Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

MUỐN HẠNH PHÚC NÊN TRANH ĐẤU HAY SỐNG ẨN DẬT - Nguyễn Hùng Trương

 

 Các em thân mến,
 
Một em viết đến chúng tôi: Trong những bức thư chủ nhiệm, bác thường hay khuyên chúng cháu phải nỗ lực, phải tranh đấu để sống được sung sướng, hạnh phúc. Nhưng ba cháu lại có quan niệm trái hẳn: Muốn sung sướng, hãy sống một cách ẩn dật. Vậy bác vui lòng cho chúng cháu biết rõ chúng cháu nên sống thế nào mới hợp lý.
 
Các em thân mến,
 
Chắc các em cũng đồng ý với chúng tôi mọi người trong chúng ta ai cũng muốn mình sung sướng.
 
Các em muốn được hưởng cái sung sướng khi được thày cô ban khen, cha mẹ vui lòng vì thấy con mình học giỏi, cái sung sướng của sự "thi đỗ", các em phải cố gắng học hành, thức khuya dậy sớm, miệt mài với sách vở, ngày này qua ngày khác.
 
Một họa sĩ muốn hưởng cái sung sướng nhìn họa phẩm mình vừa hoàn thành được mọi người khen đẹp, ưa chuộng, phải cực nhọc cân nhắc từng màu sắc, từng nét vẽ, trong bao nhiêu đêm ngày.
 
Một bác nông phu muốn được cái sung sướng trúng mùa, thu nhiều hoa lợi, gia đình được no ấm, phải vất vả quanh năm, tranh đấu với gió mưa, vun bón cho hoa mầu thêm tươi tốt.
 
Những chiến sĩ đầu tiên đặt chân vào thành phố mà họ vừa giải thoát, sung sướng đứng chụp tấm ảnh kỷ niệm, trước đấy đã phải tranh đấu gay go, trong vòng lửa đạn, trước bao hiểm nguy đến tính mạng.
 
Nhà cách mạng sung sướng trong ngày thành công, nhìn đồng bào vui vẻ, trước đấy phải sống bao ngày gian lao, tranh đấu với mọi trở ngại.
 
Tóm lại chúng ta muốn được sống hạnh phúc cho mình và cho những người xung quanh chúng ta, chúng ta phải cố gắng, tranh đấu. Sự tranh đấu hiểu như sự nỗ lực làm việc để ngày hôm nay hơn ngày hôm qua, làm đẹp cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội.
 
Nhưng sự nỗ lực nào cũng cần có thì giờ để nghỉ ngơi.
 
Chúng ta cần phải, thỉnh thoảng, tạm rời công việc của chúng ta để mà nghỉ ngơi, hưu dưỡng tinh thần cũng như sức khỏe. Đó là sự hưởng những giờ phút thanh thản cho riêng chúng ta, chúng ta vui thú với cỏ cây, hoa lá, với biển rộng non cao, với đồng quê bát ngát, để sức khỏe của chúng ta được dồi dào, trí óc chúng ta thêm minh mẫn, nếu cần phải tiếp tục tranh đấu, chúng ta sẽ đi đến kết quả dễ dàng hơn.
 
Chúng ta có thể nghĩ đến cuộc sống ẩn dật để sung sướng cho riêng mình, khi tuổi đã cao, lòng không còn thiết tha với lợi danh, coi cuộc đời như phù du, sau khi chúng ta đã tận lực tranh đấu với đời.
 
Chúng ta phải quan niệm về hạnh phúc chúng ta một cách rộng rãi hơn, một cách cao quí hơn, chúng ta không nên nghĩ đến sự ẩn dật chỉ có lợi riêng cho chúng ta, khi chúng ta chưa giúp ích được gì cho ai.
 
Chúng ta chỉ có thể sung sướng, thật sung sướng khi nhìn thấy mọi người xung quanh chúng ta cũng sung sướng như chúng ta.
 
Riêng về các em, các em còn quá trẻ, các em cần phải tranh đấu, phải tranh đấu nhiều để được địa vị xứng đáng trong xã hội và giúp ích cho mọi người. Các em đừng vội nghĩ đến đời sống ẩn dật làm mất hết sự hăng say của tuổi trẻ.
 
 
Thân mến chào các em          
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG    
 
(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 52, ra ngày 20-8-1972) 



Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2023

TẤM LÒNG VÀNG - Trang Vân

  

Ông bà Hiền sống êm ấm với năm đứa con trong ngôi nhà nhỏ ở Sàigòn. Ông mướn một chiếc taxi chạy kiếm tiền về nuôi gia đình, sống cũng không vất vả lắm. Ông có hai đứa con gái lớn: Minh, 14 tuổi, học Đệ Lục, và Thanh, 12 tuổi, học Đệ Thất trường công lập. Ba đứa con trai kia còn nhỏ. Nhưng đại họa bất ngờ, một ngày kia ông Hiền đang lái xe kiếm khách thì bị một chiếc xe hàng đụng mạnh làm ông thiệt mạng.

Chôn cất chồng xong, bà Hiền chỉ còn hai bàn tay trắng. Số tiền hai vợ chồng dành dụm lâu nay, sau việc ma chay của ông, chẳng còn được bao nhiêu. Bà suy nghĩ nát óc mà chẳng biết phương kế gì sanh sống nuôi con như lúc chồng còn sống. Phải chi bà có số vốn kha khá thì buôn bán cũng dễ. Nhìn lũ con nheo nhóc, lòng bà mẹ hiền tan nát, rã rời... Cuối cùng, bà bàn tính với Minh để Minh ở nhà coi sóc em út, chiều thì lãnh báo đi bán. Còn bà, bà sẽ mua cặp gióng gánh rồi đi mua trái cây bán rong kiếm lời. Riêng Thanh bà buộc lòng phải gửi về nhà ông Tân, em trai bà ở dưới quê ít lâu, vì bà biết rằng dầu bà và Minh cố gắng cách nào đi nữa thì số tiền kiếm được cũng không đủ nuôi sáu miệng ăn ở đô thành đắt đỏ này. Bà Hiền đem chuyện ấy nói với Thanh và bảo Thanh sửa soạn mai theo cậu về quê. Thanh tuy rất buồn nhưng là đứa con hiếu thảo nên không cãi lời mẹ. Đêm hôm đó, Thanh khóc rất nhiều. Phần nhớ cha, phần lo lắng cho gia đình chẳng biết ngày mai ra sao nên thanh thao thức suốt đêm.

Sáng hôm sau, Thanh từ giã gia đình để theo cậu Tân lên xe. Cuộc chia ly thật não nùng! Thanh khóc lặng trên xe, cho đến khi ra khỏi thành phố, gió mát như thổi vơi nỗi buồn của em. Hai bên lộ ruộng lúa chín chạy dài. Mùi lúa thơm tho quyện lại trong gió, khiến Thanh tỉnh táo trở lại. Nghĩ đến hoàn cảnh hiện tại, Thanh Nghĩ: dầu có buồn cũng chẳng ích gì.

Thanh cầu mong cho những người thân của em được bình yên. Riêng Thanh từ nay về ở nhờ nhà cậu, em chỉ mong sao đừng bị bạc đãi thì dầu có cực khổ, Thanh cũng vui lòng. Đến xế chiều xe mới đến làng nhưng còn phải đi bộ một khoảng khá xa mới tới nhà cậu. Nhà cậu Tân ở hẻo lánh trong vườn dừa, và sống nhờ huê lợi mảnh vườn ấy. Sau khi nghe chồng nói rõ vì sao đem Thanh về ở nhà mình, mợ Tân nhìn Thanh xoi mói không chút cảm tình. Thanh hiểu ngay là em phải cố gắng khéo léo lắm, mới tạo được lòng thương ở gia đình cậu mợ.

Nhà cậu Tân còn có một thầy giáo ở trọ. Ông đã đứng tuổi, sống độc thân và hiền lành. Thầy giáo Xuân sau khi nghe rõ hoàn cảnh của Thanh, nhìn gương mặt hiền hậu của em, ông đem lòng mến ngay. Thanh ở đây đã hơn một tuần rồi, một tuần làm việc không hở tay. Nào dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, xách nước nấu cơm phụ với mợ, Thanh còn phải lo tắm rửa mấy đứa em. Thầy Xuân để ý thấy từ khi có Thanh về, nhà cửa được sạch sẽ hơn, mấy đứa con của cậu Tân mặt mày quần áo cũng đỡ lem luốc hơn trước. Ông còn thấy Thanh chỉ vẽ bài vở cho cho các em và khuyên bảo chúng nên lễ phép, ngay thẳng. Thầy Xuân khen Thanh tuy là một đứa bé mà đã khôn ngoan trước tuổi. Nhưng mùa bãi trường đã tới, thầy Xuân từ giã gia đình ông Tân để về quê.

Thấm thoát đã hai tháng trôi qua. Thanh vẫn nương náu nhà cậu. Em biết phận mình nên cố gắng ngoan ngoãn, chăm chỉ giúp đỡ mọi việc mong cậu mợ thương tình. Nhưng cậu mợ vẫn lạnh lùng khắt khe. Nhất là mợ Tân chẳng chút nương tay hành hạ. Thanh bắt đầu chán nản, muốn toát khỏi cái gia đình nặng nề ấy. Đôi khi tựa cửa nhìn đêm xuống, ngắm một cánh chim lẻ mau bay về tổ ấm, Thanh lại ước ao được như cánh chim kia tung cánh bay về với gia đình mình để được ấp ủ niềm thương của mẹ, của chị và trìu mến các em. Thanh khao khát tình thương vì nơi đây không một ai thương yêu em cả. Mùa nhập trường đã tới, thầy Xuân lại đến trọ nhà ông Tân. Nhìn các em xôn xao bao sách vở, lại nhớ đến mùa tựu trường năm rồi, bất giác Thanh ứa nước mắt.

Thầy Xuân từ nhà dưới đi lên bắt gặp, nhìn em như an ủi. Bỗng mợ Tân chạy lên hét:

- Con kia, mày làm gì mà tới bây giờ chưa lo đi xách nước, rồi nước đâu mà xài hở?

Thanh dịu dàng trả lời:

- Thưa mợ, con vừa quét dọn nhà cửa xong.

Mợ Tân túm ngay lấy Thanh đánh túi bụi:

- Đồ lười biếng, nói còn cãi, có đi xách nước mau lên không?

Thanh vội gạt lệ chạy ra sau lấy thùng ra bờ ao xách nước. Thanh thấy chiếc thùng nặng quá, nghẹn ngào trong lồng ngực rồi như kiềm chế không được nữa, Thanh để rơi chiếc thùng xuống và buông mình xuống mé ao khóc nức nở. Chợt em nghe có tiếng nói êm ái bên tai:

- Thanh con! Đừng khóc nữa!

Thanh giật mình ngước lên, thì ra thầy Xuân đang âu yếm nhìn em. Ông ôn tồn nói:

- Con, đừng buồn nữa, thầy đã hiểu rõ hoàn cảnh của con. Thầy biết con bị cậu mợ bạc đãi, nên từ đây thầy sẽ giúp đỡ con.

Thanh ngạc nhiên nhìn thầy Xuân chăm chú. Ông dịu dàng tiếp:

- Thầy rất cảm thương số phận của con!

Thanh cảm động nắm chặt tay ông, đôi giòng lệ tuôn chảy trên má. Dường như bao tâm sự u uất bấy lâu nay, được dịp khơi nguồn, em khóc và kể cho thầy Xuân nghe:

- Thưa thầy, con cũng biết là phận con ở đậu ăn nhờ trong gia đình cậu mợ, nên con chẳng quản ngại gì cực nhọc, chỉ mong sao cho cậu mợ con thương con mà thôi. Nhưng, thầy ơi! Con tủi nhục lắm. Con xin nói thật với thầy, lòng con chán nản vô cùng, chỉ muốn rời bỏ gia đình này thôi.

Thầy Xuân vuốt nhẹ tóc Thanh nói:

- Thanh à! Con còn nhỏ, chưa hiểu nhiều. Vậy thầy khuyên con nên bỏ ý nghĩ ấy đi. Con sẽ ở đây, dầu sao gia đình nầy cũng là ân nhân của con. Con hãy cố gắng vui vẻ đối đãi với mọi người, hãy giúp đỡ cậu mợ một cách thành thực dầu cậu mợ con có xử tệ đi nữa.
 
Con hãy gieo tình thương đi rồi con sẽ nhận được trái của nó. Thầy biết con khôn ngoan nên mới đem những lời này mà bảo con đó!
 
Thanh ngồi im lặng nghe thầy Xuân nói, và nhìn thầy với tia mắt biết ơn. Em nghẹn ngào nói:
 
- Vâng, con xin nghe lời thầy dạy bảo.
 
Thầy Xuân gật đầu:
 
- Thầy biết con ngoan lắm!
 
Nghe những lời thầy Xuân khuyên nhủ, Thanh trở lại yêu thương gia đình cậu mợ như trước. Mấy đứa con cậu Tân dần dần đều mến Thanh. Duy có đứa con trai lớn là Kim bằng tuổi Thanh thì ngỗ nghịch hỗn láo quá mức. Kim thường kiếm nhiều chuyện nói xấu Thanh để em bị đòn bọng. Dầu vậy, Thanh vẫn lo săn sóc quần áo, miếng ăn cho Kim, mong một ngày kia Kim hiểu mà thương mình. Còn cậu mợ có rầy đánh Thanh, em chỉ buồn nhẹ trong lòng, chứ không hờn giận như lúc trước.

Ngày tháng lại trôi qua, Thanh vẫn luôn luôn thực hành lời khuyên nhủ của thầy Xuân. Đôi khi Thanh cũng chán nản nhưng nhờ có thầy Xuân dạy dỗ, an ủi, Thanh thấy bớt buồn khổ và đỡ bơ vơ.

*

Mấy hôm nay thầy Xuân bận việc phải lên tỉnh ít ngày. Trưa nay, Thanh đang ngồi giặt đồ phía sau, bỗng thấy mắt Kim lấm lét, ôm một chiếc hộp bằng thiếc chạy vụt ra sau vườn.

Một lúc sau Thanh nghe mợ Tân la lên:

- Chết rồi, hộp tiền của tao để trong tủ đứa nào lấy? Tao để quên chưa khóa tủ, bước ra đằng trước lấy đồ thì mất. Thật là lạ!

Lúc đó, cậu Tân đang sửa soạn thay đồ để cùng Kim sang làng bên ăn giỗ. Mợ Tân kêu mấy đứa nhỏ lại tra hạch xem có đứa nào lấy hộp tiền không, nhưng đứa nào cũng lắc đầu. Kim từ ngoài vườn đi vào.

Thanh kêu lại dịu dàng bảo:

- Kim à! Hồi nãy chị thấy em cầm cái hộp gì đó? Có phải em lấy hộp tiền của má không? Nếu Kim có lỡ lấy thì nên đem trả lại má đi kẻo để các em bị đòn oan đó.

Kim trợn mắt hét:

- Tui không có lấy. Trời ơi! Người nào ăn cắp rồi tính vu oan cho tôi hả?

Thanh nói:

- Chớ hồi nãy, em cầm cái hộp gì ra sau vườn đó?

Kim lại la lên:

- Hộp gì của tui chị hỏi làm gì? Tui không có lấy đừng nói bậy à!

Thanh bảo:

- Chị tưởng Kim lấy chớ không có thì thôi.

Lúc đó mợ Tân bước xuống hỏi Kiam:

- Kim à! Hồi nãy con có lấy hộp tiền của má để trong tủ không?

Kim trả lời:

- Con đâu có lấy, nãy giờ con ở sau vườn mà.

Cậu Tân bước ra cửa bảo Kim mau mau đi đám giỗ kẻo trễ.

Cha con Kim đi rồi, mợ Tân quay sang hạch hỏi Thanh. Bà nhìn thau đồ Thanh đang giặt rồi la lên:

- Trời! Lúc nãy mày vô buồng lấy đồ dơ của mấy đứa nhỏ rồi thấy cửa tủ mở mầy lấy chớ gì?

- Thưa mợ, thật tình con không có lấy, đừng nghi oan cho con.

Mợ Tân hét lên:

- Nghi oan cho mầy? Mầy không lấy thì còn ai vô đây nữa? Nè! Nếu có lỡ lấy thì đem vô đây trả tao, xin lỗi tao tha cho. Còn nếu chối, tao nói trước, bữa nay tao cho mầy chết đó.

Đôi hàng lệ rơi dài trên má Thanh, em khẽ lắc đầu.

Mợ Tân tức giận lấy cây tre nhỏ quất xối xả trên mình em. Chưa lần nào trong đời Thanh bị hành hạ một cách thái quá như vậy. Mợ Tân thấy đánh mãi mà Thanh không nhận, mợ đánh một lúc nữa đến mỏi tay rồi đuổi Thanh:

- Đi ra khỏi nhà tao đi, đừng bao giờ vác mặt ăn cắp trở về nhà này nữa, đi đi... quân ăn cắp...

Thanh đầu cổ rối nùi, quần áo xơ xác, mặt mày bầm tím vì những lằn roi tàn nhẫn đành bỏ chạy ra sau vườn dừa đứng gục mặt bên một gốc cây. Thanh không khóc được nữa. Hình như bao phũ phàng của cuộc đời làm cạn khô suối lệ của em. Em gọi lên nho nhỏ những tiếng thân yêu mà từ lâu em chưa được gọi lại: Ba ơi! Má ơi! Chị ơi! Các em ơi!...

Lồng ngực em muốn vỡ ra vì đau khổ, nghẹn ngào, uất hận... Thanh ngồi như thế cho tới khi trời đã gần tối. Em đưa mắt nhìn lên. Qua những kẽ trống của tàn dừa, em thấy mây đen u ám vần vũ trên đầu. Thanh muốn mình tan biến thành mây, thành gió, thành cây cỏ... miễn sao tránh được niềm đau khổ hôm nay.

Thanh nghĩ rằng sao trời lại nỡ phụ lòng em. Bao thiện chí của em đối với cậu mợ chẳng được bù đắp chút nào, mà trái lại có cảnh hôm nay. Rồi ngày mai ra sao? Liệu Thanh có trở về căn nhà ấy được không?

Trời đã sẫm tối nhưng Thanh vẫn còn nằm trong vườn dừa với nỗi đau buồn nặng trĩu. Bỗng một cơn gió lạnh lùa qua, mưa rơi lấm tấm trên mình em. Thanh như sợ hãi điều gì vụt ngồi dậy, cắm cổ chạy về nhà cậu mợ. Cậu Tân và Kim đã về, mấy đứa nhỏ ngồi học trên bàn. Thanh nép ở mé hè để tránh cơn  mưa xối xả.

Bỗng Thanh nghe cậu Tân hỏi:

- Mình đuổi con Thanh đi hồi trưa rồi à?

Mợ Tân to tiếng trả lời như còn chưa hả lòng căm tức:

- Ừ! Tôi đuổi nó đi sau khi đập một trận nhừ tử.

Lòng Thanh se thắt khi nghe câu nói ấy. Trên bàn, đứa em của Kim đang học một bài thuộc  lòng:

"Con chim non rũ cánh, đi tìm tổ bơ vơ!
"Trên con đường sương lạnh, đi về đâu chim ơi!
"Con chim non không tổ, trẻ mồ côi không nhà...
"Hai bên cùng đau khổ, cùng bơ vơ, bơ vơ!"

Thanh nghe mấy câu đó vội bịt tai lại, lảo đảo ngồi xuống đất, cắn chặt môi để ngăn tiếng nấc. Nhưng em bỗng giật mình nghe tiếng mợ Tân la hoảng:

- Trời ơi! Mình oi! Kim ơi! Sao vậy nè? Trời ơi!

Thanh hoảng hốt nhìn vào thấy cậu Tân và Kim mặt xanh như tàu lá, hai tay ôm bụng, ói mửa linh láng. Còn mợ Tân mặt cắt không còn chút máu, chạy tới chạy lui không biết làm sao. Ngoài trời thì mưa đổ ào ào, gió rít từng cơn, trời tối đen như mực. Thanh nhìn cảnh ấy muốn để mặc kệ mợ Tân, chẳng vào giúp đỡ. Nhưng em nghe văng vẳng bên tai như có tiếng nói của thầy Xuân: "Muốn cho mọi người yêu thương con, trước hết con hãy mở lòng thương yêu họ". Thanh không còn ngần ngại gì nữa, đẩy cửa bước vào. Mợ Tân nhìn Thanh ngạc nhiên, Thanh dịu dàng nói:

- Mợ hãy phụ cùng con thoa dầu cho cậu và Kim, rồi lấy nước trà nóng cho uống. Con sẽ chạy đi rước thầy thuốc ngay.

Làm những công việc ấy xong, Thanh băng mình trong mưa to gió lớn, không nề sấm chớp đang gầm thét liên hồi. Mợ Tân nhìn theo, ánh mắt tràn đầy ngạc nhiên. Độ nửa giờ sau, Thanh dẫn thầy thuốc đến. Sau khi bắt mạch cho uống thuốc, ông bảo bệnh nhân trúng thực. Một lát sau, cơn bệnh của hai người dịu dần và đỡ hẳn. Thanh chỉ kịp thay bộ đồ ướt dính vào người, rồi gục xuống bộ ván sau nhà. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, Thanh ngạc nhiên khi thấy Kim ngồi kế bên và đang đưa tay sờ trán mình. Thấy Thanh mở mắt, Kim vội reo lên:

- Kìa chị đã tỉnh! Chị nóng quá làm em sợ ! Chị à! Xin chị tha lỗi cho em, hôm qua chính em đã ăn cắp tiền của má, không chịu nhận để cho chị bị đòn oan. Thế mà... lúc em bị bệnh, chị không ghét lại chạy trong mưa gió để rước thầy cho em... chị ơi! Chị có lòng tốt quá!

Nói xong, Kim khóc nức nở, nước mắt rơi xuống tay Thanh. Thanh vuốt tóc Kim dịu dàng nói:

- Thôi, em đừng khóc nữa, em đã biết thương chị thì chị cũng đủ vui rồi. À! Mà em thật hết bệnh chưa?

Lúc đó, cậu mợ Tân từ nhà trên cũng chạy xuống chỗ Thanh nằm. Cậu mợ Tân cùng nói một lúc:

- Thanh, cháu tha lỗi cho cậu mợ nhé!

Thanh sung sướng quá chưa kịp nói gì thì mợ Tân âu yếm ngồi xuống bên em, vừa vuốt tóc em vừa nói:

- Thanh! Cháu ngoan yêu quý của cậu mợ! Từ đây mợ hứa sẽ thương yêu cháu như con của cậu mợ...

Vừa nói, nước mắt hối hận của mợ lại trào ra. Thanh xúc động mãnh liệt, không ngờ cái ngày mong đợi cậu mợ hồi tâm đã đến. Thanh siết chặt tay cậu mợ, lắp bắp:

- Con cám ơn cậu mợ!

Thầy Xuân vừa về, bắt gặp cảnh ấy ngạc nhiên quá. Sau khi nghe Thanh kể chuyện, thầy nói:

- Đó là phần thưởng xứng đáng cho con, một đứa bé ngoan hiền đầy nghị lực. Con ban tình thương thì ngày nay, tình thương lại về với con. Con thật xứng đáng với hiệu quả tốt đẹp ấy.

Mắt Thanh sáng ngời, chan chứa niềm vui vô tận.


VÂN TRANG        
(Cholon)            

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Đêm Kinh Dị")



Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2023

TẠI CÁI SỐ - Đỗ Phương Khanh

 

Chắc các em đã có lần nghe một người nào đó than thở về sự không may của họ, và rồi họ kết luận:

- "Tại cái số tôi nó khổ như vậy".

- "Tại cái số tôi cung bạn bè xấu cho nên..."

- "Tại cái số tôi bị sao quả tạ chiếu..."

Hoặc... "Tôi sinh ra đời dưới một ngôi sao xấu..." Than thở như vậy rồi họ buông xuôi luôn cuộc đời, yên trí rằng tại cái số không may, mình phải chịu, phấn đấu làm chi cho nó mệt một đời.

Các em ơi! Các em đừng để bị cái tư tưởng yếm thế ấy nó đầu độc nhé. Dù chúng ta tin ở định mệnh nhưng cũng đừng quên rằng:

Có trời mà cũng có ta.
                          (Nguyễn Du)

Danh ngôn có câu "Chúng ta hãy tự cứu, rồi Trời sẽ cứu." đúng lắm đó các em ạ.

Nếu bạn ghét mình, các em đừng nghĩ rằng tại số mình không có cung bạn tốt, mà nên xét lại coi mình có làm điều gì phiền cho bạn chăng? Nếu ba má yêu các anh, chị, em hơn mình thì đừng nghĩ rằng vì số mình xung khắc với cha mẹ, mà nên xét xem mình ăn ở có được hiếu thuận bằng các anh chị em không... vân. vân...

Đừng đổ thừa cho định mệnh, cho "cái số". Hãy phấn đấu để cải thiện đời sống, đó là con đường duy nhất để đem lại cho các em một cuộc đời tươi sáng, đầy màu hồng.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 97, ra ngày 8-7-1973)


Thứ Tư, 26 tháng 7, 2023

THUỞ NÀO XƯA - Đặng Cẩn

 
 
Ngày xưa em làm học trò nhỏ
Phụng phịu đòi me dẫn đến trường
Lối cũ nghênh ngang mùa lá đổ
Rủ bạn bè nhặt xác lá vàng

Ngày xưa thường đi học trong mưa
Chẳng áo tơi che vở ướt nhòa
Đến lớp ngại ngần nhìn lấm lét
Ủ rũ ngồi im mắt lệ mờ

Ngày xưa em nhặt cánh phượng rơi
Tặng cô bạn gái tóc hoa cài
Màu hoa phượng thắm mùa ly biệt
Với dòng lưu bút buổi chia tay

Ngày xưa áo trắng thơ ngây ấy
Tuổi thích ô mai chẳng thuộc bài
Tan học em vẫn thường mơ mộng
Một mình thơ thẩn ngắm mây bay.

                                           ĐẶNG CẨN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 98, ra ngày 15-7-1973)




Thứ Ba, 25 tháng 7, 2023

NGƯỜI ÍCH KỶ - Nguyễn Hùng Trương

 


Các em thân mến,

Trong số báo vừa qua, chúng tôi có liệt kê mười lăm cách để làm cho người ta ghét hoặc ghê tởm mình.

Hôm nay, chúng tôi xin nói chuyện với các em về cách thứ nhất làm cho người ta ghét mình là mình tỏ ra ích kỷ, thờ ơ với mọi người.

Người ích kỷ là người chỉ biết đến mình, đến quyền lợi của riêng mình thôi.

Người ích kỷ thường hay thờ ơ đối với mọi người hay nói rõ hơn, người ích kỷ không bao giờ để ý đến người khác, tức là không bao giờ nghĩ đến đời sống, hoàn cảnh hay quyền lợi không phải của mình.

Người ích kỷ lúc nào cũng chỉ biết đến mình, còn người khác ra sao mặc họ, sống chết mặc họ, không liên can gì đến mình.

Chắc các em cũng đồng ý với chúng tôi: sống trên đời, chúng ta phải nhờ vả rất nhiều người. Người thợ nề, thợ mộc giúp cho chúng ta có nhà ở. Người thợ dệt, thợ may giúp cho chúng ta quần áo mặc. Người nông phu trồng tỉa, chăn nuôi đem thức ăn nuôi sống chúng ta. Nhà văn, nhà giáo mở mang trí óc chúng ta. Chúng ta còn phải mang ơn rất nhiều người nữa, chẳng hạn như bác sĩ lo cho sức khỏe chúng ta, quân nhân, cảnh sát bảo vệ an ninh cho đời sống chúng ta...

Đời sống chúng ta liên quan đến rất nhiều người. Vì vậy, chúng ta không thể sống ích kỷ, chỉ biết có mình.

Người ích kỷ không được ai mến. Ai mà ưa được con người lúc nào cũng nghĩ đến mình, thờ ơ đối với mọi người.

Con người ta ngoài cơm áo, ăn mặc, tiện nghi, tiền bạc dồi dào còn có một sự ham muốn không kém mãnh liệt là sự ham muốn trở nên con người quan trọng.

Các em tuy tuổi còn nhỏ nhưng chắc chắn lúc nào các em cũng muốn mọi người xem trọng các em, kể cả người lớn.

Các em lúc nào cũng muốn được đối xử xứng đáng mặc dù tuổi các em còn thơ ấu.

Các em sẽ thấy mọi người trong xã hội, từ những người giàu sang, có địa vị xứng đáng đến những người nghèo khó tầm thường như phu xe, người quét đường, hốt rác, thông cầu tiêu, ai nấy cũng đều giống các em ở điểm là muốn mọi người xem trọng mình.

Một nhà giáo dục Pháp, ông Raymond de Saint Laurent đã nói: Người ta có thể cãi nhau với bạn, chơi bạn nhiều trò bỉ ổi. Bạn có thể nổi giận, nhưng rồi sẽ qua đi, bạn sẽ quên dễ dàng. Nhưng nếu người ta tỏ ra không công nhận giá trị của bạn là không bao giờ bạn quên hết, vết thương tinh thần không bao giờ khép miệng. Không bao giờ bạn sẽ quên, bạn không thể tha thứ tội họ coi thường bạn. Nhiều năm sau nữa, khi bạn nghĩ lại bạn vẫn thấy đau khổ.

Vì vậy, khi giao thiệp, với bất cứ ai, các em chớ có thờ ơ đối với họ, chớ có coi thường họ nếu các em không muốn họ ghét các em.

Các em thân mến, nếu các em muốn được cảm tình của mọi người, điều đầu tiên là các em đừng có ích kỷ, chỉ nghĩ đến các em, đừng thờ ơ, coi thường ai cả.

Các em nên nghĩ đến những người mà các em chung đụng hàng ngày, chia sớt nỗi buồn vui của họ, coi trọng họ, thành thật công nhận giá trị của họ, đương nhiên các em được họ quí mến và đời sống các em được yên vui hơn.


Thân mến chào các em,       
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG   

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 95, ra ngày 24-6-1973)




Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2023

ĐI MUA ĐỒ - Đỗ Phương Khanh

  


Mỗi khi phải đi mua đồ, chị ngán nhất là cái nạn mặc cả. Chẳng biết là họ sẽ nói thách đến mức nào, nhất là món đồ lạ, đã lâu mình không mua. Có người chỉ nói hơn giá bán chừng  hai chục phần trăm. Nhưng cũng có người nói thách tới gấp ba lần. Món đồ đáng giá hai trăm, gặp người nói thách tới 600đ, nếu mình tưởng họ nói gần đúng giá, trả họ bốn hoặc năm trăm là mình mua hớ, rất tốn tiền của ba má. Còn nếu họ nói thách ít, ra giá 300đ thôi, mình lại tưởng họ thuộc loại nói thách, mình trả họ 100đ, thì có thể sẽ xẩy ra một màn nói chanh chua cay đắng, nếu họ dữ dằn, rồi nếu mình cũng dữ dằn thì có khi tiếp theo sẽ là một màn cãi nhau, như thế thì buồn ghê lắm đấy nhé. Vậy các em thử theo một vài kinh nghiệm này coi sao. Mỗi khi đi mua hàng, đầu tiên là các em coi xem hàng nào đang có người mua, nếu họ đang trả giá món hàng mình mua thì càng tốt, chỉ việc chờ nếu giá mua tương đối hợp với túi tiền, ta sẽ đỡ tốn công mặc cả. Nếu mua món hàng lạ, không biết tỷ lệ nói thách, thì đầu tiên em nên hỏi giá một món mà em đã biết giá, như thế các em sẽ biết bà bán hàng nói thách nhiều hay ít, để liệu mà mặc cả.

Người mình có lệ kiêng khem, lựa người mở hàng, thành ra nhiều khi họ nói thách rồi cứ bắt mình phải trả giá mở hàng. Trả ít sợ họ lườm nguýt, trả cao thì lại bị mua hớ. Vậy tốt hơn hết nên đi mua trễ trễ một chút. Quãng sau 10 giờ sáng thì thường là hàng nào cũng đã bán mở hàng, mình khỏi áy náy. Trả giá rồi nếu họ có nói nặng nhẹ, chị xin các em đừng trả lời. Cái cảnh hai người đứng tranh luận cãi nhau nó kỳ cục, mất hết nét duyên dáng. Đừng vì một người xa lạ, có thể cả đời mình sẽ không còn gặp lần nữa, mà khiến cho nhân cách mình bị sứt mẻ, các em nhé.

Chị ước mong thương gia nước mình sẽ cải tổ lại lề lối làm việc. Bởi vì cái sự nói thách trả giá rất mất thì giờ cho cả hai bên. Nếu để giá đúng, người mua chỉ việc coi qua, thấy vừa ý thì mua, cuộc mua bán xong trong vài phút, nhà hàng sẽ tiếp khách khác, khách mua sẽ làm việc khác, công việc mau lẹ, năng suất sẽ tăng, guồng máy quốc gia sẽ vận chuyển nhanh chóng vì thời giờ của mọi công dân được sử dụng đúng chỗ, không bị lãng phí.

Sự nói thách để có thể khiến cho một vài người không quen mua bán bị lầm mà mua hớ, mới coi thì tưởng người bán có lợi, sâu xa thì người mua bị thiệt thòi, và người bán cũng không có lợi đâu. Bởi vì với thời gian bán cho một người theo kiểu nói thách và trả giá, nếu bán theo giá nhất định, nhà hàng sẽ có thể bán cho 3, 4 người khách, số lời tuy ít nhưng nhờ bán nhiều nên vẫn có lời nhiều, mà lại gây được cảm tình nơi người mua. Cái sự mua bán mặc cả hiện nay nó tạo cho giới mua hàng một cảm giác bất ổn ghê lắm. Đi mua hàng cứ tưởng như sắp bước vào võ đài. Phải dự bị sẵn bản lãnh, buồn lắm em ạ. Hai người tươi cười với nhau mà lòng nghi kỵ, một bên rán làm cho người ta mắc vào cái bẫy nói thách, cho người ta phải mua hớ, một bên dù có mua được hàng cũng nghi nghi là mình mua hớ và không thấy cảm tình với người bán hàng.

Kinh nghiệm riêng của chị là cứ mua hàng của người quen mà mình đã tín nhiệm, giá cả phải chăng, khỏi mất thì giờ, hai bên đều có lợi, lại tránh được sự giả mạo mà mình có thể lầm, các em ạ.


