Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

MIÊN TRƯỜNG VĨNH BIỆT - Trầm Vi











Bài cho Đ.T.L.

Đã quá xa xôi để lần trở lại
Tiễn đưa người về ngủ cõi vô biên
Suốt một đời tôi sầu ơi mòn mỏi
Tiễn bao nhiêu những cách biệt ưu phiền

Thôi em nhé giấc bình yên em giữ
Những quen xưa tôi gởi lại tháng ngày
Như bóng tối như từng cơn gió thoảng
Có trở về rồi có trở qua đây

Tôi cũng đã nghe xa niềm đau cũ
Những phân ưu cứ phải gởi đi hoài
Hồn tượng đá đâu còn nghe sầu phủ
Dù tiếc thương nào có biết nguôi ngoai

Hương khói cho em những dòng nước mắt
Tuổi trẻ chừ tội nghiệp phải không em
Vai súng đạn vai tủi hờn chất ngất
Và buồn rồi thôi đã thói quen

Đốt nến soi đời đuổi xua bóng tối
Mây nặng nề chùng ướt lạnh bờ môi
Trong tưởng niệm đã hàm đầy chua xót
Mà lệ tràn nào buồn có trôi xuôi

Những hoa bướm tuổi thơ em hằng giữ
Trong lời thơ và ý hướng vọng nhìn
Trong nỗi chết rồi em tìm đầy đủ
Rồi Miên Trường em còn mãi ngày xanh.

                                                       TRẦM VI

(Trích từ bán nguyện san Tuổi Hoa số 134, ra ngày 1-8-1970)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

TÌM VỀ NGÀY XƯA - Trần Hữu Nghiêm

Ảnh : Ar Tuan

Trở lại con đường ngày xưa, em bây giờ với nỗi xôn xao trong hồn. Vui mừng nhẹ như khói cũng đủ lan rộng khắp cùng trái tim để em thấy mình vui như sắp khóc. Nhưng trong nỗi vui mừng đó em cũng thấy tận cùng một nỗi xót xa. Y như một vật gì quí báu của ngày xưa đã không còn nguyên vẹn trong ý nghĩ. Vâng, đã không như ngày xưa, ngày của mấy năm về trước.

Con đường em đi có rất nhiều lá khô dưới chân. Một thoáng lạnh chông chênh làm em rùng mình. Như ngày xưa co ro đi học mùa đông. Em đá tung những chiếc lá bay lên, môi chợt mỉm cười vô nghĩa. Không gian và thời gian không thay đổi, một chút lạnh vương vương trên mặt. Con đường, em không hiểu sao lại đầy những chiếc lá nằm đợi mùa xuân. Bởi chưng hàng cao su dễ thương không còn nữa, không còn những chiếc lá rơi hoài. Ngạc nhiên vì không hiểu lá ở đâu tìm về, quen thuộc như ngày xưa. Những bóng mát không còn tỏa dìu dịu xuống mặt đất, em tự dưng nghe như thiếu thốn những gì lạ kỳ ghê lắm. Mặc dầu là mùa đông, không có nắng và lá xanh; nhưng em biết chỉ cần những nhánh khô, lòng em cũng thấy ấm áp lạ thường. Vâng, em chỉ cần nguyên vẹn rừng cao su để lang thang trong đó. Sẽ bỏ đôi guốc ở một góc nào, em nhảy bay vô rừng. Len lỏi trong từng gốc cây ngày xưa, em sẽ tìm ra một cành mai. Gốc mai ngày đó vẫn những vị trí quen thuộc hằn sâu trong óc. Mang cành mai về cho ngoại, để được một cái bánh chưng bé xíu.

Tiếng sỏi reo dưới từng bước chân, thật quen thuộc. Em bỏ guốc ra cầm tay, đi chân không trên sỏi. Để nghe rát rát, cấn ở chân băng qua đường. Ngày đó mỗi chiều mẹ giao cho em bó cải xanh. Băng qua lớp sỏi mang đến căn nhà đối diện vườn rau của mẹ. Và khi về thế nào cũng ngắt một đóa hoa cúc. Bây giờ em cũng muốn như thế, tầm thường nhưng thiết tha. Sẽ giả vờ cầm nắm cỏ chạy băng qua đường sỏi đau chân. Sẽ đến căn nhà be bé đó. Nhưng em biết em sẽ ngẩn ngơ nhìn buồn bã. Cỏ mọc chen lên thềm nhà, không, đâu còn thềm nhà, chỉ có đất ngồn ngang. Sẽ chẳng nghe hương lúa thoang thoảng, những thiếu thốn nghĩ đến làm em buồn lắm.

Cánh đồng lúa đã gặt lâu rồi, gốc rạ vàng úa trên đất khô cứng làm em nghĩ chắc đã im lặng như thế từ lâu, từ mùa xuân năm nào. Em nghĩ bước xuống chắc sẽ đau chân lắm, chứ không ve vuốt như ngày nào em đem chú gà xuống nhặt lúa. Vâng, tất cả đã thay đổi. Thay đổi làm em buồn lắm, vì chẳng còn dịu dàng ngày nào.

Kỷ niệm ngày xưa chợt vấn vương trong hồn, hình ảnh chợt bừng sống dậy, mãnh liệt. Bằng ngôi trường hai lớp thân yêu với tường vôi loang lở. Bước chân tự nhiên đầy những nuối tiếc xa lạ, vì đâu còn hồn nhiên nhảy chân sáo đến trường. Mực tím tường vôi, cát mịn chợt hiện về, thân yêu tuổi nhỏ. Chỉ còn có con đường bé xíu này không bao giờ thay đổi, vẫn hoài hoài những cọng cỏ may vướng chân, vẫn cây bàng khô trụi, vẫn những chú chim én nhanh nhẹn, vẫn những thoáng lạnh làm chùn bước. Không phai nhạt. Không ham đổi thay như em bây giờ quá đỗi xa lạ. Áo không còn vương mực học trò, bước chân không còn e dè lo sợ. Mang tâm trạng của một người đi thật xa về, chợt ngỡ ngàng với những thân ái xa vời.

Sân trường cỏ mọc nhiều lắm, nhưng mùa đông đã làm khô héo cả rồi. Bước chân chậm chạp di động, đếm từng ô cửa thân ái. Ô cửa ngày xưa ở đó có những cành anh đào hồng, tươi tắn. Ngàn đời mùa xuân hoài hoài những hoa anh đào tí xíu, rực rỡ trong hồn. Bây giờ vẫn thế. Ngọt ngào màu hồng như viên kẹo tuổi nhỏ.

Lớp học ưu ái ngày xưa rõ ràng trước mắt. Dãy ghế bàn im lìm như từ ngày em đi. Qua mùa xuân chắc sẽ thay đổi. Không một sự thay đổi nào chẳng để lại buồn phiền, hy vọng thay đổi như ngày xưa. Vết mực chìm dưới bụi bặm. Hình ảnh tuổi nhỏ chợt sống dậy rõ ràng. Cô bé ngồi bàn đầu chăm chú to mắt nghe cô giảng, vỗ tay hát vui vẻ. Chập chờn trong trí nhớ những bánh kẹo, mứt trong bữa tất niên. Chợt muốn khóc cho vơi những muộn phiền. Tuổi nhỏ ơi, xin hoài đời hiện diện trong tim.

Căn nhà em biết thật là hoang vắng. Chắc thế, hay là nó đã sụp đổ từ lâu. Vì ngoại đâu còn nữa. Quay quắt hình ảnh, kỷ niệm bàng hoàng làm em nghẹn thở. Hai cây cau già có buộc bụi lan nhỏ, giàn mướp của bà ngoại rủ rê ong bướm khắp cùng. Gian nhà có vườn cây sai quả, bà ngoại mỗi chiều tưới trầu. Ông ngoại trồng cây, râu bạc phơ ngày xưa hay ve vuốt. Nghe như rõ ràng hình ảnh con bé xíu xòe tay xin tiền lì xì nặng cả túi. Những nắng mai rực rỡ trên vườn rau trong trí tưởng. Vườn cải có hoa vàng, nước đọng trên bẹ lá, bướm chập chờn.

Ngơ ngác nhìn từng hình ảnh quen thuộc. Cây khô đứng trơ vơ nhìn mây xám, cô độc. Rừng cao su trống trải, chuyên chở những tiếng hát ngày xưa chiến tranh mang đến một nơi nào xa xôi ru ngủ cho những người đã rời xa thăm thẳm. Hoài đời còn tưởng nhớ. Nghe như một sống dậy, ồn ào, cái tổ chim thân yêu đón rước những chú chim từ lâu đi xa. Lại rộn lên tiếng hát âm vang, tuổi thơ kéo về ngự trị. Em nghe như mi mắt mình cay cay, bậm môi cho khỏi bật lên tiếng khóc. Và trong một góc tâm hồn, vui mừng nghĩ đến ngày mai hòa bình. Nghe tâm hồn thật trống trải, kỳ lạ. Nước mắt bỗng chảy lan, và nghe như mình muốn khóc thật nhiều… chẳng hiểu tại sao???


Trần Hữu Nghiêm     
(bút nhóm Hoa Nắng)   


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 175, ra ngày 15-4-1972)

Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2018

PHIÊN KHÚC CHO NGƯỜI NẰM XUỐNG - Trang Vy



















Mai tôi đi rồi
Kỷ niệm nào tôi mang theo
Kỷ niệm nào tôi để chết trong quên lãng
(Thơ TRẦN MIÊN TRƯỜNG)

Hoa phượng đỏ rơi trong mùa nắng hạ
Và mù sương trải lớp lớp bủa vây
Tin buồn nào đến từ vùng đất lạ
Chim trong vườn bỗng ngơ ngác mắt mây


                  *

Khuôn mặt trẻ tuổi đời ôm chưa trọn
Tuổi học trò vội vã bỏ đằng sau
Kiếp bôn ba hải hồ theo dạt sóng
Vẫn nguyện cầu cho chinh chiến tàn mau

                  *

Chút tuổi trẻ dấu chân người hiện diện
Đã mỏi mòn trên khắp nẻo quê hương
Từng dấu chân miền sơn khê, hỏa tuyến
Bao năm rồi đất nước mãi tang thương

                  * 

Rồi những lần người về thăm vườn nhỏ
Nghe trong lòng ấm lại những thương yêu
Nụ môi cười nhìn nhau còn bỡ ngỡ
Ánh mắt chim chợt rạng rỡ rất nhiều

                  *

Từ dạo đó cho một lần thôi nhé
Người ra đi cuộc binh lửa chưa tàn
Niềm ước mơ vẫy tay lời gọi khẽ
Chờ người về cho ấm lại mùa trăng

                  *

Đời sương gió nổi trôi như bọt sóng
Đã vỡ rồi khi một chớm reo mưa
Vùng đất lạ, bóng dáng người nằm xuống
Mây địa đàng quên lối nhớ thu xưa

                  *

Chim trong vườn buồn một ngày tang lễ
Gọi nhớ về đan lời chúc tháng năm
Gửi hương trầm vào nghìn thu đất Huế
Xin một lần được khóc nỗi thương tâm.


                                                   TRANG VY
                                                (nhóm hoa nắng)
                                              Tháng hạ buồn 5-70


 (Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 132, ra ngày 1-7-1970)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2018

TƯỞNG NHỚ TRẦN MIÊN TRƯỜNG NGƯỜI THƠ ĐÃ NGỦ GIẤC THIÊN THU - Nguyễn thị Mỹ Thanh


Tôi không có ý định ngông cuồng là đề nghị cả tòa soạn dành riêng một kỳ báo để tưởng niệm một người thơ, giống như những tạp chí khác. Tôi cũng không nghĩ đến Trần Miên Trường như nghĩ đến một thi hào. Và nhất là tôi cũng không nhắc đến Trần Miên Trường như người ta nhắc đến tên của một người đã chết, trong một phút giây chợt nhớ. Không phải là vì một hôm nào đó lục trong chồng báo Tuổi Hoa cũ, một bài thơ của Trần Miên Trường đập vào mắt khiến tôi nhớ đến người. Mà chính tôi, đã cố tình lục trong chồng báo cũ để tìm những bài thơ của Trần Miên Trường, đợi đến gần cái ngày mà thời gian ba năm về trước, Trần Miên Trường đã vất bút và vĩnh viễn ra đi, để viết một bài… vâng, cứ cho là một bài văn đi! Tôi đang làm công việc “sơn xanh màu lá chết” chăng? Dầu sao tôi cũng có ý mong rằng những người thân của Tuổi Hoa – ít ra là những người đã viết cho Tuổi Hoa và có đến Tuổi Hoa đôi lần – nhớ đến Trần Miên Trường như nhớ đến một người bạn. Riêng đối với tôi, mỗi khi nghĩ đến sự việc một người nào đó trở thành “nhân vật của quá khứ” trong tâm trí mọi người, tôi thường thấy xót xa trong lòng. Cho nên tôi mong cầu rằng đừng bao giờ mình quên ai, cho dù người đó đã ngủ giấc thiên thu – như Trần Miên Trường vậy.

Tôi đã từng làm nghề “cô cò” ở tòa soạn Tuổi Hoa trong gần nửa năm. Đó là công việc sửa những lỗi chánh tả khi người ta sắp chữ; ngoài ra tôi còn có công việc xếp đặt thư từ, bài vở để giao cho từng người phụ trách, cộng thêm nhiệm vụ tiếp xúc, nói chuyện và giải đáp những thắc mắc be bé của các độc giả ái mộ Tuổi Hoa đến tòa soạn chơi mỗi chiều. Trong thời gian đó tôi được quen biết với những cây bút cộng tác thường xuyên với Tuổi Hoa lúc ấy, như Tỉ Tỉ, Trần Ngọc Hưởng, Hoa Cỏ May, Thục Hạnh, Nguyễn Thái Hải, Ngọc Thùy Giang v.v… Có điều, sau khi Trần Miên Trường mất, tôi mới thấy rõ một điều là tôi đã hân hạnh được biết một tâm hồn rất “thơ”, rất bình dị nhưng không kém hoa bướm, được biết một con người không mâu thuẫn với thơ của mình. Và có lẽ những người bạn thân của Tuổi Hoa cũng đồng một ý nghĩ như tôi.

Trần Miên Trường đến Tuổi Hoa trong một lần về phép. Một người đến Tuổi Hoa rất thường xuyên nhưng đối với tôi thì rất lạ, bởi tôi mới tập tễnh làm “cô cò”. Theo thông lệ tôi hỏi danh tánh người, và được biết đó là Trần Miên Trường. Trước khi ra về người nhờ tôi nhắn lại với Thầy H.Đ.C. là “nhắn có Long tới thăm”. Tôi hồ như bỏ quên mất tên Long. Cái tật bỏ quên đó đưa đến một việc buồn cười như sau: một chị chưa biết mặt anh, chỉ làm bạn qua thư từ, đến hỏi tôi tên Đỗ Tư Long. Tôi trả lời ngay là chưa hề biết người ấy. Cho đến lúc Trần Miên Trường đến, và ngồi một hồi ở bàn, vẫn chưa ai biết ai. Mãi sau chị ấy bắt gặp nét chữ của Trần Miên Trường viết chơi trên giấy, nên nhận ra là… Đỗ Tư Long. Bấy chừ tôi mới ngơ ngác: “Anh Trần Miên Trường… tên là Đỗ Tư Long hở?” Anh Đỗ Tư Long được một chầu cười. Sau này anh trách: “Chị vô tình chi lạ! Tôi mới gặp chị, nghe giới thiệu tên, tôi biết ngay chị là người viết cho Tuổi Hoa, biết ngay chị là học trò của anh Cấp, và cũng đoán ra ngay chị là Cam Li. Đàng này hai tên Đỗ Tư Long và Trần Miên Trường đã được xác nhận trên báo là một, vậy mà…” và tiếp đó là một nụ cười thật dễ dãi. Tôi cũng nhận khuyết điểm đó của mình, bởi tính tôi ít khi tìm hiểu lai lịch của một ai, dù là một thi sĩ đi nữa. Trần Miên Trường – chừ là Đỗ Tư Long – đến chơi ở Tuổi Hoa thường xuyên suốt kỳ nghỉ phép. Tôi làm “cô cò” ở đó mỗi buổi chiều, nên nói chuyện được nhiều lần với anh. Lớn hơn tôi hai tuổi, nhưng anh đối xử với tôi bằng cung cách của một người bạn. Thường kể chuyện về gia đình – người mẹ già và những đứa em gái. Thường kể chuyện về một người yêu. Và nhất là anh Đỗ Tư Long thường kể chuyện học tập trong quân trường. Anh còn quá trẻ, và đi Nhảy Dù, một thứ lính cũng rất trẻ. Bộ quân phục trên người vẫn không khoác cho anh vẻ người lớn, vẫn không che lấp được những nét hồn nhiên và dung dị trên gương mặt. Tôi có thể đoan chắc rằng trong suốt cuộc đời tôi, sẽ chẳng bao giờ tôi gặp một người thứ hai có tính tình vui vẻ và bộc trực như thế, nhất là có giọng cười quá vô tư và dòn dã không ngờ ngoài anh Đỗ Tư Long. Mọi người ở tòa soạn đều thương mến anh. Thời gian đó phòng họp Tuổi Hoa chỉ là một căn phòng rất bé, chỉ vừa kê ba cái bàn và một cái tủ cùng năm sáu cái ghế quá bé để chứa gần hai mươi người họp mặt với nhau mỗi chiều thứ bảy. Thường thì mọi người chia ra làm nhiều tốp, mỗi tốp bàn một chuyện riêng. Thế nhưng căn phòng nhỏ phải rộn ràng mỗi khi anh Đỗ Tư Long đến. Có thể nói khi đi ngoài hành lang hay ở dưới nhà in, tôi vẫn nghe giọng anh cười như pháo nổ. Chưa có giọng cười nào dòn như thế. Giống như một hoạt náo viên, anh Long làm cho không khí sôi động lên và đánh tan những e dè của mấy cô bé nhút nhát. Mọi người cảm thấy thân mến nhau, trong khoảng không gian chật chội ấy. Ai cũng mong muốn sẽ có một căn phòng rộng rãi hơn, mát mẻ hơn, để mỗi lần họp mặt sẽ được thoải mái. Và tôi tin là dù cho ở trong một phòng họp rộng lớn đến đâu, giọng cười của anh Đỗ Tư Long vẫn là một gạch nối cho tất cả bạn bè.

Vì bận việc học tôi phải tạm gác nghề “cô cò”. Và sau đó, đúng như ý mọi người mong muốn, tòa soạn Tuổi Hoa được sửa sang lại. Phòng họp Tuổi Hoa ngày trước được đập tường ra để thông với phòng phát hành bên cạnh. Và tôi được biết phòng mới để các bạn Tuổi Hoa gặp gỡ sẽ được dời lên lầu, rộng rãi hơn, thoáng khí hơn.

Nhưng giữa lúc tòa soạn còn ngổn ngang gạch cát, phòng cũ đã bỏ đi và phòng mới chưa hoàn thành, các khuôn mặt Tuổi Hoa vẫn chưa có dịp gặp nhau tin anh Đỗ Tư Long tử trận được đăng lên báo. Tôi lạnh người trước trang báo “Tin tức Tuổi Hoa” đăng ở sau chót. Đón nhận tin anh Đỗ Tư Long Trần Miên Trường chết, đau đớn như một người bạn rất thân. Đón nhận tin người bỏ thân nhân bạn bè ra đi như đón một sự việc phi lý nhất phi lý mà vẫn xảy ra đều đặn trên mảnh đất này. Ôi tiếng nói giọng cười quá đỗi hồn nhiên vui vẻ, sao không mãi còn sống để vang đầy trong không khí của căn phòng họp mặt? Bây chừ dù cho có cô đọng không gian lại cho bằng một hạt cát, cũng sẽ chỉ là một không gian rỗng tuếch, nói gì là một căn phòng rộng rãi khang trang! Sẽ không bao giờ có được một “giọng cười gạch nối” như giọng cười của anh Đỗ Tư Long, ngây thơ và thân mến vô cùng.

Anh Đỗ Tư Long bỏ mình ở Cam-Bốt, ngày 6 tháng 5 năm 1970. Đã bỏ thân mình và bỏ lại mẹ già, bỏ lại các em và bỏ lại người yêu. Đã bỏ lại những bạn bè anh em thân hữu ở Tuổi Hoa, và những người mến thơ, mến tính anh, trong đó có tôi. Nhưng tôi nghĩ có lẽ điều đau đớn nhất là anh đã vứt bỏ cây bút của anh, vứt bỏ giữa lúc anh còn quá trẻ 19 tuổi giữa lúc anh còn đang viết rất hăng, viết rất hay và viết rất chân thành.

Anh đã nằm xuống trước khi thực hiện giấc mộng nhỏ là in chung với anh Trinh Chí tập thơ “Tim Non”. Và sau khi anh mất, số báo 131 dành cho anh 3 trang tôi nói lầm, không phải dành cho anh, vì anh có còn đâu mà yêu cầu? dành cho những độc giả mến thơ anh 3 trang để đăng bốn bài thơ của anh. Quá ít? Quá nhiều? Tùy người đọc và tùy sự thân mến đối với Đỗ Tư Long-Trần Miên Trường. Thuở ấy tôi - sau khi đọc thấy tin anh mất có ý định đề nghị với tòa soạn dành một số để những người quen biết với người viết về người. Nhưng đã không kịp và ba trang báo đã được dành để đăng bốn bài thơ trong số rất nhiều bài thơ của Đỗ Tư Long-Trần Miên Trường.

Thơ của Trần Miên Trường rất nhiều nhiều nhất trong số những người thơ của Tuổi Hoa. Thuở tôi còn làm “cô cò”, mỗi kỳ báo tôi đều đọc thấy bài anh được đăng. Xem mãi tôi đến quen cả nét chữ nghiêng thật nghiêng, viết bằng bút nguyên tử mực xanh cố hữu. Có nhiều câu thơ đã khiến tôi thuộc. Có những câu thơ mà anh viết dành cho Đồng Cỏ Non, thật hồn nhiên, dí dỏm:

... “Và bé giả vờ con bị bệnh
Âu lo mẹ hỏi “Có sao không?”
Chị Hoa, anh Dũng thì toan tính
Cho bé uống Optalidon”...

(Chuyện của bé)

Đọc trong thơ Trần Miên Trường, ai cũng đoán biết ngay rằng anh có những đứa em, tên Hoa, Dũng, Hồng, Hương và bé Thu Phương mà anh đặt trọn cả yêu mến:

… “Thức dậy cùng anh đi hỡi em
Gió đem từng hạt nắng qua rèm
Hoa, Dũng, Hồng, Hương, Phương các bé
Môi ngọt lời chim ca hát lên”…
(Trong vườn mùa xuân)

Và thường xưng “anh Long” trong những bài thơ, giọng dỗ dành, giọng trìu mến. Tôi chưa thấy một người nào làm thơ cho những đứa em của mình thành thật và chứa chan tình thương như thế.

“Phương, cho đến bây giờ anh vẫn nhớ
Ngày chim về mừng tuổi bé lên ba
Nắng bình minh mang hơi gió hiền hòa
Len lén đến bên hoa phơi phới nở
Ngày đó em đeo chuỗi vòng bé nhỏ
Xanh như da trời tháng tám không mây
Tuổi thơ hiền chưa lấm bụi đầu tay
Đời tươi đẹp như mây trời buổi sớm
Anh còn nhớ có lần đi bắt bướm
Xanh tím vàng để mừng tuổi em thơ
Lúc trở về trời bỗng đổ cơn mưa
Áo ướt hết bướm bay và em khóc
Anh phải dỗ kìa trên cành chim hót
Nín đi em không thì chúng cười chê
Để khi mô nắng ráo rớt đầy hè
Anh sẽ bắt, thôi em đừng khóc nữa"...
(Chim về vào ngày tuổi em)

.… “Em còn nhớ những lần về quê nội
Nắng thu vàng e ấp mấy hàng cau
Gió ngoan hiền thơm trái chín vườn sau
Anh Long hái cho em nhiều chi lạ
…….
 Thôi giã biệt giọng oanh vàng buổi sớm
Và người thân nay cũng bỏ đi rồi
Anh Long hải hồ sương gió xa xôi
Mấy năm qua chưa lần về thăm Huế
Nội đã mất và vườn cây cũng thế
(Không người coi nên đem bán mất rồi)
Nỗi buồn phiền từ đó mặn trên môi
Em khóc mãi cho vơi niềm thương nhớ”.
(Nhớ thu xưa)

Và những lời “Lục bát cuối năm” của Trần Miên Trường:

... “Mai vàng đượm nét thơ ngây
Hoa đầu mùa nở tháng ngày xôn xao
Và nghe xuân dậy trên cao
Trăm con chim ruộng đón chào mùa thương”…

Khác với “Vào hạ”:

“Nắng rơi phiến nhỏ u hoài
Áo em buồn động tóc tai bơ phờ
Chừ đây thôi hết mộng mơ
Còn đâu rộn rã bên bờ uyên nguyên”.

Chừ đây thôi hết mộng mơ, có lẽ là từ lúc anh Đỗ Tư Long bước chân vào đời lính. Ai cũng có thể nhận thấy nỗi tiếc nhớ của anh:

… “Cuộc đời tay trắng trống trơn
Bôn ba cũng chỉ miếng cơm áo này
Đêm nay tỉnh giấc cuồng say
Ngoan lời kinh thánh nghe cay biểu về
Ngược xuôi đà lụy ngựa xe
Mắt tin yêu đậm câu thề gió mây"...
(Lễ cuối năm)

Và niềm mong mỏi được trở về với đời học trò:

"Hẹn xưa một lần chưa nhạt,
- Long, mày đi trước bình yên
Chờ bọn tao về họp mặt
Một ngày từ giã bút nghiên
…….
Ngày mai nắng mới reo ngoài nội
Thanh bình trăm hoa nở đua duyên
Bọn mình thôi, giã từ quân đội
Trả súng gươm về với bút nghiên”
(Hẹn xưa trong mặt trời buồn)

Về với bút nghiên, về với mẹ, với các em… nhưng chưa được, bởi vì:

“Anh Long bôn ba kiếp sống hải hồ
Em ngơ ngác bên thềm khi thu tới”

Tôi tưởng tượng cô bé Thu Phương, bây chừ chắc đã lên tám, lên chín. Chắc sẽ xa lạ với hình ảnh một người anh trai thân mến, đã hướng trọn tình thương về bé trong những ngày tháng xuôi ngược.

“Thu Phương ơi! Chiều nay anh nhớ quá
Dáng em hiền trong màu áo bao dung
Mấy năm rồi em có nhớ anh không
Hay đã quên vô tình trong hơi thở
Anh không trách vì em còn quá nhỏ
Ngày anh đi tuổi bé mới lên năm”...

Cô bé Thu Phương đâu biết những ưu tư của anh…

“Bạn bè anh những người đồng trang lứa
Vẫn yên vui trong bóng mát học đường
Thắp ước mơ biển mộng thắm bay hương
Trên trang vở còn thơm mùi giấy mới
Chỉ riêng mình anh đầu tăm mặt tối
Phải bon chen từng miếng áo miếng cơm
Phải điêu ngoa miệng lưỡi để nuôi thân
Và phải khóc phải cười trong giả dối
Từ cơm áo dạy điêu ngoa miệng lưỡi
Là thơ ngây không còn nữa trong hồn”…
(Trên thiên đường ký ức)

Tôi không dám làm công việc của một người điểm thơ, nhất là điểm thơ của độc nhất một người. Tôi chỉ muốn làm cái công việc tìm lại những số báo cũ. Để tìm lại những bài thơ, trong đó có những đoạn, những câu mà riêng đối với tôi, tôi cho rằng rất chân thật, rất dễ thương. Tại sao Đỗ Tư Long-Trần Miên Trường không còn sống để tiếp tục viết cho chúng ta đọc những bài thơ chứa chan tình cảm như thế? Tại sao tiếng súng không im trước đây ba năm để chúng ta không mất một người bạn thơ? Dầu sao, sự ra đi của anh cũng là một sự ra đi có ý nghĩa vô cùng có ý nghĩa giống như bao nhiêu người đã nằm xuống. Tôi khâm phục anh, trước hết là khâm phục một sự hy sinh; kế đến là khâm phục một tâm hồn đầy tình thương; và sau nữa khâm phục một con người đầy những lo âu buồn phiền nhưng lại đồng thời có một giọng cười quá vui, quá vô tư tôi xin đặt là “giọng cười gạch nối”. Bây giờ, tòa soạn Tuổi Hoa đã có phòng họp mặt mới, ở trên lầu, rộng hơn, mát hơn căn phòng cũ. Không kể những đổi mới xảy ra lẽ dĩ nhiên phải có, mỗi khi những người cũ trở về, ngồi đối diện nhau, tôi vẫn không cảm thấy được cái không khí ngày xưa. Sẽ không bao giờ có một người thứ hai cười được giọng cười như thế.

Anh Đỗ Tư Long-Trần Miên Trường đương nhiên đã trở thành một “nhân vật của quá khứ” sự thật là như thế dù chỉ nói ra thôi cũng đủ làm tôi thấy se lòng. Có lẽ chính anh đã vô tình chọn cho anh cái bút hiệu “Trần Miên Trường” nên giờ đây đã ngủ giấc thiên thu. Nhưng tôi mong rằng tư tưởng của anh sẽ sống mãi trong lòng những người thân của anh, của bạn bè anh, của thân hữu Tuổi Hoa, của tôi.

Những dòng chữ cuối của bài này, tôi muốn viết về cô bé Thu Phương, ở ngoài Huế, tuy tôi chưa được biết mặt, nhưng tôi mến, qua những bài thơ của Trần Miên Trường. Tôi muốn nhắn với bé Thu Phương rằng trong ngày giỗ ba năm của anh Đỗ Tư Long, bé hãy khóc thật nhiều, vì bé biết bé có một người anh thương bé vô cùng, vì:

“Nếu bao giờ trong giấc ngủ thiên thần.
Em chợt hỏi anh Long mô rồi mẹ,
Thì lúc đó dẫu chân trời góc bể
Anh cũng nghe nắng lụa rớt đầy hồn.
Anh cũng trông mường tượng dáng Thu Phương
Mắt đẫm lệ mơ ngày anh trở lại”

Những câu thơ làm người đọc xúc động vô vàn. Thu Phương nhé, tôi xin lặp lại:

“Thì lúc đó dẫu chân trời góc bể
Anh cũng nghe nắng lụa rớt đầy hồn”!

NGUYỄN THỊ MỸ THANH 

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 200, ra ngày 1-5-1973)



 Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Năm, 26 tháng 4, 2018

MỘT VÌ SAO VỠ - Quyên Di


Thương nhớ VŨ CHINH
Một ngôi sao vừa tắt trên bầu trời Tuổi Hoa.


Vũ Chinh! Vũ Chinh!

Gọi tên Chinh giữa buổi chiều còn đầy máu lửa

Và đêm nay hỏa châu chắc sẽ rụng nhiều

và đại bác, và đạn đồng còn vang trong hồn đá hoang liêu

Và đất nước mình đang tiêu điều, đang đổ nát

Vũ Chinh ơi! Vũ Chinh ơi! Tuổi Hoa chưa tròn câu hát,

"Giấc ngủ của chim" (*) sao đã vội triền miên?

Mắt xanh hôm nao chưa thoáng chút ưu phiền

Sao khép kín, và muôn đời sẽ không còn hé mở

Này môi thắm, hôm nào gặp nhau Chinh cười bỡ ngỡ

"Sau đêm kinh hoàng" (*) chợt mím lại không còn nở nụ cười tươi.

Vũ Chinh ơi! Vũ Chinh ơi!

Đẹp làm sao đôi chín tuổi của đời,

Tiếng khóc, giọng cười, vần thơ, câu hát

Hiên ngang tiến giữa đường trần bát ngát

Và tương lai thơm ngào ngạt, lý tưởng đẹp sáng ngời.

Chớm bước vào đời, bao nhiêu tình ý vừa khơi

Chợt vụt tắt như một vì sao vỡ.

Chinh tìm "Tinh cầu lạ" (**) nơi nào khi vừa ngừng hơi thở?

Giữa Tuổi Hoa chắp cánh vút lên cao

Đường trần gian bao quyến rũ, ngọt ngào

Nhưng khó đi như trên "cầu tre lắt lẻo" *

Chán rồi sao Chinh? Chán cuộc đời bạc bẽo

Chém giết, tranh giành, thù oán, hờn căm ?

Đã muốn ra đi, thì thôi thế cũng đành

Nhưng xin được nhỏ giọt lệ thay cho lời vĩnh biệt,

Và thêm câu nói với tất cả chân thành tha thiết:

NGỦ ĐI CHINH! NGỦ BÌNH YÊN TRONG MỘT GIẤC NGÀN THU

Quyên Di

 (Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 87, ra ngày 15-3-1968)

___________
(*) Những tác phẩm của Vũ Chinh đã đăng trên Tuổi Hoa.
(**) Bút nhóm của Vũ Chinh.


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

NƯỚC NON NẶNG MỘT LỜI THỀ - Hoàng Đăng Cấp

Bìa của Vi Vi : Hướng về ngày GIỖ TỔ


Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời “nguyện nước thề non”
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô giòng lệ chờ mong tháng ngày…

(TẢN ĐÀ)


ĐẤT LÀNH QUÊ HƯƠNG
THƠM NGỌT NHƯ GIÒNG SỮA MẸ

Kìa! Bạn hãy nhìn vào bản đồ thế giới lộng lẫy đủ màu, bạn có thấy gì không, đất nước Việt Nam của chúng mình hình cong như chữ S bé tí ti xinh đẹp tuyệt vời đang sáng ngời hơn bao giờ hết giữa vòm trời da vàng Đông Nam Á, trung tâm điểm của thế giới ngày mai. Đất nước Việt Nam chúng mình đẹp quá phải không bạn, bạn hãy nhìn kỹ xem, hình dáng cân đối vô cùng, và nếu mơ mộng bay bướm một tí, bạn sẽ thấy Việt Nam như một cô gái phương đông dịu hiền đẹp nhất thế giới với lưng eo miền Trung óng ả nõn nà.

Hiện giờ, bạn đang ngồi… bạn đang đi… hay bạn đang nằm nghỉ ngơi…? Dù ngồi, dù đi, dù nằm nghỉ ngơi, dưới chân bạn vẫn là ĐẤT, đất Việt mến yêu của tổ tiên để lại. Thế thì tại sao bạn không nhìn kỹ đất đó xem có gì không, đất quê hương của chúng ta mà, như bạn đã từng nhìn kỹ hình dáng Việt Nam trong địa cầu, nơi cư ngụ của loài người, một sinh vật vừa vào kỷ nguyên không gian đang muốn dùng khoa học khám phá vũ trụ vô cùng. Bạn hãy lấy tay hốt một nắm đất, đừng sợ dơ tay, đất Việt sạch và thơm lắm. Bạn thấy gì? Đó là một hỗn hợp các mảnh đá bị nghiền nát nhỏ li ti với nhiều chất đang rữa thành mảnh vụn. Tầm thường quá, phải không bạn? Đất nào lại chả thế, có gì lạ đâu, cả địa cầu chớ đâu riêng gì Việt Nam đều được đất đó bao phủ. Và dưới đáy các đại dương cũng thế. Ai mà chả biết đất này là nguồn sinh lực của thế giới chúng ta bởi vì nếu không có nó địa cầu chúng ta chỉ còn là một khối đá khổng lồ thiếu sự sống. Không đất thì không cây cối, không thú vật, và lẽ dĩ nhiên không cả loài người. Nhưng bạn ơi, đất mà bạn đang nắm trong long tay bạn còn có một tính chất đặc biệt không đất nào có, đó là tính chất ĐẤT VIỆT NAM, Việt Nam hơn bốn ngàn năm văn hiến hào hùng bất khuất.

Làm thế nào mà chất đất xám xịt này lại có thể biểu lộ được một sức sống mãnh liệt như thế? Bạn nên nhớ rằng đất không phải là vật chết đâu, mà là một vật sống với một sức sống tiềm tàng kinh khủng. Nắm đất trong lòng tay bạn gồm ba thành phần rõ rệt: động vật, thực vật, khoáng vật. Phần khoáng vật của đất gồm những mảnh đá vụn này tách rời từ những tảng đá khác to hơn nhờ gió, nhờ nước và nhờ sự sói mòn của thời gian. Phần khoáng vật lớn nhất gọi là cát, nhỏ hơn một tí gọi là bùn và nhỏ hơn nữa gọi là đất sét. Nhưng phần khoáng vật không phải là phần sống của đất, phần sống của đất chính là mùn, tổng hợp của hai phần thực vật và động vật. Mùn cũng gọi là chất hữu cơ của đất được tạo thành bởi tất cả các loại động vật và cây cỏ tan rữa. Chất này, chất tạo thành bởi sự chết, đã nuôi dưỡng các cây cỏ, nguồn sống của con người. Nhưng riêng trong đất Việt còn có thêm một thành phần nữa, một thành phần tinh thần thiêng liêng chỉ có người Việt Nam sống trên giải đất Việt Nam biết mình là người Việt Nam mới cảm thấy nổi: đó là quá trình lịch sử oai hùng bất khuất của cả một dân tộc thấm sâu vào từng phân tử đất quê hương. Thành phần này mới là thành phần quan trọng nhất, phần sống linh thiêng nhất của đất Việt mến yêu. Tổ tiên của chúng ta hàng hàng lớp lớp đã hy sinh thân xác đánh đuổi quân thù để cho chúng ta sống, sống với niềm hãnh diện vô cùng, hãnh diện vì đã được làm người Việt Nam. Sự sống Việt Nam phát sinh từ sự chết, từ sự tan rữa của động vật và cây cỏ để biến thành chất hữu cơ nuôi dưỡng sự sống mới, và nhất là từ những cái chết hào hùng của các anh hùng dân tộc Việt Nam kể tên hoài không hết. Chết cho kẻ khác sống, còn gì cảm động và anh hùng cho bằng!

Đất Việt có được tính chất như trên là nhờ hai yếu tố đặc biệt. Yếu tố thứ nhất, đất nào cũng có, đó là sức hoạt động của một đạo binh gồm những sinh vật bé tí ti: nếu không có sự hiện diện của các sinh vật này, đất chỉ còn là một đống đá vụn nát thiếu sự sống. Các sinh vật này thuộc đồng thời vào cả hai giới thực vật và động vật, một số đông được xếp vào loại vi khuẩn và nấm. Có hàng tỉ, hàng tỉ sinh vật giống nhau sống trong lòng đất, bên cạnh một số lớn rong tế vi, nếu không kể đến các loài sâu bọ và nguyên  sinh động vật. Tất cả các sinh vật trên lệ thuộc lẫn nhau bởi một hệ thống hỗ tương vô cùng phúc tạp. Yếu tố thứ hai, chỉ đất Việt mới có, đó là xương trắng, đó là máu đào của tiền nhân đã đổ ra trên đường đi lịch sử của dân tộc ; xương máu Việt Nam đã trộn lẫn vào các thành phần khoáng vật, động vật và thực vật của đất này để biến đất này thành đất Việt Nam, đất Việt Nam của người Việt Nam yêu nước thương nòi.

Một nhúm đất khô có thể chứa hai tỉ vi khuẩn, ba chục triệu nấm nhỏ và hàng trăm nguyên sinh động vật. Riêng nhúm đất Việt Nam còn chứa thêm hàng ngàn mảnh xương khô và hàng trăm lít máu đỏ của các anh hùng Việt Nam vô danh, của các thế hệ Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung dũng cường…

Vi khuẩn và nấm tác dụng lên phần chết của đất và tạo thành sức sống cho đất. Nếu không có các sinh vật bé tí ti này, cây cỏ không cao được, cũng như nếu không có xương trắng máu đào đổ ra chống quân xâm lược, dân tộc Việt Nam không lớn được. Ngày hôm nay dân tộc Việt Nam lớn hơn bao giờ hết, chỉ một người Việt Nam chết cũng có đủ khả năng làm rung động toàn thể thế giới.

Đất Việt dư thừa sinh lực nuôi dưỡng các người con Việt đầy đủ chất bổ như giòng sữa mẹ thiêng liêng vô tận. Theo các nhà kinh tế học, đất nào giàu là đất có nguyên động lực và nguyên liệu nhiều. Nguyên động lực là nguyên liệu dùng vào việc chạy máy như than đá, than đá trắng…, còn nguyên liệu là chất dùng để chế tạo đồ vật, như sắt, cao su… Cả hai thứ, đất Việt đều có nhiều, nhiều vô cùng nếu không muốn nói là vô tận. Bạn hãy giở trang bất cứ một cuốn sách địa lý Việt Nam nào thì sẽ thấy rõ ngay.

*

CÓ TÔN, CÓ TỔ, CÓ TỔ CÓ TÔN:
MÙNG MƯỜI THÁNG BA ÂM LỊCH TRỞ VỀ NGUỒN

Ai là người đầu tiên đã khai sinh và đặt nền móng cho giải đất màu mỡ phì nhiêu đẹp đẽ như thế? Hùng Vương, Văn Lang, tên vị tổ của dân Việt, tên đầu tiên của tổ quốc mến yêu, đã khắng khít nhau cùng thấm sâu vào tận não tủy của mỗi người dân Việt máu đỏ da vàng. Ôi! Thiêng liêng thay, cao quí thay, ngày mùng mười tháng ba âm lịch, ngày giỗ tổ và cũng là ngày kỷ niệm tên nước xinh đẹp đầu tiên của giống nòi: VĂN LANG!

Theo tục truyền, cách đây hơn bốn ngàn năm, đức Lạc Long Quân thuộc dòng dõi RỒNG lấy con vua Đế Lai là bà Âu Cơ thuộc dòng dõi TIÊN đẻ ra một trăm cái trứng nở ra được một trăm người con trai. Lúc đó Vua Lạc Long Quân nói với bà Âu Cơ : ta thuộc về Rồng, bà thuộc về Tiên nên ăn ở với nhau lâu không được, bà hãy đem 50 người con lên núi, còn ta đem 50 người con xuống bể Nam Hải. Và Lạc Long Quân phong người con trưởng làm vua nước Văn Lang, xưng hiệu là Hùng Vương. Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (nay thuộc tỉnh Vĩnh Yên), đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng, con gái vua gọi là Mỵ Nương, con trai vua gọi là Quan Lang. Và bắt đầu từ đây, từ ngày người con trưởng, kết tinh của hai giòng máu Rồng Tiên, lên ngôi dựng nước, dân tộc nhỏ bé đó đã lớn lên không ngừng, vượt qua tất cả mọi trở ngại gian khổ nhất của loài người không dân tộc nào trên thế giới có thể so sánh nổi để ngày hôm nay, các con cháu Tiên Rồng mới có được quyền hãnh diện ngước mắt nhìn năm châu thế giới với giòng máu Việt Nam trong người.

Đừng dùng lý luận khoa học để thắc mắc tục truyền tổ tiên của giống nòi đúng hay sai, đừng dùng lợi thế bằng cấp đại học, giáo sư để bĩu môi châm biếm khinh bỉ giống nòi mỗi khi nói đến các tiếng con cháu Rồng Tiên hay bốn ngàn năm văn hiến trước mặt học trò, bởi vì tục truyền đó là ĐỨC TIN vô cùng cảm động của dân tộc,NIỀM TỰ HÀO CỦA DÂN TỘC. Chính nhờ đức tin “con cháu Rồng Tiên”, chính nhờ niềm tự hào “bốn ngàn năm văn hiến” ngày hôm nay chúng ta mới còn được sống trên giải đất đẹp như thế này, ngày hôm nay chúng ta mới còn được nói đến hai chữ Việt Nam thân yêu, ngày hôm nay chúng ta mới được quyền hãnh diện với quá trình lịch sử oai hùng đấu tranh bất khuất của dân tộc, ngày hôm nay toàn thể nhân loại đều hướng về tổ quốc và dân tộc chúng ta với lòng khâm phục vô biên.


SUỐI KHÔ GIÒNG LỆ CHỜ MONG THÁNG NGÀY

Truyện cổ Sơn Tinh Thủy Tinh với nàng Mị Nương con gái vua Hùng thứ 18 tiêu biểu cho sự gian khổ của dân tộc trước thiên tai (lụt lội) trước sự gây hấn xâm lược của quân thù (quân tôm cá của Thủy Tinh). Nhưng dân tộc vẫn vượt qua được, chiến thắng quân thù đồng thời chế ngự thiên tai nhờ một tinh thần lớn mạnh hơn bao giờ hết, đó là tinh thần Phủ Đổng (đời Hùng Vương thứ 6): dân tộc này tuy nhỏ bé nhưng chỉ vươn vai một cái là trở nên vĩ đại ngay không một quân xâm lược bạo tàn nào chống cự nổi. Qua tinh thần Phù Đổng, người dân Việt bao giờ cũng nhớ mình đều là con cháu của năm mươi người con trai của Cha Rồng Lạc Long Quân và Mẹ Tiên Âu Cơ cách đây hơn bốn ngàn năm lịch sử.

Mùng mười tháng ba âm lịch, ngày giỗ tổ của dân tộc Rồng Tiên ngày mà khí thiêng sông núi dâng cao ngút trời với lời thơ hào hùng của danh tướng dân tộc Lý Thường Kiệt:

Nam Quốc Sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lộ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư (1)

Với tiếng hét dũng mãnh “Thà làm quỉ nước Nam không thèm làm Vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng, với câu nói bất khuất “Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu tôi trước đã” của đức Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn…

Dù suối có khô giòng lệ, ta vẫn hy vọng chờ mong tháng ngày bình yên an cư lạc nghiệp, vì khí thiêng sông núi còn đó, dân tộc Rồng Tiên còn đó, non sông cẩm tú còn đó…, tất cả những gì của dân tộc còn đó…

Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non.


Chúa nhật 17-3-68 
Hoàng Đăng Cấp  

-----------------------
(1)   Nguyễn Đổng Chi dịch:


Nước Nam Việt có vua Nam Việt

Trên sách trời chia biệt rành rành

Cớ sao giặc dám dòm hành

Rồi đây bây sẽ tan tành cho coi




(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 88, ra ngày 1-4-1968)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Hai, 23 tháng 4, 2018

CHƯƠNG NĂM_ĐÔNG HÀ


CHƯƠNG NĂM


Mười tám ngọn nến được thắp sáng lên. Ánh lửa hiền dịu lung linh. Tiếng sáp gặp nóng kêu lách tách như những lời hân hoan. Đông Hà nhắm mắt lại, trí tưởng tượng làm tâm hồn xao động. Những giấc mơ hãi hùng trở về. Kỷ niệm lóng lánh như sương, mịt mờ như khói. Nỗi chết, niềm thống khổ làm Đông Hà tưởng như đang sống trong một tuổi nhỏ ngậm ngùi.

- Đông Hà, tới đây con!
 

Tiếng gọi sau lưng, nhẹ và ấm áp, làm Đông Hà mở mắt. Rồi quay lại, Đông Hà bước vài bước, đến bên giường. Trên đó ba đang ngồi, như bao ngày vẫn ngồi. Gương mặt ba bình thản và thoải mái. Có phải ba bằng xương bằng thịt đây không? Đông Hà còn bàng hoàng. Nhưng sự thật là ba vẫn còn sống với con. Ba vẫn còn là một thực thể. Đông Hà ngồi xuống chiếc ghế nhỏ, chiếc ghế mặc nhiên đã là của mình rồi. Ba mỉm cười, hỏi:
 

- Con không đợi Đơn sao?
 

- Đơn sắp đến. Con thắp đèn trước. Đơn không bao giờ trễ hẹn. Các bạn con cũng sắp đến.
 

- Con nghĩ gì mà hồi nãy ngồi thừ người ra vậy?
 

Đông Hà chớp mắt:
 

- Dạ… không. Con đang nóng lòng chờ món quà của ba.
 

- À ra vậy. Quà của ba đây!
 

Ba vói mở hộc bàn lấy ra một gói nhỏ, dẹp, đưa cho Đông Hà. Đông Hà cầm lấy, tay run run và nghe lòng hồi hộp lạ kỳ.
 

- Con mở ra bây giờ nghen ba!
 

- Ừ, tùy con.
 

Đông Hà tháo lớp giấy gói bên ngoài. Quà của ba cho con là đây: quyển nhật ký quen thuộc của ba. Viên đạn đêm đó đã xuyên thủng mấy trăm trang giấy, làm một dấu tích kỳ lạ. Đông Hà ôm quyển nhật ký vào lòng. Tự nhiên nước mắt ứa ra. Không còn gì để đo lường niềm sung sướng của ta trong lúc này nữa đâu! Đông Hà muốn ôm lấy ba, khóc òa lên, hay hét to lên để cho ba thấy nỗi tuyệt vọng đã đột biến thành nỗi hân hoan, và những giấc mơ quái đản đã được thay bằng khúc hát ngọt ngào. Nhưng Đông Hà ngồi yên ở đó. Thôi, hãy để cho hạnh phúc ngấm dần vào từng thớ thịt, từng lóng xương, đến tận cùng của cảm giác. Ba vẫn còn đó, là còn tất cả. Lòng ba đã muốn vậy. Không cần đến phép tiên. Không cần ai khuyên bảo.

Ba nói, như một lời giới thiệu:
 

- Đây là quyển nhật ký của ba. Gọi là nhật ký, nhưng ba viết không liên tục. Ba chỉ viết khi nào đầu óc ba tràn đặc những ý nghĩ mà không biết nói với ai.
 

Ba ngừng một lát, rồi giọng ba hơi cao lên:
 

- Từ nay ba không viết nữa. Vì ba đã có Đông Hà, để cho ba nói chuyện, kể lể những điều mà ba nghĩ, phải không con?
 

Đông Hà gật đầu. Ba ôm trán như muốn đuổi hết những ý tưởng muộn phiền đi…
 

- Vả lại, trong quyển nhật ký này, hầu như ba chỉ viết quanh quẩn một ý nghĩ…
 

- Ý nghĩ tự diệt?
 

Ba giật mình:
 

- Con đã biết?
 

- Dạ. Con đọc gần hết những trang sách. Con sợ hãi quá! Lúc nào con cũng bị ám ảnh cái ngày ba chết. Con tìm hết cách để ngăn cản ba một cách âm thầm.
 

- Nhưng con không ngờ là ba còn một khẩu súng?
 

Đông Hà cúi đầu. Nếu đêm đó, viên đạn không phải xoi lủng những trang giấy mà là giúp ba thực hiện sự chấm dứt một đời ...? Ngay lúc ba mở cửa ra, ba gọi Đông Hà một cách hoảng hốt, Đông Hà vẫn không tin là có ba trước mặt. Nỗi kinh hoàng làm Đông Hà quỵ ngã trên ngưỡng cửa, không dậy nổi. Nghe ba gọi như nghe tiếng thinh không xa lắc. Ngỡ ba đã tan thành nước, đã loãng thành mây. Ba cầm một khẩu súng nhỏ. Khẩu súng ấy ba được quyền cất giấu để tự vệ, nhưng có bao giờ Đông Hà nghĩ đến?
 

Ba nói, giọng xúc động:
 

- Ba còn một viên đạn chót trong khẩu súng này. Ba cất súng thật kỹ dưới gối. Thật không ngờ là ròng rã mấy năm nay ba có ý nghĩ để dành viên đạn cuối đó để chấm dứt cuộc đời buồn thảm của ba. Bây giờ ba mới cảm thấy ghê sợ nếu một ngày nào ba tự ý bỏ con mà đi. Ba đã thấy rồi, mười tám tuổi, chưa phải là con đã khôn lớn. Con có đầy đủ can đảm, nghị lực và tình cảm để sống, nhưng không có nghĩa là ba có quyền bỏ mặc con một mình, chống chọi một mình.
 

Đông Hà nghẹn ngào:
 

- Con sẽ ngã xuống nếu không có ba.
 

Đông Hà run run vuốt trên bàn tay khô cằn của ba. Ba yêu mến! Chỉ có lòng ba mới quyết định kéo dài thêm cuộc đời vì con.
 

Ba nói tiếp:
 

- Trước cái đêm mà con tổ chức buổi văn nghệ một hôm, ba vẫn còn mang ý định của ba. Dì Niệm đến thăm ba lần cuối trước khi ra Trung. Hai người bạn già nói chuyện với nhau thật ít. Dì Niệm có nhắc đến những trường hợp hủy mình, nhưng ba chứng tỏ cho dì Niệm thấy rằng ba đang rất yêu đời, rất ham sống. Rồi thôi, dì Niệm từ giã ba. Ba biết người phụ nữ ấy là một người rất đáng quý, chấp nhận một cuộc sống vị tha, rộng rãi và thanh khiết. Mãi mãi hình ảnh của dì Niệm sẽ không mờ nhạt trong lòng ba.
 

Ba nhìn Đông Hà, mỉm cười, hỏi:
 

- Con có cho phép không, Đông Hà?
 

Ba quả thật là trịnh trọng khi nói đến tình cảm. Đông Hà gật đầu, và nghĩ đến hình ảnh một dì Niệm giờ đây đang tiếp tục sống với cái lý tưởng cao đẹp của một người đàn bà nhân ái, bao dung.
 

Ba nói thật trầm:
 

- Nhưng Đông Hà, con có biết vì sao ba quyết định gạt bỏ ý muốn tự diệt của ba không? Dì Niệm đi rồi, ba trở lại với con người khắc khoải của ba. Nhưng cùng hôm đó, Đơn đã tới đây. Sự hiện diện của Đơn làm ba giật mình nghĩ đến một điều…
 

Đông Hà ngạc nhiên:
 

- Đơn đến đây gặp ba? Ba nghĩ điều gì?
 

- Tình yêu. Không phải của ba, của mẹ con hay của dì Niệm. Không phải của những người già. Mà là của bọn trẻ, của con.
 

Đông Hà mở to hai mắt nhìn ba như vừa nghe thấy một điều kỳ lạ. Tình yêu! Tình yêu là gì? Ba thấy gì ở Đơn, ở con?
 

Ba nhìn thẳng vào hai vì sao đó, nói thật hân hoan:
 

- Đơn chỉ đến thăm ba, tự giới thiệu, và nói nhiều về con. Ba đã sống qua thời trai trẻ, nên ba hiểu rõ tâm trạng của Đơn. Và… cái đêm văn nghệ đó, ba nhìn theo con và Đơn, ở đàng xa, hai đứa đi với nhau về phía ngọn lửa hồng, ba xúc động quá đỗi. Ba muốn sống để thấy tình cảm của con biến thiên. Cái điều quan trọng mà những người lớn lại thường vô tình không nghĩ đến, là tình cảm của bọn trẻ. Tình yêu đã làm ba ray rứt cả đời, thì thật vô lý khi ba không chia xẻ với con nếu con gặp được một tấm lòng chân thật, hay nếu con đau đớn vì va chạm với sự man trá.
 

Đông Hà rưng rưng muốn khóc. Ba đã thấy trước những điều mà ta chưa thấy. Đông Hà chỉ xao xuyến một chút mỗi khi tưởng tượng có Đơn trước mặt, đang giở kính ra nhìn mình bằng đôi mắt thương mến, mỗi khi thấy Đơn đứng chờ dưới cây Còng bé nhất, mỗi khi Đơn an ủi, lo lắng. Chưa cảm thấy gì hết. Tình yêu… là thế nào? Là như thế chăng? Nhẹ nhàng như một đám mây trắng? Bàng bạc như tơ, như khói thuốc? Hay sẽ dữ dội như một đám cháy rừng? Tình yêu là gì? Làm cho lòng người thoải mái, hân hoan, thanh khiết, cao thượng hay khiến cho ta đau khổ, thất vọng, xấu xa, ích kỷ?... Nhưng ba đã thấy rồi.

- Nghĩ gì đó, Đông Hà?
 

- Dạ không, … ba nói tiếp đi ba.
 

- Nói tiếp hở? À… ba nghĩ rằng con, cũng như Đơn, đều còn nhỏ lắm, trẻ lắm. Tình cảm của các con đẹp lắm. Nhưng một bông hoa đẹp cần phải được vun bón. Tình cảm đẹp cần phải được xây dựng trên những căn bản vững vàng. Con biết là gì không? Đó là tình người, là lý tưởng và sự thủy chung.
 

Len xuất hiện từ cửa sau. Ba nghe động, quay lại rồi nói:
 

- Len! Cho chú xuống xe giùm một chút.
 

Len giở tấm chăn, bế ba xuống ngồi vào xe lăn, rồi đắp tấm chăn lên chân ba. Đông Hà rớt nước mắt. Ba đang nối tiếp một cuộc chịu đựng vĩ đại, không có tiếng than, không có tiếng thở dài, mà bằng một nụ cười.

Ba cười thật, và nói với Đông Hà:
 

- Con thấy không? Len nó làm được những việc mà một đứa con gái như con không thể làm. Con hãy gắng học hành, giúp đỡ cậu mợ và mai sau đền ơn cậu mợ bằng cách nuôi dạy hai em của con.
 

Đông Hà đẩy xe đến gần cửa sổ. Buổi sáng ở khu trại êm đềm vô hạn. Bên kia đường, một người đàn bà trẻ đang đẩy xe cho chồng. Ba nói thật bùi ngùi:
 

- Những người tàn phế có một điều đau khổ lớn nhất, đó là trước tiên họ đánh mất hình ảnh của chính họ. Nhưng họ sống được là nhờ những niềm an ủi xung quanh. Người kia sống được là vì có vợ anh bên cạnh. Còn ba, ba không còn cần thiết hạnh phúc của ba nữa. Ba sống vì hình ảnh của con, vì sự thanh khiết của một tuổi trẻ, của một tình yêu. Ba đang cảm thấy là ba chưa già. Ba còn nhiều ước nguyện lắm. Sau này, khi Đông Hà thành đạt theo như ba mong muốn, cha con ta sẽ về thăm quê ba. Con biết nơi nào không? Đông Hà. Ừ , nơi đó cũng mang tên Đông Hà như con. Ba sẽ dẫn con đến ngôi trường mà ba học lúc còn để chỏm. Ba sẽ chỉ cho con thấy căn nhà của ông bà nội. Còn nữa, Đông Hà! Có một khúc sông rất êm đềm, con ra đó, sẽ thấy cả một thời thơ ấu của ba. Chưa hết, khi về quê, con phải tập nói cho quen giọng địa phương. “Con trâu” thì nói là “côn tru”, “ông Lý Toét” thì nói là “ôn Lý Tuết”, nghen Đông Hà!....

Ba nói không biết mệt, nói say sưa như một văn sĩ. Nắng xuống chan hòa trước mái hiên. Đông Hà hình dung thấy trước mặt một chiếc tàu hỏa, thấy mình đi qua những rừng dừa, những rừng cau, những đồng lúa xanh ngợp mắt. Và ở một con suối, hay ở một khúc sông, hai cha con dừng lại. Mặc cho tàu hỏa chạy đi, sẽ có chuyến khác đến đón, ba dẫn Đông Hà băng qua dòng nước. Nước xô đẩy những chướng ngại vật. Nhưng ba đã qua được bên kia bờ.

Tân Định, Sài Gòn 18-7-1974      
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh