Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

CÁI QUẢ TRỨNG GÀ - Ân Huệ


Vân nâng niu quả trứng gà, trong tay, rồi cầm lên, ngắm, nhìn, xem và tìm hiểu.

Theo khoa học thực nghiệm, sơ đẳng nhất mà Vân hiểu: thì cái trứng gà, có tròng đỏ màu vàng, có rất nhiều sinh tố A. Chất tròng trắng trứng là một dung dịch trăng trắng, sệt và là một môi trường rất tốt cho chú gà con nào đó, sẽ được sống và nẩy nở khi thành hình, lớn lên để chui ra khỏi cái vỏ cứng màu ngà, có chất vôi, để nghiễm nhiên là một chú gà con của đoàn gà 12 con một mẹ, trong cái ổ này đây.

*

Tần ngần Vân đứng suy nghĩ... Bài hát "Hai chú gà con" trở về lại trong ký ức. Vân vui vui hát lên nho nhỏ:

"Hai chú gà con...
Đi chơi với nhau,
Chú che cái dù,
Chú đội mũ trên đầu.

Đang nói chuyện vui,
Tay trong cánh tay...
Có hai chú gà
Ra ngoài sân,
Nào hay...?

- Thời gian qua mau quá. Chị Vân nhỉ?

- Ừ, mau lắm! Chị nàng ngồi trên võng cạnh đấy trả lời.

- Chị ơi...! Vân còn nhớ, hồi đó Vân nhỏ xíu, học ở trường làng. Có một lần, trong dịp bãi trường, Vân và thằng Tuấn cũng 5 tuổi như Vân, học lớp Mẫu Giáo. Hai đứa ra sân khấu nắm tay nhau, vui vẻ, ngây thơ, hát bài "Hai chú gà con" nầy.

Vân có che cây dù thật và thằng Tuấn thì có đội cái nón nỉ thật.

Mới đây mà đã 15 năm rồi. Mau quá chị nhỉ?

- Ừ, thời gian trôi mau lắm. Có khi nào Vân nghĩ, từ đấy đến nay, bằng ấy thời gian, Vân đã làm gì?

- Em lớn lên nhờ tình thương của Má, của Chị. Em ở nhà làm việc lặt vặt giúp Má và em đi học.

- Nhưng có khi nào em nghĩ: lớn lên khi ra trường, khi em học xong ban Trung Học, em sẽ chọn ngành nào? Và sau đó khi em ra đời làm việc, em thích làm nghề gì?

- Em thích làm cô giáo chị ạ. Em mơ ước, sau nầy lớn lên, khi bước chân vào đời, em sẽ là một cô giáo. Một cô giáo dạy trường làng thôi chị ạ.

Mộng của em là thế.

- Nầy Vân. Chị nghĩ... Còn nhớ, lúc nhỏ... mỗi lần vào dịp Lễ Phục Sinh (tức là lễ người công giáo mừng Chúa Kitô chết đã sống lại) chị thường được ăn những quả trứng gà mà là hình ảnh tượng trưng quả trứng được làm bằng bánh, bằng kẹo hay bằng chocolate. Lớn lên chị tự nghĩ: Tại sao hình ảnh quả trứng gà và những chú gà con xinh xắn thường được trưng bày trong dịp Lễ Phục Sinh?

Tự hỏi và tìm hiểu... Chị nghĩ rằng: Trong quả trứng thật, có mầm sống. Và mầm sống ấy là một chú gà con. Rồi tại sao, mỗi "chú gà con nầy" phải được ở bao bọc kín mít, trong cái vỏ trứng của mình đầy đủ chất bổ trong một thời gian nào đó. Và, bằng một khoảng thời gian 21 ngày, bằng tình thương ấp ủ của gà Mẹ và sau đó đã đến ngày có thể được, tự nhiên bà gà mẹ mổ từng cái trứng của bà hằng ấp ủ và lạ thay! Mấy chú gà con vươn cánh chui ra.

Lễ Phục Sinh còn được gọi là lễ Vượt Qua...

Chị nghĩ...

Tại sao con tằm phải ở trong cái kén của mình qua một thời gian tăm tối? Rồi, phải được một thời gian nào đó, mới có đủ sức kéo tơ?

Tại sao, trước khi thành bướm, con bướm lại là một con sâu, phải ẩn mình dưới lá xanh, một thời gian nào đó?

Vân ơi...!

Chị nghĩ: là con người, mình phải có một thời gian chuẩn bị cho chu đáo biết ý thức, và trách nhiệm cho tương lai, để rồi có được một thời gian hoạt động cho cuộc sống con người.

Em nghĩ sao?


ÂN HUỆ     




(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 174, ra ngày 1-4-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

HẮC CẨU ĐẠI TẶC (II) - Vũ Hạnh


Theo như Thế Lân tính toán, cung nữ thường xuyên là ba ngàn người, có thể chia làm ba loại: một loại cực tốt và một loại cực xấu, chiếm tỷ lệ nhỏ, xen giữa hai cực là hạng đông đảo bình thường. Loại rất tốt này có thể ước khoảng chừng 500 người, đó là những kẻ có nền giáo dục vững vàng, ý thức về phẩm giá mình sâu sắc, không thể lung lạc hoặc bị dao động vì tình huống nào. Còn hạng rất xấu ắt cũng xấp xỉ số lượng như thế độ 500 người, là loại lẳng lơ, dâm đãng, sẵn sàng làm theo ý muốn nhất thời, mà không đếm xỉa gì đến danh dự, tương lại. Giữa hai loại người kể trên, số người bình thường gồm độ hai ngàn, đó là những kẻ thường xuyên chòng chành giữa tốt và xấu, dễ bị tác động của các ảnh hưởng bên ngoài. Nói theo ngôn ngữ chính trị ngày nay, đó là đa số thầm lặng. Như vậy, Thế Lân sẽ để yên lành cho số 500 cực tốt mà không phí sức hoài công gạ gẫm, chỉ hướng hoạt động vào số 500 cực xấu rồi sẽ dùng lực lượng này tác động vào cái số đông thầm lặng hai ngàn, nâng dần con số có thể thao túng là hai ngàn rưỡi. Với cái sức lực sung mãn của gã, nếu như mỗi đêm giao tiếp năm người, thì phải mất gần năm rưỡi mới quay vòng được.

Nhưng làm thế nào giao tiếp cho được an toàn, giữa đám thái giám đầy lòng nghi hoặc và lớp cung tần đa sự, chua ngoa?

Thế Lân vắt óc để tìm phương kế. Bây giờ sáu tháng đã qua, tác dụng của thuốc không còn, sinh lực đã được phục hồi mau chóng, gã muốn số vàng bỏ ra cho lão họ Lưu phải được thu về lợi tức tối đa. Bỗng gã chợt nhớ nội cung có một chuồng lớn nhốt đầy loại chó sung mãn, để người nuôi dạy, cho vua sử dụng trong dịp săn bắn đầu xuân, thỉnh thoảng vẫn được thả cho chạy rong để giãn gân cốt và gần như chẳng mấy ai buồn lưu ý đến. Nếu gã có thể cải trang làm chó, dọ dẫm đi giữa đêm khuya, chẳng là thượng sách hay sao?

Thế Lân hì hục chọn mua một loại vải đen, tìm ít da thuộc làm cốt, lúi húi khâu kết tạo tác ra một lốt chó – một con chó mực, cho phù hợp với đêm đen – rồi một đêm khuya gã khoác vào người, khi chắc thiên hạ đã an giấc điệp. Gã mở nhẹ cửa bò ra khỏi phòng, rồi cứ bốn chân men xuống bực cấp, theo các lối đi, nép mình vào dãy tường hoa, thỉnh thoảng dừng lại hít ngửi ở dưới gốc cây y hệt loài khuyển chính hiệu. Gã rẽ phải, quẹo trái, đi vào khuôn vi gần nhất và đến căn phòng Thúy Liễu, là người cung nữ lẳng lơ mà gã đã chọn làm điểm đột phá đêm nay. Vẫn cúi khom người, gã đưa một tay cào lên cánh cửa. Chỉ nghe im lìm. Gã cào mạnh hơn. Và cửa sực mở, hắt ra ánh sáng của ngọn đèn hồng. Gã chồm vào trong, Thúy Liễu vừa buột miệng kêu:

- Con…

Thì gã bật dậy kịp thời, ngăn chận tiếng “chó” khỏi ra đầu miệng, hổn hển nói ngay:

- Ta là Chu Thái giám đây…

- Ồ!

Dưới ánh hồng lạp chập chờn, long lanh đôi mắt đa tình của người cung nữ:

- Ta đến tìm nàng, nên phải tự biến thành loài súc vật luồn lõi trong đêm. Ngoài đôi ta đây, không ai biết được cuộc hội ngộ này.

Thúy Liễu có thừa thông minh để hiểu việc gì đang đợi chờ mình – và mình chờ đợi – nên vội đưa tay tắt ngọn đèn hồng.

Trái hẳn với điều Thế Lân suy tính, đêm ấy gã không còn đủ thời gian tìm đến với người thứ hai, nói gì đến bốn, năm người. Đã nhiều năm rồi chờ đợi mỏi mòn mà không gặp được nhà vua – khát vọng duy nhất của đời Thúy Liễu cũng như của những phi tần – dồn nén ấy đã lâu ngày thành mối ám ảnh gây nên cuồng loạn. Vì thế, mỗi một đêm xuân làm sao bù đắp cho nhiều năm dài đã là những ngày đông lạnh triền miên, và Chu Thế Lân dẫu đem tất cả háo hức chất chồng qua bao thời gian mơ tưởng vẫn không thực sự làm nàng toại nguyện. Chưa tàn canh ba, gã phải vội vã cáo từ, nhưng còn bị kéo lui lại mấy lần mới khoác được cái lốt chó, lết về phòng mình.

Sau thử nghiệm ấy, họ Chu thêm phần bạo dạn, từ đấy không đêm nào gã lại không bốn cẳng ra đi sục sạo khắp chốn tam cung. Nhưng sau hai tháng, gã thấy mình gần kiệt lực trong khi đối tượng tìm gặp thảy đều ở buổi ban đầu phơi phới tình nồng. Đến tháng thứ ba, gã đã đuối sức, cố gắng đến tháng thứ tư thì bước không nổi, đầu ù, mắt hoa, chân tay run rẩy. Con số những kẻ dâm đãng mà gã thống kê thì gã chỉ mới tiếp xúc trên một phần năm, và số còn lại chỉ cần nghĩ đến đã khiến gã thấy hoảng sợ. Hẳn khát thèm nào đã được thỏa mãn cho đến thừa mứa, no nê, cũng dễ khiến thành nhàm chán đến độ khủng khiếp. Đồng thời, như có một luồng thông tin ngấm ngầm trong giới, Thế Lân được sự đón mời khẩn thiết của nhiều cung phòng. Gã phải vét hết số tiền dành dụm gởi mua đủ loại sâm nhung cùng các liều thuốc bổ dương có mặt trên thị trường, để nhờ tiếp sức. Nhưng các loại thuốc kích dục có làm cho gã chồm lên như một con ngựa đuối sức nếm phải đòn roi quất mạnh, để rồi sau đó lại rơi xuống sự đuối liệt thảm thương, bởi mọi trợ lực giả tạo mang đến từ ngoài càng làm cạn kiệt nhiều hơn chút ít nội lực đang còn thoi thóp. Cuối tháng thứ năm, Thế Lân hoàn toàn là kẻ suy bại, giống hệt như các thái giám thực sự. Và sự thái quá, cuối cùng đã gặp được sự bất cập.

Tuy vậy, Thế Lân không thể làm ngơ trước sự đón mời nồng nhiệt của kẻ chào hàng, và nhiều cung nữ đã từng với gã qua đêm thân mật nay thành liều lĩnh một cách quái đản, thường dám réo gọi mỗi khi bóng gã thoáng qua. Để xoa dịu các cung nữ quá đỗi nhiệt tình hòng tránh những điều tai họa, gã lại lê cái thân xác suy nhược bọc trong lốt chó tìm đến bọn họ vào lúc đêm khuya, một hai lấy lời an ủi, vỗ về, mượn cớ bệnh hoạn để mà chối từ… nhiệm vụ. Thoạt đầu, gã không dám tự thú nhận về sự bất lực của mình. Đàn ông nào trên đời này thảy đều có lòng tự ái đặc biệt ở trong khả năng giới tính của mình, và họ thường vẫn phao tin thất thiệt để tự chứng tỏ vượt trội trên người đồng loại. Rốt cuộc, Thế Lân thấy chỉ có lòng thành khẩn khai ra sự thực mới cứu được mình.

Nhưng dẫu gã đã dẹp bỏ tự ái truyền thống của người đàn ông bằng những chứng minh cụ thể về sự bất lực, các nàng cung phi vẫn cứ bừng bừng nổi giận, nhất định không tin đó là sự thực. Người ta đã nhiếc mắng gã bằng những ngôn từ cay độc và phũ phàng nhất, và nhiều người đã đánh gã, cắn gã, thậm chí rút các trâm cài lược giắt rạch da thịt gã cho đến chảy máu. Gã đã làm họ hụt hẫng, thất vọng và họ trả thù. Bây giờ họ không còn sợ gã nữa, vì gã đã cùng phạm tội và phạm nhiều hơn. Thà cứ để họ chết héo dần đi trong sự mỏi mòn, hơn là châm lửa đốt khu rừng cấm cho cháy bùng lên mà không tìm phương dập tắt.

Hóa ra những sự gắn bó giữa người, thuần bằng ngã dưới, lại dẫn đến những kết quả bi thảm vậy sao? Trong khi ê ẩm khắp mình, đau từng khớp xương, nhức từng bắp thịt, gã đã khom mình lê lết đi trên bốn chân về lại chỗ ở, thấm thía hiểu rằng phải đi bằng chính đôi chân giữ sự ngay thẳng cho một mái đầu ngẩng cao mới tiếp nhận được nguồn vui thực sự của lòng tự hào.

Một hôm ngắm mình trong gương, Thế Lân hoảng hốt đối diện với một con người xa lạ, má hóp, mắt sâu, dáng vẻ lờ đờ, cọm rọm như một ông già suy yếu ngoài tuổi 70. Sự biến đổi thật mau chóng, vượt xa qui luật tang thương của trò tạo hóa. Thì ra, mọi vật, mọi việc trên cõi đời này đều phải trả bằng cái giá tương xứng, và mọi khả năng, kể cả khả năng ước vọng, đều có lằn ranh khó nỗi vượt qua. Ý thức được các điều đó thì đã muộn rồi. Có lẽ, những câu kết luận tìm thấy chậm nhất là điều tệ hại nhất của nhân loại.

Và khu rừng cấm đã bị đốt cháy cứ cháy phừng lên, mỗi ngày quạt cái sức nóng vào vùng lân cận. Các cung nữ đã đạp ngã các thứ tường thành cấm kỵ để tiếp đón Chu Thế Lân, bây giờ như leo lên trên mình cọp, không còn kiêng sợ gì nữa. Các ả đem sự bí mật của mình tiết lộ cho kẻ đồng hội, đồng thuyền, thêu dệt, vẽ vời cho thêm kỳ thú để tự thỏa mãn qua sự khiêu khích nơi người nghe chuyện, và lầm nghĩ rằng ngoài gã Thế Lân hẳn còn nhiều vị thái giám cương cường có thể gạ gẫm vào vòng thân mật. Hậu cung rõ ràng đã có khá nhiều triệu chứng bất thường, và những con người xét nét, đa nghi rất mực, là các thái giám, bắt đầu sục sạo đi tìm sự thực. Chức vị phó quản của gã Thế Lân còn là nguyên cớ cho sự sục tìm, bởi các thái giám chính hiệu đã bị tước đoạt khả năng ham muốn bản năng, chuyển đổi dục vọng thành nỗi khát thèm quyền lực. Và một thái giám họ Cù, sau khi nắm chắc nguồn tin, đã làm tường trình tâu lên vua.

Thoạt nghe, vua tái cả mặt, không muốn tin chuyện động trời như thế là điều có thật. Lập tức, lệnh truyền gọi Chu Thế Lân đến trước bệ rồng. Vua quát:

- Tên súc sinh kia! Mày đã giở trò cuồng loạn ở nơi cung cấm, ngàn lần đáng tội bêu đầu!

Họ Chu đập đầu xuống bệ, một mực kêu oan, khóc than thảm thiết. Vua nhìn thấy gã gầy ốm, xanh xao, má hóp lưng còng, không tin gã dám cả gan xúc phạm hậu cung, bèn cho tạm giam vào ngục để chờ tra hỏi phi tần. Một đoàn giám sát được gấp thành lập, thẩm vấn từng người cung nữ. Dĩ nhiên ả nào cũng đều xác quyết về sự trong trắng, trung thành đối với nhà vua, lên án những phường dâm đãng, lăng loàn. Vua chợt hiểu rằng trong vấn đề này nếu không bắt được quả tang tại trận thì ai cũng đều tự cho là mình đạo hạnh thập toàn. Viên thái giám đã tố cáo nội vụ, thấy việc chưa được làm rõ, sợ mình sẽ bị kết tội vu cáo, bèn xin vua cho khám xét chỗ ở của Chu Thế Lân, và được chấp thuận.

Một đoàn mười viên thái giám được phái đến nơi, rà soát, lục lọi, xâm tìm từ ngoài vào trong, từ trên mái nhà xuống đến nền đất, vẫn không thấy một dấu vết khả nghi. Họ toan quay về bỗng thấy ở trên bàn thờ tiên tổ họ Chu có một tráp lớn bằng bạc, chạm trổ khá đẹp đặt sau lư hương, bèn lấy xuống xem. Tráp được khóa kỹ, phải dùng mũi gươm thật bén cạy nắp, và họ tìm thấy một đống vải màu đen và có viền nẹp da. Lôi ra, mọi người bàng hoàng và cũng mừng rỡ nhận rõ đấy là tấm áo mượn hình loài chó với chiếc đầu chó độn bằng bông vải.

Vua thấy tang vật, ngồi chết lặng đi, căm giận cùng cực. Một sự xúc phạm thể giá vương triều đến mức như thế thật đã ra ngoài trí tưởng mọi người. Khi điệu gã lên, vua ném tang vật xuống đầu của gã, hét to: “Cẩu đại tặc”, rồi lại nín lặng. Trong bầu không khí trang nghiêm và yên tĩnh như trước cơn giông bão, chỉ nghe có tiếng nghiến răng của đấng quân vương.

Không có một hình phạt nào tương xứng với tội trạng ấy. Dẫu đem băm vằm xác gã ra trăm ngàn mảnh thì cũng vô ích, vì sau khi chết thân xác của gã có đem xào lăn hay là nướng chả cũng không làm gã động lòng. Cuối cùng nhà vua nảy ra một ý: cho đem treo gã lên một cành đào ở giữa hậu cung và buộc cung nữ mỗi người đánh gã đúng ba chục hèo. Như thế, vừa có tác dụng răn đe thị chúng, vừa ngầm theo dõi những ai đã có tình ý với gã đặng đem trừng phạt, vì vua cho rằng kẻ nào đánh nhẹ hoặc là đánh không đủ số qui định, ắt có liên hệ với tên cẩu - tặc.

Nhưng tất cả đám cung nữ đã đánh đập gã một cách nhiệt tình. Không phải vì họ sợ bị theo dõi, nhưng vì ai cũng căm thù: các nàng đã tiếp xúc gã trong đêm thì quá bất bình vì gã đã khơi bùng dậy ham muốn ở nơi lòng họ rồi lại bỏ cuộc đột ngột, chia sẻ niềm vui với đám người khác, các nàng chưa gặp được gã thì bất mãn hơn, phải đánh để cho hả giận vì gã đã không tìm cách gặp mình. Còn những cung nữ đạo hạnh thì phải trừng phạt gã thật quyết liệt để bênh vực cho thể giá hậu cung. Vì vậy, mới nếm gậy của khoảng ba chục người gã đã tắt thở. Những kẻ còn lại cứ tiếp tục đánh vào cái xác chết cho đến tan tác, rã rời.

Nhà vua truyền đem ném xác giữa đồng cho loài côn trùng dưới đất và loài diều quạ trên không tiêu thụ tử thi của phường cẩu tặc. Rồi cho bắt Lưu ngự y là tội phạm gốc của tai họa này. Nhưng đã từ lâu ông xin cáo quan về nuôi mẹ già, rồi bán sạch hết nhà cửa ruộng vườn, mua chiếc ghe lớn để đưa toàn gia ra ngoài bể khơi tìm đến một xứ sở khác, không rõ là nơi chốn nào.

Vua chưa nguôi giận và cũng khốn khổ vì không biết rõ trong đám cung nữ những ai đã có giao tình với loài cẩu tặc. Tốt nhất là cho sa thải toàn bộ ba ngàn cung phi để họ trở về đời sống dân dã và tuyển mộ một lớp mới. Vì họ kể như là hạng bị ô nhiễm rồi nên được cho phép lấy chồng để phân biệt với phi tần đúng hiệu, khi trả về dân không quyền được lập gia đình, và những ai vi phạm vào qui định đều bị kết tội.

Cung nữ sau những năm dài cay đắng ở nơi hậu cung đã tưởng đời mình tàn lụi thảm thương trong chốn tù ngục lụa là nay được thả về, rất là vui sướng. Đi qua cánh đồng còn phơi xương của Thế Lân, họ bèn lấy đất lấp lại, vun thành mộ lớn. Về sau, nhiều cô có chồng, có con, được sống vui vầy, mỗi khi qua đó vẫn nhớ ơn gã bèn trồng nơi mộ một loài hoa thơm hoặc một giống cây ăn trái. Cây hoa nở rộ, lớn lên, gọi chim chóc đến khiến chẳng bao lâu mộ đã thành rừng, và đất tự nhiên nổi lên như một gò lớn – hình như thái giám họ Chu xúc động được sự chăm sóc của các cung nữ nên không chịu nằm bất động – do đó, có người gọi đây là hòn Cẩu Sơn, tức là núi Chó.

Một số nho sĩ trong vùng nghĩ về núi Chó và chuyện Thế Lân, cho rằng tai họa làm cho đồi phong bại tục là sự dâm ô và làm rối nát xã hội là tệ tham những. Có Chu Thế Lân, là sự tồi bại, nhưng nếu không có được Lưu ngự y tiếp tay, thì cái thể giá vương triều đâu bị tổn thương như thế? Các vị bèn dựng ở tại Cẩu Sơn một tấm bia lớn, ghi hai câu thơ để nhắc nhở đời. Xin dịch sát ý, nhưng kém văn vẻ, như sau:

Dâm ô đảo lộn, người ra thú
Tham nhũng lộng hành, quỷ nhục vua.

Về sau có một nịnh thần cho rằng tấm bia đã bêu xấu vua, hơn nữa lấy thú mà đối với vua là chuyện khi quân, nên cho đập nát tấm bia.

Riêng số phận của các vị thái giám thì bi đát hơn. Nhà vua không còn tin tưởng ở phép châm cứu, nên kể từ đấy, thái giám được tuyển vào cung phải bị thiến gọn, do các quan lớn đầu triều kiểm tra. Danh từ hoạn quan xuất hiện từ đấy. Nhưng theo sử sách, do còn tham nhũng nên vẫn có sự thiến sót và các loại yêm - hoạn dỏm đã có một thời náo động hậu cung, gây nên lắm chuyện cực kỳ quái đản mà chúng ta sẽ nói đến, trong một dịp khác.


VŨ HẠNH    



Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

HẮC CẨU ĐẠI TẶC (I) - Vũ Hạnh


Truyện của VŨ HẠNH

Ngày xưa, ở đất Cổ Kiên, có một chàng trai tên là Thế Lân vốn dòng họ Chu, gia cảnh vào hàng phú túc – mấy đời cha ông sống nghề thương lái, có cả một đội thuyền buôn chuyên chở hàng  từ nội địa đem bán qua những xứ sở bên kia bờ biển, phía mặt trời lặn. Từ khi ra đời Thế Lân đã được sống trong nhung lụa, lên mười thì mồ côi cha: ông Chu Thế Long, trong chuyến buôn xa, đã cùng đội thuyền không thấy trở về. Có người nói rằng thuyền bị sóng bão nhận chìm dưới đáy đại dương, có người đoán chắc ông bị đồng bọn sát hại, cướp lấy tài sản rồi tẩu tán đi nơi khác. Riêng vợ Thế Long, là bà Đào Thị, biết chồng có bệnh mê gái khó chạy chữa nổi thì nghi ngờ ông đã bị phụ nữ xứ người mê hoặc nên bán tài sản, xây dựng phòng nhì ở một hòn đảo hoang vắng nào đó mà trong mê muội ông đã tưởng lầm là chốn Bồng Lai. Bà lo nuôi con, mong đợi mơ hồ ngày về của chồng, và trải qua nhiều năm tháng niềm hy vọng ấy cũng nhạt nhòa đi như lớp sương chiều tan dần vào bóng hoàng hôn.

Khiếp sợ trước cái hình ảnh bọt bèo của những con người vờn trên sóng nước ngàn khơi, Đào Thị nhất quyết không cho con mình nối nghiệp người cha. Hơn nữa, Thế Lân lại là con một, thừa hưởng một gia tài lớn, nên không thấy cần băn khoăn về nẻo tương lai. Quá được cưng chiều, Thế Lân sinh ra lười biếng, thường xuyên bỏ học đi chơi. Bấy giờ các sách thuộc loại ngoại thư được sản xuất nhiều, bày bán khắp nơi chợ búa và các vỉa hè. Một số tác giả là những thầy đồ lỡ vận, hờn dỗi cuộc sống nên viết các sách khiêu dâm câu dần lớp trẻ để có đồng tiền chi trả cho các quán rượu mọc lên như nấm, vừa phản kích lại đạo đức đương thời để tự biện minh cho sự suy đồi. Đủ loại truyện tình ướt át, lâm ly được họ thêu dệt một cách hoang đường, xen kẽ là những trang sách mô tả chi tiết những cảnh nam nữ giao hoan trong chốn khuê phòng. Tuổi vừa mới lớn, ý tình bồng bột, Thế Lân đọc loại dâm thư tưởng như lạc vào thế giới ảo huyền kỳ thú, suốt ngày vùi trong miệt mài với sách gần như quên ngủ, quên ăn. Đào Thị, không hiểu rõ được sự tình, đinh ninh con mình là kẻ hiếu học lấy làm mừng lắm, không ngờ nó đang tự đầu độc nó từng ngày bằng những phế phẩm văn chương chuyên khai thác phần hạ bộ con người. Thiếu hẳn thực tế ngoài đời, lại không có được khả năng phán xét đúng, sai, Thế Lân càng chìm sâu trong hoang tưởng, đầu óc luôn mơ màng đến những chuyện ái ân, tự mình đồng hóa với các nhân vật phóng đãng trong sách coi như trên đời không gì cao cả hơn sự yêu đương.

Càng ngày hoang tưởng càng ăn sâu vào não bộ, trở thành một nỗi ám ảnh thường trực khiến cho tâm thần bấn loạn, đến độ muốn chiếm đoạt hết phụ nữ ở trong thiên hạ đem về làm vợ, mới thỏa tấm lòng. Cuối cùng anh ta nhận thấy chỉ có làm vua mới thỏa mãn được cái nhu cầu ấy như lòng sở nguyện. Tuy vậy, việc vua làm được chẳng khó khăn gì, nhưng được làm vua là điều không dễ.

Sau những tháng ngày trằn trọc, Thế Lân cho rằng chỉ còn mỗi cách vào làm thái giám mới có cơ hội gần gũi được số phi tần đông đảo ở chốn lục viện tam cung. Nhưng thái giám là hạng người bất lực, còn nước non gì! Vốn là dòng dõi con buôn, ít nhiều đã có truyền thống buôn lậu từ đời ông cố, Thế Lân nảy ra một ý: chẳng là bấy giờ triều đình tuyển chọn thái giám chỉ có hai cách – một là trưng dụng những kẻ sinh ra đời đã là bán nữ, bán nam, hai là chiêu mộ một số trai trẻ khỏe mạnh tình nguyện để cho ngự y châm cứu vào huyệt cốc-nhi hầu trở thành hạng bất lực. Trong đám thầy thuốc ở chốn triều đình chuyên trách vụ này, hẳn không thiếu những con người sẵn sàng đem cái lương tâm chức nghiệp ra làm hàng hóa trao đổi ở trên thương trường. Chỉ cần tìm ra mối lái, và có tiền nhiều, là giải quyết xong.

Sau ba tháng trời dò la tìm hiểu, Thế Lân gặp được ngự y họ Lưu là người như ý. Nguyên vị ngự y này thích vợ đẹp, nhưng đã ba lần chọn xong đều bị tuyển mất vào cung, nên ngấm ngầm nuôi oán hận đối với nhà vua. Nay thấy có dịp chuyển mối hận thù thành món tiền lời to sụ, nên bảo Thế Lân:

- Ta sẽ giúp ngươi đạt được nguyện vọng của mình, với hai điều kiện: một là phải trao cho ta một ngàn nén vàng, hai là trong vòng sáu tháng kể từ khi bước vào cung – không được có hành động gì như mọi sinh vật bình thường.

Số vàng quá lớn, song Chu Thế Lân thấy mình không thể bỏ qua cơ hội ngàn năm. Còn chuyện cần phải “án binh bất động” trong vòng sáu tháng, thì gã nghĩ mình cứ việc hứa liều. Sau đó, gã về bán hết nhà cửa, ruộng vườn, gom góp tư trang, vàng bạc để cho đủ số họ Lưu đòi hỏi, chỉ chừa được một chút vốn lận lưng và dành lại một ít tiền để gởi mẹ già vào sống trong chùa.

Thái giám được chọn dưới tuổi 25 và phải thuộc hạng thanh niên cường tráng. Thế Lân tuổi đời 24, lại là một người to béo, phương phi, được kể là tốt tướng nhất trong đám thí sinh. Đến ngày định mệnh, ngự y họ Lưu cầm kim chích trệch ra khỏi chính huyệt độ chừng vài ly, coi như một sự lầm lẫn về phần kỹ thuật, thế là xong việc. Và ba ngày sau thí sinh phải qua hội đồng khảo sát hiệu năng của cuộc châm cứu vừa rồi mới kể như là kết thúc. Họ Lưu bèn cho Thế Lân uống thêm mấy hoàn bổ âm, liệt dương để vượt qua cửa ải này, nhưng vốn hiểu biết dục vọng không đáy của giống loại người nên ông tăng liều để gã họ Lưu bị tê liệt hẳn sinh lý trong vòng sáu tháng, thời gian thừa thãi cho ông rời xa triều đình.

Đến ngày khảo chứng kết quả của cuộc châm cứu, thí sinh được gọi từng người vào một phòng riêng, do một hội đồng gồm có năm vị thái giám thâm niên chủ trì. Cả năm vị này được tuyển trong những thái giám nổi tiếng khắc nghiệt nhất ở cung đình. Công cuộc thẩm tra sẽ được diễn tiến hết sức cụ thể nhưng cũng vô cùng dung tục. Họ khám nghiệm lại thí sinh rồi bắt cởi bỏ hết các vải vóc trên người, đẩy vào một căn phòng kín. Thực ra quanh phòng có những lỗ nhỏ được ngụy trang khéo để các vị trong hội đồng có thể chễm chệ ngồi ở bên ngoài chõ mắt vào trong theo dõi nội tình mà người trong cuộc không sao hay biết. Bấy giờ chưa có các loại phim ảnh “con heo” để gợi tính dục, người ta thực hiện theo lối hoàn toàn thủ công. Ở đấy có sẵn một số nữ tỳ xinh đẹp và khêu gợi nhất, hoàn toàn khỏa thân, làm công việc này. Dĩ nhiên bọn họ đã được các lão thái giám cho dự một khóa huấn luyện ngắn hạn về môn kích động, theo đúng bài bản.

Thế Lân nhờ mấy hoàn thuốc của Lưu ngự y nên vượt qua mọi thử thách một cách êm xuôi, được xếp vào loại ưu hạng trong các thí sinh trúng tuyển. Với điểm cao ấy gã có thể được sung vào đội ngũ chánh quản tam cung, nhưng vì tân tuyển, chưa có kinh nghiệm, cần phải tập tành công vụ trong một thời gian ở hàng phó quản.

Như thế, nhờ có tham nhũng, một gã dâm ô như Chu Thế Lân đã nhập lậu được một thứ vũ khí vô cùng lợi hại – là cái cơ thể nguyên lành của gã – vào chốn hậu cung.

Gã được chính thức nhận chức vào đúng đầu xuân Giáp Tuất, và mới ngày đầu rảo qua A phòng mênh mông với đủ phòng ốc che phủ lụa là ngũ sắc, được chia phân thành từng ô sắp xếp theo dấu 10 can ở trong kinh Dịch, gã đã rối loạn tam tinh trước đám giai nhân lổn ngổn như một cảnh chợ phù hoa chỉ thấy nơi miền thượng giới. Gã đã dụi mắt, khịt mũi có đến trăm lần, bàng hoàng nhìn ngắm không sao tin được đây là cảnh thực. Ba ngàn cung nữ, được lựa lọc trong khắp cõi dân gian, mỗi người một vẻ, suốt ngày chỉ sống nhởn nhơ, chải chuốt điểm trang để chờ phục vụ cho mỗi một người ngồi trên ngai vàng. Và con người ấy, gã đã nhìn thấy tận mắt khi được vào cung quỳ lạy trong ngày nhận chức, là một ông cụ gầy yếu, hom hem, tuy cái tuổi trời chưa đến ba mươi.

Đôi khi Thế Lân cảm thấy lo âu trước sự bất động của cơ thể mình. Chẳng lẽ là Lưu ngự y đã lừa gạt gã? Nhưng nhớ lại mấy hoàn thuốc và lời dặn dò cấm kỵ trong vòng sáu tháng, gã lại yên lòng chờ đợi. Tranh thủ trong thời gian này, gã phải nghiên cứu chương trình hành động sao cho có thể khai thác tối đa vị trí mà gã đã mua bằng giá ngàn vàng. Nắm vững đường ra lối vào của từng khu vực, chạm mặt nhớ tên của mỗi phi tần, mua chuộc những bạn thái giám trong triều bằng những tiệc rượu thâu canh, dần dần gã đã tạo được uy thế là người tận tụy, trung chính, hết lòng vì vua, được các bề trên tín nhiệm và các cấp dưới nể phục.

Thuở ấy, xê dịch trong chốn tam cung lục viện, vua không dùng ngựa, vì ngựa ồn ào và cỡi nó phải tốn sức, mà chỉ dùng dê để kéo xe đi. Có lẽ dê là biểu tượng đúng nhất cho hoạt động này. Trên chiếc xe nhỏ bốn bánh bọc nhung, vua nằm ngả người lên nệm lông chim, phó mặc hai con dê đực to béo thong thả kéo xe đi rong khắp chốn nội cung. Triều đình qui định nghiêm ngặt để những cung phi lâm bệnh, hay là đang kỳ kinh nguyệt, cũng như ở thời thai nghén phải gài chặt cửa, không được lộ diện ra ngoài mỗi khi xe đến. Vua cũng trao quyền định đoạt cho dê, và nó dừng lại trước một phòng nào thi người cung nữ ở đấy phải lo chuẩn bị để khi đêm xuống sẽ vào hầu hạ nhà vua. Sử sách vẫn ghi câu chuyện các nàng cung phi rắc đầy lá dâu và tưới nước muối từ nơi đầu cổng vào sân để nhử dê vào. Bấy giờ, thái giám theo hầu ghi ngay vào sổ danh tính phi tần cùng với số hạng phòng ốc, khuôn viên – như là địa chỉ – và ngay đêm ấy, vào đầu giờ Tuất thì cầm lồng đèn kết hoa đi với bốn kẻ dưới quyền khiêng kiệu có phủ rèm điều đến chờ tại cửa. Bấy giờ cung phi đã ở tư thế sẵn sàng, sau khi tắm nước trầm kỳ, ướp xạ, xông hương, trang điểm lộng lẫy nằm chờ trong thế khỏa thân. Khi thấy lồng đèn xuất hiện, cửa phòng được mở, thái giám cầm lấy tấm chăn nhung đỏ mang theo choàng phủ lên người đàn bà để đám tùy tùng bồng đặt lên kiệu. Thế là lồng đèn dẫn đường, đưa kiệu tiến về nội điện. Đến nơi, thái giám ra hiệu dừng lại, bước lên thông báo cho đám thị vệ canh chầu mở cửa. Kiệu được đưa vào và dừng trước cửa thứ hai. Cứ thế đến cửa thứ năm, cung nữ được khiêng khỏi kiệu, đưa vào bên trong. Khi tùy tùng lủi ra ngoài, thái giám gỡ lấy tấm chăn để người cung nữ tiến vào nội phòng nhà vua. Thái giám lại quay ra ngoài, xếp chăn, ngồi đợi, cho đến tàn canh để khi được lệnh lại đem chăn vào khoác lên cung nữ và kiệu trả về chốn cũ. Đồng thời ông phải ghi ngay vào sổ ngày, giờ, năm, tháng cuộc hầu hạ này, để biết cho được chính xác nếu người cung nữ thọ thai.

