Thứ Ba, 30 tháng 4, 2019

TRONG DÔNG GẠCH VỤN - Thăng Long dịch


(phỏng dịch “Nachts schlafen die
   Ratten doch” của W. Borchert)  

… “Bầu trời thật quang đãng, bỗng trên không tiếng ì ầm vang dội của động cơ rõ dần, và rồi… tất cả chỉ còn lại những gì điêu tàn, đổ nát – Giờ đây đã ba hôm mà đống gạch vụn bao quanh tôi vẫn còn ngút khói – … Tất cả chỉ còn là một đống gạch vụn! Một trái bom có thể tàn phá cả một ngôi làng trù phú như vầy sao?!...”

Cậu bé mệt mỏi với những ý nghĩ trong đầu. Cậu mơ màng, trước mắt cậu hiện ra cảnh sân trường với hàng phượng vĩ, với những buổi đá banh cùng chúng bạn… cậu mỉm cười kiêu hãnh.

“Ồ, hôm đó mình có những cú “sút” hay tuyệt!”

Cậu bé thích quá cười to và mở hẳn mắt ra… mặt cậu bỗng nhiên buồn hẳn lại – Giờ đây còn đâu những buổi đá bóng!... Cậu gục đầu bên thềm cửa mà cậu đoán chừng đó là nhà cậu khi xưa – Căn nhà thân yêu của cậu bé!

- Này em… sao lại ở đây?

Cậu bé ngồi choàng dậy, tay thủ ngay khúc cây đã đặt sẵn bên mình – … mắt cậu dịu lại khi trông rõ vẻ hiền lành hiện trên gương mặt người bộ hành đứng tuổi.

- Em làm gì ở đây? Sao lại ở đây?

Cậu bé nhìn người khách đầy vẻ nghi ngại, đảo mắt nhìn quanh, tay nắm chặt thêm cây gậy, phác một cử chỉ bâng quơ:

- À,… tôi canh chừng – … mà ông đừng hỏi, không nói được đâu.

- Canh chừng gì mới được chứ?

- Chuột!... Ông thấy đó, nơi đây đầy chuột.

Ông khách ngạc nhiên:

- Chuột hả? Kệ nó chứ, nơi đây có ai ở đâu, kệ nó chứ.

Cậu bé lại lắc đầu quầy quậy:

- Không được đâu ông ơi, nơi đây đầy chuột mà “nó” thì nhỏ xíu hà. Mà… không nói được đâu ông ơi!

Cậu cương quyết hơn, quyết liệt hẳn, cặp mắt sáng quắc ánh trên gương mặt trẻ thơ của cậu.

- Tôi đã bảo là không nói được mà. Tôi không nói đâu ông ơi – Không nói được đâu!...

Ông khách cười dễ dãi, xoa đầu cậu bé:

- Thôi được… Tên em là gì? Cái này nói được chứ?

- Jurgến, 9 tuổi – Tôi học trường làng bên cạnh, ngôi trường có nóc đo đỏ ấy. Còn trường của chúng tôi bị dội bom sập hết rồi ông ơi! Buồn ghê đi!

Ông khách quỳ xuống trước mặt cậu bé, nét mặt hiền dịu.

- Tôi đố Jurgến nhé; vậy chứ 9 lần 3 là mấy?

- Ư… 9 lần 3 hả?... 9 lần 3 là mấy hả?... 9 lần 3 là… 27 chứ mấy! 9 lần 3 là 27, tôi biết ngay mà.

- Jurgến giỏi thật – ông khách cả cười – mà Jurgến có biết tôi đi đâu không?

Cậu bé nhìn người khách đầy vẻ thân thiện.

- Ông mua rau cải cho súc vật ăn chứ gì, dễ ợt!

- Hay quá!... Nhưng sao em biết?

Người khách ngạc nhiên thật sự, nhưng lại phì cười khi chợt nhìn xuống chiếc giỏ đầy cải dưới tay.

- Em tinh lắm! Em biết đó, tôi có rất nhiều thỏ, mà em có muốn xem không?

Mắt Jurgến sáng ngời:

- Muốn chứ, tôi thích lắm chứ!

Nhưng cậu bé bỗng buồn hẳn đi khi nhìn xuống chiếc gậy trong tay.

- “Nó” cũng thích thỏ lắm – Cậu bé ngước nhìn người khách – … Tôi thích thỏ của ông lắm, nhưng không được, tôi bận đuổi chuột. “Nó” thì nhỏ xíu mà ông thấy đó, chuột nhiều quá đi!

- Nhưng cái gì nhỏ xíu mới được chứ?

Cậu bé nhăn mặt khổ sở.

- Không được đâu ông ơi. “Nó” nhỏ xíu hà! Tôi cũng thích thỏ của ông lắm, thích ghê lắm… mà đi không được đâu – Tôi đã bảo là nói không được đâu, ông đừng có hỏi nữa.

Ông khách dợm bước.

- Thôi được, em cứ ở lại với các bí mật của em. Tôi về cho thỏ tôi ăn đây. Nếu thích thì em theo tôi.

Cậu bé hốt hoảng:

- Ý, ông ơi… khoan đã…

- Gì thế em?

Nhưng… cậu cúi đầu, ngập ngừng:

- Tôi nói cái này… mà ông phải hứa là không được thuật lại với ai cả nhé – Cậu nhìn ông khách với vẻ dò xét – … Tôi muốn nói… Chuột nó ăn xác chết ấy mà.

Ông khách nhăn mặt:

- Bậy nào! Đừng ăn nói vậy chứ!

- Thật mà, thầy tôi bảo vậy đó.

Cậu bé cãi với đầy vẻ suy nghĩ.

- Ông biết không, hôm làng mình bị dội bom ấy, em tôi chạy không kịp, nó bị đè bẹp dưới hầm. Đến bây giờ người ta vẫn chưa đem nó lên được. Nó nhỏ xíu hà, ông ơi! Nó mới 2 tuổi hà… Nó nhỏ hơn tôi nhiều lắm! – … Thật mà, thầy giáo tôi bảo : Chuột ăn thịt người chết. Ở đây chuột nhiều ghê đi mà em tôi thì nhỏ xíu! – Ông biết không, ngoài giờ cơm, giờ học, là tôi chạy ngay ra đây. Tôi canh chừng hai ngày rồi, mệt quá, tôi vừa thiếp ngủ thì ông đến – … Em tôi nhỏ xíu hà ông ơi! Nhỏ hơn tôi nhiều lắm…

Cậu bé nghẹn ngào, nước mắt long lanh trên mắt cậu. Người khách quỳ xuống, dịu dàng ôm cậu bé vào lòng.

- Trời sắp tối, chuột ngủ rồi, em về đi, em mệt lắm rồi đấy.

- Không có đâu ông ơi, thầy tôi đâu bảo vậy.

Ông khách vẫn dịu dàng:

- Thật mà, ban đêm chuột nó ngủ – Em không tin tôi sao? Tôi là người lớn mà, tôi lớn hơn thầy em mà. Vả lại, ông thầy khùng ấy không nói với em là ban đêm chuột nó ngủ sao?

Cậu bé nghi ngờ:

- Ông không gạt tôi chớ?

- Em không tin tôi sao? Điểm ấy thật quan trọng mà thầy em lại quên – Em về đi nhé – Trời sắp tối rồi, cứ độ năm, sáu giờ chiều là chuột đã bắt đầu ngủ say. Còn em của em thì nó… đang an giấc lắm, không sao đâu.

Cậu bé có vẻ xiêu lòng, yên lặng nhìn ông khách.

- Hay em theo tôi về nhà vậy nhé. Tôi cho thỏ ăn xong thì đưa em về – Em thích thỏ lắm hả? – Tôi sẽ tặng em một con nhá.

Cậu bé tươi hẳn nét mặt:

- Ông cho tôi một con thật hả? – Mà thỏ ông mắt đỏ hay đen? – Tôi không có chuồng làm sao nuôi… ba tôi nghèo ghê lắm!

Ông khách xoa đầu cậu:

- Dễ mà, em nhặt những mảnh ván nầy nhé, tôi sẽ chỉ cho ba em đóng chuồng. Dễ lắm mà.

Ông khách tươi cười:

- Mà thôi, em cứ ở đây nhặt ván đợi tôi nhé. Đừng đi đâu đấy. Tôi về nhà và mang một chú thỏ đến cho em. Chúng mình sẽ cùng về nhà em để đóng chuồng. Nhớ đừng đi đâu đó nghe.