Chị ĐỖ PHƯƠNG KHANH      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 48, ra ngày 23-7-1972)


Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

MÙA ỔI CHÍN - Thơ Thơ

 

 Trong vườn muôn trái chín
Chim chóc bay lăng xăng
Mùi hương thơm ngào ngạt 
Ong bướm lượn quẩn quanh

Trời xanh qua kẽ lá
Mây trắng lững lờ trôi
Cánh diều đuôi lướt thướt
Hồng tím... đón hè vui

Lũ trẻ tha hồ lượm
Trái chín rụng sau vườn 
Ổi giòn nhai nhóp nhép 
Ổi ngọt trái đỏ hườm

Rủ nhau đi câu cá
Rủ nhau đi tắm sông
Rủ nhau chơi đá dế
Cả mùa hè chơi rong

Lục bình sắc tim tím
Hoa ngâu lí tí vàng
Giậu thưa bông bụp đỏ
Phượng vỹ đẹp mơ màng

Hôm nay qua vườn ổi
Nhớ sao nắng hạ xưa
Ngày xanh rồi xa khuất
Tìm đâu thời ấu thơ...

                            Thơ Thơ 
                   (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

TRẬN PHỤC THÙ - Phan văn Kha

 Nhỏ Liên chụm chân nhảy lên cho dây lòn qua rồi lại nhảy tiếp. Hai nhỏ Hảo và Hiên cầm hai đầu dây quay đều. À, thì ra các nhỏ đang chơi nhảy dây! Nhỏ Liên vừa tung mình lên thì Hảo và Hiên đồng ca theo một bài ngồ ngộ, khó hiểu:

- Ông Sáp-ben, bé tí don don. Ú-u-ề, u-ế, u-ê!... Đó! Liên đụng dây rồi đó nha. Ngừng lại, vô thế cho Hảo đi! - Hiên nói.

Liên vừa gỡ sợi dây thun vừa bước ra, mỉm cười, phân trần với bạn:

- Uổng quá hà. Hôm nay Liên nhảy tệ ghê, chưa hết bản đã bị đụng dây rồi! Thôi, Hảo đưa dây Liên quay cho. Rồi...

- Chị Liên! Mẹ gọi về ăn cơm kìa. Lẹ lẹ lên nha. Hết cơm bây giờ à! Hổng có ai ở không mà chừa cơm đâu. - Tiếng con nhà Phúc, em Liên, oang oang như ống tà la.

Mầy về trước đi. Lát tao về tới bây giờ!

Con nhà Phúc không chịu nghe, vẫn ong óng cái họng cãi lại:

- Không được! Mẹ bảo chị phải về liền ngay bây giờ. Không, mẹ ra đánh bây giờ à. Tới giờ mà không lo về ăn cơm, đợi tới mời mới được. Tối ngày lo ăn dây thun no à.

Nhỏ Hảo thấy tình hình có vẻ căng thẳng, vội cuộn dây lại, nói nhỏ:

- Liên à. Bây giờ Liên về ăn cơm đi. Hảo và Hiên cũng về ăn nữa. Mai mình lại ra đây chơi tiếp. Liên về ngay đi, kẻo bác rầy à.

Liên hơi buồn vì cuộc chơi bị cắt ngang, nhưng cũng gật đầu, dợm bước. Hình như chưa vừa lòng, con nhà Phúc vẫn còn xỉa xói:

- Ủa, về chi sớm quá vậy! Sao không để mai rồi về luôn cho tiện. Ở lại ăn dây thun cho nó no lâu. Lêu lêu, con gà nuốt dây thun...

Nhỏ Liên nổi dóa, lượm nhánh cây dưới đất, định phết cho con nhà Phúc một trận thì hắn đã nhanh chân tẩu mất dạng.

Trên đường về, nhỏ Liên ức đến phát khóc: "Ức thật, thằng láu cá! Cứ gặp mặt mình là nói xỉa nói xói hoài. Con trai gì mà vô duyên ghê".

Trên bàn ăn, nhỏ Liên uể oải gắp từ món như cố nuốt cho xong chuyện. Con nhà Phúc ngồi đối diện hai mắt mở thao láo, tay cầm đũa gắp thoăn thoắt, miệng không ngừng nhai, cứ ngốn hết món nầy lại nhai món khác. Nhỏ Liên nhìn em, vừa hậm hực vừa phát sợ. Đúng là nam thực như hổ.

Trong một thoáng ngừng để thở, thấy nhỏ Liên đang nhai nhỏ nhẻ, con nhà Phúc nhướng to đôi mắt ốc bươu, gắp một miếng lạp xưởng béo ngậy đưa cho Liên ; tay kia quẹt mỏ bóng lưỡng:

- Bộ chị ăn dây thun no rồi hả? Nè, chị ăn thêm một miếng cho mau lớn. Không, người ta bảo là gà nuốt dây thun à.

Vừa nói dứt, không đợi cho Liên nói gì, con nhà Phúc lẹ làng đưa vội miếng lạp xưởng vào miệng nhai ngấu nghiến. 

Chợt một tiếng "kẻng" khô khan vang lên. Thì ra, lúc rút tay lại, cùi chỏ của con nhà Phúc vô tình đụng nhằm thành ghế dựa làm đôi đũa quẹt chén cơm rớt xuống đất bể tan tành...

Con nhà Phúc mặt xanh như tàu lá, lấm lét nhìn mẹ, còn đôi tay thì run lên như có điện châm vào. Nhỏ Liên khoái chí cười trong khi mẹ trở cán chổi lông gà, phết vào mông con nhà Phúc một cái đau điếng:

- Con trai gì mà hư quá! "Ăn coi nồi, ngồi coi chén" chớ. Cho một roi nầy phải chừa tới già nghe.

Con nhà Phúc lí nhí trong bụng như bị nghẹn cơm. Tay xoa xoa mông như thằn lằn đứt đuôi.

Quay lại, thấy nhỏ Liên đang hỉnh mũi trêu tức Phúc, mẹ sẵn cơn giận, mắng luôn Liên:

- Còn con Liên, em như vậy mà cười được hả? Ăn cơm xong phải hốt cho hết đống cơm rồi lau cho sạch.

Bị mẹ rầy, nhỏ Liên buồn muốn khóc. Liên nhớ lại mấy năm trước, lúc con nhà Phúc chưa có, mẹ cưng nhỏ như trứng mỏng. Đi đâu về, lúc nào cũng có quà cho nhỏ hết. Mỗi lần ba rầy hay bẹo tay nhỏ thì mẹ chạy lên nhà ôm nhỏ mà dỗ dành, mẹ cho nào kẹo nè, nào bánh ngọt nè...

Thế rồi con nhà Phúc ra đời, mẹ tối ngày chỉ săn sóc cho hắn. Lúc nào cũng ẵm trên tay, mẹ hay nựng Phúc mà bảo rằng: "Cục ngọc của tui à. Dễ thường, tui cứ sợ kỳ này lại sanh con gái nữa chứ". Mỗi lần nhỏ Liên cà nanh, chạy lại ôm mẹ, mẹ chỉ hôn lên má của nó rồi thôi.
 
Càng lớn, con nhà Phúc càng dễ ghét ghê. Con trai gì hễ chơi với ai một chút là có đánh lộn. Tối ngày lo lấy dao đẽo súng, gươm giắt cùng lưng quần. Hễ ăn cơm xong là quấn sợi dây chuối vào hông, nhét vào nào là súng, gươm, ná thun, dao găm. Rồi bước chậm chạp ra cửa, hai tay khuỳnh ra như con gà lôi, miệng rống to nghe phát mệt: "Ba quân, mau theo ta ra bờ sông tập trận". Có khi Phúc về nhà mà mình đầy cát với mồ hôi nhễ nhại, tay vẫn còn cầm khẩu súng cây, mồm cứ la bằng, bằng...

Không bao giờ nhỏ Liên và con nhà Phúc chơi chung một trò chơi nào được cả. Hễ có Liên là không có Phúc, và ngược lại. Hễ khi gặp mặt nhau thì như trâu trắng, trâu đen, trăm lần hết chín mươi chín lần là gây lộn. Liên cũng không hiểu sao vậy nữa! Mà mỗi lần gây lộn thì thường là nhỏ Liên muốn khóc. Về méc mẹ, mẹ chỉ nói có một câu độc nhất: "Sao con cứ chọc chị hai hoài vậy? Lần sau chừa nghe!"...

Cơm nước xong, nhỏ Liên lo quét hốt đống cơm rồi phụ mẹ rửa chén. Liên ra trước hàng ba, ngồi xỉa răng. Hôm nay bị đòn nên con nhà Phúc không đi chơi mà lân la đứng gần đó. Liếc thấy mặt con nhà Phúc, nhỏ Liên nhớ lại lúc hốt cơm bèn nghĩ kế chọc Phúc:

- Này Phúc!

Con nhà Phúc vẫn phớt tỉnh ăng-lê:

- Gì?

- Lúc nãy mầy làm đổ cơm.

- Sao?

Nhỏ Liên cố kiên nhẫn:

- Người ta nói hạt cơm, hạt gạo là hạt ngọc của ông trời. Ăn cơm mà làm đổ, chết xuống âm phủ sẽ bị ăn dòi. Bao nhiêu hạt, bấy nhiêu trăm con. Như mầy hồi nãy phải ăn cả trăm chén, eo ôi.

Lúc bấy giờ, con nhà Phúc có phần sợ hãi:

- Có thật vậy không chị Liên?

Nhỏ Liên phịa thêm một hơi dài:

- Thật chớ! Mầy không nghe ngoại kể à? Chẳng những thế mà còn phải đi trên sợi dây thun, như sợi tao nhảy dây hồi chiều đó, phía dưới có nào là cá sấu nè, rắn nè. Nếu đi không được rớt xuống sẽ bị rắn cắn  rồi thò đuôi vào ngoáy cái rún cho lủng bụng, cá sấu sẽ phóng tới táp đứt đầu rồi tha đi, còn xương quăng cho chó ăn. Mầy còn bị quỉ sứ cưa cái bụng nữa.
 
Con nhà Phúc nhớ lại hình bọn quỉ sứ trong hình Phạm Công Cúc Hoa mà phát khiếp. Rồi bỗng nhiên nó liên tưởng đến lúc cưa cái bụng, lúc đi trên sợi dây thun mà chị chơi nhảy dây, tới lúc té xuống bị rắn ngoáy rún, bị sấu cắn, bị ăn dòi... Bao nhiêu hình ảnh ấy cứ nhảy múa lộn xộn trong óc. Eo ơi... con nhà Phúc sợ quá, nhắm mắt bịt tai lại, khóc hù hụ.

Vậy mà nhỏ Liên vẫn chưa hả dạ. Bình thường bị con nhà Phúc chọc đến phát khóc, về méc, mẹ còn bênh hắn nữa. Nay được dịp phải trả thù cho đích đáng mới được. Nghĩ thế Liên gọi:

- Này, Phúc! Nói thế chứ không sao đâu. Tao còn cách gỡ tội nho mầy. Để tối tao bắt con cá thòi lòi, cho ngậm cọng tóc của mầy rồi tao vái cho hết tội.

Con nhà Phúc như đang chết hụt vớ được bắp dừa, mừng quýnh lên:

- Thiệt không chị Liên, hả? Chị rán giúp em nhá chị nhá.

Nhỏ Liên gỡ cánh tay con nhà Phúc nắm tay mình ra, nói:

- Ừ, tao sẽ giúp cho. Ủa mà cái răng cửa của mầy sao vậy?

Phúc sực nhớ đến cái răng hư, đưa tay rung  rung:

- Em có cái răng lung lay, đau quá chị ạ.

Lại một lần nữa, nhỏ Liên lên giọng thầy đời, phịa thêm:

- Sao mầy không lo nhổ đi? "Cái răng cái tóc là gốc con người" mà. Phải nhổ đi nhé. Mầy thấy có cây nào không có gốc với rễ mà sống được không? Mầy cũng vậy đó, biết chưa?

Con nhà Phúc run giọng:

- Có thật không chị? Mà làm sao nhổ được, đau quá hà. Em sợ lắm!

Nhỏ Liên suýt phì cười. Con trai gì mà nhát như thỏ đế, vậy mà hở ra thì tập trận, thì đấu súng, so gươm. Chơi toàn là đòi đóng vai hiệp sĩ!

- Được rồi! Tao có cách nhổ êm ru, hơn nhổ cỏ nữa.

Nhỏ Liên thì thầm vào tai em. Con nhà Phúc khoái chí, cười híp mắt nhe cả cái răng lung lay.

Con nhà Phúc loay hoay cột một đầu chỉ đôi vào tay cối xay, nhỏ Liên phụ em, dùng đầu chỉ còn lại cột chặt vào chiếc răng lung lay của con nhà Phúc. Xong, Liên ra lệnh:

- Nào bây giờ mầy đội hòn sỏi cho thật khéo, kẻo rớt nhé. Mầy gãy cái răng hàm dưới, phải đội hòn sỏi trên đầu cho răng mọc lên. Nếu làm rớt, răng mọc xuống nó đâm lủng cằm à. Chuẩn bị đi. Khi tao vái xong, mầy phải đẩy nhè nhẹ cái cối xay nha.

Hình như chỉ đợi có thế, con nhà Phúc vội gật đầu lia lịa. Nhỏ Liên ấn đầu Phúc cho khum xuống để khỏi thấy nụ cười mỉm, rồi quăng một hòn sỏi khác xuống đất, chắp tay lâm râm:

- Án ma ni! Án ma ni! Úm ba la! Úm ba la! Bùm, bùm, bùm! Răng ơi! Mi hãy rớt ra mau cho em ta nhờ. Nhớ rớt ra cho êm êm đó, kẻo đau em ta tội nghiệp. Nào, hãy đẩy cối đi!

Con nhà Phúc tuân lệnh, đẩy nhẹ tay cối xay. Sợi chỉ chằng giữa tay cối và cái răng lung lay làm con nhà Phúc đau chảy cả nước mắt. Phúc ngậm miệng không được, nói với giọng đả đớt:

- Ối trời ơi! Đau quá chị Liên ơi!

Liên mỉm cười trấn an:

- Đẩy thêm chút nữa nó sẽ hết đau và hết rụng ngay. Cấm khóc đấy! Khóc sẽ hết thiêng đa!... Coi chừng rớt hòn sỏi đó.

Lần này con nhà Phúc cố đẩy thêm chút nữa, nhưng mới có một chút thì bị chằng nữa. Con nhà Phúc đau điếng nên cứ đi theo tay quay vòng quanh cái cối xay. Hắn đi thẳng mình, không dám cục cựa đầu vì sợ rớt hòn sỏi. Hắn cũng không dám khóc, mặc cù nước mắt, nước mũi, nước dãi cứ thi nhau chảy ra như suối!

Cứ nhịn đau mà đi vòng tròn thế mãi, lát sau, chịu hết nổi con nhà Phúc hét lên một tiếng, như chàng hiệp sĩ hét lên một tiếng oai hùng khi nhắm mắt, và... tè ra ướt cả quần trong khi nhỏ Liên vỗ tay cười rũ rượi.

Nghe tiếng con nhà Phúc hét lên, mẹ vội chạy xuống y như một nữ hiệp sĩ nghe tiếng kêu cứu của người cô thế bèn chạy đến cứu.

Thấy con nhà Phúc vừa đi theo tay cối xay bột vừa khóc hu hu. Đầu thì đội hòn sỏi, miệng cứ hả ra,  mặt mũi tèm lem tuốt luốt, còn quần thì ướt nhem... Hiểu chuyện, mẹ vội làm một màn đuổi kẻ ăn hiếp, cứu người bị nguy nàn. Bèn với tay xách cây chổi lông gà rượt nhỏ Liên ra cửa vừa che giấu nụ cười.


PHAN VĂN KHA        

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 47, ra ngày 16-7-1972)


Thứ Tư, 19 tháng 7, 2023

MỘNG VÀ THỰC - Nhã Uyên

 
   
Một thuở năm xưa chút dại khờ

Tưởng đời êm ái những vần thơ

Khi mà tỉnh mộng sao hụt hẫng

Mới biết cuộc đời chẳng như mơ


Ai là thi sĩ sống trong mơ

Dệt bao mộng đẹp với trăng thơ

Từ thuở ngàn xưa trăng là bạn

Cành liễu nằm yên trăng đợi chờ (*)


Đẹp nhất trăng rằm sáng thật tươi

Mù mịt không trăng tối ba mươi

Tuyệt diệu làm sao trăng mười sáu

Ngàn lá reo vui mở miếng cười


Năm ấy loài người viếng cung trăng

Giữa ngàn tinh tú với sao băng

Phi thuyền khám phá trong vũ trụ

Ngắm rõ dung nhan của chị Hằng


Cây đa chú Cuội  cũng thôi đành

Hằng Nga tiên nữ đẹp trong tranh

Bí mật cung trăng thành bật mí

Mộng của năm xưa cũng thôi đành...


                                                  Nhã Uyên

(*) Thơ Bẽn Lẽn của  Hàn Mặc Tử

" Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
  Đợi gió đông về để lả lơi"
 
Kỷ Niệm Ngày 21 Tháng 7  Năm 1969 
khi Neil Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên cung trăng 


Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

RỒI MỘT NGÀY - Phạm văn Dũng

 

Mặt trời lên tới đỉnh đầu, Hoàng mới thức dậy. Bên mớ sách vở ngổn ngang, Hoàng thấy mệt mỏi lẫn chán chường, vươn vai xong lại uốn éo thân mình thêm mấy cái nữa, rồi mới đi rửa mặt đánh răng. Rồi lại trở vào bàn học. Hôm nay chị Hiền có lẽ đi bán sớm, Hoàng đoán vậy vì thấy bàn ghế đã được lau chùi sạch, nền nhà không còn đất cát, mùng mền đã được xếp lại tươm tất, vừa nghĩ Hoàng lại thấy mình hư chi lạ.

Phải cố gắng lắm Hoàng mới mở được cuốn hình học tìm lại trang đang học dở đêm trước. Nó rắc rồi, nó khó hiểu và dầy đặc những định lý dài lê thê. Một con chim nhỏ từ đâu sà xuống đậu trên cửa sổ. Hoàng thấy mình cũng ngây ngô như con chim nhỏ hay mơ mộng đến những chuyện đâu đâu. Rồi giật mình nhớ lại cuốn sách đang ôm trên tay làm Hoàng luống cuống. Đảo mắt vài dòng Hoàng cảm thấy đầu óc khép kín, không một chữ nào lọt vào khối óc. Hoàng lại quăng cuốn sách xuống bàn đi ra hiên...

Cơn nắng gay gắt của buổi trưa hè làm Hoàng chói mắt. Trên cành phượng đàn chim sẻ ríu rít, một vài con bay xuống sân và nhảy nhót vừa mổ những hạt bụi rồi vụt bay lên cây. Hoàng dõi mắt trông theo, phượng đã nở đầy. Hoàng biết hè đã về, kỳ thi đệ II lục cá nguyệt đã về... Nắng mỗi lúc như gắt gao thêm làm cho con hẻm vắng vẻ lạ. Nên chiếc chõng tre con mực đang thè chiếc lưỡi đỏ lòm thở hùng hục, các cành cây đứng im lìm, lá rung khe khẽ không gây được tiếng xào xạc. Bác gió đi đâu rồi chẳng biết...

Hoàng lững thững vào nhà lấy sách ra. Những dòng chữ lại nhảy múa lung tung. Hoàng xếp nhẹ cuốn sách lại cúi đầu lủi xuống bếp. Những con kiến đang bò rần rần trong bụng Hoàng. Trưa rồi sao chị Hiền chưa về nhỉ? Vừa miên man suy nghĩ Hoàng vừa đưa tay mở nhẹ chiếc cụi... Ăn uống xong Hoàng thấy khỏe hẳn, thủng thẳng tiến ra sau hè với tay lấy chiếc khăn mặt đã rách nhiều chỗ vò nước rồi nhẹ tay vắt khẽ. Những giọt nước thi nhau rơi xuống. Hoàng phủ tấm khăn lên mặt, nghe hơi lạnh truyền vào cơ thể làm Hoàng khỏe khoắn. Bỗng Hoàng giật mình bỏ khăn xuống, hình như có ai kêu:

- Hoàng ơi! Hoàng ới... ời...

Không thể sai được, đích thị là thằng Vĩnh rồi. Hoàng vắt vội chiếc khăn lên dây thép rồi vội vã chạy ra sân...

*

Trên con đường QT vắng vẻ, các bóng cây che bớt đi ánh nắng gay gắt của mặt trời, thỉnh thoảng một vài chiếc Honda vọt nhanh qua, âm thanh khuất dần để trả lại sự im lặng. Hoàng và Vĩnh đi bên nhau, chúng tới trường sớm hơn thường lệ. Vĩnh lên tiếng:

- Mi biết bữa ni tao rủ đi sớm để làm chi không?

- Chịu! Hoàng trả lời.

- Đoán thử coi.

- Đã bảo chịu rồi mà!

- Cua.

- Cua hả!

- Cái chi mi la hoảng lên rứa?

- Đi đâu bi chừ.

- Xi-nê.

Hoàng ngạc nhiên nói:

- Mi có điên không? Tiền mô?

Vĩnh tròn xoe mắt:

- Tao mà điên. Mi không biết tiền học mình chưa nộp à. Mình lấy tiền ấy đi coi.

Thấy Hoàng im lặng, Vĩnh nói tiếp:

- Tao nghe bọn hắn nói bữa ni KĐ có chiếu phim "Độc long quá tam giang" hay tuyệt cú!...

Hoàng đứng đợi Vĩnh mua vé, xong hai đứa cùng sánh bước vào cổng. Xem xong cuốn phim Hoàng thấy tâm hồn thoải mái. Phim thật hay: đấm, đá, chém, chao ơi! Không uổng tiền tí nào. Đang nghĩ miên man, Hoàng bỗng nghe tiếng quen quen:

- Mời các anh, các chị mua ít đậu phộng...

Hoàng rụng rời tay chân. Trời ơi chị Hiền bán đây sao? Hoàng ù té chạy bỏ lại Vĩnh đang đứng ngẩn ngơ trông theo...

*

Hoàng trằn trọc mãi cố dỗ giấc ngủ, nhưng những chuyện ngày hôm nay cứ nhảy múa trước mắt làm Hoàng bứt rứt. Hoàng mở mắt vào lúc chị Hiền khâu xong chiếc áo rách cho Hoàng. Đau nhói trong lòng, Hoàng im lặng theo dõi. Chị Hiền đi nhẹ nhàng chậm rãi đến khoác chiếc áo lên móc, rồi lấy cặp táp Hoàng lôi ra chiếc phiếu điểm hằng tháng. Hoàng toát mồ hôi, tim đập mạnh. Số là tháng này vì nhác học, lại theo nhỏ Vĩnh đi chơi nên thay vì đứng nhì nhất, Hoàng lại sụt xuống con số năm mươi với sỉ số năm mươi lăm (55) học sinh... Hoàng lại mở mắt nhìn, chị Hiền hai tay luồn vào suối tóc gục đầu nức nở. Hoàng vùng dậy. Hai chị em ôm nhau thổn thức. Hoàng vùi đầu vào lòng chị kể lể. Chị Hiền đã hiểu, khẽ đưa tay vuốt đầu Hoàng, giọng chị nhẹ như ru:

- Chị biết! Chị không bắt lỗi đâu, bây giờ em biết hối hận cũng chưa muộn, hãy vâng lời chị mà gắng sức học hành em nhé!...

Ngoài trời màn đêm đả buông phủ, cây cối cạ vào nhau hòa với mấy chú ve cùng tấu lên nhạc khúc như vui mừng, như chia sớt nỗi lòng của hai chị em trong căn nhà tiều tụy...


PHẠM VĂN DŨNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 95, ra ngày 24-6-1973)



Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2023

MÔN THẦN DƯỢC - Bích Châu

 

Ngày xưa, bên xứ Phù Tang có một công hầu tên là Kirimanjago, rất giầu có, của cải vàng bạc chất đầy kho. Ông sống dưới chân núi Fuji, trong một dinh thự huy hoàng, tráng lệ. Hằng ngày ông chỉ thơ thẩn ngoài vườn, dạo chơi dưới rặng hoa anh đào, khoe sắc dưới nền trời xanh thẳm, hoặc ngồi lặng hàng giờ bên ao sen hương tỏa thơm ngát.

Cô con gái của ông, nàng Osyko kiều diễm, luôn theo hầu bên cha, nâng đỡ săn sóc cha từng tý. Sống nhàn hạ sung sướng như thế nhưng vị công hầu giàu có này vẫn lấy làm khổ sở, vì ông là người bệnh hoạn yếu đuối. Ông thường than với con gái:

- Cha mệt mỏi quá con ạ. Thân thể cha sao nặng nề bạc nhược đến thế này! Con có đón được danh y nào tới chẩn bệnh cho cha hôm nay không?

Lẽ dĩ nhiên, những người tự xưng là danh y tới chữa cho ông không thiếu. Có những vị lặn lội từ phương xa tới, nguyện đem hết tài trị bệnh ra chữa chạy cho ông. Mỗi ngày cứ vào lúc ánh dương ửng hồng trên ngọn núi Phú Sĩ thì gia nhân lại dẫn vào một lang y mới. Và rồi ông lang nào cũng thế cả, sau khi chẩn mạch, quan sát sắc diện, sờ nắn tay chân bệnh nhân, các ông lại kê một thang thuốc gồm có những dược thảo kỳ lạ, bảo gia nhân đem sắc nước dâng lên cho chủ nhân uống thử. Công hầu Kirimanjago bưng chén thuốc đặc sánh đưa lên miệng thong thả uống.

Lang y cho thuốc hôm ấy, chăm chú chờ đợi, hy vọng những vị thuốc của mình sẽ đem lại kết quả.

- Thưa đại nhân, chẳng hay liều thuốc của kẻ hèn này có làm cho đại nhân dễ chịu được chút nào không?

Lần nào công hầu cũng buồn bã lắc đầu:

- Ta chẳng thấy khỏe hơn được chút nào cả!

Nói rồi công hầu nặng nhọc đứng lên, vịn vai con gái bước ra vườn, mặc cho ông lang thất vọng rút lui.

Các gia nhân lại vội vàng đi tìm một lang y khác cho ngày hôm sau.

*

Một buổi sáng, thay cho những lang y râu tóc bạc phơ, gia nhân đưa tới trước công hầu một thanh niên tuấn tú. Thanh niên cúi đầu thưa:

- Dám bẩm đại nhân, vãn sinh này mong được đem chút tài mọn ra giúp ích cho đại nhân. Xin đại nhân cho phép vãn sinh thăm xem ngọc thể ra sao?

Kirimanjago nghi hoặc hỏi:

- Nhà thầy tên gì? Có thạo về y lý hay không?

Thanh niên cung kính đáp:

- Bẩm, vãn sinh tên là Mokytongo. Xin đại nhân cứ tin ở lòng thành của vãn sinh này là đủ.

Sau khi để cho thanh niên xem xét kỹ lưỡng tứ chi, công hầu hỏi tiếp:

- Chắc nhà thầy cũng sẽ bốc cho ta một thang thuốc gồm toàn dược thảo hiếm có?

Thanh niên trịnh trọng thưa:

- Bẩm đại nhân, không cần! Bệnh trạng của đại nhân có uống đến bao nhiêu thang thuốc cũng đều vô hiệu!

Kirimanjago lo lắng hỏi:

- Tại sao? Nhà thầy hãy nói mau cho ta biết!

- Bởi vì, đại nhân sắp kiệt lực rồi. Vãn sinh dám khuyên đại nhân hãy can đảm đối diện với thần chết và chiến đấu như một hiệp sĩ Samourai anh dũng!

Công hầu thất sắc:

- Ta không muốn chết! Ta chưa muốn chết! Và ta cũng không phải là hiệp sĩ Samourai!

Thanh niên suy nghĩ rồi tiếp:

- Nếu vậy chỉ còn một phương thế này, may ra mới cứu vãn nổi ; xin đại nhân hãy sang bên Ấn độ, tìm nhà thuật sĩ tên là Bougy-Bangay. Chỉ mình ông ta mới có thể cứu sống được đại nhân, và... 

Mokytongo chưa nói hết lời thì lập tức công hầu đã truyền lệnh cho gia nhân kiếm ngay cho ông một chiếc thuyền mành. Ông xuống thuyền cùng với ái nữ Osyko, và cấp tốc đi sang nước Tàu. Cuộc hành trình bằng đường bể đầy sóng gió, nhưng vì nóng lòng mong tới Ấn độ nên ông quên cả mệt nhọc. Đến Trung hoa, ông bị một bọn thảo khấu chặn đường cướp hết hành trang vàng bạc. Bọn tùy tùng ông, kẻ bị cướp giết, kẻ chạy trốn thục mạng, chỉ còn lại hai cha con nhờ bọn cướp tranh nhau chia của, nên thoát chết.

Nàng Osyko dắt cha bơ vơ nơi đất khách may được một đoàn lái buôn cho nhập bọn. Kirimanjago phải dắt ngựa thồ hàng cho họ. Nàng Osyko thì lãnh phần thổi cơm nấu nước. Thế rồi nay tỉnh này mai quận nọ, hai cha con phải thay đổi đủ nghề, làm đủ mọi công việc nặng nhọc, mà chưa bao giờ họ phải làm tới. Nhưng dù vất vả, Kirimanjago vẫn không bỏ mục đích tìm đường lặn lội sang Ấn độ. Sau khi kiếm được chút tiền, ông mua một con lừa, rồi hai cha con thay nhau, cưỡi lừa vượt qua rặng núi Tây trúc. Dòng dã mấy tháng trời, Kirimanjago và nàng Osyko mới tới Hy mã lạp sơn và được thấy giòng sông Gange. Trên đất Ấn, hai cha con ra công tìm kiếm nhà thuật sĩ Bougy-Bangay. Nhưng qua khắp các tỉnh lỵ đông đúc, đến các làng mạc xa xôi, không đâu tìm thấy tông tích nhà thuật sĩ Bougy-Bangay cả. Thất vọng, Kirimanjago buồn bực bảo con gái:

- Osyko, bông sen dịu hiền của cha, chúng ta hãy trở về xứ sở thôi. Cha chắc gã thư sinh kia đã đánh lừa cha con mình rồi. Khi về tới đất Nhật cha sẽ cho bắt hắn và trị tội xứng đáng!

*

Trên đường trở về cố hương, vị công hầu lại phải đóng vai đầu bếp trên một chiếc thuyền buôn, và nàng Osyko lo bưng cơm dọn nước. Cuộc hành trình lần này không đến nỗi vất vả lắm. Ngoài công việc phải làm, hai cha con được hưởng một cuộc du hành thoải mái giữa trùng dương.

Cuối cùng họ về tới nhà, nơi lầu son gác tía và khu vườn đẹp đẽ của họ. Nơi đây, Kirimanjago trở lại uy quyền của một vị công hầu. Ông sai quân lính tìm bắt Mokytongo, chàng thanh niên đã dám lừa dối ông. Lập tức chàng thanh niên bị điệu tới. Nhưng lạ lùng thay, khi vừa trông thấy Kirimanjago, thanh niên tỏ vẻ mừng rỡ:

- Xin kính chào đại nhân! Vãn sinh cám ơn trời đất đã phù trợ đại nhân trở về bằng yên và khỏi hết mọi bệnh hoạn.

Công hầu nổi giận:

-Sao? Nhà ngươi dám bảo ta khỏi bịnh à! Nhà ngươi là một tên láo khoét đã đánh lừa ta, vì nào ta đã có gặp vị thuật sĩ nào tên là Bougy-Bangay như nhà ngươi nói đâu, mặc dù ta lặn lội khắp nơi trên đất Ấn và gặp bao nhiêu nguy nan trắc trở!

Thanh niên cung kính đáp:

- Xin đại nhân bớt giận. Tiện sinh này quả có phạm tội nói dối. Bougy-Bangay chỉ là một nhân vật tưởng tượng, mà vãn sinh bày đặt ra cốt để đại nhân tin tưởng và chấp nhận một cuộc hành trình hữu ích cho sức khỏe của đại nhân đó thôi. Cơ thể của đại nhân suy yếu chỉ vì đại nhân sống một cuộc đời quá đầy đủ nhàn hạ. Đại nhân cần phải vận động nhiều, cần vượt sóng, băng ngàn và làm việc.

Đại nhân há chẳng nhận thấy rằng : Từ ngày đại nhân... nghe lời vãn sinh, chịu vất vả trong cuộc hành trình này thì sắc diện của đại nhân cũng trở nên hồng hào tươi tỉnh, da thịt của đại nhân săn chắc lại, thân thể bớt phì nộn, không nặng nề mệt nhọc như trước nữa? Và vãn sinh dám chắc bây giờ với bữa cơm thường, đại nhân cũng thấy ngon miệng hơn khi xưa dùng toàn sơn hào hải vị. Tất cả những triệu chứng đó, tỏ ra đại nhân hiện đang có một sức khỏe dồi dào. Đó chẳng phải là điều mà vãn sinh cầu mong cho đại nhân, mà cũng là điều mà đại nhân hằng ao ước hay sao?

Lời giãi bày của Mokytongo làm vị công hầu tỉnh ngộ, và dịu cơn thịnh nộ. Nàng Osyko cũng dịu dàng nói:

- Thưa phụ thân, con thiết nghĩ danh sĩ này đã chữa cho phụ thân khỏi chứng bệnh suy nhược mà chính phụ thân nuôi dưỡng trong cuộc cống nhung lụa, thì công đó đáng được phụ thân trọng thưởng chớ sao lại phạt?

Kirimanjago cúi đầu suy nghĩ rồi ôn tồn nói:

- Con gái ta nói phải. Ta sẽ thưởng thầy xứng đáng! Thầy muốn điều gì cứ nói rõ, ta sẵn sàng ban cho.

Mokytongo không trả lời bằng tiếng nói, mà bằng một cái nhìn ý nghĩa. Tia mắt của chàng ngưng đọng trên khuôn mặt khả ái của nàng Osyko.

Truyện kể rằng : Chàng Mokytongo được phép cưới nàng Osyko làm vợ. Con cái của họ nhiều và xinh đẹp như những bông hoa phủ đầy trên Phú Sĩ sơn.

Còn Kirimanjago đại nhân, ông cho khắc trên một tấm bia dựng trong vườn câu châm ngôn nầy:

"MUỐN SỐNG CẦN PHẢI CHIẾN ĐẤU"


BÍCH CHÂU      

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Đôi Bạn")