Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

XUÂN HÔM NAY - Quang Thi

 












TUỔI mộng xuân chờ lên mắt xanh
HOA tươi phong kín nụ thơm lành
ĐẸP muôn bài hát tô đời thắm
MÃI vút lưng trời, cao vút nhanh

TRONG gió mùa Xuân ngan ngát hương
TRỜI xanh như gói trọn niềm thương
XUÂN đem mơ ước vào trang giấy
TƯƠI mát bờ môi ngọt Hải-Đường

BÀI hát nào đây em biết không?
THƠ lên trong ý nhạc đang nồng
TRÒN vui điệu múa nào lơi lả,
MỘNG thắm dâng đầy lên mắt nhung

MÔI đỏ tươi màu hoa tuổi thơ
THẮM lên làn tóc xõa buông hờ
HƯƠNG lâng trong gió vào mắt biếc
ĐỜI đẹp nguồn vui vẫn đợi chờ

                                          Quang Thi

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 26, ra ngày 25-2-1965)



Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

MÙA XUÂN MỚI - Quách Đại Khoa

 
Mùa Xuân mới đã về trên đất nước,
Nở môi cười reo rắc ánh xuân tươi
Hương Xuân lên thơm ngát bốn phương trời,
Mùa Xuân đến với muôn màu rực rỡ.

Mừng Xuân mới vạn hoa đào đua nở,
Xác pháo hồng tung gió rụng muôn nơi.
Khắp quê hương vang rộn những tiếng cười,
Nhạc Xuân trổi bài ca mùa Xuân mới.

Bầu trời Xuân ngập sóng vàng chói lọi,
Gió Xuân hiền nhẹ thổi động cành hoa
Vườn Xuân tươi chìm trong nắng chan hòa,
Ý Xuân thắm và hồn Xuân tươi sáng.

Xuân năm nay một mùa Xuân sáng lạn,
Khắp thôn làng reo vạn khúc hoan ca.
Niềm vui tươi trên khắp nẻo sơn hà
Cùng hòa nhịp đón mừng mùa Xuân mới.

                                              QUÁCH ĐẠI KHOA

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 14, ra ngày 25-2-1964)

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

NHƯ MÙA XUÂN NGHE EM - Trầm Vi

 

Thôi em hãy để trôi sông
Những đau thương với ngày trong nỗi sầu

Buồn vui rồi cũng qua cầu
Ngày xanh rồi cũng chìm sâu dưới dòng

Qua rồi em một mùa đông
Này em trời lại xuân hồng đây em

Hướng dương trăm kiếp đừng quên
Xin em hái trái bình yên cho mình

Hoàng hôn rồi cũng bình minh
TUỔI HOA em giữ cho xinh mộng vàng

Vui đi em tuổi hiền ngoan
Làm con chim nhỏ nhặt khoan tiếng cười

Một mai Xuân bỏ đi rồi
Như tôi còn lại ngậm ngùi tiếc thương

Ngày xanh một mai qua đường
Chắc không vương lại dư hương bao giờ

Em về nhìn xem tuổi mơ
Gió đông đã cuốn những bơ vơ rồi

Mùa xuân nồng trên đôi môi
Mùa xuân duyên dáng mỉm cười với em.

                                                      TRẦM VI

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 195, ra ngày 15-2-1973)



Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

CÂY MAI YÊU QUÍ - Châu Hà

 

Cây Mai trồng trước cửa nhà bà Đoàn nở hoa rực rỡ, đã gợi sự chú ý của bọn thằng Tèo nổi tiếng là bọn trẻ nghịch phá nhất làng. Sống thui thủi một mình trong căn nhà phía cuối xóm, với vườn tược rộng rãi bao chung quanh, bà Đoàn đã khổ sở không ít vì những vụ phá phách cây ăn trái, mùa màng, của bọn trẻ tinh ranh trong làng. Mấy ngày nay, cây Mai mà bà yêu quí nhất, đã cố chăm nom săn bón để cây trổ nhiều hoa vào dịp Tết này, thế mà bọn thằng Tèo hôm nào cũng lén leo rào vào để bứt hết mọi cái hoa không chừa lại một cái. Càng ngày, cây Mai càng tàn rụi đi nom thấy ; bà Đoàn sợ cây không sống nổi tới Tết nên đe răn bọn trẻ nhiều lần. Những lời dọa nạt của bà Đoàn không làm cho bọn trẻ nao núng mà chúng càng lộng hành hơn nữa. Vì vậy hôm nay bà nhất quyết ra tay đ0ể trừng trị bọn trẻ nghịch ngơm một phen.

Bọn thằng Tèo không thấy bóng bà Đoàn trong vườn chúng mừng hết sức, hè nhau chui qua lỗ rào vào vườn. Cu Tèo nghênh ngang bảo tụi trẻ:

- Này! Tụi bay để một mình tao vô thôi! Kéo nhau vào hết trong này nhỡ mụ Đoàn ra đuổi lại té dính chùm vào nhau hết như hôm qua bây giờ đó nghen tụi bay!

Nói rồi, cu Tèo rón rén bước lại gần cây hoa Mai, nó mỉm cười sung sướng:

- Chà! Bữa nay nở nhiều hoa quá ta!

Bên ngoài tụi trẻ đứng lấp ló, nói vọng vào:

- Hái cho hết nha mầy Tèo!

- Đó! Đó! Mấy cái bông ở bên trái mầy đó hái đi! Mau lên!

Tụi trẻ không ngờ, cái lỗ rào mà cu Tèo vừa chui vô hồi nãy đã bị bà Đoàn lấp lại kín ; bẻ nhánh cây bên giậu vườn bà Đoàn đủng đỉnh đi về phía cu Tèo. Thấy dạng bà Đoàn hiện ra với cái roi cầm nơi tay, tụi trẻ đứng bên ngoài hè nhau chạy tuốt luốt về phía xóm. Cu Tèo tái mặt lại khi trông thấy bà Đoàn đứng sừng sững trước mặt, bà ta ngạo nghễ cười vang:

- Hừ! Cậu bé làm gì đó?

Cu Tèo bối rối nhìn bà Đoàn im lặng không nói.

- Sao? Cậu vào đây làm gì? Ăn cắp hả?

Cu Tèo lấy lại được bình tĩnh, nó thản nhiên nói:

- Không ăn cắp! Thấy hoa đẹp vào hái chơi! Thế thôi!

Bà Đoàn tức giận:

- Mầy con ai, hở ranh?

Cu Tèo bướng bỉnh:

- Không biết!

Bà Đoàn giận dữ quất ngọn roi vào mông thằng bé:

- A! Gan nhỉ? Mày phá cây Mai của bà, biết không? Bà phải đánh mày một trận nên thân!

Cu Tèo oằn oại thân mình mỗi khi bà Đoàn giơ cao ngọn roi lên. Nó tru lên khóc ầm ĩ. Bà Đoàn ngừng tay lại, hỏi nó:

- Mày chừa chưa? Còn phá nữa thôi?

Cu Tèo cúi gầm mặt xuống đất không đáp. Bà Đoàn quất vào mông thằng bé một roi nữa, lần này cu Tèo nhăn nhó đưa hai bàn tay xoa mông lia lịa, mếu máo nói:

- Dạ cháu chừa! Bà cho cháu về!

- Nhớ nghe không! Bà bắt được mày lần nữa thì ốm đòn con ạ!

Cu Tèo được thả, vội nhổm dậy chạy như bay ra ngoài đường, nó còn ngoái cổ lại hét lớn:

- Ông không chừa! Nào! Con mụ Đoàn kia có giỏi ra đây đấu chưởng mí ông! Làm tàng! Chỉ bắt nạt con nít không à!

Bà Đoàn xách roi rượt theo nhưng vô ích! Cu Tèo đã tẩu thoát mãi tận đàng xa rồi. Bà Đoàn khẽ mỉm cười thong thả bước vô nhà tiếp tục công việc cũ...

Cu Tèo dừng lại, thở hồng hộc. Nó quay lại nhìn về phía ngôi nhà bà Đoàn chửi đổng lên:

- Mẹ! Quánh con người ta đau thấy mồ! Rồi mụ Đoàn biết tay! Thế nào ông cũng đốn cây Mai cho coi! Làm tàng hoài!

- Kìa! Anh cu Tèo đã về!

Nhìn bộ mặt nhăn nhó của đàn anh bọn trẻ cất tiếng cười rộ. Cu Tèo trừng mắt nạt bọn trẻ:

- Cười hả? Sướng lắm sao? Không thấy tao ăn đòn à?

Bọn trẻ nín cười ngay. Thằng An săn sóc đàn anh bằng một câu nói vô duyên:

- Có rách áo không anh? Bả đánh đau lắm à?

- Không! Bây giờ chúng ta phải tìm cách trả thù mí được! Tức lắm! Tức lắm!

Thằng An gật đầu:

- Phải! Trả thù mụ Đoàn các bạn ơi!

Bọn trẻ lao nhao tán thành ý kiến của cu Tèo. Thằng An trầm ngâm bảo:

- Điều trước tiên ta phải chặt cây Mai của mụ Đoàn đã! Tết này chắc mụ ta buồn dữ nhỉ?

- Đúng! Khà khà! Mụ Đoàn cưng cây hoa Mai lắm! thằng Bảo reo lên.

Cu Tèo cẩn thận hỏi đàn em:

- Nhưng làm thế nào chặt được cây Mai mà mụ Đoàn không trông thấy?

Bảo bí mật:

- Anh khỏi lo! Em đã có cách.

Rồi nó ghé tai thằng cu Tèo thì thầm:

- Như thế này! Như thế này! Được không?

Cu Tèo gật gù đồng ý:

- Kế này thật là hay! Tuyệt diệu!

Bọn trẻ xúm xít bàn tán một hồi rồi chúng lại kéo nhau đi phá phách khắp nơi.

Mấy ngày nay bà Đoàn không thấy dạng một đứa trẻ nào đến ngắt trộm hoa nữa. Cây Mai đã trở lại xanh tốt như thuở nào, bà Đoàn có vẻ yên tâm cố công săn bón cây hoa để sửa soạn đón Tết. Bà không sợ tụi trẻ đến phá phách nữa, có lẽ vì trận đòn của thằng bé hôm nào mà chúng sợ không dám bén mảng đến nữa chăng?

Đang lúi húi nhổ mấy đám cỏ hoang mọc chắn lối đi, bà Đoàn thấy một cậu bé lon ton từ ngoài cổng đi vào.

- Cái gì thế cậu bé? bà Đoàn hỏi.

Cậu bé ấp úng:

- Dạ! Cháu vào xem cụ làm vườn!

Thấy cậu bé dễ thương và nhất là cậu bé lại cứ nhìn cây hoa Mai có vẻ thích thú lắm, bà Đoàn mỉm cười hỏi:

- Cậu xem cây hoa Mai có đẹp không? Công của già chăm bón lâu ngày mới được như vậy đó! Già cưng nó nhất!

Cậu bé trầm trồ khen ngợi:

- Ồ! Quả là cây mai đẹp nhất! Bây giờ cháu mới trông thấy ở đây cụ ạ! Cụ khéo tay chăm sóc quá nhỉ!

Bà Đoàn sung sướng:

- Chẳng khéo thì sao? Già là tay làm vườn chuyên trồng bông cảnh bán cho khách mà!

Cậu bé bảo:

- Cụ dẫn cháu vào vườn trong xem bông cảnh đi cụ! Cháu thích xem hoa lắm!

Chiều ý cậu bé, bà Đoàn đứng lên phủi tay cho sạch đất, mỉm cười bảo:

- Nào! Cậu theo tôi!

Bà Đoàn bỗng đứng sựng lại hốt hoảng:

- Ấy chết! Cậu đứng đây để già chạy ra đóng cổng lại kẻo bọn trẻ trong làng kéo vào phá hết cây cối thì nguy.

Cậu bé vội giữ bà Đoàn lại:

- Thôi cụ ạ! Để cháu chạy ra đóng dùm cụ nhé! Cụ cứ ra vườn sau trước đi rồi cháu vào sau!

Bà Đoàn được cậu bé săn sóc, cảm động bảo cậu:

- Mau lên nha cậu! Đóng kỹ càng vào!

Thế là bà Đoàn đã mắc mưu bọn cu Tèo, thằng bé đó chính là Bảo. Được bà Đoàn cho ra đóng cổng, Bảo thích chí nhanh chân chạy mau ra đường, nơi đó đã tề tựu đông đủ bọn cu Tèo, Bảo tươi cười:

- Thế là mưu kế sắp thành rồi! Các bạn cứ việc nhào vô khỏi sợ chi hết, bà già đang ở sau vườn.

Cu Tèo băn khoăn hỏi kỹ lại:

- Mày có chắc không? Nhỡ bị động thì sao?

Bảo gắt khẽ:

- Chắc mà! Anh khỏi lo bị đòn lần nữa! Kìa! Hành động liền đi kẻo mụ ta nghi ngờ đó nghen!

Bảo hấp tấp chạy trở vào trong, nó cất mồm lên gọi lớn:

- Cụ ơi, cụ, cháu đóng cổng lại rồi!

- Thế hả? Tốt lắm! Cậu có cài then chắc chắn lại không đó?

- Rồi, cụ ạ!

Bảo chạy lại bên bà Đoàn nhìn vườn bông cảnh hỏi han đủ thứ chuyện vớ vẩn. Bà Đoàn vui vẻ trả lời Bảo từng câu hỏi một, bà có vẻ quyến luyến cậu bé dễ thương lắm. Bảo được bà Đoàn hái ổi cho ăn và còn cho Bảo muốn ăn trái cây gì trong vườn thì tự trèo lên mà hái. Bảo sung sướng lắm, nó trổ tài nịnh nọt bà Đoàn để gây cảm tình và giữ bà Đoàn ở lại vườn sau cho đồng bọn nó thi hành mưu kế đằng trước nhà.

- Anh Bảo ơi! "Má" gọi đi về!

Bà Đoàn quay lại mỉm cười hỏi Bảo:

- Em cậu đó hả?

- Vâng, em cháu đó cụ ạ!

- Hai anh em sao chẳng giống nhau gì cả?

Bảo nhanh miệng nói:

- Dạ anh em một cha khác mẹ!

- Vậy à! Cậu là con ghẻ của má thằng đó hả? Mèn ơi! Dì ghẻ con chồng! Tội nghiệp cậu!

- Vâng! Nhưng dì cháu thương cháu lắm cụ ạ!

Bà Đoàn bẻ mấy chùm mận đưa cho Bảo:

- Cháu đem về mà ăn! Bữa nào lại đây chơi với già nhé! Dẫn cả thằng nhỏ kia lại nữa!

Bảo chào bà Đoàn một cách lễ phép rồi dắt thằng nhỏ bước nhanh ra cổng. Bà Đoàn lẽo đẽo theo sau. Bỗng bà Đoàn kinh ngạc kêu lên:

- Trời ơi! Ai đốn cây Mai của già rồi cậu bé ơi!

Bà Đoàn càng thêm sững sờ khi trông thấy anh em cậu bé dễ thương hồi nãy vụt chạy nhanh ra đường sau chuỗi cười ròn rã. Bà Đoàn chợt hiểu ra thì đã muộn, bà tự trách:

- Già bằng này tuổi đầu rồi mà để cho mấy đứa con nít gạt! Trời ơi! Sao mà tôi ngu quá đi!

Nhìn cây Mai còn trơ lại cái gốc, bà Đoàn rưng rưng nước mắt, rồi thở dài bước vào nhà.

Chiều hôm đó bọn cu Tèo họp nhau lại ở ngoài bãi cỏ, chúng vui mừng lắm vì đã trả được thù cho cu Tèo. Ngồi oai vệ giữa đám trẻ, cu Tèo sung sướng nói:

- Thế là chúng ta đã hoàn thành việc trả thù, có lẽ giờ này mụ Đoàn đang tức lắm nhỉ?

Thằng An nịnh nọt Bảo:

- Đó cũng là nhờ công anh Bảo đã bày mưu vẽ kế cho tụi mình, và cả bé Hải cũng khéo đóng kịch lắm vậy thay. Em đề nghị anh cu Tèo thưởng cho Bảo và Hải cái gì mới được!

Cu Tèo mỉm cười hỏi:

- Bảo và Hải muốn thưởng gì?

- Tụi em được thưởng rồi!

cu tèo ngạc nhiên:

- Ai? Ai thưởng vậy?

- Mụ Đoàn! Tụi em được mụ cho ăn vô số trái cây trong vườn trước khi tụi em tẩu thoát.

Trong bọn trẻ, một cậu bé đưa cho Bảo 3 cái bánh mật, bảo:

- Thưởng cho anh Bảo đó, em vừa chộp được của bà Hai hồi nãy, để phần cho anh!

- Cám ơn Minh! Minh tốt lắm!

Hải bào cu tèo:

- Mụ Đoàn ngốc ghê đi! Anh Bảo nói em là em một cha khác mẹ mụ cũng tin! hì hì...

Cả bọn thích chí cười vang. Lúc này cu Tèo mới điềm tĩnh móc trong túi ra một gói kẹo chia đều cho bọn trẻ gọi là khao quân. Cả bọn đang nằm nhai kẹo trên bãi cỏ bỗng giật mình vì có tiếng rống lớn của một con bò sổng dây từ ngoài đồng đang phóng về phía bọn trẻ. Cả bọn sợ hãi luống cuống bò dậy chạy trốn nhưng không kịp, con bò đã xông vào đám trẻ quần lồng lộn.

Có tiếng hét thất thanh! Bảo đã bị con bò đá trúng mặt, máu trào ra linh láng. Bọn trẻ sợ hãi khóc thét lên inh ỏi, mạnh đứa nào đứa nấy tìm đường chạy trốn. Cu Tèo cũng thất kinh, hồn vía lên mây, nó luống cuống không tìm được chỗ núp thì bị cái đuôi của con bò quất trúng mặt đau điếng. Con bò đang hăng máu bỗng một người bên đường nhảy vào với nhánh cây cầm nơi tay. Con bò lao mạnh về phía người ấy.

- A, mụ Đoàn! cu Tèo reo lên.

- Các cậu chạy lại phía căn chòi kia mau lên! Để tôi trị nó cho! bà Đoàn hét lớn.

Cu Tèo cõng thằng Bảo lên vai rồi cùng bọn trẻ chạy mau về phía căn lều.

Lát sau bà Đoàn đã thu phục được con bò, nó bị bà cột vào gốc cây gần đó để chờ chủ nhân đến nhận về. Bọn trẻ ào lại phía bà cám ơn rối rít. Cu tèo cảm động trước hành động bác ái của bà Đoàn: khi trông thấy Bảo bị thương nơi trán bà lật đật cõng nó về nhà băng bó. Bọn thằng Tèo kéo nhau đi sau bà Đoàn, chúng có vẻ hối hận về hành động của chúng hồi sáng nơi nhà bà Đoàn.

Vừa đi bà Đoàn vừa hỏi Bảo:

- Có đau lắm không cậu bé?

- Dạ đau lắm!

- Tội nghiệp! Ráng chịu một ít nữa, tới nhà già băng thuốc cho.

Thằng Hải lon ton chạy tới bên bà Đoàn hỏi nhỏ:

- Cụ ơi! Cụ có giận chúng cháu không?

- Không! Già thương các cậu lắm. Nhưng nếu các cậu nghịch quá thì già giận lắm nghen!

Căn nhà lá của bà Đoàn đã hiện ra trước mắt, bọn trẻ bước mau chân hơn cho kịp bà Đoàn.

Đặt Bảo nằm xuống ván tre, bà Đoàn chạy đi lấy vải băng cho cậu bé. Bọn trẻ đứng vây chung quanh xem bà làm việc.

- Vết thương không sâu nhưng máu ra nhiều, cậu bé cứ nằm yên cho khỏe.

Cu Tèo khoanh tay trước mặt bà Đoàn, lễ phép xin lỗi, cả bọn trẻ cũng bắt chước cu Tèo đứng khoanh tay xin lỗi bà.

Nhìn thấy chú bé tinh ranh là thủ phạm những vụ trộm trái cây, đốn cây hoa Mai... bà Đoàn không nỡ trách mắng khi chúng biết lỗi. Bà chỉ vui vẻ nói:

- Già chỉ mong các cậu từ nay đừng phá phách cây cối của ai nữa nhé.

Bảo nắm tay bà Đoàn, rưng rưng nước mắt:

- Cụ! Chúng cháu xin chừa mọi tội lỗi!

- Tốt lắm! Lâu lâu các cậu nên rủ nhau lại đây với già cho vui, già ở đây cô quạnh quá đi!

Bà Đoàn mỉm cười nói tiếp:

- Tết này tuy già không đón bằng hoa Mai như mọi năm, nhưng lại đón Xuân bằng tiếng cười tươi trẻ của các cậu. Tết phải lại đây nhé các cậu! Già sẽ đãi các cậu tha hồ một bữa trái cây ngon trong vườn.

- Hoan hô! Hoan hô!

- Nào! Bây giờ các cậu ra đây! Già hái ổi cho mà ăn. - bà Đoàn vui vẻ nói.

Bọn cu tèo mừng rỡ kéo nhau ra vườn. Tiếng cười rộn rã của bọn trẻ vang lên phá tan bầu không khí tẻ nhạt của khu vườn hàng ngày. Bà Đoàn cảm thấy vui với lũ trẻ con chứ không có ác cảm như mấy ngày qua nữa.


CHÂU HÀ      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 40, ra ngày 1-3-1966)




Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

BƯỚC CHẬM MÙA XUÂN - Trần thị Phương Lan

 



















Tháng giêng hoa thiên lý
Nở xanh biếc bên hồ
Tháng giêng vàng hoa cải
Vương màu lên ý thơ

Chiều, dáng ai thấp thoáng
Bóng nắng vẫn nghiêng nghiêng
Gió đùa qua kẽ lá
Cỏ đong đưa bên thềm

Tháng giêng xanh màu mắt
Phơn phớt cánh hoa đào
Tháng giêng hồng đôi má
Cánh diều bay vút cao

Tháng giêng hương cỏ may
Chiều qua hết một ngày
Hoàng hôn buông vời vợi
Nắng phai vàng trên tay

Tháng giêng hương bồ kết
Ủ mái tóc mượt dài
Lá rơi đầy trang vở
Chiều rót xuống hồn ai

Tiếng mùa xuân êm ái
Xin giữ lấy thật lâu
Thời gian, đừng bước vội
Mùa xuân, đừng qua mau...

                  Trần Thị Phương Lan
                   (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

NGÀY XƯA CÒN BÉ - Nguyễn Trúc

 
Ánh nắng xuyên qua lá,
Làm ấm những làn da.
Hoa nở tươi trên ngọn,
Như đón xuân nguy nga.

Xác pháo đỏ đầy sân,
Lũ trẻ đếm bàn chân.
Rồi đá tung xác pháo,
Ngắm tiền và mê mân.

Hai thằng bé cỏn con,
Xách chiếc trống tí hon
Và đầu lân cũng bé,
Ngậm mứt dừa kêu ngon.

Một chú mặc đồ xinh
Đi ra sân một mình
Miệng vui tươi huýt sáo
Tay cầm hai đồng xanh.

Chú treo lên cánh cửa,
Bảo thằng bé múa lân.
Thằng bé cũng không vừa,
Lượn vòng vòng quanh sân.

Thằng anh đánh trống tùng,
Tiếng trống nghe thật hùng.
Bảo thằng em múa đẹp,
Lấy tiền mình xài chung.

Trẻ bên ngoài vỗ tay
Nức nở khen rằng hay.
Thằng anh càng hứng chí,
Quyết phen này ra tay.

Biểu diễn cho người xem,
Rồi chân bước thật êm
Lên hành lang nhảy tiếp,
Ngắm đồng tiền mê thêm.

Miệng lân giờ há rộng,
Đưa tới đớp hai đồng.
Sau vài lần bắt hụt,
Người ngoài hồi hộp trông.

Giờ cướp được lui ra,
Nhảy vài cái thật xa.
Quay vòng vòng bái tạ,
Vỗ tay cười như hoa.

               NGUYỄN TRÚC

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 77, ra ngày 18-2-1973) 



Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

TRONG MÙA LÁ XANH - Đỗ thị Hồng Liên

 

Còn một tháng nữa là Tết thì phải, nhưng mà Hà thấy mẹ sao chả lo gì cả. Như mọi năm thì giờ này đã nhộn cả lên rồi. Mẹ lo may khăn bàn mới này, lo sửa soạn làm bánh làm mứt này và Hà lại có dịp bốc vụng một vài miếng chao ơi là ngon. Sao mẹ năm nay lạ quá cơ, cứ đi hoài à, bỏ Hà một mình vừa buồn mà lại vừa sợ nữa. Giá không có con Hạnh ở bên cạnh hay qua chơi thì chắc là Hà khóc mất rồi đấy. Dạo nầy mẹ gầy ghê đi mà hàng họ lại ế ẩm nữa, mẹ nói thế với Hà đấy mà mẹ hay nhìn Hà với đôi mắt buồn buồn sao nữa. Hà chả hiểu được mẹ nghĩ gì trong đầu, người lớn khó hiểu ghê đi Hà chịu thôi. Mẹ đã chả bảo con nít biết gì đấy thôi, người lớn thì mới biết được nhiều chuyện kia. Nhưng Hà vẫn thích làm con nít hơn, người lớn không thích tí nào, cứ nhìn chị Miên con bác Trâm là biết ngay ấy cơ. Hà thắc mắc không hiểu sao chị lại làm dáng nhiều thế kia để bị mẹ mắng hoài. Hà thì ít khi bị mẹ mắng lắm cơ, chắc tại Hà là con nít nên chả biết làm dáng nhỉ? Mà cũng không phải nữa, Hà nhớ rồi, "tại bé ngoan í mà" anh Tâm đã từng nói thế với Hà đấy nhé.

Chả hiểu còn bao lâu nữa mẹ mới dẫn Hà đi mua áo mới nữa chứ. Năm ngoái mẹ mua cho Hà một cái áo đầm màu xanh da trời và một cái khác màu vàng tươi óng ánh. Tết đến, ngày mồng một Hà mặc áo màu vàng, thắt nơ cũng màu vàng trông xinh ra phết đấy chứ bộ. Mẹ mừng tuổi Hà này rồi hôn vào hai má Hà hai cái. Hà tha hồ cắn hạt dưa, ăn bánh và mứt kẹo mà chả sợ bị mẹ la hư răng đấy nhé. Bây giờ thì áo đầm cũ mất rồi, Hà chả còn thích nữa chỉ ngong ngóng chờ mẹ về để vòi mẹ dẫn đi mua áo cơ. Phố ngày Tết chắc là đông và vui lắm, hôm nay mẹ đi sao mà lâu thế nhỉ. Hà sốt ruột ghê đi bèn thập thò ra cổng đứng thì gặp con Hạnh. Nó hỏi Hà:

- Mày đứng đây làm gì thế?

- Tao chờ mẹ tao về Hạnh ạ, ở nhà buồn quá, qua chơi với tao đi.

Con Hạnh le lưỡi:

- Có ba tao ở nhà tao chả dám qua đâu.

Hà tròn mắt:

- Sao vậy? Ba mày không thương mày hả?

Hạnh thì thầm:

- Không phải, ba tao khó nhưng mà thương tao lắm kia, hôm qua ba tao mới mua cho tao cái kẹp tóc màu đỏ xinh lắm, mày coi không?

Hà náo nức:

- Mày đi lấy đi, lè lẹ đó.

- Ừ!

Con Hạnh chạy biến vào trong nhà, một chút sau nó chạy ra, giơ cái kẹp màu đỏ óng ánh trong tay ra:

- Đây nè...

Nó dúi vào tay hà, thủ thỉ:

- Mày xem, đẹp ghê chưa. Tao chả cài bây giờ đâu Hà ơi, nó sẽ cũ hết uổng lắm, chừng nào Tết tao mới cài cơ. Quà Tết của ba tao đấy, ba tao hứa vài bữa nữa dẫn tao đi chợ Tết vui lắm.

Hà ngắm cái kẹp của bạn lòng buồn, cái kẹp đẹp thật, chắc là phải đắt lắm đây. Hà chưa bao giờ được một cái kẹp nào như vậy. Hà chỉ thắt nơ của mẹ làm, mẹ làm nơ thì đẹp ghê lắm nhưng Hà vẫn buồn sao sao. Chắc tại con Hạnh có ba nó thương mà Hà thì không có.

- Mày sướng thật Hạnh ơi, ba mày thương mày quá.

Hạnh cười khoe chiếc răng khểnh:

- Tao cũng thương ba tao lắm cơ.

Hà chớp mắt:

- Tao thì chả có ba để mà thương nữa.

Hạnh tò mò:

- Ba mày đi đâu mà lâu thế chả về nhà.

- Tao cũng chả biết nữa, mẹ tao nói ba tao đi xa lắm, mà lâu lắm rồi kia từ hồi tao còn bé xí lận. Tao tưởng tượng hoài chả biết ba tao ra sao cả.

Hạnh bàn:

- Mẹ mày đẹp thế chắc ba mày cũng phải oai lắm.

- Tao thích ba tao hiền nè, cao cao nữa chứ đừng giống ông Tuần trước nhà mình, eo ơi cái bụng ổng bự quá chời.

Hai đứa cười khúc khích với nhau. Hà thôi táy máy ngắt những cái lá dâm bụt nơi hàng rào ngăn chia hai đứa. Nỗi buồn vừa thoáng qua đã vội vã bay theo tiếng cười trong trẻo. Cô bé lên mười vẫn còn hồn nhiên trong nắng sớm, như chim sẻ tung tăng trên lá.

Trời đổ bụi mưa, sáng mờ mờ với ánh nắng mặt trời lấp lánh. Cổng ngõ nhà hai đứa hôm nay vắng tanh, một vài tờ lá rụng trên ấy, cỏ ở góc sân đằng kia thì mát mắt ghê đi Hà không cần biết làm thơ cũng thấy là hôm nay trời đẹp nữa. Hà thích làm luận hơn cơ, và thích ngắm con số 8 tròn trĩnh cô Thu cho.

Con Hạnh nép sát vào hàng rào:

- Mưa mày ạ.

- Ừ, mưa thật Hà lẩn thẩn đáp lại.

Hạnh lại hỏi:

- Có phải trời mưa thì lá xanh không Hà nhỉ?

Hà tròn mắt:

- Ai bảo với mày thế?

- Anh Tâm, anh ấy bảo với tao là ngày Tết thì phải có mưa bụi như thế này mới dễ thương và thơ mộng cơ.

- Mưa thì đẹp thật, mày xem lá xanh lấm tấm nước đây nè, mát ghê đi.

Hạnh vuốt ve mấy cành lá:

- Tao thích sờ vào đây mày ạ, êm như... như gì nhỉ?

- Êm như... nhung Hà ngập ngừng, mắt đăm đăm nhìn vào tóc Hạnh nó trầm trồ Tóc mày đẹp ghê Hạnh ơi, nước rắc lấm tấm cứ như mấy hạt ngọc của cô công chúa trong truyện í.

Hạnh cười rất xinh:

- Kìa kìa tóc mày cũng thế, đẹp thật, tại trời mưa bụi nên tóc mới đẹp đấy mảy ạ.

Hà đưa cho Hạnh cái kẹp đỏ vẫn cầm nãy giờ:

- Mày cài thử đi Hạnh, như thế này chắc là phải đẹp hơn.

Hạnh loay hoay với cái kẹp hình con bướm, hoài của thật, mấy giọt nước óng ả li ti trên đó bị vỡ tan ra. Hà suýt xoa:

- Tóc hết đẹp rồi Hạnh ơi.

Hạnh vờ xịu mặt:

- Tại mày đấy Hà.

Hà lắc lắc mái tóc chấm vai:

- Thôi thế này là huề nhé.

Hai cô bé nắm tay nhau, cái kẹp nằm gọn trong tay Hạnh làm Hà hơi đau, mưa vẫn tiếp tục phủ bụi lên từng hàng lá xanh ngắt, mây trắng đan trên vòm trời cao và rộng.

*

Hôm nay đã hai mươi tháng chạp rồi đấy mà nhà cửa vẫn y như ngày thường. Mà còn sửa soạn làm gì nữa, Hà buồn quá đi. Nhà sắp trả rồi còn gì nữa, mẹ con Hà sẽ đi nơi khác ở. Mẹ bảo ở nhà cô Dung cũng vui lắm nhưng Hà chả thích tí nào. Hà cũng chả thích luôn cô Dung, cô là em ruột ba, Hà không biết ba có giống cô không chứ sao Hà thấy cô kỳ cục quá à. Cô cao lớn, móng tay nhọn hoắt và đỏ chót, cô nói lớn vang cả tai Hà chứ chả có nhỏ nhẹ như mẹ đâu. Chả hiểu cô có hiền không nhỉ, mẹ nói cô thương con nít lắm mà Hà vẫn sợ sợ là. Cô ở cái xứ gì mà xa quá chừng nữa, về đó Hà biết chơi với ai bây giờ nhỉ? Sắp đi xa rồi, Hà lại thấy buồn buồn. Con Hạnh buồn và anh Tâm cũng buồn nữa.

Nắng buổi trưa chói chang, Hà lén mẹ qua rủ con Hạnh ra vườn chơi. Cái vườn bé tí của Hà đấy mà, rồi chả biết sau này ai sẽ tưới nước, bắt sâu mỗi ngày nữa hay là để tụi nó héo úa mất thôi. Hà kéo tay con Hạnh ngồi bên chiếc xích đu.

- Hạnh này!

- Gì?

- Trưa nắng chứ không đẹp nhỉ?

Hạnh nhấm nháp chiếc lá xanh một cách lơ đãng.

- Buổi trưa như thế này tao chỉ thấy buồn ngủ thôi.

Gió buổi trưa hiu hiu thổi chỉ đủ làm cho tóc Hà bay nhẹ, nó thấy nhột nhột ở nơi gáy. Con Hạnh móc trong túi ra hai cái kẹo.

- Ăn đi Hà, kẹo Tết đấy, anh Tâm cho tao hai cái, ngon lắm cơ.

- Ngon thật hả?

- Ừ, mà mày phải ăn ít mới ngon kia.

Hà bỏ kẹo vào miệng, hương vị ngòn ngọt dễ chịu. Hạnh rủ:

- Chiều đi phố với tao nghe Hà, anh Tâm nói rủ mày đi nữa. Anh í hứa chiều nay mua cho tao cái ví mới màu xanh nữa kia, để mai mốt đựng tiền mới cơ chứ, mày thích cái gì hở Hà?

Hà thoáng nghĩ đến cái kẹp đỏ của con Hạnh hôm bữa. Mà thôi. Có lẽ Hà chả thích gì cả. Hà chỉ thích ở lại đây thôi, ở lại ăn tết với con Hạnh như năm ngoái cơ. Rồi mùng một Tết hai đứa lại đi chơi, lại bốc đầy hai túi hạt dưa thi nhau cắn xem đứa nào nổ to hơn. Hà không thích đi xa tí nào cả.

Con Hạnh giục:

- Sao hở Hà? Chiều nay nghe, đi có mày mới vui kìa.

- Ừ nhưng tao phải xin phép mẹ nữa kìa.

Nắng vỡ trên một khoảng sân vuông bé nhỏ, nắng mùa xuân nồng nàn, vàng đậm trên những khóm lá. Thời gian trôi đi, êm ái không một tiếng động. Có một chiếc lá xanh vừa rơi trên cánh tay trần của Hà, gió thì thổi buồn buồn trong tóc, Hà đu đưa chiếc xích đu lòng bỗng thấy bâng khuâng. Con Hạnh tì tay vào cằm:

- Nghĩ gì thế Hà?

Hà bối rối:

- Tao chả nghĩ gì cả, buồn ghê mày ạ.

- Sao lại buồn?

- Tao không thích đi xa.

Hạnh tẩn mẩn đùa với mấy chiếc lá:

- Tao cũng thế, sắp Tết rồi, năm nay tụi mình hết được đi chơi chung nhỉ?

Hà tần ngần:

- Giá được ở lại thì chắc vui lắm, giao thừa năm ngoái mày còn nhớ không Hạnh? Hai đứa mình theo mẹ lễ chùa rồi hái lộc nữa. Người đâu mà đông ơi là đông phải không?

Hạnh liếng thoắng:

- Tao thì tao nhớ hôm đó mày mải ngắm cái chị mặc áo tím va vào cả bực thềm trầy chân hết, đúng không?

Hà ngượng nghịu nhìn bạn:

- Chỉ tại chị ấy dễ thương quá chứ bộ, chứ đâu như chị Miên con bác Trâm ấy. Chị ấy điệu ghê cơ mày ạ, chỉ đen thui mà đánh phấn trắng bóc thấy ghê quá. Chị Miên chả đẹp mà cũng chả dễ thương tí nào Hạnh nhỉ.

Hạnh khoe:

- Tao ở cạnh bên thấy chị Miên bị la hoài. Mẹ chị ấy hay hét lắm cơ, chả hiểu sao bà í gầy thế mà chị Miên lại mập quá trời.

- Hạnh này, lớn chả thích tí nào nhỉ, tao thích làm con nít như bây giờ. Mẹ tao bảo làm người lớn khổ lắm, như chị Miên ấy.

- Nhưng hay bị ăn hiếp lắm, mỗi lần làm toán không ra tao bị anh Tâm cốc đầu hoài.

Hà bật cười:

- Tại mày làm toán không ra chứ đâu phải anh Tâm ăn hiếp. Tao thích có anh hiền như anh Tâm của mày. Tao thích có em nữa, búp bê thì chỉ biết cười chứ chả biết khóc mày nhỉ? Tao chả thích em búp bê luôn.

- Mày thích nhiều thế?

- Mà chả có cái thích nào được cả.

Hạnh ngẩn người:

- Ừ nhỉ, chắc tại mày thích mấy cái khó quá.

Nắng đã dịu trên lối đi nhỏ vào vườn. Hạnh nhìn trời rồi nhảy phóc xuống đất.

- Thôi tao đi về đây, sửa soạn chút nữa đi chơi nữa chứ. Nhớ nghe Hà, tao với anh Tâm qua rủ mày đi nha. Thế nào mẹ mày cũng cho mà.

Hà nhảy xuống ghế theo Hạnh, hai đứa nắm tay nhau băng qua lối sỏi. Trước cửa nhà Hạnh cây mít đứng một mình hôm nay sao Hà cảm thấy buồn buồn. Hà lại vừa thoáng nghĩ đến lúc xa Hạnh đấy. Rồi chả biết Hạnh sẽ chơi với ai mai mốt nhỉ. Hạnh dễ thương thế thì hẳn là phải có nhiều bạn. Còn Hà thì chắc sẽ lủi thủi một mình như gốc cây này mất thôi. Ở cái xứ lạ hoắc ấy Hạnh có quen ai đâu. Con Hạnh bước vô nhà lâu rồi mà Hà vẫn còn đứng đây ngẩn ngơ. Là xanh đan vòm ở trên đầu Hà, nắng vương tơ trên ấy. Hà nghe như có giọng hót của con chim nhỏ quen quen nào nữa: chả biết rồi mai mốt sẽ có con bé nào đứng lại chỗ này như Hà không? Nó có lặng nhìn đám lá xanh tươi mát và nghe chim hót hay không? Hà thấy thắc mắc ghê đi. Mà Hà cũng hay nghĩ lẩn thẩn nữa, mẹ biết mẹ lại trêu Hà mất thôi. Nhưng tại mẹ đấy, ai bảo mẹ chịu về trên ấy với cô Dung làm gì? Mẹ bắt Hà phải xa ngôi nhà quen thuộc, vườn hoa bé tí và cái ghế xích đu êm ái. Hà lại phải xa luôn con Hạnh có cái răng khểnh, góc sân be bé đầy lá me rụng vàng vào mỗi dịp hè. Chao ơi sao mà Hà buồn thế này. Hà lại cắn móng tay. Ơ hay, cái con chim be bé nào cứ hót hoài cho Hà buồn thêm ấy nhỉ?

*

Chuyến xe ngày hăm ba Tết từ từ tiến vào thành phố, con đường nhỏ trải nhựa phẳng phiu chứ chả còn gồ ghề như hồi nãy. Hà thấy bên đường đi có những hàng cây ngay ngắn chạy dài dài cứ y như bìa rừng. Mà rừng gì kỳ thế? Hà níu tay mẹ chỉ ra ngoài:

- Cái gì kia cơ mẹ?

Mẹ cười:

- Đồn điền cao su đấy con, đó, mấy cái chén họ buộc vào thân cây cho mủ rớt xuống vào đấy.

Hà cứ tròn mắt lên mà nhìn.

- Ngộ quá mẹ ơi, đất ở đây đỏ lòm hà, dơ quá hở? Mẹ, đấy là cao nguyên đất đỏ phải không mẹ?

Mẹ nhìn Hà âu yếm:

- Phải đấy, con bé này láu lắm, chút xíu nữa gặp cô Dung tha hồ mà hỏi nhé.

Hà le lưỡi:

- Eo ơi, ghê...

- Gì mà ghê đó chó con?

- Hà nũng nịu:

- Con sợ cô Dung lắm.

Mẹ buồn cười véo vào má Hà:

- Bậy nào, cô Dung hiền mà thương Hà lắm, có gì đâu mà sợ .

- Mẹ, cô Dung có con gái không mẹ?

- Có mà, Hà chả sợ phải buồn nhé, con Chi năm nay chín tuổi này, thằng Hải được hai tuổi hơn, có em nhỏ vậy thích chưa?

Hà reo lên:

- Con thích em bé lắm, vậy mà xưa giờ con chả biết chứ. Em Hải nhỏ xíu chắc ngộ lắm mẹ há.

Và rồi Hà thấy lòng mình nao nức ghê đi, Hà sắp có em rồi sướng quá. Để rồi Hà sẽ viết thư cho con Hạnh kể chuyện bé Hải mí được. Chắc Hạnh sẽ thích lắm cơ. Hà thích nhìn đôi mắt của Hạnh tròn lên thế này này và đôi môi hồng thì cứ hay buột lên những tiếng suýt xoa mỗi lần nghe Hà kể chuyện. Buổi sáng này khi Hà đi, Hạnh buồn nên mắt cũng buồn theo, bàn tay nhỏ xíu cứ bám vào áo Hà mãi. Anh Tâm xách hộ mẹ cái va li nặng ơi là nặng. Anh cười với Hà, xoa đầu Hà lần cuối dặn là Hà phải nhớ anh với Hạnh thật nhiều cơ. Hà nhớ nhiều lắm chứ, anh Tâm gầy gầy có mái tóc bềnh bồng cứ y như là nghệ sĩ thôi nè. Hà chả biết nghệ sĩ là cái gì, chỉ bắt chước mẹ thế thôi, mà hễ mỗi lần nói đến chữ đó là Hà với con Hạnh lại cười khúc khích. Anh Tâm cứ tròn mắt lên nhìn rồi hét:

- Ơ hay, mấy con bé này điên ấy hở?

Anh Tâm mà hét thì chả đứa nào sợ, thầy giáo gì mà gầy nhom thế. Hà chắc anh bị học trò ăn hiếp dữ lắm. Anh cũng hiền như cô Thu của Hà vậy đó. Mà bây giờ Hà cũng xa cô mất rồi. Hà tiếc ghê là ngôi trường bé tí lợp ngói đỏ, lớp Hà ở cuối sân trường, đằng trước thì có một cây phượng bé tí. Có một con chim hay hót trước đó, Hà mải nghe chim hót ưa bị cô la lắm. Nhưng mà Hà cũng ngoan lắm chứ, bao giờ Hà cũng thuộc bài, làm bài đầy đủ hết. Chả như con Minh ngồi bên cạnh, bàn tay nhỏ cứ hồng lên những lằn thước kẻ. Hà nghĩ hoài cũng chả hiểu sao con Minh nó lười thế. Anh Tâm ghét đứa nào lười lắm, mẹ cũng vậy thế nên Hà chả dám lười đâu. Ai cũng ghét Hà hết thì chắc Hà khóc mất thôi.

Mải nghĩ Hà quên khuấy mất việc ngó lung ra hai bên đường. Xe đến nơi khi nào Hà cũng chả biết. Mẹ xách va li dục Hà xuống xe. Eo ơi là sợ, Hà nhìn quanh mình thấy cái gì cũng lạ hoắc hết. Tỉnh nhỏ có khác, xe cộ lưa thưa bụi bặm mà người ta thì cứ hay nhìn chòng chọc vào mẹ con Hà ghê đi. Tự nhiên Hà thấy ngường ngượng, mẹ cũng bối rối ngơ ngác hết mấy giây. Sau cùng thì hai mẹ con cũng gọi được chiếc xích lô. Mẹ nói địa chỉ cô Dung với ông phu xe trong khi Hà ngẩn ngơ theo dõi những sinh hoạt của thành phố nhỏ hẹp này.

Nắng buổi chiều vàng tươi, nồng nàn ghê đi, mấy ngọn cây cao thì đẹp quá làm Hà nhìn mãi. Con Hạnh nói Ban mê thuột có nhiều người thiểu số lắm. Hà cứ quay qua quay lại hoài để tìm cho ra mấy ông Thượng đóng khố vải và tay thì cầm mác như trong trí Hà tưởng tượng mà mãi chả ra. Mẹ thấy mặt Hà cứ ngớ ra thì buồn cười, ký vào đầu Hà một cái:

- Nghĩ gì mà lắm thế, bé con?

Hà so vai, nhìn mẹ:

- Ở đây ngộ quá mẹ à.

- Hà thích không?

- Con cũng chả biết nữa mẹ à.

- Khí hậu ở nơi đây hơi lạnh đấy, Hà lại được dịp diện áo len nhé.

- Con chả thích mặc áo len.

Mẹ chỉ một chị tóc dài ơi là dài, áo trắng quần trắng đứng bên lề đường đất đỏ. Chị mặc cái áo len xanh đậm nữa chứ, trông thật dễ thương. Gió buổi chiều lồng lộng thổi tung cả tóc, cả áo của chị phấp phới, bụi bay mờ quanh chị coi "thần tiên" ghê đi. Xứ gì mà bụi gớm, làm Hà chảy cả nước mắt, Hà nhớ hôm nọ anh Tâm gọi đây là xứ "bụi mù trời" cơ mà. Mẹ lại kéo tay Hà:

- Hà xem kìa, mặc áo len như chị kia có phải dễ thương không?

- Nhưng phải mặc áo dài cơ mẹ.

Mẹ bật cười:

- Con bé khó tính thì thôi, đến nhà rồi kìa, xuống trước đi, mẹ trả tiền cái đã.

Hà nhảy xuống đất, ngơ ngác nhìn căn nhà xinh xắn trước mặt. Nhà có rào gỗ, một cái sân con bé tí sạch sẽ. Trong sân có cây anh đào xanh lá, mùa xuân hoa nở nhiều quá, những chùm hoa hồng hồng đong đưa trong gió. Chưa chi Hà đã thích ngôi nhà này rồi đó, dễ thương hơn nhà cũ của mình nhưng chắc... buồn hơn. Hà nghĩ đến đó mặt xụ xuống phụng phịu, mẹ phải dắt tay Hà đi qua đường loay hoay mở cổng rào. Hai mẹ con tiến vào sân trong, mặt đất ở đây ẩm mềm như những hôm trời mưa. Hà bước trên mấy cái lá khô. Gớm, sao mà chúng kêu to thế nhỉ? Nhưng mà tim của Hà đập còn to hơn thế nữa cơ. Hà lúng túng quá đi, chả biết chút nữa đây Hà sẽ phải nói những gì nhỉ? Con Chi, thằng Hải đâu sao chả có đứa nào chơi ở đằng trước hết, Hà thắc mắc ghê đi.

Lúc mẹ bắt đầu gõ cửa thì Hà chạy vòng ra sau lưng mẹ, tay nắm chặt tà áo lụa của mẹ. Trời ơi sao mà Hà hồi hộp quá đi mất, thế mà mẹ lại khoe với bác Tầm là Hà dạn lắm đấy. Một cánh lá xanh rơi ngay vào đầu Hà, Hà buông áo mẹ ra nhặt lấy. Cánh lá dễ thương quá đi, Hà sẽ gởi làm quà cho con Hạnh và bảo nó, ấy, cây lá xứ Thượng đấy. Không biết con Hạnh sẽ làm gì với chiếc lá này nhỉ? Hà bâng khuâng nghĩ ngợi rồi vô tình đưa chiếc lá lên mũi ngửi, thơm thơm... Giữa lúc ấy, cửa bật mở, cô Dung tiến ra ồn ào khi thấy mẹ con Hà. Cô cười to quá, mẹ cũng cười, mẹ đẩy Hà về phía cô:

- Đây, cháu Hà của cô...

Hà bị du về phía trước loạng choạng, cánh lá xanh rơi ra khỏi tay nó, bay vòng vòng trên mặt đất và nằm im sau gốc Anh Đào lúc nào Hà chả biết.

*

- Trường này đây hà Chi?

- Ừ, dễ thương không?

Hà nghiêng đầu ngắm:

- Dễ thương thật.

- Vào trong dễ thương hơn chị Hà ơi.

Bé Chi nắm tay Hà, tung tăng bước. Hà đi theo bỡ ngỡ.

- Trường nhiều cây quá há Chi.

Hà thấy cây phượng to lớn gấp mấy lần cây phượng trước lớp ngày xưa của Hà tỏa bóng mát rợp một khoảng, ba bốn cây Sứ đứng thẳng hàng, sân trường sao mà rộng ghê đó.

Chi kéo Hà về phía sau:

- Chị Hà xem lớp của Chi nè, đẹp chưa?

Lớp học của Chi nằm ở đầu dãy, sát ngay cái vườn hoa thật đẹp, đủ loại hoa. Hà thích quá, ước ngay là mình được học chỗ này, Hà suýt soa:

- Thích quá Chi à, mai mốt chị được học chỗ này không nhỉ?

- Dãy lớp nhì ở tận đằng trước lận cơ, chị lại đây Chi chỉ cho.

Chi chạy trước, Hà nôn nao theo sau. Trời đất dịu dàng quá và không khí thì ướp men mật ngọt hay sao. Hà thấy lòng lâng lâng chỉ muốn được ca hót như con sơn ca bé tí kia. Bãi cỏ xanh mát, mượt mà dưới chân Hà, nắng rải đều một màu vàng óng trên đó, Hà nghĩ nếu mà hốt được một tí nắng ấy mà về may áo cho mẹ thì đẹp không biết ngần nào. Nắng ở đây dịu dàng óng ả quá đi, cả trên mái tóc Nhật bản của Chi cũng nhuộm đầy một màu óng ả đó nữa. Một dãy lớp học xinh xắn hiện ra trước mắt Hà với những khuôn cửa kính trong vắt. Hà nhảy ba bước một lên thềm cao, tì tay vào lan can, reo vui:

- Trời ơi, ở đây sướng hơn nhiều, xem kìa...

Chi mỉm cười trong khi Hà suýt soa. Ở đây thích quá đi, từ chỗ nầy Hà có thể trông ra bên tay phải là một hàng rào đầy những lá xanh. Kế đó, tượng Đức Mẹ trắng tinh dịu dàng đứng trên bục xi măng xây tròn trong một góc hơi tối của sân trường. Dưới bóng mát của những cây Sứ, Hà thấy dường như Đức Mẹ mỉm cười với Hà, nắng nhày múa lung linh trên đó đẹp quá. Chi bảo mùa hạ hoa sứ rụng trắng mặt đất, rải đầy trên vai, trên chân Đức Mẹ trông lại còn đẹp hơn nữa làm Hà chỉ nôn nao mong cho đến hè để được ngắm cảnh đó. Qua tết là Hà được ngồi học ở nơi đây rồi đấy nhé, Hà thích quá đi, chưa gì đã thấy thương ngôi trường xa lạ này rồi.

Buổi sáng mùa xuân đẹp hơn bao giờ hết, không khí đượm mùi thơm của những cánh hoa rực rỡ. Gió thổi trống không trên đầu Hà, nó uể oải ngồi xuống bãi cỏ kéo theo bé Chi.

- Mỏi chân quá Chi à.

Chi vẫn nhịp nhịp đôi chân:

- Chi thích chạy trên cỏ cơ.

Hà buồn cười nhìn con bé liếng thoắng ấy.

- Mẹ bảo con gái thì chạy ít thôi, để dành tí nữa ra phố xem người ta bán hàng Tết đi.

- Ừ, thì thôi vậy.

Hà ngồi bên cạnh Chi, hai đứa táy máy ngắt những cọng cỏ xanh non mềm mại. bầu trời thì trong vắt và xa thẳm qua những cành lá xôn xao trên đầu. Mây trắng trôi bềnh bồng hun hút tận cuối trời xa. Không dưng Hà lại thấy buồn buồn, chả biết giờ phút này con Hạnh đang làm gì nhỉ? Hôm nay 28 Tết nghỉ học rồi, buổi sáng trời đẹp thế này chắc Hạnh thế nào cũng đi chơi một vòng với anh Tâm ấy mà. Hay là Hạnh buồn, ngồi gọn trong chiếc ghế mây như con mèo con cũng không chừng. Hà nhớ lại cái phòng khách nhà con Hạnh, sang và đẹp quá chừng. Những cái màn hoa xanh mát giăng đầy, tủ kính bóng lộn, bàn ghế thì bự ơi là bự. Nhà con Hạnh ăn Tết thì khỏi chê, bánh mứt, rượu trà tùm lum cả ra, Hạnh nó sướng ơi là sướng. Giờ đây Hà như còn ngửi thấy cả mùi thơm của hộp bánh quế, những hạt sen vàng tròn tròn và cả mùi hoa huệ gay gay trên bàn thờ sáng choang ánh nến...

Những con bướm vàng lượn vòng lên hàng hoa tươi mát, lượn vòng trong nỗi nhớ không nguôi của Hà. Hà ngẩn ngơ nhìn theo cánh bướm, miệng hát vu vơ một bài hát cô Thu dạy khi xưa: "... bướm vàng lấp lánh chập chờn bay, bay trên cành, có ao xanh, áo đỏ uốn lả lơi nhịp nhàng. Bướm đậu trên ngàn. Bướm đậu trên ngàn. Trên ngàn tơ liễu biếc, mỹ nhân đưa mắt, thẹn cánh rung rinh..." Bé Chi vỗ tay thật to làm Hà vỡ mộng.

- Chị Hà hát hay quá, dạy em bài đó đi.

Mắt Chi tròn, tròn giống như mắt Hạnh, Hà thấy lòng mình nao nao sao đâu.

- Thủng thẳng rồi chị dạy cho Chi. Bây giờ về chưa? Về sửa soạn chiều đi chợ Tết với mẹ nữa Chi ơi.

- Nhưng Chi chưa chỉ cho chị Hà xem chỗ này nữa, ngộ lắm cơ.

Những nhánh tre cao vút đến hay chĩa ra trước mặt Hà, lá tre nhọn rụng đầy mặt đất, hai chị em nắm tay băng quá đám lá khô ấy, tiếng tre kêu răng rắc, tiếng lá xào xạc trong gió làm Hà cảm thấy vui tai. Khuất sau mái tưởng loang lổ là một khoảng đất trống, nơi đấy hai ba cây trúc đứng thẳng vàng hoe. Chi sờ sẫm thân cây, mắt sáng ngời.

- Đây này chị Hà, tên em khắc đó. Tụi bạn em đứa nào cũng tranh nhau khắc tên vào đây cả, đẹp không?

Hà ghé mắt nhìn, bốn chữ Trần thị Bích Chi nằm nghiêng vụng về bên những hàng chữ khác. Hà đọc được nhiều tên hay quá đi. Chắc mấy đứa này học cùng lớp với bé Chi đây. Hà thấy ngộ ngộ nên bắt chước lấy cây vạch, mãi mà chỉ được mấy chữ mờ mờ. Hà khắc cả tên con Hạnh vào nữa, kỷ niệm lần đầu Hà đến thăm trường mới đấy nghe Hạnh. Chi bảo Hà viết thêm ngày vào nữa để đừng quên ngày hôm nay. Hà thì Hà chả quên được đâu, mai mốt con Hạnh mà thấy được hàng chữ này thì thích biết bao...

Lúc về hai đứa đi ngang qua chợ, cái chợ nhỏ đầy những rác rưởi không như cái đường nhà cô Dung mỗi sáng đều có bác quét đường quét thật sạch lá. Từ sáng sớm, sương còn giăng trên những hàng cây cao bên đường là Hà đã thấy bác còm cõi trong màu áo quen thuộc. Hà cầu trời cho gió đừng làm lá rụng nhiều quá, chả ngày nào mà đường không ngập lá cả, chắc bác ấy phải ghét lá lắm đấy. Chi dẫn Hà đi vào mấy con đường nhỏ, hai đứa cứ nhìn hoài vào mấy hàng bánh mứt thơm phức. Hạt dưa thì đỏ tươi, dưa hấu chất đống lại xanh ngắt trông dễ thèm quá. Hà quên cả mỏi chân, chả thấy những ngón hồng hồng ấy đỏ lên vì lem lấm bụi đường nữa.

*

Buổi sáng của một ngày đầu năm Hà mặc áo mới màu xanh, chân đi đôi dép nhỏ, cô Dung lại gài cho Hà một cái hoa xanh có những tua dài rũ xuống thật đẹp nữa. Bé Chi cứ khen Hà dễ thương làm Hà mắc cỡ ghê đi, Hà cứ chạy ra rồi lại chạy vào, thấy bé Vũ đang ngồi nghịch xe hơi nhựa một mình lại "mi" vào cái má phinh phính của Vũ một cái. Lại sắp đến giờ đi lễ chùa rồi lại đi chúc Tết nữa cơ đấy, mà năm nay thì mẹ con Hà chả quen ai nên đành "tháp tùng" cô Dung đấy. Bé Chi hay hát lắm, từ sáng đến giờ cứ hát hoài. Mẹ bảo năm mới mà hát thế thì cả năm cứ hát hoài cho mà coi, coi chừng biến thành con chim đấy làm Hà với Chi cười quá.

Hà cắn hạt dưa đỏ cả môi, bánh kẹo thì ngọt quá nên Hà mau chán. Hà lựa một cái bánh thơm thơm cho bé Vũ và nói bé ăn dùm cho con Hạnh. Hạnh ơi, năm nay mày đi lễ chùa một mình vậy nhé, tao sẽ xin cho mày cười hoài thôi hà.

Chi rủ Hà chạy ra đầu đường chơi vì mẹ với cô Dung mà sửa soạn thì lâu phải biết. Hà buồn cười ghê đi, người lớn làm gì cũng lâu cả. Hai đứa dắt tay nhau thơ thẩn, đường phố hôm nay đẹp hẳn ra, cả người ta cũng thế. Chi cứ chỉ chỏ mấy cô áo xanh áo đỏ đi qua rồi cười khúc khích, nhái giọng bắc:

- Điệu ơi là điệu... chị Hà nhỉ?

Trời mùa xuân mát ơi là mát, Hà hít hít không khí vào lồng ngực. Hay nhỉ, mới hôm qua mà giờ đây Hà lại thêm một tuổi rồi. Hà tò mò ngắm Chi, con bé vẫn thế thôi chứ chả có gì hết, khi nào thì mình biết là mình lớn nhỉ? Hà thắc mắc ghê đi khi nhìn những bà già mặc áo lam lũ lượt đến chùa. Con đường nhỏ tấp nập xe cộ người đi, đứng đây Hà có thể trông thấy nóc chùa cong cong, có hai con rồng ngậm ngọc uốn khúc nơi đó nữa. Những chùm lá xanh cao vươn lên từ đó, Hà nắm tay Chi đong đưa:

- Một tí nữa tụi mình sẽ đến chùa làm lễ rồi hái lộc nhỉ?

- Chi chọn cành nào có hoa thật đẹp cơ, còn chị Hà thì sao?

Bụi mưa bay mơ hồ đâu đây, mỏng và thoảng nhẹ như khói sương. Lá xanh trong mắt, trong nỗi nhớ bùi ngùi, Hà không phân tích được những ý nghĩ trong lòng mình. Này Hạnh ơi, có phải trời mưa thì lá xanh không? Mùa xuân thì phải có mưa bụi cơ nữa mới đẹp. Chi cười với Hà nhưng Chi thì không có cái răng khểnh một bên, Hà nắm tay Chi tung tăng trên phố.

- Chị Hà thích một cành lá xanh, xanh thật là xanh Chi ạ. Nắng bừng vỡ một lần trên hàng sương lóng lánh. Mùa xuân về cho lá xanh mới, Hà nhìn Chi thật lâu. Hình như có con chim khuyên nào đang hót bên Hà thật đấy Chi dễ yêu.


ĐỖ THỊ HỒNG LIÊN   
(Nhóm Giao Hữu)      

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 172, ra ngày 1-3-1972) 



Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

ĐỪNG QUÊN CHIM HÓT - Hoa Cỏ May

 

Em hãy mặc chiếc áo này ăn Tết
Đừng so đo và vòi vĩnh hơn nhiều
Dù chung quanh, bè bạn dáng yêu kiều
Trong sắc áo thơm tho mùi lá mới

Em hãy để cho tâm hồn phơi phới
Như trời trong nắng rọi thắm hoa hồng
Đừng ưu tư về một chút phấn hồng
Không có được vì thiếu tiền mua sắm

Em hãy cứ huyên thuyên đừng im lặng
Để nụ cười dễ mến vắng trên môi
Mắt chớ buồn thấp thoáng ánh xa xôi
Khi trước mắt bao nhiêu là công việc

Khi trách Mẹ một lần em phải biết
Mỗi sáng, trưa nội trợ rất âm thầm
Một tuổi đời xấp xỉ sáu mươi năm
Chưa một phút được ngừng tay thoải mái

Ở quanh em mùa xuân vàng hoa trái
Những con chim có tổ cũng vui rồi
Những con thuyền sau năm tháng xa khơi
Đã quày quả cánh buồm thăm bến cũ

Em hãy vui như chim, đừng ủ rũ
Hãy như thuyền hớn hở sóng bình minh
Để sớm mai, mồng Một, rất thanh bình
Em châm pháo, hát bài "Chào Xuân Mới"

                                                   HOA CỎ MAY
                                           (văn đoàn Học Sinh Sàigòn)

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 195, ra ngày 15-2-1973)




Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

XUÂN VỀ BÊN EM - Hoài Nam Toản

 











    
Xuân tới cho ngày mới
Xuân về cho ngát hương
Cho nắng lên phơi phới
Cho em thêm tuổi hồng

Cho trời xanh mở rộng
Cho chim vui hót ca
Cho lá xanh ươm mộng
Cho ngày tháng ngọc ngà

Cho miệng thơm mùi mứt
Cho môi đỏ màu dưa
Cho em lời khai bút
Mồng một xuân đầu mùa

Cho mắt em biêng biếc
Cho môi cười thật tươi
Cho đôi chân nhẹ bước
Vào thiên đường đón mời.

                     HOÀI NAM TOẢN

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 76, ra ngày 11-2-1973)


Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

TRUYỆN MỘT CON MÈO VÀ GIA ĐÌNH CHUỘT - Thúy Vũ

 

I

Gia đình chuột Lắt có năm người: Cha chú, mẹ chú, chú Lắt và hai cô em gái.

Giống như tất cả mọi gia đình chuột đồng khác, nhà chuột Lắt có hai... bin đinh: một ở ngoài đồng để ngắm bầu trời trong xanh mùa Hạ và một gần đó, trong nhà một ông chủ trại, để trốn khi giá lạnh mùa Đông.

Một buổi chiều mùa Hạ, cả nhà hết sức ngạc nhiên khi thấy một gói nhỏ ngồ ngộ trong nhà, một gói nhỏ lông trắng, có hai lỗ tai cúp, bốn bàn chân nhỏ xíu và đôi mắt nhắm nghiền. Gói lông trắng kêu "M... eo" một tiếng yếu ớt, à! Cả nhà hiểu rồi, một con mèo nhỏ bị lạc, không cha, không mẹ, không tên. Hai cô chuột nhỏ kêu:

- Chít, chít! Tội nghiệp con mèo con.

Chuột lắt la lên:

- Chít! Ba ơi, Ba! Cho con nuôi con mèo này nghe!

- Nhưng mà, một con... mèo. Hừ! Hừ!

Mẹ chú tỏ vẻ do dự.

Ba chú cười xuề xòa:

- Có sao đâu! Nuôi chú chàng thành một con chuột ngoan ngoãn, không bao chú chàng biết được chú là một con mèo. Như vậy, hà hà, rồi cả nhà coi, cũng có lợi lắm chứ.

Chuột Lắt lại la lên:

- Chít! Vậy ta kêu nó là con Tý nghe ba!

Thế là Mèo con có một gia đình và một tính danh.


II

Khi chú Tý mở được cặp mắt xanh trong ra thì chú đã tập quen sống một cuộc đời nhà chuột. Ăn lúa ngoài đồng, uống nước ao, rình bắt côn trùng sâu bọ và cuộn mình ngủ chung với ba anh em nhà chuột của chú. Chuột bố, chuột mẹ thỉnh thoảng lại đứng ngắm cảnh thân thiết của bốn đứa con một cách hạnh phúc.

Một bữa chuột Bố chỉ cho chú Tý thấy một con mèo (dĩ nhiên là ở tuốt đằng xa), con mèo đầu tiên trong cuộc đời chú, không quên dặn chú nhớ ba chân bốn cẳng chạy cho lẹ mỗi khi gặp cái giống đang đi một cách uyển chuyển đó, cũng như giống chó và giống... người vậy.

Chú Tý co rúm người lại khi nghe những lời dạy dỗ của ông Bố nuôi. Dầu sao chú cũng chỉ là một con mèo nhỏ... nhỏ xíu.

Chú Tý ăn cắp đồ ăn dở lắm, nên chuột Lắt và hai con gái cứ phải chia đồ ăn cho chú hoài. Nhưng chú Tý rất có ích trong việc đánh lạc hướng ông Tam Thể già trong nhà. Chú bắt chước kêu meo meo vì từ trước đến giờ chú vẫn kêu chít chít như các con chuột kia. Bắt chước được dễ dàng, chú tưởng mình là một thiên tài, khoái chí cười "kít kít" với các em. Chú núp trong một góc tối rồi bắt đầu "Meo... Meo". Ông Tam Thể nghe tiếng kẻ lạ, lồng lên chạy khắp nơi để tìm kiếm tên địch, quên cả nhiệm vụ canh gác. Thế là chuột Lắt và hai cô em gái tha hồ khuân trộm thức ăn về ổ.

Tội nghiệp ông Mèo già. Rõ ràng là ông có nghe tiếng mèo kêu. Ông cũng ngửi thấy mùi lông mèo nữa mà. Một con mèo lạ trong nhà! Dễ giận chưa! Đôi khi ông còn thấy hai con mắt xanh lè lóe sáng trong bóng tối. Vậy mà, chưa bao giờ ông được trông nó tận mắt, con mèo lạ kia. Làm sao ông biết được chú Tý không nghĩ chú là một con mèo, và mỗi khi gặp ông, chú đều hoảng hồn cong đuôi chạy như những con chuột khác.


III

Chú Tý càng ngày càng lớn. Đó là một chú chuột "ngoan ngoãn" và yêu đời. Chú khoái ăn fromage, ăn mỡ và, chà chà! những mẩu bánh vụn mới ngon làm sao. Chú đánh hơi khoai tây rất tài và lần nào cũng dẫn ba em chuột đến thẳng chỗ đựng vỏ khoai. Vậy mà chú không ăn bao giờ vì một lẽ giản dị là khoai tây không phải thức ăn của mèo. Chuột Mẹ hài lòng lắm... Bà tuyên bố:

- Khoai tây bổ lắm nhưng con Tý rất ngoan. Nó không bao giờ ăn những gì không hợp với nó.

Còn chuột Bố luôn luôn gật gù, miệng ngậm pipe:

- Thì tôi đã nói với bà mà. Nó là một đứa trẻ ngoan ngoãn.


IV

Một ngày, chú Tý uể oải chui ra khỏi cái giỏ giấy vụn, nơi chú vừa đánh một giấc trưa ngon lành, thì bắt gặp bọn con nít nhỏ trong nhà, cậu Phương và cô Uyển.

"Chít", chú kêu lên một tiếng kinh hoàng, rồi cong đuôi chạy theo bức tường và chui vào lỗ chuột.

- A, một con mèo con.

Cô nhỏ la lên, vừa đúng lúc chú Tý chui tọt vào lỗ. Cậu Phương ngạc nhiên:

- Mà sao nó làm gì giống như chuột vậy?

Hai vị con nít nhỏ bèn mưu tính xếp đặt một cái bẫy.

Đêm đó, chú Tý vừa thò đầu ra ngoài lỗ thì đụng ngay một vật gì đặt trước mặt. Chú đánh hơi. À ra một cái đĩa, trên có chất gì long lỏng.

- Cái gì đây? Chú thắc mắc.

Chuột Lắt cũng không biết nữa. Nó rụt rè nhấm nháp rồi nhăn mặt, vuốt râu:

- Ứ, ừ, dở ẹc! Chả ngon chút nào.

Chú Tý nếm thử một chút, rồi một chút nữa, rồi chút nữa... chút nữa... đến lúc đĩa nhẵn sạch.

- Mm Chú chép miệng Thơm quá!

Chuột Lắt hăm dọa:

- Chết mày rồi! Chắc là thuốc độc. Rồi mày sẽ bị đau bụng cho coi.

Nhưng mà đâu có phải. Bậy bạ, đâu có phải thuốc độc. Sữa đó mà.

Và rồi cứ mỗi đêm, chú Tý lại bắt gặp một đĩa sữa để ở chỗ cũ ngay trước hang chuột. Lần nào chú cũng uống cạn không còn một giọt.

Sáng nào cậu Phương và cô Uyển cũng reo lên mừng rỡ:

- A! Nó chịu uống! Nó uống hết rồi!

Rồi họ bắt đầu đặt dĩa sữa ban ngày.

Ban đầu, chú Tý chỉ rình khi không có mặt hai cô cậu nhỏ mới chịu uống. Dần dần, chú bạo gan hơn và giả lơ như không biết đến bọn nhỏ. Cuối cùng, chú chịu cho bọn họ đến gần.

Một bữa, chú ngạc nhiên khi thấy mình nằm gọn trong tay cô Uyển từ bao giờ. Chú không nổi khùng. Chú im lặng ngoan ngoãn. Chợt chú cảm thấy một chuyển động suốt sống lưng chú. Chú Tý kêu gừ gừ. Và chú rùng mình, cái rùng mình đầu tiên của một con mèo. 

Cô Uyển và cậu Phương đem chú lại một tấm gương lớn treo trên tường. Chú thấy ô kìa, một con mèo trong tay cô Uyển. Vậy mà chú tưởng là chú chứ. Chú hoảng hồn kêu "kít" nhưng mà lạ thay, cổ họng chú lại phát ra một tiếng "meo", giản dị và tự nhiên.

Chú Tý chợt hiểu. Chú không phải là một chú chuột mà là một con mèo, một con mèo như ông Tam Thể. Mèo con chạy u lại chuột Mẹ, kêu lên:

- Mẹ ơi, con là con mèo thực sao?

- Chính thế, con ạ.

Chuột mẹ âu sầu đáp. Rồi bà kể hết lịch sử đời chú cho mèo con nghe. Mèo con ngơ ngẩn, lòng buồn bã.


V

Mèo con bắt đầu sống đời thực của nó. Cuộc đời một con mèo. Cậu Phương và cô Uyển cho nó uống toàn sữa ngon và không hề hoảng sợ khi nghe nó kêu meo meo hoặc gừ gừ.

Tuy vậy chú Tý không quên gia đình cũ.

Tối tối chú nằm ngủ luôn luôn ôm con chuột bằng cao su cũ của cô Uyển. Chú đến thăm gia đình chuột thường xuyên, ăn fromage và kêu "chít chít" để nhớ lại ngày còn bé. Chú cũng canh chừng ông Tam Thể để lũ chuột khuân trộm đồ ăn.

Chuột Bố hài lòng lắm, ông thường khề khà nói với vợ, chừng như để kể công ông đã bằng lòng cho nuôi Mèo con:

- Ồ! Tôi đã bảo mà. Chuột Tý rất có lợi cho gia đình ta. Thấy chưa?


THÚY VŨ                      
mùa xuân Nhâm Tý               
(kể theo một chuyện cổ tích Tây Phương)


(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 21, ra ngày 5-3-1972)