Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

NGÀY QUA (II) - Minh Quân


Bảy giờ tối, cái xe cà tàng chở trầu mới về đến Phan Thiết. Tuy đói meo, nhưng xuống xe xong hai người về nhà trọ rửa mặt qua loa, thay quần áo rồi hộc tốc lên xích lô đến nhà thầy. Thông cảm cho sự nóng lòng của Tâm, Hà không phàn nàn gì cả, vẫn giữ vẻ tươi tỉnh để bạn vui lòng. Phần Tâm, rất cảm ơn Hà, nhưng không thốt được một lời vì tâm trí vẫn bị chi phối vẩn vơ. Trống ngực Tâm đập liên hồi khi bước xuống xe.

Và rồi, trời ơi! Tâm nhận ra ngay thầy mình đang ngồi trên cái phản gỗ kê ở góc nhà. Vẫn khuôn mặt phúc hậu ấy, vầng trán phẳng và cao ấy, đôi tai hơi to khác thường ấy, chỉ có đôi mắt thầy không được tinh anh như trước. Thầy mặc bộ bà ba trắng, chớ không phải áo dài xuyến đen mông mốc, dưới chân thầy là đôi dép nhựa chớ không phải đôi guốc gỗ mòn vẹt như lúc đó đến nỗi có người vẫn giễu là có thể dùng đánh vẩy cá.

Ngần ấy năm xa cách, Tâm vẫn nhận ra thầy trong phút đầu tiên gặp lại. Thầy lên tiếng trước:

- Hai cô hỏi nhà ai?

Cô bạn thấy Tâm lúng túng, đứng lặng, liền đỡ lời:

- Thưa thầy, chúng con tìm nhà thầy. Thưa, thầy có phải là thầy Th.?

- Đúng, tôi là thầy Th. Đây. Mà hai cô là ai?

Cô bạn đẩy Tâm đến trước và giục nho nhỏ : “Nói lên đi chớ, hay chưa!”. Tâm vẫn bàng hoàng, đứng lặng, nghẹn cả thở, cả lời. Cô bạn phải nói thay:

- Thưa thầy, bạn con là học trò cũ của thầy, đến thăm thầy!

- Học trò cũ, tội chưa! Còn nhớ thầy à? Thầy đã về hưu mấy chục năm mà còn nhớ! Học năm nào?

Đã lấy lại bình tĩnh, Tâm trả lời:

- Thưa thầy, con học thầy năm 1936, ở trường Khánh Thiện… Mũi Né!

- Thiệt thầy không nhớ… Lâu quá rồi… Tên con là…? Học trò đông…

- Dạ, con là L. (thấy thầy vẫn chưa nhớ ra, Tâm tiếp) Dạ, con là Công Tằng Tôn Nữ thị…

Thầy “a!” lên một tiếng rồi một nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt già nua của thầy và đôi mắt thầy chợt lóe sáng lên:

- Thôi! Khỏi nhắc! Thầy đã nhớ ra rồi! Con là đứa bị trêu chọc vì cái họ dài ngoằng và cũng là đứa kiêu ngạo nhất, thông minh nhưng nhác học. Đúng chưa nào?

Tâm cúi đầu, không nói nên lời. Mắt Tâm nhòe đi nhưng tai vẫn vọng lại tiếng nói thầy:

- Sao con biết thầy ở đây mà tìm đến, ai chỉ cho con?

- Dạ, chị Kính đó, thưa thầy – cô bạn Tâm lại nói thay:

- À, đó cũng là một học trò giỏi, giỏi toán. Vậy ra con đã cất công ra tận Mũi Né tìm thầy?

- Dạ, đúng vậy đó, thưa thầy! Và chị ấy sốt ruột, không chịu đợi đến mai nên trở về ngay trưa nay. Dạ, xe vừa mới đến là chúng con…

Như được bạn tiếp sức, Tâm trở nên hoạt bát hẳn:

- Thưa thầy, con nghe thầy Hiệu trưởng về Huế, thầy Đ. cũng đã mất, còn thầy… nhưng con lo quá, chỉ sợ… vì Kính gặp thầy cũng đã lâu…

Bây giờ thì Tâm lại nghẹn nữa. Tâm lặng im. Không còn nhớ hai người ngồi xuống từ lúc nào. Tâm chếnh choáng, nhẹ hẫng, đắm mình trong một cảm xúc phơi phới, lâng lâng, rất diệu kỳ, khó tả. Cô cũng vừa từ nhà trong bước ra, ngồi cạnh chồng. Cô thay chồng lần lượt hỏi  đến gia đình, con cái, chức nghiệp… nhất nhất đều được Hà thay Tâm trả lời tỉ mỉ.

Còn Tâm cứ im lặng để tận hưởng cái cảm giác tuyệt vời hiếm có trong đời mình. Tâm như mê đi, như sống lại thời thơ ấu cũ, thời ao ước sẽ trở nên vị tướng như tướng Carnot, sống lại cái mộng trẻ con của thời lên bảy! Không có ngựa lông trắng tuyết, không binh phục đỏ ráng pha, không có đoàn tùy tùng… Tâm đã đi những chiếc xe đò xộc xệch, xóc nẩy tung người lên, nhưng may thay : có cô bạn trẻ rất tế nhị, rất cảm thông tấm lòng của đứa học trò về thăm thầy cũ. Cô luôn luôn bên cạnh giúp Tâm đủ kiên nhẫn, vững lòng. Chợt Tâm sực nhớ mình đã đến với hai tay không thì cũng đúng lúc Hà cho tay vào giỏ xách, lôi ra một gói bọc ni lông có hai hộp trái vải trong đó, đặt lên bàn. Tâm chỉ biết đưa mắt thầm cảm ơn Hà.

- Các con đến thăm thầy cô mừng lắm, quý lắm rồi, mua sắm làm chi tốn kém? – Cô nói.

Tâm tự hỏi thầm, phải chăng thầy cũng xúc động như Tâm nên không nói được thành lời ý nghĩ của mình?

Thầy không nói, nhưng thầy ghi lại tất cả những lời của bạn Tâm và của cô trò chuyện.

Một giờ trôi qua, mà sao Tâm thấy nó như tia chớp. Bạn Tâm nhìn đồng hồ sau khi nó ngân lên tám tiếng. Tâm đứng lên chào thầy cô. Thầy cô đưa hai người ra tận cửa. Với giọng trầm trầm của người già thầy nói với Tâm:

- Thầy rất mừng là học trò của thầy không đến nỗi nào! Hãy giữ vững thiên lương! Thầy rất sung sướng được gặp con. Có lẽ đây là lần cuối thầy gặp một học sinh cũ làm thầy vui… Vì thầy đã già quá rồi, thầy suýt soát tuổi ba con đó chứ ít đâu.

Cô thì nhắc lại “Cảm ơn con” và chúc hai đứa lên đường bình an. Mắt Tâm nhòe đi qua màn nước. Ngoài trời mưa rơi nhẹ và lòng tâm cũng nhẹ lâng. Tâm thấy đi dưới mưa sao mà thú vị vô tả. Tâm nắm chặt tay bạn, chưa kịp nói gì thì Hà nói trước:

- Đừng có cảm ơn em! Hãy đưa em đi ăn cháo vịt, và bảo họ dọn rất nhiều gan như đã hứa.

- Một trăm cái gan vịt tôi cũng đãi cô.

Hai người cùng cười to, sảng khoái. Chính Tâm cũng ngạc nhiên vì tiếng cười của mình sao trong trẻo, hồn nhiên, đã lâu mình chưa hề được vui như vậy.

Về sài Gòn Tâm thấy mạnh khỏe lên như được tiếp sức, mạnh khỏe hơn bất cứ chuyến đi nào từ trước tới nay. Tâm kể đi kể lại chuyến đi thăm thầy cũ cho chồng, cho các con, cho bạn bè thân sơ, kể cả tuần liền không chán. Và Tâm hát vang lên. Giọng hát và tiếng nói của Tâm y như của vị tướng hành quân vừa thắng trận. Đến nỗi các con Tâm phải kêu lên : “Mẹ bữa nay trẻ lại cỡ mới ba chục tuổi Xuân!”.


Dĩ nhiên là Tâm hiểu. Tình bạn của họ hồn nhiên, bình dị, không kiểu cách, không chút đãi bôi, khỏi cần khách sáo. Vì vậy, khi Tâm ra lần này không có Kính ở nhà, Tâm cứ ung dung cùng con gái của Kính khóa cửa lại, đi ra biển, tắm. Con gái Kính cùng tuổi với con gái đầu của Tâm, nhưng đã có chồng, vừa sinh con đầu lòng hơn một năm thì chồng chết. Nó còn quá trẻ để buồn rầu, để có vẻ góa phụ. Nó đưa con cho Tâm, cười khì khì:

- Dì bồng nó cho con, coi!

Ra đến biển, thằng bé nằng nằng giữ mẹ trên bờ, không cho mẹ tắm, sợ mẹ chết đuối. Tâm đành xuống biển với một cô bạn của mẹ nó.

Trong lúc Tâm và cô bạn của con gái Kính nô giỡn trên sóng thì trên bờ nó hét dựng lên:

- Dì ơi! Con khổ ghê không? Con không được tắm dì ơi!

Tối lại, trăng sáng rỡ. Tâm, con gái Kính, cháu ngoại Kính và hai cô bạn nữa kéo nhau ra Hội trường xem lễ Trung Thu do các trường tại quận hợp lại tổ chức. Đèn lồng con cá, đèn xếp, đèn quả bí, tấp nập, tưng bừng. Nhưng khi xướng ngôn viên tuyên bố kết quả thì Tâm, con gái Kính và các bạn cùng bất mãn : làng Khánh Thiện bết quá, không thu được kết quả đáng nể nào cả. Mọi giải thưởng đều bị học trò trường làng Thạch Long thâu tóm. Ông hiệu trưởng Thạch Long coi bộ hơi kênh, còn ông hiệu trưởng trường Khánh Thiện thì ủ rũ trông thấy rõ. Mọi người làng Khánh Thiện kết tội ông hiệu trưởng Khánh Thiện không tiếc lời, còn con gái Kính thì giận trường làng Thạch Long cạnh tranh bất chính, chuyên môn độc diễn.

- Đó dì thấy không? Trình diễn văn nghệ : học trò Thạch Long! Đem thi đèn : Thạch Long! Cái gì cũng Thạch Long, Thạch Long…

Một cô bạn cãi:

- Thôi, cũng tại trường mình làm biếng, không chịu tập luyện gì hết, đi đứng hát hỏng so le…

- Tao nghe nói điện văn ở trung ương đánh khẩn về mà quá trễ cho nên… với lại tao nghi cha hiệu trưởng Thạch Long giấu, không cho trường Khánh Thiện mình hay sớm…

- Dám lắm à, cạnh tranh bất chính.

Mấy cô gái bênh vực màu cờ trường Khánh Thiện quá hăng say làm cho người học trò của gần bốn mươi năm cũ cũng nóng mắt, nhảy vào vòng chiến, cũng tức tối, tưởng có thể đón đường kẻ đã làm nhục trường Khánh Thiện ăn thua một trận.

Trăng lên cao, mọi người cùng lần lượt ra về. Bốn tiếng Thạch Long – Khánh Thiện cứ dội vào tai Tâm từng chập. Tâm chợt nhớ những kỷ niệm về Thạch Long : gò mả, đồi cát đầy cỏ dại, cây bồn bồn, hoa cườm thảo và sân bóng tròn – một kỳ quan đối với Tâm, thuở đó. Rồi lan man Tâm nhớ đến quả bóng đầu tiên của Tâm và các bạn : bằng giẻ rách quấn với lá chuối khô. Tâm nhớ đến những người đàn bà đi chợ ngang trường thường liếc mắt vào, nhìn quả banh tròn bằng những con mắt không thiện cảm. Một bà la lên:

- Coi! Trời ơi! Đời thuở nhà ai con gái mà đá banh không?

- Ừ! Đồ quỷ sứ! Mà còn giữ gôn nữa chứ. Cái đồ rắn mắt, con không ai dạy.

Tâm ngừng chơi trong lúc Cúc chống nạnh, trừng mắt trả đũa tức thì:

- Ừ! Con gái đá banh đó, có sao không? Mắc gì mấy người không? Ai mượn thò mỏ vô?

Một mụ đàn bà đanh đá:

- Thầy mày không biết dạy hả? Muốn tao chửi cha thầy mày không?

Tâm càng hốt hoảng, kéo Cúc lùi vào, nhưng nó đâu chịu, nó…

- Dì ơi! Mình đi ăn bánh căn đi, đi!

Tiếng con gái Kính làm Tâm giật mình. Lập tức, tấm màn dĩ vãng được buông kín mít. Tâm trở lại thực tế theo chân mấy cô gái thuộc lớp tuổi con mình.

Ngày hôm sau, Kính từ Phan Thiết trở về. Con gái Kính định gởi con cho mẹ để rảnh tay đi tắm với dì Tâm, nhưng thằng bé không chịu. Tâm rủ bạn đi, Kính trả lời lửng lơ:

- Mắc lo vài công chuyện. Dì cháu mấy người đi trước, trưa nay hễ rảnh tao ra, tao biết chỗ dì cháu mày tắm mà! Chỗ bóng mát có cái nhà bát giác đó chớ gì? Coi ra chợ mua bánh hỏi, thịt quay đem theo ăn. Hai, con làm cho dì cháu nó cối nước mắm me, nghe!

Dì cháu Tâm lơn tơn ra chợ. Mua sắm xong xuôi, kêu bạn, kêu bè đông đủ, chín giờ sáng họ mới khởi hành. Người thì đi bộ, người thì xe đạp. người được chở bằng Honda.

Sắp xếp các món ăn vào nhà mát xong, cả bọn lao mình xuống nước, sau khi nô giỡn, rượt đuổi cả giờ. Đồng hồ chết từ lâu, nhưng họ cũng đoán được là gần đứng bóng rồi. Hòa nhìn chăm chăm vào mặt dì Tâm:

- Chà, mặt dì đỏ quạch y như mặt trời. Nữa dì về Sài Gòn, người ta cười chết.

- Dì tao cóc sợ ai cười – con gái Kính vui vẻ nói – dì tao ngon lành lắm, Hòa ơi!

Thình lình Chúc chen vô:

- Tao vẫn còn tức quá, tao nhớ chuyện lễ Trung Thu hôm qua, trường mình ê mặt…

- Thôi, đừng tức, người đáng tức là dì Tâm kìa, mà dì còn không tức thay.

Chúc tò mò:

- Ủa, dì cũng học trường mình hồi nhỏ hả?

- Chớ sao?

Hiệp vênh mặt lên xác nhận, vẻ mặt như vẻ mặt của vị danh tướng vừa được một quan văn công nhận mình có thực tài.

Mây trắng lốp, trời cao và xanh hơn lên. Cách bọn họ cỡ bốn chục thước, đoàn người kéo lưới vẫn kiên trì làm việc. Tâm hỏi lũ con gái:

- Sao họ kéo lâu dữ vậy, tụi bay? Từ nãy đến giờ mà chưa kéo được vô bờ?

- Dám có nhiều cá lắm dì ơi! Nhiều cá nên nặng lưới…

- Tao không tin. Năm nay mất mùa cá, làm gì mà nặng lưới. Ủa, họ làm gì mà đập thình thình ngoài đó vậy?

- Con này ngu quá sức, họ lùa dồn cá đó chớ làm gì. Ở biển như mày thà lên rừng còn hơn.

- Ai biết đâu…

- Cái gì cũng ai biết đâu, tao chán mày hết sức.

- Thôi bơi! Cãi lộn hoài.

Họ quên tức khắc chuyện lưới kéo chậm. Tâm vừa bơi vừa lơ đãng ngắm cảnh. Đỉnh đồi màu gạch cua, rặng dừa xanh, con đường chạy dọc theo bờ biển trườn mình theo rặng dừa, có khi cả hàng tiếng đồng hồ không thấy bóng của một cái xe vậy mà loang lổ nhũng ổ gà. Trên bãi cát, một con thuyền như mắc cạn, nom nghèo nàn, xơ xác, giương đôi mắt lơ láo, ngờ nghệch nhìn chăm chăm xuống nước trông mới ngộ nghĩnh làm sao. Nó không có vẻ “nghe chất muối thấm lần trong thớ vỏ” như một câu thơ mà Tâm ưa thích lúc nhỏ, thớ gỗ nó có vẻ nhạt vì gội mưa tắm nắng quá lâu ở trên bờ. Chắc nó tủi thân ghê lắm?

Đột nhiên tiếng la oai oái như thể cháy nhà đâu đó, rồi tiếng chân rầm rập từ bờ, tiếng léo xéo từ mấy xóm dừa và người ta tuôn ra như kiến bị động trong tổ. Quang gánh trên vai, thúng rổ, vợt lưới ở tay, người lớn, trẻ con, người già kéo xuống bãi tụm lại chỗ lưới đang được khó nhọc, chậm rãi kéo vô bờ.

Chúc nheo mắt nhìn về hướng đó rồi bất ngờ, nó hét dựng lên:

- Nhiều cá quá, tụi bây ơi!

Và rồi không đợi bạn, đợi Tâm, Chúc lội lẹ vô bờ, lao đến chỗ đông làm cho mấy người còn lại sửng sốt. Thoạt đầu, Thành, Hiệp, Hòa cũng như Tâm đứng tại chỗ nhìn theo, song chỉ hai phút sau Hiệp, Hòa cũng theo bạn, bỏ Thành và Tâm lại. Hai dì cháu nhìn nhau, nửa muốn tắm thêm, nửa bị khung cảnh kỳ lạ trước mắt lôi cuồn.

Tiếng la càng lúc càng cấp bách, thôi thúc. Trên mười người từ hai khoảng cách của đầu lưới đã gần ráp lại nhau. Con thuyền máy suốt mấy giờ qua cứ đảo quanh ngoài biển gây tiếng động để lùa cá cũng lập lờ cách bờ cỡ trên mười thước, không hơn. Trên bờ, khoảng hai chục người lớn nhỏ chực sẵn để hôi cá. Từ đáy nước tấm lưới chầm chậm nhô lên cho người ta thấy rõ là cá nhiều, quá nhiều, hơn cả lời Chúc đoán.

Tâm và Thành cũng bị hoạt cảnh đó thu hút, không ai bảo ai, lặng lẽ lên bờ. Đúng lúc đó, thằng bé con Thành thức giấc trong cái võng treo giữa hai cái cột trong gian lều mát hình bát giác làm mẹ nó phải chạy lên dỗ con nên còn mình Tâm thong thả tiến lại chỗ đám người đứng đợi trên bờ.

Bấy giờ, một phần lưới đã được kéo lên bãi, tấm lưới dài, rộng lùng bùng nhốt trong đó vô số cá bạc lóng lánh đang giãy giụa liên hồi. Một số khác luồn khỏi lưới đang tìm lối thoát, chúng bị những lượn sóng lớn xô đẩy lại giạt lui vào bờ. Tức thì bọn hôi cá ào xuống, bắt chúng bằng mọi cách. Tiếng quát tháo càng dữ dội hơn bao giờ, chát cả tai. Tâm đứng xa, nhìn đống cá của vài kẻ đi hôi vun cao dần dưới một góc dừa rồi nhìn đống cá lớn hơm thập bội do bọn người kéo lưới tháo ra khỏi lưới, dùng ky, rổ lớn xúc từng mẻ vun đổ ập lên cát trắng. Tấm lưới lần lượt được kéo lên thêm, cá đầy vung, tung cả lưới, lọt ra ngoài. Những người hôi cá sà tới như một bầy ruồi sà vào tổ mật. Thoạt đầu Tâm hơi ngạc nhiên vì thấy họ để cá ra nhiều phần nhỏ. Hiệp giải thích những phần nhỏ là cá hôi, chính đống cá đang nằm giãy giụa chồng chất lên nhau cả một khoảng rộng kia mới chính là của chủ lưới. Tâm liếc nhìn mấy đống cá hôi, thấy đống nhiều nhất cỡ đong đầy vào thùng dầu hỏa cũng được bảy, tám thùng. Tâm nghĩ đến công khó của đám ngư dân từ lúc sáng mà đâm xót ruột hộ. Tâm lại gần, cúi xuống, nhặt từng con cá rơi vãi ngoài lưới bỏ vào lưới giùm họ, nhưng Hiệp ngăn lại:

- Trời ơi! Bỏ vô lưới làm chi dì? Lượm đi dì! Lượm về ăn!

- Kỳ quá, tội nghiệp người ta!

Tâm nói và lại cúi xuống, nhặt không kịp thở, nhưng khi Tâm giở lưới toan thả vào thì có tiếng đàn bà nói to:

- Lấy đi! Đừng bỏ vô chi.

Tiếng la đó làm Tâm sửng sốt, suýt buông rơi mấy con cá đang nắm chặt ở tay. Hay đó là lời của một người trong đám hôi cá, không muốn người khác tỏ ra lương thiện? Nhưng không, người đàn bà ngẩng nhìn Tâm, giọng nói thản nhiên:

- Cứ lượm đi, tụi nó lượm thiếu gì!

Nói xong bà ta bưng một rổ cá vun chạy lúp xúp mang đổ chồng lên đống cá lớn phía trên xa.

Giữa đám người nhặt, bưng, đổ, gỡ đó, tâm thấy Hiệp, Hòa, Chúc không còn vẻ gì là những nữ sinh đệ nhất đệ nhị nữa. Chúng cũng a đại tới, bắt, chụp, bưng, đổ, tháo, gỡ, lăng xăng, hăng hái. Chỉ khác với bọn kia là chúng không đứng hẳn ở hàng ngũ người hôi hay người chủ lưới, khi thì chúng nhặt những con cá rơi ngoài lưới để riêng cho bọn mình, khi thì hào hiệp bưng giúp những ky cá nặng trĩu lên bờ. Cũng khác với bọn hôi cá : chúng đóng vai người hôi rất chân chính – không bao giờ bắt cá trong lưới của người ta, chúng rất phơ-răng-jơ! Lời Chúc pha trò, mà thật vậy, Tâm cũng làm y như chúng kể từ phút đó.

Một lát, Tâm thấy mỏi nên dừng lại đứng nhìn. Hàng triệu triệu con cá cùng một lứa với nhau, mỗi con to gần bằng bàn tay dài từ tấc hai đến hai tấc, nằm chồng lên nhau tung tóe giữa cát trắng, những cái đuôi và vảy bạc lấp lánh dưới nắng chói lòa, giẫy giụa liên hồi, nhìn xa xa như ta nhìn vào cái xanh khổng lồ đựng đầy bạc trắng đang sôi sục, sủi tăm lên.

Tâm lại gần tấm lưới đang còn nhiều cá, cúi bắt một con cầm trên tay. Nó uốn cong thân hình trắng bạc và kêu lên “oằng oặc” nho nhỏ. Tiếng kêu đó rập ràng hơn, đều một loạt ở những thúng cá mới vớt khỏi mặt nước, rồi vài phút sau tiếng “oằng oặc” nhỏ dần và tắt luôn. Cùng một lúc, chúng thôi giãy giụa, nằm im, chỉ còn thoi thóp thở.

Tiếng la oai oái vẫn tiếp tục mỗi lần tấm lưới được kéo lên một chút nữa. Cả một khoảng mặt nước chu vi ba mười thước chiều rộng đục lờ, thoáng gợn mùi tanh.

Tâm đưa mắt nhìn lũ trẻ. Chúc thì mặc chiếc áo mưa của Thành, Hòa thì cuỗm chiếc áo khoác bằng khăn lông của Tâm từ lúc nào không biết, Hiệp thì vốn nhanh nhẹn nhất bọn nên đã mặc quần dài và áo cánh. Chúng còn say sưa hăm hở hôi cá, giúp chủ cá và luôn canh chừng đống cá của cả bọn giờ đã được ít nhất cũng sáu thùng dầu hỏa đong đầy. Tâm nhìn lại mình, Tâm đang quấn ngang mình tấm khăn lông khá rộng ngoài áo tắm nhưng chốc chốc ngấm nước và vì Tâm cử động, nó lại tuột ra, phải ngừng bắt cá, quấn lên.

Thình lình, Thành xuất hiện, nó la chói lói:

- Đứa nào lên coi con cho tao, tao bắt cá với đi! Ma… au coi!

Không đứa nào nhúc nhích. Thành ào xuống nhập bọn. Hiệp lại hét dựng lên:

- Coi chừng mất đồ trên đó sao? Con khỉ!

Mặc bạn la lối và Tâm cũng la nữa, Thành làm như không nghe trách cứ gì, cắm cúi nhặt cá, nét mặt thích thú, nó không có vẻ gì là người mẹ của đứa trẻ hai tuổi đang nằn trên võng, đằng xa kia.

Có một lần Tâm hơi tức mình vì cái khăn lông cứ tuột hoài, lại gần Hòa toan đòi áo khoác, nhưng Tâm ngao ngán khi thấy hai túi áo đầy nhóc cá.

- Hết nước rồi, cho cá vô túi áo, tanh chết đi…

Hòa nhìn Tâm cười dài, phô hai hàm răng trắng ra:

- Dạ, không sao đâu dì, con sẽ giặt kỹ cho dì, nhà con bán xà phòng. Xà phòng Việt Nam giặt trắng phau, mau sạch đó, dì ơi!

Hiệp liếc mắt nhìn hai túi áo khoác đầy nhóc cá, thò cả đầu, đuôi lên miệng túi của bạn, giễu:

- Coi, ăn cắp cá bỏ đầy túi áo mà nói chơi phơ-răng-jơ!

- Thì phơ-răng-jơ! Chớ gì nữa, cá này là cá rơi ngoài lưới mà, mày!

- Tao rất lạ, không hiểu con Chúc nó mặc áo quần đàng hoàng chớ phải chi mặc áo tắm như tao với dì Tâm đâu mà nó lại khoác thêm cái áo mưa làm chi chớ?

Thành thắc mắc hỏi.

- Biết tại sao không? Lúc nãy con Hiệp ham bắt cá quá, nó chạy sao mà rách cả quần dài, nên nó quơ đại quần con Chúc…

- Tao bắt cá một lát, mới nhớ mình mặc đồ tắm nên chạy lại nhà bát giác, tìm hoài không ra quần mình, tao biết liền, tao phải bận quần rách của nó và phải bận thêm áo mưa nữa chớ sao. Con quỷ, con chó! Tao sẽ trừng phạt mày cho coi! – Chúc nói.

Tâm nhìn đống cá của cả bọn, kêu lên:

- Thôi, đừng bắt nữa, nhiều quá, bắt làm gì? Làm sao đem về? Lấy gì chở?

- Thuê xe, dì!

Bọn hôi cá lần lượt đem quang gánh lại, chuyển cá đi dần. Tiếng ơi ới lúc đầu dịu bớt. Có cả một quân nhân – hay một thường dân mặc binh phục? – cũng hôi cá, anh ta đứng nhìn đống cá một cách kiêu hãnh như nhìn chiến lợi phẩm sau khi thắng trận.

Bấy giờ, Tâm nhận ra đám ngư dân chủ lưới gồm đủ lứa tuổi : có một bà lão mặt nhăn nheo như quả táo khô, có một ông cụ quắc thước với nước da màu đồng và đôi cánh tay rắn chắc, có một đứa nhỏ đen chũi, vài thanh niêm quần áo rách bươm và hai thiếu nữ thân hình tròn lẳn, bộ ngực nở nang, cái đẹp khỏe mạnh, hồn nhiên, đơn giản. Họ gồm trên dưới mười hai người. Họ đã khó nhọc giăng lưới, gò lưng kéo, dầm mình dưới nước để dồn đuổi cá, phơi nắng từ khi nắng còn dịu cho đến khi nắng cháy đốt da, họ đã la khản cổ – điều này Tâm cho là vô ích nhất – vì không phải họ la để đuổi bọn hôi cá, mà la khan, la khống vậy thôi. Vì Tâm lắng nghe, không tiếng gì rõ rệt, cứ “ới, cá, cá… ơi!”, “mau, mau… ma… au” khi thì “Trời ơi! Tr… ơi”, “ô, ô… ô!” khi thì họ la vì giẫm nhầm chân nhau. Cũng có khi họ la vì bọn hôi cá quá lộng hành : không chỉ bắt cá rơi ngoài lưới mà còn thò bắt cá trong lưới của họ, nhưng rất ít. Họ không có nhiều con mắt tinh tường để nhìn khắp nơi. Nhưng đã có Tâm, Tâm không ngừng tỏ ra mình là một trọng tài đáng nể trong cuộc chơi. Tâm quát bọn hôi cá như chính mình là chủ:

- Ê, bỏ xuống coi! Đừng ăn cắp chớ. Người ta làm khó nhọc!

Có người riu ríu vâng lời, nhưng vài đứa trẻ rắn mắt, làm như không nghe, cứ tiếp tục. Tâm xông tới, giơ nắm tay lên cao, dọa dẫm:

- Bỏ cá ra, coi chừng! Biết tao là ai không, hở? Trả lại, mau!

Và Tâm đã thành công.

Gần hai tiếng đồng hồ, mẻ lưới mới được tháo gỡ xong. Ông cụ già, mấy cô gái nhìn Tâm và lũ trẻ bằng con mắt cảm tình, một người lên tiếng:

- Lụm thêm dìa ăn, đi!

Và họ lập đi lập lại hoài câu đó, khiến cho mấy đứa trẻ không thể từ chối – thật ra chúng cũng thích lấy thêm – dù không phải chúng tham lam. Sau cùng hơn tám thùng cá được khuân lên, để dưới bóng mát của gốc dừa cạnh ngôi nhà bát giác. Nhưng cái việc đem về nhà mới thật là cả một vấn đề và mệt quá. Tuy nhiên, mệt nhọc trong hả hê, thích thú. Đứa nào cũng sáng ngời mắt.

Bọn trẻ cãi cọ nhắng lên một hồi mới đi đến quyết định : dùng cái Honda chở một người và một giỏ cá. Phải đi đi về về nhiều bận như vậy mới xong. Hiệp tỏ ý lo ngại sẽ bị rầy về tội đi chơi lúc buổi trưa, thâm qua buổi chiều của mình, nhưng Hòa thì tỏ ra vững lòng:

- Bộ đi chơi bậy bạ gì sao? Tụi mình đi tắm với dì Tâm, với lại… ờ, với lại dì hôi cá nữa chớ bộ.

- Phải, coi điệu này, mỗi đứa được cả giỏ đầy, chắc khỏi bị la.

- Còn dì nữa, dì sẽ đem về Sài Gòn mấy giỏ?

- Dì hả? Khỏi! Dì ăn bằng mắt và ăn tại đây thôi.

- Đó, giờ dì tin lời con chưa? Hả dì?