Trước khi vào cung, Thế Lân quan niệm đời sống vua chúa và các hoàng hậu, cung phi, theo sự vẽ vời của các sách vở và các tuồng hát nên tưởng tượng nó vô cùng diễm lệ và đầy thơ mộng. Bây giờ, đối diện sự thật, gã rất bàng hoàng. Dần dần, gã lờ mờ nhận thức rằng tam cung lục viện chỉ là một trại tập trung tàn bạo phũ đầy nhung lụa để giam giữ cho trọn kiếp những kẻ nữ tù xấu số, và đúng hơn nữa là một cái chuồng nguy nga nhốt giữ những súc - vật - người để cung phụng cho dục vọng của kẻ có quyền sinh - sát. Vua chúa, ngoại trừ nhiều vị dầy công khởi nghiệp, đánh bắc dẹp đông là có công tích với dân với nước, còn đa số người kế vị chỉ là một lớp thụ hưởng, biếng lười, thích sự xa hoa, quen điều tàn ác. Nhận thức ấy lại khiến gã quyết tâm nhiều hơn trong những ý đồ hành lạc.

_________________________________________________________________
Còn tiếp 



Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

CHƯƠNG 9_BÔNG UẤT KIM HƯƠNG ĐEN


Chương 9 

 

 

Ba Tốn có mặt trong đám đông khán giả tham dự. Hắn cố len lỏi bước lần ra phía trước. Tia mắt hắn dán chặt, không phải vào cành Uất Kim Hương mà là vào cái bao đựng một trăm ngàn đồng tiền vàng đặt kế bên chậu hoa. 

 

Dân chúng lại vỗ tay sau mỗi câu tuyên bố của ông Thế Diễn. Ba Tốn vẫn nhìn chầm chập vào số vàng, như có ý sợ nó bay đi mất, nhưng hắn chưa thể bước lên khán đài để lãnh nhận được vì Hoàng tử chưa tới. Ngài sẽ trao cho hắn bao vàng và long trọng tuyên bố cành hoa này có tên là " cây Uất Kim Hương đen của Ba Tốn ". Hắn nhìn chăm chú những khuôn mặt của đám đông khán giả. Hắn rất ngại sẽ gặp khuôn mặt Mỹ Lan. Nhưng hiện thời nàng đâu rồi? Khi nàng xuất hiện liệu co điều gì rắc rối không đây? Hắn quan sát rất cẩn thận. Quả thật bóng dáng nàng không có ở đây. 

 

Đằng xa, bên cạnh đám đông người, một cỗ xe xuất hiện. Nhưng không ai chú ý vì mọi người còn mải nhìn ngắm cây hoa Uất Kim Hương. Cỗ xe phủ đầy bụi đất, những con ngựa đều lộ vẻ mệt mỏi rõ rệt? Chắc hẳn cỗ xe mới từ phương xa đến và đã trải qua một cuộc hành trình dài muôn dặm. 

 

Bên trong xe, Văn Bách ngồi bên Đại úy Phạm Thông. Anh mỏi mệt rã rời sau cuộc hành trình vất vả, đưa tia mắt lờ đờ ngó qua khung cửa xe, hướng về phía dân chúng. Văn Bách khẽ hỏi viên Đại úy : 

 

- Làm gì mà nhiều người bu lại ở công trường này thế? Ngày lễ hả ! 

 

- Đúng vậy! Một ngày Đại hội. 

 

- Vậy hả? Văn Bách tắc lưỡi đáng lẽ tôi cũng tham dự vào ngày hội vui này kia đấy. Nhưng bây giờ thì không còn gì có thể gọi là thích thú đối với tôi trên cõi đời này nữa. 

 

Cỗ xe tiến dần qua hội trường. Văn Bách khẽ reo: 

 

- Nhiều hoa quá. Bộ đây là một ngày đại hội về hoa phải không, Đại úy? 

 

- Phải, dân chúng ở Hà Lâm yêu hoa lắm! 

 

Gương mặt Văn Bách chợt vui tươi rạng rỡ: 

 

- Bông đẹp ghê! Muôn màu sắt tốt tươi, rực rỡ tuyệt vời. Tôi cũng yêu hoa lắm. Đại úy ạ! 

 

Viên sĩ quan chồm ra nói với người đánh xe: 

 

- Dừng lại, để anh ngắm nhìn những bông hoa một chút. 

 

- Cám ơn lòng tốt của Đại úy. Nhưng niềm hân hoan của những người khác chỉ khiến tôi thêm đau đớn, Đại úy cứ việc cho xe tiếp tục lăn bánh, tôi ngắm nhìn thế đủ rồi. 

 

- Được, tùy anh! Tôi chỉ ra lệnh ngừng lại là vì tôi nghĩ anh yêu hoa lắm. Hôm nay lại là ngày hội để mừng một cây hoa đặc biệt. 

 

- Hoa gì thế, Đại úy? 

 

- Uất Kim Hương! 

 

Văn Bách há lớn miệng, thảng thốt: 

 

- Hoa Uất Kim Hương? A! Té ra hôm nay là ngày hội lớn của cây Uất Kim Hương đó hả? 

 

- Phải! Nhưng nếu anh không cảm thấy thích thú gì thì chúng ta đi, nghe? 

 

- Khoan! Có phải giải thưởng được trao nội ngày hôm nay không ? 

 

- Vâng! Hôm nay trao giải thưởng cho cây Uất Kim Hương đen ấy đấy! 

 

Gương mặt của Văn Bách lợt lạt: 

 

- Tiếc quá! Nghĩ mà thương hại cho tất cả những người này, vì họ sẽ không thể trông thấy cái mà họ đang nóng lòng mong đợi. 

 

- Anh muốn nói gì vậy? 

 

- Họ đến đây để chiêm ngưỡng hoa Uất Kim Hương đen nhưng không ai có thể có được cây hoa ấy ngoại trừ một người mà chỉ riêng tôi biết. 

 

- Thì người đó đó, hôm nay, tất cả mọi người ở Hà Lâm đến để chiêm ngưỡng cây Uất Kim Hương đen mà. 

 

Văn Bách chồm hẳn ra khỏi cửa xe: 

 

- Cây Uất Kim Hương đen? Hôm nay? Đâu? Nó đâu? Có thật không...? 

 

Viên sĩ quan chỉ về phía khán đài: 

 

- Kia kìa, trên bàn đó! 

 

- Tôi không nhìn thấy gì hết! Cho xe tới gần chút coi! 

 

- Không được, chúng ta phải đi ngay. 

 

- Làm ơn cho tôi ngắm nó một chút! Một chút thôi! Trời ơi! Có thể như thế được sao? Cây Uất Kim Hương đen huyền hả? Cho tôi xuống xe để nhìn rõ hơn, đi! 

 

-Anh điên hả? Làm sao tôi có thể chấp nhận điều đó được? 

 

- Tôi van ông mà! Trời ơi! 

 

- Anh quên rằng anh hiện là một tù nhân à? 

 

- Tôi là một tù nhân, nhưng ông cứ tin nơi tôi, tôi hứa với ông rằng tôi sẽ không chạy trốn đâu. Hãy cho tôi được nhìn cây Uất Kim Hương đen một chút! Tôi van ông! 

 

Viên Đại úy lạnh lùng ra lệnh bảo người đánh xe cho xe chạy. Văn Bách đánh liều mở tung cửa xe, bước xuống đường, viên Đại úy hốt hoảng nắm anh lại. Văn Bách năn nỉ: 

 

- Hãy thương hại tôi! Cuộc sống của tôi tùy thuộc vào lòng tốt của ông! Cho phép tôi nhìn thấy bông Uất Kim Hương một chút, có lẽ nó là hoa Uất Kim Hương của tôi đó! Hãy cho phép tôi đi. Tôi phải nhìn thấy bông hoa bằng được. Sau đó, ông có thể giết tôi, nhưng tôi phải nhìn thấy nó đã. Nếu không... 

 

Viên Đại úy gắt ầm lên: 

 

- Im đi! Trở vào xe ngay! Hoàng tử đang đến kia kìa, nếu ngài thấy anh không vâng lệnh tôi, ngài sẽ trách phạt tôi đấy. Lên đi, rồi sau muốn gì thì muốn! Mau đi! 

 

Hoàng tử đang từ đằng xa tiến đến. Văn Bách chần chừ một lúc rồi bước trở lên xe. Anh không muốn vì mình mà vị sĩ quan bị phiền hà khiển trách. 

 

Hoàng tử và đoàn người ngựa tiến dần về phía hội trường. Lính cầm giáo đứng im phăng phắc, dàn chào hai bên đường. Một đội kỵ mã đi trước mở đường, Văn Bách thò đầu ra ngoài cửa xe lần nữa để nhìn đám rước hoàng tử đi ngang. Đúng lúc ấy, Hoàng tử sải ngựa đến gần cỗ xe. Ngài liếc nhìn Đại úy Phạm Thông, rồi Văn Bách. Chợt Ngài dừng lại, phán hỏi: 

 

- Người này là ai? 

 

Vị sĩ quan nhẩy vội xuống xe, đứng thẳng người: 

 

- Tâu Điện hạ, đây là kẻ tù nhân mà hạ thần đem từ La Vạn Tân đến theo lệnh truyền của Điện ạ. 

 

- Tốt lắm! Có chuyện gì lạ không? 

 

- Tâu Điện hạ, ông ta muốn dừng lại đây một chút. 

 

Văn Bách lên tiếng ngay: 

 

- Tâu Điện hạ, kẻ hạ dân này xin điện hạ cho phép được nhìn thấy cây Uất Kim Hương đen. Khi đã được nhìn thấy nó rồi, hạ dân xin sẵn sàng thọ tử. 

 

Vị Hoàng tử không trả lời, chỉ lạnh lùng ngó anh, đoạn hỏi Đại úy Phạm Thông: 

 

- Đây là người tù nhân gây lộn xộn ở La Vạn Tân và định giết người cai ngục phải không? 

 

Câu nói trên khiến Văn Bách chết điếng cả người. Anh không còn hy vọng gì nữa. Vị Hoàng tử đã biết quá rõ về anh, anh không còn thiết biện bạch và tự bào chữa cho mình nữa. Giờ đây, trước mặt vị Hoàng tử, anh chỉ như một đứa trẻ đáng thương bị bắt quả tang phạm lỗi, hết đường chối cãi. 

 

Nhưng vị Hoàng tử đã hiểu biết anh. Ngài phán: 

 

- Đại úy khỏi đến Tòa Tỉnh trưởng. Cứ cho tên tù nhân xuống xe, để y được nhìn cây hoa một chút. Cái nhìn của y đáng giá lắm đấy. 

 

- Cám ơn Điện hạ, cám ơn Điện hạ vô cùng! 

 

Văn Bách vội vàng mở cửa xe nhẩy xuống, anh luống cuống suýt té nhào xuống đất, nếu viễn sĩ quan không kịp đỡ. 

 

Vị Hoàng tử quay đi. Đoàn người ngựa lục tục theo sau, dân chúng hai bên đường hoan hô vang dậy. Vài người tò mò ngó Văn Bách đang hấp tấp cất bước, viên Đại úy theo bén gót. Ban nhạc bắt đầu trổi khúc. Vị Hoàng tử đã ngồi xuống chiếc ghế danh dự, ngay cạnh cây hoa Uất Kim Hương đen. 

 

Văn Bách được viên Đại úy cùng ba người lính đi kèm hai bên, tiến về phía khán đài. Càng đến gần, Văn Bách càng bàng hoàng cảm động. 

 

Thế rồi, anh đã thấy "nó"... Bông hoa mà anh chỉ được nhìn lần đầu tiên đồng thời cũng là lần chót và sẽ không còn bao giờ thấy lại nữa. Hai hàng thiếu nữ xinh đẹp đứng nghiêm trang hai bên cây hoa. Thật là một bông hoa kỳ diệu. Càng nhìn, Văn Bách càng thấy buồn bã trong lòng, anh quay nhìn mọi người chung quanh để hỏi một câu: 

 

-Ai là người sung sướng đã trồng được cây hoa đáng yêu này? 

 

Không một ai biết. 

 

Vị Hoàng tử đứng dậy. Ngài đưa mắt nhìn toàn thể khán giả tham dự, nhưng thực ra chỉ chú ý đến ba người. Trước mặt ngài là Ba Tốn đang thao láo nhìn ngài và số tiền với vẻ bồn chồn nóng nảy. Bên phải ngài là Văn Bách, đôi mắt, con tim, đời sống và tình yêu của anh như gắn chặt vào cây Uất Kim Hương trước mặt và bên trái là Mỹ Lan vừa xuất hiện, trang phục một bộ đồ trắng thật lộng lẫy, nỗi bật hẳn trên đám đông khán giả. Nhưng hàng lệ nóng đang long lanh trên đôi mắt Mỹ Lan. Một sĩ quan của Hoàng tử đứng bên cạnh để hộ vệ. 

 

Nhìn rõ tia mắt của ba người, Hoàng tử biết rõ là họ không nhìn thấy nhau vì Hội trường đông người quá. 

 

Cả năm mươi ngàn người lắng nghe vị Hoàng tử nói. Ngài nói một cách hiền từ, êm dịu: 

 

- Hẳn tất cả đều biết lý do hôm nay chúng ta có mặt tại đây. Một giải thưởng một trăm ngàn đồng tiền vàng sẽ được trao cho bất cứ ai trồng được một cây hoa Uất Kim Hương màu đen và cây Uất Kim Hương đen đó đã xuất hiện. Hiện bông hoa quý đang ở đây, trước mặt chúng ta. Lai lịch của nó, được mọc ra và lớn lên như thế nào, trong trường hợp nào, tên của người trồng hoa là gì, tất cả sẽ được ghi lại trong cuốn sổ vàng danh dự của thành phố. Bây giờ hãy để chủ nhân của cành hoa Uất Kim Hương tiến lên đây. Xin mời! 

 

Tiếng vỗ tay vang lên như sấm. 

 

Hoàng tử theo dõi phản ứng của ba người. Ngài chú ý nhìn Ba Tốn, Văn Bách và Mỹ Lan. Ba Tốn vội vã đẩy mọi người vẹt ra hai bên để tiến lên, ánh mắt đầy tham vọng. Còn Văn Bách chỉ ngẩng lên, nhẹ nhàng tiến chút ít về đằng trước rồi dừng lại. Anh sững sờ khi thấy một người lính giúp đỡ Mỹ Lan, hướng dần cô gái bước lên khán đài. Nàng đẹp lộng lẫy, đầu hơi cúi thấp. Mái tóc vàng óng ánh xõa trên đôi vai thon nhỏ, Ba Tốn khựng lại, mặt hắn đỏ rực lên vì giận dữ. Văn Bách mừng quá la lớn: 

 

- Mỹ Lan! Mỹ Lan! Em! 

 

Vị Hoàng tử đứng trên khán đài chờ Mỹ Lan đến bên và hỏi: 

 

- Hoa Uất Kim Hương này của cô nương phải không? 

 

- Tâu Điện hạ, đúng như thế! 

 

Và Mỹ Lan còn nói những gì nữa Văn Bách không nghe rõ. 

 

Giọng Văn Bách lạc hẳn đi: 

 

- Tôi bị quên lãng rồi sao? Tôi yêu nàng, và nàng đã quên tôi! Trời ơi! 

 

Hoàng tử dõng dạc tuyên bố: 

 

- Hoa Uất Kim Hương đen này được gọi là hoa " Uất Kim Hương đen của Mỹ Lan - Văn Bách". Văn Bách sẽ là tên được đặt trong tương lai cho thiếu nữ này. 

 

Văn Bách chạy như bay về phía trước, lòng tràn ngập sung sướng. Hoàng tử cầm tay Mỹ Lan đặt vào tay Văn Bách. Lúc đó, mọi người thấy ông Thế Diễn khẽ đưa khăn lên chậm nước mắt, khán giả xầm xì ngơ ngác. Đồng thời lúc đó, một người vội vã rời khỏi đám đông, đó là Ba Tốn: tất cả hy vọng của hắn đã tan biến mau chóng như làn khói bay. Hắn xô vẹt tất cả mọi người hai bên cắm đầu bước đi. Cái đầu cố hữu vẫn đưa về phía trước, lắc lư. Ngày hội vui tiếp tục. Ban nhạc trổi một khúc vui tươi. Các quan khách trên khán đài lần lượt bước xuống và rời khỏi công trường. Giữa họ là Mỹ Lan, Văn Bách, tay trong tay, sung sướng đi bên nhau. Họ đến Tòa tỉnh trưởng. Cây Uất Kim Hương và bao tiền vàng được mang theo. Bỏ lại đằng sau đám dân chúng đang vui vẻ tham dự phần văn nghệ phụ diễn và các trò giải trí trong ngày đại hội. 

 

Hoàng tử chỉ vào chiếc bao đựng một trăm ngàn tiền vàng đang đặt bên cạnh cây Uất Kim Hương nói với Văn Bách: 

 

- Quả là khó khăn để giải quyết việc số tiền này sẽ thuộc về ai, về túc hạ hay về Mỹ Lan? Túc hạ Văn Bách, đã có công vun trồng bọc kính, nhưng Mỹ Lan lại có công trồng và săn sóc nó cho tới khi trổ hoa. Vây ta sẽ trao số tiền này cho Mỹ Lan trong dịp lễ cưới. Số tiền là giải thưởng được trao cho Mỹ Lan không những để thưởng công trồng hoa Uất Kim Hương đen mà còn để thưởng tấm lòng thành thật ngay thẳng và can đảm của cô nương nữa. 

 

Hoàng tử lấy trang giấy trong quyển thánh kinh của Vũ Bình, đặt vào tay Văn Bách: 

 

- Túc hạ phải cám ơn Mỹ Lan, vì cô ấy đã trồng hoa, đồng thời chứng minh được cho túc hạ là vô tội. Túc hạ được phóng thích khỏi ngục ngay từ bây giờ. Túc hạ đã bị giam trong tù vì một tội mà túc hạ không vi phạm. Nhà của túc hạ, đất đai và tiền bạc của túc hạ sẽ được trả lại tất cả cho túc hạ. Túc hạ là một người bạn tốt của anh em ông Vũ Bình. Thế hệ của túc hạ kế tiếp hai ông, nhưng túc hạ đã giữ được giá trị còn lại của hai ông. Anh em ông Vũ Bình là những người của lịch sử. Tiếc thay, họ đã bị giết vào lúc quốc gia đang thời kỳ lộn xộn, dân chúng phẫn nộ. Nhưng quốc gia của họ, nước Đại Hòa Lan rất hãnh diện về họ. 

 

Hai kẻ yêu nhau quỳ xuống trước vị Hoàng tử. Ngài nói với giọng buồn buồn: 

 

- Được rồi, hãy đứng lên đi, hai người sung sướng bên nhau, ta vui lòng lắm. Hai người có diễm phúc hơn Hoàng tử của hai người nhiều. Ta luôn mơ đến một ngày huy hoàng rực rỡ của nước Hòa Lan ta. Và hai người mơ một giấc mơ thực tế hơn, màu sắc rực rỡ của những bông hoa đang chờ đón trong tương lai. 

 

Câu chuyện chấm dứt ở đây. 

 

Văn Bách, Mỹ Lan tổ chức lễ cưới. Họ sinh hạ được hai đứa con xinh xắn và trồng rất nhiều hoa Uất Kim Hương. Về phần Ba Tốn, hắn đi biệt tăm từ đó. Có người cho biết hắn đã tự tử chết, vì quá thất vọng và xấu hổ. 

 

Một điều đáng nói nữa là ông già Nguyễn Quân. Ông đã đổi nghề cai ngục ra nghề gác vườn. Ông về sống với vợ chồng Văn Bách và giữ việc trông nom săn sóc những bông hoa như một người cai ngục trông coi tù nhân vậy: Nhũng bông hoa đua nở, trổ sắc thắm tươi, vươn lên hàng hàng lớp lớp, rực rỡ cả một khu vườn tươi mát. Trong vườn, Nguyễn Quân đi đi lại lại, say mê tưới nước và dĩ nhiên không một con mèo nào dám bén mảng tới khu vườn thơ mộng do ông chăm sóc. 

 

Phía cao, trên cánh cửa căn nhà Văn Bách đang ở, một hàng chữ được kẽ rõ ràng: 

 

"Những ai đã chịu đựng nhiều rủi ro sẽ được hưởng hạnh phúc bền lâu". 

 

"Ở hiền gặp lành". 

 

Lẽ đời tất nhiên là như thế.                           

 

Ngọc Thông             

phỏng dịch               

(Nguyên bản: "THE BLACK TULIP"

của ALEXANDRE DUMAS)