Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

TỜ LỊCH ĐẦU THÁNG - Lê Tất Điều


Trước khi bị bóc đi, tờ lịch ngày ba mươi mốt nói với tờ lịch ngày mồng một:

- Ta sắp vĩnh viễn giã từ chú em. Ngày sắp tới là ngày riêng của chú, chú sẽ mở đầu một tháng. Chú có riêng mình một buổi bình minh, một buổi trưa, một hoàng hôn và có cả đêm tối. Nhưng chú phải nhớ, phải nhớ cho thật kỹ một điều: chú em chỉ được sống đúng một ngày thôi đấy nhé. Dòng họ chúng ta mang cái truyền thống ấy, đời sống chúng ta rất ngắn ngủi và rất chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống, đừng bỏ phí một giây nào.

Tờ lịch ngày ba mươi mốt rớt xuống, tờ lịch ngày mồng một trình diện cuộc đời. Nó mang trên mình đầy đủ di tích và đặc tính của những tờ lịch trước. Vẫn khuôn mặt hình chữ nhật, vẫn là năm 1971, chỉ có tháng mới, ngày mới.

Đầu tiên tờ lịch ngất ngây vì trách nhiệm, vì đời sống đột ngột hiện ra trước mặt.

Nó có riêng mình một buổi bình minh.

Nắng đầy cửa sổ, nắng tràn trên sân nhà. Chị Rèm cửa nép mình một bên vẫn hồng lên rực rỡ. Hàng muôn ngàn hạt bụi đuổi nhau tung tăng, sưởi mình trong nắng. Chúng giống hệt những tinh cầu trong vũ trụ của một chú búp bê vô cùng bé nhỏ. Bác Gió, sau một đêm du hành trong không gian mênh mông đem về cho bình minh một chút quà lành lạnh của sương đêm và mùi thơm dịu dàng của cây trái cỏ hoa.

Để chào tờ lịch ngày mồng một, mọi vật mặc áo mới, tươi mát và sạch sẽ.

Tờ lịch cảm thấy mình quan trọng, nó tin rằng mọi vật đang chờ đợi nó ghê lắm. Tờ lịch nói:

- Xin nhắc quí vị, hôm nay là ngày mồng một, đầu tháng.
Mọi vật lặng thinh, bình thản. Đã có biết bao nhiêu bình minh qua đi trong phòng này! Mọi vật không có lý do gì để vội vã. Nhưng vài vật cảm thông với tờ lịch, nó chỉ có độc nhất một buổi bình minh. Nó có quyền say sưa cuống quít.

Tờ lịch lại nói:

- Xin nhắc quí vị, bình minh rồi. Đời sống đẹp quá, phải vui lên chứ.

Ông Bàn bắt đầu hơi bực mình, ông càu nhàu:

- Này chú bé con, đừng làm ồn. Đâu có phải bọn này đợi chú ra đời rồi mới được biết tới bình minh.

Tờ lịch im, nhưng vẫn nôn nao, bồn chồn.

Nó bắt đầu để ý tới từng vật xung quanh. Trong buổi bình minh hồng hào khỏe mạnh, tờ lịch quan sát và học hỏi về đời sống của những vật khác biệt, như chú học trò bắt đầu cắp sách tới trường.

Buổi trưa tờ lịch biết rõ về ông Bàn, anh Ghế, chú con Quay. Nó cũng biết tại sao cụ Sách được mọi vật kính trọng. Nhất là tờ lịch biết rõ nhiệm vụ của nó: nhắc nhở mọi người, mọi vật biết họ đã bước tới đâu trên con đường thời gian vô tận.

Còn việc nhắc nhở rằng thời gian đi mau đã có bác Đồng hồ.

Nhưng khi chiều tới, tờ lịch lại nhớ tới lời nhắc nhở của vị tiền nhiệm.

- "… chú em chỉ được sống đúng có một ngày thôi đấy nhé… vậy hãy sống cho ra sống…"

Mặt trời lặn, bóng tối về. Tờ lịch biết rằng nó chỉ còn đúng có một đêm. Và, bắt đầu từ giây phút này, nó cũng không còn là vật cần thiết nữa rồi.

Buổi chiều chú bé chủ nhân căn phòng đã nhìn nó một lần để tính toán ngày tháng, thế là tờ lịch mãn nguyện.

Nhưng tờ lịch biết rằng qua đêm nay khi bình minh khác bắt đầu, nó sẽ rơi xuống, nhường chỗ cho đàn em.

Nửa đêm tờ lịch hỏi Đồng hồ:

- Xin bác coi giùm: Tôi còn mấy giờ nữa?

Đồng hồ đáp:

- Khoảng sáu tiếng.

Khi hỏi bác Đồng hồ lần thứ hai, biết chỉ còn sống còn bốn giờ tờ lịch bỗng nói với mọi vật:

- Thưa quí vị! Xin quí vị giúp cho tôi một điều. Tôi muốn được thấy mọi vật trong phòng đều vui. Những thế hệ trước tôi hẳn đã từng nhiều lần được hưởng chuyện đó. Nhất là những tờ lịch có may mắn ra đời nhận công tác vào đúng một ngày lễ.

Có lẽ sự đòi hỏi của tôi làm phiền vài vị. Nhưng tôi chỉ sống đúng có một ngày và ngày sắp hết. Mong quí vị nghĩ tình tương trợ muôn loài mà tha thứ cho.

Tôi hiểu rằng, ngoài khung cửa sổ kia, ngày rộng mênh mông, rộng bằng cõi nhân gian muôn màu muôn vẻ mà tôi đã được nghe bác Ô đen, những chú Giầy Dép kể lại một phần. Ngày có những bình minh lạ, những hoàng hôn xa mà tôi chẳng hề biết tới.

Nhưng ngày của tôi thu nhỏ trong căn phòng này. Tôi thấy ông Bàn, cụ Sách, chú con Quay, tôi sống với chị Bóng bay, anh Ghế… Chính các vị làm thành ngày của tôi… Sinh hoạt, nỗi buồn của quí vị là ngày của tôi….

Chỉ còn một đêm nay, tôi mong quí vị tặng cho phần cuối cùng của đời tôi những giây phút rực rỡ.

Tất cả các vật trong phòng lặng thinh. Chúng xúc cảm.

Chú con Quay chạy ra giữa phòng xoay tít. Cây Đàn ném ra một trận mưa nốt nhạc. Bông hoa trong bình mở tung tươi hồng như vừa tình dậy sau một giấc mộng đẹp. Bốn cây nến rực sáng ở các góc phòng. Cụ Sách phanh cái bụng đầy chữ ra, ngâm một bài thơ cổ. Chị Rèm cửa gọi bác Gió tới và thướt tha khiêu vũ trong ánh nến vàng tươi.

Tờ lịch hân hoan vừa hát theo tiếng đàn vừa chờ bình minh tới.

Có những ngày mà mọi vật quanh chúng ta bỗng dưng vui tươi, hớn hở. Hoa đẹp hơn, mặt bàn sạch sẽ hơn, chú con Quay tài tình dễ thương hơn. Tại vì tờ lịch đấy.

Đó là tờ lịch biết quí trọng, mến yêu vô cùng một ngày riêng của nó. 

LÊ TẤT ĐIỀU          
(trong NHỮNG GIỌT MỰC)     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 7, ra ngày 26-9-1971)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com


Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

CHƯƠNG XII_LƯỚI TRỜI


CHƯƠNG CUỐI


Câu chuyện số vàng bạc hoàn lại chủ cũ đã yên xong, nhưng sự xáo trộn trong lòng bác San chưa dịu hẳn. Bác ngồi yên lặng trong một góc, hút thuốc không ngừng.

Bà Vinh hiểu ý, biết bạn cần được yên tĩnh nên giục con:

- Chúng ta về thôi, Quang ạ! Mẹ buồn ngủ quá rồi.

Sau khi hai mẹ con bà cáo từ, Hạnh kéo ghế ngồi cạnh cha, cầm lấy tay cha, mắt nhìn cha chăm chú, nhưng vẫn lặng lẽ không nói gì, khác với thói quen nhanh nhẩu thường ngày.

Trên bàn, cạnh ngọn nến là số vàng bạc được xếp thành từng chồng cao, lấp lánh. Hạnh không thể im nữa, cô hỏi cha:

- Cha làm sao thế? Con lo quá, cha có mệt không?

- Không, con ạ! Cha kinh ngạc đấy. Có lúc, cha hơi hoảng, tưởng con sắp biến mất khi số vàng trở lại với cha. Cha không thiết chi vàng nữa, cha sợ mất con. Đêm nằm ngủ, cha thấy vàng, cha lại lo lo. Quay phía nào cũng chói mắt vì vàng. Phải! Con không hiểu cha, cha còn thiết chi của cải. Cha chỉ cần có con thôi. Con ơi! Chính con là kho báu của cha! Lúc trời gửi con đến cho cha, con bé tí, con làm sao biết được là cha yêu con đến ngần nào! Nếu mà con lại biến đi bất ngờ như khi hiện đến, chắc cha đến chết mất thôi!

- Cha ơi! Con có phải thần tiên trong truyện cổ tích đâu mà cha sợ? Con là con cha mà! Con ở đây với cha và ở mãi với cha thôi.

- Con yêu quí! Cha thật là có phước! Chao! Kỳ diệu biết chừng nào! Con không biết đâu, cha yêu con hơn hết, hơn cả bản thân cha…

- Con biết, con biết chứ! Không có cha thì con chắc chả ra sao, hoặc con chết khổ như mẹ con, hoặc con lạc loài trôi nổi…

- Ủa, như là có người đến nhà ta?

- Ai thế nhỉ?

- Không chừng lại thằng Quang?

- Anh ấy còn đến làm gì vào giờ này? Để con ra xem…

Cô gái nói và đứng lên, tiến lại cửa. Cô ngạc nhiên vì sự thăm viếng quá bất ngờ của khách : ông bà Tấn đến thăm cha con cô vào lúc đêm tối thế này!

Song cô giấu vẻ ngạc nhiên, lễ phép cúi chào và mời họ vào nhà. Bà Mỵ Lan nhìn Hạnh bằng đôi mắt nồng nàn trìu mến:

- Chúng tôi đến quấy rầy quá, phải không, con?

Cô chủ kéo ghế mời ông bà Tấn ngồi đoạn lại đứng sau lưng cha, tay vịn lên vai cha âu yếm. Nhìn cảnh ấy, bà Mỵ Lan khe khẽ thở dài. Bà đưa mắt nhìn chồng ra hiệu và ông Tấn dặng hắng, mở đầu:

- Bác San này, tôi rất mừng thấy bác lấy lại đủ số vàng bạc ngày xưa. Vì chính em tôi làm khổ bác, tôi thấy có bổn phận phải đến xin lỗi bác, và nếu bác cần gì, xin cứ bảo, tôi hứa sẽ cố gắng làm bác hài lòng. Có thế, tôi mới chuộc được phần nào lỗi của em tôi.

- Cảm ơn ông bà, nhưng tôi chả cần gì hết. Bao nhiêu năm trời nay, của cải mất sạch, tôi vẫn sống như ông bà thấy đó…

- Vẫn hay rằng thế, nhưng… bác San này, tôi thấy bác nuôi nấng chăm chút cháu Hạnh thật chu đáo. Bây giờ, thấy nó được sung sướng đầy đủ, chắc bác bằng lòng lắm, phải không?

Bác San thoáng vẻ giận trên mặt, nhưng cố nén, dằn lòng để khỏi làm phật lòng khách. Bác nghĩ là khó mà nói cho họ hiểu rõ lòng mình. Bao nhiêu năm trời nay, bác đã quên chuyện cũ, quên nốt số vàng. Bác không cần đến nó, dù là thoạt tiên, khi mới mất, bác tiếc xót tưởng có thể phát điên…

- Thưa ông, dĩ nhiên là tôi chỉ mong cho con gái tôi được sung sướng, tôi không còn tha thiết đến số vàng…

- Bác San ơi! – Ông Tấn đành phải đi thẳng vào đề – Tôi có một chuyện muốn nói với bác : chúng tôi không có con, nên muốn, nếu bác bằng lòng chúng tôi sẽ đưa cháu Hạnh về làm con chúng tôi. Chúng tôi cam đoan là cháu sẽ đi về luôn luôn để thăm nom bác, và chúng tôi sẽ lo lắng mọi sự cho bác đấy đủ đến mãn đời.

Hạnh cảm thấy cha cô đang run, chẳng rõ vì xúc động hay tức giận, nhưng bác vẫn lặng nghe cho đến khi ông Tấn dứt lời. Bác quay sang con gái:

- Hạnh! Con muốn sao? Con nghe ông Tấn nói chứ? Con hãy trả lời, cha cho phép con muốn thế nào cứ thế mà nói.

Hanh bước lại gần cúi đầu trước bà khách, đoạn trước ông khách, lễ phép:

- Con xin cảm ơn ông bà, cảm ơn lòng tốt của ông bà, ông bà đã thương con mà nghĩ đến chuyện nhận con làm con cho con sung sướng, nhưng con không thể rời cha con được. Vả lại. con cũng vốn quen với đời sống cần lao. Con nghĩ là con khó mà trở thành một tiểu thư. Con chịu thôi!

 - Con không nên nói thế – ông Tấn vẫn dịu dàng – chúng ta thương yêu con lắm, rồi con xem, con sẽ được vừa ý về mọi mặt, con cần suy nghĩ…

- Thưa ông bà, con đã thưa ông bà rồi đấy thôi. Con tưởng không cần phải suy nghĩ lâu lắc làm chi.

- Chúng ta không vội, con đừng quyết định ngay, con ạ!

Giọng ông Tấn hơi run vì quá cảm động, vợ ông hiểu tâm trạng chồng : mãi sau bao nhiêu năm tháng có con, bây giờ mới được một dịp gọi “con”!

- Thưa ông bà – cô gái rắn giọng – nói ra bây giờ hay để đến tháng sau, năm tới cũng vậy thôi : con không thể rời cha con để đi bất cứ chỗ nào.

Bà Mỵ Lan thấy chồng lấm tấm mồ hôi trên trán, bà thương quá, bèn đỡ lời:

- Hạnh ơi! Con thật là một cô gái hiếu thảo, đáng yêu. Thuở nhỏ, ta cũng giống như con, ta yêu cha ta lắm, ta chả muốn rời ông lấy một ngày, nhưng rồi… con nghĩ xem, sẽ đến một lúc…

- Thưa bà, con không hiểu bà muốn nói gì, kia ạ!

Mỵ Lan đã trót, đành phải nói luôn:

- Ý ta muốn nói… ơ… ơ… chẳng hạn như khi con lấy chồng… đó, con xem!

- Thưa bà, con sắp lấy chồng đấy ạ! Nhưng con cũng phòng xa, giao hẹn với chồng chưa cưới của con, rằng : “anh phải ở đây với cha tôi, vì tôi chỉ có một bố một con, nếu anh không chịu thì thôi vậy”.

Mỵ Lan biết cần phải có thái độ hòa hưỡn, kiên nhẫn:

- Vậy thì Hạnh ơi! Ta hỏi khí tò mò, con tha lỗi nhé, anh ấy bảo sao? Anh ấy có thuận không?

Hạnh cười hồn nhiên:

- Thưa bà, anh ấy bằng lòng, ạ!

Bác thợ dệt thấy như mình vừa mọc cánh, người bác nhẹ lâng. Bác nhìn con gái và sung sướng vì Hạnh tỏ ra lễ phép và rất khôn ngoan.

Về phần ông Tấn, ông biết rằng thuyết phục vô ích, ông đưa mắt cho bà như ngầm nói : “Thôi, đừng dài dòng vô ích, để anh”. Và cái điều xui ông nói toạc ra trước mọi người là vì ông trông thấy Hạnh vịn vai bác thợ dệt và nhìn bác thợ dệt, thái độ, cử chỉ hàm chứa vô vàn thương yêu, âu yếm. “Người được hưởng cái hạnh phúc ấy là ta, phải! Chính ta, cha ruột con đây, Hạnh ạ!” Ông cố ngăn để đừng kêu lên như thế, vì tuy đau đớn ông vẫn còn biết lịch sự để khỏi tỏ ra lố bịch trước bác thợ dệt nghèo hèn.

Ông Tấn nhìn thẳng vào mặt cô gái, giọng cố làm ra dịu dàng nhưng vẫn pha chút hách dịch, vốn đã là thói quen của những người giàu có và thế lực:

- Này Hạnh! Ta tưởng không nên giấu con làm chi nữa, đã đến lúc ta phải nói thật cho con biết : con là con của ta đấy! Con chính là con ta!

Bà Mỵ Lan sững sờ, hoảng hốt trong lúc bác thợ dệt choáng váng như vừa bị ai giáng một búa vào đầu. Cả hai đều ngồi lặng, một người thì kinh hãi, một người thì đau đớn. Hạnh ngẩng đầu cao, nhìn trừng trừng vào ông Tấn như tuồng cô không tin lời ông, thái độ ấy làm ông Tấn hiểu lầm, tưởng như mình được khuyến khích, nói tiếp luôn:

- Phải, con là con ruột của ta, Hạnh ạ! Mẹ con đã chết rồi. Con nên biết rằng cha có bổn phận phải lo lắng cho con và cha cũng có quyền hạn đối với con, quyền của một người cha! Con phải nghe cha! Bác San cũng vậy, hãy nghe lời tôi!

 Hạnh tái xanh, bàng hoàng vì sự tiết lộ bất ngờ của ông Tấn. Cô quì xuống trước chân cha nuôi, ngẩng mặt nhìn ông, hai giòng lệ chan hòa, cái nhìn tha thiết như ý giục:

- Cha nói đi! Cha cứ nói đi! Cha cứ nói những gì cha nghĩ, con muốn thế!

Rồi cô gục xuống, hai tay và mặt úp lên đùi cha thổn thức. Hai người khách lặng lẽ đợi chờ.

Bác thợ dệt đưa tay vuốt nhẹ lên mớ tóc dài êm mượt của con, trong thoáng chốc, bác lấy lại được tự tin; giọng cương quyết nhưng lễ độ, bác từ tốn nói:

- Thưa ông bà, tôi công nhận ông có quyền ấy vì ông là cha ruột của con tôi, chỉ có một điều đáng tiếc là ông đã để quá trễ mới dùng quyền ấy! Mười sáu năm trước đây trong cái đêm trời đất dun rủi cho đứa trẻ bước vào cửa nhà tôi, thoạt thấy nó tôi đã đem lòng thương mến, đã ngỡ như trời mang vàng đến trả lại cho tôi, như nó là vàng biến thể! (Số vàng mà em ruột ông đến lấy trộm trong lúc tôi đi vắng!) Lúc ấy tôi đang khổ sở, điên cuồng vì bao nhiêu của cải suốt mười mấy năm dành dụm mất đi trong khoảnh khắc. Ấy thế mà, nhờ đứa trẻ, tôi tìm thấy niềm vui, tôi như được phục sinh! Ông còn nhớ không : chính tôi bế nó đến nhà ông để tìm bác sĩ để cứu mẹ nó, ông và tất cả quan khách, kể cả ông cụ của anh đều thấy nó, nào có ai nhìn kỹ nó đâu? Ngay cả ông nữa, kia mà!

Bác San ngừng lại, hào hển thở, không phải bác mệt vì nói nhiều mà vì phải cân nhắc từng lời, từng chữ để kể lại chuyện xưa, với con người chất phác này thì sự thận trọng trong khi nói chuyện còn làm cho bác mệt hơn là làm việc nặng, vì phải vận dụng trí óc nhiều. Tay vẫn đặt lên đầu con gái (Hạnh cũng đã thôi khóc, tuy cô vẫn giữ nguyên dáng bộ cũ : úp mặt lên đùi cha, song là để lắng nghe câu chuyện có liên quan về mình), bác thấp giọng xuống, xót xa hơn là căm phẫn:

- Thưa ông, thưa bà, nó không là máu của tôi, nó không là thịt của tôi, song tôi yêu nó như yêu con ruột vậy. Ông bà đừng bắt nó đi, như thế còn hơn là ông bà cầm dao xẻo thịt tôi. Tôi thương yêu nó, tôi chỉ có nó, chỉ cần nó mà thôi. Ông bà giàu có, ông bà thiếu gì cách để vui…? Phải chi, ngày đó ông nhận nó ngay thì tôi sẽ cũng khổ sở nhưng ít thôi, bây giờ thì quá muộn, xin ông bà nghĩ lại. Ông đã chối bỏ con ông. Thú thật với ông bà, trong mười sáu năm ròng, nhất là những năm đầu, ngày đêm tôi không ngừng phập phồng trong lòng chỉ những lo ngay ngáy có người đến nhận nó, đòi nó, bắt nó đi, Thấy bóng một người từ xa là tôi nơm nớp canh chừng, hồi hộp, nín thở, rồi khi họ đi khuất mới thở phào nhẹ nhõm trong lòng. Tôi đã sống với nó, cần nó như cần không khí để thở, nước để uống. Thiếu nó tôi héo hon mà chết mất thôi! Vâng, tôi chết mất thôi!

Hai người khách không thốt được một lời. Tình hay lý, họ đều thất bại.

Hạnh đứng lên, mắt long lanh sáng, cô nắm chặt hai tay cha, giữ trong tay mình, nói như nói với chính mình:

- Tôi chỉ có một cha thôi, tôi không có cha nào khác ngoài cha tôi đây! Lúc nào tôi cũng nghĩ đến cha tôi, đến nếp nhà nhỏ bé này và bếp lửa soi sáng mái tóc bạc của cha tôi, mái tóc sớm bạc vì tôi. Tôi tự hứa sẽ chăm chút cho cha tôi từng ly, từng tí. Tôi muốn cha tôi được vui vẻ, sung sướng suốt quãng đời còn lại của ông.

Ông Tấn bảo vợ:

- Về thôi, mình ạ!

Bà lặng lẽ đứng lên. Bà đặt tay lên vai cô gái, giọng khoan hòa:

- Chừng nào con làm đám cưới, nhớ cho ta biết. Ta muốn mừng con, ta rất yêu con, ta không trách con đâu. Ta hiểu…

Hạnh lại nhìn cha, lúng túng như thể muốn nói “Cha hãy nói đi! Cái đó tùy cha”. Bác San ôn tồn, dịu giọng:

- Xin cảm ơn bà, vì trọng bà, tôi sẽ làm bà vui lòng bằng cách nhận lời bà vừa nói. Tôi rất vui mà thấy có bà trong ngày cưới con tôi.

Dưới sao đêm lấp lánh, ông Tấn phải tựa vào vợ trên đường về, ông thấy gây gấy lạnh, thất vọng, buồn nản đè nặng lên người ông, hình như ông cảm thấy mình yếu đi trong phút chốc, như người vượt sa mạc giữa nắng hè.

Đến nhà, ông ngồi phệch xuống, Mỵ Lan lặng lẽ cất mũ cho chồng, đoạn đến ngồi sát bên ông, bà thương xót ông, thông cảm nỗi đau đớn của ông mà không dám thốt nên lời an ủi, vì bà rất tế nhị, e những lời an ủi càng làm khổ tâm ông. Bà không muốn rời ông một phút trong lúc ông đang ở vào tình trạng giao động tinh thần, dù rằng bà cũng mệt mỏi và buồn vô hạn.

Ngồi bất động nhìn ngọn lửa reo trong lò sưởi, ông như quên sự hiện diện của vợ mình. Rồi ông chợt nhớ quay nhìn vợ, bốn mắt nhìn nhau, ông đưa tay ra đón bàn tay vợ, kéo bà ngồi gần mình hơn nữa, ông nói vắn tắt, bằng giọng chán chường:

- Thế là xong!

Bà cúi hôn chồng, âu yếm:

- Phải, ta đành bỏ cái hy vọng bắt lại con! Nhưng nếu anh hiểu rằng em cũng khổ tâm không kém chi anh, có thể còn hơn vì em tự nhận thấy lỗi mình. Anh ơi! Phải chi anh nói sớm cho em hay…

- Chớ qui lỗi cho em, lỗi ở nơi anh. Nhưng lúc này không phải là lúc nhắc lại chuyện cũ. Ta cần phải cố quên…

- Và tựa vào nhau mà sống, phải không anh?

Ông Tấn nhìn vợ đăm đăm:

- Này Mỵ Lan! Đến bây giờ anh mới biết có những thứ người ta không thể nào dùng tiền mua được. Có những món nợ không thể thanh toán bằng tiền, không thể tính lời lãi nhân lên theo năm tháng. Có những món nợ phải trả bằng giá đắt vô vàn. Như trường hợp anh đây, lúc đó anh đâu có cần con? Và bây giờ em biết đó : anh không thể nào được cái diễm phúc có con, dù anh tha thiết muốn. Anh không kêu ca đâu, anh đáng tội, xứng đáng với sự trừng phạt này. Chỉ thương em, vì anh mà em phải… Em Mỵ Lan! Em có vui lòng tha thứ cho anh không?

- Em van anh! Phải quên chuyện cũ! Em yêu anh! Và ta hãy nghĩ rằng, hãy coi như là con ta ở với ta, giờ lớn, lấy chồng nên phải xa ta, như thế có phải hơn không? Anh ơi! Khi nghe những lời từ chối của bác San và của con, em đã buồn khổ đến thế nào! Nhưng bình tâm nghĩ lại, em thấy rằng chúng ta còn có phước…

- Em không mỉa anh đó chứ? Hừ! Có phước?

- Sao em lại mỉa anh? Này nhé, anh thử nghĩ, dù ta không được con yêu, con ở với ta, nhưng nó sống và nó có hạnh phúc, thế không đủ rồi sao? Riêng em, nếu em biết nó sống khổ nhục, bất hạnh hay là nó chết vì anh yêu em, không tiết lộ thì em ân hận đến nhường nào?

- Em nói nghe hay lắm, nhưng thực tế chưa chắc ta có thể vui được, đó em xem, ai lại mình sống sờ sờ đây, lại giàu có, lại đã nói thẳng rồi mà nó vẫn cứ khăng khăng bảo : “tôi chỉ có một cha”. Em không để ý chứ, trọn buổi tối nay, nó không nhìn anh lấy một lần, trừ lúc đầu khi anh mới nói  nó là con ruột anh. Có lẽ nó oán hận anh… cũng nên!

- Anh đừng nghĩ thế, có lẽ cần một thời gian.

- Vô ích, anh biết rõ hơn em mà! Có lẽ anh sẽ tập suy nghĩ như kiểu em nói đó, vì còn biết giải pháp nào hơn?

Trong lúc vợ chồng ông Tấn đang bàn bạc trong sự chán nản, buồn rầu thì tại ngôi nhà tranh bé nhỏ, Hạnh cũng đang thủ thỉ với cha:

- Anh Quang đã bàn với con, xin cha cho làm lễ tháng tới, giữa mùa hè.

- Tùy các con đấy! Lâu nay cha có điều bận tâm là không có nhiều tiền để con tự do tha hồ sắm sửa ngày trọng đại của đời con. Bây giờ thì cha nhẹ lo quá!

Bác chỉ tay vào đống tiền chồng từng cọc giữa bàn, âu yếm nhìn con gái:

- Cha cho con hết đấy! Con muốn làm gì tùy ý, cha chỉ cần chút đỉnh để sửa lại nhà cho tử tế, khang trang.

- Con cũng nói với anh Quang chuyện kia rồi.

- Chuyện gì nữa đây?

- Kìa, cha chóng quên thế? Chuyện anh ấy phải ở rể nhà mình, vì con đã nói là con không thể xa cha.

- Thật kia ư? Cha tưởng con bịa chuyện với bà Tấn chứ!

- Bịa thế nào được, hở cha?

- Thế bác Vinh thì sao? Bây giờ bác ấy sắp là mẹ chồng cô đấy, liệu hồn!

- Bác cũng vui lòng mà! Bác bảo con thế này chứ : “Các con ở với anh ấy là phải, mẹ thì mẹ đến ở với chị con, chồng nó chết, con nó dại. Khi nào mẹ nhớ, mẹ sẽ đến thăm các con!” Đó cha thấy, con gái cha ngon lành không?

- Mày có phải là bánh đâu mà ngon? Mày chỉ được cái lém thôi, Hạnh ạ!

- Thế nghĩa là cha ưng con về nhà chồng hẳn? Nếu thế, con sẽ đi cho cha xem!

- Thôi chứ! Giờ lại đến phiên con dọa cha đó, hử? Tao phết vào mông bây giờ ấy chứ!

Hạnh cười ngặt nghẽo, sà vào lòng cha, bá cổ cha, hôn lên tóc, lên mặt, lên cổ cha, làm bác San gần ngạt thở, kêu:

- Vừa thôi! Vừa thôi! Tưởng cô còn bé lắm chắc, sắp lấy chồng rồi đấy!

- Lấy chồng, nhưng vẫn bé với cha, đã làm sao! Cha cấm con được không? Nào!

- Tao chịu thua mày đấy, mày quá lắm đấy!

Vừa nói người cha vừa cố gỡ tay con. Hạnh lần khân:

- Cha phải hôn con!

- Oai nhỉ? Cha muốn hôn thì cha hôn, chứ bắt buộc thì đừng hòng.

- Nhưng đây là để đền công cho con mà lại. Cha mắc nợ con mà lại!

- Tôi nợ cô những gì đâu?

- Con đã có công câu về cho cha thêm một đứa con, mà là một đứa con trai cẩn thận! Đúng không nào?


MINH QUÂN                   
Phỏng theo “Silas Marner” của G. Eliot

CHƯƠNG XI_LƯỚI TRỜI



CHƯƠNG XI


Ông Tấn vẫn có thói quen đi thăm thú đất vườn để dự tính việc trồng trọt sắp đến, mỗi chiều chúa nhật. Bà Mỵ Lan thì đi dạo quanh vườn. Trong tĩnh mịch của chiều tà, cảnh nhà như rộng thêm ra vì vắng vẻ. Bà Mỵ Lan ngồi trên ghế ngoài vườn, suy nghĩ mông lung. Dạo gần đây, bà thấy ông có vẻ buồn phiền về nỗi cảnh nhà hiu quạnh không con cái. Gần hai mươi năm chung sống, ông bà không có được mụn con nào, trừ một lần bà sinh nhưng không nuôi được. Bà cũng buồn lắm, trông nhà người ta, có tiếng cười, tiếng khóc, tiếng trẻ bi bô mà xót xa.

Bà ao ước cái cảnh con cái ríu rít quanh người mẹ, cái cảnh đàn con tranh ăn, vòi vĩnh, cãi cọ, khóc lóc, cười đùa, nghịch phá. Bà càng ao ước hơn nữa cái cảnh mỗi bận ông đi đâu về không phải bà mà là một đứa trẻ ra đón, dẹp can, cất mũ cho ông. Chao! Cái bức tranh vẽ ra trong trí sao mà êm đẹp quá. 

Bà hy vọng… hy vọng mỏi mòn theo năm tháng cho đến gần đây bà biết mình hy vọng hão. Không bao giờ nữa, bà được có con. Bà biết thế, và bà âm thầm đau khổ một mình.

Đã có một lần, ông ngỏ ý muốn nuôi đứa con nuôi, nhưng bà không thích, bà cho là nuôi con nuôi, không biết tông tích, lớn lên nó sẽ ra sao? Ngộ nó là con hạng người bất lương, nó giống máu mủ cha nó thì càng thêm cực lòng mình. Nếu mình không có con, âu đó cũng là do số mạng.

- Anh đừng buộc em làm điều gì em không thích và cảm thấy là không tốt. Đàn bà sống bằng trực giác, và trực giác họ bén nhậy hơn đàn ông. Trực giác em…

- Nếu em đã không vui thì thôi vậy – ông ngắt lời vợ, buồn rầu – anh chỉ muốn làm cho em vui. Anh thì hay đi đây đi kia, còn có thể khuây khỏa, chỉ thương em ở nhà vò võ, thui thủi một mình.

Mỵ Lan hết sức cảm động về những lời chồng nói. Từ khi cưới bà, ông đã tỏ ra một người chồng gương mẫu, đứng đắn, ngay ông bà nhạc cũng phải hài lòng. Họ sống hạnh phúc, hòa thuận bên nhau trong những năm đầu. Cho đến gần đây cả hai cảm thấy trống vắng, thiếu thốn, tuy nhiên người nọ làm ra vẻ đầy đủ, vui vẻ để người bạn trăm năm của mình được hài lòng.

Hoàng hôn xuống chậm. Mỵ Lan hơi ngạc nhiên vì ông về chậm hơn mọi lần nhưng bà không lo lắng mấy, vì bà đang bận tâm về một ý nghĩ dậy lên:

“Nếu không may ta chết sớm thì chồng ta cô đơn biết ngần nào? Có lẽ anh ấy nói đúng, ta đừng bận tâm đến chuyện xa xôi, hãy cứ làm theo anh ấy, tìm một đứa con nuôi, chỉ cốt cho anh ấy được vui là tốt, ta không mong chi hơn”.

Mải suy nghĩ, trời tối sập tự bao giờ, Mỵ Lan vẫn còn ngồi bất động trên ghế đá. Cho đến khi người nhà đến sau lưng, lễ phép thưa rằng trà đã pha xong. Bà chợt giật mình, giọng bà lo lắng:

- Ông vẫn chưa về ư?

- Thưa bà chưa, con đã bảo anh Hân ra ngõ đón ông.

- Thế ư? Lạ nhỉ? Này Tâm, con có nghĩ là có việc gì không?

Bà hỏi, và đột nhiên cảm thấy xao xuyến trong lòng. Cô gái giúp việc nói:

- Thưa bà, con chắc là không có gì đáng lo về phần ông nhà ta. Nhưng con chắc có việc gì khác lạ, cho nên từ nãy giờ dân làng ùn ùn kéo nhau đi lại phía hầm đá, gần nhà ông San, thưa bà, bà biết nhà ông San chứ?

- A! Ta biết. Có phải con muốn nói ông San thợ dệt có đứa con gái xinh xẻo đó không?

- Thưa bà, vâng!

- Con bé xinh thật… mà lại nết na, trông yêu quá đi thôi!

Giọng bà ao ước, thèm thuồng. Cô gái giúp việc phụ họa:

- Vâng! Cô ta thật dễ thương, ước gì bà sinh được một cô bé như thế, ông sẽ quí hơn vàng…

- Nhưng ta thì sinh nở gì nữa, ta già rồi, con ạ!

- Bà nói thế chứ, ở làng con khối bà già cốc đế mà vẫn sinh đẻ như gà ấy! Bà mới bốn mươi…

Bà chủ nhà cười buồn:

- Tâm ạ, con nói đến hay : mới bốn mươi! Người ta nói mới mười lăm, mới mười bẩy, mới hai mươi chứ ta chưa nghe ai nói mới bốn mươi bao giờ cả…

- Lắm khi con nghĩ trời không công bình : bà xem như mẹ con đấy : nuôi không nổi mà có hàng nửa tá, còn bà thì dư tiền của, lại thiếu một đứa con. A! Thưa bà có tiếng ngựa, chắc ông về, để con ra xem…

Mỵ Lan đứng lên, nối bước theo sau, nét mặt tươi tỉnh vì bà biết đúng là ông đã về. Ông Tấn xuống ngựa, trao dây cương cho Hân, đi ngay lại phía vợ.

- Anh đã về, em bắt đầu lo đấy. Sao? Có việc gì mà anh về trễ thế? Em nghe nói thiên hạ đi đến phía hầm đá đông lắm, phải không anh? Anh cũng đến đó…

Bà ngưng bặt vì thấy chồng run tay đặt mũ xuống bàn, ánh đèn sáng rực soi rõ mặt ông, da ông xám ngoét, mất hết vẻ hồng hào thường lệ. Bà đặt tay lên cánh tay chồng, muốn hỏi mà không thốt ra lời. Sau cùng, ông ngồi phệch xuống ghế, đưa tay vuốt mồ hôi trán, tay vẫn chưa hết run, lạc giọng bảo bà:

- Mỵ Lan! Em ngồi xuống đây. Anh phải về tin cho em biết vì không muốn để ai báo tin này cho em trước… anh!

Người vợ kinh hãi, hỏi dồn:

- Có gì thế, anh? Ba mẹ làm sao phải không?

- Không! – ông Tấn khoát tay – ba mẹ không bị gì cả. Đó là chuyện chú Phát nhà ta. Em còn nhớ khi anh cưới em, không có chú trong bữa tiệc chứ?

Mỵ Lan gật đầu nhưng vẫn để chồng nói tiếp:

- Ấy đấy! Chú bỏ nhà đi mất tăm từ dạo ấy, tưởng đi giang hồ đâu xa, nào ngờ chú chết rục trong hầm đá, nay nhờ nước rút cạn, người ta mới tìm thấy xác chú cùng với đồng hồ, roi ngựa 
 – cái roi ngựa của anh, sau khi ngựa chết chú xách roi đi, bỏ xác nó giữa đồng – Xác chú bị một tảng đá to đè…

Mỵ Lan kêu lên:
-
 Nhưng làm sao mà cả quyết là roi ngựa với đồng hồ của chú ấy? Thiếu chi người có roi ngựa, đồng hồ? Em nghĩ là…

- Vì anh cho bịt vàng trên đầu roi và khắc tên anh lên đó, rõ ràng quá đi rồi.

- Anh có ngờ là chú tự tử không? Chứ việc gì chú phải vào trong ấy để đá đè phải?

- Không… một sự rủi ro thôi, nó mà đời nào có ý nghĩ tự tử, nó chỉ muốn giết người thôi. Này Mỵ Lan, em có ngờ không, cái thằng ấy…

- Thôi anh ạ, anh không nên nhắc đến lỗi xưa, người đã chết rồi, ta phải khoan dung, tha thứ cho chú ấy.

Bà lại nắm tay chồng, bàn tay lạnh ngắt, nhơm nhớp mồ hôi. Ông rên rỉ:

- Em chưa rõ, chính nó đã ăn trộm số vàng bạc của bác San!

- Chúa ơi!

Mỵ Lan kêu lên sửng sốt và rồi bà đau xót vì thương chồng, vì biết chồng đang đau đớn nhục nhã vô ngần.

- Số vàng bạc còn nguyên vẹn, không thiếu một đồng. Nó chưa kịp tiêu, hiện mớ xương nó thì đưa về quán Ngàn Sao, còn vàng bạc thì anh sẽ giao lại cho bác San, nhưng anh vội về tin cho em hay đã.

Hai vợ chồng cùng im lặng, bầu không khí ngưng đọng, khó thở. Mỵ Lan, sau một lát cố gắng trấn tỉnh, dùng lời an ủi chồng:

- Xin anh bỏ qua chuyện cũ, chớ quá bận tâm, em, em cũng buồn về điều này, nhưng anh nghĩ xem, ta làm sao được?

- Mỵ Lan em, cái kim bọc giẻ lâu ngày cũng bày ra. Anh cũng có một điều ân hận, một điều thắc thỏm từ bao nhiêu năm trời nay. Anh giấu em, giấu kín. Nhưng bây giờ, anh không muốn giấu nữa, anh phải thú thật với em.

- Anh!

Ngày hôm nay có nhiều chuyện quá! Mỵ Lan nghĩ thầm. Bà dịu dàng nói:

- Có chuyện gì, xin anh hãy cho em biết, hai người cùng chia sẻ vẫn hơn là một người.

- Mỵ Lan yêu dấu! – giọng ông Tấn ngập ngừng – anh thực không biết nên bắt đầu bằng cách nào để em hiểu mà tha thứ cho anh… thực ra, anh cũng khổ tâm vì phải giấu em trong bao lâu nay…

- Chúng ta yêu nhau, anh biết mà. Dù gì đi nữa, không đến nỗi nào, em tin thế.

Được vợ khuyến khích, người đàn ông mạnh bạo lên:

- Mỵ Lan ơi! Anh đã lừa em, anh đã lén lút đi lại với một người, song là chuyện lỡ lầm…

- Cảm ơn anh, em đã quá cái tuổi bồng bột, ghen tuông nhảm nhí. Việc đó em cũng có nghe phong phanh nhưng em rất mừng mà thấy anh hoàn toàn thuộc về em từ khi em về với anh…

- Anh chưa nói hết. Không phải chỉ thế thôi, người đó có sinh một đứa con, con gái…

Mỵ Lan run rẩy vì xúc động, bà nhìn sững chồng làm ông phải cúi xuống song vẫn tiếp tục thú tội:

- … Và người ấy chết từ khi anh chưa cưới em, bỏ đứa trẻ lại…

Mỵ Lan đứng bật lên:

- Nó ở đâu? Sao anh không cho em hay? Nếu nó còn sống…

Ông Tấn thở dài buồn bã:

- Nó ở gần đây, nó là con bé Hạnh, con bác San thợ dệt…

Mỵ Lan ngồi lặng, tái mặt, môi run run, không thốt ra lời, chồng bà thì lo lắng không biết hậu quả của câu chuyện sẽ ra sao. Một lúc sau, giọng bà trầm hẳn xuống không phải vì giận mà vì xúc động:

- Tấn ơi! Anh đã làm một điều bậy bạ, nhưng ta có thể vớt vát phần nào tội lỗi ấy, nếu anh nói thật với em, chúng ta mang nó về nuôi…

- Anh đã có nghĩ đến điều này, nhưng khi anh ngỏ ý thì em từ chối…

- Anh có nói là mang con về đâu? Anh chỉ nói “nuôi một đứa con nuôi” cơ mà! Anh nghĩ xem, em nỡ lòng nào từ chối khi em biết nó là máu thịt của anh?

- Cảm ơn em. Anh không ngờ em rộng lượng đến mức đó. Nếu anh biết em không buồn vì chuyện này, anh đã nói thật với em từ mười sáu năm trước rồi.

- Bây giờ anh tính sao đây?

- Anh nghĩ là cũng chưa muộn, ta có thể…

Mỵ Lan buồn rầu:

- Vẫn hay rằng ta có thể… nhưng còn bác San, bác ấy liệu có vui lòng cho nó về với ta chăng? Đó là em chưa kể nó lớn rồi, khó lòng mà yêu anh được như khi ta cưu mang từ nhỏ.

Ông Tấn vẫn cúi đầu, thở dài không nói. Mỵ Lan ôn tồn:

- Anh không nên phiền muộn thái quá, dù sao, em hứa sẽ cố gắng. Bổn phận của ta là thế. Cầu xin Chúa giúp em để chúng ta…
_______________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNGXII

Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2017

CHƯƠNG X_LƯỚI TRỜI


CHƯƠNG X


Thấm thoát, Hạnh đã mười tám tuổi. Bây giờ, cô là một thiếu nữ đoan trang, thùy mị, xinh xắn và đảm đang. Được bao bọc trong tình thương của cha nuôi và cũng nhờ những lời bảo ban của bà bạn cha cô : bà Vinh, cô thật là một thiếu nữ hoàn toàn, trong làng ai cũng yêu cũng mến.

Riêng một người bạn thân từ bé : cậu Quang thì lại yêu mến cô hơn hết. Song từ dạo sau này, đôi bên đều đã lớn, Hạnh vẫn e lệ, không còn thân mật tự nhiên đối với Quang như trước.

Hạnh vẫn nghe cha kể câu chuyện thương tâm của mình ngày bé, mỗi lần kể lại, cha cô đều xuýt xoa như thể ông vừa thấy một đứa bé dẫm chân trên tuyết lạnh vào một ngày cuối năm, trong đêm tối, lần đến nhà ông. Và ông thường ví cô là vàng của cha, hay kho báu của cha bằng giọng hãnh diện làm Hạnh vô cùng cảm động.

Hạnh nắm tay cha, sà vào lòng ông, trầm giọng nói:

- Con yêu cha lắm! Con yêu cha nhất. Con không thể nào tưởng tượng ra được một người cha khác không phải là cha. Con sẽ ở đây mãi với cha, mãi mãi…

- Thế ư? Kho báu của cha? Chứ không phải là cô sắp lấy chồng đấy ư? Không phải là cô sắp xa cha cô đấy ư?

- Ai bảo thế?

- Lại còn vờ! Cha biết hết cả rồi, đừng chối con ơi! Nhưng cha không phật lòng đâu. Con gái lớn phải lấy chồng là sự thường chứ.

- Nhưng con chưa lấy chồng, con ở với cha cơ!

- Nói dễ nghe chửa? Bác Vinh đã nói chuyện hỏi xin con cho thằng Quang rồi đấy…

- Nhưng anh Quang chưa nói gì với con cả mà? Thế cha trả lời bác ấy ra sao?

- Cha chả trả lời sao cả, cha bảo còn tùy ở nơi con, nhưng cha đoán con không chê nó phải không?

Hạnh không trả lời cha, chỉ nói:

- Con muốn được ở gần cha.

- Nghĩa là thế nào? Hay con không bằng lòng? Phải nói rõ chứ, con gái cha!

- Nghĩa là… nghĩa là bằng lòng, nhưng anh ấy phải ở với cha con mình cơ.

- Nếu nó không bằng lòng thế?

Hạnh trả lời không do dự:

- Nếu anh ấy không bằng lòng thì thôi, vì con không thể xa cha.

- Kìa Hạnh! Con làm sao thế?

Hanh rớm nước mắt:

- Con không dối cha : con cũng yêu anh ấy, nhưng con yêu cha hơn. Cha nghĩ coi, nếu không có cha, thử hỏi con làm sao sống đến ngày nay?

- Chuyện! Cha thì phải thương con, phải có bổn phận đối với con chứ…

- Vẫn hay là thế, nhưng trường hợp cha con ta khác hẳn, con không phải là máu thịt của cha, bác Vinh có kể cho con biết những khổ cực, vất vả của cha khi con còn bé…

Đến lượt cha cô rớm nước mắt, nhưng là những giòng nước mắt sung sướng, tin yêu. Hạnh đăm đăm nhìn cha : ông chưa quá năm mươi mà lưng còng, tóc trắng xóa. Chao! Hạnh thương cha cô biết ngần nào!

Chợt có tiếng chó sủa ngoài sân. Người cha giật mình, lau nước mắt, hốt hoảng:

- Chết chửa, mẹ con bà Vinh đấy, cha quên nói cho con biết chiều nay họ đến đây. Bậy quá…

Hạnh cười:

- Con chả sợ chút nào, cha cứ yên tâm!

Và cô hôn cha trước khi ra đón khách.

*

Một sáng chúa nhật đẹp trời, sau thánh lễ Hạnh và cha ra về. Chuông nhà thờ lanh lảnh vang lên trong nắng sớm rộn ràng, vui vẻ làm cho cô gái ngỡ như tiếng chuông và tiếng đập của tim cô đang cùng hòa nhịp.

Cách cha con cô về phía trước, cỡ mươi thước là ông điền chủ Tấn giờ đã trên dưới bốn mươi, người giàu có nhất vùng, đất đai tăng diện tích cả chiều ngang lẫn chiều rộng theo năm tháng. Bên cạnh người đàn ông sang trọng và phốp pháp đó là bà Mỵ Lan, mảnh mai, nhỏ nhắn với khuôn mặt hiền hậu, nhu hòa. Song thân bà Mỵ Lan đi sau, tuy đã già nhiều song vẫn còn quắc thước, tráng kiện. Cụ Cẩm thì mất đã mãn tang.

Sau họ là một số nhân vật quen thuộc của hai cha con bác thợ dệt. Ấy thế mà cô gái không dám ngoái ra sau, vì cô biết trong số này có Quang, cậu con trai quen thân với mình từ bé và nay tình thân đó đổi khác, có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt đối với đời cô. Hạnh bỗng lúng túng, hồi hộp khi nghĩ rằng đi sau lưng mình, Quang tha hồ ngắm nhìn cô. Hạnh hơi bực mình về mái tóc : các cô gái trong làng cô nào tóc cũng thẳng, chỉ riêng Hạnh là có mái tóc quăn. Cha cô vẫn nói:

- Tóc thẳng đẹp chứ, nhưng tóc con quăn mà cha vẫn thấy đẹp như thường.

Quang cũng đồng y với cha cô và ngay mẹ anh ấy, bác Vinh cũng thế. Hạnh có hơi không bằng lòng, vẫn đẹp là thế nào? Cha cô ba phải quá, song Hạnh chả bao giờ trách cha mình, cô cũng không trách bà Vinh, cô chỉ trách Quang thôi. Một là đẹp, hai là xấu chứ vẫn là nghĩa lý gì? Phải hỏi cho ra lẽ! Hạnh nghĩ.

Khi cha con cô đi đến con đường mòn đầy bóng mát thì mọi người cũng tản mát phía sau. Quang tiến lên bắt kịp hai cha con, cất tiếng chào thân mật.

Trông thấy Quang, Hạnh lại quên ý định, thành thử câu chuyện không dính dáng chi đến mái tóc quăn:

- Cha ơi! Con thích khu vườn của nhà bác Vinh ghê đi. Con mà có khu vườn như thế thì tuyệt, con chẳng ao ước gì hơn…

- Phải, khu vườn bác Vinh đẹp thật, mà này – người cha nhìn con gái âu yếm – con thích từ bao giờ? Sao không nói với cha? Cha có thể làm cho con một khu vườn như thế, hay nhỏ hơn…

- Con thích từ lâu lắm đấy chứ, nhưng cha yếu không cuốc đất nổi, con sợ nói ra sẽ làm cha mệt.

- Không đâu, dạo này ngày dài lắm, chiều chiều, cha có thể vỡ ít đất hoang, gây cho con mảnh vườn nho nhỏ trồng hoa. Tuy cha già nhưng chưa yếu đâu, con gái ạ!

Quang chen vào:

- Thưa bác, cháu có thể cuốc đất hộ bác. Mỗi chiều một ít, có công việc càng vui tay, ta sẽ sang vườn ông Tấn kiếm ít đất, thế nào ông ấy cũng cho.

- Thế thì nhất rồi. Nếu có cháu nhúng tay vào thì sẽ hoàn tất sớm một khu vườn đẹp, Hạnh nó bằng lòng lắm, phải không con?

Hạnh sung sướng mỉm cười nhìn cha và người yêu, không nói. Quang tiếp:

- Nếu bác muốn, bác cháu ta có thể bắt tay vào việc ngay chiều hôm nay.

- Càng tốt.

- Thôi cháu xin phép bác, cháu về, chiều cháu sẽ đến. Chào Hạnh, nhé.

- Kìa Hạnh, con phải cảm ơn anh ấy đi chứ!

- Con chả cảm ơn ai cả, con chỉ cảm ơn cha thôi, cha ạ!

Cô gái nũng nịu nhìn cha nói, rồi khi Quang đi xa cô nắm tay cha, đưa lên môi, giọng cô tinh nghịch:

- Con biết ngay mà, anh ấy sẽ cuốc đất hộ cha con mình, không sai. Chao! Con thích quá, cha ạ! Con mà có khu vườn thì phải biết. Con hái hoa mỗi ngày cắm bình cho cha ngắm…

- Cô ghê lắm nhé? Cô âm mưu lợi dụng người ta!

- Con chả lợi dụng, anh ấy muốn thế đấy chứ.

- Rồi đây, con phải đền công…

- Con sẽ mang hoa đến biếu bác Vinh. Người già thích hoa, phải không cha?

Giọng mơ màng, người cha nói, nét mặt tràn đầy hãnh diện, sung sướng:

- Phải! Nhưng riêng cha, không có hoa vẫn đủ vui, vì cha có con rồi, con là đóa hoa xinh đẹp nhất, mà lại là đóa hoa biết làm vui lòng cha, một đóa hoa biết nói, đặc biệt…

Cô gái cười khanh khách:

- Gớm! Cha hôm nay văn chương quá đi thôi! Con yêu cha biết bao nhiêu!

Sắp tra chìa khóa vào ổ, cô lại ngừng tay, bá cổ cha, hôn.

Mười lăm phút sau đó, người cha ngồi xuống ghế, ngắm con gái thoăn thoắt đi lại trong nhà, lòng thầm nghĩ đến một câu chuyện thần tiên lúc bé mẹ kể cho, và ông cất tiếng cười ròn, vui vẻ. Hạnh ngừng tay – cô đang trải cái khăn bàn trắng muốt, sắp dọn bữa cho cha – hỏi:

- Cha cười gì thế?

- Cha đang nghĩ đến đóa hoa biết đi…

- Cha cứ thế, con sẽ ngồi một chỗ cho mà xem!

Bữa ăn sáng nay kéo dài hơn mọi ngày, cha con vừa ăn vừa nhẩn nha trò chuyện. Thỉnh thoảng, Hạnh lại đưa tay vuốt ve con mèo nằm khoanh dưới chân nàng. Lòng ngập tràn hạnh phúc, cô muốn chia sẻ với tất cả chung quanh.

Biết cha thích sưởi nắng, trước khi thu dọn bát đĩa, cô bắc ghế ra sẵn trước hiên và đem cái ống điếu theo ra.

Cô đang loay hoay rửa dọn thì có tiếng cha gọi.

- Này con – Cha cô nói trong lúc Hạnh đứng trước mặt ông, hai tay chùi vội vào tấm tạp dề mang trước ngực – đến khi con thành hôn, cha sẽ đưa cái nhẫn của mẹ con…

- Ơ! Cha…

- Cha vẫn cất đấy, con ạ. Trước khi chôn mẹ con, bác Vinh đã tháo nhẫn ra đưa cha cất và bác ấy dặn chỉ đưa cho con khi con vào tuổi thành nhân.

Hạnh xúc động, đứng im. Giọng cha cô trầm xuống:

- Hạnh! Con có để ý thấy cái bụi trước mặt nhà ta kia không? Chính cái bụi ấy, mẹ con gối đầu lên mà chết…

- Vâng! Cha đã chỉ cho con thấy từ lâu, bây giờ nó lớn quá…

- Cũng như con vậy thôi! Con cũng lớn…

- Thưa cha, con muốn xin cha một điều… nhưng con sợ cha không bằng lòng…

- Con cứ nói đi! Nào cha đã biết điều gì mà con lo cha không thuận?

- Con muốn đánh gốc cái bụi cây ấy, đem trồng ở một góc vườn, cái vườn cha và anh Quang làm cho con ấy mà.

- Tưởng gì! Ý kiến hay đấy chứ. Rồi sao nữa?

