Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

CHƯƠNG VI_MƯA SA MẠC


ĐOẠN KẾT
 
 
Ông ngoại Ti bị đặt trước một tình thế đã rồi. ban đầu ông phản đối đề nghị của hoạ sĩ Tâm Anh , nhất định bảo là cháu ông không cần phải học hành chi nữa. Giờ đây là lúc nó phải tập làm việc để kiếm ăn.
 
Tâm Anh – cùng góp lời có cả dì Mai và chú Tùng nữa – hết lời nài nỉ, ông vẫn không thay đổi ý định. Tâm Anh cầu viện đến đấng tối cao, rằng ông sẽ phải nặng tội nếu dìm thằng bé có năng khiếu này trong cửa hiệu chú Bỉnh, rằng tương lai nó không nên chôn trong bụi gạo, vụn đường, phấn bột và mùi dầu lửa lẫn mùi lạp xưởng, cá khô như ông tính. Quyết định đó sai. Thấy ông không sợ tội, không chút nao núng, Tâm Anh xoay sang doạ dẫm rằng sẽ lôi ra ánh sáng vụ ông ngoại đã khai man cháu là con, mà không lo lắng như với một đứa con, chưa kể bắt nó đi làm…
 
- Đó ! Xin cụ suy nghĩ kỹ càng đi ! Trước nay dân địa phương này vẫn kính trọng cụ nhưng khi mà mọi sự thật không tốt đẹp được phanh phui ra thì chỉ có trời biết họ sẽ nhìn cụ ra sao.
 
Tâm Anh gằn giọng nói. Ông già keo kiết dài dòng kể lể về công lao nuôi nấng cháu, về tuổi già cô độc một mình v.v… đủ thứ.
 
Sau cùng, Tâm Anh thắng, Ti sẽ lên Sàigòn với Tâm Anh để chuẩn bị đi học trở lại. Hội “Giúp Trẻ Nghèo Hiếu Học” đài thọ một nửa học bổng, còn một nửa do chú dì đảm trách. Ti sung sướng không thể nào tả xiết.
 
Nhưng khi nhìn ông ngoại ủ rũ, ngồi lọt thỏm vào lòng ghế bành rộng, Ti chợt thấy hối hận dâng tràn. Ti có thể bỏ ông ngoại mà đi, không chút lưu luyến hay sao ? Bà ngoại mất rồi, dì Mai bận gia đình riêng, cậu Toàn phiêu lưu trên biển cả, cậu Hân hàng mấy tháng mới thò mặt về một giờ - khác với khi còn bà, cậu ở lại đôi ngày để được bà nấu ăn, chìu chuộng - nếu Ti đi nữa, ông ngoại sẽ ra sao ? Ai dậy sớm pha cà phê cho ông sáng sáng ? Ai pha trà cho ông sau bữa ăn tối, ăn trưa ? Ai giặt giũ cho ông ? Đành là có dì Mai lo phần chợ búa và đôi khi lo cả thức ăn, nhưng tưởng tượng đến lúc ông phải thổi cơm, nhóm bếp, Ti ái ngại làm sao… Đã hết đâu : ăn xong, ai lo dọn dẹp và rửa bát ?...
 
Vả lại, Ti đâu có cần lên học tận Sàigòn ? Ti có thể học tại đây vài năm nữa. Ti cầu mong ông đừng bắt Ti bỏ học là quá đủ rồi, đừng bắt Ti đi làm là quá tốt rồi.
 
Ti sẽ dậy sớm pha cà phê cho ông trước khi đi học. Tan học, Ti sẽ nhanh chân về sớm để lo bữa ăn trưa cho ông. Buổi chiều, Ti thừa thì giờ để học bài, làm bài trước khi vào bếp lo bữa tối. Ngày lễ và chủ nhật thay vì dạo chơi như lúc còn bà, Ti sẽ dùng thì giờ đó mà giặt gịa, lau quét v.v…
 
Ti sẽ nói rõ ý định mình với mọi người, ngay bây giờ đây… Nhưng Ti còn đang lúng túng thì ông ngoại ngồi thẳng người lên, run giọng :
 
- Ông Tâm Anh ! Hãy dắt nó đi đi ! Tôi không cần nó, không cần ai nữa cả. Đi đi ! Đi khuất mắt tôi !
 
Quay sang con gái và con rể, ông tiếp, giọng mỉa mai :
 
- Cả hai đứa bay nữa ! Đi luôn đi ! Từ nay đừng lui tới thăm viếng tao làm chi. Tao không cần bất cứ đứa nào hết. Tao không ngờ tụi bay âm mưu với người lạ để phản tao. May quá ! Mẹ bay đã chết, nếu bà còn sống, bà sẽ khổ đến mức nào !
 
Ông già cười gằn, giọng nghẹn lại :
 
- Đúng là “tò vò mà nuôi con nhên, mai sau nó lớn, nó quyện nhau đi, tò vò ngồi khóc tỉ ti, nhện ơi, nhện hỡi, nhện đi đằng nào”. Đúng là “uổng công cà cưỡng tha mồi, nuôi con tu hú lớn rồi nó ba…ay”
 
Chưa thốt trọn tiếng bay sau cùng, ông đưa hai tay ôm ngực, ho rũ rượi một tràng dài… Vẻ nhọc mệt, ông tựa lưng ra ghế, tái xanh, mắt nhắm nghiền. Dì Mai cuống quít lại gần cha, quì xuống :
 
- Thưa ba, xin ba bớt giận, chúng con không có ý định phản ba, chúng con chỉ muốn giúp cháu được đi học. Ông khách đây cũng vậy, xin ba bình tĩnh, xin ba nghĩ lại…
 
Hai người đàn ông lẳng lặng ngồi yên, không biết phản ứng cách nào.
 
Ti kêu lên hai tiếng “ông ơi !” và nó lao tới ôm chặt ông ngoại, vùi đầu vào ngực ông, khóc lên rưng rức. Đột nhiên ông già keo kiệt bỗng mềm lòng, ông cũng khóc lặng lẽ, những giòng nước mắt hiếm hoi quí báu như làm mềm quả tim khô cằn, sắt đá của ông, quả tim từ bao nhiêu năm qua không rung cảm vì một thứ tình thương nào, quả tim vẫn theo thói quen nhường chỗ cho tính bủn xỉn, sự tính toán và chỉ biết đập mạnh khi chủ nhân có lợi. Ông mở rộng vòng tay ôm cháu vào lòng, hai ông cháu cùng nghe rõ nhịp tim nhau, chúng như hoà chung nhịp đập. Bao nhiêu giận tức cùng sự keo kiệt như tiêu tan đi trong phút chốc. Rồi, ông đưa bàn tay khô cằn vuốt lên mớ tóc rối bù của đứa cháu đáng thương, miệng lẩm bẩm như chỉ nói với chính mình :
 
- Tội nghiệp cháu tôi, tội nghiệp biết chừng nào…
 
Ti ngẩng đầu lên, nó cười, nụ cười hồn nhiên mà từ khi bà chết không hề thấy nở trên đôi môi nó.
 
Như được khuyến khích vì cử chỉ âu yếm của ông, nó đưa tay gạt lệ, giọng ngây thơ :
 
- Ông hết giận cháu rồi, phải không ông ?
 
- Phải ! Ông không giận cháu đâu. Cháu đi học là phải, ông đã sai lầm…
 
Quay sang hoạ sĩ Tâm Anh, người mà ông thù ghét thậm tệ cách đây mươi lăm phút trước, ông cất giọng buồn buồn :
 
- Cảm ơn ông, nếu không có ông thì cháu tôi sẽ khổ suốt đời vì lòng ích kỷ của tôi. Xin ông tha cho già về sự khiếm nhã…
 
- Ấy chết, cụ dạy quá lời. Tôi rất sung sướng thấy cụ nghĩ lại. Có lẽ hôm nào tôi phải xin phép cụ để được mời cụ và cháu Ti làm mẫu cho một bức vẽ của tôi. Thú thực, ngắm cái cảnh hai ông cháu âu yếm vừa rồi, tôi thấy đẹp quá, cảm động quá đi thôi, cụ ạ !
 
- Cảm ơn ông, tôi rất vui lòng.
 
Rồi sực nhớ ra, ông hỏi :
 
- Ông định hôm nào thì đưa cháu lên Sàigòn để…
 
- Cháu không đi nữa – Ti kêu to lên – cháu ở nhà với ông, cháu không muốn bỏ ông một mình…
 
- À ! À, cháu làm sao thế, hở Ti ?
 
- Cháu phải đi học, vì đó là điều cháu ao ước lâu nay mà !
 
Hai người đàn ông, chú Tùng và Tâm Anh cùng nói. Họ ngỡ đâu thằng bé hoá rồ, nhưng không, nó dõng dạc nhắc lại :
 
- Cháu không thể bỏ ông ở nhà, nhưng cháu vẫn muốn đi học. Nếu ông cho cháu học lại, cháu học ở đây cơ, tuổi cháu đâu cần phải đi xa, cháu thương ông lắm…
 
- Vậy còn cái học bổng ? Đừng tưởng ở yên một chỗ mà họ gửi tới cho cháu…
 
Đến lượt ông già làm mọi người kinh ngạc :
 
- Không cần cái học bổng, tôi đủ sức lo cho cháu ngoại tôi !
 
Giọng ông chắc nịch, mắt ông ngời sáng vì một chút tinh nghịch, vì biết mình đã làm cho ai nấy kinh nghi.
 
Dì Mai, chú Tùng và hoạ sĩ Tâm Anh cùng há hốc miệng ra không kêu lên thành tiếng. Chỉ riêng Ti không chút ngạc nhiên, nó ôm chầm ông ngoại, cười toét miệng nhưng nước mắt tuôn ròng ròng vì quá sung sướng : nó được ông yêu ! Ông già cười bao dung :
 
- Thôi chứ, vào tuổi ông cái gì cũng vừa thôi, đừng làm quá, hại đến trái tim ông…
 
Tâm Anh như hụt hẫng vào khoảng không. Thế này là nghĩa lý gì ? Họ định đùa dai kiểu gì vậy chứ ? Bao nhiêu là công phu, lo lắng đợi chờ mới được nửa cái học bổng cho thằng bé, bây giờ lại nói không cần. Ngay cả thằng bé nữa…
 
Ông ngoại Ti nói với Tâm Anh bằng giọng cảm mến :
 
- Thưa ông, ông cháu tôi hết sức cảm động vì lòng tốt của ông. Song tôi đã nghĩ lại, tôi thấy không nên tranh phần của người nghèo. Tuy không nhận chúng tôi vẫn cảm ơn ông nhiều lắm, ông Tâm Anh ạ !
 
Tâm Anh vẫn hậm hực, giọng mỉa mai :
 
- Tôi vẫn chưa hiểu : ông cụ nghĩ lại hồi nào mà mau quá… vừa mới đây…
 
Ông ngoại Ti vẫn không phật ý :
 
- Tôi chỉ vừa biết nghĩ lại đây thôi. Thật vậy, ông Tâm Anh ạ ! Tôi không thể cắt nghĩa cho ông hiểu được… nhưng tôi như vừa được mở mắt ra, sáng suốt hơn vì tiếng khóc và nhịp đập của tim đứa cháu, đứa cháu đáng thương mà tôi không hề đoái tưởng lâu nay, tuy nó sống cạnh tôi. Người ta lầm lạc thì lâu dài mà khi tỉnh ngộ thì mau chóng. Vâng ! Ông chỉ có thể hiểu khi ông vào tuổi của tôi. Ở đời có những trường hợp như thế đó, ông ạ ! Mong ông đừng giận ông cháu tôi.
 
- Chú đừng giận ông cháu nhé ? Chú Tâm Anh ? Chú không giận chứ ?
 
Tâm Anh cười gượng gạo :
 
- Không đâu ! Sao tôi lại giận ông cụ và cháu ? Mục đích của tôi là cháu được đi học, tôi chịu khó chỉ vì điều đó, mà nay cháu đã được như ý…
 
Nói đến đây, Tâm Anh chợt cảm thấy mình hậm hực vô lý, mình muốn được thi ân, được giúp thằng bé, muốn làm một điều tốt. Mất dịp tỏ ra hào hiệp mình tức tối, vậy thì mình cũng tầm thường quá, có gì đáng kể đâu ? Vậy mà mình lại trách ông già, rõ là “việc người thì sáng”. Chú Tùng chen vào :
 
- Thôi thế là tốt quá, gia đình chúng tôi mang ơn ông. Chúng tôi mong ông sẽ lui tới nhà này luôn mỗi khi có dịp…
 
- Và ngày mai, để đánh dấu ngày đáng nhớ của cháu tôi, chúng tôi xin mời ông lại dùng cơm với ba tôi và chúng tôi, trước khi ông trở về Sàigòn. Mong ông không từ chối, vì tôi biết nếu ông từ chối, ba tôi sẽ buốn lắm, thưa ông.
 
Nói với hoạ sĩ xong, dì Mai quay sang cha :
 
- Có phải vậy không, thưa ba ?
 
Ông già tươi ngay nét mặt :
 
- Đúng vậy đó, ông Tâm Anh ạ !
 
Sao mà Ti sung sướng quá : những người nó yêu thương đều tốt với nhau ! Ti nhìn Tâm Anh không nói nhưng ánh mắt nó còn hơn cả những lời nài nỉ. Tâm Anh trả lời, giọng tinh quái :
 
- Vâng ! Tôi đâu dám làm tổn thương đến trái tim của cụ nhà ! Vả lại, tôi phải làm vừa lòng người mẫu của tôi chứ, thưa quí vị !
 
Ti lại toét miệng cười, chưa bao giờ nó cảm thấy hạnh phúc đến như thế.
 
Giọng liến thoắng, nó xáng lại bên dì :
 
- Dì đi chợ nhé ? Cháu sẽ thổi cơm cho. Và cháu sẽ làm bánh kem để đãi ông với chú Tâm Anh.
 
- Thế còn chú đây với dì Mai thì nhịn hẳn ?
 
Chú Tùng vui vẻ đùa với cháu. Mọi người cùng vui vẻ. Chưa bao giờ căn nhà lại ấm cúng như thế này kể từ khi bà ngoại ra đi.
 
Ti thấy mình nhẹ hẫng, tưởng có thể bay bổng như một cánh bướm giữa trời xuân.
 
 
MINH QUÂN  
11-72     
   

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

CHƯƠNG V_MƯA SA MẠC


CHƯƠNG V


Mặc dù vợ chồng dì Mai hết lời nài nỉ, bênh vực, ông ngoại Ti nhất định bắt thằng cháu tập tành công việc làm ăn theo đúng ý ông. Ông bảo là việc ông chọn cho nó không có gì khó nhọc. Ông cười nói thêm :
 
- Không ai đày đoạ gì cháu mà lo. Ông muốn cho cháu quen với việc buôn bán, tập cho lanh lẹ để còn tự lập về sau. Ông không lột da sống đời đâu. Cứ thử nghe lời ông đi rồi biết. Chừng nào cháu thấy không bằng lòng thì cứ nói cho ông hay, không sao.
 
Ti không cãi nửa lời. Không còn gì làm Ti thấy khổ sở, đau đớn, phẫn uất hơn là việc bị buộc bỏ học. Vì vậy, nó tuân lời ông một cách dễ dàng, khiến ông cảm thấy rất hài lòng, tưởng thằng bé đã biết “mở con mắt ra” như ông tưởng.
 
Ti làm việc ở cửa hiệu tạp phẩm của chú Bỉnh, một nhà buôn người Trung hoa. Một hiệu tạp phẩm lớn nhất tại quận, trước cổng chợ. Chú có vợ Việt nam và không có một đứa con nào cả. Ti hiểu là do tính keo kiết giống nhau, ông ngoại và chú đã thân nhau.
 
Mỗi chiều thứ hai, ông ngoại đều đến nhà chú ta để bàn tán rất kỹ về những điềm mộng đêm chúa nhật, về những gì ông gặp trong ngày thứ hai. Ngược lại, chú Bỉnh cũng kể cho ông hay những gì chú ta nhận xét, rồi hai người đồng ý chọn những con số để mua. Và luôn luôn, họ không trúng lần nào cả. Tuy vậy, không bao giờ họ nản lòng, kiên tâm chờ tuần tới, họ tin là thế nào Thần tài cũng gõ cửa họ, nếu họ cứ đều đều mua số, đừng bỏ tuần nào, số tiền thua càng cao thì số tiền trúng được càng lớn, vì họ càng thua, càng mua tăng lên, chớ không chịu giảm xuống bao giờ.
 
Khi bà ngoại còn, bà ngoại ngăn cản ông được, đôi khi. Bây giờ thì không ai ngăn ông làm theo ý thích. Số tiền trong ngân hàng ông gửi hao hụt dần đi, đến nỗi cậu Hân đã có bận phàn nàn. Ông không nao núng, cười gằn bảo con trai :
 
- Tao già rồi, ngần này tuổi trời, chịu cực khổ nhiều rồi, nghèo vẫn hoàn nghèo. Mặc kệ tao, tao không nhờ vả, tiêu pha đồng nào của mày, mày đừng có lôi thôi. Tao có chết cũng không cần mày sắm áo quan đâu.
 
Cậu Hân thôi can thiệp sau lần ấy. Ông càng ngày càng sốt ruột vì thua. Chú Bỉnh trái lại, cửa hàng phát đạt, chú đánh là đánh cho vui, ăn thua đối với chú ta không quan trọng trong khi đối với ông ngoại Ti càng thua càng cố gỡ, và càng gỡ lại thua thêm.
 
Cửa hiệu chú Bỉnh bán rất nhiều thứ : gạo, nếp, đậu, mè, đường, sữa, cá khô, lạp xưởng, bột v.v…
 
Thoạt đầu, Ti giữ phận sự một người thư ký thay cho anh thư ký cũ đã nghỉ việc tuần lễ trước.
 
Sang ngày thứ ba, có khách hàng vào hiệu mua phẩm vật, vợ chú Bỉnh và đứa cháu họ đong cân không kịp, bà ta gọi Ti ra phụ, vì công việc ghi chép đối với bà ta không cần thiết bao nhiêu. Ngày thứ năm, Ti đã biết đong gạo, cân đường và cũng tập dần cách gói hàng cho khách.
 
Sang tuần lễ thứ hai, Ti phải hì hục khuân vác những bao cá, thùng sữa từ kho trong ra cửa hiệu và tuần thứ ba thì công việc chính của đứa trẻ là đạp xe ba bánh đi giao hàng cho khách : dầu lửa, gạo, nước mắm, đường…
 
Khi Ti cảm thấy nặng nhọc, mỏi mệt thì cũng là lúc ông nhận số lương tháng thứ nhất của Ti. Ti không được biết nó là bao nhiêu, chỉ nghe ông nói bằng giọng vui vẻ :
 
- Cháu làm mới đó mà được một tháng rồi. Mau quá, thấy không ? Ông cất lương của cháu cho cháu, nghe không ? Khi nào cần gì cứ nói, ông sẽ đưa. Cháu còn nhỏ, giữ tiền… bất tiện.
 
Ti cúi đầu, dạ nhỏ một tiếng không tỏ ra vui hay buồn một chút nào. Nó đã làm việc chủ sai khiến như một cái máy, như một đứa ngu đần.
 
Ti được nghỉ chiều chúa nhật (Ông ngoại cho đó là một đặc ân chú Bỉnh dành cho cháu ông) song với Ti không có gì đáng mừng hết : buổi chiều nghỉ việc đó làm Ti rảnh rỗi, có thì giờ nghiền ngẫm nỗi khổ nhục của mình. Không ! Ti không muốn rảnh rỗi chút nào cả, Ti muốn làm việc quần quật suốt ngày như tất cả mọi ngày.
 
Buổi trưa Ti ăn cơm ở nhà chủ với thằng cháu trai, sau khi họ ăn xong. Thoạt đầu, Ti cũng muốn kết bạn với nó cho đỡ buồn, song đó là một thằng con trai thô lỗ, tinh quái. Động mở miệng là văng tục, chửi thề. Hễ có dịp là nó ăn bớt số tiền bán hàng, không ngần ngại. Nó khoe khoang với Ti về thành tích tán gái, ăn chặn của nó, coi đó như hành động của bậc anh hùng. Nhiều lúc, Ti hì hục khuân vác, còn nó cứ đứng nhìn, cười hì hì ra vẻ khoái chí, nhưng Ti không hề mở miệng phàn nàn, kèn cựa. Vì vậy càng ngày nó càng lấn tới, trút hết những việc khó, việc nặng cho Ti.
 
Sáu giờ chiều, Ti ra về. Trên chiếc xe đạp cũ kỹ, già gần bằng số tuổi của ông ngoại, Ti cắm đầu đạp, tay ghì chặt ghi-đông, không ngớt lo sợ khi nghĩ đến tương lai mờ mịt của mình, cái tương lai không chút gì hứa hẹn mà Ti cố quên đi, không nghĩ tới. Ti sẽ ra sao ? Gần mực thì đen, Ti sẽ giống, sẽ chịu ảnh hưởng của thằng Liêu không ? Nó tỏ vẻ khó chịu về sự lương thiện, ngay thẳng của Ti và nhiều lần bóng gió, xa gần là sẽ trị tội Ti rồi đó.
 
Ti âm thầm chịu khổ, không kể ra với ai, ngay cả chú Tùng hay dì Mai. Nhiều lần, trước khi đạp xe lên cầu, Ti đã có ý định lao thẳng xuống sông, không phải nó muốn tự tử mà muốn để ông ngoại phải tiếc điên lên vì mất cái xe.
 
Song luôn luôn khi Ti toan thực hiện ý định đó thì hình ảnh bà ngoại cũng hiện lên, cùng lúc Ti nhớ lại tất cả thảm khổ bà từng chịu đựng vì Ti. Hình ảnh bà hiền từ, nhân hậu, nụ cười bà âu yếm bao dung như lần đầu bà nắm chặt tay Ti, an ủi cháu bằng những lời êm như nhung, ngọt như mật ngày Ti còn bé tí, làm Ti ngừng lại.
 
Rồi Ti lại nhớ đến những câu chế giễu của một số bạn học, đến cái nhìn thương hại của một số bạn khác, đến những câu hỏi hay những lời bàn tán xì xào của các khách hàng quen biết gia đình ông ngoại, khi họ đến hiệu chú Bỉnh, gặp Ti, ngạc nhiên vì sự có mặt của Ti. Trời ơi ! Giá còn bà ? Nhất định không bao giờ bà để yên cho ông đày đoạ Ti như vậy cả.
 
Thốt nhiên, Ti nghe như tim mình thắt lại, nó kêu lên hai tiếng : “Bà ơi” và nước mắt giọt, giọt không ngừng.
 
*
 
Một buổi chiều, sau giờ làm việc Ti đạp xe về như thường lệ. Tâm trí nó vương vấn vì câu chuyện vừa xảy ra ban trưa. Suốt mấy tháng liền làm công cho cửa hiệu tạp phẩm của chú Bỉnh, Ti như người máy, không có gì khiến nó quan tâm hay xúc động.
 
Luôn luôn nó chạm phải những bộ mặt quen vào cửa hàng mua sắm, nhàm tai vì những lời cò kè thêm bớt giữa chủ nhà và khách mua hàng, chứng kiến sự gian dối của thằng Liêu, khó chịu vì thái độ trịch thượng của nó, bực mình vì thói keo kiết của chú Bỉnh ( ở nhà, Ti đã không chán ngấy vì thói ấy của ông nó rồi sao ?) và sau cùng là cái giọng chua hơn giấm của vợ chú ta.
 
Nhưng hôm nay, một việc xảy ra đã đánh thức mọi giác quan của thằng bé mồ côi, bất hạnh.
 
Lúc đó vào quãng 11 giờ trưa, một người khách lạ, rất lạ bước vào hiệu hỏi mua dầu lửa. Ông ta khoảng trung niên, có vẻ lơ đãng khác hẳn các bà nội trợ ghé lại cửa hàng và có lẽ vì vậy, ông ta đã trả lầm tờ giấy bạc năm trăm đồng thay vì tờ một trăm đồng. Khi ông ta xách bình dầu đi ra khỏi cửa hiệu Ti mới nhận thấy điều này, nó bảo Liêu :
 
- Ông ấy đưa lộn tờ giấy năm trăm, trả lại cho người ta đi, anh Liêu !
 
- Không can gì đến mày ! Không phải tiền của mày, khôn hồn thì câm miệng, tao sẽ chia cho, thằng ngốc !
 
Ti cố phân trần cho Liêu hiểu rằng hành động như vậy là xấu, là không nên, song nó khăng khăng nhất định không trả lại cho ông ta (lúc đó vợ chú Bỉnh mải trò chuyện với người bà con ở quầy trong nên không hay biết câu chuyện xảy ra) Sau cùng, Ti thấy không thể dằng dai, liền chạy ù ra khỏi hiệu, kêu to để ông ta quay lại. Khi Ti và ông ta trở vào hiệu thì Liêu đang xếp nhỏ tờ giấy bạc nhưng chưa kịp cho vào túi áo (vì nó phải lấy ra một tờ trăm của mình để trả thay tờ năm trăm trước khi muốn làm chủ tờ bạc lớn của ông khách lạ đãng trí kia.)
 
Liêu không nói gì được cả, nó ríu lưỡi lại vì tiếc tờ bạc mà cũng vì tức giận Ti. Ông khách không hay biết sự xung đột giữa hai thằng bé bán hàng, ông ta đưa tay nhận tờ bạc giấy, lặp lại nhiều lần hai tiếng cảm ơn về hành động lương thiện của hai đứa. Trước khi đi ra, ông còn nhắc lại là “Hai em rất tốt, tôi mong hai em giữ mãi tính tốt đó, hai em sẽ thành công trên đường đời”. Và thêm : “Tôi hy vọng gặp lại hai em”
 
Trong những ngày làm công tại cửa hàng này, đây là lần đầu Ti cảm thấy sung sướng, phấn khởi. Nó hơi tiêng tiếc vì đã quên không hỏi địa chỉ của người khách lạ, song rồi Ti buồn rầu nghĩ đến hiện tại, đến tình cảnh mình, nó hết cả vui. gặp lại ông ta để làm gì kia chứ ? cái câu : “Tôi hy vọng gặp lại hai em” chỉ là một câu xã giao thôi.
 
Lòng buồn bã, Ti cắm cúi đạp xe. Song kỳ quái làm sao, nụ cười đôn hậu, cái nhìn thẳng thắn, vầng trán cao và dáng bộ dẽ dàng, thân mật của ông ta không ngớt ám ảnh Ti.
 
Qua khỏi cầu, đến chỗ lùm cây trước khi sắp quẹo sang ngã rẽ về nhà chợt Ti giật bắn người lên, suýt buông rơi tay lái vì một viên đá từ đó ném đúng ngay giữa lưng Ti. Vừa đau vừa tức, Ti chưa kịp phản ứng ra sao thì tiếp liền đó, có tiếng quát to, giọng quen thuộc của Liêu :
 
- Dừng xe lại ! Ông cần hỏi tội mày ! Thằng nhãi kia, đừng hòng trốn thoát !
 
Ti hiểu ngay nguyên do khiến Liêu gây sự : nó tiếc tờ giấy bạc năm trăm ban trưa. Trong một thoáng, Ti tự trách mình đã mua việc vào thân, song tức khắc, nó thấy xấu hổ vì ý nghĩ hèn hạ ấy.
 
Ti nghĩ rất mau : có lẽ nên dừng xe lại, đối đầu với nó một lần cho nó khỏi khinh mình. Vả lại, tuy lớn tuổi và to xác hơn Ti, Liêu vốn chậm chạp (hừ ! Chú Tùng vẫn không hay nói là những anh còn trẻ mà nhiều mỡ trong mình không đáng sợ hay sao ?) Suy cho cùng, Liêu không hơn mình cái gì ngoài chất mỡ vô dụng mà thôi. Sẵn dịp này, không làm cho nó nể mặt thì nó sẽ còn tìm cách bắt nạt, tránh việc cho mình làm mãi cho coi, phải cho nó biết sở dĩ lâu nay mình nhịn nó là vì mình buồn chuyện gia đình chứ mình không ngán thứ con trai nhiều mỡ như hạng nó mới được.
 
Thế là, Ti thắng xe trong lúc từ bụi rậm, Liêu đủng đỉnh đi ra, dáng bộ hung hăng. Nó lên tiếng trước :
 
- Ti ! Mày nặng tội lắm đó, nghe ! Mày làm hỏng việc tao, tao phải trị tội mày, để mày nhớ mà chừa cái thói chõ mõm vô việc người khác, hiểu không ?
 
Ti gằn giọng, hỏi Liêu :
 
- Anh thử cắt nghĩa cho tôi nghe coi làm sao mới là không chõ mõm vô việc người khác ? Im lặng để anh ăn gian số tiền bốn trăm của người ta phải không ?
 
- Đúng như vậy đó. Không can gì đến mày, tại sao mày lại phá đám tao chớ ?
 
Thấy Ti không nói gì, Liêu được thể, tiếp :
 
- Sao mày không trả lời tao ? Nghe đây : mày phải xin lỗi tao, tao tha cho lần này, tự hậu thì phải chừa đi mới được, nếu không…
 
Ti chặn lại :
 
- Nếu tôi không xin lỗi anh thì sao ? Theo tôi nghĩ chính anh mới là người có lỗi, anh phải xin lỗi tôi…
 
- Chì quá, há ? Mày là thứ gì mà tao phải hạ mình xin lỗi mày ?
 
- Vậy anh, anh là thứ gì mà tôi phải xin lỗi sau khi anh có lỗi ?
 
- Tao không mất công đấu lý với mày. Tao chúa ghét những đứa có bộ vó học trò, lương thiện. Muốn sống gần tao và được tao để yên thì phải biết chuyện, nếu không tao không tha cho đâu.
 
- Tôi tò mò muốn biết anh định làm gì tôi đây ? Này, anh Liêu ! Đừng tưởng thằng Ti này dễ bắt nạt đâu. Tin cho anh hay : lâu nay tôi vẫn nhịn anh là vì tôi muốn vậy, chớ không phải tôi ngu ngốc hay sợ anh như anh tưởng lầm…
 
Ti không kịp đề phòng chi cả, nó đang thao thao nói thì Liêu bất ngờ vung tay đấm vào giữa mặt nó một cái nên thân. Ti loạng choạng lùi lại, giận sôi lên, nó hét :
 
- Được rồi ! Tôi sẽ đánh nhau với anh nếu anh muốn, nhưng trước hết tôi cho anh hay là tôi khinh anh, anh là một thằng hèn… Anh đã…
 
Ti ngừng lại vì nó biết không còn là lúc dùng lời nói mà phải dùng sức mạnh. Ti đứng yên đợi Liêu xông lại lần nữa và lần này nó gạt tay Liêu ra, đấm đá túi bụi vào đối thủ, nhất định trả thù quả đấm và viên đá ném lén nó nhận trong khi ngồi trên xe đạp, sự tức giận làm nó thêm can đảm.
 
Hai đứa quần nhau chí tử, hai bên cùng bị đòn đau và cùng quyết thắng. Song chỉ giây lát, Liêu thấm mệt, nó thở như bò rống, vừa thở vừa rên, vừa chửi thề. Ti thì không. Nó chăm chú tuôn những trái đấm ra, phóng những cái đá tới. Nó tự hứa phải thắng thằng “phì lũ” trận này, vì nếu không Liêu sẽ còn kiếm chuyện với nó về sau.
 
Thằng này bảo thằng kia “đầu hàng đi” nhưng không ai nghe ai cả. Đứa nào cũng tự tin, tuy phần kém có vẻ nghiêng về đứa to xác và thừa mỡ.
 
Thình lình có tiếng động cơ mô tô nổ xa xa và càng lúc xe càng tiến gần chỗ hai đứa quần nhau, tiếng mô tô nổ lớn quá làm hai đứa cùng chú ý, song dù chú ý, chúng vẫn không buông nhau ra, ôm chặt nhau lăn tròn trên mặt đất.
 
Đúng lúc đó, tiếng xe ngừng nổ và có tiếng người kêu lên :
 
- Chà ! Các chú hăng quá nhỉ ? Có thể ngừng tay lại không ? Theo tôi thấy thì các chú đều can đảm cả. Huề đi ! Bắt tay đi !
 
Tiếng nói làm Ti giật mình quên đề phòng, thừa cơ hội đó, Liêu đè nghiến Ti xuống, bẻ quặt tay Ti… Trông thấy thế, người đàn ông can thiệp :
 
- Thôi chứ ! Không nên chơi xấu như thế chứ ! Tôi không muốn can thiệp vào việc của các chú, nhưng nếu chú ỷ lớn bắt nạt đứa nhỏ hơn, tôi bắt buộc không để chú yên đâu. Xin long trọng báo cho chú biết trước như thế !
 
Liêu đành phải buông đối thủ, đứng lên. Ti lồm cồm bò dậy. Nhận ra hai đứa trẻ, người đàn ông – chính là người khách mua dầu lửa ban trưa – reo lên vui vẻ :
 
- Ủa, hoá ra hai chú đây ? Nếu tôi không lầm thì hai chú là bạn kia mà ! Vì sao bỗng hoá ra thù ?
 
Liêu bẽn lẽn vì câu hỏi vô tình của người khách lạ. Còn Ti, Ti muốn nói thẳng là tại ông ta nên mới xảy ra nông nỗi, nhưng vốn tốt bụng, nó không muốn làm Liêu xấu hổ trước người lạ, cho nên nó hết sức lúng túng, không biết giải thích nguyên do trận thư hùng bằng cách nào. May thay, ông ta đã nói tiếp :
 
- Thôi, dù hai chú đánh nhau vì nguyên do nào đi nữa, tôi muốn hai chú bắt tay nhau, bỏ qua chuyện cũ, và kể từ mai phải hoà thuận như trước, chịu không ?
 
Đúng là chõ mõm vào chuyện người khác. Liêu nghĩ thầm song nó không phản đối người lạ, tiến lại bắt tay Ti.
 
*
 
Chuyện tình cờ xảy ra đã là một dịp đưa Ti đến gần khách lạ như ý muốn của nó.
 
Ti được biết ông ta là một hoạ sĩ có tiếng, về vùng quê tìm đề tài để vẽ. Ông ta sắp triển lãm hoạ phẩm tại Sàigòn. Hoạ sĩ Tâm Anh có một quan niệm phóng khoáng về cái đẹp. Ông ta cho rằng không cứ phải vẽ những cô gái ăn mặc sang trọng, những biệt thự đồ sộ, những khu phố náo nhiệt, mầu sắc loè loẹt mới thể hiện được tất cả cái đẹp trong hoạ phẩm. Bầu trời lúc hoàng hôn, trên ngọn cây cao còn vương lại vài tia nắng rớt, bình minh trên đồng cỏ hay một em bé bán đậu rang với một bên vai áo rách : dưới cây cọ tài tình của ông, hoạ phẩm trở thành xúc động người thưởng ngoạn một cách sâu xa. Ông cho rằng cái đẹp bàng bạc bất cứ ở đâu : trong chòi tranh cũng như trên lò gạch, có điều kẻ ở chòi tranh vất vả vì sinh kế nên không đủ thì giờ tìm những thú vui tinh thần và người nghệ sĩ có bổn phận nghĩ đến họ nhiều hơn là phục vụ đám thị dân nhàn rỗi, thừa tiền.
 
Từ khi được quen hoạ sĩ Tâm Anh, Ti thấy yêu đời đôi chút. Tâm Anh cắm trại trong một cái lều vải (như lều hướng đạo) dưới một gốc cây cổ thụ ven đồi cách nhà Ti cỡ vài cây số.
 
Chỉ trong vòng mươi hôm, đôi bên đã thân nhau như quen thân từ lâu lắm. Mặc dù Ti giấu quanh, Tâm Anh nhất định tìm hiểu cho bằng được nguyên do khiến hai đứa cùng làm việc một chỗ ẩu đả nhau. Vì không quen nói dối, sau cùng Ti thú thật. Tâm Anh ngồi lặng yên nghe câu chuyện, cố giữ vẻ thản nhiên. Một lát sau, ông mới lên tiếng bằng giọng dịu dàng :
 
- Cháu rất đáng khen. Chú ngạc nhiên thấy cháu không được may mắn hơn vì theo chú, một đứa trẻ có tâm hồn cao đẹp như cháu phải được sung sướng hơn mới phải…
 
- Cháu không bao giờ được may mắn. Bà ngoại cháu vẫn nói vậy. Mới ba tuổi cháu đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Cháu đem sự xui xẻo cho mọi người, bà ngoại mất cũng vì cháu…
 
- Nhảm ! Ai bảo thế ?
 
Tâm Anh kêu lên, giọng bất bình. Ti cười buồn :
 
- Ông ngoại cháu bảo thế, thưa chú !
 
- Không đâu. Chú không tin vậy…
 
- Chắc đúng, chú Tâm Anh à ! Bà ngoại chết vì cháu, không phải vì cháu đem xui xẻo như ông ngoại nghĩ mà vì… mà vì…
 
Tâm Anh đã biết rõ tình cảnh khốn khổ của Ti, một đứa trẻ thông minh ngoan ngoãn, lương thiện mà vô cùng bất hạnh. Tâm Anh âm thầm tìm cách giúp nó nhưng ông ta nhất định không nói trước để cho nó phải hy vọng hão.
 
Ông cố giữ kín dự định cho đến khi cầm chắc sự thành công trong tay. Nguyên Tâm Anh có chân trong hội “Giúp trẻ nghèo hiếu học” tại đô thành. Hội viên phần đông cũng vốn là trẻ nghèo lúc nhỏ được hội giúp đỡ cho đến khi học thành tài. Chính ông cũng nhờ hội mà có thể theo đuổi ngành hội hoạ. Vài người khác là bác sĩ, luật sư, nhà buôn, kỹ nghệ gia, đa số là công chức hạng trung. Có một số người không dư dật chi, song họ vui lòng nhịn bớt chút đỉnh tiền tiêu để đóng niên liễm. Những người có địa vị - nhất là những người đã thành nhân nhờ hội – thì tự thấy có bổn phận giúp lại các trẻ nghèo hiện nay.
 
Tâm Anh đã gửi thư về cho hội yêu cầu giúp đỡ Ti song một tuần sau ông nhận được thư trả lời là trường hợp Ti rất khó… Trước hết, nó đã quá tuổi – Ti bị đuổi học hơn nửa năm nay, mất hết một năm học – thứ hai, Ti không phải là con quân nhân hay công chức hạng nghèo. Thứ ba, uỷ ban cứu xét để cấp học bổng không được rõ lắm về hạnh kiểm Ti, biết đâu vì cảm tình riêng mà Tâm Anh giới thiệu ? Ban giám đốc không có phương tiện và thì giờ để đến tận nơi cứu xét rõ ràng gia cảnh đứa trẻ. Điều này họ chỉ nói một cách mập mờ, nhưng Tâm Anh đoán biết.
 
Lần thứ nhất, người hoạ sĩ tiếc mình đã không chịu ở trong Ban giám đốc theo lời yêu cầu của đa số hội viên hôm Đại hội. “Phải chi mình ở trong Ban giám đốc có phải mình được quyền quyết định, ít nhất cũng được một thăm của chính mình và thuyết phục vài người nữa nghe mình”.
 
Tâm Anh buồn mất mấy hôm, nhưng ông không chịu thua, ông viết một lá thư dài cho người bạn trong Ban giám đốc, viện những cớ sau đây để xin cho Ti, nếu không được trọn một học bổng thì cũng được một nửa : thứ nhất, ông bác bỏ luận điệu cho là chỉ quân nhân công chức mới thật sự nghèo ; thứ hai, chuyện quá tuổi không thành vấn đề, hội mình là hội tư nhân chứ có phải một tổ chức của chính quyền đâu mà phải lệ thuộc về hình thức thông thường ? Thứ ba, nếu cần biết rõ về gia cảnh mà không tiện việc đi lại tìm hiểu thì có thể nhờ người có uy tín tại địa phương giúp cho.
 
Ông nhấn mạnh rằng Ti hội đủ những điều kiện tất yếu của một đứa trẻ hiếu học mà thiếu phương tiện : nhà nghèo, học giỏi, hạnh kiểm tốt. Ông cũng hùng hồn bác bỏ cái luận điệu cũ rích là tại Sàigòn không thiếu học sinh ưu tú nghèo. Vì ông cho là tại Sàigòn, đương sự có nhiều cơ hội để học hành hơn là trẻ nghèo các vùng quê hẻo lánh. Phải đặc biệt chú ý tới những trẻ nghèo xa đô thị vì theo ông, chính những trẻ này mới thực đáng giúp đỡ hơn những trẻ nghèo tại các thành phố lớn, nhất là tại thủ đô. Biết bao nhiêu người vì thiếu cơ hội mà mai một tài năng ở những nơi hẻo lánh ?
 
10 ngày sau, Tâm Anh được thư bạn trả lời. Ban giám đốc đã cứu xét lại trường hợp Ti, đứa trẻ nghèo quá tuổi, không phải là con công chức, cũng không phải là con quân nhân nhưng hiếu học, hạnh kiểm tốt, người ta bảo là tin vào lời giới thiệu nồng nhiệt của Tâm Anh : hội cho Ti một nửa học bổng. Phần tái bút, người bạn không quên nhắc Tâm Anh về lời hứa sẽ tặng cho hội ba phần tư số tiền thu được sau khi triển lãm tranh để nhập vào quĩ hội đặng đủ tiền cấp phát học bổng cho trẻ nghèo hiếu học vào niên khoá tới.
 
Đọc lá thư, Tâm Anh hết sức hài lòng, song khi đọc thêm phần tái bút, ông không khỏi cảm thấy tưng tức. Ông đã hứa sẽ tặng hội ba phần tư số tiền thu được sau khi triển lãm tranh mà hễ mỗi lần có dịp là Ban giám đốc lại nhắc đi nhắc lại, làm như nếu không nhắc chừng chừng, Tâm Anh sẽ đổi ý không bằng. “Không biết chừng họ nể lời mình nên cho thằng bé nửa cái học bổng chứ chưa chắc vì tin lời mình” Ông nghĩ thế, song rồi Tâm Anh lại gạt đi cho là mình hoài nghi tầm phơ. Không nên đòi hỏi cái tuyệt đối, điều cần là Ti đã nhận một nửa học bổng. Còn một nửa sẽ tính sau. Giá mà Tâm Anh làm việc chí thú, đều đặn như một công chức, Tâm Anh đã không phải suy tính chi cho nhọc, ông sẽ đảm nhận phần chi phí còn lại cho thằng bé. Khốn nỗi, dù tâm địa tốt, công việc của ông rất bất thường, khi thì tiền vô không đếm kịp song nhiều hơn là những khi túi rỗng, thèm điếu thuốc lá hoặc cốc cà phê hơn trẻ con thèm kẹo. Hứa mà không giữ trọn lời hứa là điều không tha thứ được đối với nhà nghệ sĩ này, vì vậy ông do dự băn khoăn về nửa cái học bổng còn lại quá đỗi.
 
Thình lình, Tâm Anh chợt nhớ ra trong câu chuyện với mình, thằng bé vẫn nhắc đến dì chú nó. Đoán theo lời nó, dì chú nó rất tốt, song họ không dư dật gì, họ vẫn ước ao có ai phụ với họ thì họ sẵn sàng giúp nó một phần chi phí để nó trở lại nhà trường tiếp tục việc học bị dở dang vì ông bố già keo kiết.
 
Thôi thế là hoàn hảo mọi bề. Tâm Anh chỉ còn việc ngồi chờ chiều xuống. Ông sẽ đón Ti ở đầu cầu báo tin mừng. Sau đó, ông sẽ đi với nó đến nhà dì chú nó nói chuyện xem sao. Chắc chắn họ không từ chối đâu, ông biết.

________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG VI

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

CHƯƠNG IV_MƯA SA MẠC


CHƯƠNG IV


Ti ngồi bên cửa sổ, đưa mắt ra như thói quen hay ngừng học để ngắm cảnh hoặc để theo dõi một cánh chim bên ngoài. Song bây giờ Ti không quan tâm, không theo dõi gì hết. Nỗi khổ sở, đau đớn, phẫn uất làm chai lỳ thằng bé đi rồi. Trước mắt nó không còn gì đẹp, có ý nghĩa nữa. Ti thù ghét tất cả, dửng dưng với tất cả.
 
Hơn ba tháng nay, kể từ khi nhà trường gửi văn thư đến, chính thức xoá tên Ti trong lớp, vậy mà mỗi lần mường tượng đến cái bút nguyên tử đỏ gạch ngang hai ba lằn liên tiếp đè lên tên Ti, Ti lại nghe tim mình đau thắt lại, đau thấm thía.
 
Ai đã làm cái cử chỉ độc ác đó ? Ông hiệu trưởng ? Vị giáo sư nào ? Hay là ông giám học ? Khi loại bỏ tên Ti trong lớp, bàn tay đó có do dự chút nào không ? Hay Ti cũng như một con số dưới ngòi bút họ ? Có bao giờ người đã cầm cái bút đỏ gạch xoá tên Ti băn khoăn về số phận đứa học trò kém may mắn hay không ? Chắc không đâu. Vị đó không có thì giờ.
 
Nếu sự thôi học của Ti gây ra một chút thương hại ở các bạn cùng lớp và các giáo sư thì cũng thoáng qua thôi. Rồi vài ngày sau lớp học đã bình thường trở lại. Khoảng trống do sự vắng mặt của Ti được lấp kín ngay sau đó. Người ta quên Ti như quên một con số vô tri, không đáng kể. Ủa, vậy còn thầy Hảo ? Ti vụt nhớ đến lá thư thầy gửi cho Ti, do Du đưa lại sau ngày Ti bị đuổi. Lá thư làm Ti xúc động sâu xa, vừa đọc, nước mắt Ti vừa tuôn ròng ròng nhoè cả những hàng chữ rắn rỏi mà thân mến của thầy. Ti nhắm mắt lại, lắng nghe trong thâm sâu sự đau đớn lặng lẽ dâng tràn. Tắm dìm mình trong nỗi đau khôn cùng đó, Ti cảm thấy một sung sướng khác thường, khó tả ; chắc vì có thầy Hảo hiểu Ti. Thầy không tỏ ra thương hại một cách hời hợt như kẻ khác. Thầy ân cần chia xẻ tuyệt vọng của Ti, khuyên Ti cố gắng để vượt qua, khuyên Ti nên tin tưởng vì cuộc đời còn dài, tương lai luôn luôn dành cho những người có chí. Trời không đóng cửa ai mãi bao giờ ! Thầy viết thế. Ti còn nhớ những giòng quan trọng ấy, dù là một lần quá đau đớn và căm phẫn, Ti đã xé lá thư quí báu ấy đi (Hành động đó làm Ti hối hận mãi đến nay). Thầy ân cần dặn Ti đừng xao lãng sự học, hãy cứ theo dõi chương trình học trong các sách và ôn lại bài vở, chờ đợi dịp may. Chính vì mấy giòng úp mở này khiến Ti phát khùng xé vụn lá thư cho vào bếp lửa. Dịp may ư ? Làm sao Ti quên được cái ngày Ti cùng bà đến nhà thầy ?
 
*
 
Đó là lần đầu trong nhiều năm sống cạnh bà, Ti thấy bà chăm sóc áo quần cẩn thận trước khi ra ngoài. Nét mặt bà trông như tươi lên, trẻ ra vì một niềm vui hay vì một hy vọng nào đó, Ti không biết được nhưng có thể đoán ra đôi chút. Và Ti còn đoán thêm rằng bà đang rất nóng nảy nữa, y như dáng bộ ông ngoại trước giờ nghe đài, đón tin xổ số vào chiều thứ ba. (Mắt bà luôn luôn canh chừng cái đồng hồ cổ lỗ treo trên tường, cái đồng hồ hiệu “Odo” cứ đều đều 15 phút lại bính bong, bính bong làm tròn phận sự). Ti không rõ bà đi việc gì mà coi bộ bà rất cẩn trọng : bà xức một tí dầu của dì Mai lên tóc, chải và chắp vào mớ tóc (thật ít oi vì rụng nhiều) của bà một cái lọn tóc giả. Một chút son môi làm khuôn mặt bà sáng hẳn lên. Bà mặc cái áo hàng xưa, khá đẹp, nhưng cũng có tuổi như người mặc, thứ hàng muốt-xơ-lin mầu rêu trang nhã. Sau cùng, bà chải thật kỹ đôi giầy muyn đen có đính những hạt cườm có hình hai cánh hoa cúc vàng lóng lánh. Mầu nhung đen làm nổi bật đôi hoa cúc lên. Cái quần xa tanh trắng, tuy hơi vàng song được bà ủi cẩn thận giúp cho bà thêm phần trang trọng và thanh tú.
 
Khi đã chuẩn bị cho chính mình xong, bà mới gọi Ti lại và bảo Ti thay quần áo tử tế để cùng đi với bà đến nhà thầy Hảo.
 
Ti hết sức ngạc nhiên song vẫn tuân lời bà và đến khi hai bà cháu ra khỏi nhà Ti không thể nén được tò mò, hỏi thì bà mỉm cười bí mật :
 
- Rồi cháu sẽ biết khi đến đó gặp thầy.
 
Hai bà cháu đến nhà thầy Hảo vào lúc thầy Hảo đang ngồi đọc báo. Lạ lùng một điều đối với Ti là hình như thầy có vẻ đợi bà, chứ không phải là một cuộc thăm viếng bất ngờ.
 
- Chào bà, mời bà ngồi chơi !
 
Thầy nói và khi nhận ra có Ti đi với bà, thầy tiếp luôn :
 
- A ! Trò Ti cũng đến nữa đó à ? Vào đây, đi con !
 
Ti lễ phép chào thầy rồi vòng tay đứng sau lưng bà. Thầy gọi người nhà pha trà mời khách, rồi hắng giọng :
 
- Thưa bà, chắc là bà đến để biết kết quả việc hôm nọ bà nhờ tôi giúp cháu…
 
- Vâng ! Thưa thầy, trăm sự nhờ thầy. Tôi già cả, dốt nát… tội nghiệp, cháu nó ham học, nhưng… Không giấu chi thầy, ông ngoại cháu sắp về hưu… dì nó thì đã có chồng…
 
- Tôi biết, tôi biết. Và tôi rất muốn giúp cháu điều này. Nhưng thưa bà, tôi đã trình lên Uỷ ban cứu xét cấp phát học bổng của nhà trường, tôi cũng có đề nghị cho cháu được ưu tiên, song… (thầy thở dài một cái) đơn của trò Ti bị bác vì lý do gia cảnh. Muốn được cấp phát học bổng, học viên phải đủ những điều kiện sau đây : học giỏi về tất cả mọi môn, nhà nghèo và mồ côi, hoặc cả cha lẫn mẹ, hay một người…
 
- Thưa thầy, cháu nó học khá, thầy biết mà…
 
- Phải ! Tôi dạy nó sao tôi không biết…
 
- Thầy cũng biết cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, cháu về sống với chúng tôi…
 
Giọng bà van vỉ. Thầy hảo đưa mắt nhìn Ti :
 
- Có một điều bà chưa biết rõ và chính vì điều đó, tôi không thể nào vận động để xin được học bổng cho cháu Ti…
 
- Xin thầy cứ nói !
 
Bà thấy thầy ngần ngừ liền giục. Lần này, thầy không úp mở gì nữa :
 
- Thưa bà, thực tế thì cháu mồ côi, song ông nhà đã khai man cháu là con trai để được hưởng lương. Mà ông không phải là công chức hạng thấp và không có quá nhiều con, các cô cậu đều đã tự lập, trừ cậu Toàn, nhưng cậu Toàn thì…
 
Mồ hôi trên trán bà lấm tấm, bà cúi xuống để che giấu sự bối rối. Bà nhìn chăm chăm vào mũi giầy không thốt được một lời nào.
 
Thầy cũng có vẻ ái ngại và lúng túng không kém. Hình như thầy muốn an ủi bà già khổ sở ngồi trước mặt mà tìm chẳng ra lời. Có lẽ thầy biết rõ tính nết keo kiệt của ông ngoại Ti, biết rõ tình cảnh khổ sở của Ti, song chắc thầy chưa biết rõ lắm về những gì mà bà già đáng thương từng chịu đựng.
 
Sau cùng, thầy ôn tồn nói :
 
- Tôi nghĩ là cháu còn nhỏ, hiện giờ đang học gần nhà, cũng chưa tốn kém bao lăm. Xin ông bà cố gắng ít lâu. Sau này, nếu cháu đi học xa, ta sẽ tìm cách…
 
- Xin cảm ơn thầy…
 
- Không có gì mà bà phải cảm ơn tôi ! (giọng thầy buồn rầu). Tôi không giúp cháu được gì cả, dù rằng tôi đã cố gắng hết sức mình. Có những nguyên tắc mà không thể vượt qua nổi, mong bà hiểu cho, đừng phiền tôi.
 
- Thưa không ! Tôi biết thầy có lòng tốt, tôi biết lắm, thưa thầy.
 
Suốt buổi hội kiến giữa hai người, Ti lặng lẽ theo dõi trong tò mò và kinh ngạc. Ti không ngờ là ông ngoại không muốn cho Ti đi học, không biết là bà đã cố gắng nhiều để thuyết phục ông nên mình mới được cắp sách đến trường trong bao lâu nay. Ti không biết gì cả. Bà tế nhị, luôn luôn tránh bàn cãi đến chuyện học hành của Ti trong lúc nó có mặt tại nhà.
 
Mặc dù bà đã thoả thuận điều kiện ngặt nghèo với ông rồi : cho người giúp việc nghỉ từ lâu, đảm nhiệm hết mọi nặng nhọc – so với số tuổi và sức khoẻ rất kém của bà – ông vẫn không ngớt phàn nàn, nhăn nhó, kêu ca là tốn kém quá nhiều vì thằng bé. Bà không biết ông khai nó là con vì mục đích muốn hưởng lương. Bây giờ nghe thầy Hảo nói, bà nghĩ là ông muốn cho cháu đỡ tủi thân với bạn bè ở lớp. Tâm hồn bà nhân hậu, đơn giản cho đến nỗi không bao giờ bà có thể đoán ra những ngoa ngoắt của lòng người, dù cho đó là người bà sống chung gần ba mươi sáu năm tròn.
 
Mặc dù thất học, bà hiểu rõ là sự học cần thiết đối với cháu bà cho nên bà cố gắng bằng mọi cách để nó khỏi bỏ học nửa chừng. Mỗi lần gặp thầy Hảo, bà hỏi thăm, được biết Ti học chăm và giỏi, bà rất hài lòng.
 
Biết mình sức khoẻ mong manh, bà luôn luôn suy nghĩ, tìm cách để Ti được tiếp tục con đường học vấn sau khi mình nằm xuống.
 
Thầy Hảo vốn có cảm tình với bà và rất thương yêu Ti, đứa học trò ngoan, giỏi của mình nên vài bận nghe bà tỏ ra lo lắng cho tương lai cháu, thầy hứa sẽ cố gắng giúp đỡ bằng cách vận động để xin cho nó cái học bổng do trường cấp phát. Song chưa thực hành ý định thì thầy phải đổi đi dạy ở một trường khác, hơn hai năm. Khi thầy trở về trường cũ, bà lại đến nhà thầy, nài nỉ thầy giúp cháu điều đã hứa.
 
Thầy Hảo thương hại bà đành phải ậm ừ - vì thầy vừa biết ông ngoại Ti đã chạy chọt cách nào đó mà khai Ti là con trai để hưởng lương. Do đó, thầy không thể giúp học trò mồ côi được. Nhưng thầy không đủ can đảm làm bà ngoại Ti thất vọng. Thầy biết sự hy vọng – dù là mong manh – đôi khi vẫn có sức mạnh làm người ta yêu đời, sống lâu hơn…
 
Rồi đến một ngày, thầy phải nói thật, trước mặt hai bà cháu, vì không thể dối quanh mãi.
 
Trên đường về, bà nắm chặt tay cháu, nỗi buồn hiện rõ trên nét mặt ủ dột của bà. Hình như bà lê chân một cách khó khăn, hình như bà mỏi mệt nhiều sau câu chuyện. Đứa cháu hỏi bà :
 
- Bà ơi ! Sao bà phải xin học bổng cho cháu ? Có phải ông ngoại không cho cháu học nữa không?
 
- Ờ, không ! Sao cháu lại nghĩ bậy bạ thế ? Đó là tại bà muốn xin cho cháu, bà muốn phòng xa…
 
Bà tránh nhìn cháu, vì vốn không quen nói dối. Ti vẫn vô tư, không biết gì cả.
 
Mãi cho đến cái hôm mà ông ngoại gây gổ với bà, Ti nghe được mấy tiếng úp mở : Học ! Học ! Thôi, tốp lại ! Tốp… của ông và những lời van nài của bà : Tôi van ông, tôi xin ông, cháu nó côi cút, thương được ngày nào… Những lời đó làm Ti choáng váng. Và đó là lần cuối cùng bà cố gắng để bênh vực đứa cháu bất hạnh của mình. Phải ! Đó là lần cuối và cũng là lời cuối. Bà đã mãi mãi lặng im, vĩnh viễn yên nghỉ không còn phải nhọc lòng vì chồng, con, cháu nữa.
 
Nhớ đến đây, bất giác Ti gục đầu xuống bàn, khóc lên rưng rức. Ti biết rằng, Ti không bao giờ được gặp một người nào như bà nữa. Ti biết rằng Ti sống vô tư hồn nhiên trong nhiều năm qua cho đến ngày nay phần lớn là nhờ bà, rằng bây giờ đây, Ti mới thực sự mồ côi !

________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG V