Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

CHƯƠNG BẢY_GIÓ THOẢNG


bảy


Bây giờ là buổi chiều; buổi chiều ở đây có những sợi nắng chạy dài từ khoảng trời xa tắp, lọt qua màn sương mỏng trên cao đi xuống từng cánh đồng café xanh ngát. Một vài giọt nắng bay nhảy trên tóc tôi, lọt qua kẻ hở của tóc rơi xuống bờ vai đậu lại thật ấm. Trên băng ghế dựa đặt trong khu vườn trồng toàn hoa hồng này, tôi nghe mùi hương dịu dàng thoảng theo gió, và tầm mắt tôi có thể thả đi thật xa, cuối cánh đồng xanh mượt lượn là theo gió như cơn sóng. Tôi có cảm tưởng như tâm hồn mình nhẹ nhàng thả trôi theo những mộng mê tuyệt vời màu xanh đó. Sau ngày xảy ra tai nạn của Nghiệp, chúng tôi đến đồn điền này nghỉ dưỡng sức theo lời mời của ông Hùng. Nhờ ơn trên Nghiệp đã phục hồi sức khỏe một cách mau chóng. Giờ đây anh có thể tự do một mình lui tới như mấy hôm đầu ở nhà thương về. Chỉ còn cánh tay phải của anh là băng bột trắng xóa, buộc một sợi dây treo lên cổ, như để nhắc nhở cho anh một kỷ niệm toát mồ hôi lạnh vì biểu diễn xe. Cũng vì kỷ niệm toát mồ hôi lạnh đó mà lễ thành hôn của anh và Sa-Lyn đáng lý đã diễn ra sau cuộc biểu diễn xe nhưng phải hoãn lại cho đến ngày hôm nay.

Từ sáng đến giờ mọi người trong gia đình ông Hùng nô nức sửa soạn trang hoàng để mừng đám cưới. Tránh cái không khí sôi động đó, tôi đã trốn ra ngồi một mình ở khu vườn này, tìm một chút lắng đọng cho tâm hồn. Tôi sung sướng thấy cuộc hôn nhân của Sa-Lyn và Nghiệp sắp thành tựu. Ngày mai đám cưới tôi sẽ là cô dâu phụ bên cạnh Sa-Lyn trong những giây phút đẹp nhất đời con gái. Như thế tôi sẽ trút bỏ được những cắn rứt dày vò tôi trong những ngày trước tình yêu chợt đến với Nghiệp. Tôi sẽ giữ mãi được kỷ niệm đẹp về những ngày đặt chân đến xứ lạnh thơ mộng này. Và tin chắc rằng mình đã có được những người bạn chân tình, những người bạn thật đúng nghĩa. Chiều dịu dàng xuống dần trong mắt tôi thật bình thản không máy động lên nỗi buồn như những con ngựa đang nhai cỏ trước mặt thật thư thái, thật bình thản. Những con ngựa thân yêu đó buổi sáng thường đưa chúng tôi đi vòng quanh đồn điền. Thật thích thú khi ngựa đi chậm, người ngồi trên lưng ngựa có thể ngắm tất cả vẻ đẹp của vạn vật vươn lên buổi sáng. Hoài vốn không ưa đi ngựa nên thường hay chuồn về Đàlạt, hoặc ra những đồi thông, bờ hồ ghi lại những cảnh đẹp qua nghệ thuật chụp ảnh tuyệt vời của anh mà bây giờ mọi người dù khó tính như ba tôi, cũng đã công nhận. Từ vụ tai nạn xe của Nghiệp, mấy tấm hình Hoài chụp đã làm cho tên tuổi anh nổi lên như cồn. Tất cả những tờ báo lớn ở Saigon, cũng như một vài hãng nhập cảng xe ngoại quốc đã gọi điện thoại lên xin anh cung cấp hình.

Những ngày nhàn rỗi ở nơi xứ lạnh này Hoài đã chụp cho tôi rất nhiều hình, đủ kiểu. Chúng tôi dự định sẽ viết một cuốn truyện dài nhan đề
Gió thoảng”. 

Tôi sẽ cố gắng diễn tả câu chuyện hết sức sống động và nên thơ như đời sống chúng tôi. Nhân vật chính cho câu chuyện đương nhiên là tôi, rồi đến Nghiệp, Sa-Lyn và Hoài. Tất cả phải có mặt trong tác phẩm đầu tay này, coi như bước đầu tôi đặt chân vào làng văn, trận bút. Chưa chi mà tôi đã tưởng tượng cuốn sách đó tôi cầm trên tay. Bìa trình bày trang nhã, đẹp mắt, với cái tựa lớn ở giữa. Ở trên một chút tên của chúng tôi được kẻ thật rõ: Truyện của Kim-Anh. Hình ảnh của Lê-Hoài. Lần đầu tiên tên của chúng tôi đứng chung với nhau... Có lẽ đây là bước đầu của một sự hợp tác hứa hẹn cho tương lai. Biết đâu?

Đang vẽ vời những hình ảnh đẹp trong đầu, bỗng nghe tiếng gọi từ trong nhà vọng ra. Hoài trước cửa thềm đưa tay vẫy tôi. Bước đến chỗ Hoài tôi hỏi:

- Chuyện gì vậy anh?

Hoài ấm ớ:

- Không hiểu. Ông Hùng cần gặp mọi người ở phòng khách.

Tôi theo Hoài bước vào. Trong phòng khách ba tôi và ông Hùng đang vui vẻ nói chuyện với nhau. Sa-Lyn thật sáng sủa, hớn hở bên cạnh Nghiệp. Chỉ có bà Hùng ngồi trầm ngâm giữa phòng khách trên chiếc ghế bành, nhưng gương mặt của bà không thiếu niềm vui. Thấy chúng tôi mọi người cười niềm nở; Sa-Lyn nhoẻn miệng cười:

- Mời quý vị tìm ghế an tọa.

Chúng tôi ngồi xuống ghế cạnh Nghiệp và Sa-Lyn. Tôi cảm thấy như có chuyện gì quan trọng sắp được nói ra. Ba nhìn chúng tôi nở nụ cười tinh quái chứng tỏ có chuyện gì khác thường. Căn phòng bỗng dưng im lặng, thứ im lặng đồng lõa với một điều gì bí mật được giấu kín thật kỹ; tôi thấy mình như bị mê hoặc bởi bầu không khí chờ đợi này... Nhưng tôi không chờ lâu. Ông Hùng bước lại cái bàn nhỏ trong phòng khách nhìn đống giấy tờ phơi bày ra trên đó, rồi ông ngước lên nhìn mọi người, giọng trầm trầm chen lẫn niềm vui:

- Tôi muốn các bạn có mặt đông đủ ở đây, buổi chiều giáp ngày đám cưới của con chúng tôi, vì muốn nói với các bạn hai chuyện: thứ nhất là cuộc biểu diễn xe tưởng chừng đâu đã thất bại với tai nạn suýt nguy đến tánh mạng của Nghiệp, nhưng đã đem đến kết quả không ngờ. Các chuyên viên ngoại quốc đến quan sát xe của Nghiệp và vị trí xảy ra tai nạn. Họ đã xác nhận xe rất tốt, không có điều gì sơ suất cả. Tai nạn xảy ra hoàn toàn do yếu tố phụ thuộc, vì con đường vừa mở xuyên qua những đồi thông có nhiều chỗ đất lở. Và bánh xe Nghiệp đã vấp phải một trong những chỗ đất lở đó. Xe đã lăn đến mấy vòng trước khi đụng vào thân cây ở khúc quanh. Ngoài hai tấm kính chiếu hậu vỡ nát và một vài bộ phận nhẹ bên ngoài gãy, không có gì đáng chú ý. Kể như xe hoàn toàn tốt. Các nhà chế tạo ngoại quốc đã cấp cho chúng ta giấy ban khen để tiếp tục phát triển hãng.

Mọi người nhìn nhau trong niềm hân hoan. Ông Hùng đưa mắt nhìn Nghiệp tiếp:

- Nghiệp con, sau vụ biểu diễn xe vừa qua con đã quyết định không bao giờ tham dự đua xe nữa. Ba thông cảm và chấp nhận điều đó. Con có thể hãnh diện về những nỗ lực của con đã đóng góp vào hãng xe của gia đình sau mấy năm xây dựng cơ sở. Đây chỉ là bước đầu, trong tương lai chúng ta có thể phát triển hết mức, từ chỗ chế tạo xe gắn máy đến chỗ chế tạo xe hơi. Đây không những là điều vẻ vang cho gia đình chúng ta, mà còn cho nền kỹ nghệ nước nhà nữa.

Sa-Lyn say sưa nghe ông Hùng nói. Khuôn mặt nàng đã hồng lại càng hồng hơn khi nhìn Nghiệp bằng đôi mắt cảm phục âu yếm. Ông Hùng vừa ngưng nói thì Hoài đưa máy ảnh lên, ánh sáng từ chiếc đèn lóe ra. Hoài nói:

- Đây là tấm hình đầu tiên của nhà sáng chế nổi danh tại Việt Nam.

Ba tiếp lời Hoài:

- Nếu ông Hùng muốn thì chúng tôi là người đầu tiên cho báo chí và mọi người biết đến vụ xe cộ này.

Ông Hùng mỉm cười:

- Chúng ta cùng nhau sống những giây phút hồi hộp, lo âu qua cuộc biểu diễn xe, cho nên các bạn là người đầu tiên phổ biến công việc làm của chúng tôi là một điều rất phải. Tôi rất lấy làm sung sướng nếu được như vậy! Tuy nhiên tôi chưa hết lời, còn một chuyện thứ hai tôi muốn tiết lộ hôm nay liên quan đến Sa-Lyn, con dâu của chúng tôi.

Mọi cặp mắt đổ dồn về Sa-Lyn sau câu nói của ông Hùng. Sa-Lyn hơi cựa mình một chút trên ghế, mặt cúi xuống nhìn đôi bàn tay xoắn xuýt vào nhau; dù e thẹn nhưng Sa-Lyn vẫn chăm chú theo dõi câu chuyện của ông Hùng hơn ai hết.

- Sa-Lyn, như con thường nghe nói, con thuộc dòng dõi của hoàng tộc Chiêm-Thành... Nhưng có một điều con không bao giờ biết được, là khi con vừa lên được một tuổi, cận vệ thân tín của ba ruột con đã trao cho ba cái vinh dự lo lắng cho con, sau khi ba con bị giặc Tây giết. Hai vợ chồng ba nhận con với hai phong thư niêm cẩn thận. Lá thứ nhất đề: chỉ mở ra trước ngày đám cưới của Sa-Lyn, công chúa cuối cùng của vương tộc. Phong thư thứ hai kể lại cái chết oai hùng của ông nội Sa-Lyn về việc giữ lại gia bảo của vương tộc.

Nét mặt Sa-Lyn xanh xao vì cảm xúc, hai tay mềm mại bám chặt vào thành ghế, có lẽ nàng đang khóc vì sung sướng, cũng như đau xót cho sồ phận bạc bẽo của tổ tiên mình. Tôi là người ngoại cuộc mà không đè nén được nổi xúc động, huống hồ là Sa-Lyn. Cạnh tôi Hoài không bỏ sót mỗi một cử chỉ, hay nét mặt nào mà không ghi lại bằng hình ảnh.

Ông Hùng đưa mắt nhìn Sa-Lyn, giọng vui vẻ và tự nhiên hơn:

- Sa-Lyn, “công chúa” của ba. Con nên hãnh diện và vui lên. Theo di chúc thứ nhứt để lại thì con là người đàn bà giàu nhứt Việt-Nam hiện nay.

Nói xong ông Hùng bỏ đi lại một bức tường cạnh đó. Ông trịnh trọng gỡ bức tranh vẽ hình tháp Chàm xuống. Ở nơi đó hiện ra một lỗ hổng nhỏ. Chúng tôi theo dõi không bỏ sót một chi tiết nào, từ những cử động nhỏ nhặt của ông. Đưa tay vặn cái nút nhỏ bên trong lỗ hổng, tự nhiên cái kệ sách dựng đứng một bên vách tách rời ra làm hai. Bên trong hiện ra một valise bằng sắt vuông vức khoảng bốn gang tay, với hai chiếc chìa khóa bằng vàng lấp lánh cột ở hai quai xách. Ông Hùng gỡ hai chiếc chìa khóa ra trao cho Sa-Lyn. Tôi chú ý trên hai chìa khóa được khắc hình một vũ nữ đang xòe tay múa thật tinh vi. Sa-Lyn hồi hộp bước đến tra khóa vào ổ. Một tiếng cách nhẹ nhàng, valise được mở ra, ánh sáng lóng lánh từ bên trong valise chiếu ra. Chiếc valise đầy ấp những thứ vàng ngọc và nữ trang quý báu mà tôi chưa bao giờ được nhìn thấy. Cũng như tôi mọi người đều hốt hoảng trố mắt nhìn.

Tránh ra xa khỏi Sa-Lyn một khoảng, giọng ông Hùng nghiêm trang:

- Tất cả các bạn có mặt hôm nay, tôi xin các bạn giữ bí mật tuyệt đối giùm về gia tài vĩ đại này của Sa-Lyn. Những di vật này đã được bảo vệ bằng xương máu của vương tộc Chiêm-Thành. Gia tài không những có giá trị về mặt lịch sử, khảo cổ, văn hóa, mà còn về mặt tinh thần đáng cho chúng ta hãnh diện. Hôm nay tôi đã nói hết những gì tôi đã giữ kín trong lòng từ mười chín năm nay. Tôi tin tưởng các bạn đã hiểu và ý thức được những gì tôi tiết lộ.

Chúng tôi đưa mắt nhìn Sa-Lyn đang cầm từng báu vật ngắm nghía trên bàn tay run run không đè nén được nỗi sung sướng, trên bàn tay nhỏ bé trắng muốt của nàng ngời ra những hào quang óng ánh...

* 

Mọi người ngồi lại nói chuyện trong phòng. Tôi và Hoài nhẹ nhàng rút ra vườn. 

Chiều đã hết, bóng đêm phủ ập xuống cỏ cây; bóng đêm giăng đầy trên những chiếc lá cây ngái ngủ. Chỉ riêng những nụ hoa hồng như còn tỉnh thức để tỏa hương thơm dìu dịu theo gió. Bàn tay mỏng manh của tôi ấm áp nằm gọn trong lòng bàn tay rắn chắc của Hoài. Tôi nhớ một bản nhạc nào đó thật xa, nhưng thật hợp với tâm trạng chúng tôi giờ phút này: “Bàn tay năm ngón nhỏ đan tay rắn sông hồ.  Ta nhẹ dìu nhau trong tiếng thở cho hồn thương nhớ thuở đợi chờ”. 

Ngồi cạnh tôi Hoài không nói một lời nào, tôi cũng thế, nhưng tôi biết chắc một điều hương thơm của hoa hồng đang phủ ngập chúng tôi.

Bóng Hoài ngập ngừng quay lại nhìn tôi thật sâu, trong ánh mắt sáng ngời niềm vui:

- Anh muốn nói với Kim-Anh một chuyện.

Tôi mỉm cười nhìn ra xa:

- Chắc anh cũng muốn tiết lộ một điều bí mật chứ gì?

- Không! Không có gì bí mật hết, nhưng... cũng gần thế. Vì nó là tiếng nói lặng chìm trong anh từ bao lâu nay bây giờ mới có dịp thốt ra.

Tôi hiểu Hoài muốn nói gì, tôi giả vờ xoay qua câu chuyện khác:

- Phải anh muốn nói đến cô Ánh-Nga, cô làm mẫu hình cho anh trong chuyến đi Phan Rang, Phan Thiết sắp tới không?

- Anh đã hủy dự định đó rồi.

- Sao vậy?

- Vì Ánh-Nga là một người mẫu chỉ có nét diễn xuất, chứ không có tâm hồn đối với người sáng tạo.

- Anh nói như thế nghĩa là sao?

- Anh đã tìm được một người mẫu thật đắc ý đầy đủ hai phương diện – tinh thần lẫn nét diễn xuất.

Tôi vẫn đưa Hoài vào thế kẹt:

- Anh muốn nói đến Sa-Lyn phải không?

Hoài tỏ vẻ khó chịu:

- Sao lại Sa-Lyn? Đối với anh câu chuyện vừa rồi về Sa-Lyn, về những di vật quý báu không ăn nhập gì hết. Nó quá xa xôi, ngoài tầm tay của anh. Vả lại Sa-Lyn với anh cũng chỉ là một người bạn thân mà thôi.

Tôi hơi lúng túng khi buông ra câu nói:

- Vậy anh muốn nói đến người con gái nào được hân hạnh anh chấm đầy đủ hai phương diện?

- Kim-Anh....

Hoài chưa nói hết lời thì một bóng trắng từ thềm nhà thoăn thoắt bước ra. Cái bóng thật mảnh mai, thật dịu dàng của Sa-Lyn tiến đến gần chúng tôi. Sa-Lyn với nụ cười như nụ hoa hồng trên môi, đôi mắt ngời sáng. Trong tay nàng óng ánh một sợi dây chuyền mỏng manh có gắn hột màu xanh chói lòa. Sa-Lyn cầm tay Hoài lên và đặt sợi dây chuyền đó vào lòng bàn tay anh. Hoài chưa hết bỡ ngỡ Sa-Lyn đã nói:

- Sa-Lyn biếu anh sợi dây chuyền này để làm kỷ niệm. Anh Nghiệp cũng như Sa-Lyn sẽ không bao giờ quên ơn anh đã cứu anh ấy trong tai nạn vừa qua. Sợi dây chuyền này được sử dụng trong vương tộc, dành cho con trai đeo vào cổ người yêu mình làm vật đính ước. Anh có thể tặng cho người con gái nào mà anh yêu nhất đời.

Nói xong Sa-Lyn kín đáo nhìn tôi và quay gót nhanh vào bên trong. Tôi và Hoài nhìn nhau bỡ ngỡ; bỡ ngỡ của phút giây ban đầu. Tôi cúi xuống tránh đôi mắt anh thoát ra hơi ấm nồng nàn bao phủ lấy tôi. Hoài tháo sợi dây chuyền trong tay tròng vào cổ tôi. Tiếng anh nhỏ và ấm:

- Anh yêu em!...

Tôi không còn nghe gì nữa hết! Không gian thật yên lặng mở ra trước mắt chúng tôi vùng ánh sáng, dẫn đến một khu vườn hồng lên rực rỡ. Tôi nghe thoang thoảng tiếng chim hót vui bên kia ngọn đồi.

* 

Buổi chiều một mình trong vuông phòng bé nhỏ này, tôi đã viết xong chương cuối cuốn truyện dài: Gió thoảng. Tôi chờ Hoài đến để đọc lại một lần nữa, bổ khuyết những chi tiết mà tôi chưa nói hết. Những lúc mệt mỏi vì con dốc vật chất bủa vây cuộc sống, tôi thường lấy những tấm hình Hoài đã chụp Sa-Lyn và tôi những ngày ở Đà-Lạt được đặt trang trọng trong cuốn Album lớn, xem kỹ, từng hình ảnh một. Cuộc đời phải chăng là một chốn đọa đày?! Hình ảnh nàng “công chúa” Sa-Lyn người bạn chí thân của tôi, giọt máu của một dân tộc bị đọa đày đến cực điểm, ăn sâu trong tâm trí làm cho tôi luôn luôn vượt lên được những con dốc vật chất, những khổ đau tầm thường của cuộc sống. Qua cánh cửa sổ nhỏ trước mắt tôi, mây trắng đang phiêu lãng trên bầu trời xanh. Mãi mãi cho đến cuối đời; tôi tin rằng bầu trời vẫn còn xanh... Và cuộc đời chúng tôi, nói chung những người tuổi trẻ nhìn bầu trời đó đầy ấp những niềm tin vươn lên.




Ngõ hẻm Nguyễn Thông tháng 06-1971
PHƯƠNG SƠN                 
             

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

CHƯƠNG SÁU_GIÓ THOẢNG


sáu


Khởi điểm của cuộc biểu diễn xe gắn máy sáng nay được tổ chức trên một khoảng đất rộng nằm trong khu vực đồn điền của ông Hùng chứ không phải ở trong sân vận động như đã sắp đặt từ trước. Ở đây xe phải chạy qua những đường đất vừa được mở quanh co, lên xuống vắt ngang những ngọn đồi bên kia rừng thông. Các tay lái dự cuộc biểu diễn này đều đã mang những chiến thắng trong nhiều cuộc đua xe ở Saigon trước đây. Họ phải thật “chì”, xe phải thật an toàn mới mong khỏi bay xuống hố hay đâm đầu vào các thân cây ở những khúc quanh nguy hiểm.

Khoảng đất thật rộng, nhưng hầu như không chứa đủ những du khách từ các vùng phụ cận tấp nập đổ về. Nhất là những người trẻ tuổi không thiếu vào những cuộc tổ chức có tính cách khích động bầu máu nóng, phiêu lưu của họ.

Tôi đưa mắt nhìn sáu chiếc xe gắn máy còn mới toanh dựng thành hàng trước khán đài quan khách danh dự, nối liền với một con đường nhỏ chạy ngang sân cỏ lát đá bằng phẳng. Khúc đường này không tráng nhựa nhưng được ban tổ chức làm thật bằng tựa hồ như không còn một hột bụi. Nhưng đằng xa kia con đường vắt qua những sườn đồi hiện ra lờ mờ xám xịt dưới ánh sương mai. Biết bao nguy hiểm đang chực chờ những tay đua ở đó. Sáu chiếc xe với đồ phụ tùng nội hóa có bảo đảm an toàn không? Chút nữa đây Nghiệp sẽ ra sao? Vinh quang có dừng lại ở mức cuối cùng như ý anh muốn không?

Bên cạnh tôi Sa-Lyn đang lững thững đi lại trên bãi cỏ xanh dưới khán đài. Lâu lâu nàng đưa mắt nhìn những chiếc xe trước mặt. Mặc dù tỏ dáng bình thản, nhưng nàng không giấu nổi khuôn mặt bơ phờ buồn thảm thấy rõ. Đêm qua nàng phải mất ngủ nhiều vì cuộc biểu diễn xe khá nguy hiểm này?

Bước đến gần tôi Sa-Lyn tỏ ra tươi tỉnh:

- Kim-Anh có để ý đến điều lạ trong cuộc biểu diễn xe hôm nay không?

Không hiểu Sa-Lyn muốn nói gì, tôi hỏi:

- Chị nói sao?

- Mấy hôm đi chơi anh Nghiệp có nói gì về cuộc biểu diễn xe này với Kim-Anh không?

- Anh ấy không nói Kim-Anh cũng biết kia mà!

- Nhưng cuộc biểu diễn xe này không thường như từ trước đến giờ đâu!

Sa-Lyn gượng vuốt lại mấy lọn tóc phủ xòa trước trán, chậm rãi tiếp từng tiếng một như muốn cho tôi nghe rõ:

- Những chiếc xe đang đậu trước mặt đều được sửa lại nòng “xi-len” và thay “pít-tông” gì đó... Tốc độ của nó sẽ vượt quá 100 cây số giờ.

- Chạy xe gắn máy với tốc độ đó thì thực là nguy hiểm!

- Mỗi lần tổ chức đua hay biểu diễn xe đua như thế là anh Nghiệp nhận lãnh tất cả. Anh ấy không chịu cho ai thay thế trong những phút cực kỳ nguy hiểm của anh. Chị lo quá! Chị gần như muốn phát điên lên khi nghĩ đến điều gì không may sẽ xảy ra cho ảnh.

Nghe Sa-Lyn nói, tôi thấy tâm hồn bồn chồn quá đỗi! Cái lớp vỏ cứng rắn mà tôi và Sa-Lyn đã tạo ra hôm nào bên Nghiệp bên Hoài, đã vỡ nát. Chúng tôi để lộ nguyên hình cái yếu ớt, cái bản tính dễ xúc động của người con gái khi đứng trước một cơn nguy, một thảm cảnh đang đe dọa. Tôi và Sa-Lyn đang sắp sửa chia chung nỗi đau khổ, ở một khúc quanh nào đó của Nghiệp.

Từ đàng xa ba và Hoài đang đi lại trên sân cỏ, dáng điệu Hoài nhanh nhẹn và phấn khởi. Cũng như Hoài, Nghiệp vui tươi đi quanh những chiếc xe ngắm nghía có vẻ đắc ý, miệng huýt sáo nho nhỏ. Bỗng dưng tôi thấy ghét Nghiệp vì dáng điệu vui tươi đó! Anh không biết nỗi đau khổ đang có trong Sa-Lyn và tôi.

Còn năm phút nữa, những tay đua đã chuẩn bị xong, họ thử lại xe một lần cuối trước khi chễm chệ lên ngồi trên những con ngựa sắt. Mọi người như nín thở theo dõi từng nét diễn biến của sáu tay anh hùng. Nghiệp oai vệ trong bộ đồ da màu xám và chiếc nón sắt được lót nhung bên trong bó lấy đầu, nối liền với cặp mắt một cái kiếng to màu xanh da trời. Trước khi bước quàng qua xe anh quay lại nhìn tôi và Sa-Lyn với nụ cười đầy tin tưởng.

Cây kim đồng hồ vừa chỉ đúng chín giờ, một tiếng nói vang lên từ chiếc máy phóng thanh:

- Các bạn chuẩn bị.

Tiếng nói vừa dứt, cây cờ trên tay ông Hùng đứng trên khán đài phất xuống. Những tiếng rống của động cơ vang ầm lên thật chát chúa. Tôi nhắm mắt lại, đến khi mở mắt ra thì bóng Nghiệp đã khuất sau một triền đồi. Sa-Lyn tiến lại bên tôi, qua ánh mắt của nàng tôi có cảm tưởng như nhìn thấy được nỗi sợ hãi của chính mình. Cầm lấy tay tôi Sa-Lyn nói:

- Lại bãi cỏ đằng nầy ngồi đi Kim-Anh, đứng đây làm chi?!

Chúng tôi thụt lùi vài bước tìm một khoảng trống để dễ theo dõi những tay đua. Sa-Lyn kéo tôi ngồi phệt xuống bãi cỏ. Thu người trong những ngọn cỏ cao uốn lượn trước gió tôi như được giải thoát những gì đang đè nặng trên ngực từ lúc tiếng rú của đoàn xe vút đi. Sa-Lyn thả mắt về phía chân đồi xa, ở nơi đó sương mù còn một dãy trắng xóa.

Tiếng xe rồ lên nghe thật gần, mỗi lúc một gần và to hơn: Nghiệp đã chạy hết vòng thứ hai. Chiếc xe của anh vút qua như một cục sắt tròn màu xanh quay lốc trong đám bụi mờ, như một tia chớp nhoáng rồi tàn lụn. Những đám cỏ hai bên đường bị sức hút lướt qua ngả rạp xuống thật thảm hại; những lọn tóc bay tung tóe trên mặt tôi cũng như Sa-Lyn đang hơ hải nhìn theo tia chớp mất hẳn.

Yên tĩnh trở lại, chúng tôi nôn nóng buồn bã đợi chờ... Nghiệp phải chạy tất cả năm vòng đua nguy hiểm, bằng tất cả nỗi đau khổ tận cùng của Sa-Lyn để đổi lấy sự nghiệp vẻ vang cho gia đình. Tất cả những kỹ sư, chuyên viên ngoại quốc cũng như Việt-Nam hiện có mặt đều công nhận những chiếc xe đem ra biểu diễn được trang bị những đồ phụ tùng nội hóa tuyệt hảo nhất. Biết như thế nhưng tất cả những người hiện diện đều tỏ ra lo âu thật sự khi chiếc xe Nghiệp đã chạy qua được vòng thứ ba.

Tôi quay mặt nhìn ra khoảng trống sau lưng để khỏi thấy xe Nghiệp vút qua. Không hiểu thần kinh tôi có chịu nổi đến vòng thứ năm của Nghiệp không?! Tiếng động ào đến, gió thổi, hơi xăng nặc nồng cũng đủ cho tôi biết được diễn tiến cuộc đua.

Qua vòng thứ ba tôi nghe tiếng reo vui của ba qua máy phóng thanh:

- Tuyệt quá! Xe dẫn đầu của người mang số 1 đã lên đến 110 cây số giờ, vòng sau có thể lên hơn nữa.

Sa-Lyn bứt một cọng cỏ đưa lên miệng nhai đứt đoạn, khuôn mặt không thay đổi gì sau khi nghe Nghiệp, người mang số 1, dẫn đầu cuộc đua.

Đến vòng thứ 4, chiếc xe bon bon chát chúa, hòa lẫn với tiếng người xướng ngôn la lớn:

- Xe đã vọt đến 120 cây số! Chỉ còn một vòng nữa kết thúc.

Đôi mắt Sa-Lyn như tối sầm lại, nụ cười gượng gạo trên bờ môi run run như òa vỡ ra tiếng khóc. Tôi cố giữ dáng vẻ thật bình thản để Sa-Lyn khỏi bối rối.

Bỗng Sa-Lyn đứng phắt dậy, hai tay bóp chặt lấy nhau, những cọng cỏ đứt đoạn trên tay nàng lã chã rơi xuống. Khuôn mặt nàng xám hẳn lại, hốt hoảng hét lên:

- Anh Nghiệp, coi chừng khúc quanh!!

Tôi vùng dậy chạy tới níu lấy Sa-Lyn:

- Chị bình tĩnh một chút!

Sa-Lyn đẩy tay tôi ra, tiếng kêu khàn đứt đoạn:

- Anh Nghiệp... coi chừng...

Tôi vừa buông Sa-Lyn ra, “Ầm” một tiếng nổ lớn bởi sự va chạm vang lên thực hãi hùng. Tiếng nổ phát ra gần phía chúng tôi, ở đầu bãi cỏ. Trong phút giây kinh hoàng không ai kịp suy nghĩ gì nữa hết. Tôi cắm cúi chạy về phía tiếng nổ, tưởng chừng bầu trời cao trong xanh trên đầu đang đổ ầm xuống, mọi sự vật tan hoang trong nháy mắt.

Sa-Lyn như được ai nhắc bổng nhẹ tênh, nàng chạy như bay về phía Nghiệp. Không mấy chốc nàng đã có mặt bên cạnh chiếc xe Honda co quắp nằm sát một thân cây lớn. Tay ga chưa thả hết, tiếng hú rền vang theo đám khói bốc lên. Sa-Lyn đảo mắt hốt hoảng nhìn những bụi cây hai bên đường.

Những người có mặt gần đó chạy ào đến, ba và ông Hùng chạy nhanh hơn cả. Sa-Lyn chết đứng lấp bấp:

- Cứu anh Nghiệp... anh ấy văng xuống đâu đây...

Một cảnh tượng khủng khiếp xảy ra cách chỗ chúng tôi đứng khoảng mười thước, từ một bụi rậm nằm dưới đám trũng cạnh bờ đường. Hoài đang hì hục trèo lên khoảng dốc, trên vai nặng trĩu thân hình của Nghiệp.

Sa-Lyn lảo đảo dựa vào một thân cây, đôi mắt nhắm nghiền, cử chỉ đè nén đau thương đến tột độ. Đôi bàn tay xanh mướt run run bưng kín lấy mặt, Sa-Lyn không dám nhìn thân thể của Nghiệp nằm xoải dài trên bãi cỏ. Vết thương xây xát trên đầu, và máu từ miệng ứa ra.

Hoài đưa mắt nhìn mọi người, giọng nói vẫn giữ được nét bình thản:

- Anh ấy không sao đâu, chỉ ngất xỉu đi vì sự đụng chạm quá mạnh. Có thể một cánh tay hay một ống chân bị gãy là cùng. Tôi đang núp dưới bóng một tàn cây để lấy mô hình lúc anh ấy quẹo qua khúc quanh thì xe lâm nạn. Người anh bị hất tung lên và rơi xuống lũng cỏ cạnh tôi. Thật may!

Mọi người tản mác ra hai bên đường, nhường chỗ cho xe cứu thương vào chở Nghiệp, Sa-Lyn và ông Hùng theo Nghiệp tới bệnh viện. Tôi đưa mắt nhìn theo xe cứu thương cho đến khi khuất bóng.

Quay nhìn thấy Hoài vẫn còn đứng sau lưng, tôi nói:

- Anh Hoài, mẫu người như anh thật khó tìm.

Hoài bình thản, hơi một chút hãnh diện, anh nhìn tôi:

- Đâu có gì phải nói đến công việc đó, còn một điều đáng nói hơn... Tôi có cảm tưởng mình đã chụp được những “pô” hình thực độc đáo, và phi thường.

- Anh có thể cho Kim-Anh biết được không?

Hoài ra vẻ bí mật:

- Không vội gì, rửa hình xong Kim-Anh sẽ thấy.

Nói xong Hoài bỏ đi, tôi lững thững bước lại khán đài. Qua bãi cỏ xanh tôi thấy đám cỏ non ngả nghiêng thật buồn...

*

Thời gian trôi qua thật chậm, tôi có cảm tưởng như cây kim đồng hồ gắn trong phòng đợi của bệnh viện không muốn chạy nữa, y như chết đứng từ lâu. Nhưng tiếng tích tắc ru buồn của nó vẫn đều đều như trái tim buồn bã của tôi giờ phút này vẫn đập nhẹ trong lồng ngực. Tai nạn vừa xảy ra khi sáng, mà tôi có cảm tưởng như đã lâu lắm rồi, một năm hay hơn nữa... Tôi không hề cố gắng một tí xíu nào để nhìn rõ sự thật. Tôi thấy mình gần như buông xuôi hoàn toàn: không một chút suy nghĩ, không một chút nhớ nhung. Tôi như một chất rỗng đọng lại trên vùng thương nhớ. Trong tôi như có một ngọn lửa đốt cháy những yêu thương bộc phát từ ngày tôi đặt chân lên vùng trời này có Nghiệp. Tai nạn của anh xảy ra làm cho mọi việc rồi đâu cũng vào đó; chúng ta mọi người phải bước ra con đường thẳng, ngẩng mặt mà đi với tất cả niềm tin yêu, và những sự hy sinh lớn lao không hình dạng. Niềm đau trải rộng trong tâm hồn của Sa-Lyn đã cho tôi thấy tình yêu thật lớn của Sa-Lyn dành cho Nghiệp. Niềm đau đó đến với Sa-Lyn không phải chỉ mới ngày hôm nay, nó đã dằn vặt nàng từ hôm tôi đi chơi với Nghiệp. Nhưng với một tình yêu tuyệt đẹp nàng không bao giờ thốt ra một lời hờn trách vu vơ. Từ giây phút thấy Sa-Lyn bưng kín mắt trước thân thể của Nghiệp bất động trên thảm cỏ và chứng kiến được sự đau khổ tột độ của nàng, tôi đã chấn chỉnh lại được thái độ của mình, xua đuổi được hình bóng của Nghiệp chiếm ngự tâm hồn tôi từ nụ cười tới đôi mắt. Tôi chỉ còn muốn giữ lại ở anh hình ảnh của một người anh đáng kính, hoặc coi anh như một người bạn gái thân nhất đời tôi. Được như thế không phải là một chuyện dễ! Tôi đã tự chiến đấu ác liệt với con tim và ý nghĩ. Tôi tự quyết dù có đớn đau đến mấy đi nữa tôi cũng phải thắng, phải làm chủ lấy tôi. Giờ đây tôi hoàn toàn giống như Nghiệp, là một kẻ bị thương cần thời gian để tâm hồn lắng đọng. Tôi đã tách rời khỏi tôi cái phần yêu thương, thân thiết của những ngày qua. Tôi phải tách rời nó như một sự hy sinh rất cần thiết vì tình bạn của tôi đối với Sa-Lyn. Còn lại riêng tôi với một tâm hồn mệt mỏi, nhưng từ trong thâm sâu của nó có một niềm hãnh diện đang dâng lên; lòng chợt giá băng bỗng ấm lại một cách thầm kín, lâu bền.

Cánh cửa phòng bệnh viện chợt mở ra. Tôi ngẩng lên. Sa-Lyn bước ra với dáng điệu yên lành, khuôn mặt mang đầy vẻ lo âu, khốn khổ khi sáng không còn nữa. Nàng nhanh nhẹn bước đến cạnh tôi và, không kịp để cho tôi hỏi thăm bệnh tình của Nghiệp, nàng đã vội nói nhỏ:

- Không sao hết Kim-Anh ạ!

- Cám ơn Thượng Đế!

- Gần như một phép lạ của Thượng Đế. Bác sĩ đã rọi kiếng và cho biết không có gì nguy đến tính mạng. Vết thương nhẹ ở trán không đáng kể, còn cánh tay gãy băng bột vài ba tuần là lành.

- Anh ấy có đau lắm không chị?

- Hiện giờ ảnh đang nghỉ, lát nữa Kim-Anh có thể vào thăm. Chúng ta ra ngoài vườn một chút cho khỏe đi.

Chúng tôi theo dẫy hành lang bệnh viện dẫn ra một vườn hoa dành cho bệnh nhân hóng mát. Chúng tôi quấn quýt những bước chân thật chậm, gần như hai chị em ruột gặp nhau sau một thời gian xa nhau, muốn gần nhau để trút tất cả cho nhau sau những ngày xa vắng... Bây giờ tôi mới hiểu những gì xảy ra trong những ngày qua chỉ là một trò chơi nguy hiểm, trò chơi điên rồ và mê hoặc. Một trò chơi có thể biến thành một thảm kịch! Bước trên những viên đá đặt làm lối đi trên thảm cỏ, tôi nghe những cọng cỏ non mềm vướng vào chân tôi như vuốt ve êm ái.

Ngồi xuống chiếc ghế dài nằm sát hàng rào, Sa-Lyn quàng tay qua vai tôi, nụ cười mím với hai cái đồng tiền nổi lên duyên dáng, giọng Sa-Lyn thật trong:

- Có một điều chị chưa nói với Kim-Anh.

- Chuyện gì vậy chị?

- Khi nãy vừa mở mắt ra anh Nghiệp đã nói với chị là ảnh sẽ không bao giờ tham dự bất cứ một cuộc đua xe nào nữa hết.

Tôi không khỏi lộ một chút khó chịu ra mặt:

- Chị bắt buộc anh Nghiệp phải nói những điều đó sao?!

- Không, chị không đòi hỏi gì ở anh Nghiệp hết. Đó là những lời nói đầu tiên khi anh vừa tỉnh dậy.

Nhìn những đám mây trôi thật chậm trên nền trời xanh, với đôi mắt đầy ấp niềm vui, một chút mơ mộng, Sa-Lyn tiếp:

- Chị không biết diễn tả làm sao cho xiết niềm vui của chị cho Kim-Anh biết. Cuộc đời con gái chị mong ước chỉ có thế: một cuộc sống thật bình thường, mộng ước vừa tầm tay với. Như một bàn tay vừa đủ cho một bàn tay. Đủ lắm rồi không muốn gì hơn nữa.

Tôi dựa lưng vào thành ghế, nói:

- Chị xứng đáng được hưởng hạnh phúc có thực đó.

Sau câu nói của tôi, đôi má Sa-Lyn đã hồng lại càng hồng thêm, như trái dâu chín chỉ còn chờ bàn tay hái.

Từ ngoài cửa bệnh viện Hoài đang xăm xăm bước vào. Từ đằng xa anh đã nhìn thấy chúng tôi và nở nụ cười chào đón. Vừa tới gần anh đã ví von:

- Sao, sức khỏe nhà vô địch lái xe của chúng ta như thế nào?!

Sa-Lyn:

- Đã tỉnh, và đang nằm nghỉ bên trong.

- Sa-Lyn hết buồn rồi phải không?

Đưa mắt láy Hoài một cái thật dài, Sa-Lyn chúm chím:

- Thiệt cám ơn anh hết sức!

Hoài khoát tay:

- Có gì đâu. Đáng lẽ ra tôi phải cám ơn Nghiệp và Sa-Lyn mới phải. Vì nhờ quý vị mà tôi có những tấm ảnh thật phi thường vượt quá sức tưởng tượng của tôi.

Nói xong Hoài mở ra hộp carton lớn lấy ba tấm hình đưa ra trước mặt chúng tôi. Quả thực như Hoài nói. Ảnh chụp với những góc cạnh, ánh sáng đầy đủ. Tấm thứ nhứt: Nghiệp đang tung lên khỏi xe, thân hình lưng chừng trên không. Tấm thứ hai: chiếc xe đâm vào gốc cây, một vài bộ phận văng tóe ra. Tấm thứ ba: Nghiệp đang ngất xỉu cạnh bụi cây, một vết máu ứa ra ở khóe miệng. Tất cả những tấm ảnh thực sống động, đến nỗi vừa thấy tấm thứ nhất Sa-Lyn đã hốt hoảng kêu lên: Trời ơi!

Chúng tôi yên lặng trao hình lại cho Hoài, tôi nói:

- Chưa bao giờ Kim-Anh thấy những tấm ảnh chụp phi thường như vậy. Anh phải gởi hình về cho tòa báo gấp mới được.

Hoài:

- Xong đâu vào đó cả rồi. Ngày mai báo chí sẽ đăng các hình đó.

Tôi nhắc lại lời nói của Hoài hôm nào:

- Suốt đời ba tôi sẽ không quên những tấm hình của anh...Thật vinh dự cho anh. Con đường sự nghiệp anh vẽ ra ngày nào nay đang ở trong tầm tay rồi đó.

- Có lẽ.

Hoài vừa trả lời khiêm tốn, vừa cúi mặt.
__________________________________________________ 
Xem tiếp  CHƯƠNG BẢY

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

CHƯƠNG NĂM_GIÓ THOẢNG


năm


Chúng tôi bước vào một chiếc quán nhỏ nằm đơn độc trên một quãng đường ít xe qua lại. Trước quán có một khoảng sân lộ thiên nhìn ra vườn hoa để thực khách ăn uống vừa nhìn chung quanh. Nghiệp và Hoài bước song đôi phía trước, dù mới biết nhau nhưng họ thực cởi mở. Con trai bao giờ cũng thế. Chỉ có bọn con gái như tôi, Sa-Lyn mới giữ ý đến vấn đề chung quanh mà thôi.

Chọn một chiếc bàn nằm cạnh chiếc hàng rào có những chiếc lá nhỏ đan kín vào nhau xanh mượt, Nghiệp đưa mắt nhìn mọi người :

- Chúng ta dùng gì đây ?

- Kim-Anh thích những món ăn nào thực độc đáo của Đà-Lạt thôi.

Hoài nhìn tôi hóm hỉnh:

- Tôi cũng thế.

Sa-Lyn cười dòn:

- Hy vọng ở đây có cái gì thực Đà-Lạt để thiết đãi quý vị.

Cuối cùng chúng tôi quyết định chọn một số thức ăn như thịt nai, một vài món ăn khác thật lạ mà tôi chưa hề biết đến. Món ăn nào cũng do Sa-Lyn chọn lựa một cách khéo léo, Sa-Lyn tỏ ra một người nội trợ rành nghề. Món ăn nào Hoài cũng thốt ra một cách hồn nhiên: Ngon quá! Tuyệt quá! Saigon kiếm những thứ này mỏi cả mắt.

Nghiệp nói rất ít, thỉnh thoảng tôi bắt gặp tia mắt anh nhìn tôi nặng nề và dò hỏi. Lâu lâu Nghiệp cũng nhìn Hoài thật nhanh, chắc chắn anh không mấy thiện cảm với Hoài, như tôi đã nghĩ lầm sự thân thiện giữa anh và Hoài mấy phút trước đây. Sa-Lyn vừa ăn vừa cười nói huyên thuyên, tuy nhiên không một tia nhìn nào giữa tôi và Nghiệp mà không lọt qua đôi mắt của nàng. Sa-Lyn thật kín đáo và khôn khéo.

Như để bữa ăn khỏi mệt mỏi vì sự lặng thinh của mọi người, Nghiệp nói với Hoài:

- Anh có bao giờ chụp hình về các vụ đua xe chưa?

Hoài ngẩng lên, hất mái tóc phủ xòa trước trán cho khỏi tầm mắt nói:

- Chưa bao giờ cả!

Qua câu trả lời của Hoài, vụng về nhưng không thiếu thành thực. Nghiệp trố mắt nhìn như không tin tưởng nơi Hoài mấy, anh nói có vẻ châm chọc:

- Như thế cuộc biểu diễn xe sắp tới của tôi, anh mà chụp chắc phải là “ngộ” lắm!

Tôi không mấy hài lòng câu nói của Nghiệp vừa thốt ra. Sa-Lyn ngẩng mặt lên nhìn Nghiệp có vẻ trách móc. Chỉ riêng Hoài thật lạnh lùng bình thản: anh muốn chứng tỏ cho Nghiệp thấy bản lĩnh nơi anh có thừa, không đáng nổi giận vì một chuyện không đâu. Vài phút yên lặng trôi qua, không khí thật nặng nề. Hoài đưa mắt nhìn thẳng vào Nghiệp cười khàn:

- Chụp hình đua xe thì khó khăn quái gì mà không được!

- Hy vọng ông bạn thành công mỹ mãn.

Câu nói của Nghiệp vẫn giữ được giọng bình thản. Nhưng trong đôi mắt của anh nhìn Hoài có một chút gì mỉa mai chua chát! Nghiệp nhắc lại:

- Tôi cầu mong cho anh được thành công, vì một tấm hình chụp hỏng thì bài phóng sự có hay mấy đi nữa cũng không hấp dẫn cho lắm. Lần đầu tiên Kim-Anh viết phóng sự mà tôi tin chắc bài của Kim-Anh sẽ hay lắm.

Tôi thẹn đỏ mặt vì câu tán tỉnh không đúng chỗ của Nghiệp. Anh cứ tưởng tỏ ra chú ý tới tôi như thế là làm tôi hài lòng, nhưng thực ra khó chịu vì câu nói của anh quá đỗi. Tại sao anh không giữ ý trước mặt Hoài và nhất là Sa-Lyn? Sao anh lại làm khổ Sa-Lyn trong lúc ngày thành hôn đã tới gần. Không biết làm cách nào hơn tôi đưa mắt nhìn xuống chiếc khăn bàn màu xanh, hai chân tôi đong đưa một cách kỳ cục. Chiếc nĩa trên tay tôi xoay xoay mãi không biết lấy món ăn nào.

Nghiệp như được trớn, anh tán tỉnh tôi khéo léo rõ rệt hơn:

- Hôm gặp Kim-Anh lần đầu trong chiếc áo trắng, thùy mị và dễ thương, như một bông hoa trắng nằm giữa rừng hoa rực rỡ, nó không lạc lõng, làm cho người khác nhìn vào dễ rung động và có ý nghĩ trong sáng thanh cao.

Như để tôi phải biểu đồng tình với lời tán đó, đôi mắt Nghiệp thật tình tứ nhìn sâu vào mắt tôi, lướt nhẹ trên tóc. Buổi chiều ở đây gió lồng lộng, hơi lạnh phủ kín thế mà đôi má tôi hừng ấm. Tôi bối rối nhìn anh với nụ cười thật nhẹ.

Hoài từ nãy giờ chắc chú ý tới câu nói của Nghiệp dữ lắm?! Anh đưa mắt nhìn chúng tôi giọng không thiếu vẻ châm biếm:

- Tâm đầu ý hiệp như thế bài phóng sự hay là cái chắc!

Sa-Lyn bật cười dòn, nheo mắt nhìn Hoài giọng nói thật mướt:

- Tâm đầu ý hợp là một chuyện nhưng việc làm chắc gì đã ý hợp như thế.

Phải chi giây phút này chỉ xảy ra giữa tôi và Nghiệp thì hay biết mấy! Nhưng chúng tôi đâu có ở một mình với nhau. Bên cạnh chúng tôi còn có Sa-Lyn và Hoài đang lải nhải những câu nói khôi hài khiêu khích. Những câu nói của họ cũng như cử chỉ của họ đúng là một sự trả đũa của họ mà đối tượng là tôi và Nghiệp, tôi dư sức để hiểu điều đó. Thế là cả bốn người chúng tôi không bỏ sót một lời cười nói, đùa giỡn nào mà không chứa đựng một chút mỉa mai. Nhưng tự trong thâm tâm mỗi người đều cố đè nén nỗi đau xót như đang dâng lên, dâng lên mãi. Sở dĩ Sa-Lyn tự dối lòng và làm như thế để trả đũa Nghiệp, ngay tại quán ăn này, là vì những thực khách chung quanh có thể đã biết rõ mối tình giữa nàng và Nghiệp. Thực ra Nghiệp cũng chẳng có tội tình gì để Sa-Lyn trả đũa như thế. Nhưng tôi không khỏi giận đến tím mặt khi thấy Hoài bày đặt hưởng ứng trò chơi chua xót này với Sa-Lyn. Thật khó xử cho tôi khi phải đối phó với hoàn cảnh này: giữa một thanh niên đã đính hôn và một anh “bồ” cũ đang tán tỉnh bạn gái của mình.

Buổi ăn được chấm dứt một cách ngượng ngùng khó chịu. Nghiệp không như lúc đầu nữa, anh chỉ hỏi tôi những chuyện cần thiết. Và tôi chỉ đáp lời anh thật nhỏ, vắn gọn.

Vừa ra khỏi quán ăn Nghiệp lại bày ra chuyện khác:

- Hôm nay gần mùa hè rồi, cứ coi như đang nghỉ hè đi, chúng ta nên làm một tua du lịch quanh bờ hồ đi!

Sa-Lyn tiu nghỉu:

- Đi đâu chớ ra bờ hồ thì có gì thú?...

Không để Sa-Lyn nói hết câu, Nghiệp cắt ngang:

- Mình quá quen nên không thấy cái thú đi chơi bờ hồ. Nhưng Hoài và Kim-Anh cần được hưởng không khí thoải mái ở đó sau những ngày đã thiêu mình ở Saigon. Chúng ta đi thôi.

Nghiệp quả thực không phải hạng người tầm thường! Khi anh đã quyết định điều gì thì phải làm cho bằng được, và làm ngay. Không để cho Sa-Lyn kịp phản ứng, anh quay xe lái thẳng xuống bờ hồ Xuân-Hương. Hầu như tất cả mọi người dù muốn dù không cũng phải theo ý muốn của Nghiệp. Lần này Sa-Lyn buồn khổ ra mặt, nhưng vẫn tuân theo tập quán quý hóa của người Chiêm: đàn bà phải im lặng khi người đàn ông lên tiếng. Sự chịu đựng của Sa-Lym thực hiếm có, tôi chưa hề thấy nơi tất cả những cô bạn của tôi.

Nghiệp cho xe dừng lại bên lề đường, cạnh chiếc cầu gỗ ngắn nối liền với ngôi nhà thủy tạ. Tôi đưa mắt nhìn con đường tráng nhựa ngoằn ngoèo bò quanh bờ hồ, với giọng thật buồn tôi hỏi Nghiệp:

- Anh định cho tụi này thả bộ dài dài quanh bờ hồ sao đây?

Sa-Lyn nhảy ra khỏi xe trước, nhìn chúng tôi bước xuống, nét hờn dỗi vẫn còn trong đôi mắt, nàng mỉm cười nói với tôi:

- Anh ỷ anh là một thể thao gia thượng thặng nên đi bao nhiêu cũng chả sao. Bọn liễu yếu đào tơ chúng mình có đi mãi sụm đầu gối cũng không lo, đã có anh cõng mà!

Nghiệp quay lại cười:

- Quý vị yên trí, khỏi phải đi xa một bước mà vẫn thưởng lãm được phong cảnh ở đây như thường.

Nói xong Nghiệp huýt sáo bỏ đi thẳng về ngôi nhà thủy tạ, trong khi Hoài và Sa-Lyn đã bỏ đi xa cách xe một khoảng đường ngắn, nhìn ngắm những cành hoa “lai-ơn” dọc theo bờ hồ. Tôi nhìn theo Nghiệp đang nói gì đó với một ông già câu cá ở nhà thủy tạ. Xong, anh nhảy xuống một chiếc canot nhỏ nằm cạnh đó. Anh đứng thẳng chèo mạnh chiếc canot về phía tôi, trước sự ngỡ ngàng của Sa-Lyn và Hoài. Thuyền ghé sát vào chỗ tôi, Nghiệp nói:

- Kim-Anh, xuống đây! Đi chơi canot còn thú và an toàn gấp mấy xe hơi chạy quanh bờ hồ.

Tôi bước xuống, Nghiệp đưa tay vẫy Sa-Lyn và Hoài, nói lớn:

- Tí nữa gặp lại ở chỗ này nhé!

Sa-Lyn vẫy tay chào lại với nụ cười thật buồn trên khuôn mặt. Hoài đứng đờ người ra, đôi mắt anh nhìn tôi tối sầm lại. Chúng tôi rời khỏi bờ. Chiếc canot nhỏ nhưng thật xinh xắn, có hai tay chèo đặt ngang nhau và hai băng ngồi. Nghiệp ngồi đối diện với tôi, hai tay chèo rất đều nhịp, rất thong thả. Nhưng chiếc canot vẫn lướt thật nhanh trên mặt nước, đưa chúng tôi đi thật xa, hướng về ngã Lycée Yersin. Một lát sau, tôi không còn thấy Sa-Lyn và Hoài đâu nữa. Có lẽ hai người dẫn nhau vào một vườn hoa nào đó hoặc ngồi trên nhà thủy tạ. Những ngọn gió thật nhẹ và mát đem theo hương thơm của các loài hoa dại mọc ven hồ. Tôi thích thú thòng hai bàn tay xuống nước xanh. Nghiệp hai tay vẫn chèo nhưng đôi mắt anh vẫn dán chặt vào khuôn mặt tôi. Đôi mắt sâu thẳm trong sáng đang nhìn xoáy vào những lọn tóc bay bay của tôi tưởng chừng như đếm rõ từng sợi, đọc rõ mọi tư tưởng trong đầu tôi. Vẫn giả vờ miên man ngắm cảnh bờ hồ, nhưng thật ra tôi đang đếm những niềm vui rộn rã trong con tim vừa mới lớn. Tôi quay lại hỏi Nghiệp:

- Sao anh làm vậy?

Nghiệp cau mày hỏi lại tôi một cách hết sức bỡ ngỡ:

- Làm gì?

- Anh đang làm khổ Sa-Lyn, chị ấy có làm gì cho anh phiền đâu?

Giọng nói tôi thực chậm rãi, cố nhấn mạnh cho Nghiệp hiểu ý tôi muốn nói gì. Nhưng Nghiệp vẫn thản nhiên:

- Anh có làm gì để Sa-Lyn phải khổ đâu? Kim-Anh lên đây là anh có bổn phận phải đưa Kim-Anh đi chơi cho biết thắng cảnh Đà-Lạt. Có gì xấu đâu? Một thành phố đẹp, một cô bé đẹp, chừng đó cũng đủ làm cho người đàn ông thấy hạnh phúc.

Bây giờ tôi mới nhận thấy anh dối lòng và quanh co. Tôi nhìn thẳng vào mắt anh:

- Anh Nghiệp, anh đừng vô tâm như thế nữa! Kim-Anh không hề hay biết gì về chuyện hứa hôn giữa anh và Sa-Lyn. Xin anh đừng đùa giỡn với em như thế nữa! Anh hãy giúp em đủ can đảm coi anh như một người anh đáng kính, thế thôi!

Tiếng nói của tôi hầu như mất hút vào tiếng sóng vỗ nhẹ vào mạn thuyền. Nghiệp dừng tay chèo lại, ngồi thẳng người nhìn tôi chăm chăm, dáng vẻ nghiêm trang hơn bao giờ hết. Một vài tia nắng còn sót lại rung rinh trên mái tóc anh. Nghiệp nói thật ấm:

- Tôi đâu có đùa giỡn với Kim-Anh, cũng như không bao giờ tìm cách đùa giỡn với ai cả. Phải, tôi sắp cưới Sa-Lyn làm vợ. Cuộc hôn nhân này đã được sắp đặt từ lâu. Nhưng những dự tính, kế hoạch có ăn nhằm gì đến những biến cố vô tình mà định mệnh gởi đến cho chúng ta. Những ngày trước đây tôi có biết Kim-Anh là ai đâu, mà vẫn cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất, không có vấn đề gì phải suy nghĩ cả! Cuộc đời của tôi luôn kết thành bởi những chuỗi ngày thành công rực rỡ, trên phương diện nghề nghiệp cũng như tình cảm. Nhưng hôm nay mọi sự đã đổi khác...

- ...!!!

- Kim-Anh chớ hiểu lầm. Anh tin chắc không có gì xảy ra không may, không đẹp. Anh đã hứa hôn với Sa-Lyn và sẽ cưới nàng. Nhưng trong một vài tiếng đồng hồ Kim-Anh hãy để cho anh tin rằng mình cũng như bao cặp trai gái khác: tung tăng bay nhảy, vui chơi suốt buổi chiều hè, thế thôi. Sau đó Kim-Anh sẽ gặp lại Hoài, và anh trở về với Sa-Lyn. Cuộc sống của mỗi người chúng ta sẽ trở lại bình thường. Kim-Anh có muốn vậy không?

Tôi trả lời thật nhẹ như hơi thở:

- Tùy anh.

Ngày hôm nay sao buồn quá đỗi? Những tia nắng lấp lánh còn sót lại của ngày chầm chậm xuống trải lênh láng trên mặt hồ, tia nắng mong manh theo từng đợt sóng. Những cây thông già đứng lơ thơ giữa trời, chạy dọc trên những đỉnh đồi bơ vơ, trơ trọi. Những cành hoa dại mọc rải rác trên bờ hồ nhẹ bay theo từng cơn gió, một vài cánh hoa chịu không nổi sức gió lìa cành rơi xuống theo giòng nước trôi đi. Buồn ơi là buồn! Tất cả như đang quay cuồng trước mặt tôi. Sương chiều bắt đầu trở về với vạn vật, những giọt sương lạnh mướt và khô ran như giọt nước mắt âm thầm không rời khỏi bờ mi. Nó làm phai mờ đi những cảnh vật, những màu sắc thiên nhiên, những đường cong đường thẳng. Thực chua xót và buồn đau khi phải rơi vào một thế giới khác biệt ở đó cái bóng hạnh phúc như đang đùa giỡn với ta.

Chúng tôi không nói gì với nhau nữa, mỗi người như đang theo đuổi riêng ý nghĩ của mình. Sự yên lặng lạnh buốt làm cho tôi thấy xa cách Nghiệp quá đỗi, nhưng đồng thời tôi cũng gần gũi anh trong ước mơ được như bao đôi trai gái khác, không buồn phiền lo nghĩ.

Nắng đã xuống thấp. Từ trong nhà thủy tạ một vài chiếc canot lướt sóng chạy ra. Những đôi trai gái vừa chèo vừa cười nói thật tươi, khuôn mặt rạng rỡ. Tất cả đều như bắt gặp hạnh phúc có thực trong tay.

Tôi cúi xuống dòng nước, dùng bàn tay múc nước đưa lên, nhưng nước chảy qua kẻ tay tôi lại rơi xuống dòng nước. Hạnh phúc của tôi như thế đó, chưa đầy tầm tay đã mất dạng, chỉ còn lại sự lạnh buốt xót xa. Tôi cố tránh đôi mắt Nghiệp, tránh bắt gặp hạnh phúc của những đôi trai gái đang có trước mặt. Bất chợt tôi ngẩng đầu lên nhìn ra xa; một chiếc canot giống như chiếc của chúng tôi đang thả lỏng trên dòng nước, Sa-Lyn và Hoài đang ngồi trên đó. Họ cười nói vui vẻ hình như không để ý đến chúng tôi. Nghiệp có lẽ đang theo đuổi ý nghĩ của riêng mình, nên anh không hề để ý đến cảnh vật chung quanh, không hay biết đến sự có mặt của Sa-Lyn và Hoài ở sau lưng anh. Riêng tôi sự có mặt của họ như đè nặng lên ngực, tôi có cảm tưởng như tim mình đang ngưng đập. Không hiểu Hoài, Sa-Lyn có cùng đeo đuổi cơn mê tuyệt vọng như chúng tôi không? Chút nữa đây, mỗi người chúng tôi khi lên bờ có còn giữ được vai trò bình thường không? Hay nhìn nhau nghẹn ngào chua chát! Cuộc đời quả là một con đường dài buồn đau và những ngẫu nhiên luôn luôn ngăn cản, phá hỏng những trù liệu, mưu tính gầy dựng hạnh phúc của chúng ta.

Cho mũi canot hướng về nhà thủy tạ, Nghiệp đưa mắt thả lửng xuống lòng hồ nói:

- Anh tưởng chúng ta có lý để làm như vậy! Kim-Anh thấy không, trong cuộc sống của một tay đua, một võ sĩ, cũng như những gã giang hồ và người lính trận, sự va chạm nguy hiểm chết chóc hằng ngày làm tất cả mọi vấn đề thường luôn luôn đặt lại không ngừng. Biết đâu những nguy hiểm trong cuộc biểu diễn xe sắp tới sẽ đưa đến cho anh một cái chết bất ngờ?! Cũng có thể lắm chứ!

- Đừng nói vậy anh...

Không để tôi nói hết lời Nghiệp tiếp tục bằng một giọng khô khan:

- Có thể tôi sẽ chết... Do đó phải đón nhận cuộc đời như một cuộc đua xe. Nghĩa là nó xảy đến sao thì hay vậy. Dĩ nhiên phải chuẩn bị đón nhận cuộc sống với tất cả những gì theo một kế hoạch tổng quát. Còn những chi tiết, tùy hoàn cảnh xảy đến mà ứng phó. Sự gặp gỡ của chúng ta phải chăng chỉ là một chi tiết nhỏ nhặt xảy ra trong một khoảng đường dài. Nó cũng có thể trở thành mối nguy nếu ta không biết đề phòng, chúng ta đã quyết định sống hết mình với sự gặp gỡ này; giống như ta phải hết sức cẩn thận lúc xe chạy qua một khúc quanh nguy hiểm. Bây giờ chúng ta đã vượt qua khúc quanh và lại trở về con đường thẳng lúc đầu. Không còn gì nguy hiểm đáng chú ý nữa. Vả lại Kim-Anh thấy không, các bạn đường chúng ta đang đợi kia kìa...

Mãi nghe Nghiệp nói, con thuyền đã đưa tôi sát vào nhà thủy tạ lúc nào tôi không hay. Hoài và Sa-Lyn đang đứng trên đó có vẻ ngóng đợi chúng tôi.

Nghiệp nhìn tôi với nụ cười thật buồn:

- Từ biệt Kim-Anh nhé! Tôi sẽ giữ mãi kỷ niệm rất đẹp về Kim-Anh trong buổi đi chơi hôm nay.

- Cám ơn anh, Kim-Anh cũng như thế.

Chúng tôi bước lên bờ. Mọi người đều tỏ ra hớn hở trên khuôn mặt như không có gì xảy ra. Tôi cố gắng vui vẻ, nhưng nếu có ai tinh ý sẽ thấy nụ cười của tôi gượng gạo biết bao. Tôi có cảm tưởng như bờ môi mình nhức nhối. Giờ phút này tôi chỉ mong ở một mình, về lại với căn phòng, với không gian yên lặng của riêng tôi thuở nào...

Hoài đưa tay nhìn đồng hồ nói với tôi:

- Chết tôi rồi! Tôi có hẹn với ba Kim-Anh đúng năm giờ chiều nay tại khách sạn. Vậy mà đã quá nửa tiếng rồi!

Nghiệp cười méo xệch:

- Thôi mình ra xe về đi.

Chuyến trở về này đối với tôi có lẽ còn đau thương hơn bất cứ một chuyến ra đi nào đầy tiếc nuối. Tôi khép hờ đôi mắt, đôi mắt lấy lại vị trí yên tĩnh cho tâm hồn mình; cảnh vật bên ngoài không còn gì để quyến rũ tôi, chúng lùi lại thật nhanh và đi quá xa tầm tay. Ở băng trước, Nghiệp và Sa-Lyn đang cố trao đổi nhau những câu dí dỏm, vui tươi. Họ đang tự đánh lừa họ bằng những ngôn ngữ gượng ép. Nghiệp và Sa-Lyn thả tôi và Hoài xuống khách sạn. Như một tử tội sắp bước lên đoạn đầu đài tôi khốn khổ bước lên những bực thang cao vút. Hoài bước vào theo tôi, cũng giả vờ vui vẻ huýt sáo nho nhỏ.

Ba đang ngồi hút thuốc một mình ở phòng khách. Thấy Hoài bước vào, ba nhổm dậy:

- Tôi không thích hợp tác với những ai xài giờ dây thun như cậu. Đã hứa điều gì thì phải giữ lời cho đúng. Biết bao nhiêu công việc làm ăn còn vĩ đại hơn cái nghề nhiếp ảnh của cậu nhiều, thế mà phải thất bại vì những thái độ khiếm nhã như vậy đó.

Ba với Hoài hình như không hợp nhau, hễ gặp nhau là y như có chuyện lớn tiếng xảy ra. Đáng lý ra tôi phải bênh vực cho sự đến trễ của Hoài để anh khỏi thối chí trước việc sắp đến. Nhưng dù sao việc đó cũng chẳng liên can gì đến tôi, mặc ba và Hoài xử trí với nhau.

Tôi nhanh nhẹn trở về phòng ngã nhoài mình xuống giường. Tôi nhắm mắt lại cố quên tất cả những gì xảy ra trong ngày hôm nay. Phải chi tôi đừng đặt chân đến thành phố này để sống thực bình thản ngày một buổi đến trường và thì giờ còn lại trong gian phòng ấm cúng. Sống như thế thì mọi buồn đau đã không đến với tôi như những ngày hôm nay. Hình ảnh của Hoài và Sa-Lyn hiện rõ trong trí tôi, từ nụ cười cho đến ánh mắt trao nhau. Đó cũng là một chi tiết nhỏ nhặt như Nghiệp đã nói. Cuối cùng rồi họ tìm ra con đường thẳng. Ôi con đường thẳng chi mà buồn quá, muốn trở ra nó phải vượt qua những khúc quanh đớn đau. Giờ đây Nghiệp đang ở một nơi nào đó trong thành phố. Anh cũng cố quên cái chi tiết Hoài và Sa-Lyn. Tôi đã nhìn thấy rõ con người đích thực của tôi sau những ngày sống trong vùng sương mù này...Tất cả đối với tôi chẳng còn nghĩa lý gì nữa, tôi không còn thích thú tham dự cuộc đua, không muốn đi vào con đường thẳng nữa! !

__________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG SÁU

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

CHƯƠNG BỐN_GIÓ THOẢNG


bốn


Buổi chiều ở thành phố này thật đẹp và nên thơ. Tôi dựa lưng vào nệm xe, hai tay khoanh trước ngực nhìn về phía trước. Xe chạy chậm trên những những triền đồi, nên những hình ảnh tuyệt đẹp xung quanh được tôi thâu nhận rõ ràng và khá tỉ mỉ. Tôi có cảm tưởng như mình đang có mặt tại một vùng ngoại ô nào đó của nước Pháp . Từ lâu tôi đã nghe nhiều người cho rằng Đà-Lạt từ khí hậu đến những cảnh đẹp không thua gì Tây Phương, bây giờ tôi mới được thưởng thức và thấy điều họ nói thật không ngoa. 

Từ lúc bước lên xe đi thong dong như thế này để biết Đà-Lạt, Sa-Lyn ngồi bên tay trái, cạnh tôi không nói một điều gi hết. Chúng tôi mỗi người theo đuổi ý nghĩ riêng của mình. Dừng xe lại dưới một ngọn đồi chênh chếch, bên trên đồi là một rừng thông dầy đặc. Tôi nghe tiếng gió đi về trên những ngọn thông đó, gió rít qua từng kẽ lá thành những âm vang thật buồn. 

Khóa “công tắc” xe, Sa-Lyn quay sang tôi : 

 Mình lên trên đó chơi cho biết đi ! 

Với Sa-Lyn thì không một chút gì là xa lạ hết, nhưng với tôi mọi sự đều xa lạ và ngỡ ngàng. Tôi gật đầu theo Sa-Lyn bước ra khỏi xe. Thật gọn gàng, nhanh nhẹn, Sa-Lyn đi trước dẫn tôi. Đi sau Sa-Lyn một khoảng ngắn, bước chân tôi dẫm bừa lên những cành hoa dại tím ngắt, những dốc đá nằm trơn tru và buồn nản. Những gì xảy ra trong đêm ăn tiệc ở nhà Nghiệp làm cho tôi buồn chán vô cùng ! Ba lúc nào cũng coi tôi như một con bé chưa biết gì. Tôi chỉ nói chuyện với Nghiệp trong một thoáng chốc mà ba cũng không bằng lòng nữa. Sa-Lyn như chỉ tìm dịp để ngăn cản không cho tôi gần gũi với Nghiệp. Phải chi ở Saigon thì tôi đã đem nỗi buồn này trút vào mấy con nhỏ bạn, nhưng ở đây thì không thể được !


Sa-Lyn dừng lại trên một khoảng dốc rộng, có cỏ non trải đều xanh mướt. Dựa lưng vào một gốc thông, Sa-Lyn đưa mắt thả xa lên bầu trời nhiều sương. Tôi đứng một bên nàng nhìn những bông hoa mỏng manh lung lay theo gió lướt về. Thật lâu chúng tôi không nói gì với nhau. Tiếng Sa-Lyn bỗng cất lên trong trẻo, xé tan bầu không khí tịch mịch đang bao trùm chúng tôi.

- Ở đây đẹp hén Kim-Anh ?

Tôi buôn thõng :

- Nhưng buồn quá !

- Chắc Kim-Anh đang có chuyện gì buồn lắm ?

Không trả lời câu hỏi Sa-Lyn, tôi bước đến một gốc thông gần đó, nhìn xuống chiếc xe đen bóng nằm dưới chân đồi. Con lộ dài mướt lạnh vắng ngắt bộ hành. Một vài con chim thật bơ vơ từ một nhánh thông bay vút lên.

Sa-Lyn tiến lại sau lưng tôi, dịu dàng vuốt lại mái tóc tôi đang bay tung trước gió. Bằng một giọng thật nhẹ, nàng hỏi :

- Chuyện gì đã xảy ra ở đây làm em buồn ? Kim-Anh có thể nói cho chị nghe được không?

Tôi bặm môi, lạnh lùng, nhìn ra xa. Sa-Lyn đều đều tiếp :

- Chị không hiểu sao mấy hôm rồi Kim-Anh rất thân mật với chị… Mà sao hôm nay Kim-Anh có vẻ không ưa chị nữa ? Hay là chị có điều gì sơ xuất làm phiền Kim-Anh?

- Đó là ý nghĩ của chị !

- Thái độ của Kim-Anh làm chị phải nghĩ như thế. Chắc Kim-Anh không quen khí hậu trên này nên trong người mệt mỏi ? Biết vậy khi nãy chị không rủ Kim-Anh đi dạo, ở nhà nghỉ cho khỏe.

Tôi vẫn thường ít nói mỗi khi bực tức chuyện gì, dù người thân yêu cố dỗ dành mấy đi nữa. Nhớ ngày trước đi học, vào lớp gặp ông giáo sư khó tính. Mỗi lần bài vở không vừa ý ông là ông gọi đến tên và quát tháo ầm ĩ. Tôi không nói một tiếng. Yên lặng, khuôn mặt đóng kín và ánh mắt trống rỗng là thái độ chống đối hết sức tiêu cực, nhưng hữu hiệu nhất. Nhưng Sa-Lyn bên cạnh tôi không phải là một giáo sư khó tính. Nàng tỏ ra một người bạn, một người chị thật dịu dàng. Tôi không thể giữ mãi được yên lặng. Tôi trả lời khô khan :

- Không… Không mệt mỏi gì hết !

Sa-Lyn cười mỉm, cố vỗ về tôi :

- Cô bé khó tính lắm cô bé ạ ?!

- Lúc còn ở Saigon cứ tưởng đặt chân lên đây sẽ được tự do bay nhảy như chim rời khỏi tổ. Nhưng lên đây rồi mới thấy… không như mình nghĩ. Cái gì cũng bị đóng trong khung khổ. Thật là chán !

- Kim-Anh nói gì chị không hiểu ?

- Chị cũng như ba tôi có thèm hiểu con nhỏ này đâu, không lạ gì mà nó bị hất hủi là phải !

Sau câu nói của tôi, khuôn mặt Sa-Lyn lộ ra một chút bỡ ngỡ. Buông thõng cánh tay đang đặt trên vai tôi xuống, giọng Sa-Lyn nghe thật tha thiết, nhẹ như gió ru :

- Kim-Anh, em hãy bình tĩnh lại xem ! Ở đây nào có ai muốn hất hủi Kim-Anh đâu ? À hay lên đây Kim-Anh không có bạn để vui đùa, để tâm sự nên Kim-Anh thấy như thế chăng ?! Ba Kim-Anh mắc bận chuyện riêng của ổng. Còn chị cũng lu bù thật nhiều với vụ biểu diễn xe. Vì thế không rảnh thì giờ để săn sóc cho em trong khi ở lứa tuổi em rất cần thiết những điều đó.

Nói xong Sa-Lyn kéo tôi ngồi nhẹ xuống thảm cỏ, nàng có nét kiên nhẫn chịu đựng rất thuần hậu của một người mẹ. Tôi cảm thấy bớt bực tức.

Khuôn mặt Sa-Lyn cúi xuống một chút, bàn tay trắng nuốt nhẹ bứt những cọng cỏ non thả bay theo chiều gió. Nàng mỉm cười, đưa đôi mắt tròn đen láy nhìn tôi :

- Chị muốn kể cho em nghe một tin vui… Không biết em có muốn nghe không ?

Tôi ngồi co chân lại, tay vòng qua đầu gối, ngẩng mặt hỏi :

- Tin vui gì vậy chị ?

- Chuyện riêng tư của chị.

Chuyện riêng tư của Sa-Lyn là gì đây ? Phải chăng là chuyện của Nghiệp và Sa-Lyn buổi tối hôm nào ngoài vườn hoa ! Từ cái đêm hôm đó một thứ tình cảm thật lạ lùng chợt đến bên tôi, như tiếng sét chớp nhoáng giữa trời giông bão. Tôi có những ý nghĩ thật mâu thuẫn nhau, ý nghĩ mình đang được yêu thật nhiều, và cũng đang đau khổ ê chề vì bị hất hủi, bỏ rơi…

Với Hoài, gã con trai đang đeo đuổi sự nghiệp nhiếp ảnh chỉ mang đến cho tôi thật nhiều niềm tin, hơn là mang đến một thứ tình cảm nhẹ nhàng, một thứ niềm vui lạ hoắc như Nghiệp. Nhớ hôm sửa soạn lên đây, tôi đến thăm Hoài: Anh giới thiệu Ánh-Nga với tôi. Tôi thấy mình tức bực hơn là thất vọng.

Còn Nghiệp thì khác. Anh mang đến cho tôi niềm vui rộn rã, những cảm giác mông lung dịu vợi như mấy trôi chậm dưới khung trời mùa thu. Và niềm vui của tôi bắt nguồn ở đó, nỗi buồn cũng đi từ chỗ đó.

Sa-Lyn sẽ nói với tôi một tin vui, tin vui đó có liên quan gì đến Nghiệp không ?! Tôi cố giữ gương mặt bình thản nói :

- Chị nói cho Kim-Anh nghe đi !

Sa-Lyn nhìn ra xa, giọng trầm xuống đầy tin tưởng :

- Đó là lễ thành hôn của chị. Lễ thành hôn này đã được dự tính từ lâu, nhưng tới hôm nay mới quyết định.

- Ngày nào sẽ làm lễ thành hôn của chị ?

- Hôm bế mạc cuộc biểu diễn xe.

- Chỉ còn vài ngày nữa thôi ?!

- Kim-Anh thấy quyết định này có lý chứ ?

- Nhưng vị hôn phu của chị là ai ? Kim-Anh chưa được biết !

- Anh Nghiệp.

Tiếng anh Nghiệp thốt ra qua bờ môi Sa-Lyn mang một chút gì lạnh lùng và có vẻ thắng thế. Tôi phải chống chọi thật khốn khổ với bản thân để giữ nét mặt bình tĩnh. Vị hôn phu của Sa-Lyn là anh Nghiệp sao ? Tôi nghe như có tiếng động thật mạnh dồn dập kéo đến xoáy vào đầu óc tôi, người tôi như tê điếng lại. Niềm vui rộn rã chưa đến trọn vẹn đã ra đi. Tôi nhìn xuống thảm cỏ xanh, những cọng cỏ thật buồn ngả nghiêng theo gió. Người tôi lảo đảo như muốn theo gió bay đi. Những giọt mồ hôi thật nhẹ, lạnh buốt, lăn xuống hai bên thái dương. Dù cúi mặt bặm môi để khỏi bật khóc thành tiếng, tôi cũng không thể nào ngăn cản được giọt nước mắt đang âm thầm rơi xuống.

Sa-Lyn không nhận thấy những biến đổi như cơn bão kéo đến trong tôi, bằng giọng thật chậm, rõ ràng. Sa-Lyn tiếp :

- Kim-Anh biết không, chị mồ côi từ lúc hai ba tuổi và gia đình Nghiệp đã nuôi cho ăn học đến ngày hôm nay. Anh Nghiệp và chị ngoài sự thương yêu ra còn có những kỷ niệm của tuổi ấu thơ. Kỷ niệm tuổi ấu thơ thì bao giờ cũng đẹp phải không Kim-Anh ? Người ta khó có thể quên nó, cho nên tình yêu giữa anh Nghiệp và chị nhờ đó mà bền chặt thêm.

Tôi không muốn nghe một điều gì nữa hết ! Khuôn mặt Sa-Lyn không chút gì thay đổi, có chăng là trên khuôn mặt đó còn thêm vài nét hớn hở. Sa-Lyn vô tình lắm ! Nàng đâu biết rằng tôi đau khổ !

Đứng lên tôi nói giọng thật nhỏ :

- Thôi mình về đi chị !

Sa-Lyn ngạc nhiên :

- Sao khi chiều em đòi đi chơi loạn cả lên, bây giờ lại đòi về ?

Tôi thả lửng :

- Ở đây buồn quá !

- Chị sẽ đưa em đến những nơi khác ?

- Khi mình buồn thì chỗ nào cũng buồn.

Trở về chiếc xe nằm dưới con dốc, trước khi cho xe dọt Sa-Lyn hỏi tôi:

- Chắc cô nữ sinh Saigon nào cũng đa cảm, lãng mạn như em ?

Tôi trả lời thật vắn gọn :

- Tùy người.

Suốt con đường từ chân đồi về đến thành phố, tôi và Sa-Lyn không nói gì với nhau nữa. Tôi yên lặng nhìn bên ngoài. Cơn buồn trong tôi không biến đổi một mảy may nào, cảnh vật bên ngoài cũng như thế. Tất cả không còn quyến rũ được tôi nữa ! Buồn ơi buồn !

*

Xe dừng lại trước khách sạn, Sa-Lyn nhẹ nhàng mở cửa nhanh nhẹn bước ra đứng ngay cửa nhìn vào tôi. Lạnh lùng, lười biếng tôi bước xuống. Theo Sa-Lyn vào phòng khách, tôi nhoài người ngả mình trên chiếc nệm êm ấm… Ngồi cạnh tôi Sa-Lyn không nói gì, nhưng đôi mắt Sa-Lyn như cố tìm tòi trên khuôn mặt tôi những biến đổi. Tôi giả vờ nhìn lên những bức tranh thắng cảnh nước nhà được treo trong phòng khách. Tôi đặc biệt chú ý đến một bức tranh được đặt trang trọng giữa phòng khách: Bức tranh vẽ Tháp Chàm sừng sững giữa bầu trời xanh, dưới chân có những cô gái Chiêm-Thành đang múa một điệu vũ dân tộc. Nét họa cứng rắn linh động. 

Sa-Lyn nghiêng đầu xuống một chút bên tôi, mái tóc nàng đổ ào theo. Tiếng nói Sa-Lyn thật nhỏ:

- Kim-Anh thấy bức tranh đó thế nào ? Đẹp chứ ?

Cơn buồn bực trong người làm tôi dối lòng :

- Xấu ! Tháp chi mà đứng sững vuông vức, cục mịch. Người chi mà giống người tiền sử.

Sau câu nói của tôi Sa-Lyn ngồi thẳng người, nhíu mày một chút. Tôi không ngờ nỗi buồn bực trong tôi đã làm cho tự ái dân tộc của Sa-Lyn nổi dậy. Mặt Sa-Lyn lạnh lùng nhìn thẳng vào bức tranh. Như một quá khứ lịch sử anh hùng đang sống lại trong tâm hồn Sa-Lyn, nhưng không vì thế mà Sa-Lyn giận tôi, nàng vẫn nói bình thản:

- Tiền sử ! Nói thế mà Kim-Anh nghe được sao ? Cách đây mấy thế kỷ chứ có bao xa: thời kỳ đó người Chiêm-Thành đã đạt được một nền văn minh đáng nói.

Sa-Lyn thao thao nói về gốc tích văn minh, văn hóa Chiêm-Thành được dẫn chứng qua những di tích còn sót lại ở các tỉnh miền Nam Trung-Phần. Sau sự sát phạt khủng khiếp của người Nam dân Chiêm-Thành như bị bứng gốc và xóa hẳn tên trên bản đồ Châu-Á. Những số dân còn lại sống rải rác khắp các tỉnh miền Nam. Sa-Lyn thuộc dòng dõi hoàng tộc Chiêm-Thành, nàng cho rằng thời kỳ Pháp thuộc do sự mách bảo của những quan lại địa phương, người Pháp bắt buộc ông nội của Sa-Lyn phải đem nộp tất cả vàng bạc, những di tích kỷ vật của hoàng tộc cho họ để đem về các bảo tàng viện ở Pháp quốc. Nhưng ông nội Sa-Lyn can đảm hứng chịu tất cả mọi sự tra tấn dã man của người Pháp cho đến chết. Đến thời ba Sa-Lyn, ông hứa sẽ lưu truyền những kỷ vật đó cho con cháu hoặc những người thuộc dòng họ Chiêm-Thành.

Nói đến đây giọng Sa-Lyn trầm xuống :

- Nếu câu chuyện có tính cách gia truyền và hoang đường trên có thực, thì chị là giọt máu cuối cùng của Hoàng tộc Chiêm-Thành còn sót lại.

Tôi bàng hoàng như đang ở trong một giấc mơ, câu chuyện của Sa-Lyn nói có vẻ truyền thuyết nhưng qua bộ mặt và giọng nói của Sa-Lyn tôi có cảm tưởng như sự việc đang có thực trước mắt. Những giận dỗi bực tức từ chiều đến giờ bỗng lắng xuống: Sa-Lyn nàng “công chúa” Chiêm-Thành ? Một cô gái ở thế kỷ 20 với lối phục sức tân kỳ, vẻ đẹp thanh thoát như thế lại là một người thuộc về hoàng tộc của một nền văn minh đã mai một.

Sa-Lyn đứng lên đi đi lại lại trong phòng một chút, như chợt chớ điều gì nàng quay lại nhìn tôi cười thật duyên dáng :

- Thôi Kim-Anh mệt về phòng nghỉ đi, chị còn phải về nữa.

Bàn tay nắm thật gọn trong tay Sa Lyn, tôi nói :

- Kim-Anh là người đầu tiên biết về gia đình chị, chắc sẽ không có người thứ hai biết được?

- Cám ơn Kim-Anh !

Nói xong Sa-Lyn thoăn thoắt trở ra xe, chiếc xe lao vút đi và mất hẳn đi ở cuối một con đường dốc. Tôi uể oải bước lên thang lầu trở về phòng. Ngang qua phòng ba, tiếng ba từ bên trong vọng ra :

- A con đi chơi về rồi đó hả ! Sao có vui không ?!

Tôi cười gượng :

- Thích thú khi gặp những cảnh lạ nhiều hơn là vui đó ba ?

Bước vào phòng tôi ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn làm việc của ba. Tôi bỡ ngỡ nhìn bức điện tín ba nhận được từ hôm qua ở Saigon gửi lên, bức điện tín nằm ngang nhiên như chọc tức khiêu khích : “Vì bịnh không thể lên được như đã hẹn. Thành thật cáo lỗi. Chúc may mắn. Phạm-Thanh nhiếp ảnh”. Nếu ông này không lên được thì bài phóng sự sắp tới của ba sẽ ra sao?!

Ba nhìn ra cửa phòng càu nhàu :

- Thằng cha nhiếp ảnh này lạng quạng quá làm mình hỏng việc chứ chẳng chơi ! Bài viết phóng sự mà không có hình ảnh thì còn ra thể thống gi nữa. Nhất là loạt bài này độc giả ở xa cần xem hình ảnh ngoạn mục của cuộc biểu diễn. Bài phóng sự không có hình ảnh coi như có hồn mà không có xác

- Vậy ở dưới tòa báo người ta có gửi lên đây cho ba một ông nhiếp ảnh nào khác nữa không ?

- Có, nhưng một người ba chưa quen lề lối làm việc của họ, thì hợp tác chung khó làm việc lắm.

- Anh ta đã lên đây chưa ?

- Ông ấy hẹn ba bốn giờ chiều nay tại khách sạn này.

Tôi thở phào nhẹ nhõm bước tới cửa sổ nhìn xuống con đường trước khách sạn. Những ngày sống ở xứ lạnh này đã làm thay đổi tâm tư tình cảm tôi quá nhiều. Những biến đổi tình cảm trong tôi với Nghiệp. Câu chuyện của Sa-Lyn và những rắc rối của ba. Ý nghĩ của tôi bỗng chùng lại khi một chiếc taxi dừng lại trước khách sạn Có lẽ người nhiếp ảnh mới được tòa báo dưới Saigon phái lên ?

Một người thanh niên vừa rời khỏi xe, tay xách một chiếc valise nhỏ. Tôi nhoài người nhìn ra cửa sổ nhìn cho kỹ dáng người của anh ta: người mảnh khảnh, bước đi chững chạc và cương quyết. Mái tóc mịn lòa xòa trước trán của một nghệ sĩ, cái bóng dáng quen thuộc quá ! Hoài. Hoài lên Đà-Lạt thực sao ?

Tôi bỏ cánh cửa sổ đi lẹ thật xuống các bậc cầu thang, đến mực thang cuối cùng, Hoài đang đứng ngớ ngẩn nhìn tôi.

- Kim-Anh !

Nở nụ cười thật tươi tôi bước đến cạnh Hoài :

- Anh lên đây làm gì ?

- Sao Kim-Anh lại hỏi như thế ? Chứ bộ Kim-Anh quên anh là một nhà nhiếp ảnh rồi sao ?! Chính ba Kim-Anh cũng đòi hỏi ở tòa soạn một nhiếp-ảnh-viên riêng cho bài phóng sự của ông.

Tôi thắc mắc hơn :

- Nếu Kim-Anh không nhầm thì anh đâu có làm chung với một tòa báo với ba ?

Hoài đặt chiếc valise xuống, hai tay khuềnh khoàng trong túi quần, nụ cười nhếch mép tự tin:

- Kim-Anh còn nhớ cô Ánh-Nga làm mẫu của anh không ? Anh đã đem một số ảnh chụp cô ấy tới cho ông chủ nhiệm coi. Cũng vừa đúng lúc cái ông nhiếp ảnh của tòa báo bệnh nặng, ông chủ nhiệm điên đầu lên, không biết phải nhờ ai lên đây. Không những chấp nhận cho anh làm việc cho tòa báo của ông, còn nhờ anh lên đây để lo chụp hình ảnh cho bài phóng sự cuộc biểu diễn xe do ba Kim-Anh đảm trách. Ông đã đưa anh ra tận phi trường lúc hai giờ trưa nay.

- Vậy anh cộng tác với ba em ?

Hoài chưa trả lời câu hỏi của tôi, thì ba cũng vừa trên lầu bước xuống. Nhìn tôi một thoáng ba quay sang Hoài. Khuôn mặt của ba lộ hẳn nét khó chịu, ba cũng thắc mắc như tôi lúc đầu gặp Hoài :

- Cậu lên đây làm gì ?

- Tôi là người tòa báo đưa lên đây làm việc chung với ông.

Ba tức bực thấy rõ, vẫn xem thường Hoài như thuở nào. Tôi hiểu ba không tin tưởng khả năng Hoài cho lắm, dù Hoài đã nói cho ba nghe về việc tòa báo gởi anh lên đây. Ba thản nhiên:

- Dù sao thì cậu cũng đã lên đây rồi, tôi cũng khó chối từ. Về tài nghệ của cậu tôi còn chờ xem sao.

Hoài nhấn mạnh từng tiếng :

- Nhà báo đã gửi tôi lên đây thì ông cũng dư biết tài nghệ của tôi ra sao rồi.

Nhún vai ba nói :

- Nhưng ít hôm nữa mới cần đến cậu, còn bây giờ cậu cứ việc nghỉ.

Nói xong ba lại trở lên lầu. Hoài và tôi đưa mắt nhìn theo cho đến khi cái bóng của ba khuất.

Buông thõng xuống ghế Hoài nói với tôi giọng mỉa mai :

- Thực rất hân hạnh được cộng tác với một ký giả nổi danh như ba của Kim-Anh. Ông tiếp đãi anh nồng hậu ghê !

Ngồi xuống cạnh Hoài tôi nhỏ nhẹ :

- Anh bỏ qua chuyện đó đi ! Anh thử đứng địa vị của ba em, anh như trên trời rớt xuống cách đột ngột thế bảo sao ba em chẳng bỡ ngỡ… Hãy để cho ba em hết bỡ ngỡ chút đã. Tính của ba em vẫn vậy đó.

- Anh không cần gì hết. Rồi ba Kim-Anh sẽ biết tài nghệ anh, nếu ông muốn. Anh sẽ chụp những tấm hình mà suốt đời ông sẽ không quên được.

Giọng nói ấm và cứng rắn của Hoài tự tin hơn bao giờ hết: anh đưa mắt nhìn ra sân khách sạn, đôi mắt long lanh sáng. Hoài lúc nào cũng đặt nghệ thuật và sự nghiệp lên trên tất cả. Anh quên mình vừa đặt chân lên Đà-Lạt, khung trời sương lạnh đang có sự hiện diện của tôi. 

____________________________________________________ 
Xem tiếp  CHƯƠNG NĂM

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

CHƯƠNG BA_GIÓ THOẢNG


ba


Phần vì đi đường mệt, phần vì không khí ở đây mát mẻ nên tôi đã ngủ được một giấc thật dài. Giật mình dậy chuông đồng hồ đã gõ sáu tiếng. Tôi nhìn ra cánh cửa sổ, bên ngoài trời đã xuống thấp, sương trắng mù đặc. Tôi tung chăn nhảy ra khỏi giường bước sang phòng tắm. Không ngờ lại ngủ nhiều như thế, ở đây chừng vài tháng chắc người tôi lên ký thấy rõ. Những giọt nước ấm chảy qua lòng bàn tay, vã lên mặt tôi nghe tỉnh hẳn. Bước qua hành lang về phòng, tôi nghe tiếng chim kêu ngoài xa, có lẽ sương xuống đã nhiều nên chúng rủ nhau về tìm giấc ngủ. Tôi mỉm cười một mình: Lúc lũ chim rủ nhau về tìm chỗ ngủ là lúc tôi vừa thức dậy. Cuộc sống quen thuộc hằng ngày đâu cho phép tôi ngủ muộn như thế ! 

Đêm nay tôi và ba được mời đi ăn tiệc. Nhìn mình trong tấm kính lớn trước mặt, giấc ngủ ngon lành đã cho tôi một khuôn mặt bình thản và tươi tỉnh. Chải cho mái tóc suôn sẻ, tôi phân vân không biết nên chọn chiếc áo nào để mặc đêm nay. Tôi cầm chiếc “ rốp ” màu vàng, rồi màu hồng… Cuối cùng tôi chọn chiếc áo dài trắng mới may cách đây hai tuần ở Saigon. Từ hôm may nó tới nay chưa khoác vào một lần, hôm nay mặc thử xem sao. Dưới chiếc cổ áo dài thấp ôm tròn lấy cổ tôi đeo vào một sợi dây chuyền vàng mỏng manh. Nghe đâu sợi dây chuyền này là kỷ vật của mẹ tôi để lại. Nhìn vào gương lần chót… Được lắm! Chắc ba phải thầm hãnh diện về đứa con gái cưng của ba. Khoác vội chiếc “manteau” màu tím nhạt vào người tôi dọt xuống thang lầu từng hai cấp một. Tôi thầm hổ thẹn vì giấc ngủ trễ muộn của mình. Biết đâu chẳng trễ giờ đi ăn tiệc ?! 
Xuống đến phòng ăn chính của khách sạn, tôi bắt gặp ba và Sa Lyn đang ngồi ở bàn trong cùng. Có lẽ hai người chờ tôi đã lâu. 

Ba trông thật trẻ trong bộ đồ “vét” màu xám, dáng người mảnh khảnh bặt thiệp đang cười cười gì đó với Sa Lyn. Còn Sa Lyn nổi bật trong chiếc “jupe” màu mạ non, với một dây thắt lưng làm bằng những khâu vàng óng ánh dưới ánh đèn tuyệt đẹp. Câu chuyện giữa hai người chắc phải là vui lắm, vì thấy ba không dứt nụ cười.

Thấy tôi tiến lại, ba ngẩn đầu lên :

- Đang nói về con với Sa Lyn đó.

Tôi tì tay xuống thành bàn, khuôn mặt rõ trên tấm kính ở bàn, nhí nhảnh:

- Chắc ba đang nói xấu con chớ gì ?

Sa-Lyn cười thành tiếng, đùa :

- Ừ, ông nói Kim-Anh đã lớn rồi mà còn hay nhõng nhẽo !

Quay sang ba tôi nói :

- Không biết đâu, đền ba đó !

Ba tôi và Sa Lyn đứng lên, trước khi bước đi, ba nói :

- Con có thể coi cô Sa-Lyn như một người bạn quí, chí tình. Cô ấy khen con dễ thương, và xinh như một con búp bế.

Sa-Lyn khẽ gật đầu với một nụ cười đồng ý :

- Kim-Anh đẹp tự nhiên, và dễ thương lắm !

- Chị khen quá đó chứ !

Chúng tôi bước theo ba ra ngoài khách sạn. Một vài người ngồi trong những chiếc bàn bên cạnh dán mắt vào chúng tôi. Một vài gã con trai huýt sáo nho nhỏ, vừa đủ để tôi và Sa-Lyn chú ý. Thanh niên ở đây không búng tay, hay kêu giật giọng như tụi con trai ở Saigon mỗi lần nhìn thấy một cô gái nào thật dễ thương. Có lẽ họ biết chúng tôi đang đi với ông già nên không dám lạng quạng gì, ông già mà nổi giận bất tử họ dám ăn “ba-tong” lắm !

Cũng chiếc xe khi sáng đưa tôi từ phi trường vô đây đang đợi trước cửa. Người tài xế quen thuộc mỉm cười chào chúng tôi. Lần này thời ba không cho tôi ngồi một mình lẻ loi ở băng trước nữa ! Chúng tôi dồn nhau vào băng sau. Tôi ngồi gọn lỏn vào giữa, nghe thật ấm trong khi ngoài trời sương lạnh làm mờ cửa kính. Nỗi buồn chán khi sáng đặt chân tới phi trường Liên-Khương đã biến mất nhường lại trong tôi niềm vui, mênh mang thư thái.

Chiếc xe nhẹ êm vút đi, trong ánh sáng lờ mờ của đèn đường thành phố hắt qua cửa kính, chiếu xuống mặt đường một dãy ánh đèn dài trông thật đẹp, đẹp như những sợi vàng tây quấn nhiều vòng lóng lánh trên chiếc cổ trắng mịn của Sa-Lyn. Ở Saigon những con nhỏ bạn tôi hiếm đứa đeo trang sức kiểu này. Như tôi chẳng hạn nếu đeo vòng như Sa-Lyn chắc nặng trĩu, và quê kệch. Nhưng ở Sa-Lyn thì không thế. Sa-Lyn rất tự nhiên và quý phái nên những thứ nữ trang đó đi đôi với nàng rất phù hợp. Bỗng chợt Sa-Lyn quay sang nhìn tôi :

- Chắc tôi lạ lắm phải không Kim-Anh ?

Tôi thành thật :

- Không lạ gì cả, chị đẹp lắm !

Sa-Lyn mỉm cười không nói, tôi tiếp :

- Hèn chi mấy gã con trai khi nãy ở khách sạn “nhặng” cả lên !

- Gã con trai nào lại không như thế ! Gặp gái được nước một chút là y như ong vỡ tổ. Nhiều khi mình chạy trốn không kịp. May mà có ông già kè kè một bên không thì khó mà yên.

Bữa sáng ba có nói cho tôi nghe về Sa-Lyn. Cô là người Việt gốc Chiêm Thành. Nghe đâu cô là người cuối cùng thuộc dòng dõi vua Chiêm. Những người con gái có dòng máu lai đều đẹp, tôi nói :

- Chị giống như những nàng “công chúa” Chiêm Thành được vẽ trong bức tranh xưa chưng ở bảo tàng viện. Nét đẹp quí phái, đài các mặc dù chị đang phục sức theo lối tây phương. Như ở trường Kim-Anh học, có một nhỏ bạn lai Ấn-Độ, đôi mắt và sóng mũi đẹp không chê được. Tụi Kim-Anh bầu con nhỏ làm hoa khôi của lớp.

Sa-Lyn mím môi :

- Nhiều người cũng đã khen chị như Kim-Anh.

Nói xong Sa-Lyn ngả người ra sa thành ghế im bặt. Chiếc xe quanh co hướng về phía Liên-Khương. Trên đường bóng tối mờ mờ buồn nản. Thỉnh thoảng bắt gặp những tấm quảng cáo được phết bằng lân tinh chiếu sáng ở các khúc quẹo sát lề đường. Đột nhiên ba chồm ra phía trước nói :

- Sa-Lyn định dẫn hai cha con chúng tôi đi đâu vậy ?

Hỏi thế rồi như thấy mình nói hớ, ba nhỏ giọng :

- Xin phép gọi cô bằng tên như thế cho thân mật.

Sa-Lyn tự nhiên hơn bao giờ hết:

- Tôi cũng mong như thế. Thật vô tình tôi cũng gọi ông bằng ông. Chắc cũng không thất lễ.

Thật hồn nhiên, thật dí dỏm Sa-Lyn tiếp :

- Ông yên trí, tôi không dám dẫn ông và Kim-Anh vào rừng cho cọp “đớp” đâu ! Trại chăn nuôi và đồn điền của ông Hùng tận trong Liên-Khương lận, cách đây khoảng ba bốn cây số.

Tôi xoay nhìn sang Sa-Lyn :

- Chắc hẳn phải đẹp nhất ở đây ?

Sa-Lyn :

- Một chỗ thật lý tưởng để chăn nuôi, trồng tỉa. Nhìn bao quát chung quanh thật đẹp. Khí hậu về đêm ở đây không như ở thành phố, nó thật lạnh.

- Eo ơi, như thế chịu chi nổi ?

- Không sao, Kim-Anh đã mang theo áo lạnh rồi cơ mà !

Tôi xuôi mắt nhìn ra ngoài. Dãy núi lờ mờ xa hẳn ra, hình dạng của nó khó có thể phân biệt được, bên trái những khu rừng thấp đen nghịt. Tiếng suối không đổ róc rách và êm ái như ban ngày mà hình như đổ cuồn cuộn chan chát xuống ghềnh đá.

Đèn đường thành phố đã mất hẳn từ bao giờ tôi không để ý. Chỉ còn lại ánh trăng thật nhạt, và một vài ngôi sao chỉ là những cái chấm li ti xuyên qua bầu trời sương mù. Thực là một cảnh đẹp dễ thương, ở Saigon suốt đời tôi sẽ không bao giờ có thể bắt gặp được cảnh vật nên thơ như thế.

Người tài xế cho xe quẹo vào một ngõ hẹp, Sa-Lyn đưa tay qua kiếng xe chỉ những chấm đèn điện trước mặt :

- Khu nhà có ánh sáng đó là nông trại, sau nông trại là một rừng café. Ngôi biệt thự của ông Hùng nằm đó.

Ba cúi đầu nhìn kỹ về phía trước :

- Thật lý tưởng như Sa-Lyn nói. Chắc ông Hùng đang mong chúng tôi lắm! Bậy quá chúng tôi đến hơi trễ !

- Dạ không sao ! Hôm nay có ông thị trưởng và một số quan khách. Tiếc là ông chủ tôi bận lo đón khách nên không thể đi đón ông và Kim-Anh được.

- Ông ấy làm ăn to thực ! Nhưng… chỗ này làm xưởng máy sao cho tiện ?

Sa-Lyn thật thông minh và duyên dáng trả lời câu hỏi của ba tôi :

- Thực ra nghề buôn bán hoặc trong những kỹ nghệ ai cũng đổ xô về Sàigòn hay một vài thành phố lớn. Làm như vậy có nhiều điểm lợi và cũng có thật nhiều điều thật bất lợi. Ông chủ tôi chỉ đặt văn phòng và cửa hàng tại Sàigòn. Còn ở đây ông sẽ mở xưởng chế đồ phụ tùng và ráp các loại xe gắn máy thực dụng hiện nay. Đất đai của ông ở đây còn mười mấy mẫu bỏ hoang, trong khi những trại định cư và các nhóm dân tộc thiểu số của ta thì thiếu việc làm.

Ba có vẻ thắc mắc :

- Việc làm của ông Hùng thật lý tưởng, đỡ cho bao người khỏi nạn thất nghiệp và kỹ nghệ nước mình sẽ càng thêm phát triển ! Nhưng các nhân công phần đông là người thiểu số, từ lâu không quen việc máy móc, thì làm sao đảm đang công việc cho chu toàn được ?

- Thực ra phần đông họ chỉ phụ trách công việc đồn điền thôi ! Các chuyên viên xưởng máy hầu hết người Việt. Có một số kỹ sư của mình ở ngoại quốc về, thêm những kỹ sư Nhật hướng dẫn, công việc nhờ đó sẽ được xúc tiến tốt đẹp. Từ trước tới nay ông chủ tôi gởi mua đồ ngoại quốc về ráp. Mấy tháng nay một số bộ phận xe gắn máy do kỹ sư Việt-Nam chế tạo được các kỹ sư ngoại quốc khen bền, tốt và phù hợp với nền kỹ nghệ hiện tại của Việt-Nam… Như thế chắc ông đã rõ lý do ông Hùng tổ chức cuộc biểu diễn xe gắn máy những ngày sắp tới…

- Ông Hùng mời tôi lên đây vì lý do đó. Cuộc biểu diễn do ông ấy tổ chức sẽ cho thấy những bộ phận máy móc của Việt-Nam chế tạo không thua gì của ngoại quốc ? Hoặc là cho thấy sự thất bại của ông, nếu như những bộ phận không bảo đảm. Các hãng xe ngoại quốc sẽ không cấp những mảnh bằng để ông phát triển công việc chế tạo. Và chính sự thất bại này chính quyền sẽ không cấp giấy cho ông sản xuất ?!

Sa-Lyn nghiêm trang, nhưng không kém phần dí dỏm :

- Ông Hùng như đánh vào một ván bài hên xui trong cuộc biểu diễn xe sắp tới.

Ba mỉm cười xoay qua một vấn đề khác :

- Ông chủ của cô nổi tiếng nhất cao nguyên này về giàu có. Ông sẽ còn nổi tiếng hơn khi công việc kỹ nghệ hoàn thành. Nhưng công việc hiện thời của ông như nghề chăn nuôi chẳng hạn, chắc ông đang phát triển không ngừng để cung cấp sữa thịt cho toàn thể thị xã này ?!

Mỗi câu hỏi của ba đều kèm theo nụ cười thật lịch sự, dù người đối diện có khó tính đến đâu cũng khó mà thối thoát câu trả lời. Thật nhà báo có khác !

Sa-Lyn trả lời thật khéo :

- Không hẳn thế ! Công việc gì ông Hùng cũng cho là đang thí nghiệm, gọi là để góp phần mở mang kỹ nghệ nước nhà vào thời hậu chiến. Có lẽ vì thế mà du khách đến đây, coi đồn điền ông như một chỗ nghỉ mát lý tưởng hơn là một nông trại hay một hãng chế tạo.

Tôi nghĩ ông Hùng thật may mắn được một cô thư ký thông minh và duyên dáng như Sa-Lyn. Từng câu nói vắn gọn dễ gây sự chú ý của người khác. Tiếng Sa-Lyn reo vui :

- Chúng ta đã đến rồi !

Qua khỏi vườn café rộng, xe quanh vào một đường tráng nhựa thẳng tắp, có vườn hoa chạy dài hai bên mùi thơm dịu dàng theo gió lòn qua kính xe, mang cho tôi không khí thật dễ chịu. Xe dừng lại ở một khoảng sân xi-măng rộng lớn, với dàn hoa leo màu vàng tuyệt đẹp. Đèn néon được gắn phía dưới những dàn hoa đỏ sáng rực.

Chúng tôi bước xuống. Tôi đứng nhìn quanh quất tận hưởng không khí thoải mái, mà tự nãy giờ ngồi trên xe không có. Tiếng nhạc từ bên trong biệt thự vẳng ra khi cánh cửa chính được mở. Hai người đàn ông và một người đàn bà xuống sân bước về phía chúng tôi. Trông thấy ba, người đàn ông đứng tuổi giọng tự nhiên hớn hở :

- A… ông Nghiêm đây rồi… Tôi mong anh mãi hôm nay mới hân hạnh gặp lại. Thật vừa đúng lúc, buổi tiệc trà sắp sửa khai mạc.

Nói xong ông và ba bắt tay nhau. Ông đứng tuổi này có lẽ là ông Hùng đây. Thật đúng với dự đoán của tôi. Trong khi bắt tay ba ông cười nhìn sang người đàn bà và anh chàng thanh niên đứng kế cận.

- Xin giới thiệu với anh nhà tôi… và Nghiệp, con trai lớn của tôi. Nghiệp là người nòng cốt cho cuộc biểu diễn xe gắn máy sắp tới.

Không để cho ông Hùng hết lời, Sa-Lyn cầm tay tôi :

- Giới thiệu ông chủ, Kim Anh cô bạn mới quen của tôi, con gái và là cộng tác viên của ông Nghiêm

Ông Hùng nhìn tôi bằng nụ cười đầy thiện cảm. Nghiệp, anh con trai ủa ông Hùng bước tới gần tôi, gật đầu chào :

- Hân hạnh biết cô.

Bà Hùng đưa tay ra làm một cử chỉ thân thiện :

- Thôi, tất cả chúng ta vào trong đi !

Ba dẫn tôi đi theo ông bà Hùng. Theo sau chúng tôi là Sa-Lyn và Nghiệp. Anh chàng bước từng bước thật chậm và nghiêm trang. Bóng của Nghiệp cao lớn phủ lên bóng tôi. Tôi thấy bước chân mình ngượng nghịu, như có đôi mắt của Nghiệp nhìn chăm chăm sau lưng. Hay lần đầu tiên phải giao thiệp với những người sang trọng giàu có làm tôi ngượng ngập chăng ? Ừ, mà thật thế ! Tôi thấy ở đây như có một điều gì bị đóng khung bằng những chào hỏi, cách ăn mặc, đi đứng phải cân nhắc từng li từng chút.

Khách đến dự tiệc phần đông là những người có vai vế ở thị xã này. Đàn bà cũng như đàn ông, họ đều ăn mặc thật sang trọng, lịch sự và kiểu cách. Đến nỗi tôi phải tự hỏi mình, không biết chiếc áo dài trắng tôi đang mặc trên người có lỗi thời lắm không ?!

Những chiếc bàn nối dài trên một căn phòng lộ thiên, chiếm luôn cả phòng khách, bày biện những món ăn tây phương thật nhẹ cho buổi tối, và những chai rượu đắt tiền.

Tôi trịnh trọng bước vào phòng khách. Nghiệp từ đâu nhào tới với chai rượu trên tay. Nghiệp tự nhiên như đã thân thiện với tôi từ lâu :

- Kim-Anh dùng một chút rượu cho ấm nha !

Nhìn anh ta tôi nói :

- Kim-Anh không quen dùng rượu.

- Không sao đâu ! Kim-Anh dùng một tí sẽ biết. Rượu Champagne thật nhẹ và mát.

Khẽ gật đầu, hai má tôi như nóng ran bởi nụ cười và cái nhìn thật ý nhị của Nghiệp. Sự gặp gỡ ban đầu giữa tôi và Nghiệp như một tình cờ không sửa soạn, không chuẩn bị.

Hồi nãy trước sân nhà, dưới ánh sáng của dàn hoa, vì sự ngượng ngập lúc đầu, tôi chỉ thoáng thấy Nghiệp như chiếc bóng lượn qua lượn lại trước hàng cột tranh tối tranh sáng. Giờ đây dưới ánh đèn sáng rực tôi mới dịp nhìn Nghiệp rõ hơn ! Anh khỏe mạnh, cao lớn, cao hơn tôi một cái đầu. Khuôn mặt sạm nắng, cứng rắn, mang đầy sức sống mãnh liệt. Trong bộ đồ vét màu xanh che lấp phần thân thể khỏe mạnh, Nghiệp làm tôi liên tưởng đến những tượng thần Hy-Lạp. Đôi mắt nhìn thẳng người đối diện như muốn nói hết những điều trung thực mà chàng đang có.

Mặc dù anh lăng xăng tiếp hết người này đến người khác, từng câu chào hỏi, từng cái gật đầu thật hoạt bát và lịch thiệp, tôi có cảm tưởng như Nghiệp chỉ chú ý đến tôi mà thôi.

Bằng một giọng rất ấm, anh bắt chuyện với tôi :

- Saigon mấy lúc này mưa nhiều hở Kim-Anh ?

- Mưa nắng thất thường ! Nhưng những giọt mưa ở Saigon không đẹp bằng những giọt mưa ở Đà-Lạt !

Nghiệp đưa ly rượu vừa rót cho tôi, nhìn ra xa ngoài trời :

- Ở đó cho tôi thật nhiều kỷ niệm ngày còn đi học.

Tôi cười mỉm giấu nhẹm cử chỉ vụng về trong đôi mắt Nghiệp bằng cách hất mái tóc ra phía sau nói nhỏ :

- Lâu rồi anh không về dưới đó sao ?

- Thỉnh thoảng thôi, những lần về dưới bao nhiêu công chuyện phải lo, đâu còn thời giờ để sống lại những ngày cũ nữa.

Tôi xoay ly rượu trong tay, màu vàng của rượu thật đẹp, óng ánh đôi mắt của Nghiệp bên trong. Tôi nói :

- Ngày tháng thường làm ngày vui ấu thời qua đi, thường làm cho kỷ niệm mòn hao. Dù mình muốn tìm con đường cũ trở về thăm lại ngôi trường, hàng cây điệp rũ lá, nhưng con đường cũ đã bít lối, chỉ còn những nuối tiếc.

Nở nụ cười thật kín đáo, Nghiệp nhìn tôi như muốn thu gọn lại.

- Ở đây ồn ào quá ! Mình ra bên ngoài có lẽ thú hơn.

Tôi gật đầu bước theo Nghiệp qua dãy nhà lộ thiên. Qua khoảng đường nhỏ lót từng miếng gạch một trên sân cỏ, khu vườn rộng, gió thênh thang lướt về qua từng kẽ lá. Tôi kéo cổ áo lên cao che bớt cái lạnh đang ôm khoảng trống trên thân thể. Hương phong lan thoang thoảng đưa qua, đem cho tôi không khí thật dễ chịu, không như đứng trong phòng khách chộn rộn và bực bội.

Bước đến cạnh một chiếc ghế đá Nghiệp lơ lửng :

- Kim Anh thấy ở đây ra sao ?

- Buồn ! Nhưng thơ mộng.

- Nó có thể làm cho ta quên đi những mệt mỏi bủa vây hằng ngày khi đặt chân vào đây. Cũng như giờ phút này tôi không muốn nghĩ tới những nguy hiểm, khi cuộc biểu diễn xe sắp được tổ chức.

Khi đặt chân đến đây tôi có nghe ông Hùng nói Nghiệp là người nòng cốt trong cuộc biểu diễn xe sắp tới. Tôi đã thầm phục lòng can đảm của anh, một con người thích đùa giỡn với tốc độ.

Ngồi xuống băng đá tôi hỏi :

- Anh không nghĩ đến những nguy hiểm tình cờ có thể xảy ra trong cuộc biểu diễn đó. ?

Nghiệp tự tin nói :

- Thực ra không có gì đáng sợ, để mà lo lắng hay nghĩ đến nguy hiểm, khi người ta đã coi nó như một thói quen. Tôi đã từng chiếm nhiều giải đua xe gắn máy tổ chức ở Saigon. Lần này không phải đua để chiếm giải làm rạng danh cho cá nhân tôi, mà là một cuộc biểu diễn đem lại thắng lợi cho gia đình.

Sau câu nói Nghiệp yên lặng nắm tay tôi. Một thoáng bối rối tôi nhìn xuống bãi cỏ mềm mại dưới chân. Nếu là ban ngày tôi sẽ thấy bãi cỏ xanh mượt như cánh đồng chạy dài ngút mắt đến một chân trời thật hồng. Chân trời đó tôi và Nghiệp gặp nhau chỉ vài phút trước đây, nhưng đã đem đến cho tôi nỗi xao xuyến kỳ lạ. Bàn tay rắn chắc của anh như dìu tôi bay nhẹ lơ lửng, tôi bềnh bồng như những đám mây buổi sáng thật hồng. Sự cứng rắn và can đảm của anh làm tôi thấy mình nhỏ nhoi và yếu đuối như cỏ non dựa vào thân cây lớn.

Bỗng dưng tôi cảm thấy lo lắng cho anh, giọng thật nhỏ :

- Anh quá tự tin về việc làm của mình ! Những bộ phận xe gắn máy do hãng anh chế tạo đủ bảo đảm an toàn không ?

- Hy vọng lắm chứ !

Trên khuôn mặt của anh ngời sáng tin tưởng, không một điều gì có thể làm mất niềm tin đó được. Nếu cuộc biểu diễn xe sắp tới thành công không nói gì, nhưng nếu vì một vài sơ suất nào đó mà thất bại, thì không biết khuôn mặt anh có ngời sáng tin tưởng như bây giờ không ?! Nhưng dù gì đi nữa tôi vẫn cảm phục chí quả cảm và lòng cương quyết của anh.

Đang nói chuyện với Nghiệp bỗng bắt gặp một bóng người mảnh khảnh từ phòng tiệc bước ra vườn. Nhìn quanh quất một chút cái bóng mảnh khảnh đó từ từ tiến lại chỗ chúng tôi. Đứng cạnh bên tôi, gần nhóm hoa phong lan, Sa-Lyn nhỏ giọng:

- Kim-Anh, ba cô đang tìm ở trỏng !

- Chuyện gì vậy chị ?

- Ba Kim-Anh có vẻ hơi lo vì không thấy Kim-Anh.

Giọng nói Sa-Lyn mang một chút gì lạnh nhạt. Tôi nghe như gió từ bên kia đồi thông thổi về lạnh rát trên khuôn mặt. Khuôn mặt Sa-Lyn không có nét gì thay đổi, những vòng dây chuyền dưới cổ nàng rung nhẹ lóng lánh như muốn nói lên sự kiêu kỳ, bực tức đang có trong nàng. Tôi đứng lên. Nghiệp vẫn ngồi nhìn Sa-Lyn. Nàng nhìn tôi :

- Kim-Anh biết đường vào rồi chứ ?

Tôi chỉ gật đầu cười mỉm, tiến thẳng về phía căn nhà lộ thiên. Sau lưng tôi tiếng cười Sa-Lyn vang nhẹ như gió đuổi theo. Tiếng cười như có cái gì thật mỉa mai, đắc thắng. Bước qua phòng khách, tôi cảm thấy cả người choáng váng, có một chút gì uất nghẹn ở cổ… Giữa đám đông người sang trọng, giữa tiếng cười rạng rỡ, tiếng rượu khui nổ chan chát, tôi như bị lạc lõng, bị khai trừ. Tôi đâu còn nhỏ dại gì để người ta bỏ quên, tôi cũng đang có mặt trong cái thế giới hào nhoáng vui vẻ này. Không ai có thể ra lệnh hay sai khiến gì tôi. Tôi phải tự do trong ý muốn của riêng tôi chứ ?!

Gặp ba ở phòng khách, đôi mắt ba nhìn thẳng vào tôi, dò xét. Tôi tảng lờ nhìn về một hướng khác. Không biết tôi có còn là tôi nữa không ? Tôi không hiểu nổi tôi nữa thì đừng nói chi đôi mắt của ba chỉ dò xét thoáng qua. Tự dưng Nghiệp chợt đến với tôi đêm nay, một vài phút giây dưới khu vườn đầy hoa phong lan, đã len vào tim tôi một hương thơm thật nhẹ. Từ một khoảng trời nào đó chợt dưng hiện ra trong hồn tôi khung trời thật đẹp đầy dẫy cỏ xanh, và mây hồng.

Tôi nhìn ly rượu màu vàng sóng sánh trên tay, đôi mắt của tôi hiện ra trong đó thật xa xôi, bỗng chốc như muốn khép lại… 

___________________________________________________ 
Xem tiếp  CHƯƠNG BỐN