- Xung quanh bụi cây, con sẽ trồng ít hoa trắng. Anh Quang hứa với con là sẽ tìm cho con một giống huệ ra hoa suốt bốn mùa.

- Tuyệt! Và ta phải rào kỹ kẻo lừa với cừu nó dẫm nát…

- Thưa cha, vâng! Con cảm ơn cha nhiều lắm!

- Rõ hay chửa! Việc gì mà cảm ơn cha? Con vui là cha vui chứ?

- Cha đã cho phép con mang bụi cây ấy vào vườn…

- Chúa ơi! Con bé này, con làm sao thế hở Hạnh? Con tưởng rằng cha muốn cướp công của mẹ con ư? Cha ích kỷ thật đấy, cha không giấu điều đó, con là con của cha, nhưng thử hỏi nếu mẹ con không sinh con ra thì…

- Nhưng thử hỏi nếu cha không nuôi con thì liệu con có được như ngày nay không?

- Dù sao, cha không có ý muốn cho con quên hẳn mẹ con. Tội nghiệp bà biết chừng nào! Chắc bà vất vả lắm mà lại đang đau yếu chi đó…

- Mẹ con ra sao hở cha?

Hạnh rụt rè hỏi.

- Mẹ con rất xinh, nhưng gầy lắm.

Ông không muốn diễn tả tỉ mỉ nét mặt phong trần của người đàn bà xấu số, sợ con ông tủi thân.

Im lặng một lát rồi Hạnh lên tiếng:

- Cha này, con xin cha điều này nhé? Mình chả cần rào bằng cây, nhọc, mà lại…

- Không rào thì chả mấy ngày mà tan hoang khu vườn…

- Thưa cha, mình rào chứ, nhưng mình rào bằng thứ khác kia.

- Thứ gì đây? Con gái yêu của cha?

- Đá, thưa cha! Đó cha coi, quanh đây thiếu gì đá? Con sẽ khuân những viên đá nhỏ, còn anh Quang sẽ khuân những tảng lớn, xếp lên làm tường…

- Hay lắm! Cả cha nữa, cha cũng khuân giúp con, dạo này con cứ bắt cha ngồi rỗi, đến buồn.

- Con yêu cha quá! Cha tốt quá!

Cô gái lặp lại một câu đã nói nhiều lần, song mỗi lần cô thốt ra câu ấy, cha cô lại bồi hồi xúc động và sung sướng.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG XI

CHƯƠNG IX_LƯỚI TRỜI


CHƯƠNG IX


Tấn nói với bác sĩ đợi mình ở ngoài:

- Con bé kháu khỉnh quá, thưa bác sĩ!

- Phải! Tội nghiệp quá!

Hai người lại đi, mỗi người mang một ý nghĩ riêng : bác sĩ chỉ mong về lăn lên cái giường nệm êm ấm làm một giấc, còn Tấn như vừa trút bỏ được gánh nặng ngàn cân đeo đẳng lâu nay. Không! Không ai biết gì về tung tích người chết cả, chàng có thể tiến hành việc dạm hỏi Mỵ Lan, không ai cản trở. Thằng chó Phát mà có trở về, chàng sẽ dùng tiền bịt miệng nó ít lâu, nếu rủi ro nó gặp bác San và con bé. Còn không thì thôi : bí mật của đời chàng sẽ theo kẻ xấu số vùi xuống đất ngày mai. Nhẹ nhõm làm sao!

Rồi chàng bùi ngùi thương con, song chàng nghĩ rằng chàng sẽ cố bù đắp cho nó thật đầy đủ, trừ chuyện nhận nó làm con.

Với Mỵ Lan mình nên thú thật không? Chắc là không, vì như thế vô ích, thà im luôn đi. Nói ra, bóng ma dĩ vãng sẽ ám ảnh hạnh phúc vợ chồng mình… Bác sĩ chợt hỏi:

- Cậu nhận ra người đàn bà chứ?

Tấn giật mình song trấn tỉnh ngay:

- Thưa bác sĩ, không! Chị ta không phải người cháu gặp hôm qua.

- Thế ư?

Ông chép miệng nói, thờ ơ, đoạn che tay ngáp dài luôn hai cái, phàn nàn:

- Gớm! Lạnh chi mà lạnh, may nhờ đôi ủng của cậu, nếu không, vào buổi tối mà dầm tuyết kiểu này…

*

Người đàn bà bất hạnh lạc đến làng Vệ được chôn cất tử tế, đứa bé thì bác San giữ nuôi. Vài người trong làng thấy nó xinh xắn cũng muốn nhận nhưng đều bị bác San từ chối. Nếu có người đàn bà nào viện cớ là bác không biết chăm sóc trẻ, bác San vênh mặt lên:

- Tôi biết giữ em từ lúc lên mười ấy chứ! Mà các bà khỏi lo, có gì cần, tôi nhờ bà Vinh…

Vài người cười mỉm, vài người chế giễu bác San song phần đông ai cũng lấy làm cảm phục bác. Nếu ngày trước họ biết được việc bác chỉ thuốc trị bệnh tim cho bà thợ giày họ mến bác năm, thì bây giờ họ mến đến mười.

Trong số phụ nữ cảm tình với bác, chỉ có bà Vinh là bác chịu nhờ cậy, hỏi han chút đỉnh. Bác nhờ bà Vinh mua sắm những thứ cần dùng cho đứa bé, bà này vui vẻ giúp bác và còn mang đến cho con bé những áo quần cũ nhưng còn lành lặn và khá đẹp của con bà lúc trước.

Bà tắm rửa nó sạch sẽ, diện áo quần, chải tóc bảnh bao. Trong lúc đó bác San và thằng Quang đứng nhìn rồi bác buột miệng kêu:

- Con bé xinh chứ bà Vinh? Tôi thì tôi cho là thiên thần cũng chả hơn nó đâu, bà ạ!

- Phải! Nó xinh đáo để! Thôi! Thế là trời thương bác lắm đấy nhé?

- Chao! – bác San vừa nói vừa nâng bàn chân nhỏ nhắn, có cái gót hồng hồng của con bé lên hôn – mỗi lần tôi nhớ đến cái lúc nó chập chững đi trên tuyết, từ chỗ xác mẹ nó đến nhà tôi là tôi xót ruột, thật y như con chim non mất mẹ, bơ vơ…

- Tội thật! Thế nó đến, bác nghe tiếng động bác mở cửa hay là bác đứng chơi ở cửa, thấy nó?

- Vâng! Tôi mở cửa chứ! Tôi để cửa ngỏ từ chiều mà.

Trả lời úp mở như thế thôi, bác San không nói rõ là mình thiếp đi bất ngờ, là đứa bé vào nhà bác không hay biết, bác không thấy nó trên đường.

Bác lại thêm:

- Tiền bạc đi bao giờ không hay biết, nó đến bao giờ cũng không hay biết, thật chả hiểu ra làm sao. Đầu óc tôi cứ rối mù lên, y như chuyện đời xưa, như phép lạ ấy thôi, bà Vinh ạ!

Người đàn bà phúc hậu không tỏ ra ngạc nhiên, giọng bà trầm, dịu:

- Ở đời vẫn thế : hết khổ đến sướng, hết buồn đến vui, hết mưa đến nắng, hết đêm sang ngày. Cái này đi cái kia đến. Có thể là trời đền bù cho bác đấy! Bác San ạ! Chưa chừng nó còn quí hơn vàng đấy!

- Phải! Bà nói chừng mà đúng đấy!

Người đàn ông run run vì cảm động, bế đứa trẻ lên. Trời bù cho bác đây! Vàng đi thì nó đến! Vàng biến ra nó đây! Bác sẽ yêu nó, yêu nhiều như yêu vàng. Không! Bác sẽ yêu nó hơn vàng. Vàng thua xa nó! Nó đáng yêu biết bao!

- Có người bảo là bác không nên giữ nó, nhưng tôi thì nghĩ bác giữ nó là phải, tuy bác sẽ khó nhọc đôi chút. Tuy nhiên, bác đừng lo, tôi sẽ giúp bác khi cần, bác chớ ngại.

- Cảm ơn bà! Được bà giúp cho thì quí lắm, tôi không muốn nhờ ai khác.

Giọng bác San tràn ngập niềm vui. Bác nhìn con bé một lát, hai bên cười với nhau thân thiện hết sức. Ngần ngừ một chốc bác lại nói:

- Nhưng thú thực với bà tôi không muốn nhờ ai hết, tôi muốn tự làm lấy cho nó, tôi sẽ tập dần…

- Bác ngại gì? Chỗ tôi với bác…

- Nếu để bà làm, nó sẽ yêu bà, tôi muốn tự tay làm lấy cơ, như thế nó mới yêu tôi.

Bà Vinh nén cười, vui vẻ:

- Bác đừng lo, tôi không cướp con gái bác đâu. Tôi có con mà. Và tôi sẽ chỉ cho bác mọi việc cho đến khi bác thành thạo, chứ không giành hết đâu. Tôi sẽ bày cho bác cách mặc áo, cách tắm táp, cách xát xà phòng, cách làm mấy món ăn dành cho nó, bắt đầu từ ngày mai.

- Cảm ơn bà, cảm ơn bà nhiều lắm, bà Vinh ạ!

- Còn một chuyện nữa : bác phải đặt tên cho nó, nó chưa có tên đấy, nhé?

Người thợ dệt ngớ mặt ra:

- Ừ nhỉ, may có bà nhắc, không thì tôi chả nhớ gì sốt cả. Nhưng đặt tên nó là gì kia?

- Tên gì thì tùy bác nghĩ ra, vì nó là con bác, bác quên sao?

- Phải! Nhưng tôi vẫn chưa nghĩ ra được, cái mới rầy.

- Bác có em gái phải không? Tên cô ấy là gì?

- Em gái tôi tên là Hạnh, tên Hạnh bà thấy tốt chứ? Này, em gái tôi cũng na ná giống con bé này đấy bà ạ! Khi thoạt thấy nó, tôi giật mình ngỡ đâu là gặp lại em tôi chứ. Buồn cười ghê, phải không bà Vinh?

Người đàn bà ngẫm nghĩ một giây:

- Bác có thể lấy tên Hạnh đặt cho nó, được đấy bác San ạ!

- Con bé này ấy ư? Nó sẽ mang tên Hạnh của em tôi ư?

- Phải! Có gì ngăn trở đâu? Cũng là để kỷ niệm về sự trời dun rủi cho nó đến với bác, phải có cái hạnh, cái duyên mới được chứ dễ gì? Sao nó không đi đến nhà khác? Hay là nếu nó đi lạc vào hầm đá thì còn gì tính mệnh, bác nghĩ tôi nói đúng không?

- Bà nói thì đúng quá rồi còn gì? Tôi sẽ nghe bà, đặt tên nó là Hạnh. Hạnh, đến đây với cha, nào!

