Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

CHUYỆN CỦA THẢO - Giao Thảo Thu

 

Khi không lọ nước hoa "Rêve d'or" của Thảo chẳng có cánh mà bay. Thật tức mình ghê đi. Chiều qua, lúc "xực" xong con bé nhớ là để ở bàn học mà, ai vô đây "mượn đỡ" được. Nhà chả có ai ngoài ba má và ông anh "giời đánh thánh đâm". Vậy thì ai?... Có thể là "hắn" lắm - Nhưng "hắn" lấy cái đó làm chi mí được chứ?... Thảo ngồi chống tay lên cằm "rầu một phút". Bỗng... cửa xịch mở và ông anh "giời đánh" thò đầu vào, ảnh bô bô:

- "Mụ mi" đang làm... thơ hở?

Con bé hét:

- Kệ Thảo!

Ảnh xì lên một tiếng, chậm rãi:

- Làm thơ để viết lên... Tuổi Hoa... ối là thi sĩ... thi sĩ xã xệ... thi sĩ cùi!

Tức thì Thảo "mở hết ga":

- Má ơi! Coi anh Hoàng nè!

Hắn tái mặt, giơ hai tay phân bua:

- Thôi... xì tốp cái miệng nhà mi lại cho ta nhờ... Con gái chi mà dữ như mèo...

Ảnh trở ra đóng sầm cửa lại, huýt gió một bản "giật gân" rồi cất cao giọng vịt trống "ngâm" thơ:

- Hạt mưa rơi... ơ... ơ... bên ngoài cánh cửa... ơ... mưa giữa đời mưa giữa... ơ... ơ... lòng tôi.

Thảo lẩm bẩm:

- Có thể ảnh là thủ phạm "cầm nhầm" chai "Rêve d'or" của mình lắm.

Có tiếng má gọi dưới nhà. Thảo đứng dậy xuống giúp mà làm cơm. Con bé định nói về cái lọ nước hoa bị "mất tích" cho má nghe song lại thôi. Rồi đây con bé sẽ "điều tra" cho mà xem! Thảo tự nhủ và cảm thấy vui vui trong lòng. Đang lui hui thổi nồi cơm thì "hắn" lò dò xuống, miệng nghêu ngao bài hát "Gắng mà lo". Má hỏi ảnh:

- Sáng ni không đi học hả Hoàng?

- Dạ không!

- Rứa còn chiều?

Ảnh kéo dài giọng:

- Thưa mẹ dạ đi ạ!

Thảo "liếc xéo" ảnh một cái nhưng rủi thay bị ảnh bắt gặp, ảnh lên tiếng trước:

- "Mụ mi" háy ta chi rứa hỉ?

Thảo không đáp. Con bé tiếp tục thổi cơm. Ảnh tấn công thêm:

- Câm rồi hở mụ... xã xệ!

Thảo nhìn mẹ rồi "đầm ấm" nói ngọt hắn:

- Đừng có chọc người ta anh... anh xí xọn ạ...

- Câm họng! Ta tát tai cho chừ! Cấm nói ta là... xí xọn nghe chưa... xí xọn... ý quên... hở xã xệ?

Thảo không thua:

- Đừng có làm tàng... anh nói ta được, ta nói anh được, mắc mớ chi đòi tát tai?

- Im mồm...

Má giảng hòa:

- Thằng Hoàng lên trên đi cho tao làm cơm, ồn ào quá, anh em bây thiệt... như sừng với đuôi.

Ảnh đưa tay lên vuốt ve đầu tóc "lả lướt" nói:

- Tại con... xã xệ trước mà má.

Thảo chưa kịp "trả đũa" thì ảnh đã rút êm lên nhà trước khi "ban" cho con bé một cái nheo mũi chọc tức. Thảo giận ảnh dài dài rồi đây. Chắc là ảnh lấy lọ nước hoa "Rêve d'or" chứ không ai hết! Nghĩ vậy, Thảo lao nhanh lên phòng ảnh. Đúng lúc "ả" đang viết thư... cho ai đó... Con bé tinh mắt lướt qua thấy ảnh đề dòng chữ:

"... Huế... ngày... tháng... năm 71. Hương yêu..."

Thảo đứng tựa góc tường chậm rãi:

- Viết thư cho ai rứa?

Ảnh gấp tờ giấy lại xua tay chế riễu:

- Con nít biết chi? Dẹp đi!

Thảo nghĩ phải đóng kịch mí được:

- Á, à, anh tưởng ta không biết hở?

- Biết? Biết cái chi?

- Biết anh đang viết thư cho chị... Hương chứ gì.

- Răng mi biết?

Con bé xạo:

- Chà, đừng hòng "qua mặt con nít", cái chị mà bữa hôm anh dẫn đi...

- Đi mô?

Con bé hơi bí đường nhưng Thảo vẫn... bình tĩnh nói đại "may trúng rủi trật":

- Đi xi nê rạp Hưng Đạo đó.

Tưởng là ảnh sẽ ký cho Thảo một cái về tội "dám bịa đặt" nữa chứ! Nhưng không... và hình như ảnh đang... lúng túng thì phải!

Ảnh hỏi, giọng thiếu tự nhiên:

- Mày đi mô lúc ấy mà thấy ta?

- Đi học về!

- Rứa chị Hương ấy ra làm răng? Giống ai?

Hình như ảnh... còn đang nghi ngờ thì phải. Thảo "tưởng tượng":

- Chị Hương cao một thước... 57 nì... tóc xõa... ngang vai nì, đúng không?

Ảnh bối rối thật tình. Thảo cầu mong ảnh đừng có "phỏng vấn" Thảo nữa... vì nếu lỡ... "bói trật" thì... tẽn tò lắm!

Thảo đón đường:

- Chị Hương là... bạn của Thảo đó.

- Thiệt hả?

- Ừa! Thảo sẽ mách chị í là anh có biệt hiệu... xí xọn nè, anh có giọng hát như... bò rống nè... và... sẽ mách với ba cho xem...

Ảnh đưa tay bịt miệng Thảo lại:

- Thôi! Ta chịu thua "nhà ngươi" rồi đó Mi thích chi ta cũng chìu hết á!

Cầm chắc phần thắng trong tay, Thảo làm bộ:

- Thảo chả thích chi hết! Thảo mách... mách...

Ảnh hốt hoảng:

- Ấy chết! Đừng... đừng mụ xã xệ... ý! Quên... đừng mách lại... tội nghiệp anh lắm!

Thảo ra điều kiện:

- Trước hết anh phải bỏ cái danh từ "xã xệ" ra đi hỉ?

- Ô kê!

- Cấm chọc quê Thảo nữa nghe chưa?

- Chấp thuận!

- Anh phải cho Thảo 200 tì để... bao tụi bạn ăn một chầu kem hỉ?

Nét mặt anh bỗng "bí xị" xuống:

- Tiền mô dữ rứa?... À... thôi! Đây nè 200! Ta mới xin ba hồi sáng đó... Rồi... còn chi nữa?

- Hết! Nhưng... trả lọ nước hoa "Rêve d'or" lại đây.

Ảnh giật mình:

- Nước... nước hoa mô?

- Đừng xạo! Đưa đây!

Ảnh cười cười:

- Ừa! Ta có lấy của "mụ mi" thiệt, nhưng ta chưa xài nơi!... Nì! Mà răng "mụ mi" biết tài rứa?

Thảo chỉ tay lên trời:

- Tiên tri mà. Mô đưa đây!

Ảnh rút hộc bàn một cái rộp trao cho Thảo. Con bé chụp lấy mắng "hắn":

- Lần sau chừa tính "mượn đỡ" đi hỉ?

- Ô kê. Rồi... còn điều kiện gì nữa?

- Hết!

- Đa tạ... đa đa tạ... Thôi, "cô nương" lui gót cho "trẫm" nhờ. Nhớ đừng nói chi với Hương của "trẫm" nhé!

- Khỏi lo! Miễn thi hành đúng điều kiện của Thảo là được. Bái bai nhé... anh... xí xọn.

Con bé bước chân ra ngoài khép hờ cửa lại, cười... "hô hố" như một kẻ chiến thắng...

Trưa hôm ấy trong bữa cơm, ảnh cứ nhìn Thảo hoài. Cái nhìn... tha thiết... chứ không là cái nhìn "nghinh chiến" nữa. Con bé thấy thương ảnh ghê là... Chợt nghĩ tới "tài bói toán" của mình Thảo cười "chúm chím" một mình Ảnh khẽ nhìn chẳng biết chuyện mô tê chi ráo cũng... nhe răng cười hùa với Thảo! Vui ghê!


GIAO THẢO THU            
(Trọn vẹn về 13 chị              
kết nghĩa của Thu đó)          

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 175, ra ngày 15-4-1972)


Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

BẠN CÓ HAY "TIÊN ĐOÁN THỜI TIẾT" KHÔNG? - Phất Mục Nhân Nghị

 

 
Ngày nào cũng như ngày nào, hầu hết chúng ta đều có góp vài câu về thời tiết.

- Ối chà! Bão rớt ở đâu sao mà mưa ri rỉ suốt ngày!

- Chiều nay, trời ráng quá, chắc mai mưa to đây!

- Trăng hôm nay sáng xanh lên, mai tha hồ nắng ráo!

Đấy, mỗi người một ý kiến, mỗi người một kinh nghiệm, cố thử tài tiên tri khí tượng của mình.

Còn bạn, độc giả Tuổi Hoa, bạn có bao giờ thử góp xen vào không? Khoan, xin bạn đừng vội, mời bạn thử đáp mười câu hỏi dưới đây trước khi lên chức "nhà khí tượng tại gia", Cũng xin nói trước, nếu bạn đáp trúng 9 câu, tài bạn cũng kha khá đấy. (bạn khoanh tròn chữ Đ hoặc S).

Nào, mời bạn nhé!

1. Một quầng tròn quanh vầng trăng là dấu hiệu báo trước trời sẽ mưa dù trăng sáng hay mờ. ĐS

2. Mực thủy ngân phong vũ biểu lên cao chứng tỏ trời xấu. ĐS

3. Tuyết chỉ giản dị là mưa đá. ĐS

4. Mùa hạ ấm hơn mùa đông vì lúc ấy địa cầu gần thái dương hơn. ĐS

5. Giông bão thường làm sữa mau chua. ĐS

6. Sương mai bao phủ dày đặc là điềm báo thời tiết sáng sủa sau đó. ĐS

7. Đàn kiến dời tổ xuống đất là điềm báo trời mưa lớn. ĐS

8. Trời ráng lúc hoàng hôn (mặt trời lặn đỏ chói) có nghĩa là hôm sau trời mưa bão. ĐS

9. Độ ẩm của khí trời khiến ta bực bội khó chịu, trời âm u nặng nề. Đấy là do hơi nóng. ĐS

10. Thu đến, lá rụng, cây cối trơ trụi, các súc vật lại mọc dày lông, chim chóc cũng khoác thêm lớp áo mới, chứng tỏ mùa đông tới đáng nghiêm trọng. ĐS

Bạn đáp đúng cả chứ? Xin hoan hô bạn hết mình. Sao? Không xong à? Thôi, xin bạn dò lại các câu đáp vậy!

TRẢ LỜI

1. Đúng. Quầng tròn màu nhạt quanh mặt trăng do kết quả sự tích tụ những đám mây hình đống lông trên cao, cấu thành bởi các tinh thể tuyết li ti dọc đường chiếu của ánh trăng. Những loại mây này báo trước một thời tiết bất thường đột ngột.

2. Sai. Không liên quan gì đến độ cao thấp của mực thủy ngân trong phong vũ biểu. Vấn đề là "thái độ" lên xuống, điều hòa hay vội vàng đột ngột, của thủy ngân. Dù cao hay thấp, mực thủy ngân cũng tụt xuống thình lình chứng tỏ thời tiết xấu rất gần kề.

3. Sai Mưa tuyết có thể coi là một loại mưa đá. Nhưng tuyết không phải là đá trong mưa đá. Tuyết kết tụ không phải từ giọt mưa mà từ hơi nước khi xuống dưới nhiệt độ đông đặc.

4. Sai. Địa cầu ở vị trí gần mặt trời nhất vào tháng Giêng. Vấn đề nóng lạnh không tùy thuộc vào khoảng cách giữa ĐC và MT. Nhưng chỉ vì về cuối năm (mùa đông), ngày ngắn, chúng ta nhận thiếu hơi nóng, hơn nữa một số lớn tia mặt trời hắt xiên nên bị phản chiếu trở ra không gian, nhất là càng tiến dần lên địa cực.

5. Sai. Thời tiết nóng bức, ẩm ướt, nhất là vùng nhiệt đới chúng ta, rất thích hợp cho sự nẩy nở của vi khuẩn ảnh hưởng đến tính mau chua của sữa. Giông bão thực ra hoàn toàn "vô tội".

6. Đúng. Vào những đêm trong thanh, không một áng mây, trái đất thoát tỏa hơi nóng ban ngày mau hơn là vào những đêm u ám. Kết quả là lúc bình minh, một màn sương bao phủ, và chẳng lâu, trời sẽ sáng sủa trở lại.

7. Sai. Kiến là một sinh vật kỵ nước. Vào những ngày âm u sắp mưa to gió lớn, đàn kiến thường kéo nhau cả tổ lên những vị trí cao so với mặt đất.

8. Sai. Một thái dương đỏ chói lúc hoàng hôn báo hiệu một thời tiết khô ráo trong sáng. Bầu khí quyển khô ráo truyền tiếp tia đỏ của mặt trời hơn là tia xanh.

9. Đúng. Khi độ ẩm lên cao, không khí quanh ta hầu như đã bảo hòa hơi nước. Và dĩ nhiên, mồ hôi toát ra khó bay hơi và khiến ta ngứa ngáy bực bội.

10. Sai. Thật là vô lý nếu quan niệm như vậy, không căn cứ trên một nền tảng khoa học nào cả. Hai sự kiện không liên can gì đến nhau. Lông mọc nhiều, à, đấy là do ăn đầy đủ, thế thôi.

Thế nào, bạn thỏa mãn rồi chứ. Bạn nào đáp không trôi, chắc chưa có số trở thành nhà khí tượng rối Thôi, để "luyện võ" cho thấm đã nhé!


PHẤT MỤC NHÂN NGHỊ          
(Theo The Reader's Digest, July 70)    

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 196, ra ngày 1-3-1973)


Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

CƯỜI BÒ BÒ CƯỜI SỐ 197 - Đầu Bò

 

A 02.  PHÙ HỘ

Cách đây ít năm, các xứ Phi Châu thuộc khối Liên Hiệp Anh đã dành cho Nữ Hoàng Elizabeth Đệ II một cuộc tiếp đón long trọng và chu đáo chưa từng thấy, khi bà viếng thăm các xứ này 1 tuần lễ.

Trên đường từ phi trường về thành phố, Nữ Hoàng vui vẻ vẫy tay chào dân chúng đứng dọc hai bên đường, mắt không quên liếc nhìn thưởng thức các biểu ngữ chào mừng dành cho mình. Kìa, một tấm băng-đờ-rôn vĩ đại và rực rỡ trong nắng nhiệt đới vừa đập vào mắt, làm người đỏ mặt và ngừng tay vẫy nửa vời: God shaves the Queen! Đoảng quá. Ông thợ vẽ này chắc chưa học L' Anglais Vivant Sixième Bleue nên viết sai chính tả. Thay vì Saves (God saves the Queen : Xin Thượng Đế phù hộ Nữ Hoàng) ông lại viết dư một chữ h thành Shaves.

Shaves, tiếng mẹ đẻ của Nữ Hoàng có nghĩa là... cạo râu!
 
A 03  VI CẢNH

Gần 10 giờ đêm. Một người đàn ông bận quần xà lỏn đứng trên cầu tàu Bạch Đằng bỗng nhảy ùm xuống sông. Một thầy bạn dân vội thổi còi, làm phận sự:

- Ê, bộ anh không thấy ở đây cấm tắm sao? A lê... nộp phạt hai trăm đồng vi cảnh!

- Tắm? Tôi đâu có tắm... Tôi tự tử mà!

A 04  CHUYỆN TÓC DÀI

Hai đấng tóc dài tâm sự với nhau:

- Bộ mày nói hoài như vậy nghe không mệt sao?

- Mệt? Tao đâu có thèm nghe tao nói đâu mà mệt!

A 05  TỐC ĐỘ

Một cô choai choai phóng xe như bay trên đường phố. Thầy công lộ cưỡi mô tô rượt theo chặn lại:

- Cô cho coi giấy tờ... Bộ không thấy tấm bảng hạnh chế tốc lực đàng kia sao?

- Ủa... Xin lỗi nghe thầy, chạy nhanh quá, đâu có thấy!

A 06  KHÔN LỎI

Tan học, Tí ôm cặp hấp tấp chạy về nhà, đâm sầm vào một bộ hành.
 
- Cháu đi đâu vội dữ vậy?
 
- Cháu phải về nhà cho má biết gấp. Điểm học bạ tháng này "bết" quá. Thế nào cũng bị đòn.
 
- Vậy cháu chạy cho mau về để chịu đòn à?
 
- Vâng, chả thà má đánh. Vì ba cháu đánh đau lắm!
 
A 07  CAO TAY
 
 Trời làm hạn hán đã chín tháng. Ruộng vườn nứt nẻ, khô cháy. Một ông thầy pháp nổi tiếng là cao tay được dân làng thỉnh từ Núi xuống để cầu mưa.
 
Lễ đàn được dựng ngoài đồng và tổ chức rất trọng thể trang nghiêm, có tất cả dân làng tham dự...
 
Thầy đăng đàn múa may hò hét hai ngày liền, vẫn không thấy trời cảm động. Thấy đã mệt lắm rồi. Tiết hạn hán mà áo quần thấy ướt mèm như mới vớt dưới giếng lên. Sang chiều ngày thứ ba, thầy bỗng ngưng ngang buổi lễ, nhìn xuống lũ dân làng, tuyên bố:
 
- Công ta ba ngày nay vô ích... Vì dân làng các ngươi không có lòng tin. Đi cầu mưa, nhưng trong các ngươi  không có ai mang theo áo mưa cả!
 
Nói xong, thầy... lên núi. 
 
 
ĐẦU BÒ     
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 197, ra ngày 15-3-1973) 


Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

ƯƠM MƠ - Trầm Ngâm Dạ Vũ




 

 

 

 

 

Dòng suối mơ huyền thoại
Giăng mắc sợi tơ ngàn
Từng câu thơ dịu ngọt 
Say hương nắng thời gian.

Trên mây lời em nhỏ
Bâng khuâng bước lang thang
Mông lung như loài hạc
Phiên khúc ngủ mênh mang

Đem cho em màu nắng
Rạng rỡ trong mắt mơ
Đỉnh bình yên mê ngủ
Say sưa vì men thơ

Bâng khuâng qua ô cửa
Hương nồng trong kẽ tay
Hôn mê như mưa lũ
Tình ca giấu trong mây

Từng cơn mê ngự trị
Trên tóc đỏ rong rêu 
Bập bùng như hơi thở
Đang xiết chảy lêu bêu

Lũ vòng tròn ảo ảnh
Xoay trên đỉnh mắt mê
Những cơn vui tột đỉnh
Chập chững bước lê thê.

Cho em say sưa ngủ
Một giấc ngủ vu vơ
Ưu tư xin tắt lịm
Để linh hồn ươm mơ.

                TRẦM NGÂM DẠ VŨ

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 23, ra ngày 5-4-1972)



Thứ Năm, 23 tháng 3, 2023

DÁNG NGOẠI - Thơ Thơ

 

Nắng xế chiều rơi xuống ngõ hồn
Khói mờ lam phủ ánh chiều vương
Bên thềm một bóng nhìn xa vắng
Chạnh nhớ ngoại xưa chợt thấy buồn

Kẽo kẹt ngoại đưa chiếc võng ru
Chõng cũ đèn khêu bấc tù mù
Thiu thiu ngoại thiếp đi mệt mỏi
Gân guốc bàn tay ngoại lừ đừ

Sáng sáng quanh vườn hái trái ngon
Quang gánh đung đưa vẹt guốc mòn
Chợ quê ngoại bán nuôi bầy cháu
Gian khó oằn vai bạc áo sờn

Thuở ấy hồn nhiên như cánh chim
Thương bóng ngoại yêu thoáng trước thềm
Trong khu vườn rộng em tha thẩn
Bắt bướm tìm hoa với bạn hiền

Ngày tháng thoi đưa cánh chim câu
Thời gian như nước cuộn chân cầu
Ấu thơ êm tựa nhành hoa tím
Mây chiều lờ lững cuốn trôi mau

Hôn hoàng nắng nhạt xuống mái tranh
Xao xác dừa xanh rủ trước mành
Nhớ sao dáng ngoại khi chiều xuống 
Nhịp võng ngoại ru giấc mộng lành

                                                Thơ Thơ 
                                     (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Ba, 21 tháng 3, 2023

TÌNH CHỊ EM - Lam Huy

 

Bác Đinh, ba của Lan và Hà vừa đi Sài gòn về, thương con vì ở nhà nhớ đến mình nên bác không ngần ngại mua cho chúng một chiếc ô tô. Chiếc ô tô tuy là một món quà ít ỏi nhưng ông nghĩ đây là một niềm vui đem đến cho chúng sau mấy ngày xa cách. Bác Đinh vừa bước vào nhà thì Lan và Hà chạy ra và reo lên như bắt được vàng:

- A! Ba về.

Thế là đứa thì ôm, đứa thì víu cổ làm bác Đinh có cảm giác như người bị ngộp bởi sóng biển. Bác gái Đinh vừa cười vừa bảo với chồng:

- Chúng thường nhắc đến mình bao giờ về đấy!

Bác Đinh mỉm cười sung sướng vuốt tóc Lan và Hà rồi nói:

- Các con dang ra để ba nói chuyện này, sẽ làm vui lòng các con.

Hà còn luyến tiếc ôm lấy cổ ba, Lan thì tò mò muốn biết chuyện gì nên gắt em:

- Hà! Ba bảo mà mày không nghe hả?

Hà trụt xuống với vẻ mặt lưu luyến và hờn giận. Bác Đinh vui vẻ bảo hai con:

- Các con vào đây!

Lan và Hà theo cha vào phòng, mỗi đứa theo đuổi một ý nghĩ riêng, một niềm vui riêng. Bác Đinh lại gần cái va li đem ra một gói đồ. Vừa mở bác vừa nói:

- Đây là chiếc ô tô mà ba vừa mua trong một tiệm tạp hóa. Chỉ có một chiếc, vậy các con hãy hòa thuận mà chơi với nhau nhé!

Gói hàng được mở, lộ ra một chiếc ô tô bằng sắt nhỏ được tráng một nước sơn mầu đỏ chói. Hà reo lên:

- Đẹp quá! Ba cho con ba nhé...

Lan trợn mắt bảo:

- Chơi chung!

Hà dẫy nẩy:

- Hổng chơi chung, em nhỏ em được chơi, chị lớn rồi.

Bác gái Đinh lúc đó cũng vừa bước vào, thấy chiếc xe ô tô xinh xắn thì cười bảo:

- Cho con Hà! Nó thích lắm.

Được dịp, Hà lên giọng bảo Lan:

- Thấy chưa! Má cũng đồng ý đó.

Lan tức tối nói:

- Tao cũng chơi chứ.

Bác gái Đinh mắng Lan:

- Mày lớn rồi, chơi gì nữa.

Lan tức tối khóc òa lên và chạy vào phòng, bác trai Đinh kêu với theo:

- Nè Lan!...

Lan làm như không nghe vừa chạy vào phòng vừa khóc tức tưởi. Vào đến giường Lan nằm úp mặt xuống gối khóc òa lên. Lan chợt nghe tiếng ba nói từ ngoài:

- Để mình vào kêu con Lan! Mới đi Sài gòn về mà như thế thì thật tội.

Mẹ Lan nói:

- Thôi kệ thây nó, nó lớn rồi đừng tập chiều chuộng quen đi!

Và có tiếng đáng ghét của Hà:

- Chị ấy khi nào cũng lẫy. Lẫy thì sẩy cùi.

Lan tức tối và nghẹn ngào khóc to lên.

*

Chiều hôm đó Lan tạo ra bộ mặt giận Hà. Hà không để ý đến vì đang cặm cụi đẩy chiếc xe ô tô rồi nhìn theo với cặp mắt say sưa. Nhưng rồi đẩy mãi cũng chán. Hà thấy cô độc vì thiếu người chơi, nó liền mò đến gần Lan.

- Chị Lan.

Đang ngồi trên ghế thấy Hà kêu, Lan quay mặt đi bảo:

- Mày kêu tao làm gì?...

Hà e ngại nhìn chị rồi ấp úng nói:

- Chị Lan... chị chơi với em... cho vui...

- Tao hổng thèm chơi!...

Hà rươm rướm nước mắt:

- Chị... em cho chị đây...

Nghe nói thế, Lan cũng thấy nình thương em, nhưng nó nghĩ lại, hồi sáng Hà đã làm cho Lan tức tối. Lan hứa sẽ trả thù Hà. Vì thế nó đứng dậy và tàn nhẫn nói:

- Tao cũng hổng cần! Tao đi đây.

Nói xong Lan chạy bay ra ngõ. Trong này, Hà ngồi phệch xuống đất khóc òa lên:

- Chị Lan!... Chị Lan!...

Bác gái Đinh từ trong phòng chạy ra:

- Gì thế?...

*

Tối hôm đó Lan đi chơi về, thấy Hà ngồi trên ghế mặt buồn buồn, nó lạnh lùng bước qua trước mặt em. Hà gọi:

- Chị Lan!...

Quay lại Lan nói với giọng bực bội:

- Kêu gì nữa?

- Em cho chị... chiếc xe ô tô...

- Tao đã nói hổng cần!

Nói xong Lan bỏ đi. Hà đứng dậy định chạy theo chị nhưng ghế mất thăng bằng, Hà té nhào xuống đất.

Bác Đinh trai nghe tiếng khóc thét, vội chạy ra. Thấy Hà bị té ông vội vã ôm con dậy dỗ dành. Nhưng tối hôm đó Hà sốt li bì, bác Đinh trai luôn luôn phải ngồi bên cạnh nó để săn sóc.

Hà đau mê man, má nó nóng ran như lửa. Thấy Hà sốt, tự nhiên Lan quên hết cả giận hờn. Nó hối hận vì những hành động độc ác đối với em vừa qua và Lan ứa nước mắt khi nghĩ Hà đã cho mình chiếc ô tô một cách van nài. Lan cảm động khi thấy Hà mắt nhắm nghiền, mồ hôi đượm ướt trên trán.

Bỗng nhiên Hà từ từ mở mắt, nó thều thào:

- Ba!

Bác Đinh trai nhìn con cảm động, ông vuốt tóc Hà rồi nói:

- Có ba đây!

Chợt thấy Lan, Hà gọi:

- Chị Lan!

Lan đến gần em rồi nghẹn ngào nói:

- Hà tha lỗi cho chị.

Mắt Hà mệt nhọc hiện lên một nét vui:

- Chị Lan!... Em tặng chị chiếc xe ô tô ấy...

Không cầm được nước mắt, Lan khóc nức nở bên em. Lúc bấy giờ bác Đinh trai đã hiểu được phần nào của câu chuyện xẩy ra. Ông lấy làm cảm động giữa tình chị em Lan và Hà. Ông vuốt tóc Hà và ôm lấy Lan, rồi hỏi dịu dàng:

- Để mai ba sẽ mua cho hai con yêu quý của ba hai chiếc xe ô tô nhé!...

Qua làn nước mắt Lan nói với giọng quả quyết:

- Không! Ba đừng mua, hai con chơi chung một chiếc xe được rồi... Chúng con sẽ chơi chung với nhau, và chúng con sẽ không bao giờ xa nhau. Tuy chỉ một chiếc nhưng đây là một sợi dây buộc tình thương chúng con lại với nhau.

Hà nhìn chị, miệng nở một nụ cười thỏa mãn.


LAM HUY        

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 15, ra ngày 25-3-1964)


Chủ Nhật, 19 tháng 3, 2023

TÍNH KIÊN NHẪN - Nguyễn Hùng Trương

 

Các em thân mến,

Phiên tòa Saigon đầu năm con Trâu (Quí Sửu) họp sáng ngày 9-2-1973 (mùng 7 tết âm lịch) có xử một vụ trộm trâu rất ly kỳ, hi hữu. Người mất trâu có được một đức tính kiên nhẫn hiếm có, đáng cho chúng ta suy ngẫm để noi theo.

Cách nay nửa năm, một nông dân ở Kiến Phong, một tỉnh ở miền tây Nam Việt, tỉnh lỵ là Cao Lãnh, xưa kia thuộc tỉnh Sa Đéc, gần biên giới Việt Miên, bị trộm lùa mất con trâu của ông ta trong đêm tối. Người nông phu ấy tên là Nguyễn Trung Nhân.

Ông Nhân chỉ hay biết bị trộm khi sáng ra thức dậy, ông đến thăm chuồng trâu.

Ông Nhân là con người kiên nhẫn. Ông bèn dò theo vết chân trâu trên các nẻo đường. Ông mò mẫm khắp các hang cùng ngõ hẻm mấy vùng quê quanh đấy suốt hai ngày. Nhưng mặc dù cố gắng, ông vẫn chưa tìm được tông tích con trâu của ông.

Không chán nản, ông tìm đến mấy lò sát sinh trong tỉnh và các vùng lân cận, nhưng nơi nào cũng không thấy hình bóng con vật bị mất trộm.

Vẫn với lòng kiên trì, ông Nhân không chịu bỏ cuộc. Ông suy nghĩ và nhớ đến khi trước ông đã từng nghe người ta kể lại lò thịt Chánh Hưng ở Sàigòn là nơi tập trung số lớn trâu bò mà những lái buôn từ các miền quê thường đem đến để tiêu thụ. Ông Nhân bèn đáp xe đò lên Sàigòn, tìm đến ngay lò thịt Chánh Hưng và đứng đợi trước cửa để nhận diện trâu mình đã mất.

May mắn thay, sau một thời gian chờ đợi, dò xét, bữa nọ, ông thấy một con trâu đang bị người đồ tể dắt vào lò để làm thịt sao giống con trâu của ông. Ông lại gần xem. Quả đúng là con trâu đã bị mất trộm. Ông bèn nhờ nhân viên công lực can thiệp và bắt được kẻ trộm, luôn cả tòng phạm.

Tòa đã xử tù kẻ phạm pháp và bắt họ bồi thường xứng đáng cho ông Nhân vì ông Nhân đã mất nhiều thì giờ, bỏ cả công việc làm ăn, tốn tiền xe cộ chi phí trong nhiều ngày để tìm.

Các em thân mến,

Cổ ngữ Trung Hoa có câu, thiên hạ vô nan hữu chi giả cánh thành, nghĩa là trong thiên hạ, không việc gì là khó, có chí thì làm nên.

Ông Alfred de Mussel, một thi sĩ Pháp đã nói: Một người không kiên nhẫn chẳng khác chi một ngọn đèn không có dầu.

Tục ngữ ta cũng có công: Có công mài sắt, chầy ngày nên kim.

Câu chuyện xử án trộm trâu trong ngày đầu năm Quí Sửu này đem đến cho chúng ta một bài học kiên nhẫn quí giá.

Mong các em cũng có được sự bền chí như người mất trộm trâu kể trên để các em thành c6ng trong việc học vấn cũng như cuộc đời của các em mai sau. Mong lắm thay!


Thân mến                      
NGUYỄN HÙNG TRƯƠNG       

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 79, ra ngày 4-3-1973)



Thứ Sáu, 17 tháng 3, 2023

SƯƠNG KHÓI QUÊ XA - Trần thị Phương Lan

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nước xuôi róc rách dưới cầu ao
Đám lục bình xanh tím biếc màu
Vịt khàn cạp cạp đang vục mỏ
Mây trời lờ lững vẫn trôi mau 

Bờ vắng bạc hà trông tốt tươi
Lập lờ bông súng nở hoa cười 
Mái tranh mục nát ngày xưa ấy
Năm tháng dần phai giữa cuộc đời 

Chốn cũ còn đây bước thời gian
Đám trẻ cùng theo học trường làng
Có ông thày giáo già tận tụy
Tiếng thước nhịp theo tiếng trống tràng

Trưa nắng rủ nhau ra tắm sông
Hái bắp, đào khoai nướng giữa đồng
Hương lúa ngọt ngào theo làn gió
Sương khói quê xa lệ lưng tròng
 
Chiều mát thả diều trên dốc đê
Mục đồng nghé ngọ đánh trâu về
Hôn hoàng phủ ráng chiều bàng bạc
Trăng đã vội vàng lên khóm tre

Tôi vẫn đi về qua chốn ấy 
Nhưng ngày xanh cũ biết tìm  đâu
Lá rơi tan tác chiều sương lạnh
Còn mỗi mình tôi một cõi sầu.....

                            Trần Thị Phương Lan 
                            (Bút nhóm Hoa Nắng)


Thứ Tư, 15 tháng 3, 2023

HÒN SỎI MẦU NHIỆM - Bích Thủy

 

Tuấn có tính nhút nhát. Không phải vì em yếu đuối hay gầy ốm. Trái lại tuy mới 12 tuổi, Tuấn đã có vẻ to lớn như một học sinh 14 tuổi. Nếu so về sức lực, ở trong lớp Tuấn không thua ai, còn "to con" hơn nhiều anh khác. Thế mà Tuấn lại là người yếu đuối nhất lớp. Khi thày giáo gọi Tuấn lên bảng, đứng trước tấm bảng đen, Tuấn quên hết cả bài mà Tuấn học đã thuộc làu.

Giờ thể thao khi phải đua sức trong cuộc nhảy xa hay nhảy cao, lúc chạy tới trước mức nhảy, Tuấn chùn chân lại không dám phóng mình qua. Tuấn sợ! Phải chăng Tuấn sợ ngã, sợ đau?

Không! Thực ra, Tuấn chỉ ngại bị chúng bạn chê cười. Dĩ nhiên là chúng bạn cười chê rồi! Bởi Tuấn nhát sợ quá nên họ chẳng coi Tuấn ra gì. Tuấn là cái đích để họ trêu chọc. Và khi thấy Tuấn luống cuống trước bảng đen, hoặc rụt rè trong một trò chơi, là họ cười phá lên với nhau. Chẳng những thế, trong giờ chơi, Tuấn còn bị họ lôi kéo, xô đẩy. Có anh còn ác tâm lừa ngáng cho Tuấn ngã rồi đứng cười thích chí. Họ bắt nạt Tuấn ra mặt, chỉ vì họ biết Tuấn sợ không dám chống chọi lại.

Thực vậy, Tuấn chẳng dám nói gì cả, chỉ lặng lẽ lảng đi chỗ khác, ra một góc sân đứng khóc.

Thỉnh thoảng, chúng rủ Tuấn chơi bi, nhưng chúng chơi gian trước mắt, mà Tuấn không có can đảm phản đối, phải làm ngơ để chịu thua hết phần bi của mình.

 
Giờ tan học, Tuấn còn bị chúng bạn chờ đón ngoài cổng trường, theo sau để "đùa dai" cho mãi khi Tuấn về tới nhà. Bởi thế, mỗi lần đi học, Tuấn thấy khổ sở vô cùng.

Thày giáo cũng đâm nghi ngờ về sự học hành của Tuấn, vì lần nào được gọi lên bảng, Tuấn cũng lúng túng không làm được bài.

Mỗi lần như thế cả lớp lại cười ồn lên. Giận quá, thày gắt:

- Tuấn, tại sao không học bài?

Tuấn rụt rè đáp:

- Thưa thày, con có thuộc... nhưng...

Các bạn nhao nhao chế riễu:

- Nhưng... tại quên mất rồi ạ!

Thày giáo phải gõ thước xuống bàn:

- Im!

Nhìn vẻ luống cuống của Tuấn, thày nghiêm nghị hỏi:

- Tại sao, Tuấn?

Tuấn mếu máo đáp:

- Thưa thày, con có thuộc, vì con có học cẩn thận, nhưng lên đến bảng là con sợ...

Suy nghĩ, thày cho Tuấn về chỗ.

Nhưng giờ ra chơi thày bắt Tuấn ở lại, nhẹ nhàng bảo:

- Con lên bảng làm lại bài với thày.

Trước vẻ ôn tồn của thày giáo, và tránh xa những cặp mắt soi mói, chế riễu của các bạn, Tuấn bình tĩnh làm lại bài không vấp váp. Thày giáo gật gù khen:

- Khá lắm. Anh rất thuộc bài. Nhưng tại sao hồi nãy lại không làm được?

Tuấn nhắc lại:

- Thưa thày, tại con sợ.

- Mà sợ gì chớ?

- Dạ con không rõ!

Thày hơi ngạc nhiên, nhưng cũng từ đó thày để ý đến Tuấn.

Một buổi tan học, Tuấn hớn hở chạy về nhà. Hôm ấy Tuấn mặc chiếc áo mới mẹ vừa may cho. Anh giữ gìn sạch sẽ cả ngày hôm ấy không làm nhơ bẩn và vui mừng chắc mẹ sẽ bằng lòng. Đang đi, Tuấn gặp bọn thằng Long, một bọn nổi tiếng "ba gai". Chúng vây quanh Tuấn trêu chọc, xô đẩy... Tuấn bị chúng vật ngã xước cả đầu gối, và điều đáng buồn hơn hết, chiếc áo của Tuấn bị rách mất một chỗ. Sợ bị chúng đánh, Tuấn đâm đầu chạy trốn, rồi ngồi khóc bên vệ đường. Giữa lúc ấy thày giáo đi tới. Thày đã trông thấy Tuấn bị chúng bạn bắt nạt tự đàng xa.

- Tuấn! Con chịu để cho chúng bạn bắt nạt như thế ư?

Tuấn cúi đầu im lặng.

- Sao con không phản ứng lại?

- Thưa thày con không dám!

- Con cũng khỏe mạnh có kém gì chúng đâu?

Tuấn không biết trả lời ra sao đành đứng khóc. Thày giáo trầm ngâm nhìn Tuấn rồi bảo:

- Theo thày về nhà, thày sẽ cho con một bí quyết để con trở nên khỏe mạnh hơn người.

Tuấn đi theo thày. Tới nhà thày, mấy con chó sồ ra sủa ầm ĩ làm Tuấn sợ xanh mặt. Nhưng thày giáo cầm tay Tuấn thản nhiên nói:

- Đừng sợ, chúng không dám làm gì con đâu.

Dẫn Tuấn vào trong nhà, thày cầm một hòn sỏi chặn giấy trên bàn đưa cho Tuấn:

- Con thấy hòn sỏi này chứ, nó không như những hòn sỏi tầm thường khác...

- Dạ!

- Nó trắng, tròn, và nhẵn bóng phải không?

- Thưa thày, vâng!

- Ừ, nó là một hòn sỏi có phép mầu đấy. Nếu con mang nó trong mình, con sẽ trở thành một người khỏe mạnh, can đàm không ai sánh kịp. Thày đã dùng nó và nhờ thế mà thày đã đoạt nhiều giải vô địch về thể thao. Bây giờ già rồi, thày cho lại con. Nếu ngày mai có đứa bạn nào chế riễu, hiếp đáp con, con hãy cho chúng biết tay, để chúng khỏi khinh con là một đứa trẻ hèn yếu!

Tuấn cảm tạ thày và cáo lui. Hòn sỏi kệnh nặng trong túi quần, đã đem lại cho Tuấn một niềm phấn khởi. Về đến nhà, Tuấn phải cởi áo ra cho mẹ vá lại. Anh rất buồn thấy mẹ cặm cụi khâu lại chỗ rách của chiếc áo mới. Cha Tuấn thở dài phàn nàn:

- Có đứa con đần độn kém cỏi như mày thật buồn quá! Chừng lớn lên còn phải đi lính, còn phải ra vật lộn với đời, không biết nó làm sao sống nổi!

Trong thâm tâm, Tuấn thầm trả lời: "Ồ không, rồi ba xem, bây giờ con có thừa can đảm rồi. Con không sợ gì nữa đâu!"

Trước khi đi ngủ, Tuấn đặt hòn sỏi trắng trên đầu giường. Rồi ngủ một giấc ngon lành với đầy mộng đẹp...

Hôm sau tới trường, Tuấn bỏ hòn sỏi vào túi quần. Dọc đường, Tuấn để ý tìm những hòn sỏi khác nhưng không thấy có hòn sỏi nào trắng, tròn, và nhẵn bóng như hòn sỏi thày giáo đã cho Tuấn. Gặp một nhánh cây chìa ra ở mé lộ, Tuấn muốn thử sức mầu của nó, liền nhẩy lên vít xuống. Nhánh cây cao chĩu gục gẫy nghe cái "rắc"... Tuấn nghĩ:

- "Đúng hòn sỏi này có phép mầu rồi!"

Với ý nghĩ ấy, Tuấn yên trí vào trường. Bước chân Tuấn đi vững chãi hùng dũng hơn mọi khi. Giờ thể thao, Tuấn vượt chúng bạn cách dễ dàng. Giờ học, thày gọi lên bảng, Tuấn bình tĩnh đi lên làm bài trôi chảy. Đến giờ chơi, Tuấn họp đùa với chúng bạn. Bị xô đẩy, Tuấn xô đẩy trả lại làm nhiều anh ngã bổ chửng. Họ nhìn Tuấn, không tỏ vẻ giận dữ, nhưng ngạc nhiên. Tuấn đã đổi khác. Tuấn dám đương đầu với tất cả. Dù chúng bạn vây quanh, Tuấn cũng không cúi đầu, chùn bước.

Từ hôm ấy trở đi bạn bè bắt đầu kiêng nể Tuấn. Những anh "ba gai" nhất cũng không dám chế riễu Tuấn nữa. Và Tuấn cảm thấy mình khỏe mạnh, vững vàng nhất lớp.

*

Một tháng sau, vào một ngày chủ nhật được nghỉ học, Tuấn đi chơi, bắt gặp một đám trẻ mất nết, đang trêu chọc một em gái nhỏ. Chúng đi sau nắm đuôi tóc cô bé mà giật, rồi cười với nhau trong khi cô nọ vừa kêu vừa khóc. Tuấn chạy lại can thiệp. Nhưng chúng khích bác gây sự đánh nhau. Tuấn chống trả kịch liệt. Rốt cuộc, bọn kia bỏ chạy tán loạn.

Sau đấy Tuấn trở về nhà, hãnh diện đã bênh vực có kết quả một điều phải. Nhưng chợt Tuấn giật mình thấy hòn sỏi vẫn còn nằm trên mặt bàn! Sáng hôm ấy, vì không đi học, Tuấn đã quên không mang theo nó trong mình!

Vậy ra hòn sỏi có linh nghiệm gì đâu? Không có nó, Tuấn cũng thắng. Và thắng được là nhờ sự can đảm tin tưởng ở chính mình. Lúc ấy Tuấn mới hiểu, sở dĩ thày giáo đã cho Tuấn hòn sỏi trắng và bảo nó có phép màu, chỉ là để giúp Tuấn lấy lại được lòng can đảm và tự chủ.

Ngay hôm ấy, Tuấn đến cám ơn thày, xin trả lại hòn sỏi trắng để thày chặn giấy, vì từ nay Tuấn không còn cần đến nữa!


BÍCH THỦY      

(Trích từ tập truyện nhi đồng Tuổi Hoa số 2, phát hành tháng 6 -1962)


Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

NỖI BUỒN CƠN VUI - Đức Bàng

 

Trang chỉ thích chiếc buýt to lớn mầu vàng trong ngôi trường mới này. Chiếc buýt này có "bổn phận" đưa Trang đi học và trở về mỗi ngày. Nhưng thực ra Trang thích nhất cái phút chờ xe đến mỗi sáng. Sáng nào Trang cũng sửa soạn sẵn sàng trước nửa giờ mỗi khi xe đến. Cho nên Trang thường đứng ngóng ở cửa sổ, bứt rứt với ý nghĩ xe buýt không đến hoặc đến trễ. Rồi Trang lại hỏi ba:

- Ba ơi, xe sắp đến chưa ba?

Ba Trang vừa nhắp tách cà phê vừa nhìn vào chiếc đồng hồ đeo tay:

- Mới bảy giờ kém tám phút. Gớm cái lão Hinh này chắc vừa mới leo lên xe đây. Con cũng nên biết lão ta còn hôn tám đứa con rồi còn đi bộ đến garaga của trường nữa chứ. Con hãy chờ một tí, lão ta chắc cũng sắp đến rồi đấy.

Trang mỉm cười. Ai cũng biết ông Hinh, người tài xế của xe, không có đến một đứa con, nói gì đến tám.

Trang chỉ ngồi được một lúc, nhìn ra đường lại hỏi ba:

- Xe sắp đến chưa hả ba?

- Có lẽ nó vừa đến đường Hoa Tím con ạ.

Ba biết Trang thường nóng ruột chờ xe nên tìm những câu trả lời thú vị, khôi hài để Trang quên bớt thì giờ. Cho nên khi Trang hỏi "Xe sắp đến chưa ba", là ông trà lời:

- Con chờ một tí  rồi ông đổi giọng  Gớm sao cái lão này lắm chuyện thế, giờ này mà lão ta còn đi... dạo mát chớ.

Hay là:

- Con chờ một tí, lão ta còn giúp bà Son đem heo vào chuồng là đến ngay. Con vào xem lại đồ dùng coi còn thiếu gì không?

- Ha ha, cái nón lão ta làm sao mà bay tuốt xuống đường. Trông lão rượt cái nón mà tức cười quá. Cho đáng đời, đội nón mà không chịu gài nút!

Đại khái những câu đều như vậy, nên Trang rất thích cái giây phút chờ đợi này. Mặc dầu trong lòng bứt rứt lo âu nhưng cuối cùng Trang vẫn mỉm cười sung sướng khi thấy xe đỗ trước cổng. Nhưng cũng ngay lúc Trang bước lên xe thì cảm giác vui vẻ biến mất nhường chỗ cho cảm giác cô đơn. Không có điều gì làm Trang khổ tâm hơn điều này: bọn trẻ trên xe không thích Trang. Không một đứa nào thích chơi với Trang cả, đó là cái cách ám chỉ chúng nó là "bồ bịch" với nhau. Nếu Trang chào chúng thì chúng chào lại Trang, có khi mỉm cười nữa, nhưng lập tức chúng trở lại chuyện, hoặc là con mèo ở nhà con Mai, hoặc là chuyện cái áo mới của con Xuân. Trang đã cố sức để tò cho chúng biết mình cũng là người quan trọng với những tin:

- Cô của Trang có cái lọng che nắng nè!

- Cậu của Trang làm Họa sĩ. Có lần cậu triển lãm tranh ở Saigon đấy.

- Trang có cái vòng ngọc trai toàn là ngọc thiệt cơ!

Nhưng thường không có đứa nào để ý đến chuyện "quan trọng" này, chúng lại đổi sang chuyện riêng của bọn chúng. Có lạ không chứ? Chúng nó làm gì có vòng ngọc trai? Cô của chúng làm gì có lọng! Có đứa nào có ông cậu làm họa sĩ đâu? Trang không thể hiểu được.

Trang nói với mẹ:

- Con không thích trường này mẹ ạ. Không đứa nào chơi với con cả.

- Chắc chúng không biết con đấy chứ.

- Đâu có, con đã cố nói chuyện với chúng, nhưng tụi nó cứ chê con đấy mẹ ạ.

Bởi vì, có một hôm, khi Trang vừa lên xe thoáng nghe thằng Giang nói nhỏ  vừa đủ để Trang nghe lọt  với con Lan:

- Đây là cô Ngọc Trai.

Con Lan vừa cười vừa đáp:

- Không biết nó tìm cái ông cậu họa sĩ và bà cô bá vơ kia ở đâu nhỉ?

Sau lần đó, Trang thường ngồi một mình trong góc và chỉ nhìn ra cửa xe mà thôi. Chợt Trang mỉm cười khi nhìn đằng sau cổ ông Hinh. Trang nhớ lại câu trả lời của ba sáng nay khi Trang hỏi:

- Xe sắp đến chưa ba?

- Lão ta mắc dừng xe để rửa nốt cái cổ bẩn, vì hôm qua trời tốt quá, lão chỉ rửa có một nửa thôi, thật chịu hết nổi cái lão này.

Trang đang tủm tỉm cười. Bên ghế kia, thằng Giang, con Lan và con Mai cùng nhìn Trang. Thằng Giang hỏi Trang:

- Trang cười gì đấy?

Trang định trả lời, chợt nhớ lúc nãy bọn chúng trêu mình liền lạnh lùng quay ra cửa xe, trả lời một cách cộc lốc:

- Không có gì cả!

Thằng Giang quay sang nói với con Lan cho đỡ ngượng:

- Được rồi, tụi mình bàn về cuộc du ngoạn cuối tuần đi!

Trang không muốn dự cuộc du ngoạn chút nào cả. Thật là khổ tâm cho bạn khi ở trường bạn cô độc vì không có ai thích bạn, nhưng trong một cuộc du ngoạn bạn phải làm chung và chơi chung với những người ấy thì  theo Trang nghĩ  đó là điều khổ tâm nhất.

Khi Trang phàn nàn với mẹ thì mẹ Trang nói:

- Con nên đi mới phải. Vả lại tất cả trẻ con trong lớp đều đi cả thì không có một lý do gì khiến con không đi khi nhà trường đã bảo đảm.

Trang phụng phịu đáp:

- Con không muốn đi!

Suốt một tuần, Trang mong sao có việc gì xẩy ra để mình khỏi phải đi. Ngộ nhỡ trời mưa? Ngộ nhỡ Trang bị ốm? Ngộ nhỡ Trang đau răng phải đi khám bác sĩ nha y?

Nhưng đến ngày đi du ngoạn rồi mà trời vẫn trong veo, không gợn một tí mây đen nào. Trang thử lay răng thì thấy nó còn chắc hơn hôm qua nữa là khác. Chưa thất vọng, Trang soi kính, ngắm đi ngắm lại, nhưng than ôi, vẫn không có triệu chứng gì về bệnh cúm cả. Trang thở dài chán nản, nhủ thầm:

- Thế này mình phải đi chắc rồi!

*

Trời hôm nay đẹp làm sao, Trang cảm thấy vui thích vô cùng. Đứng cạnh chiếc bị đựng thức ăn chờ xe buýt, Trang vui miệng hỏi ba:

- Xe sắp đến chưa ba?

- Chắc sắp đến rồi con ạ. Lão Hinh còn đang tính xem chiếc xe có chứa đủ trẻ em và các bị đồ ăn hay không?

- Cả thùng kem dâu nữa ba!

- Phải lắm. cho nên với bao nhiêu đồ đó, lão ta không biết có để tụi con hoặc các bị đồ ăn trên gác để đồ không! Ha ha, lão ta còn mệt lắm mới giải quyết được.

Trang vừa khoác bị đồ ăn vừa tủm tỉm cười bước lên xe. Con Lan hỏi Trang:

- Trang mang theo gì đó?

- Bánh kem sôcôla. Me Trang làm cho Trang đấy. Nhưng me Trang phải nhờ cô của Trang dạy mới làm được đó!

- Có phải cái bà cô có chiếc lọng hay không?

Thằng Giang tinh quái hỏi xen vào vừa nháy mắt với con Lan. Trang tái cả mặt, đứng lặng yên không trả lời. Trang biết không sao tránh khỏi cái tình trạng này. Lặng lẽ, Trang ngồi sát vào góc xe và để bị đồ ăn bên cạnh, như thế không đứa nào ngồi gần Trang được. Trang vừa nhìn ra cửa xe lẩm bẩm:

- Thật hết chịu nổi cái trường cổ hủ nầy!

Cuộc du ngoạn vui hết sức nếu Trang có vài người bạn. Tụi chúng nó bày ra nhiều trò chơi như đánh trận giả, đá banh, bịt mắt để bắt dê, nhưng bao giờ Trang cũng còn lại cuối cùng để rồi cặp đôi với cô giáo.

Suốt cả cuộc chơi và bữa ăn trưa, Trang mong làm sao cho đến giờ xe buýt tới để đem Trang về nhà mà thôi. Mặc dầu bữa ăn là gà trộn rau, bánh dừa, kem đậu... nhưng Trang nuốt không vô được. Trang cứ nhìn đĩa đồ ăn mà nghẹn ngào mãi tuy không khóc. Chợt Trang mừng muốn phát điên được khi thấy một đám mây đen to lớn đang bao phủ một góc trời xanh lơ. Cô giáo nói to:

- Hãy dọn đồ mau lên các em. Chúng ta phải trở về sớm một chút, không thì bị ướt hết. Ông Hinh đang chờ chúng ta ở cuối vườn. Lẹ lên các em!

Thằng Giang hỏi:

- Thưa cô sao chúng không núp mưa dưới cây này?

- Tại vì cây to lớn là nơi nguy hiểm khi có sấm sét cho nên ta không thể núp được. Thôi bây giờ các em lớn đem các bị đồ ăn đi trước, cô sẽ dắt các em nhỏ mang đồ lặt vặt đi sau nhé!

Trang vui mừng khi thấy cả bọn hối hả ra về.

Đám mây đen càng lúc càng đặc và lớn thêm. Thỉnh thoảng có những làn chớp nháng lên làm sáng cả một góc trời. Cả bọn chạy nhanh thêm. Mưa rơi lác đác khi cả bọn vừa tới khúc quanh cuối vườn. Bọn trẻ con ùa tới chỗ đậu xe, thằng Giang vừa khoát tay vừa la to:

- May quá, đến nơi rồi anh em ơi! Ủa, sao...

Cả bọn đứng khựng lại: không có chiếc xe nào ở đây cả. Chiếc giầy của Trang lúc này đã kêu phèn phẹt dưới mỗi bước chân. Tóc của Trang vừa rối vừa ướt. Còn áo con Lan ướt đẫm nước mưa, mặt cũng vậy. Lan vừa khóc vừa kêu:

- Trang ơi! Chờ Lan với, Lan sợ sấm quá! Trời ơi! Xe buýt đâu? Xe buýt sắp đến chưa?

Trang nhìn gương mặt đẫm nước mắt và nước mưa của Lan mà cảm thấy thương hại cho bạn. Trang không sợ sấm nhưng sợ ướt thì bị cảm.

Thấy bạn lo sợ, Trang ôm lấy Lan và vỗ về:

- Lan cứ yên chí, ông Hinh chắc đang mặc áo sửa soạn đến đây đấy! Phải chi ông gắn thêm cái buồm thì xe chạy nhanh hơn nhỉ?

Lan có vẻ bớt sợ không còn khóc nữa. Ngẫm nghĩ một lúc Lan hỏi:

- Không hiểu sao xe đến trễ thế Trang nhỉ?

- Bộ Lan quên là bác ta phải nhốt đàn ngỗng trước khi đi sao?

- Ừ nhỉ!

Rồi Lan tủm tỉm cười mà quên là ông Hinh không có đến cái chuồng nữa nói chi ngỗng. Thằng Giang và con Mai cùng cả bọn chạy ùa tới chỗ Trang.

- Có chuyện gì vui mà cười vậy Trang?

Trang kể lai cho Giang nghe và Trang nói tiếp:

- Chúng ta phải chờ cho đến khi ông bắt được các con ngỗng. Nhưng than ôi, ông rượt chúng làm sao mà lọt xuống vũng bùn, ngay phải chỗ sâu mới chết chứ. Thế là ông bơi lội không được trong khi chúng ta đợi ông ở đây  Rồi Trang đổi giọng  như đợi một cánh chim trời nơi xa thẳm.

Cả bọn cười khúc khích. Không có đứa nào tỏ vẻ sợ nữa, ngay cả lúc sấm nổ. Mưa vẫn rơi một lúc một nhiều thêm.

- Rồi sao nữa Trang?

- Đến lúc xe lên đường thì bị ngay một con bò cản giữa đường! Bác Hinh cố đẩy ra nhưng nó không ra. Bác í giận quá!

Đến đây Trang dừng lại nhìn các bạn nghĩ thầm: Hay quá, không đứa nào còn sợ nữa. Nhưng mình cũng không nghĩ thêm gì được nữa! Chợt Giang reo lên:

- Bác Hinh đẩy nó được rồi, vì bác ấy kìa!

Bác Hinh dừng xe bước xuống. Bác có vẻ như muốn xin lỗi bọn trả:

- Tôi biết các em không tin, nhưng sự thực là có một con bò nằm ngay giữa đường...

Cả bọn reo lên át cả lời của bác ta:

- Các cháu biết trước cả rồi! Trang đã kể cho tụi cháu nghe đấy.

Bác Hinh kinh ngạc:

- Hãy để yên bác nói nào, con bò ấy chết giữa đường và bác phải kéo nó cả giờ mới được cho nên đến trễ như vầy.

Mai nhìn Trang âu yếm nói nhỏ:

- Trang còn biết nhiều hơn nữa. Bữa nào Trang lại xem con mèo của Mai nghe, nó tên là Mi mi đấy, nhớ nghe Trang!

Trang sung sướng đến nỗi không biết là xe đã đến nhà lúc nào. Thằng Hùng la to:

- Chào cô Ngọc Trai.

Trang biết không phải là câu nói trêu nữa, mỉm cười nhìn Giang.

- Hẹn ngày mai nhé Trang!

- Đừng quên con Mi của Lan nghe!

- Mai vào đội của em nghe chị Trang!

Nhìn mãi cho đến lúc xe khuất hẳn, Trang mới chậm rãi bước vào. Mẹ Trang âu yếm nhìn Trang:

- Cơ khổ cho con! Con có lạnh lắm không. Thật ông trời ác quá.

- Không sao đâu mẹ à. Con chưa bao giờ sung sướng như hôm nay, vui quá mẹ à!

Hai mẹ con nhìn nhau cùng mỉm cười.


ĐỨC BÀNG       

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Chiếc Áo Màu Thiên Thanh")