- Tin cái gì chớ?

- Coi, dì quên sao? Tin chuyện gánh hát ra đây, hát ế thì đi xuống biển xin cá hay hôi cá ăn thay gạo chớ tin gì. Hôm kia con nói mà dì cười kêu là con nói dóc.

- À, tin! Tin chớ, nhưng dì ngạc nhiên ở chỗ họ hát hỏng làm sao mà bị dân ở đây chê?

- À, có gì đâu dì, cháu biết gánh hát này. Tụi nó hát dở, chỉ hay có cái tài bay thôi.

- Tài bay?

Tâm lạ lùng, hỏi gặng. Thành cười khì:

- Dạ, tài bay, tụi nó bay hay lắm, tên kép chánh bay hay lắm, bay khi diễn tuồng kiếm hiệp đó mà.

- Chà, chắc mày coi đều mỗi đêm?

- Đâu có coi mà nghe tụi nói lại thì biết chớ gì. Bữa họ diễn tuồng “Người về từ đỉnh núi” dở ẹc…

Tâm trầm ngâm, nhớ đêm Trung Thu, ban tổ chức quận chọn ngay địa điểm trước rạp hát làm Hội trường, thành ra ban hát “Bình Minh” hết chỗ làm ăn.

Sáng hôm sau, Tâm đi ngang, thấy đào kép chính cũng như phụ bơ phờ, thảm não, người thì đang chổng mông thổi lửa, người thì vo gạo, một chị đàn bà vạch vú cho con bú, nhưng hình như không mút ra sữa, nó nhả vú mẹ ra, hét toáng lên. Người mẹ vội vàng gài nút áo khi thấy người lạ đi ngang, nhưng Tâm cũng kịp nhìn rõ bộ ngực lép xẹp của chị ta. Đôi mắt thâm quầng, lờ đờ, dáng bộ mệt nhọc, chị đưa tay che miệng ngáp dài, nước mắt chảy ròng ròng. Những que củi quơ trên động còn xanh nên khói tỏa mù mịt một góc bên hông rạp hát, làm một anh kép răng vàng, tóc dài, giắt theo kẽ tai, cao giọng chửi thề ỏm tỏi.

Đang vui vẻ Tâm chợt nghẹn ngang và cay cay ở mắt.

Ngày kế tiếp, Tâm còn thấy cái xe xộc xệch của họ với tấm bảng “Đại ban Bình Minh” và bảng nhỏ hơn với mấy chữ “Tối nay chúng tôi sẽ công diễn tuồng Phạm Công, Cúc Hoa đặc sắc” ì à ì ạch chạy quanh làng quảng cáo, có tiếng trống “tùm tùm” phụ họa và một lũ con nít trong làng ở trần trùng trục, có đứa chỉ bận áo, áo của cha hay của mẹ, dài tận đùi, lóc nhóc theo sau như đám rước đình. Có đứa cười, đứa khóc, có đứa reo hò tở mở, mấy đứa nhỏ xíu đứng một chỗ đưa mắt nhìn theo, mũi chảy dài và khi anh chị chúng – hoặc một người lớn đi ngang trông thấy – la lên : “mũi chảy kìa!”, lập tức chúng hít mạnh một cái làm hai dòng nước mũi đặc xanh lại rút lên rồi từ từ, thong thả bò dài xuống vị trí cũ, không suy suyển.

- Bữa nay họ hát tuồng gì đây? – Hòa hỏi.

- Không biết! – Thành đáp cộc lốc.

Hiệp tỏ ra thành thạo:

- Hôm đầu tuồng “Người về đỉnh núi”. Hôm qua Phạm Công Cúc Hoa, còn bữa nay chắc công diễn “Người về đêm tân hôn”, nghe nói tuồng này là tuồng ruột à!

- Lạ quá, gánh hát này sao ưa người về quá, tụi bay hả? Đặt tên thì hay mà hát thì… dở hết chỗ chê. Cứ mỗi lần ra đây là ngày sau xách giỏ đi xin cá.

- Ờ, coi như Út Bạch Lan, Thành Được, Bạch Tuyết người ta ngon lành không?

- Bì sao được với mấy người đó! Nói ngu chưa!

- Sao kêu là ngu? Thì cũng nghệ sĩ, mà người thì đi xe hơi Huê Kỳ, người thì đói dài dài, tội chớ, hả dì?

Luôn luôn tụi nhỏ kéo Tâm vào các cuộc tranh luận, đòi Tâm góp ý.

- Ờ, tội thiệt. Dì cũng thấy thương…

- Vậy chứ có người ưng theo đó, dì ơi!

- Ai ưng theo? Mày cứ đặt chuyện. Tao chịu hết nổi. Dì ơi, dì đừng tin nó.

- Tao thèm nói láo với mày sao? Mày biết ai đòi theo không?

- Ai?

- Ông thầy H., ông thầy mới đổi tới trường trung học quận đó. Ổng kêu là ổng ưa nếp sống nghệ sĩ, ổng nói với thằng em tao đây nè. Ổng nói phải chi mùa hè…

Thành bĩu môi:

- Tưởng ai chớ ông thầy H. thì khỏi bàn, ổng nghệ sĩ quá rồi, cần gì đi theo gánh hát.

Câu chuyện càng lúc càng lôi cuốn đây. Tâm nghĩ thầm và hỏi lớn:

- Ông ấy ra sao mà tụi bay kêu là ổng nghệ sĩ quá rồi?

- Dạ, ổng hết sức dơ dáy, tóc để dài, áo quần không giặt, đứng gần nghe mùi hôi, đụng tới là bụi bay ra liền.

Cả bọn cười khùng khục. Tâm hỏi:

- Có thật vậy không?

- Dạ, thưa dì, bảo đảm cỡ năm mươi phần trăm.

- Còn ổng dạy dỗ ra làm sao?

- Tụi con đâu có học ổng mà biết. Trong tụi con có mình con Chúc là có học ổng, dì thử hỏi nó coi.

- Sao, Chúc, thầy H. dạy dỗ ra sao?

- Dạ, con học lâu rồi, ổng nghiêm lắm, dì ơi! Bây giờ con còn sợ ổng, sợ nhất là khi đụng đầu ổng, ổng ngó chăm chăm vô mặt con, hỏi: “Chúc, sao không đi học nữa?”. Cái tiếng của ổng nghe muốn run lận, dì ơi!

- Ê, đồ ngu! Hết học rồi còn sợ nỗi gì?

- Vậy mới nói, mới kỳ, tao đã nói ổng dữ mà. Hết học thì hết học chớ, cứ sợ như thường.

Tâm kết luận, giọng nghiêm trang:

- Vậy thì ông ấy có tác phong nhà giáo đó, tốt lắm! Tụi bay đừng chê. Có lẽ vì xa nhà buồn, có thể không ai giặt giùm quần áo…

- Còn tóc?

- Ờ, khoản này thì chắc dì không binh nổi ổng đâu.

- Trong Sài Gòn, trường Pétrus Ký đó nghe, tóc học trò ngắn hơn cây kim găm bạc, cho tụi bay hay.

Thành lại lên giọng người biết nhiều, hiểu rộng.

Chợt, câu chuyện bị đứt ngang vì một đứa con trai hớt hải chạy qua báo cho mọi người biết:

- Ra coi mau! – Nó vừa nói vừa thở hào hển – anh kép hát chuyên môn bay của gánh hát “Bình Minh” ra biển xin cá sáng nay, bị đẻn cắn, họ đang chở vô nhà thương kìa. Mau ra coi!

- Thiệt không?

- Đứa nào nói láo ông bà dật nó đi! Họ khiêng gần tới kìa, tui thấy rõ ràng.

Trong nháy mắt, bốn cô gái vụt chạy theo thằng bé, bỏ mình Tâm đứng lặng, nhìn theo. Một lần nữa niềm vui, sự vô tư vụt mất. Tâm nghe cay cay ở mắt, nghẹn ở cổ, bước chân nặng như chì.


Mấy ngày liền Tâm luôn bị hình ảnh người kép hát và cô đào quấy rối : hai mắt nhắm nghiền, mặt trắng bệch méo mó, nước dãi sùi ra hai bên mép, mái tóc dài lốm đốm muối tiêu phủ gáy, lấp tai phất phơ theo gió. Anh ta nằm cong queo bất động trên chiếc võng gai do hai người dân chài lực lưỡng khiêng chạy băng băng trên động cát lún. Thỉnh thoảng, một trong hai người la to : “Dang ra, dang ra” để xua lũ trẻ và cả người lớn tò mò chạy theo sau tạo thành một đám diễu hành rồng rắn, họ la cốt để khỏi vướng chân, nếu không đám đông dám chận lại để nhìn tận mặt nạn nhân. Chợt trong đám người hiếu kỳ theo sau có một giọng đàn ông trầm bổng cất lên : “Bớ chư khanh! Trẫm bị lâm nguy, ngàn cân treo sợi tóc… Hãy mau mau mời quan ngự y! Mà thôi, đem trẫm tới nhà thương thí, mau lên!”

Hàng loạt tiếng cười vô tư của đám người tò mò đủ lứa tuổi phía sau, tiếng khàn đục, tiếng trong trẻo, tiếng the thé, tiếng ồm ồm như đuổi theo người xấu số khiến Tâm choáng váng.

Kế đó là người đào hát với tiếng khóc thét ngằn ngặt của đứa con thiếu sữa và rõ nhất là chiếc vú lép kẹp như cái bao da rỗng của chị ta, thái độ bối rối, ngượng nghịu khi bị Tâm bất ngờ chứng kiến. Mặc dù đau xót và bất bình, trí tưởng tượng của Tâm vẫn không ngừng làm việc : Anh kép hát này chắc hay đóng vai vua với triều phục uy nghi rực rỡ! Anh ta có biết bay không? Nếu biết thì sau tai nạn này, dù được thoát chết chắc anh cũng không bay được nữa. Còn người phụ nữ, cô ta sắm vai gì? Hoàng hậu, cung phi hay chỉ là một nữ tì vô danh? Cô ta có thể là vợ anh kép cũng nên? Ồ, không đâu, nếu đúng là vợ chắc cô ta đã chạy theo sau võng mà khóc lóc. Như để tự trấn an mình, Tâm nghĩ tiếp : Không! Không phải, hai người không có liên hệ gì với nhau cả, giờ này chị ta đang đi kiếm cháo thay sữa cho con, dù có xót thương đồng nghiệp, chị cũng không có thì giờ, tâm trí đâu mà quan tâm đến.

Lan man Tâm nhớ đến những nghệ sĩ có giá đã đôi lần Tâm gặp họ ở chợ Bến Thành hay ở các đường phố Sài Gòn, họ vênh váo, chễm chệ trên xe “Huê Kỳ”, có khi bị bao vây bởi đám đông ngưỡng mộ – họ, những tài tử ấy – đàn bà thì lóng lánh đã cam, đàn ông cũng sửa sang sắc đẹp : họ xẻ cằm, bơm mũi, nâng môi. Họ là khách hàng quen thân của các mỹ viện hiện đang đua nhau mọc lên như nấm mùa mưa. Họ quá kệch cỡm, những quái thai của thời đại mới!

Tâm không chịu nổi. Cái gì ở đây cũng gợi nhớ, nhắc nhở về những điều chứng kiến vừa qua. Từ cái võng của cháu ngoại Kính, bóng dáng vài người dân chài đi ngang trước ngõ, tiếng cười vô tư của con gái Kính, một giọng cải lương rền rĩ vượt hàng rao râm bụt bay sang… đều khiến Tâm khó chịu.

Thấy bạn chuẩn bị ra về trước dự tính, Kính ân cần hỏi lý do, Tâm chỉ ậm ừ qua loa, vì Tâm biết tính bạn, nói ra e chừng lại bị chê là mua việc.

Hành lý lần này của Tâm nhẹ hẫng vì Kính chưa kịp chiết cho Tâm vài chai, thứ nước mắm hảo hạng nhà Kính làm để dành ăn, không có hải sản cũng không có những trái mãng cầu ngon lành như lần trước. Nhưng Tâm cảm thấy mình mang nặng, rất nặng một thứ hành trang vô hình trở lại Sài Gòn mà trừ Tâm ra không một ai hay biết.

Người đầu tiên nhận ra tâm trạng Tâm là chồng tâm – Anh nói, vào bữa ăn trưa, lời lẽ có vẻ khôi hài nhưng giọng thì rất trang nghiêm khiến Tâm chột dạ, có cảm tưởng như mình là kẻ bị bắt quả tang đang có mưu đồ đen tối:

- Coi mẹ bay kìa, ủ dột trông thấy! Đi chơi lần này về sao không vui vẻ, phấn chấn như lần đầu gặp thầy, gặp bạn!

Tâm làm như không nghe, cắm cúi và cơm. Người chồng quay sang các con:

- Sao, tụi bay có ý kiến gì không? Ba nhận xét đúng không? – Không đợi các con góp ý, anh tiếp, giọng lần này trầm bổng như kép cải lương:

- Phu nhân! Nàng có điều chi bận lòng hãy thổ lộ cùng ta, đừng có ôm sầu chuốc thảm một mình, không tốt! – lại quay sang lũ con – Sao các con cũng không nói gì cả vậy? Hay là ba đã nói sai chăng?

Một đứa rụt rè lên tiếng:

- Dạ không! Ba đâu có nói sai. Con cũng thấy như ba mà… không dám nói ra sợ mẹ la.

- Dạ, thưa ba, con cũng vậy đó, ba! – Đứa thứ hai phụ họa.

- Chắc là ngoài đó biển có sóng lớn, mẹ tắm không được nên mẹ buồn mẹ bỏ về sớm đó ba.

Thấy các em phát biểu khí thế quá, chị cả góp ý luôn:

- Không phải đâu, chị nghĩ… à con nghĩ là… là dì Kính đau ốm chi đây?

- Không! Em đoán chắc là thầy của mẹ bị…

Người mẹ quay phắt lại, trừng mắt, hỏi:

- Thầy của mẹ bị… gì? Nói mau!

Trước tia nhìn giận dữ của mẹ, cậu con trai lớn – vốn ít lời – càng thêm lúng túng. Mẹ cậu lại hỏi dồn:

- Thầy của mẹ bị gì? Sao không chịu nói trắng ra?

Cậu con im bặt, cậu vừa nhớ ra mẹ cậu rất kiêng nói điều không lành, nhất là điều không lành về người thầy đầu tiên của mẹ. Người mẹ buông một câu với giọng hằn học, ít thấy:

- Cha con các người rất độc ác, lúc nào cũng tìm cách chế giễu người khác để mua vui.

Dứt lời người mẹ buông đũa đứng lên. Chồng con Tâm đều ngạc nhiên, riêng người đàn ông không chỉ ngạc nhiên mà còn tức giận, anh nói với các con : “Mẹ tụi bay càng già càng rắc rối”.

Con gái lớn chống chế:

- Chắc mẹ con mệt, ba đừng để ý!

Không ai biết chỉ vì hai tiếng “phu nhân”. Vì hai tiếng ấy nhắc Tâm…


MINH QUÂN


Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 234, ra ngày 1-5-1975 (chưa phát hành) 

NGÀY QUA (I) - Minh Quân


1.

Tâm với Kính là đôi bạn từ lúc mới lên bảy. Họ trải qua ba năm học đều đặn từ lớp Đồng ấu, lớp dự bị đến lớp sơ đẳng của trường làng Khánh Thiện. Họ không lấy gì làm thân nhau, bởi cả hai cùng ít lời nhau. Khi cả hai đậu sơ học yếu lược – phải vào tận Phan Thiết dự thi với học trò trường tỉnh – cả hai cùng đậu cao và cùng được học bổng tại đây. Hè đi qua, cha mẹ đôi bên tìm kiếm hơi khó khăn để có bạn đồng hành cho con gái đi nhập học. Cả làng Khánh Thiện chỉ có hai đứa con gái thi đậu và được học bổng, được tiếp tục học hành. Bao nhiêu trò khác đều ở lại lớp ba. Bên con trai cũng có vài đứa được cái vinh dự ấy. Ở một vùng hẻo lánh như vùng này, sự học không mấy cần thiết, nhất là đối với con gái cho nên nếu không được học bổng, chắc cả hai khó mà hòng đeo đuổi học hành tận tỉnh. Con đường Phan Thiết – Mũi Né tuy đã được hai cụ lớn: quan đầu tỉnh của Nam triều và vị công sứ Pháp khánh thành khá lâu trước đó nhưng trên thực tế, giao thông vẫn còn nhiều trắc trở, khó khăn. Cát lún quá sức cho nên xe kéo không chạy được. Người ta dùng hai cách : thuyền và bộ, dọc theo bãi biển. Ai có tiền thì đi cáng (là một thứ võng có mui như mui thuyền, hai bên che rèm, do hai phu khiêng, khách nằm trong võng lắc lư theo nhịp bước). Con đường thật ra chỉ dài trên 20 cây số, nhưng với đầu óc nhỏ bé của hai đứa thì quả thật diệu vợi, nghìn trùng. Cha mẹ đôi bên đều bận việc, họ không phải hạng người giàu có để có thể đưa con đi học như kiểu ông Hoàng trong truyện cổ. Huống chi mùa nhập học năm đó lại nhằm mùa cá rộ. Họ phải có mặt để đón cá làm nước mắm. Hai đứa con gái đâu đáng cho họ bận tâm hơn dãy thùng lều nằm chờ cá, muối? Nên sau cùng, hai bên cha mẹ đồng ý thuê chung một cái cáng kiểu đó để cho hai đứa đi du học. Kể ra như thế cũng là quá sang trọng và họ thuộc thành phần tiến bộ của làng, nếu không thì số phận của hai đứa là ở nhà, xếp sách lại, lo cá mắm. Con gái học nhiều làm chi, vô ích. Học nhiều chỉ tổ sẽ viết thư trai. Học tới Yếu lược là nhiều, nhiều lắm rồi. Chữ nghĩa không bao giờ giúp người ta no lòng như cá mắm, gạo thóc. Hai đứa không hẹn mà cùng tranh đấu dữ lắm, bởi chúng đều là học trò xuất sắc : Kính giỏi nhất một toán, hơn cả bọn con trai cùng lớp. Tâm thì giỏi luận văn và chính tả (mà hồi đó gọi là Rédaction Annamite và Dictée).

Tâm còn nhớ khi mặc cả, hai ông phu khiêng cáng đòi thêm tiền, cha mẹ hai đứa cùng đồng thanh nói:

- Thêm làm chi? Tụi nó đi học chớ phải đi buôn bán gì? Hai đứa con nít chưa tới 10 tuổi, nhẹ gọn như hai cái va ly nhỏ… Nếu mấy chú làm khó, thì để tụi nó đi bộ…

Họ chỉ dọa hai người phu cáng thôi, nhưng hai đứa hí hởn, xin:

- Dạ, để tụi con đi bộ, đi bộ cũng mau. Tụi con đi được!

Tức thì hai bên cha mẹ trừng mắt lên, nạt chúng:

- Con nít đừng có chen vô. Để người lớn tính công chuyện.

Một người phu trả lời thay bạn:

- Dạ, thì hai đứa nhỏ bằng hai cái va ly, nhẹ hều chớ sao, tụi tôi đâu có kêu nặng. Mà điều… mà điều hai cái va ly không có rục rịch, chớ tụi này thì… như hai con dòi, khó khiêng lắm.

Trời ơi! Hai đứa ngó nhau, cảm thấy bất bình hết sức, người ta thi đậu, có buộc đàng hoàng mà đem so sánh với hai con dòi, tức không? Con dòi thì danh giá chỗ nào đâu? Hôi hám, gớm ghiếc quá đi!

Sau cùng, giá cả xong xuôi, hai đứa được lên võng, nằm trở đầu giao chân với nhau, cười khúc khích, lên đường. Trong cái võng nhỏ hẹp đó, còn có thêm hai cái va ly, hành trang của chúng mà vẫn không chật chội gì. Nhờ con nước ròng vào buổi sáng, nên hai đứa không phải thức giấc từ khuya, chúng rất vững lòng. Khởi hành lúc trời vừa rựng sáng, chúng cảm thấy gần nhau, thấy hối hận đã không thân nhau sớm hơn, cùng hứa hẹn với nhau là sẽ đem vinh dự về cho làng Khánh Thiện. Và chúng chợt nhớ lại cái ngày hai vị quan lớn, một ông tây cao dễ sợ và một ông An nam hiền lành, mặc áo rộng có bông xanh to bằng cái bát ra tận trường làng, vò đầu chúng – vinh dự hiếm có – và còn đãi cả trường một bữa bún, cari, nước li-mô-nát sủi bọt, tê tê ở đầu lưỡi khi nhấp đến. Mấy ông làng khăn đóng áo dài mà phải trải chiếu trên thềm đình, dọn cho chúng ăn. Chúng cùng sắp hàng và đồng thanh hát bài ca ngợi công lao hai cụ, do một tác giả “dân vận” nào đó dựa vào điệu cũ đặt lời mới, khá hay ho.

