Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2018

CHƯƠNG VIII_PHIẾN ĐÁ HOA CƯƠNG


CHƯƠNG VIII


Trong khi mọi người ở trại mía Ngọc-San bắt đầu cảm thấy phần nào hy vọng, thì Cúc lại lo lắng tự hỏi : "Nguy quá ! Không biết có ngày nào mình thoát được cái bẫy rập này không ?"

Em buồn rầu đưa mắt nhìn quanh. Gian lầu ẩm thấp, tối tăm, sặc sụa mùi ẩm mốc. Cô gái út nhà điền chủ Ngọc-San bị đẩy ngồi phệt trên mặt đất ẩm ướt, chân tay cột chặt.

Cúc bồi hồi nhớ lại lúc đang cúi lom khom sờ tìm phiến đá hoa cương, thì bị hai người đàn ông bịt mặt từ bụi rậm nhảy xổ ra chộp bắt. Tư tưởng lóe nhanh trong tâm trí bàng hoàng của em lúc đó là : "Thôi, thế là mình bị nguy rồi !"

Một sợi dây bằng vải dầy rất chắc cột chịt lấy miệng khiến em không còn kêu la gì được. Rồi một tấm vải đen rộng, chùm kín đầu, mặt mũi, buộc vòng ra sau gáy. Hai cánh tay lực lưỡng, bắp thịt cuồn cuộn của ai đó nắm ngang lưng nhắc bổng em lên, rồi tiếng chân chạy vút đi. Mấy giây đồng hồ sau, một trong hai tên gian đã đặt em ngồi ngất ngưởng trên mình ngựa. Ðoạn, y nhẩy lên ngồi sát phía sau. Một tay gã cầm cương ngựa, một tay quành quanh người Cúc, giữ thật chắc.

Ngựa phi như thế trong bao lâu, em không thể đoán biết được vì đầu óc hoang mang, rối tung như mớ bòng bong. Có mắt mà không nhìn ngó được, có miệng không thể nói, có chân tay mà không thể cựa quậy được. Cúc có cảm tưởng mình là một cái thây ma người ta sắp sửa đem chôn.

Ngót tiếng đồng hồ sau, ngựa dừng bước. Hai cánh tay to lớn lại nhấc Cúc khỏi mình ngựa. Tiếng cửa bằng phên nứa bị đẩy kêu kẽo kẹt. Giọng khàn khàn của một bà già nói toàn thổ ngữ khiến Cúc biết rằng bọn bắt cóc đã đưa mình về tới sào huyệt. Số phận em sẽ ra sao, chỉ nội ít phút nữa sẽ biết.

Cúc bị đẩy ngã vật xuống một tấm liếp ẩm mốc, hôi hám, dùng làm giường. Tiếng hai người đàn ông ồn ào bàn cãi một hồi, cũng bằng thổ ngữ khiến em chẳng hiểu gì hết. Sau đó là tiếng vó ngựa dập dồn, xa dần rồi mất hẳn.

Tiếng khàn khàn lại cất lên, hướng về cô bé đáng thương. Lần này bà già nói tiếng Việt, giọng lơ lớ, âm điệu đều đều không bỏ dấu :

- Ðưng sơ gi hêt nghe !

Ðồng thời những ngón tay vụng về lẩy bẩy cởi nút vải che kín mắt Cúc, tháo bỏ dây khóa miệng em.

- Ðừng sợ gì hết ! Cháu gái đã xúc phạm đến cây thiêng, "ghế đệm" của thần linh ! Bây giờ cháu gái phải lễ tạ Thần linh bằng cách nhịn đói và niệm kinh, nghe chưa ! Già cũng là "ghế đệm" của thần linh đây ! Già cũng đã sám hối rồi, nhiều lần "leo cầu vồng" chịu tội, mới được thần linh tha thứ cho đó.

Cúc thoáng rùng mình quay mặt lại : một bà già mặt mũi nhăn nheo như vỏ củ khoai tây héo, da màu nâu sậm, người nhỏ thó, lưng lom khom trông như con khỉ đột, đứng sát phía sau. Bà ta gầy gò ốm yếu, áo quần tơi tả, nhưng đôi mắt rất lớn, tia nhìn sáng long lanh. Cái miệng móm cười nhăn nhở !

- À, hả ? Cháu gái lạ lắm hả ? Cháu gái lạ vì nghe già nói được tiếng Việt hả ? À, à, hồi trẻ tuổi, già đã đi làm với người ta ở Ðà Lạt lâu lắm đó. Vậy cháu gái đừng sợ gì hết, nghe chưa ?

Cúc quắc mắt, hết lên :

- Ðưa tôi về nhà ba tôi ngay lập tức !

Tiếng cười khặc khặc từ cổ họng, bên trong cái cần cổ nhăn nhúm nghe như tiếng quạ kêu, kèm theo câu nói rợn người :

- Về nhà với ba hả ? Ý !… Còn lâu ! Phải leo cầu vồng trên đồi cỏ cháy đã chứ ! Khặc, khặc ! Nếu thần linh tha tội, tức là ngài không còn tức giận nữa, lúc đó, cháu gái sẽ được về nhà thong thả. Nhưng, nếu trái lại, leo cầu vồng mà bị ngã xuống vực thẳm, tức là thần linh vẫn còn tức giận, lúc đó lại phải tiếp tục sám hối bằng cách nhịn ăn và niệm kinh nữa, nghe chưa ?

Cúc run lên như cầy sấy. Leo cầu vồng ! Em biết, cũng như đồng bào ở vùng này đều biết : "leo cầu vồng" là thế nào rồi.

"Leo cầu vồng" là một cuộc lễ khác thường do các "ông thầy" mà đồng bào Thượng chất phát vẫn tin rằng có đủ khả năng, quyền phép thông cảm được với thần linh, đứng ra tổ chức. Trong cuộc lễ, các đương sự, tức là những phần tử bị nghi ngờ là đã phạm một điều gì lầm lỗi, phải đặt bước đi trên một cây cầu độc mộc, thực ra chỉ là một cây tre bắc qua một con suối sâu có tới năm sáu thước, rộng chừng bốn thước. Ðiểm khó khăn rắc rồi là cây tre ấy lại được trét một lớp đất sét ướt nên trơn trượt như đổ mỡ. Nếu vượt qua được con suối trên cây cầu ấy mà không bị trượt chân rớt xuống, như vậy là các đương sự đã được thần linh công nhận trong trắng vô tội. Còn, nếu trái lại, xẩy chân té xuống, chết đuối thì không thể chết đuối vì mực nước chỉ ngang thắt lưng thôi, nhưng trẹo chân gẫy tay là những chuyện xẩy ra bất ngờ thì không biết thế nào mà nói trước được, tức là đương sự vẫn bị thần linh trách phạt.

Bà già kỳ dị bảo với Cúc là em phải leo cầu vồng, có ý cho em biết việc sẽ làm là như thế đó.

Sợ quá hóa liều, bản tính trẻ thơ rắn mắt, Cúc ngẫm nghĩ : “Leo cầu vồng thì leo, sợ gì” Và cô gái nhỏ bình tĩnh đưa mắt ngắm nhìn chung quanh. Thì ra em đang ngồi giữa một gian lều tranh, vách nứa tiêu điều xơ xác, tối om om. Ngoài tấm liếp cũ sì ẩm ướt dùng làm giường nằm, nơi góc lều còn hai tấm phên nứa nhỏ kê trên mấy khúc cây đóng ngập xuống mặt đất. Ðó là “bàn” và “ghế”. Cúc bâng khuâng tự hỏi : chưa biết mình sẽ phải sống ở đây tới ngày nào đây ?

Tiếng khàn khàn của bà già đột ngột cất lên :

- Cháu gái sao lại cứ ngó già lom lom thế hả ? Tên già là Rát-Gia ! Ấy, nhiều đứa cứ gọi là là con mụ điên. Tại vì già là "ghế đệm" của thần linh mà ! Già chăm lo hương khói phụng thờ ngài suốt đêm ngày. Nhưng đôi khi cũng vẫn phải nấu cơm ăn nữa chứ ! Lắm kẻ lại lấy làm thích thú khi thấy già đích thân "thu xếp" cái con nhỏ đã xúc phạm đến cây thiêng của thần linh bên trại Ngọc-San…, à, à… trại Ngọc-San, trại Ngọc-San ! – Mụ Rát-Gia, ánh mắt lạc thần, cứ nhắc đi nhắc lại mãi ba tiếng : "Trại Ngọc-San ! Trại Ngọc-San !" – à, à… cái tên này nhắc cho già nhớ lại… à, à… nhớ lại một việc ghê gớm… Hừ ! Quái thật ! Nhiều khi đầu óc già cứ rối bung lên thôi, kỳ quá ! Vừa nhớ đó, lại quên liền ngay đó… Nhưng cháu gái cứ yên trí đừng lo gì hết, nghe ! Tiếng thế, già hiền lắm, không dữ tợn gì đâu, nghe !... Cháu gái chỉ có việc là… nhịn đói, niệm kinh… niệm kinh, nhịn đói, đó, tất cả chỉ có thế thôi, nghe ! Già chỉ cần cháu gái làm thế thôi, ngoài ra không còn gì nữa hết. Thằng Gô-Ban, cháu nội của già cứ căn dặn bảo già đừng hành hạ cháu gái tội nghiệp, hà… !

Cúc giật thót mình, toàn thân run rẩy, nhưng em cố gắng tự kiềm chế ! Té ra, Gô-Ban, người chồng chưa cưới của Mát-Ta, con gái bác An, là… cháu nội của bà già cuồng tín tên Rát-Gia này. Vậy thì, việc bắt cóc em đem về đây giao cho bà già kỳ dị, không phải là Gô-Ban đích thân hành động thì còn ai vào đấy nữa.

Còn đang bàng hoàng sửng sốt, đã nghe mụ Rát-Gia lè nhè nói tiếp :

- À, à… cháu gái nhìn quanh nhìn quẩn định tìm cách trốn đấy hả ? Liệu hồn ! Căn lều này coi bộ ọp ẹp vậy mà hãy còn tốt lắm ! Hơn nữa, quanh đây vắng vẻ, có ai tiếp cứu đâu mà hòng… Rồi, rồi, chân tay vẫn bị cột chặt thế kia, làm sao cục cựa mà chạy trốn cho được… Hà, hà ! Chỉ còn mấy bữa nữa là cháu gái được leo cầu vồng. Ðể cho kịp ngày, già phải sửa soạn cho cháu gái gấp gáp mới được. Cháu phải sám hối nhiều nhiều. Nhớ nghe ! Phải nhịn đói thật nhiều, niệm kinh cũng thật nhiều mới kịp ngày lễ đấy.

Cúc nín lặng không trả lời. Mụ Rát-Gia cho biết chỉ còn mấy ngày nữa là mụ sẽ đưa em tới đồi cỏ cháy. Ðồi cỏ cháy ! Phải, địa điểm ấy Cúc biết rõ lắm. Một khi ra tới đó việc trốn chạy, trở lại trại nhà sẽ không còn là việc khó khăn nữa.

Tạm thời được yên tâm, Cúc dịu nét mặt, tỏ vẻ ngoan ngoãn. Em ngã mình trên tấm liếp cho đỡ mỏi mệt. Mấy phút sau đó, cô nhỏ đã nhắm mắt thiu thiu…

Khoảng sẩm tối, mụ già đem vào cho em một bát cơm. Tự tay mụ bốc cơm bỏ vào miệng cho Cúc ăn. Vừa bốc cơm, mụ vừa nói lải nhải :

- Niệm kinh, nhịn đói, niệm kinh… ! Như vậy cháu gái mới được thần linh che chở, nghe ! Mới được thần linh tha tội , nghe !

Ba ngày buồn thảm như vậy nặng nề trôi. Ba ngày cô bé cắn răng chịu đựng, bụng đói như cào, nước uống trong ống nứa tuy mát nhưng hôi toàn mùi gián. Em còn đủ sức chống đỡ, đủ can đảm sống qua ngày, duy nhất chỉ là nhờ niềm hy vọng sẽ đào thoát được. Trong lòng rưng rưng muốn khóc, Cúc buồn rầu nghĩ đến cha và các chị giờ này chắc đang lo lắng không biết em ở đâu, có bị nguy hiểm gì không. Chắc hẳn ai nấy đều nóng lòng sốt ruột, tổ chức cuộc tìm kiếm, sục sạo khắp nơi. Cảnh Sát cũng đã hoạt động mạnh. Nhưng liệu có ai ngờ rằng Cúc hiện đang bị giam cầm tại một nơi hẻo lánh âm u, trong gian lều ẩm thấp, hôi hám, tối tăm như ổ chuột này, dưới đôi mắt cú vọ của mụ già quái gở điên khùng sống xa lánh tất cả mọi người kia không ?

Buổi sáng ngày thứ bốn, khi thức giấc, Cúc nghe văng vẳng có tiếng vó ngựa mỗi lúc một gần. Phên liếp che cửa bị đẩy mạnh. Một người đàn ông xộc vào, không nói không rằng gì hết. Y chỉ loáng tia mắt nhìn nhanh Cúc rồi quay ra ngay. Nhưng em cũng đã kịp nhận ra người lạ đó là ai tuy một nửa mặt gã bịt khăn đen kín mít. Ðúng tên Gô-Ban ! Ánh mắt kỳ lạ của y không thể lầm lộn với ai khác. Ý chừng tên gián điệp này đến coi chừng xem cô bé nạn nhân còn sống không và có thể dự cuộc leo cầu vồng lễ tạ thần linh hay không ?

Có một lúc Cúc đã e ngại rằng cuộc lễ tạ biết đâu lại chẳng may thay đổi khác đi hoặc có thể được dời lại một ngày khác. Nhưng em yên trí, hết thắc mắc ngay khi thấy mụ Rát-Gia đang sửa soạn tấm xiêm vàng cho cô "đồng nữ" mặc vào buổi lễ tế thần và vòng hoa hồng kết thành một vòng tròn để chùm lên mái tóc cô bé như một chiếc kim miện của nữ vương.

Cũng trong thời gian ấy, tại tư thất, chủ nhân trại mía Ngọc-San đang kiểm điểm mớ thư từ vừa nhận được. Trông ông thật là thiểu não. Ðứa con gái út mất tích đã khiến ông buồn lo tới mức thân mình, chân tay gầy ốm tong teo. Da mặt ông trắng xanh trông già hẳn đi có tới mười tuổi. Hai bàn tay gầy guộc lật đi lật lại một mảnh giấy nhỏ. Miệng ông lẩm nhẩm đọc những chữ trên đó mà không hiểu người gởi định nói gì. Ông cất tiếng gọi các con. Huệ, Trà, Mai từ dưới nhà chạy sầm lên gác.

Huệ đỡ mảnh giấy từ tay cha. Em chợt biến sắc mặt : lại những chữ in cắt ra từ một tờ nhật báo. Giọng run run, nhưng cô chị cả vẫn cố đọc thật lớn : "Sáng sớm mai đến coi leo cầu vồng tại đồi cỏ cháy !"

Huệ vui sướng bật reo lên :

- Ðồi cỏ Cháy ! Leo cầu vồng ! Lại người bí mật báo tin đây ! Chúng con đã nhận được rất nhiều tin tức loại này ba à. Toàn tin tức về em Cúc cả đấy. Tin cuối cùng mới đây cho biết là em vẫn khỏe mạnh bình an.

Mai tiếp lời chị :

- Vậy thì ngày mai tụi mình tới đồi Cỏ cháy. Tại đó, may ra có tin tức gì của Cúc chăng !

Ông Ngọc-San cau cau vầng trán rộng :

- Leo cầu vồng ! Leo cầu vồng ! Không lẽ bọn họ lại bắt con bé leo qua cái cầu tre trơn như đổ mỡ ấy ?

Ba chị em nhìn nhau lo lắng. Trà quắc mắt nhìn cha nói lớn :

- Không ! Không thể để thế được, ba à ! Chúng con nhất định cản trở không cho bọn họ ra tay ác độc như thế đâu. Con sẽ đi báo động cho mọi người biết. Chúng con sẽ tổ chức cướp lại em Cúc để trả miếng lại họ đã bắt cóc em dưới gốc cây phượng hoa vàng.

Người cha đăm chiêu suy nghĩ. Phút sau, ông mới từ từ thốt :

- Coi chừng đó ! Phải cẩn thận lắm mới được ! Các con nên nhớ : những người tham dự buổi lễ leo cầu vồng đều là các tín đồ trung thành cả. Họ quen nhau hết, các con lạ mặt đến, họ sẽ biết ngay. Thả sức ra, có ba ngoe làm sao đương cự lại với hàng trăm con người ? Vậy, trước hết phải đi tìm người tiếp viện đã ! Bác An, bác Mẫn, anh Giang, ba người đó sẽ đưa các con đi. Ðồng thời ba kêu điện thoại trình Cảnh Sát. Họ sẽ âm thầm bố trí để can thiệp.

Mai hăm hở, đôi mắt ngời sáng :

- Con gọi cả Hinh, anh Huy con bác Mộng Bảo. Hai người ấy quý tụi con lắm.

Ông Ngọc-San thở ra mệt mỏi :

- Ờ, ờ ! Các con làm sao có lợi thì làm ! Ba mệt quá, đầu óc cứ rối tung lên, không còn biết tính sao cho phải nữa đây !

Ba chị em nắm tay cha. Trà trịnh trọng tuyên bố :

- Ba cứ yên trí ! Chúng con sẽ hết sức cố gắng. Chậm lắm là chiều mai, nhất định chúng con sẽ đem được em Cúc về tới nhà cho ba.

Cũng trong giây phút đó, giây phút bốn cha con ông chủ mía Ngọc-San nóng lòng sốt ruột về việc đi tìm cô gái út thì, đột nhiên, một lùm cây nhỏ mọc trong vườn nhà ông, ngay lối đi vào hàng ba, lay động mạnh. Một bóng người vạch lá cành lao vụt ra. Một bóng con gái mặc quần áo Thượng, chạy vun vút dọc theo con đường hai bên trồng dừa, lẩn vào giữa những hàng mía cao quá đầu người. Rồi, cô gái người Thượng ấy sáp tới, lẻn vào đằng sau một gốc cây lớn, lau sậy rậm rạp. Một gã trai cũng người Thượng ngồi chờ sẵn ở đó từ bao giờ. Cô gái thở hổn hển, nói chẳng ra hơi, nhưng nét mặt rạng rỡ :

- Rồi, rồi ! Xong rồi ! Ông chủ lớn đã coi bức mật thư. Các cô chủ nhỏ sáng mai sẽ tới đồi cỏ cháy ! Trời ơi ! Em mừng quá xá !

Tiếng người con trai :

- Thật không ? Chắc không ? Nếu đúng như thế thì tốt lắm. Anh có thể yên tâm chạy đến bà nội già khùng khùng, điên điên của anh xem bà cụ có nhất định đưa cô bé tới đó không. Mọi người trong trại Ngọc-San đã được báo tin thì chắc chắc cô bé sẽ được cứu thoát.

Không cần nói rõ chúng ta hẳn cũng đã biết cặp trai gái đúng là đôi vợ chồng sắp cưới : Mát ta, Gô Ban.

Mát-Ta lo lắng :

- … Nhưng anh làm thế, lỡ lão Khu-Ma-Ra biết thì sao ?

- Biết thì biết, sợ gì ? Lão sẽ nổi giận ghê gớm nhưng anh không sợ. Nghe lão la hét riết cũng đã quen rồi. Vả lại, nếu lão hỏi vặn, anh sẽ sẵn sàng trả lời ngay : "Thì theo lệnh ông tôi đã giao cô bé cho bà cụ, yên trí rằng bà cụ sẽ giam giữ cô bé tại nơi xa xôi hẻo lánh ấy mãi chứ. Ai dè bà cụ lại dở khùng dở điên đưa cô bé ấy ra đồi cỏ cháy mà leo cầu vồng !"

- Thế nhưng anh vẫn được lãnh tiền thưởng chứ ?

- Dĩ nhiên rồi ! Mát-Ta cứ yên trí ! Ông Khu-Ma-Ra cần anh lắm mà, và ông ta thừa biết là anh chẳng làm việc không công bao giờ. Anh cần tiền, có thật nhiều tiền để chúng ta làm lễ cưới nên anh mới nhận làm cái việc xấu xa này. Nhưng anh vẫn cố gắng sao cho mấy cô chủ nhỏ đỡ bớt phần nào vất vả khổ sở. Các cô ’’nữ tứ tử’’ tốt lắm, thương anh lắm. Ông chủ lớn cũng thật hiền đức. Anh An, anh Mẫn, anh Giang đều là những người bạn tốt cả. Tổ chức xúi giục công nhân đình công, phóng hỏa gây đám cháy… đủ thứ ghê gớm ! Nhưng Mát-Ta cũng thấy đó ! Trước khi thi hành việc ám muội, bao giờ anh cũng cho em đi báo trước cho các cô chủ hay và anh đích thân xông xáo cứu chữa để cố làm cho bớt sự thiệt hại.

Cô gái Thượng cười hồn nhiên :

- Ờ, ờ, em biết rồi ! Nói hoài…! À, anh cứ bắt em cắt những chữ in ở tờ nhật trình ra rồi dán lại. Khó quá trời ! Nhưng bây giờ em làm quen rồi đó, thấy không ? À, này anh ! Không hiểu tại sao ông Khu-Ma-Ra cứ nhằm các người bên trại Ngọc-San mà làm hại ? Ðể chi vậy ?

- Thì anh đã nói cho Mát-Ta biết sơ qua rồi đó. Lão ta cố ý làm cho các cô tiểu chủ khiếp sợ và ông chủ lớn phải chán nản. Việc bắt cóc cô chủ út này cũng là nhằm khiến ông chủ lớn phải thất vọng. Riết rồi cũng không biết sao nữa, sẽ bắt buộc phải bán sở mía đường mà bỏ đi. Lúc đó, lão Khu sẽ nhẩy ra lãnh đám, tìm cách mua lại với cái giá rẻ mạt đó.

Cô gái Thượng bĩu môi :

- Lão Khu tàn ác quá hà ! Mà anh cũng xấu ghê đi ! Sao lại nhận tiền của Lão để làm những việc ác đức ấy chớ ?

Gã con trai nhăn nhó khổ sở nhìn cô vợ chưa cưới :

- Khổ ghê ! Anh đã nói mà Mát Ta chẳng chịu hiểu dùm cho anh gì hết. Này nhé ! Bây giờ anh thử hỏi Mát Ta: nếu không mướn được anh làm tay sai, lão Khu sẽ tìm người khác.... Rồi cái người khác ấy, khi nhận tiền xong, lại ráng hết sức thi hành việc phá hoại thật chu đáo thì rồi mới làm sao ? Còn anh, thay vì xuống tay ác độc tận tình anh lại bàn soạn với em để cố tránh cho gia đình ông chủ lớn khỏi bị nhiều thiệt hại.

- Anh có chắc là cô chủ út sẽ về được nhà nội trong ngày mai không ?

- Nếu mọi việc xẩy ra đúng như anh dự định thì chắc lắm ! Vái trời cho các cô chủ nhỏ đừng quên việc nhờ Cảnh Sát ngấm ngầm đặt người trà trộn vào đám đông để kịp thời can thiệp.

- Ừ, em cũng mong thế ! Thôi, tụi mình về đi. Sáng mai em cũng tới đồi cỏ cháy để xem lễ leo cầu vồng.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG IX

CHƯƠNG VII_PHIẾN ĐÁ HOA CƯƠNG


CHƯƠNG VII


Mai và Cúc đã nói với Hinh là chớ nên gặp nhau tại gốc cây phượng hoa vàng nữa. Nhưng hai chị em không thể bỏ được thói quen thỉnh thoảng trở lại cánh rừng gần đó dạo chơi hóng mát:

Cúc hăm hở nói với chị:

- Chị Mai! Ngày mai chị em mình đào bới tìm được kho báu vật của cụ Lầm đem về thì phải biết, hả chị Mai! Không hiểu anh Hinh nghĩ thế nào mà cứ bảo chị em mình nên chờ đợi cho tới khi toàn thể các anh chị em công nhân bình tĩnh lại đã. Em e rằng dù có bình tĩnh trở lại, không căm giận chị em mình nữa nhưng lòng mê tín dị đoan của họ cũng sẽ chẳng vì thế mà hết được. Như vậy thì chúng mình sẽ phải chờ đợi tới đời kiếp nào.

- Cúc không kiên nhẫn chút nào hết. Hinh nói rất phải. Chúng mình nên nghe theo là hơn.

- Thôi được! Em cũng nghe theo lời chị Mai. Nhưng em muốn coi lại xem phiến đá có còn ở nguyên chỗ chị em mình giấu không. Chẳng lẽ, các tín đồ của thần linh lúc nào cũng ẩn nấp ở gần đó, rình chộp bắt chị em mình sao?

- Cái đó chị chưa biết chắc. Có điều, Cúc còn lạ gì: các anh chị em công nhân, nhất là đồng bào Thượng, có biệt tài di chuyển rất nhẹ nhàng trong rừng rậm. Họ đến lúc nào không ai hay, đi bao giờ không ai biết. Gìn giữ cẩn thận một chút vẫn hơn chứ! Hai đứa mình đã gây khá nhiều rắc rối cho người lớn rồi. Hai chị Huệ, Trà đã phải vất vả không ít. Cúc không thương các chị lớn sao?

Cúc giậm hai chân bạch bạch vẻ mặt rất bướng:

- Sao lại không thương? Nhưng cứ trì hoãn mãi cái ngày vinh quang của chúng mình, em thấy thật là dại quá. Để lâu, lỡ một cái, có kẻ nào bất ngờ phát giác được phiến đá, lần mò khám phá ra ý nghĩa của các chữ ghì chú, rồi một đêm tối trời nào đó, họ đem xẻng cuốc ra...! Thế là... hỡi ôi! Cứ nghĩ thế là em lại không yên tâm chút nào. Đi với em, chị Mai! Tụi mình vào xem lại xem có bị mất dấu gì không, đi!

Cô chị miễn cưỡng:

- Ừ, đi thì đi!

Cây phượng hoa vàng ở cách chỗ hai chị em Mai, Cúc đứng chừng hai mươi thước. Đến nơi, Cúc cúi xuống cào đất phủ trên mặt phiến đá. Mới gạt được hai ba cái, em chợt thét lên một tiếng kinh hoàng. Hai người đàn ông, mặt mũi che kín bằng vải đen, từ bụi rậm nhảy xổ ra, chộp bắt em. Cúc há miệng kêu lớn. Tiếng kêu bị tắt nghẹn trong cuống họng. Một chiếc mùi-xoa lớn tọng thật nhanh vào đầy miệng cô bé.

Mai nghe tiếng hét của em cũng hoảng hốt gào lên:

- Bớ người ta! Bớ... cứu chúng tôi! Bớ người ta!

Đồng thời, em lao người chạy như bay tới gốc cây thần bí: vắng ngắt không một bóng người. Cách khoảng chừng hai chục thước, tiếng vó ngựa lộp cộp trên mặt đất mỗi lúc mỗi xa khiến trái tim em như thót lại. Mai gọi thất thanh:

- Cúc! Cúc ơi! Cúc!

Vô ích! Quay ra, nhẩy phóc lên xe gắn máy, em phóng thật nhanh trên con đường dẫn về trại mía Ngọc San

Xộc vào hàng ba, miệng em không ngớt la lên giật giọng:

- Chị Huệ, chị Trà, anh Giang, chị Dung ơi! Chị Huệ..

Mấy người trong nhà hốt hoảng đổ xô tới:

- Cái gì thế Mai? Cúc đâu? Hả, Cúc đâu?

- Bị bắt đi rồi! Cúc bị bọn gian bắt đi rồi! Trời ơi!... Hai đứa em đi dạo mát trong rừng, bỗng nhiên, nghe tiếng Cúc la lên. Em quay lại, thì nó đã biến đi đâu mất! Đi tìm ngay đi, chị Huệ, chị Dung, anh Giang! Trời ơi! Nguy quá!

Chị Dung rên lên thảm thiết:

- Trời đất thánh thần ơi! Tôi đã biết mà. Tôi biết là nhà này còn nhiều tai họa lắm mà! Chiều hôm qua, một đàn quạ đen ở đâu kéo tới đây, bay lượn mãi trên mái nhà. Tôi biết ngay mà! Phải báo cho ông chủ hay liền mới được! Trời ơi, đất ơi...

Huệ giơ hai tay đỡ em. Mai lả người ngã vật vào vòng tay chị. Huệ lắp bắp nói không ra hơi:

- Lần này, chị cho rằng chị Dung nói đúng. Phải nói cho ba biết mới được. Sức khỏe của ba đã khá nhiều, có thể chịu đựng được tin dữ. Và rồi ba sẽ bảo chúng mình nên làm gì. Đầu óc chị cũng mê mụ hết rồi đây!

Khi ba chị em vào tới phòng ba thì được biết chị Dung đã nói cho ông Ngọc San biết rồi. Người cha kinh ngạc đến lặng người đi không nói nên lời. Ông lại còn như không tin điều chị gia nhân người Thượng vừa nói nữa. Nhưng khi các con ông bước vào, chợt nhìn thấy nét mặt vô cùng hốt hoảng của Huệ, Trà, Mai, ông Ngọc-San phải công nhận việc ghê gớm vừa xảy ra là có thật.

Người cha khẽ la lên thảng thốt:

- Trời ơi! Thật hả? Con Cúc bị bắt đi thật rồi hả? Trời ơi, tại sao vậy? Ai bắt nó? Và bắt như thế nào chứ, hả?

Mai run rẩy quỳ gối bên giường cha:

- Em Cúc và con đang dạo chơi trong rừng. Cúc vui chân chạy tách hơi xa một chút. Chợt nghe nó hét lên thất thanh. Con vội chạy đến thì em đã biến mất. Con chỉ nghe tiếng vó ngựa đập lộp cộp trên mặt đất... rồi là hết.

Đôi mắt trừng trừng ngó sững lên trần nhà, đôi bàn tay ông Ngọc San nắm chặt. Giọng nói của ông sắt lại lọt qua hai hàm răng nghiến chặt:

- Hừ! Dám cả gan động chạm đến con gái ta. Đúng vào lúc mình bị bán thân bất toại như thế này. Trời ơi! Này, tất cả các con! Không được để chậm trễ một phút nào. Nghe ba nói đây!

Huệ nhìn cha, giọng run run:

- Dạ, chúng con nghe! Ba nói đi ba. Bây giờ chúng con phải làm gì đây ba?

- Thứ nhất, không được khóc, đưa cho ba điện thoại. Ba gọi gấp cho Cảnh-Sát. Rồi các con chạy đi nói cho anh Giang, bác An, bác Mẫn biết ngay. Bảo ba người đó tức tốc đi truy lùng lập tức. Gặp ai cũng hỏi tin tức em con. Nói rõ cho ba người ấy biết như thế. Ba sẽ treo giải thưởng cho bất cứ ai có thể mách bảo được một tin tức gì có ích. Mai ở đây với ba. Huệ, Trà điệu chị Dung đi chỗ khác. Ba nghe tiếng than vãn rên rỉ của nó, ba chịu không nổi đâu.

Huệ, Trà đứng phắt lên, chạy lao ra cửa, lôi theo chị gia nhân người Thượng lúc ấy vẫn còn sụt sịt, nước mắt nước mũi choàm ngoàm.

Tiếng ông Ngọc-San gọi vang vang qua máy điện thoại. Cuộc Cảnh-Sát địa phương sôi động hẳn lên vì tin tức: con gái út ông chủ mía Ngọc-San mất tích.

Đến tối mịt, không khí bồn chồn khắc khoải lại càng tràn ngập toàn khu nhà ở của Ngọc San. Nỗi ưu tư như một luồng điện, lan truyền đến cả toàn thể anh chị em công nhân trong trại mía Ngọc-San. Mặc dầu vừa trải qua một cơn xáo động trầm trọng, mọi người vẫn phải công nhận là các cô chủ nhỏ, con gái ông chủ lớn, là những cô gái rất đáng quý mến. Việc cô út bị mất tích khiến họ sửng sốt bàng hoàng, băn khoăn nghĩ ngợi không hiểu tại sao. Ồ, phải! Biết đâu đây lại chẳng là, vì tức giận, thần linh đã ra tay trừng phạt.

Khi ba cô con gái thất vọng quay về báo tin truy lùng vô hiệu quả, trong một phút vô cùng tuyệt vọng, ông Ngọc San đã buột miệng thốt:

- Sao trại mía của ta cứ bị hết nạn nọ đến họa kia thế này?

Huệ dịu dàng nắm tay cha:

- Cái gì, ba? Ba nói cái gì thế?

Người cha giơ một cánh tay lên, nhưng lại buông vật xuống, mệt mỏi rã rời:

- Chắc con cũng biết là ba đã mất tích một đứa con trai trước khi má con sanh con chớ hả? Và thằng bé bị biệt tung trong trường hợp vô cùng bi đát.

- Vâng, biết chứ ba! Nhưng không nghe ba nhắc tới chuyện buồn ấy bao giờ, chúng con cũng không dám đả động tới làm gì. Ba má đặt tên anh ấy là Trung phải không ba?

- Ừ, đúng đó, con! Má con và ba yêu quý nó, hãnh diện vì nó vô cùng. Nó, đẹp, mập mạp, khỏe mạnh hơn mọi đứa con nít cùng lứa tuổi. Khi được đúng một năm, chợt một đêm kia, chị vú nuôi nó, vốn là người Thượng cho ba má biết là thằng bé bị sốt nặng. Sáng hôm sau, ba cho nó đi nhà thương, mổ cái nhọt bọc ở phía sau tai bên phải. Hồi đó cây phượng hoa vàng kia đã có từ lâu rồi. Chị vú của bé Trung nói xưng xưng rằng toàn thể công nhân bất mãn vì trong khu trại nhà mình lại có cây quý đó. Họ bảo rằng cây quý khiến thần linh ghen hờn nổi giận đã hành lên thể xác bé Trung. Nghe tin vậy, ba má chỉ nhún vai mỉm cười. Sau khi mổ cái ung nhọt rồi, thằng Trung bình phục rất mau chóng, nhưng xem ra sức khỏe của nó lại có vẻ kém sút hồi chưa bị mổ. Nó lại hay khóc, nét mặt không còn hớn hở sởn sơ như trước nữa. Bác sĩ khuyên ba má nên cho nó ra vùng biển ở ít lâu, thay đổi không khí... Vừa may, chị vú lại có nhà bà con ở ngoài Nha Trang. Thế là ba má thu xếp cho chị ấy đem bé Trung ra ngoài đó ít lâu. Chị vú tên là Tô-Lách, rất thông minh, tháo vát và thật tận tâm. Ba má xuống thăm bé Trung luôn luôn và vui mừng hết sức khi lại thấy nó hồng hào khỏe mạnh như hồi trước...

Thế rồi, một hôm, tin ghê rợn báo về: bé Trung, chị vú đặt đặt nằm trong nôi hóng gió ngoài bãi biển, đã bị một luồng sóng biển khổng lồ cuốn đi mất tích.

Sau một tiếng thở dài rầu rĩ, người cha bệnh tật nói tiếp. Giọng ông trầm trầm, khe khẽ như tiếng người tụng kinh:

- Chịu, ba không thể nào tả nổi cho con nghe nỗi đau lòng của ba má lúc đó. Thôi thì thuê người, mướn ghe thuyền đi kiếm, dù là chỉ tìm kiếm cái thi hài của nó mà thôi, đều hoàn toàn vô hiệu... Cũng từ đó, ba và má con, chẳng còn ai dám bén mảng tới gần "cây phượng hoa vàng" đó nữa.

Huệ nhìn cha thương xót:

- Tội nghiệp ba quá chừng!

- Nhưng ít lâu sau, con ra đời, rồi đến các em con. Ba má được các con nên cũng nguôi dần thương nhớ.

Mai hỏi cha:

- Rồi chị vú Tô-Lách ấy đâu hả ba?

- Tô-Lách nó cũng xót thương khóc lóc muốn hư cả đôi con mắt luôn. Nhưng ba má vẫn phải buộc lòng cho nó nghỉ việc. Tội nghiệp! Nghe nói hiện giờ nó mở được một cửa hàng vải trên chợ ĐàLạt, buôn bán khá lắm.

Viền môi người ốm nhếch lên. Nét cười gượng trông thảm não hơn cả một nét nhăn đau khổ:

- Chuyện đứt ruột ấy, chẳng hiểu sao bữa nay ba lại buột miệng nói ra như thế nhỉ, Huệ! Đã buồn, cho nó buồn luôn thể. Bây giờ đến lượt bé Cúc của ba mất tích. Trời ơi!

Giọng nói ông Ngọc San nghẹn ngào thương tâm hơn tiếng khóc. Mai âu yếm nắm tay cha:

- Cứ yên trí đi ba! Con chắc họ không làm gì bé Cúc đâu! Dân ở vùng này không phải là những người tàn ác. Họ chỉ muốn làm cho cha con mình sợ hãi để hả giận về việc xúc phạm đến cây thiêng đó thôi.

Người cha trợn tròn đôi mắt, kinh ngạc:

- Xúc phạm đến cây thiêng? Bao giờ thế? Và ai đã làm gì mà bảo là xúc phạm? Từ hai chục năm nay, có người nào dám lai vãng đến gần chỗ ấy đâu. Mà ba cũng đã cấm các con không ai được tới đó rồi mà, phải không?

Mai khẽ cúi đầu:

- A... a, lâu quá thành ra chúng con quên bẵng mấy lời ba dặn. Cúc bị bọn gian bắt đi đúng lúc em đứng hóng mát dưới gốc cây phượng hoa vàng đó ba.

Từ trắng xanh, da mặt ông Ngọc San đổi thành màu đỏ ửng, những nét đanh lại. Trán ông hằn xuống mấy nếp nhăn rõ rệt. Hai hàm răng ông nghiến ken két như muốn nhai nát mối căm hận. Căm hận vì hai cẳng chân tê liệt khiến ông không thể nhẩy ra khỏi giường nằm đặng cử động, hò hét, múa may cho hả.

- Nhất định lại bọn người cuồng tín này rồi. Hừ! Họ có gan làm tất cả mọi việc, kể cả những việc ghê gớm nhất. Đồng bào mình, dù Thượng hay Kinh, khi bị đụng chạm đến vấn đề tín ngưỡng là rắc rối không để đâu hết. Bé Cúc giờ này lọt vào tay họ. Trời ơi! Không ai mách bảo được chút xíu tin tức gì. Hai tay An, Mẫn và tên Giang, chỉ há miệng ra kêu than vô ích mà thôi! Biết đâu chúng nó lại cũng đã chẳng sợ rúm người vào rồi? Cảnh-Sát gặp trường hợp này cũng kẹt lắm, không thể thẳng tay can thiệp được. Rồi ngay đến cả những người thân tín nhất cũng im miệng luôn. Hoặc có nói thì lại chỉ nhắc đến thần linh, đến ma quỷ... Trời ơi!

Người cha đau khổ quắc mắt nhìn ba đứa con gái:

- Thôi! Tùy các con! Làm sao đó thì làm! Làm sao cứu được em Cúc thoát khỏi tay tụi ăn cướp ấy thì làm! Báo cho tất cả họ hàng bà con, người quen nhà mình biết. Gặp ai cũng hỏi thăm xem sao. Họ sợ lắm! Ba biết! Nhưng họ cũng lại quý mến các con. Chắc chưa một ai quên các điều tốt lành chị em con đã đem lại cho vợ, cho con họ đâu.

Dứt lời, ông Ngọc San mệt nhọc úp mặt vào hai bàn tay. Huệ nắm cổ tay cha:

- Ba! Ba đừng vội thất vọng nghe ba! Ba đau ốm nằm mãi một chỗ, lo buồn quá nên hơi quẫn trí đấy. Riêng con, con cam đoan với ba rằng em Cúc không sao hết đâu. Em sẽ về được, con nói chắc với ba như vậy đó! Theo con nghĩ: đây chỉ là một cách hăm dọa cho bọn mình hoảng sợ mà thôi. Để con gọi anh Giang lên đỡ ba nằm nghỉ cho khỏe. Có khỏe rồi cha con mình mới vững lòng chiến đấu được chớ ba.

Nhà trồng tỉa buồn bã gật đầu:

- Con nói đúng! Thôi, các con ra ngoài cho ba nằm nghỉ! Gọi anh Giang vào đây! Ba ngủ một giấc, khi tỉnh dậy chắc trí óc sẽ sáng suốt hơn một chút.

Sáng hôm sau, khi thức tỉnh, Mai đưa tay lên xoa hai bên thái dương nhức buốt và vầng trán nóng hổi. Công việc cần làm hôm nay: đi tìm kiếm em Cúc, hỏi thăm tất cả mọi người. Nhất định thế nào cũng có người biết tin tức chứ. Khó một điều: họ sẽ im miệng không nói gì hết. Gạn hỏi cho lắm và dù cho họ có quý mến mình tới mức nào đi nữa, bất quá cũng chỉ là một tin tức mơ hồ chẳng có gì rõ rệt. Phải khéo léo lắm mới được! Hai chị lớn Huệ, Trà khôn ngoan hơn, sẽ đảm đương việc điều tra, dò xét. Mai lại truy lùng tin tức em Cúc cách khác, và cách đầu tiên, còn gì tốt hơn là báo cho Hinh biết tin.

Khi nghe tiếng xe gắn máy nổ ròn từ phía trại Mộng Bảo vẳng tới, Mai đã đứng sẵn giữa đường, giơ tay chờ bạn. Hinh hãm thắng, xuống xe. Thấy bạn có mỗi một mình, cậu trai hỏi ngay:

- Ủa, bữa nay Mai đi học một mình? Tại sao vậy?

Mai rơm rớm nước mắt, nghẹn ngào:

- ... Cúc... Cúc bị bắt đi rồi! Chiều hôm qua. Tại gốc cây phượng hoa vàng đó. Khi nghe nó kêu thét, tôi chạy tới thì đã muộn. Không ai nhìn thấy bọn người bí mật nữa kia mà. Báo Cảnh-Sát rồi, nhưng vẫn chưa có tin tức gì hết.

Hinh nín lặng, không nói một câu. Da mặt cậu trai trắng bệch ra như sáp ong. Gần phút sau, Hinh mới rít qua kẽ răng:

- Hừ! Tụi cướp thế thì gớm thật! Dám cả gan làm chuyện tày trời đó... Cũng tại Mai, Cúc một phần! Tôi đã dặn phải dè dặt đề phòng mà chẳng chịu nghe. Cái này... cái này... chắc lại đám công nhân người Thượng đây thôi. Tôi có thể đoan chắc với Mai như vậy đó. Và căn cứ vào đâu mà tôi biết được như thế, hiện giờ chưa thể nói ra, nguy hiểm lắm!

Mai mừng khấp khởi:

- Hinh chắc chắn thế chứ?

- Chắc chắn! Chỉ có thể cho Mai biết được điều này! Rồi cố mà tìm hiểu thêm nghe: trại Ngọc San hiện đang bị một kẻ địch dòm ngó dữ lắm. Nó chỉ rình cơ hội là phá hoại liền. Hiện thời thì y đang lợi dụng đầu óc mê tín của công nhân, nhất là các đồng bào Thượng chất phác, nghĩa là những người dị đoan tin cây phượng hoa vàng kia là ghế ngồi của thần linh. Họ dễ nổi giận khi có người léo hánh tới chỗ thiêng liêng ấy! Cúc dại dột lại lần mò tới đó. Tụi người bắt cóc Cúc biết rõ rằng khi bắt được quả tang Cúc xúc phạm cây thiêng, họ sẽ khiến được tất cả các công nhân Thượng trong trại Ngọc San nổi dậy đương đầu với gia đình Mai, Cúc. Nhưng Mai cứ yên tâm, họ không dám làm gì cho Cúc phải đau đớn đâu. Và nhất định là khi nhận thấy lòng căm hờn của công nhân đã phát tác đầy đủ, họ sẽ thả Cúc về ngay.

Mai run giọng như sắp khóc:

- Trời ơi! Nếu vậy thì ghê gớm quá. Hinh nói cho tôi biết tên kẻ thù bí mật ấy coi! Để tụi này sẽ ra tay buộc y phải buông tha Cúc lập tức!

Cậu trai khẽ lắc đầu, hàm răng cắn viền môi dưới:

- Chưa phải lúc đâu, Mai ơi! Tay này mạnh hơn chúng mình nhiều lắm. Bây giờ tụi mình ra mặt đối chọi chỉ tổ khiến hắn càng bước mau tới chỗ thắng lợi mà thôi. Có cách này hay nhất này: phải hết sức can đảm, hết sức kiên nhẫn, "nữ tứ tử" sẽ làm cho hắn phải thất bại ê chề. Phần tôi, tôi sẽ gây trở ngại cho bất cứ hành động gì của hắn.

Cô gái nắm chặt hai bàn tay:

- Tên cường đạo này thật là tàn nhẫn. Gây cuộc đình công, phóng hỏa đốt xưởng đường của trại Ngọc San còn chưa đủ thỏa ý hay sao mà lại còn...

- Tôi đã nói là Mai cứ yên tâm. Đây nhé: Trại Ngọc San không chỉ có kẻ thù không mà thôi. Ngoài ra còn... những "lời báo trước" cho mà đề phòng nữa. Do đó, tôi cho rằng hiện thời, bên Mai, có một người nào đang âm thầm giúp đỡ nhằm khiến sự thiệt hại nhẹ bớt đi được phần nào đó.

Mai tươi cười nhìn bạn:

- Nghe Hinh nói, tôi vững lòng rất nhiều. Hinh thật là một người bạn tốt. À, nhưng phải nói cho tôi biết là tôi phải làm cái gì bây giờ chứ. Cứ bỏ liều Cúc ở trong tay bọn kia sao? Ba Mai thì bức rứt, tức giận vì ở cái thế không thể làm gì được. Chị Huệ, chị Trà chạy ngược chạy xuôi hỏi tin tức để dò tìm em Cúc. Nhưng chắc gì...

- Đối với các công nhân, nhất là đồng bào người Thượng, biện pháp cứng rắn là điều tối kỵ. Càng gay go với họ, họ càng im miệng không nói gì hết. Nghi ngờ họ, chỉ tổ khiến họ thêm tức giận mà thôi. Cứ giữ thái độ bình tĩnh đàng hoàng. Sự điềm tĩnh và lòng dũng cảm của chị em Mai sẽ khiến họ được cảm động. Và rồi lại còn những tin mật báo trước cho biết các việc xẩy ra nữa. Thế nào cũng sẽ còn nhiều nhiều. Tôi khuyên Mai cứ yên tâm là vì thế.

Mai cảm động nhìn cậu bạn trai:

- Hinh còn nhỏ tuổi mà nói năng đã có vẻ khôn ngoan quá. Cứ như người lớn ấy thôi. Chắc Hinh đã phải mất nhiều ngày lắm mới tìm hiểu được người và việc như thế chứ, hả ?

Hinh nhè nhẹ gật đầu, mặt hơi có vẻ buồn :

- Thì Mai cũng biết đó ! Bên nhà tôi thật ra chẳng có cái gì có thể gọi là vui vẻ cả. Do đó, để giải trí, tôi thường chú ý nhận xét những việc xẩy ra quanh mình. Vui lắm ! Khi người ta tiết kiệm lời nói, sẽ có được nhiều thì giờ để suy nghĩ, tìm hiểu người khác.

Mai vui mừng nắm tay bạn :

- Hinh quả là một người bạn quý hóa. Cố giúp cho tụi này kiếm cho bằng được em Cúc nghe. Tôi sẽ báo cho Hinh hàng ngày mọi tin tức gì mới lạ. Cầu trời cho chúng mình không phải chờ đợi lâu.

Ðôi bạn chia tay. Khi Mai về tới nhà, đã thấy Huệ, Trà đang châu đầu đọc một tờ giấy gì.

Huệ nhìn Mai, cất giọng run run :

- Coi ai viết này, Mai ! Chị và chị Trà thấy mảnh giấy gài dưới khe cửa đầu hàng ba đó.

Mai hồi hộp dở mảnh giấy lạ, lẩm nhẩm đọc :

’’ Cô bé bị bắt cóc, vẫn mạnh khỏe, bình an ‘’.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VIII

Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

CHƯƠNG VI_PHIẾN ĐÁ HOA CƯƠNG


CHƯƠNG VI


Lúc tan học, ở trường ra, được Cúc cho biết là không thể tiếp tục hẹn hò nhau tại địa điểm cây phượng hoa vàng nữa. Hinh ngơ ngác nhìn hai bạn:

- Vậy là tụi mình không thể gặp nhau tại chỗ mọi khi được nữa?

Cúc gật đầu:

- Chị Mai và Cúc đã hứa là sẽ không gặp anh Hinh tại đó nữa. Nhưng ở chỗ khác thì vẫn được như thường. Ra chợ quận, lên trường chẳng hạn. Như vậy chúng mình vẫn thông tin cho nhau được. Cũng may mà công việc dò hỏi tìm hiểu ý nghĩa những chữ nho viết trên phiến đá lại xong rồi. Giờ đây chúng ta chỉ việc chờ đợi, có dịp là tổ chức cuộc đào bới. Cần nhất là phải khéo léo đừng để lộ bí mật, công nhân lại xáo động lên thì nguy lắm.

Mai khôn ngoan hơn:

- Việc đào bới này hãy cứ để thong thả, đừng nghĩ đến vội, Cúc đã quên việc rắc rối hai chị Huệ, Trà mới phải đương đầu trong trại mình đó sao? Cai và thợ đang đình công không đi làm đó.

Chợt, Cúc hích nhẹ khuỷu tay vào lưng chị, khẽ rỉ tai bảo chị để ý một cặp trai gái đang đứng mua đồ tại một cửa tiệm tạp hóa:

- Chị Mai coi kìa! Gô-Ban và Mát-Ta lợi dụng ngày hôm nay nghỉ làm, dắt nhau đi chợ sắm đồ. Chắc chú rể mua nữ trang tặng cô dâu.

Hinh khẽ hỏi bạn:

- Cô đó là Mát-Ta, con gái bác An, trưởng toán trồng tỉa bên nhà Cúc hả?

- Ờ, đúng đó! Mát-Ta sắp làm lễ cưới với anh chàng đi cùng đó. Tên anh ta là Gô-Ban. Anh ta cũng mới qua làm việc bên này được một tháng. Nghe nói trước y vẫn làm việc bên trại nhà anh Hinh mà. Chắc anh biết y chớ?

Hinh khẽ quay đầu, đưa mắt nhìn đôi vợ chồng sắp cưới. Chợt cậu trai giật mình thảng thốt: gã con trai người Thượng, chồng tương lai của Mát-Ta, đeo ở cổ tay một cái đồng hồ xinh xắn, sợi dây da màu đỏ chót. Trong một thoáng Hinh hiểu ngay tất cả mọi sự. Thì ra tên Gô-Ban này là tay sai của lão Khu-Ma-Ra. Y tuân lệnh lão Khu qua gieo rắc sự xáo trộn bên trại mía Ngọc San. Chính Gô-Ban bữa nọ đã ngồi sau gốc cây dừa xúi giục người yêu đi rỉ tai xúi mọi người nổi dậy làm một cuộc đình công. Lại cũng chính y cùng một người nữa đã xuống tay bạo hành mình tại gốc cây phượng hoa vàng mấy hôm trước đây để mình sợ hãi không còn dám tới đó họp mặt với các cô gái con ông Ngọc San nữa. Chính Gô-Ban đang tiếp tục nuôi dưỡng cuộc đình công bên trại Ngọc San, rỉ tai các đồng nghiệp, xúi giục họ bỏ việc để gây khó khăn cho nữ tứ tử Huệ, Trà, Mai, Cúc đây mà!

Tiếng Cúc thoảng nhẹ bên tai:

- Nghĩ gì mà ngẩn mặt ra thế, anh Hinh?

Cậu trai giật thót mình:

- À, hả? À, không! Tôi có ý định đi tìm giáo sư Sử Địa tên Phúc hiện đang dạy tại Liên Khương để hỏi lai lịch cụ Lầm-Chí-Khả đây... Thôi tôi đi nhé! Hẹn với Mai, Cúc gặp lại sau. Tôi sẽ ráng làm cho được việc!

Hai chị em nhìn chiếc xe gắn máy đưa Hinh đi xa dần. Phút sau, Mai đã tiến lại chỗ để xe của mình, và bảo Cúc:

- Lên ngồi lẹ đi Cúc! Hôm nay phải về cho sớm. Không thể la cà như mọi ngày được đâu.

- Chị Mai nói đúng! Để hai chị Huệ, Trà thắc mắc lo âu là không được. Tụi mình đã gây rắc rối cho hai chị quá nhiều rồi.

Nửa tiếng đồng hồ sau, khi hai chị em về tới nhà thì được biết tin là mọi việc rắc rối đã được thu xếp ổn thỏa. Công việc trong trại sẽ lại tiếp tục vào ngày mai. Cúc rón rén đến gần bên cô chị cả:

- Chị Huệ không giận chúng em nữa chứ? Vừa hỏi chị, Cúc vừa cảm thấy trong lòng lo sợ vô cùng khi thấy sắc diện chị buồn rầu, da mặt xanh mét. Huệ mệt nhọc nhìn em:

- Buồn quá Cúc à! Thật tình từ trước đến nay chị chưa phải thấy quang cảnh buồn thảm như thế này bao giờ. Bốn bãi mía không một bóng người làm việc, gia đình các cai, công nhân, nhà nào nhà nấy đều tụ tập bên trong, xì xào bàn tán. Tất cả hình như có vẻ hối hận và xấu hổ vì đã bỏ việc ngang xương.

Bác An cũng luống cuống vào hết nhà này tới nhà kia, nhắc nhở những lời họ hứa, giải thích cho họ sự cần thiết phải đi làm ngay cho kịp vụ, nếu không, mía sẽ trổ hoa, nước đường sẽ tiêu hao tai hại lắm. Nghe chừng mọi người cũng hiểu đấy, nhưng vẫn lúng túng không biết quyết định ra sao. Họ không chịu hiểu vì lý do gì các cô gái nhỏ con ông chủ lại cứ hay đến gần cây phượng hoa vàng, mặc dầu đã có lệnh của ông cấm đoán.

Mai lo lắng nhìn chị:

- Chúng em cũng hối hận lắm!

- Các em đã biết rõ là đồng bào của mình, Kinh cũng như Thượng, nhất là đồng bào Thượng ai nấy đều coi trọng những chuyện đó lắm. Tinh thần tín ngưỡng của họ thật ngây thơ, thật hồn nhiên nhưng mãnh liệt vô cùng. Các em đâu có lạ gì, mà không hiểu tại sao các em lại hành động như vậy chứ?

Cúc cúi gầm mặt:

- Chúng em biết những điều đó, nhưng mải vui nên quên khuấy đi mất.

Mai ngạc nhiên hỏi chị:

- Chị Trà đâu sao không về cùng với chị?

- Chị Trà xuống xưởng nấu đường. Cai và thợ dưới đó vẫn làm việc như thường, nhưng không khí đã có một cái gì là lạ. Bác Mẫn cũng đang lo lắm. Mấy người coi nồi mật, sáng nay vắng mặt lúc điểm danh. Gô-Ban, vị hôn phu của Mát-Ta có đến xin giúp việc thêm trong xưởng ép mía. Hành động của anh ta đáng khen, nhưng về chuyên môn, Gô-Ban lại chẳng biết gì. Vì thế, Trà đã phải từ chối, không nhận.

Cúc cho biết:

- À, thảo nào chúng em gặp anh ta dắt vợ sắp cưới đi sắm đồ tại chợ Đức-Trọng. Hai người mải chuyện trò vui vẻ nên không ngó thấy chúng em. À, mà chị chưa nói gì cho ba biết đấy chứ?

- Ừ! Ba vẫn không biết gì hết! Anh Giang luôn luôn khuyên ba nên nằm nghỉ trong phòng cho mau khỏe. Chị Dung, vợ anh lại khôn khéo tìm cách trả lời xuôi, mỗi khi ba hỏi đến chị và Trà. Ba đang chờ các em lên đánh cờ để giải trí một chút đó.

- Được! Chúng em lên với ba bây giờ đây! Chị Huệ không giận tụi em nữa chứ?

Cô chị lớn âu yếm nhìn các em:

- Không!... Nữ tứ tử! Bốn chị em mình lúc nào cũng là nữ tứ tử của ba, hết sức đoàn kết để thay ba làm việc.

Chợt, chuông điện thoại reo vang ngoài phòng khách, Huệ chạy vội ra nhấc ống nghe, sắc diện cô gái bỗng tái đi, tay đặt mạnh ống nghe lên máy.

Cúc giật mình quay lại:

- Ai nói gì thế, chị Huệ?

- Có người nào, đàn bà thì phải, vừa gọi điện thoại báo tin dữ! "Các cô cẩn thận, coi chừng nghe".

Mai, sắc mặt đỏ bừng, có ý tức giận:

- Nó hăm dọa tụi mình đấy. Báo cho Cảnh Sát biết liền đi chị Huệ. Để họ mở cuộc điều tra!

Huệ giơ tay ngăn em:

- Thôi, báo Cảnh Sát làm gì, lại chuyện cây phượng hoa vàng đây! Còn... còn nhiều tin lạ nữa! Rồi đó em coi, Mai à. Họ muốn cho mình lúc nào cũng phải lo lắng, phát sốt phát rét lên. Như vậy họ mới hả được cơn tức vì thần linh của họ bị xúc phạm.

- Chị nhận ra giọng nói của ai đó không?

- Không! Giọng lạ lắm! Thế nào họ chẳng cố nói cho lạc tiếng đi.

- Chị Huệ! Chúng em thương chị quá! Chỉ tại chúng em mà trại mía của ba lâm vào tình trạng đe dọa ghê gớm như thế này.

Huệ trấn an các em:

- Không lo! Đừng sợ gì cả! Cần nhất là đừng để cho ba biết một chút gì hết. Chị chỉ sợ một ngày kia, không thể giấu giếm được nữa, phải nói cho ba hay. Lúc đó chắc là tai hại ghê lắm. Và buồn thảm thì không còn bút nào tả xiết. Ba vẫn đặt hết tin tưởng vào nữ tứ tử giỏi giang của ba! Hừ!

Cúc thở dài buồn bã:

- Cũng do lỗi của các em mà ra cả! Nhưng chị cũng đừng giận ghét các em tội nghiệp nghe chị Huệ. Bảo là chúng em phá phách nghịch ngợm gây ra sự chẳng hay thì cũng hơi... oan. Cam đoan với chị là hiện thời chúng em đang làm một việc quan trọng lắm, có ích chung cho cả gia đình. Thật như thế. Có điều, hiện thời chưa thể nói ra cho chị biết được. Chúng em phải giữ thật bí mật mới hy vọng thành công. Và trong khi chờ đợi, chúng em xin giúp chị một tay để... chiến đấu. Chị đừng nản trí, nghe!

Đột nhiên, một viên đá từ đâu, do ai liệng, đập vỡ ô kính cửa sổ, rớt ngay gần chân cô chị cả. Ngoài viên đá, một mảnh giấy quấn quanh, cột chắc bằng một sợi dây thun. Huệ cúi lượm, thong thả giở ra. Hai giòng chữ in cắt trong giấy báo, dán lại, hiển hiện trước mắt. Cô hắng giọng, khẽ đọc:

"Bầu trời sẽ ửng đỏ, nhưng không phải là do ánh sáng của mặt trời!"

Cô gái nghiến răng lẩm bẩm:

- Đốt nhà! Hừ! Tụi cường đạo hăm dọa sẽ đốt nhà! À, tàn bạo thật! Tụi nó dám làm chuyện tày trời đó? Ghê nhỉ!

Mai hoảng hốt khẽ la:

- Trời đất! Bọn họ sẽ phóng hỏa đốt trại của chúng ta? Nếu vậy thì nguy lắm, em phải cấp báo cho bác An, bác Mẫn mới được! Để các bác ấy sẽ tổ chức đề phòng.

Huệ vẫn bình tĩnh như không:

- Đừng lo, các em! Họ chỉ dọa chị em mình đấy thôi! Cứ vững tâm, đừng sợ gì hết. Nữ tứ tử của trại mía Ngọc San can đảm nổi tiếng xưa nay mà. Sợ hãi thất thần thế kia, lỡ ba trông thấy là hư hết mọi chuyện đấy.

Cúc phụ họa:

- Đúng! Ba mà thấy chị em mình run sợ ba sẽ buồn lắm. Phải làm cho ba vui vẻ mới mau lành bệnh chứ? Thôi, em lên đổ cá ngựa với ba đây.

Mai cũng vui vẻ nói với chị:

- Cúc nói đúng đó chị Huệ! Bốn chị em mình, ai vẫn việc nấy. Hoạt động đều đều và vui vẻ cũng vẫn đều đều. Từ hai ngày nay, nội nhà không có một tiếng cười.

Buổi chiều hôm đó, không khí lại rộn rã tiếng nói tiếng cười của bốn chị em Huệ, Trà, Mai, Cúc. Trại mía Ngọc San lại có được sắc thái vui vẻ như những ngày sáng đẹp tưng bừng trước hôm xẩy ra cơn bão tố.

Sáng hôm sau, Mai, Cúc lại nhẩy lên xe gắn máy hăm hở đi học như không có chuyện gì xẩy ra. Tan học, ra tới cửa, đã thấy Hinh dựa xe đứng đợi từ bao giờ. Gặp bạn, cậu trai vẫy tay rối rít:

- Mai, Cúc! Có tin mới! Tin mới hay lắm! Giáo sư Phúc rất giỏi. Ông ta biết nhiều thứ lắm, cho hay bao nhiêu điều quan trọng liên hệ tới cụ Lầm-chí-Khả. Đây, để tôi đọc cho hai người nghe:

"Vào hồi tháng 9 năm 1916, ông Lầm-Chi-Khả hồi đó mới 32 tuổi, nguyên là bộ tướng của Hùm Thiêng Yên-Thế Hoàng-Hoa-Thám, Lầm-Chí-Khả có trọng trách lo việc quân nhu lương thực, hoạt động kinh tài cho nghĩa quân dọc miền duyên hải, suốt từ Hòn Gai, Móng Cái, Tiên Yên cho đến miền Phả-Lại Đông Triều. Họ Lầm là một vị anh hùng có tinh thần trọng nghĩa khinh tài. Ông chỉ đánh cướp những tàu, thuyền của tụi hải tặc chuyên buôn lậu, cướp của hại người. Sau một thời gian chọc trời khuấy nước trên mặt biển, vị hải khấu anh hùng đã tích lũy được một số vàng bạc rất lớn. Họ Lầm dự định cho thuyền quay mũi cập bến Phả-Lại, bốc hàng, để rồi từ đó chuyển dần về Nhã Nam. Bất ngờ, cụ được tin cụ Hoàng đã tuẫn nạn bỏ mình. Đoàn nghĩa quân đang lần hồi tan rã. Buồn rầu tiếc thương chủ tướng, thêm niềm thất vọng cùng cực, Lầm-Chí-Khả hô bộ hạ giương buồm trở mũi ra khơi nhắm phía Nam trực chỉ. Đoàn hải thuyền của cụ đã cập bến Vũng Tàu. Và từ đó, cụ đổ bộ lần mò tới vùng Đức-Trọng này. Được ít lâu, cụ lại lên đường phiêu lãng cùng với mấy người bạn cũ, nhưng với tư cách một lữ khách nhàn du đây đó, viếng thăm mọi nơi chốn trong nước non nhà."

Cúc sáng ngời đôi mắt:

- Thế rồi trước khi bỏ quận Đức Trọng đi theo mấy người bạn cũ, cụ Lầm đã đem số vàng chôn giấu trong vùng, dự định bao giờ quay về sẽ đào lấy lên sử dụng. Và khi âm thầm chôn của, cụ Lầm đã lựa chọn khu đất của ông bà tổ tiên nhà mình, những người đã tiếp đón phụng dưỡng cụ. Thế nào, em nhận xét như thế, chị Mai có ý kiến gì không?

Mai nói như reo:

- Đúng là như thế. Rõ ràng quá rồi còn gì. Câu chuyện Hinh được giáo sư Phúc kể lại cho nghe, trong đó, tháng năm, chữ ký của cụ Lầm trên phiến đá đều trùng hợp. Không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ còn mỗi một việc là đào bới để tìm cho ra kho tàng ấy mà thôi.

Hinh điềm tĩnh, dè dặt hơn:

- Coi chừng hy vọng quá lại hóa thành tuyệt vọng đấy. Nếu quả có thật thì, chôn vùi dưới đất sâu có tới gần nửa thế kỷ rồi, báu vật chắc cũng đã bị hư hại, hoặc làm mồi cho chuột, bọ giun dế, cầy cáo mất thôi.

Cúc cắt ngang lời bạn:

- Anh Hinh có thấy cầy cáo, giun dế, chuột bọ ăn vàng bạc rồi hả? Vả lại, Lầm-Chi-Khả đâu có dại dột chôn giấu của cải của mình một cách cẩu thả. Biết đâu, cụ lại chẳng dùng một cái két sắt, hoặc một cái chum lớn hay tiểu sành gì đó.

Hinh gật đầu:

- Một cái hộp lớn bằng sắt dầy thì đúng hơn. Hồi đó, những người sinh sống trên mặt biển đều dùng loại hộp đó.

Cúc cười tươi, vẻ đắc thắng hiện rõ trên nét mặt xinh xắn.

- Ừ, đúng thế đấy!... Giáo sư Phúc cho tụi mình những điều bổ ích quá hả! À, anh Hinh, giáo sư Phúc, theo anh nhận xét, là một người như thế nào, anh Hinh?

- Giáo sư Phúc dạy Sử Địa giỏi nổi tiếng tại trường Trung-Học Liên-Khương đấy. Nhà chuyên làm bánh cuốn chả lụa bán mà ông ta chẳng có vẻ gì là "bánh cuốn chả lụa" hết trơn. Ông nội, bà nội giáo sư Phúc chắc cũng đã phải hy sinh nhiều lắm mới nuôi nổi ông ta học hành tới cỡ đó chứ.

Vừa nói chuyện, ba người bạn vừa dắt xe tiến ra đường nhựa, lối đi về nhà.

Thời tiết về những ngày gần cuối năm rất dễ chịu. Trời mát mẻ như mùa Xuân ngoài Bắc. Gió đưa nhè nhẹ, khẽ lay động đám lá cây trên cao. Cúc hớn hở đưa mắt ngắm nhìn cảnh vật, miệng cười tươi, trong lòng sảng khoái vô cùng.

Hai chiếc xe gắn máy về gần đến nơi. Chợt cả ba người giật nẩy mình, đứng dừng cả lại. Tại ngã ba, lối rẽ về trại, một số người đang chạy đi chạy lại, nhốn nháo khác thường. Ba chiếc xe cứu hỏa đậu chình ình choán gần hết mặt đường đi. Cái thứ nhất chạy lui chạy tới, vừa chạy vừa hú lên những hồi còi "Pí Pe, Pí Pe" ghê rợn mà Cúc vẫn thường nhái lại: "Cháy to! Cháy to!"

Cô bé tái mặt, nắm chặt tay Hinh:

- Nguy rồi! Cháy to! Cháy bên trại Ngọc San rồi anh Hinh ơi! Đúng rồi! Anh Hinh về với Mai, Cúc đi! Trời ơi!

Cậu trai biến sắc mặt, nhìn cô bạn nhỏ:

- Cúc điên rồi hả? Khi không lại dại miệng nói xưng xưng là cháy bên trại Ngọc San. Ai bảo thế? Căn cứ vào cái gì mà Cúc bảo là cháy bên trại nhà Cúc?

Mai lại còn tái xanh mặt hơn cả em nữa:

- Cúc nó nói đúng đó, Hinh ơi! Hôm qua các chị lớn đã nhận được bức thư đe dọa ghê lắm. Người làm trong trại căm giận tụi này vì chuyện cây phượng hoa vàng. Bây giờ, họ phá trại mía, đốt xưởng nấu đường Ngọc-San để báo thù đấy. Nguy quá! Trời ơi!

Hinh chăm chú nhìn sắc mặt hai bạn: Mai, Cúc đã nói thực. Sắc diện lộ vẻ kinh hoàng của hai chị em trông tội nghiệp vô cùng. Hinh hét lớn:

- Vậy thì cấp tốc về ngay! Cả tôi cũng cùng về với Mai, Cúc!

Cả ba hối hả nhẩy lên xe. Dọc đường dẫn về trại Ngọc San, xe đò, xe du lịch đậu nép sát lề, nhường chỗ cho ba chiếc xe vòi rồng cứu hỏa. Đằng xa, về phía tay mặt, bầu trời ửng hồng vì ánh lửa cháy to. Cúc đưa hai tay bóp mạnh hai bên thái dương, xoa vầng trái nóng bỏng. Em nhớ lại câu đe dọa ghi trong tờ giấy liệng qua cửa sổ nơi hàng ba. "Bầu trời sẽ ửng đỏ nhưng không phải do ánh sáng mặt trời".

Thì ra những người cuồng tín này đã báo thù, tổ chức công việc phá hoại rất tinh vi. Mà không biết lửa bắt đầu cháy từ đâu? Từ lò nấu đường? Hay từ bãi mía? Cơn sợ hãi khiến trái tim em như thót lại. Cúc bất giác lẩm bẩm:

- Ba! Ba! Trời ơi! Không biết có ai bồng ba chạy xuống nhà dưới được không? Hay là mắc kẹt trên đó thì chết cháy còn gì!

Hai chiếc xe gắn máy về gần tới trại mía Ngọc San, Cúc chợt thở ra một hơi thật dài. Hú vía! Lửa bốc cháy từ xưởng nấu đường. Không phải tại khu nhà ở. Ba ống khói cao nghệu trên mái xưởng chìm ngập trong đám khói đen, ửng hồng vì ánh lửa. Thì ra bọn người phá hoại đã không động tới khu nhà ở. Khi ba bạn về tới nơi, mọi việc cấp cứu đã được tổ chức chu đáo. Nhẩy xuống xe, Mai, Cúc chạy lại với hai chị lớn đang đứng bên các nhân viên cứu hỏa.

Một nhân viên đội nón đồng trẻ tuổi, hai tay nắm chắc một vòi nước lớn, tia xối xả vào đám lửa hồng.

- Các cô cứ yên tâm. Nhiều lắm là nửa tiếng đồng hồ nữa thôi, lò lửa sẽ tắt ngóm.

Thì ra lửa đã bốc cháy từ hồi năm giờ chiều tại xưởng nấu đường, bắt đầu từ đống xác mía. Lúc đó, Huệ đang trông coi thợ bóc lá mía, ngoài bãi số 2, trong lòng hớn hở vui tươi vì toàn thể công nhân đã chấm dứt cuộc đình công, vui vẻ đi làm như thường lệ. Bây giờ lại đến phiên xưởng nấu đường bị phá hoại.

Được tin cấp báo, Huệ huy động mọi người chạy tới cứu nguy. Toàn thể anh chị em công nhân trồng tỉa hăm hở ào tới chế ngự ngọn lửa, không cho cháy lan sang các khu nhà khác tọa lạc kế bên. Trong đám người chữa cháy, Hinh trông thấy rõ anh chàng chú rể người Thượng. Tên Gô-Ban chạy đi chạy lại, tay cầm câu liêm, tay nắm chắc một bó lá tươi, xông xáo trong đám lửa hồng, dập tắt, triệt hỏa hăng hái hơn tất cả ai hết. Cậu trai siết chặt hai bàn tay, hàm răng nghiến kèn kẹt:

- A! Tên lưu manh này là gián điệp hàng hai! Chính nó đã xúi giục đình công. Chính nó đã phóng hỏa đốt xưởng nấu đường, bây giờ lại còn sốt sắng chữa lửa. Hừ!... Nhưng ông trời có mắt chứ! Thất bại trông thấy rồi. Thật thế! Mặc dầu có gió to, toán nón đồng cứu hỏa vẫn chế ngự được ngọn lửa. Cối ép nước mía, sàng lọc nước ngọt, mười chảo mật vẫn còn nguyên vẹn. Hinh ngấm ngầm thích thú trong lòng:

- Lần phá hoại này, lão gian ác họ Khu lại thất bại. Hà! Hà! Được, cứ yên trí! Nước chảy xiết rồi đá cũng trồi. Thế nào cũng có một ngày ta giật được mặt nạ, lột trần âm mưu gian ác của lão nhằm hạ độc thủ bốn chị em Huệ, Trà, Mai, Cúc, con gái chân yếu tay mềm, đáng thương mà cũng rất đáng quý trọng kia.

Trà, cô chị thứ hai, luống cuống chạy ra lại chạy vào. Xưởng nấu đường là nơi em quý báu hơn hết mọi chỗ. Đó là nơi em đang hăm hở nghiên cứu cải tiến các máy móc cho lợi việc, lợi thời giờ. Cũng may mà trong giây phút thập phần nguy hiểm, Trà lại nhanh tay chạy được mớ hồ sơ cơ khí đang làm dở.

Thấy hai em, Trà hét to:

- Chạy lên lầu với ba đi, Mai, Cúc! Có mỗi một mình chị Dung ở trên đó thôi. Gặp trường hợp này là chị ấy chỉ biết ôm mặt kêu trời chứ không trông coi săn sóc ba được gì đâu.

Mai, Cúc chạy lao vào trong nhà. May sao, ông Ngọc-San đã được anh Giang bồng ở trên gác xuống đặt nằm trên ghế xích đu trong hàng ba từ lúc nào. Sắc diện ông đanh lại, đôi mắt mở trừng trừng nhìn khoảng không gian đỏ ửng vì ánh lửa cháy, hàm răng nghiến chặt gần như sái cả quai hàm. Ông uất hận vì tình trạng bất lực của mình.

Thấy hai con chạy vào, ông tươi hẳn nét mặt:

- Thế nào các con? Vẫn cháy to? Lửa bén tới đâu rồi?

Mai nói lớn:

- Không đâu ba ơi! Sắp tắt rồi! Chừng tiếng đồng hồ nữa là cùng!

- Có biết tại sao cháy không? Lửa bắt đầu bốc từ đâu?

- Xưởng nấu đường! Lửa từ đống xác mía cháy ra ba à! Không hiểu tại sao hết!

Cuối hàng ba có tiếng người nấc lên. Ba cha con quay lại nhìn: chị Dung không sụt sịt khóc nữa nhưng lại oán đất than trời rầm rĩ.

- Chết, chết! Chết hết đến nơi rồi! Lửa cháy là thần linh nổi giận đó. Hèn nào, đêm qua, tôi thấy rất nhiều bóng ma đen sì bay lượn quanh xưởng nấu đường! Trời ơi!

Ông Ngọc San đưa hai tay ôm đầu la to:

- Có im mồm đi không hả Dung? Lúc nào cũng thần linh với ma quỷ! Xuống bếp mà la. Chị không thấy tôi, thay vì chạy ra tổ chức chữa cháy, lại chịu ngồi chết bẹp ở đây sao? Bao nhiêu vất vả nguy hiểm đổ hết vào đầu vào cổ mấy đứa con gái. Còn đàn ông! Trời ơi! Không còn một người đàn ông nào nữa. Khổ vậy đó. Đi mà mách thót cho đám ma quỷ chị biết là trong nhà này không còn một người của đàn ông nào nữa đi. Mau lên! Đi nhanh đi!

Cúc chạy vội lại, ôm lấy cha:

- Ba! Ba ơi! Ba đừng nói thế, ba!

Chị Dung vẫn tiếp tục rên rỉ:

- Tôi biết ngay mà. Biết ngay là thế nào cũng hết tai nạn này đến tai nạn kia mà. Trời đất thánh thần ơi!

Người ốm gào lên:

- Đó, đó! Nghe tiếng chưa! Nghe cái miệng bà chằn đó bù lu bù loa chưa? Thiệt tình cũng nhờ tên Giang, chồng nó, từ xưa đến nay ba vẫn thương mến hết lòng. Nếu không, ba đã tống cổ bà chằn đi mà ở với ma quỷ rồi đó.

- Ba đừng nói thế tội nghiệp chị Dung mà ba! Chúng con thương chị ấy lắm! Chị Dung nuôi nấng chúng con từ lúc bé, tận tâm tận lực hết sức mà ba!

- Ba đâu có quên điều đó! Nhưng... bịt miệng nó lại, nghe giọng kêu than của nó, ba đến hóa điên mất thôi.

Cơn phẫn nộ của ông Ngọc San không còn bút nào tả cho xiết. Lý do thật dễ hiểu: cứ bị ngồi đóng đinh vào ghế dựa, hoàn toàn bất lực trong khi xưởng nấu đường của ông bốc cháy. Bao nhiêu vất vả, khổ sở, các con gái của ông phải gánh chịu hết. Lòng thương con lại càng khiến ông nổi trận lôi đình, đồng thời sự buồn khổ trong lòng lại càng thêm ray rứt.

Chợt, cửa mở nghe "xoạch" một tiếng. Huệ chạy lao vào hàng ba:

- Tắt rồi, tắt rồi, ba ơi! Không còn gì sợ nữa!

Người cha ngẩng mặt ngó đứa con gái lớn, không nói nên lời. Huệ mặt đỏ gay như người say nắng, thở hổn hển, hai má và vầng trán đen thui vì than, vì bồ hóng. Chưa ai kịp lên tiếng, đã thấy Trà tông cửa chạy vào. Ánh mắt ông Ngọc San nhìn hai đứa con yêu sáng lên đầy vẻ xót thương xen lẫn niềm kiêu hãnh. Trấn áp cơn xúc cảm nội tâm, ông cố gắng lấy giọng nói thật tự nhiên:

- Hư hại có nhiều lắm không, các con?

- Không mấy đâu ba! Lửa bị chế ngự kịp thời nhờ hai bác An, Mẫn sớm báo tin cho sở Cứu hỏa đó ba ơi!

- Còn lý do vụ hỏa hoạn?

Ánh mắt Huệ tối sầm hẳn lại. Vẻ buồn rầu lo lắng hiện rõ trên nét mặt:

- Bác Mẫn cho rằng tại không trông coi cẩn thận, ba à! Có một nùi giẻ tẩm dầu hôi cháy thành than trong đống xác mía.

Sắc diện ông Ngọc-San nhợt ra như tờ giấy trắng:

- À! Vậy thì đã có kẻ gian trà trộn trong đám người làm. Hừ! Thế thì gớm thật. Con để ý xem anh Mẫn có hết lòng tin tưởng toán thợ của anh ấy không?

- Bác ấy cũng không nghi ngờ một ai hết, ba à! Theo con nghĩ: tâm lý các công nhân kể ra thì chưa có gì gọi là bảo đảm lắm nhưng cũng không đến nỗi táng tận lương tâm làm điều gian ác đó đâu. Khi lửa phát cháy to, các anh em đã sốt sắng xông vào cứu chữa tận tình. Cả toán trồng tỉa cũng vậy, không thiếu một ai. Ngay cả Gô-Ban, con rể tương lai của bác An. Anh ta leo thang, trèo lên mái cao, dập lửa, té mấy lần tưởng chết đó ba. Bác Mẫn đã phải lên tiếng hò hét bảo anh ta coi chừng và khen ngợi anh ấy hết lời đó ba à.

Người cha tươi hẳn nét mặt, reo lên:

- Giỏi! Giỏi! Các con gái của ba giỏi lắm! Ba hãnh diện vì các con vô cùng. Hận một điều, trong lúc tai họa xảy ra, ba bị nằm chết dí một chỗ. Bao nhiêu vất vả đều trút lên đầu lên cổ các con. Thế mà các con vẫn vững lòng chiến đấu thật hữu hiệu. Giỏi! Giỏi lắm! Hà, hà! Cứ cái đà này, thì dù có gặp điều rủi ro đến thế nào đi nữa, cha con mình cũng sẽ vượt qua được hết.

________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VII

CHƯƠNG V_PHIẾN ĐÁ HOA CƯƠNG


CHƯƠNG V


Một hôm, Huy cho cậu em trai biết rằng Khu-Ma-Ra thắc mắc nhiều về việc Hinh hay cỡi xe gắn máy đi chơi cùng với mấy cô nhỏ con gái ông Ngọc San, địch thủ cạnh tranh của trại Mộng Bảo. Hinh ngạc nhiên vì thái độ ấy của lão Khu thì được anh giải thích: tay người Miên này có ý dòm dõ muốn chiếm hữu cơ sở mía đường của ông Ngọc San. Hinh trừng mắt nghiến răng hứa với anh sẽ trợ giúp bốn chị em Huệ, Trà, Mai, Cúc chống lại lão.

Chia tay với anh, Hinh vừa đi vừa suy nghĩ. Không chừng Khu-Ma-Ra đã đặt người do thám qua bên trại Ngọc San để dọn đường cho lão dễ bề hành động. Mải mê suy nghĩ cậu trai đặt bước từ lúc nào cũng chẳng hay, đi vào một con đường đất hẹp, hai bên mía mọc um tùm. Chợt có tiếng ai nói chuyện xì xào sau một gốc dừa lớn. Giọng một cậu trai và một cô gái Thượng. Nhưng lời đối thoại bằng tiếng Kinh. Người con trai:

- Em xinh đẹp lắm... Anh yêu quý em vô cùng!

- Em cũng yêu quý anh, anh à! Cổ tay anh đeo cái đồng hồ đẹp quá. Chỉ có những người con trai giỏi giang như anh mới biết dùng cái đồng hồ kiểu mới, dây màu đỏ tươi đẹp này thôi anh ạ. Em sẽ vâng lời anh, nghe theo anh như một người mù theo lời người dẫn dắt mình vậy.

- Ừ! Em ngoan lắm. Thế em có biết rằng hiện thời trong trại của ông chủ em có nhiều việc ghê sợ đang xẩy ra không? Mấy cô gái con ông chủ em đã phạm đến cây thiêng, "ghế đệm" của thần linh, từ xưa đến nay không ai dám đến gần. Tai họa thế nào cũng xẩy tới cho tất cả các gia đình bên em đó.

- Xúc phạm đến cây thiêng? Các cô gái con ông chủ lớn bên em? Trời ơi! Ai nói với anh như vậy? Có thật không?

- Chính mắt anh thấy mà? Cần gì ai bảo! Em phải mau mau về báo cho tất cả đàn bà bên em ngay đi. Liệu mà nghỉ việc, thôi không đi làm nữa! Cả đàn ông cũng vậy nghe chưa! Bướng bỉnh không nghe là chết cả đám đấy. Thần linh sẽ trừng phạt không tha một ai đâu!

- Ừ, ừ! Để em về nói liền! Trời ơi! Các cô con gái ông chủ lớn tử tế lắm, vui vẻ lắm mà! Sao lại dám trêu chọc thần linh chứ? À, à! phải rồi! Các cô ấy không thờ phụng, không biết kính sợ thần linh như tụi mình đâu! Thành ra chẳng kiêng nể gì, cứ nghịch phá bừa bãi. Nguy quá. Được! Anh yên trí! Em sẽ tuân lời anh!

- Ừ, em ngoan lắm! Anh biết là em ngoan lắm mà! Nói ngay cho tất cả đàn bà biết đi. Để họ bảo bọn đàn ông, chồng con, anh em họ. Thần linh bị xúc phạm sắp sửa nổi giận đó. Liệu hồn...

Tiếp theo đó là tiếng bước chân hai người chạy huỳnh huỵch xuyên qua bãi mía rậm rạp.

Hinh điếng người tự nhủ: cô gái này, để chiều ý người yêu, sẽ tuyên truyền gieo rắc kinh hoàng trong toàn trại. Mà không hiểu anh chàng này là ai? Và tại sao y lại tìm cách làm hại ông Ngọc San đây chứ? Phải báo cho Mai, Cúc biết mới được. Và nhất là điều anh Huy mới nói cho hay! Không nên chọc giận lão Khu-Ma-Ra vội. Nghĩa là chớ cùng nhau lên nhà cụ đồ Khải một lượt. Nếu đi, chỉ nên đi một mình. Hoặc chia làm hai toán. luân phiên mà đi.

Hôm sau Hinh đem kết quả về. Cả ba châu đầu xúm lại. Mai nói như reo:

- Hay lắm rồi! Nghe đây này! Gần rõ hết cả rồi!... Chỗ... bước tới... phía Đông... đếm ba chục bước... sáu... đất... kho tàng...

Hai chị em cất tiếng reo vui. Hinh khôn ngoan bảo Cúc:

- Thôi, Cúc cất quyển sổ quý đó đi. Chỉ một chuyến lên Liên Khương nữa là chúng ta sẽ có chìa khóa mở cánh cửa tủ bí mật.

Ba người bạn sửa soạn chia tay. Chợt, ngay lúc đó, hai người đàn ông mặt mũi bao kín, từ phía sau một gốc cây lớn nhẩy ra. Một người giữ chặt hai tay Hinh, người kia ôm cứng hai chân. Hinh hét lên hối thúc hai bạn chạy đi và nói rằng đây chỉ là việc rắc rối riêng tư, không dính dáng gì đến Mai, Cúc hết. Hai người lạ đấm đá cậu trai tơi bời một chập rồi co giò tẩu thoát.

Trong cuộc vật lộn vung vít. Hinh nhận ra một trong hai người có đeo một chiếc đồng hồ tay, dây màu đỏ chót. Em bâng khuâng tự hỏi: "Mình đã nghe nói tới chiếc đồng hồ dây đỏ này ở đâu rồi thì phải?". Đầu óc rối bung, Hinh nghĩ mãi không ra.

Vừa gượng lê bước ra chỗ để xe, Hinh vừa lẩm bẩm: "Đúng là cuộc tấn công mở màn của Khu-Ma-Ra đây! Lão cáo già sai người bạo hành mình để cho mình khiếp sợ không dám qua trại bác Ngọc San nữa đây mà. Hừ! Còn lâu mình mới sợ".

Hai ngày sau, đúng giờ hẹn, Mai, Cúc, Hinh lại gặp nhau tại nơi đã định. Cúc thắc mắc hỏi bạn:

- Trời ơi, tụi này tưởng anh Hinh bị tụi cướp ăn thịt rồi chứ! Tại sao lúc đó anh lại nằng nặc đuổi Mai, Cúc bắt phải chạy đi như những kẻ hèn nhát vậy?

- Đã bảo là việc riêng, để riêng tôi giải quyết lấy mà. Hai nữa tôi không thích thấy con gái mà lại đi đánh lộn.

Và đưa tay đỡ cuốn sổ con Cúc đưa cho, Hinh chăm chú đọc:

- Từ chỗ... đi về hướng Đông... đếm ba chục bước... sáu bộ... đất... kho tàng...

Mai hớn hở lật qua trang sau:

- Đây! Bây giờ chúng ta suy nghĩ cẩn thận, viết thành câu gẫy gọn thì là thế này:

"Từ chỗ này đi về hướng Đông. Đếm ba chục bước. Đào sâu xuống sáu bộ dưới mặt đất sẽ thấy kho tàng. Năm 1916- Lầm-Chí-Khả".

Hinh chăm chú đặt bước đi đều đặn, miệng lẩm nhẩm đếm cẩn thận. Năm sáu lần liền, lần nào cũng vậy, hễ cứ đếm đến ba mươi là y như chân Hinh lại đặt đúng gốc cây phượng hoa vàng...

Về đến nhà, Mai Cúc thấy rất đông khách đến chơi. Hỏi ra, mới biết hai vợ chồng bác An dẫn con gái là Mát-Ta và con rể tương lai đến chào ông chủ. Mai, Cúc đưa mắt nhìn anh công nhân trồng tỉa tên Gô Ban. Mặt mũi anh ta sáng sủa vui tươi, nhưng ánh mắt nhìn lại có một vẻ gì dị kỳ khó hiểu.

Một lúc sau, bác An, người vợ Thượng tên Sara cùng con gái, con rể, cáo biệt ra về.

Sáng hôm sau, khi Mai Cúc sửa soạn đi học thì chị Dung hốt hoảng chạy vào cho biết là tất cả công nhân trong trại đã đình công. Hai cô chị lớn dặn chị Dung giữ Mai, Cúc ở nhà, không cho ra khỏi cửa. Hai cô gái út tức giận la hét đòi biết lý do tại sao. Các em tái mặt hoảng kinh khi chị Dung cho biết: Huệ, Trà bảo rằng vì hai em đã xúc phạm đến cây thiêng nên toàn thể cai thợ nổi lòng công phẫn, nhất loạt bỏ ngang việc làm. Hiện thời hai cô chị lớn đang phải chuyện trò giải thích cho họ nguôi giận đi đó.

________________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG VI

Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

CHƯƠNG IV_PHIẾN ĐÁ HOA CƯƠNG


CHƯƠNG IV


Bác sĩ Bích nện gót giầy lộp cộp bước vào trong phòng. Ông Ngọc San đang nằm nghỉ trên một chiếc ghế xích đu. Huệ ngồi bên cạnh cha. Người bịnh nhìn ông thầy thuốc:

- Thế nào bác sĩ? Ảnh chụp có cho biết được gì không? Tám ngày nay tôi cảm thấy trong mình khỏe hẳn ra nhưng không hiểu sao đôi chân cứ nằm im bất động, không nhúc nhích được chút nào hết.

- Đây, tôi đem phim tới cho anh coi đây. Tôi và mấy ông bạn đồng nghiệp đã xem kỹ lắm. Chẳng thấy gì khác thường cả. Mà không hiểu sao...

- Mấy ông bạn đồng nghiệp của anh cũng lờ mờ chết đi ấy mà. Mỗi ngày tôi lại thấy khỏe ra một chút, hai tay lại nhanh nhẹn cử động như thường. Nhưng còn hai cái chân thì lạ quá.

- Bây giờ chỉ còn cách là nói thẳng với anh. Tôi nghi cái xương sống lưng của anh cũng đã bị phạm rồi đó.

Ông Ngọc San la lên:

- Cái gì? Anh nói sao? Xương sống lưng cũng bị phạm rồi? Xin anh nói rõ ra đi!... Nghĩa là tôi sẽ bị què liệt? Tôi sẽ phải chống nạng mỗi khi di chuyển? Hay là bằng xe lăn? Ủa, có thế nào thì anh cứ nói thẳng ra đi! Ngại gì mới được chứ?

Huệ khẽ vuốt ve bờ vai cha, miệng cười tươi:

- Ba bớt nóng giận chút đi! Ba nói lớn khiến bác sĩ Bích buồn đó.

- Không sao! Không sao! Cứ để ba cháu nói chuyện tự nhiên. Bệnh của anh rồi thế nào cũng khỏi. Có điều tôi xin nói thật: anh phải nằm dài một thời gian khá lâu đó. Còn khỏi thì thế nào cũng khỏi.

Ông Ngọc San lại quát ầm lên:

- Khỏi! Khỏi sao được mà khỏi? Tôi biết thừa là anh nói dối rồi. Sự thật thế nào anh cứ nói thẳng ra đi. Tôi có phải là con nít đâu mà anh cứ giấu giếm sự thực hoài vậy!

Bác sĩ trầm giọng:

- Thôi được! Nếu anh cố ép buộc thì tôi xin nói thật. Đôi cẳng chân của anh... coi như là hỏng rồi đấy. Tai nạn cây đổ đè trúng đã khiến một hay hai đốt xương sống lưng anh bị lệch đi. Đốt xương lệch ấy làm liệt dây thần kinh chỉ huy bắp thịt nơi hai cẳng chân anh. Giải phẫu thì nguy hiểm vô cùng.

Ông Ngọc San rút mùi xoa thấm mồ hôi nhỏ giọt trên vầng trán rộng. Liếc mắt thấy con gái lớn núp mặt vào hai bàn tay, người cha lạnh lùng nói tiếp:

- Có thế thôi mà anh cứ nói quanh nói quẩn mãi. Rốt cuộc sự thực vẫn là sự thực. Dù sao thì việc cũng đã rồi. Huệ con, can đảm lên nghe! Còn nước còn tát, lo gì! Hai chân ba coi như bỏ đi rồi. Nhưng ba còn... cái này này, Ông Ngọc San mỉm cười nhẹ vỗ vào vầng trán cao Chân mất nhưng đầu ba vẫn còn thì các con vẫn có thể yên tâm nghe!

Huệ lau khô nước mắt, gượng cười:

- Ba nói đúng đó ba! Nữ tứ tử chúng con sẽ cố gắng hết sức làm việc nghe, ba! Hơn nữa, khoa học đâu đã tuyên bố chịu thua...

Bác sĩ Bích cũng vui lây cái vui của cô gái can đảm:

- Cháu Huệ nói đúng đó! Tôi mới được tin là hiện nay ở Saigon...

Ông Chủ trại mía Ngọc San cắt ngang lời bác sĩ Bích:

- Thôi, thôi anh Bích! Tôi cũng chưa dám hy vọng là tại Saigon có bác sĩ nào chữa nổi không đây. Trong khi chờ đợi, thôi... được, nhờ anh cất giữ dùm cái phim chụp đôi cẳng chân tàn phế của tôi đi. Và anh cho phép tất cả các cháu con gái tôi vào hết đây. Tôi cần họp bàn với các cháu chương trình hoạt động để đối phó với tình thế mới. Thỉnh thoảng rảnh việc, anh lại chơi, nói chuyện đời mà nghe. Chứ còn việc giải phẫu, chữa chạy cho khỏi được bệnh tình của tôi thì, thôi... trăm sự nhờ trời. Anh khỏi cần thắc mắc gì đến nữa, nghe. Thôi, kính chào anh Bích. Mong gặp lại anh sau! Cháu Huệ sẽ tiễn anh thay cho tôi.

Bác sĩ Bích buồn rầu quay ra, theo chân cô gái đệ nhất nữ tứ tử xuống tới hàng ba dưới nhà, ông thầy thuốc lặng nhìn cô con gái bạn:

- Bác vẫn ngại là giây phút bi thảm này thế nào cũng phải tới. Ba cháu là một người chúng ta không thể nói dối được. Nhưng, nghĩ cho cùng, thế lại càng hay. Để ba cháu tiện việc tổ chức lại việc làm trong trại sao cho hợp tình hợp cảnh.

Huệ bùi ngùi nói với bác sĩ Bích:

- Cháu kính chào Bác sĩ! Lúc nào rảnh rỗi, bác sĩ lại chơi với ba cháu luôn. Chúng cháu còn phải nhờ tới bác sì nhiều lắm.

Ông thầy thuốc cũng thấy ái ngại:

- Nhất định là thế rồi. Tội nghiệp các cháu quá. Con gái chân yếu tay mềm. Bác cứ băn khoăn tự hỏi, rồi đây các cháu biết xoay sở làm sao.

Cô gái đầu đàn sáng ngời ánh mắt:

- Cái khó không phải ở chỗ đó đâu bác. Bốn chị em chúng cháu sẽ cố gắng đem hết sức ra làm việc. Có lo là chỉ lo cho ba cháu. Vốn ưa hoạt động, bây giờ bắt buộc phải nằm lì một chỗ chắc bực bội lắm. Ba cháu cần được giải trí, chuyện trò với bạn hữu, đánh cờ, cho khuây khỏa...

- Được! Được! Chuyện đó bác có thể giúp các cháu và ba cháu được. Các cháu có thể yên trí. Thôi, bây giờ bác về nhé! Can đảm lên nghe, cháu Huệ!

Chờ cho vị thầy thuốc đi khuất sau hai cánh cổng lớn ngoài vườn, Huệ mới đặt bước đi vào hàng ba. Trà, Mai, Cúc đang xúm xít đọc thơ của bà con trong họ gửi về. Cô chị cả nói với các em:

- Bác sĩ Bích mới vào thăm ba xong, ông về rồi. Ông ấy cho biết là hai chân ba sẽ... không đi được nữa đâu.

Mấy chị em điếng người lặng thinh. Cả bốn người đưa mắt nhìn nhau. Miệng há ra nhưng không ai thốt nên lời.

Có tới hai phút sau, Cúc mới bật ra một tiếng rên khẽ:

- Tội nghiệp ba quá, ba ơi!

Mai:

- Rồi trại mía, nhà máy nấu đường, làm sao đây?

Cô chị lớn quắc mắt:

- Bốn chị em mình sẽ thay ba trông coi tất cả. Nào, các em hãy cùng chị xung phong!

Trà ửng hồng sắc mặt:

- Cối ép mía vẫn chạy đều đều như trước!

Nữ tứ tử đồng thanh, giơ cao tay:

- Chúng ta thề quyết tâm thay ba làm việc!

Chợt có tiếng anh Giang vang vọng từ phía trên cầu thang:

- Ông chủ cho gọi các cô! Vào gặp ông ngay kìa!

Chớp mắt, bốn cô gái đã rầm rộ vượt hết cầu thang, mở cửa phòng cha, ào vào như cơn gió lốc.

Nhà trồng tỉa đưa mắt nhìn các con, buồn bã. Nhưng miệng ông lại cười tươi:

- Bó hoa đẹp của ba! Thế nào? Nghe tin bác sĩ Bích nói cho biết, các con có lo buồn không? Bây giờ ba bị tê liệt nằm một chỗ, các con có khổ không?

Cúc, cô gái út nghẹn ngào:

- Không! Chúng con không khổ! Chúng con chỉ thương ba thôi! Chúng con sẽ cố gắng, nghe ba!

- Giỏi! Gái út của ba giỏi lắm! Ba yêu thương các con và tin tưởng nơi các con nhiều lắm. Nào, bây giờ ba muốn nói chuyện đến nhà máy đường. Ba muốn nói rằng: nhà máy đường vẫn hoạt động như thường, các con nghe rõ chưa? Có bốn đứa con gái giỏi giang tháo vát thế này, không có lý gì nhà máy lại có thể ngưng hoạt động. Ba đặt hết tin tưởng nơi các con. Các con sẽ thi hành lệnh ba để điều khiển trông coi mọi việc. Bốn đứa đã hiểu chưa nào?

Cả bọn đồng thanh:

- Rồi, rồi ba!

Ông Ngọc San gật đầu thỏa mãn:

- Tốt lắm! Vậy mọi việc vẫn như cũ, không có gì thay đổi hết. Các con ai nấy đều biết công việc của mình rồi phải không? Hai đứa "bé tí" cũng như các chị lớn, phải trông coi săn sóc trong ngoài cho ba những ngày được nghỉ không phải đi học. Các con chịu không?

- Chịu liền, ba!

- Rồi, bây giờ. Mai cưỡi xe gắn máy chạy ra bãi mía số 1, chở bác An về đây cho ba dặn dò công việc. Đồng thời Trà xuống nhà máy đường gọi bác Mẫn. Ba muốn nói chuyện với các bác ấy trước mặt các con.

Mười lăm phút sau, hai bác An, Mẫn đã tề tựu đông đủ. Huệ với Cúc đã nói chuyện với cha và cả một chương trình làm việc đã được luận bàn chu đáo.

Hai anh em bác An, bác Mẫn, từ đời ông cho tới đời cha, gia đình hai người vẫn làm việc tại trại mía Ngọc San. Do đó, hai anh em đều tận tâm, đem hết khả năng và tinh thần ra phục vụ cho chủ. Ông Ngọc San đối lại, cũng tin yêu hai người hết lòng. Phần các công nhân, Kinh cũng như Thượng, ai nấy đều một niềm tin yêu kính phục ông chủ, một người, ngoài mặt rất cương quyết cứng rắn, nhưng bên trong lại chăm lo đời sống cho họ hết lòng. Nhất là bốn cô gái con ông chủ, hết thẩy mọi người đều yêu mến, gọi là "nữ tứ tử". Đối với họ, đúng là bốn cô tiên xinh đẹp vô cùng, nhưng nghịch ngợm thì cũng hơn ai hết. Mặc dầu vậy, công nhân trong trại ai cũng đều vui mừng khi được các em đến nhà chơi. Sự hiện diện của bất cứ em nào cũng đem lại cho nếp sống dưới mái nhà tranh thanh đạm của họ, nếu không một đôi chút tiện nghi thì cũng là một luồng sinh khí tưng bừng vui vẻ.

Nhất là các phụ nữ người Thượng. Họ ca tụng các em không tiếc lời. Từ bao nhiêu thế hệ, phụ nữ người Thượng vẫn vốn nặng mang kiếp buồn nhân thế. Nỗi buồn cố hữu lý do không ngoài sự nghèo đói và cam tâm chịu đựng, cũng nhờ tính tình vui vẻ hồn nhiên của mấy cô tiểu chủ và vơi bớt rất nhiều. Do đó, họ luôn luôn nghe lời các em khuyên bảo, vui vẻ làm theo điều các em chỉ dẫn.

Một em bé đau ốm! Các bà mẹ chạy đến tìm ngay cô Huệ. Trường hợp có bệnh thời khí hoành hành, Mai và Cúc tức tốc cho thuốc uống, tiêm chích phòng ngừa không để tai họa lan tràn phá hoại.

Biết bao lần, chị S'Ra, người vợ thượng xinh đẹp của bác An đã phải trông nhờ vào bộ óc thông minh, bàn tay khéo léo và tấm lòng sốt sắng thương người của mấy chị em. Đứa con gái lớn của chị, con Mát-Ta biết cắt quần, may áo, khâu vá, nấu ăn thật ngon cũng là nhờ cô Huệ.

Chỉ riêng Trà là suốt ngày mê mải say sưa trong xưởng nấu đường. Hiếm thấy một cô gái nào mới mười sáu tuổi đầu đã sớm đam mê học hỏi về vấn đề cơ khí. Cối ép mía quay, phát ra tiếng kêu kẹt kẹt, chảo nấu đường sôi ùng ục, bốc hơi mật thơm ngon, những thân mía vàng đẹp chui vào cối ép kêu răng rắc, ứa nước ngọt chẩy vào máng hứng như nước mưa. Tất cả những cái đó, đối với Trà, là những thứ em thích hơn hết.

Hai bác An, Mẫn về tới nơi. Ông Ngọc San ra hiệu bảo họ tới gần bên:

- An, Mẫn lại đây tôi dặn. Hai anh em chắc hẳn đã thấy cơn mưa bão vừa qua gây tai nạn cho tôi như thế nào rồi chứ! Nhưng dù sao cũng đừng thất vọng nghe! Đôi cẳng chân tôi có hư hỏng mất rồi, nhưng còn cái đầu tôi đây hiện vẫn được vô sự. Chúng ta vẫn có thể cùng nhau làm việc như thường. Trước hết, tôi giới thiệu cho hai anh em biết. Đây, nữ tứ tử, bốn cô tiểu chủ của hai anh em.

Các anh phải tuân lời các cô cũng như tuân lời tôi vậy. Lệnh của các cô ra tức là lệnh của tôi. Bác An vẫn tiếp tục điều khiển chỉ huy toán trồng trọt. Bác Mẫn trông coi nhà máy đường cho tôi. Từ trước tới nay, các anh em đã quen việc rồi. Bây giờ cứ tiếp tục như thường lệ. Có sáng kiến gì ích lợi cứ việc thi hành rồi cho biết kết quả, nghe. Thế nào? Tôi có thể đặt hết tin tưởng vào hai anh em chứ?

- Dạ, xin ông chủ cứ tin là anh em chúng tôi sẽ dốc lòng đem hết tài sức ra làm việc.

Giọng bác An run run cảm động:

- Trận bão vừa qua kể cũng không gây tai hại gì nhiều lắm. Chỉ có lô số 4, mía còn non nên bị gẫy đổ nhiều. Tôi đã cho dậm lại, thay thế các gốc hư hại. Vì phải làm gấp cho kịp vụ, tôi đã tuyển thêm một số thợ trồng, trong số có một công nhân cũng người Thượng, tên Gô-Ban, nhanh nhẹn, tháo vát, giấy tờ đầy đủ, có thể tin tưởng được lắm, thưa ông chủ.

Ông Ngọc San gật đầu, mỉm cười vui vẻ. Từ nhiều năm nay, ông và các con gái vẫn quý mến bác An vô cùng.

- Vậy hả! Bác biết lo liệu cho công việc chạy đều như thế, tôi hài lòng lắm. Người bệnh bật cười thành tiếng Hà! Thợ giỏi bên Mộng Bảo cứ lần mò qua hết bên này làm cho chúng ta. Như thế, chứng tỏ là ở đây chúng ta đối đãi với họ khá hơn bên đó nhiều.

Huệ vui vẻ nhìn bác An:

- Tôi cũng đã thấy mặt anh Gô-Ban rồi. Coi bộ ngoan ngoãn dễ thương lắm.

Ông Ngọc San quay sang bác Mẫn:

- Sao? Lò nấu đường có gì lạ không, anh Mẫn? Cối ép mía chạy đều chứ?

- Dạ, đúng như vậy! Thưa ông chủ! Không có gì trục trặc cả.

Vẻ mệt nhọc hiện trên nét mặt người ốm. Ông Ngọc San nhăn nhó cựa mình. Huệ quay nhìn hai nhân viên:

- Thôi bữa nay như vậy là tạm xong. Hai bác đi về làm việc nhé. Khi nào ông chủ cần đến tôi sẽ cho đi gọi.

Hai anh em An, Mẫn quay ra sau khi lễ phép cúi đầu chào mọi người.

Trà, cô tiểu kỹ sư chạy đến sát bên giường cha, nói như reo:

- Thế là bây giờ người nắm quyền chỉ huy là chúng con, là "nữ tứ tử" hả ba?

Mai kê lại gối đầu, kéo chăn đắp kín ngực ông Ngọc San vừa hắng giọng:

- Và bây giờ chúng con ra lệnh cho ba: "Nằm yên, nghỉ!".

Cúc, cô gái út nhìn cha, nghẹn ngào:

- Ba nằm nghỉ, nghe...!

Chưa nói hết câu, cô bé đã nấc khẽ một tiếng, quay mình chạy vút ra ngoài. Nhà trồng tỉa khẽ nói với các cô con lớn:

- Tội nghiệp con nhỏ út! Nó còn bé quá, các con là chị phải quý thương em, đừng chấp, trách nó, nghe!

Huệ nhìn cha:

- Ba nói đúng! Thôi bây giờ ba ngủ đi cho khỏe. Chúng con chạy một vòng quanh đồn điền xem xét công việc nghe ba! Khi nào thức giấc ba bấm chuông gọi chị Dung, nghe ba!

Người bịnh lim dim đôi mắt, không nói gì, chỉ sẽ gật.

Ba chị em Huệ, Trà, Mai xuống đến hàng ba dưới nhà đã thấy Cúc đứng chờ sẵn ở đó:

- Chị Mai, bữa nay chúng mình có hẹn. Đem xe gắn máy chở em đi đi.

Mai nhìn cô chị lớn:

- Ồ, đúng rồi! Chị Huệ ở nhà lái xe đi thăm mía. Chị Trà xuống ngự ở xưởng nấu đường. Chúng em đi đằng này có chút việc, nghe!

Hai cô em nhỏ đi rồi, cô chị cả rủ cô thứ hai:

- Trà, đi với chị tới gặp anh công nhân bác An mới tuyển tên Gô-Ban này coi thử. Chị muốn hiểu rõ vì lý do gì anh ta lại rời bỏ trại Mộng Bảo qua làm việc bên mình.

- Em không đi được với chị đâu. Em cần phải xuống xưởng nấu mật. Bác Mẫn đang chờ em ở dưới đó. Em với bác ấy đang cho chạy thử một loại chõ mới có thể khiến đường đông đặc mau hơn trước. Nếu thành công thì tiết kiệm được nhiều thì giờ, có lợi lắm. Việc này em dặn bác Mẫn không được nói cho ba biết vội. Khi nào kết quả mỹ mãn đã mới báo cho ba biết để ba mừng.

Trong khi các chị lớn ai lo việc nấy, Mai, Cúc nhẩy lên xe gắn máy phóng thẳng tới phía đầu khu rừng nhỏ. Hinh đã ở đó chờ đợi hai chị em từ bao giờ, ngồi chễm chệ trên xe gắn máy:

- Trời ơi! Mai, Cúc làm gì mà trễ vậy? Có nhớ bữa nay tụi mình phải lên Liên Khương không?

Cúc láu táu, tay vỗ vào túi áo:

- Đây, đây! Giấy ghi mấy chữ mới trên phiến đá hoa cương nằm sẵn đây rồi. Chừng hai lần như thế này nữa là tụi mình sẽ biết được nhiều cái hay lắm.

Gần tiếng đồng hồ sau, cụ đồ Khải đã mắt đeo kính lão, chăm chú đọc mấy chữ Nho do Cúc cẩn thận ghi rõ từng nét. Trong khi đó hai chị em và Hinh ngồi tại bàn thưởng thức bánh cuốn chả lụa của cụ bà một cách ngon lành.

Sau khi xem xét một hồi, cụ đồ Khải sáp lại bên bàn của ba người bạn:

- Mấy chữ trong mảnh giấy này có nghĩa là "chân bước", "ba chục" và "Đông". Quái! Như vậy là thế nào nhỉ? Các cháu đang chơi một trò gì bí mật lắm hả? Cái gì thế? Có thể nói rõ cho già biết được không? Già không phải là người có tính tò mò xấu thói đâu, nhưng bà lão nhà già nhiều khi lẩm cẩm, kỹ tính, cứ cằn nhằn, bảo lão rằng: ông coi chừng tụi nhỏ tinh nghịch nó xúi ông làm chuyện gì bậy bạ đây.

Hinh làm ra vẻ bực bội, nói dỗi:

- Thưa cụ đồ! Chúng cháu đâu dám có ý định xấu xa như vậy. Nếu cụ bà nghi cho chúng cháu như vậy thì... thôi, lần sau chúng cháu không dám lên đây làm phiền cụ nữa đâu.

Cụ đồ Khải cười vui:

- Ấy ấy! Bà lão nhà già vui miệng thì nói vậy thôi. Các cháu đừng để tâm. Già chỉ mong các cháu lên chơi luôn luôn, ăn bánh cuốn cho già được đắt hàng thôi. Có điều, mỗi khi lên thì nên cẩn thận chút xíu nghe. Cái ông Tàu già chủ tiệm thuốc Bắc ở đối diện nhà già kia kìa, đã có lần hỏi dò về các cháu đấy.

Hinh ngạc nhiên:

- Một ông Tàu hả cụ? Lạ thật nhỉ? Thế cụ đã nói cho ông ta biết cháu là con chủ trại mía Mộng Bảo?

- Ừ, cái đó là chuyện thường, có gì quan hệ đâu. Ông ta thấy lạ thì hỏi vậy mà.

Khi cậu trai và hai người bạn về tới đầu cánh rừng nhỏ, địa điểm tập họp thường ngày, cả ba hối hả đậu xe lại, vội vã mở tờ giấy cụ đồ Khải đã ghi nghĩa mấy chữ nho ra coi. Hinh reo lên:

- Đây, Cúc Mai nghe cho rõ này. Tôi chắp mấy chữ này vào ba chữ lần trước đây nhé: À... Chỗ... bước đi... phía Đông... đếm ba mươi... Thấy chưa... rồi... kho tàng...

Cúc nhảy lên, vui mừng hết sức:

- Thôi đúng rồi :"Kho tàng". Rõ nghĩa quá rồi còn gì. Chỉ cần hai lần lên nhà cụ đồ Khải nữa là sẽ biết được hết ý nghĩa những chữ khắc trên mặt phiến đá hoa cương.

Hinh bình tĩnh, dè dặt hơn:

- Cẩn thận chút xíu đi Cúc! Coi chừng đó!

- Cái gì! Sao phải coi chừng?

Ánh mắt Hinh đăm chiêu:

- Tôi nghi ngại cái ông Tàu bán thuốc Bắc ở trước cửa nhà cụ đồ Khải lắm. Tôi biết là lão Khu-Ma-Ra hay lên Liên Khương cắt thuốc của ông ta. Lỡ ra lão Khu dò dẫm hỏi han ông Tàu thuốc bắc biết được là tôi hay cùng đi với các con gái ông chủ trại Ngọc San là lôi thôi lắm.

Một tiếng cành khô gẫy kêu "rắc" từ trong cánh rừng nhỏ vẳng ra. Ba người bạn nín lặng nhìn nhau lo ngại, lắng tai nghe ngóng động tĩnh.

Hơn phút sau, Mai mới lên tiếng:

- Có gì đâu? Chắc con gì sục sạo tìm mồi đó mà!

Hinh khẽ cau nét mặt:

- Biết đâu đấy! Các công nhân người Thượng có biệt tài là đi rất êm không ai biết được. Nếu tụi mình sơ hở để họ bắt gặp bén mảng đến gần cây phượng hoa vàng, cây đại thụ họ vẫn tôn sùng cho là chỗ ngự tọa của thần linh thì lôi thôi lắm. Tất cả công nhân trong trại sẽ tức giận căm thù tụi mình ngay.

Mai lắc đầu, vẻ mặt rất bướng:

- Đâu có, sợ gì! Có ai lai vãng tới đây bao giờ đâu. Các anh chị em công nhân, Kinh cũng như Thượng, có người nào dám léo hánh tới đây hồi nào.

Cúc tiếp lời chị:

- Đừng lo gì chuyện đó, anh Hinh! Điều cần lo thì anh cứ lơ là chẳng để ý gì. Thế nào, về ông Lầm-Chí-Khả, anh đã hỏi được tin tức gì chưa? Anh hứa lên thư viện Liên Khương tra cứu sách vở tìm hiểu, mà anh đã làm chưa? Tụi mình cần biết tại sao vị hải tặc anh hùng này lại phải chôn giấu kho tàng của mình đi như vậy.

Hinh cất giọng hoài nghi:

- Kho tàng! Kho tàng nào? Chắc gì đã có kho tàng với của cải. Chưa chi Mai, Cúc đã chắc mẩm là ông Lầm có kho tàng chôn giấu, chưa bẫy được gấu đã rình rình dạm bán da gấu rồi.

Cúc có vẻ bực mình, ửng đỏ sắc mặt:

- Thì rành rành ra đó. Cúc có nói bịa đâu nào. Cụ đồ Khải đã chẳng giảng nghĩa cho chúng mình nghe mấy chữ nho khắc trên phiến đá bí mật rồi đó sao?

______________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V

CHƯƠNG III_PHIẾN ĐÁ HOA CƯƠNG


CHƯƠNG III


Từ một lùm cây sát bìa khu rừng sim, tiếng con gái quát lên lanh lảnh:

- Ai đó, đứng lại!

- Người bên trại Mộng Bảo đây! Cúc hả? Nghe tiếng biết liền hà! Ở đâu thế, Cúc?... À, đây rồi! Ủa, sao vậy Cúc? Tại sao khóc vậy hả? Thường ngày Cúc chì lắm mà! Bữa nay sao kỳ vậy?... A, thế ra chuyện ba Cúc gặp tai nạn là có thật sao?...

Nằm phục vị trên bãi cỏ, dưới bụi sim xanh tốt, cô bé vùi mặt vào cánh tay. Hinh xuống xe chạy lại quỳ gối bên bạn.

- Sao? Câu chuyện xẩy ra như thế nào? Nói đi Cúc! Nói ra được thì đỡ khổ lắm! Nói đi Cúc!

- Trời ơi, anh Hinh! Rùng rợn lắm! Ghê lắm! Cúc phải ra đây vì ông bác sĩ không chịu cho Cúc ở trong phòng săn sóc ba. Trời ơi! Ba bị tai nạn kinh khủng lắm. Đã tỉnh lại rồi, nhưng... hai cẳng chân ba bị tê liệt hết. Bác sĩ Bích cho biết là không thể chữa khỏi được đâu, anh Hinh à!

- Cứ bình tĩnh đi Cúc! Bác sĩ Bích biết đâu lại không có lần lầm lẫn. Vả lại cứ khóc như thế thì bệnh tình của bác cũng có bớt được phần nào đâu.

Vừa nói, Hinh vừa cố cười vui. Cúc không khóc bao giờ. Giây phút này đứng trước cô bạn thân nước mắt ràn rụa, cậu trai nhỏ cảm thấy nao nao trong dạ.

- Phải! Anh Hinh nói đúng đó! Chị Mai sẽ ra đây bây giờ. Chị ấy về nhà nghe ngóng tin tức bệnh tình của ba đấy. Anh Hinh đừng nói là Cúc khóc nghe! Nhất là hai chị lớn Huệ, Trà mà biết được Cúc khóc thì xấu hổ lắm đấy. Các chị ấy sẽ chế riễu mãi cho coi.

- Ừ, Hinh hứa với Cúc sẽ không nói gì hết đâu. Nhưng Cúc chùi mũi, lau nước mắt đi đã chứ!... A, đây chính cây xoài này, khi đổ đã gây tai nạn làm bác bị thương phải không?

Cúc vừa lấy mùi soa lau mặt vừa nói:

- Ừ, đúng rồi! Cả cái thân vĩ đại đó đổ ụp lên xe ba. Sáng nay các công nhân tới kéo chiếc xe ra được rồi. Mấy bữa nữa họ sẽ cưa dần thân cây và lấp lỗ hổng kia đó.

Hinh nhíu nhíu đôi chân mày, gật gật đầu:

- À, thế ra Cúc không biết làm gì khác hơn là lò mò tới đây để... khóc cho đã? Lạ quá! Từ xưa đến nay có bao giờ thế đâu nhỉ? Tới đây, lủi vào đám cây, nằm bò ra khóc sướt mướt. Thử hỏi như vậy thì bệnh tình của bác liệu có đỡ được chút nào không? Cúc là một trong những nữ tứ tử, đội nữ binh can đảm nổi tiếng trong vùng xưa nay mà.

Cúc buồn rầu:

- Anh Hinh chưa hiểu! Chỉ có hai chị lớn là được phép ở trong phòng săn sóc ba mà thôi. Cúc và chị Mai thì bị đuổi ra ngoài. Buồn quá Cúc mới ra đây! Và còn một lý do nữa.

- Lý do nữa? Lý do gì?

- Chị Mai và Cúc mới khám phá ra được một cái này lạ lắm, hay lắm anh Hinh! Chưa nói cho ai biết đâu. Còn giấu kín lắm. Cúc cứ phải nấn ná quanh quẩn đây là để coi chừng cái đó đó.

Hinh nhẩy chổm lên:

- Thật hả? Khám phá ra cái gì? Cái gì thế hả Cúc? Nói cho tôi biết coi. Sợ gì!

- Đối với anh Hinh, Cúc có ngại gì, sợ gì đâu! Cúc biết chắc là anh Hinh sẽ giữ bí mật cho tụi này mà. Không chừng anh còn có thể giúp tụi này một tay được là khác. Đi lại đây, Cúc cho coi.

Nắm cánh tay Hinh, Cúc dẫn bạn tiến lại gần cây phượng hoa vàng. Tới nơi, cô bé cào đất, gạt ra một bên để lộ mặt phiến đá hoa cương.

- Coi kỹ đi này anh Hinh! Anh đọc cái chữ ký đó đi!

Hinh trợn tròn đôi mắt:

- Lầm-Chí-Khả! A! Lạ quá! Có thật chữ ký của Lầm-Chí-Khả đây không? Có thực vị đại hải khấu đó đã khắc chữ ký của mình vào phiến đá này không?

- Lại còn không thật nữa. Anh Hinh có thấy hàng chữ số đề năm không? Cúc tìm thấy ở trong cái hố dưới gốc cây xoài cổ thụ đổ đó. Bùn đất, lá cây lâu ngày phủ kín hết. Chị Mai và Cúc phải cạo chùi mãi mới thấy mặt chữ xuất hiện đấy. Toàn chữ nho không hà! Chỉ có chữ ký bằng chữ Việt nên đọc được và con số ghi năm: 1916.

- Rồi Mai, Cúc dám khiêng đem tới cất giấu tại đây? Không sợ tụi thày mo và các tín đồ vẫn sùng kính thần linh nổi giận sao?

- Có ai trông thấy đâu! Giấu ở đây mới kín. Vả lại để ở đây chắc chắn hơn, khỏi bị các chị lớn cái gì cũng xía vô rắc rối lắm. Rồi phiến đá lại nặng ghê hồn. Khiêng đi khiêng lại cồng kềnh thì lộ hết trơn còn gì. Anh Hinh nhắc thử coi.

Cậu trai đưa tay nhắc thử:

- Ý! Cúc nói đúng! Nặng lắm!... Cụ già Lầm-chí-Khả ghê gớm thật!

Ngay lúc đó chợt có tiếng xe gắn máy nổ bình bình và tiếng huýt gió ngân dài. Hinh ngẩng đầu lên lắng nghe, vẻ mặt lo lắng. Cúc nói ngay:

- Chị Mai đấy! Nghe huýt gió là Cúc biết liền. Chị Mai đem tin ở nhà ra đó.

Tiếng lá cây sột soạt, tiếng xe tắt máy dựa vào thân cây. Thời gian ánh chớp, một mái tóc đen mịn, dợn sóng tự nhiên xuất hiện giữa đám lá cành xanh tươi. Cúc hối hả:

- Thế nào? Có tin tức gì lạ không?

Tiếng cô chị làu nhàu:

- Cái ông bác sĩ khó tính ấy đâu có cho chị vào gần ba. "Để người ốm yên tĩnh nằm nghỉ! Ra, ra hết!" Ông ấy cứ la thế hoài, chỉ có hai chị Huệ, Trà được phép luân phiên vào trông nom ba cùng với chị Dung thôi.

- Ba có đau nhiều không?

- Không! Bác sĩ Bích nói chị em mình có thể yên tâm!... Tia mắt sắc bén của cô chị hết nhìn cậu trai tên Hinh lại tới phiến đá lồ lộ dưới ánh mặt trời, A! Trong khi chị không có mặt ở đây, Cúc đã...

Cô em út nhìn chị, sắc diện bình tĩnh như không:

- Ừ, đúng đó chị Mai! Cúc đã kể hết chuyện cho anh Hinh nghe rồi. Anh Hinh là bạn thân của chúng mình, sợ gì! Vả lại, ba người hợp sức với nhau vẫn hơn hai chứ!

- Mai cứ yên trí! Tôi xin hứa là sẽ giữ tuyệt đối bí mật. À, cái di vật của vị đại hải khấu này chắc thế nào cũng có nhiều sự kỳ dị. Có thể là một vật dùng để thông báo tin tức gì đó, một điều chỉ dẫn không chừng. Đáng nghi lắm, Mai, Cúc nghĩ coi: phiến đá được chôn sâu dưới đất đã hơn một nửa thế kỷ.

Mai băn khoăn nét mặt:

- Nhưng... chỉ dẫn gì? Tin tức gì lại viết chữ nho, khó hiểu thế này thì làm sao mà...

Hinh cúi xuống nhìn chăm chú:

- Phải rồi, vào thời kỳ đó, người Việt mình còn dùng chữ Nho nhiều lắm. Cụ Lầm cũng có ý khắc bằng chữ nho, để lỡ có ai đào được cũng chỉ tưởng là một cái mộ bia mà thôi.

Cô gái vẫn nhăn mặt:

- Ai đào được chưa biết. Chỉ biết rằng hiện giờ chúng mình cũng đang bị bí cái đã.

Hinh bỗng khẽ đập tay vào trán:

- A! Tôi nghĩ ra rồi! Ồ, may quá! Ba má tôi có quen một cụ đồ nho ở trên Liên Khương. Cụ đồ Khải! Ừ, tốt quá! Cụ giỏi chữ nho lắm. Mà cụ bà lại có tài tráng bánh cuốn ăn với đậu rán ngon lắm. Để bữa nào tụi mình phóng xe lên Liên Khương thăm cụ, ăn bánh cuốn ngon. Rồi nhờ cụ ông đọc hộ, giải nghĩa dùm cho.

Cúc lắc đầu quầy quậy:

- Không được đâu anh Hinh! Như thế thì lộ bí mật hết trơn rồi còn gì.

- Yên trí đi Cúc. Tôi cũng khôn lắm chứ. Chúng mình sẽ đi làm nhiều lần. Mỗi lần chỉ chép một hoặc hai ba chữ thôi. Và giấu kín không nói cho cụ đồ Khải biết là những chữ ấy ở đâu mà ra. Như vậy, cụ sẽ không nghi ngờ gì hết.

Cúc nhìn chị ngầm hỏi ý kiến. Mai gật đầu:

- Ừ, ý kiến của Hinh hay đấy! Chúng mình thực hành ngay đi.

Hinh móc túi áo lôi ra cuốn sổ con và một mẩu bút chì. Cậu trai tinh ranh lấy một chữ ở hàng đầu, một chữ ở giữa phiến đá, một chữ ở giòng cuối cùng, ghi cẩn thận không thiếu một nét.

- Rồi, bây giờ Mai, Cúc mỗi người một tay, cùng tôi bới đất lấp phiến đá quý này đi. Xong còn lên đường thẳng tiến Liên Khương. Mau lên!

Nửa giờ sau, hai chị em Mai, Cúc, một xe gắn máy, Hinh một xe, đã ra tới đường cái nhựa, nhằm hướng Liên Khương trực chỉ...

... Hinh tắt máy đậu xe trước một gian hàng xinh xinh, tường quét vôi vàng, cửa ra vào, cửa sổ sơn màu xanh lạt.

- Đây rồi. Xuống xe!

Qua ô cửa bên trên có tấm biển gỗ kê hàng chữ lớn màu đỏ:"Bánh cuốn nóng", ba người bạn nối gót nhau bước vào.

Hinh cất giọng vui vẻ:

- Đây, thưa hai cụ, cháu giới thiệu với hai cụ cô khách hàng thích ăn bánh cuốn đây ạ!

Cụ đồ Khải vui vẻ nhìn Hinh và Mai, Cúc:

- Ba cháu ngồi đi, ngồi đi! Để tôi bảo bà nhà tôi dọn bánh nóng các cháu ăn.

Mai đưa mắt nhìn quanh nhà, vẻ mặt ngạc nhiên, khẽ hỏi Hinh:

- Nhà cụ đồ Khải vắng quá! Hai cụ không có con cháu gì sao?

- Không! Ông cụ bà cụ ở ngoài Bắc di cư vào đây đã lâu lắm rồi. Cụ đồ chỉ có mỗi một người cháu trai họ xa hiện đang dạy tại trường Trung Học ở đây thôi.

Trong khi hai cô bạn gái vui vẻ ăn bánh cuốn nóng chả lụa, vừa ăn vừa tấm tắc khen ngon, Hinh móc mảnh giấy, trên đó cậu đã "vẽ" mấy chữ nho ra hỏi cụ đồ Khải:

- Thưa cụ, cụ làm ơn đọc và giảng nghĩa cho cháu mấy chữ này. Cháu chép từ một món đồ cổ ra đó thưa cụ!

Cụ đồ Khải gài cặp kính lão lên mắt, cúi đầu trên mảnh giấy:

- À, à! Ba chữ này có nghĩa là: "chỗ", "kho tàng", và "đếm"... Dễ mà có khó gì đâu. Chắc cháu ghi ở một cái đĩa hay cái chóe cổ nào đó phải không? Trên nhiều món đồ cổ, có khi người ta ghi cả một bài thơ hay lắm!

Hinh vội trả lời cụ cho xong:

- À, thế ạ! Mấy chữ này cháu thấy hay hay nên muốn biết nghĩa chút thôi. Cám ơn cụ nhiều lắm.

Cúc đứng lên:

- Thôi chúng cháu xin phép hai cụ ra về. Cụ cho tính tiền bánh. Chà, ngon quá! Lần sau ....

Cụ đồ Khải có vẻ không bằng lòng:

- Ấy! Không có tiền nong gì hết. Lần đầu tiên các cháu đi với cháu Hinh lên đây ăn bánh của già, già quý hóa lắm. Hà! Hà! Hai cô bé trong "nữ tứ tử" của ông chủ trại mía Ngọc San đây, ngoan lắm. Lần sau, lần sau lên đây già sẽ bảo bà cụ làm ngon hơn các cháu ăn. Rồi lúc đó tính tiền cũng được mà.

Hinh cười vui vẻ:

- Vậy chúng cháu cám ơn cụ đồ. Hai cô bạn cháu đây rất thích thú khi được lên đây ăn bánh của hai cụ. Mấy bữa nữa chúng cháu lại lên.

Ba người bạn dắt xe ra nhẩy lên đạp cho máy nổ. Trong khi cậu trai nghĩ đến chuyện phiến đá bí mật rồi đây chắc hẳn sẽ còn nhiều cái bất ngờ thú vị thì Mai, Cúc lạ bâng khuâng nghĩ đến người cha thân yêu hiện  đang bệnh hoạn. Hai em thấy trong lòng rưng rưng muốn khóc. Xe càng về gần Đức Trọng, Cúc Mai lại càng buồn rầu tự hỏi: "Không hiểu từ trưa tới giờ bệnh tình của ba có giảm bớt chút nào không?"

Khi hai chị em vào đến hàng ba đã thấy Trà ngồi viết cắm cúi trên bàn. Thấy hai em, cô gái ngẩng lên mừng rỡ:

- Ba tỉnh táo lắm rồi và đang hỏi các em đấy! Đi đâu mà mãi bây giờ mới về thế?

Cúc nói dỗi:

- Đi xa lắm! Chị cũng mong thế mà, phải không?

Trà cười ròn rã:

- Thôi đừng giận nữa mà! Trong khi các em đi vắng, ở nhà đã phải đưa ba ra nhà thương để chụp hình chỗ chân đau ấy. Mai, Cúc ở nhà chỉ tổ quẩn chân mà thôi. Ngày mai chắc sẽ biết được bệnh trạng khiến ba phải nằm liệt giường đấy.

Chưa kịp nghe hết, hai cô bé đã lao người chạy về phía cầu thang. Mở cửa, mới bước vào, Mai, Cúc đã chạy ùa lại choàng tay ôm lấy người cha yêu quý:

- Ba! Ba ơi! Ba khỏe không ba?

Ông Ngọc San mệt nhọc đưa mắt nhìn hai con út:

- Đừng lo gì hết nghe các con! Rồi thì cũng khỏi dần. Thôi các con ra ngoài cho ba nằm nghỉ, nghe!

Trà đứng chờ sẵn ở ngoài. Cô khoác vai hai em. Cả ba chị em xuống cầu thang. Đặt chân lên hàng ba, Trà khẽ bảo hai em:

- Hai em thấy không? Ba còn yếu lắm. Nhưng chị tin chắc là được săn sóc cẩn thận, ba cũng sẽ mau lành lắm. Các em phải ngoan cho các chị đỡ mệt nghe không. Ngày mai các em phải đi học hả?

- Đúng đó chị Trà! Đi học về, chị cho chúng em giúp chị một tay trông coi săn sóc ba, nghe!

- Không được đâu! Ba muốn rằng các em chỉ có một việc là học thôi.

Hai cô gái vừa định làm mặt giận, thì Trà đã khẽ đẩy cả hai vào hàng ba:

- Thôi đừng giận nữa mà! Đi ăn cơm đi!

Cô chị vừa đi khuất đã thấy bóng chị người Thượng tên Dung xuất hiện phía cuối hàng ba. Chưa thấy rõ người đã nghe tiếng chị oang oang:

- Ghê quá! Hai em đi đâu bây giờ mới về hả? Chị Dung nghe có người nói hai em phóng xe đi Liên Khương cùng với đứa con trai út ông Mộng Bảo phải không? Chị Dung giận lắm à nghe!

Cúc hậm hực:

- Thì mọi người cứ đuổi chúng em quầy quậy không cho ở nhà săn sóc ba thì chúng em phóng xe đi chơi với trò Hinh con ông Mộng Bảo. Có gì là "ghê" kia chứ, chị Dung! Chúng em cũng lớn rồi chớ bộ!

Chị "dú" vẫn lạnh như tiền:

- Ba đang đau ốm thế mà bỏ đi chơi. Mà lại đi thật xa nữa chứ!

Mai bây giờ mới lên tiếng:

- Chị cứ hay nói quá, chị Dung! Trong khi chị lo thuốc uống, thuốc xoa cho ba thì chúng em cũng cặm cụi làm việc có ích cho mọi người trong gia đình chứ có đi chơi không đâu.

Cúc reo lên:

- Đúng như thế! "Chỗ" này, "kho tàng" này, rồi "đếm" này. Đó, kết quả làm việc của chúng em bữa nay đó. Một vài chữ nữa thôi là chúng em sẽ khám phá ra điều bí mật tại trại nhà mình cho chị Dung coi.

Chị Dung giương tròn đôi mắt ngạc nhiên xen lẫn đôi chút băn khoăn nhìn hai cô tiểu chủ:

- Quái thật! Hai em bữa nay nói năng cái gì mà lạ thế? Chị nghĩ rằng Cúc, Mai có lẽ cũng đau ốm như ông rồi đó!

________________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG IV