Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

NIỀM VUI ĐÊM TRUNG THU - Vũ Nguyên

 

Ông Hòa đẩy chiếc xích lô vào nhà, để ngay ngắn qua một bên. Ông ra sau nhà, vắng hoe, không biết hai đứa nhỏ đi đâu rồi. Kệ nó...

Ông cởi nút áo hứng lấy luồng gió mát đưa tới, ông thở ra khoan khoái, với lấy chiếc khăn mặt ướt, ông lau cổ, lau mặt.

Trở lên nhà trên, vẫn không thấy hai đứa nhỏ, thằng Hải và con Hương, ông ngồi bệt xuống thềm xi măng, với lấy chiếc quạt phe phẩy.

Con Hương ào chạy vào, khẽ kêu:

- Ba về!

Ông Hòa dịu dàng:

- Đi đâu đấy con, thằng Hải đâu?

Con Hương nũng nịu bá cổ ông:

- Anh Hải đi... đi coi lồng đèn...

Nó tiếp ngay, nói rối rít:

- Ba ơi! Mua lồng đèn cho con đi... tối nay trung thu rồi!...

Ông Hòa im lặng, ông biết trung thu đã tới rồi, những ngày trung thu được chào đón bằng những chiếc lồng đèn màu sặc sỡ... Những lần chở khách, nhìn những chiếc lồng đèn do những người khách mua cho con, ông Hòa lại nghĩ đến hai con, và ông biết trung thu năm nay con ông không có đèn...

Nghĩ tới đó, ông nhăn mặt, vầng trán nhăn nheo... lộ vẻ buồn. Con Hương thấy ba nó như vậy, thôi không vòi nữa, ra sân ngồi vọc cát. Để mặc cho ông Hòa nghĩ ngợi...

Con ông sẽ không có đèn, nghĩ tới cảnh tượng đêm nay hai đứa ngồi thui thủi một mình thèm thuồng, ông rưng rưng... Con ông còn nhỏ quá, thằng Hải mới lên 10, còn con bé Hương mới 6 tuổi... Ông lại nghĩ đến vợ ông, đang nằm dưới lòng đất lạnh hoang vu. Tay ông run run, mắt mờ nhòa. Ông Hòa vụt nhớ mùa trăng rằm năm trước, cũng không đến nỗi tệ, hai đứa vẫn có lồng đèn. Nhưng năm nay... con Hương ngã bệnh, chứng bệnh ngặt nghèo làm bao nhiêu tiền ông kiếm được đổ vào đó hết. Đến nỗi giờ này vẫn không có đủ tiền mà mua cho hai con... Những trăm rưỡi một chiếc... làm sao!

*

Ông Hòa lên tiếng:

- Hương ơi! Kêu thằng Hải về đây...

Con bé chạy đi liền. Lát sau, thằng Hải vào nhà theo em. Ông Hòa bảo:

- Đi nấu cơm đi con!

Thằng Hải ngần ngừ chưa chịu đi. Trong óc nó còn in rõ chiếc lồng đèn quyến rũ của thằng Cu Tý, mẹ nói mới mua. Chiếc lồng đèn con cá mới đẹp làm sao...!

Ông Hòa dịu dàng:

- Đi con...

Thằng Hải giật mình, đi xuống bếp vo gạo. Vọc những hạt gạo trong tay mà đầu óc nó nghĩ ngợi đâu đâu. Lồng đèn của nó đâu, sao thằng Cu Tý có, sao mẹ nó thương nó quá vậy. Còn ba nó, chắc ông Hòa không thương anh em nó tí nào hết. Nghĩ vậy nên thằng Hải thấy nghèn nghẹn ở cổ, đôi mắt mờ mờ những nước. Nó đưa tay vo mạnh nắm gạo, làm cho những hạt gạo trắng bay tung tóe...

*

Ông Hòa và nốt miếng cơm cuối cùng còn lại trong chén. Thằng Hải và con Hương chiều nay ăn ít thấy rõ. Chả là thằng cu Tý vừa xách chiếc lồng đèn đi qua...

Ông gọi thằng Hải vào thu dọn chén đũa. Với lấy chiếc tăm, ông xỉa vội rồi khoác chiếc áo nhà binh cũ kỹ vào người.

Dắt chiếc xe ra khỏi cửa, ông đạp đi liền. Trời sâm sẩm tối, nền trời màu tím sẫm, phố đã lên đèn. Ông đạp nhanh ra đường phố chính. Lồng đèn vẫn treo đầy ở các cửa tiệm, phải chi lúc này ông được hai chiếc thì hay biết mấy!

Ông đạp nhanh qua mấy phố đông người. Đi đâu cũng thấy đèn, xanh, đỏ rực rỡ làm ông chóa mắt... Người ta nhiều thế kia... Ông lại nghĩ tới hai con, lòng ông lúc nào cũng nghĩ tới hai con... không có lồng đèn chắc chúng buồn lắm! Làm ư? Ông có thì giờ đâu mà làm cho chúng được... Bực chí, ông định quẹo ra bờ biển hóng mát đôi chút. Mồ hôi vã ra đầy trán ông. Chưa chở khách mà mồ hôi đã ra rồi, chắc tại ông lo nghĩ nhiều quá, ông Hòa nghĩ vậy...

Có tiếng gọi xích lô từ bên kia đường. Ông thắng xe lại, đi chầm chậm và quẹo sang. Người gọi ông là một bà khách có vẻ sang trọng ghê, nhìn ông cũng biết. Bà đang khệ nệ ôm những hộp bánh trung thu được cột lại thành một chồng... Nhà ông cũng chưa có cái bánh nào để cúng rằm... Tay bà lại đèo thêm ba chiếc lồng đèn, chắc bà mua cho con... Ông nghĩ vậy và bà khách chưa trả giá gì đã vội leo lên xe ngay như trút nỗi bận rộn mà bà đã phải đèo bồng từ nãy tới giờ. Ông Hòa đạp nhanh, miệng hỏi:

- Thưa cô, cô về đâu?

Bà khách lấy khăn ra lau, đáp:

- Ông cho tôi về đường Chi Lăng... À! Bao nhiêu ông?

A! Con đường Chi Lăng gần nhà ông mà.

Ông Hòa vừa đạp vừa nói nhỏ:

- Cô cho năm chục!

Bà khách lặng lẽ mở ví rút tờ trăm ra, đóng chiếc ví lại và để xuống nệm xe. Cầm chặt tờ trăm trong tay, bà hơi rướn người lên, nói một mình:

- Chà! Trung thu chi cho mệt dữ...

Ông Hòa phụ họa:

- Lo cho bọn nhóc cũng mệt, nhất là nhà đông người, mà "người" con nít thì càng tốn!

Bà khách:

- Chắc bác đông con...

Ông Hòa lắc đầu:

- Dạ không! Tôi có hai đứa...

- Chắc bác mua cho hai cháu đèn rồi phải không? Có hai đứa mà...

Ông Hòa cười gượng:

- Dạ... mua rồi!

Ông phải nói thế chứ không lẽ nói chưa mua, kỳ lắm... không chừng bà ta lại nghĩ mình xin bà ta...

Xe đã tới gần đường Chi Lăng, trời tối đen rồi, bà khách bảo:

- Thôi, cho tôi xuống đây...

Bà đưa tờ trăm cho ông Hòa, bước xuống nói:

- Thôi, biếu bác luôn... về mua bánh cho cháu.

Ông Hòa cám ơn. Bà khách hấp tấp ôm chồng hộp bánh với những chiếc lồng đèn đi vào ca9n nhà gạch to lớn sáng choang. Có tiếng trẻ nít ro:

- A! Mẹ về!

Ông Hòa thầm nghĩ đến hai con, chắc hai đứa đang ngồi nhà, nhìn lồng đèn các trẻ con mà thèm thuồng! Ông quay xe đi, hơi rướn người lên cho đỡ mỏi. Bỗng mắt ông nhìn thấy một vật gì đen đen nổi bật lên nền vải nệm trắng. Ông đưa tay với lấy, và giật mình, nói nhỏ:

- Trời! Chiếc ví... của bà khách... thì ra bà khách vội vàng đến nỗi để quên chiếc ví trên nệm xe!

Ông Hòa ngừng xe phân vân. Ông mà có chiếc ví này thì con ông sẽ có đèn chơi hôm nay... Nhưng không được, đói cho sạch, rách cho thơm, mình nghèo thì nghèo chứ không tham lam. Tay ông vân vê chiếc ví có lớp da đen bóng, thơm thoang thoảng. Ông khẽ kéo chiếc "phẹc-mơ-tuya", một xấp giấy năm trăm nằm ngay ngắn như quyến rũ...! Thế này thì không được, ông nhủ thầm rồi đạp xe đi về con đường Chi Lăng.

Đến trước cánh cổng sắt đóng im ỉm, ông không biết gọi ai. Nhìn thấy chiếc chuông bấm, ông đưa tay ấn nhẹ... Một phút sau, người tớ đi ra. Ông Hòa đưa chiếc ví đen ra, người tớ mừng rỡ kêu lên rối rít. Bà chủ nhà xuất hiện ngay sau đó, gương mặt tỏ vẻ mừng rỡ, mở chiếc cổng sắt mời ông Hòa vào. Nhưng ông lắc đầu đưa trả chiếc ví nói:

- Dạ tôi phải đi rước khách nữa...

Bà khách mở ví, rút hai ba tờ năm trăm ấn vào túi bác, miệng không ngớt cám ơn và nói:

- Bác thật là một người tốt. Chu cha ơi! Giấy tờ của tôi trong này... thiệt nhờ bác...

Ông Hòa ngần ngừ như muốn trả lại thì bà đã nói:

- Dạ, không có gì... đó là tôi đền ơn bác mà...

Bà đẩy chiếc xe xích lô đi. Như sợ ông Hòa sẽ trở lại trả, bà nhanh nhẩu:

- Bác đi rước khách đi...

Biết không thể nào trả lại cái bà khách này, ông cười và nói cám ơn, bà khách cười theo... Ông Hòa bỗng nghĩ tới chiếc lồng đèn... và ông cắm đầu đạp xe ra phố...

*

Khi ông Hòa về đến đầu xóm thì mắt ông ngợp bởi một rừng đèn đang di chuyển. Ông nhìn trên nệm xe, hai chiếc lồng đèn nằm ngay ngắn... Ông lẩm bẩm:

- Thằng Hải chiếc tàu bay, con Hương chiếc lồng đèn con cá, còn 3 hộp bánh... hà hà... Cúng hai hộp còn hộp này ăn...

Ông Hòa nở một nụ cười. Xe đã về trước ngõ. Con Hương và thằng Hải đang ngồi ở ngách cửa buồn hiu. Ông Hòa nhảy xuống xe, lấy hai chiếc lồng đèn giơ lên. Con Hương và thằng Hải cùng chạy ào tới, tíu tít cười nói luôn mồm.

Ông Hòa dắt xe vào nhà, lôi túi nến đỏ ra khỏi thùng xe, và châm lửa đốt nến, gắn vào hai chiếc lồng đèn và trong một thoáng, hai đứa con ông đã nhập bọn vào rừng đèn kia. Ông Hòa đem chiếc chiếu trải ngoài sân, đem hộp bánh cùng con dao. Trăng đã lên cao, soi sáng xuống mảnh sân nhà ông Hòa. Ông chia chiếc bánh ra, và lên tiếng gọi:

- Hải ơi! Hương ơi!

Không có tiếng đáp, chỉ có tiếng hát vang vang:

"Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường... Đèn Thiên Nga với đèn Bươm Bướm, trong ánh đèn rực rỡ muôn màu..."

Giọng hát trẻ thơ sao mà dễ thương. Ông Hòa cảm thấy lòng mình ấm lại. Nhìn lên mặt nguyệt tròn lững sáng ngời, ông khẽ nở nụ cười trên môi...


VŨ NGUYÊN   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 185, ra ngày 15-9-1972) 



Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

ÁNH ĐÈN TRUNG THU - Phạm Uyên Nhi

 


Chiều xuống im lìm, gió thổi cũng nhẹ nhàng và thật mát. Lựu ngồi bó gối trước hiên nhà, mấy con muỗi đói đã bắt đầu vo ve rồi đấy. Giờ này mà ba Lựu chưa về ; một bà cụ đi ngang qua nhà Lựu, tay xách cái lồng đèn con cá, chắc bà cụ mua về cho cháu? Ai như con Lan với thằng Hưng thế nhỉ? À, chúng nó đi phố về, có cả ba mẹ chúng nó nữa, con Lan với thằng Hưng, mỗi đứa có một cái lồng đèn con thỏ xinh thật xinh. Lựu cũng thấy náo nức chi lạ, bữa nay mười ba rồi còn gì, hai ngày nữa là Tết Trung Thu rồi. Nhưng Lựu bỗng buồn, Trung Thu năm nay chắc Lựu không có lồng đèn rồi, mẹ Lựu bệnh mới dậy, tiền trong nhà hết sạch. Còn ba Lựu thì đạp xích lô, sáng đi, tối mịt mới về. Chị Hai gánh nước mướn cho người ta, chị Hỉ phải nghỉ học. Còn Lựu cũng may là học trường công chứ học trường tư chắc cũng nghỉ nốt. Gia đình thật túng quẫn, cơm bữa nào cũng ăn với xì dầu, tiền đâu mà mua lồng đèn!

- Bé Lựu! Vào ăn cơm em.

Lựu quay lại, khuôn mặt chị Hỉ mờ mờ, trời tối quá rồi. Chợt Lựu nói:

- Chị Hỉ! Chị biết làm lồng đèn không? Làm cho em một cái chị.

Hỉ lúng túng, rồi cũng gật đầu đại:

- Ồ, mai chị làm cho. Giờ vào ăn cơm.

- Không đợi ba về hở chị?

- Chị để phần rồi, ba về muộn lắm.

Hai chị em bước vào nhà, căn nhà chưa thắp đèn, muỗi kêu vo vo và mùi đất ẩm xông lên.

*

Hỉ ngồi giữa đống giấy báo và tre bày la liệt khắp nhà. Sáng nay mẹ vừa ra chợ, Hỉ vội ra sau nhà đốn ít tre, còn Lựu thì đi xin giấy báo ở bà hàng xóm. Hì hục mãi mà bây giờ cũng chưa xong. Lựu ngồi ở một góc nhà đưa mắt nhìn chờ đợi. Tội nghiệp con bé thì thôi! Mình có biết làm lồng đèn bao giờ cơ chứ! Hỉ nghĩ thầm và thương em quá. Ngày xưa bằng tuổi Lựu thì nhà khá giả, ngày rằm tháng tám, Hỉ với chị Hai đợi khi trăng tròn lên là thắp đèn nô nức với lũ trẻ trong làng, đi theo mấy đám múa lân hát hò om sòm khen đèn mình đẹp hơn đèn đứa khác, vui thật là vui. Nhưng từ ngày chạy vào trong tỉnh này thì gia đình nghèo khổ, con Lựu đêm Trung Thu cũng chả có một cái đèn. Nỗi buồn nào tội nghiệp như nỗi buồn của đứa trẻ ngây thơ khi biết rằng mình đang ở vào hoàn cảnh "nghèo"!

- Chị Hỉ! Sao chị khóc vậy?

Hỉ giật mình, cười gượng:

- Bậy nà, bị tước tre nó bắn vào mắt đó chứ!

Rồi hai chị em lại im lặng làm. Đến trưa thì cái đèn xong, mồ hôi mồ kê tuôn nhễ nhại. Hỉ đưa cho Lựu ngắm. Bỗng Lựu kêu lên:

- Ủa! Vậy rồi sao bỏ nến vào chị?

Hỉ cầm lấy, xem xét rồi buồn bã:

- Ừ nhỉ! Bây giờ muốn sửa lại phải làm cái khác.

- Hết giấy báo rồi, em không dám xin nữa đâu, bà Năm bả nói cho một lần thôi.

Lựu vừa nói vừa mếu máo, nói xong Lựu bật khóc nức nở. Hỉ ngồi thừ người, nước mắt cũng rưng rưng. Một lát sau Hỉ đứng dậy, ra sau nhà lo thổi cơm. Còn một mình Lựu, Lựu tiếc rẻ đưa tay vuốt cái đèn hỏng.

Có tiếng chân chạy rầm rập vào nhà Lựu, Lựu ngẩng lên: khuôn mặt nhỏ Hương, bạn thân của Lựu, hiện ra. Hương đang bước vào, miệng cười thật tươi khoe hàm răng sún, tíu tít:

- Mua lồng đèn chưa Lựu? Hương mua rồi, đẹp lắm. Chạy về lấy cho Lựu coi nhen? Mà sao Lựu khóc?

Lựu quẹt nước mắt, giọng nghẹn ngào:

- Lựu không có tiền mua lồng đèn, chị Hỉ làm cho Lựu mà bị hư rồi.

Lựu lại khóc, Hương nhìn cái lồng đèn vụng về nằm tội nghiệp dưới nền nhà. Một ý nghĩ đến với Hương, Hương đứng dậy:

- Thôi Hương về nghe, đừng khóc nữa.

Hương chạy mau ra ngõ, ánh nắng buổi trưa thật gắt.

*

Sau bụi trúc cao nghệu nhà ông Tía, trăng đã bắt đầu hiện rõ. Và từ từ trăng lên cao, ánh trăng dịu dàng trải khắp nơi. Lựu ngồi một mình ngoài sân, chị Hỉ mắc rửa bát sau nhà. Lác đác vài đứa trẻ trong xóm đã thắp đèn đi qua lại trước nhà Lựu. Thỉnh thoảng, vài đám múa lân cũng đi ngang, đèn đuốc rực rỡ và tiếng trống rộn rã, nhưng Lựu không buồn đứng dậy đi xem. Kệ! Ngồi ngắm trăng được rồi.

- Lựu ơi! Lựu...

Tiếng kêu của Hương ngoài ngõ. Lựu chạy ra, Hương cầm đèn con cá. Ánh sáng vàng vàng của cây nến làm mặt Hương lung linh, Hương cười toe toét đưa cho Lựu cái lồng đèn hoa sen chưa đốt nến trông xinh xắn:

- Nè, của Lựu đó, cầm lấy đi.

Thấy Lựu ngạc nhiên lẫn ngại ngùng, Hương phụng phịu:

- Cầm đi! Không lấy Hương giận đi về đây à! Cái này không phải Hương xin tiền Ba Me đâu, của Hương đập con heo đó.

Lựu vẫn chưa cầm lấy, Hương giận dỗi bỏ đi. Lựu hoảng quá chạy theo:

- Hương! Lựu lấy...

Hương dừng lại cười đưa đèn cho Lựu, Lựu ấp úng:

- Cám ơn... Hương nghe! Mà sao Hương phải mua đèn cho Lựu nữa?

- Đi rước đèn mà không có Lựu buồn chết. Với lại thấy Lựu khóc, Hương buồn lắm! Í, thắp đèn lên chớ. 

Hương nhanh nhẹn lấy cây đèn cầy nhỏ châm lửa gắn cho Lựu. Lựu cảm động quá, Hương hớn hở:

- Thôi mình đi theo đám múa lân đi Lựu!

Lựu vui vẻ bước đi, hai chiếc đèn tỏa ánh sáng như quấn quít bước chân hai đứa. Lựu nhìn lên trời, trăng tròn vành vạnh, Lựu thấy hình như trăng cũng mỉm cười với Lựu và hình như trăng đi theo hai đứa.


PHẠM UYÊN NHI      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 185, ra ngày 15-9-1972)



Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

TẾT TRUNG THU CÓ TỰ BAO GIỜ - Đỗ Duy Linh

 


Tết Trung Thu là tết của Nhi Đồng, tết của chúng ta, nhưng nhận Trung Thu là tết của chúng ta, các bạn có biết tết ấy có từ bao giờ không?...

TỪ ĐỜI NHÀ ĐƯỜNG BÊN TRUNG HOA

Vua Minh Hoàng nhà Đường (còn gọi là Đường Huyền Tôn) là một ông vua nghệ sĩ và rất đa tình. Nhà vua mê một người con gái là Dương Ngọc Chân, phong làm Quí Phi. Vì vua không lo việc nội trị, trong nước trở nên loạn. An Lộc Sơn làm phản đem quân đánh phá kinh thành. Vua phải chạy trốn vào đất Ba Thục, nửa đường, quân sĩ ép Dương Quí Phi phải thắt cổ chết trên gò Mã Ngôi. Chừng tới khi khôi phục, nhớ tới người xưa, nhà vua thương xót vô cùng...

Theo sách "Thiên bảo dị sự" có chép lại rằng: Năm khai nguyên thứ 6 (tức 708 sau Tây lịch) vì thấy vua quá thương nhớ quí phi, một vị đạo sĩ đã dùng phép mầu đưa nhà vua đi tìm người yêu cũ. 

Minh Hoàng cùng với Thân thiền sư và Hồng đạo sĩ dạo chơi lên cung Trăng vào giữa một đêm rằm tháng tám.

Thoạt tiên họ bước vào một cái cửa, qua cung Ngọc Quang rồi tới cung Quảng Hàn. Ở đây khí lạnh toát ra đến buốt xương, sương bay mờ ảo ướt đầm cả mũ áo.

Cung Quảng Hàn là một tòa lâu đài rất nguy nga tráng lệ, tường cao chót vót thâm nghiêm. Ba người cưỡi mây lên trên cao nhìn xuống, thấy bên trong thành quách lâu đài xây toàn bằng ngọc lưu ly, hương thơm dâng lên sực nức. Các tiên nữ, kẻ cưỡi công người cưỡi hạc, bay cuộn trong các đám mây ngũ sắc, hớn hở vui đùa. Nhạc êm đềm trong như tiếng suối reo. Ở dưới một gốc cây quế lớn, mười tiên nga vận y phục trắng toát đang múa hát. Trong số, có một tiên nga mà Minh Hoàng nhận rõ là Dương Ngọc Chân quí phi.

Gặp người xưa, Minh Hoàng mừng rỡ cất tiếng gọi, nhưng Quí Phi ra hiệu đừng nói và bảo nhỏ rằng:

- Quân vương... xin nhà vua đừng thương xót thiếp nữa, hãy trở về trần gian kẻo mang tội với Thiên Đình.

Nói xong, Ngọc Chân liệng đến cho nhà vua một chiếc vòng ngọc. Minh Hoàng bắt lấy và nhận ra ngay rằng đó là chiếc vòng xưa kia ngài đã tặng nàng.

Chừng tới khi trở về trần gian, Đường Minh Hoàng nhớ lại điệu múa hát của các tiên nga mà soạn ra khúc: "Nghê thường vũ y" và cho cung nữ tập. Đó là một vũ khúc tuyệt vời mà từ xưa tới nay chưa có một điệu nào có thể sánh được.

Xét truyện tích trên thì tết Trung Thu chính là để kỷ niệm "Đường Minh Hoàng du nguyệt điện", mà nước ta chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, nên có thể tục lệ này đã được truyền sang nước ta.

TỪ ĐỜI CHÚA TRỊNH Ở NƯỚC TA

Song nếu theo sử Việt chép lại thì có lẽ từ đời Chúa Trịnh Sâm, tết Trung Thu mới thực sự được tổ chức chu đáo và đầy đủ ý nghĩa.

Trong sách "Tang Thương Ngẫu Lục" của hai ông Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án có đoạn chép rằng:

"Mỗi năm, về tiết Trung Thu, cách vài tháng trước, Chúa Trịnh đã đưa các thứ gấm ở trong nội cho các thị nữ chế tạo những chiếc đèn lồng hết sức tinh xảo. Mỗi chiếc đèn như thế giá chừng mươi lạng bạc.

"Đến ngày rằm tháng tám, Chúa ngự chơi Bắc cung, ao Long Trì ở đó có đầy sen, những hòn non bộ xinh đẹp huy hoàng có chỗ để cho các nhạc công đàn sáo. Trên bờ, hàng trăm gốc phù dung, dương liễu, được trang hoàng bằng những chiếc đèn lồng đủ kiểu, đủ mầu. Cung nhân lập các quán hàng, bán đủ thức món ăn, nào nem công, chả phụng, rượu thịt v.v... không thức gì không có.

"Đến qua giờ Tí (nửa đêm), Chúa xuống thuyền cùng với thị thần. Các cung nữ bơi chèo, gõ nhịp, hò hát du dương trên sóng nước.

Những tiếng đàn, tiếng sáo hòa cùng giọng hát câu hò tạo thành một thứ âm thanh choi vơi quyến rũ. Mọi người tưởng chừng như thoát tục và đang dạo chơi trên cung Quảng Hàn.

Chúa rất vui, luôn luôn nở nụ cười ; cho tới sáng mới trở về cung, lòng thấy bùi ngùi nhớ tiếc...

Có lẽ từ đấy, nhân dân mới bắt chước lối ăn chơi của Chúa Trịnh, chế ra các thứ đèn lồng theo điển tích này, điển tích nọ cho trẻ em chơi trong dịp tết Trung Thu.

Và đó là lịch sử tết Trung Thu, tết của Thiếu Nhi chúng mình đó, những người bạn thân mến ạ.


Theo HOÀNG YẾN 
ĐỖ DUY LINH ghi 

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 106, ra ngày 7-9-1973)



Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

TRUNG THU TRONG TRANH - Trần thị Phương Lan

 

















Em vẽ ông trăng
Chiếu sáng long lanh
Như trang cổ tích
Chú Cuội, chị Hằng

Em vẽ đèn lồng
Vàng, đỏ, tím, hồng
Lung linh ánh nến
Con cá, con rồng

Em vẽ ông lân
Uốn lượn khắp sân,
Tay phe phẩy quạt
Ông địa lăng xăng

Em vẽ một mâm
Bưởi, thị, nhãn, hồng
Thêm mãng cầu nữa
Đủ ngũ quả không?

Con nít một bầy
Lồng đèn trên tay
Nối đuôi rồng rắn
Tụ họp về đây

Vẽ thêm bánh nướng
Lòng đỏ tròn tròn
Nhân bao thập cẩm
Bánh dẻo ngọt ngon

Vẽ thêm nét vui
Tươi tắn trên môi
Bé cười khúc khích:
Trung thu đến rồi!

Trần Thị Phương Lan
(Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

MÓN QUÀ TRUNG THU - Hoàng Thúy Vân

 


Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến ngày tết Trung Thu rồi. Năm nay, theo lời đề nghị của thầy Thanh, giáo sư hướng dẫn lớp em, thì chúng em sẽ không mừng tết Trung Thu chung ở trong lớp như những năm trước nữa ; nhưng mỗi nhóm sẽ ăn tết Trung Thu riêng tại một xóm nghèo, đám trẻ nào đó tùy theo sự lựa chọn của mỗi nhóm (chả là từ đầu niên khóa, lớp em được chia ra thành từng nhóm nhỏ năm người một, để học hành, sinh hoạt chung). Em còn nhớ trong giờ sinh hoạt lớp tuần trước, thầy Thanh đã cho chúng em tự do nêu ý kiến về việc mừng Trung Thu năm nay. Đầu tiên, cả lớp cứ đòi ăn chung như những năm về trước, chẳng hạn bánh kẹo, cóc ngâm, ô mai, ca vũ... (lớp 9/6 của em chỉ toàn là nữ sinh thôi bạn ạ!) ; nhưng sau khi nghe đề nghị trên của thầy Thanh, thì cả lớp đều đồng ý và chuẩn bị họp nhóm...

Nhóm Trưng Trắc của em gồm 5 tiểu nương: em là trưởng nhóm, Thủy, Đức, Loan và Nguyệt. Năm đứa em rất thân nhau và từng là bạn với nhau từ năm lớp sáu đến năm nay, tụi em kết lại thành nhóm và hoạt động hăng say về mọi phương diện (?) Như đã hẹn nhau ở trường, chiều nay nghỉ học nên tụi em họp nhóm để hoạch định chương trình làm việc. Đúng ba giờ chiều, cả bốn đứa kéo nhau tới nhà em. Sau một lúc đấu láo, tán gẫu, em bắt đầu vào đề:

- Ê, tụi mày nghĩ sao về việc tổ chức? (chúng em vẫn thường gọi nhau mày, tao khi ở chung!)

- Nghĩ sao là nghĩ chi hở mày? Loan làm bộ hỏi.

- Ờ, thì tụi mình hoạch định chương trình, chọn địa điểm và chia công tác.

Nguyệt bắt đầu:

- Tao có ý kiến là tụi mình nên chung tiền lại và kiếm 1 cô nhi viện nào đó là đẹp rồi.

Thủy la lên:

- Làm vậy không được, mình phải làm gì đặc biệt tí chớ!

- Đặc biệt là sao, nói thử xem!

- Ờ, là là... mà để tao nghĩ đã... cái con này xí xọn quá!

Nguyệt định cãi lại thì Đức đã đưa tay ngăn và nói ngay:

- Gớm, tụi mày làm gì mà như là chó với mèo vậy. Từ từ mà tính có hơn không! Tao thì tao tính là tụi mình nên tìm một xóm nghèo nào gần, ít dân và quen một chút, rồi mình tụ tập tụi con nít lại giúp vui cho chúng là hay lắm!

Em hỏi lại:

- Ờ, cũng được. Nhưng tụi mày định tìm xóm nào đây. Nói địa điểm cho chắc chắn đã chứ!

Loan nhanh nhẩu đáp liền:

- Tao đề nghị tụi mày tới xóm ở đằng sau nhà tao đi! Xóm đó vừa gần vừa quen, ít dân mà tụi con nít ở đó lại dễ thương. Tao quen hết rồi!

- Cái xóm có ao bèo ở cuối đó hả? Nguyệt hỏi lại Tao cũng biết. Xóm đó coi bộ được đó Vân (tên của em đấy)!

- Xóm ngay sau nhà con Loan hả? Tao tới đó tìm hoa với con Loan một lần rồi. Chỗ đó được đấy! Đức thêm vào.

Em kết luận:

- Được rồi, vậy tụi mày có đồng ý chọn cái xóm sau nhà con Loan không?

- Đồng ý!

- Tao chịu!

Tụi nó la lên. Em nói tiếp:

- Vậy thì con Loan về lo "chuẩn bị tâm hồn" tụi nó trước, để hôm tụi mình đến khỏi bỡ ngỡ cả đôi bên. Còn vấn đề văn nghệ, quà bánh... tụi mày tính sao?

- Tao đề nghị tụi mình nên cho chúng hát mấy bài Trung Thu quen í, tụi mình họa theo thôi! Đức nói.

Em hỏi lại:

- Được! Còn vấn đề quà bánh thì sao?

- Ờ nhỉ, khó nghĩ quá!

Sau một lúc yên lặng, Nguyệt mới lên tiếng:

- Tao đề nghị từ đây cho đến hôm Trung Thu, tụi mình mỗi đứa lo sửa soạn riêng một số quà nào đó tùy thích, rồi đến ngày Trung Thu tụi mình cùng đem tới nhà con Vân trình làng. Đồng ý không tụi bây?

- Đồng ý!

- Hay lắm!

- Tuyệt ghê!

Em nói lớn:

- Thôi bây giờ giải tán. Sáng thứ hai nhớ đến sớm nghe. Về lo ôn lại bài hát đi nghe tụi mày!

Cả bọn kéo nhau về, em đi ra theo tới cổng mỉm cười vui vẻ...

*

Một tuần qua nhanh, em đã sửa soạn xong món quà của mình. Một lô bánh lô tô nhỏ. Nhà sẵn bột làm bánh, em cúp thêm tiền ăn sáng, quà vặt mua thêm vật liệu về làm lấy. Em biết chắc các bạn em sẽ có những món quà thật lạ, thật hay. Sáng thứ hai nghỉ học, em ngồi ở nhà đợi tụi bạn đến. Có tiếng lao xao ngoài cổng, em chạy ra và thấy các bạn đến đông đủ. "Ngũ nương" tụi em lục tục kéo lên phòng em kèm theo những chiếc xách đựng các thức quà đặc biệt. Và giờ phút quan trọng bắt đầu. Theo lời các bạn yêu cầu, em phải trình làng "tác phẩm" của em trước tiên. Các bạn ồ lên và khen em khi em bưng hộp bánh ra. Kế đó, Thủy từ từ trình làng hai "bịch" lớn kẹo sữa do cô nàng tự làm lấy theo cách làm của Đồng Thảo trong Tuổi Hoa số 220! Đến phiên Đức nhẹ nhàng lôi trong xách ra một đống đèn xếp nhỏ do chính cô ả tự tay làm và vẽ lấy (chả là Đức vẫn là họa sĩ của lớp em cơ mà!) Bọn em xúm lại xem những bức hình ngộ nghĩnh trên mỗi chiếc đèn. Và tụi em lại được dịp cười thỏa thích khi Loan lôi trong bao ra một lô đồ chơi trẻ em đã gói thành từng bao nhỏ. Loan bảo tụi em:

- Tao phải đập con heo đất để mua đó. Tao đã bao thành từng gói nhỏ dành riêng cho các em trai và gái nữa đấy!

Và sau cùng đến lượt Nguyệt lôi trong xách ra những gói quà bọc trong giấy mỡ. Tụi em còn ngạc nhiên chưa biết có chi trong những gói đó thì Nguyệt đã giải thích bằng giọng nghiêm trang:

- Mình nghĩ có lẽ các bạn đều sửa soạn cho các em những món quà về vật chất, bánh kẹo... Vì thế mình đã dành một ít tiền mua cho các em một số sách vở, bút chì, truyện, để các em giải trí. Các bạn thấy được không?

Chúng em cùng vỗ tay và la lên:

- Đẹp lắm Nguyệt!

- Hay quá, sáng kiến tuyệt!

- Khen mày đó Nguyệt!

- Tụi mình cừ ghê!

Và đột nhiên cả năm đứa cùng nhìn nhau và mỉm cười sung sướng khi nghĩ đến niềm vui trọn vẹn của các em nhỏ xóm nghèo trong buổi tối nay, ngày tết NHI ĐỒNG...


HOÀNG THÚY VÂN     

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 227, ra ngày 1-10-1974)




Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

BÚP BẾ VỚI TRUNG THU - Khánh Phượng

 


Mấy hôm nay, em tủi thân vô cùng. Chả là chị Tuyết không thèm chơi với em nữa. Trước kia, suốt ngày chị chỉ chơi với em, tối chị còn ôm em vào lòng ru cho em ngủ. Còn bây giờ... nghĩ tới, em chỉ muốn khóc thôi, chị để em trên đầu tủ, đến tối chị chẳng buồn đem em vào giường. Suốt cả đêm, em đứng mở mắt, chẳng được ngủ một chút gì cả. Em vừa lạnh, vừa sợ, vừa tủi... nhất là chú gấu bông đứng cạnh cứ gừ gừ, cũng như ông hề nhỏ thỉnh thoảng lại nhăn mặt liếc em làm em sợ vô cùng. Xung quanh em là bóng tối với chiếc áo choàng đen ghê rợn, thỉnh thoảng lại có tiếng chuột rúc từng hồi, em cảm thấy cô đơn và lạnh lẽo hơn bao giờ hết.

Chị Tuyết không còn thương em nữa. Hồi trước, khi hai đứa mới gặp nhau, chị và em đã mến nhau ngay và chị đòi mua em về cho bằng được. Chị cưng em lắm, chị vuốt tóc em âu yếm, chị khen em xinh, chị dạy em nhắm mắt, mở mắt, bắt em tập đi cho chị xem, rồi còn xúi em khóc nữa. Ô, chị bắt em làm đủ trò, nhưng em yêu chị lắm nên không hề phiền giận, gương mặt lúc nào cũng tươi cười. Em nghe chị đòi với chị Lan rằng:

- Chị Lan may áo cho búp bê của bé nha!

Chị Lan gật đầu:

- Ừ, để chị may, nhưng bé đừng có rờ tóc nó hoài, tóc nó sút ra đấy.

Chị Tuyết lại nhìn em cười, nụ cười xinh ghê đi, có cả cái răng sún nữa cơ. Chị lại bảo:

- Ơ, chị Lan ơi, tóc búp bê màu vàng nè, búp bê mặc áo đầm xanh nè, búp bê có đeo kiềng nữa nè. Ý mà giày của búp bê ngộ ghê, búp bê lại mang vớ nữa kia. Búp bê có uống sữa không hở chị?

- Búp bê gì lại bú sữa?

- Thế nhỡ nó đói thì sao?

Chị Tuyết lại cười, mắt chị đen long lanh, đẹp lạ. Chị chơi với em suốt cả ngày. Một hôm, chị đòi đặt tên cho em. Chị đặt đủ tên cả, nhưng tên nào chị cũng chẳng vừa ý. May sao nhờ chị Lan giúp ý kiến, đặt tên em là Sissi. Ồ, cái tên hay ghê đi. Chả là hai chị đi xem phim Sissi, mê nàng công chúa trong phim nên lấy tên này mà đặt cho em. Em sung sướng quá, em mà là công chúa sao? Công chúa Sissi, cái tên dễ thương và đẹp vô cùng. Nhất là tình thương của chị Tuyết làm em sung sướng. Em thích quá nên cứ chớp mắt luôn. Chị Tuyết lại trêu:

- Ơ, chị Lan ơi, búp bê mắc cỡ nè chị!

- Ừ, ừ, búp bê bằng lòng đấy. Nhưng mà búp bê Sissi chứ lị.

- Ừ há, Sissi chứ, phải không hở?

Em lại chớp mắt và mỉm cười với  chị một nụ cười thật xinh. Chị Tuyết rất cưng em, đi đâu cũng bế em theo, còn chị Lan lại may áo đẹp cho em. Em nghĩ rằng tình thương của em và chị sẽ bất diệt mãi...

Em lại muốn khóc nữa đây, mà không thể nào khóc nổi, gương mặt em vẫn cười, vẫn tươi như bao giờ. Sắp tới tết "Trung thu đốt đèn đi chơi". Và chị lại có đèn trung thu nữa. Đèn của chị đẹp lắm, hình con cá, máy bay, chị lại có cả những cái đèn xếp hình con công sặc sỡ. Ban ngày chị vui đùa với chị Mai hàng xóm cũng bằng tuổi chị, đua nhau xếp đèn. Chị Mai có nguyên một bộ tách chén để chơi làm cỗ, hai chị chơi với nhau thân lắm. Tối đến hai chị đốt đèn treo ở ngoài sân dưới gốc mận, chơi đến khuya, mệt mỏi chị Tuyết leo ngay lên giường ngủ say sưa, quên cả việc đưa em vào mùng để muỗi cắn đỏ cả chân tay em. Chị chẳng nhớ chi đến em cả... Em cảm thấy ghét những cái đèn con cá, máy bay, chúng thật d6ẽ ghét, giành mất chị Tuyết của em... Lại còn cái tết Trung thu nữa, cái tết thật là đáng ghét vậy mà "thiên hạ", nhất là chị Tuyết rất vui mừng chờ đón nó. Phải chi đừng có Trung thu nhỉ? Thì chị Tuyết chỉ thương và chơi với em thôi. Ừ nhỉ! Giá đừng có tết Trung thu! Em không hiểu ai đặt ra cái tết chi mà thật là đáng ghét...

Thấy em đứng một mình, cô đơn, lạc lõng, chú hề nhỏ lại ngạo em:

- Thế nào, Sissi, tối ngủ ngoài này muỗi có cắn không?

Câu nói của chú làm em tủi thân, có cái gì dâng lên cổ, nghèn nghẹn, khiến em muốn bật khóc... Em buồn, em cô đơn... chị Tuyết ơi...

Vẫn ngày đêm trôi qua, em vẫn đứng trên đầu tủ, buồn, sợ, lạnh, tủi...

Tối nào, chị Tuyết với chị Mai cũng chơi đèn với các cô, các cậu bé hàng xóm, em thấy mà thèm. Ước chi chị Tuyết bế em ra ngoài ấy chơi với chị nhỉ? Kìa, chú cá cứ tung lên tung xuống, chiếc máy bay màu đỏ hồng như sửa soạn để bay. Các cậu bé thì chơi đẩy lon sữa bò có đốt đèn ở trong. Thật là lạ mắt mà em chưa từng được thấy bao giờ cả... Rồi các cô, các cậu cầm đèn kéo nhau đi như đám rước, thỉnh thoảng lại reo hò, ca hát thật vui. Ừ, Trung thu cũng vui chứ nhỉ! Nhưng... Trung thu làm chị Tuyết quên em. Nghĩ tới đây, em lại ghét Trung thu, ghét vô cùng, ghét cả con cá, chiếc máy bay, những chiếc bánh Trung thu thơm ngon... Nhìn con cá há mõm lượn lên lượn xuống, như khoe khoang trên tay của chị Tuyết mà dễ ghét lạ, em chỉ muốn cho nó một tát thôi. Kìa, chị Tuyết đang cười, chị ấy cười với chị Mai, thằng Hoàng, chị còn giơ cái đèn con cá ra khoe nữa. Chị làm em nhớ tới ngày nào chị bế em ra khoe với bạn mà đau đớn vô cùng, cũng nụ cười thơ ngây với chiếc răng sún, chị đã từng mỉm cười hãnh diện khi có người khen em, từng thì thầm bên tai em những lời âu yếm... Thấy chú Kiki chạy nhảy, em chỉ ước sao có đôi chân khỏe như chú để ra nhập bọn với chị Tuyết, nhắc cho chị nhớ rằng mấy hôm nay chị đã làm em buồn rất nhiều, chị có biết không?

Ngày Trung thu tới, chị Tuyết treo đèn ngoài sân, bày cái bàn nhỏ với những chiếc ghế mây xung quanh, chắc là để chơi với các bạn vào buổi tối. Ồ, hình như chị Lan có làm những cái thuyền cắm đầy hoa nữa. Khu vườn trông xinh đẹp và dễ thương làm sao.

Buổi chiều đến, chị Tuyết mặc áo đầm màu hồng, chị cài nơ cũng hồng. Trông chị xinh như nàng công chúa. Chị bày bánh, những chiếc bánh nướng, bánh dẻo. Rồi các bạn chị ấy đến, chị nào cũng xinh cả. Nhưng em cho rằng chị Tuyết xinh nhất. Các chị nói chuyện tíu tít thật vui - Ước gì em được ra ngoài đó nhỉ? Chị Tuyết đi qua, chị Tuyết đi lại, sao chị không thấy em, em đứng đây, trên đầu tủ đây này, em mỏi chân, em buồn ngủ quá chị Tuyết ơi...

Các chị đang cười đùa vui vẻ thì chợt có 1 con bé, gọi là con bé vì trông mặt nó thật dễ ghét, và lại vô duyên nữa chứ, nó mặc bộ đồ đầm màu xanh cũng khá xinh nhưng dưới mắt em, chỉ có chị Tuyết là xinh nhất thôi. Con bé tiến đến gần chị Tuyết. Em chú ý đến con búp bê đang ở trên tay nó. Con búp bê mặc áo đỏ, cái nơ đỏ, mái tóc đen mượt, gương mặt dễ thương... Con bé giơ cao con búp bê trước mặt chị Tuyết, gương mặt kiêu hãnh, khoe khoang, nó nói búp bê nó tên Bạch Tuyết đẹp nhất trần gian. Chợt em thấy chị Tuyết cau mặt lại, chạy vụt vào nhà, ngước lên nhìn em. Em nhìn lại, đôi mắt em buồn bã, van lơn, đôi mắt chị sung sướng mà hình như... hình như... có chút nước mắt rơi trên má chị, chị ôm em vào lòng... Em bàng hoàng... sung sướng... Ngoài kia, trăng Trung thu trong sáng lạ thường, những cái đèn con cá, máy bay hết còn đáng ghét, đêm Trung thu không còn buồn và đâu đây, tiếng hát "Tết trung thu đốt đèn đi chơi" từ chiết Radio vang ra hay hơn bao giờ hết.


KHÁNH PHƯỢNG   

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 95, ra ngày 15-9-1968)



Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

NHỮNG MÙA TRĂNG THƠ ẤU - Trần thị Phương Lan

 


Trăng lên cao lưng trời
Chiếu xuống trần gian vui
Những mùa trăng thơ ấu
Vằng vặc ánh trăng ngời

Khắp lối tràn tiếng ca
Múa lân ghé từng nhà
Anh: vỗ bụng ông địa
Em: bụm miệng cười xòa

Chiêng trống gõ xập xình
Lồng đèn sáng lung linh
Lập lòe muôn ánh nến
Trung thu của tuổi xanh

Cỗ bày giữa vuông sân
Bao em bé quây quần
Gió thu về lồng lộng
Mùi bánh trái thơm lừng

Cổ tích bà vui kể:
Chú Cuội với cây đa
Trên nguyệt cầu xa tít
Cùng với chị Hằng Nga

Trung thu xưa xa rồi
Thu nay một mình thôi
Nhớ bà đà khuất bóng
Trăng thu sầu chia phôi...

               Trần Thị Phương Lan
                 (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

THÁNG 8 NĂM NAY - Thi Tuyết

 














Mượn trăng rằm tháng 8 làm đèn
Mượn Hằng Nga sáng cả đêm đen
Em ngồi chẻ nan bên sông nhỏ
Đan thúng mang ra bán chợ làng

Em muốn chẻ nan làm đèn màu
Nhưng nhà em thiếu trước hụt sau
Nan chẻ ra rồi cha đan thúng
Nhà nghèo cha con đùm bọc nhau

Nắm ngoái mẹ còn nên sướng thân
Trung Thu họp bè bạn xa gần
Tối đến - gương Nga vằng vặc tỏa
Trên phản con, xúm xít quây quần

Tết Trung Thu năm nay không tiền
Con ngồi đan thúng nói huyên thuyên
Ao ước sống lại thời xưa cũ
Để con thơ nũng nịu mẹ hiền

Bây giờ ngồi bên cầu ước ao
Đêm Trung Thu sóng réo dạt dào
Nhà em nghèo nên gió trăng không tới
Mơ ước nhiều cũng theo gió bay cao!

                                               THI TUYẾT

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 95, ra ngày 15-9-1968)





Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

NGƯỜI BẤT TỬ - Minh Quân

 


Bình ngồi lặng đi vì khủng khiếp. Có trời biết: anh không hề sợ chết lấy một ly nào, trái lại đó chính là điều anh thực tình ao ước.

Nhưng có nhiều lúc như tình cảnh của anh hiện nay chẳng hạn người ta không dễ gì mà được chết một cách yên lành, thoải mái, nhất là được chết ngay tức khắc để khỏi thấy, nghe, hồi hộp từng giây...

Vâng! Anh không sợ chết! Ngay từ đầu, khi chọn con đường tranh thủ cho nền Độc Lập của xứ sở anh Bình đã sẵn sàng hy sinh tính mạng, coi thường gian khổ, hiểm nguy. Anh đã giết cũng như từng bao phen chết hụt. Đói, rét đối với anh thực chẳng mùi gì. Khi người ta có một lý tưởng để đeo đuổi thì người ta bất chấp những phiền toái khác. Trẻ tuổi, đầy sinh lực, tháo vát và khôn ngoan, Bình đã "nhìn" thấy trước những gì chờ anh trên bước đường mạo hiểm đó. Nhưng quả tình anh không bao giờ tưởng tượng được cái cảnh mình bị trói bẻ quặt tay ra sau, ngồi dí trên tuyết giá, chờ đến phiên mình chịu cực hình.

Một gã đàn ông ông lực lưỡng đang nằm gục, úp mặt trên tuyết, quằn quại, rên siết ngay trước mắt anh. Cảnh tượng ghê gớm đó làm Bình phải nhắm mắt lại nhưng anh đâu có thể bịt kín hai tai? Một giọng đe dọa đâu đó còn như vang lên, lẫn trong những tiếng kêu rên: "Rồi đến lượt mi, Bình ạ!"

Chưa bao giờ các dây thần kinh của Bình lại căng thẳng lên như thế. Mình sẽ kêu ca, lạy lục chúng chăng? Mình sẽ nguyền rủa khóc lóc chăng? Mình sẽ câm nín chịu đựng chăng? Trước sức giá rét tê da, mồ hôi Bình tuôn ra ướt đẫm. Hàng loạt dấu hỏi thi nhau móc vào đầu anh, giăng mắc, bấu víu làm Bình tưởng có thể điên lên được.

Quân khốn! Sao chúng không bắn, không chém ngay người ta đi? Bình muốn gầm lên như thế. Mà tại sao, cái gã to lớn kia lại dai sức đến như vậy nhỉ? Sao hắn không chết quách đi? Chao ôi! Anh không chịu đựng được nữa. Bình thu hết tàn lực cố bứt dây trói ra, liều chết đánh nhau một trận rồi sau đó ra sao thì ra. Ừ! Có thể nhờ vậy anh sẽ được chết, một cái chết nhanh chóng dễ dàng như anh ao ước. Song anh chỉ nghĩ chứ không thực hành điều đó được vì dây trói chắc quá, dai quá mà anh thì kiệt sức mất rồi. Bình đành dùng tưởng tượng ôn lại quãng đời qua trước khi bị vùi thây trong tuyết.

Bình nhớ đến cha mẹ, bè bạn, họ hàng ở quê hương Ba-lan yêu quí của mình. Anh nhớ cả những nơi anh đặt chân qua: kinh thành Ba-lê đầy ánh sáng, Luân-đôn ủ rũ mù sương, thành Vienne tưng bừng và La Mã nghiêm trang cổ kính. Vì nền độc lập của xứ Ba-lan, Bình vốn là một người đa cảm, một nghệ sĩ đã làm quen với đủ hạng người: từ một tên Cô-dắc (Kozak) ở đồng cỏ nước Nga đến bọn cướp lông thú, từ tên thợ săn người Nam Tư Lạp Phu đến những thổ dân Tây Bá Lợi Á. Dấu chân chàng đặt khắp: trong hầm mỏ nơi này, xuống mãi bờ biển Alaska, từ eo biển Béring cho đến Kamchatk, nơi đó anh dong buồm tiến về phía Đông nhiều lần trong bao nhiêu cực nhọc. Bình vượt bao nhiêu nguy hiểm rồi? Bạn bè chàng phần lớn bị bắt, bị hành hình ở St. Petesbourg, người thì chết dưới những ngọn roi da trước khi tới nơi bị đày, người thì ngã gục bởi bọn lính canh Cô-dắc... Bình chứng kiến toàn cảnh tượng đau đớn, dã man, và càng ngày anh càng thêm cực nhọc.

Càng ngày anh càng xa dần quê hương yêu quí và mộng tranh thủ Độc Lập cho xứ sở cũng tan dần như sương mù dưới nắng! Tuy nhiên một lòng cương quyết, Bình vẫn đi tới, không lùi, cho đến hôm nay, lâm vào tình trạng oái oăm này, tại vùng Bắc cực giữa Nga và Mỹ châu anh có dịp, với hai tay bị trói quặt ra sau lưng, nghiền ngẫm, hồi tưởng lại ngày qua... Anh vận dụng tất cả trí khôn, tất cả sáng suốt...

Không! Anh không thể nào chịu chết một cách nhục nhã, khủng khiếp vì sự hành hạ của bọn da đỏ này đâu. Của đáng tội, Bình không hề thù oán và càng không có quyền chê trách, khinh khi họ. Bọn người da đỏ chất phác kia chỉ biết trả thù. Họ làm sao đủ "sáng suốt" để phân biệt đây là một người Ba-lan hiền lành, vô tội, lưu lạc đến đây vì "nền Độc Lập" của xứ sở anh ta? Làm sao phân biệt được kia là tên Cô-dắc độc ác luôn luôn đét ngọn roi da vào bất cứ nơi nào trên thân mình kẻ khác và đó mới thật là bọn cướp lông thú khát máu ưa hành hạ họ, vợ con họ, thích đốt phá giết chóc không chút xót thương. Bạch chủng là giống ác, chúng phải trả nợ máu, thế thôi. Và, để xứng đáng với những tội tày trời của bọn ấy, kẻ nào bị dân da đỏ bắt, kẻ ấy phải chịu tất cả cực hình, phải sống lây lất trong sự hành hạ về thể xác cho bõ ghét?

Không may cho Bình, anh lọt vào tay dân da đỏ trong lúc lòng họ đang sôi bỏng lửa căm thù. Ô không! Anh phải thoát! Bình tự nhủ, anh không thể chịu đựng được những cực hình dã man mà bọn chúng sắp dành cho anh, trong chốc lát.

Bình bỗng tươi hẳn nét mặt, ra hiệu cho tên da đỏ đứng gần mình (anh không biết thổ ngữ của bọn này) rằng mình có điều muốn nói. Chỉ giây sau là viên tù trưởng đến. Ông ta dùng thứ thổ ngữ của người ven biển, hỏi Bình muốn gì. Bình dặng hắng, nghiêm giọng:

- Ta là một người "bất tử". Anh đừng hòng giết được ta (anh liếc về phía tên Cô-dắc đang sống dở chết dở, hình thù nom như một đống thịt bầy nhầy mà từ nãy anh không dám ngó) ta đâu có tầm thường như bọn ngu này: Ta có một môn thuốc kỳ diệu, bí truyền mà! (Bình bỗng như ngập ngừng, như tiếc rẻ đã... lỡ nói ra) ta do dự quá đi mất, nhà anh có đáng để ta truyền cho không? Này nhá, xát một chút thuốc ấy vào chỗ nào trên da thì lập tức chỗ đó rắn lại như đá, chẳng thứ khí giới nào có thể xâm phạm được. Nếu ta truyền cho anh thứ thuốc quí như vậy, anh đền ơn ta cái gì nào?

- Ta sẽ không giết mi, ta sẽ cho mi hầu hạ trong nhà...

Bình cất tiếng cười khanh khách: một người như anh, đã coi thường cái chết vì sự tự do của xứ sở mình mà lại đi... lại cam đánh đổi sự chết của mình bằng cách làm tôi tớ cho một tù trưởng da đỏ?

- Đừng cười như vậy, tên kia! Ta không muốn ai chế nhạo ta. Hãy trả lời xem mi muốn đánh đổi thứ thuốc quí đó với cái gì, ta liệu.

Bình không cười thành tiếng nữa nhưng nụ cười vẫn còn trên môi:

- Trước hết, anh hãy cởi trói cho ta rồi chúng ta bàn lại cho kỹ càng hơn. (thấy viên tù trưởng do dự, Bình nói khích) Ngần này người mà lại sợ một kẻ tay không tấc sắt như ta ư? Vả lại...

Tên hầu cận ghé tai tù trưởng rì rầm một thôi dài, tù trưởng gật đầu, xoay qua nói với Bình:

- Được, ta sẽ cho cởi trói anh ngay.

- Đưa cho ta một điếu thuốc lá, thứ hái tận dưới gốc ấy, mới ngon.

Bình nói bằng một giọng hách dịch làm tên hầu cận cau mày khó chịu, nhưng không để cho hắn kịp có một lời phản đối thái độ Bình, viên tù trưởng đã cao giọng lên:

- Đem thuốc lá thứ ngon nhứt ra đây, mau!

Tên cận vệ vừa lầu bầu nguyền rủa Bình vừa làm theo lời tù trưởng.

Mặc cho tù trưởng phân vân, mặc cho tên hầu cận nhìn chàng, dò xét bằng đôi mắt nghi ngờ, Bình vươn vai thở mạnh, uốn nắn chân tay cho đỡ mỏi và sau đó ung dung châm lửa hút thuốc lá. Viên tù trưởng nhìn chăm chăm vào mặt Bình:

- Trong đời ta, ta chưa từng thấy một thứ thuốc thần nào mà có sức cản lưỡi búa không "ăn" vào da đầu cả... nhưng nếu quả mi có tài... có được thứ thuốc như thế thật, thì...

- Đừng vội! (Bình kêu lên bằng một giọng trịch thượng) Trước hết anh hãy nghe ta, không có quyền nói, dù chỉ một tiếng "vâng" nhỏ như hơi gió, hiểu chưa? (tên cận vệ lại cau mày, nhưng tù trưởng đưa mắt ra hiệu bảo hắn nên im lặng) Nghe đây: ta cần một chiếc xe trượt tuyết, một bầy chó và sáu người thợ săn thực giỏi để họ giúp ta đi trong một ngày đường. Anh phải biết, một thứ thuốc quí như thứ thuốc ta luyện không phải là chuyện thường đâu?!

- A! Trông cái thẹo kìa! (Tên cận vệ chỉ vào cổ Bình, reo lên một cách thích thú) Xin tù trưởng đừng tin! Tụi da trắng tin làm sao được? Nếu hắn có phương thuốc kỳ diệu sao còn có cái thẹo kia chứ? Thôi! Tôi biết rồi, chẳng qua...

Bình tỏ vẻ khó chịu nói với tù trưởng:

- Ta sẽ không nói một lời nào nữa nếu anh không khớp mỏ được tên điên quấy rối kia.

Nói xong Bình dùng lưỡi hất điếu thuốc lá sang một góc miệng và nhổ toẹt xuống đất một cái dáng chừng cho đúng "tác phong" người can đảm? Chờ thái độ tù trường ra sao.

Tù trưởng lườm tên cận vệ một cái, đoạn dõng dạc truyền:

- Mi hãy ra cửa lều kia mà đứng canh, để mặc ta.

Tên cận vệ lủi đi, không quên ném cho Bình một cái nhìn hằn học.

- Nào! Bây giờ mi hãy cắt nghĩa vết thẹo ta nghe, đi!

Vẫn ung dung, Bình kể qua làn khói thuốc:

- Nhát dao trên cổ ta là do một tên rất khỏe, khỏe ghê lắm, mà rủi một điều là liều thuốc hôm đó ta luyện trên thuyền, anh biết đấy, trên thuyền thì làm gì có đủ thứ cần dùng để...?

Tù trưởng gật đầu ra dáng bằng lòng. Bình nhìn quanh, nói tiếp:

- Còn ở đây thì tuyệt, ta đã nhìn thấy một thứ cỏ mà ta cần dùng để luyện.

- Ta sẽ để ngươi yên ổn xuôi dòng sông, cung cấp cho ngươi đủ thứ ngươi cần đến...

- Chậm mất rồi! (giọng Bình trở nên lạnh lùng) Anh đã tỏ ra nghi ngờ sự hiệu nghiệm của liều thuốc ta chế, anh đã do dự, chần chờ không chịu vâng lời ta ngay. Như vậy anh không đáng, ta không bằng lòng thế. Vậy, anh phải chuộc lỗi đó...

- Bằng cách nào? Tù trưởng bắt đầu sốt ruột, hỏi Bình.

Bình vẫn khề khà:

- Anh phải giao cho ta đúng một trăm tấm da hải ly, đúng một trăm, thiếu một tấm không được, mà dư nửa tấm cũng không. (Tù trưởng hơi cau mày) Ta còn cần thêm 100 cân cá khô nữa đấy (Tù trưởng gật đầu, vì cá khô thì lúc nào ông ta cũng dư nhiều) Ta cần đến hai cái xe, nghe rõ chứ? Hai chứ không phải một đâu. Hừ! Anh ngạc nhiên hả? Một cái phần ta, một cái chở cá và lông thú chứ, ngồi chung với súc vật làm sao được, dù là súc vật đó thứ thì chết khô và thứ chỉ còn có da không... Anh lại phải trả lại cho ta khẩu súng. Nếu anh còn chần chờ, chốc nữa ta lại lên giá cho mà coi.

- Nhưng mà... (tù trưởng rụt rè) làm sao ta biết được thứ thuốc đó có hiệu nghiệm hay không?

- Trời ơi! Dễ lắm, trước hết ta vào rừng (trông tù trưởng có vẻ nghi ngờ, Bình lại cười lên sằng sặc), anh sợ ta trốn à? Hãy cho 20 tên thợ săn theo ta, có thế ta mới hái đủ thứ lá về luyện thuốc chứ. Xong xuôi đâu đấy, anh phải sắp sẵn những thứ ta cần, đoạn ta toa thuốc lên cổ ta và nằm kê cổ trên cây gỗ kia. Lúc đó anh cho một tên nào thật khỏe Bình gằn mạnh nhớ, phải một tên thật khỏe đấy nhá, bởi vì cái rìu nó dội lại chối tai chứ không phải chơi đâu, lúc ấy lại trách ta không bảo trước, ấy! Một tên thật khỏe cầm rìu, rìu phải thật bén đấy (Bình lại gằn giọng) hắn bổ mạnh cái rìu xuống cổ ta đúng ba lần, sau đó nếu anh muốn, ta có thể lại nằm xuống cho anh thử bổ xuống ba lần như thế.

Tù trưởng ngồi nghe, mắt mở to, mồm há hốc như muốn nuốt chửng lấy những lời Bình vừa thốt ra xong. Bình thản nhiên nói tiếp:

- Nhưng nhớ: mỗi lần chặt xong phải dừng lại chờ ta thoa thêm thuốc mới. Rìu nặng và sắc, cẩn thận vẫn hơn.

Tù trưởng cố nén vui mừng không cho chúng hiện lên nét mặt, giả vờ điềm đạm nói:

- Được! Ta thuận cho tất cả những thứ anh xin...

Bình chận lại:

- Ta không xin, ta đòi anh đấy thôi, trong đời ta, ta rất ghét sự xin xỏ cầu cạnh bất cứ ai, bất cứ cài gì...

- Úi chào! Người da trắng chúa là hay vẽ chuyện, ừ! thì "đòi: vậy. (Tù trưởng nhanh nhẩu tiếp) Nào, thế là anh bằng lòng nhé? Bắt đầu luyện thuốc đi thôi! (quay ra phía trước gọi to tên cận vệ) Hãy tập họp cho ta đúng hai mươi tên...

- Hãy khoan! (Bình giơ tay ra hiệu ngăn lại làm tù trưởng sửng sốt) Bởi vì thái độ anh vẫn có phần nghi kỵ, chưa tin hẳn ở môn thuốc của ta, vậy để chữa lỗi ấy, anh phải cho ta thêm đứa con gái của anh mới được.

Vừa nói Bình vừa đưa tay chỉ vào người con gái tù trưởng, một cô gái da đỏ cực kỳ xấu xí, có một cái sẹo dài một bên mắt và răng thì lởm chởm không đều hàng. Tù trưởng có vẻ phật ý, song Bình vẫn tỉnh khô, làm như không biết, thong thả quấn thêm điếu thuốc khác đưa lên miệng.

Cả hai người đều lặng lẽ chừng như đang thả hồn theo khói thuốc. Bỗng đột nhiên Bình nổi giận:

- Thế nào? Mau lên, không ta lại tăng giá cho mà coi.

- Anh lấy con gái ta làm gì?

- Hừ! Dễ thường anh cho là ta không xứng đáng làm rể anh chăng? Nàng há không là người vợ tốt của ta ư? Trên đường dài ta cần có bạn, anh chỉ việc nói thuận hay không chứ không có quyền cật vấn, đừng quên.

- Được rồi! Ta có nhiều con gái mà! Nhưng mà này, ta nói cho anh biết trước: chính ta, ta sẽ tự tay bổ vào cổ anh ba nhát đấy.

- Thế thì còn gì bằng. Ta không thích bọn bộ hạ yếu như sên của anh làm chuyện đó, hiểu chưa? (Làm bộ băn khoăn) Chỉ cần sau mỗi nhát phải dừng lại để xoa thêm thuốc mới.

Tù trưởng gật đầu một cách sốt sắng.

*

Khi Bình và đoàn thợ săn khuất dạng sau những cây thông cao vút, tên cận vệ liền rỉ tai chủ mình làm y như hắn sợ Bình có lỗ tai gần đó, nghe những lời hắn tâu trình vậy rằng:

- Khi tù trưởng học được cách chế thuốc rồi, thì tù trưởng giết phứt hắn đi. Để làm chi thứ đồ phù thủy da trắng đó!

- Úi chà! Nói dễ nghe chửa! Hắn đã có thuốc thần giết làm sao được?

- Ậy! Tù trưởng chặt xuống chỗ nào không bôi thuốc ấy, hắn đâu kịp đề phòng, giả dụ, hắn bôi ở cổ mà tù trưởng chặt ngang lưng hắn thì có mà chạy đằng trời!

- Ừ nhỉ! Mi rõ thật khôn! Nhưng trước hết, ta phải chém vào cổ để xem thuốc tốt đến bực nào chứ?

- Dĩ nhiên! Dĩ nhiên!

Cả hai lấy làm hài lòng lắm, ung dung ngồi đợi.

*

Trong rừng, Bình chăm chỉ "hái thuốc". Gặp bất cứ thứ gì anh cũng nhặt cũng hái: lá thông, vỏ cây phong, các loài cỏ dại, một tí rêu xanh trong kẽ đá, một mớ rễ cây v.v... Sau cùng, anh bắt mấy người thợ đào nốt ít thứ rễ cỏ nữa rồi quay về.

Thốt nhiên, Bình thấy lòng dửng dưng, lạnh nhạt, tất cả hình ảnh cũ trong đời chàng trở thành rời rạc, anh thản nhiên, không vui, không buồn, anh như có cảm tưởng rằng câu chuyện của đời anh là một câu chuyện trong quyển sách Hồng mà anh đã đọc ngày còn bé, như đời mình là đời của một kẻ nào...

Tù trưởng và tên hầu cận tỉ mỉ xem xét, săm soi kỹ từng thứ một trong lúc Bình lần lượt bỏ những thứ đó vào chiếc nồi nước sôi to tướng mà anh đã ra lệnh cho tù trưởng nấu trước ở nhà. Bình cẩn thận cắt nghĩa:

- Phải cho rêu đá vào trước. (thình lình, anh ngẩng lên làm như trót quên một điều quan trọng) Chết! May không thì hỏng cả! (giọng sai khiến nghiêm nghị) Tên kia! Hãy cắt đưa ta một ngón tay đi! Chóng ngoan nào!

Tên hầu cận giấu hai bàn tay ra sau lưng, nhăn nhó, trông thật buồn cười song Bình cố nén:

- Ui dào! Nhanh lên! Một ngón tay bé xíu thôi ấy mà, tiếc làm quái gì, kia chứ!

Tên hầu còn đang dụ dự thì tù trưởng quát:

- Mi cắt ngay cho hắn một ngón xíu xìu xiu đi! Đứng ì ra đó làm gì?

- Thiếu gì ngón tay đây!

Tên hầu lầu bầu trong miệng toan cúi cắt một ngón tay trong số xác chết nằm la liệt nhưng Bình kêu lên:

- Không được, ta cần một ngón tay người sống kia, ngu ạ!

Tên nọ bĩu môi:

- Thì ta sẽ lựa cho anh một ngón tay người sống, khó chi? (hắn lục lọi trong đám xác chết, lựa một người còn ngắc ngoải, xẻo một ngón tay, đem lại Bình) Đấy nhá! Một ngón tay người sống, mà lại là một ngón tay rất lớn nữa, tha hồ anh vừa ý, nhá?

Tù trưởng nhìn ngón tay còn rỏ từng giọt máu hồng tươi, tỏ ý băn khoăn:

- Hãy hỏi lại xem anh ta có vừa lòng không? Một ngón tay người sống không có nghĩa là một ngón tay của tên tù nhân hấp hối, phải không?

- Không sao! (Bình trấn an tù trưởng) Thế này cũng được! Thôi! Hãy lặng im để ta đọc thần chú, chuyện này quan hệ lắm đây.

Nói xong, Bình đổi giọng rì rầm thật ra anh hát một bài hát cắm trại bằng tiếng Ba Lan Tù trưởng hốt hoảng:

- Anh đọc chậm để ta còn nhớ chứ?

- Không sao! Thử thuốc xong ta sẽ dạy anh, dạy cho kỳ anh thuộc những câu ấy mới thôi.

Vừa nói, Bình vừa ra hiệu cho tên hầu nhắc nồi thuốc xuống. Anh lấy que dài, quấy không ngừng và trong lúc chờ cho thuốc nguội, một lần nữa qua làn khói tỏa quanh miệng nồi Bình ôn lại ngày qua một cách dửng dưng như kẻ bàng quan.

- Nếu thuốc không hiệu nghiệm thì sao?

Bình cau mặt, gắt:

- Thì anh hành hạ ta như lũ ngu kia! Xẻo thịt ta, như anh xẻo thịt chúng chứ sao? Hừ! Ra anh vẫn không tin!

Nhưng rồi Bình dịu giọng:

- Thuốc nguội rồi, hãy trông ta làm đây. (anh cúi xuống, vốc nước "thuốc" bôi đều quanh cổ, vừa xoa vừa nho nhỏ hát bài Quốc ca Ba Lan đoạn nói lớn) Trong khi bôi phải nhớ đọc thần chú, nhá.

Thình lình, một tiếng kêu thét lên làm anh giật mình, ngừng lại: tên Cô-dắc to lớn, thu hết tàn lực chồm lên... rồi lảo đảo ngã sấp xuống mặt tuyết dẫy dụa giữa những tiếng reo hò của "thần dân" tù trưởng. Cảnh tượng đó làm Bình rởn gáy, song anh cố nén, làm bộ giận dữ, hét:

- Không thể thử thuốc trong những tiếng động như thế được. Tất cả phải im đi, và anh hãy giết tên kia lập tức!

Trong khi tên cận vệ làm theo lời Bình, Bình dặn dò tù trưởng:

- Nhớ phải chém rõ mạnh, nghe chưa? Cách tốt nhất là anh cầm rìu bổ vào đống gỗ kia ta xem thử, anh có đủ sức không đã.

Tù trưởng lẳng lặng làm theo lời Bình, chỉ đến nhát thứ hai khúc gỗ đứt lìa làm hai miếng. Bình gật gù khen:

- Khá lắm!

Mọi người vây quanh Bình song rất trật tự và im lặng, những bộ mặt lạnh lùng, tàn ác nhưng cũng rất ngô nghê. Bình dõng dạc:

- Hãy cầm rìu lên đi! Không được người nào đứng sau lưng anh, thuốc mạnh lắm đấy: cái rìu sẽ bật dội lại, văng khỏi tay anh đấy... Nhớ chặt rõ mạnh và ngừng lại để bôi thêm thuốc rồi tiếp tục. Nào, ta bắt đầu!

Bình vui vẻ nằm xuống tuyết rồi thình lình anh nhổm dậy:

- Ta cần xem lại những thứ ta đòi!

Nói xong, anh phăng phăng lại gần hai cỗ xe, chó đã buộc sẵn, da thú, cá khô, cái súng, sáu người thợ săn chực ở bên xe. Bình quay lại, hất hàm:

- Con gái anh đâu? Hãy đem cô ta ra trước khi cuộc thí nghiệm bắt đầu.

Mọi việc đều như ý muốn ông thầy luyện thuốc khó tính. Bấy giờ Bình huýt sáo một điệu quân hành, nằm dài lên mặt tuyết, đầu kê vào khúc gỗ như kê trên gối. Anh liếc nhìn tù trưởng đang lăm lẳm chiếc rìu trong tay một cách tinh quái:

- Ta thương hại cho anh, sau khi chặt xong e anh phải xoa dầu nóng lên tay mất... Thôi! Nào! Giơ cao rìu lên, bổ mạnh vào đúng nơi này nhé!

Nói đoạn Bình nhắm hai mắt, giơ tay làm hiệu, miệng mỉm cười. Tù trưởng chỉ chờ có thế, hắn khoa chiếc rìu lên một thứ rìu cự đại dùng để chặt những khúc cây cự đại Lưỡi rìu ngời ánh thép loáng lên bay qua đầu hắn rồi vụt hạ xuống cổ Bình: Phập một tiếng! Lưỡi rìu cắm sâu qua da, qua thịt, qua xương, "ăn" ngập vào khúc gỗ Bình dùng kê đầu anh! Chiếc đầu văng xa ra cả sải tay trong lúc máu từ cổ nạn nhân tung tóe từng vòi.

Cả bọn há hốc mồm kinh ngạc, nhìn chăm chăm cái xác còn dãy dụa từng hồi. Không ai có thể ngờ câu chuyện lại kết thúc bằng cách đó.

Tù trưởng rụng rời, bối rối rồi đột nhiên nổi giận: ông ta biết rằng mình bị Bình lừa, hắn đâu có phép thần gì? Rõ quân khốn! Trong ngần ấy tù nhân chỉ mình hắn nhờ mưu sâu mà chết mát mẻ, khỏi bị cực hình.

Giây phút kinh ngạc qua đi, cả bọn bật lên từng chuỗi cười ranh mãnh. Tên cận vệ nói:

- Ai mà ngờ, hắn mặc cả dằng dai như bà già đi chợ vậy!

Tù trưởng cáu, quát lên:

- Im! Ít nhất hắn cũng can đàm hơn mi: chỉ có một ngón tay xíu xìu xiu mà cũng không dám cắt!


MINH QUÂN                        
(Phỏng theo truyện "Lost Face" của Jack-London)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 54, ra ngày 1-10-1966)



Thứ Hai, 21 tháng 9, 2020

ĐẠI VĂN HÀO - Hồng Quân

 


Quật Cường! Tôi không biết mình có quật cường được như cái tên mà ba mẹ đã đặt cho hay không khi mà số tôi bị chiếu mạng bởi 3 vì sao quả tạ quá nặng. Ba người chị yêu quí của tôi đó. Song, có bao giờ tôi dám thổ lộ nỗi ấm ức này đâu vì e rằng phải bị bệnh "nhức xương" bởi tính "ít nói" cố hữu của con gái.

Trước khi đi vào câu chuyện, tôi xin mở một màn "mô tả phong cảnh" để các bạn biết qua về quí vị cô nương này nhé.

Đầu tiên trong bọn là chị Đoan Trang, sinh viên năm thứ năm trường "Trung học N.Q". Tôi không hiểu thân bằng quyến thuộc nhìn tướng tá, xem "dung nhan" chị như thế nào mà lại khen mẹ tôi khéo chọn tên, người nào tên nấy. Song, dưới cặp mắt của tôi, chị là đại diện chánh thức cho hãng "đại bất công kinh khủng". Tỷ dụ các bạn nghe nhé. Móng tay chị ấy thì để dài cả tấc thế kia mà chả ai nói 1 lời. Còn tôi ư? Móng tay dài chưa kịp cắt là đã nghe: Nào thằng bé ở bẩn nhất nhà, nào con trai mà... điệu. Các bạn xem, nỗi oan ức này to biết dường nào. Thế mà nghe tôi mở một màn thanh minh thanh nga là chị đã chẳng hồi tâm mà lại còn ban tặng thêm câu:

- Quả thật Cường mắc phải một nỗi oan Thị... Mầu.

Còn nữa các bạn ạ, chưa hết đâu này nhé, tóc chị ấy để dài thì được khen là mái tóc huyền, tóc thề. Đến lượt tôi, nói ra càng tội cho bộ tóc của tôi lắm, không biết chọn nơi để gởi thân, mới ra dài được độ 4, 5 phân là đã nghe những câu mát mẻ:

- Hippy chúa!

- Để tóc dài để nuôi...

Chính vì không muốn nghe lời thị phi mà tôi đành để lưỡi "tông đơ oan nghiệt" xén đi những sợi "tóc nhung mềm mại" của mình mà lòng đau như cắt.

Đại khái, chị có những bất công thế đó. Mà càng nhượng, chị càng lấn áp. Thân nam nhi chi chí thế này mà bị phường nữ lưu khi dễ thì còn mặt mũi gì? Chính thế nên trong một buổi sáng chủ nhật đẹp trời, quỳ trong thánh đường mà tôi cứ cầu xin Chúa ban cho tôi một tâm hồn minh mẫn để... phục hận. Mà Chúa linh thật, sau lời cầu nguyện, một ý nghĩ lóe lên, có lẽ "lòng thành" của tôi đã được ngài chấp thuận. Tôi mỉm cười sung sướng. Sau một vòng tiếu ngạo đường phố, vừa đặt chân đến nhà, tôi tìm tới chị Trang trước tiên:

- Kinh khủng, kinh khủng, nguy cơ, nguy cơ.

Vừa xuýt xoa, tôi vừa nhìn chăm chú vào mái tóc nhung của chị. Sau đó lại đưa tay như muốn hất tung mái tóc lên, nhưng vừa chạm đến, tôi rút tay về, thè lưỡi, lắc đầu.

- Cường làm gì thế? Tiếng chị ngạc nhiên, đôi mắt tròn xoe.

- Em tìm "hắn".

- Khùng rồi hở? Hắn nào?

Thật tỉnh, tôi đáp:

- Lúc nãy, trong nhà thờ, em may mắn được quỳ sau lưng một chị có mái tóc tuyệt đẹp như... chị vậy đó.

Nghe tôi khen, chị cười thật tươi, chăm chú theo dõi câu chuyện Mái tóc đẹp thật. Nhưng khiếp quá chị ạ, từ trong đó, một gã gia súc loại nuôi trên đầu thong thả bước ra, có lẽ ngày chủ nhật hắn đi dạo hay sao mà bò qua, bò lại, đu lên cọng tóc này, đu xuống cọng tóc kia như khỉ đu dây vậy đó. Sáng chủ nhật được một màn xiếc mãn nhỡn chẳng tốn tiền. Thấy tóc chị cũng dài, có lẽ chị muốn trở thành chủ gánh xiếc nữa à?

Nhìn vành môi tươi như hoa bắt đầu lả lướt quẹo cua 90º, tôi vội vàng sử dụng võ thuật phi thân, phóng nhanh đào tẩu kẻo bàn tay mềm mại kia nựng nhẹ vào đầu trong buổi sáng đẹp trời thế này là trọn ngày làm ăn không khá. Quả thật cổ nhân dạy chẳng sai "Tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách".

Sau số 2 là số 3, chị này mang tên Thùy Mỵ. Với chị, tôi cũng không hiểu tại sao chị lại chiếm được giải "Ăn nói lưu loát" mà lớp tổ chức vào dịp cuối năm. Mọi người khen chị ăn nói khôn khéo. Nhưng tôi nghĩ rằng phải thêm những chữ: "Trừ trường hợp với tôi". Các bạn xem thế này có tức không? Bữa nọ, gã dế "Đại Cồ Việt" thân mến của tôi vừa hạ gã "Bách Thắng" của thằng Thành. Một chiến công hiển hách bậc nhất vì xưa nay gã Bách Thắng chưa hề biết mùi thất bại. Sau những phút hồi hộp, toát mồ hôi lạnh, tay chân ngứa ngáy như chính mình đang lâm chiến, tôi hét lên sung sướng khi gã Bách Thắng chạy dài. Ôm chầm lấy hắn, tôi vù vào nhà, hét ấm lên:

- Chị Mỵ ơi, chị Mỵ, xem gã Đại Cồ Việt của em gồ ác chưa?

Thật vô phúc cho tôi, nhằm lúc chị ấy đang học bài:

- Làm gì như giặc đến không bằng vậy? Đi chỗ khác chơi cho chị học.

Lời chị nhỏ nhẹ mà tôi như gặp phải đá mòn, đá cuội, cụt hứng ngang. Tôi đâm ra giận vì không có được một thằng em trai để chia xẻ với tôi nỗi vui sướng, sự chiến thắng này. Bọn họ, con gái biết gì?

- Te te... te te te...

Gã dế trên tay còn kêu inh ỏi, tôi muốn ngắt đầu, bóp cổ hắn ra cho rồi, song vừa nghĩ đến công trạng lẫy lừng vừa qua mà lại bị chết bởi sự giận cá, chém thớt sao? Tôi đành thất thểu cho hắn vào tháp ngà mà nhìn hắn gặm gặm từng cọng cỏ...

Giữa tôi và chị Thùy Mỵ là chị Nhã, Thanh Nhã. Con người của chị trông thanh nhã ra phết với kích thước thật "lý tưởng": cao: 1,50m, nặng: 30kg. Con người của nhạc phẩm "Qua cầu gió bay" đây. Thế mà mỗi lần nhìn tôi tập thể thao là chị kêu ầm lên:

- Trời ơi, giờ này cậu ấm mới ra đây tập hít... bụi và tắm nắng cho cứng xương đấy hở? Thôi để 12 giờ, đúng ngọ rồi hãy tập luôn.

Nãy giờ tôi đã "lỡ bước" đi quá sâu vào chi tiết về các chị, bây giờ xin quẹo một cua vuông góc 90º để trở lại câu chuyện chính.

Số là, kể từ khi chị Trang có được một bài văn đăng trên báo, nhà tôi nổi lên "dịch văn sĩ" lan tràn mãnh liệt còn hơn cả bệnh đau mắt cấp tính. Để chứng tỏ máu nghệ sĩ chảy đầy trong huyết quản, các chị thường ngồi vơ vẩn, nhìn mây bay, ngắm trăng lên mà mơ màng, trông thật giống... "ngủ gục". Đôi lúc, cứ nhìn chăm chăm vào mấy đóa hoa hồng như học thôi miên.

- Ý thơ không có trong đó đâu, chị tìm sâu róm may ra dễ gặp hơn.

- Khúc gỗ... mục mà biết gì là văn chương?

Để hỗ trợ cho chị Trang, chị Mỵ còn thêm:

- Hòn đá biết nói đấy mà.

Như muốn chứng tỏ tam nương lúc nào cũng đoàn kết, chị Nhã tiếp luôn:

- Xem mấy bài luận của hắn cũng đủ biết. Không bài nào thoát khỏi hòn sỏi trắng tròn tròn nằm trước con số. Như thế làm sao biết thưởng thức cái đẹp thiên nhiên được? Thôi, dốt thì dựa cột mà nghe nhé.

Nghe các chị chê, tôi ức muốn chết đi được. Thật ra, tâm hồn nghệ sĩ của tôi lúc nào cũng tràn đầy. Cứ nhìn con người của tôi là đủ biết, trông "văn nghệ" chán. Chỉ mái tóc bồng bềnh như sóng biển (mà mọi người gọi nhầm là tổ quạ) là thấy ngay cái cốt cách nho nhã rồi Sự thật đấy, không phải tôi khoe đâu Song, chẳng lẽ mình bắt chước các chị ấy thì coi sao được? Nhưng, chẳng phải như thế mà tôi hàng đâu nhé. Phải viết một bài, đăng lên báo cho có vẻ "hách như ai" vậy các chị chờ xem nhé. Chắc hẳn là phải phục lăn thôi.

Nghĩ là làm, con người tràn đầy nhiệt huyết mà. Trước khi bắt tay vào việc, tôi thảo luận kế hoạch đàng hoàng. Đầu tiên, phải chọn một chỗ ngồi thế nào để nhìn thấy cảnh vật bên ngoài như trăng, sao, hao, bướm mà tránh được cặp mắt tò mò. Được rồi, phòng học là nhất. Này nhé, tôi cứ đóng cửa phòng lại là an toàn. Trong phòng, cửa sổ nhìn ra vườn hoa. Thật tuyệt diệu. Chọn được chỗ lý tưởng rồi, tôi cảm thấy phấn khởi như công việc đã xong một nửa.

Muốn viết văn hay làm thơ phải có hứng mới được chớ. Ngoài cảnh thiên nhiên, mình cần phải có những thứ gợi hứng thiết thực và gần gũi như... bánh kẹo chẳng hạn. Việc này không có gì khó. Chỉ 15 phút sau là tôi đã khệ nệ đem vào phòng một bình trà nóng hổi, thơm phúc và dĩa bánh mứt thật hấp dẫn tuyến nước bọt.

Còn gì nữa không? Để xem, ừ nhỉ, theo những sách mà tôi đọc thì phòng của thư sinh phải có cả trầm hương nữa chứ. Gay go thật, làm thế nào để có trầm hương? Sau "một phút suy tư" tôi bật lên ý nghĩ và thầm tự khen mình: thi sĩ quá thông minh. Tôi băng vù lên nhà thờ (một căn phòng thờ cúng ông bà). Mấy ốp nhang trầm mẹ mua còn nguyên. Tôi lấy ra ba cây, đốt lên rồi đem vào phòng. Trông tôi lúc này, có lẽ không ra thầy pháp, mà cũng chẳng giống thầy tu. Trên bàn, nào bánh, nào trà, hương trầm nghi ngút như đang cúng tế vị khuất mặt nào. Sau hết, tôi chễm chệ ngồi vào ghế. Không bút lông, tôi dùng đỡ bút nguyên tử vậy. Tập giấy trắng tinh trải trước mắt như đã sẵn sàng đón lấy những lời châu ngọc tuôn tràn như suối.

Thật là tôi dự đoán chẳng sai một mảy may. Bánh mứt là nguồn hứng tuyệt vời. Tay bốc, miệng nhai, tôi miên man suy nghĩ:

- Với bài thơ hay văn? này, sẽ đưa tôi lên đài danh vọng. Tôi tiếp tục sáng tác những tác phẩm khác, rồi đến truyện dài. Các báo sẽ thi nhau đăng truyện của tôi ; báo nào có truyện của tôi sẽ bán chạy như tôm tươi ; độc giả chen lấn nhau để mua như mua đường, sữa lúc khan hiếm vậy. Tôi trở thành một văn sĩ nổi tiếng. Dần dần, các tác phẩm đó sẽ được dịch sang ngoại ngữ. Tên tuổi tôi sáng chói cỡ đại văn hào Victor Hugo. Trời ơi, phút vinh quang ấy thật tuyệt diệu, lưu danh hậu thế và...

Ý nghĩ này nối tiếp ý khác tràn về không dứt. Mãi đến lúc cho tay vào dĩa mới hay chiếc bánh cuối cùng đã biến mất tự lúc nào ; bình trà cũng vơi đi một nửa. Tôi còn đang ngẩn ngơ, tiếc nuối gấc mộng, nhìn lại, trang giấy trắng chưa một chấm mực. Tự nãy giờ, tay tôi chỉ nhớ cầm bánh mà quên cầm bút. Tôi bàng hoàng vì lỡ mất một dịp nhả ngọc phun châu. Bỗng:

- Ha, ha...

Một tràng cười quái đản nổi lên, tôi giật bắn người, ngỡ là có một nhân vật giang hồ nào định ám sát mình bằng âm thanh. Cửa phòng xịt mở, ba người chị yêu quí của tôi hiện ra. Tôi lúng túng không biết làm thế nào để phi tang chứng vật.

- Ba mẹ ơi, vào xem một đại thi sĩ mới xuất hiện đây.

Rồi bỗng tức cảnh sinh tình, ba chị ứng khẩu, ráp nhau thành một bài thơ. Lời thế này:

Hôm nay tôi tập làm thi sĩ,
Ngồi ngắm mây bay, văn cũng bay
Phú lục, tứ thơ đà đi vắng,
Moi tim, vắt óc chẳng đặng chương.
Giấy trắng vẫn còn nguyên trang giấy,
Mực hãy còn hờn, chẳng chịu tuôn.
Thế mà tay miệng làm lia lịa,
Bánh, kẹo, trà ơi! Đã sạch rồi.

Tôi ngẩn người ra nhìn các chị đang cười ngặt nghẽo. Mặt tôi đỏ dần rồi tái mét. Dường như các chị còn nói, còn phê bình mỉa mai nhiều lắm, song, tôi chẳng còn nghe được gì, co giò dông thẳng, bỏ lại sau lưng tiếng cười ròn rã mà nghe như nát con tim (!!!)

Chỉ một lần muốn trở thành nhân tài thôi mà tôi mang mãi kỷ niệm khó quên. Âu cũng là số phận của tôi chẳng hạp với văn chương, đành vậy. Từ đó, không bao giờ tôi còn mơ mộng đại văn hào.

Thôi, giã từ mơ mộng, giã từ đại văn hào...


HỒNG QUÂN    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 183, ra ngày 15-8-1972)