Thứ Hai, 31 tháng 8, 2020

LỄ VU LAN MÙA BÁO HIẾU - Nguyễn Hùng Trương


Các em thân mến,

Hằng năm cứ đến ngày rằm tháng bảy âm lịch, đồng bào Phật giáo thường hay làm lễ cúng cô hồn tức là cúng những vong hồn hoang không người thờ phượng. Lễ này cũng thường được gọi là Lễ Vu Lan hay Lễ Trung Ngươn. Nhân dịp lễ này, con cháu thường hay phát tâm lành cầu nguyện Trời Phật phù hộ cha mẹ, ông bà được sống lâu, mạnh khỏe và vong hồn người thân chết sẽ sớm siêu thăng về cõi Phật. Nguồn gốc lễ Vu Lan có lẽ do sự tích Phật Như Lai chỉ bảo cho Mục Kiền Liên cách cứu rỗi linh hồn mẹ là Thanh Đề, khi còn sanh tiền đã phạm nhiều tội lỗi.

Ngày lễ Vu Lan cũng là ngày mà con cháu tưởng niệm đến công ơn dưỡng dục của cha mẹ, ông bà. Nhà Phật thường hay khuyên nhủ trong ngày này con cháu nên ăn chay, làm lành để cầu nguyện cho vong linh người quá cố, chớ không nên giết hại sinh vật để cúng kiến, người chết không hưởng được gì còn mang thêm tội lỗi.

Mùa lễ Vu Lan, cũng được gọi là mùa báo hiếu.

Tình cha mẹ thương con thật là vô bờ bến. Ngày xưa Thầy Tăng Tử đi đốn củi trong rừng, mẹ ở nhà lo sợ con gặp sự nguy hiểm đến cắn đứt ngón tay.

Bổn phận của con cái là phải thương yêu cha mẹ.

Biết bao tấm gương hiếu thảo được ghi chép trong sử sách.

Vua Hán Văn Đế tự tay sắc thuốc dâng lên mẹ già.

Thầy Tử Lộ đi đội gạo mướn để lấy tiền nuôi cha mẹ. 

Phạm Ngũ Lão lo ngồi đan sọt bán đổi gạo về nuôi mẹ, quên cả đau đớn khi quân binh Trần Hưng Đạo mở đường dùng ngọn mác đâm vào đùi.

Ca dao ta có câu:

   Đội ơn chín chữ cù lao
Sanh thành kể mấy non cao cho bằng.

Đức Khổng Tử khi giảng về chữ Hiếu có nói rằng: Khi cha mẹ còn sống, phải phụng sự cho hợp lễ. Khi cha mẹ khuất phải lo tống táng cho hợp lễ và cúng tế cho hợp lễ, mới không trái đạo làm con.

Các em thân mến,

Tục ngữ Trung hoa cho rằng: Đạo hiếu có ba hình thức: hình thức cao nhứt là giúp đỡ cha mẹ, kế đó là không làm buồn lòng cha mẹ và chót hết là chịu đựng.

Các em chớ nên bắt chước một số người, khi cha mẹ còn sống không thèm ngó ngàng gì đến. Cha mẹ mất, bèn làm cỗ bàn linh đình cúng kiến nhưng cha mẹ còn ăn được gì đâu, thật đúng với câu ca dao:

   Lúc sống thì chẳng cho ăn,
Để đến khi chết làm văn tế ruồi.

Nhân ngày Lễ Vu Lan, chúng tôi nhắc đến tình cha mẹ để các em suy nghĩ rồi mến yêu cha mẹ nhiều hơn, nhất là khi cha mẹ còn sống, vì nhiều lúc, con muốn nuôi cha mẹ mà cha mẹ chẳng chờ.

Thân mến chào các em        
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 102, ra ngày 10-8-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

GỞI VỀ TUỔI ẤU THỜI - Văn

Thuyền chở chuyên vạt nắng sắp về trời
Mẹ lơi mái chèo, gió đã lên khơi
Bàn tay sóng đẩy đưa tung ngọn nước,
Rơi rớt mặn mà, áo mẹ mồ hôi...

Xuôi qua dòng sâu bằng buổi nhọc nhằn
Bè rau muống xanh đổi lấy miếng ăn
Tảo tần vất vả mẹ mong con lớn
Xanh thêm tuổi trời trong vóc thơ măng

Liệu đến khi con tập nói mở lòng
Mẹ nghỉ đôi giờ dạy đọc cho thông
Nhìn con chúm chím nhẹ lời kêu mẹ
Rạng rỡ làm sao trăm đóa môi hồng.

Rồi mốt rồi mai ấu thời mây bay
Mẹ tuổi già nua như nắng cuối ngày
Thuyền chở rau xanh đưa về bến lạ
Chở cả cuộc đời mẹ sống cho ai...

                                                        VĂN

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 128, ra ngày 1-5-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2020

BA! MẸ! - Đỗ Phương Khanh


Các em ơi! Hôm nay chị lại nói về cái tôi. Nhưng cái tôi này rất đáng thương, chứ không đáng ghét lắm đâu, các em.

Thủa nhỏ, tính tình chị rất khó chịu (bây giờ thì cũng còn tệ lắm, nhưng đã đỡ hơn rồi đó). Với bạn bè, chị hay giận dỗi, và đối với người giúp việc cho ba mẹ, chị coi thường họ lắm. Chị sai họ bằng cái giọng trịch thượng, và khi họ làm gì cho chị (mà họ lại làm cho chị rất nhiều) chị không hề biết cám ơn.

Hồi xưa, ở ngoài Bắc, kinh tế khó khăn, thất nghiệp nhiều, nên người nghèo kiếm việc rất khó. Vì thế họ ráng nhẫn nhịn cho khỏi mất chỗ làm. Với đầu óc nhỏ hẹp, chị chỉ nghĩ là họ có bổn phận phải phục vụ và coi như là trời sinh ra thế, chẳng bao giờ phải thắc mắc gì hết về những hành động vô ý thức của mình.

Mẹ chị hiền lắm nên hầu như suốt đời không làm mất lòng ai, kể cả con cái, mẹ chị cũng không hề rầy la. Anh em chị coi mẹ như ông Thiện trên chùa. Ba chị thì bôn ba ngược xuôi quanh năm nên không theo dõi các con kỹ lưỡng được.

Một hôm, vào kỳ nghỉ, ba chị chứng kiến tận mắt cảnh hách xằng của chị đối với bà vú già, ba rầy chị mà bao năm qua, chị còn nhớ. Đại ý thế này:

- Con ơi! Con nói với người làm giọng đó, ba đau lòng. Một đời người dài dằng dặc, con sẽ có thể gặp biết bao nhiêu bất trắc, chiến tranh, bệnh tật, thiên tai v.v... ngoài ý muốn. Có thể, con sẽ trở thành một người nghèo khổ, đáng thương. Rủi tới cảnh đó, mà con còn gặp được người tử tế, thương mến con, dịu dàng an ủi con, dù ba không còn để giúp đỡ con, linh hồn ba cũng yên. Chứ cứ nghĩ đến mai sau, có thể con sẽ bị hắt hủi, sỉ nhục như con vừa xử với u già, thì ba không thể nhắm mắt được.

Đã hơn hai mươi năm qua, chị còn nhớ cái nét mặt của ba, cái nỗi khổ tâm và thương xót của ba đối với sự kiêu ngạo dại dột của con cái.

Sau dịp đó, ba lưu ý đến các con hơn, ba dành thêm nhiều thì giờ để dậy dỗ các con, nhiều khi ba gay gắt. Các anh em chị nhiều lúc oán ba lắm. Ba chị biết nhưng không vì thế mà ba bỏ mặc con cái để cầu lấy sự yên ổn cho mình.

Trong các thư các em gửi cho chị, các em thường hỏi chị bao nhiêu tuổi, và tưởng tượng rằng chị trẻ đẹp. Dù có làm các em thất vọng, chị muốn các em biết sự thật. Chị đã lớn tuổi và không đẹp. Nhưng dù lớn tuổi, dù không đẹp, hai điều làm các em có thể không thích, nhưng chị nói câu này từ trái tim chị, là chị yêu thương tuổi trẻ với tất cả các lỗi lầm của tuổi trẻ, vì chị cũng đã có tuổi trẻ với nhiều lỗi lầm. Nhưng chị muốn các em đừng mua kinh nghiệm bằng giá đắt, chị thiết tha mong các em suy nghĩ lời của chị.

Trong nhiều cuốn sách, chị đọc thấy tác giả đề tặng hương hồn cha mẹ ngay ở đầu sách. Chị rất xúc động và thương các tác giả đó đã không còn được cảm ơn cha mẹ lúc người còn sống nữa.

Chị may mắn hơn, chị còn cả cha mẹ. Chị xin các em vui lòng dành cho chị mấy hàng để chị cám ơn ba mẹ chị.

Kính thưa ba mẹ.

Nếu trong đời, con có làm được điều tốt lành nào, con vô cùng cám ơn ba đã hết lòng dậy dỗ con khi con còn nhỏ, dù ba biết con vì còn khờ dại, mà oán trách ba. Nếu con có biết nhường nhịn ai, hòa nhã với ai, con hết lòng cám ơn gương hiền hậu của mẹ. Con muốn được cám ơn ba mẹ ngay khi ba mẹ còn trên đời. Vì nếu rủi mà con qua đời trước, không kịp nói lên những lời này, thì con tin rằng linh hồn con sẽ áy náy xiết bao.

Các em thương yêu! Năm nay ba mẹ chị đều đã bảy chục tuổi. Ba mẹ chị đã quên hết những lỗi lầm của con cái hồi nhỏ. Vậy mà trông thấy mái tóc bạc của ba mẹ, chị vẫn ân hận rằng lúc nhỏ đã suy xét nông nổi mà oán hận sự dậy dỗ gay gắt của ba.

Tất cả những hàng trên, chị viết trong nỗi xúc động sâu xa nhất, chị dành tặng tất cả các em, những người đã yêu quí và tin cậy chị, với lòng thiết tha mong các em được Thượng Đế giúp cho sáng suốt hơn chị, để những ngày hồng tươi trong tương lai các em sẽ không bị một áng mây nào của sự ân hận che mờ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH    
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 16, ra ngày 28-11-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2020

TRÔI XA - Thương Vũ Minh


Vạt nắng chập chùng bên tóc thơ
Chân bước từ đây bỗng bụi mờ
Người về ru lá xanh ngần ngại
Một chút tình bay trong tiếng tơ

Trời đất mang buồn năm ngón tay
Tiếng hát nào đưa em qua đây
Có nghe hạ vỡ từng câu nhớ
In mãi trong tim một dáng gầy

Có những mùa thu qua xanh xao
Ai đứng bên sông như thuở nào
Tóc rối bờ vai thơm tuổi ngọc
Giọt nắng đưa ngày trôi qua mau

Em nghe tháng tám trời giăng hoa
Ai cúi đầu đi dưới tháp ngà
Không ngước mắt nhìn lên cao vút
Nến hồng lặng lẽ dấu chim xa

Rồi hàng cây khóc buồn tàn thu
Chim về một sớm trời âm u
Nắng lên vỡ vụn như ngày tháng
Chân bước từ đây bỗng bụi mù

                               THƯƠNG VŨ MINH

(Trích từ bán nguyện san Ngàn Thông số 5, ra ngày 5-7-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Năm, 27 tháng 8, 2020

KHÔNG BAO GIỜ CÓ MỘT BỨC THƯ CHO BOB - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch


Hồi đó tôi làm giáo sư một trường Trung học con trai. Một học sinh tên là Bob, trái hẳn với các bạn, không bao giờ nhận được một bức thư nào cả. Vậy mà buổi chiều nào em cũng mau chân nhất, chạy lại chỗ đặt các hộc riêng chăm chú ngó vào hộc của em cho tới khi thư phát hết rồi mới quay ra.

Không phải là gia đình em quên em đâu. Tiền ăn ở trong trường, tiền tiêu vặt của em vẫn gởi tới đều đều đúng hạn. Tháng sáu, ông Hiệu trưởng nhận được thư xin cho em đi nghỉ ở một trại hè. Thì ra viên thư ký của thân phụ em lãnh nhiệm vụ lo cho em tất cả những chi tiết đó. Nhưng song thân em không ai viết cho em một bức thư nào cả. Khi em kể lể với tôi rằng ba má em đã li thân nhau, tôi mới hiểu tất cả nguyên do.

Và tội nghiệp em, em vẫn tiếp tục trông thư một cách tuyệt vọng.

Tôi thường đem tình cảm sầu thảm của em ra nói với một ông bạn đồng nghiệp, ông Joe Hargrove. Ông ấy bảo:

- Nếu em đó ít lâu nữa mà không nhận được bức thư nào cả thì đáng ngại cho em lắm. Có thể tai hại.

Thế rồi một bạn học thân nhất của em, tên là Laurent nảy ra một sáng kiến. Laurent ở trong một gia đình hòa thuận, có hạnh phúc, tuần nào cũng nhận được nhiều bức thư của cha mẹ, cả của anh chị em nữa. Một hôm Bob rầu rĩ ngó xấp thư Laurent cầm trong tay. Laurent thấy vậy, bảo ngay:

- Bob, vô trong phòng tôi đi, tôi đọc thư của má cho Bob nghe.

Một lát sau tôi thấy hai em ngồi sát nhau cùng bàn tán về bức thư đó.

Chiều hôm sau tôi nhận thấy khi phát thư, Bob chẳng những ngó hộc của em mà còn ngó hộc của Laurent nữa!

Bob hỏi bạn:

- Lại có thư của má anh nữa hả?

- Không, hôm nay là thư của chị tôi.

Rồi Bob hỏi một bạn khác:

- Anh có thư của má anh không?

- Có.

- Anh cho tôi đọc chung với nhé?

- Ừ! Để tôi đọc lớn tiếng lên nhé?

Từ hôm đó, Bob tha hồ đọc thư của bạn.

Khắp tứ phía, nhao nhao lên:

- Ê, Bob, hôm nay muốn đọc thư của má không?

Tụi con trai đôi khi có vẻ tàn nhẫn, không giữ ý gì cả. Nhưng tuyệt nhiên tôi không thấy một em nào thốt một lời mỉa mai bóng gió hay chế giễu gì em Bob cả. Một hôm tôi kinh ngạc nghe em Bob tự do hỏi ngay Laurent:

- Hôm nay chúng mình có thư không?

Như vậy có dễ thương không chứ! Nên thưởng cho các em nhiều kẹo, nhiều bi mới phải! Laurent mỉm cười đáp liền, không hề do dự:

- Có, hôm nay chúng mình có một bức.

Chuyện đó làm cho ông Joe Hargrove quyết tâm hành động. Tôi thì tôi cho má em Bob là hạng người ra sao rồi. Nhưng ông Joe đã gặp bà ta nhiều lần, định làm liều xem sao. Một hôm ông ta lại kiếm tôi, tay cầm sáu bức thư đánh máy và sáu bao thư đề địa chỉ của Bob, dán cò sẵn sàng. Ông ta bảo:

- Coi này, tôi gởi cho bà Lennoux đây. Bà ta chỉ cần ký tên: "Má của con" rồi mỗi tuần bỏ một bức vào thùng thư.

Tôi đọc những bức thư đó, viết được lắm.

Ít bữa sau, Bob cũng lại ngong ngóng đợi ở chỗ đặt các hộc riêng, nhưng chú hết ý vào cái hộc của Laurent. Bỗng học sinh lãnh việc phát thư, la lên:

- Ê, Bob, mày có thư này! có thư này!

Bob nhẹ nhàng đưa hai tay lên, cử chỉ y hệt một thiên thần đương cầu nguyện, để đỡ lấy bức thư. Em nói, như thể vẫn chưa tin:

- Ờ, có tên tôi ngoài bao thư nè!

Rồi em la lên:

- A! Tôi cũng có thư! Tôi cũng có thư! Anh em ơi, có ai muốn đọc thư của tôi không?

Những đứa khác cũng vui mừng, đồng thanh la lớn:

- Có! Có! Bob, đọc thư của bồ lên, đọc lên!

Cuộc phát thư tức thì tạm ngưng lại. Chúng đùn Bob lên cho đứng trên một cái bàn rồi cả bọn vây chung quanh.

Bob ngập ngừng đọc:

- Con cưng của má!

rồi ngẩng lên nói:

- Tôi không đọc nhanh được!

Laurent bảo:

- Không sao, Bob! Cứ đọc chầm chậm, càng tốt. Đọc chậm mới hiểu rõ từng chữ chớ.

Và Bob chậm chạp đọc bức thư đó, lời lẽ âu yếm như bức thư của bất kỳ bà mẹ nào gởi cho con.

Tháng sáu, buổi phát phần thưởng, tôi thấy má em Bob lại dự. Tôi không ngạc nhiên về điều đó vì, sau khi gởi hết mấy bức thư ông Joe viết sẵn cho rồi, bà ta đích thân viết cho con ; quả là một phép mầu! Bob đã cho tôi coi bức thư bà báo trước sẽ tới dự buổi lễ. Phát phần thưởng xong, bà kéo tôi ra một chỗ, hỏi tôi:

- Bà thấy thư tôi viết cho cháu được không?

- Được lắm!

Bả ta nói tiếp, giọng hơi ngập ngừng:

- Tôi nhờ bà nói về tôi cho cháu Bob nghe... Vợ chồng tôi đã hòa thuận với nhau hơn trước, và chúng tôi tính với nhau nghỉ hè này cho cháu về nhà, và... chúng tôi sẽ tìm cách hiểu cháu hơn.

- Xin bà yên tâm, tôi sẽ hết sức giúp bà.

Tôi có cần nói thêm rằng không có công việc nào làm cho tôi vui bằng công việc đó không?


Louise Baker            

NGUYỄN HIẾN LÊ tuyển dịch
trong Ý CAO TÌNH ĐẸP    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 103, ra ngày 17-8-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

VỀ LÀNG - Phan Nhựt Chiêu


Tôi theo chị Phương về làng Long Sơn trong hè năm nay. Dễ chịu khi chiếc xe đò xa dần Sàigòn, thủ đô Việt Nam được chưng diện huy hoàng bởi "Made in U.S.A.", "Made in Japan", "Made in France"...

Nhìn lại cái thân tôi. Cái mũ ni lông cầm trong tay mà mẹ tôi đã cẩn thận trao cùng cả trăm câu dặn dò. Ra nắng phải đội nón. Đừng tắm sông. Đừng leo núi cao quá... Chiếc áo Tétoron, đôi dép nhật. Nếu tôi có chiếc HONDA 90 cc để chạy thì từ trên đầu tới dưới chân mang cả xa lạ ngoại quốc để về làng.

Nói thế không phải để khoe sang mà thật ra kiếm được một món đồ "Made in V.N" thật không dễ chút nào.

Xa rời thành phố hào nhoáng mang nhiều mầu sắc người ta, tôi dề quê mong rồi sẽ tìm thấy một đất Việt và bao nhiêu người Việt đáng yêu.

Trên đường từ bến, chị tôi đã phải gật đầu và đáp bao nhiêu câu hỏi, câu trách của người lớn. Còn tôi, từ người lớn đến trẻ em nhìn chăm chăm mà tôi biết dù có "can đảm" nhìn lại, họ cũng chẳng quay đi. Có gì đâu. Tôi là khách lạ, là dân Sàigòn! Khó chịu khiến tôi bước mau hơn.

Nhà chị tôi, mái tranh nâu, vách đước đen. Hàng giậu trang hoàng những bông dừa hồng thắm, trắng nõn. Đơn sơ nhưng rạng rỡ biết bao.

Buổi trưa nắng gắt nên tâm hồn tình tứ tôi cũng mệt rồi. Nó không cho tôi đứng đó mà say mê. Tôi vào nhà. Người ta vào theo để mừng chị tôi và ngắm tôi.

Một người đàn bà nói với chị tôi mà rướm nước mắt:

- Tưởng cô Ba đi luôn rồi, bỏ dân Long Sơn tụi tui. Cô đi hơn nửa tháng rồi đó. Người ta nhắc, cô không nhảy mũi hả?

Chị tôi cười, phân trần:

- Ba tôi bệnh, thím Mười à...

Chị tôi là một cô mụ, một y tá ở đây. Từ ngõ Giồng Son lên đến Gò xu, Đất sét ai cũng mến thương.

Đến tối, chị tôi nói thím Mười khóc vì mừng. Tại chị có ý định trở về quê mẹ sau khi anh Ba chết, nên dân làng ngờ chị viện cớ cha bệnh để bỏ họ.

Chị lo rằng sau này từ giã họ, chắc họ không cho chị đi đâu.

Anh Ba lưu lạc khắp nơi, đến đây mến cảnh mến người định ở lâu dài như quê cha đất tổ.

Trời mưa, tôi đưa võng với Ánh. Cô bé năm tuổi, ngọng nghịu:

- Ánh "át" cho cậu nghe nhá?

- Ừ, Ánh "át" bài gì nào?

- "Át" bài "Chời mưa găm găm" há.

Rồi láu táu, cô bé đọc:

"Chời mưa găm găm"
"Cây châm có chái"
Con gái có chồng
Đàn ông có vợ
Đàn bà có con
Nước chảy bon bon
Con vượn bồng con
"Gên non ái chái"
(Lên non hái trái)
Một bông cà
Hai bông bí
Con gái nhà "Chí" (Tý)
Mặc áo "chía chô" (Tía tô)
Ăn no "gồi" ngủ
Có cây "chu" đủ
Có "chái dù đù" (lù đù).

Ánh dễ thương, hát nhiều bài mà tôi thích vô cùng. Cô bé còn dạy tôi nữa.

Chiều hôm sau tôi đến nhà chú Sáu chơi. Chú đang đan lưới. Đôi tay thoăn thoắt khiến tôi hoa cả mắt.

Tôi chợt thấy trên vách treo đầy bóng đèn điện! Cái tròn, cái dẹp. Trên bàn, chiếc đèn dầu đang cháy.

Chú Sáu rót nước trà. Tôi ngạc nhiên khi chú đưa cái ly giấy đầy chữ Mỹ.

Tò mò nhìn quanh, tôi gặp hai bánh xe nhà binh đã mòn nằm trước cửa.

"Made in USA" ở đâu mà vô lý như thế này? Tôi nghĩ vậy nhưng không tiện hỏi chú Sáu.

- Mai Linh tới đi kéo lưới với chú nghe. Hồi đó Linh nhỏ xíu mà bây giờ lớn thấy sợ.

Tôi quay lại mừng rỡ khi nghe chú Sáu rủ đi kéo lưới.

Một đám trẻ chơi trước cửa. Tôi ra đứng xem.

Ba đứa khom lưng ôm eo nhau làm bò. Đứa đầu ôm chặt thân cây mãng cầu. Ba đứa khác lần lượt nhảy lên lưng bạn. Ngồi gọn trên lưng bò rồi ba đứa đắc thắng chu miệng giả tiếng xe gắn máy nổ. Buồn cười không? Thằng Gái kêu:

- Su-du-ki chạy êm quá ta.

Tôi không nhịn cười được:

- Trời ơi! Chơi nhảy bò gì mà rồ máy "ruộng... ruộng", "Su-du-ki" nữa.

Gái vênh mặt:

- Anh biết "ếch ếch" năm mươi không? Chạy sú dách. Anh có cỡi hông? Tụi tui chơi nhảy bò kiểu Sàigòn mà.

Tôi lắc đầu:

- Tôi không biết "ếch ếch" năm mươi mà tôi biết đi soi ếch. Tối nay tụi mình đi không?

Gái phá lên cười:

- Anh nói chuyện ngộ quá chừng.

Dân Sàigòn mà.

- Ngộ gì? Đâu bằng Gái biết chạy Su-du-ki.

- Su-du-ki gì?

Vừa lúc đó "bò" rống lên một tiếng và hất cả đám té xuống cỏ lăn cù. Gái lồm cồm:

- Thấy không! Bò vật té đó.

Tôi cười:

- Té bò không sao chứ té Su-du-ki thì tiện lợi khi vào nhà xác rồi.

Tôi về. À thì ra ở đây cũng không thiếu "Made in U.S.A", "Made in Japan". Tôi lên võng nằm nghe Ánh hát "nghe vẻ nghe ve, nghe vè con Chúc, trâu ăn mấy chút, bắt chủ tôi đền..."

Sáng sớm Lượm tới kêu tôi đi kéo lưới. Lại nhà chú Sáu ăn bánh cốm ngọt ngay, uống nước trà đắng như thuốc. Tôi theo chú xuống ghe máy.

Ánh sáng mặt trời như con rắn chạy trên mặt nước hay lặn xuống đáy. Bốn bề là rừng núi xanh cả lá cây.

Trông ra Cấp, mấy chiếc tàu lớn đậu dài.

Chú Sáu tìm phao và hai cha con bắt đầu kéo lưới lên.

Một chốc, chú giũ đi những con chôm chôm, những đống sứa như mỡ, những con sao vô dụng.

Tôi sốt ruột vì chưa thấy cá tôm gì cả.

Mấy con cua mắc lưới. Lượm gỡ nó tài tình, quẳng xuống khoang. Chú Sáu kêu:

- Hà! Một con cá Chét.

Chú gỡ ra, dùng ngón tay cạo vảy móc mang.

- Cá Chét muối mặn ăn cháo trắng ngon lắm. Chú phơi khô mai mốt Linh đem về Saigon ăn.

Lưới bắt đầu vướng nhiều tôm cá. Tôi reo vui và đưa tay kéo với Lượm. Chú Sáu cảnh cáo:

- Bùn dính vào áo giặt không ra nghe.

Tôi vội vã buông lưới khoát nước sông rửa những vết bùn lấm tấm trên áo, chợt thấy nhiều vật lềnh bềnh trôi trên sông.

Kéo xong mẻ lưới, Lượm mừng rỡ vớt mấy cái bao nhỏ, bóng đèn, ly giấy... Tôi nhớ những vật "Made in U.S.A." ở nhà chú Sáu mà tôi thấy hôm qua.

Chú Sáu chèo thuyền đến mẻ lưới khác. Tôi hỏi Lượm:

- Ở đâu mà mấy cái này trôi nhiều vậy?

- Của Mỹ đó. Nó bỏ nhiều cái uổng lắm mình lượm về chơi.

Lượm giũ và lấy áo lau khô mấy bao giấy rồi nói:

- Trong này có điếu thuốc, la de, có kẹo nữa. Còn nguyên hà. Hổng biết sao tụi nó bỏ. Để lát về tui mở ra cho anh ăn. Ba cái bóng đèn treo lên vách chơi. Còn nguyên cái bọc đít trắng tinh.

Tôi ngồi im, cảm thấy thất vọng ghê gớm.

Trưa đó tôi ăn cơm với chú Sáu và ngủ lại nhà chú đến chiều. Thân mật như một người cháu ruột.

Nói chuyện với tôi, chú Sáu luôn miệng nhắc tới anh Ba.

Thím Mười, chú Sáu đã làm cho tôi hiểu vì sao anh Ba nhất định đòi về Long Sơn để chết khi anh nằm ở nhà thương Chợ Rẫy.

Một nơi không một người chung máu mủ với anh. Anh vui lòng nằm dưới lòng đất người mà tin rằng mộ anh không nguội lạnh khói hương.

Những ngày sống ở làng Long Sơn tuy đã không cho tôi trọn vẹn niềm vui nhưng đã nhiều an ủi niềm tin.

Được nửa tháng tôi về Sàigòn mang theo con cá chét khô mặn của chú Sáu, bó bông dừa đơn sơ nhưng rạng rỡ và trong hồn nhiều hình ảnh thật đẹp.

Tôi ăn cháo trắng với khô cá chét, trồng bông dừa trong sân nhà. Rồi loài hoa dễ thương ấy sẽ hồng, trắng cả sân nhà tôi, nhắc tôi không bao giờ quên:

Nước mắt thím Mười. Bài hát của Ánh. Con cá chét của chú Sáu. Nấm mồ anh tôi. Gánh nước nặng trĩu bờ vai cô gái nhỏ xin nước giếng trên chùa, nhịp nhàng trên con đường nắng cát dài xa.

Tôi viết hoa lên những hình ảnh ấy chữ VIỆT NAM thật đẹp.


Phan-Nhựt-Chiêu                  
(Cảm hứng từ "mơ ước của Bé Lệ Chi") 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 75, ra ngày 15-8-1967)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2020

CỎ DẠI - Mắt Xanh


 
















Lâu lắm ta không về quê cũ
Chắc bây chừ lúa đã đơm bông
Ngô đã chín chờ ngày gặt hái
Hoa dại ngày xưa điểm nụ hồng

Ta vẫn mơ một ngày trở lại
Đón em trong nhung nhớ u hoài
Cho lệ vui đọng lại mắt nai
Cho thương nhớ bỏ đi ngày tháng dại

Chắc bây chừ cô bé đã lớn?
Tóc đã dài ấp ủ bờ vai
Cô bé có còn quỳ cầu nguyện?
Xin yên lành phù hộ anh trai

Và, nội ơi chừ còn hay mất?
Có còn nhớ đến thằng Đông không
Thằng cháu ngày xưa như con gái
Mẹ đánh chạy vào khóc mét ông

Con chỉ sợ nội về đất lạnh
Nấm mồ hoang ngủ giấc lâu rồi
Để con nhớ khóc cho dòng lệ
Để thằng Đông một phút bồi hồi

Ái Thy ơi! Sợ anh trở lại
Sẽ không được thấy những ước mong
Nội ơi! Sợ thằng Đông trở lại
Sẽ chua cay tan nát cõi lòng!

                                       MẮT XANH
                                           (Thánh mẫu)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 7, ra ngày 5-8-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

TẠP GHI - Nhật Tiến


Trong các phương tiện di chuyển hằng ngày theo ý tôi, xe đạp là thứ đem lại nhiều thảnh thơi nhất. Giữa giòng xe cuồn cuộn chẩy, giữa tiếng ồn ào của muôn ngàn động cơ rộn rã trong lòng phố, nếu đừng có cái gì phải gấp gáp, vội vã, ngồi thả rễu trên yên chiếc xe chậm chạp quay từng vòng xích, tôi tìm thấy cảm giác của kẻ tách rời ra khỏi ngoại cuộc để đứng bên lề nhìn dòng đời hối hả trôi xuôi. Tôi đã nhìn thấy được biết bao nhiêu là thứ mà nếu ngồi trên một xe có động cơ, khó có thể ai đã nhìn thấy. Một mô đất quen thuộc trên đường phố. Một cái kẹp tóc nhỏ xíu của cô nữ sinh nào đó nằm giữa lớp bụi đường. Một búi rác bít gần kín một miệng cống trong những ngày nắng ráo. Một cậu học sinh vừa đi vừa mở sách ôn lại bài. Vẻ mặt nhớn nhác của một bà nội trợ đang đi tìm tờ giấy bạc nào đó đã đánh rơi. Mỗi ngày là thêm một hình ảnh mới. Mỗi đoạn đường có thêm một xen sinh hoạt. Và tất cả những thứ đó đã gom tụ lại để trở thành đời sống. Thật tầm thường, nhưng quí giá biết bao. Tôi không mong gì hơn là đời sống cứ kéo dài bình dị như thế, nhưng ở mọi nơi, mọi chốn, trên cùng khắp giải quê hương yêu dấu này. Ngày hôm qua, báo chí đăng tải những bức hình của những đồng  bào đang tất tả chạy ra khỏi vòng lửa đạn. Vẻ mặt mọi người đều sợ hãi, kinh hoàng. Những cụ già. Những phụ nữ. Và trẻ em. Cô thiếu nữ kia chẳng còn kẹp tóc mà đánh rơi. Em bé nọ đã không còn trường học để có thể vừa đi vừa ôn bài. Người phụ nữ đó đã chẳng thể cắp rổ đi làm công việc nội trợ mà đánh rớt tờ một giấy bạc trên đường hằng ngày đi đến chợ. Giữa cơn kinh hoàng đang xẩy đến, ước mơ được trở về đời sống bình dị thật quả là sự mơ ước cao xa, và nó đã trở nên quí giá biết đến chừng nào.

Một tác giả đã nói: Hạnh phúc không ở đâu cao xa. Hạnh phúc nằm trong tầm tay với. Nhưng chỉ khi nào nó đã dời xa, ta mới chợt nhận ra là đã để nó vuột đi, và lòng ta tràn đầy tiếc nuối. Mấy ai tìm thấy niềm vui khi đi trên con đường thơm mùi đất ẩm xen lẫn hương vị ngai ngái của rác đốt, hoặc lòng phơi phới khi chỉ thấy từng sợi khói xanh lơ bay êm ả trên từng nhà tranh trong đồng quê lặng lẽ. Bây giờ, khói lửa lan tràn, những hình ảnh ấy đã như cái bóng của hạnh phúc êm đềm đã vuột khỏi tầm tay và chỉ còn chập chờn trong trí nhớ.

Nước ta đã trải qua hơn hai mươi lăm năm khói lửa. Chưa có một cơ quan thăm dò dư luận nào mở ra một cuộc phỏng vấn để tìm hiểu xem trong lòng mọi người dân ta xem người này, kẻ kia sẽ mơ gì? 

Về phần tôi, nếu được hỏi đến, tôi sẽ trả lời:

- Tôi ước mơ sẽ được thảnh thơi đạp xe trên mọi nẻo đường của quê hương đất nước, hàng ngày đi giữa dòng đời rộn rã trôi xuôi, lại sẽ bắt gặp những hình ảnh tầm thường bình dị như một cái kẹp tóc, một mái đầu xanh đang dán mắt lên tập vở để ôn bài hay những bà nội trợ với chiếc giỏ đầy ắp đồ ăn trên đường về chợ, trong vẻ mặt không còn hằn lên những vẻ lo âu, thảng thốt, dấu hiệu của những đêm dài trằn trọc.


NHẬT TIẾN   


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 129, ra ngày 15-9-1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2020

HAI LỐI SỐNG - Kim Dao Phương


Những ngày hè bình thản trôi qua một cách nhanh chóng. Thế là từ nay Thu phải giã biệt cuộc sống yên vui mùa hè để hòa mình vào nhịp sống mới với sách vở, học đường.

Thu không biết mình vui hay buồn nữa. Nhiều lúc những nuối tiếc bâng quơ chợt hiện về trong khoảnh khắc, rồi lại tan biến ngay, nhường chỗ cho sự nao nức được gặp thầy bạn cũ. Thu thường nhớ lại cánh đồng ruộng bát ngát mênh mông, hai bên bờ cỏ xanh rì với khung trời trong sáng, không khí thơm lành và Thu thấy thương rất nhiều cái mộc mạc dịu hiền của quê mẹ. Dường như có cái gì vô hình thắt chặt tâm hồn Thu với mảnh đất nghèo nàn đó nên trong nhà, Thu là người thích về quê nhất. Vừa bãi trường, Thu đã sửa soạn đi nghỉ hè ở đồng quê cho được. Mẹ Thu thấy thế chỉ cười và hỏi:

- Sao con thích về quê dữ vậy?

Thu cũng cười thôi chứ không đáp. Nhưng ba Thu thì không bằng lòng, ông nói:

- Con có biết vùng quê bây giờ không được an ninh cho lắm, con về lỡ có chuyện gì ba mẹ biết làm sao?

Thu cúi đầu lặng thinh ; trong thâm tâm Thu cũng nhận rằng ba có lý.

Sau đó ba Thu đề nghị đem cả gia đình đi nghỉ mát ở biển Mỹ Khê Đà Nẵng, trong đó có nhà cửa đàng hoàng lại thêm khí hậu tốt nữa. Nghĩ đến bãi cát trắng lồng hàng cây dương liễu xanh xanh, biển rộng với những đợt sóng đổ xô nhau nối tiếp đêm ngày, rồi thì buổi mai với bình minh trên biển cả, chiều xuống gió thổi rười rượi, Thu thấy một chút ưa thích lóe lên. Nhưng rồi hình ảnh thôn quê qua bao tháng năm xa cách hiện ra rõ rệt hơn. Thu hình dung cây đa đầu làng có những cành lá phất phơ chào đón, mấy gốc thùy dương chơ vơ và xa xa là dãy núi tím thẫm chập chùng. Quê mẹ sống động với phong cảnh nên thơ, như dang tay đón đứa con yêu trở về.

Thu không còn nhớ biển Mỹ Khê với một màu xanh thăm thẳm, ngày đêm gió lộng nữa Và Thu nhất định về quê. Thu nói bằng giọng cương quyết:

- Thưa ba, con cũng biết miền quê nguy hiểm thật, nhưng người ta ở thường thì lẽ nào mình ở không được. Vả lại con không ở lâu và bà ngoại chắc cũng nhớ con, một mình có lẽ bà buồn lắm.

Thu phải đem bà ngoại ra để ba xiêu lòng, vì Thu biết ba mẹ rất kính yêu bà ngoại.


Ba chìu ý Thu cho Thu về nghỉ hè ở quê, và ở đó Thu được sống những ngày đầy đủ nhất. Thu tự bằng lòng mình đã chọn một lối sống thích hợp với tâm hồn bình lặng, tính tình giản dị của mình. Quê Thu không đẹp lắm nhưng cảnh sắc hữu tình, dễ mến. Nhà nào cũng có vườn rộng, có cây ăn trái, có lũy tre xanh bao bọc chung quanh. Lũ trẻ ở thôn quê đứa nào cũng dễ thương, hồn nhiên. Ban đầu chúng nhìn Thu với vẻ e dè sợ sệt khiến Thu phải tức cười. Thu làm quen và tự giới thiệu. Thằng Dung, đứa bé có đôi mắt sáng và vầng trán thông minh, cười thật tươi và nó bảo với Thu:

- Lúc chị mới tới tụi em sợ quá, em thấy chị nghiêm ghê mà sao chừ chị dễ dãi quá!

Thu cười xoa đầu nó. Nàng nhận thấy đứa nào cũng chân thành dễ mến. Tự nhiên Thu thấy thương lũ trẻ thật nhiều. Có lẽ cái cảm tình đó ràng buộc Thu với đồng quê hơn.

Thu ở với bà ngoại, năm nay đã già lắm rồi, bà sẽ hiu quạnh biết bao nếu không có đứa cháu nhỏ bà con xa đến ở. Thấy Thu về bà vui mừng khôn xiết, đôi tay bà run run ôm Thu vào lòng hỏi han. Thu cảm động đến nghẹn ngào. Mái nhà tranh nhỏ hẹp, từ ngày có Thu vui hẳn lên. Bà thương Thu lắm, săn sóc Thu hơn cả mẹ nữa. Trong vườn bà, nào nhãn, đào, ổi... bà bắt Thu ăn phát chán. Bà thường nói với một giọng hiền từ, đáng yêu:

- Con ở lại đây chơi với bà hết hè rồi về. Lâu lắm mới về thăm quê một lần, bà nhớ con, các em và ba mẹ con lắm.

Những lúc đó Thu thấy không có giọng nói nào dịu dàng, âu yếm bằng những bà mẹ Việt Nam!

Cả ngày Thu chạy loanh quanh bắt bướm hay hái hoa ép. Bọn thằng Dung là những "tay sai" đắc lực. Chúng bày những trò chơi vui vẻ. Thu thấy ngày qua thật mau. Buổi chiều thôn quê lặng lẽ, tất cả im lìm, thỉnh thoảng tiếng sáo diều dìu đặt quyện tiếng gió vang xa. Âm thanh nghe buồn muốn khóc. Giờ khắc cuối cùng một ngày đìu hiu xa vắng. Thu ngồi im nhìn màu nắng vàng nhạt trải lưng đồi. Tung trời, một đàn chim nhạn vỗ cánh bay về phương vô định. Rồi trả lại đồng quê cái vẻ hoang vắng lạnh lùng. Bỗng nhiên Thu thấy buồn, một nỗi buồn không tên len vào hồn. Thu thấy sống nhiều với thiên nhiên, ngoại cảnh làm con người sống bằng nội tâm nhiều hơn.

Cuộc sống êm đềm đó không kéo dài bao lâu. Chỉ một tháng sau tình trạng chiến tranh có vẻ nguy hiểm hơn nhiều. Thu lại phải "khăn gói" trở về. Thu mời bà cùng đi nhưng bà nhất định không chịu. Tình yêu quê hương của những người như bà quá thiết tha sâu đậm rồi. Mấy chục năm sống với mảnh đất thân yêu, bây giờ dứt đi sao? Thu biết vậy, nàng ái ngại không dám nói.

Biệt ly nào chẳng lưu luyến. Người đi, kẻ ở. Thu bịn rịn không muốn rời chân khi chào bà ra về. Thu thấy khuôn mặt già nua nhuốm vẻ buồn thương và trên đôi mắt nhăn nheo có ngấn lệ. Giọt nước mắt khóc xa Thu hay nước mắt khóc quê hương điêu linh tang tóc?

Ra khỏi con đường đất nhỏ gập ghềnh. Thu quay lại nhìn lần nữa, tia mắt Thu muốn ôm trọn hình ảnh quê hương yêu dấu. Làng mạc như ngủ yên, vài làn khói trắng chơi vơi bốc lên từ mái tranh nghèo, ruộng đồng thẳng tắp với bông lúa chín vàng hoe. Bóng dáng gầy gò của bà trong màu áo nâu, mái tóc bạc phơ, cây gậy trúc trên tay, chung quanh là bọn trẻ dễ thương, mờ dần rồi khuất sau lũy tre làng. Chỉ còn dãy núi lờ mờ đằng xa và khung trời tím buổi chiều. Mắt Thu cay cay, một thoáng nao nao buồn. Bao giờ Thu mới trở lại đây? Biết đâu ngày đó quê Thu chỉ là một mảnh đất chơ vơ hoang lạnh. Chiến tranh, khỏi lửa thật tàn ác!

Hai tháng hè còn lại, ba cho Thu đi nghỉ mát ở Mỹ Khê. Một vụ hè đầy đủ, Thu không mong gì nữa và hăng hái sửa soạn một niên học mới.

Ba Thu khác với phần đông các bậc phụ huynh, ông cho con nghỉ ngơi trong kỳ nghỉ hè, không bắt "nhồi sọ" mãi với sách vở. Tuy vậy ông cũng tìm mua các loại sách hay để Thu đọc thêm, vì sợ ham chơi rồi quên hết chữ! Mấy chị em Thu cũng biết thế nên trong năm học đứa nào cũng chăm chỉ cố gắng. Ba Thu hài lòng lắm.

Lại một niên khóa mới bắt đầu. Thu sẽ lên Đệ Tứ. Ngày mai khai giảng rồi, Thu còn nghĩ ngợi vẩn vơ. Chắc chắn Thu sẽ gặp nhiều bạn cũ. Thu nhớ nét mặt giả đò nghiêm trang của "đàn chị" Liên Phương, vẻ vui đùa của "cây hề" Thuận, Ngọc Hoan loay hoay với biệt hiệu "chuột lắt", Phương Liên với vẻ thi nhân, "Túy Tùng của Nhật Bản" v.v...

Gặp lại nhau chắc đứa nào cũng mừng lắm. Năm nay thành "người lớn" rồi không hiểu tụi nó còn cái vẻ "ngây thơ vô tội" ngày nào không. À, Thu phải tìm vài cánh hoa ép màu tím để cho cô bạn thân Kim Huê nữa chứ, Kim Huê có tâm hồn thi sĩ nên thích màu tím của nàng thơ. Thu cũng nhớ chị Dao Anh tha thướt trong tà áo trắng với màu "nơ" đỏ thật đẹp. Thu phải tìm vài con ốc thật lạ, thật quý cho chị mới được.

Nghĩ tới đây Thu thấy lòng mình ấm lại. Một khung trời vui tươi, trong sáng lại hiện về. Niềm vui học đường, tình bạn thân thiết mở rộng trước mắt Thu, Thu thấy náo nức chờ đợi. Thu biết mình bắt đầu một nhịp sống hoạt động ganh đua thay cho nhịp bình lặng chốn thôn quê hay sự yên vui ở bãi biển.

Những chuỗi ngày hè của ăn ngủ nô đùa, nghỉ ngơi, bay nhảy bị chôn chặt vào dĩ vãng, để mỗi khi nghĩ đến chỉ còn là kỷ niệm. Thu còn có chín tháng nữa để học hành rồi ba tháng sau đó lại tiếp tục nghỉ ngơi. Trong đời học sinh mỗi năm có hai lối sống, trừ những năm phải thi cử, mùa hè phải rút ngắn lại.

Ba tháng hè Thu sống trọn vẹn đã qua đi, Thu phải quên thời gian nghỉ ngơi đó để tiến đến tương lai. Kỷ niệm ở đồng quê, Thu có thể quên được, nhưng tình thương đồng quê bao giờ mới xóa nhòa trong Thu? Với Thu, tình quê hương được xếp trong một góc cạnh sâu kín nhất của tâm hồn, dư âm niềm thương ấy lắng đọng âm ỉ khi cách xa và nó sống lại bồng bột khi nhớ đến.

Ngày mai đi học rồi. Thu nhắc thầm và tưởng tượng ra cổng trường Đồng Khánh với những tà áo trắng tung bay, những khuôn mặt vui tươi hớn hở. Những ngày hè chỉ còn là những kỷ niệm xa lắc xa lơ.


KIM DAO PHƯƠNG   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 32, ra ngày 25-9-1965)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2020

NÚI SƠN TRÀ - Nhã Uyên


Tôi yêu  Sơn Trà  những ngày hạ nắng

Từ lúc  dạo chơi  cùng với mẹ hiền

Dáng núi  nguy nga   giữa vùng trống vắng

Diệu kỳ huyền ảo như  chuyện thần tiên


Tôi yêu Sơn Trà  ấu thơ tuổi nhỏ

Những lúc tôi quên  ôm vở đến trường

Khu vườn đẹp xinh  bướm bay về đó

Tôi nhặt hoa  hường  ép lấy mùi hương


Tôi yêu  Sơn Trà   xanh ngời năm tháng

Tôi  chẳng biết gì  những chuyện chung quanh

 Sau giấc ngủ ngon bình minh buổi  sáng 

Tôi  thấy yêu đời  giọt sương mong manh


Tôi yêu Sơn Trà  hơn nửa thế kỷ

Yêu mắt mẹ huyền  yêu núi bao la

Nhớ nhung vô vàn  viết vào nhật ký

Sơn Trà  ngày xưa ngự trị  tim ta


                                                           Nhã Uyên

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

TUỔI CHIM XA - Khánh Minh














Thôi em xa mầu trăng ban tối
Con đê gầy khúc khuỷu buồn hiu
Thôi xa cả mưa mùa lụt lội
Xa mầu lúa mạ ngát hương yêu.

Thôi em xa mầu hoa trước ngõ
Trái tuổi thơ chín lịm mầu ngà
Thôi tiếng cười reo vui đồng cỏ
Thôi qua rồi một thuở chim ca.

Nhớ biết mấy em ngày xưa đó
Dõi nhìn theo mầu lá đong đưa
Nghe hoa rơi vào lòng thơ ấu
Thuở ấy sao mà lắm mộng mơ!

Giờ thì xa quá rồi hương ngọc
Em ước ngày trở lại quê xưa
Vườn cũ, hoa còn thơm mầu áo,
Thuở về, biết tóc đã phai chưa?

                                     KHÁNH MINH

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 111, ra ngày 1-8-1969)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2020

NGÀY GIỖ NỘI - Trần Trầm Thanh


Khi nắng xuân bắt đầu từ giã ra đi, nhường cơn mưa hạ trở về ngự trị là lúc mẹ em hay tính đến ngày giỗ Nội cùng ba. Năm nào cũng thế! Em không hiểu đã bao lần, chỉ nhớ rằng nhiều lắm. Có lần em hỏi mẹ ông Nội đã mất bao lâu, mẹ bảo rằng con Thy bao nhiêu tuổi là Nội mất bấy nhiêu năm. Em lại đem tuổi bé Thy ra tính, bé Thy gần 15 tuổi rồi còn gì! Thế là Nội mất đã 15 năm, ngày ấy em vừa lên 2 tuổi, cái tuổi nhỏ nhoi ấy không còn để lại trong đầu óc em một nét tướng nào của nội, em chỉ hình dung qua lời mẹ kể:

- Nội hiền lắm, ngày xưa Nội hay bế cô ngồi trên con ngựa bây giờ, cô làm bể gương Nội, Nội vẫn cười và bảo con nhỏ này giỏi chứ! Ngày Nội mất mẹ mang thai Thy, dù rằng dâu nhưng tình thương của mẹ dành cho Nội nhiều lắm, mẹ khóc nhiều lúc hoàng hôn buồn rũ, hình ảnh nội hiện ra, in sâu vào mẹ nên Thy giống nội như đúc!

Em đã nhìn Thy mà nhớ Nội, thương Nội và em cảm thấy Nội gần gia đình em nhất khi ngày giỗ về!...

Sáng nay ba mẹ dậy sớm. Mẹ xách giỏ đi chợ, ba lau chùi bàn thờ Nội, chị Trâm ra vườn hái hoa, anh Huy đang tưới cây, khuôn mặt mọi người có vẻ vui tươi lắm, nhất là anh Huy cứ nói mãi:

- Hoa của tôi đấy nhé, cúng Nội phù hộ mỗi mình tôi thôi à!

- Hoa đẹp ghê Thanh nhỉ! Thanh thấy anh trồng canh đúng ngày chưa, Nội sẽ thưởng anh đó Thanh!

Vốn hay nịnh anh Huy vì ảnh thưởng giảng toán, vốn hay ghét chị Trâm vì hay "cốc" đầu em nên em vỗ tay reo:

- Anh Huy giỏi ghê là giỏi, chả bù cho chị Trâm chuyên môn bẻ trộm cắm vào phòng còn đem cho chị Vân nữa chứ!

Chị Trâm nổi giận:

- Đất này của ai?

Anh Huy chẳng kém:

- Của ông Nội này nhé!

- Của ông Nội là của chung không ai có quyền riêng cả!

Thấy anh Huy hơi "yếu", em chen vào:

- Nhưng đã cúng Nội chưa chị Trâm nhỉ!

Nét mặt chị Trâm hầm hầm, có lẽ chị còn muốn nói nhiều nữa nhưng đã nghe tiếng ba:

- Các con biết hôm nay là ngày gì không mà cãi ồn lên thế? Thanh vào đây ba bảo!

Em riu ríu đi vào, tưởng tượng cái "cốc" của ba nhiều lần muốn chết được! Nhưng trái hẳn với dự đoán của em:

- Đem bộ ấm trà ra rửa Thanh nhé! Rửa cho sạch chứ không Nội quở đấy à!

Em vui mừng bưng bộ ấm chén đi, lòng sung sướng vì em cũng có công tác trong ngày giỗ Nội chứ bỏ sao! Rửa xong bộ ấm trà, đã thấy bóng mẹ từ ngoài đi vào, con Linh chạy ra kéo giỏ, mẹ mắng yêu:

- Hư lắm nhé! Hôm nay đòi mẹ đánh đòn cho à!

Con bé xụ mặt đi vào. Chị Trâm cắm xong hoa đỡ lấy giỏ xách của mẹ đặt lên thềm, lấy ô bày các món ra, nhiều món lắm nhưng ngoại trừ các món mặn như cá thịt, mẹ bảo Nội mất vào ngày chay à hôm nay mùng một đó mà! nên mẹ có mua đông sương khô nữa cơ, thế là em được dịp trổ tài với chị Trâm, em sẽ hơn chị Trâm cho xem! Em sẽ chọn những chén kiểu đẹp nhất có hoa bèo mà đổ vào, trong khi chị Trâm chọn chén tầm thường vì tánh chị thế đó, chị bảo cái gì tầm thường vẫn hơn nhưng khi ba mẹ thấy ba mẹ có khen những cái tầm thường ấy đâu nào! Cũng nhờ thế mà em đã được "lên nước" đôi ba lần!

Em đưa mắt quan sát thêm, mẹ mua trái cây cũng nhiều lắm nhất là trái bơ, em hỏi mẹ sao mua trái ấy nhiều, mẹ bảo là ngày xưa Nội thích trái ấy lắm! Nội thích bàn thờ Nội sau này nhiều hoa quả. Nghe em nói: mẹ đã làm vừa ý Nội! Mẹ có vẻ sung sướng vô ngần.

Vài hạt mưa rơi trên mái nhà lẫn với tiếng lách tách của than lửa mà chị Trâm vừa nhúm. Khi than bắt đầu đỏ hồng, mẹ bắc lên chiếc soong lớn bỏ khoai tây vào hầm. Đứng nhìn mẹ và chị Trâm làm, em cảm thấy mình thừa quá định bỏ lên nhà thì Bích đến rủ em đi phố. Còn đang do dự mẹ đã lên tiếng:

- Thanh hôm nay phải ở nhà đấy nhé! Chị Trâm bận cuốn chả, con nấu đông sương đi! Con gái lớn rồi phải biết nữ công nữ hạnh với người ta, đi chơi mãi ngày sau quên không cúng ông bà cha mẹ chi hết à!

Em nhíu mắt nhìn Bích. Bích biết chuyện chào ra về!

Em bắt đầu bắt tay vào việc. Trước hết em đem đông sương khô đi rửa, sau đó bắc nước lên bỏ đông sương vào, chờ nó sôi lên em cho đường vào, chờ nó sôi lên lần nữa em chọn hai màu phẩm đẹp nhất là màu xanh và hồng, em thích hai màu này lẫn lộn trên nền trời mỗi lúc về chiều! Chia đôi đông sương ra làm hai em cho xanh vào trước vì em nghĩ màu nhạt ở trên trông dễ thương hơn. Những chén kiểu tha hồ trang điểm đến nỗi anh Huy mới nhìn vào đã bảo:

- Chừa phần cho anh với Thanh nhé!

Rồi anh vội bỏ đi sau cái nhìn nghiêm khắc của mẹ vì mẹ cữ lắm cơ, những gì để cúng mà nói đến ăn mẹ sẽ đánh ngay kể cả anh Huy nữa, thế mà có khi nào ảnh chừa đâu, cả chị Trâm nữa, hay ăn lén lắm, thế mà trước mặt mẹ cứ bảo:

- Mang tội đấy nhé!

*

Bây giờ hơn 11 giờ rồi, các thức ăn em và Thy thay phiên nhau bưng lên đầy cả bàn. Ba khoác vào chiếc áo dài rộng, mẹ chiếc áo dài trắng. Mẹ bảo chúng em thay đồ quỳ phía sau.

Bàn thờ ông nội hôm nay có phần long trọng hơn, khói nhang nghi ngút, trái cây tươi mát, hai bình hoa anh Huy trồng trông đẹp lên bội phần. Tất cả đều đẹp đáng với công bao ngày mẹ em lo tính!

Ba em cầm ba cây nhang khấn vái, mẹ em khấn vái, chúng em khấn vái. Em khấn vái Nội phù hộ cho gia đình em mãi vui tươi như mười mấy năm qua. Mười mấy năm qua Nội xa trần thế, những ngày giỗ Nội được đàng hoàng cho mẹ còn vui sướng! Mẹ có lần đã bảo đó là điều ước muốn duy nhất của mẹ. Em thấy rõ hình dáng Nội trên bàn thờ. Nội mặc chiếc áo dài trắng, hàm râu dài nhìn em cười gật gật đầu. Em càng thấy Nội gần gũi gia đình em hơn, gần lắm! Em thương Nội, kính Nội nhờ lời lẽ của mẹ, niềm tin tưởng của mẹ đã gieo vào lòng chúng em. Nhìn qua anh Huy em thấy anh cúi xuống, miệng lâm râm, có lẽ anh cầu Nội phù hộ cho anh năm nay thi đỗ tú tài II anh sẽ ăn chay một tháng... hai tháng như năm qua chị Trâm đậu tú tài I. Chúng em đều có lòng tin như thế, mẹ đã dạy chúng em như thế!

Giây phút tưởng niệm đã qua, ba cùng mẹ lui ra, chúng em làm theo. Ba đốt giấy vàng, gương mặt ba trầm buồn, có lẽ ba nhớ đến Nội, nhớ đến ngày xưa như có lần ba đã kể cho chúng em nghe, như có lần ba ao ước được trở về quê hương yêu dấu ấy, đốt lên mộ Nội một nén nhang. Mọi người đều lặng yên không nói. Mẹ cắm nhang lên lư rồi vào thay áo, chị Trâm lặng lẽ đi theo. Em vẫn ngồi im cho đến khi nhang tàn...

*

Thức ăn được dọn xuống phòng ăn, mọi người ngồi vào bàn vui vẻ. Ngoài những người trong gia đình em, còn có thêm hai người bạn của ba, anh Tính bạn anh Huy, chị Thủy bạn chị Trâm, Sương Mai bạn em và Thy, còn mẹ làm bạn với bé Linh và bé Lệ. Tất cả là 13 người ngồi quanh hai chiếc bàn nối tiếp. Tiếng anh Tính hỏi chị Trâm:

- Phải chị làm món này không?

Em đưa mắt nhìn chén đông sương xanh hồng của em nơi anh Tính, định mở miệng cải chính thì mẹ đã lên tiếng:

- Con Thanh đấy cháu ạ! Tài của nó chỉ bằng ấy!

