xuống ghế trầm ngâm:

- Di ạ! Mai nầy… My lên tỉnh – Vừa nói cô bé vừa nhìn bạn – đáng lẽ đầu tháng cơ. Nhưng nhân dịp cậu My về chơi mấy hôm nay, mai cậu về Saigon mẹ đưa My đi luôn cho tiện. Mẹ My bảo : “Bây giờ còn nghỉ học. Mẹ sẽ đưa My đi chơi cho biết phố xá ở tỉnh.”

Di nghe như có gì vỡ trong lồng ngực. Di nghèn nghẹn nuốt cái gì khó chịu lắm ở cổ. Thôi rồi! Điều Di lo sợ đã thành sự thực. Từ hôm nghỉ hè Di đã lo sợ điều đó, nhưng My cứ an ủi : “My ở đây với Di, không đi đâu mà sợ”. Vùng hai đứa ở là một làng quê hẻo lánh. Trường làng chỉ có đến lớp ba thôi, những ai muốn cho con học tiếp phải đưa lên tỉnh ; cách đó cũng chỉ vài mươi cây số đường thôi. Nhưng, nhà Di nghèo. Cha Di làm tá điền chỉ đủ nuôi bốn anh em Di thôi. Gia đình Di lại cũng không có ai quen ở tỉnh làm sao đi học được. Vì thế, mặc dù cô bé học giỏi cũng không làm sao được tiếp tục. Hè năm nay cả hai đứa đã học xong năm cuối cùng ở trường làng. Di buồn lắm. Nhà My thì khá giả, thế nào lại không được đi học. My thì đã nghe ba mẹ bàn với nhau cho con lên thẳng Saigon để khi học xong tiểu học sẽ vào trung học. Nhưng My vẫn hy vọng. May ra ba mẹ đổi ý. My vẫn thích học lắm, nhưng My thương Di hơn, chả gì hai đứa cũng chơi với nhau từ khi còn lên hai. Gia đình hai đứa tuy nghèo, giầu chênh lệch ít nhiều, nhưng rất thân nhau. Di và My vẫn thường được mẹ dẫn sang chơi từ ngày ấy. Rồi ngày mỗi lớn hai cô bé lúc nào cũng xoắn xuýt nhau. Chơi cùng chơi, học cùng học. Giọng cười hắc hắc, tiếng nói líu lo vành khuyên của hai cô bé tạo nên một khung trời thần tiên của tuổi thơ. Bây giờ sắp phải chia tay…

- Mai My lên saigon. Di ở lại đừng buồn nha.

Tuy nói thế, nhưng cô bé đã dơm dớm nước mắt:

- My sẽ viết thư về nhiều. Di đừng lo.

Di ngước lên nước mắt đoanh tròng. Những hạt mưa ngâu nào đó đã che mờ hai ngôi sao sáng nhất trên bầu trời.

Một hạt thủy tinh trong ngần rớt xuống áo hồng của búp bê. Di nâng chiếc hộp ngang mặt áp má vào nó âu yếm. Những hạt thủy tinh vụn lại thi nhau rơi xuống chiếc hộp nhỏ. Ôi! Có bao giờ mưa ngâu làm ngập lụt ngôi làng nhỏ của Di và My không. Có bao giờ những hạt thủy tinh làm đầy cái hộp nhỏ làm trôi búp bê của My và Di không! My tần ngần không biết nói gì thêm. Im lặng lâu lắm. Mắt hai cô bé đỏ hoe, mũi cũng đỏ. Di nhìn bạn ủ rũ.

My nắm tay Di an ủi:

- Di ở đây, mai mốt nghỉ hè My lại về. Hứa mà.

Di vẫn không nói gì. Lòng cô bé đang nghĩ miên man. Di tưởng tượng đến ngày tựu trường của My ở tỉnh, những thầy những trò đông đảo hẳn là vui hơn ở trường làng nhiều. Trường hẳn là đẹp lắm, to và khang trang lắm nhỉ, đâu nghèo nàn đơn sơ như ở làng. Người ở tỉnh hẳn mặc đẹp lắm, đẹp như những người ở tỉnh thỉnh thoảng về đây thăm làng mà Di vẫn thấy đó. Rồi còn nào phố xá đẹp đẽ nữa.

Thôi hẳn là My sẽ quên hết tất cả. My quên cô bạn nghèo bé nhỏ ở nhà quê như Di. Nước mắt Di lại thánh thót. Cơn mưa dầm mùa hạ vẫn thường về ghé đây dạo nầy lắm.

Thật lâu, mãi một lúc sau, Di nói thật khẽ qua tiếng nấc:

- My lên tỉnh… vui quá My sẽ quên Di.

Đôi vai bé bỏng cô bé sẽ rung.

My hứa một thôi:

- Không đâu, không đâu. My nhớ Di hoài đó. Sao quên! Hứa mà, hứa mà. Không tin sao? My thề có… ông ba bị chứng đó. – Cô bé hứa đại.

Di đang khóc bật cười:

- Thề với ông ba bị hay nhát trẻ em đó hả. Bộ không sợ sao?!

Những mây mù đã tản bớt. Hai cô bé đã bớt nét ủ rũ. Di dặn viết thơ cho nhiều nghe, mong đó. Ừ mà. Nhớ mà. Hè về Di đó. Dặn dò nhau một đỗi Di về. My tiễn bạn ra đến cổng. Mắt Di lại rưng rưng. Di vụt bỏ chạy mất. sau mấy hàng tre xanh ngan ngát hút bóng Di. My đứng tần ngần nhìn theo lát lâu, cài cổng đi vào…

*

Chiếc ghế bây giờ chỉ còn mình My. My ngồi tưởng những kỷ niệm ngày xưa. Hai cô bé ngày nghỉ học thường dẫn nhau ra bờ lạch leo lên mấy dây da cổ thụ ngồi đong đưa. Nhìn xuống nước thấy bóng mình lao chao lấp loáng ánh nắng cười khanh khách vang cả một quãng vắng. Hai đứa thường rủ nhau đi vớt bèo, vớt cung quăng nuôi cá lia thia. Cá lia thia có hai đuôi chẽ tha thướt đẹp như cánh những nàng tiên, lội nhởn nhơ trong bể nước trong vắt của hòn non bộ nhà My. Hai đứa chơi nhẩy dây, chơi nhà cò, chơi cút bắt với lũ bạn trong trường. Cứ khi nào một trong hai đứa phải nhắm mắt thì khi tìm thấy nhau cứ lờ đi để bạn khỏi bị bắt. Chơi ăn gian ; hai đứa nhìn nhau cười đồng lõa.

My thấy xót xa thương bạn quá. Mai này My được lên tỉnh. Rồi sẽ tiếp tục học mãi trong khi Di ở nhà thui thủi một mình. Chắc My sẽ buồn lắm nhỉ. My thấy lòng rưng rưng. Di ơi! My cho Di con búp bê thương lắm của Di đó. Di giữ nó để có My bên cạnh. Đừng buồn nhé.

Tiếng mẹ gọi trong nhà:

- Vào ăn cơm My ơi!

My đi vào. Bữa cơm chiều sao mà nhạt quá. My ăn cơm mà cứ nghĩ đến Di luôn.

Buổi tối mẹ đưa My vào giường âu yếm dặn:

- Con ngủ đi nhé. Mai còn đi sớm.

My kéo chăn lên khỏi ngực:

- Dạ!

Nằm trên giường, My cứ miên man nghĩ đến bạn. Những mộng mị gì đâu làm cô bé nghe cứ trở mình trên giường. My thấy hai đứa đang đi trên con đường vào làng. Chân đất, hai đứa nghịch đạp lên lá khô lào xào dưới chân, cười hắc hắc. Nhưng bóng Di tự nhiên lùi dần xa mãi, mất hút sau khúc quanh hai hàng tre xanh ngan ngát. My quay quắt gọi Di ơi! Di ơi! Trên cao nắng vẫn lung linh.


ÁI KHANH     


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 184, ra ngày 1-9-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Ba, 28 tháng 8, 2018

TỪ ĐẦU NIÊN HỌC - Điêu Huyền


Một đêm nhắm mắt không yên, cứ thao thức với lòng rộn rã. Sáng dậy sớm. Bữa nay em đi học, ngày tựu trường vui ơi là vui. Để coi em phải đem theo cái gì đây? Sách vở bút thước vô một ngăn, tấm hình Khanh tặng em cẩn thận ép giữa quyển tập giấy trắng tinh vào lớp cho con nhà Mai xem, còn mấy đồng tiền rổn rẻng cho vào ngăn kéo "phẹc mơ tuya" để uống si-rô với lại mua kẹo... thật buồn cười hết sức. Bộ đồ mới me may xong chiều hôm trước em giặt ủi phẳng phiu, vậy là đủ cả chứ? Em tung tăng chạy xuống nói với anh hai:

- Ăn cơm rồi anh chở em đi học liền nhe.

Mặt anh hai nhăn nhó thấy ghét:

- Chi sớm dữ? Mới mười hai giờ mấy "dô" phơi nắng hả?

Me bảo em:

- Ăn cơm rồi ba nghỉ một chút ba đưa Huyền đi. Anh Dũng chạy xe nhanh lắm, Huyền không sợ sao?

- Chứ... chứ con phải đi sớm kìa, hông thôi mấy nhỏ giành bàn nhì mất, me nói ba con đi một giờ kém mười nha me?

- Ừ một giờ đi, cho con ăn cơm đã.

Me "ăn gian" của em mười phút ức ghê cơ, em lùa nhanh những hạt cơm nóng hổi làm chị Quỳnh trừng mắt:

- Me coi, Huyền nó gấp như xe lửa chạy.

Em lo xa vậy thôi, nào gấp gì mà... xe lửa chạy chậm thấy mồ, cứ thổi kèn toe toe mãi lúc sau mới đến. Me chẳng nói gì hết, được dịp em háy chị Quỳnh đang toét miệng cười chế nhạo. Ba lắc đầu:

- Con Huyền lộn xộn lắm, có chuyện đi học cũng rối lên sáng giờ nó giúp mẹ được gì đâu, lục đục với cái cặp hoài phải không?

Em im thin thít, ăn hết hai chén cơm vội buông đũa Chị Quỳnh lại trừng mắt như muốn bảo : Biết mà, giờ này sốt ruột lắm rồi.

Em leo lên gác, ôm mấy quyển sách xem sao giây phút này em hồi hộp lạ, cứ muốn nhảy loi choi trên đường đến trường, sách chi xem thấy chán. Thò đầu nhìn xuống phía dưới Chị Quỳnh dọn dẹp, me dỗ bé Hương ngủ, ba nằm trên ghế dài tay vắt ngang trán, chả biết ba ngủ chưa?

Em rón rén bước từng bậc thang, đi lại đầu tủ lấy đồng hồ coi mười hai giờ mười lăm sao chậm nhỉ? Em vặn đến mười hai giờ bốn mươi, chút nữa một giờ đi... là vừa, em đi trễ nhỡ Khanh, Lan vào trước tụi hắn sẽ ngạo em liền, tự vì hôm nghỉ học em hẹn ngày tựu trường đến sớm nhất giành chỗ cho ba đứa.

Anh hai ngồi coi truyện mà ngoẻo đầu ngủ ngon lành. Em thay đồ mới. Ôm cặp tỉnh như sáo. Chà, gọi anh dậy cũng khó, làm sao giờ? Ba đi làm về mệt chả lẽ em gọi ba thức dậy đi sớm những nửa tiếng?

Với tay bứt bứt tóc anh Dũng em khúc khích cười, thế là anh nổi giận:

- Đứa nào phá tao đó bây?

Em nói lớn:

- Một giờ rồi, đưa em đi học anh hai hổng biết nghe, trễ...

Anh gắt ngang:

- Thôi con nhỏ. Đi thì đi.

Anh hai vuốt mặt đứng lên còn coi lại đồng hồ. Lẩm bẩm:

- Một giờ? Quái, sao mà nhanh khiếp.

Em Nghiêm trang:

- "Thời giờ ngựa chạy tên bay" chứ bộ. Mau nghe bác.

- Ê, tao là tài xế của... nhỏ Huyền hả?

- Dù muốn dù không cũng phải thi hành nhiệm vụ, chiều em mét ba cho coi.

Anh Dũng bực tức xách xe ra rồ máy ầm ầm, gọi:

- Lên đi. Con nhỏ rùa.

Em định nói anh hai là "ông tướng rùa" ấy chứ, chưa gì anh đã hét lên!!

Đường Phan nắng gay gắt...

- Đó, thấy chưa, có ai đâu? Trễ lắm, đứng phơi nắng nhe cưng!

Anh Dũng trề môi sỉ vả em một hơi mới phóng xe về. Em hối hận vài phút nhưng, phải tìm đường vào lớp chứ phơi nắng à còn lâu. Đợi đến lúc mở cửa sao? Vòng qua cổng Đoàn, hên ghê, cổng không khóa, em ôm cặp chạy một mạch Sân trường vắng tanh, hàng cây lao chao rũ Khung cảnh êm đềm thương quen. Em tìm lớp mới, mở cửa vào Lớp tối thui, ghế bàn bụi bám. Chẳng có nhỏ nào ở đây hết, em thấy sờ sợ.

Chọn bàn nhì dãy giữa, ồ chỗ lý tưởng của tụi em ngồi đây trông cả hai bảng, trước mặt giáo sư chắc phải học chăm. Em lấy viên phấn "dự trữ" viết tên Khanh, Lan, Huyền, thở ra khoan khoái (Đáng nhẽ em phải viết tên Điều cơ tự vì Điêu Huyền mờ).

Thật lâu sau, Anh Cận bước vào lớp, mồ hôi ướt đẫm, chắc hắn phi nước đại đến đây ngỡ mình vô địch.

Em cười nho nhỏ làm con nhà Cận tròn xoe mắt nhìn lại:

- Trời, vô hồi nào sớm vậy?

Hắn khoa tay:

- Tui tính giành chỗ đó đó. Điêu Huyền lẹ chân quá. Chỗ sát tường tối hơn thôi đành ngồi bàn sau mi.

Một tốp tranh nhau chạy vô, những Hiền, Linh, Thanh, Cúc, Lan, Khanh. Khanh thấy em mừng quá reo to:

- Điêu Huyền kìa Lan, mình ngồi bàn nhì dãy giữa, khoái ghê.

Hiền, Linh, Thanh chọn bàn nhất.

- Xời ơi, lớn vậy còn lên tuốt trên.

- Chứ sao, bàn nhì nhỏ Điêu Huyền chiếm, tụi tui vầy xuống bét hả?

Tiếng cười ròn nổi dậy thân thiện dễ mến làm sao.

Tội nghiệp Cúc giận dỗi xuống tận bàn cuối úp mặt Lan kêu:

- Cúc ngồi bàn ba nè Cúc!

Nhỏ làm thinh. Phạm Kim Anh Cận dọa:

- Con nít ngồi đó hổng thấy đường chép bài đâu.

Thế là nhỏ lót tót chạy lên. Ai nấy đều yên vị trí mình chọn.

Khanh quay sang em:

- Năm nay rán học nghe Điêu.

Em gật đầu, có một xúc cảm vô hình làm em muốn khóc. Bắt đầu "tu" phải không Điêu Huyền?

Năm nay nhất định ba đứa học chăm há Lan, Khanh. Còn nhớ kết quả buồn thảm năm trước không? Em hạng bốn chục, Khanh ba mươi sáu, Lan lo sợ bị thi lại rồi than trách sao mình tối tăm ngu dốt. Ý chí phấn đấu phát xuất từ tâm, mãnh liệt, phi thường Bây giờ, em nhìn lại vở bài, vui vẻ hy vọng. Chọn chỗ ngồi nầy để nhớ Đỗ Kim Thu. Chị Thu ơi em sẽ noi theo con đường của chị, để chẳng bao giờ mình xa cách một đỉnh cao một vực sâu. Điêu Huyền của Lan, Khanh sẽ không còn mặc cảm nữa.

Ba ơi, niên học này, con hứa con làm ba vui lòng.

Xin đi lại từ đầu để còn niềm tin và niềm vui...


ĐIÊU HUYỀN     
(tặng Bé P.T.K.A)   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 160, ra ngày 1-9-1971)


Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

TRỞ LẠI TRƯỜNG - Thảo














Khi em đến mắt môi cười rạng rỡ,
Áo trắng tinh nhịp guốc gỗ rộn ràng.
Dãy hành lang chào bước chân hớn hở,
Buổi khai trường nghe tim nhỏ hân hoan.

Khi em đến nắng sân chơi vàng úa,
Cũng xôn xao theo điệu múa tuyệt vời.
Hàng cây quen thoáng nhìn màu áo lụa,
Đã ghen đua khoe sắc lá thắm tươi.

Khi em đến nụ cười em e ấp,
Mắt còn xanh bao mơ ước giấu che.
Tuổi tóc mây muôn đời em ngượng ngập
Má đỏ bừng nong nóng lạ kỳ ghê!

Khi em đến bàn ghế xưa rộn rã,
Lớp học vui như hoa nở đầu mùa.
Tường vôi đỏ nhìn nhau cười nghiêng ngã,
Khung cửa ngoài khoác áo mới se sua.

Khi em đến niềm vui em rạng rỡ,
Nên thương yêu đong biết mấy cho vừa.
Dù đôi khi lòng em như bỡ ngỡ,
Trong phút giây tìm trở lại trường xưa.

                                              THẢO (P.L.)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 226, ra ngày 1-9-1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2018

ÁO TRẮNG - Nhã Uyên























Em vẫn yêu thuở học trò áo trắng

Ngày sân trường luôn ngập nắng bóng chim

Để mai đây,  em hối tiếc đi tìm

Bao giây phút vui đùa thời thơ ấu...

Thầy dạy em :  sống cuộc đời nhân hậu

Cô giáo hiền, thường nhỏ nhẹ lời khuyên

Em chưa biết nên thầy cô đã truyền

Những kinh nghiệm trở thành ngưới hữu dụng.

Bài toán khó,  em tập làm cho đúng

Cô nhắc chừng, lo ngôn hạnh công dung

Em lại thích  giờ cô Bích  nữ công

Trên vải trắng, em tập thêu hoa lá...

Tuổi mười hai, mười ba, chưa biết lạ

Em xin thầy học lớp vẽ con trai

Thầy bật cười :  " Sao cô bé tóc dài

Đòi học vẽ với con trai khác lớp ? "

Ngày đầu tiên vẽ vời em hơi khớp

Em loay hoay cùng cây cọ hộp màu

Một chùm mận,  em vẽ bức tranh đầu

Thầy khuyến khích cho em mười sáu điểm.

Lãnh phần thưởng, em danh dự hạnh kiểm

Em học  thêu, học vẽ, học Pháp văn

Ai cũng bảo : " Tiếng Tây không ai cần

Em nên học Anh văn xong kiếm việc..."

Chẳng để ý, đâu có gì hối tiếc

Em nhủ thầm:  ngôn ngữ Pháp nghe  hay

Những bài thơ, những áng văn tỏ bày 

 Như tô đẹp  bao ước mơ vừa lớn

Thuở áo trắng,  sao lòng em vui nhộn

Bao tháng năm,  em vẫn thấy yêu trường

Nhìn cuộc đời em luôn thấy lên hương

Lòng giữ mãi kỷ niệm xưa áo trắng.

                                                       Nhã Uyên

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

MỘNG LÊN KHƠI - Linh Thùy














Giấy gói trà ba đem đóng tập
Dạy mở lòng con : chữ a, b
Tay già trìu mến cầm tay trẻ
Ôi! Nét đồ xưa! Nét vụng về

Cong queo đường mực mồng tơi tím
ngòi viết lá tre đẹp tuyệt vời
Không giấy hàng đôi mà vẫn thấy
Trên trang vở mới mộng lên khơi

Từng đêm dưới ánh đèn dầu phộng
Ba đã dạy con tập đánh vần
Với chữ đầu tiên là chữ Má
Thơm mùi sữa ngọt : bóng từ thân

Con mơ nữa lớn làm cô giáo
Dạy trẻ cầm tay tập trẻ đồ
Chắc có nhiều khi cô giáo cũng
Chạnh lòng nhớ lại lúc còn thơ...

Đẹp làm sao ấy thời niên thiếu
Mực tím mồng tơi giấy gói trà
Mộng đã lên khơi rồi có lúc
Con làm cô giáo đáp ơn Ba

                                LINH THÙY
                        (Trương Võ Bình Xuân)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 123, ra ngày 15-3-1970)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2018

BIỂN TRỜI NON THÁI - Như Uyên Thủy















Đã nghe tình mẹ là tình biển
Đã thấy bóng cha bóng mặt trời
Núp bóng Thái Sơn con khôn lớn
Sưởi ấm Thái Bình hương ngát môi

Từ thuở nằm nôi con đã uống
Nước mặn Thái Bình sữa mẹ tươi
Sữa tươi con uống vào huyết quản
Như chín miệng rồng nước chảy xuôi

Bóng cha hay bóng mát quê hương
Ủ kín hồn con vạn bước đường
Tình nước từ âm thầm trổi dậy
Ngàn đời rạng rỡ đỉnh Thái Sơn.

Tình cha lòng mẹ là tất cả
Là hột cơm thơm tấm áo lành
Như nước trong nguồn đời cuộn chảy
Như Thái Sơn ngàn năm rạng danh.

                                  NHƯ UYÊN THỦY

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 112, ra ngày 15-8-1969)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018

THƯ CHỦ NHIỆM GỬI CÁC EM THIẾU NHI (số 65) - Nguyễn Hùng Trương


Các em thân mến,

Hàng năm, ở miền Nam Việt Nam, cứ đến cuối tháng 11 là các ruộng lúa bắt đầu chín, phủ một màu vàng óng ánh. Mùa gặt lúa kéo dài từ đấy cho đến sau Tết âm lịch, tùy theo loại lúa chín sớm hay muộn. Ở thôn quê, có người sống về nghề cấy lúa, thường gọi là công cấy, có người làm nghề gặt lúa, gọi là công gặt, nhưng cũng có người làm cái công việc mót lúa, nghĩa là đợi cho người ta gặt xong, đến mang theo một cái thúng nhỏ hay cái rổ, lượm mót những cọng lúa còn rơi, sót trên thửa ruộng, bỏ vào thúng hay rổ mang về. Nếu chịu khó, người mót lúa có thể có đủ gạo nuôi gia đình trong nhiều ngày.

Bữa chiều nọ, cũng sắp sửa gần tối, mọi công gặt hay thợ gặt đã về, kẻ mót lúa cũng không còn, người chủ ruộng, như thường lệ, đến quan sát lại những thửa ruộng của mình. Ông ta ngạc nhiên thấy một đứa bé độ 6 tuổi la cà dưới thửa ruộng của ông.

Đứa bé bước ngang, bước dọc, cặp mắt dáo dác, tìm kiếm lượm những cọng lúa còn rơi rớt ở ruộng.

Cọng lúa vàng óng ánh trông thật đẹp mắt, nhưng không còn sót lại dưới ruộng bao nhiêu, vì những người mót lúa đã làm công việc kỹ càng. Mặc dầu cố gắng, cậu bé chỉ lượm được một nắm nhỏ. Người chủ ruộng liền kêu hỏi:

- Nè cậu bé! Cậu làm gì đấy?

Đứa bé có vẻ sợ sệt và cậu ta bắt đầu run:

- Thưa ông, cháu lượm những cọng lúa mà những công gặt của ông bỏ sót lại. Như vậy, cháu có phạm tội không?

- Không, không sao! Cháu cứ lượm. Nhưng cháu dùng những cọng lúa nhỏ ấy để làm gì?

Đứa bé ngửng mặt lên nhìn người chủ ruộng và nói:

- Cháu đem lại nhà máy xay lấy gạo.

Người chủ ruộng cười:

- Ồ! Nè cậu bé, cháu chỉ có một nắm lúa, chắc không nhà máy nào nhận xay cho cháu đâu. Cháu phải có nhiều lúa, thật nhiều như trên những chiếc xe chở lúa của bác đậu trên đường cái kia.

Cậu bé có vẻ lúng túng:

- Nhưng, thưa ông, cháu thật khổ, cháu làm sao lượm được số lúa nhiều như vậy, từ bây giờ cho đến tối.

Người chủ ruộng mỉm cười:

- Trong trường hợp đó, cậu bé ơi! Mai cháu trở lại lượm tiếp.

Với vẻ mặt buồn, đứa bé giải thích:

- Thưa ông, cháu không thể đợi được đến ngày mai. Ở nhà, ba cháu đang đau, không đi làm việc được, không có tiền mua gạo, chiều nay không còn gì ăn, mẹ cháu yếu đuối luôn cũng không làm gì được, mẹ cháu lo lắng, buồn bã, khóc luôn.

Người chủ ruộng lấy tay vò đầu cậu bé:

- À té ra, vì vậy mà cháu la cà ở dưới ruộng của bác hả? Tại vì nhà cháu hết gạo phải không?

Đứa bé cúi đầu, nói khe khẽ:

- Thưa ông, vâng ạ, cháu không muốn mẹ cháu buồn.

Người chủ ruộng nắm lấy tay đứa bé, bàn tay mềm mại, nhỏ đẹp xinh xắn:

- Cháu là một đứa bé can đảm và sự can đảm của cháu sẽ được đền bù. Nhưng nói chuyện mãi, bác quên hỏi cháu, vậy chứ cháu tên chi?

Đứa bé lễ phép thưa:

- Thưa ông, cháu tên là Tâm.

Người chủ ruộng đề nghị:

- Nè cháu Tâm, cháu đưa cho bác cọng lúa cháu cầm trên tay. Bác biết ở gần đây có bà Tiên. Bác sẽ nói với bả biến đổi giùm cháu cọng lúa này thành một bao gạo.

Đứa bé hết sức ngạc nhiên:

- Thật sao, thưa ông, làm sao bà ấy làm được?

Người chủ ruộng nói:

- Ồ cái đó là nghề của bả. Tiên mà. Bả còn làm được những chuyện khó khăn hơn. Bả chỉ cần lấy chiếc đũa thần gõ lên một cái là được. Vậy cháu hãy về an ủi mẹ cháu đi, tối nay, chắc cháu có gạo nấu cơm ăn.

Đứa bé khoanh tay, cúi đầu:

- Thưa ông, cháu xin cám ơn ông, cháu cám ơn ông, cháu mến ông lắm.

Với vẻ mặt đầy hân hoan, cậu bé Tâm chạy miết về nhà.

Nhưng chỉ ít phút sau đó, một chiếc xe đỗ ngay trước nhà cậu bé.

Một người làm công bước xuống, vào nhà, hỏi to lên:

- Chủ nhà đâu, nhận giùm tôi bao gạo, cất giùm chục hột vịt kẻo bể, cất luôn giùm miếng thịt heo này.

Người mẹ hết sức ngạc nhiên:

- Trèn đét, đâu mà nhiều vậy, của ai mà anh đưa đến vậy?

Người làm công tươi cười trả lời:

- Tôi cũng không biết nữa, nhưng đây có bức thư gửi cho con bà.

Bé tâm đang học lớp hai, nó biết đọc, nó liền mở ngay bức thư, nó đọc lớn lên:

- "Gởi cho cháu Tâm, vì tấm lòng tốt biết thương yêu cha mẹ của cháu và để đổi lấy cọng lúa. Bà Tiên của Đồng Ruộng."

