Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

TÊN THÁNG TRONG NĂM - Trần thị Ngọc Lang

 

Việc nhớ tên các tháng bằng chữ Anh hơi khó. Nhưng, nếu ta biết sơ qua tiểu sử của các tên đó, chắc chắn, chúng ta sẽ nhớ một cách dễ dàng hơn.

Tên các tháng thường bắt nguồn từ chữ La Tinh. Đa số là tên của các vị thần La Mã. Chẳng hạn tên những tháng January (tháng giêng), March (tháng ba), May (tháng năm), June (tháng sáu).

Tháng Giêng : January

January phát xuất từ tên của vị thần Janus. Janus là một vị thần kỳ dị bởi vì Janus có hai mặt. Nhờ đó Janus có thể nhìn về cả hai phía: phía trước và sau cùng một lúc. Janus tượng trưng cho sự mở đầu và chấm dứt. January là tháng đầu tiên của năm. Đó là tháng mà người ta dự tính tương lai trong năm mới và hồi tưởng lại quá khứ trong năm vừa qua.

Tháng Hai : February

Do Februs tên một đại lễ của La Mã. Đó là lễ thanh tẩy. Vào cuối tháng hai, sau một mùa đông dài đằng đẵng, phụ nữ bắt đầu đến suối tắm rửa. Tháng hai chỉ có 28 ngày. Mỗi bốn năm thì có thặng dư một ngày, tức là 29 ngày. Nguyên nhân là vì mỗi năm có đúng 365 ngày 6 giờ. Sáu giờ dư của mỗi năm họp thành 24 giờ tức là một ngày. Vì thế tháng hai của năm thứ tư có 29 ngày. Ta gọi năm thứ tư, tức là năm mà tháng hai có 29 ngày là năm nhuần.

Tháng Ba : March

March xuất phát từ tên của thần chiến tranh Mars. Thần Mars là vị thần có sức mạnh phi thường. Người La Mã đồng hóa thần Mars với sấm sét. Hình ảnh của thần Mars được vẽ thêm những tia chớp lóe sáng quanh đầu. Người ta đặt tên tháng ba là March vì đây là tháng hay bão tố. Gió thổi điên cuồng, mưa như thác lũ, sấm sét dữ dội.

Tháng Tư : April

April, rất dễ hiểu. Nó do chữ Aperini của La Tinh, có nghĩa là mở (open). Tiếng Tây Ban Nha, ngày nay cũng có chữ Abrir (to open : động từ mở) và Abrierto (open : danh từ mở). Vào tháng tư, bầu trời dường như mở ra. Mưa nhiều, cây cối trở nên xanh mướt. Hoa cỏ cũng nẩy nở, đâm chồi.

Tháng Năm : May

Do tên của nữ thần Maia. Maia rất trẻ trung, xinh đẹp. Bà là nữ thần của đồng nội và mẹ của thần Mercury.

Tháng Sáu : June

Do tên của nữ thần Juno rất trẻ đẹp. Bà là vợ của thần Jupiter.

Tháng Bảy : July

Do tên của Julius Caesar, một danh tướng, sau là Hoàng đế La Mã. Trước thời Caesar, người  ta đã sử dụng một loại lịch khác : năm bắt đầu bằng tháng ba thay vì vào tháng giêng (January). Tháng bảy ngày nay, trước kia, theo lịch cũ là tháng thứ năm. Caesar đã sửa đổi lại, ông làm một lịch mới. Vì Caesar sinh vào tháng bảy nên ông lấy tên mình đặt cho tháng thứ bảy của lịch mới.

Tháng Tám : August

Sau Julius Caesar là Augustus, con trai ông. Chính tên của Augustus là Octavius. Khi ông nối nghiệp cha, dân chúng muốn làm vui lòng vị vua mới nên đặt cho ông danh hiệu Augustus, có nghĩa là quí phái.

Người ta cũng gọi tháng thứ tám là August, phỏng theo tên của ông. Trong lịch sử La Mã, người ta gọi thời đại Augustus là thời đại hoàng kim. Đó là một thời thái bình, thời mà các siêu phẩm văn chương và nghệ thuật ra đời. Các thi hào như Horace và Virgie cũng sống vào thời đó.

Các tháng còn lại

Riêng về tháng chín, mười, mười một và mười hai thì theo lịch trước thời Julius Caesar là tháng thứ bảy, thứ tám, thứ chín và thứ mười.

Tên September, October, November và December trước kia do chữ La Tinh chỉ thứ bảy, thứ tám, thứ chín và thứ mười. Trong tiếng Tây Ban Nha ngày nay, thì thứ bảy là Septimo, thứ tám là Octavo v.v...


TRẦN THỊ NGỌC LANG  

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 21, ra ngày 2-1-1972)




Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

HOA NỞ TRÊN TRỜI CAO - Trần Ngọc Kính

 

Những ngày lễ lớn như Quốc Khánh, Noel hay Tết các bạn vẫn thường nhìn thấy nhiều hoa pháo đầy màu sắc nở tung tóe trên bầu trời đêm. Chắc các bạn cũng đã có khi tự hỏi không hiểu cách thức người ta đã làm pháo bông như thế nào.

Nơi đây chúng tôi sẽ trình bày cùng các bạn một vài chi tiết trong công việc thực hiện những hỏa pháo dưới hình thức hoa màu, bay vọt lên từng không để bừng nở trên cao.

Nếu chúng ta vượt thời gian trở về các thời đại cũ ta sẽ được biết rằng pháo đã xuất hiện trước những phát minh về thuốc súng, và thuốc pháo lúc đó được gọi là chất bột đen.

Cả thế giới đều phải công nhận chính người Trung Hoa thời đó đã là những người đầu tiên nghĩ ra và làm được thuốc pháo, và hình như người Á Rập trong thời Trung Cổ cũng biết sử dụng thuốc pháo loại nầy. Cho mãi đến những thế kỷ cận kim người ta cũng ít khi nói đến thuật làm hỏa pháo, và vẫn cho đó là kỹ thuật của các chuyên viên có thể làm xuất hiện trên cao những ánh lửa đủ màu đủ sắc.

Thực ra thì kỹ thuật này không có gì lạ, đó chỉ là sự việc thay đổi thành phần bách phân của những hỗn hợp nổ để được những cây pháo phát ra tiếng nổ, rồi vọt lên cao và tung tóe những tia lửa màu để làm vui mắt người xem.

Pháo bông hay hỏa pháo - nói chung là tất cả các loại pháo - đều được làm với cách thức tương tự nhau. Người ta dùng giấy bồi thực tốt (nghĩa là bền và chắc) cuốn kỹ thành nhiều lớp, rỗng ở bên trong để có thể chứa được thuốc pháo. Hai đầu của thân pháo vừa cuốn bằng giấy bồi được dán lại thật kín, một đầu có gắn sẵn một cái dây tim bằng giấy với một thứ thuốc dễ cháy, dây tim nầy sẽ thông vào đến thuốc pháo. Khi dây tim được đốt cháy lửa sẽ được dẫn đến thuốc pháo, thuốc nầy vốn là một hỗn hợp nổ gặp lửa sẽ cháy bùng và xé rách lớp giấy bồi của thân pháo. Tiếng giấy bị xé rách một lúc gây nên tiếng nổ của thân pháo, và tiếng nầy đã làm ta phải điếc tai trong mấy ngày Tết.

Về thuốc pháo, người ta hay dùng hỗn hợp Nitrat Kalium với lưu huỳnh và than cà thật nhuyễn, hỗn hợp này thường dùng làm pháo nổ dưới đất.

