Thứ Ba, 31 tháng 1, 2017

XUÂN KIÊU DŨNG - Nguyễn Thái Hải





















Một mùa xuân xưa
Kỷ Dậu
Giữa mờ sáng mồng năm
Tiếng pháo lệnh nổ ầm
Ta như dòng nước mạnh
Giăng tỏa vạn sóng thần

Giặc Thanh
Thây nằm như rơm rạ
Máu chảy ngập ruộng đồng
Sĩ Nghị kia hối hả
Mình một ngựa ruổi giong

Anh hùng ta
Thuốc súng đen giáp trận
Trên voi như thiên thần
Lệnh truyền quân lướt tiến
Đuổi tan lũ ngoại xâm

Chiến sĩ ta
Một đoàn quân kiêu dũng
Nung nấu chí uất hờn
Giặc là mồi gươm súng
Giặc là cỏ dưới chân

Mùa xuân xưa
Oai hùng mùa xuân xưa
Oai hùng mùa chiến thắng
Pháo lệnh ta
Át pháo mừng xuân giặc
Lệnh tiến ta
Át tiếng cười ngoại xâm
Gươm súng ta
Thấm đỏ máu ác tặc
Anh hùng ta
Làm rạng giống Tiên Rồng!

              NGUYỄN THÁI HẢI

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 232, số Tân Niên, ra ngày 1-3-1975)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

NHỚ MÙA XUÂN XƯA - Quốc Hùng













Trời đã giao thừa, xuân đã sang
Chính khí dâng lên vụt ngập tràn
Khói hương mờ bốc hồn xuân cũ
Hoa đèn gương mặt trẻ nghiêm trang.

Cụ già nhăn nét, run tay hương
… Bỗng nghe dồn dập, động mười phương
Sao niềm thương thoắt tràn thân thể
Ô hay! Cảnh sắc đẹp lạ thường

Ngựa hí, quân reo, nghìn hơi thép
Chiến bào loang nắng đẹp trời xuân
Bạch tượng vung vòi không khép nép
Muôn tay rắn chắc, mặt oai hùng.

Sóng ồ ạt sóng người dân Nam
Gió rít hộ phù bước quân Nam
Bàn tay nắm chặt, thù tan rã
Thăng Long đạn réo đợi khải hoàn.

Vào giữa đoạn đường hùng sử ca
Cảm kích ta thề non nước ta
Bước đi thật chắc và xây dựng
Mơ ngày sông núi đẹp mùa hoa.

                                    QUỐC HÙNG

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Mậu Thân, 1968)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

MÙA XUÂN NGUYỄN HUỆ - Nhật Tiến

KỊCH LỬA TRẠI


NHÂN VẬT THEO THỨ TỰ TỪNG MÀN

MÀN I :

– Thầy Khóa
– Vợ Thầy Khóa
– Toán lính Mãn Thanh (từ 3 đến 5 người)

MÀN II :

– Quang Trung Hoàng Đế
– La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp
– 2 Võ Tướng
– 4 lính hầu
– 1 lính gọi loa
– Quân Quang Trung (càng đông càng tốt, 3 người họp thành một tổ, mỗi tổ có 2 người khiêng võng cho một người)

MÀN III :

– Tôn Sĩ Nghị
– 2 Tướng Mãn Thanh
– Lê Quýnh
– 2 người dân Việt
– 2 lính hầu
– 2 lính thám báo

MÀN THỨ NHẤT
(Xảy ra tại kinh thành Thăng Long)

(Bắt đầu vở kịch, thầy khóa đang ngồi đọc sách ở cạnh án thư, vợ thầy khóa ngồi may vá ở gần đó. Ánh nến leo lét, chập chờn)

TIẾNG HẬU TRƯỜNG : Mùa hạ năm Đinh Mùi (1787), vâng mật chỉ của Lê Chiêu Thống, Ngự sử Trần Danh Án cải trang làm lái buôn đi lọt qua biên ải để sang đất Mãn Thanh xin cầu viện. Cuối thu năm Mậu Thân (1788), Tổng Đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cầm đầu 20 vạn quân rầm rộ tiến vào Thăng Long, ào ào như thác lũ, thế dữ như hùm beo. Tình cảnh nhân dân xứ Bắc lúc đó thật vô cùng khốn khổ. Luôn mấy năm mất mùa, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, có người phải đào củ chuối ăn thay cơm, luộc cỏ ăn thay cháo, nay lại thêm 20 vạn hùm beo xứ Bắc đổ xuống, đi đến đâu cũng cướp bóc giết người, oán khí ngùn ngụt bốc tỏa trời Nam, tiếng dân ta thán che mờ hai vầng Nhật Nguyệt…

(Trống chiêng nổi lên rộn rã kèm theo tiếng người hò reo ồn ào, hỗn loạn).

VỢ THẦY KHÓA : (buông rổ khâu, chạy lại phía cửa nghe ngóng rồi quay vào) Khổ quá! Thật sống ở kinh đô mà như nằm ở trên dầu sôi lửa bỏng. Nay nó cướp phá chỗ này, mai nó giết chỗ kia. Rồi không biết đến khi nào đến lượt mình đây.

THẦY KHÓA : (thở dài, buông sách ngồi trầm ngâm, một lát) Tình cảnh này thì đến phải bỏ Thăng Long mà về Kinh Bắc thôi. Ở đây thì lợi về cái mặt học hành thi cử đấy, nhưng… đất nước loạn ly, dân tình khổ ải, quê hương chịu muôn cảnh đau thương tàn phá, nói ra sợ mình buồn, chứ cả tháng nay tôi đọc sách thánh hiền mà như thấy muôn ngàn cảnh ngang trái, nhẩy múa trên từng hàng chữ, như thấy những ý tưởng cao siêu của tiền nhân biến thành muôn ngàn dao sắc cứa xé tâm can. (đập quyển sách xuống bàn) Thôi tôi quyết rồi. Thân làm trai nam nhi mà ngồi yên đọc sách lúc nước nhà nguy biến thì soi gương thấy hổ thẹn, khoanh tay ngồi nhìn đồng bào lầm than khổ ải thì ra đường không dám ngẩng mặt nhìn ai. Bọn hàng thần lơ láo nhà Lê đã cam đành thân phận trâu chó dưới gót giặc, há mình cũng ngồi yên để đành phận tôi đòi ngoại bang phương Bắc sao?

VỢ THẦY KHÓA : (xua tay) Chết! Chết! Mình ăn nói phải nên giữ lấy lời. Quanh đây có biết bao nhiêu là tai mắt của bè lũ nhà Thanh. Xẩy mồm xẩy miệng chẳng ích gì mà mang họa đến thân.

THẦY KHÓA : (hậm hực) Nhưng tức lắm không thể nhịn được.

VỢ THẦY KHÓA : Thời buổi này cái thân phải giữ lấy làm trọng. Nếu chưa có hoàn cảnh đem tài năng ra thi thố thì thà nhắm mắt bịt tai, chịu thu mình nhỏ lại mà đọc sách chờ thời còn hơn là tức khí nói răm ba câu chẳng ích gì mà uổng đến tính mạng một cách vô ích.

THẦY KHÓA : Thời cơ! Cứ ngồi khoanh tay mà chờ đợi thời cơ thì thân này tàn, chí này nhụt mà đất nước này cũng đành tiêu diệt dưới gót giầy của lũ sài lang. Nay ở đàng trong tôi nghe thế lực của Bắc Bình Vương mỗi ngày một thêm lừng lẫy, anh hùng hào kiệt bốn phương qui tụ về đó rất đông. Chẳng chóng thì chầy thế nào Vương cũng đem quân ra Bắc để giải ách thống trị nhục nhã này cho quốc gia, dân tộc. Tôi tuy tài hèn sức mọn nhưng thiết tưởng bổn phận của bất cứ người trai thời loạn nào cũng là phải đóng góp cái phần nhỏ mọn của mình vào Đại Nghĩa… (im lặng)… Mình nghĩ sao…

VỢ THẦY KHÓA : Vậy mình tính vô miền trong thật đó sao?…

THẦY KHÓA : Tôi đã suy tính kỹ càng. Chẳng còn cách nào khác để thoát khỏi kiếp sống tôi đòi, khốn khổ này…

VỢ THẦY KHÓA : (thở dài) Chí mình đã quyết, tôi cũng chẳng dám can ngăn. Hiềm nỗi mình đi rồi, tôi thân gái một mình, bơ vơ biết chỗ nào nương tựa!

THẦY KHÓA : Vì thế tôi mới bàn rằng mình tạm lánh qua Kinh Bắc tìm nơi nương náu. Đến lúc mình chắc chắn có chỗ an thân rồi thì tôi sẽ kiếm cách vô Nam. Ở đây bè lũ Mãn Thanh như bầy lang sói, thân sống trên đất nước quê hương mà không khác gì kiếp cá chậu chim lồng, sống chết không biết lúc nào, thật là đáng căm giận…

(có tiếng đập cửa cấp bách và tiếng ồn ào)

VỢ THẦY KHÓA : Chết! Cái gì thế mình? (Tiếng quân Mãn Thanh : Mổ cở, mổ cở, mau lên)

THẦY KHÓA : Quân Mãn Thanh! Thôi, tai họa đã xẩy ra đến với gia đình ta rồi… (cánh cửa bật tung và quân Mãn Thanh ùa vào).

Quân Mãn Thanh I, II, III : Ha ha… Tàn pà… tàn pà… hẩu lớ… xinh lớ… tốt lớ… (một tên xông lại toan ôm chầm lấy vợ thầy khóa)

THẦY KHÓA : (quát) Quân cẩu trệ chớ làm càn! (lôi vợ lùi về phía sau mình)

Quân Mãn Thanh I : Hà… Cái lị muốn chít hả… (xông lại định gạt thầy khóa ra)

THẦY KHÓA : (đẩy vợ chạy vào nhà trong rồi hét lên) Ngừng tay lại quân súc sinh. Tao dù yếu đuối cũng thề chết với chúng mày (lật chiếu lên rút ra một thanh gươm)

(Quân Mãn Thanh rút đao ra, ẩu đả hỗn loạn, một lát thầy khóa bị đâm chết)

Quân Mãn Thanh I : Tâu giồi… Cái tin tàn pà chại tâu giồi… (xông vào tìm, bỗng rú lên thất thanh)

(Theo tay chỉ của tên Mãn Thanh I, cả bọn cùng nhìn lên và cùng thất thanh kéo nhau bỏ chạy)

(Vợ thầy khóa đã thắt cổ tự vận, xác treo ở trên xà gỗ gần đó).


MÀN THỨ NHÌ
(Kịch xẩy ra tại Bàn Sơn, nơi Quang Trung lên ngôi Hoàng Đế)

TIẾNG HẬU TRƯỜNG: Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788) thể theo lời yêu cầu của ba quân, Bắc Bình Vương lập đàn Nam Giao ở Bàn Sơn, phía Nam núi Ngự Bình để tế cáo trời đất rồi làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng Đế lấy niên hiệu là Quang Trung nguyên niên. Ngày 29, Hoàng Đế thúc quân ra tới Nghệ An để chiêu mộ thêm binh mã. Trong vòng không đầy 10 ngày, dân chúng nô nức tình nguyện đầu quân, tổng cộng trên mười vạn người. Ngày 15 tháng chạp, trước toàn thể ba quân, dưới ánh sáng rực rỡ của muôn ngàn ánh đuốc soi tỏ cả một góc trời Nam (Đuốc thắp sáng vòng quanh lửa trại), giữa muôn ngàn tấm lòng sôi sục một hai thề liều chết vì non sông tổ quốc, Quang Trung Hoàng Đế xuất hiện trước ba quân để làm lễ xuất quân (chiêng trống rộn rã)

LÍNH GỌI LOA : Ba quân chú ý! Ba quân chú ý! Hoàng Đế giáng lâm! Hoàng Đế giáng lâm!...

(4 lính cầm đuốc chạy lên kỳ đài. Hai võ tướng tiến lên trước đứng hai bên. Hoàng Đế tiến lên sau, chiêng trống lại nổi lên rộn rã trong tiếng tung hô : Vạn tuế… Vạn vạn tuế…)

LÍNH HẦU : (chạy vào quì) Muôn tâu Hoàng Đế… Có La Sơn Phu Tử xin bệ kiến.

QUANG TRUNG : Cho mời vào…

LA SƠN PHU TỬ : Ẩn sĩ núi La Sơn vâng chiếu chỉ xin ra mắt Hoàng Đế…

QUANG TRUNG : Tiên Sinh khá bình thân. Trẫm sở dĩ triệu Tiên Sinh tới đây hôm nay là cốt để cùng Tiên Sinh họp bàn việc quốc gia đại sự. Nay trẫm muốn đem quân ra đánh gấp Bắc Hà, việc đó nên chăng?

LA SƠN PHU TỬ : Quân Thanh tuy đông và mạnh, nhưng ỷ thế làm càn, dân chúng càng ngày càng thêm oán thán. Lại thêm Sĩ Nghị kéo quân qua đây, chẳng đánh mà cũng chiếm được Thăng Long, hàng thần nhà Lê thì lơ láo cam phận tôi đòi, khiến quân tướng nhà Thanh kiêu càng sinh kiêu, khinh bỉ người Nam lại càng thêm khinh bỉ, do đó tất chẳng đề phòng. Nay Chúa Thượng đem quân ra đánh gấp, lòng dân đã có, thế giặc lại đang chểnh mảng, trên hợp ý trời, dưới hợp lòng dân, tôi chắc chỉ trong vòng mười ngày là chiếm được đất Thăng Long.

QUANG TRUNG : Lời của Tiên Sinh thật hợp với ý của ta. Đêm nay ta ra lệnh xuất quân vội vã cũng là do cái dụng ý đó…

LA SƠN PHU TỬ : (bái tạ lui ra).

QUANG TRUNG : Hỡi ba quân! (Hậu trường dạ ran) Trong vòng trời đất, chia theo phận sao Dực, sao Ngưu, Nam phương và Bắc phương vẫn riêng một non sông. Người Mãn Thanh không phải nòi giống ta, tất là khác lạ. Nay 20 vạn quân Thanh ùn ùn kéo qua Thăng Long, đi đến đâu cũng vơ vét của cải cho đầy túi tham, giết người như ngóe cho thỏa lòng dạ sài lang, hỏi ai là người nước Nam mà không căm phẫn, hỏi ai là con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo mà không thấy lòng sôi sục hờn căm. Vậy muốn trừ cái ách cho cả dân, cả nước chúng ta có đồng lòng đánh đuổi quân Tàu hay không? (tất cả hậu trường : ĐỒNG LÒNG) Ta mang quân ra Bắc chuyến này để trừ cái họa cho dân cho nước. Các quân sĩ muốn mưu cuộc thắng bại phải cùng với ta một lòng. Nếu kẻ nào không tận tâm chiến đấu hoặc ăn ở hai lòng thì lập tức chém đầu để nghiêm quân lệnh. (Toàn thể hậu trường : XIN TUÂN LỆNH). Ta với ba quân năm nay không ăn tết theo định kỳ. Mồng bẩy tháng giêng ta sẽ vào thành Thăng Long ăn tiệc khai hạ. Quân sĩ có đồng lòng với ta như thế không? (Toàn thể hậu trường : ĐỒNG LÒNG) Vậy chúng ta lên đường. Ba người họp thành một tổ, thay phiên mà võng nhau. Ta hẹn cho trong vòng năm ngày phải ra tới đất Bắc để đánh vào Thăng Long!

(Toàn thể hậu trường đồng ca bài VUA QUANG TRUNG. Trong khi ấy, quân Quang Trung từng tốp 3 người khiêng võng, cáng đi vòng quanh đống lửa nhiều lần cho đến khi bài hát chấm dứt…)


MÀN THỨ BA
(Cảnh tư dinh của TÔN SĨ NGHỊ)

TIẾNG HẬU TRƯỜNG : Ngày mồng ba tết năm Kỷ Dậu (1789), kinh đô Thăng Long tiếng pháo mừng xuân chen lẫn tiếng súng. Trong lúc muôn vạn hùng binh của Quang Trung Hoàng Đế vượt mọi gian nan trèo đèo lội suối từ Nam tiến ra Bắc thế mạnh như thác đổ, thì 20 vạn quân Thanh say sưa cùng rượu nồng dê béo.

TÔN SĨ NGHỊ : (lảo đảo bước vào, theo sau là tướng sĩ hầu) Vui lắm, say lắm, hảo a…

CHÚNG TƯỚNG : Tướng công say rồi, xin tướng công về trướng an nghỉ.

LÊ QUÝNH : Phải vậy đó. Xin Tướng Công hãy tạm dừng cuộc vui đến ngày mai. Bên triều đình An Nam chúng tôi còn dành rất nhiều thú vui để giải sầu cho Tướng Công mong bù đắp cho Tướng Công cái sầu của kẻ mùa xuân lữ thứ…

TÔN SĨ NGHỊ : Hay lắm! Hay lắm! Khá khen cho vua tôi nhà Lê biết ăn ở trung hậu, nhớ ơn quân sĩ nhà Đại Mãn Thanh phải vất vả, khó nhọc rời xứ sở qua đây để gìn giữ an ninh giùm cho đất Việt. Vậy thì còn gì vui nữa cứ bầy ra đây cho ta thưởng thức. Ta chưa say mà… (chập choạng) Ui cha…

LÊ QUÝNH : (săn đón) Đó… Tướng Công say thật rồi.., Để tôi xin dìu Tướng Công vô an nghỉ (quì xuống định cởi giầy cho Tôn Sĩ Nghị)

TÔN SĨ NGHỊ : (đạp vào mặt Lê Quýnh) Đã bảo ta không say. Đồ cẩu trệ, hãy mau mau bầy trò ra cho ta giải trí bằng không thì mất đầu bây giờ…

LÊ QUÝNH : (líu lưỡi) Dạ… Dạ… có ngay… có ngay… (lồm cồm bò dậy, quát) Bay đâu… Truyền đem đèn nến đốt thêm cho sáng tựa ban ngày để Tướng Công thưởng thức trò vui cho rõ ràng đa… (hậu trường DẠ ran)

TÔN SĨ NGHỊ : Tốt lắm! Tốt lắm!...

Người dân Việt I : (đội đèn đi vào)

TÔN SĨ NGHỊ : Hà hà… Trò gì đây? Nhà ngươi biết làm cái trò gì?

LÊ QUÝNH : Thưa Tướng Công. Mụ này chỉ xứng đáng cái chân đội đèn cho Tướng Công nhìn rõ mà thôi.

TÔN SĨ NGHỊ : Uổng quá. Người đẹp như vậy mà đội đèn thì uổng quá!

LÊ QUÝNH : (cười ha hả đắc chí) Vậy là Tướng Công chưa có biết giá trị của người An Nam chúng tôi. Còn nhiều, con gái nước tôi còn đẹp hơn thế này nhiều. Xin Tướng Công cứ bình tâm, có sá chi cái thân phận tôi đòi chỉ đáng đội đèn, xách nước này…

TÔN SĨ NGHỊ : (sung sướng cười) Khen!... Khen cho nhà ngươi thật xứng bậc trung thần của nhà vua họ Lê. Nay mai Chiêu Thống sang chầu, ngươi nhớ nhắc ta đề nghị ban thưởng và thăng chức cho, nghe!...

LÊ QUÝNH : (quì mọp xuống chân Tôn Sĩ Nghị) Kẻ bầy tôi trung thành xin muôn vàn cảm tạ công đức trời bể của Tướng Công, kẻ hèn này xin ghi tâm khắc cốt…

TÔN SĨ NGHỊ : (đạp Lê Quýnh ngã ngửa ra) Thôi! Lẹ lên đi! Có trò vui gì thì mau bầy ra, kẻo thì giờ là vàng bạc, chơi Xuân đi không Chúa Xuân chóng già…

LÊ QUÝNH : (lồm cồm bò dậy) Bay đâu… Hãy đem thêm đồ rượu thịt vào đây, để Tướng Công vừa nhắm vừa thưởng thức trò vui của bầy tiên nữ An Nam sắp sửa trình diễn…

Người dân Việt II : (đội mâm rượu thịt đi vào) Xin Tướng Công hãy dùng thêm rượu…

(Bỗng có tiếng chiêng trống, thanh la nổi lên ồn ào)

TÔN SĨ NGHỊ : Cái gì thế?...

Tướng Tàu I : Thưa Tướng Công, đó là dân chúng vui mừng đón xuân sang. Suốt ba ngày hôm nay, không lúc nào là kinh đô ngớt tiếng pháo…

TÔN SĨ NGHỊ : Hay lắm! Cho chúng nó vui đi, nô đùa thỏa thích đi, để thấy dưới quyền chăm sóc của ta, trăm họ được hưởng thái bình… (quay sang Lê Quýnh) Đâu… Còn tiên nữ An Nam của nhà ngươi đâu, sao không thấy chúng nó vào đây cho ta thưởng lãm?…

LÊ QUÝNH : Đêm còn dài, thời gian đối với Tướng Công còn vô tận. Xin hãy cạn chén rượu nồng này để cho chúng nó sửa soạn kỹ càng trước khi ra mắt Tướng Công.

TÔN SĨ NGHỊ : (cầm lấy ly rượu ngửa cổ uống một hơi) Thôi đấy nhé… Ta say lắm rồi. Ta say lắm rồi… (chiêng trống lại nổi lên ầm ĩ xen lẫn với tiếng reo hò) Ủa chúng nó làm gì mà huyên náo thế kia… Chúng bay ra coi thử xem có chuyện gì…

Lính thám báo I : (chạy sộc vào) Chí nguy… Chí nguy…

TÔN SĨ NGHỊ : Cái gì?… Ai cho nhà ngươi tự tiện vào đây?…

Lính thám báo I : Thưa Tướng Công… chí nguy… quân… quân… nhà…

TÔN SĨ NGHỊ : (quát lên) Đồ súc sinh hèn nhát. Có nói thẳng cho ta nghe không hay muốn mất đầu. Đại hùng binh Mãn Thanh có một tên yếu đuối như nhà ngươi thật là nhục nhã…

Lính thám báo I : Dạ… thư… ưa… Tướng Công… Công tôôôi… xin… xi… in nói… Quân… quân…

TÔN SĨ NGHỊ : Bay đâu! Đem chém thằng này cho ta… (lính dạ ran, xông lại xách cổ tên lính thám báo lôi đi)

Lính thám báo I : (líu lưỡi) Thưa… thưa… Tư… ớng… Công… quân… (bị kéo đi vào hậu trường. Trong hậu trường có tiếng hô CHÉM! Tiếng lính thám báo kêu ÔI CHAO! Một lát tướng Thanh vào báo : Tuân mệnh Tướng Công, tên đó đã bị chém đầu)

Lính thám báo II : (hớt hải chạy vào) Chí nguy! Chí nguy!...

TÔN SĨ NGHỊ : Lại mày nữa. Có điều gì hãy nói cho rõ ràng. Lúng túng một câu ta chém chết…

Lính thám báo II : Thưa Tướng Công, lửa cháy khắp kinh thành… quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ cầm đầu tràn vào vô số. Đề đốc Hứa Thế Hanh chết trận ở Văn Điển, Thái Thú Sầm Nghi Đống thắt cổ tự vẫn ở Gò Đống Đa… (trong hậu trường nổi lên tiếng thanh la, chiêng trống và những tiếng hô : TIẾN! TIẾN! SÁT! SÁT!)

Toàn thể hậu trường đồng ca bài VUA QUANG TRUNG. Trong khi ấy Tôn Sĩ Nghị và chúng tướng cuống cuồng cổi cả giầy dép xốc quần, xốc áo chen nhau chạy vòng quanh đống lửa rồi chạy vào)


NHẬT TIẾN      


(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Nhâm Tý, 1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

CA KHÚC TẶNG XUÂN HỒNG - Thương Vũ Minh



Tặng Vương



Mùa xuân, ta bước về phố cũ
hai hàng sao đứng rũ bên đường
ô hay, là tết hay chưa tết
mà sao hồn nặng nỗi vui mừng

Nhớ không, cây dã quì khép nép
nở đi, nghìn vạn đóa hoa vàng
đàn chim nhỏ nhẹ bay về tổ
ta nhỏ nhẹ về trong nắng xuân

Này em, cô nhỏ mười hai tuổi
mùa xuân áo đỏ với hài xanh
còn không, ngồi hát bên rèm cửa
thuở ta về qua đó một mình

Mùa xuân, ta bước về trên cỏ
hồn bay tản mạn với muông chim
ngắt vội cành hoa tươi trước cửa
nhắm mắt – mơ vào trong trái tim

Còn đó, chưa phai mầu lục diệp
con phố bay nghìn xác pháo hồng
ôi tới bây giờ ta mới thấy
bốn mùa còn lại một mùa xuân

Này em, cô nhỏ mười hai tuổi
em ở phương nào không có ta
gửi em một chút mưa nồng cũ
một thuở mơ nào đã quá xa

Mùa xuân, ta đứng trong thành phố
không dưng nước mắt rụng bên đường
ô hay hồn nhẹ như là khói
theo gió bay về giữa nắng nhung


                                       THƯƠNG VŨ MINH


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Giáp Dần, 1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

HỘP MỨT NGŨ VỊ - Bích Thủy


Năm ấy, Thủy mới lên bảy. Thủy là con út một gia đình có ba con. Trên Thủy có một chị gái lên chín, và một anh trai lên tám. Cả ba anh em sàn sàn bằng nhau vì hơn kém nhau có một tuổi. Những khi sắp hàng theo chân cậu mợ đi chơi, hoặc đứng cho thợ chụp hình, chỉ cao thấp hơn nhau có nửa mái đầu. Bởi thế ba anh em Thủy cùng nghịch ngơm ngang nhau, chân tay không mấy lúc nghỉ yên, phá phách, chòng ghẹo nhau chí chóe suốt ngày.

Đến nỗi nhiều khi má Thủy thấy chóng mặt, phải ôm đầu mà hét:

- Chúng mày làm tao hoa cả mắt! Nghịch ngợm quá không chịu được!

Nguy nhất là những lúc má hét lên như thế mà có ba ở nhà. Ba của Thủy ít khi đánh con, hay tha thứ những nghịch ngợm của tuổi trẻ. Nhưng khi đã nghe má Thủy hét, thì ba Thủy như bị náo động thần kinh và rất dễ nổi khùng. Mà ba đã nổi khùng thì chắc chắn ăn đòn cả lũ. Thế nào cũng được gọi lên, nằm úp mặt xuống phản, hai tay buông xuôi song song cả ba đứa.

Rồi ba giận dữ đi tìm roi, lúc ấy má lại thấy sợ, như chính mình sắp bị đòn. Người hoảng hốt nói:

- Dạ dạ, để tôi kiếm roi cho. Mình cứ ngồi yên trên nhà rồi em mang lên.

Nằm trên giường cả ba lo ngay ngáy, thịt nổi gai lên vì nghĩ đến cái đau khi ngọn roi quất trên mông. Thủy nghe rõ tiếng má lục lọi ở dưới bếp. Má đương kiếm roi! Nhưng hình như má muốn kéo dài thời gian ấy ra một chút hòng ba nguôi bớt giận. Chờ lâu ba sốt ruột hỏi:

- Roi đâu? Sao lâu thế?

Lúc ấy má mới hấp tấp chạy lên, đem một thanh nứa mỏng đưa ba, và thì thào:

- Dọa con thôi nhé. Đừng đánh đau quá, tội nghiệp con!

Không nói một tiếng, ba quất xuống một roi.

- Ối con lạy ba!  


Anh của Thủy vội kêu lên. Thật ra lằn roi chẳng đụng đến anh ta chút nào. Anh đã khôn ngoan nằm ngay ở phía trong, đùn Thủy nằm giữa và chị Thủy nằm ngoài cùng. Ngọn roi vút xuống chỉ đau người nằm ngoài mà thôi. Thủy gầy hơn hai anh chị, lại cố nằm ép xuống giường nên lằn roi chỉ vừa đụng khẽ ; còn anh Thủy nằm sát tay cậu, cuối roi, nên chẳng mùi mẵn gì. Nhưng cứ nghe tiếng roi quất, anh lại vờ nhổm lên kêu:

- Ối! Con lạy ba.

Làm má phải xót xa xin hộ:

- Thôi ba tha cho các con.

Ba ra oai thêm một roi nữa. Chiếc roi của má hình như đã được tính toán trước, bao giờ cũng chỉ đến roi thứ ba là gãy đôi. Ba quăng đi nói:

- Lần sau kiếm sẵn cái roi mây để đấy cho tôi.

Sau những trận đòn như thế, trong nhà im lặng hẳn được một lúc, cho đến khi ba Thủy đi làm, và má lúi húi ở dưới bếp.

*

Khi câu chuyện có liên can đến hộp mứt ngũ vị xảy ra thì Thủy sắp sửa thêm lên một tuổi.

Hôm ấy đã là ngày giáp năm rồi. Quang cảnh sửa soạn đón mừng ngày đầu xuân càng có vẻ tưng bừng nhộn nhịp. Má của Thủy tính đốt ngón tay đã lo mua bán trang hoàng và xếp đặt mọi thứ, và tất tả lên phố mua cho mỗi đứa một bộ quần áo mới.

Khi đi, má dặn Thủy ở nhà trông nhà với u già, và phải học một bài học thuộc lòng ba đã đánh dấu. U già mắc dọn dẹp dưới bếp, chỉ có mình Thủy trên nhà. Ngồi học lúc ấy thực không yên. Nó ngứa ngáy chân tay thế nào, và hình như ma quỉ xúm nhau lại mà xúi dục Thủy hãy bỏ mặc cuốn sách đấy để đi lục lọi mọi xó xỉnh, mong có tìm kiếm được cái gì mới lạ không. Ngày tết má mua sắm nhiều thứ, hẳn có thứ má còn giấu chưa cho biết. Nhất là ở cái tủ gần bàn ăn, hình như Thủy có ngửi thấy phảng phất một mùi thơm là lạ! Thủy nheo mũi lại, có cảm giác mơ hồ trong tiềm thức rằng đâu đây có giấu một thứ gì ngon lắm.

Thủy liền mở tủ, lục mãi dưới ngăn cuối cùng mới thấy một hộp bọc giấy đỏ. Ồ thôi đúng là hộp mứt rồi. Hộp mứt ngũ vị, chia ra làm năm ngăn, mỗi ngăn đựng một thứ : nào hồng, táo, hạt sen, đủ thứ. Ôi chao! Hộp mứt coi mới đẹp làm sao. Những ngăn mứt đầy ăm ắp, thơm phức mùi đường ngọt. Thủy mân mê từng thứ, ngửi từng thứ, và nước miếng cứ ứa ra. Thèm quá! Và Thủy nghĩ thầm : giá bây giờ ăn mỗi thứ một miếng nhỉ! Chắc là ngon lắm. Bị cám dỗ Thủy nhủ thầm trong lòng : Nếm thử mỗi thứ một miếng chắc cũng chẳng ai hay.

Thế rồi Thủy chọn ăn một miếng rồi hai miếng, rồi ba, bốn, năm miếng. Chà, cái thứ mứt sen mới ngọt, mứt hồng mới dẻo, và mứt lạc mới bùi làm sao chứ! Ngon thiệt! Thủy làm thêm một lần nữa. Khốn nỗi (miếng ngon chưa đã miệng thèm), ăn rồi, Thủy lại cứ muốn ăn nữa! Hồi ấy Thủy chưa có đủ trí suy luận kiểu người lớn như bây giờ để mà nghĩ rằng : khát vọng của con người chẳng bao giờ no đủ. Thị dục của ta, càng nếm mùi càng say sưa, khao khát, cũng như những miếng mứt thơm ngon này, ăn rồi Thủy không còn đủ nghị lực nhịn thèm mà đứng lên nữa!

Cho nên Thủy lại nghĩ rằng : hộp mứt còn đầy, ta làm thêm một tuần nữa. Vừa ăn, Thủy vừa nghĩ đến cái tài khéo của những người làm mứt. Phải chi má cũng biết làm như thế này nhỉ. Để thỉnh thoảng má lại làm cho mà ăn. Hộp mứt này má đã mua ở trên phố chẳng biết bao nhiêu tiền? Chắc đắt lắm! Ý hẳn má mua để đến tết bày cỗ, hay để biếu ai? Ừ, nếu má biếu ai thì hoài quá! Mải nghĩ lan man đến khi nhìn lại, Thủy mới giật mình thấy hộp mứt đã vơi lưng lửng. Lần này Thủy đành thôi vậy, mà bên ngoài chợt Thủy cũng nghe tiếng anh chị của Thủy đã về. Hình như cả má nữa. Thủy vội vàng đậy hộp mứt lại, đóng ngăn kéo tủ, phủi mép, rồi hết sức làm mặt thản nhiên chạy ra ngoài.

*

Mới thấy mặt Thủy, chị của Thủy đã hỏi:

- Thủy, mày làm sao thế? Coi kìa, cái mặt đỏ gay!

Có lẽ mặt Thủy đỏ thật. Thủy hãy còn xúc động vì tí nữa bị bắt quả tang ăn vụng, lương tâm không yên nên tim đập rộn ràng. Thủy cảm thấy máu bốc rần rần lên tai. Tuy nhiên Thủy cũng ấp úng đáp:

- Không, Thủy có làm sao đâu!

Anh chị của Thủy đến gần quan sát từ môi miệng đến ngón tay Thủy, bỗng khám phá một chút đường còn dính lại, Chị Thủy trợn mắt hỏi:

- Thôi chết, mày vừa ăn mứt phải không?

Thủy cãi:

- Mứt nào?

- Mứt của má mới mang về hồi sáng nay mà. Phải mày ăn không?

Không quen nói dối, Thủy cuống quá đành cúi đầu thú nhận:

- Thủy chỉ ăn thử có một tí thôi mà!

Mắt của chị Thủy sáng ngay lên. Chị đã bắt nọn đúng! Và một ý nghĩ tinh nghịch thoáng hiện, nên chị giả bộ kêu lên:

- Thôi mày chết rồi Thủy ơi!

Thủy năn nỉ nói:

- Em lạy chị, chị đừng mách má kẻo em phải đòn mất.

Chị lắc đầu:

- Không, chị không mách đâu. Nhưng mày sắp chết đến nơi mất rồi!

Thủy lo sợ hỏi:

- Tại sao hả chị?

- Khốn nạn quá! Thế ra mày không biết hộp mứt ấy là má để đánh bẫy chuột ư? Má đã trộn thuốc giết chuột vào đó và vẫn dặn chúng tao đừng có mó vào đó mà chết.

Thủy mếu mào:

- Thực ư chị?

- Chứ lại không thực! Chỉ vài giờ nữa là chết thôi.

Anh của Thủy chắc đoán ngay được đó là một trò chơi tinh quái, nên anh phụ họa ngay vào. Anh vờ sụt sịt kéo vạt áo lau nước mắt cá sấu, nói:

- Tội nghiệp em quá! Em Thủy ơi!

Chị Thủy cũng rầu rầu tiếp:

- Ừ, chị thương em chị quá. Bây giờ biết làm thế nào? Em nghe trong mình có thấy khác gì chưa hở Thủy?

Thủy bắt đầu khóc thực sự:

- Có… Em thấy hình như muốn đau bụng chị ạ!

- Vậy thì em sửa soạn đi thôi. Thuốc giết chuột bắt đầu ngấm rồi đấy. Để chị và anh đi kiếm bác sĩ đến… may ra còn kịp!

Rồi họ nháy nhau lủi mất. Chắc chắn họ kéo nhau ra một góc vườn để cười thích chí với nhau.

*

Nhưng lúc ấy Thủy lo sợ vô cùng. Chao ôi! Thủy sắp chết! Mà phải chết ngay giữa cái tuổi hoa niên, trong bầu không khí tưng bừng của ngày đầu xuân sắp tới này! Nước mắt chảy ròng ròng, Thủy nghĩ đến ba má, đến những cái hôn âu yếm của má, đến vòng tay trìu mến của ba. Sao lúc này Thủy thấy thương ba má ghê đi. Rồi Thủy lại nhớ đến lớp học, đến cô giáo, đến các bạn. Cô giáo thật hiền, và chúng bạn thật vui! Thủy đâm ra tiếc sách vở, nhớ những giờ học, giờ chơi đến xót xa… Thủy cũng không quên u già. Ừ, vú ở với má từ hồi má còn con gái. Vú đã săn sóc anh em Thủy và cưng chiều Thủy còn hơn má nữa. Thủy vẫn ngồi gọn trong lòng vú, nhìn ngọn lửa reo vui trên bếp, nghe vú kể chuyện ngày xưa.

Thế mà bây giờ Thủy sắp phải từ biệt tất cả, thì thử hỏi còn nỗi đau buồn nào to lớn cho bằng! Nước mắt Thủy tuôn ra nhòe nhoẹt. Thủy thấy cần phải làm một việc gì trước khi cái món thuốc chuột nó tác hại trong cơ thể. Chả hạn như viết cho ba má mấy chữ để xin lỗi ba má những lỗi lầm Thủy đã phạm trong đó có cả tội… ăn vụng!

Thủy bèn lấy giấy bút ra, vừa sụt sịt vừa viết nguệch ngoạc những điều cần nói với mọi người thân yêu. Và Thủy xin để lại:

… Chiếc vòng màu cẩm thạch cho chị Thủy.

… Hộp bút chì màu cho anh Thủy.

… Con búp bê cho mợ.

… Cây viết Bic cho cậu.

… Và cái khăn tay cho u già.

Thủy muốn viết thật nhiều, nhiều nữa. Nhưng tay Thủy như muốn run lên. Thôi đích thực là thứ thuốc giết chuột tai hại kia đã ngấm đến lục phủ ngũ tạng Thủy rồi. Thủy gục đầu trên bàn mà thổn thức.

Giữa lúc ấy thì bác Thủy rẽ vào chơi. Bác Thủy không có con nên bác cưng tụi anh em Thủy lắm. Bác đã có tuổi, về hưu, nên rỗi rãi hay lại chơi luôn. Thấy Thủy gục đầu trên mảnh giấy ngồi khóc, bác ngạc nhiên hỏi:

- Sao mà khóc vậy cháu?

Thủy càng khóc ròng. Mãi Thủy mới nghẹn ngào nói:

- Cháu sắp chết bác ạ… Cháu đương chờ bác sĩ tới mà chờ mãi không thấy.

- Cháu sắp chết? Cháu nói gì kỳ khôi vậy cháu?

- Dạ, thưa cháu đã ăn lầm phải thuốc giết chuột!

- Thuốc giết chuột nào? Mà cháu có phải là chuột đâu! Ai bảo cháu sắp chết?

- Dạ, thực đó bác ạ! Nên cháu đang viết thư để lại cho ba má cháu đây.

- A, cháu lại viết cả thư cho ba má cháu nữa?

Bác Thủy rơi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên nọ. Cuối cùng bác bế xốc Thủy lên, đem vào trong nhà tìm má.

Má Thủy hỏi đầu đuôi mới rõ ràng câu chuyện. Má giận quá vừa mắng Thủy, vừa gọi anh chị Thủy bắt vào hỏi tội. Sau đó má bắt cả ba nằm thẳng trên giường. Lần này má đặt sẵn chiếc roi mây bên cạnh, chờ ba về. Cũng may bác Thủy còn đó. Bác bày mưu cho anh em Thủy cứ nằm đấy ngủ một giấc và khi ba về, bác xin hộ. Nhờ đó mà anh em Thủy khỏi bị một trận đòn tất niên.

*

Nhưng cũng từ bấy đến nay, đã có trên mười năm qua, Thủy không bao giờ quên được câu chuyện hộp mứt ngũ vị, hằng tâm niệm rằng tội mê ăn uống cũng là một tội nặng, đôi khi đưa đến nhiều mối tội khác… và định thức chân xác của đời người là phải luôn luôn tiến bước trên con đường ngay thẳng, xa lánh những dục vọng có thể làm cho mình mê muội mà sa ngã.


Bích Thủy    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa Xuân Đinh Mùi, 1967)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com