Câu sau cùng, bác nói bằng giọng run run vì quá sung sướng và cảm động. Con bé nghe gọi, quay lại, nhìn bác nhoẻn cười. Bác thích quá khoe với bà Vinh:

- Đấy bà trông! Con tôi khôn ghê chưa? Nó biết tên nó rồi, bà thấy không?

*

Bác San là một người thừa kiên nhẫn, bác nhất định thực hiện đúng lời hứa lúc đầu : tự làm lấy mọi thứ cho con. Nhờ bà Vinh chỉ dẫn, bác đã biết tắm rửa, thay quần áo, xức phấn rôm, làm món ăn v.v… tóm lại bác làm mọi thứ cho bé Hạnh như một người đàn bà thực sự. Nom cái cách bác chăm chỉ vá tất, kết khuy cho con bé, bà Vinh không khỏi phì cười.

Khuôn mặt đầy nếp nhăn của bác, nét phong trần khắc khổ, cái dáng đi chĩu nặng u sầu, cái tính khép kín dè dặt của bác, tất cả những cái đó cùng một loạt rủ nhau bay biến từ khi trong nhà bác có bé Hạnh bước vào. Hình như bác trẻ ra, hình như những tế bào chết trong người bác lần lượt sống lại, những tình cảm tốt đẹp bị chôn vùi suốt mười mấy năm ròng được đánh thức.

Bác trở thành vui vẻ, nhanh nhẹn, linh hoạt. Trước kia bác rất ít lời, bây giờ không chỉ bỏ thói ít lời, bác còn biết nói bông đùa nữa. Nhưng có điều có Hạnh, bác bận luôn tay, thế mà bác chả than thở, kêu ca chi còn lấy làm vui là khác.

Trông thấy bác vội vàng mỗi khi xuống chợ, mọi người tụm lại hỏi han về bé Hạnh, ai cũng ân cần tử tế với bác, khác hẳn lúc xưa. Người ta bán rẻ cho bác những thứ bác cần, người ta tìm dịp để biếu xén bác chục trứng, miếng thịt, người ta lui tới nhà bác những khi rảnh rỗi, những đêm trăng. Từ xa, tiếng bác và tiếng bé Hạnh líu lo làm cho ai cũng đoán được thứ hạnh phúc tràn ngập trong lòng bác.

Riêng bà Vinh thì lui tới ngày một. Bà là vị cố vấn tốt nhất của bác San.

Một hôm, bà đến nhằm lúc bác San đang dệt cửi, bác vừa làm việc vừa bế con, con bé thỉnh thoảng lại chồm lên kéo tai bác xuống hôn rồi cả hai cùng cười khanh khách.

Bà Vinh không đánh tiếng, sẽ sàng ngồi ở một góc nhìn cảnh cha con họ âu yếm nhau và lấy làm mừng vì bác thợ dệt đã được sung sướng khác lúc xưa nhiều.

Nhưng làm việc cách đó thì quả không ổn, chỉ một chốc bác San kêu lên:

- Thôi chứ! Hạnh! Con nghịch mãi, cha không dệt được đây này!

Con bé chả sợ chút nào, tiếp tục nghịch phá và cười ngặt nghẽo từng chuỗi.

Bà Vinh ôn tồn:

- Này bác San, kiểu đó không xong. Ta phải nghĩ cách, làm việc như thế e một tháng chưa xong lấy năm thước vải…

- Phải, tôi biết và tôi định hỏi ý kiến bà đấy, không có bà thì không xong. Bà không rõ đấy, cả tháng nay tôi chỉ dệt được ban đêm và tờ mờ sáng. Hễ nó thức là nó quấy tôi…

- Nó không sợ bác ư? Bác không mắng nó ư?

- Thì bà thấy đó thôi! Tôi quát nó chứ, mà nó chả kiêng nể chút nào. Tôi đến chịu thua nó mất thôi. Nó làm đứt chỉ mãi, nối phát mệt…

- Có ngày nó sẽ bị đứt tay chứ không chỉ đứt chỉ thôi đâu. Có lẽ bác nên kiếm sợi dây, buộc chân nó lại gần khung cửi để có thể yên tâm làm việc, nếu bác cứ ôm lấy nó cả ngày thì…

- Tôi cũng đã nghĩ ra cách ấy, nhưng thương quá, lại sợ nó khóc…

- Bác để tôi! Xem nào!

Bà Vinh lấy một mẩu dây mềm, dỗ bé Hạnh và buộc vào chân nó, đoạn bà rút ở cái túi vải mang theo mấy mảnh vải mầu, một cái lúc lắc bằng nhựa đưa cho nó. Con bé sáng mắt lên, đón lấy mấy thứ đồ chơi, ngồi yên.

Cha nó mừng rỡ thấy mọi sự dễ dàng hơn mình tưởng.

Bà Vinh căn dặn:

- Con nít vào tuổi ấy hay nghịch phá, bác phải canh chừng luôn. Đừng cho nó lại gần lửa, gần nước sôi, đừng cho nó cầm đến cái thoi, cái kéo, dao phải để trên cao quá tầm tay nó…

- Vâng! Bà nói đúng, tôi xin nghe theo.

- Cái que nhọn, cái đinh, cái kim… những vật tròn nhỏ như hạt bi cũng phải coi chừng, trẻ con vớ cái gì cũng cho vào mồm, bác đừng quên.

- Vâng! Vâng, cảm ơn bà!

- Rồi đây, phải coi chừng răng của nó; đừng cho mọc chồng lên nhau. Cái răng cái tóc…

- Vâng! Nhưng xin bà đừng dặn những cái chưa phải làm ngay bây giờ, kẻo tôi lại quên…

- Cũng phải tập cho nó biết kỷ luật, không nên nuông lắm…

- Nó bé xíu thế kia mà bà bảo kỷ luật nỗi gì?

Người cha nói, có ý không bằng lòng. Bà Vinh cười nhẹ, tay vuốt tóc bé Hạnh:

- Nó bé nhưng nó khôn lắm đấy, rồi bác xem.

*

Người ta thường hỏi nhau : vàng và đứa bé, không rõ bác thợ dệt quí cái nào hơn? Người ta chỉ biết rõ một điều : vàng thì bác ta giấu kỹ, còn con bé trái lại bác phô hết với mọi người. Trông ánh mắt và khuôn mặt rạng rỡ của bác, người ta tưởng như bác nói với từng người:

- Trông đây! Tôi thật sung sướng, ông hoàng chưa chắc sung sướng như tôi! Trông con tôi đây!

Thật vậy, so với vàng, con bé hơn nhiều. Vàng lặng lẽ, mỗi ngày giục bác cầy cục kiếm chất đống, vô tri giác. Còn bé Hạnh, nó bi bô nói cười, khi thì khóc dỗi, khi thì âu yếm hôn bác, vuốt ve bác. Nó như một giòng suối mát mà tâm hồn bác tựa như mảnh đất bỏ hoang khô khan, cằn cỗi. Nó làm cho mảnh đất kia thấm nhuần mầu mỡ, làm nẩy mầm những hạt giống tốt bị chôn vùi.

Những sáng đẹp trời và những chiều chưa tắt nắng, người ta thấy bác San bế con đi dạo trên đồi, ngoài đồng hay trên bờ ruộng. Nếu bé Hạnh sà xuống chỉ một đóa hoa dại, tức thì bác ngừng lại, hái cho con. Có khi bác đặt con xuống cho nó tự do chạy nhảy tung tăng như cánh bướm, còn bác thì ngồi lặng lẽ ngắm con mà tưởng mình trẻ lại cũng đang cùng con chạy nhảy!

Thỉnh thoảng, con bé hái một cành hoa, một chiếc lá đem đến cho cha, rồi ôm chặt bác và hôn lên mặt bác làm cho bác rào rạt tin yêu.

*

Tuy bà Vinh đã dặn và trước mặt bà bác San tỏ vẻ nghe lời, song vắng bà bác lại làm theo ý con. Khi dệt vải, bác không muốn cột chân con mãi. Bởi một bận bác để ý thấy nó ngồi mò mẫm tháo sợi dây, khi tháo không được, nó gọi bác, bác giả làm ngơ, thế rồi sau đó, bác thương quá, lại tháo dây cho con, bế nó lên, nhưng nó dỗi, khóc mãi không sao dỗ được.

Càng lớn, Hạnh nghịch ngợm đủ trò, làm cha nó chả mấy lúc được yên.

Một hôm vào mùa hè trời nắng ráo, bác San lo dệt một số vải người ta đặt. Tuy bà Vinh đã dặn, nhưng bác lại quên, cắt vải xong bác để cái kéo trên chỗ ngồi vừa tầm với của con gái. Hạnh rất thích cầm kéo cắt vải – nó vẫn có nhiều vải vụn đủ mầu – nhưng cha nó cất cao quá, hôm nay, liếc thấy cha đặt cái kéo thuận tay quá, bé lấy làm thích, thừa một lúc cha mải làm việc, nó chộp lấy đem lại cắt vải chơi. Cắt chán, nó bỏ cái kéo bên mớ vải, chạy ra ngoài, song nó đủ lém lỉnh để chạy đi mà không gây tiếng động nên cha nó không hay biết.

Nắng đẹp quá, trải rộng trên cỏ cây, rào tường, lối đi rực rỡ, bướm bay lượn quanh đó làm bé vui chân bước tới không ngừng.

Khi cần đến kéo, sờ đến chỗ đặt kéo lúc nãy không thấy đâu, bác San đã hoảng, nhìn quanh không thấy con, bác càng hoảng hơn. Chết rồi! Con bé đã lẻn ra ngoài, nó có thể ngã xuống hầm đá cũng nên…? Bác buông thoi, hấp tấp chạy ra tìm con, miệng réo : “Hạnh, Hạnh” inh ỏi, giọng run run vì lo lắng.

Tất tả chạy từ đầu này đến đầu kia, chỗ này sang chỗ khác, bác chăm chú dòm từng cái lỗ trũng khô xem con có rơi xuống đó chăng, rồi lại dáo dác tìm chỗ khác. Chả thấy tăm dạng nó đâu. Bác gần khóc song cố nén. Định tin cho bà Vinh hay để bà tìm giúp, song lại lo sợ bà ấy trách mình không nghe lời. Bác len đến đồng cỏ mọc cao, rẽ cỏ ra tìm thật kỹ. Mắt vốn kém, thấp thoáng một bụi cây từ xa bác lại ngỡ là con khấp khởi mừng, đến gần ra không phải.

Sau cùng, người cha leo rào băng qua cánh đồng, đưa mắt nhìn cái vũng bò hay đến uống, vì là vào giữa hè, nên cũng không sâu, quanh vũng bùn lầy dẻo quánh.

Trong lúc bác bồi hồi lo sợ, gần tuyệt vọng thì bác nom thấy bé Hạnh đang trò chuyện với chiếc giày của nó, tay cầm chiếc giày múc nước dưới cái vũng nhỏ đổ sang cái lỗ con con do vết chân bò lún xuống mặt bùn. Bùn ngập đến mắt cá con bé. Bên kia rào, một con bò cái và một con bê đang nhìn nó chăm chăm.

Người cha kêu lên một tiếng mừng rỡ, lao tới nhanh như một con sóc nhỏ ôm chầm lấy con, hôn lên mặt lên tóc con đoạn bế con về. Dọc đường, bác ngẫm nghĩ : chắc phải trừng phạt nó, kẻo nó hư, đúng như lời bà Vinh nói. Không phạt nó, nó sẽ chạy rong nữa, có ngày tai họa đến chứ không chơi. Nhưng trừng phạt? Chao! Mới khó làm sao chứ!

Về đến nhà, hoàn hồn rồi, bác mới chỉ vào quần áo và giày con, nghiêm giọng:

- Con hư quá! Cha phải phạt con! Con dám lấy kéo của cha cắt nghịch, rồi chạy ra đồng. Cha phải phạt con…

- Cha con bác làm sao thế? Sao mà lấm láp như mới dưới bùn lên thế?

- Thì dưới bùn đấy chứ như nhiếc gì nữa. May quá! Có bà đây! Phải phạt con bé thôi, bà Vinh ạ!

Bác San kể lại đầu đuôi câu chuyện cho bà bạn nghe, vừa kể vừa thở vì chưa hết mệt.

- Thế ra bác không cột chân nó khi ngồi làm việc ư?

- Ơ… không! Tôi thương quá, bà ạ! Nhưng bây giờ phải phạt, phải phạt thôi!

- Bác định phạt cách gì? Tôi cũng như bác không nỡ đánh con, nhưng vẫn phải phạt khi cần. Tốt nhất là nhốt nó vào kho than vài phút cho nó biết lỗi, đánh hay phạt phải chọn một, không thể dung tha, nó sẽ nhờn đi!

- Đành thế! Phải nhốt nó! Tôi nghe lời bà!

Bác bế bé Hạnh đi trước, bà Vinh theo sau. Đến nơi, bác mở cửa nhốt nó vào đó, đóng ập lại.

Khá lâu, chả nghe động tĩnh gì. Rồi có tiếng kêu khẽ:

- Cha! Mở cửa cho con! Con đi tiểu! Mở cửa, cha!

Bác San vội vàng mở cửa cho con. Khi nó đi tiểu xong, nó chả có vẻ gì là sợ hãi, bảo cha:

- Cha phạt con đi! Con vô kho than, cha!

Hai người nhìn nhau, nghi hoặc về cái tinh thần tự giác ở con bé lên ba và sau đó, bà Vinh giảng giải:

- Này Hạnh! Cha con phạt thế đủ rồi. Từ giờ con chớ có chạy ra đồng một mình, bò nó báng cho đấy, nhé? Bò nó dữ lắm đấy…

- Bò hiền, bò nó thương con…

Hạnh cãi. Bà Vinh lắc đầu:

- Nó không hiền đâu, nó chưa dữ đấy. Với lại, nếu bò không đá con, con cũng không được đi, con sẽ rớt xuống hầm đá, đau lắm…

- Con không rớt xuống hầm đá, con đi chơi thôi!

Cha nó chen vào:

- Con không được đi, nếu cãi lời cha cha sẽ nhốt con vô kho than, bẩn lắm, tối lắm. Thôi, bây giờ cha phải tắm cho con!

Và bác quay sang bà bạn, mỉm cười:

- Rồi đây, chắc phải nhờ bà nhiều thứ nữa chứ không dễ đâu.

Bà Vinh chịu khó lập lại là nó sẽ bị phạt nhiều lần cốt để cho nó nhớ, không tái phạm. Con bé gật gù nhắc lại : “Còn đi… phạt!” như tỏ vẻ biết lỗi và hứa tuân lời. Hai người lớn rất hài lòng. Tuy thế kể từ hôm ấy trở đi, bác San đề phòng cẩn thận : luôn luôn buộc chân con lại trước khi làm việc. Đâu được dăm hôm, xem chừng con bé tỏ vẻ ngoan, bác lại thôi, vì không nỡ làm thế, bụng bảo dạ:

- Hôm nay không buộc một bữa xem sao. Ta sẽ để mắt canh chừng nó.

Và bác vừa ngồi dệt vừa để mắt canh chừng con. Trông thấy nó ngồi bi bô, táy máy với mấy mụn vải mầu và con búp bê nhựa do bà Vinh đem cho, người cha rất hài lòng. “Có thế chứ!” người cha đắc ý nói và lần này chuyên chú vào công việc.

Cỡ nửa giờ sau, bác sực nhớ nhìn lại chỗ con ngồi, thì nó đã biến mất. Con bé thật hư : mới sểnh một tý là đi rồi! Người cha lẩm bẩm và quăng thoi chạy ra ngoài tìm. Lại ơi ới gọi, lại tất tả kiếm tìm.

Con bé lần này đang bận hái hoa, nghe tiếng cha nó cung cúc chạy về, cha nó chưa kịp đe dọa thì nó đã chạy ù vào kho than, thò mặt ra, nói:

- Hạnh đây cha… Hạnh phạt… cha!

Khi cha nó đến cửa kho than, vừa thở hào hển vừa kéo cánh cửa để gọi con ra thì thấy giày vớ quần áo nó lấm lem, mặt mũi tay chân đầy những lọ! Bác thở dài ngao ngán!

Thế là bác đành bỏ dở công việc để lo tắm rửa thay quần áo cho nó và sau đó phải giặt gịa quần áo nữa.

Công việc bác thợ dệt trở thành chậm trễ vì những dịch vụ kiểu đó nhiều hơn là những việc chính đáng, song bác không lấy làm buồn. Bây giờ bác không còn cái lối chăm bẳm kiếm tiền rõ nhiều, để làm gì chứ?

Người đàn ông chất phác đó đã có báu vật quí giá hơn vàng, mà báu vật đó sinh động, biết làm cho bác vui vẻ bất cứ lúc nào, ngay cả khi nó mè nheo, khóc lóc! Mọi người cùng biết thế, nhưng người hiểu rõ bác nhất vẫn là bà Vinh. Nhác trông thấy bà và thằng Quang từ xa, bác đã kêu lên:

- Bà lại đây mà xem con bé, nó làm tôi bực ơi là bực, đến tức điên vì nó.

Song trong khi kêu như thế, nét mặt bác lại rạng rỡ, tươi tỉnh hơn bao giờ, và bà biết rằng đó là một cách bác thợ dệt dùng để biểu lộ niềm vui, khoe khoang cái hạnh phúc của mình cho bạn biết. Bà Vinh hóm hỉnh:

- Nó hư làm sao bác San?

- Không kể xiết…

- Thế thì giao nó lại cho tôi đi, thằng Quang lớn rồi, tôi cũng muốn có một đứa be bé trong nhà…

- Lại có lối cướp tay trên thế nữa à? Tôi không đùa đấy nhé? Tôi sẽ cấm cửa bà và thằng Quang, không cho lại gần con gái tôi đâu, nếu bà còn manh tâm như thế!

Hai bạn già cùng cười vui vẻ, Quang cũng cười theo. Chỉ con bé là chạy lon ton đến, nắm tay cha, dẩu mỏ:

- Con không ở với bác Vinh, con ở với cha cơ!

Một chốc sau, hai đưa vui vẻ nắm tay nhau ra đồng chơi. Người cha nghiêm giọng bảo bạn già:

- Tôi có một việc muốn hỏi ý kiến bà, bà Vinh ạ!

- Chuyện gì thế? Nghiêm trọng lắm không?

- Cũng không có gì nghiêm trọng, nhưng tôi vẫn bận tâm, này bà Vinh ơi! Cái lối trừng phạt nhốt vô kho than thất bại rồi đấy, không dùng được nữa đâu. Ta phải tìm cách khác thôi…

- Bác nói thế nghĩa là sao?

Bác San từ tốn kể lại câu chuyện bé Hạnh tự động chạy vào kho than cho bạn nghe. Bà Vinh cười ngất, sau đó hỏi:

- Thế bác quên buộc chân nó à?

- Nào có quên, tôi không nỡ đấy chứ!

- Bác quá nuông, nó sẽ hư…

Người cha nhăn mặt:

- Nhưng tôi chịu thôi, không nỡ đánh nó…

- Thế thì tôi giúp bác cách nào được nếu phạt không xong, đánh vài roi khẽ bác cũng không?

- Bà bạn tốt ơi! Chắc tôi để mặc nó thôi. Mẹ tôi ngày trước vẫn nói rằng “trăng đến rằm trăng tròn” bác ạ. Tôi cũng mong thế, lớn lên một tí nó sẽ biết phân biệt nên hư tốt xấu…

Giọng bác San chậm rãi chứng tỏ đã suy nghĩ kỹ trước khi nói ra lời. Bà Vinh trầm ngâm một giây:

- Có lẽ bà cụ cũng có lý đấy bác San ạ!

- Có lý mạnh đi chứ, có lẽ là thế nào? Tôi rất ghét việc trừng phạt trẻ con bằng roi đòn. Lúc nhỏ có lần tôi thấy một bà đánh con như đòn thù, tôi ghét ghê đi ấy! Bà mà đánh thằng Quang kiểu đó chắc tôi cũng không bạn bè lui tới với bà đâu!

Giọng bác vui vẻ, vì lâu nay bác đã bỏ thói dè dặt, khép kín như con ốc thu mình trong vỏ.

Bà Vinh chỉ ngồi nghe, bà cảm động nhớ đến những lần bác San bế bé Hạnh đi đây đi kia, vì để nhà bác không yên tâm mà bà có đề nghị gửi bà trông nom cho giây lát thì bác lại lắc đầu quầy quậy nửa đùa, nửa thật bảo bạn:

- Để cho bà gần nó bà dụ dỗ nó theo bà bỏ tôi ư? Không đâu, tôi chả dại!

*

Mỗi ngày, bác thợ dệt càng cảm thấy mình thân thiết với mảnh đất làng Vệ, với người dân làng Vệ hơn xưa. Mỗi ngày, mọi người cảm mến bác thêm lên, mà con bé Hạnh là sợi dây, là đầu mối sự thân thiện ấy. Không như lúc trước, bác San chỉ trao đổi những câu ngắn với mọi người, những câu cần thiết trong cuộc mua bán, bây giờ bác kiên nhẫn lắng tai nghe người ta nói đủ thứ chuyện, từ chuyên liên quan đến sức khỏe con gái bác cho đến những chuyện vớ vẩn không can hệ gì đến cuộc sống của một bác thợ dệt và đứa con gái có mái tóc hoe vàng.

Bác không còn nghĩ đến dành dụm vàng bạc nữa, bác chỉ làm việc cho con gái, vì con gái bác mà thôi.

Bác cũng không còn ấm ức, hận về việc mất vàng. Bác bằng lòng với cuộc sống hiện tại, bên đứa con gái xa lạ mà bác thoạt thấy đã đem lòng thương yêu như thể là đứa trẻ có liên hệ máu thịt với mình.

Nếu hạnh phúc con người đơn giản như thế thì quả bác San có thứ hạnh phúc ấy thật, bác không ao ước gì hơn.

_______________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG X