Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

THƯƠNG MÀU HOA - Trần thị Phương Lan

 

Rồi một chiều tìm về thôn xóm cũ
Mái tranh yêu bìm bìm tím nở đầy
Chiều tàn dần nghe nỗi nhớ đâu đây
Từ dĩ vãng dâng đầy lên khóe mắt

Thôn xóm cũ chỉ mái tranh vách đất
Nhưng nơi đây chôn dấu mảnh tình thương
Ấu thơ bao kỷ niệm dưới mái trường 
Ngày hai buổi lũ học trò đến lớp

Đây cánh cổng trường thân yêu lúc trước 
Vẳng đâu đây bao tiếng trống rộn ràng
Tiếng cô thày giảng trong lớp vang vang
Cắm cúi chúng tôi ngồi ghi chép

Thuở đi học thày cô dạy lễ phép
Học đánh vần, toán đố cho thông
Biết ơn thày cô chẳng quản công
Trước giờ học tụi mình khều mái lá

Bìm bìm tím bông nở đầy đẹp quá
Hái một ôm đem cắm muỗng dùa
Học trò nghèo quà rất đỗi đơn sơ
Nhưng cũng khiến cô thày cười trìu mến

Màu hoa tím cho lòng tôi xao xuyến
Dừng bước chân phiêu lãng chiều nay
Hoàng hôn rơi đã hết một ngày
Ôi thương biết bao nhiêu màu hoa cũ...

                                       Trần Thị Phương Lan 
                                       (Bút nhóm Hoa Nắng)
 

Thứ Tư, 28 tháng 2, 2024

CON XÉN TÓC - Đặng Hoàng

 

Trong số các con vật nhỏ bé hay bay lạc vào nhà lúc chiều tối như cà niễng, chuồn chuồn, châu chấu, dế, cánh cam, bọ dừa, bổ gỗ, bọ hung v.v... chúng ta còn phải kể tới xén tóc nữa, mặc dù thỉnh thoảng mới thấy nó xuất hiện, vì địa điểm sinh sống loài này thường là những vùng cây cối rậm rạp hay đồng cỏ yên tĩnh.

Thuộc loại côn trùng cánh cứng bất động lại chuyên gậm nhấm phá hoại, xén tóc gồm nhiều thứ to nhỏ khác nhau tùy màu sắc, địa phương. Thứ năng gặp nhất mang sắc xám, nâu, lốm đốm vàng xanh hoặc khoang đen trắng, đỏ sậm chen tím và đôi khi pha hồng. Trung bình cỡ sáu bẩy phân, thân thon thon nhẹ nhàng mỏng mảnh, đầu nhỏ mắt to bên cạnh hai sợi râu vượt quá thân mình, cứng ngắc do nhiều đốt kết hợp với nhau chẳng khác gì lá thông vậy, xén tóc đáng sợ ở chỗ, sau hai sợi râu nhỏ ngoe nguẩy loạn xạ là cặp răng nanh hình lưỡi liềm thật bén. Sở dĩ nó mang tên xén tóc vì nếu bạn thử rứt một vài sợi tóc rồi đưa cho nó cắn thử, sợi tóc sẽ đứt ngay. Do đó, hễ sơ ý, bạn dễ bị xén tóc xén cho một miếng vào tay chẩy máu như chơi. Kế đến là cổ, phần này to hơn đầu và đặc biệt trang bị hai mấu gai nhọn hoắt chĩa sang hai bên dùng để tự vệ và làm phương tiện gạt bỏ các chướng ngại vật trên đường đi kiếm ăn.

Dĩ nhiên xén tóc biết bay vì cũng có cánh, nhưng hai cánh này cứng và khum khum khép kín trên sống lưng hoặc do nhiều lớp lông nhỏ bao phủ, hoặc nhẵn thính, bóng loáng hay nổi gân chạy theo chiều dọc chỉ được coi như "áo giáp" che chở phần thân thể khỏi bị hiểm nguy khi xén tóc nhà ta chui mé vào các hang hố, hốc cây cũng như chống đỡ mọi sự va chạm mạnh nếu chẳng may húc phải bờ tường, cành lá rồi rơi xuống bất ngờ, chứ không vỗ được như loài chim. Cần di chuyển đó đây, lớp "áo giáp" sẽ mở rộng ra bất động để lấy chỗ cho hai cánh bên trong làm việc. Chính cặp cánh này, bề ngoài có vẻ yếu ớt, mỏng manh thật đấy nhưng dư sức nâng bổng xén tóc lên cao để lao đi vun vút tựa mũi tên.

Tuy cũng có sáu chân rất khỏe, xén tóc không nhẩy được như dế, châu chấu, cào cào v.v... ngược lại nó chạy khá nhanh ngang với loài gián, vậy mà vẫn bị sát hại. Mỗi khi gặp nạn, xén tóc phát ra những âm thanh xào xạo, đùng đục, đồng thời vùng vẫy tìm cách thoát thân. Một vài loại chim ưa bắt xén tóc để ăn thịt, do đó, nó ít khi xuất hiện lúc ban ngày mà chỉ chờ đêm tối mới dám bò khỏi tổ là các hang hố, đào sâu dưới đất, trong bờ, bụi, hoặc lỗ nhỏ ở mãi tít giữa ruột cây lớn vì nó thích "sơi" rễ, lá, cành non và ngay cả lớp gỗ tươi mềm. Dù đường vào "tổ ấm" nhỏ bé, xén tóc ra vào dễ dàng không hề gây ra thương tích bao giờ.

Tới mùa gieo giống, xén tóc cái lo sắp đặt chỗ đẻ trứng đục khoét giữa thân cây. Những trứng này trải qua một thời kỳ biến thể nghĩa là trước hết trứng hóa ấu trùng rồi thành kén, sau đó mới biến ra nhộng để rồi cuối cùng chính thức trở thành xén tóc con. Thường thường những chú xén tóc con này rất khỏe mạnh, háu ăn.

Ở vùng rừng già Amazone bên Ba Tây, người ta thấy hàng đàn đông đảo những con xén tóc lớn dài ngót ba mươi phân, chuyên sống trên cây, và đó chính là nguyên nhân các vụ cây có gỗ chết bất thường vì bị chúng đục thủng rỗng ruột loại cổ thụ làm tàn lụi cả một khu vực rộng lớn.

Tóm lại, xén tóc là loại côn trùng phá hoại mùa màng và cây cối cần tận diệt.


ĐẶNG HOÀNG      
(sưu tầm)           

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 79, ra ngày 4-3-1973)


Thứ Ba, 27 tháng 2, 2024

MỘT BỮA ĐÓI LÒNG - Tuyết Dung

 

 Bác Bao Tử nằm bẹp một xó, ngất nga ngất ngưởng. Chợt có tiếng thánh thót của nàng Tim:

- Bao tử ơi! Bao tử à!

Bác mở choàng mắt:

- Gì đó! Ủa, tiểu thơ đó hả? Dạ tiểu thơ muốn dạy điều chi?

Giọng nàng Tim trong vắt, đầy vẻ hờn giận:

- Tại sao ngươi chưa cung cấp chất bổ cho ta? Ta yếu ớt quá. Ta buồn phiền quá. Ngươi định bỏ rơi ta đó ư?

Bác Bao Tử gục đầu thiểu não:

- Thuộc hạ xin chịu tội cùng tiểu thơ. Nãy giờ, không hạt cơm nào vào bụng nên thuộc hạ...

- Ủa, tên Thực Quản đâu? Nó không tiếp tế đồ ăn cho ngươi hả?

- Dạ đúng thế.

- Sao vậy? Tên Thực Quản đốn mạt đó...

- Không phải đâu. Việc này do vua Hưng, thiên tử của chúng ta gây ra đó.

Cô Gan xen vào. Bác Bao Tử thắc mắc:

- Lạ kìa. Vua Hưng đâu nỡ tâm thế bao giờ.

- Ô, biết đâu. Muốn chắc chắn bác cứ hỏi tiểu thơ Tim.

Nàng Tim ngạc nhiên:

- Ta biết gì đâu mà hỏi?

- Tiểu thơ quên rồi à? Đôi tai thính của tiểu thơ để đâu? Với chúng tiểu thơ sẽ nghe được cụ Óc trên kia thổ lộ tâm tình của vua Hưng cho xem.

- Phải đấy! Hay quá!

Bác Bao Tử và nàng Tim đồng thanh la lên thế. Rồi từ đó, im bặt tiếng nói của nàng Tim. Bác Bao Tử chau mày lẩm bẩm:

- Vô lý. Nguyên do nào? Vua Hưng đâu ác vậy? Vả lại, nếu chúng ta đói, tất vua cũng đói. Hỏi, đói dại gì không ăn? Chẳng lẽ vua Hưng chịu đói sao?

Cô Gan ghé vào tai bác, thì thào:

- Bác nói đúng đấy. Chuyện này muốn tỏ, phải chờ tiểu thơ Tim nghe ngóng sao đã.

Cả hai im lặng. Mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Đột nhiên:

- A cái thằng Bao Tử biệt danh Dạ Dày này! Cớ tại làm sao không thải cho mẹ con mụ đồ ăn như mọi bữa, hử???
 
Cô Gan và bác Bao Tử đồng giật thót một cái. Chừng nhận ra người đối diện, cả hai cau có:

- Mụ Ruột Già khỉ gió. Gì mà náo lên thế.

- Ô hay! Mụ la to thế tiểu thơ Tim làm việc sao được?

Bà Ruột Già ngơ ngác:

- Nàng Tim làm việc gì?

- Suỵt! Mụ này muốn gây chuyện hả. Đã bảo nói khẽ chứ.

- Ừ, khẽ thì khẽ. Chuyện gì mà bí mật thế?

Cô Gan bèn kể lại đầu đuôi rành mạch. Nghe xong, bà Ruột Gà à lên một tiếng. Ruột Non - đứa con yêu quí và độc nhất của mụ - lên tiếng:

- Thôi má đừng hỏi lôi thôi nữa. Yên để tiểu thơ làm việc nào.

Ngay lúc đó, một giọng trong trẻo thoát lên:

- Các người ơi! Các người ơi!

Nghe tiếng tiểu thơ Tim, cả bọn vui mừng reo:

- Tiểu thơ! Tiểu thơ! Xong rồi đó hả?

- Chuyện thế nào, thưa tiểu thơ?

- Thong thả cho tiểu thơ nghỉ mệt đã.

Nàng Tim dịu dàng:

- Mệt gì đâu? Ta kể nhá. Vừa mới sử dụng đôi tai, ta đã nghe giọng cụ Óc sang sảng: "Mình đói quá. Chắc các bộ phận trong người mình cũng thế. Nghe nó xục xạo mà..."

Cả bọn nhìn nhau, hả hê.

... "nhưng biết làm sao hơn? Nếu mình ăn cơm hóa ra mình thua mẹ à? Không! Mình có tự ái. Nhất quyết mình không thèm ăn cơm, nhịn đến chết luôn..."

Đến đây, Bao Tử thất kinh la lớn:

- Trời ơi! Thế là tôi sắp chết rồi đấy. Này mụ Ruột Già, cô Gan, các người cũng sắp nghẻo... hu hu...

Cô Gan gắt át lên rằng:

- Ơ... cái bác này. Đường đường là một thân nam nhi mà sợ chết thế hở?

Ruột Già - miệng méo xệch - miễn cưỡng hùa theo:

- Ừ cái thằng Dạ Dày ni mau nước mắt nước mũi lắm. Làm... tao... hi... hi... hích khóc... theo lu... ôn.

Nàng Tim ngọt ngào khuyên nhủ:

- Thôi! Các người ơi, đừng bi quan quá đỗi. Chuyện ngang đâu rồi, ta kể tiếp cho nghe. Khi ấy, cụ Óc vẫn đều đều:

... "Phải! Mình phải nhịn, nhịn ăn mới được. Mẹ đã không thương thì chớ còn mắng: "Thằng ranh con! Đi chơi đâu giờ mới về. Giỏi chơi thì giỏi nhịn". Được, nhịn thì nhịn, mình sợ à? Nhưng chắc chắn mẹ có để dành cơm cho mình. Đã thế, mình tuyệt thực vô hạn định cho mẹ biết..."

Mụ Ruột Già biến sắc:

- Vô hạn định?

- Vô hạn định thì tụi mình vô... sinh.

Bác Bao Tử lạc giọng:

- Nhưng ta yêu đời, ta không muốn chết... hu... hu...

Nàng Tim dỗ dành:

- Đừng khóc nữa Bao Tử ạ! Ngươi hãy lặng yên  nghe ta kể nốt:

... "Nhưng... Sao mình đói quá, ôi... ruột gan cào cấu. Chúng thù hận mình lắm. Chẳng lẽ mình ăn cơm? Không! Không thể thua mẹ. Chẳng lẽ mình nhịn? Không! Không thể nhịn..."

Ta nghe đến đó, sợ các ngươi nóng lòng, ta vội báo cho hay. Các ngươi nghĩ sao về vấn đề này?

Bác Bao Tử tươi tỉnh:

- Vua nói thế là vua sẽ ăn đấy. Phải không tiểu thơ.

- Phải rồi.

Mụ Ruột Già vỗ tay:

- Và... Chúng ta sẽ sống ha... ha...

Riêng cô Gan vẫn điềm tĩnh:

- Hết chuyện rồi tiểu thơ? Sao tiểu thơ không nghe tiếp? Ngộ vua Hưng đổi ý cũng nên.

Bác Bao Tử và mụ Ruột Già nhìn nhau chưng hửng. Cô bé Ruột Non cũng xen vào:

- Cô Gan chí lý. Má với bác xấu lắm. Mừng nhiều lát đau nhiều á nghen.

Thình lình có tiếng cãi cọ từ trên vẳng xuống:

- Thằng chó chết Răng này. Giành hết cơm không phần cho mỏa hở?

- Đâu có ông Lưỡi. Vị mặn chua và cay cháu để cho ông kìa.

- Ờ ngoan đó Răng. Mầy mà ăn hết thì liệu cái thần hồn. Tao không gỡ đồ ăn dính trên người mầy nữa đâu!

- Cần chi. Có chị Tăm bạn thân cháu làm việc đó rồi ông ơi!

Không hẹn, "toàn dân" trong người vua Hưng đồng nhảy cỡn lên reo hò.

Bác Bao Tử thích chí đưa tay trỏ:

- Đọ đọ. Tên Thực Quản tiếp tế đồ ăn cho tui kìa.

Trao cơm tận tay bác, Thực Quản mỉm cười:

- Giờ thì cháu hết ngứa ngáy chân tay rồi bác ạ.

Bác Bao Tử không trả lời, nhồm nhoàm nhai. Cô Gan liếc xéo:

- Bác xong là đến bọn này đó. Bác mà khư khư một mình thì... a... lê...

Hai mẹ con Ruột Già đồng thanh:

- ... hấp! Bọn này mổ bụng à...

Mặc lũ thuộc hạ huyên náo, nàng Tim vẫn nhảy múa nhẹ nhàng. Nhưng kỳ quá! Chân nàng bước kêu to: ... tực... tực. Có lẽ vì vui quá chăng? Nàng Tim bèn vểnh tai lắng nghe tư tưởng vua Hưng giờ ra sao ; đồng thời cũng cố ngăn nỗi vui bồng bột trong lòng:

... "Ôi tim ta đập mạnh quá. Nó thấy mình ăn nó thích mà. Ha... ha, tuy ăn mình vẫn không thua mẹ. Ai bảo mẹ dọn cơm cho mình ăn? Nhưng mình có lỗi nhiều lắm. Lỗi với mẹ và lỗi với các bộ phận trong người mình nữa. Tim ơi... ta xin lỗi nhen..."

Nàng Tim thở hắt ra khoan khoái. Nàng Tim khép mắt. Bỗng nàng thấy dễ chịu cả người. Nàng cất tiếng trong veo như chim họa mi hót:

- Cám ơn ngươi... Cám ơn Bao Tử nhé, chất bổ ngấm vào ta... khiến ta lịm cả người...!!!


TUYẾT DUNG       

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 61, ra ngày 15-1-1967)


Thứ Hai, 26 tháng 2, 2024

KHÚC ĐƯỜNG BI THẢM - Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch

 

Thời đó nhạc Jazz mới bắt đầu thịnh. Luân lý suy đồi mà thói trâng tráo, vô liêm sỉ được hoan nghênh. Một cặp vợ chồng trẻ nọ dễ thương, hoạt bát, lanh lợi, dọn lại ở sát nhà chúng tôi. Như nhiều cặp khác, họ mới vội vàng cưới nhau trong chiến tranh, chồng tên là Fred, vợ là Clara. Mấy năm chiến tranh họ sống trong một không khí cực nhọc, kích thích. Xa nhau trong mấy tháng rồi mới đoàn tụ một vài ngày, sung sướng và xúc động cực độ. Bây giờ hết chiến tranh rồi, cũng như bọn trẻ khác, họ phải trở lại cuộc sinh hoạt bình thường, hơi buồn tẻ.

Một buổi tối tháng chín năm 1919, họ cãi lộn nhau như thường ngày. Đã mấy tháng nay, họ gây với nhau hoài. Họ vẫn yêu nhau đấy nhưng hôn nhân của họ đã có mòi lâm nguy. Họ thỏa thuận với nhau, cho cái thói vợ chồng dắt nhau đi chơi là lẩm cẩm, cổ lỗ. Vì vậy tối hôm đó, Clara sẽ đi với một chàng tên là Charlie, còn Fred thì cũng đi với một thiếu phụ tên là Eliane, mỗi cặp đi một phía.

Cặp vợ chồng trẻ đó đã uống hết một bình "cocktail" trong khi đợi Charlie tới. Fred mới nghe được một chuyện độc ác thô tục về Charlie, kể lại cho vợ hay. Thế là họ lại đấu khẩu với nhau. Tối đó họ chưa tính ly dị nhau, nhưng cứ cái đà đó thì chẳng bao lâu nữa nhất định là họ sẽ đưa nhau ra tòa.

Bỗng một tiếng còi xe lửa chói tai làm họ im bặt. Không phải tiếng còi như mọi khi. Lần này nó xé không khí, dữ dội, kinh khủng rồi ngừng bặt một cách tàn nhẫn rùng rợn. Có gì xảy ra trên đường xe lửa cách nhà họ một cây số rưỡi đó? Clara và Fred đều không biết.

*

Cũng tối đó, một cặp vợ chồng trẻ khác: William và Mary Tanner dắt nhau đi chơi. Họ cưới nhau trước cặp Clara và Fred, và đã biết san phẳng những xích mích nhỏ giữa họ với nhau từ lâu rồi, bây giờ rất quí mến nhau.

Sau bữa tối, họ dạo mát, coi hát bóng. Tới một chỗ đường xe lửa đi ngang qua đường cái, Mary trượt chân, té và chẳng may chân nàng mắc kẹt vào đường rầy, rút chân ra khỏi đường rầy hoặc ra khỏi chiếc giày đều không được. Một chuyến xe tốc hành chạy tới.

Chỉ còn vài giây nữa thôi.

Khi ánh đèn xe lửa chiếu lên họ, người thợ máy mới thấy, họ kẻo còi, xả hết hơi. Mới đầu ông ta thấy hai hình người rồi thêm một hình thứ ba, hình chú John Miller, nhân viên hỏa xa, chạy tới cứu Mary. Will Tanner quì xuống, tay run rẩy rán cởi giày cho vợ, nhưng không kịp nữa. Nhân viên hỏa xa và chàng cùng rán kéo Mary ra xa trong khi chuyến xe ầm ầm xông tới.

Nhân viên hỏa xa thét lên.

- Thôi, vô ích! Không cứu được đâu!

Mary cũng nhận thấy vậy, la lớn:

- Mặc em! Anh Will mặc em!

Nàng cố đẩy chàng ra. Will Tanner chỉ còn có một giây để lựa chọn. Không thể cứu Mary được nữa nhưng còn kịp tự cứu mình.

Người gác đường rầy [*] nghe Will Tanner lớn tiếng, đáp vợ át cả tiếng rầm rầm của chuyến xe đương xông tới:

- Anh ở lại với em, em Mary!

*

Bảo rằng tiếng còi xe lửa đó làm cho Fred và Clara hết gây nhau thì không đúng. Nhưng tai nạn đó làm cho sự giao thông ngưng lại ở hai bên đường, và các xe hơi tính qua khúc đó đều bị mắc kẹt; trong số đó có chiếc xe của Charlie. Chàng không kiếm cách đi vòng đường khác để lại nhà Clara. Chàng quay trở về nhà chàng và kêu điện thoại. Fred lại nghe điện thoại, hỏi Charlie:
 
- Anh muốn nói chuyện với Clara hả?

Charlie đáp, giọng nghẹn ngào, kỳ cục:

- Không. Nói chuyện với cả anh nữa. Tôi không lại đón chị đâu, anh Fred. Nhờ anh nói lại với chị như vậy.

Fred hỏi có gì xảy ra không thì Charlie có vẻ không đáp thẳng được.

- Anh biết vợ chồng Tanner chứ?

- Tanner? Tanner ư? (Fred phải suy nghĩ một chút). À nhớ ra rồi. Phải cặp hú hí với nhau, không rời nhau đó hả?

- Phải...

Charlie không nói gì được thêm nữa, móc điện thoại lại.

Một lát sau, vài người hàng xóm vô chơi nhà Fred, kể chuyện tai nạn:

- Người chồng đáng lý thoát được chứ, nhưng không muốn. Thầy ấy ôm lấy vợ, ghì chặt vợ và chú gác đường rầy nghe thấy thầy ấy nói: "Anh ở lại với em, em Mary!" Họ ôm nhau ngồi ở đường rầy... Đèn pha chiếc xe lửa chiếu vào họ, tỏ như ban ngày. Thầy ấy không chịu rời vợ.

Một hành vi cao cả, liệng vào bàn cân, do sự tương phản đã làm cho bao nhiêu cái ti tiểu nẩy tung lên hết, và rọi vào những ti tiểu đó một ánh sáng tàn nhẫn, cho ta thấy rõ mọi sự bỉ ổi. Will Tanner khi chết đã hô hào một lý tưởng mà kẻ khác phủ nhận. Chàng đã thách đố những kẻ hoài nghi và gian trá. Người đàn bà nào nghe chuyện đó tất cũng tự hỏi câu này: "Mình có gây cho một người đàn ông nào một tình keo sơn như vậy không?" Còn phía đàn ông thì tất cũng tự hỏi: "Mình có biết chút gì về ái tình không, nếu mình không thấy ở trong thâm tâm mình một tình cảm khá mạnh để có được một hành vi như vậy?"

Tôi tin chắc rằng sự thay đổi trong tâm trạng và đời sống của cặp Fred Clara cũng bắt đầu từ đêm đó. Và nhiều người khác tất cũng thay đổi nữa: khi nghĩ tới Will Tanner, họ bắt đầu n
gờ rằng trong tình vợ chồng có những khu vực mà họ chưa được biết tới.

Edwin Balmer          
Nguyễn Hiến Lê tuyển dịch
(Trong Ý Cao Tình Đẹp)  
  
_____
[*] Tức John Miller


Chủ Nhật, 25 tháng 2, 2024

NO NÊN PHẬT, ĐÓI NÊN MA - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Một em ở Vũng Tàu đã viết đến chúng tôi: Bác thường hay khuyên dạy chúng cháu nên ăn ở hiền lành, giúp đỡ mọi người. Nhưng gia đình cháu quá thiếu thốn, nghèo nàn, chúng cháu không lo nổi cho đời sống riêng của chúng cháu thì làm sao chúng cháu có thể giúp đỡ người khác được. Cháu có nghe người ta thường nói: No nên Phật, đói nên ma, thưa bác, câu này có ý nghĩa thế nào, mong bác giải thích giùm chúng cháu.

Các em thân mến,

Sự no, đói, giàu, nghèo ảnh hưởng rất nhiều cho đời sống chúng ta.

Câu tục ngữ trên cho rằng khi chúng ta được no ấm, dư dả, giàu có, tướng mạo chúng ta được đẹp đẽ, vui tươi, lòng dạ chúng ta hiền lành, tử tế, chúng ta có thể làm những việc từ bi, bác ái, giúp đỡ mọi người, như đức Phật, còn một khi bụng chúng ta đói, gia đình chúng ta nghèo túng, quá thiếu thốn, mặt mày chúng ta chắc dơ dáy, khó coi, chúng  ta không làm được điều lành, có khi trở nên tàn ác, như ma quỉ.

Đành rằng, khi chúng ta sống đầy đủ, no ấm, chúng ta không còn thèm muốn như khi chúng ta túng thiếu, chúng ta không phải nghĩ đến việc tranh đấu cho miếng ăn của chúng ta, chúng ta không cần những mánh khóe để tranh sống, chúng ta có đủ phương tiện để làm việc thiện, có đủ bình tĩnh để thương người và giúp người, nhưng cũng không phải hễ ai được dư dả là thương người đâu. Có người càng no đủ, họ càng tham lam.

Trái lại, biết bao người sống thanh bạch, bao người thà chịu sống thiếu thốn, khổ sở để giữ vẹn khí tiết, gia phong, tiếng tốt. Chúng ta cũng thừa hiểu sự đói rách có thể sai khiến dễ dàng chúng ta làm những việc không hay, những việc làm liều, vì một khi chúng ta đói, chúng ta không còn đủ nghị lực, chúng ta có thể mất hết lương tâm. Chúng ta hoan nghinh lòng tử tế của kẻ bác ái, no đủ, giàu sang, nhưng chúng ta lại càng khâm phục những người nghèo túng có từ tâm dám chia sớt cơm áo cho những người cùng chung cảnh ngộ.

Các em thân mến, 
 
Chúng tôi mong rằng các em sau này sẽ cố gắng để khi các em no, các em "nên phật" mà khi các em đói, các em càng "nên phật", đúng với câu châm ngôn: Đói cho sạch, rách cho thơm.

Các em cũng nên nhớ rằng không phải chỉ khi nào chúng ta no đủ, giàu có chúng ta mới làm việc thiện được. Việc nghĩa cũng đáng  quí, khi chúng ta làm những việc nhỏ nhặt xung quanh ta, vừa với tầm tay chúng ta, trong âm thầm, như dẫn người mù qua đường, nhặt vỏ chuối, miểng chai vứt trên đường để tránh cho người bộ hành khỏi trợt té, đứt chân, hay chăm sóc người tàn phế, tật nguyền.

Ngày xưa, thời Tam Quốc, Lưu Bị trước khi mất đã dặn dò con: "Các con! Chớ thấy điều ác nhỏ mà làm. Chớ thấy điều thiện nhỏ mà không làm. Có hiền có đức mới được lòng người ta..." Việc thiện không phân biệt lớn hay nhỏ, mà chỉ là VIỆC THIỆN được hành động bởi LÒNG TỪ THIỆN mà thôi.


Thân mến,                     
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 73, ra ngày 14-1-1973)



Thứ Bảy, 24 tháng 2, 2024

SỰ TÍCH LOÀI CHIM BÓI CÁ - Minh Quân

 

 
Trong những ngày nghỉ hè các em có dịp đi câu cá chắc các em thường thấy một thứ chim nho nhỏ, xinh đẹp, có bộ lông mầu lục, đó là chim bói cá.

Chim bói cá thích bay xa, xa tắp đến những ao hồ hẻo lánh, một con sông vắng vẻ, ở đó nó đậu một mình trên tảng đá, trên bờ sông hay trên một cành cây chìa ra trên mặt nước để mà mơ mộng hàng giờ, đăm đắm nhìn dòng nước lặng lờ trôi xuôi về phía dưới... rồi đột nhiên, trong một lúc bất ngờ nhất, như mũi tên phóng nhanh xuống mặt nước, nó sà xuống đuổi theo con cá vảy bạc lóng lánh và chộp lấy bằng cái mỏ rắn chắc của mình.

Sau đó, nó lại đậu trên cành cây hay tảng đá, kiên tâm chờ đợi, chờ đợi không biết mỏi, tự sưởi ấm dưới tia sáng của ánh mặt trời hồng ; trong khi dòng nước trắng xóa như bạc vẫn lấp lánh chảy xuôi về phía dưới và đâu đây trong các bụi rậm, chim chóc vẫn tiếp tục ca vang.

Chim bói cá vốn là loài chim nhút nhát, chỉ một tiếng động khẽ cũng đủ làm cho nó kinh hoàng.

Nó không xây tổ trên những cành cây cao như các loài chim khác mà lại đào sâu xuống những bãi các ven sông, tổ nó từa tựa như hang của loài thú và hơi lớn hơn tổ chim chút đỉnh.

Phía trong cùng cái hang vừa hẹp vừa ngoằn ngoèo là cái phòng ấm cúng được lót bằng một thứ cỏ mềm, rộng vừa đủ cho gia đình chúng: vợ và lũ chim non.

Chúng rất tinh khôn, đào hang khuất sau những bụi cỏ to nên rất kín đáo, che mắt những kẻ tò mò, em rất có thể vừa bước ngang mà không hay biết.

Dưới đây là sự tích loài chim bói cá:

Thuở xưa, xưa lắm, có đôi vợ chồng kia sống bên nhau tại một vùng hẻo lánh trên bờ biển, thuộc nước Hy lạp, người chồng tên là Ceyx và vợ là Halcyone.

Ceyx là con trai của Sao Mai, chàng tươi tỉnh, rực rỡ như một sáng mùa hè, hùng dũng như một mãnh sư!

Halcyone là con gái của Mặt Trăng, nàng là người đàn bà dịu dàng, phúc hậu, có một sắc đẹp kiều mị hơn bất cứ người đàn bà đẹp nào.

Nhà họ là một ngôi nhà tranh ẩn kín giữa những rặng cây cao và muôn nghìn hoa đẹp bao quanh, trông ra bờ biển. Suốt ngày cả đôi chỉ những mơ mộng hát ca.

Nhưng một ngày kia, nhà vua ra lệnh cho Ceyx lìa nhà xa xứ vì một sứ mạng đặc biệt. Là một công dân tốt, Ceyx chỉ biết tuân thượng lệnh.

Thế nên một buổi sáng kia, khi tia nắng đầu tiên của vầng dương vừa đánh thức lũ chim rừng, Ceyx và vợ xuống bờ biển, tại nơi đó có chiếc tàu chờ sẵn, cả hai cùng khóc. Halcyone đứng nhìn chồng bước từng bước một lên chiếc cầu tàu sắp mang chàng đến tận nơi nào xa tắp mà nàng không biết và không theo được.

Rồi, nàng đứng lặng trên bờ biển khóc nức nở một lúc rất lâu sau khi tàu mất dạng tận chân trời.

Ngày lại ngày, nàng đợi chồng về, ngày lại ngày, nàng ngóng trông chiếc tàu mang chồng mình trở lại ; song nàng không thấy gì ngoài loài hải điểu đùa với làn sóng, với bọt nước ngoài khơi!

Một đêm kia, cơn bão hung hãn bùng lên. Gió gào thét dữ dội quanh mái nhà tranh bé nhỏ của nàng, sóng dậy cao như núi và đánh ầm ầm vào bờ biển.

Bên ngọn nến leo lét cháy, Halcyone kiên nhẫn quì và cầu nguyện cho chồng được bình yên.

Rạng đông đến, sau một đêm thức trắng, Halcyone hấp tấp chạy ra bờ biển ngóng tin chồng. Sóng đã yên, gió đã lặng, mặt biển trở lại hiền hòa như những ngày tươi đẹp cũ.

Nàng chầm chậm bước dọc theo bờ biển. Bỗng nhiên nàng dừng hẳn lại, hai mắt mở to lên, nhàn chăm chắm vào một vật lạ nắm sóng soài trên bãi cát, bên tảng đá lớn, gần mé nước. Khi nhìn kỹ thiếu phụ nhận ra là xác của chồng mình, Halcyone ngã quị xuống bất tỉnh giây lâu vì quá kinh hoàng đau đớn.

Khi hồi tỉnh, nàng không thiết kéo dài sự sống lẻ loi, nên nàng đập đầu vào tảng đá, phục xuống chết bên xác người chồng yêu quí.

Thần tiên thương xót bèn hóa họ thành chim, những con chim có lông mầu xanh nước biển xinh đẹp. Đó là giống chim bói cá đầu tiên mà tiếng Hy lạp gọi là "Halcyone". Loài chim đó sống trên mặt biển.

Và cũng bởi số phận đau thương cùng mối tình chung thủy của nàng, cho đến nỗi gió và sóng cũng thương tình, nên hàng năm loài bói cá làm tổ, thời tiết rất là dễ chịu: trời đẹp, sóng yên, gió dịu, nắng ấm. Đó là những ngày người ta gọi là ngày Halcyone vậy.


(Truyện Hy lạp, phỏng theo    
Progess-books)          
MINH QUÂN            
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Xanh số 41, ra ngày 16-4-1967)


Thứ Sáu, 23 tháng 2, 2024

HEO, GÀ, KHỈ, TRÂU - Minh Quân

 

Chuyện thật không ra chuyện. Ấy thế mà không khổng khồng không bỗng... bị đòn.

Nguyên thế này : mẹ vừa đi ra phố mua vải và bánh chữ - vải là để may áo cho Minh, còn bánh chữ là theo lời cả bọn yêu cầu. Cả lũ đều nghĩ rằng ăn bánh chữ thì dễ thuộc chữ, y như khi học vậy.

Ban đầu mẹ không thuận, song sau nghe cũng xiêu xiêu... nhất là khi Như Ý nói với mẹ:

- Có bánh chữ con dễ dạy tụi nó học hơn. Con lấy cái bánh chữ chỉ cho tụi nó biết từng chữ trước rồi khi ăn, tụi nó thuộc mau lắm.

À, nghe cũng khá xuôi! Mẹ mua một lần, hai lần và mẹ rất vui tai khi thấy Như Ý đập cái thước kẻ một tiếng "cạch" lên đi-văng là tức khắc Minh và Bé tìm ra trong đĩa chứ A, chữ E theo lời Như Ý ra lệnh.

Trong lúc mẹ đi vắng, cả bọn kể cả Vũ, tụm lại chơi trò chọi "thằng người" (đó là trò chọi những thằng người bằng ni lông đủ màu, mới phát minh đâu được vài tuần nay) chỉ chốc lát là sinh xích mích nhau, hết chơi quay ra đấu khẩu rồi chuyển sang đấu võ.

Không "ai" có thể ngờ rằng mẹ về sớm thế nên không chút đề phòng. Cửa ngõ và cửa trước đều đóng. Khi mẹ về, mẹ đã cáu lên rồi, bởi mẹ có dặn đừng đóng cửa trước để cho mát, cả lũ ở nhà đóng làm chi?  Đã vậy, mẹ gọi cửa chẳng thấy ai ra mở mà tiếng léo nhéo trong nhà càng phút càng to. Mẹ giận sôi không gọi nữa, lắng tai nghe:

- Đồ heo!

- Đồ khỉ!

- Đồ trâu!

- Đồ gà!

và tiếp theo đó có tiếng "bịch" "bịch" tiếng chân đuổi nhau gấp rồi tiếng chị Quý từ bếp vang lên:

- À! Tụi bây đánh nhau hẳn? Để mẹ về rồi biết!

Song coi bộ không ai coi ra gì lời cảnh cáo nghiêm mật đó. Cái người thốt ra lời nghiêm mật kia há không từng đùa giỡn với các em, đánh nhau, đuổi nhau hay sao?

Mẹ giận thêm, kêu to:

- Mở cửa mau!

Mẹ vừa vào nhà là có người òa khóc. Mẹ không cần hỏi han như mọi bận, bắt hai chánh phạm nằm sấp lên phản, quất cho mỗi người một roi.

Chỉ một roi thôi. Đoạn, mẹ mới đi rửa tay, thay áo.

Xong đâu đấy, mẹ gọi cả hai lại nói:

- Hai đứa lại lấy giấy mà chép ra đầu đuôi câu chuyện cho mẹ coi, rồi mẹ xử tội sau. Roi vừa rồi chưa phải là xử tội đâu. Mau! Không được thêm bớt chút nào hết, nếu không thì liệu.

Ra lệnh xong, mẹ nằm xuống xa lông thở dốc, vì mẹ đã mệt nhiều. Mấy hôm nay, mẹ không ăn được, người xanh và gầy hẳn lại. Nét buồn ghi đậm lên mặt mẹ. Trong đêm vắng, cứ mỗi lần trở mình, Như Ý nghe mẹ thở dài và hễ khi nào Ý đưa tay lên sờ má mẹ thì y như ướt đẫm.

Ý sinh năm Dậu. Vũ năm Thân. Minh năm Sửu còn chị Quý và em Bé thì cùng năm Mẹo.

Một lát sau, hai chánh phạm mang dâng mẹ cáo trạng của mình. Đó là Vũ và Như Ý. Mẹ cầm lấy, đọc như sau:

"Lúc đầu nó mượn thằng người của con. Rồi con, Minh, nó chơi chọi thằng người. Sau nó thua, nó tức, nó nói sao con bồ với cu Minh. Nó liệng thằng người xuống đất nói: "không thèm chơi với hai anh em bồ".

Con nói: "Đồ chơi xong rồi phản".

Nó nói: "Phản với chó".

Cu Minh nói: "Đồ gà ở dơ hơn trâu". Nó nói: "Kệ tao! Gà ở dơ chớ trâu còn ở dơ hơn".

Lúc đó con chọi một mình. Cu Minh nói: "gà bị khỉ đánh". Nó nói: "kệ tao! Gà đánh khỉ còn ăn". Con nói: "Ta không nói gì mà cũng nói người ta, đồ hèn!". Nó nói: "đồ hèn, chó". Con nói: "giỏi đánh đi". Nó nói: "Không cần nói mặt đó".

Con tức quá lại đánh nó hai cái. Nó đánh lại con. Rồi chị Quý lên, rồi mẹ về".

Đó là nguyên văn của Vũ. Dưới đây là của Như Ý: "Con chọi rồi cái anh Vũ ăn bồ với cu Minh, con không thèm chơi nữa, con xuống nhà dưới, anh Vũ ở trên này nói: "Đồ mặt chó, chơi xong rồi phản". Con lại đi lên nhà trên thì cu Minh nó nói: "Đồ con mất dạy, đồ gà ỉa bậy, chớ trâu không ỉa bậy". Còn anh Vũ nói: "Khỉ ở trên cây sạch hơn gà" con tức quá rồi cái... mẹ về".

Đọc xong hai cáo trạng mẹ gọi Vũ và Như Ý lại, cả Minh nữa. Mẹ cố nín cười bảo rằng:

- Lần này mẹ tha cho, lần sau không được chia rẽ như vậy nữa nghe không? Tại làm sao cu Minh lại bồ riêng với Vũ, lập bè kết đảng?

Quý ở bếp chạy lên:

- Chỉ có hai con mèo là đoàn kết phải không mẹ? Mẹ thưởng con bánh chữ đi.

Mẹ không nín cười được nữa, hai chánh phạm liếc nhau cười theo, vui vẻ y như là chưa từng cãi nhau, đánh nhau một lần nào!


MINH QUÂN     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Xanh số 33, ra ngày 15-12-1966)


Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

TRỞ VỀ TRƯỜNG CŨ - Khổng Quốc Hùng

 

Rồi ngày tháng nào đã vụt trôi nhanh... hơn ba năm xa cách ngôi trường đầy yêu dấu và kỷ niệm học trò. Lòng tôi nôn nao, bồi hồi theo từng đoạn đường, theo từng cánh đồng lúa. Chiếc xe chạy vun vút trên con đường nhựa phẳng lì. Con đường nối liền Saigon - Định Tường, vùng đất hiền hòa, có ngôi trường bán công đã ghi nhiều kỷ niệm thơ ấu, học trò của mười năm yêu dấu.

Sáng nay trời thật đẹp. Ở cuối chân trời có vài phiến mây trắng đang lững lờ trôi. Những nhành lúa mới nghiêng mình theo chiều gió, rung rinh như chào đón, mừng người bạn tri kỷ đi xa trở về thăm quê hương, mái trường.

Chẳng mấy chốc đã đến nơi. Tôi thở phào khoan khoái... bước chân sáo trên con đường đất quanh co dẫn vào nhà. Nhà tôi ở cuối đường, thấp thoáng trong khu vườn thật nhiều cây trái. Nhà tôi vẫn như mọi căn nhà khác, có cây cột nhà to tròn, bóng loáng. Cái sân đất trước nhà, có giàn hoa giấy trông thật xinh, nơi mà ngày xưa tôi chơi đùa với các bạn bé bỏng dễ thương mỗi buổi trưa. Hàng rào dâm bụt có vài nụ hoa móng tay, mười giờ... nơi gia đình tôi hay ngồi chơi dưới ánh trăng mỗi buổi tối, vẫn tốt tươi như ngày nào... Tôi bước vô nhà, má đang ngồi ăn trầu ở bộ đi văng. Tôi chạy đến ôm má, vuốt ve những sợi tóc muối tiêu bay lòa xòa trước gió. Má mắng yêu:

- Ơ... ơ... cái gì kỳ vậy? Ủa mới về hả con? Có khỏe mạnh không con? Để má đi dọn cơm ăn, kẻo đói con. Tắm rửa rồi thay quần áo để ăn cơm, ba mầy sắp về...

Bữa cơm ấy thật giản dị, toàn là những món mộc mạc, đặc tính chất của đồng quê. Tuy vậy, tôi ăn vẫn thấy ngon vô cùng. Có lẽ vì đói bụng, hay vì cảnh đoàn tụ của gia đình tôi chăng? Ăn xong, đã có chuối và nước dừa để tráng miệng. Nước dừa và chuối vùng này ngọt thật. Nó ngọt như lòng bà mẹ quê thương con vô bờ bến. Uống nước dừa và ăn chuối vào hết cả mệt mỏi.

*

Buổi trưa, tôi đi lang thang trong xóm. Buổi trưa thật vắng, chỉ có tiếng lá tre, lá dừa xào xạc. Hàng cau in bóng xuống đường trong cơn nắng. Một thứ nắng dìu dịu, nhẹ nhàng, không gay gắt của đồng quê...

Nhà cu Tuấn, bạn thân của tôi đây rồi! Vừa thấy tôi, Tuấn vội chạy ra ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Tuấn bây giờ lớn con và hơi xanh. Vài giây trôi qua, Tuấn lôi tôi vào nhà, nụ cười Tuấn thật tươi:

- Mày về chơi có lâu không?

Không trả lời vội, tôi đưa mắt nhìn khắp căn nhà. Chẳng thay đổi gì cả. Vẫn hồ cá của tôi và Tuấn ở trên tủ chén. Vẫn bình hoa mai giấy ở giữa bàn học... Tôi mỉm cười:

- Ở đây chơi được hai tháng lận!

Rồi hai đứa đi lang thang trên con đường làng đầy cỏ may dẫn đến trường. Ngôi trường làng có vẻ náo nhiệt vì đang là giờ học của học trò quê. Chung quanh trường được bao bọc bằng hàng rào dâm bụt lẫn hoa mười giờ, hoa ngâu... Tôi và Tuấn đứng ở ngoài nhìn vào các lớp. Vẫn không có gì đổi mới cả. Những bộ bàn ghế làm bằng tre, bằng trúc sơn xanh trông đơn sơ nhưng rất đẹp. Tôi yêu mái trường, lớp học lắm vì ở đó đầy những kỷ niệm yêu dấu, đầy tiếng học bài ngây thơ của trò quê.

Trường quê nền bằng xi măng nhẵn bóng ; mỗi lúc mưa nước dâng lên tới nửa bắp chân. Ngày xưa, tôi và Tuấn hay lấy chân đập nước cho bắn tung tóe rồi cười. Tôi còn nhớ cô giáo Hồng có hai món "nhậu": món "bánh chưng mây" cho đứa nào không thuộc bài, món "đội đá học bài" cho kẻ nói chuyện, đánh nhau trong lớp. Thầy Thái của tôi hồi lớp ba với những lần học trò không hiểu bài, thầy nói "ngu quá, ở nhà bế em, rửa bát cho xong, học hành gì"... rồi lại phải giảng lại cho tụi học trò hiểu. Thầy Luân với những hình phạt có vẻ "Quang Trung" như: "máy bay bà già" cho kẻ phát ngôn bừa bãi, "bơm dầu" cho đứa nói chuyện.

Tôi chậm rãi ra sau trường cùng với Tuấn. Mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ riêng của mình. Cỏ ở sau sân trường xào xạc dưới chân theo cơn gió đầu mùa. Xa xa vài cô bướm, dăm cậu chuồn chuồn đang bay lơ lửng trên các bông cây điệp, cây phượng. Sân cỏ này tôi đã từng chơi u với các bạn tới mỗi buổi trưa, ngồi đá cỏ gà khi buồn, đánh bóng chuyền với các bạn nhân dịp Giáng Sinh, Tất Niên.

Tôi không thấy mệt, nản khi đi thăm những nhà người quen, nhà các bạn thân từ bé, từng cánh đồng đầy cây lúa vàng chín. Bản chất thành thị ở bản thân tôi biến hết theo từng tiếng ca của các mục đồng mỗi buổi chiều, từng tiếng gà gáy ó o... mỗi buổi sáng tinh sương, tiếng gọi nhau ơi ới, ngây ngô của các em bé mới bắt đầu đi học.

Tôi muốn thời gian kéo dài ra hơn để thấy tình bạn thắm thiết, thấy mái trường ngày ngày không ngớt tiếng học bài, thấy người cha, người mẹ cần cù đi cày, đi cấy để lo tương lai cho các con mình.

Ôi! Mái trường tôi, quê hương tôi vẫn đẹp. Cái đẹp mộc mạc bình dị của đồng quê. Vẫn có những hàng dừa nghiêng mình in bóng xuống dòng sông, những hàng cau thẳng tắp đến cuối làng vẫn vẻ hiền hòa, bình thản trước cuộc chiến kéo dài đã lâu.

Tôi, Tuấn và mấy đứa bạn nữa: Huân, Hải lại vui đùa với nhau như ngày trước, những kỷ niệm học trò lại được tìm về: ngồi tán gẫu ở giàn hoa giấy mỗi trưa hè, đi bơi trong những ngày nắng gắt, lấy ná bắn chim sẻ đem nấu cháo, hầm cà ri...

Tôi đi thăm lại con sông ở giữa làng và tìm thấy lại những kỷ niệm thơ ấu. Tôi còn nhớ rõ mỗi buổi trưa, tôi và các bạn đi chặt chuối kết làm bè rồi lấy nhọ nồi bôi lên mặt, lên mình cho... đẹp và đánh nhau với tụi trẻ xóm trên. Hai bên đánh cận chiến thật là ác liệt, dùng tre trúc quật nhau túi bụi. Tiếng hò hét, lẫn tiếng nhạc đệm miệng vang cả khúc sông. Nước đục ngầu vì bị khuấy lộn. Đánh nhau trên bè chưa đã, tụi tôi lại nhào xuống sông, vừa bơi vừa đánh với bọn kia. Bao nhiêu thế võ được đem ra áp dụng hết. Từ thế cổ điển như cắn, cấu, cào đến thế mới như bịt mũi, miệng cho ngộp thở, dìm đầu xuống cho hết bơi, lấy tre trúc quật mạnh vào bụng "giò". Đúng là cảnh quân ta đánh với quân Nguyên trên sông... kết quả: tụi tôi thắng trận vẻ vang. Thương ơi là thương.

Hồi còn học ở trường làng, tôi còn nhớ rõ thân hình "thiết quân vận" của thầy Giám thị Tố. Ông thầy này dữ như cọp trong sở thú ở Saigon. Có lần bản nội quy của trường được thầy Tố bắt lớp tôi chép phạt mỗi đứa... 50 lần. Kinh khủng... Bây giờ tôi không thấy ông đó đâu nữa. Có đứa nói: thầy Tố được "Quang Trung" họ đạt giấy mời rồi. Còn hồi học lớp Nhất, thầy Vương dạy tôi. Thầy còn có biệt hiệu "Vương lùn" vì thân hình của thầy không được cao cho lắm. Thầy có tật hay ho trong giờ giảng bài, nên sau tiếng ho của thầy là trong lớp có vài tiếng ho phụ họa và lúc sau cả lớp mở chiến dịch "ho". Thấy vậy, thầy Vương nói: "Thầy cho các em ho đúng 5 phút, sau đó ai ho thầy đánh chết". Thế là cả lớp ho. Ho đủ thứ kiểu. Hết kiểu ho lao phổi, lao... bao tử... đến kiểu ho bị hen, bị suyễn. Ho văng nước bọt, chảy nước mắt. Sau thời gian hạn định, thầy Vương chỉ lắc đầu, nói: "Tôi chịu các em luôn. Đúng với câu: nhất quỷ nhì ma, thứ ba là học trò. Các em phá lớp chọc thầy chẳng kém gì tụi học trò tỉnh thành bao nhiêu.

Rồi khi gió chiều thổi nhè nhẹ, vài ba chiếc lá bàng rơi lác đác xuống sân đình. Trên cây cổ thụ, vài con chim se sẻ gọi đàn riu rít. Chúng tôi lại đem diều ra thả và nằm nói chuyện trên thảm cỏ xanh.

Xa xa, ở gốc đa kia, mấy chú mục đồng đang đánh bi vui vẻ lắm.

Nhiều kỷ niệm êm đềm nhất phải nói đến hồi học lớp tư. Hồi ấy, mái lớp lợp ngói, nền bằng xi măng, bàn ghế rất đơn sơ. Ngồi trong lớp, vừa nghe thầy giảng bài vừa nghe tiếng chim sẻ hót ríu rít ở trên mái ngói, lâu lâu vài ngọn gió thổi mang mùi lúa chín thoang thoảng đập nhẹ vào mũi làm lòng tôi dâng lên một niềm cảm xúc rạt rào vô biên.

Sướng nhất là lúc trời mưa. Ngoài trời tiếng mưa vần vũ, tiếng sấm nổ đinh tai... trong lớp, tụi học trò nhao nhao lên như một bầy chim vỡ tổ. Chẳng còn học hành gì nữa cả.

Tiếng nước mưa dột xuống bàn nghe tí tách, vui tai ghê. Thầy phải hét mới giữ được trật tự. Những khi gặp mưa lớn, nước tràn vào lớp như thác lũ và lên tận đầu gối. Bấy giờ là lúc các đấng... ra tay nghịch phá. Chúng lấy giấy làm thuyền học trò rồi thả cho trôi đi. Đủ thứ thuyền. Giấy vở bị trưng dụng. Tiếng xé vở nghe xoàn xoạt. Chẳng bao lâu, cả lớp đầy ắp những thuyền. Những con thuyền bé bé, con con được trang điểm bằng mực tím, xanh trông thật đẹp mắt. Này con thuyền "Hải tặc" với cái đầu lâu bắt chéo qua hai ống xương do thằng Nhân chế tạo. Vài con thuyền tấp vào bến (bến là cái chân ghế) mang... mật thư đại ý như "về học đi tắm nhá cơ" ; "chế tạo cái thuyền khác đi, thuyền mày bị "tịch" rồi. Lúc này, chúng nó coi thầy chẳng có gờ ram nào cả, thầy chỉ biết ngồi trên ghế, trơ mắt mà nhìn những "kỳ công" của tụi học trò quê mà thôi. Đánh vô ích. Nhiều con trôi dạt sang lớp khác mất dạng.

Chơi cho đã, chúng nghĩ ra trò chơi khác. Trò chơi "dìm thuyền". Khi con thuyền vào bậy "hải phận", thì lính học trò dùng tay, chân hay đạn bì bắn cho chìm mất thì thôi... Vui ơi là vui.

Tôi còn nhớ rõ, mỗi sáng thứ hai, tôi phải dậy sớm lo bài vở, tắm rửa cho sạch sẽ... để kéo cờ. Sau tiếng hô "nghiêm" của ông Hiệu trưởng, bài quốc ca được trổi lên, tay run run, hai đầu gối muốn khụy xuống, tôi từ từ kéo dây cờ lên tận đỉnh mà mặt đỏ bừng. Có lẽ vừa sung sướng vừa xấu hổ chăng?

Thế giới học trò là thế giới của những trò chơi nghịch dại, đầy ngây thơ, bất chấp hậu quả của nó. Ai đánh mất thế giới đó là kẻ bất hạnh - bất hạnh vô cùng. Thế giới học trò là một viên ô mai ngọt ngọt chua chua. Ngọt ngọt là tình bạn thắm thiết như keo sơn, không có gì làm phai mờ được. Chua chua là lúc giận dỗi. Cái giận dỗi của học trò nó ngây thơ làm sao ấy. Nhưng nó không thâm hiểm và ít khi lâu. Chỉ một nụ cười hòa, một giọt mực, một tờ giấy thi... cũng đủ làm tan biến cái giận dỗi ấy đi một cách mau chóng. Không ai hiểu và giải thích nổi.


KHỔNG QUỐC HÙNG     

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 78, ra ngày 25-2-1973)


Thứ Tư, 21 tháng 2, 2024

ÔNG TÁM SAY - Văn Liêm

 Ông Tám nắm gọn ly rượu vào lòng bàn tay chai cứng, từ từ đưa lên "nốc" một hơi, rượu trong ly cạn dần... Mùi cay xông lên làm ông nhăn mặt.

Đoạn ông đưa tay xuống bàn cầm lấy trái me chín héo, bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến... Rồi trỏ hai ngón tay xuống cạnh bàn kẹp lấy điếu thuốc vấn đang cháy ngầm, từ từ đưa lên môi hít vào. Đóm lửa sáng rực, khói thuốc bay tứ tung, những tàn nhỏ cháy nám rơi xuống chỉ còn lại một quầng tròn đen trên đầu điếu thuốc.
 
Ông Tám trầm ngâm không nói lời nào, hơi nóng của rượu đã ngấm dần vào thân thể làm đỏ bừng cả mặt ông, làm óc ông bắt đầu quay cuồng. Ông đứng lên đi đến chỗ chị Năm ngồi, nói:

- Này Năm! Năm!

Chị Năm vội vàng quay người lại:

- Dạ! Chú gọi gì chú Tám?

Ông Tám hơi càu nhàu:

- Mày bán tao một "xị" nữa coi!

Chị Năm vừa nói vừa trỏ tay lên bàn:

- Chú biết, chú đã uống bao nhiêu "xị" rồi chưa mà chú còn đòi nữa!

Ông Tám quát lớn:

- Mày!... Mày khi dễ tao không tiền để trả cho mày chớ gì?

Chị Năm nhẹ giọng:

- Không phải đâu chú Tám!... Cháu sợ bà Tám sẽ rầy cháu về tội bán rượu cho chú... Rồi chú uống, chú sẽ phá làng phá xóm, chớ cháu đâu dám nói chú không tiền!

Ông Tám dậm chân:

- Hả! Mày nói sao? Ai lớn lệnh hơn tao chớ?

Chị Năm im bặt không nói nữa.

Ngoài trời, những đám mây từ đâu kéo đến che khuất cả ánh sáng ban ngày, rồi đen hẳn... Những hạt mưa bắt đầu nhỏ giọt, đập trên mái lá "lộp độp"...

Ông Tám gầm gừ có vẻ giận dữ, chỉ tay vào mặt chị Năm:

- Thử coi tao phá quán mày, tao có tiền trả không cho biết!

Vừa nói xong, ông Tám bước ra khỏi quán. Chị Năm nhìn theo lắc đầu, cười gằn...

Mưa càng rơi xuống nhanh hơn. Ông Tám lững thững bước đi... Như kẻ điên ông Tám chỉ lên trời la lớn:

- Mưa đi!... Mưa đi cho tui mát!

Đám trẻ tắm mưa nghe tiếng ông Tám la lối, chúng áp chạy ra... vừa chạy sau lưng ông Tám vừa vỗ tay la lớn:

- Ông Tám say! Ông Tám say!

Thằng Long đứng gần đó, như có vẻ thông thạo, nó liền gọi tụi bạn lại:

- Tụi bây đừng trêu bác Tám chớ. Ổng tức giận ổng đánh tụi bây à!

Con Lài lên tiếng:

- Hứ! Mày... Mày làm bộ hoài hà! Bộ bữa hổm mày không ghẹo ông Tám sao?

Thằng Tài đứng cạnh bên nhanh nhẩu nói:

- Ừ! Mày nói đúng đó! Nó ưa làm bộ lắm!

Vừa nói, thằng Tài vừa chỉ ngón tay thon thon vào mặt thằng Long. Thằng Long lủi thủi bước vào nhà, có vẻ tức giận... Bọn trẻ lại tiếp tục chạy sau lưng ông Tám:

- Ông Tám say! Ông Tám say!

Bất chợt ông Tám quay lại:

- Tụi mầy!... Tụi mầy là "quỉ" hả? Ba má tụi bây không dạy sao?

Đám trẻ hốt hoảng chạy tán loạn vào nhà...

Cơn mưa vẫn còn đổ xuống, thấm trên chiếc áo dầy của ông Tám, đầu ông bị ướt thấm vào tóc rơi xuống mà nhăn nhịu đen sậm. Ông Tám bước đi lững thững như kẻ không nhà. Đoạn, vào một nhà gần đó, ông bước lên thềm một cách mệt nhọc:

- Chị Mười!... Chị Mười!

Như không nghe, bà Mười lặng lẽ may áo. Ông Tám tức giận:

- Chị Mười! Bộ chị "khi dễ" tui hả chị?

Vừa la ông Tám vừa kéo tấm thân tàn tạ bước vào.

Bà Mười giả bộ ngẩn người dừng tay, nhìn ông Tám cười xòa:

- Cũng lại anh nữa! Sao anh "say sưa" hoài vậy anh Tám?

- Chị nói sao!... Chị cấm tôi uống rượu hả?

- Đâu có! Tôi đâu có dám cấm cản anh!

Chị Hai Sa ngồi cạnh bên tiếp lời bà Mười:

- Không có đâu bác Tám! Bác Mười muốn khuyên can bác đừng uống rượu nữa đó!

Ông Tám quay sang chị Hai Sa, nói:

- Mày!... Mày biết gì!... Mày im đi!
 

Chị Hai Sa im bặt, không nói gì. Ngoài trời mưa vẫn đổ ào ào... Bỗng tiếng trống kèn nổi lên ở một nhà gần đó trộn lẫn tiếng mưa, biến thành một bầu không khí xáo động ồn ào... Ông Tám im lặng hồi lâu, hỏi:

- Chị Mười! Trống kèn gì nổi lên vậy chị?

Bà Mười cười xòa:

- Anh say quá anh có biết gì!

Bà Mười ngập ngừng giây lát:

- Đó là trống kèn đám ma!... Anh Hai Danh đã chết hôm qua đó!

Giọng ông Tám thiểu não:

- Vậy hả!... Tôi có biết đâu!

Chị Hai Sa đứng lên nhìn ông Tám, nói:

- Bác Tám! Mình mẩy bác ướt hết rồi, bác về thay quần áo đi, kẻo bác bệnh bác chết đa!

Ông Tám đứng phắt dậy, chỉ tay vào mặt chị Hai Sa:

- Mày!... Mày có đuổi tao thì đuổi đi! Đừng giả bộ thay đồ gì hết á! Mày... Mày "trù" tao chết hả!

Vừa quát ông Tám vừa bước ra. Bà Mười nhìn theo lắc đầu:

- Thật tội nghiệp cho chị Tám, có người chồng vô phúc quá!... Chắc độ này chị mệt lắm hả Hai?

- Dạ! từ ngày cô Ba ra đi thì bà Tám phải chịu cực khổ với ông Tám lắm!

- Nhưng... Nhưng tại sao con Ba bỏ đi vậy?

- Dạ! Vì ông Tám say sưa cả ngày, nên cô Ba bỏ đi qua nhà chú cô ở đỡ!

Bà Mười gật đầu:

- A! Thì ra cũng tại anh Tám hết!

Chị Hai Sa tiếp:

- Không chỉ vậy mà thôi! Thằng rể cũng bỏ nhà đi nốt.

Bà Mười hơi ngạc nhiên hỏi:

- Ủa! Sao vậy?

- Thì... thì cũng tại ông Tám đó! Thằng rể ngăn cản ổng hoài không được nên nó bỏ đi!

Chị Hai Sa dừng lại một hồi như suy nghĩ điều gì, rồi nói:

- Bác Mười à! Xóm mình có cái "huông" từ lâu rồi! Mà ông hai Danh mới mất, cháu không biết ai sẽ chết nữa đây?

Như đồng ý câu nói của chị Hai Sa, bà Mười gật đầu... Hai người im lặng không nói nữa. Bên ngoài mưa vẫn rơi đều...

*

Bà Tám đưa tay lấy cái ghế con đặt nó xuống ván rồi ngồi xuống, chậm rãi lấy trong lon sữa bò một cục xà phòng, đoạn xoa đi xoa lại trong chén, để sang một bên, lần lượt chuyển dĩa, tô... trong thau ra, rồi làm y như lần trước...

Đoạn bà Tám múc nước đổ vào thau tráng đi tráng lại cho nước xà bông trôi đi... 

Bỗng ngoài cửa có tiếng gọi:

- Bác Tám! Bác có nhà không bác?

Bà Tám nghe có người gọi, lật đật lên tiếng:

- Ai gọi đó?

- Dạ! Cháu là Tâm đây bác!

- Có gì không cháu! Bác đang bận quá, hãy vào đây!

Tâm chậm rãi bước vào, đi thẳng ra phía sau nơi bà Tám gọi:

- Dạ! Má cháu bảo đem tiền này đến trả bác.

Bà Tám ngơ ngác hỏi:

- Tiền gì đó cháu? Má cháu có thiếu bác bao giờ!

Tâm cười xòa nói:

- Bác độ này hay quên quá!... Tiền mà hôm trước má cháu mua chịu bác con gà đó!

Bà Tám gật đầu như nhớ lại:

- À phải rồi!

Tâm vội vàng chìa tay ra, đếm đi đếm lại:

- Đây bác! cả thảy là 200 đồng đó!

Bà Tám đưa tay nhận tiền rồi nhét đại vào túi.

- Sao! Độ này cháu học đến đâu rồi?

Tâm có vẻ buồn, cúi đầu xuống:

- Dạ! Cháu nghỉ lâu rồi bác! Vì má cháu không tiền để nuôi cháu tiếp tục học nữa bác à!

- Tội nghiệp không! Cháu có bằng cấp gì chưa?

- Dạ! Cháu chỉ có "Trung Học" thôi bác à!

- Ồ! Như vậy cháu cũng giỏi quá chớ!

Bà Tám ngừng hồi lâu, hỏi tiếp:

- Cháu đã nghỉ học, bây giờ cháu làm nghề gì?

Tâm ngập ngừng:

- Dạ! Cháu xin làm trong trại cưa bác ạ!

Bà Tám ngạc nhiên:

- Ủa, cháu có bằng đó (bằng Trung Học) sao không xin vào sở nào đó làm có khỏe hơn không?

Tâm lắc đầu:

- Dạ! Bây giờ bằng "Trung Học" ít tìm được sở lắm bác ạ, vì hàng trăm, hàng ngàn người thiếu gì bằng đó!

- Vậy hả!... Thôi cháu đừng buồn!... Nhưng cháu làm nơi đó được bao nhiêu tiền trong một tháng?

- Dạ! 3.000 đồng bác ạ!

- Thôi vậy cũng được!

Bà Tám không hỏi nữa, lặng lẽ đưa tay vói lấy cái lon, thong thả đưa vào lu múc nước, quá đầy nước tràn ra, rơi xuống ván phát tiếng kêu tí tách... Tâm im lặng từ từ ngồi xuống... bất chợt như tìm được điều gì:

- Bác Tám!

Bà Tám nghe gọi thình lình, quay lại hỏi:

- Gì cháu?

- Hôm qua đó bác, cạnh sở cháu có người chết vì uống rượu quá nhiều rồi bị nám phổi mà chết!... Vì lẽ đó cháu sợ cho bác Tám trai quá bác ạ!

Bà Tám có vẻ buồn rầu:

- Cám ơn cháu đã có lòng lo cho gia đình bác! Nhưng cháu thấy không, bác khuyên can ổng hoài cho đến nỗi có khi bác đánh lộn với ổng đó!

Tâm ngập ngừng nói:

- Thôi bác đừng buồn! Hy vọng rồi đây bác Tám trai sẽ hối hận!

Bà Tám im lặng một lúc:

- Nè cháu! Cách đây mấy ngày chú Hai Danh bị bệnh mà chết... Rồi đây... Rồi đây bác lo sợ bác Tám trai mầy bị cái "noi" đó quá!

Tâm cười xòa:

- Ôi!... Bác hơi đâu mà tin "dị đoan"!

Hai người đều im bặt... Ngoài trời, những đám mây đen lấp cả ánh sáng, những ngọn gió  bắt đầu hiu hiu thổi... Đột nhiên bầu trời tối sầm lại, những hạt mưa bắt đầu rơi xuống, gõ vào mái lá kêu "lộp độp".

Bà Tám quay lại nói với Tâm:

- Tháng này trời mưa hoài, buôn bán chả được gì cả!

Bỗng có tiếng gọi vang ngoài cửa:

- Chị Tám!... Chị Tám đâu rồi?... Chị có nhà không chị?

Bà Tám hỏi Tâm:

- Có ai gọi bác vậy Tâm?

Tâm đưa mắt nhìn ra:

- Ủa! Bác Hai Tài!... Có bác Tám đây nè bác!

Bác Hai Tài nghe tiếng Tâm vội vàng đi vào:

- Mầy qua đây hồi nào?

Tâm đứng dậy nói:

- Dạ mới qua bác ạ!

Bác Tám thấy bác Hai Tài bước vào bèn lên tiếng:

- Ủa! Chị Hai! Hôm nay không đi bán sao chị?

Bác Hai Tài vừa trả lời vừa nhai trầu chóp chép để lộ vành môi đỏ:

- Hôm nay thằng Hòa bị đau, nên tôi phải ở nhà săn sóc nó!

Rồi bác hỏi:

- Sao chị! Anh Tám đã bớt chưa?

Bà Tám cúi mặt xuống, có vẻ buồn rầu:

- Cũng... cũng hơi bớt chị ạ!

Thấy bà Tám có vẻ buồn, bác Hai Tài tìm lời an ủi:

- Theo tôi nghĩ thì không sao đâu. Anh Tám sẽ hết bệnh mà!

- Nếu được vậy tôi mừng biết bao!

Không ai nói lời nào nữa... Bỗng có tiếng đập trên giường tre "cạch! cạch!" Bà Tám hơ hải, vội vàng đứng phắt dậy chạy vào phòng kế cận. Bác Hai Tài và Tâm cũng chạy theo sau... Thình lình, bà Tám rú lên:

- Trời!... Trời ơi! Mình tỉnh lại mình!

Một cảnh tượng hãi hùng: ông Tám trợn mắt chỉ còn có tròng trắng, hai chân đập xuống giường liên tiếp như người mất hồn. Tâm vội vã kềm chân ông Tám lại. Tiếp đó là tiếng khóc lóc inh ỏi của bà Tám vang lên:

- Mình ơi! Tỉnh lại mình!

Ông Tám càng trợn mắt, những hơi thở mạnh nấc lên như muốn cướp lại bầu không khí... Rồi ông Tám đột nhiên im hẳn... Bà Tám la lên, tiếp theo là tiếng của bác Hai Tài và Tâm:

- Anh Tám!

- Bác Tám!

Thôi rồi...

Bà Tám ôm mặt khóc thảm.

Ngoài trời mưa vẫn còn rơi...


VĂN LIÊM        

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 39, ra ngày 15-2-1966)