Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

MỘT CHUYẾN ĐI (II) - Minh Quân



Sau rốt, anh chị ấy về và chỉ ba hôm sau, là đến ngày mẹ con tôi ra đi. Nhưng nếu mọi chuyện đều êm xuôi thì đến đây còn gì mà kể ra làm rầy tai bạn? Còn hai hôm nữa lên xe, cu Minh kêu đau trong cổ và cặp mạch thấy sốt. Không sốt nhiều, nhưng mà có… sốt. Tàn nhẫn chưa, trời?

Thật là một cơ hội tốt cho ba tôi bàn lui. Ông bảo mẹ tôi thế này chứ:

- Thôi, con nó đau, để nó ở nhà… Được đó! Có một đứa nhỏ ở nhà cho vui.

Đang ngậm cái ống thủy, cu Minh lập tức phun ra:

- Con đâu có đau, ba? Con không đau mà, ba!

- Không đau, hừ! Thì không đau, chỉ sốt thôi, rồi đi đường gió máy…

Mẹ chỉ biểu lộ sự thất ý bằng cái thở dài. Tôi đứng cạnh mẹ tôi, đưa mắt hỏi thầm và mẹ tôi cũng trả lời bằng mắt rằng : “chưa thấy bớt” sau khi mang kính vào, cẩn thận xem kỹ ống mạch.

Thời gian cứ tuần tự trôi : còn ngày rưỡi nữa là lên xe. Mẹ tôi chăm chỉ lấy nhiệt độ cho em tôi hơn. Nhiệt độ của nó càng có vẻ kỳ cục hơn : không tăng hẳn, mà chỉ tăng chút chút chứ không xuống. Tôi tưởng có thể điên lên được. Còn đương sự thì nước mắt đoanh tròng mỗi lần nghe bàn đến chuyện ở nhà. Thú thật trước đó tôi cũng ưng được đi, không màng đến lũ em, nhưng giờ đây, trông tình cảnh đó lại chạnh lòng không nỡ, nhưng hoãn ngày đi lại ư? Đời nào tôi chịu, hoãn hai ba lần rồi! Tôi nôn nả lắm rồi.

Mẹ tôi, với một vẻ bình thản giả vờ, lo soạn áo quần cho vào va ly. Vì là chúng tôi định đi cả vùng nóng và có biển là Phan Rang và vùng lạnh là Đà Lạt nên hành trang hơi bề bộn: có cả thứ quần áo mỏng cho nơi này và áo len, áo mưa, thêm cái dù đen cho chỗ kia, chưa kể đồ tắm biển.

Nằm trên giường, đưa mắt buồn bã nhìn mẹ tôi, em trai tôi nói với giọng cam chịu:

- Chắc con không đi được, ba không cho.

- Không sao, chiều nay mẹ đưa con ra bà bác sĩ, hỏi ý kiến bà…

- Lỡ bà nói con không đi được thì sao?

- Sao lại không đi được? Tại con không nghe lời mẹ, dầm nước hoài nên cảm sơ sơ chớ có gì đâu mà lo.

Mẹ tôi trấn an nó và đưa tay sờ vào trán nó – lần này là lần thứ bốn mươi mấy trong hai ngày – trong khi tôi cũng đay nghiến nó lần thứ bốn mươi:

- Mày có thèm nghe lời tao đâu. Mày là đứa lỳ lợm…

- Thôi, con đừng mắng em, tội nó!

Mẹ tôi bênh vực con trai út. Ba tôi trờ tới:

- Sao rồi? Mẹ con bà tính sao?

Quay sang con trai:

- Sao? Con chịu ở nhà với ba khôg? Ở nhà rồi ba cho đi Cấp…

- Con không ưng đi Cấp, tắm Cấp hay chết đuối… mà không vui…

Ba tôi hừ một tiếng. Không ai hiểu nghĩa tiếng hừ này, trừ mỗi mình mẹ tôi.

Hai giờ chiều, mẹ tôi đi mua vé xe. Ba tôi bảo:

- Mua ba vé thôi. Ngộ sáng mai nó không bớt thì để nó ở nhà. Đi chơi chứ đi đâu mà hăng quá.

Đáng lẽ cãi lại nhưng nghĩ sao, mẹ tôi làm y như ba. Bà giải thích cho Minh như sau:

- Đừng lo gì hết. Vì mẹ muốn cho rộng rãi nên tính mua bốn vé, chứ mua ba cũng không chật đâu, vì thường thường hai đứa nhỏ như con với Bé chỉ một vé thôi. Sáng mai thế nào con cũng được đi!

Ngay cả tôi cũng không còn lòng dạ đâu mà đòi hỏi chật rộng huống em tôi. Chiều đó, bà bác sĩ khám cho nó tuyên bố là “không sao, đi được” làm cho em tôi mừng cuống. Đó là lần thứ nhất mà tôi trông thấy bà bác sĩ cận thị, già nua, nhăn nhó bỗng dưng đẹp lên, trẻ ra thập bội so với tuổi bà!

Và lần đó cũng là lần mà tôi dễ điều dộng tụi em hơn bao giờ hết. Bảo gì cũng vâng dạ răm rắp, Vitamin C được chúng chiếu cố tận tình (mẹ tôi hà tiện, không cho ngậm thứ kẹo, bảo uống thứ viên chua hơn giấm!)

Tối lại, tôi và mẹ thức khuya để kiểm soát hành trang lần cuối. Tôi xin mẹ một chút nước cô lôn (không thơm mấy so với nước hoa của mẹ, nhưng cũng tàm tạm), mấy cái khăn tay trắng tinh khôi được đem theo. A, lại có ít bạc giấy mới 5đ, 10đ, 20đ, rất là sạch sẽ theo thói quen của mẹ. Cái cặp lớn của mẹ tôi còn có mấy cuốn sách. Trong cái xắc nhỏ của Bé có cả lọ cù là, ngoài ra còn lỉnh kỉnh vô số thuốc cảm, Vitamin B, Vitamin C, thuốc tọa dược v.v…

- Cẩn tắc vô ưu! – Mẹ tôi nghiêm giọng tuyên bố – cẩn thận tốt hơn.

Bảy giờ sang, mẹ con chúng tôi đã chỉnh tề quần áo, chẩun bị lên xe. Minh hớn hở nét mặt, mừng quá hóa no cho đến nỗi không uống cạn cốc sữa nữa.

Và đúng bảy giờ rưỡi xe chuyển bánh. Chúng tôi cùng một loạt thở phào. Minh tuân lời mẹ chịu mặc áo khoác ngoài, không phản đối như thường lệ. Chỉ 15 phút sau, chúng tôi từ giã Sài Gòn, với những con đường chật chội, xe cộ và khói xăng, và những làn sóng người cuồn cuộn, thành phố rất ít màu xanh. Giã từ với tất cả náo nức, hân hoan. Ba tôi nhượng bộ!

Thưa quí bạn, chúng tôi đi nghỉ hè, đấy ạ!

Hai giờ chiều chúng tôi đến thành phố Phan Rang. Không ăn trưa mà vẫn thấy no vì mừng quá. Bà tôi, cậu mợ, con bé giúp việc, cả đến con chó giữ nhà cũng vẫy đuôi mừng.

Những ngày nghỉ thực sự bắt đầu. Tôi không ngớt dặn Minh phải dè dặt, cẩn thận vì vừa mới bớt sốt, nhưng chỉ đến ngày thứ ba là nó leo cây thoăn thoắt hơn cả khỉ. Suốt ngày nó không ngừng nhai : hết thơm đến mận, hết mận đến khế, ngưng khế thì đến lượt mãng cầu, ổi, xoài, thanh long… Nó lộng hành đến mức buổi sáng chê quà có tại nhà, xin tiền mẹ đi mua đứa gói xôi và nhìn tôi cười đắc thắng, ra vẻ ta đây nay đã trưởng thành! Mà động mình có nói đến thì bà bênh, cậu mợ bênh hay mẹ bênh. Buổi trưa nó không ngủ, tha thẩn ra vườn suốt buổi. Ốm đau biến mất, nó hồng hào trông thấy sau 10 ngày tắm biển và ăn uống tha hồ. Vâng, cả hai đứa em tôi đều khá hết. Riêng tôi, tôi không khỏi giật mình khi đứng lên cái cân – cậu tôi vừa đem trong tủ ra – thấy lên hơn hai ký.

Nhưng tôi có thể nhịn ăn mà không thể nhịn tắm biển được. Nước mát rợi, hấp dẫn quá đi thôi. Ngày nào cũng đi tắm. Hễ cậu bận đi làm thì mẹ con thả bộ ra chợ, đi xích lô ra bến xe, từ bến xe đi xe lam xuống biển Ninh Chữ. Lượt về, luôn luôn chúng tôi phải ngồi chung với cá.

Mẹ tôi dạy cho Bé bơi. Mẹ hãnh diện nói:

- Mẹ sẽ dạy cho Bé biết bơi trước khi về Sài Gòn.

Năm 69 mẹ đã dạy tôi bơi, cũng tại biển Ninh Chữ dịp hè. Năm 71, mẹ đã dạy Minh bơi tại biển Qui Nhơn và năm 73 này, tại Ninh Chữ mẹ tôi lại tuyên bố sẽ dạy em út tôi trở thành người nhái trước khi về.

Mấy cô bạn, cậu em của mẹ tôi bỏ đi mất tiêu : người về Sài Gòn, người lên Đà Lạt, mẹ không ngớt lầu bầu rủa họ. Nhưng rủa thì rủa, mẹ vẫn tiếp tục đi biển với chúng tôi.

Về phần tôi, có hẹn trước với bạn tôi là ngày 20 có mặt ở Đà Lạt nên tôi nhất định đòi mẹ đi Đà lạt ngày 19. Trong lúc đó hai đứa nhỏ lại ưng ở Phan Rang, viện cớ rất chính đáng : Đà Lạt không có biển.

Trong tâm trạng khôn xẻ làm hai được, mẹ tôi cầu nhầu, la lối, mắng mỏ chán lại dỗ dành. Và sau rốt, điều tôi yêu sách được như ý : ngày 20 mẹ con chúng tôi rời Phan Rang. Áo tắm – tất cả áo tắm – được xếp gọn, để lại Phan rang, nhờ dì tôi gửi về Sài Gòn sau.

Nhân cậu M. chở sách lên phát hành trên đó, cậu rủ mẹ con tôi đi cho vui. Tôi nhìn cái xe mà ngán ngẩm : chỉ có vài chỗ ngồi cùng với tài xế phía trước, phía sau y như một toa hàng hóa của xe hỏa, chúng tôi ngồi vào đâu? Nhưng cậu đã làm cho chúng tôi hết do dự bằng một câu rất dễ thương:

- Kệ nó chị! Chật chật chút mà vui, chị với các cháu đi xe đò buồn chết đi. Em nhường chị với tụi nhỏ ngồi trước…

Mẹ tôi nghe bùi tai, gật đầu liền. Nhưng tôi hiểu các cháu đây chỉ là hai con muỗi tép Minh, Bé kia chứ tôi chen vào chỗ nào? Tuy thế, tôi không ta thán gì (đôi khi mình cũng nên biết hy sinh chút đỉnh, vì đại cuộc!)

Mẹ tôi hỏi lại:

- Nhưng cậu ngồi đâu?

Cậu M. bối rối – một chút thôi – rồi cười thật tươi:

- Lo gì, em cho đặt them vài cái ghế dựa, ngồi ngon lắm!

Tôi chưa biết hình dung những cái ghế dựa đó sẽ đặt làm sao trong lòng xe thì cậu Kh. trờ tới:

- Tao đi nữa đó M.!

Trời ơi! Nếu có them ông cậu này, tôi sẽ ngồi đâu? Vậy mà mẹ thì tỏ ra vui vẻ vì có thêm một cậu em cùng đi.

Đúng bảy giờ rưỡi sáng ngày 20 tháng bảy năm 73, có một cái xe thùng hiệu Toyota chở sách khởi hành từ Phan Rang lên Đà Lạt. Băng trước : tài xế, mẹ tôi và hai đứa nhỏ. Băng sau, hai ông cậu trên hai ghế dựa ni lông còn tôi, đứa cháu gái hùng dũng như con trai (theo lời mấy cậu nói) thì ngồi cùng với sách trong hốc kẹt! Mẹ tôi đề nghị cho tôi được ngồi trước với hai em, mẹ ngồi sau, nhưng tôi đâu chịu vậy! Tôi có dịp để hy sinh, sao lại bỏ qua?

Phong cảnh đẹp lùi dần. Ngồi chỗ tôi mà muốn nhìn phong cảnh thì phải cúi đầu thấp xuống, phần thì hai ông cậu hút thuốc như hai cái ống khói, tôi chả thèm nhìn làm chi, mang kính vào, giả vờ ngủ. Được mươi lăm cây số chi đó, tôi đang lơ tơ mơ bỗng giật mình vì cậu M. muốn nôn : mặt cậu xanh khướt. Cậu Kh. vội vàng ra hiệu cho ông tài xế ngừng lại. Mẹ tôi nhảy phóc xuống (ấy, mẹ con tôi vẫn nhanh nhẹn xưa nay) chạy ra sau, hỏi dồn:

- Sao đó? M. mệt rồi phải không? Biết ngay mà, em mới ốm khỏi. Thôi, ra trước ngồi với các cháu đi! Chị ngồi sau này cho!

Cậu M. không từ chối, giọng cậu yếu xìu:

- Tại em mới bịnh… chớ thường em khỏe lắm. Chị ngồi phía sau được không?

Cậu Kh. chen vào:

- Khỏi lo, chị tao chì lắm, M. ơi!

Quên, tôi chưa giải thích với quí bạn : nghe đâu cậu Kh. này là thi sĩ, vừa dạy học vừa làm thi sĩ. Cậu bảo là cậu sẽ hướng dẫn mẹ con tôi khi lên Đà Lạt, tôi chỉ cười khẩy, vì tôi có con bạn hiền chờ trên đó, tôi đâu cần nhờ cậu! Nhưng chỉ để bụng chứ không tiện nói ra, e mẹ bảo là mình vô lễ.

Nhờ chuyến đi Đà Lạt bằng cái thùng xe chở sách, tôi suy rộng ra và xác nhận là sức khỏe tôi và mẹ rất cừ : không có nôn mửa, mệt nhọc gì, chả bù với cô tôi, cô còn trẻ măng mà mỗi lần từ Đà Lạt xuống là kêu ca đủ thứ, luôn luôn cô uống thuốc trước giờ xe chạy.

Xe lên đến Đà Lạt thì đã có mấy ông bạn của cậu M. (vốn trong nhóm văn nghệ văn gừng gì đó) đón cậu liền. Thế là cậu quên hết cả chị cả cháu trong nháy mắt. Cậu chào mẹ con tôi và cậu Kh. lên xe khác dông đi chơi tức khắc, hết cả nôn mửa, nhọc mệt, mặc kệ cả xe sách đang chờ phát hành. Cậu ra lệnh cho ông tài xế đưa mẹ con tôi về chỗ trọ, thả cậu Kh. xuống chỗ trọ v.v…

Thật xui xẻo : bạn tôi chưa lên. Trời thì mưa. Cũng may, mẹ tôi cũng đã biết rõ thành phố này rồi cho nên không đến nỗi bỡ ngỡ lắm. Tôi đành làm người bạn vong niên với cậu Kh. (tạm thời trong lúc không có người bạn đúng nghĩa). Mẹ con tôi lên đồi, đến sân cù, tối tối, cô tôi lại đón đi chơi tầm phơ, có bữa thì ngồi nhà quấn chăn đánh bài với hai đứa nhỏ. Có bữa, mẹ cho hai đứa nhỏ ra bờ hồ đi chơi trên hồ bằng xe đạp nước.

Tôi không vui, vì mãi đến ba ngày sau bạn tôi mới lên, mà con nhỏ này tồi quá : đến Đà Lạt là ốm rồi. Một người hoạt động như tôi mà ngồi nói chuyện suông trong xó với một cô bạn quấn chăn rên hừ hừ sao nổi? Ngày thứ bảy nó trở về Sài Gòn. Cũng may cho chúng tôi : đến tuần lễ thứ hai thì có cậu L. đem xe đến chở chúng tôi đi chơi cùng khắp : chỗ nào cũng có mặt, từ thác Cam Ly, thác Prenn, hồ Than Thở, cơ sở Đại Học, mấy giòng tu v.v…

Khác hẳn thói quen, mẹ tôi cho chúng tôi đi ăn hiệu đều đều. Chúng tôi cũng chụp hình loạn xị. Những ngày càng gần hết hạn đi chơi, trời càng tốt, nắng to, ấm áp, trời xanh lơ. Ai cũng ngạc nhiên vì Đà lạt vốn hay mưa vào mùa hè. Tôi nài nỉ với mẹ ở lại thêm vài hôm nhưng vì đến hạn đưa em Bé về khám sức khỏe trước khi nhập học và mẹ đã gởi thư về rồi nên không muốn để ba mong.

Ngày cuối cùng, chúng tôi lại lên đồi vớt vát. Mẹ tôi ngồi trên thảm cỏ vươn vai, ưỡn ngực hít lấy hít để bầu không khí trong lành, thanh khiết của một vùng đầy những mầu xanh. Tôi dõi tầm mắt ra xa, xa tít tận chân trời cố ghi nhớ cái cảnh đẹp và thanh bình mà tôi sẽ từ biệt vào sáng mai.

Vài chú nài ăn mặc lòe loẹt dắt những con ngựa xinh xắn đảo qua đảo lại trước mắt. Thông reo rì rào bên tai. Vài nhóm thanh thiếu niên cắm trại xa xa, trước mặt. Khung cảnh như lau, sạch bóng, đẹp tựa cảnh trong tranh.

Cậu L. gọi thằng bé bán kẹo kéo lại, tuyên bố là đãi chúng tôi một tiệc chay thịnh soạn trước ngày về. Chúng tôi chiếu cố tận tình, cho đến khi hết nhẵn gói kẹo, cả đến hạt đậu phụng chót cũng không còn. Có cả các anh (con bác tôi) và các em (con cô tôi) cùng tham dự.

Chao! Rõ ràng là ngày vui ngắn chẳng tầy gang! Rồi sáng mai, chúng tôi lại lên xe. Lần này mua bốn vé hẳn hoi.

Ngồi trong xe, chúng tôi thò đầu ra, đưa tay bắt tay từng người một : cô tôi, chú N., cậu L., trước khi xe rồ máy.

Con đường từ Đà Lạt về Sài Gòn không giống như con đường từ Sài Gòn đi Phan Rang. Đồng cỏ cũng xanh, hoa mầu cũng tốt, nhưng trừ rừng thông xinh đẹp hùng vỹ, chúng tôi không còn bắt gặp được mùi thơm ngát của lúa trổ, mùi ngai ngái của phân hoai trong các chuồng trâu bò ven đường, không có mùi khen khét của các rẫy nương vừa đốt. Chúng tôi cảm thấy như thiếu thốn một cái gì… Gió tạt vào mặt tôi lạnh buốt mà không mang lại cái cảm giác mát mẻ của những cánh đồng no nước của đồng ruộng Phan Rang, cái mùi quen thộc mà tôi đã phải xa từ lâu lắm.

Bất giác, tôi như nghe văng vẳng bên tai những lời khuyến khích của cậu L. khi cậu đưa chúng tôi đến bến xe:

- Cố học giỏi đi rồi sang năm lại được nghỉ hè nữa, nhé!

Ôi! Nghỉ hè! Hai tiếng mới cám dỗ làm sao! Ba tuần lễ đã trôi nhanh, như… tia chớp!

Chúng tôi chỉ có vài thành tích nhỏ nhoi : em Bé đã biềt bơi và một số hình làm kỷ niệm. Nhưng như thế cũng đủ, quá đủ rồi. Còn đòi hỏi chi hơn?


MINH QUÂN  


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 113, ra ngày 2-11-1973)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

MỘT CHUYẾN ĐI (I) - Minh Quân



Truyện : MINH QUÂN

Người lớn và báo chí hay nói đến hai tiếng liên đới : liên đới quyền lợi, liên đới trách nhiệm, trước năm 1963 còn nghe đâu y như có một hội phụ nữ mang thêm hai tiếng liên đới nữa. Riêng với lũ trẻ nếu muốn tỏ ra thời thượng, tôi có thể dùng hai tiếng giới trẻ cho nó oai một tí – Vâng, riêng với giới trẻ chúng tôi thì hai tiếng này không có ý nghĩa gì cả. Đó là thứ ngôn từ của giới người lớn, của giới… già, thưa quí bạn!

Cho đến một hôm, chúng tôi mới sáng mắt ra, khôn hơn lên, để nhận thức rằng hai tiếng liên đới có ý nghĩa sâu xa thiết thực thật chứ không phải là thứ ngôn từ trên giấy tờ và trên cửa miệng giới già. Hơn bao giờ hết, chúng tôi thấm thía ý nghĩa hai tiếng đó : vào dịp em gái út chúng tôi thi vào Đệ Thất, quên, xin lỗi, vào lớp Sáu.

Năm nào cũng vậy, cứ sắp vào mùa hè là chúng tôi nôn nả nghĩ đến chuyện được đi nghỉ hè. Nghỉ hè! Chỉ nguyên hai tiếng đó cũng đủ gợi lên cho chúng tôi tất cả viễn ảnh của những ngày tươi đẹp… đã qua. Nghỉ hè, có nghĩa là chúng tôi đầm mình dưới nước mặn như trâu đầm mình dưới bùn, khỏi phải nằm ngủ mỗi trưa, khỏi phải học bài và làm bài mỗi ngày, tha hồ ăn đủ thứ quả vườn nhà và quả mua ngoài chợ, tha hồ rong chơi và rong chơi… Nghỉ hè còn có nghĩa là chúng tôi không tuân lệnh mẹ mà chính mẹ lại nghe theo chúng tôi, chìu ý chúng tôi, thậm chí có đứa nào giở thói làm nũng cũng được thông qua, không bị khiển trách.

Vì những ân sủng đó, chúng tôi đã có bận toan đề nghị đổi mùa hè làm mùa xuân, nói rõ hơn : đổi Tết làm hè, thay hè làm Tết.

Nhưng trong vài năm gần đây ba tôi bỗng dưng thay đổi ý kiến mà chả thèm quan tâm đến nguyện vọng của chúng tôi, như một ông vua độc tài chăn dân trị nước theo cung cách riêng không buồn để ý đến dân đen vậy. Hễ sắp vào hè, mẹ con chúng tôi bàn đến chuyện nghỉ ngơi là ông nói:

- Thôi, bày đặt nghỉ với ngơi! Mẹ con mấy người không thấy đường sá lôi thôi, giao thông trục trặc đó sao? Lỡ kẹt đường làm sao về?

Hay:

- Mêt nhọc gì mà nghỉ? Làm như cực khổ lắm vậy…

Mẹ tôi tức thì phản đối : bà đưa hang chục luận cứ để bênh vực lập trường, nào Sàigòn nóng bức chật chội, không đủ không khí để thở. Nào quanh năm con không thấy ruộng vườn xanh tươi ra làm sao, con trâu con bò không biết phân biệt ra làm sao. Nào khí trời trong sạch ích lợi cho cơ thể ra làm sao, nào nước biển và ánh nắng mặt trời có tác dụng thế nào đến sức khỏe v.v…

Ba tôi liền xoay qua chuyện tình hình tài chánh. Mẹ tôi bảo rằng mẹ tôi đã tiết kiệm nhiều về dịch vụ may mặc cho chúng tôi – dĩ nhiên cả mẹ tôi cũng thế – Sau khi kể ra một dọc dài những khoản tiền đáng lẽ đã tiêu rồi mà vì tính toán kỹ, tiết kiệm kỹ, nên còn lại để có thể dùng vào dịp nghỉ hè cần thiết, chẳng hạn như mẹ tôi đã cắt áo dài cũ ra may thành áo ngắn mặc trong nhà, chẳng hạn như mẹ đã sửa cái áo cũ của chị cả cho em thứ, cái quần của em thứ cho em út – con trai cũng vậy – Chẳng hạn như đôi guốc mòn mà không bỏ đi, lấy ruột xe đạp cũ đóng dưới gót mang thêm tháng nữa, chẳng hạn như hai ngày vừa qua ba đi công tác, mẹ con chúng tôi chỉ mua toàn rau muống và đậu phụ với tương khi đi chợ, chẳng hạn v.v… Ôi, kể ra không xiết. Tóm tắt lại theo ý mẹ tôi – dĩ nhiên, chúng tôi đều đồng ý – nghỉ hè không phải là chuyện đi chơi vô ích, phí phạm mà là một chuyện cần thiết, bổ ích.

Ba tôi ngồi yên hơn năm phút rồi sau cùng, ông thong thả nói:

- Mẹ con mấy người đi hết, ta… nhớ. Thôi, mẹ mày muốn đi thì đi với mấy đứa lớn, hay đi một mình đi. Để hai đứa nhỏ ở nhà với… ba.

- Nói vậy mà nghe xuôi tai không? Sao lại đi một mình? Sao lại đi với mấy đứa lớn? Đi vậy sao yên lòng? Để tụi nhỏ ở nhà ai trông coi, mà chính tụi nó mới là cần đi đổi gió…

Ba bẻ ngang đó:

- Vậy thì mấy đứa lớn với mẹ mày không cần, phải không?

- Ai nói vậy đâu? Nhưng người ta muốn nói tụi nhỏ cần hơn, biết chưa?

- Ta không biết cái gì hết, ta chỉ biết tụi nhỏ mà đi, ta nhớ, vậy thôi. Ai muốn đi đâu thì đi, hai đứa nhỏ ở nhà với ta…

Sực nhớ mấy năm trước có khi đi về tụi nhỏ hơi ấm đầu một tí, có khi có đứa mọc một cái mụt – vì về đến Sàigòn trời nóng – Ba bèn vịn lấy đó:

- Mẹ mày cứ bày đặt, con nít nhỏ mà thay đổi chỗ ở, di chuyển là phiền lắm. Tao thấy mẹ mày cực khổ mỗi lần đi…

(Dù cho trước đó vài ngày ông không thể nào phủ nhận chuyện tụi em tôi lên cân, có vẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Không phủ nhận, nhưng ông chỉ ậm ừ chứ không chịu khen tiếng nào, làm mẹ tôi ức lắm)

Mẹ tôi không chịu thua:

- Cực khổ mặc tôi. Sức khỏe tụi nó cần hơn.

Cứ nhùng nhằng không ra môn, ra khoai chi hết hàng tháng trời như vậy làm chúng tôi sốt ruột hết sức. Mẹ tôi trấn an:

- Tụi bay cứ để đó, mẹ tranh đấu cho, thế nào cũng thắng cho coi.

Rồi, giữ lời hứa đến bữa ăn hay khi ranh rảnh, mẹ lại đề cập đến chuyện nghỉ hè. Đi đâu đây! Nha Trang! Đà Lạt! Phan Rang! Qui Nhơn! Nha Trang có nhà cậu và nhà bác tôi, Phan Rang có nhà bà và nhà dì, có vườn rộng, Qui Nhơn cũng ngon lành – nhưng mới nhắc đến địa danh này là ba gạt liền : xa lắm! Đà Lạt có cô tôi – hiềm cái không được đi tắm biển và phải trang bị áo lạnh áo mưa lỉnh kỉnh một chút – nhưng có thể…

Vừa ở nhà dưới lên, tôi ngạc nhiên thấy sao việc xin đi chưa được chấp thuận mà mẹ đã bàn đến địa điểm đi. Như vậy có thể là hơi lố, làm ba tôi xùng lên (ấy, ai cấm người lớn xùng lên kkhi phật ý!) mà hỏng bét cái dự định ôn hòa, tốt đẹp, ích lợi đi chăng! Tôi đưa mắt nhìn chị Thu, chị cười một cái rất tươi, rồi ra hiệu cho tôi vào phòng và đến nơi, chị đóng sập cửa lại tiết lộ cho tôi hay rằng ba đã đồng ý cho đi nghỉ hè với điều kiện là em út tôi thi đậu vào lớp Sáu! Điều kiện ngặt nghèo chứ phải chơi đâu!

Thế là từ ngày đó, chúng tôi – tất cả các anh các chị – đều siêng năng trong việc nhắc con em út chăm lo học hành vì chuyện chúng tôi có được đi nghỉ hay không đều do ở nó. Trong bọn tôi, hầu hết đều đặt tin tưởng vào bé Út, vì nó học chăm chỉ, tháng nào cũng đứng từ một đến ba. Nó cũng đã mè nheo với ba mẹ từ đầu niên khóa một hai được đi học tư thêm cho chắc ăn. Có điều, nó chưa đến tuổi thi, nhưng điều này cũng không ngại gì, vì mẹ đã xin miễn tuổi được rồi.

Ỷ vào địa vị quan trọng của nó, con bé có hơi lố bịch chút đỉnh. Chẳng hạn thay áo quần đáng lẽ theo lệ thường là nó phải đem xuống bỏ vào giỏ đằng này nó vứt bừa ra sàn gạch bông, ăn cơm xong, đáng lẽ bưng bát đũa xuống nhà dưới, nó đặt cái cạch giữa bàn, đứng dậy ; uống nước xong phải dẹp tách của mình, nó lại để chình ình ở buýt phê, thậm chí có khi nó còn lấy tách của người khác uống nữa.

Tất cả những cái đó, nếu bình thường thì nó đã bị mắng đấy, nhưng thời kỳ này tất cả đều làm lành với nó. Hoặc trong chúng tôi có la mắng tức thì đã có một đứa khác lên tiếng bênh vực nó liền:

- Thôi, để em học!

“Thôi, để em học”. Bốn tiếng đó bỗng thành cái câu cửa miệng của chúng tôi. Có đứa còn hy sinh tiền riêng mua cho nó kem, kẹo, bánh ngọt nữa kia. “Vừa thôi, cho ăn nhiều nó đau bụng đó nghe” chúng tôi cảnh cáo lẫn nhau.

Sắp vào hè trời hay mưa buổi chiều, buổi mà nó học tư thêm. Chúng tôi phải chia nhau chở nó đến lớp luyện thi, đón về đều đặn mỗi ngày. Khi gặp mưa, phải lo áo mưa, mũ v.v… Thấy như người ta chăm ngựa trước khi đua, chăm gà nòi trước khi cáp độ mà không chút than van, không lời ta thán. Trước nghỉ hè hai tuần, bỗng dưng nó lên cơn sốt rồi nó sốt già và hôm sau, nó sưng hạch cổ, mẹ vội vàng đưa đi bác sĩ. Chúng tôi như ngồi trên lửa, nhưng nó, nó tỉnh bơ. Nó hành hạ mẹ chút chút vào đêm khuya, rồi nó bớt sưng sơ sơ mà một hai đòi được đi đến trường vào ngày phát thưởng, chúng tôi không ngăn nó được. Mẹ bảo nó rằng phần thưởng của nó không mất mát đi đâu, cô giáo sẽ giữ cho nó và cho bạn nó đem về, nhưng nó khóc, viện cớ rằng nó chỉ đến lãnh thưởng rồi về chớ có ở lâu trong lớp đâu mà sợ lây cho bạn bè.

Mẹ đến trường hỏi ý kiến và cô giáo nó lại đồng ý cho nó đi. 10 giờ sáng hôm đó, với mớ phần thưởng nặng chĩu trên tay, nó bước vào nhà với cái mặt hơi vênh lên một chút và cái cổ to hơn thường lệ (vì chưa hết sưng hẳn) nhưng chúng tôi không dám chế nó, vì nó sẽ làm to chuyện cho coi. Nó là vai chính, là con cờ, là chủ điểm… nó biết rõ như vậy lắm.

Nghỉ hè rồi, nó còn tiếp tục học tư cho đến ngày thi. Một hôm trời mưa, anh tôi đến đón trễ, nó cứ phăng phăng lội nước về nhà. Mẹ tôi hét toáng lên, bắt lấy nước nóng ngâm chân cho nó, xức dầu cho nó…

Than ơi! Điều lo ngại xảy ra như thật : đêm đó nó hâm hấp sốt. Mẹ không ngừng mắng chúng tôi, nào không lo cho em, nào ích kỷ, đủ thứ bà nhằng. Nó vẫn cứ tỉnh bơ. Sáng hôm sau phải nghỉ một hôm. Ngày hôm sau nó hạ sốt, lại đòi đi học, tỉnh bơ.

Chúng tôi vừa tức vừa buồn cười, bàn tán không thôi về thái độ nó. Trưa trưa, nó không ngủ, lên bảng đen lấy phấn kỳ cục làm toán. Tối, buông đũa là nó học bài. Nó xin mẹ một cái bìa dày, gấp nhỏ lại, ghi lên đó nhăng nhít những phương trình, ký hiệu đặc nghẹt như những con kiến đen chăm chỉ, cần cù. Đến tận lúc đó, chúng tôi hết khinh thường nó như trước nay và càng thêm tin tưởng.

Tất cả đều dành cho ngày nó đi thi. Một ngày thôi (nếu hai ba ngày chắc chúng tôi đến ốm mất). Nuôi quân hàng tháng hàng năm, ra quân có một hôm!

Trưa hôm đó, nó trở về mặt mày hớn hở, lật sách ra dò và tuyên bố chắc nịch khi chúng tôi chất vấn:

- Em làm trúng hết, dư giờ!

Nhưng buổi chiều về, ra khỏi xe, nó lầm lũi lên nhà, không buồn cởi áo. Nó vốn điềm tĩnh nhất nhà, nhưng lần này cái vẻ lầm lỳ của nó mang một ý nghĩa rõ ràng quá làm chúng tôi khựng lại, muốn hỏi mà sợ cái sự thật làm mình thất vọng nên không dám mở lời. Chúng tôi như thể cùng ngậm tăm trong miệng.

Ba tôi ôn tồn hỏi nó về buổi thi. Nó nói, tỉnh bơ:

- Con làm toán trật rồi…

- Hơ! Cái con này…

- Giỡn quá!

- Trời ơi! Dễ nghe chưa?

- Trật thật không?

Mỗi đứa chúng tôi đều muốn hắt lên nó tất cả giận tức, thất vọng.

Ba tôi bình tĩnh:

- Sao con biết là con làm sai toán?

- Hồi đầu thì con không biết. Con làm xong còn dư giờ mà. Bài toán dễ…

- Dễ… dễ mà lại trật…

Anh Vũ đay nghiến. Em út tôi vẫn phớt tỉnh như không nghe những lời chê trách, không thấy cả những nét bực dọc trên mặt các anh chị. Nó nhìn vào ba:

- Con biết là con làm sai, mới biết đây, khi lên xe về gần tới nhà.

Vừa nói nó vừa đưa cho ba tờ nháp, giải thích sai chỗ nào, và tại sao sai. Chúng tôi cùng chụm đầu lại, tranh nhau nhìn tở giấy nháp và khi thấy rồi, chúng tôi nghẹn cứng cổ, đứng lặng như thể bị chôn chân tại đó. Mẹ cũng có mặt từ lâu, mẹ không nói gì hết.

Ba vẫn bình tĩnh, cố an ủi nó:

- Thôi, con đừng buồn vì con chưa đủ tuổi…

- Sang năm con sẽ thi lại, không muộn gì.

Mẹ tiếp theo.

Đồ ngu! Đồ tự phụ! Đồ… Chúng tôi muốn quát to lên, muốn mắng nó, muốn bạt tai nó… vì lẽ gì các bạn thừa hiểu đấy. Uổng công chúng tôi đã cực khổ vì nó, uổng tiền chúng tôi đã bỏ ra mua bánh kẹo cho nó… Ý chà! Hễ đang ngủ mà đến giờ là phải vội vàng dụi mắt ngồi lên, thay áo chở nó đi, chiều đang đọc sách, đang chơi cái gì cũng chăm chăm nhìn lên đồng hồ, lo đón nó về, thấy trời mưa là thót ruột, sợ nó bãi học, tới chưa kịp nó đội mưa về, nó đau ốm… Rõ ràng là nó hại chúng tôi. Nó thi rớt thì chúng tôi còn hòng gì đi nghỉ?

- Lần sau, con nên cẩn thận hơn. Không sao, con học lại một năm nữa mới đến tuổi…

Mẹ nắm tay nó, nhỏ giọng. Nhưng con bé lì lợm đó bỗng giật phắt tay mẹ tôi ra, gằn từng tiếng, rõ ràng, dứt khoát:

- Con không học lại! Mẹ cho con học tư! Nhục lắm!

Chúng tôi, lại lần nữa đứng sững như trời trồng vì phản ứng bất ngờ của nó… Bạn ơi! Phải chi nó khóc lên, phải chi nó cau có một chút, phải chi nó tỏ ra buồn phiền.

Chúng tôi cảm thấy nghẹn ngào khổ sở, không phải vì nghĩ đến chuyện mất đi nghỉ hè mà vì thương nó. Chúng tôi nhận ra sự ích kỷ của chúng tôi. Chúng tôi chăm chút đến nó, lo lắng cho nó cốt để được đi chơi chớ nào phải vì thật lòng nghĩ đến sự học của nó đâu. Chúng tôi có chia sớt thất vọng của nó không? Không, rõ ràng là chúng tôi chỉ buồn vì chính chúng tôi thôi… Cái buồn mênh mông, trầm lặng của nó, chúng tôi đâu để ý?

Ba tôi gật gù:

- Nhưng lấy gì làm chắc là con hỏng! Nếu tất cả các môn con đều xuất sắc thì còn hy vọng… Các môn khác con ra sao?

Một thoáng, mắt nó sáng lên:

- Con làm trúng hết, kể cả các câu hỏi… chỉ sai toán…

- Vậy thì đừng vội ước đoán gì hết. Chờ kết quả sẽ hay.

Trong những ngày kế đó, chúng tôi không bao giờ nhắc đến vụ đi nghỉ hè cũng như chuyện em út chúng tôi thi đậu, hỏng. Không chút hy vọng, nhưng cũng không giận hờn trách móc nó một lời. Nó nhỏ quá mà, chúng tôi phải thương nó chứ. Tự nhủ thế, nhưng khi thấy nó đâm sầm vào các trò chơi, như quên tuốt chuyện hỏng đậu, quên cả cái trách nhiệm lớn lao “vì nó mà chị em tôi mất đi chơi” chúng tôi lại ấm ức thế nào ấy.

Rồi sau cùng chúng tôi đành coi chuyện mình không được đi chơi là một sự chia sớt, là bổn phận đối với cái buồn thi hỏng của em.

Biển mặn, không khí trong sạch, những buổi đi dạo, những trái cây ngoài vườn… giã từ, giã từ hết trong câm lặng. Giã từ trong khi chưa gặp gỡ. Có ai đau đớn hơn chúng tôi không?

Nhưng cái gì mình không mong đợi thì nó lại lù lù tiến tới, không báo trước : ngày treo bảng, anh tôi chở nó đi… đi nhưng không chút hy vọng… trở về thì chúng tôi biết rằng nó… đậu!

Con em bé út già khọm của chúng tôi không mừng ầm ỹ như chúng tôi, nó vẫn tỉnh bơ, nhưng nụ cười của nó tươi hơn thường lệ một chút vậy thôi.

Thế là, trong bữa ăn trưa đó, chuyến nghỉ hè được khơi dậy, bùng lên y như ngọn lửa bừng cháy dữ dội sau nhiều ngày bị nhốt trong tro than âm ỷ.

Sau cùng ba thuận chia làm hai đợt : đợt thứ nhất là hai đứa lớn đi ba tuần lễ. Đợt nhì, gồm có ba đứa nhỏ và mẹ cũng đi ngần ấy ngày.

Chả có gì đáng kể trong những ngày hai người lớn đi hơn là chúng tôi dài cổ đợi họ về và mỗi sáng vội vàng thi nhau bóc lịch. Có khi còn bóc quá ngày nữa mới là buồn cười chứ!

____________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 112, ra ngày 19-10-1973)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


CHƯƠNG XVII_TIẾNG CHUÔNG DƯỚI ĐÁY BIỂN



CHƯƠNG XVII


Con đường dốc mà Lan và Khôi Việt đi xuống đưa tới một dãy phố đổ nát khác xanh rờn và nhầy nhụa rong rêu. Ba người lo tìm cây thánh giá đổ nghiêng, nơi mà thầy Phong hẹn đứng chờ. Thầy đã cho họ biết chỗ đó là nơi an toàn nhất, và đủ xa để khỏi bị chấn động khi mìn nổ.

Việt vừa nhác thấy cây thánh giá, toan nói cho các bạn biết thì chợt khựng người lại vì hoảng sợ. Không phải đây là một con giải, hay một con cá mập đang tiến về phía ba người mà là một đoàn đốm sáng di động đến chỗ họ đứng. Việt lạc giọng kêu :

- Bọn thủ hạ của tên chỉ huy Tổ chức! Chắc họ đang lùng tụi mình.

- Trốn mau!

Khôi kéo các bạn vào một khuôn cửa, ẩn sau vách tường nứt rạn. Lan run run nói :

- Hình như họ định vây mình, có nên lánh đi nơi khác không?

Khôi đáp :

- Cứ đứng yên ở đây. Họ không thấy mình đâu.

Những đốm sáng tản mát như chia nhau tìm kiếm rồi lại tập trung vào một chỗ. Việt nghe được tiếng họ hỏi nhau :

- Phải chỗ này không?

- Chắc phải... Anh Minh đã dặn là...

Chợt có tiếng nổ vang rền dưới nước. Lan hoảng hốt nắm lấy vai Việt. Anh nghe thêm tiếng nói của bọn người kia :

- Chắc chúng mình không thoát được!

Nghe giọng nói đó, Lan buông Việt ra :

- Thằng em họ của tui. Đúng tiếng nó rồi!

Và Lan toan chạy đến. Nhưng Khôi, Việt đã kịp ngăn nàng lại.

Ba người rời chỗ nấp. Tiếng nổ vừa rồi, làm bọn người kia hoảng hốt bỏ chạy.

Lan nói :

- Bọn họ là dân đảo, đang tìm đường trốn! Phải đón gặp họ chứ?

- Sợ họ không nhận ra mình và dám tấn công mình luôn.

- Cứ để kệ họ. Thầy Phong đã hẹn mình chờ ở đây, thì cứ chờ thầy ấy đã.

Mấy phút sau thầy Phong trở lại. Giọng thầy vui vẻ truyền qua ống phóng thanh :

- Xong cả rồi. Kết quả mỹ mãn! Bây giờ chúng ta chỉ còn tìm đường đến chân ngọn hải đăng để "lên bộ" nữa thôi.

Khôi, Việt cho thầy biết về đám dân đảo, và hướng của họ đang đi.

Thầy nói :

- Họ cũng như mình, đang tìm lối lên mặt đất! Xem nào, chỗ mình đang đứng có lẽ là cuối dải đất của thị trấn tân lập bị sụp xuống lòng biển vì một trận động đất... Nếu đúng vị trí đó, chúng ta có thể lên được rồi.

Thầy lấy địa bàn ra coi, rồi dặn :

- Tôi có thể tính nhầm, nhưng chắc không xa mục tiêu bao nhiêu. Bây giờ chúng mình lên, nhưng phải cẩn thận kẻo nhỡ đụng đầu vào ghềnh đá... Tới mặt biển rồi hãy bơi vào bờ và nên thận trọng như thường vì chưa chắc gì bên đất liền đã đến ứng cứu kịp. Nào, một... hai... ba... kéo nút bấm xuống dưới!

Khôi phóng lên trước, tiếp đến Lan. Việt nghe tiếng thầy Phong nói :

- Từ từ! Từ từ thôi!

Anh hãm bớt nút bấm, và người thong thả nổi lên. Thật lâu, Việt thấy nước biển dần dần trong sáng và rồi anh nhô đầu khỏi mặt nước như chiếc phao bập bềnh trên làn sóng long lanh dưới ánh trăng khuya.

Việt sải tay bơi về phía trước, miệng gọi tên Lan và Khôi.

Đúng lúc ấy Việt cảm thấy như bị nắm giữ rồi có ai sốc nách kéo lên, đồng thời anh nghe tiếng nói :

- Tóm được một tên rồi!

Việt bị quẳng lên sạp một chiếc xuồng máy. Còn đang ngơ ngác, Việt lại nghe nói :

- Thêm hai mạng nữa!

Việt nhổm lên, toan tháo chiếc mũ lặn ra vì giọng nói vừa rồi anh nghe thật quen. Nhưng anh bị xô mạnh xuống và cũng giọng đó quát :

- Nằm im không tao bắn nát óc bây giờ!

Việt phá lên cười, vì anh đã nhận ra người nói câu đó là chú Triều Dương. Chú chĩa họng súng tiểu liên vào người Việt, và khi nhận ra thằng cháu "yêu quí" chú cũng ôm bụng cười ngất.

Lúc ấy, mặt biển, từ đất liền đến đảo Chàm vang rền tiếng động cơ của những chiếc xuồng máy. Trên trời lượn vòng vòng một chiếc phóng pháo, và ngoài khơi - sau này Việt mới được biết - còn có mấy chiếc thủy đĩnh của hải quân vây bọc.

Hành động của thầy Phong - đặt mìn nổ sập cửa hang - đã giúp các nhà chức trách bắt được chiếc tàu ngầm và trọn ổ một cách dễ dàng, nhưng cũng nhờ Minh đứng trên ngọn hải đăng hướng dẫn mà cuộc hành quân tầm nã sớm có kết quả.

*

Khi Việt kể xong chi tiết cuối cùng, anh ngồi yên nhìn mọi người.

Bạch Liên cất tiếng cười tinh quái :

- Truyện của Việt kể có thật không đấy?

Việt phản ứng bằng một cái nhún vai và quay lại nhìn Khôi. Anh chàng Khôi đỏ mặt sừng sộ :

- Sao lại không thật? Kể truyện này ra tôi biết ít có ai tin là thực. Song thầy Phong và chị Lan còn đó. Khôi vừa nhận được hồng thiếp của họ báo tin sẽ ra đảo Chàm dự tuần trăng mật mí nhau. Bộ Liên tưởng chúng tôi "phịa" ra sao được?

Bạch Liên nheo mũi :

- Chắc cũng có "phịa" thêm độ 50 phần trăm là ít!

Anh Thư ký Tòa soạn cười xòa :

- Nhưng còn 50 phần trăm tin được. Mà truyện cũng khá ly kỳ đấy chứ?

Tuấn gật đầu :

- Cũng khá hấp dẫn, đáng được đăng lên Tuổi Hoa, để các bạn đọc... nhàn lãm!

Anh Thư ký Tòa soạn tươi tỉnh :

- Đồng ý! Nhưng còn Bạch Liên và Tuấn, sau truyện của Khôi và Việt hai em sẽ kể cho các bạn Tuổi Hoa nghe truyện gì?

Bạch Liên thu gọn người trong chiếc ghế bành đáp :

- Thưa anh, THUNG LŨNG RẮN!

Đến lượt Khôi dẩu mỏ :

- Xí! Thung Lũng Rắn là cái quái gì!

Việt chỉ mỉm cười không nói như sẵn sàng lắng nghe truyện của Bạch Liên... 
 


Nguyễn Trường Sơn   

CHƯƠNG XVI_TIẾNG CHUÔNG DƯỚI ĐÁY BIỂN




CHƯƠNG XVI


Khi mực nước dâng cao tới ngực Việt phải vịn vào Khôi mới đứng vững. Nước ùa vào trong phòng, reo như thác đổ át cả tiếng nói của ba người. Việt thấy miệng Khôi lắp bắp mà không nghe được bạn muốn nói gì.

Nước ngập đến cổ, Việt đưa mắt nhìn Lan, thấy Lan đã hụp thấp người xuống. Việt thầm hiểu sự khôn ngoan của nàng, tiếng nói của Lan vang lên trong ống nghe :

- Hai người hãy ngồi xuống. Đừng vùng vẫy chi cho mệt., ở hẳn dưới mực nước dễ chịu hơn.

Khôi hầu như mất bình tĩnh. Trông anh như một chú cá bị nhốt trong chậu đang quẫy mình tức giận. Tiếng nước réo bỗng nhiên ngừng bặt.

Căn phòng hẹp đã đầy nước. Việt chới với vì người nhẹ bổng, đầu cứ đụng lên trần. Lan phải nhắc :

- Phải điều chỉnh lại nút bấm trước ngực cho nặng người xuống, kéo nhẹ nút sang trái đi.

Việt đưa tay lên ngực làm theo lời Lan. Người anh mới chìm xuống, đứng vững dưới nước.

Thầy Phong đã quay lại nhìn ba người qua vách kính. Thầy nở nụ cười thỏa mãn và chỉ tay vào chiếc cửa mở ra biển. Lan hiểu ngay. Nàng ấn chốt cửa, cánh cửa từ từ mở.

Khôi, Việt theo Lan đi ra, và đóng cửa lại cẩn thận. Bên ngoài là một vùng rộng, có hàng dẫy đèn chiếu sáng. Ba người quay lại ra dấu cho thầy Phong, tỏ ý báo cho thầy biết. Bên trong thầy Phong cũng vui vẻ đưa tay vẫy.

Nhưng đúng lúc ấy Khôi bỗng hoảng hốt vẫy gọi thầy Phong :

- Kìa! Có người đang xuống thang!

Lan cũng bật kêu, kinh hãi :

- Chết rồi!

Ba người đồng thanh hét :

- Quay lại, nhìn về phía sau!

Nhưng thầy Phong vẫn chưa hiểu gì cả. Hình như thầy tưởng ba người múa may vì chưa quen với bộ đồ lặn dưới đáy nước sâu. Thầy mỉm cười phác một cử chỉ khuyến khích.

Sau lưng thầy một bóng người cao lớn vừa xuất hiện dưới chân cầu thang. Hắn đưa mắt nhìn quanh phòng.

Khôi nảy ý kiến;

- Chúng mình chạy tìm chỗ nấp, mau! Như vậy thầy Phong sẽ hiểu!

Cả ba hấp tấp, chạy nấp sau các mô đá. Thầy Phong cau mày ngạc nhiên. Rồi thầy quay lại, và đụng đầu với tên chỉ huy.

Việt có cảm tưởng như đang xem một tấn tuồng câm, mà diễn viên là thầy Phong nặng nề trong bộ đồ lặn với tên chỉ huy, dáng điệu hung hăng, tay lăm lăm khẩu súng. Thoáng nhìn, hắn thấy ngay những máy móc đã bị thầy Phong phá hoại. Hắn mở miệng như nguyền rủa. Rồi thầy Phong xông lại, và hắn nổ súng.

Việt đã tưởng thầy Phong bị trúng đạn, vì thấy thầy loạng choạng chúi đầu về phía trước. Nhưng không, thầy phản công lại, đá tên chỉ huy ngã xuống đất.

Hai người ôm nhau vật lộn, tay vẫn không rời súng. Đột nhiên nhiều tiếng nổ liên tiếp vang lên. Khôi kêu :

- Ồ, vách kính vỡ rồi!

Liền đó một thác nước ùa vào quét văng hai người ra giữa phòng. Thầy Phong nhổm dậy, đặt tay lên nút bấm trước ngực và nhảy hai bước đến cánh cửa mở ra biển.

Đầu này, tên chỉ huy cũng chồm lên đứng giữa xoáy nước ngầu bọt, giơ súng nhắm bắn. Vách kính vỡ tung. Hắn nhắm bắn lần nữa, nhưng nước tràn vào càng mạnh làm hắn phải bỏ chạy về phía cầu thang.

Lan và Khôi, Việt chạy đến đón thầy Phong, nhưng thầy cản ba người lại. Thầy còn muốn thực hành nốt kế hoạch đã định. Nhưng mực nước trong phòng dâng lên rất nhanh do những lỗ đạn bắn vỡ vách kính.

Tới cầu thang, tên chỉ huy còn quay lại bắn thêm lần nữa trước khi hấp tấp mất hút lên cầu thang.

Lúc ấy thầy Phong mới chịu mở cửa bước ra, nói :

- Khỏi cần cho bom nổ nữa. Biển sẽ làm công việc ấy thay chúng ta rồi. Nhìn kìa!

Quả nhiên sức phá hoại của nước mãnh liệt ghê gớm. Chỉ trong nháy mắt, phòng Trung ương bị chìm ngập, các ngọn đèn phụt tắt trước những thác lũ sôi réo.

Thầy Phong nói :

- Tên chỉ huy chỉ còn nước thoát thân bằng cách leo nhanh lên cầu thang, nhưng khó mà thoát được!

Lan hỏi :

- Còn anh Minh?

- Minh chắc thoát rồi. Vì thế nên tên chỉ huy mới giận dữ xuống phòng Trung ương tìm tôi. Nhưng hắn thua cuộc rồi. Tuy nhiên với tổ chức của hắn mình chưa nên lạc quan vội. Hãy rời khỏi nơi đây ngay khi chúng ta còn đủ ánh sáng.

Những ngọn đèn ngoài mỏ do hệ thống phát điện ở tầng trên chưa bị nước phá hoại. Thầy Phong ngoắc tay bảo ba người theo.

Cả bọn thận trong tiến bước, băng qua một khoảng rộng hình vòng cung. Đây đó, những cần trục vươn dài dưới bóng nước nom như những quái vật khổng lồ.

Qua một vòm lá, Việt bỗng cảm thấy tóc gáy dựng đứng. Cảnh tượng hiện ra trước mắt anh không khác gì trong một cơn huyễn mộng. Đây đó lung linh những bóng nhà đen xám màu rêu, có cái trụt mái còn trơ bốn bức vách, có cái cửa ngõ toang hoang, rong rêu lấp kín bậc thềm.

Trên ngọn đồi, phía cuối phố sừng sững ngôi Thánh đường xây bằng đá ong, tháp chuông vươn cao khỏi mặt nước, và trên ngọn tháp có quả chuông đã gióng lên những hồi chuông vang vọng vào trong các đường hầm dưới mỏ.

Việt sởn gai ốc nghĩ đến số dân cư trước kia cư ngụ ở thị trấn chìm ngập này. Và anh liên tưởng đến đống xương trắng hếu trong xó ngục thất mà anh vừa thấy.

Không, ngoài những người thợ mỏ làm việc cho Tổ chức, không còn ai trong cái thị trấn hoang tàn chìm sâu dưới đáy nước này. Nhưng dưới biển sâu, sau các bức vách nứt rạn kia hẳn có nhiều hồn ma ẩn náu.

Thầy Phong tỏ ra rất thành thạo. Thầy dẫn mọi người qua các đường phố chật hẹp và đổ vỡ ngổn ngang. Thầy cũng chỉ dẫn cách điều khiển nút bấm trước ngực để chân bước nhẹ nhàng, vượt qua các gò nổi hầm sâu một cách nhanh nhẹn.

Tới một mô đất thầy Phong đứng lại.

Lan tò mò hỏi :

- Không biết trên đầu chúng ta có những gì?

- Dĩ nhiên là đất và hang động. Chúng ta chưa ra khỏi dải đất sụp của Phố Hội cổ đâu.

Việt thấy run trong bộ áo lặn. Không phải run vì lạnh mà vì sự hoang tịch ghê rợn của thế giới huyễn mộng dưới biển sâu. Thầy Phong mở tấm bản đồ, thứ không thấm nước, và địa bàn ra coi.

Khôi hỏi :

- Bọn mình sẽ đổ bộ lên đâu đây?

Lan cũng lo lắng :

- Thầy có chắc mình đi đúng đường không, thầy Phong?

- Tôi biết chỗ mình đang đứng là nơi nào trên mặt đất, và biết cả lối lên bến nổi trên hang. Anh Minh đã chỉ cho tôi một ngách đá dẫn tới chỗ đó.

- Nếu đã biết đường lối, sao thầy không trốn đi bằng bộ áo lặn này còn trì hoãn làm chi tới nay vậy?

Thầy Phong ngồi lên một mô đá, chậm rãi đáp :

- Trốn được không phải là chuyện dễ. Vì bất cứ ai cũng đều bị kiểm soát chặt chẽ. Chỉ hơi bị nghi ngờ cũng đủ toi mạng rồi.

Thầy ra hiệu cho ba người ngồi nghỉ mệt quanh thầy và tiếp :

- Không những thế, khi di chuyển hay làm việc gì đều do mệnh lệnh truyền đến cho mỗi người, hoặc phải báo trước cho đài kiểm soát biết. Chiếc máy nói và nghe trên bộ áo chúng ta đang mặc đây, đều liên lạc được bằng vô tuyến, khiến những cử động của mỗi người dưới mỏ đều hiện rõ trên tấm bảng lớn, mà tôi vừa phá hủy hồi nãy. Bị canh phòng như thế làm sao trốn cho được!

Lan lo lắng :

- Nếu vậy, anh Minh e khó mà thoát được.

- Chúng ta còn phải trải qua nhiều nguy hiểm, nhưng đừng vội nản chí. Kế hoạch chúng ta dự tính tới nay đã có phần nào kết quả. Ngay hôm gặp hai cậu Khôi, Việt ở dãy nhà ngang trong trại, tôi đã tìm được một máy phát thanh và thử truyền tin đi, hy vọng người bên đất liền nhận được. Chính lúc đó, ông Chế Bảo cậu của Lan bắt gặp. Tôi đã tưởng nguy. Nhưng không ngờ Minh lại thuyết phục được cả gia đình theo anh. Bởi vậy, sau khi làm xong phận sự, Minh trốn vào phòng kiểm soát chờ tôi. Anh định hợp lực cùng tôi hạ tên chỉ huy trong khi ông Chế Bảo phá hoại bến bốc hàng. Các cửa hầm sẽ được sập xuống ngăn lối không cho tên chỉ huy thoát xuống tầu ngầm, hoặc bằng lối đi lên ngọn hải đăng. Còn dân đảo bị bó buộc xuống làm dưới mỏ, sẽ theo một đường hầm khác thoát lên mặt đất.

Khôi hỏi :

- Dự định này bị lộ rối phải không thầy? Vì anh Minh đã bị tên chỉ huy áp giải?

- Không hẳn thế, nhưng tên chỉ huy nắm giữ chìa khóa cửa lên ngọn hải đăng, nên anh Minh tuy thuộc đường song không có cách nào lên đó được để báo tin về đất liền xin tìm cách ngăn cản chiếc tầu ngầm rời bến. Chỉ có tên chỉ huy từ phòng Trung Ương truyền lệnh cho phòng Kiểm soát xong mới đích thân mở cửa lên ngọn hải đăng. Vì thế tôi không dám can thiệp khi hắn áp đảo Minh. Phần Minh anh đã khéo vờ để hắn dẫn đi. Nhưng khi lên khỏi cầu thang máy là anh sẽ hạ hắn, đoạt lấy chìa khóa, và lên hải đăng đánh tin về đất liền.

Lan nói :

- Nhưng, như chúng ta đều biết, anh Minh chưa hạ gục tên chỉ huy nên hắn mới quay lại phòng Trung ương, - chắc để truyền lệnh - và gặp thầy. Chẳng biết anh Minh bây giờ ra sao?

- Chắc chắn anh đang đánh tin về đất liền. Còn các thợ mỏ cũng theo ông Chế Bảo bằng lối đã định.

Bây giờ chỉ còn chiếc tàu ngầm. Nếu chờ bên đất liền can thiệp e không kịp. Tôi phải ngăn nó bằng cách cho nổ sập cửa hang mới được.

Khôi hăng hái :

- Thầy để tôi giúp một tay...

- Khỏi cần! Cậu hãy đưa Lan và Việt qua dãy phố này đến một khu đổ nát khác có cây thánh giá nằm nghiêng và chờ tôi ở đó. Tôi cũng đi tìm ngách đá mà anh Minh đã nói và nếu không bị lạc đường, tôi sẽ đặt mìn nổ chậm ngăn lối ra của chiếc tàu ngầm rồi quay lại với ba người sau. Trong khi chờ đợi, nhớ đừng rời nhau và phải canh chừng nhỡ gặp bọn thủ hạ của tên chỉ huy đấy nhé.

_______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XVII

CHƯƠNG XV_TIẾNG CHUÔNG DƯỚI ĐÁY BIỂN




CHƯƠNG XV


Trạm Kiểm Soát mà thầy Phong nói, không phải dễ tìm. Tuy đã được chỉ dẫn tỉ mỉ, bọn Lan và Khôi Việt cũng chật vật lắm mới thấy nó ở phía đầu ga. Lối vào chật hẹp, tròn hình ống, và tối đen.

Lan rùng mình :

- Thầy Phong có nói là bọn mình sẽ không gặp ai cả. Tui cũng vái trời như vậy. Chớ rủi mà gặp ai trong đường này chắc nguy quá.

Khôi nói :

- Chúng mình tay không, Chẳng có khí giới gì để tự vệ cả. Nhưng thầy Phong đã dặn như thế, mình cứ nên mạnh dạn tiến vào.

Lan tranh trước :

- Để tui dẫn đầu cho. Nói vậy chớ chắc không có gì đáng ngại mô.

Việt đưa Lan cây đèn bấm, và dặn nàng nên hạn chế vì pin điện đã gần hết.

Khôi tiếp :

- Và nếu có gặp ai, chị nhớ đưa ngay cho tôi, vì tuy nó chỉ là cây đèn, nhưng khi lâm nguy mình cũng có thể dùng nó tạm thời như một món khí giới được. Dù sao, mình cũng cứ nên đi sát nhau là hơn.

Thực ra con đường ống dẫn vào trạm Kiểm Soát không quá chật hẹp như ba người lầm tưởng lúc đầu, vì có thể đứng thẳng người mà không bị đụng đầu. Đường hầm này đưa đến một cầu thang có những bậc đều đặn.

Lan bấm đèn :

- Chúng mình bắt đầu xuống thang đấy.

Ba người vừa đặt chân vào nấc thang thứ nhất, bỗng nghe tiếng động cơ chuyển động, và đèn trong hầm bật sáng, khiến họ vội vàng nhảy lui lại. Định thần, mới biết đây là một thứ thang máy tự động.

Khôi Việt ở Saigon đã từng đi thứ thang này nên không bỡ ngỡ lắm.

Khôi chỉ lẩm bẩm :

- Đi thứ thang này dễ bị lộ quá.

Việt nói :

- Bảo chị Lan ngồi xuống!

Vừa nói Việt nhảy vội theo vì thang bắt đầu chuyển nhanh. Ba người có cảm tưởng như đang tụt xuống trong ống sắt cắm sâu xuống lòng biển. Ngồi xổm kẻ trước người sau, ba người không nhìn thấy gì ngoài ánh điện chói lòa từ phía dưới hắt lên.

Thang từ từ hãm lại khi xuống một sàn phẳng. Lan chưa từng đi thang máy bao giờ nên hốt hoảng co cả hai chân nhảy xuống mặt sàn và ngã sóng xoài. Khôi, Việt kinh nghiệm rồi, nên bước xuống vững vàng hơn. Khôi vội đỡ Lan dậy, rồi ba người đưa mắt nhìn quanh.

Ba người đang đứng trong một căn phòng rộng hình tròn, vách bằng kính. Phía ngoài, tối mờ như bóng hoàng hôn.

Khi những nấc thang dừng lại thì các ngọn đèn cũng lần lượt tắt hết. Ba người chưa kịp nhận rõ địa thế, vội mò mẫm nắm lấy tay nhau.

Khôi nói :

- Căn phòng này bao bằng kính, nên chắc có thể nhìn ra ngoài được.

- Và ở ngoài cũng có thể nhìn vào trong...

- Nếu ở đây có người, chưa chắc họ đã thấy gì, vì tối quá. Đèn bấm đâu?

Lan nói :

- Pin đèn sắp hết rồi. Chỉ còn yếu ớt như ánh nến thôi.

Việt đỡ cây đèn trên tay Lan :

- Phải hạn chế, chỉ dùng đèn khi thật cần thiết. Bây giờ cứ nắm tay nhau cho khỏi lạc.

Khôi kéo tay các bạn :

- Lại đây coi. Nhất định vách kính này dùng để nhìn ra ngoài...

Mắt ba người quen dần với bóng tối, nhìn quanh vách đã thấy rõ hơn và bóng Khôi hiện lờ mờ sát vách.

Ánh sáng mập mờ bên ngoài là do nước biển bao phủ quanh vách kính. Khôi Việt và Lan biết rằng mình đang ở dưới đáy biển, và có lẽ rất sâu nếu căn cứ theo tốc độ và thời gian của thang máy khi tuột xuống. Nhìn ra, ba người nhận thấy có những đốm sáng mập mờ dưới nước như những bóng cá. Đến gần một đốm sáng đang di chuyển Việt có cảm tưởng như vừa gặp một thứ người nhái, trên đầu có treo một ngọn đèn. Rồi nước bị khuấy động xóa nhòa hình bóng đó đi.

Để ý nhận xét các bóng khác, Việt nói :

- Những hình thù ngoài kia, nom giống như người, vì thân họ đứng theo chiều thẳng. Và dĩ nhiên họ mặc đồ lặn như chúng ta đã thấy.

Dán mũi vào vách kính, ba người mải mê quan sát. Những hình thù giống người đó đứng nguyên chỗ, chỉ có ngọn đèn trên đầu họ thỉnh thoảng lay động theo cử động của họ. Hình như họ đang sử dụng đồ nghề vào một công việc nào đó.

Khôi không khỏi sửng sốt.

- Quái lạ thật! Chẳng hiểu họ đang làm gì dưới nước?

Lan nói :

- Coi tề, họ cũng khá đông chứ không ít mô!

Nhận xét của Lan rất đúng. Theo hướng chỉ của Lan, Việt thấy họ đứng một hàng như những con nòng nọc khổng lồ, cử động nhịp nhàng với những đốm sáng trên đầu. Phải chăng cái phòng kính tròn ngay dưới chân thang máy này đặc biệt dùng để kiểm soát các dân phu kỳ quái kia lúc họ làm việc dưới lòng biển?

Việt đưa tay lần theo vách kính, mong tìm được một nút bật đèn. Khôi và Lan cũng bắt chước theo. Mò mẫm một hồi, chợt nghe tiếng Lan reo :

- Đây có cái cần bẫy đặt dưới chân vách. Có nên kéo thử không?

- Khoan! Nhỡ không phải cái mở điện thì sao?

- Biết đâu nó chẳng mở một cánh cửa nào đó cho nước ùa vào?

- Hay là bộ máy kéo cho chuông kêu?

Ba người bối rối hỏi nhau. Hơn nữa, thời giờ khẩn cấp không thể cứ đứng đây mãi mà còn phải gấp rút tìm tới chỗ ẩn núp theo lời thầy Phong căn dặn. Kéo chiếc cần bẫy Lan vừa tìm ra là điều điên dại, nhưng cả ba người đều nôn nao muốn thử, xem nó dùng vào việc gì. Họ chụm đầu lại bàn tán.

- Tụi mình đã gặp khá nhiều rủi ro ngày hôm nay rồi và sẽ còn nữa. Bởi vậy, mình cứ thử tất cả những máy móc nào mình thấy.

Khôi tặc lưỡi :

- Nếu vậy kéo đại đi coi.

Lan dục :

- Ừ, kéo đi. Tụi mình biết bơi hết, sợ gì. Cùng lắm thì mình đến trồi lên mặt nước là cùng chớ gì!

Việt nắm lấy cái cần bẫy và từ từ kéo. Lập tức bên ngoài vách kính bừng sáng như hừng đông ló rạng. Cần bẫy càng nhích thêm, ánh sáng càng tỏ, nhìn qua vách kính như nhìn vào một bồn cá vĩ đại.

Những hình thù mang đèn hiện rõ hình người hơn. Tất cả đều mặc đồ lặn bằng cao su. Họ quay lưng lại phía ba người đứng trong phòng kính và đang làm việc dài theo một vách đá có nổi rõ mạch quặng lóng lánh như ánh bạc. Mạch quặng chạy dài theo vách đá, nhưng bề ngoài chỉ độ một gang tay. Mỏ Quassium đang ở trước mắt ba người.

Việt hiểu ngay bí mật của đảo Chàm là đó. Dưới lòng biển, chìm theo với Phố Hội cổ xưa có cả những hầm mỏ, và chắc chắn thầy Phong đã khám phá ra chất quặng hiếm có kia. Nhưng thầy sớm bị cầm tù do bọn người mà thầy gọi là "Tổ chức" bí mật. Chú Triều Dương trong công cuộc nghiên cứu ở căn cứ X hẳn cũng hiểu được tầm quan trọng của thứ quặng thầy Phong tìm được. Dĩ nhiên, chú lẳng lặng đến Phố Hội tìm kiếm thầy Phong - hay thiết thực hơn là quặng Quassium.

Nhưng thầy Phong không trở về đất liền để tường trình công việc của thầy được và đến lượt Khôi Việt, biết đâu chẳng cũng chịu chung một số phận như thầy?

Việt vừa thầm nghĩ đến đấy thì đèn trong phòng kính bỗng nhiên bật sáng, tiếp theo là tiếng chuyển động ở cầu thang.

- Chết cha! Trốn đâu bây giờ? Có người tới!

- Nhưng thang máy không thấy chuyển.

- Đồ ngốc! Không phải thang máy này mà là thang khác. Còn một cái ở dưới lên. Không nghe tiếng chân bước đó sao? Bậy quá, tụi mình chưa kịp để ý đến cái thang này!

Chiếc thang ở dưới lên khuất sau một cột lớn. Nhờ đèn sáng, Việt nhận ra ở đó có một cửa xuống. Chắc hẳn phía dưới còn một phần nữa và là nơi chứa đồ lặn mà thầy Phong đã dặn mấy anh em vào ẩn chờ thầy. Hiện giờ có người đang ở dưới ấy lên. Ba người chỉ còn cách nấp sau thân cột.

Khôi nói :

- Canh chừng cửa thang lên. Hễ thấy hắn nhô lên mình sẽ xoay theo chiều cột cho hắn khỏi thấy. Nhưng nếu họ đông người e lộ mất.

Lan :

- May ra họ chỉ đi qua mà không để ý đến mình.

Việt thắc mắc :

- Nhưng còn những người đang làm việc dưới biển, liệu họ có thấy mình không nhỉ?

Khôi gắt :

- Phải tớ đang làm ngoài kia, ngâm mình dưới nước chắc tớ không mất thì giờ ngắm cậu như ngắm con cá vàng trong chậu.

Trong những trường hợp gay cấn, Khôi thường tỏ vẻ độc đoán và gay gắt. Việt toan cãi lại, chợt thấy nét mặt Khôi biến đổi. Anh vội nhìn ra cửa cầu thang, và thoáng thấy một bóng đàn ông nhô lên. Hắn mặc bộ đồ lặn như đồng bọn, đầu cúi thấp nên không rõ mặt. Tới mặt sàn hắn loạng choạng vài bước rồi ngã lăn ra đất. Ánh điện trong phòng chiếu loáng trên bộ đồ của hắn.

Hắn làm sao thế? Kiệt sức hay bị thương?

Bàn tay của Lan bấu chặt trên vai Việt. Gã đàn ông vẫn nằm bất động. Việt đưa mắt nhìn Khôi. Nếp nhăn trên trán anh cau lại. Dường như Khôi toan dợm bước tiến lại phía hắn. Nhưng Lan đã lẹ tay níu lại :

- Coi chừng có người lên theo nữa!

Khôi và Việt từng gặp nhiều phen kinh sợ trong các cuộc mạo hiểm, nhưng chưa bao giờ thấy lạnh gáy như lần nầy, trước thân xác gã đàn ông vừa từ dưới thang bước lên đã ngã bất tỉnh nằm cách chỗ nấp của ba người có mấy bước chân.

Việt hỏi :

- Làm gì bây giờ?

Việt không tự trả lời được câu hỏi của mình, vì không thể đoán được người nằm kia là bạn hay thù. Anh đứng yên nghe ngóng và chợt thấy một cái đầu nhô lên. Khi thân hình hắn hiện dưới ánh đèn, Việt nhìn rõ được nét mặt hiểm ác của hắn. Gã đàn ông này có đeo một khẩu súng lục ngang sườn, lừ lừ tiến lại đá vào thân hình nằm bất động dưới đất. Người nằm dưới đất ú ớ rên. Chiếc mũ lặn vẫn che khuất mặt hắn. Tên đeo súng nắm vai hắn dựng dậy. Việt nhận thấy tay hắn bị trói quặt ra sau lưng.

Như để cho nạn nhân có đủ thì giờ lấy lại sức, gã kia chống tay trên sườn, đứng đợi. Bỗng hắn quay ngoắt người lại tiến thẳng về chỗ ba người đang nấp.

Cả ba vội lui lại. Nhưng gã đàn ông không để ý đến cái cột, tiến thẳng lại vách kính, cau mày đứng nhìn những người thợ làm ngoài mỏ. Chắc gã là người chỉ huy ở đây, nên dáng điệu gã có vẻ quan trọng. Gã đi qua đi lại trước vách, bật các đèn rọi cho dễ nhìn. Nhờ ánh điện chiếu sáng Việt đếm được 8 người thợ mỏ đang làm việc dưới nước.

Đứng nhìn một lát, gã chỉ huy quay lại chỗ nạn nhân của hắn, và chừng như cho thế là đủ để người kia có sức đi thêm quãng đường nữa, gã đẩy người đó đến cầu thang máy. Người này loạng choạng vài bước rồi đứng yên như kiệt lực không thể tiến thêm hơn nữa. Hắn khụy xuống, nhưng tên chỉ huy nhất định lôi hắn trở dậy, kéo đến cầu thang và đưa tay bấm nút.

Cuộc xô đẩy làm chiếc mũ người đàn ông tuột nghiêng xuống vai. Mặt hắn lộ ra, và Việt giật mình nhận ra Minh.

Lan cũng kịp thấy anh trai của nàng. Miệng Lan há rộng, và toan nhào lại chiếc thang máy đang bắt đầu chuyển động. Việt không kịp nghĩ ngợi gì hơn, móc vội chiếc khăn tay ấn vào miệng Lan để nàng khỏi bật tiếng kêu.

Khôi cũng nắm chặt tay Lan. Hai anh em đều hiểu rõ nỗi nguy hiểm nếu để Lan nhào ra với anh nàng. Giữ Lan lại, Khôi và Việt đều phân vân không biết nên theo lên thang để tìm cách cứu Minh, hay cứ tiếp tục chương trình thầy Phong đã hoạch định rồi báo tin cho thầy biết tình hình sau.

Lan vùng vằng, gỡ được chiếc khăn ra khỏi miệng, nói :

- Được rồi! Tui hứa với các cậu, tui không kêu mô. Cứ bỏ tui ra! Nhưng dù sao mình cũng phải làm gì cho anh Minh chứ?

- Nhưng tụi mình làm gì được? Trừ phi thầy Phong...

Lan mếu máo :

- Tui không đành lòng thấy anh ấy bị trói như thế và còn bị đưa đi đâu nữa không biết? Sợ họ thủ tiêu anh mất!

Khôi an ủi :

- Chị đừng vội hoảng hốt. Thầy Phong biết cách thoát khỏi đây. Chị thương anh Minh nhưng cũng không muốn làm hại thầy Phong phải không nào? Chúng ta hãy tìm gặp thầy ấy đã, rồi sẽ có kế hoạch...

Việt chợt kêu :

- Coi chừng! Có người nữa lên!

Khôi kéo các bạn lủi sau cột. Nhưng không kịp. Người vừa lên tay có cầm vũ khí hất hàm nói :

- Lại đây! Lại đây mau lên.

Người đó là thầy Phong.

Lan chạy ngay đến :

- Thầy Phong! Thầy phải cứu anh Minh, kẻo họ giết ảnh mất. Họ mới đem anh ấy đi, hai tay bị trói...

Thầy Phong cứng cỏi đáp :

- Không phải lo cho anh Minh. Anh ấy sẽ tự liệu lấy!

Lan rầu rĩ :

- Trời ơi, thầy để người ta đem anh ấy đi êm như vậy sao chứ?

Việt phụ họa thêm :

- Có lẽ mình cũng nên tính cách nào cứu anh ấy...

Khôi nhìn thầy Phong :

- Thầy có súng, hay chúng ta theo lên?

Đúng lúc ấy chiếc thang máy ngừng lại và các ngọn đèn lần lượt tắt. Việt hiểu ngay như vậy là tân chỉ huy đã đưa Minh lên tới từng trên. Thầy Phong gạt nhẹ Lan ra và nhét khẩu súng vào túi nói :

- Minh là đồng chí của tôi, lẽ nào tôi lại để anh ấy lọt vào tay họ mà không cứu? Trông anh ấy như người chết dở, nhưng đó chỉ là giả vờ thôi. Minh ở trong tổ chức phản gián của ta. Anh làm việc cho quốc gia, cũng như chúng ta vậy!

Lan vẫn khăng khăng :

- Nhưng cả hai tay anh ấy đều bị trói!

Thầy Phong gật đầu :

- Tên chỉ huy cũng yên chí Minh bị trói, nên mới đá vào người anh ấy. Nhưng hãy đợi lúc Minh cởi dây trói và hành động... Bây giờ, tất cả hãy theo tôi và làm theo lời tôi dặn.

Việt hỏi :

- Thầy có thấy đài vô tuyến chưa?

- Rồi, tôi có thử đánh tin đi nữa. Chúng mình cứ chờ xem.

Thầy Phong đưa ba người xuống thang. Tầng dưới này giống như một phòng máy trong lồng kính nằm dưới đáy biển.

Thầy Phong cho biết :

- Đây là phòng Trung Ương.

Và chỉ vào một điểm trên tấm bản đồ đặt dưới ánh đèn sáng chói, thầy tiếp :

- Tôi bị họ bắt ở chỗ này. Tôi là người duy nhất ở phố Hội tìm tòi khảo cứu những di tích cổ xưa bị chìm ngập dưới đáy biển. Tổ chức của bọn họ cũng có những người tìm tòi như tôi, nhưng với mục đích khác. Họ cần những hiểu biết của tôi, nên dùng kế lừa tôi sang đảo, rồi bắt luôn ở đây, buộc làm việc cho họ.

Thầy nhìn Lan :

- Dân trên đảo tuyệt nhiên không hiểu biết gì về vụ này. Từ bao thế kỷ nay các gia đình cố cựu ở đây đều giữ kín những điều bí ẩn họ biết được dưới lòng đất. Họ coi những đường hầm những hang động ngầm dưới đáy biển này, như những di tích cổ bị chôn từ đời các tiền nhân của họ, nên không muốn ai đến khuấy động. Nhưng rồi tổ chức của bọn kia phái người đến dùng nhiều biện pháp lung lạc, khủng bố buộc họ trở thành những tay sai bất đắc dĩ của tên đầu sỏ chỉ huy Tổ chức.

Trầm giọng lại, thầy Phong tiếp :

- Tôi phải nói rõ điều đó cho cô Lan và hai cậu biết để phòng khi kế hoạch của tôi bị thất bại, và vì thế mà chúng ta có thể không còn gặp được nhau.

Khôi hỏi :

- Kế hoạch của thầy thế nào?

- Tôi không chỉ dự tính cho việc trốn thoát, mà còn phải thi hành một sứ mạng nguy hiểm hơn.

Lan nóng nảy :

- Còn anh Minh thì sao?

- Anh Minh, cô khỏi lo cho anh ấy. Lan còn có thể tự hào được là em gái một chiến sĩ dũng cảm. Thoạt đầu bị cầm giữ ở đây, tôi cũng tưởng Minh là người của Tổ chức, vì anh đối xử với tôi rất cứng cỏi. Hôm tôi thấy Lan và các cậu vào trong hang, chính Minh đã uy hiếp tôi nhưng anh chỉ vờ thi hành mệnh lệnh để che mắt tên chỉ huy thôi.

Hiện thời Tổ chức của bọn họ tập trung tất cả nhân công để chuyển số quặng Quassium cho chuyến chở đầu tiên. Chính vì thế mà chúng ta phải kịp thời hành động. Chúng ta phải làm sao ngăn chặn được số quặng đó không cho rời khỏi đảo. Chỉ lát nữa đây mọi người sẽ có mặt trên bến nổi ngoài hang để bốc quặng xuống chiếc tàu ngầm đợi sẵn. Chúng ta hãy chờ Minh báo hiệu cho biết đúng vào lúc đó để thi hành kế hoạch của mình.

Nói đoạn, thầy Phong đưa bọn Lan và Khôi Việt tiến sang một phòng khác chứa những vật liệu hóa học và phía góc phòng xếp đầy một đống quần áo lặn.

Thầy nói :

- Chúng mình có thể yên trí chờ ở đây, đợi đến khi anh Minh báo hiệu bằng cách đánh chuông và bật các ngọn đèn đỏ. Bây giờ các cậu hãy giúp tôi làm việc này.

Việc thầy Phong nói là chế tạo gấp rút một quả bom nổ. Hình như thầy rất thành thạo trong việc này khiến cả Lan lẫn Khôi, Việt đều phải ngạc nhiên. Thầy cho biết là trái bom sẽ được đưa lên trên bằng chiếc thang máy khi có hiệu của Minh. Tạm thời nó được thận trọng đặt bên chân cột.

Sau đó thầy Phong bảo mỗi người chọn mặc một bộ áo lặn :

- Những bộ áo này dược chế tạo ra bằng các hợp chất hóa học. Hãy chọn bộ nào vừa với người mà mặc.

Khôi thắc mắc :

- Có phải chúng mình mặc sẵn áo lặn để khi bom nổ thì mình sẽ bơi ra biển?

- Không. Chúng mình không bơi mà sẽ đi dưới đáy biển. Dưới này có một đường ngầm đưa ra ngoài hang. Hễ thủy triều xuống thấp mình có thể lên bằng một cửa hang thông ra mặt ghềnh đá gần ngọn hải đăng được. Tới ngoài cửa hang tôi sẽ đặt chất nổ, cho hang sập xuống, bít lối ra của chiếc tàu ngầm.

Việt băn khoăn :

- Nhưng làm sao có thể đi dưới nước được?

Lan nói :

- Thì mình bơi... Tui bơi cũng được...

Nhưng thầy Phong giải thích thêm :

- Đừng lo, ba người nên biết là bộ áo lặn này được đặt biệt chế tạo để đi lại dưới biển sâu. Chỉ cần biết cách sử dụng là mình điều khiển cách đi đứng thật dễ dàng. Đây này, Lan và Khôi, Việt chú ý cho khỏi lúng túng: Cái vòi này khi xuống nước hãy ngậm nó vào miệng để thở. Trước ngực có cái nút. Nếu kéo nút qua bên trái hai chân sẽ nặng chĩu giúp mình đứng vững dưới nước. Ngược lại, kéo sang phải, chân sẽ nhẹ đi để dễ xê dịch. Còn kéo xuống phía dưới thì tức khắc toàn thân nhẹ bổng như chiếc nút bấc và trồi lên mặt nước. Vậy phải cẩn thận khi sử dụng đấy nhé.

Lan mặc bộ áo lặn xong, than :

- Ôi chao, áo quần chi mà nặng rứa?

Thầy Phong ân cần :

- Dưới nước, Lan mới thấy nhẹ nhàng và ngạc nhiên về công dụng của nó. Lan không thấy những người làm việc ngoài mỏ mặc áo này và ngâm mình dưới nước hàng giờ đó sao?

- Dân đảo cũng có người dùng bộ áo lặn này chứ?

Thầy Phong gật đầu :

- Phải. Trong số đó có anh Minh và cả cha con ông Chế Bảo, cậu của Lan nữa. Như tôi đã nói, thiểu số dân đảo bị cưỡng bách phải làm việc cho Tổ chức nọ. Mới đầu họ không chịu nhưng bị khủng bố, họ cam chịu mặc bộ áo đó và rồi quen đi. Họ thành thạo không kém gì bọn kia.

- Mà bọn kia là những ai?

- Là những đảng viên trong Tổ chức bí mật quốc tế. Tôi đã có dịp tiếp xúc với họ, nhất là tên chỉ huy có toàn quyền quyết định ở đây. Có lần tôi đã lựa lời hỏi hắn xem Tổ chức của hắn mưu tính chuyện gì thì hắn cười tuyên bố: Khi nào Đảng có đủ số quặng Quassium cần thiết, cả thế giới tự do sẽ phải khốn đốn.

Khôi vùng nói :

- Nhưng nếu chúng ta làm sập được cửa hang bít lối ra của chiếc tàu ngầm, tất chúng không còn được số quặng đó nữa.

- Phải, còn nếu chiếc tàu ngầm ấy đi thoát thì chầy kíp thế giới sẽ trải qua một cuộc chiến tranh khủng khiếp.

Việt là người mặc xong áo lặn sau cùng. Thầy Phong giúp Việt đội mũ úp chụp kín đầu. Hai bên mũ có ống thu thanh để nghe những tiếng động bên ngoài. Đóng bộ xong, Việt muốn đi thử vài bước. Anh có cảm tưởng như đeo cả tạ chì ở dưới chân, liền kéo thử nút bấm trước ngực áo sang bên phải, và bước lại phía Khôi.

Tội nghiệp anh chàng Khôi! Hắn bị Việt đạp ngã ngửa xuống đất: vì một bước của Việt bằng một bước "hia bảy dặm".

Thầy Phong vội nói :

- Điều chỉnh lại nút bấm đi. Không phải lúc đùa giỡn đâu nghe! Nếu ở dưới nước mà các cậu làm như vậy, các cậu sẽ nổi thẳng lên mà không biết chỗ ấy là nơi nào, và có thể va đầu vào đá nếu gặp trần hang.

Thực tình nếu không đang trong hoàn cảnh cấp bách, Việt còn muốn thử chơi bộ áo kỳ lạ đó một lúc nữa.

Nhưng Minh đã nổi hiệu: Các ngọn đèn đỏ bật sáng, đồng thời tiếng chuông đổ hồi vang vọng.

Thầy Phong hét :

- Tới lúc hành động rồi! Theo tôi mau!

Lần này đến lượt Lan bước vọt lên gần đụng trần phòng. Cũng may nàng kịp thời điều chỉnh nút bấm và rơi xuống đứng trước mặt thầy Phong.

Thầy nói :

- Mọi việc xảy ra đúng như kế hoạch đã định. Hiệu của Minh vừa báo chứng tỏ anh đã thoát khỏi tay tên chỉ huy và kịp thời đóng kín các cửa hầm ăn thông từ mỏ quặng ra tới bến nổi ngoài hang. Sau khi kéo sập các cửa rồi, Minh còn 30 giây đề thoát ra con đường tới chân ngọn hải đăng và sẽ nổi hiệu cầu cứu. Sứ mạng của Minh rất nguy hiểm, Lan đã thấy anh ấy xứng đáng và tự hào về anh ấy chưa?

- Anh Minh là người gan dạ, nhưng Lan không ngờ anh lại dám đương đầu trong vụ này. Liệu anh ấy có thoát nổi không?

Thầy Phong cương quyết :

- Chúng mình cũng có những phận sự nguy hiểm không kém. Mọi người trong mỏ đều đã nghe tiếng chuông và đèn đỏ bật sáng báo hiệu các cửa hầm đóng kín. Họ vẫn sẽ tiếp tục công việc của họ và chờ lệnh viên chỉ huy, cho đến khi không thấy hắn họ mới biết có điều gì trắc trở xảy ra.

Bây giờ lợi dụng cơ hội ấy, ba người hãy triệt để nghe theo lời dặn của tôi - Vừa nói thầy Phong vừa chỉ quả bom bên chân cột - Khi quả bom này phát nổ trên đầu cầu thang, các đèn dưới này sẽ tắt hết. Chúng ta hãy nắm tay nhau vì phải đi mò trong tối...

Thầy đưa tay nắm lấy tay Lan rồi dẫn cả bọn chui vào một phòng kín hẹp.

- Ba người hãy ở đây. Tôi sẽ mở cho nước tràn vào trong này. Khi nào nước dâng đầy phòng hãy kéo cái chốt mở cửa rồi dắt nhau ra ngoài biển. Nhớ điều khiển cho khéo nút bấm ở trước ngực để khỏi phóng lên mặt nước và luôn luôn bám sát lấy nhau. Khi ra ngoài rồi nhớ đóng cửa lại. Tôi sẽ bơm hết nước ra rồi đi đặt bom ở cầu thang máy. Ba người cứ đứng yên chờ tôi bên ngoài. Xong việc tôi sẽ theo ra bằng lối này. Hiểu rõ chưa?

Bọn Khôi Việt đứng thẳng như những phỗng đá, câm lặng vì quá xúc động hồi hộp. Thầy Phong sập cửa và nước từ một lỗ "van" dưới chân bắt đầu vọt vào.

Nước lên tới đầu gối, Việt mới hoàn hồn nhìn lại. Qua vách kính, Việt thấy thầy Phong đang đập phá những máy móc trong phòng Trung ương.

______________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XVI