Với pháo bông hay hỏa pháo thì người ta dùng hỗn hợp Clorat Kalium thay thế cho Nitrat Kalium và Clorat Kalium vẫn trộn chung với lưu huỳnh và than  cà thật nhuyễn. Thân cây pháo bông thường thường dài hơn thân cây pháo nổ dưới đất nhiều. Khi cho thuốc pháo vào thân pháo bông, người ta chỉ cho vào khoảng ba phần tư thân pháo, ở giữa thuốc pháo phải có một khoảng trống chừng một phần tư thân pháo. Người ta lại cho một thứ hơi vào khoảng trống nầy, hơi có áp suất thật lớn, nhờ đó khi pháo nổ luồng hơi sẽ làm pháo bay vọt được lên cao. Ở đầu cây pháo có một cái túi ngăn cách với thuốc pháo đen nói trên bằng một mảnh giấy, túi nầy sẽ chứa những chất khi cháy thì có màu.

Chúng tôi xin kể một vài hợp chất đặc biệt:

- Muốn có màu đỏ ta dùng hợp chất của strontium.

- muốn có màu lục ta dùng muối baryum.

- muốn có màu trắng ta dùng bột magnésium hay bột aluminium.

- muốn có màu vàng ta dùng hợp chất của natrium.

- muốn có màu hồng ta dùng hợp chất của calcium.

- muốn có màu xanh ta dùng muối đồng.

- muốn có màu tím ta dùng muối kalium.

Người ta làm túi chứa bột khi cháy có màu nầy theo những hình dáng bông hoa tùy ý.

Sau đuôi cây pháo bông lại phải có "bánh lái" thường là một thanh gỗ dài khoảng mười lần thân pháo, nhờ bánh lái, pháo bông có thể bay lên cao không lệch hướng. Có khi người ta làm những cây pháo bông thật lớn, muốn vậy người ta phải làm một cái sườn theo ý muốn rồi kết thân pháo vào.

Đại khái cách thức làm pháo bông chỉ có vậy, tuy nhiên nếu bạn nào bỗng có ý muốn tự mình làm lấy pháo bông thì chúng tôi xin can. Chưa nói đến kỹ thuật tinh vi, chỉ việc trộn thuốc pháo chúng tôi cũng e các bạn sẽ không tránh khỏi nguy hiểm. Vì thuốc pháo là hỗn hợp nổ nên chỉ cần một chút vô ý nó sẽ bùng cháy và gây tai nạn ngay. Về những bột cháy thành màu sắc cũng vậy, nếu không có bàn tay khéo léo của các chuyên viên, chắc chắn bầu trời đêm sẽ không được tô điểm những hoa pháo tuyệt vời như ta đã từng chứng kiến.


TRẦN NGỌC KÍNH     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 21, ra ngày 2-1-1972)





Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

MƠ HỒNG - Nhã Uyên

 














Hôm nay là  ngày cuối

 Tháng mười hai mùa đông

 Chẳng còn gì tiếc nuối

 Vì ngày mai xuân  hồng 


 Khi mặt trời khuất bóng

 Sau  sóng nước mênh mông

 Bao mắt nhìn trông ngóng

 Phía chân trời  trống không


 Mái nhà xưa  yêu dấu

 Khi nao được trở về

 Mật ngọt thời thơ ấu

 Vuột bay theo cơn mê


 Một ngày qua rất vội 

 Cuối năm buồn không tên

 Thoáng qua hồn vô tội

 Mơ hồ  rồi  lãng  quên


 Áo ai mờ sương khói

 Mắt ai lệ đoanh tròng

 Lời ai chưa kịp nói 

 Trôi  theo  giấc mơ hồng...


                           Nhã Uyên

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

ORIGAMI NGHỆ THUẬT XẾP GIẤY KỲ DIỆU - Leland Stowe

 

Nhờ thiên tài của một người Nhật xuất chúng, nghệ thuật xưa này đang phục hưng và được phổ biến trên toàn thế giới.

Năm rồi, lần đầu tiên tôi được xem nghệ thuật xếp giấy kỳ diệu trong một căn nhà khiêm tốn có 3 phòng tại Đông Kinh. Bên kia bàn, ông Akira Yoshizawa ngồi, một ông già mũi thấp 58 tuổi, tóc bạc chải ra sau, trên vừng trán cao có những nét nhăn vì nghĩ ngợi nhiều. Tôi nhìn sững mấy ngón tay no tròn một cách kỳ lạ của ông trong khi ông vuốt một miếng giấy xanh nhỏ, xếp thành hình ba góc, sau đó xếp mười ba làn xếp, ấn đều và mạnh hơn. Kế đó ông để trước mặt tôi một con cóc, giống cóc sống một cách lạ lùng, lấy ngón tay chận lên khu nó, nó nhảy tới 4 đốt! Kế đó ông xếp một con gà con vàng tuyệt hảo, mỏ mở rộng như đang kêu và hai chân nhỏ xếp khéo đến nỗi dường như có thể bước tới bước lui.

Đó là những sản phẩm kỳ diệu nho nhỏ của Origami, nghệ thuật xếp giấy xưa của Nhật Bản làm cho khắp thế giới rất nhiều người ưa thích. Những sản phẩm kỳ diệu của Origami dường như vô tận, có rất nhiều kiểu và đáng ngạc nhiên hơn nữa là, theo truyền thống cổ điển, các kiểu chỉ được xếp chớ không cắt. Các nhà lão luyện về Origami ngày nay vận dụng trí não và ngón tay đặc biệt khéo léo. Họ tạo ra càng ngày càng nhiều những kiểu xếp thật lạ lùng và đặt ra những vấn đề khó giải quyết, không khác những bài toán kỷ-hà-học.

Trong các sản phẩm tí hon dồi dào ấy, gồm không những các loại cầm thú, côn trùng của chiếc tàu NOAH, ngoài ra còn gồm đủ thứ những vật bất động. Chẳng hạn, Giáo sư Đại Học Đường Brown, James M. Sakoda đã đoạt giải Origami ưu hạng tại cuộc thi Phi Cơ Giấy Quốc Tế ở Cựu Kim Sơn năm 1967, với một kiểu phi cơ siêu thanh lưu tuyến (streamlined).

Tháng giêng 1969, công chúng kéo nhau vào xem cuộc triển lãm "Thế Giới Thần Tiên" do ông Yoshizawa tổ chức tại Yokohama ; mọi người đều kinh ngạc trước những hình giấy xếp thành đủ kiểu nhân vật trong các chuyện cổ điển Đông Tây cho trẻ con, gồm có Pinocchio, Cô Bé Mũ Đỏ, Bạch Tuyết và 7 chú lùn. Ông Yoshizawa cũng là người đầu tiên trên thế giới uốn nắn thành những chân dung origami, trong đó có chân dung ông, giống một cách đặc biệt.

Nguồn gốc của Origami nằm trong thời Trung Cổ Nhật Bản ; trước tiên sản phẩm Origami được dùng trong các cuộc tế lễ, trinh nữ các lăng miếu xếp những hình có ý nghĩa tượng trưng dùng để tế thần. Nghệ thuật xếp giấy ngày nay xuất hiện từ thời kỳ Muromachi (1336-1568) và được xem là một hiện tượng văn hóa.

Vào khoảng giữa thập niên 1800, những người Nhật thích xếp giấy đã sáng chế ra 70 hình khác nhau và sau đó không lâu, hình thức giải trí này được đưa vào các trường mẫu giáo và tiểu học.

Gần đây, Origami được chú trọng khắp thế giới, chính là nhờ khả năng sáng chế và lòng tận tâm lạ lùng của Akira Yoshizawa, được khắp nơi hoan nghinh, xem ông là vị tôn sư lão luyện nhất của nghệ thuật này.

Ông Yoshizawa là con của một chủ trại sữa ; thuở nhỏ ông đã để hết tâm trí vào Origami. Đi học chỉ mới 6 năm ông đã phải làm việc 13 năm trong một xưởng đúc sắt ; ở đây ông đã được người thô cả dạy cho những nguyên tắc của kỷ-hà-học. Năm 1937, lúc 26 tuổi, ông rời xưởng đúc sắt để chuyên chú một mình vào môn sở thích thuở nhỏ, và chỉ gián đoạn để làm những việc cần thiết để mưu sinh.

Sau khi đệ nhị thế chiến kết thúc, không bao lâu, đã xảy ra một biến cố cực kỳ quan trọng đối với Yoshizawa. Tadasu Iizawa, chủ bút tạp chí có hình hàng tuần Asahi Graph, đang tìm một nhà Origami để xếp 12 hình tượng trưng của đường Hoàng Đạo. Một người bạn giới thiệu Yoshizawa. Người chủ bút gặp ông đang mặc một bộ đồ nhà binh cũ rích, bộ đồ duy nhất của ông, đi từng nhà bán Tsukudani (cá con nấu nước đậu). Công việc đề nghị thực khó, nhưng Yoshizawa chụp ngay cơ hội.

Ngồi mãi trong một căn phòng của lữ quán, giữa từng đống giấy đủ màu, ông tích cực tính các cạnh các góc, xếp rồi tháo, tháo rồi xếp, luôn luôn tìm cách đạt đến tuyệt hảo. Ông đã sản xuất những hình thật đẹp, thật linh hoạt, làm cho bài báo có minh họa của tạp chí Asah nổi tiếng. Không bao lâu, tài nghệ Yoshizawa được toàn quốc nhìn nhận.

Mặc dù nổi tiếng, Yoshizawa vẫn tiếp tục vận dụng nghị lực, chỉ sống vì nghệ thuật của mình mà thôi, không ngưng tìm cách đạt đến tuyệt hảo. Vì lẽ những hình giấy uốn nắn của ông dễ méo mó khi bị từ tay người này qua tay người khác, do đó, đối với ông những vật ấy chẳng những không được rờ mó mà cũng không ai mua được. Ông có trên 20.000 sản phẩm đựng nghẹt trong những hộp bằng gỗ đặc biệt và bằng giấy cứng để tại nhà, ông không hề bán một thứ nào. Ông giải thích một cách đơn giản "ai lại bán chính con mình bao giờ".

Có người hỏi đề tài Origami khó nhất của ông là gì. Ông trả lời ngay: "Con ve, tôi phải mất 23 năm". Ông phân tích cơ thể và thần kinh hệ của con ve, sắp xếp thế này sắp xếp thế kia, vuốt bề này vuốt bề kia cho đến khi ông xếp được con ve trong mộng, đôi khi đang ngủ vội thức dậy để ghi chú một tiến triển mới. Ông nói: "Tôi có một hình ảnh hoàn hảo trong đầu và từ năm này qua năm khác tôi đã làm hàng trăm kiểu, nhưng chưa thỏa mãn". Sau bao nhiêu lần, cuối cùng một hôm vào năm 1959, Yoshizawa nắn được con ve hằng mơ ước, thật hoàn hảo khi nó nằm trong lòng bàn tay, khiến cho người sáng tạo ra nó cảm thấy "dường như ông ta đang nhìn thấy được lẽ huyền diệu của sự sống" và thật sự khi ông ta cho tôi xem bảo vật của ông, tôi nghĩ rằng đó phải là một con ve sống thật sự.

Về con ve này và những sản phẩm rất quý khác của ông, ông Yoshizawa nhận xét như sau: "Tôi không cảm thấy là tôi đã thật sự sáng tạo ra những vật ấy. Tôi cảm thấy rằng Thượng Đế đã hướng dẫn tôi và chính tôi cũng ngạc nhiên trước những kết quả đạt được".

Khi từ một miếng giấy hình chữ nhật xếp thành con cò hoặc con cóc nhảy đầu tiên, những người mới bắt đầu luôn luôn ngạc nhiên không cần phải có thiên tài đặc biệt gì, chỉ cần kiên nhẫn và quyết tâm, và mặc dù anh có thể dùng giấy và dụng cụ origami đặc biệt, nhưng bất cứ giấy gì chắc bền cũng dùng được. Ông Yoshizawa cho biết: "Trước khi khởi sự, anh phải biết tính chất của giấy ; giấy cũng có thớ như gỗ và khi mình xếp theo thớ thì dẻo hơn".

Về sách dạy Origami chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã có trên 20 cuốn xuất bản từ năm 1960, chỉ dẫn từ bước một, kèm theo những phù hiệu để hướng dẫn. Các phù hiệu đặc biệt rõ ràng và tinh xảo của ông Yoshizawa, gồm những đường, những gạch ngắn và những mũi tên, gần đây đã trở thành ngôn ngữ quốc tế về origami. Có hai phù hiệu căn bản: "thung lũng" là xếp về hướng gần mình và "núi" là xếp về hướng xa mình. Những người mới tập xếp nên nhớ trước tiên thử xếp những gì đơn giản và cẩn thận tiến tới nghiên cứu đồ biểu các làn xếp của những vật đã được lựa chọn. Khi khả năng đã phát triển thì không gì ngăn cản sự sáng chế ngoại trừ tài năng mỗi cá nhân. Ông Yoshizawa nói: "Anh đang đối thoại với giấy của anh".

Tại nhà, nghệ thuật xếp giấy là một môn giải trí hữu ích cho các bạn thanh niên thích hoạt động. Khi đi du lịch người ta sẽ không khi nào cô độc, bạn hãy bắt đầu xếp đi rồi sự huyền diệu của nghệ thuật này sẽ biến khách lạ thành bạn quen. Origami đem lại biết bao thích thú, khiến khoảng 50.000 khách mộ điệu ở Tây phương dùng thì giờ nhàn rỗi để xếp hết vật này đến vật khác.

Tuy nhiên, cái lợi lớn nhất của Origami có lẽ là khả năng chữa bệnh, khả năng đem lại cho người đau một môn giải trí có khả năng trị liệu. Khi ở Tân Tây Lan, trong một cuộc du hành thân hữu do Chánh phủ Nhật bảo trợ, ông Yoshizawa đã làm cho độ 100 người đau bệnh thần kinh, say mê khi ông dùng những giấy vuông xếp thành chim, thành bướm. Bà Lillian Oppenheimer, người sáng lập Trung Tâm Origami tại Nữu Ước, là một giáo sư xuất sắc về nghệ thuật này, trong số đồ đệ của bà có những nữ khán hộ và y sĩ của các bệnh viện Nữu Ước. Một y sĩ ở Bellevue tập cho một thiếu nữ xếp một con chim đang bay, cô này đã 10 năm rồi không nói một lời. Qua hôm sau, cô thiếu nữ chạy đến cô nữ khán hộ, nói bập bẹ "em xếp được rồi, em xếp được rồi!" cô thích quá và không để ý là cô đã nói lại được.

Điều mơ ước tha thiết nhất của ông Yoshizawa là thành lập một viện bảo tàng và một trung tâm nghiên cứu để nhân dân thế giới được hưởng những cái lợi của Origami. Ông giải thích: "Tôi muốn cống hiến phần còn lại của đời tôi cho việc này, vì lẽ khi chúng ta sử dụng bàn tay hữu hiệu thì tim của chúng ta yên vui hơn bao giờ hết".

"Chúng ta vào bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào, cũng có thể thưởng thức một vẻ đẹp vô biên và hưởng một niềm vui vô tận, chỉ cần xếp một miếng giấy".

"ORIGAMI, sáng tạo những hình đẹp như bài thơ, là Thẩm Mỹ đơn giản hóa đến tột độ. Do đó ORIGAMI có thể là một tượng trưng của tình thương kết hợp các dân tộc trên thế giới. Ý định của tôi là dùng ORIGAMI làm cho thế giới gần gũi nhau".

Akira YOSHIZAWA

LELAND STOWE         
(Trích trong Bản Thông Tin của Sở Văn Hóa và Thông Tin
 của Tòa Đại Sứ Nhật Bản, số 11, tháng 11-1972)

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 70, ra ngày 24-12-1972)



Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

CHUNG CƯ CHIỀU CUỐI ĐÔNG - Trần thị Phương Lan

 
Ảnh : Doi Kuro















Cuối năm đông đã tàn
Cuối năm xuân sắp sang
Cuối năm trời trở gió
Chung cư buồn mênh mang

Chiều giăng giăng mây xám
Chim vỗ cánh lưng trời
Nắng rơi trên ngàn lá
Nghe tiếng lòng chơi vơi

Đông tàn trên lối cũ
Những dãy chung cư buồn
Kỷ niệm nhòe sương khói
Theo ngàn mây viễn phương

Hàng dây điện khuất lấp
Bóng tối tràn mênh mông
Tháng ngày dài vụn vỡ
Mờ phai vạt nắng hồng

Dãy cầu thang hun hút
Tường rêu mốc nhạt nhòa
Người ngồi trên hiên vắng
Nhung nhớ bao mùa hoa

Cuối đông mây bảng lảng
Gửi hoài niệm lặng thầm
Thương một thời dĩ vãng
Xót xa niềm dư âm...

                      Trần Thị Phương Lan
                       (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

THÁNG MƯỜI HAI SINH NHẬT - Nhã Uyên

 













Ngọn nến hồng thắp lên trong mắt sáng

 Tháng Mười Hai sinh nhật đến rồi đây

 Khi mùa đông mang sương lạnh rơi đầy

 Nghe ấm áp lời chúc mừng lưu luyến


Tuổi  trăng  mơ  trong mùa đông xao xuyến

Nở nụ cười  cho hy vọng thêm xanh

 Bão đã qua  cho  sinh nhật trọn lành

 Mưa đã dứt  cho chim về chợt hót


 Ngày sinh nhật  đến trong lòng dịu ngọt

 Như suối reo  như nắng ấm  mùa đông

 Trái yêu thương  cho sinh nhật thêm hồng

 Tháng mười hai  chúc mừng ngày tuổi mới.


                                                            Nhã Uyên

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

DANH NGÔN 215

 

Chúng ta thường thấy cọng rơm ở nơi mắt kẻ khác mà không thấy cây đà ở ngay mắt mình.

- Nếu người khác không làm xuể một công việc... hắn là một người lười biếng...

Nếu chính tôi... thì bởi tôi quá bận.

- Nếu người khác nhất quyết theo quan điểm của họ... hắn là một người cứng cổ.

Nếu chính tôi... thì bởi tôi cương quyết.

- Nếu người khác cần nhiều thời giờ để làm xong việc... hắn là người chậm chạp.

Nếu chính tôi... thì bởi tôi làm kỹ lưỡng.

- Nếu người khác làm hơn những công việc người ta đã dặn... hắn là người đi quá quyền hạn.

Nếu chính tôi... đó là bởi tôi có óc sáng kiến.

- Nếu người khác bênh vực quyền lợi của họ cách ráo riết... hắn là người chỉ nghĩ đến quyền lợi tư riêng.

Nếu chính tôi... đó là bởi tôi cứng rắn, không để ai dày đạp trên đầu.

(Trích Túi Khôn Của Loài Người
của ông PHẠM CAO TÙNG)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 215, ra ngày 15-12-1973)