Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

THI LÀM VƯỜN - Minh Nguyệt


Trời hừng sáng, anh Tấn lồm cồm bò dậy, rón rén bước xuống thang gác. Anh mỉm cười khoái chí : chỉ có mình ta dậy sớm nhất! Anh Tấn vừa bước xuống bậc thang gác cuối cùng thì em cũng vừa… tỉnh giấc, nhưng chưa xuống vội, quay sang mấy đứa em : Thu còn ngáy kho kho, Bích khẽ cựa mình, bé Đạt ngủ say gác một chân lên mình Thu. Em lay mạnh nhỏ Thu:

- Dậy, dậy mau lên! Bích, Đạt nữa.

Vừa nói, em vừa đánh vào chân hai đứa nhỏ. Mặc dù còn buồn ngủ nhưng đứa nào cũng ráng bò dậy, mắt mở to, tỉnh táo. Nói vậy chắc các bạn tưởng là mấy đứa ngoan lắm hả? Không đâu, đó là do hơn tuần lễ nay em vẫn thường lôi chúng dậy vào mỗi sáng sớm đó. Số là hôm đầu hè, vấn đề tài chánh trong nhà càng ngày càng trở nên khó khăn, ba em đã ra lệnh cho tất cả tụi em phải nỗ lực làm việc. Thịt cá thì phải mua ở chợ, nhưng vấn đề rau cải có thể tự túc được. Do đó ba em đã quyết định bắt tất cả phải trồng rau, trồng cải, trồng cà… ở miếng vườn sau nhà. Thế là miếng vườn được chia làm 2 : anh Tấn lớn nhất, trông coi khoảng vườn trái cùng với bé Đạt. Em và tụi nhóc, giữ vườn bên phải. Phân chia rõ ràng ba em giao hẹn hết 3 tháng hè, bên nào giúp ích được nhiều cho gia đình hơn sẽ được ba khen thưởng và điều quan trọng hơn là món quà bất ngờ ba sẽ trao tận tay phe thắng cuộc. Cả bọn hăng hái lắm, vui vẻ làm việc, hoan nghênh quyết định của ba em. Sáng hôm sau cả bọn đều bắt tay vào việc. Anh tấn xông xáo lắm, nhưng bọn em cũng hùng hậu không kém. Việc đầu tiên là thi đua nhổ cỏ, dọn sạch sẽ khu vườn. Những đám cỏ chỉ mọc mất trật tự, cỏ tranh, mắc cỡ… đều được thanh toán mau lẹ. Kế đến là xới đất, bón phân mà cả bọn đã xin ở nhà ông Tám hàng xóm. Vài ngày sau, qua những cơn mưa đầu mùa, cả bọn bắt đầu gieo hạt. Anh Tấn và bé Đạt đi mua hạt giống ở những người làm vườn xóm trên về chia cho bọn em phân nửa (bọn em có gởi tiền trước rồi chứ không phải anh ấy… nhân đạo đâu nhé!). Làm đến nay đã gần 2 tuần lễ trôi qua, khu vườn của 2 phe đều thấy lú lên những mầm xanh… hy vọng. Bên nào cũng dòm ngó bên kia xem… “kỹ thuật canh tác” của đối phương. Hoặc là hội họp lại để tìm những loại rau dễ trồng mà… thâu lượm kết quả.

Bàn tán thật xôn xao. Cuối cùng bên em quyết định trồng rau mồng tơi, rau lang theo Thu. Bích đề nghị trồng ớt, hành, sả. Em thì trồng cà, các loại rau thơm, bạc hà. Bên anh Tấn và bé Đạt thì có những liếp cải sà lách chạy dài, cũng có một khoảng nhỏ cho các loại rau thơm. Đặc biệt, mướp được trồng dọc hàng rào. Thế rồi từ đó những buổi sáng sớm đã nghe tiếng nước rào rào sau vườn, hay những buổi chiều náo loạn nhưng rất vui vẻ trong vườn rau. Ba má em có vẻ vui lòng lắm. Ba thường cười nói : “Ráng lên, ráng lên, các con còn thua ba hồi đó một tí…”. Khỏi phải nói, bên nào cũng nhất định chiếm giải mà!

Tụi nhóc đã lục đục kéo xuống dưới nhà. Anh Tấn vừa rửa mặt, đánh răng xong quay lại “Trời! Tụi nó cũng nối đuôi mình chớ phải chơi sao?” Anh nghĩ thầm trong lúc tụi nhóc xếp hàng nhe răng cười… xã giao. Anh cũng cười mỉm chi… cọp, hối bé Đạt rửa mặt mau lên rồi 2 anh em cùng ra thăm vườn. Bọn em cũng mau lẹ tới bên phuy nước rửa mặt đánh răng sạch sẽ, rồi… lũ lượt đi thăm vườn y như những “đại nông gia”. Vừa mở cổng vườn, mấy cái miệng đều hoạt động mạnh mẽ. Bé Đạt la:

- A! Mấy cây hành của em lên mầm rồi!

Thu chạy đến những hàng rau mồng tơi mới mọc chỉ có 2 lá nhọn, khoái chí cười vang:

- Hì hì! Rau của em lớn mau như thổi!

Ở cạnh đường mương sát hàng rào, Bích coi mấy bụi sả:

- Chị Hoa ơi! Sả của em bén rễ rồi nè!

Đến lượt anh Tấn:

- Hà hà! Ta sẽ có một giàn mướp đầy trái cho mà coi…

Em xem xét hết khu vườn. Đám bạc hà vừa lên những lá con con, cà chua tươi tốt, xanh như đám mạ non, em reo lên:

- Hết xẩy! Cà chua của ta thì nhất à!

Cả vườn náo loạn lên. Sau khi thăm vườn thì tới lượt tưới cây. Em ra lệnh:

- Thu, Bích vô nhà lấy 3 cái rổ ra đây, mau!

Hai đứa làm như cái máy vì đã quen lệ. Không có bình tưới, bọn em đành phải tưới nước qua cái rổ xuống cây. Bên anh Tấn cũng không kém:

- Đạt vô lấy rổ, lẹ lên!

Đạt nhảy chân sáo vô nhà, vừa đi vừa hát… tình tính tang… tang tính tình…

Lát sau, tiếng nước đổ rào rào trên những liếp cải, liếp rau, đám bạc hà… Cả bọn làm việc đắc lực. Từng thùng nước được múc từ hồ bằng xi măng mà ba em xây để chứa nước mưa. Nước trong veo và mát lạnh, cả bọn thích chí cười vang.

Sau một tháng, rau mồng tơi lớn có thể ăn đủ cả nhà, mướp bắt đầu lấp đầy khoảng giàn trồng, cải, bạc hà, rau thơm, ớt… đang lớn mạnh, tốt tươi nhờ mùa mưa đã bắt đầu đến cho bọn em đỡ mệt nhọc về vấn đề tưới cây. Những buổi chiều ngồi trong nhà ăn cơm với rau sá lách, trên là cà chua đỏ thắm. Ba em ăn ớt thì đã có sẵn của Bích. Cạnh là tô canh rau mồng tơi với mướp phải cần tới sự hợp lực của 2 phe. Dĩa cá chiên thơm dòn mùi sả do Bích cung cấp. Cả bọn nhìn ra khu vườn, mưa rào rào trên mái tôn, tưới trên khu vườn đứa nào cũng thấy ngập tràn niềm vui…

Thấm thoát đã sắp tới ngày đi học, cả bọn vẫn tiếp tục chăm sóc vườn rau. Niềm vui của mỗi đứa dâng theo cùng với sự lớn mạnh của khu vườn. Những ngày sau này thật vui nhờ sự giúp sức của ba em. Những buổi chiều đi làm về ba em thường ra vườn vui với đàn con, sửa lại giàn mướp cho anh Tấn hay bón thêm phân cho cây ớt của Bích.

Một buổi sáng cuối hè, cả nhà đang dùng điểm tâm. Má em nói với ba nhờ rau cải trong vườn mà má em đã tiết kiệm được một số tiền khá lớn. Cả bọn đều reo mừng thích thú. Ba em dõng dạc tuyên bố:

- Các con của ba ngoan và siêng năng lắm. Đã giúp phần đắc lực ho ba má trong những tháng hè rảnh rỗi. Giờ đây – như lời má các con nói – ba sẽ dùng số tiền đó trích ra một phần mua cho các con bình tưới cây. Riêng Tấn và Hoa sẽ được ba thưởng cho mỗi đứa một cây viết máy mới tinh. Còn Thu, Bích, Đạt để rồi ba sẽ mua cho cặp mới. Trong khi xài các vật dụng đó các con nhớ đây là công lao của các con trong kỳ hè đã tạo nên.

Cả bọn vỗ tay reo cười:

- Hoan hô ba! Hoan hô ba!

- Em có cặp mới đi học rồi.

Anh Tấn nói:

- Dạ, thưa ba, dù hết hè rồi chúng con vẫn tiếp tục trồng trọt giúp đỡ ba má được như thường.

Em nói:

- Con nữa ba, ngoài giờ học con cũng chăm sóc cho khu vườn luôn tươi tốt.

Thu, Bích và bé Đạt cũng sẵn sàng làm việc đều đều như kỳ hè qua. Ba luôn xoa đầu mấy đứa:

- Các con ngoan lắm, ngoan lắm…

Má em mỉm cười sung sướng, những khuôn mặt vui vẻ dễ thương chợt hồng lên dưới ánh nắng đầu tiên của mặt trời.


MINH NGUYỆT 


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 226, ra ngày 1-9-1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Tư, 30 tháng 8, 2017

CHƯƠNG 13, 14_TRÊN ĐỒI CỎ

13
  
Chú Bảy mệt nhọc nhìn qua khung cửa. Chú không hiểu mình còn phải ngồi rình như thế này đến bao giờ. Tiếng đồng hồ tích tắc như kéo dài mãi mãi thời gian chờ đợi. Dù không biết mình chờ đợi ai, chú vẫn áy náy không dám bỏ đi ngủ. Chú hối hận đã để cho Minh, Danh ra đi. Một nỗi buồn nặng trĩu như đè xuống tâm hồn chú. Chú buông tiếng thở dài.
 
Chú giật mình vì có tiếng động ngoài sân. Nhìn ra bên ngoài chú không thấy có gì lạ. Đó chỉ là tiếng lá khô bị gió thổi xào xạc trên nền xi măng. Chú Bảy chợt hiểu khi mệt nhọc, người ta dễ bén nhậy với bất cứ chuyện gì xảy đến. Có tiếng chó sủa xa xa. Chú Bảy đứng bật dậy, hồi hộp, chờ đợi, không biết tiếng chó sủa từ đâu vọng lại. Chú Bảy nóng lòng chạy ra sân. Chú tưởng chừng như thấy Minh, danh đang bị kẻ thù đuổi theo bén gót. Lòng chú chợt se lại…
 
Tiếng chó sủa thưa dần, rồi im bặt. Chú đứng nhìn bóng đêm đang bao quanh trại đầy vẻ đe dọa. Chợt chú thấy một tia sáng lóe lên từ đầu nhà, tiếp theo là một tiếng kêu đau đớn, tiếng kêu của người bị thương bất ngờ. Chú Bảy mừng rỡ:
 
- Cai Bần không lầm!
 
Cẩn thận, chú vào nhà cầm theo cái đèn và cây gậy rồi chạy ra đầu nhà. Chú vừa kịp nhận ra cặp mắt van lơn của một gã thanh niên. Gã nằm bẹp trên cái bẫy, mái tóc bạc dài lòa xòa chảy dài xuống tận vai. Một chân gã bị kẹp cứng trong cái bẫy, không sao rút ra được. Gã rên rỉ:
 
- Trời ơi đau quá! Xin ông thương gỡ tôi ra.
 
Chú Bảy động lòng thương cúi xuống định gỡ, nhưng chú ngừng lại vì chợt nghĩ đến mấy cháu. Chú ra điều kiện:
 
- Tao sẽ gỡ cho mày khi nào mày chịu nói cho tao biết mày làm gì ở đây và các cháu tao bây giờ ở đâu?
 
- Vâng, tôi xin thề, xin thề sẽ nói hết. Nhưng xin ông gỡ chân tôi ra, tôi đau quá.
 
Chỉ kịp nói mấy câu, gã gục xuống bất tỉnh. Chú Bảy không biết làm cách nào, nén giận gỡ chân gã ra rồi đem vào nhà băng bó. Cô Bảy nghe tiếng động, xuống giúp chồng săn sóc gã thanh niên. Dưới ánh đèn, trông gã còn trẻ, dáng người khỏe mạnh. Không biết gã đến đây làm gì lúc này.
 
Chú Bảy lo lắng, đêm nay còn dành cho chú những bất ngờ nào nữa.
 
*
 
Ở mé rừng, Minh, Danh nôn nóng chờ đợi. Cai Bần với anh Mạnh như không để ý đến hai anh. Họ đang thì thầm bên nhau những gì nghe không rõ. Dầu vậy, hai anh vẫn tin vào hai người bạn tốt, tránh đặt những câu hỏi vô ích vì “giờ nào, việc ấy”.
 
Bỗng nhiên từ biệt thự Tùng Lâm vọng lại tiếng đóng cửa, rồi có tiếng người càu nhàu. Một tia sáng lóe lên đục thủng màn đêm dày đặc…
 
Mặt trăng đang từ từ mọc lên từ hướng tây, ánh trăng tuy yếu ớt nhưng cũng đủ để nhận ra bóng người từ biệt thự đi ra. Mạnh nhìn theo bóng người, vừa đếm:
 
- Một… hai… ba… Có ba tên thôi. Đến giờ hành động rồi đó… Minh, Danh theo tôi.
 
Hai anh ngạc nhiên thấy Mạnh đi vô rừng, ngược lại phía biệt thự. Mạnh chạy như bay, hai anh theo thật vất vả. Sau một hồi chạy không kể trời đất gì nữa, ba người đi đến một khu cây cối rậm rạp. Dưới ánh trăng mờ nhạt, một căn nhà nhỏ hiện ra. Mạnh cắt nghĩa qua hơi thở dồn dập:
 
- Đây là cái chòi của mấy người tiều phu đốn củi. Tôi chắc Tuấn và Mai bị nhốt trong này.
 
Bốn bề yên lặng, không có dấu hiệu của một sinh vật. Mạnh tiến lên đẩy cửa bước vào. Minh, Danh theo sau. Giọng Minh nghẹn ngào khẽ gọi:
 
- Tuấn ơi, Mai ơi! Hai em có ở đây không?
 
Chỉ có sự yên lặng với bóng tối rùng rợn trong căn nhà đáp lại tiếng gọi của Minh. Mạnh bật nhẹ một que diêm. Trong nhà không còn ai. Que diêm phụt tắt. Minh vừa nhận thấy cái gì, anh nói với Mạnh:
 
- Anh bật thêm que nữa, tôi vừa thấy mảnh giấy trên bàn.
 
Ánh lửa lóe lên, Minh kịp liếc qua mấy hàng chữ:
 
- Thư này giống hệt thư của con Mai viết hồi hôm. Chắc hai đứa đã ở đây.
 
Danh phàn nàn:
 
- Sao anh Mạnh không nói trước cho tụi tôi, anh biết từ lâu chuyện này rồi phải không?
 
- Lát nữa sẽ biết. Bây giờ phải theo tôi, không được chậm trễ một phút, nếu muốn cứu Mai Tuấn kịp thời. Trở lại Tùng Lâm ngay.
 
Minh, Danh không hiểu hành động của anh Mạnh, lúc đi cũng như lúc trở lại đều vội vàng hấp tấp. Minh hy vọng gặp lại cai Bần, nhưng Mạnh lại dẫn các anh đi lối khác, vòng ra phía sau biệt tự Tùng Lâm. Minh nghĩ thầm: “Đúng là lão Thanh Quí rồi, không còn sai nữa.” Ba người từ từ bò sát đến bên biệt thự.
 
- Anh chắc hai đứa nhỏ ở đây không?
 
- Có thể lắm.
 
Đến gần một cánh cửa sổ, cửa đóng kín mít. Nhưng may thay có một mảng kính bị bể được thay bằng giấy các tông. Mạnh lấy dao ra rạch một đường, rồi theo chỗ hở, anh luồn tay vào mở cửa. Cánh cửa vừa mở, Mạnh nhanh nhẹn chui vào. Không ai bảo ai, Minh Danh cùng theo vào. Mạnh khẽ nói:
 
- Đừng bật đèn, im lặng kẻo lỡ tụi nó còn ở đằng trước nghe được.
 
Lần mò trong bóng tối, ba người đi hết phòng này sang phòng khác, nhưng không thấy một bóng người, cả ông Thanh Quí cũng vậy. Mạnh đánh bạo lẻn vào phòng ngủ của ông, nhưng chỉ thấy giường trống trơn. Mạnh thì thầm:
 
- Không ở trên nhà thì chỉ còn ở dưới hầm thôi.
 
Mạnh dẫn hai người đến cửa nhà bếp. May quá cửa không khóa. Ba người đi qua dễ dàng.
 
- Tụi mình sẽ phải xuống cầu thang, coi chừng té. Tốt hơn, mình bật que diêm coi.
 
Ánh lửa yếu ớt lập lòe cháy. Cảnh lộn xộn bừa bãi bày ra trước mắt ba người. Lối xuống hầm đã bị bàn ghế lấp đầy, không tài nào xuống được.
 
- Muốn xuống chỉ có cách dọn hết mấy cái bàn ghế này ra. Nhẹ nhàng một chút; ồn ào ở ngoài người ta biết được thì hỏng việc.
 
Minh, Danh không hỏi nhưng cũng hiểu “người ta” ở đây ám chỉ ai rồi. Hành động của chủ biệt thự này thật bí mật. Ông Thanh Quí giờ này chắc đang theo đồng bọn đến một nơi nào rồi.
 
Ít phút sau, ba người đã nối đuôi nhau xuống hầm. Việc đầu tiên là Minh gọi tên hai em. Tuyệt nhiên không một tiếng trả lời. Trong một phút, mồ hôi toát ra ướt đẫm cả người, anh Mạnh đưa tay vuốt những giọt mồ hôi trên trán. Mọi hy vọng của Mạnh như vừa tan theo những giọt mồ hôi. Minh gọi to hơn:
 
- Mai, Tuấn ơi! Anh đây, Minh đây.
 
Có tiếng cựa quậy của ai nằm dưới đất. Ba người chạy lại. Manh bật que diêm thứ nhất. Mọi người vừa nhận ra một người bị trói nằm còng queo dưới đất, miệng bị bịt kín… nhìn kỹ, Danh nhận ra gương mặt của ông Thanh Quí.
 
- Chúng nó đây rồi!
 