Em giận mẹ ghê, nhưng thôi không cãi lại, có Nội hiểu cho em là đủ rồi. Nội biết cháu Nội có nhiều tài mà chưa trổ, thế thôi! Nội biết cháu Nội nguyện cầu cho tất cả gia đình mạnh khỏe thế thôi!

Ba vẫn mải chuyện trò với mấy ông bạn, anh Huy chị Trâm cũng thế, còn chúng em thì trò chuyện với các món ăn chay lạ miệng!...


TRẦN TRẦM THANH   



(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 135, ra ngày 15-8-1970)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

THOÁNG BÂNG KHUÂNG - Nguyễn Nguyễn


Liền mấy buổi sáng, trời lạnh buốt và H. thấy bâng khuâng buồn, chẳng biết tại sao H. nhớ kinh khủng đến những ngày đi học thật sớm, đèn đường còn vàng hiu hắt và gió thổi lạnh se môi, nhớ kinh khủng cái cảm giác bồn chồn khi đứng ở ngoài cổng trường nhìn vào giảng đường sáng ấm ánh nê ông và lô nhô đầu người. Sao mà thương, mà yêu đến thế. Làm H. cứ ngập ngừng nửa muốn đi vào, nửa muốn đứng im ngắm cái không khí đầm ấm làm xao động cả hồn H. Bây giờ là mùa hè của H. và ngày thì dài và trống rỗng ghê.

- Chị H., anh P. đến chơi!

H. nghiêng người, ngắm đứa em trai nhỏ. "Bô" lắm đấy chứ, và H. bất giác mỉm cười.

- Ai? Anh P. hả?

P. là một người bạn và H. có ngồi suy nghĩ mãi cũng không biết nên xếp đặt cho P. ở vào ngăn tình cảm nào, ngoài việc coi P. đơn thuần là một người bạn. Nhưng P. thường tỏ ý thích H. Phiền một điều là H. không ghét P. đến nỗi có thể hờ hững trong câu chuyện. H. nghĩ, mình ngu lắm. Sao cứ nghĩ, cứ đối xử với P. như thể P. là bạn gái của mình.

- À, em ra mời anh P. ngồi chơi rồi chị ra ngay nhé!

H. ngồi dậy, lùa tay vào tóc chải sơ qua rồi xỏ chân vào đôi guốc của ba. Cúi nhìn chân vẫn còn mang đôi bí tất, H. chớp mắt. Kệ, lạnh bỏ xừ thế này. Nhưng rồi H. cũng tháo nó ra và vất đại lên giường.

P. ngồi nhìn đăm đăm H. H. thoáng nghĩ, sao chả cảm động gì hết, và H. làm như vô tình, khẽ hất đầu, mỉm cười, hỏi P. nhìn gì kỹ thế. P. hơi  bối rối nhưng trấn tĩnh được. Hôm nay trông H. lạ. Thấy mặt P. hơi đổi khác, H. thôi, không hỏi tiếp "lạ làm sao" nữa. Cứ khi nào P. sắp sửa có ý khác là H. lại phải giả vờ như không biết, lảng sang chuyện khác hay im lặng như không để ý gì đến nghĩa bóng trong câu nói. Sau đó, H. kể với Nga. Lúc đó H. vờ như mình còn... ngây thơ lắm, chả biết gì. Mặt chắc trông rất ngu. Sao nói chuyện phải giữ gìn ý tứ, gò bó ý nghĩ, chẳng thích tí nào.

P. thở dài. "Sao mãi mà H. chẳng hết vô tâm?". H. thấy tim mình giật mạnh. Mặt trận lại mở rồi chăng?

- Điên, sao lại mong H. hết vô tâm? H. đang sợ già muốn chết đây này!

Và H. cong môi lên, thổi "sùy sùy", tay hất mạnh ra phía cửa:

- Con cóc to ghê chưa P.!

P. ngồi nhìn, nhìn H. rồi nhếch môi cười gượng:

- H. lảng chuyện đấy phải không?

- Lảng chuyện? Chuyện gì?

H. ngồi sâu vào lòng ghế, tay vòng trước ngực và chăm chú nhìn vào mắt P.

- P. muốn kể chuyện gì thế? Kể đi H. nghe cho.

- Thôi, hôm nào khác vậy.

- P. giận hả? Tại con cóc nhảy ra bất thình lình, H. sợ nó vào nhà đấy chứ.

H. úp lòng bàn tay ngang miệng và lắc đầu mấy cái:

- P. có vẻ khó hiểu. Thấy P. có vẻ người lớn thế nào ấy.

P. lại thở dài:

- Chuyện hơi khó nói. Vả lại... hình như H. không muốn hiểu.

Đôi mắt P. như sáng lên và trong đó có một cái gì làm H. chột dạ. Ngượng quá sức. P. sắp đề cập đến cái gì? Không được, mình phải "né" đi chứ. H. mở to mắt và cố gắng đùa cợt:

- Xì, P. tưởng tượng. Bộ H. thích ngu lắm sao?

P. dúi mẩu thuốc lá vào cái gạt tàn.

- H. lúc nào cũng đùa nên câu chuyện trở thành khó nói.

- Kỳ, khó nói thì thôi đừng thèm nghĩ nữa. Bỏ nó qua một bên đi, P.!

- Không bỏ được.

- Chậc... thì cứ bỏ đại đi mà. P. rắc rối quá. Nói chuyện gì đỡ nhức đầu đi, P.!

Ánh mắt P. lạ kỳ làm H. chỉ muốn mặt mình xoay ngược ra sau lưng. Tự dưng H. thấy bực tức. P. kỳ thôi. Đáng lẽ phải biết cung cách đối xử của mình như thế tức mình chỉ coi P. là bạn thôi chứ. Là bạn có phải dễ chịu hơn không, nói chuyện tự nhiên thoải mái. Óc không phải làm việc nhiều, không phải "đề cao cảnh giác", không phải luôn ở trong tình trạng "báo động" hại tim này. Phiền P. quá.

- H. này!

- Hở? P. uống nước đi.

Giọng P. cáu kỉnh:

- Được rồi, kệ P. Hỏi H. điều này. Phải nói thật nhé.

- Xong rồi. Hỏi đi.

P. đột ngột hất đầu, mặt sắc lại:

- H. có biết P. đối với H. thế nào không?

H. cố giữ vẻ thản nhiên:

- Sao lại không? Tụi mình là bạn mà.

- H. tin là giữa người con trai và người con gái có thể có tình bạn?

- Tin chứ. P. có tin thế không?

P. buông thõng:

- Không tin. Nhất là bây giờ.

H. cố vờ như không hiểu:

- P. nói gì vậy? H. hỏi P. nhé. P. không tin, vậy người con gái chỉ được quyền quen một người con trai thôi sao? Vô lý thế?

P. ngồi im không nói. Hai mắt nhìn xoáy vào H., dữ tợn. H. có cảm tưởng như mặt mình sượng lại và có thể cấu được từng cục quê trên đó. Gương mặt P. lầm lì, u uất. "Mình thử nghĩ lại coi, coi có thương P. tí nào không". H. nhăn mặt. "Không được. P. chỉ là một người bạn thôi mà. Đừng nghĩ đến chuyện đó. Kỳ ghê. H. đẩy tách nước lại gần P.

- P. uống nước đi.

- ... ...

- P. kỳ lắm. P. làm H. quê ghê. Tại sao không thể coi nhau như là bạn?

H. nói như năn nỉ:

- Coi H. như bạn trai cũng được.

- P. coi không được.

- P. đừng nói vậy. P. có nghĩ khi P. nói vậy, H. buồn kinh khủng không?

- H. buồn cũng chưa bằng P. nhưng thôi  môi P. mím lại như ngăn không cho tiếng thở thoát ra ngoài  cố xem H. là bạn vậy. Cô bạn rất vô tư.

Những ngón tay của P. nhẹ rung. H. nghĩ. Mắt P. buồn ghê. Tiễn P. về xong, H. đứng trước gương, vuốt tóc tự hỏi. Mắt mình có buồn không? Hình như có đây này. Nhưng chỉ là một bâng khuâng thoáng chốc thôi đấy chứ. Và H. rời gương đi xuống bếp. Đầu óc lao đao. Mong P. đừng buồn nhiều... mình có ác không?


NGUYỄN NGUYỄN    
(11-71)              

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 27, ra ngày 5-6-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com