Đứa bé mắt sáng lên, cười nói:

- Con biết rồi. Bà Tiên của Đồng Ruộng này rất hiền lành, ở cuối làng, phải không chú?

Người làm công trả lời:

- Có lẽ đúng đấy. Cháu có nhắn gì với bả không?

Đứa bé vui vẻ:

- Cháu nhờ chú nói lại giùm cháu, cháu cám ơn bà Tiên nhiều lắm, cháu muốn ôm bả vào lòng, cả mẹ cháu cũng vậy.

Và tối hôm đó, trong túp nhà nhỏ của cậu bé, cả gia đình được yên vui, hạnh phúc.

Các em thân mến,

Chúng tôi kể chuyện trên cho các em, dựa theo quyển sách : "Các con muốn nghe kể chuyện không" của bà Girardot với lòng mong muốn tất cả các em, cũng như cậu bé Tâm ở câu chuyện, đều thương yêu cha mẹ, lúc nào cũng nghĩ không muốn cho cha mẹ buồn. Vậy các em hãy chăm chỉ học hành và nhớ vâng lời cha mẹ.

Thân mến                
           
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 65, ra ngày 19-11-1972)


Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

BÁO HIẾU - Huyền Anh


Bé đi về nhà mà trong bụng bé lo ghê, không biết chốc nữa đây bé phải làm gì? Vốn là hồi nãy, buổi chiều, bé có nghe chị trưởng của bé khi dạy về bái ý nghĩa ngày lễ vu lan bồn, chị có bảo mỗi bé về nhà ngay từ chiều nay hãy chú ý và lo lắng đến việc báo hiếu cha mẹ, nếu bé nào đã là đứa con hiếu thảo rồi thì nhân dịp này tỏ rõ thêm chữ hiếu, còn bé nào mà hồi "xưa" đến giờ "quên" báo hiếu thì bây giờ bắt đầu lo đi thôi để trễ sau này phải tội đấy.

Eo ơi, nói đến tội bé sợ quá đi thôi! Hồi chiều, sau khi dạy xong bài Ý nghĩa Vu lan bồn, còn thì giờ chị trưởng có kể cho bé nghe thêm chuyện Ngài Mục Kiều Liên và mẹ là bà Thanh Đề, nhớ đến lúc tả cảnh bà Thanh Đề phải tội đọa xuống địa ngục làm kiếp ngạ quỉ bé cảm thấy rùng mình.

Đường về nhà bây giờ tối thui, hồi nãy có mấy chị đầu đàn đi chung, bay giờ thì mấy chị đã rẽ sang ngã khác rồi, chỉ còn có một mình bé thôi. Đáng lẽ thì bé đâu có đi một mình như vầy, mà anh Lam đưa bé về bằng xe Honda cơ! Nghĩ đến giận anh ghê, lúc đầu thấy bé còn chưa thích đi họp anh hứa chở đi chở về lung tung, sau này thì hồi chở hồi không, mà thật ra hôm nay vì bao tử của bé "làm reo" sớm quá, nên bé đành cuốc bộ về trước, chứ ở chờ một chút nữa thì cũng được anh Lam đưa về.

Lần nào trước khi vào họp ban huynh trưởng anh cũng bảo bé chờ anh một chút nhé, anh họp ban huynh trưởng xong rồi anh đưa bé về, rồi đột nhiên anh hạ giọng thấp xuống, nếu bé chờ lâu không được bé về trước chung với các chị đầu đàn nha bé. Biết vậy lúc đó bé hổng thèm đi họp trúng kế dụ địch của anh, nay đã "trót sa chân" thì bây giờ có "cho tiền" cũng không nghỉ đi họp. Gia đình Phật Tử một ngày là Gia đình Phật Tử suốt đời, lời chị trưởng từng nói bây giờ bé nghĩ lại thấy đúng ghê. Giận anh thì giận vậy chớ nghỉ họp thì bé chịu thôi.

Nghĩ lẩn quẩn vậy mà bé "chân thấp chân cao" về đến gần nhà hồi nào không hay, thật đúng là "ngựa quen đường cũ".

Ồ không biết sao hôm nay bé cảm thấy xúc động ghê vậy! Nè, báo hiếu gồm có hai cách, một là về tinh thần, hai là về vật chất. Về tinh thần thì phải lo cầu nguyện chư Phật cho cha mẹ được mọi sự an lành và hạnh phúc nếu cha mẹ còn tại thế, còn nếu cha mẹ qua đời thì cầu nguyện cho vong linh của cha mẹ được siêu độ vào cảnh giới lành, chuyện này khó à! Để tính sau, bây giờ lo chuyện báo hiếu về vật chất cái đã, vì chuyện này coi bộ dễ làm hơn, chị trưởng đã bảo rằng báo hiếu về vật chất là các em phải giúp đỡ cha mẹ trong công việc nhà, như giúp mẹ trong việc nấu ăn, dọn dẹp, quát nhà, lo sắp đặt giường ngủ cho cha mẹ, dâng nước cho cha mỗi khi cha đi làm về, vân vân, nghĩa là tất cả những công việc gì mà bé có thể làm được để đem lại sự sung sướng cho cha mẹ, và làm cho cha mẹ bớt sự nhọc mệt thì cái đó gọi là báo hiếu về vật chất đó, cái nầy xem dễ hơn.

- Con tôi bữa nay suy nghĩ cái gì mà coi bộ đăm chiêu quá vậy cà?

Thì ra nãy giờ lo cúi đầu lầm lũi đi, bé không trông thấy mẹ đang đứng chờ trước hiên nhà. Bé vội chống chế:

- Đâu có gì đâu mẹ!

- Thôi thay đồ rồi sửa soạn ăn cơm con. Anh Lam đâu sao chưa thấy về?

- Ảnh còn mắc bận ở lại họp một chút nữa ảnh mới về.

- Thằng thiệt!

Bé thương mẹ chỗ chữ thiệt bỏ lửng nầy ghê! Mẹ không nói gì thêm sau đó nhưng đó là một lời trách móc với đầy âu yếm. Thôi, bé cứ nghĩ vẩn vơ hoài, thay đồ ra tiếp mẹ dọn cơm, "phải thực hành ngay từ buổi chiều nầy".

Thật ra, nếu có tiếp mẹ dọn cơm chiều nay, thì đây quả là lần đầu tiên bé giúp mẹ dọn cơm, vì hồi đó tới giờ mỗi lần đi họp về hoặc đi học về là bé chỉ biết chạy ra sân chơi, chừng nào mẹ dọn xong mẹ gọi vào ăn là bé mới vào, không phải bé không thương mẹ đâu mà tại vì... bé làm biếng quá đi thôi!

Lau mặt xong bé vội vàng kéo ghế lại tủ đựng chén, sở dĩ dùng ghế là tại vì bé quá "cao" kéo ghế đem đặt lại trước tủ đó là chuyện bé thường làm, nhưng mà thường làm ở tủ đằng góc kia, tủ đựng thức ăn đó, chứ tủ nầy thì đây là lần đầu tiên. Mặc dù lần đầu tiên vậy chớ bé cũng khéo tay lắm.

- Khéo ngã bể chén con!

- Mẹ để con, con làm được mà!

- Chà, hôm nay con tôi siêng quá!

Tiếng mẹ còn vọng theo bé khi bé bưng chén đũa lên nhà trên.

Trải bàn, dọn chén đũa, bưng thức ăn tiếp mẹ và thưa ba vào ăn cơm, tối nay bé làm nhiều việc mà hồi đó đến giờ bé chưa từng làm, mà bé lại thành công không hư một chuyện gì, có lẽ Phật thấy bé có lòng nên Ngài giúp bé đấy. Bữa cơm hôm nay cũng lại thiếu anh Lam, chúa nhật nào cũng thường là anh ăn cơm nguội, sáu giờ rưỡi là "Dây Thân Ái" giải tán, mà cứ mãi đến tám, chín giờ tối anh mới về, lo cho gia đình Phật tử vừa thôi chứ anh, vừa ốm vừa cận thị như anh đấy, thì coi chừng!

*

Định ra hiên đón anh Lam về, qua chỗ đặt bàn Phật trong nhà, thấy mẹ đang lễ Phật, bé mới chợt nhớ ra mình còn thiếu sót trong việc báo hiếu. Ồ làm như nãy giờ chưa đủ đâu. Bé vội đến quì bên cạnh mẹ.

Vòng tay ôm lấy bé, mẹ kéo nhẹ bé ngã vào lòng, thì ra mẹ vừa lễ Phật xong.

- Con cầu nguyện chi đó?

Giọng nói mẹ êm như ru, rót nhẹ vào tai bé, bé vội trả lời:

- Con:

Chắp tay cầu với Phật Trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Vòng tay mẹ đang lơi, bây giờ bỗng siết chặt, một giọt nước âm ấm rơi vào tóc bé, rồi một giọt nữa, mẹ chỉ nói có một tiếng:

- Con!

Áp chặt mặt vào ngực mẹ, bé gọi nho nhỏ:

- Mẹ!


HUYỀN ANH    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 150, ra ngày 1-4-1971)