Minh mừng rỡ reo lên vì vừa thấy hai em nằm trên một chiếc giường kê gần đó. Anh Mạnh với Danh lo cởi trói cho ông Thanh Quí. Vừa có thể mở miệng được, ông đã rủa:
 
- Quân khốn kiếp, quân chó. Chúng nó sẽ biết tay tôi.
 
Ông run rẩy vịn vai Danh đứng dậy. Bước đi được vài bước loạng choạng suýt ngã, ông đành ngồi xuống bên giường.
 
- Ông ngồi im đây để tôi kiếm nước ông uống cho tỉnh đã.
 
Nói xong, anh Mạnh chạy biến lên trên nhà.
 
Minh đã lay Mai, Tuấn dậy. Hai anh em ngạc nhiên không hiểu tại sao mọi người có thể tìm tới đây. Vừa lúc đó anh Mạnh trở xuống, trên tay cầm cây đèn cầy. Ánh sáng yếu ớt đủ soi rõ gương mặt mọi người. Ông Thanh Quí trố mắt nhìn người nọ sang người kia rồi tới hai đứa trẻ. Mai, Tuấn kinh ngạc không kém khi thấy ông.
 
Mạnh hỏi ông Thanh Quí:
 
- Ông đi được chứ?
 
- Bây giờ thì được rồi.
 
- Vậy mọi người lên đường, chúng ta còn vài việc phải làm.
 
Minh huých Danh một cái ra hiệu nhìn Mạnh. Minh vừa nhận ra vẻ oai vệ của anh ta, thật khác hẳn vẻ mặt lầm lì mọi ngày. Sáu người đến chỗ cai Bần chờ.
 
- Tôi sắp mọc rễ ở đây rồi. À, mọi sự xuôi chảy chứ? Nhưng này, ba tên hút thuốc đứng gần bãi cỏ đàng kia, tụi nó tính chuyện gì vậy?
 
Ông Thanh Quí hậm hực:
 
- Chắc bọn này đã đập tôi một gậy ngay đầu khi vừa xuống xe! Còn hai đứa nhỏ vô hầm nhà tôi làm chi vậy?
 
Cai Bần gạt ngang:
 
- Chưa phải lúc để hỏi. Này Mạnh, tới giờ rồi đó, đi coi đi… nhất là phải thận trọng kẻo hỏng hết.
 
Minh đề nghị:
 
- Cho tôi đi với anh Mạnh.
 
- Cả tôi nữa. Danh nóng lòng muốn đi theo.
 
- Thôi, hai người đủ rồi. Cháu Danh ở lại đây, bác cần cháu giúp bác một tay.
 
Anh Mạnh với Minh đi ngay về phía vách đá.
 
- Tụi mình chịu khó bò, kẻo bọn nó thấy.
 
Minh bắt chước bò theo sau Mạnh. Được chừng vài trăm thước, Mạnh ra dấu nằm im nghe ngóng. Có tiếng nói chuyện gần đâu đây. Một giọng nói có vẻ là tay đầu đảng.
 
- Bỏ đi thì thật thậm ngu. Nhất là vì mấy đứa nhỏ tò mò với lão mập.
 
- Tôi đã bảo cứ làm như mấy lần trước đi, nhưng Phách không nghe. Để xem ý kiến của hắn đưa mình tới đâu. Cứ cho lão mập uống vài viên là êm chuyện, đằng này…
 
- Thôi im đi, đừng phàn nàn chi hết… Nùng Ô hiện giờ bị đau, chắc sẽ theo lão Hách. Có lẽ đến lượt mày sử dụng đèn xì.
 
Minh hơi choáng váng, anh cố hiểu xem họ nói gì.
 
- Mày có lý, nhưng chắc không đến lượt tao đâu. Vài phút nữa bọn mình sẽ xa chốn này. Biết có trở lại nữa không. Tao bật đèn nghe.
 
- Chờ chừng nào nghe tiếng động cơ đã… Khi nào bấm đèn là tắt máy ngay… Ngày mai chủ trại Bích Câu lại điên đầu vì mấy con bò.
 
- Ăn thua gì. Tiếc là không phải chúng lên núi như lần trước. Lão Thanh Quí bất thần trở lại làm mình không có giờ thi hành đầy đủ kế hoạch.
 
Ngay lúc đó, có tiếng động cơ từ xa vọng lại, mới đầu nhỏ, sau to dần.
 
- Đúng rồi, bật đèn được chưa?
 
- Chờ tao ra lệnh đã. Mầy sợ hay sao? Vội vàng làm chi!
 
Tiếng động cơ tới gần. Minh nhận ra đó là một chiếc trực thăng. Hình như chiếc trực thăng muốn ngừng ngay trên phía bãi cỏ.
 
- Bật đèn lên. Năm lần nghe chưa.
 
Năm lần, ánh sáng chói lọi chiếu trên nền trời rồi lại tắt ngay.
 
- Xong rồi, vô khiêng mấy thùng gỗ ra… lẹ đi.
 
*
 
Trong chiếc trực thăng, viên phi công lo lắng vì mới chỉ thấy có một dấu hiệu. Gã thầm nghĩ: “Cũng may, đây là lần thứ ba mình đáp xuống chỗ này nên cũng quen rồi. Ánh đèn hiệu hình như ở gần biệt thự chiếu lên. Còn dưới trại không thấy gì hết. Hay tên Phách không xuống? Như vậy hơi nguy cho mình”.
 
Viên phi công quyết định bay một vòng để xem lại cho chắc vị trí để hạ cánh. Nhận ra bóng đen của biệt thự, gã định vị trí của bãi cỏ rồi tắt máy từ từ hạ xuống. Ánh đèn lại lóe lên, gã vừa thấy bóng ba người bạn đang đứng chờ.
 
Viên phi công bỏ mũ, mở cửa nhảy xuống, đi lại phía ba người bạn.
 
- Đúng 11 giờ như đã hẹn phải không? Tao lấy làm lạ sao không thấy Phách ra hiệu đấy, hay là nó quên…
 
Gã chưa nói hết câu, ba tên đồng bọn bất ngờ vây gã vào giữa, dáng điệu đầy vẻ đe dọa… Gã lắp bắp:
 
- Ơ hay! Cái gì thế này… Chúng mày giỡn sao chứ?
 
Vật gì cưng cứng đâm thẳng vào lưng gã thay cho câu trả lời… Một giọng nói lạ ra lệnh:
 
- Đừng ồn ào. Đi về phía hầm mỏ nhanh lên.
 
Gã chưa hiểu sự gì đã xảy ra, một sợi dây thừng đã siết chặt hai tay gã. Gã đành riu ríu tuân lệnh. Vào trong hang, gã tưởng mình đang mơ ngủ. Ba tên đồng bọn mà gã ngỡ là đang đi sau gã, lại đứng xây mặt vào vách. Một người đàn ông cầm súng đang chĩa về phía ba tên bạn. Bên cạnh là hai đứa nhỏ cầm đèn soi sáng cả hầm.
 
Họng súng đâm mạnh vào lưng gã, rồi tiếng ông Thanh Quí ra lệnh:
 
- Tới bên mấy tên kia, mau lên. Minh, Danh cột chân gã lại cho bác, kẻo nó “bay” mất thì toi công!
 
Mọi người mỉm cười vì câu nói khôi hài của ông. Cai Bần vừa đưa cây súng cho ông Thanh Quí vừa nói:
 
- Như là ciné vậy. Tất cả đều đóng đúng vai trò của mình, cả mấy ông bạn nầy nữa.
 
Ông Thanh Quí như muốn đóng một vai trò mới, ông chia phiên:
 
- Ai mệt có thể nghỉ được. Chỉ phiền có Mạnh chịu khó tìm cách báo cho cảnh sát tới đây càng sớm càng tốt. Còn Minh, Danh xuống biệt thự kiếm trong chạn có cái gì ăn được thì mang lên đây. Chắc còn phải canh chừng lâu lắm.
 
Minh chỉ bốn tên tù hỏi:
 
- Bác không sợ?...
 
- Khỏi lo. Ông Cai với con Quýt ở đây với bác được rồi.
 
Ba người biến mất ngay trong đường hầm. Ra tới đường mòn, Minh đề nghị với Danh:
 
- Để tớ về báo cho chú Bảy biết chứ, để chú khỏi lo lắng quá.
 
- Phải đó, cậu đi đi.
 
Chưa kịp chia tay, một luồng sáng từ đâu chiếu thẳng vào ba người, tiếp theo là giọng một người đàn ông:
 
- Đứng lại ngay. Chạy là tao bắn. Giơ tay lên.
 
Bất ngờ, ba người không kịp phản ứng, đành phải làm theo.
 
- Ông lầm rồi, đây là các cháu của tôi.
 
Chú Bảy và hai người cảnh sát đã chạy lại gần Minh, Danh. Chú Bảy mừng rỡ khi thấy các cháu, chưa ai kịp nói gì, Danh đã mời:
 
- Xin mời chú và hai bác xuống ngay dưới hầm kẻo nhiều người còn phải chờ lâu quá.
 
Mọi người cho là phải. Ba người trở lại đường cũ dẫn theo chú Bảy với hai người cảnh sát. Vào tới hang, chú Bảy kinh ngạc khi thấy ông Thanh Quí đang đứng canh chừng bốn tên tội phạm. Bên cạnh ông, Mai, Tuấn bối rối chưa biết phải nói gì với chú Bảy.
 
Sự ngạc nhiên lúc đầu tan dần. Sau khi đã nghe kể sơ qua hành động phi pháp, phá phách của mấy tên này, hai người cảnh sát móc túi lôi ra hai cặp còng tay. Và họ thi hành phận sự một cách nhanh chóng.
 
Ông Thanh Quí đề nghị:
 
- Bây giờ khuya quá rồi, hai ông nhốt tạm mấy tên nầy trong nhà tôi. Mai rồi sẽ tính.
 
- Không được. Hình như ông có xe hơi phải không? Cảm phiền ông cho tôi mượn. Còn anh Biên, anh trở về Bích Câu khiêng tên Phách ra xe của mình luôn.
 
Minh lo lắng hỏi:
 
- Còn chiếc trực thăng các bác để đó sao?
 
Người cảnh sát ngạc nhiên:
 
- Có chiếc trực thăng của bọn chúng nữa hả? Chúng tôi sẽ tính sau. Trong khi chờ đợi, xin ông Cai, cai quản giùm chúng tôi đêm nay được không?
 
- Được chớ. Lần đầu tiên được lên máy bay không sướng sao. Thôi chào mọi người.
 
Cai Bần đi rồi, viên cảnh sát ra lệnh cho bốn tên đi về phía biệt thự. Chú Bảy và các cháu từ giã ông Thanh Quí với viên cảnh sát về trại. Trên đường, Mai, Tuấn kể sơ cho chú Bảy nghe câu chuyện vừa qua. Viên cảnh sát mang tên Biên cũng lắng tai nghe. Chú Bảy còn thắc mắc:
 
- Chú không hiểu vai trò của ông Thanh Quí như thế nào? Đây đâu có phải lần đầu máy bay hạ cánh xuống bãi cỏ. Không hiểu tại sao ông ấy không nghe tiếng máy bay? Chắc ông ấy cũng có dính líu chút ít, mà mình chưa khám phá ra đó thôi. Vì nếu không đồng lõa với bọn này, tại sao ông ấy cứ đòi mua cho được bãi cỏ? Một khi mua được bãi cỏ, đồng bọn di chuyển khoáng chất khai thác được mà không sợ ai dòm ngó gì nữa. Chỉ có thể như vậy thôi.
 
 
ĐOẠN KẾT
  
Bữa điểm tâm sáng hôm sau kéo dài khác thường. Bát cháo gà đã nguội rồi mà Mai Tuấn chưa kể xong. Cả nhà đều lắng tai nghe từng chi tiết. Rồi đến lượt Minh, Danh kể lại cuộc mạo hiểm bất đắc dĩ của hai người.
 
Chú Bảy kết luận:
 
- Tóm lại, chỉ nhờ có Mạnh các cháu mới thoát khỏi tay bọn chúng. Này Mạnh, làm sao mầy biết được những chuyện mà cháu Minh vừa kể?
 
Mạnh đỏ mặt, đưa tay lên gãi tai:
 
- Dạ, nhờ mấy con bò hết. Ông chủ nghi tôi bê trễ, đãng trí, không đóng cọc, cài cửa, để bò bị thương. Tôi ức lắm. Tôi quyết tìm cho ra tên nào đã tới phá tôi…
 
Thế là Mạnh để tâm rình quanh bãi cỏ. Mấy ngày tiếp theo không có gì. Nhưng một hôm, anh gặp tên Phách, gã thanh niên có mái tóc dài, từ nhà ông Thanh Quí đi ra. Gã tưởng có một mình nên đi ngay đến đường hầm.
 
Nhờ cai Bần, Mạnh biết trong vùng có mỏ mica từ thời Pháp thuộc. Chỉ còn vài người già cả là nhớ vết tích của hầm mỏ. Mạnh chờ dịp lẻn vô hầm dò xét. Anh cũng khám phá ra căn nhà nhỏ của bọn Phách dùng làm nơi hội họp. Anh rình nghe biết câu chuyện máy bay đến tải những khoáng chất đào được, đem đi giữa đêm khuya. Thật không khác chi tiểu thuyết. Khi anh không thấy Mai, Tuấn về, anh nghi hai đứa nhỏ có thể vì tò mò đã đến hầm mỏ rồi đi lạc trong đó. Khi Mạnh thấy cái mũ của Mai rớt giữa đám gai góc, anh tin chắc điều mình nghĩ là đúng.
 
Anh nói tiếp:
 
- Tôi cũng nghe bọn chúng nói rằng ông Thanh Quí sẽ phải bỏ nhà vì mưu mô của tên Phách. Tôi nghi bọn chúng sẽ dùng biệt thự Tùng Lâm để làm chuyện gì đây. Vì thế, khi khi không thấy Mai Tuấn ở trong căn nhà giữa rừng nữa, tôi nghĩ ngay đến nhà ông Thanh Quí.
 
- Kỳ thật. Ông Thanh Quí lại vắng nhà ngày hôm qua. Tao nghi lắm! Mấy cháu nghĩ sao?
 
Mạnh nói thêm:
 
- Tôi biết tên Phách, tên đạp nhằm bẫy đó, hay đi lại ra vào biệt thự nhiều lần.
 
Ngay lúc đó, ông Thanh Quí xuất hiện ở khung cửa. Chú Bảy nói ngay:
 
- Chúng tôi vừa nói đến ông xong.
 
- Nói xấu hả?
 
- Nói xấu thì hơi quá. Chúng tôi thành thực nói chuyện thôi. Riêng tôi, tôi ngạc nhiên về chuyện ông không nghe tiếng máy bay lên xuống ngay bên nhà ông.
 
Mặt ông Thanh Quí thoáng đỏ khi nghe câu hỏi.
 
- Mọi khi tôi tỉnh lắm, lại hay dậy sớm… Trừ hôm ông tới đập cửa.
 
- Hôm ấy ông có lẽ mệt! Nhưng hôm qua chắc ông phải đi chơi đâu xa lắm.
 
- Tôi đâu có đi chơi. Thằng Phách đưa tôi xem bức điện tín của con tôi gởi cho… Tôi có thằng con trai đang đi học ở Nha Trang. Nó báo tin bị đau nặng. Nếu ở trong trường hợp tương tự chắc ông không làm gì khác hơn là lên xe đi thăm con ngay. Nhưng xui cho tôi, xe mới ra đến đầu tỉnh đã bị hư máy. Thế là lại hì hục đẩy xe tới tiệm sửa. Tôi tính chờ sửa xong là lại đi ngay. Cũng may, tôi ra gọi điện thoại xuống hỏi xem bệnh tình con tôi ra sao. Ông biết sao không? Thằng con tôi ở đầu dây trả lời cho tôi: Nó khỏe hơn bao giờ hết. Nó vừa đi tắm biển về nữa. Nó nói chưa bao giờ đánh cho tôi một bức điện tín nào. Thế có lạ không? Tôi bực mình hết chỗ nói. Chờ cho xe sửa xong là tôi dông ngay về dù cho trời đã tối lắm rồi. Vừa xuống xe, tôi bị đập một cái bất tỉnh chẳng còn biết gì nữa.
 
- Ông vừa nói tên Phách đã đưa ông coi bức điện tín?
 
- Đúng rồi, thằng đó tốt lắm. Nó thường giúp tôi chẻ củi, làm nhiều việc lặt vặt khác.
 
Chú Bảy bật cười vì sự cả tin của ông Thanh Quí.
 
- Gã tốt lắm, vì thế tôi mới nghi ông cũng thuộc bọn hắn. Ông có biết con mồi nào đã đạp trúng bẫy đêm qua ở đầu nhà tôi không?... Chính tên Phách, tên có mái tóc dài bạc trắng.
 
Chờ cho ông Thanh Quí bớt  ngạc nhiên, chú Bảy mới nói tiếp:
 
- Sau khi nghe các cháu tôi nói về ông và chính ông giải thích tôi đã hết nghi ngờ thái độ của ông. Từ nay tôi lại hân hạnh nối dây thân tình với ông.
 
- Cám ơn ông, tôi cũng đang tính bàn với ông một chuyện.
 
Ngay lúc đó, viên cảnh sát đêm qua cũng vừa đến.
 
- May quá, có cả ông Thanh Quí ở đây. Tôi khỏi phải qua bên đó nữa.
 
Ngồi xuống một cái ghế gần hai người, ông mở đầu bằng một câu hỏi đầy vẻ ngờ vực:
 
- Những đêm có máy bay xuống, hình như ông Thanh Quí ngủ say lắm phải không?
 
Ông Thanh Quí cười gượng. Mọi người tưởng câu chuyện sẽ đổi sang hướng khác. Nhưng viên cảnh sát đã mỉm cười hỏi thêm câu nữa:
 
- Mỗi buổi tối ông đều uống một ly nước chanh đường phải không?
 
- Phải… sao ông biết?
 
- Mấy lúc gần đây ông uống có thấy gì lạ không?
 
- Có, hình như nó chát hơn. Tôi còn giữ trong chai một phần nước tôi uống không hết.
 
- Tôi biết trong ly nước ấy có thuốc ngủ do tên Phách lén bỏ vào mỗi khi cần. Mấy hôm có máy bay đến, ông đã bị uống thuốc ngủ cho ngủ say li bì.
 
Chú Bảy quay sang hỏi viên cảnh sát:
 
- Tôi muốn biết tại sao có một tổ chức khai thác mỏ như vậy mà dân vùng này có lẽ cũng như tôi không hề biết một chút gì.
 
- Tôi đã vào hỏi mấy tên đầu sỏ ngay đêm qua. Tôi biết thêm được nhiều chuyện. Chuyện bắt đầu với ông già Hách, người chủ trại cô độc của trang trại Bích câu này. Một hôm ông đọc được một bài báo nói về những mỏ mica bị bỏ hoang vì mức sản xuất quá kém. Ngày nay người ta khai thác lại những mỏ ấy để tìm những chất khác vì họ nhận thấy rằng một mỏ mica thường kèm thori, một chất có phóng xạ rất quí. Ông Hách mừng rỡ, nghĩ rằng mỏ mica của ông cũng có những tính chất tương tự. Thế là ông định tâm khai thác mỏ. Một hôm, ông ra ngoài tỉnh rồi lỡ lời nói hở cho một người khách lạ biết dự định. Lập tức tên nầy nắm lấy cơ hội, xin khai thác chung với ông. Vì khôn ngoan, hắn để ông Hách trực tiếp khai thác, còn hắn chỉ cung cấp dụng cụ như bình hơi, máy xì. Hắn liên lạc bán cho một công ty ngoại quốc những quặng khai thác được. Phải sống dưới hầm gần chất phóng xạ nhiều giờ, ông Hách bị chứng lở loét rồi chết.
 
- À ra thế, Nùng Ô nói lửa cháy da là như vậy.
 
- Đúng thế. Nùng Ô được gọi tới săn sóc cho ông già Hách. Hắn cũng khám phá ra việc khai thác mỏ. sau khi ông Hách chết, Nùng Ô tiếp tục công việc. Hắn chữa bệnh cho ông Hách mà không hay biết gì về nguồn gốc của căn bệnh. Vì thế, có lẽ hắn cũng bị chứng bệnh ấy. Việc ông Thanh Quí về ở biệt thự Tùng Lâm cũng như việc gia đình ông Bảy dọn đến Bích Câu đã làm cản trở bọn khai thác. Bọn họ phải lén lút cho khỏi bị lộ. Vì thế, tên Phách mới tới làm quen và lừa cho ông Thanh Quí uống thuốc ngủ cho ông khỏi nghe tiếng máy bay đáp xuống. Nhưng bọn họ lại gặp khó khăn vì đàn bò ở trên sân cỏ. Vì thiếu khôn ngoan nên chúng đã gây tai nạn cho đàn bò.
 
Chú Bảy hỏi một hồi nữa, sau cùng đến chuyện tấm bản đồ giấu trên gác xép.
 
- Đúng rồi, tôi tìm thấy trong người tên Phách một tấm bản đồ vẽ bằng tay đã cũ. Hình như ông Hách đã vẽ lại sau khi khám phá ra hầm mỏ. Chúng ta không biết ông ấy có chủ đích gì khi vẽ tấm bản đồ đó. Ông nghĩ đến người thừa kế chăng? Chỉ có trời với ông ấy biết mà thôi. Nhưng chuyện đó không quan trọng lắm. Tôi biết thêm là hầm mỏ đã gần cạn. Đêm qua là chuyến cuối cùng của bọn họ thì bị phát giác. Tôi quên một điều, nếu Nùng Ô bị bệnh như ông Hách, vì nhân đạo chúng ta phải đưa lão vào nhà thương điều trị.
 
Sau khi ghi chép những điều cần thiết, viên cảnh sát ra về. Chú Bảy day lại hỏi ông Thanh Quí:
 
- Lúc nãy ông định nói gì vậy?
 
- Tôi bỏ ý định mua lô đất 26 của ông để xây khách sạn rồi.
 
- À, thì ra ông định mua lô đất của tôi để xây khách sạn? Vậy thì, ông Thanh Quí này, ông nên xây khách sạn trên đó đi. Tôi sẽ nhường lại lô 26 cho ông đó. Đàn bò nhốt ở chỗ nào chẳng được. Tôi hy vọng ông sẽ đổi ý.
 
- Như vậy tôi sẽ chiều ý ông. Chúng ta sẽ chung nhau xây khách sạn. Hầm mỏ sẽ là nơi thu hút du khách không ít. Họ sẽ đổ xô về đây cho coi. Nếu cần, khi xây xong, tôi về Saigon đăng báo quảng cáo là khỏi sợ thiếu khách… Tôi xin ông một điều này nữa: Khách sạn của chúng ta sẽ mang tên là Khách sạn Bích câu. Nghe hay hơn tên Tùng Lâm nhiều.
 
Chú Bảy chấp thuận, mỉm cười sung sướng.
 
Tiếng động cơ nổ rền làm mọi người tò mò chạy ra sân coi. Chiếc máy bay đang bay về phía trại, rồi nhẹ nhàng hạ cánh xuống sân cỏ bên cạnh trại. Mọi người ngạc nhiên khi thấy cai Bần bước xuống, theo sau là con Quýt. Chiếc trực thăng lại bay về phía tỉnh. Cai Bần đứng giơ tay vẫy chào viên phi công.
 
- Tôi không ngờ có ngày hôm nay, lần đầu tiên được bay trên mây trên gió.
 
Vẻ mặt cai Bần rạng rỡ, có lẽ chưa bao giờ ông vui thích như vậy.
 
Đứng trong sân trại, Mai khẽ nói với Tuấn:
 
- Hồi nãy anh có nghe gì không? Không có chúng ta chắc sẽ không có khách sạn Bích câu. Đáng lẽ họ phải biết ơn mình mới đúng.
 
Tuấn hít một hơi dài không khí trong lành của núi rừng:
 
- Mai nói có lý.
 
Hai anh em cùng nhìn về phía bãi cỏ, tưởng tượng khách sạn Bích Câu xây giữa những lùm cây xanh rậm rạp. Cả hai mỉm cười sung sướng hy vọng một cuộc mạo hiểm khác đang chờ đón hai anh em
 
 
LINH VŨ


Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

CHƯƠNG 11, 12_TRÊN ĐỒI CỎ

11
  
Mọi hoạt động trong trại Bích Câu như ngừng hẳn lại. Chú Bảy đi mãi chưa thấy về. Cô Bảy đứng ngồi không yên. Chị Tư hết đi xuống bếp lại lên nhà, nhìn cửa trước, ngóng cửa sau. Xuân ngồi ủ rũ trong góc nhà. Chỉ có Mạnh bổ củi ở phía sau. Minh, Danh không muốn ngồi im, xuống giúp anh một tay xếp củi vào một đống. Anh Mạnh hôm nay nói ít. Hình như anh đang suy nghĩ điều gì, cặp mắt lúc nào cũng lấm la lấm lét, hễ nghe tiếng động là nhìn trước nhìn sau như sợ sệt điều gì. Minh, Danh thấy anh như vậy cũng không muốn gợi chuyện.
 
Một lúc sau, chú Bảy cũng về đến trại, vẻ lo lắng lẫn thắc mắc còn hằn trên gương mặt chú.
 
- Cai Bần không gặp hai đứa nhỏ. Còn chuyện hôm nọ, các cháu có chắc gặp cai Bần đi ban đêm không?
 
Không do dự, Minh quả quyết:
 
- Chắc chắn như vậy, cả hai đứa cháu đều thấy mà.
 
- Thế thì hoặc các cháu nhận lầm, hoặc cai Bần đã nói dối. Lão cũng quả quyết lão không hề đi đâu đêm đó.
 
- Cái áo đi mưa nhà binh vừa dài vừa rộng đâu có khó nhận lắm. Cả vùng này chắc chỉ có một mình lão có. Không phải lão thì còn ai vào đây nữa.
 
Chú bảy im lặng, chú không biết ai đúng, ai sai. Đấu óc chú rối như tơ vò. Tới giờ cơm, mọi người gượng ngồi vô bàn ăn. Thật sự không ai muốn ăn vì không thấy đói. Bỗng cánh cửa bếp bật mở, cai Bần hiện ra ở khung cửa, mặt không giấu vẻ bực tức.
 
- Tôi không sao hiểu được câu chuyện ông nói lúc nãy. Ông không tin tôi. Ông vẫn khư khư với ý kiến của ông mà không chịu tìm ra sự thật. Thế mà ông muốn tôi giải thích à?
 
Chú Bảy toan nói, nhưng cai Bần đã tiếp:
 
- Thôi, ông khỏi nói. Cai Bần này không đeo kính cũng biết trong đầu người ta nghĩ gì rồi. Này hai cháu, đêm hôm nọ hai cháu nhận ra bác bằng cách nào?
 
Như đã dọn sẵn câu trả lời, Minh nói ngay:
 
- Hôm đó chúng cháu thấy bác mặc chiếc áo mưa nhà binh của bác đó!
 
Mắt cai Bần chợt sáng lên, lão khẽ nhếch mép cười. Lão đến gần Minh, thân mật vỗ vào vai anh:
 
- Người ta có thể lầm con la với con ngựa. Trong trường hợp này cũng vậy, các cháu nhìn lộn bác với một người. Người đó cũng có một cái áo mưa như bác. Ở trên núi, có một cái áo mưa như vậy thật tiện lợi. Chỉ cần trùm lên một cái là từ đầu tới chân đã kín ngay, khỏi sợ mưa sợ lạnh nữa. Người cũng có một cái như bác không ai xa lạ hơn là Nùng Ô.
 
Minh, Danh ngạc nhiên, từ ngạc nhiên đến xấu hổ vì thấy mình bị hố to. Hai anh không ngờ. Chú Bảy như còn thắc mắc:
 
- Ban đêm Nùng Ô rình mò ở đất của tôi làm chi vậy?
 
- Từ ngày ông già Hách chết, Nùng Ô có việc gì làm đâu! Chắc lão buồn tình, nhớ ông già Hách, lang thang đi chơi đó thôi. Hay luôn tiện, ông lên hỏi lão cả chuyện mấy con bò nữa. Biết đâu lão ta…
 
- Tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng không lẽ người ta đi ngang qua đất nhà mình mà cũng tìm cớ để hạch hỏi hay sao? Coi kỳ quá!
 
- Vậy thì thôi. Tôi là người ngoại cuộc, để trưa nay tôi ghé qua hỏi lão xem. Từ mười năm nay tôi chưa nói với lão một lời. Yên chí đi. Cũng đừng lo cho hai đứa nhỏ nữa, hai đứa khôn lanh lắm. Tôi sẽ đi tìm luôn cho.
 
Cai Bần quày quả đi ngay, nhanh như khi tới.
 
*
 
Đến trưa, cai Bần giữ lời hứa đi tìm Nùng Ô. Ông bực mình vì hành động của Nùng Ô mà ông bị nghi oan.
 
Tới trước căn nhà tồi tàn, cai Bần tự nhiên đẩy cửa bước vào. Một mùi ẩm mốc từ đất xông lên. Cai Bần đứng lại ở khung cửa, cảnh tượng phơi bầy trước mắt làm ông kinh ngạc. Ông tưởng nhà Nùng Ô không đến nỗi nào, nhưng sự thật trái ngược hẳn. Trong nhà không khác chi một cái ổ chuột. Nhện giăng kín cả trần. Quần áo rách vứt bừa bãi khắp nhà. Cai Bần thấy giữa đám giẻ rách, một cái khố đã tả tơi. Chắc hẳn đó là cái khố duy nhất Nùng Ô mặc khi lưu lạc tới đây. Căn phòng thật tiêu điều, vắng lạnh vì không có một cái bàn ghế. Có lẽ chẳng bao giờ Nùng Ô tiếp một người khách nào… Nhưng cai Bần kinh ngạc hơn nữa khi thấy ở trong góc nhà, góc có ít ánh sáng chiếu vào nhất, Nùng Ô đang nằm thoi thóp. Nùng Ô nằm dài trên một tấm gỗ kê sát đất, toàn thân trùm kín trong chiếc áo mưa nhà binh. Mái tóc bạc dài thò cả ra bên ngoài. Nùng Ô thấy có người đến, rên lên khe khẽ. Cai Bần như quên hết mọi giận dữ, bước từ từ đến gần. Nùng Ô lắp bắp qua hơi thở đứt quãng những gì nghe không rõ. Cai Bần ghé sát lại hỏi:
 
- Nùng Ô làm sao đó?
 
Nùng Ô phải cố gắng lắm mới nói ra tiếng:
 
- ết… lão ách… lửa cáy da.
 
Cai Bần cố nghe xem Nùng Ô muốn nói gì.
 
- ế… lão ách… dì đá đen.
 
Thanh âm của lão lơ lớ thật khó nghe. Cai Bần chợt hiểu.
 
- Nùng Ô sắp chết như lão Hách phải không?
 
Nùng Ô gật đầu. Cai Bần lẩm bẩm:
 
- Lửa cháy da, dì đá đen… thôi được rồi, để cai Bần xuống kiếm y tá chích cho lão một mũi là khỏi ngay, không chết đâu.
 
Cai Bần đi giật lùi ra cửa. Ông chạy một mạch xuống tới trại Bích Câu, vẻ mặt hốt hoảng. Chú Bảy thấy vậy vội kéo ghế mới ông ngồi để lấy lại bình tĩnh. Thấy cai Bần đã hoàn hồn, chú mới hỏi:
 
- Ông có gặp Nùng Ô không?
 
- Có, tôi thấy lão như thấy ông bây giờ. Nhưng ghê quá. Nùng Ô coi bộ sắp chết rồi. Lão nằm bẹp trong xó nhà như con mèo ốm, hết cả cái vẻ phù thủy đáng sợ rồi. Đứng ở trong nhà lão một lúc mà tôi muốn xỉu luôn.
 
- Lão đau làm sao?
 
Cai Bần bóp trán suy nghĩ một phút rồi nói:
 
- Không biết lão đau ra sao. Trong lúc rên rỉ, lão chỉ lặp đi lặp lại là lão sắp chết như lão Hách. Rồi cái gì này… lửa cháy da vì đá đen. Phải rồi, Nùng Ô sắp chết như lão Hách vì lửa cháy da vì đá đen. Tôi chẳng hiểu gì cả.
 
Mọi người nhìn cai Bần lo lắng. Người khỏe mạnh, vui vẻ lại bình tĩnh như cai Bần làm sao có thể bị xao động đến thế? Chú Bảy trầm ngâm:
 
- Lửa cháy da, vì đá đen. Ông có chắc đã nghe rõ như thế không?
 
- Như tôi nghe ông nói bây giờ đây!
 
Cai Bần đi rồi, trại Bích Câu trở lại lặng lẽ buồn tanh. Không ai muốn nói với ai một lời. Mọi người như chìm đắm trong nỗi ưu tư. Minh không có gì làm, leo lên phòng Mai, Tuấn. Anh cũng bắt đầu lo cho hai em. Anh mở từng ngăn kéo thấy đủ thứ hai em đã thu tích. Này những viên đá nhỏ nhiều màu ngộ nghĩnh, này những cánh hoa rừng ép đã khô nhưng vẫn giữ được màu sắc rực rỡ. Nhìn ngắm những thứ đó, Minh bất chợt thấy dào dạt trong lòng một niềm rung cảm như nhớ như thương. Hơn lúc nào hết, Minh cảm thấy thương hai em vô cùng. Ước chi Mai, Tuấn đừng gặp gì nguy hiểm, ước chi hai em mau trở về!
 
Minh vừa rờ trúng một mảnh giấy vội lôi ra. Tò mò, anh mở tung ra coi. Ồ! Thì ra đây là tấm bản đồ, màu sắc còn tươi mới thật vui mắt. Buồn buồn, Minh tìm vị trí của trại Bích Câu. Mắt anh chạm phải hình chữ nhật nhỏ vẽ bằng bút nguyên tử đỏ trên bản đồ. Hình như chỗ này gần biệt thự Tùng Lâm. Minh nhìn tấm bản đồ, suy nghĩ.
 
Có tiếng Danh gọi, Minh xuống ngay, không quên đút tấm bản đồ vào túi.
 
- Này Minh, chú Bảy nói tụi mình đi kiếm anh Mạnh, không biết anh ấy lại đi đâu từ lúc cai Bần đến tới giờ. Nhưng cậu phải xuống phòng anh Mạnh coi cái này hay lắm.
 
Minh, Danh đi ngay. Vừa mở cửa bước vào, Minh đã thấy chiếc mũ rơm của Mai mắc trên đầu giường anh Mạnh.
 
- Mũ của Mai sao lại nằm đây?
 
- Hình như anh Mạnh đã tìm được.
 
- Ở đâu vậy?
 
- Sao cậu ngớ ngẩn thế? Phải đi tìm anh Mạnh đã rồi hãy hỏi.
 
Minh nhìn cái mũ, nhưng hình như tâm trí anh để đâu đâu.
 
- Danh đã nói cho chú Bảy biết chưa?
 
- Chưa. Nếu anh Mạnh biết điều gì mà không nói chắc phải có lý do… Hoặc anh muốn tránh cho chú Bảy khỏi phải lo lắng thêm… À, hồi nãy Minh muốn nói gì đó?
 
- Đây, tớ nhìn thấy cái này trong ngăn kéo của tụi nhỏ. Tớ thấy có điểm này kỳ kỳ.
 
Minh đưa cho Danh tấm bản đồ rồi chỉ chỗ Tuấn vẽ. Danh thắc mắc:
 
- Mai, Tuấn tìm đâu ra tấm bản đồ này? Ngoài tỉnh đâu có bán?
 
- Chú Bảy cũng không có một tấm. Minh hỏi chú ngay ngày đầu mới tới đây rồi.
 
- Hình như thơm mùi ông Thanh Quí. Hay mình thử đi qua biệt thự chơi, biết đâu chẳng có gì lạ?
 
- Được đó, nhưng tốt hơn phải báo cho chú Bảy. Mình xin đi kiếm anh Mạnh là được ngay. Nhớ mang theo đèn pin, trời chiều rồi, lỡ lúc về tối.
 
Chú Bảy bằng lòng ngay, nhưng không quên dặn dò Minh, Danh phải cẩn thận. Chú cũng nói nếu chiều nay Mai, Tuấn không về, chú sẽ đi báo cảnh sát.
 
Minh, Danh hứa sẽ về sớm nếu không có gì. Hai anh đi ngay. Khi đi ngang bãi cỏ, hai anh thấy đàn bò vẫn bình tĩnh gặm cỏ, còn anh Mạnh đâu mất. Vừa đi, hai anh vừa nói chuyện. Minh lưu ý Danh:
 
- Cậu có để ý cái hình chữ nhật mà tụi nhỏ vẽ trên bản đồ không? Chắc tụi nó không vẽ chơi đâu. Tụi mình thử coi lại coi.
 
Chiều xuống dần, mặt trời đã khuất sau núi. Minh, Danh xem xét hồi lâu rồi định vị trí trên đất những điểm đặc biệt trên bản đồ. Minh cho rằng hình chữ nhật vẽ đó là chỗ vách đá lởm chởm, ngay bên biệt thự Tùng Lâm. Minh đề nghị:
 
- Tụi mình đến đó coi một chút đi, rồi sau kiếm Mạnh cũng còn kịp.
 
- Nhưng chỗ đất phía trước gai góc nhiều quá, làm sao đến gần leo lên được?
 
- Nếu muốn leo, mình đi lối khác, tìm chỗ để leo lên là được ngay.
 
Nói là làm. Minh, danh phải đi vòng xa hơn một chút rồi lần mò leo lên vách đá. Leo lên được một quãng, Danh nhìn xuống dưới chân vách đá, bỗng anh la lên:
 
- Kìa, Minh thấy gì không?
 
Minh nhận ra một con đường mòn dọc theo vách đá.
 
- Xuống đó không?
 
- Xuống mau đi. Con đường này tớ nghi lắm đây.
 
Thế là cả hai tìm lối xuống, rồi đi theo con đường mòn. Minh đi trước chợt dừng lại:
 
- Đúng rồi, tớ nghi lắm mà. Đưa đèn pin đây.
 
Không do dự, cả hai chui vào đường hầm mà Mai, Tuấn đã vô hôm qua. Minh hí hửng hy vọng sẽ tìm được điều gì lạ. Hai anh không ngờ nguy hiểm có thể xảy đến. Hai người đi tới cửa hang, vừa nhận ra mấy thùng gỗ, chưa kịp làm gì, thì một luồng sáng chói lòa đã chiếu thẳng vào mặt. Tiếp theo là một giọng nói đe dọa vang lên nghe rụng rời:
 
- Chà, đi chơi hả? Đây đâu phải là chỗ để đi chơi! Này hai thằng kia! Chúng mày có biết tò mò là một tính xấu không? Uổng quá, khi biết thì hơi muộn rồi… lại đây… mau lên cho được việc. Nên nhớ chúng tao có súng nghe. Đừng có giở trò gì kẻo toi mạng.
 
- Này Phách, trại Bích Câu này đúng là chuồng bồ câu. Hai cặp thành bốn chú bồ câu non. Không biết có cặp già nào nữa không hả hai chú chim non?
 
Minh, Danh không trả lời, cả hai vừa hiểu Mai, Tuấn đang ở trong tay bọn chúng.
 
- Không trả lời! Được, không sao. Bọn này không thích những đứa tò mò. Bởi vậy, cảm phiền hai chú em ngủ đỡ đêm nay ở đây vậy… Bỏ tay sau lưng. Phách, lo dùm cho quý khách của chúng ta một chút.
 
Một bóng đen tiến tới, lần lượt trói chặt tay hai anh ra sau lưng.
 
- Xong rồi!
 
- Dẫn quý khách vào phòng ngủ ấm áp. Chúc đêm nay ngủ ngon nghe mấy con!
 
Minh, Danh bị người mang tên Phách đẩy đi dọc theo đường hầm. Bất thình lình hai người bị xô té xuống đất, một cánh cửa gỗ đóng ập lại.Hai anh bàng hoàng vì không để ý đến cánh cửa. Tiếng khóa kêu lách cách. Qua kẽ hở Minh thấy ánh đèn xa dần. Bất giác cả hai cùng buông tiếng thở dài. Tình trạng thật bi đát. Mọi việc xảy đến nhanh quá sức tưởng tượng làm hai anh không có một mảy may phản ứng nào. Nằm yên bên nhau một lát, Danh day qua hỏi:
 
- Cậu bị trói có chặt không?
 
- Chặt lắm! Tên Phách này chắc đã học thắt nút. Tớ nhúc nhích một chút cũng không được. Tê cả hai tay rồi.
 
- Đáng lẽ bọn họ phải để đèn lại đây.
 
- Cả dao hạy một cái kéo cũng được, như vậy đỡ biết mấy. À, cậu có biết bọn họ nhốt Mai, Tuấn ở đâu không?
 
- Cậu yên chí, chắc cũng như tụi mình chứ gì. Hai đứa tha hồ sợ.
 
Minh yên lặng, anh cảm thấy hối hận. Lần đầu tiên anh bị đẩy vào cuộc phiêu lưu mà không ngờ. Anh nhớ lại những chuyện mới xảy ra, những hành động nghịch ngợm, không vâng lời của Mai, Tuấn, sự đi lại với ông Thanh Quí. Anh bắt đầu nghi ngờ.
 
- Tớ chắc tụi nó đã âm mưu chuyện gì từ lâu rồi mà mình không biết. Tức thật, để tụi nó qua mặt còn làm mình bị kẹt nữa… À này, cậu thấy đường hầm này có vẻ “thiên nhiên” không?
 
- Cậu muốn nói gì?
 
- Cậu không cảm thấy đường hầm do tay người đào ra hay sao? Nếu là đường hầm tự nhiên, sẽ có chỗ rộng chỗ hẹp, đàng này…
 
- Như vậy đây có thể là nơi giấu hàng của bọn buôn lậu… nhưng chắc không phải đâu, vì chỗ này xa xôi, đi lại khó khăn. Biên giới cũng còn xa.
 
- Nếu thế thì đây là một cái mỏ? Người ta vẫn bảo trong dãy Trường Sơn có mỏ mà chưa khai thác được.
 
- Dám mỏ vàng lắm à…
 
- Cậu đừng giỡn. Mỏ vàng hay không thì chưa chắc, có điều là bọn Mai, Tuấn không vô cớ đến đây, phải có cái gì.
 
Cả hai yên lặng. Những giả thuyết đưa ra không đi đến một kết luận nào vững chắc. Minh cố moi để xem còn có lý do nào vững hơn.
 
- Nếu đây là một cái mỏ, mình có thể giải thích được nhiều vấn đề. Giả như ông Thanh Quí đã biết rồi, mình dễ hiểu tại sao ông ấy cứ nằng nặc đòi mua cho bằng được khu bãi cỏ, để có thể yên chí khai thác mà không sợ ai dòm ngó.
 
- Giả thuyết ấy cũng cắt nghĩa thái độ kỳ quặc của ông già Hách. Chắc ông Hách cũng khám phá ra hầm mỏ, khi đó ông không dám gặp ai nữa vì sợ lộ bí mật.
 
-Và già Hách đem theo điều bí mật xuống đáy mồ…
 
- Chưa, cậu quên Nùng Ô, người đã săn sóc cho già Hách. Già Hách cố ý hoặc vô tình trong cơn mê sảng đã nói ra điều bí mật.
 
Minh tán đồng ngay:
 
- Đúng rồi, Nùng Ô đã biết nên đi lại xem xét hầm mỏ luôn luôn. Đêm nọ lão mò xuống đây, làm mình tưởng lão có phép tàng hình biến mất.
 
Danh chợt nhớ ra điều gì:
 
- Tuy nhiên, mình quên điều này. Đây không thể là hầm mỏ được. Cậu cứ tưởng tượng sự ồn ào của tiếng cuốc xẻng đào xới. Không những cai Bần chăn bò ở đây nghe thấy, mà bất cứ người nào qua đây cũng nghe nữa. Đó là chưa nói đến chuyện phải chuyên chở các khoáng vật đào được.
 
- Vậy có thể là chỗ bọn buôn lậu giấu hàng. Không lẽ tên Phách và đồng bọn nhốt mình vô cớ hay sao?
 
- Thôi, tốt hơn cả là mình nghĩ cách thoát khỏi nơi đây.
 
 

12
 
 Trong lúc đó ở trại Bích Câu, tình trạng càng lúc càng căng thẳng. Chú Bảy đang tính chuyện báo cảnh sát, nhưng không biết sai ai đi bây giờ. Anh Mạnh đi mất hút, không thấy tăm hơi đâu nữa. Minh, Danh cũng chưa thấy về. Ai đi kêu cảnh sát bây giờ? Trong nhà, ngoài chú ra, chỉ còn có cô Bảy với chị Tư. Chú chắc chắn đi không được rồi. May thay, chị Tư là người trong vùng, chị quen thuộc đường lối, chị xin đi kêu cảnh sát.
 
Chú Bảy hơi do dự, nhưng cuối cùng phải để chị Tư đi. Chú không quên viết vài hàng cho ông Cảnh sát trưởng.
 
Đồng hồ vừa điểm 7 giờ…
 
Bữa cơm chiều thật nhạt nhẽo. Ba người ngồi bên nhau yên lặng. Thời gian qua thật chậm. Ba người ăn vội một chén cho xong bữa. Cô Bảy dọn dẹp xong, chú giục:
 
- Mình với con đi ngủ đi, tắt đèn hết làm như không có gì xảy ra… kẻo lỡ có ai…
 
Cô Bảy rùng mình vì câu nói bỏ lửng của chồng.
 
- Ai làm sao?
 
Chú Bảy làm thinh. Từ lúc Mai, Tuấn mất tích chú suy nghĩ nhiều. Trong trí chú, hình ảnh một kẻ thù luôn ám ảnh chú. Kẻ thù ấy không muốn chú ở đây, vì chú cản trở công việc của hắn… có lẽ cũng như ông già Hách, chủ cũ trại Bích câu này đã cản trở hắn vậy.
 
Chú thở dài lắc đầu:
 
- Không, có ai đâu… tôi nghĩ bậy vậy thôi.
 
Một ý tưởng thoáng qua trong đầu chú. Biết đâu đây không phải là cuộc thử sức của kẻ thù với chú. Nếu thua, chú sẽ phải bán trại, bán cả bãi cỏ màu mỡ. Chú Bảy chợt thấy ông Thanh Quí dễ ghét hiện ra như hiện thân của kẻ thù bí mật. Hình ảnh ông Thanh quí đã âm thầm ám ảnh chú suốt ngày, bây giờ mới hiện ra rõ ràng.
 
- Đáng lẽ mình phải coi chừng, đề phòng hắn từ lâu… Nhưng trễ mất rồi, bây giờ mới nghĩ tới thật vô ích.
 
Thời gian chậm chạp trôi theo tiếng gõ buồn nản của quả lắc. Đêm nay không trăng, trên nền trời đen lốm đốm ngàn ánh sao. Chú Bảy ngồi rình sau bức màn, tâm tư xáo trộn vì muôn ngàn ý nghĩ. Chú rình cái gì đây? Biết có gì không? Đầu óc chú rối bời.
 
*
 
Sau mấy lần cựa quậy, Minh, Danh tìm cách để cởi trói, nhưng vô ích. Dây trói quá chặt không hy vọng tự giải thoát được nữa, Minh ấm ức bảo Danh:
 
- Tức thật, mình không biết một tí gì về mấy tên cầm tù bọn mình.
 
- Theo tớ, điều đáng tức hơn cả là tụi mình ngố quá, không khác chi mấy đứa con nít. Đáng lẽ tớ vào trước, còn cậu đứng ngoài canh chừng. Cậu có thể báo cho chú Bảy khi cần.
 
- Coi chừng chú ấy tới kiếm tụi mình, rồi cũng bị vô tròng nữa.
 
- Tớ cũng sợ như vậy.
 
Vừa lúc đó có tiếng chân đi tới gần, rồi tia sáng càng lúc càng rõ chiếu qua kẽ hở của cánh cửa.Ttiếng chân dừng lại trước cửa, tiếp theo là tiếng mở cửa lách cách. Minh, Danh lo sợ ngồi dậy. Minh thì thầm vào tai Danh:
 
- Cơ hội để thoát thân đây. Mỗi đứa đứng một bên cửa chờ hắn vô. Nếu hắn đi một mình, rán tấn công ngay cho hắn gục lập tức. Biết đâu trong túi hắn không có một con dao…
 
Hai anh cố gắng đứng dậy, lần ra đứng hai bên cửa, nín thở chờ đợi. Tiếng chìa khóa đút vào rồi rút ra hai ba lần, chứng tỏ tên này không phải tên lúc nãy… Chốt cửa rít lên nhè nhẹ. Tim hai người như ngừng đập. Một phút sao nghe lâu quá. Tên mới tới không bước vào, đứng ngoài rọi đèn vào… khẽ gọi:
 
- Minh, Danh đó hả?
 
Mắt hoa lên, tai như ù hẳn đi, Minh, Danh cố đoán xem ai gọi tên. Định thần lại, Minh nhận thấy qua ánh đèn phản chiếu lại gương mặt mờ ảo của anh Mạnh. Mạnh còn đang do dự. Không cần hỏi lý do, Minh mừng rỡ giục:
 
- Anh Mạnh, cởi trói cho chúng tôi đi.
 
Danh khoan khoái nghe tiếng lưỡi dao bật mở. Hai phút sau Minh, Danh đã đứng xoa tay cho máu chạy đều… Hai người thở phào sung sướng.
 
Mạnh nhìn hai người khẽ giục:
 
- Không nên ở đây lâu, chúng ta phải đi ngay.
 
Minh hoàn hồn, quay sang Mạnh hỏi tới tấp:
 
- Sao anh Mạnh biết mà tới đây? Bộ chú Bảy bảo hay sao? Anh đã về trại chưa?
 
- Lát nữa hãy hay… theo tôi ra lối này.
 
Mạnh đóng cửa, cài lại tử tế rối quay đi.
 
- Bám vào vai tôi. Đứng bật đèn kẻo lộ mất.
 
Ba người mò mẫm đi. Minh, Danh mừng rỡ khôn tả. Đôi khi vấp phải đá hay đụng phải vách hầm đau điếng, nhưng cả hai đều không để ý gì nữa, cứ để mặc Mạnh dẫn đi. Danh có cảm tưởng đường dài ra hơn lúc vào… Một làn gió chợt thổi nhẹ báo hiệu sắp ra tới bên ngoài. Mạnh đi chầm chậm rồi dừng lại.
 
- Hai cậu ở yên đây… để tôi ra trước coi có đi được không.
 
Mạnh lướt nhẹ ra phía trước cửa hầm. Minh, Danh đứng ép mình vào vách đá vôi. Danh hỏi bên tai Minh:
 
- Sao Mạnh biết mà tới đây nhỉ?
 
- Làm sao tớ trả lời cậu được! Tớ chỉ biết Mạnh đã cứu mình thôi. Nếu không có anh, ai sẽ biết mà tới đây?
 
- Đó cũng là điều tớ thắc mắc. Mình đâu có để lại dấu vết gì để anh biết mà đi tìm, trừ phi anh theo sát nút tụi mình.
 
- Cậu quên anh là người vùng này à? Chắc anh phải biết rõ đường hầm. Trưa nay anh biến mất chắc cũng vì vậy đó. Biết đâu Mai, Tuấn không đi lạc trong này rồi rơi vào tay bọn tên Phách?
 
Chợt có tiếng chân tiến lại. Mạnh đến gần, nói như ra lệnh:
 
- Lại đây… đừng đứng đó lâu quá.
 
Trái với dự đoán của hai anh, Mạnh lại dẫn đi sâu vào trong đường hầm.
 
- Cai Bần đang theo giúp chúng ta. Có cả con Quýt nữa, con chó này đánh hơi giỏi lắm, các anh cứ yên tâm.
 
Ra tới đường hầm lớn, thì cai Bần cũng từ ngã khác tới gặp ba người. Tay ông cầm dây xích con Quýt, miệng mỉm cười:
 
- Thật bất ngờ quá há? Ngọn gió nào đã xui chúng ta gặp nhau nơi đây?
 
Minh, Danh mỉm cười, không biết nói gì hơn. Mạnh hướng về phía cai Bần đề nghị:
 
- Phải cắt nghĩa cho hai cậu hiểu câu chuyện.
 
- Thì mày nói đi, mày bắt đầu trước mà.
 
Mạnh gãi tai ra vẻ ngại ngùng không muốn nói. Minh sốt ruột hỏi:
 
- Anh Mạnh có biết hai em của tôi bây giờ ở đâu không?
 
Cai Bần gạt ngang:
 
- Bình tĩnh nào cháu Minh, chúng nó không sao đâu… mà chưa tới lúc, giờ nào việc nấy, đừng hỏi lôi thôi.
 
Mạnh bắt đầu:
 
- Tôi biết ông già Hách và Nùng Ô cùng bị một chứng bệnh.
 
Minh, Danh sửng sốt. Danh hấp tấp hỏi:
 
- Già Hách và Nùng Ô bị bệnh gì?
 
Cai Bần lại phải ngắt lời:
 
- Để im cho Mạnh kể, lẹ lên còn phải đi cứu hai đứa nhỏ.
 
Mạnh tiếp, như quên hẳn câu vừa nói:
 
- Chúng ta đang ở trong một hầm mỏ.
 
- Mỏ gì?
 
- Mỏ ra-đi-om, đi-um gì đó.
 
Minh sửa lại:
 
- Mỏ uranium chứ!
 
- Mỏ gì cũng được, bàn cãi sau.
 
Cai Bần có vẻ hơi bực mình.
 
- Đây là một hầm mỏ. Ông già Hách, tên Phách với vài tên nữa tới đào lấy. Sau này thêm Nùng Ô tới giúp. Họ dùng bình hơi với đèn xì, xì chảy ra để lấy. Như vậy họ không gây ra tiếng ồn ào.
 
Lần đầu tiên Minh nghe nói đến cách khai thác mỏ một cách lạ lùng như vậy. Anh muốn hỏi thêm cho rõ, nhưng nhớ lời cai Bần lại thôi.
 
- Vì dùng đèn đốt nên ông già Hách bị phỏng… và chết vì bệnh đó. Bây giờ đến lượt Nùng Ô…
 
Cùng lúc đó có tiếng máy xe nổ rền xa xa. Bốn người yên lặng nhìn nhau. Cai Bần thắc mắc:
 
- Cái gì kỳ vậy?
 
Nhưng Mạnh đã la lên:
 
- Tất cả phải ra ngay, đuổi theo bọn họ.
 
Không chần chừ, bốn người lao mình về phía có tiếng máy nổ. Một phút sau họ đã ra khỏi hầm, đến một khu rừng. Tiếng máy đã im bặt. Trời tối thui. Con Quýt lôi cai Bần chạy lên trước, cả bọn lục tục theo sau.
 
Khi ngừng lại ở mé rừng, Minh nhận ra khối đen lù lù trước mặt là biệt thự Tùng Lâm. Minh chợt hiểu, tiếng động cơ phát ra từ chiếc xe của ông Thanh Quí. Hình như chiếc xe mới đi đâu về.
 
Bên trong biệt thự còn tối om. Cai Bần lẩm bẩm:
 
- Trễ mất rồi chăng?
 
Minh Danh không hiểu ông nói gì. Có lẽ ông ám chỉ ông Thanh Quí đã trở về. Hay ông Thanh Quí đã làm xong việc của đồng bọn giao phó và vừa trở về, nên cai Bần nói vậy?
 
Hai anh thắc mắc mà không dám hỏi. Ngôi biệt thự như còn ngủ say, không một dấu hiệu nào chứng tỏ có người ở trong.
 
Minh nghĩ thầm: “Hay ông Thanh Quí biết bọn mình theo dõi đã bỏ xe lại chuồn mất rồi?”

________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 13, 14