Cậu bé tươi tắn gật đầu. Người khách đứng lên và chiếc giỏ trong tay lắc đều theo nhịp bước vội vàng. Ông khuất dần, khuất dần… và từ xa vẫn còn cố đưa tay ra dấu bảo cậu bé chờ đấy – Em cậu đã ngủ rất bình yên – Hãy an tâm – Bên cậu giờ đây chỉ còn có Tình Thương và Tình Người –


THĂNG LONG  


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 127, ra ngày 15-4-1970)

Bìa của Vi Vi : Có bầu có bạn có túi cơm khô
Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

KHÔNG NGUÔI - Nhật Tiến


Đã một lần có ai nói với mụ là gia đình của mụ vẫn vẹn toàn. Hình như lúc ở dưới hầm trú ẩn. Hình như lúc trốn đạn dưới gầm cầu. Hình như trong mái lều ướt đẫm nước mưa của khu tạm trú. Dĩ vãng trong đầu mụ bây giờ mù mịt như sương khói. Sự kiện nào cũng có mặt, nhưng sự kiện nào cũng chỉ thấp thoáng ẩn hiện, cái nọ chồng chất lên cái kia, điều này lẫn lộn với điều kia, hình ảnh này chen lấn hình ảnh khác. Duy chỉ có mỗi một điều là mụ nắm được rất vững vàng. Rất chặt chẽ. Rất rõ ràng. Đó là đồng gia quyến đẳng của mụ vẫn vẹn toàn. Chắc chắn như vậy. Vì đã có ai nói với mụ điều đó một lần. Hình như ở dưới hầm trú ẩn. Hình như dưới gậm cầu. Hình như trong lều vải tạm trú. Và mụ đã tin tưởng như một đứa con nít ngây thơ. Thế là những năm tháng ăn ở hiền lành bây giờ đã nẩy hoa kết trái. Ông trời có mắt thực. Ông trời không đóng cửa một ai. Bởi vì gia đình mụ vẫn vẹn toàn. Mẹ thằng Cu, đứa con dâu hiếu thảo. Thằng Cu bé, nhỏ tong teo. Cái Bé, bé hơn là tuổi đích thực của nó. Còn bố lũ nhỏ thì yên tâm rồi. Nó đi lính xa, nhưng nó là lính văn phòng. Quanh văn phòng có ụ cát. Quanh ụ cát có những hàng rào kẽm gai. Quanh hàng rào kẽm gai có lô cốt. Quanh lô cốt có giao thông hào. Quanh giao thông hào có những bãi mìn. Quanh những bãi mìn là những toán lính tuần tiễu. Ôi cha! Nó còn được bảo đảm hơn là ở nhà. Vườn tược tuênh toang. Tường xiêu, vách nát, mái rạ, chẳng có chỗ nào ngăn cản được những lằn đạn bắn vào từ ngoài đồng, từ quốc lộ, từ lối đi vào ấp, từ những ngõ ngách tiêu điều, và từ cả ở trên nền trời trong vắt thiếu vắng những cụm mây xám che chở.

Quả nhiên bom đạn đã úp chụp xuống trong một đêm kinh hoàng không gì chống đỡ. Mọi người tan tác như một bầy ong vỡ tổ. Trước còn rút xuống hầm, sau hầm mù mịt khói, mọi người mới chạy ra đường mương, lội ra rạch nước. Từ rạch nước chui qua những thân dừa bị chém đổ để lần ra tới dốc cầu. Nằm cả đêm ở gậm cầu đến sáng thì lại bị dồn trở lui, rồi lại bật ra, tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rên la, tiếng đạn nổ trong mùi khói khét lẹt của đan, của mìn, của từng cuộn khói đen bốc lên cao ngất chín từng mây.

Trong cơn hỗn loạn tột cùng ấy, mụ không biết đã tuột khỏi bàn tay nhỏ xíu của cái Bé từ lúc nào. Đến khi nhớ lại thì tâm trí của mụ như vừa vụt bừng tỉnh một giấc mơ dài. Mụ dùng lại kêu gào, mụ gọi tên đứa cháu gái một cách thảm thiết. Nhưng chỉ có tiếng nổ rền trời đáp lại những lời của mụ. Mụ chạy ngược trở lại. Sóng người xô mụ ngã xuống. Có một vài bàn chân đạp lên lưng mụ. Mụ đau tưởng đến ngất đi. Rồi bỗng nhiên có một người nắm lấy tay mụ xốc dậy. Mụ mang máng biết đấy là một người đàn ông. Một người đàn ông không quen thuộc. Gã xách tay mụ chạy qua những thửa ruộng lầy lội. Trên đầu là đạn bay, bốn bề là lửa đỏ. Nhưng người ấy không đi xa được hơn một trăm thước. Bàn tay đang nắm cứng lấy mụ bỗng nhiên vuột ra. Mụ trông thấy gã nằm sóng soài trên mặt bùn. Lưng áo của gã loang đầy máu đỏ. Rồi thì đoàn người lại xô tới. Xác gã đàn ông bị dẫm nát dưới những bàn chân. Mụ mê man không còn suy nghĩ được gì. Mụ lại tiếp tục chạy như một kẻ không hồn. Mụ cũng không còn kịp nhìn gã là ai, già hay trẻ, quen hay lạ, mặt mũi thế nào. Mụ chỉ dừng lại một lát sau khi nghe thấy tiếng khóc. Đấy là tiếng khóc của một đứa nhỏ trạc tuổi cái Bé. Mụ mừng rú tưởng đã gặp lại cháu mình. Nhưng bộ quần áo của nó, thân hình còm cõi, xương xẩu của nó, khiến mụ nhận ra ngay không phải là người thân. Tuy vậy, mụ cũng còn đủ ý thức để túm chặt lấy bàn tay nhỏ xíu của nó mà lôi đi. Y như thể mười lăm phút trước có một gã đàn ông đã lôi mụ đi theo cách như vậy. Đứa bé chuệnh choạng chạy theo mụ. Tiếng khóc của nó to hơn nữa, chát chúa, ồn ào, nhức buốt như tiếng động ồn ào, nhức buốt đang làm rung chuyển cả bầu trời. Mụ không nhớ là mình đã lôi kéo con bé đi được bao lâu và qua được một quãng bao xa. Nhưng mụ chỉ thấy cánh tay của mình mỗi lúc một thêm nặng chĩu và con bé bây giờ không còn chạy được. Người nó ngay đơ. Mụ mím môi lôi mạnh. Nó di động sền sệt như một khúc gỗ. Cuối cùng mụ phải cúi xuống, xốc cả thân mình gầy gò ốm yếu của nó lên vai mà chạy cho dễ dàng.

Mãi đến lúc trời tảng sáng, mụ mới biết chắc mình đã thoát khỏi vòng lửa đạn. Quay lại nhìn, xóm làng thân yêu đã xa tắp và chỉ còn là một vùng đang hắt lên nền trời một quầng mây đỏ hực. Tiếng súng nghe đã thấy ngớt và vọng ở thật xa. Mụ yên tâm đặt con bé xuống nệm cỏ. Nhưng con bé đã đeo cứng lấy mụ. Mụ giằng nó ra. Nó không tỉnh dậy. Cánh tay của nó lạnh ngắt. Nó biến thành tảng băng nặng nề treo trên cổ mụ. Mụ hoảng hồn níu lấy bàn tay của nó giằng thật mạnh. Đột nhiên mụ cảm thấy sức khỏe của mình tăng gia bội phần. Mụ lăn lộn, rẫy rụa. Mụ la. Mụ hét. Mụ đánh vật với cái xác vô tri. Mụ nghe thấy tiếng vải rách loạt xoạt. Tiếng thớ thịt chuyển vận. Tiếng xương gẫy. Và cuối cùng đứa bé nằm trên vai mụ văng ra, úp sấp trên bờ ruộng, mái tóc bê bết bùn, quần áo tơi tả, máu loang khô từng mảng chư tuyết đọng. Thế là mụ òa lên khóc. Mụ có cảm tưởng như trong phút chốc mụ đã biến thành ma quỉ. Tiếng xương gẫy ròn như rợn lên dưới  từng chân tóc, từng lỗ chân lông, và một luồng hơi lạnh lẽo như thấm vào từng làn da, thớ thịt của mụ, làm mụ cứng đơ cả thân mình. Cuối cùng mụ quỵ xuống như một khúc gỗ khô cằn, mục ruỗng.

Sau đó mụ đã nằm liệt hai tháng trời trong dẫy lều lụp xụp của trại tạm trú. Lúc ngồi dậy được thì mụ đã quên hết cả dĩ vãng. Tất cả đều tan biến vào một lớp sa mù. Mụ không biết mình đang ở đâu, đã làm những gì và vì đâu mà cuộc đời đã dẫn mụ đi tới chỗ cô đơn một mình ở đó. Mụ cố duyệt lại trí nhớ. Nhưng không một tia sáng nào chiếu rọi được vào tâm trí mù mịt như sương khói của mụ. Chỉ vào những lúc tỉnh táo nhất, là mụ thấy nhớ thằng Cu, cái Bé và đứa con dâu. Có ai đã nói là chúng nó đều bình yên. Mụ tin tưởng điều đó vững chắc như đinh đóng cột. Chúng nó chỉ lạc lõng đi đâu đó. Có người đã nói thế. Và mọi người đều đồng thanh công nhận là thế. Điều đó làm mụ thêm tin tưởng.

Không ngày nào là mụ không sửa soạn dọn dẹp nhà cửa, bầy biện chõng tre chiếu sạch để sắp xếp chỗ ngủ cho mẹ con sấp nhỏ. Thằng Cu nằm đây. Mẹ thằng Cu nằm đó. Còn cái Bé thì ra với bà. Mụ đã xếp đặt công việc nhỏ nhoi này hết ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác với một lòng kiên nhẫn không có gì lay chuyển nổi. Mụ đã nhìn vành khăn trắng của tất cả mọi người chung quanh bằng một cái nhìn khoái chí của một kẻ khỏi vòng cong đuôi. Mụ cười ngỏn ngoẻn. Tao ăn ở hiền lành. Ông trời có mắt thiệt tình. Đời nào ổng để tao phải chịu cảnh tre già khóc măng. Thế nào má con lũ nhỏ cũng bồng bế nhau về. Chúng nó lạc lõng đấy thôi. Chỉ mấy lão làm trong Ban Xã Hội là không được cái tích sự gì. Này nhé, chỉ việc thông báo đi khắp các nơi, hễ có ai là người chạy lạc thì hãy đến trại tập trung. Chỉ cần vẽ lối vào trại cho thật rõ ràng là họ kiếm tới. Có thế thôi mà nhắc bao lần mấy lão cũng vẫn thờ ơ. Hỏi đến thì cái miệng tía lia "Rồi, rồi". Tổ cha lũ xạo. Chúng nó chỉ ham nhậu nhẹt chớ có nhúc nhích cái gì đâu mà rồi rồi.

Nhưng tao sẽ chờ. Sẽ chờ hoài cho đến khi nhắm mắt. Thế nào tụi nó cũng trở về. Đây. Má thằng Cu sẽ nằm ở góc này. Thằng Cu thì nằm đó. Còn cái Bé thì ra với bà. Bà sẽ ru cháu. Cháu đừng sợ bà chứ. Bà không làm đau cháu. Không bao giờ bà làm rách áo quần của cháu. Không bao giờ bà bẻ gẫy xương tay của cháu. Cháu cứ nằm ngủ yên. Trên vai bà đây. Trên vai bà đây. Nghe cháu.


NHẬT TIẾN                  
(Trong TẶNG PHẨM CỦA DÒNG SÔNG)

 


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 43, ra ngày 18-6-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2019

MỘT CHUYẾN CÔNG TÁC XÃ HỘI - Trần thị Hậu


Tuy chưa từng được nghe và thấy tận tường những hình ảnh của cuộc chiến tranh vùng hỏa tuyến Đông Hà, Trị Thiên, An Lộc, Bình Long... nhưng qua các tin tức hình ảnh thời sự hàng ngày, với con số đồng bào tị nạn càng ngày càng gia tăng đến mức độ kinh khủng đã ảnh hưởng và có tác dụng mạnh mẽ đối với chúng tôi những người được sống yên ổn ở những miền bình yên. Người ta thường cho rằng tuổi trẻ là tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", nhưng trong chuyến công tác xã hội với phái đoàn sinh viên khoa học, tôi đã thấy tận mắt hình ảnh của những người trẻ tuổi đầy nhiệt tâm và hăng say.

Tôi được may mắn theo đoàn công tác xã hội của sinh viên Khoa học nhờ quen một anh học ở trường K.H. Địa điểm đoàn công tác xã hội sẽ đến là Bình Dương. Sáng chủ nhật đẹp trời tôi tới trường K.H. thật sớm. Tôi vẫn nơm nớp lo lắng bị "đuổi" về vì là thành phần trường ngoài. Sau khi điểm danh chúng tôi chia thành từng đội và được "chất đầy" trong 3 chiếc xe lớn bít bùng chỉ có một lỗ nhỏ hình vuông ở trên cao để... thở. Anh trưởng đoàn giải thích vì sinh viên nghèo không có tiền thuê xe có chỗ ngồi đàng hoàng, thoải mái. Các anh chị sinh viên nhìn nhau cười thông cảm và hăng hái lên xe. Tôi ngồi bó gối ở một góc xe với chị bạn mới quen được. Không một ngọn gió, không một hình ảnh hai bên đường Xe chạy, tôi có cảm tưởng như đang ngồi trên... máy bay. Lâu lâu mới được ra khỏi thành phố ồn ào, náo nhiệt tôi muốn được thở hít không khí trong lành và nhìn cảnh đẹp hai bên đường, thế mà... tiếc quá! Nếu không chừ tôi đã có một đoạn tả cảnh đường Saigon Bình Dương hẳn là... tuyệt lắm? Anh trưởng toán gây không khí hào hứng bằng cách yêu cầu các anh chị cùng vỗ tay và hát chung những bài ca hùng mạnh: "Rồi hòa bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt. Đôi chim bồ câu trắng hẹn nhau về làng xưa. Rồi hòa bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt. Đền bù ngày gian khổ hiểm nguy nơi rừng sâu. Anh em ơi cho nhau đôi tay và tim này..."

Khoảng 10 giờ xe tới Bình Dương. Tại đây chúng tôi thấy có nhiều đoàn công tác xã hội khác như Đại học Sư phạm, các trường trung học ở Sàigòn v.v... chúng tôi được biết ở Bình Dương có ba trại tạm cư chia thành nhiều khu trên một khu đất rộng lớn. Có trên 5 ngàn đồng bào chiến cuộc từ Bình Long, Chơn Thành, An Lộc về lánh cư tại đây. Những dãy nhà tôn dựng lên vội vàng làm nơi tạm cư của đồng bào. Mỗi gia đình ở trên một manh chiếu nhỏ, bên cạnh là đồ đạc gồm áo quần và các phẩm vật cứu trợ.

Anh trưởng đoàn chia công tác cho từng đội. Đội V chúng tôi đảm nhận công tác vệ sinh. Các anh tay xèng, tay cuốc bắt đầu đào những hố để chôn rác. Các chị người xách nước, người quét dọn rác rưởi xung quanh chỗ tạm cư của đồng bào. Đang làm việc bỗng một cụ già lại gần chúng tôi bảo:

- Các cậu đào cho tui một cái hầm để tui nấp. Lỡ có chuyện gì ở trong nhà chết hết mấy cậu ơi!

Tôi thấy tội nghiệp cho cụ quá! Tuổi già, sức yếu cụ vẫn chưa được yên tấm thân. Cho đến hôm nay về tạm cư ở đây cụ vẫn chưa yên lòng. Một chị hỏi:

- Thế, thưa cụ, cụ ở đâu về đây?

Cụ già có vẻ xúc động, mắt rớm lệ:

- Tôi ở Bình Long đó cô. Trên đó đánh dữ lắm. Thằng cháu tôi trúng đạn chết rồi cô ơi!

Chúng tôi chưa kịp có lời an ủi ông cụ đã quay lưng vào trong. Trong lúc chúng tôi đang làm việc thì đồng bào có "thẻ" vội vàng tới các xe của những đoàn công tác xã hội để lãnh phẩm vật cứu trợ gồm: gạo, bánh mì, sữa, xì dầu, đồ hộp... Ngoài ra còn có chiếu, ly, chén, áo quần v.v... Các nam nữ học sinh ở các trường trung học vào từng khu phát thuốc, săn sóc cho đồng bào. Đặc biệt một nhóm các anh sinh viên mở ngay một tiệm hớt tóc "bỏ túi" được các em nhỏ ở đây nhiệt liệt ủng hộ.

Trời nắng và nóng như thiêu đốt, các anh vẫn hăng hái làm việc tới 12 giờ trưa mới nghỉ tay dùng bữa trưa sau khi chôn và đốt được một số rác. Các đội chia nhau dưới mỗi gốc cây dùng cơm "tay cầm", sau đó được nghỉ ngơi tới gần 2 giờ mới tiếp tục công việc. Trong khi các đội khác nghỉ ngơi hoặc sinh hoạt với nhau, anh đội trưởng đội V dẫn chúng tôi vào một xóm cách đấy không xa lắm. Những vườn trái cây nào mít, sầu riêng, mận... với những người dân hiền lành, mộc mạc gợi trong tôi hình ảnh một quê hương thanh bình, miền quê với đồng lúa mênh mông, vườn cây sai quả tất cả đượm tình quê hương, dân tộc tôi yêu dấu. Ngôn từ nào diễn tả hết nổi ước mơ Hòa Bình của tôi?

Hết giờ nghỉ chúng tôi làm nốt công việc. Nhìn  các anh chị sinh viên hăng hái làm việc dưới trời nắng gắt tôi không khỏi khâm phục họ. Các anh, các chị không phải là những người chỉ biết sách vở. Với khối óc này, với con tim này, với đôi tay này của các anh chị đã cho tôi thấy ở các anh, các chị những tâm hồn đẹp. Hình ảnh những người trẻ tuổi hôm nay đầy nhiệt tâm, cởi mở, quảng đại, chân thành đã thắp sáng trong tôi một niềm tin rạng rỡ.

Được nghỉ một lát tôi lùi vào dãy nhà tôn gần đó để tránh bớt nắng. Hồi sáng đi vội vàng tôi quên cả chuyện đem nón. Tới đây thấy tôi làm việc "đầu trần" một bà cụ ở khu 11 đã cho tôi mượn chiếc nón thật là hên cho tôi. Nhìn những dãy nhà tôn dưới cơn nắng nóng bỏng, tôi không khỏi thương xót cho đồng bào. Nhưng với họ được một mái nhà che nắng, che mưa như ri là quý lắm rồi. Đang đứng nghĩ ngợi chợt một anh ở đội III lại gần tôi hỏi:

- Em ở đâu tới đây vậy?

Tôi đáp vội vàng:

- Tôi học ở TV...

Cho tới bây giờ đã có mặt ở Bình Dương nửa ngày tôi vẫn còn ngại mỗi khi ai hỏi tôi ở đâu mà tới đây đi? Anh nọ ngẩn người nhìn tôi rồi cười. Thì ra anh tưởng tôi là một "nạn nhân chiến cuộc" nên lại định hỏi thăm có lẽ lúc đó vì đã thấm mệt trông tôi "thiểu não" lắm nên anh mới lầm, hơn nữa vì mảnh giấy ghi tên và dấu hiệu của đoàn công tác xã hội K.H trên ngực áo tôi đã... bay mất tự lúc nào và tôi cũng hiểu lầm nốt. Tôi nghĩ giá lúc đó anh ta hỏi thêm "Ba em ở đâu? Má em còn sống hay đã mất? Em ở với ai hiện giờ?" chắc còn tức cười hơn nữa.

Lúc đó vừa nghe tin có 2 xe nước tới, các bà mẹ vội thức các con dậy và mỗi người mỗi thùng hoặc mỗi sô nhỏ chạy ra xin nước. Ở đây một giọt nước quý hơn vàng. Từ nước tắm rửa đến nước uống người ta tằn tiện từng chút một.

Xong công việc, còn sớm chúng tôi có dịp tiếp xúc và thăm hỏi các đồng bào. Ở đây phần dông là ông già, đàn bà và con nít. Ngoài ra còn một số đồng bào Thượng. Một bà đang cho con nhỏ bú niềm nở nói chuyện với chúng tôi ; bà ta kể:

- Mấy ngày chạy loạn thật khổ. Như tôi đây ba mấy đứa nhỏ chết, một bầy mười đứa con, vừa chết vừa lạc hết năm đứa lớn, còn năm đứa nhỏ đây. Thằng này là thằng út, cô coi mới mấy tháng đã bế chạy giặc rồi.

- Thế bác trai lúc trước làm gì, thưa bác?

- Hồi trước ổng đánh xe bò. Nghèo thật đó cô nhưng cũng không chật vật lắm.

Một bà cụ gần bên kể tiếp:

- Mấy cô biết không, chạy giặc gần chết mà mấy đứa con nó cứ hỏi chừng nào về nhà làm tôi thật đứt từng đoạn ruột.

Chỉ một đứa nhỏ ốm yếu nằm ngủ trên võng bà cụ kể tiếp:

- Cô coi, mới chừng này tuổi mà chạy bộ dữ lắm!

- Người Việt mình giỏi chịu đựng lắm cụ. Thiếu nhi Việt Nam mình cũng anh hùng nữa.

Khoảng 4 giờ có lệnh tập họp, chúng tôi bịn rịn từ giã đồng bào hẹn hôm khác lại thăm.

Sau khi kiểm điểm chúng tôi lại leo lên xe để trở về. Tôi lại sắp có cảm tưởng được ngồi trên... máy bay. Khi xe chạy tôi tưởng không ai còn đủ sức để hát như lúc đi. Nhưng không, các anh chị vẫn hát hùng và mạnh: "Rồi hòa bình sẽ đến, đến cho dân tộc Việt. Đôi chim bồ câu trắng hẹn nhau về làng xưa..."

Tôi ngồi dựa vào chị bạn thiu thiu ngủ. Khi các anh chị cùng hát bản "Người về thành phố" tôi biết xe đã về tới Saigon.

Một ngày công tác xã hội chấm dứt!

Hòa bình ơi! Ta mong đợi!


TRẦN THỊ HẬU     
  (Trưng Vương)      




(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 179, ra ngày 15-6-1972)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Bảy, 27 tháng 4, 2019

CHO MỘT NGƯỜI VẮNG XA - Nhã Uyên

Di ảnh anh Trang Vi (Nguồn : Nhã Uyên)



















Những lời cho anh em viết đơn sơ
Gửi người anh trai một thuở dại khờ
Gửi giọt sương mai gửi bao thương nhớ
Ở một nơi nào chìm khuất trong mơ...

Vừa mới đôi mươi anh bước vào đời
Bỏ lại phía sau sách vở một thời
Nhễ nhại mồ hôi  bao nhiêu thử thách
Số kiếp buồn đau anh bỏ cuộc chơi

Chằng biết tương lai của anh về đâu
Ngày một ngày hai em chỉ nguyện cầu
Từ dạo anh xa một thời áo trắng
Lối cũ giờ đây soi mảnh trăng sầu

Rồi ngày tháng qua nhớ tiếng anh cười
Nhớ lúc yêu đời huýt sáo vui tươi
Đôi mắt đen huyền đầy lòng trìu mến
Chẳng được bao năm một kiếp con người

                                                         Nhã Uyên

                             (Kỷ niệm anh Trang Vi : 11 Tháng 3 Năm 1975)

Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

TIM HỒNG 221 - Mt. Hoa


1___ 

Em về đây thế là được một tháng rồi đấy. Thực sự, em chả thích về đây tí nào nhưng mẹ bắt về em làm sao được? Hôm cậu Ba ra đón em khóc hết nước mắt níu tay bố:

- Bố, cho con ở lại với bố đi, con không về ngoại đâu.

Bố cúi xuống, em nhìn rõ từng nét nhăn trên trán bố:

- Con về trước với mẹ, bố cũng thu xếp để về sau chứ mình đâu có ở đây được, con.

- Bố cũng về, bố cho con lên ở với bà Nhất. Con không muốn về ngoại.

Bố chưa kịp nói gì thì mẹ đã hét:

- Con ranh con, bắt cậu đợi mãi à? Có lên xe đi không?

Bố bóp chặt tay em:

- Con phải về với mẹ không thôi bố buồn con đó.

Em cúi đầu buồn bã từ đó. Cho đến lúc về đến Saigon. Vòng tay cúi chào ngoại và các cậu, các mợ, các dì, các chú em thấy mỏi cả cổ (!). Em thấy ghét những vẻ kênh kiệu của những người em cúi chào. Em như một cái máy gật lia lịa trước mọi người. Em đã thực sự tách rời những người bên họ ngoại mất rồi. Hình như mọi người đều muốn rằng: em phải vui vẻ, phải coi như được một đặc ân khi phải dọn cả nhà về đây. Dì Út nhận xét về em:

- Cái mặt nó cứ vênh vênh lên.

Em không buồn vì câu nói và thái độ ấy, Em chỉ buồn, chỉ nhớ trường của em, các bạn của em thôi. Bố em bảo tại lộn xộn hoài nên phải về nhà ngoại. Em đâu có sợ những đêm chui hầm. Thế mà bố cứ bắt em về. Em buồn ghê gớm. Về đây, em cũng tiếp tục đi học nữa. Cái lớp học em chả ưa tí nào tuy trường lớn thật lớn. Lúc em vào lớp những khuôn mặt và ánh mắt soi mói, nhìn em. Tự nhiên em sùng sùng: Bộ tui lạ lắm sao? Nghĩ vậy rồi em hất mặt lên nhìn thẳng vào từng khuôn mặt. Ồ chả có ai em thấy mến được cả. Em lại nhớ con Thúy Hằng, con Quốc Ni. Em gọi thầm: "Quốc Ni ơi, mi đang làm gì đó, tao đang buồn kinh khủng đây!". Cô giáo cho em ngồi ngay bàn thứ ba, ở đầu bàn. Em quay sang nhìn nhỏ bên cạnh:

- Tui là Trung, Lệ Trung, còn trò tên gì?

Nhỏ e dè nhìn em rồi đáp nhỏ:

- Hồng Vân Lê Hồng Vân Trò mới vô hả?

- Ừa.

hỏi lãng xẹt. Em mới vào lớp sáng nay đó thôi. Tự nhiên em thấy hơi mến mến nhỏ này Nó có ánh mắt e dè như con Thúy Hằng, bạn em ở ngoài đó.

Đang chép thời khóa biểu, cô giáo hỏi em ở đâu về. Em đáp nhỏ "Thưa cô, ở Pleiku". Em lại thấy nhớ lũ bạn em ghê gớm Eo ơi vào đây em gặp toàn mấy soeur áo trắng mập ơi là mập ở ngoài đó ấy à. Soeur Damiel gầy gầy trắng xanh đẹp thiệt đẹp nè. Cha già Thức mập ù hay bẹo má tụi em nè Chớ đâu có giống ở trong nầy khiếp chán thấy mồ. Em thấy ghét bố em ghê (!) Khi không bố em bắt em về cái "sa mạc giữa chợ" này. Em không biết mình dùng chữ có đúng không vì em chỉ nghe chị Vũ giảng "sa mạc" là vùng đất hoang vu và "chợ" là nơi có nhiều người tụ họp lại để buôn bán. Về tới nhà, em rút lên sân thượng một mình, ở nhà đâu có ai thèm nói chuyện với em. Em có hỏi cũng chỉ để nhận những câu nói hằn học mà thôi Hôm mới về, mẹ chỉ vào em, cái con ranh này nó không chịu về đâu, nó khóc lóc mãi đấy. Ngoại nhìn em nặng nề:

- Mày về đây tao ăn thịt mày à.

Từ đó, mọi người dành cho em thái độ rất đặc biệt. Em muốn nói cho ngoại biết rằng: không phải em không muốn về là sợ ngoại ăn thịt, (sức mấy mà ngoại dám ăn thịt em, thịt người tanh lắm làm sao mà ăn) nhưng vì em không muốn xa các bạn em hội đoàn nè, Cha xứ nè và soeur Damiel đẹp thiệt đẹp thế thôi Nhưng em không được phép nói với ngoại, vì như thế là hỗn, là láo, là... đủ thứ hết, mẹ em nói mà em quên rồi. Em không biết diễn tả sao cho văn vẻ dễ đọc vì em chỉ học mới lớp Bốn hà, các bạn có đọc cũng đừng chê em viết lộn xộn nghe. Em nghĩ sao thì viết vậy thôi.


2______

Ở nhà, em sống lạnh lùng (!) giữa mọi người, đến lớp em lại phải cô độc. Các bạn ở đây khó thương ghê. Mà... làm sao ấy... Nhiều lúc em nhớ ngoài đó, em kể chuyện pháo kích, chuyện người chết vì đạn lạc... tụi nó không tin mà còn cho là em nói xạo! Tức mình em không thèm nói chuyện với tụi nó. Vậy mà không yên đâu, hồi sáng, xách cặp vào lớp em gặp 2 nhỏ Ngọc Hà với Chu thị Lý đứng dưới gốc dừa, em cười xã giao:

- Chào hai bồ Hai bồ thuộc bài chưa, trời ơi, Trung học mãi mà chả thuộc được, chắc hôm nay bị cô phạt quá.

Ngọc Hà cười rinh rích, giọng nhão nhẹt:

- Tui đâu có học bài được, tối hôm qua tui phải chui dưới "tăng xê" từ 6 giờ chiều lận mà!

Em tím mặt. Nó nhạo em đây. Hôm trước em kể chuyện cho nó nghe đây mà. Em nhìn thẳng mặt Hà, nhăn mũi xì một tiếng và vào lớp, em nghe tiếng con Lý đuổi theo sau:

- Bày đặt Xạo không à. Cứ làm như lính ấy mà kể chuyện pháo kích với chui hầm. Cái mặt nó mà nghe pháo kích cứ gọi là... ấy trong quần!

Rồi hai đứa cười rúc rích, tiếng cười đuổi theo em vào đến tận chỗ ngồi. Em gục mặt xuống bàn, buồn bã. Em xa lánh tất cả. Em lạnh lùng và hình như cái mặt em có vênh lên, bất cần nữa. Em lại nhớ Thúy Hằng, nhớ Quốc Ni, nhớ cả thằng bé Đức Quốc em nhỏ của Quốc Ni nữa Ở đây, em không tìm thấy nụ cười có răng khểnh xinh xinh của Quốc Ni Em không tìm thấy đôi mắt đen thật đen của Đức Quốc Em cũng không tìm thấy nụ cười hiền thật hiền của Thúy Hằng Em lạc lõng Em cô độc giữa những người và người.

- Chị. Chị xích vào trong cho Thanh ngồi với!

Em giật mình ngẩng đầu, trước mặt em, một "ma mới" đang ôm cặp chờ đợi thấy em ngẩng đầu, Thanh cười nhẹ:

- Cô bảo em ngồi đầu bàn này, em mới vào học sáng nay.

Nhỏ này hiền ghê! Em nghĩ như thế và xích vào trong. Cô nhìn em cười:

- Trung xích vào cho Thanh ngồi với.

Em quay sang nhỏ Thanh:

- Tên trò là Thanh hả?

- Ừa.

- Gì Thanh?

- Ngô thị Thanh Thanh.

Á Ngộ Nhỏ này có tên nghe nhẹ nhẹ làm sao ấy Em hỏi tiếp:

- Trò mấy tuổi?

- Chín. Mà... Chị hỏi nhiều thế?

Em cười:

- Tánh tui vậy đó tui là Trung Vũ thị Lệ Trung bằng tuổi với trò.

Thanh cười hồn nhiên:

- Ngồi bên chị vui ghê, Thanh cứ sợ không quen ai cả đó Hồi ở ngoài đó, Thanh đi học chung với 5 nhỏ bạn vui kinh khủng.

Em nhìn Thanh Thanh, cô bạn mới vừa nói gì vậy?

"Hồi ở ngoài đó" nghĩa là sao? Hay là...

- Thanh à, trò nói ở ngoài đó là ở đâu? Chớ không phải trò ở Sàigòn à?

- Đâu có, em mới ở Kontum về mà.

Kontum, em gật gù nhớ rồi Kontum của Thanh (!) cách Pleiku của em (!) 47 km mà Em thấy mến nhỏ này hơn chút nữa.

- Thanh Thanh nhớ Kontum không?

- Nhớ chớ, lẽ ra Thanh đâu phải về, tại trên đó lạnh nên vết thương của Thanh nó hành nhức dễ sợ mẹ mới cho Thanh về đấy chứ!

Em tròn mắt:

- Thanh bị thương à?

- Ừa Nói xong cô bé vén áo cho em xem một miếng băng lớn úp trên bụng cô bé Em lạnh người xít xoa:

- Thanh bị bao giờ? Còn đau hả?

- Miểng pháo kích đó lâu rồi mà mãi chả khỏi, cứ phải băng hoài đó.

Em nắm tay Thanh Thanh em gặp được tri kỷ rồi đây - Em linh cảm em sẽ hết cô độc. Thanh Thanh đã bị thương, Thanh Thanh còn biết cả pháo kích là gì nữa Em cười thật vui, xiết chặt tay Thanh Thanh:

- Trung cũng dân di tản nè. Thanh chơi với Trung nhé.

Em im vội tiếng cười vì cô giáo đang nhìn em.

- Chép bài đi Thanh ơi, cô nhìn đó.


Mấy nhỏ trong lớp thấy em chơi với Thanh Thanh chúng ghét ra mặt Em tự hỏi sao người ta ích kỷ thế không biết. Nhưng rồi em thản nhiên, tự nhủ chả thèm để ý đến làm gì. Những giờ ra chơi Thanh Thanh kể cho em nghe những chuyện Phương Nghĩa, chuyện Kontum của Thanh với những lần chạy... cong đuôi khi có tin báo "họ" về.

Thanh Thanh kể chuyện có duyên kinh khủng. Em cũng kể cho Thanh Thanh nghe chuyện Pleiku của em. Chuyện em chui hầm bị cô em nhốt suốt một ngày. Đủ thứ chuyện chúng em kể cho nhau nghe. Nhiều lúc em thấy Thanh giống Quốc Ni ghê gớm. Hôm nay, lúc lớp em đang chép bài thì một tiếng nổ dễ sợ làm mái tôn rung rinh và sách vở của chúng em nhảy nhổm (!) trên bàn Các bạn em ôm mặt rú lên Có đứa khóc hu hu chui xuống gầm bàn. Đứa nào đứa ấy xanh lét mặt mũi. Cô giáo thản nhiên viết bài. Em quay sang nhìn Thanh Thanh, em gặp nụ cười cố hữu:

- Chắc pháo kích, Thanh há.

- Ừa. Lâu lắm Thanh chưa nghe tiếng pháo kích.

- Trung cũng vậy đó. Nhớ mấy tiếng nổ đó ghê chứ, Thanh nhỉ?

Chúng em cười với nhau nhìn sang các bạn Xì, có chút đó mà xanh mặt xanh mũi vào Nhát hít à Đúng là một lũ... chuột nhắt (chả biết có đúng không vì em rất sợ chuột nên chả dám nhìn bao giờ để mà biết chuột nhắt là thế nào)

Tiếng Thanh nhỏ nhẹ bên tai em:

- Tụi nó sống ở đây yên ổn quá rồi nên nhát như thỏ.

Em gật đầu - Tự nhiên thấy tội nghiệp mấy nhỏ đang chui gầm bàn ghê Cám ơn trời (!) em đã sống, đã biết thế nào là giặc giã, là chiến tranh để bây giờ em bình thản trước một tiếng nổ tầm thường trong lúc lũ bạn em co rúm người vì sợ. Em nhéo tay Thanh Thanh:

- Thấy tội nghiệp tụi nó chưa kìa Thanh!

Thanh Thanh cười rúc rích. Em nhìn Thanh Thanh trân trối Em thốt gọi:

- Quốc Ni!

À! Không! Thanh Thanh chứ Chúa ơi giống Quốc Ni ghê.

Mà... đúng rồi, Thanh Thanh có nụ cười răng khểnh của Quốc Ni Dáng dấp hiền hiền của Thúy Hằng và đôi mắt đen thật đen của soeur Damiel Em bóp tay Thanh Thanh ; gọi từng tên mà em thương mến đời đời:

- Thanh Thanh! Quốc Ni! Thúy Hằng!...


Mt. HOA    


(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 221, ra ngày 1-4-1974)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2019

TÌM LẠI NGÀY HỒNG - Huỳnh Chúc


Rồi thì tất cả vẫn an bài! Không nhớ được bao nhiêu ngày tháng đã qua trong đón nhận thảng thốt, nắm níu mong manh và mỏi mòn tuyệt vọng. Chỉ biết rằng Bích Du đang ngồi đây, bên khung cửa sổ nhìn ra bầu trời vươn vươn gió.

Khoảng thời gian nào xa xưa, cũng Bích Du với khung cửa sổ, tâm tư trắng, nụ cười hồng. Và gió dù có vi vút, chỉ muốn cuốn thốc tất cả hoa lá ngoài kia cũng không đủ mang đến cảm giác tê lạnh. Bây giờ thì... Bích Du cười một mình héo úa. Đôi bàn tay gầy guộc rời bỏ thành cửa sổ đem ấp lên má vẫn không gây được một chút ấm áp nhẹ nhàng. Bởi bàn tay Du lạnh! Như ngọn gió se sắt ngoài kia, như đôi chân mất hết cảm giác này, và như những thanh sắt vô tư của chiếc xe lăn đang đỡ lấy tấm thân tội tình, héo rũ.

"Bao giờ nhỉ? Bao giờ?!" Du nghe những âm thanh khắc khoải ấy vang vọng mãi trong cùng tận tâm tư, từ sau một cơn sốt bất bình thường, những chạy chữa vô vọng. Và từ sau lúc nước mắt như không còn để khóc cho một kiếp ẩn ức, tật nguyền.

Một lần, Du đã đọc thấy ở đâu được câu: "Người ta không ai sống mà không có hy vọng". Thế nhưng hiện tại Du cảm nhận một cách rõ ràng rằng mình không còn sống để hy vọng, hoặc nuôi hy vọng để mà sống nữa. "Bao giờ! Bao giờ!" Vâng! "Bao giờ trở lại như xưa" trong ngày mới chớm mang lấy kiếp đời bất hạnh... và "bao giờ... chết?" cho ngày tháng hôm nay.

Từ khung cửa sổ này, khung cửa mà Du dán thân ở đó mỗi lúc màn đêm xuống, mỗi bận ngày hồng lên, Du nhìn bao quát ra một khoảng sân rộng. Khoảng sân thôi không còn bước chân và bàn tay Du tung tăng trên từng cành cây, từng khóm cỏ. Hoa Ngọc Lan vẫn nở, giàn Dạ Lý vẫn ngan ngát mùi hương. Nhưng đối với Du, hoa chỉ nở vô hồn theo một chu kỳ luật định. Như đôi chân Du, hiện hữu ở đó mà sinh lực đã chết tự lâu rồi!

Mỗi ngày, Du chỉ có đôi khoảnh khắc để hòa mình với gia đình. Thế mà Du hãi sợ! Du ngại ngần phải bắt gặp ánh mắt xót thương của Bố, chìu chuộng ân cần của Mẹ, thương yêu vồn vã thái quá của các chị các anh. Không ai hiểu những bữa ăn lặng câm với những hạt cơm rạc rời trong cổ họng. Du muốn buông hết bát đũa, đứng lên chạy trốn cái không khí trầm mặc e dè. Thèm vô cùng một lần từ bỏ được hết mọi sự giúp đỡ, để thôi không còn những dịu mềm ve vuốt, thôi không còn những chắc lưỡi xót xa. Nhưng ước muốn vẫn đơn thuần là ước muốn! Vì làm sao đảo lộn tất cả thực cảnh này để trả lại cho gia đình một Bích Du của khoảng thời gian xa cũ? Làm sao tạo được nguồn sinh lực cho bước chân chim lại mãi tung tăng từ gian phòng khách cho đến căn bếp cuối nhà? Và làm sao xóa mất con đường dốc mới xây ở từng bậc thềm, những khoảng sân được cẩn thận tráng nhẵn mà mục đích chỉ là cho di chuyển của Bích Du được êm đềm, không vướng víu?!...

Tiếng giày cao gót thong thả, quen thuộc rồi dáng cô Hiền hiện ra sau làn kính cửa. Buổi chiều ở đây Du có hai giờ để tiếp tục "nợ cầm thư", bên  cạnh cô Hiền. Hai giờ không dài song cũng đủ lê thê, đủ cho Du nhớ quắt quay khoảng đời thần tiên môi hồng áo trắng. Con chim nhỏ một sớm lìa đàn, tấp tểnh u buồn với đôi cánh gẫy. Sinh hoạt náo nhiệt hồn nhiên còn đó mà như đã là xa tắp mù khơi. Nên Du nhớ vô cùng những buổi học về mực tím bàn tay, có những hờn giận vu vơ với bạn bè và có những thương kính với thầy cô muôn đời tận tụy.


Ở gian phòng này, gian phòng có sự hiện diện của cô Hiền mỗi chiều với sách vở, phấn trắng bảng đen thu gọn như cuộc đời Du thu gọn vào chiếc vỏ cô độc, âm thầm bao nhiêu lần Du gục đầu vào lòng cô, lắng nghe từng phiến buồn trong tâm tư mình chùng xuống. Bất hạnh nào đổ ập vào đời Du cho một thoáng thôi mái tóc Mẹ đã bạc đi quá nửa! Vòng tay gầy guộc thương yêu làm ấm lòng con nhưng không đủ hồi sinh cho đôi chân héo hắt tật nguyền! Nên Du biết sợ phải nhìn ánh mắt Mẹ bất lực héo hon, và hình ảnh cô Hiền bỗng đi vào đời Du thiết tha từ đó.

"Hãy can đảm, nghe Du! Trong gai góc đời sống, mỗi người trách nhiệm lấy số kiếp của mình. Than van, bi lụy không làm vơi đi đau khổ, mà tiếp tục sống, tiếp tục làm việc, dù chậm chạp thiệt thua vẫn còn là cái sống hơn hẳn bình thường. Đừng "chết" trong khi tâm trí vẫn minh mẫn, hơi thở vẫn đều hoa, Du ạ!... Vâng, cô ơi! Và dù em chưa thoát được bàng hoàng cho một lần tức tưởi nhìn hoa mộng trôi đi khi tuổi đời còn xanh trên tóc. Nhịp sống chưa trở lại bình thường trong xác thân mất mát lao đao. nhưng em đã thấy ấm áp nơi bàn tay cô ve vuốt nhẹ nhàng, nước mắt thôi không còn lén lút rơi với tiếng nấc dần nén vì em còn có lời cô bên tai êm đềm mật ngọt... Một chút gì cho ngày hôm nay là đó, phải không cô?!...

Bích Du miên man, êm ả trong khoảnh khắc nhìn quả nắm cửa xoay nhẹ bởi tác động của cô Hiền. Lâu rồi, giữa không khí im vắng dằng dặc của thế giới nhỏ bé, Du quen dần với bước chân của từng người thân bắt đầu từ xa cho đến khi dừng lại trước cửa. Giá trị đích thực của mỗi sự việc chỉ được biết đến khi kiếp sống đã thua thiệt đi rồi. Thế nên, cái thời gian chờ đợi chút sống động xôn xao từ ở mọi người ban phát đối với Du trở nên vô cùng quý và cũng thật xót xa.

Cô Hiền vào, bước chân ngập ngừng ở bậc cửa và nụ cười mở ra lúng túng ngại ngần. Du lạ lùng trong mầu áo cô chiều nay nâu thẫm cũng như mái tóc không còn gọn ghẽ với dải lụa hồng phơ phất dễ thương. Đâu rồi chiếc cặp xinh xinh đầy ắp sách vở thường ngày? Bàn tay cô đong đưa chiếc giỏ mây nhỏ trông xa lạ, hờ hững như lúc cô vuốt nhẹ lên tóc Du:

- Du chờ cô không lâu chứ?

Du ấp úng:

- Vâng!... Cô...

- Cô đi đưa đám táng người thân của cô bạn. Biết rằng sẽ về muộn nên cô ghé luôn đây với Du.

Im lặng lại mơ hồ bao quanh sau tiếng ghế được cô Hiền kéo ra và cô ngồi xuống trước bàn học. Du ngơ ngẩn nhìn cử chỉ cô ve vuốt từng cánh Ngọc Lan đã bắt đầu héo rũ trong chiếc bình trắng đục đặt bên khung ảnh Du thơ trẻ tươi cười. Hình ảnh cuối đời của một kiếp hao tương phản với đường nét vui tươi trong ảnh làm cô xao xuyến?... Hay một thoáng ưu tư nào đó đã dậy lên trong lòng cô u uẩn, băn khoăn?

- Du ạ!...

Du bỗng giật mình dù tiếng cô Hiền cất lên thật nhẹ. Đôi bàn tay cô bây giờ xếp chồng lên nhau.

- Có thể ý nghĩ của cô độc đoán quá! Nhưng thật cô không thích trông thấy bàn học của Du "ngăn cách" như thế này.


Du cười buồn nhìn vu vơ lên hàng sách vở được xếp ngay ngắn choán gần hai phần ba chiếc bàn rộng. Ở đó, một bên là chỗ dành riêng cho cô Hiền và Du trong hiện tại, một bên là dấu tích quãng đời ngắn ngủi làm chim non bay nhảy trên những hoa mộng bình yên. Từ trang vở với dòng mực xinh mềm, đến quyển sách gói ghém lời giảng của thầy cô cùng những âu lo cho bao lần mải mê đùa vui quên cả học. Rồi tập lưu bút, hình ảnh, nét chữ ngây ngô của bạn bè. Những mẩu giấy xé vội vàng trong vở nháp để chuyền lời cho nhau thay tiếng nói láu lỉnh trong  giờ giáo sư nghiêm khắc. Ôi! Tất cả như những y trang, tranh cảnh nằm lặng câm trong một góc sân khấu sau giờ trình diễn, chứng kiến cảnh đời buồn tẻ bên kia, cảnh đời mà bút nghiên thôi không còn là những gần gũi thân ái. Nước mắt chảy xuống cho vơi đi một phần sầu tủi, nhưng tiếc nuối thì không cạn được bao giờ!... Thế nên có là ngăn cách không khi Du cho kỷ niệm nằm chơ vơ riêng rẽ vì ngại một lần quên tay dở đến? Có là ngăn cách không khi trên ngần ấy hiện vật hằn rõ đôi câu mà âm hưởng như một tiếng than!

"Những tình cảm nơi học đường sáng lạn
Quên làm sao, tuy dĩ vãng xa xôi rồi?"
(Thơ Lâm Ngọc Sĩ)

Một thoáng cho nụ cười mở ra gượng gạo, Du nhìn cô Hiền:

- Không có chi đâu! Du muốn xếp thế cho gọn thôi.

Cô Hiền đứng lên. Bước chân đưa cô đến gần Du hơn bên khung cửa sổ. Chút gì dịu dàng trầm ấm nơi từng nhát lược cô vờn nhẹ lên mái tóc Du hờ hững buông lơi. Mấy dải lụa rút từ trong chiếc giỏ cô mang theo biến thành đôi bướm hồng đậu trên bím tóc Du ngây thơ duyên dáng. Cô Hiền nheo mắt:

- Con gái xinh chưa này! Công chúa ấy chứ.

Du xấu hổ giấu mặt vào lòng cô:

- Ư... em thích thành bà Tiên giống cô!

Cô cười nho nhỏ:

- Bà Tiên gì nào? Tiên Lọ lem ấy hở?

Du chẩu môi:

- Không! Bà Tiên hiền hậu, chuyên ban phép lành cho thế gian ấy chứ!... Cô là Tiên nhé! Cô mang đũa thần như... chiếc lược này này! Cô cho Du hết những gì Du ao ước nghe cô!

Ánh mắt cô Hiền bỗng chĩu xuống trong giọng điệu Du láu lỉnh, rộn ràng. Con chim tật nguyền đã tạm quên mặc cảm khổ đau rồi đấy! Nhưng thời gian hạnh phúc này sẽ giữ được bao lâu?! Cô ôm lấy bờ vai đứa học trò nhỏ bé tội tình, giọng cô ngậm ngùi xa vắng:

- Ừ, cô là bà Tiên! Cô cho Du tất cả những gì Du thích và cô có. nhưng Du không nghe lời bà Tiên gì cả: Du phải thôi buồn đi, vui mà học trong những khi cô không có mặt. Một mai, cô không còn dịp để dạy dỗ Du được nữa...

Như một phiến băng nào đó tan ra và úp chụp xuống toàn thân buốt giá, Du xoay người mở to mắt nhìn cô:

- Cô... cô nói gì vậy? Sao...

Cô Hiền cười bối rối:

- Ừ thì cô là Tiên, cô phải bay về trời chứ! Ở mãi với Du rồi thành "người" mất à?

- Không! Cô dối Du! Du thấy chiều nay cô lạ lắm. Cô không thương Du! Cô...

Ngôn ngữ lấp vấp, thoát ra ở đầu môi rồi nghẹn lại. Du tưởng chừng mình đã gục vào lòng cô Hiền, khóc thật to trong linh cảm ly tan vừa òa vỡ. Và... cô Hiền sẽ vuốt nhẹ lên mớ tóc măng tơ, thật ngọt ngào mà cũng thật chắc chắn vỗ về rằng, Du chỉ nghĩ quẫn, cô sẽ ở mãi bên Du, nối tiếp thời khắc êm ả như tự ngày đầu. Nhưng... Du vẫn ngồi đó! Bờ mắt khô cứng, ráo hoảnh. Trong im vắng ngột ngạt, thật lâu mới có tiếng thở dài nhè nhẹ của cô Hiền.

- Giờ phút này, nếu cô nói rằng cô thương Du hơn cả những đứa học trò từ xưa đến nay cô đã dạy, thương Du như đứa em út bé bỏng thiệt thòi, thì... chắc là Du cũng không tin. Nhưng đành vậy! Cô chỉ có thể diễn tả như thế! Điều cô muốn nói với Du là mọi bất trắc trên đời đều có thể xảy đến cho ta, nhất là chuyện ly tan thì lại càng đến dễ dàng mà tình thương không làm sao níu được. Cô thương Du, cô lập lại như thế thêm một lần. Cô ước muốn được gần Du ít nữa là đến ngày Du lớn, đủ sức chịu đựng, đủ sức phấn đấu để đi một mình trên quãng đời còn lại lao đao. Nhưng... đôi lúc, hoàn cảnh ta không đơn thuần như lòng ta nghĩ, Du ạ!

Hy vọng mong manh cuối cùng rụng xuống để trơ lại viễn ảnh chán ngán mịt mù. Bích Du thờ thẫn:

- Thế ra... cô nói thật? Thế ra... cô cũng bỏ em, như tuổi xanh, như bạn bè, như tất cả mọi người đã rời xa em mà không có chút chi vướng bận?...


Cô Hiền lắc đầu. Bàn tay cô ve vuốt trên mái tóc Du như dịu dàng, như tha thiết hơn:

- Không! Cô không bỏ Du, và cũng không ai bỏ Du cả. Du đừng đày đọa mình, đừng mãi thui thủi sống xa cách trong lúc những người chung quanh vẫn sẵn sáng ấp ủ, chở che mình trong vòng tay nồng ấm thương yêu. Ngày mai, ngày kia cô đi, vì cô phải theo gia đình, vì hoàn cảnh cô không cho phép cô tiếp tục gần Du nữa. Nhưng cô mong rằng những cố gắng, những tin tưởng của cô về Du vẫn còn đó. Điều tàn ác nhất là làm cho tha nhân thất vọng, Du từng nói với cô nhiều lần như thế, Du nhớ không? Bây giờ... thôi! Cô sẽ đi, nhưng không phải ngay lúc này. Hôm nay không học, Du nhé! Và cô sẽ hát cho Du nghe những bài Du vẫn thích. Để mai này...

Cô Hiền bỏ dở câu nói và cô nhìn sâu vào đôi mắt Du đăm đăm hướng ra khung cửa sổ. Một chút ráng hồng chiếu thành những vệt sáng yếu ớt mệt mỏi trên những tàng cây. Trong lao xao của trời chiều, trong im vắng của gian phòng hẹp, tiếng cô Hiền cất lên, cao vút: ..."Khi nắng nhẹ vương trên lưng đồi... xa vắng miền quê bao năm rồi... về gặp em ngây thơ duyên dáng... Hôm xưa..."

*

Bích Du,

Được thư đầu tiên sau ngày cô đi đến hơn ba tháng, có lẽ Bích Du đang hờn cô vô cùng, đúng không? Nhưng... ước mong Du sẽ không hờn cô đến nỗi không thèm đọc thư, để ít nhất cô Hiền còn có dịp "nói" với Du thêm một lần, như bao ngày xưa cô từng nói và Du từng nghe vậy.

Điều đầu tiên cô muốn hỏi là: Bích Du dạo này ra sao? Du vẫn khỏe chứ? Và vẫn học đều chứ? Bỗng dưng mà cô hình dung được hình ảnh một cô bé với đôi má bầu bậu, với đôi mắt ướt nước và giọng nói trách móc buồn phiền: "Du không học nữa, không học với ai nữa! Không ai dạy Du bằng cô, không ai hiểu Du hơn cô. Cô đi rồi là Du mất!" Du ơi! Và cô cũng bỗng ao ước được thấy cô bé Bích Du trong lúc này. Ánh mắt sáng, nụ cười rạng rỡ tin yêu. Cô bé đang ngồi bên bàn học, đang thỏ thẻ từng lời chim non với cô giáo mới. Mơ ước của cô thật tầm thường và cũng có thể thật xa xôi, Du nhỉ? Nhưng dầu sao cũng là một mơ ước thật.

Bây giờ, cô đang ở cách xa Du đến hằng mấy trăm cây số ngàn, đang hít thở bầu không khí bình thường, đang làm một công việc bình thường là viết. Trong khi... cuộc sống của cô đã không còn bình thường nữa Du ạ!

Du đang ngạc nhiên đó phải không? Bây giờ cô đề nghị thế này nhé! Học trò của cô thử đoán xem cô hiện sống ở đâu nào? Bức thư cô không đề địa danh, lại chuyển tay là cô muốn đưa Du từ bỡ ngỡ này đến "khám phá" khác, như là qua phương xa của cô cho Du ấy mà!... Nhưng thôi nhé! Cô sẽ nói rõ đây để Du khỏi phải sốt ruột rồi trách "Cô giáo kỳ ghê là...!"

Bích Du ạ! Cô Hiền hiện đang sống tại Đà Nẵng, vùng đất cách xa quê hương thân yêu của cô gần 200 cây số. Quãng đường thật ra thì không dài, phải không Du? Và Quảng Trị hay Đà Nẵng thì cũng nằm vào miền Trung và trong giải đất Việt Nam bao la này. Ấy thế mà, chỉ bằng ấy khoảng cách, bằng ấy thời gian ngắn ngủi đường chim bay, cô đã phải vượt qua với những mất mát oan khổ và những thay đổi to lớn trong cuộc đời.

Cô nghĩ rằng: đứng trước cô lúc này nếu thờ ơ, Bích Du của cô chắc cũng không nhận ra một cô Hiền ngày nào. Vì cô vẫn còn nhớ lời Du nói xưa: "Ở một điểm xa tít mù, Du vẫn nhận ra cô nhờ mái tóc tha thướt, Du yêu mái tóc của cô lạ". Bây giờ cô Hiền vẫn là cô Hiền nhưng cái đặc điểm gần gũi của Du không còn nữa.

Có lẽ trong cơn cùng khổ nhất, sự tin tưởng về những gì thiêng liêng bỗng mạnh hơn bao giờ, phải không Du? Thế nên ngày chiến cuộc bùng nổ, gia đình cô dắt díu nhau đi giữa biển lửa và biển người. Trong bước chân chông chênh vô hồn, tâm tư bàng hoàng tê dại, cô chỉ nhớ là mình đã nguyện cầu thật tâm thành, thật chí thiết. Cô bằng lòng gánh chịu hết mọi bất hạnh để đổi lại sự an lành trong hôm nay cho những người thân yêu... Hình như, trong bơ vơ tuyệt vọng con người phải bám vào chút đức tin để có can đảm mà phấn đấu. Và thế nên song song với lời nguyện, cô cắt hẳn đi mái tóc dài Du ạ! Dù rằng việc làm của cô thật là tiêu cực, dù rằng Thượng Đế thì có cần chi "lễ vật" trao đổi. Nhưng cô cứ tin rằng hy sinh một chút đó gọi là hiện vật quý giá nhất mà bản thân còn sót lại sẽ khiến lời nguyện của cô bay cao, bay xa...

Nhưng... đọc đến đây Du đoán nổi sự việc không? Thông thường, không có gì êm xuôi, tốt đẹp sau mỗi chữ "nhưng" quái ác Du nhỉ?... Nhưng Thượng Đế đi vắng! Hoặc Ngài vẫn có mặt mà bất lực vì vạn lời thở than khẩn nguyện của cô và những kẻ như cô vẫn không át nổi tiếng gầm thét của bom đạn, đôi tay Ngài bao la nhưng không cứu độ nổi nghiệp chướng dằng dặc của con người. thế nên... Du ạ! Cô Hiền vẫn còn đây, thể chất an lành mà lòng thì tê dại đi bởi hai cái tang oan khổ: mẹ và em gái của cô nằm xuống bên lề cuộc chạy loạn, xác thân vùi dập vội vã bởi những người thân yêu còn phải nối tiếp quãng đường nguy khốn lao đao.

Kẻ ra đi tức tưởi không kịp hiểu tại sao mình phải chết, người sống còn mang nặng nỗi u uất là không biết quy tội tình trách nhiệm về ai? Những ngày sau đó cô tiếp tục đi, tiếp tục dìu dắt cái gia đình chút chiu đã có một khoảng trống không sao dời lấp. Cô đâm oán cuộc đời, oán Thượng Đế, oán cùng cực cái chiến tranh tàn ác phi lý này. Ngày rời bỏ hết cảnh sống đang an lành, sung túc để ra đi, cô còn nghĩ được rằng đó là một trong những thử thách to lớn mà cuộc đời bắt mình phải gánh chịu. Nhưng lúc này, cuộc thử thách nặng nề quá, sự mất mát oan uổng quá, cô nghe chừng hết mọi sức phấn đấu và tâm tư chỉ còn lại u uất, căm hờn.

Có lẽ nếu cô tả lại tỉ mỉ tất cả hoạt cảnh "đặc biệt" mà cô đã trải qua từ ấy đến giờ thì e dài dòng quá phải không? Song cô chỉ muốn tâm sự với Du, cho Du thấy những diễn biến trong tâm hồn cô qua mọi khía cạnh buồn, vui, sướng, khổ của cuộc đời. Vì Du ạ! Dù hờn căm đến cùng cực, dù đau khổ tưởng đã chín, bản năng sinh tồn cho bản thân mình và gia đình mình vẫn xui cô phải làm công việc giống như mọi người là chạy để khỏi chết. Những con đường mà cô đi qua có lẽ Du cũng đã được mục kích trên Tivi, trên báo chí, nghĩa là đâu cũng thấy xác người, xác xe. Tài sản, sinh mạng của người dân phút chốc bỗng trở nên những gì có giá trị ngang với cỏ rác. Bằng mọi phương tiện, dân tị nạn được di chuyển càng lúc càng xa nơi đạn bom khốc liệt. Mỗi một trạm dừng nghỉ là mỗi một dịp để người ta nhìn lại thực cảnh mà đau khổ, xót xa. Có những gia đình nhân số hao hụt đến gần hết. Ngược lại, có những người vừa khóc thân nhân lại vừa lo đùm bọc những đứa trẻ không ai rõ mẹ cha, gốc gác ở nơi nào. Cô không làm sao quên được hình ảnh một anh lính vụng về đút từng thìa cơm sấy cho một đứa bé độ 3 tuổi mà thoạt đầu người ta cứ ngỡ là con anh. Anh cho biết rằng anh đã bế nó từ giữa xác của những người thân nó đã gục chết theo từng loạt đạn tàn ác. Nhờ một phép nhiệm mầu nào đó nó còn sống và bây giờ có lẽ nó sẽ sống mãi trong chở che và bát ngát của tình người.


Thời gian độ hơn tuần cô và mọi người vào đến Huế. Du có thể hình dung được không? Trong những ngôi trường được dùng làm trại tạm cư mà mỗi phòng học có hơn 20 gia đình đã chia nhau để sống ở đó. Cô nghĩ: trong nỗi khổ đau đã vượt hẳn sức chịu đựng thường tình, bằng ấy mỗi người giờ này chỉ cần cất lên một tiếng gọi Thượng Đế, âm thanh cũng đủ chói buốt và bay lên mấy tầng cao. Thế nhưng, không ai làm thế cả, Du ạ! Đã qua những giờ phút và cảnh tượng kinh hoàng, trong lòng mọi người hiện tại hình như chỉ nghĩ đến sự an phận để xây đắp cho hôm nay và những ngày sắp tới. Mọi người lặng lẽ sống, lặng lẽ nhận phẩm vật cứu trợ từ những bàn tay thân ái kèm theo tiếng nói ủi an. Nước mắt chỉ âm thầm rơi khi chạnh nhớ đến thân nhân đã khốn khổ nằm xuống. Rồi thì ai nấy lại tiếp tục sống, từ những người thể chất an lành, đến những kẻ mang trong người đôi chút vết tích chiến tranh.

Cô bàng hoàng, thực sự bàng hoàng Du ạ! Sự chịu đựng của con người là một cái gì bền bỉ phi thường mà cô phải cúi đầu khâm phục. Cô như tỉnh ra với ý thức mọi khổ đau đều phát sinh từ trong nghiệp chướng dằng dặc muôn đời. Không một ai tàn ác đến nỗi ước muốn người chung quanh phải khổ lụy nhiều hơn để mình lấy đó mà so sánh, mà tự an ủi. Tuy nhiên, cô tự thấy với hai người thân nằm xuống đã yên phần, với những người còn lại đều an ổn, gia đình cô tất đã được sự ưu đãi phần nào của Thượng Đế.

Ở trại tạm cư Huế khoảng 10 ngày thì gia đình cô được một ông bác từ Đà Nẵng ra đón. Thú thật là cô đã ngậm ngùi khi phải chào từ giã những người không có một mảy may liên hệ tình  cảm nhưng gần gũi bằng cả một cảnh huống long đong. Hình như càng trui luyện trong đau khổ, con người càng cảm thấy gần nhau và tâm càng nở được nhiều đóa hoa hồng.

Bây giờ thì mọi việc đã thật tốt đẹp. Cô đã vào sống tại nhà bác, và tìm được một chỗ dạy tương đối thong thả để có thể lo xây dựng một mái ấm thứ hai. Cô cũng liên lạc được với ba cô đang chiến đấu tại Quảng Trị và mừng vô kể biết được ông vẫn an lành.

Cô quên nói cho Du nghe là ngoài Huế, Đà Nẵng cũng là nơi tiếp nhận rất nhiều đồng bào chiến nạn. Một đôi khi cô vẫn thầm ước: giá có Du ở đây, cô sẽ đưa Du đến viếng từng trại tạm cư, cho Du thấy tận tường sinh hoạt của người dân ở đó. Tóc cô vẫn chưa ra dài, Du ạ! Thế nên buồn cười nhất là những ngày đầu cô mặc áo nâu đến thăm, các cô cậu bé cứ ngỡ cô là một sư nữ. Bây giờ, nếu cô bảo rằng tình thương xưa kia cô chỉ dành cho Du, hiện tại đã được phân tán hơn, bao la hơn thì chắc Du không còn buồn và khóc hờn cô chứ? Du ạ! Cô không còn gì cả, chỉ có một tấm lòng và đôi bàn tay. Bên cạnh cô hôm nay không phải chỉ có một Bích Du thiệt thòi cần an ủi mà có đến hằng trăm ngàn Bích Du bé bỏng, bất hạnh. Tuổi thơ nào mất đi hồn nhiên, thiếu đi trong sáng cũng đều là một mất mát đáng tiếc, một thiếu vắng xót xa. Nên cô nghe lòng êm ả như như nhau khi có thể khiến trên môi Du và bao đứa trẻ đáng thương nở trọn một nụ cười. Cô thấy tâm sung sướng như nhau khi sự hiện diện của mình làm vui lòng kẻ này hay người khác. Mà đó không phải phát sinh từ lòng thương hại. Không! Cô muốn Du hiểu đó chỉ là điều hiển nhiên phải có từ trong tương quan giữa người và người.

Cô viết dài quá phải không? thôi nhé! Cô ngừng đây với niềm ước mong vẫn như tự bao giờ, là Du sẽ vui, khỏe, chăm học, ngoan. Thời gian sắp tới có thể cô sẽ có dịp vào Saigon. Hy vọng đi!... Và bây giờ thì viết thư cho cô đi, Du nhé!

Cho cô kính lời thăm gia đình..

Cô Hiền           
(Gv 2/1973)        
      
HUỲNH CHÚC (M.Y)


(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 83 và 84, ra ngày 1 và 8-4-1973)



Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com