Hai đứa nảy ra sáng kiến, cùng hát lại bài hát đó. Hát rằng:

- Muôn đội ơn lòng,
Hai cụ đồng tâm.
Mở con đường mới
Tiện nẻo giao thông
Phan thành – Khánh Thiện
Kìa là kìa ngày trước
Qua mùa nam khó nổi dùng ghe
Sự ra vào trăm bề bất tiện…

Đang hát ngon lành chúng chợt im. Kính đợi lâu không thấy bạn lên tiếng, bèn hỏi:

- Sao nữa?

- Tao quên rồi.

- Đồ ngu!

- Chớ mày giỏi sao không hát đi?

Chúng sắp giận nhau, song nghĩ rằng đường xa, mà kể từ đây chỉ có hai đứa nên chúng cảm thấy cần đoàn kết tốt hơn. Chúng nằm im, lắng tai. Biển lặng, tiếng rì rào từ xa vọng lại tai chúng. Tiếng bước chân của hai người phu sào sạo trên cát, có khi họ đi sát mé biển, dẵm nhằm vũng nước, kêu lên chanh chách vui tai. Trời đứng gió, hai tấm riềm hai bên võng vẫn phủ kín. Ủa, lạ chưa, người lớn làm như thể chúng là người đau yếu không bằng. Đột nhiên, hai đứa cùng thấy ngạt thở, tù túng, khó chịu. Hai đứa năn nỉ:

- Hai chú cho tụi tôi xuống đi bộ một chút đi! Tội nghiệp tụi tôi! Nóng quá!

- Không được! Cho tụi mày xuống rồi khi kêu mỏi chân làm sao lên lại? Phải đợi tới Rạng, có chỗ máng cáng đã.

- Nóng quá, tụi tôi chịu không nổi…

- Nằm ngon lành như vậy mà kêu chịu không nổi. Bày đặt! Cho tụi mày xuống rồi rủi ăn cướp tới làm sao?

- Ăn cướp gì ban ngày? Cho tụi tôi đi bộ, hai chú càng khỏe. Tụi tôi không mỏi chân đâu. Tụi tôi có thể đi tới Rạng luôn mà.

Hai người phu im lặng đi, không thèm trả lời, hai đứa tức mình càng rục rịch tợn. Sau cùng họ đành nhượng bộ. Không có chỗ máng cáng, họ ngồi thụp xuống hạ cáng cho chúng vén riềm, chui ra. Hai đứa sung sướng quá, cảm ơn và nhảy nhót như hai con chim mới sổ lồng. Hai người phu cáng nhìn nhau. Hình như họ cũng vui lây…

Nỗi sung sướng tràn ắp, khiến chúng chỉ mải lo thưởng thức gió mát, cảnh đẹp ở bờ biển mà không hề đặt câu hỏi vậy chớ con đường của hai cụ khánh thành nó ở đâu, sao chúng phải nằm lên cáng và phu khiêng chạy lúp xúp theo bờ biển. Theo lời hai người phu thì nhằm khi nước ròng còn đỡ, chớ nước lớn phải lên động cát đi, khổ lắm. Mặc dù vậy, chúng vẫn cảm thấy mang ơn hai cụ như thường. Chúng lại hát vang bài ca tụng công ơn hai cụ lớn.

Cứ chốc chốc, chúng lại phải chạy theo hai người phu. Họ đi mau quá, còn chúng thì vừa đi vừa hát hỏng, dừng lại bắt ốc, nghịch nước. Tâm hỏi Kính:

- Mày buồn không?

- Không. Mình đi học mà!

- Sao tao thấy trong cuốn quốc văn lớp ba tả cảnh biệt ly…

-Tại thằng ra đi đó lớn, nó mặc áo dài, không thấy sao?

- Ờ, đúng.

- Với lại nó đi ghe, đi ghe dám chết lắm chứ… còn tụi mình…

Hai đứa nhìn nhau, cười dài, sung sướng. Chúng đinh ninh sẽ còn cùng đi chung nhiều lần nữa, dịp hè về nhà, và cùng ra đi ngày nhập học. Chúng sẽ có nhau cho đến lớn… cho đến thành tài, đem vinh dự về cho làng xã.

Song nghịch cảnh đã chia rẽ chúng sau ba tháng học chung ở lớp nhì. Ngày Tâm rời Phan Thiết, nó khóc nhòe mắt, không tìm ra khuôn mặt quen thuộc của Kính trong đám học trò trường Nữ học lố nhố, mờ mờ trước mắt.

Ba mươi bảy năm qua.


Rất nhiều lần Tâm muốn tìm về làng cũ, nhưng lần nào cũng do dự, không làm được điều ao ước đó. Làm sao dám chắc rằng Kính vẫn còn ở lại làng? Biết đâu nó không thay tên, đổi họ – hay lấy tên chồng – biết đâu nó không theo chồng đến một chỗ khác, hay là nó chết đi rồi? Ba mươi bảy năm! Cả một thời gian dài dặc, đủ cho một đứa trẻ tượng hình, khôn lớn, lập gia đình và có con lớn hơn số tuổi của đôi bạn rời làng vào trường tỉnh, buổi sáng năm xưa… Làm sao Tâm đủ can đảm để lủi thủi quay về sau khi biết sự thật về con bạn bé bỏng ngày xưa?

Nhưng sau cùng, Tâm nhất định trở về tìm bạn. Thà biết rõ để buồn một lần còn hơn là vướng bận không nguôi. Tâm không dám đi một mình, Tâm rủ một người bạn cùng đi.

Lạ thay, ngần ấy tháng năm xa cách, Tâm vẫn nhận ra cảnh cũ, không thay đổi. Vẫn Rạng với vườn dừa xanh nghịt, vẫn bãi biển thoai thoải quen thuộc cũ. Vẫn đồi cát mênh mông. Có điều trong trí nhớ Tâm đồi cát khi xưa màu vàng chứ không phải màu gạch cua như bây giờ. Tâm cố gắng để khỏi kêu lên khi cái xe ì ạch đi ngang qua làng Thiện Khánh. Sao lại Thiện Khánh? Song Tâm yên lòng ngay nhờ câu nói : “Chưa tới Khánh Thiện đâu”. Cái xe vẫn ì ạch, khò khè tiến tới. Sau cùng, Tâm và người bạn xuống xe ở bến, vô chợ hỏi thăm. Tâm xúc động đến run lên khi đi ngang trường học cũ – giờ được xây cất khang trang nhưng vẫn là chỗ cũ – Tâm không đủ can đảm để hỏi thăm, không dám nhắc đến tên bạn mình. Tâm đẩy cô bạn tới trước và chọn một bà hàng vải cỡ trên 50 đoạn giục cô bạn hỏi thay mình. Cô bạn thoạt tiên ngạc nhiên, gặng:

- Sao lại là tôi hỏi mà không là chị? Cố nhân của chị mà! Coi kìa…

Nhưng khi nhìn sâu vào mắt Tâm, cô thấy vẻ bối rối của Tâm, không chỉ bối rối mà còn có sự khẩn thiết, lo lắng. Cô chợt hiểu : trong khi đi đường, hai người đã nhắc đến một cuốn truyện ngoại quốc. Vai chính, sau 24 năm ra xứ ngoài làm ăn, bặt tin vị hôn thê. Khi được trở về vội vã tìm ngay làng cũ, người cũ, thì chỉ còn tìm thấy nấm mộ và đứa con gái đã lớn bằng người cũ khi mình ra đi. Đó là chuyện nước ngoài, thanh bình, thịnh trị. Huống hồ là nước ta. Làm sao Tâm không bồn chồn, lo sợ chớ?

Tâm lùi lại, cắn môi, nghẹn thở, hồi hộp đợi, không chỉ lùi lại mà còn quay cả lưng lại nữa. Cả người Tâm nóng ran lên, cơ hồ bủn rủn cả tứ chi. Sao mà hai người chuyện trò dài dòng, lâu đến vậy? Tâm không thể chịu đựng nổi nữa đành quay sang và khi bắt gặp nụ cười tươi trên môi cô bạn trẻ, tận lúc đó Tâm mới bình tĩnh, thở phào nhẹ nhỏm.

Đúng như Tâm đoán, người bán vải trên tuổi 50 nên biết rõ về Kính (vả lại trong làng nhỏ, họ rất dễ biết nhau). Bà ta sốt sắng cho một đứa trẻ dẫn đường hai người khách lạ. Bà bảo nó:

- Đưa hai cô này tới nhà ông bà già cô Kính nghe, đừng tới nhà cổ, giờ này cổ không có ở nhà đâu.

Với Tâm đó là một phép mầu : Kính vẫn giữ cái tên cũ, cả tên lẫn họ và trong câu chuyện vắn tắt với bà hàng vải, Tâm được biết rõ về bạn mình : chồng biệt tích đã trên hai mươi năm, con trai lớn đã nhập ngũ, con gái nhỏ cũng tặng Kính chức bà ngoại, và Kính hiện nối nghiệp nhà.

Phút ngạc nhiên qua mau, hai người nhận ra nhau, mắt sáng lóe, tay nắm tay, họ nhận ra diện mạo có khác trước kia đôi chút, nhưng tâm hồn họ vẫn nguyên vẹn là tâm hồn hai đứa trẻ của ba mươi sáu năm trước không thay đổi. 10 phút sau đó, Kính lôi tuột bạn về nhà, bỏ mặc những gánh cá đang muối dở.

Một người đàn ông đi ngang trước mặt nhưng mải nói chuyện với bạn, cho đến khi người ấy đi qua, Kính mới chợt nhớ ra:

- Tâm, mày còn nhớ thằng Định không? Học cùng lớp mình đó…

- Định nào? Tao chỉ nhớ nhất là mày, kế đó là thằng Thuận, học giỏi ngang mày, rồi con Tiền, con Cúc…

- Coi, thằng Định… mà tụi mình ưa ngạo là Tô Định đó…

- À, Tô Định! Nhớ ra rồi. Nó đâu?

- Nó mới đi ngang trước mặt mình kìa, mà tao quên chỉ cho mày, thôi để…

- Thong thả, thong thả sẽ tìm tụi nó. Mày phải cảm ơn cô Hà, cô bạn trẻ của tao, cô đã giúp tao tìm đến mày đó, Kính ơi!


Chuyến đi dài, khó nhọc từ Sàigòn ra Phan Thiết rồi từ Phan Thiết lên cái xe cọc cạch, vừa rên vừa chạy trên con đường – đã khánh thành từ 37 năm qua, lúc Kính và Tâm còn nhỏ – hiện nay đang loang lỗ những ổ gà, làm cho Hà than phiền rằng 23 cây số của chặng cuối này còn vất vả hơn đoạn đường mấy trăm cây số từ Sàigòn ra Phan thiết. Giọng nửa đùa nửa thật, Hà ngáp dài sau bữa ăn trưa:

- Thôi, tôi đi ngủ. Hai người đang sung sướng, còn tôi, tôi quá lẻ loi. Tôi không thể có chỗ đứng giữa hai người.

Ngã lưng xuống cái ghế vải xanh vừa được đặt ngay dưới bóng mát của giàn hoa giấy, chỉ năm phút sau, cô bạn trẻ đã ngáy giòn. Tâm bảo bạn:

- Đó mới thật là một người sung sướng!

- Ủa, vậy chúng ta không sung sướng hay sao?

- Chúng ta ư? Cũng sung sướng chứ, ít nhất là hiện tại. Kính ơi! Mình mừng quá, không dám tưởng tượng đến sự thật hôm nay, phần nhiều tao chỉ gặp cái đẹp trong giấc ngủ.

- Tao cũng vậy… Này Tâm ơi! Mày có tưởng tượng được là tao sống một mình trong ngần ấy tháng năm, ngược xuôi trăm thứ việc, luôn luôn lo lắng…

- Ngọt bùi thiếp đã hiếu nam, dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân. Tao rất phục mày!

- Cóc khô! Vẫn giở thói văn hoa hồi lên chín! Tao làm gì dạy con đèn sách nổi! Tụi nó phải đến trường chứ! Nhưng tao nặng bổn phận hơn thiếu phụ trong chinh phụ ngâm vì còn phải lo lắng cho một đàn em và… và ông bà già khó tính lắm nghe. Mày thấy đó…

- Khỏi nhắc, tao thấy quá rõ rồi…

Tâm chợt nhớ đến cái cảnh buồn cười lúc Tâm và cô bạn trẻ vừa mới đến nhà cha mẹ Kính. Cái nhìn soi bói, nét mặt nghiêm nghị, lạnh lùng, dù Kính đã suýt soát tuổi 50 và hai người hỏi thăm con gái cụ cũng là phụ nữ mà hai cụ làm như con gái mới 15, còn hai kẻ lạ mặt  là hai tên sở khanh nổi tiếng. Họ phải vòng tay lại, lí nhí xin phép hai cụ để đi cùng Kính về nhà… của Kính như thể là đi đâu xa lắm.

Kính cười bảo bạn:

- Chưa đâu, tối nay mày phải xin phép ông bà, tao mới được phép qua đây ngủ lại với tụi mày.

- Ủa, vậy mày cất nhà riêng đây làm chi?

Tâm cao giọng hỏi. Kính cười:

- Thì cất… để đó, cho tụi nhỏ, còn tao thì chạy đi, chạy về. Tối phải ngủ bên đó.

- Được, tối tao với cô Hà sẽ qua xin. Thật là một sự tù túng dễ chịu!

- Mày biết không, nhiều khi bạn bè cứ chế giễu tao đã già đầu còn sợ cha mẹ nhưng… đâu phải sợ… ông bà già rồi, phải chìu ông bà, có phải không?

- Rất phải! – Tâm cười vui vẻ – có cha mẹ để chìu chuộng là một điều sung sướng… nhưng mà liệu mày có thể xin ông bà đi Sàigòn với tao không? Mày phải thấy các con tao, phải biết chồng tao, phải biết nhà tao. Tao có một cái nhà vừa phải, cái xe hơi vừa phải…

- Và một tài xế, một tên bếp…

- Ơ, không! Làm gì có tài xế, ba tụi nhỏ kiêm luôn chức vụ này. Bộ tưởng tao giàu lắm sao? Tao sẽ nói anh ấy chở mày đi chơi. Rồi chừng nào con đường Phan Thành – Khánh Thiện này hết ổ gà, tụi tao sẽ lái xe ra đây đón mày về trong đó, cho thiên hạ ngán.

- Thiên hạ đâu mà ngán? Có ba con cá mắm nó ngán.

- Ờ, thì cá mắm ngán. Chịu không? Tao nói thật, tao có nhiều bạn chớ, nhưng chỉ mình mày là bạn, thật sự là bạn từ lúc nhỏ. Mỗi người bạn có một giá trị riêng đối với mình, nhưng không bạn nào quí bằng bạn học từ khi mới đánh vần, đúng không?

- Đúng! Nhất là đối với tao. Vì người khác còn có bạn trên trung học, trên đại học, chớ kiểu tao với mày thì chỉ có bạn trường làng…

- Ủa, vậy ra mày cũng thôi học liền sau đó hay sao? Tao tưởng chỉ mình tao có số phận hẩm hiu thôi chớ?

- Mày thậm ngu, tụi mình một tuổi mà! Với lại nhà có mình tao là con gái, lại gái lớn, học hành chi nhiều? Phải về giúp đỡ cha mẹ già chớ?

- Phải! Con gái học nhiều chỉ viết thơ trai. Tao đồng ý. Chữ nghĩa đâu làm mình no? Cá mắm, gạo cơm mới làm mình no! Chí lý!

- Nhiều khi ta tủi thân hết sức. Đó mày coi, người ta thành lập hội Ái hữu trường này, hội ái hữu trường kia, mấy cựu học sinh, cựu sinh viên, người ta… Ngon lành nhất là trường nào có học trò làm lớn, trường đó có đông Ái Hữu. Người ta hội họp đông đủ, vui vẻ, nhộn nhịp. Còn tụi mình… chẳng lẽ xách mặt tới năn nỉ : “Cho tôi vô hội Ái hữu trường mấy anh chị với đi! Tôi thèm quá…” hay sao?

- Phải! Mình cũng có chút tự trọng tối thiểu chớ! Làm vậy nhục quá, mất danh tiếng trường Khánh Thiện của mình sao?

- Nhưng cũng có lối thoát, tao đang xúc tiến việc thành lập hội Ái hữu trường mình, nay có mày ra đây, tốt lắm! Ta sẽ kêu Tô Định tới họp liền chiều nay.

Đôi bạn túm vai nhau cười ngặt nghẽo, vô tư, sung sướng như hai đứa trẻ.

- Mày còn nhớ con Cúc há? Vui ghê há?

- Tao quên nó sao nổi? Có lần thầy lớp tư ra bài luận tả trận bóng tròn, nó cóp ở đâu của anh nó trong Phan Thiết, nó đọc lên làm tao thèm muốn chết, mà vì tự trọng, với lại coi như nó đại lý độc quyền mấy câu đó, mình mặt mũi nào sao chép lại, nhưng tới phiên mình nghĩ ra vài câu hay ho khi thầy bảo viết thư mời người bác họ ăn giỗ nhà mình, thì nó ăn cắp tức thì, trắng trợn, không chút dè dặt. Gần bốn chục năm mà tao vẫn nhớ…

- Đâu, đọc tao nghe coi, nếu mày còn nhớ!

Tâm dặng hắng đọc liền:

- “Người trọng tài thổi còi ra lệnh, hai bên chiến tướng dàn binh ra trận. Quả bóng tròn như một chiến lợi phẩm quí báu mà đôi bên chiến sĩ liều chết tranh giành. Tiếng hò reo trợ giúp chiến sĩ nhà từ các hàng ghế khán giả vang lên từng chập. Có những con tim như ngừng đập, có những cái chân như cùng chạy…” Quên rồi. Tức chưa? Cái gì mà “để bảo vệ màu cờ đồng đội…”

- Thật hay chớ hả mày?

- Quá hay! Còn bài mày nghĩ ra

- Không có gì đặc biệt, chỉ có mấy câu : Con xin kính mời bác vui lòng dời gót ngọc đến nhà ba con, dùng chén rượu lạt.” Suy nghĩ cả buổi mới được chừng đó mà đọc lên cho nó nghe là nó cóp liền, không do dự.

- Có một lần tao được tấm bảng danh dự mà vì người lớn không thèm chú ý nên tao sùng, đem vứt trong xó tủ. Nó tới chơi, kỳ kèo xin cho được. Tao hỏi nó xin làm gì? Vì tên mình chớ phải tên nó đâu? Mà mình với nó không thân mật tới cái mức nó quí mình, xin cái bằng chứng mình học giỏi về làm kỷ niệm?

- Mày cho không?

- Chớ để làm gì? Tao lý luận một mình : “Cất làm gì? Mình đã nhận nó rồi, cất hay bỏ nghĩa lý gì? Nó quí thì cho nó.” Mấy bữa sau, tao đi chợ ngang nhà nó, nó nhất định kéo tao vô nhà “cho coi cái này bí mật lắm” và đưa tao lại chỗ bàn học chỉ cho tao cái bảng danh dự đỏ chóe của tao, đang được lồng kính cẩn thận treo chễm chệ trên tường…

- Ý cha, nó quí mày dữ há?

- Quí cóc khô! Tên tao đã được tẩy xóa mất tăm, thay vào bốn chữ Huỳnh thị Thu Cúc rất đàng hoàng!

Lần này đôi bạn lại cười dài, cười bò trên bậc cửa, cười sặc sụa, ầm ỹ làm Hà đang ngáy cũng giật mình. Cô la lên:

- Hai bà bất lịch sự quá, để em ngủ chút coi!

- Chưa hết đâu. Khi mình đậu yếu lược, bữa trường tổ chức phát thưởng, tao được một cái khăn tay bằng vải phin trắng nõn, 5 cuốn vở Bảo Đại với 5 cây viết chì. Nó xoắn theo bên tao trên đường về, năn nỉ đổi cho được 5 cuốn vở Bảo Đại của tao. Nó nói : “Thôi mà, chị em mà! Vở Bảo Đại hay vở lông gà cũng vậy, cũng một trăm trang đâu có ít hơn”… Tao nói “Vậy thì mày đổi làm chi?” Nó lại năn nỉ : “Tao không được lảnh vở Bảo Đại má tao sẽ rầy, nói tao học dốt. Tội nghiệp tao mà” nó cứ theo bên mình nài nỉ hoài, tao chịu không nổi, nên tao đổi 5 vở Bảo Đại quí báu đó lấy 5 vở lông gà của nó. Nó cảm ơn lia lịa, nhưng đi một đoạn nữa, nó lại nói : “Trò được viết chì với khăn, tôi không có, cho tôi bớt vài cây viết chì đi! Chị em mà! Tao thấy cũng phải nên cho nó bớt hai cây viết chì, để lại ba cây thôi. Đến lượt cái khăn tay. Nó nói “khăn mù soa đem xui xẻo tới cho mình, cho tao đi!” Con nhỏ mới tham lam làm sao! Tao ghét, không, phải nói là tao khinh hết sức, nhưng nó cứ tỉnh bơ, lẽo đẽo theo bên mình. Nói đổi chiến thuật : “Hay là mày cho tao mượn cái khăn, tao đem về nhà cho ba má thấy rồi bữa nào mày đi học Phan Thiết, tao trả!”

- Rồi sao? Mày cho mượn không?

- Làm sao từ chối nổi? Có điều nó không bao giờ trả, tao cũng biết vậy.

Khi nó cầm khăn, vở, giấy đi rồi, tao chỉ còn biết tự an ủi : “Miễn là mình đã nhận được, đó là phần thưởng của mình chớ đâu phải của nó” và rồi tao tỉnh ngộ, chợt nhớ những lần nó có tiền mua bánh tráng, mắm ruốc, mua me, mua ổi thì không bao giờ nó chị em với mình cả…

- Phải, không bao giờ! Đừng tưởng chỉ mình mày là nạn nhân của con quỷ Cúc. Có lần nó mượn tao một xu! Cả năm ròng mới có được một xu. Tưởng tượng đi Tâm! Một xu chứ thường thường thì chỉ được một vài đồng điếu hay nửa xu là nhiều rồi. Bữa đó được nhiều cá, ba tao vui nên cho tao trọn một xu. Tao không ăn quà, cứ ngắm nghía hoài rồi sau cùng lấy dây lưng xâu đồng xu vô. Được hai ba ngày gì đó, con Cúc thấy, vậy là nó mượn. Cả tuần sau tao mới dám đòi, nó cười cười : “Thôi mà, chị em mà” mất trọn cả một xu, một gia tài to lớn của tao chớ ít ỏi gì?

- Một xu hồi đó giá trị bao nhiêu so với bây giờ, hả Kính?

- Không thể nhớ rõ, tao chỉ nhớ có thể mua được hai hay ba cuốn vở lông gà 100 trang. To ghê không?

- Còn phải nói, quá to, mà nhà mình thì nghèo. Ủa, vậy chớ thằng cháu tao đi đâu rồi? Mình mải nói chuyện, quên nó đi chớ!

Chợt nhớ ra thằng con bạn vắng mặt, Tâm hỏi.

- À, nó đi mua cuốn phim. Nó nói để mua phim về chụp hình cho dì, quên sao?

- Phải! Tốt lắm. Tao sẽ chụp hình với mày, ngay trước trường mình, phải canh sao cho rõ ba chữ Trường Khánh Thiện. Tao sẽ gởi hình đi khắp cho thiên hạ lác mắt…

- Đăng báo không?

- Bậy, đăng báo làm chi? Tao gởi cho các bạn sau nầy của tao chớ…

Câu chuyện lại lùi về quá khứ, của năm 1936, 37 xa lắc, xa lơ. Về các thầy giáo của họ, về con các thầy. Nào V.A.K. trở thành thi sĩ và đi kháng chiến chết năm 1949. Nào T. làm bé một nhà giàu to, hiện sang lào, con nó đi học bên Mỹ bên Tây. Nào Cúc lấy chồng sĩ quan và vẫn luôn luôn là con Cúc của trường làng Khánh Thiện. Chắc chắn là nó vẫn xóa tên người khác trên bảng danh dự họ mà thay tên nó vào, đổi vở lông gà lấy vở Bảo Đại, mượn tiền và khăn để không bao giờ trả cho khổ chủ. Bây giờ chắc nó hết huênh hoang về cái xe hơi đít vịt (tức Ford) mà khoe khoang xe Mercedès hay Fiat gì gì đó.

Đột nhiên Tâm và Kính cùng im lặng nhìn nhau, khóe mắt họ sáng ngời niềm thích thú và hãnh diện. Điều họ sung sướng nhất là sau ba mươi bảy năm cách biệt họ lại được gặp nhau, cả hai đều có cuộc sống thuần lương, không sang cả chi nhưng cũng không nghèo khổ, họ giữ được bản sắc, truyền thống cũ. Chao ơi! Nếu trong hai đứa có nếp sống như con bạn cũ có tên loài hoa đẹp đó, liệu người còn lại sẽ ra sao?

Đột nhiên, Tâm tuyên bố:

- Tao muốn tìm thăm các thầy.

- Chà! Carnot về làng cũ! Một nữ Carnot!

Tâm đỏ mặt, đấm vào lưng bạn thùm thụp (vậy ra Kính cũng còn nhớ mộng ước của Tâm ư? Chao, mộng ước của đứa học trò lên 9! Lúc đó Tâm luôn tuyên bố với các bạn đồng học là mình sẽ trở thành một Carnot, nhưng còn hơn cả Carnot trong sách giáo khoa thư lớp tư, Tâm sẽ mang về biếu thầy vô số quà quý giá : một áo dài xuyến đen, một quần vải ba ga trắng và đôi giày hạ. “Tao sẽ không bao giờ để thầy mang đôi guốc mòn hơn lưỡi dao với cái áo xuyến trở màu mông mốc nữa. Thầy của Carnot mà!”

Các bạn bu quanh Tâm hỏi cách phục sức của Tâm khi về làng. Tâm trầm ngâm một giây rồi dõng dạc trả lời:

- Tao sẽ mặc binh phục đỏ, mang ghệt đàng hoàng. Tao sẽ cỡi ngựa ô, cho tụi mày hay…

Khá ngắt lời Tâm:

- Ủa, vậy mày không đi cáng sao? Hay đi thuyền, thuyền rồng cũng ngon lắm chớ?

Mày tưởng tao là thứ gì mà đi thuyền? Tao ghét thuyền bè, say sóng lắm. Còn đi cáng thì yếu chết đi. Không, tao sẽ cỡi ngựa. Tụi mày sẽ thấy!)

Kính la lên:

- Coi, sao đánh người ta? Không phải mày xưng là Carnot sao?

- Thôi, đừng giỡn, chỉ chỗ các thầy ở cho tao. Mau lên!

- Đừng nóng, bạn! Bạn quên rằng Carnot đến thăm thầy tại trường sao? (Kính nghiêm giọng lại) nói chơi chớ thầy L. về Huế từ lâu, thầy Đ. Mất rồi, còn thầy T. thì…

Kính ngừng lại nửa chừng làm Tâm nóng nảy hỏi dồn:

- Thầy T. thì sao? Hả? Bộ thầy T…

Tâm ngừng bặt, tuy muốn hỏi “thầy cũng chết rồi ư?” nhưng nghẹn ngào thốt không ra tiếng, dáng bộ bối rối làm Kính bật cười:

- Yên chí lớn, thầy chưa chết, thầy còn đợi mày về thăm đó, Carnot ơi!

Tâm như không để ý giọng pha trò của bạn, hấp tấp đứng lên, kéo tay Kính:

- Đi! Đưa tao tới nhà thầy ngay, tao muốn thăm thầy!

- Nắng chết! Giờ này mà thăm viếng cái gì.

Kính vẫn ỡm ờ làm Tâm càng sốt ruột, giục giã, một hai đến nhà thầy cho bằng được. Sau cùng Tâm đủng đỉnh khai ra:

- Thầy ở đâu đây mà gấp, thầy ở trong Phan Thiết kia, mày ơi!

- Vậy thì tao đi Phan Thiết liền bây giờ.

- Đừng có điên, ở chơi vài ngày rồi tao sẽ đưa đi.

Cãi qua cãi lại một hồi, họ đi đến quyết định là Tâm chỉ ở lại một đêm. Sáng hôm sau đi Phan Thiết liền. Tâm nôn nả quá nên không thể ở lâu hơn. Kính đã ghi địa chỉ, Tâm có thể tìm đến. Kính viện đủ cớ để lưu bạn lại : nào biển đẹp, nào cá tươi, nào con trai Kính đã cho Tô Định hay có Tâm về và Định hẹn sẽ đến nhà Kính v.v… Giọng cương quyết, Tâm tuyên bố:

- Được rồi! Gác hết mọi cái lại. Tô Định cũng sẽ gặp sau. Tao về đây cốt để gặp mày, giờ được gặp rồi. Tao phải tìm thầy. Tao sẽ trở lại đây… Sẽ gặp cá tươi, biển đẹp, Tô Định cũ.


2.
 
Một năm hơn đã qua, Tâm mới thực hiện được lời hứa trở lại của mình. Tâm không cần ai hướng dẫn nữa. Lần này không phải mục đích tìm thăm bạn mà là chạy trốn Sài Gòn. Lần đầu tiên về đây, niềm vui choán rợp lấy tâm hồn, Tâm không thì giờ đâu mà ngắm cảnh. Bây giờ đây, tuy cả năm qua họ gặp nhau vài bận tại Sài Gòn, nhưng Kính thì vào để bán nước mắm, còn Tâm thì bận việc nhà và dù Tâm đã làm cơm xong, đón Kính về nhà, nhưng Kính chỉ đi vòng từ nhà trên xuống nhà dưới, ra sân, vào bếp, chờ nhìn đủ mặt các con, gặp chồng bạn một lát rồi vợ chồng Tâm phải đưa Kính lên Chợ Lớn. “Cần gì ăn uống? Sai Gòn không phải chỗ để tâm sự, chuyện trò. Sài Gòn là chỗ làm việc, giao thiệp, mua bán. Hãy ra ngoài đó. Tao đợi mày ra! Tao vô đây thì giờ ít lắm, hễ xong việc là về ngay kẻo ba mẹ đợi, hiểu cho tao” Kính nói.

_________________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 233, ra ngày 1-4-1975)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com