Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

CHIẾC LỒNG ĐÈN - Thương Vũ Minh


Đêm nay là đêm trung thu. Trăng lên từ lúc nãy, tròn vành vạnh trông dễ thương ác. Hình như chị Hằng mắc cỡ lắm, nên tí xíu lại trốn vô mây. Nhưng ngại chi, miễn có chị là sướng rồi. Năm ngoái chị bị tụi con nít chọc quá trời nên thẹn thò ẩn mặt luôn. Báo hại bé chờ cả buổi rồi sùng chị quá vứt cả đèn chui vô mùng khóc. Năm ni hẳn chị ấy sợ bé rươm rướm giọt lệ nữa nên mới có 7 giờ đã vội vàng lên. Bé vui kinh khủng, mặc áo đầm hồng, đầu thắt nơ con bướm và chiếc lồng đèn cũng con bướm nốt. Ngoài sân nhà bé thì khỏi chê luôn, đèn màu buông lòa xòa trên các cành bông xanh, nhấp nháy xuống mặt bàn phủ vải hoa đầy bánh trung thu, bánh dẻo, kẹo sô cô la, kẹo trái cây vừa dòm vào đã thèm chảy nước miếng. Nhà bé trừ chị Hoa và anh Tâm ra, còn từ anh Thành trở xuống chị Tuyết chị Yến đều có lồng đèn hết. Đáng lẽ anh Thành bị miễn vì bị má gán cho cái danh là… to đầu. Má nói:

- Thằng Thành lớn rồi, 14 tuổi chứ nhỏ nhít gì mà đòi lồng đèn, từ con Tuyết trở xuống mới được.

Song nhờ ba xin cho mãi mới được đó. Lúc chiều, tụi bé đã xếp đặt một chương trình đêm nay rất vui. Hồi nãy, có một lũ nhóc con cầm lồng đèn đi qua nhà, toàn là đèn xếp, đèn bánh ú thôi chứ không có cái đèn nào như đèn bé. Bé nôn lắm, đòi đốt đèn lên ngay, song bị anh Thành nạt cho một cái mất hồn luôn. Đáng lẽ bé… nhe huyền rồi đó, may nhờ ba dỗ hông thôi…

- Thu ơi Thu. Đưa đèn đây anh thắp lên cho. Mau lên.

Tiếng anh Thành hối làm bé giật mình tỉnh… ngộ, vội xách lồng đèn chạy ra. Đèn ba người đã thắp sáng trưng treo lủng lẳng trên tường, thấy bé ra anh Thành cằn nhằn:

- Nãy thì nói, bây giờ cứ ở mãi trong đó gọi không ra.

Tính anh Thành vậy đó, khó chịu một cây, nhưng bé không giận tí nào hết, còn cười tươi như hoa nở trao đèn ra. Chị Hoa đi vào nói:

- Mau lên kìa, ba hối ngoài đó.

Bé, chị Yến, chị Tuyết tung chân chạy thi ra. Nhờ nhỏ, nên bé lách qua mấy cái ghế dễ dàng, chạy ra trước đến bên ba, được ba cho một viên sô cô la thơm phức. Ba nói:

- Bé vô kêu má ra đây. Còn anh Tâm nữa không biết đi đâu rồi.

Bé cứ loay hoay quanh bàn làm ba ngạc nhiên. Song ba chưa kịp nói gì bé đã cuỗm một viên kẹo trái cây bỏ chạy vào nhà. Suýt tí nữa đụng anh Thành đang cầm lồng đèn đi ra. Anh quát:

- Chạy gì mau vậy, tí nữa cháy đèn rồi.

Bé chu môi:

- Ba kêu kìa. Ở đó mà nói.

Xong bé chạy vụt vô nhà. Lát sau, nhà bé đã đầy đủ người trước sân. 4 cái lồng đèn treo lủng lẳng trước ngõ. Anh Thành bày tụi bé hát: “ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già, ôm một mối mơ…” ba má ngồi cười tủm tỉm, chị Hoa vừa khẽ hát theo vừa đưa tay vuốt tóc bé, êm ái ghê á. Sau đó, anh Thành đề nghị treo đèn lên bông sứ cho nó có vẻ… Trung thu. Ba vốn cưng anh – con trai út mà – nên bằng lòng gấp. Thế là anh Thành leo lên cây, còn chị Tuyết ở dưới trao đèn lên. Đèn tàu bay của anh Thành cao nhất, đến đèn cá của chị Tuyết, đèn hoa sen của chi6 Yến, tời đèn bướm, bé nhắc:

- Khéo cháy của em đó.

Chị Tuyết đưa đèn lên. Anh Thành đỡ lấy loay hoay tìm chỗ treo. Bé hơi yên lòng quay lại cầm một miếng bánh trung thu đưa lên miệng. Bỗng anh Thành hét lên một tiếng như bị rắn cắn, buông chiếc đèn bướm xuống đất. Chị Tuyết lính quính đưa tay lên đỡ, hụt. Xoạch, lửa bén vào thân bướm một cách mau chóng. Bé sững sờ 1 phút rồi òa lên khóc nức nở, miếng bánh vừa đưa lên tới miệng đã nhả ra. Chị Tuyết lại quính quíu thổi song thổi chừng nào lửa lại bén ra mau chừng đó. Ba và anh Tâm rời bàn một loạt chạy lại. Anh Tâm chu môi thổi phù một cái, tắt phụp. Anh Thành mặt tái mét leo xuống, tay vẫn còn run rẩy. Ba cười hỏi:

- Cái gì vậy Thành?

Anh Thành lấp vấp:

- Con… sâu. Nó… bò trên tay con.

Ba, má, anh Tâm, chị Hoa phá lên cười rũ rượi. Nhưng bé không cười nổi, bé khóc nức nở, tay giật cái nơ con bướm trên đầu miệng mếu máo:

- Hông biết… Đền đèn cho con, hu hu. Má ơi. Anh Thành… đền em nhanh lên, hu hu. Đèn con bướm của người ta… hu hu!...

Ba cố nén cười, xoay sang anh tâm:

- Đi mua. Tâm. Tao với mày đi mua con khác đền cho nó. Rõ xui xẻo.

Rồi ba đứng dậy, anh Tâm tìm chiếc chìa khóa xe Suzuki, khi tiếng máy xe đã xa, bé rời bàn chạy lại. Chị Yến xách cái lồng đèn cháy đưa lên cao. Bé giựt lấy, miệng vẫn mếu máo khóc, mắt nhìn chiếc lồng đèn bướm yêu quí, rồi vùng quăng nó ra xa, bù lu bù loa:

- Hông biết… cái đèn bướm của người ta… hu hu… Anh Thành đền em mau lên… hu hu… bướm ơi hu hu…


THƯƠNG VŨ MINH    


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 114, ra ngày 15-9-1969)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

TRÔNG TRĂNG NÓI CHUYỆN - Quy Diên


Tiếng Pháp là “La Lune” tiếng Anh là “the Moon” tiếng Nhật là “tsuki” tiếng ta là “trăng” hay gọi theo danh từ hán văn là “nguyệt”. Chung qui cũng chỉ là một khối vàng óng ánh, đêm đêm hội ngộ cùng nhân loại. Ấy vậy mà không ai nghĩ giống ai về mặt trăng. Bạn chỉ hỏi một người lớn và một đứa trẻ con, một thi sĩ và một nhà khoa học, một người dân nông thôn và một người thành thị, một cậu trai và một cô gái… bạn sẽ thấy cái ý niệm về trăng của họ hoàn toàn khác biệt. Kể ra cũng là một cái hay hay nên QD sẽ hướng dẫn các bạn đi vào ý nghĩ về trăng của một số người…

1. NGOẠI DIỆN

Vào những đêm 15, 16 âm lịch hay tốt nhất là đêm Trung Thu, trong lúc mọi người trong gia đình quây quần quanh đĩa bánh nướng, bánh dẻo và khay trà ướp hoa nhài, hoa sói bốc hương thơm phức ; bạn hãy chịu khó rời khỏi cảnh ấm cúng đó một chút (nếu có thèm ăn bánh thì bảo em nó để phần cho, lát ăn sau cũng ngon chán!) chúng mình đi ngắm trăng.

Thật ra trăng chẳng lạ lùng gì đối với bạn, phải không ạ? Từ thuở còn bé tí bé ti cho đến bây giờ đã bao nhiêu lần bạn trông thấy trăng rồi? Chắc nhiều quá đếm không xuể! Tuy vậy, vì bận rộn với nhiều công việc, ít khi chúng mình có thì giờ để ngắm kỹ xem trăng nó ra “nàm thao”, hôm nay mới có dịp thuận tiện đây.

Mặt trăng đang lên, vượt khỏi nóc mấy ngôi nhà cao rồi, vừa tầm mắt lắm! Hôm nay ngày rằm, trăng tròn vành vạnh và sáng rực rỡ ; tuy không đến nỗi chói lọi làm người ta khó chịu như ánh sáng mặt trời. Bây giờ với một đôi “mắt thịt” nghĩa là không nhìn qua một ống kính nào cả (tuy vậy ai cận thị cứ việc đeo kính vào, không cấm), với đôi mắt người trần mắt thịt như vậy bạn chỉ thấy trăng là một khối tròn màu vàng óng ánh như vàng diệp, phát ra những tia sáng chiếu xuống mặt đất… và chỉ vậy thôi.

Tuy nhiên, nếu bạn chịu khó một tí, nghĩa là đêm nào cũng ngắm trăng một lần, bạn sẽ thấy trăng thay đổi dung nhan luôn (chắc hẳn cô ta muốn làm dáng với người trần thế?) Trước chúng ta, các cụ ngày xưa đã chịu khó ngắm dung nhan mặt trăng vào mỗi đêm trong tháng và đã tả lại như thế này:

Mồng một lưỡi trai
Mồng hai lá lúa
Mồng ba câu liêm
Mồng bốn lưỡi liềm
Mồng năm liềm giật
Mồng sáu thật trăng
Mười rằm trăng náu
Mười sáu trăng treo
Mười bẩy sẩy giường chiếu
Mười tám trăng lẹm
Mười chin dụn dịn
Hai mươi giấc tốt
Hăm mốt nửa đêm
Hăm hai bằng đầu
Hăm ba bằng tai
Hăm bốn ở đâu
Hăm lăm ở đấy
Hăm sáu đã vậy
Hăm bảy làm sao
Hăm tám thế nào
Hăm chin thế ấy
Ba mươi không trăng.

Thật ra những câu ở trên còn thiếu sót và có vẻ lờ mờ lắm nhất là từ 24 đến 29. Bạn nào có tài thử ra ngắm trăng mỗi đêm rồi tả lại thật đầy đủ dung nhan chị Hằng vào từng đêm xem. Và dĩ nhiên khuôn mặt chị Hằng chỉ thấy vào những đêm tạnh ráo, còn nếu trời mưa thì bạn đừng nhọc công đi tìm chị ấy, chị ta sợ mưa trốn biệt mất rồi.

2. CÁI NHÌN CỦA TRẺ CON

Trẻ con thì nhiều khi chả cần biết bao giờ trăng tròn, bao giờ trăng khuyết ; bao giờ không trăng. Có biết những cái ấy cũng chẳng ích lợi gì mấy, trẻ con chỉ cần biết trên trời có một “ông trăng”, ông trăng này rất thân thiết với trẻ con, mỗi đêm đều hiện ra với trẻ con. Cứ mỗi tối ông ấy từ sau rặng tre hay bên chân đồi hoặc sau ngôi nhà cao từ từ đi lên, ấy là cuộc hội ngộ của trăng và trẻ con bắt đầu. Trẻ con mến trăng lắm, coi trăng như một ông bạn quí,  “nói chuyện” với trăng một cách rất tương đắc. Phải bảo là nói chuyện, thực vậy vì khi trẻ nhìn trăng mà ngỏ lời thì cũng cám thấy ông trăng cười và nói với mình. Ngôn ngữ trẻ dùng để nói với trăng là những bài hát. Ta hãy nghe đây:

Ông giẳng ông giăng
Xuống chơi với tôi
Có bầu có bạn
Có ván cơm xôi
Có nồi cơm nếp
Có nệp bánh chưng
Có lưng hũ rượu
Có chiếu bám đu…

Ấy, có khi trăng được trẻ mời mọc một cách vui vẻ như thế, nhưng cũng có lúc trăng bị trẻ trêu ghẹo. Chẳng hạn nó trêu  như thế này:

Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc ông cười
Mười ông mười cỗ
Đánh nhau lỗ đầu.

Bị trẻ nó trêu thật là khổ, tuy nhiên trăng chẳng giận bao giờ, vẫn đêm đêm lân la lại chơi với trẻ con. Khi trẻ con ngủ vẫn chịu khó soi sáng, vì trẻ con sợ bóng tối lắm. Quả thật trăng là một ông bạn hiền.

Ở đây xin bàn ra ngoài một chút, là cái chữ “ông giẳng ông giăng” nghe nó thân mật lắm, mà đặc biệt ở chỗ chỉ trẻ em Việt Nam mới có quyền gọi ông bạn trăng của mình bằng cái tên thân mật ấy, chứ trẻ con Pháp đâu có thể gọi ông bạn trăng là “La luỷn La luyn”, trẻ con Anh cũng không được gọi ông bạn trăng của mình là “Dơ mủn dơ mun”!

Trẻ con không những chơi với trăng thường đêm mà còn hiểu rõ được ông bạn quí của mình qua những chuyện cổ tích, như chuyện Quải, truyện Hằng Nga, Hậu Nghệ… và lạ một điều là trong những câu chuyện đó, trăng lại là những cô tiên thật đẹp. Nhưng đối với trẻ con, dù là ông trăng hay là chị Hằng thì cũng chẳng can gì, vẫn được tuốt, miễn trăng vẫn là người bạn tốt. Dĩ nhiên nói đến trăng, phải nhắc đến cả cái Club đó: Hằng Nga Thỏ Ngọc, Đa Thần và chú Cuội hay nói dối. Bởi vậy mới có nhạc sĩ đặt ra những câu hát:

Ánh trăng trắng ngà
Có cây đa to
Có thằng Cuội già
Ôm một mối mơ

Ở Âu Châu, có lẽ trẻ con đối với trăng không thân mật như trẻ con Á đông và chắc hẳn nhiều đêm trăng không được ai đoái tưởng tới, chỉ lặng lẽ nhìn những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa cũng trầm mặc như mình. Tuy vậy chắc hẳn thể nào chẳng có những cậu bé, cô bé Âu châu hằng đêm ra ngắm trăng và khen trăng sáng, trăng đẹp. Ở Âu Châu trẻ con cũng cho rằng mặt trăng là một bà chị đẹp dịu hiền, và muốn xin điều gì với chị ấy thì đợi đến nửa đêm, trong lúc mọi người đi ngủ, lén chạy ra vườn nhìn chị ấy, nói những điều mình mơ ước, nhớ là trong tay phải cầm một đồng bạc mới, thế nào chị ấy cũng ban cho những điều mình xin.

Chả biết có đúng không, nhưng thấy nó vớ vỉn làm sao ấy!

3. TRĂNG ĐỐI VỚI DÂN QUÊ

Người dân quê đây ý nói những người lớn, còn các nhóc tì thì đã nói ở đoạn trên rồi. Tuy là người lớn cả, nhưng những người ở thành thị không mấy để ý đến trăng, phải chăng những ánh đèn đô thị rực rỡ đã làm át mất ánh trăng diệu hiền? Ở thành thị người ta chỉ xem trăng để có thể biết được tối nay trời mưa hay không và bởi đó cuộc vui buổi tối của họ nên tổ chức cách nào cho hợp với thời tiết.

Với người dân quê thì khác, đối với họ trăng như một người bạn tốt luôn luôn đi sát với họ để chỉ dẫn, “mách nước” cho họ trong công việc đồng áng. Nhìn trăng người nông dân có thể biết nên gieo mạ không, có nên tát nước không. Nhìn trăng, người nông dân biết những ngày tới đây sẽ mưa, sẽ bão, sẽ hạn hán… Ta hãy xem những câu ca dao dưới đây sẽ biết mặt trăng ích lợi thế nào đối với công việc đồng áng:

- Muốn ăn lúa tháng năm trông trăng rằm tháng tám

- Giăng mờ tốt lúa nỏ
Giăng tỏ tốt lúa chiêm

- Trăng cuồng thì hạn
Trăng tán thì mưa…

Còn nhiều, còn nhiều nữa. Bởi vậy rằm tháng tám ở nhà quê trong lúc trẻ con bầy cỗ trông trăng, múa đầu sư tử, đánh trống lung bung một cách thích thú, trong lúc các cậu trai cô gái trong làng giả vờ ra vườn ngắm trăng để rồi thỉnh thoảng lại cố ý liếc nhìn nhau một cái, thì những người đứng tuổi và các cụ già ngắm trăng một cách thực sự, họ bắc ghế ngoài vườn, vừa uống trà vừa nhìn trăng rồi cùng nhau đàm đạo. Nếu trăng sáng họ sẽ bàn thế này, trăng mờ sẽ bàn thế khác, cốt sao để công việc đồng áng họ sắp thực hiện thuận với thời tiết mà trăng đã báo trước.

Ở nhà quê vào dịp ngày mùa, khi mà công việc gặt hái đã xong, tiếp đến là việc đập lúa, giã gạo. Đó thật là một công việc thích thú và đầy tính cách văn nghệ nếu được thực hiện vào những đêm trăng sáng. Kẻ hèn này kém may mắn vì được sinh trưởng ở thành thị ít được diễm phúc chứng kiến cảnh tượng đó nhưng cứ như những bạn trưởng thành ở nông thôn tả lại thì những đêm trăng như vậy quả là một dịp vui mà không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào, lúc nào. Mặt trăng tròn vành vạnh treo trên lũy tre làng giãi tỏa ánh sáng trong xanh, thứ ánh sáng mà người ta có cảm tưởng như mát mẻ, như huyền diệu. Nó là thứ ánh sáng vừa đủ cho người ta có thể trông rõ mặt nhau nhưng không sáng đến nỗi có thể nhận ra được những khuyết điểm trên mặt người khác. Bởi vậy dưới ánh sáng trăng trong dịp ngày mùa bạn có thể tin chắc mình… đẹp hơn bất cứ lúc nào! Nghĩa là tóc bạn sẽ óng ả chảy dài như dòng suối, đôi mắt bạn sẽ trong và sáng như hai vì sao, răng bạn sẽ trắng bóng và nụ cười của bạn thật là hữu duyên.

Đêm trăng ngày mùa ít người nào ở lì trong nhà, tất cả đều tụ họp nhau để làm việc tập thể, trẻ con không có công việc cũng chạy lăng xăng nô đùa cho rậm đám. Giữa tiếng giã gạo thình thịch thường xen lẫn tiếng cười đùa: tiếng cười vô tư của đám trẻ lên năm lên sáu, tiếng cười khúc khích của những cô thôn nữ vừa độ trăng tròn, tiếng cười chín chắn của những người trung niên và nụ cười thỏa mãn của những bậc lão thành khi nhìn đám con cháu vui vẻ và nhìn thấy cái kết quả đem lại do những ngày cày bừa mệt nhọc. Thỉnh thoảng trước cảnh trăng thanh gió mát, nhiều người tức cảnh sinh tình cất lên một giọng hò, một câu hát, lập tức một giọng khác phái sẽ cất lên “đáp lễ”, nghe thật là “vui ơi là vui”! Người đẹp, người vui thì cảnh cũng đẹp, cũng vui. Nhìn lên bạn sẽ thấy mặt trăng như treo vào một ngọn tre, đẹp một cách quyến rũ và nếu bạn là thi sĩ, bạn sẽ “xổ” ra một “mớ” thơ. Xung quanh bạn là cây rì rào nói chuyện, ánh trăng loang loáng chiếu trên từng chiếc là khiến bạn có cảm tưởng như chúng ướt nước ; thoang thoảng trong không gian mùi hoa khế làm ngây ngất lòng người.

Khi công việc đã xong mọi người không có thu xếp đi ngủ đâu ; trời sáng trăng mà ngủ ngay là dại. Đây mới là pha hấp dẫn: những người bạn nông thôn của chúng ta tổ chức hát, hò rất là vui vẻ. Sau bao ngày làm lụng vất vả, bây giờ mới có lúc xả hơi, bởi vậy nên ca hát lắm chứ. Những người bạn nông thôn sẽ hát để ca tụng bông lúa vàng, để ca tụng ánh trăng và để ca tụng… nhau. Những câu hát tuy đơn sơ mộc mạc nhưng có tác dụng vô cùng gợi cảm và làm… xiêu vẹo lòng người.

Không thể nào tả cho hết được cái vui của đêm trăng sáng trong làng. Bây giờ mới có bài hát “Gạo trắng trăng thanh” một bài hát “Trăng sáng trong làng”, nhưng giả thử có cả hai ba chục bài hát kiểu đó đi nữa cũng không sao nói lên cho hết cái vui, cái đẹp, cái tính cách đầy vẻ nghệ thuật và dân tộc tính của những đêm trăng sáng ở thôn quê, từ đó ta nhận ra rằng cái duyên giữa người dân nông thôn và mặt trăng tuy mộc mạc nhưng rất thắm thiết đậm đà.

4. TRĂNG VÀ THI SĨ.

Dù có nói cũng bằng thừa, ai cũng quá hiểu cái tiền duyên của trăng với các thi sĩ. Thi sĩ yêu trăng như yêu người tình và ngược lại chắc trăng cũng mến thi nhân như người tri kỷ. Phải chăng vì cái mối duyên đó mà Lý Bạch tiên sinh một đêm quá chén đã nhảy luôn xuống sông định ôm cả vầng trăng diễm lệ vào lòng cho thỏa tình hâm mộ. Đối với thi nhân, giả như ánh trăng không còn tồn tại nữa thì biết bao vị đã bẻ bút không thèm làm thơ vì cho rằng không còn cái gì đáng gọi là thơ trên cõi đời này nữa.

Thi nhân cho rằng cảnh vật thiên nhiên dù có đẹp đến đâu nếu thiếu bóng trăng cũng trở thành trơ trẽn: Cảnh núi rừng trong đêm, nếu không có bóng trăng thì còn đâu cái đẹp hùng vĩ, thẳm bí và làm sao người ta trông thấy những lùm cây đầy vẻ bí mật ; còn đâu cái đẹp của con nai vàng uống trăng bên bờ suối, còn đâu cái đẹp của chị Hằng sau ngọn núi dần dần ló dạng. Biển cả trong lúc đêm về nếu thiếu ánh trăng sẽ mất hẳn vẻ quyến rũ vì còn thấy đâu những ngọn sóng bạc đầu tung bọt trắng xóa, sẽ chẳng còn thấy bãi cát phẳng lặng với hàng phi lao rì rào trong gió, sẽ chẳng còn những gộp đá nằm phơi mình dưới ánh trăng trong. Làng quê trong lúc đêm về sẽ mất hẳn vẻ thi vị nếu thiếu ánh trăng, còn đâu cảnh vườn cây ướt ánh trăng xanh và đường làng cũng sẽ thiếu thứ ánh trăng dìu dịu soi dẫn, mùi hoa bưởi, hoa khế, hoa cau vì thế cũng mất đi phần nào hương vị.

Với thi nhân trăng không phải là một vật vô tri vô giác mà là một nàng thơ, một nàng thơ đầy vẻ quyến rũ và đầy ma lực khiến đôi khi thi nhân bị ám ảnh như điên dại. Từ Âu sang Á, đã mang phải nghiệp dĩ thi nhân thì chắc chắn thế nào cũng phải yêu trăng. Đây là một đoạn thơ tiếng Anh của P.B. Shelley:

And like a dying lady lean and pale
Who totters forth, wrap’d in a gauzy veil
Out of her chamber, led by the insome
And feeple wanderings of her fading brain,
The moon arose up in the murky east
A white and shapeless mass…

- Xanh xao gầy yếu nàng trăng
Nghiêng đi hấp hối trong màn xa thưa
Ý song hồ nhẹ cuồng đưa
Ngoài song trăng lạnh trí mờ mờ tan
Trời đông tối, bóng trăng vàng
Dáng tròn vành vạnh đã dần dần cao…

(HOÀI CHÂU thoát dịch)

Thi sĩ Âu Châu, thi sĩ Á Đông còn yêu trăng hơn nữa, và các vị này đã không ngớt làm thơ để ca tụng trăng. Bạn có muốn xem một bài thơ trăng chữ Hán không? Thì đây:

SƠN NGUYỆT

Ẩn ẩn lâm sao quýnh
Liên không hạo khí phù
Hàm sơn ngân kính khuyết
Cách vụ ngọc bàn thu
Ảnh lạc tùng quan tĩnh
Lương hồi trúc viện u
Thanh quang tùy xứ hữu
Hà tất thướng Nam lâu.

Lược dịch:

TRĂNG NÚI

Sau rừng khí sáng lên cao
Long lanh gương bạc gác vào đỉnh non
Bóng soi mát dịu tâm hồn
Lên lầu nam, lọ phải còn tốn công

(Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ trang 97 98)

Riêng các thi nhân Việt Nam cũng thế, một Tản Đà, hay gần hơn nữa: một Hàn Mặc Tử, một Bích Khê đã quá đủ để nói lên cái mối tình giữa trăng và người thi nhân nước Việt. Mời bạn hãy thưởng thức một vài đoạn thơ Trăng của Hàn Mặc Tử:

…Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rung rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm,
Cho trăng ngập, trăng dồn lên tới ngực…

H.M.T (Hồn là ai)

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng
Ta vãi tung thơ lên tận sông Hằng
Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết…

H.M.T (Phan Thiết! Phan Thiết!)

Và đây là một đoạn thơ của thi sĩ Bích Khê:

Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của gương hồ im lặng tựa bài thơ
Chân nhịp nhàng, lòng nghe hương nằng nặng
Đây bài thơ không tiếng của đêm tơ
Trăng gây vàng, vàng gây lên sắc trắng
Của thu hồn đi lạc ở trong mơ…

(Tinh Huyết trang 24)

Không thể nào nói cho hết thi hứng của thi nhân qua ánh trăng, trăng thật là nguồn thơ vô tận, một thi hứng triền miên, một nét đẹp ngây ngất hồn người. Ngay cả đám trẻ chúng ta, thi phú chẳng biết làm hoặc có làm cũng chỉ là tập tễnh, vậy mà vào một đêm vắng, một mình ngắm trăng chũng còn nẩy ra ý tưởng hay hay, tuy không thể hiện được bằng những vần thơ tuyệt tác, nhưng những ý tưởng đó, tự nó, nó vẫn rất là thơ.

5. TRĂNG DƯỚI CON MẮT NHÀ KHOA HỌC, NHÀ ĐẠO ĐỨC HỌC

Với thi nhân, trăng là một nàng tiên, một mỹ nữ, một vẻ đẹp tuyệt trần nhưng dưới con mắt nhà khoa học, trăng hiện ra với một bộ mặt khác nghĩa là một bộ mặt… sần sùi và rỗ chằng chịt vì những ngọn núi lửa. Hằng Nga đâu, cung Quảng đâu chẳng biết, nhà khoa học chỉ ra công tìm cho được bộ mặt thật của mặt trăng, một bộ mặt mà nếu Lý Bạch biết được đã chẳng công đâu nhảy xuống sông mà ôm lấy để đến nỗi chết đuối. Thật vậy chị Hằng mà các thi nhân mê đắm chỉ là một hộ tinh quay xung quanh trái đất và toàn là những cánh đồng đầy cát bụi, thỉnh thoảng nhô lên những dãy núi với đủ hình thù quái quỉ và đó đây đầy những miệng núi lửa. Công việc giúp các bạn tìm hiểu bộ mặt thật của chị Hằng, anh hà Tĩnh đã làm cách đây 2 năm (xem Tuổi Hoa số 21) Q.D chỉ nhắc lại rằng các nhà khoa học cũng bận tâm không ít vì cái “khối vàng” ấy, bao nhiêu vệ tinh, phi thuyền được chế tạo, bao nhiêu dự án, kế hoạch được soạn thảo cũng chỉ vì muốn biết rõ mặt chị Hằng.”

Trong khi nhà khoa học nhìn trăng với con mắt muốn lột trần sự thật như vậy, thì những nhà đạo đức lại khác, những vị này sau khi ngắm trăng chán mắt, mới trầm tư mặc tưởng, nghĩ ngợi liên miên. Chẳng hạn các ngài sẽ nghĩ như thế này: huyền diệu thay, cao siêu thay! Thật là trí óc con người chẳng suy cho thấu! Tại sao lại có mặt trăng soi sáng ban đêm, và tại sao trăng luôn luôn biến đổi hình dạng theo một chu kỳ nhất định. Tại sao trăng quay quanh mặt đất mà không bao giờ ngừng! Tại sao không bao giờ lại “đụng” phải một ngôi sao nào khác nhỉ !? Sau bao nhiêu những câu hỏi tại sao, các nhà đạo đức kết luận: đúng là phải có một đấng rất uy quyền sắp đặt thành vũ trụ với bao nhiêu là tinh tú, bao nhiêu là thái dương hệ. Đấng uy quyền ấy là Thượng đế, ngài đã dựng nên vạn vật, dựng nên chúng ta, bởi vậy ta có bổn phận phải tôn thờ người.

Các nhà đạo đức có cái lý của các nhà đạo đức, cái lý ấy thường ai cũng chấp nhận. Cũng vậy, nhà khoa học có cái lý của nhà khoa học, thi sĩ có cái lý của thi sĩ, trẻ con có cái lý của trẻ con, ông già có lý ông già. Đối với mặt trăng chắc hẳn những nhà địa lý lại nghĩ khác, người quân nhân chiến đấu ở tiền tuyến nghĩ khác. Tuy nhiên kẻ viết bài này không muốn trình bầy thêm những cảm nghĩ nào khác nữa, và xin kết thúc bài này ở:

TUỔI TRĂNG TRÒN

Vào đêm 16 âm lịch, trăng sẽ tròn và đẹp nhất. Những người ở lớp tuổi 16, 17 cũng có một vẻ tươi đẹp tựa như trăng mười sáu. Kẻ viết bài vốn thích những cái đẹp, vì vậy xin lạm dụng phần cuối bài này để bàn về tuổi 16.

16 tuổi? “mình đã lớn rồi!” những người 16 tuổi thốt lên lời đó với một vẻ hãnh diện. Mà đáng hãnh diện thật, vì chính ở tuổi này đây, trong lòng những cậu trai tuấn tú bắt đầu có những ý tưởng cao cả, cái ý tưởng muốn trở thành một cái gì, cái ý tưởng khinh ghét sự thấp kém và ỷ lại. Chính vì thế mà người thiếu niên 16 bắt đầu đặt cho cuộc đời mình một lý tưởng và sẽ hăng say phục vụ cái lý tưởng đó. Chẳng hạn cái lý tưởng của cậu là sẽ trở nên một nhân vật nổi tiếng trong nước, có đủ tài để giúp ích dân tộc. Để phục vụ lý tưởng đó, cậu sẽ ra sức học tập, miệt mài với sách vở, với những công thức toán, những phản ứng hóa học khô khan hoặc những bài Việt văn nhàm chán. Tuy thật ra có thể cậu không thích những môn học đó, nhưng để mai này có thể thực hiện được lý tưởng mình đã vạch sẵn, cậu đã hăng say học các môn đó với hết khả năng của mình.

Giả như cậu chỉ việc học hành và không có gì khác xảy ra thì cũng không có gì đáng nói. Đàng này, một thiếu niên 16 tuổi trong khi ra sức học hành lại phải lưu ý không ít tới những trạng thái tâm lý mới lạ vừa xuất hiện trong con người của mình. Cậu sẽ cảm thấy tự nhiên mình hóa ra nhút nhát, không còn hồn nhiên như khi còn bé nữa, mỗi khi làm một việc gì, cậu sẽ không làm tự nhiên được vì phải để ý đến cái dáng điệu cử chỉ của mình. Mặt khác người thiếu niên 16 sẽ cảm thấy gia đình hình như quá nhỏ bé, do đó cần phải tìm tới bạn bè, và trong khi giao du cùng các bạn cậu vẫn cảm thấy cô đơn và cho rằng không ai có thể hiểu nổi mình cả…

Tất nhiên ai đã qua tuổi 16, 17 đều trải qua một thời kỳ xáo trộn về tâm lý và tình cảm như vậy, và can đảm thay những người đã vượt qua thời kỳ đó mà ý chí vẫn vững vàng, vẫn theo đuổi lý tưởng của mình mà không hề rẽ ngang. Nói là can đảm, vì biết bao nhiêu người đã phải rẽ ngang và chính vì hành động đó, đã không giữ được vẻ đẹp tinh tuyền của tâm hồn 16. Có những thiếu niên đã không ấp ủ nổi những tình cảm của mình và để nó bộc phát một cách tự do và quá sớm, đó thật là một điều vô cùng đáng tiếc vì những thiếu niên đó sẽ chẳng còn đôi mắt trong sáng không một chút sầu tư để có thể thấy rõ lý tưởng cao xa của mình nữa. Tâm hồn những thiếu niên ấy luôn luôn bị xáo trộn, và đôi mắt của các cậu chỉ còn nhìn thấy những cái gì tầm thường thấp kém mà thôi.

Thật đáng tiếc nếu trong tuổi thiếu niên đôi mắt của ta đã mất vẻ trong sáng, vì theo Tihamer Toth cặp mắt trong sáng không chút sầu tư chính là một kỷ niệm của địa đàng “Thượng đế đã duy trì cho thế gian 3 kỷ niệm của địa đàng: ánh huy hoàng của tinh tú, vầng tươi tắn kiều diễm của muôn hoa và cặp mắt trong suốt của một thanh niên khiết bạch”.

Cũng vậy, các bạn gái khi đến tuổi 16 trăng tròn sẽ cảm thấy mình thay đổi. Người ta gọi tuổi 16 của các cô là tuổi mơ mộng, vì quả thật các cô rất ư là mơ mộng. Có những cô ngồi trong lớp mà lại mơ mộng những chuyện đâu đâu, giáo sư gọi tên hai ba lần mà cũng không nghe thấy ; trường hợp này đã xảy ra rất nhiều va cam đoan không phải là phịa.

Vào những đêm trăng sáng bọn con trai cùng tuổi với các cô cũng chẳng thèm để ý gì đến trăng đến sao cả, chỉ đang hùng hục học, đang vật lộn với bài toán, đang đôi co với bài Việt văn, và đến lúc mệt quá thì lăn đùng ra… ngủ. Nhưng các cô lại khác, những đêm trăng sáng hoặc nhiều sao là một dịp tốt để các cô phát triển cái khả năng mơ mộng của mình. Tuy ngồi ở bàn học nhưng các cô sẽ nhìn ra cửa sổ, các cô ngắm trăng và mơ màng đến một cái gì xa xôi đẹp đẽ và đôi khi thích thú quá lại nhe răng ra cười hoặc xụ mặt xuống theo cái điệu “tôi buồn chẳng hiểu tại sao tôi buồn”. Ngoài cái đặc tính mơ mộng, các cô đôi tám lại còn có những đặc tính sau đây: làm dáng, giận hờn vu vơ vớ vẩn, buồn vô cớ và hay khóc.

Hay e ấp là tuổi trăng 16
Hay giận hờn vì những chuyện không đâu
Buồn lắng đọng mang cả vạn nỗi sầu
Lệ hay lén dâng đầy lên khóe mắt

                       *

Tuổi 16, tuổi những nàng hay khóc
Mắt buồn mơ mi chĩu nặng trời sương
Lệ hồng rơi, tô thắm cả môi hường
Thăm thắm cả màu khăn tay trăng trắng (*)

Kể ra, tất cả những mơ mộng, làm dáng và cả giận hờn, khóc lóc nữa đều là những đặc tính đẹp cả và tôi có thể đoan chắc rằng chính vì những đặc tính ấy mà tuổi 16 có một cái đẹp riêng mà không thể có được ở những tuổi khác. Tuy nhiên cái gì chúng ta cũng chỉ nên vừa phải. Cần mơ mộng, nhưng đừng mơ mộng đến độ quên cả việc bổn phận. Nên làm dáng nhưng đừng làm dáng quá, sẽ mất nét đẹp tự nhiên mà Thượng đế đã ban cho. Lâu lâu cũng giận hờn đôi chút cho nó hay hay, nhưng đừng giận lâu quá đến nỗi làm tan vỡ cả tình bạn. Thỉnh thoảng buồn tí xíu cũng được nhưng đừng buồn nhiều sẽ già và xấu, và nếu có muốn khóc thì cứ việc… miễn là đừng khóc nhiều quá, mắt sẽ sưng đỏ, mất cả vẻ trong sáng.

Đối với những vị 16 tuổi, kẻ hèn này không muốn nói nhiều cũng như đâu dám nói nhiều, chỉ xin thêm 1 lời cuối: “dù là trai hay gái mong rằng những ai ở tuổi 16 sẽ sống cho trọn vẹn như ánh trăng tròn. Sống trọn vẹn nghĩa là để trọn vẹn tâm hồn mình cho công việc học hành, cho bổn phận hằng ngày và ấp ủ trọn vẹn mọi mơ mộng cũng như mọi ước vọng để nó như một động lực thúc đẩy mình cố gắng hầu tiến tới 1 ngày mà mình có đủ hoàn cảnh và phương tiện biến những ước vọng thành sự thực”.

Trung thu năm nay, kẻ hèn này không có bánh dẻo bánh nướng để biếu các bạn, chỉ có vài dòng chữ tầm phào này thôi, mong các bạn đọc đừng trách móc. Riêng với các bạn ở tuổi trăng tròn, mình tha thiết gửi tới các bạn những dòng chữ ở đoạn sau cùng.

Q.D.   

(*) Hai đoạn thơ trên, Q.D. đã quên mất tác giả



(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 54, ra ngày 1-10-1966)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com

Thứ Năm, 28 tháng 9, 2017

CHƯƠNG XIII, XIV, XV_SÔNG NƯỚC TIỀN GIANG


CHƯƠNG XIII


Dì Thảo tiễn đưa Thủy ra tận bến xe để nàng đi Vũng Tàu. Nghĩ đến lòng mến thương và sự giúp đỡ tận tình của dì, Thủy nói với một giọng đầy xúc động:

- Dì không khác nào một bà mẹ thứ hai của cháu. Cháu sẽ nhớ ơn trọn đời.

- Thôi, cháu cứ yên tâm ra ngoài đó. Dì không bao giờ quên cháu và dì biết ở ngoài đó cháu sẽ được an vui. Trên bước đường đời, bất cứ việc gì xảy đến, cháu cũng nên giữ vững “niềm tin”, dì chắc sau này đời sẽ mang lại cho cháu nguồn hạnh phúc xứng đáng.

Xe từ từ chuyển bánh, Thủy không cầm được giọt lệ lúc chia ly.

Chạy được nửa tiếng, xe đã tiến vào xa lộ Biên Hòa. Bữa đó là một sáng chúa nhật đẹp trời. Trên đường thiên lý, từng loạt xe cộ chạy về hướng Vũng Tàu. Phần đông là những gia đình đi hóng gió ngoài bãi biển. Xe cộ gồm đủ loại xe hơi, xe hai bánh, xe đò chở khách, nhiều xe tư gia phải kê thêm ghế phụ ở băng sau mới đủ chỗ ngồi. Lâu lâu, Thủy lại thấy một chiếc xe đã cũ chạy ì à ì ạch, vì ngoài một đại gia đình gồm từ bà nội tóc bạc phơ đến đứa cháu mới biết ngồi, trên xe còn chất thêm đồ ăn, ghế bố, nước ngọt để dùng trên bãi biển.

Những xe hai bánh đủ “mác” cũng không kém thi đua tốc lực. Nhiều xe cũng chở cả đủ mặt bầu đàn thê tử.

Các đoàn xe chạy nối đuôi nhau qua hết một thị trấn lại tới đồng ruộng hay rừng cao su. Du khách rất chú ý tới Quán Chim, Long Thành, rồi rừng Tràm ở Phước Tuy. Mọi chỗ đều nhiều vẻ quyến rũ nhưng du khách không dừng bước vì còn nóng lòng tới nơi mong đợi. Khi suối Cái và cầu Rạch Hào đã vượt qua thì thành phố Vũng Tàu xuất hiện.

Xe của Thủy chạy thẳng ra Bãi Trước. Đây là lần đầu tiên nàng thấy biển. Nàng có một cảm tưởng khoan khoái kỳ diệu, khi nàng được hít thở những làn không khí đầu tiên mằn mặn và mát dịu từ bể khơi đưa vào, và khi cảnh tượng trời cao biển rộng hiện ra trước mắt nàng như cả một khoảng tự do vô tận. Bên tai nàng, tiếng sóng rì rào nghe như một nhạc điệu ru hồn, nó át hẳn mọi âm thanh khác và nó làm nàng rung động đến tận đáy tim.

Thủy tới tiệm sách của bà Hiền vào lúc mười giờ sáng. Tiệm ở ngay gần chợ. Sau khi xem thư giới thiệu của bà Thảo, bà Hiền lộ vẻ mừng rỡ nói:

- À, tốt quá, cháu ra đây vừa đúng lúc cửa tiệm của dì đang thiếu người trông nom, nếu có cháu thì dì yên tâm hết sức. Trong thư, chị Thảo rất ca tụng các đức tính của cháu nên dì đặt hết lòng tin cậy vào cháu. Ngược lại, cháu cũng có thể coi dì như dì Thảo vậy.

- Thưa dì, cháu được dì thương mến giao phó công việc, cháu rất cảm động và cháu xin hứa sẽ không làm phụ lòng tin cậy của dì.

- Như vậy tốt lắm, bây giờ cháu mang hành lý vô nhà. Dì dành riêng cho cháu một phòng để ở.

Nói xong bà Hiền dắt Thủy vào nhà:

- Phòng của cháu đây.

- Thưa dì vâng.

Thủy thấy căn phòng thật xinh xắn, đồ đạc gọn ghẽ ngăn nắp, cửa sổ có treo chiếc màn thiên thanh trông ra một vườn hoa nho nhỏ, với những đóa hoa mầu sắc rực rỡ đang ngẩng chào ánh dương buổi sáng. Cảnh vật tựa một bức tranh đầy vẻ thái hòa này mang lại cho Thủy một niềm phấn khởi vô biên.

Từ hôm đó, Thủy nhận công việc tiệm sách. Trước kia ở nhà bà Phủ, nàng đã quen tổ chức công việc, tính toán tiền nong sổ sách, nên đối với tiệm sách này nàng không thấy gì bỡ ngỡ.

Nhờ sự vui vẻ, dịu dàng, khả ái của cô hàng tiệm mỗi ngày thêm đông khách, nhất là những ngày thứ bảy chủ nhật có nhiều du khách, phải mở cửa suốt ngày cho tới khuya.

Bù lại, tiệm đóng cửa ngày thứ hai để Thủy có thời giờ nghỉ ngơi và mua thêm hàng hóa tồn kho. Những ngày đầu tuần vắng khách, Thủy dùng thời giờ xếp đặt cửa hàng và đọc sách cổ kim.

Thỉnh thoảng, những ngày nghỉ, Thủy cùng Lan, một bé gái 12 tuổi, cháu gọi bà Hiền bằng cô, rủ nhau đi thăm thú những thắng cảnh Vũng Tàu.

Mỗi lần đi du ngoạn, Thủy lại cảm thấy tâm hồn rạt rào những xúc động kỳ diệu. Ngắm cảnh chán chê, hai cô cháu lại cùng nhau mê mải lần theo những mỏm đá, những vũng nước để bắt cua bắt cá, nhưng nhiều khi chỉ lượm được một ít vỏ trai vỏ ốc mà họ quý như những đồ châu báu, vì mầu sắc óng ánh hay hình dáng lạ lùng. Từ thuở lọt lòng, Thủy chưa bao giờ được hưởng những thú vui hồn nhiên như thế.

Cứ lần bước đi mãi, hai cô cháu chợt khám phá ra, ẩn hiện sau những mỏm đá quây lại như bức thành bao bọc, một làn nước trong vắt, như pha lê, nằm im lặng như ngủ mà một luồng ánh sáng êm dịu đang soi thấu tận đáy cát.

Để thay đổi tầm mắt, hai cô cháu leo lên những đồi cao để nhìn bao quát xuống một vùng biển bao la hơn. Khi đó, Thủy nhìn thấy một mặt biển phẳng lờ, khác hẳn một mặt biển sâu thẳm và sôi động với sóng vỗ ào ào như khi nàng đứng ngay ở bãi cát gần mặt nước.

Đi tới một mỏm núi xa, nàng thấy cảnh vật lại đổi khác. Hai cô cháu dừng chân đứng lại, dưới luồng gió mạnh từ ngoài khơi thổi vào liên miên không dứt, để theo dõi những con hải điểu tung hoành trên không trung rồi sà xuống mặt nước. Dưới chân núi, sóng dội ầm ầm như thác đổ, Thủy mê mải nhìn theo những ngọn xoáy kinh hồn, rồi lại ngước nhìn lên một ngôi đền vách trắng đứng trơ trơ trên sườn núi như muốn thi gan cùng tuế nguyệt, rồi mắt nàng lại chuyển qua một cánh buồm thấp thoáng tận chân trời.

Đứng giữa khung cảnh bao la hùng vĩ đó, nàng như bị lạc lõng giữa biên giới của đất liền, của biển cả, của trời cao. Lúc đó, nàng thấy mặt biển như một cánh đồng rộng mênh mông bằng nước, một mặt biển màu tím đã được các thi sĩ ngâm vịnh từ ngàn xưa, một mặt biển oai hùng đang cám dỗ trí mạo hiểm và những giấc mơ chinh phục trùng dương của những con người yếu đuối.

Đi mãi đã mỏi chân, hai cô cháu bèn tìm một bóng mát để nghỉ. Thủy ngồi tựa lưng vào vách đá, đôi mắt lim dim mơ mộng. Đàng xa, một con thuyền nhỏ đang bồng bềnh trên mặt sóng làm nàng liên tưởng đến cảnh ngộ của mình. Nhớ lại quãng đời ở Lái Thiêu, nàng bất giác thấy lòng mình se lại. Lúc đó, nếu có dì Thảo bên cạnh, chắc dì đã khuyên Thủy:

Thôi vương vấn chi hoài chuyện cũ, 

Mặc tình cho sóng gió nỉ non, 

Lòng tơ luống lại bồn chồn, 

Khơi dòng hoài niệm, ngừng tuôn mạch sầu.



CHƯƠNG XIV


Cuộc sống mới, với công việc đều đặn hàng ngày, với lòng thương mến của bà Hiền và của bé Lan, với những thú vui hồn nhiên, đã mang lại cho Thủy sự khuây khỏa và một niềm vui giản dị thanh cao. Dần dần, xóa nhòa trong tâm khảm của cô gái cù lao Reng.

Hai năm trôi qua... Một buổi sáng thứ ba, Thủy đang ngồi tính sổ sách, chợt một ông khách vào tiệm sách để mua hình ảnh. Sau khi lựa trên giá quay mấy tấm hình chụp phong cảnh Vũng Tàu và Long Hải, ông khách tiến đến quầy trả tiền.

Thủy đếm tiền trả lại và khi ngước lên, nàng thấy ông khách nhìn mình một cách chăm chú làm nàng phát ngượng. Ông khách bỗng cất tiếng hỏi:

- Xin lỗi cô, cô có phải là cô Thủy?

Nàng ngơ ngác đáp:

- Thưa vâng, nhưng xin lỗi, ông là ai?

- Tôi là Sơn ở Cao Lãnh.

Nàng giật bắn mình, kêu lên:

- Trời ơi! Cậu Sơn, trông cậu bây giờ khác quá, tôi không thể nào nhận ra.

- Vâng, chính cô Thủy cũng đổi khác nhiều lắm, nhưng vẫn còn giữ những nét đặc biệt mà tôi không thể quên được từ 5 năm nay, nên tôi mới nhận ra Thủy.

Rồi hai người không giấu nổi sự xúc động, không thốt được nên lời, hình như để cố ngăn những tiếng thổn thức nghẹn ngào trong cổ.

Sau một lúc lâu, nỗi xúc cảm đã nguôi nguôi, Thủy mời Sơn ngồi rồi nàng vào nhà trong lấy nước uống, luôn tiện mời bà Hiền ra để giới thiệu. Sau khi chủ khách chào hỏi, bà Hiền lui vào trong để hai người nói chuyện. Sơn bèn lên tiếng trước:

- Chắc Thủy vẫn thắc mắc không hiểu sao từ 5 năm nay tôi tuyệt âm vô tín.

- Vâng, tôi chỉ đoán chừng cậu bận học hành.

- Nếu chỉ bận học hành thì những vụ hè tôi vẫn có thể tìm đến thăm Thủy chứ.

- Cũng có lúc tôi nghĩ hoặc giả cậu đã quên con bé mọi rợ ở cù lao Reng.

- Trời ơi! Mỉa mai tệ! Chỉ khi xuống tuyền đài tôi mới có thể quên được.

- Thật vậy ư, thưa cậu? Thủy cảm động quá. Vậy nếu cậu không quên thì vì lẽ gì ạ?

- Chắc Thủy còn nhớ, năm đó, khi chúng mình chia tay, hôm sau tôi phải lên ngay Sàigòn để sửa soạn thi vào Đại Học Nông Lâm Súc. Sau đó, ba tôi đổi ý kiến và cho tôi qua ngoại quốc để học ngành bác sĩ thú y, cũng tương tự. Tôi vẫn muốn viết thư về cho Thủy, nhưng không rõ địa chỉ thế nào, mà gởi người quen thì cũng không tiện. Nay tôi đã tốt nghiệp trở về được ít ngày. Tôi ra đây vì công việc, nhân tiện nghỉ một vài tuần, sau đó tôi sẽ đi tìm Thủy. Ngờ đâu, không hẹn mà lại gặp Thủy ở đây, thật là Trời kia đã giúp tôi.

Ngưng lại để nhấp ly nước, Sơn hỏi tiếp:

- Còn Thủy thế nào? Có phải từ cù lao Reng, Thủy đã dùng con đò kỷ niệm để phiêu lưu xuôi giòng Tiền Giang, rồi vượt biển tới đổ bộ ở Vũng Tàu này phải không?

Hai người cùng cả cười.

- Cậu khôi hài quá. Chắc là cậu nhớ tới hành động dại dột của Thủy hồi đó chớ gì?

- Không những tôi nhớ mà còn phục nữa. Ấy chính là nhờ cái dại dột đó mà Thủy đã thành vị cứu tinh của tôi. Nếu không thì sao bây giờ tôi có hân hạnh ngồi đây?

- Chuyện Thủy ly kỳ lắm, kể hết cho cậu nghe thì phải mất cả ngày. Thủy chỉ xin tóm tắt.

Khi Thủy kể xong câu chuyện của nàng, Sơn không khỏi bồi hồi tấc dạ, chàng an ủi:

- Tôi thấy trong cái rủi thường có nhiều cái may. Nhưng chính sự đau khổ rèn luyện con người và giúp ta hiểu được chân lý. Thủy cũng ở trong trường hợp đó.

- Thủy không dám nhận là đã hiểu được chân lý, nhưng Thủy rất hiểu tư tưởng của cậu.

Lúc này đã gần 12 giờ trưa, Sơn cáo biệt ra về. Và từ hôm sau, hàng ngày chàng đều mang hoa lại tặng Thủy. Trong những cuộc đàm luận, chàng rất ngạc nhiên thấy Thủy hiểu biết rộng về triết lý người đời. Trong khi đang vui câu chuyện, Sơn nói:

- Chẳng dám giấu gì Thủy, có một điều tôi thấy ân hận là từ hôm gặp lại Thủy ở đây, Thủy vẫn giữ cách xưng hô từ 5 năm trước, nó có vẻ xa lạ quá đi. Vậy tôi muốn xin Thủy một ngôn từ khác được chăng?

- Xin tùy... “anh”.

- Cảm ơn Thủy lắm.

Thấm thoát, một tuần lễ trôi qua. Một hôn Sơn cho biết nhân dịp bế mạc một cuộc hội thảo ở Vũng Tàu, các sinh viên liên viện Đại Học sẽ tổ chức một buổi dạ hội văn nghệ, có mời chàng tới tham dự, vì chàng thuộc thành phần ban giảng huấn Đại Học. Chàng ngỏ lời mời Thủy cùng mình đi dự.

- Thủy rất cám ơn anh, nhưng xin anh miễn cho Thủy không thích tới những nơi đông đúc.

- Chẳng mấy khi tôi có dịp mời Thủy.

- Nhưng tôi không đi được, anh hiểu cho.

- Hay là Thủy sợ rằng mình không xinh đẹp, hoặc không ăn vận sang trọng bằng ai?

- Thế anh không biết cái căn nhà mà trong đó xưa kia tôi được nuôi dưỡng hay sao!

- Điều đó thì có gì là quan trọng.

- Tôi thấy những y phục lộng lẫy và những cử chỉ lịch sự không phải dành cho tôi.

- Trời ơi! Có phải vì thế mà Thủy e ngại thật sao?

Nàng không đáp. Sơn nói tiếp với một giọng tha thiết:

- Từ ngày tôi gặp lại Thủy ở đây, tôi có cảm tưởng rằng Thủy còn giấu tôi một điều gì về đời Thủy. Tôi đã được nghe Thủy kể lại rất dài về cuộc hành trình từ Cao Lãnh lên Lái Thiêu, về cái chết đột ngột của ba Từ, về đời sống ở Vũng Tàu này. Còn đời sống ở Lái Thiêu, Thủy chỉ kể lướt qua, mặc dầu Thủy đã ở đó được ba năm.

Thủy vẫn im lặng. Nhưng Sơn nhận thấy Thủy có vẻ bối rối nên chàng nói nho nhỏ:

- Tôi rất đau khổ khi nghĩ rằng một điều gì bí mật đã ngăn cách chúng ta. Tôi vẫn tưởng rằng Thủy tin cậy ở nơi tôi, nhưng tôi lầm. Tại sao Thủy không muốn đáp lại lời mời của tôi để đi dự buổi văn nghệ đó, nói cho tôi biết đi.

Nàng ngập ngừng một lát, rồi quay đi như có vẻ hổ thẹn, nàng kể lại cho Sơn nghe quãng đời ở Lái Thiêu, chuyện cậu Vinh, chuyện đi phù dâu, tiếp đến sự thất vọng. Nàng nói rất dài như sống lại thời gian ở Lái Thiêu. Khi kể xong nàng bưng mặt khóc.

- Anh Sơn, anh hiểu câu chuyện của tôi rồi. Tôi đã bị đau khổ nên bây giờ tôi không muốn làm gì khác một đứa con gái quê mùa, tầm thường.

- Đối với tôi cũng thế sao?

- Tôi được biết rằng tình bạn không phải là tất cả.

- Đối với cậu Vinh có lẽ đúng, nhưng còn đối với tôi?

- Có lẽ đối với anh cũng vậy, mà anh không hay biết.

- Trời ơi! Thủy làm con tim tôi đau nhói.

Chàng nói xong đứng dậy từ từ ra cửa, vì sợ ở đó không giấu được nỗi hận lòng.

Còn lại một mình, Thủy bỗng cảm thấy nỗi thất vọng tràn ngập tâm hồn, vì nàng đã làm cho Sơn mang hận. Từ trong nhà bước ra, bà Hiền thấy mắt nàng còn ngấn lệ vội hỏi:

- Cháu Thủy, có chuyện chi vậy? Sao cậu Sơn lại bỏ đi?

Nàng bèn thuật lại cuộc đối thoại vừa rồi và kể cả chuyện cậu Vinh ở Lái Thiêu.

- Tội nghiệp, chỉ vì lẽ đó mà cháu từ chối không đi dự dạ hội với cậu Sơn hay sao? Thế cháu không tin rằng cậu sẽ vui sướng và hãnh diện đến bậc nào khi có cháu đi cùng?

- Thưa dì cháu biết, nhưng cháu e ngại quá.

- Dì biết cậu ta rất quí mến cháu, quí mến một cách thật tình. Vậy cháu chẳng nên từ chối.

Nàng không đáp. Suốt cả ngày và một đêm hôm đó, nàng luôn luôn nghĩ đến Sơn, đến sự buồn phiền đã gây cho chàng. Hôm sau, khi chàng tới, nàng ra đón tiếp rất niềm nở.

- Anh Sơn, hôm qua tôi tàn nhẫn quá, anh tha lỗi cho tôi nhá. Bữa nào dạ hội, tôi sẽ đi dự cùng anh.

Chàng rất cảm động đáp:

- Thủy ơi, tôi biết rằng lòng tin cậy của Thủy sẽ trở lại.

Hai hôm sau, buổi văn nghệ được trình diễn trong một phòng rộng lớn trang hoàng lộng lẫy. Ở cuối phòng là một sân khấu, căng nỉ màu huyết dụ. Thủy cảm thấy bỡ ngỡ trong không khí tưng bừng đó, nhưng bên cạnh đã có Sơn nên nàng thấy yên dạ. Chàng nói với một giọng kiêu hãnh:

- Thủy coi kìa, mọi người đều quay nhìn Thủy, em không thấy sung sướng sao? Anh thì rất hãnh diện.

Sơn đã nói đúng. Vẻ đẹp cao quí rất khả ái của Thủy đã làm nhiều người chú ý và nhiều bà, các cô thuộc giới thượng lưu Vũng Tàu cũng mơ ước. Lúc đó, Thủy tưởng mình như đang sống trở lại bữa tiệc cưới ở Lái Thiêu, nàng tự nghĩ:

- Không, ta muốn xóa nhòa các kỷ niệm đó. Sơn không bao giờ giống Vinh.

Đôi bạn đi tới chỗ ngồi đã đành cho hai người.

- Chương trình hôm nay có gì thế anh?
Thủy hỏi.

- Anh được biết có phần trình diễn ca nhạc, rồi đến tiệc trà.

Quan khách đã tới đông đủ, nhạc hội bắt đầu khai diễn.

Thủy cảm động quá nên hình như nàng không chăm chú mấy đến các màn trình diễn. Thỉnh thoảng, nàng lại ngước mắt lên nhìn Sơn và thầm nghĩ:

“Có đúng rằng anh không giống cậu Vinh chăng? Giá như hồi trước ta không ở Lái Thiêu, thì có phải bữa nay ta được hoàn toàn sung sướng không?”

Chốc chốc Sơn cũng quay sang nhìn Thủy bằng con mắt thật dịu dàng, âu yếm, làm cho nàng thấy bối rối.

Trên sân khấu, các diễn viên với tài năng điêu luyện đã lôi cuốn khán giả qua những bài ca điệu hát lúc nghiêm trang, lúc hùng hồn, lúc đằm thắm, lúc êm dịu du dương.

Đôi bạn Sơn và Thủy có vẻ thích nhất những bài dân ca, như bài “Hát chèo thuyền” nói lên đời sống cần cù, không quản nguy nan và cái chí bất khuất của người dân Việt qua câu ca dao.

Chồng chài, vợ lưới, con câu.

Lênh đênh biển cả biết đâu bến bờ.

Khi nên tay kiếm tay cờ.

Không nên ta cũng chẳng nhờ cậy ai.

Hoặc như bài “Lý giao duyên” rất đằm thắm, lưu gót người viễn xứ bằng câu:

Tới đây thì ở lại đây.

Bao giờ bén rể xanh cây thì về.


Trong hơn một tiếng đồng hồ, đoàn văn nghệ sinh viên đã làm khán thính giả say mê, thả hồn theo những âm điệu tuyệt vời.

Tiếp theo đó là một tiệc trà. Sơn chạy ra gặp một số bạn quen, khi trở về chỗ cũ thì thấy Thủy đã biến mất. Chàng bèn đi kiếm khắp nơi trong phòng nhưng không thấy. Lo lắng, chàng tiến ra phía vườn, nhìn khắp các lối đi tranh tối tranh sáng. Chẳng thấy Thủy đâu, chàng lại trở vào phòng. Không nghi ngờ gì nữa, chàng đoán rằng Thủy khó ở nên về trước để khỏi phiền cho chàng. Chàng bèn hỏi thăm mấy anh sinh viên phụ trách trật tự ngoài cửa.

- Có, có, chúng em có thấy một cô đúng như anh tả, áo hồng, tóc bới cao, vừa ra khỏi đây độ mười lăm phút.

Sơn vội vàng ra xe về tới nhà bà Hiền thì thấy Thủy đang ngồi ở ghế mặt có vẻ nhợt nhạt. Bà Hiền ngồi bên cạnh đang khuyên giải. Sơn tưởng là nàng khó chịu bất ngờ, muốn giấu chàng nên bỏ về một cách vội vàng.

- Thủy, em làm sao vậy?

Nàng không trả lời. Sơn nhìn bà Hiền ra ý dò hỏi nhưng bà lắc đầu tỏ vẻ không biết.

- Thủy, sao đang vui em lại bỏ về? Anh có làm gì cho em phật ý không?

- Không, không.

- Vậy thì tại sao?

Mọi người im lặng. Bà Hiền đứng dậy đi vào nhà. Một ngọn đèn nhỏ soi gian phòng nên Sơn không thấy rõ mặt nàng đang cúi.

- Thủy, nói cho anh yên tâm.

- Em xin lỗi anh, đáng lẽ em không nhận đi dự dạ hội với anh mới phải.

- Sao lại lỗi em?

- Phải, lỗi em đã tin vào giấc mơ đẹp đó.

- Dầu sao em vẫn là nàng tiên của lòng anh kia mà.

- Không, anh Sơn, khi em trút bỏ bộ áo dạ hội này ra, em lại trở thành một kẻ tầm thường, mà chẳng một ai, kể cả em, biết từ đâu đến.

- Điều đó thì có quan hệ gì? Em tưởng rằng tình bạn của anh đối với em chỉ ở bộ áo mà thôi sao?

- Anh là giới thượng lưu xã hội, danh vọng có thừa, thiếu gì người ưa chuộng.

- Em nói chi lạ vậy?

- Anh biết em là một đứa con gái mọi rợ, tàn nhẫn.

- Đừng nói vậy em.

Rồi nàng sụt sùi khóc. Sơn ngồi yên lặng. Đợi cho nàng vơi bớt cơn sầu, chàng nói:

- Thủy, anh rất buồn khi thấy em tỏ ra thất vọng như thế. Nhưng tại sao em bỏ ra về, không đợi khi tiệc tàn anh sẽ nói với em một điều.

Nàng nhìn Sơn với đôi mắt dò hỏi:

- Điều gì vậy anh?

- Là ngày mốt anh sẽ về Cao Lãnh để thưa chuyện em với ba anh.

- Chuyện em?

- Anh sẽ xin phép ba anh cho anh được cùng em xây dựng hạnh phúc tương lai. Đó là điều anh muốn nói với em khi tan tiệc.

Thủy tự hỏi không biết có phải nàng đang mơ chăng? Lời Sơn nói có đúng không? Nàng nhìn Sơn rất lâu như vẫn còn nghi ngờ, rồi nàng bật khóc vì sung sướng.

Sau đó, hai người bàn tính công việc trong những ngày sắp tới. Ngày mốt thì Sơn sẽ giã từ Vũng Tàu. Một tuần sau vào ngày thứ sáu, Thủy sẽ khởi hành về Cao Lãnh, Sơn sẽ ra đón nàng ở bến xe vào lúc bốn giờ chiều. Đôi bạn sẽ tới cù lao Reng để thăm ngôi nhà cũ của ba Từ và tìm chiếc hộp bí mật. Bé Lan sẽ tạm thay Thủy để trông nom cửa hàng khi nàng đi vắng. 



CHƯƠNG XV

Tạm từ giã dì Hiền và bé Lan, Thủy cảm thấy trong lòng rất vui sướng được trở về quê cũ, nơi mà Sơn đang chờ đợi. Nhưng từ lúc bước chân lên xe, nàng lại thấy lo ngại vẩn vơ. Đành rằng Sơn không giống Vinh, đành rằng chàng đã hứa hẹn một cách rất gắn bó và Thủy rất tin tưởng nơi chàng nhưng dù sao chàng cũng hãy còn trẻ. Tại Cao Lãnh hoặc Sàigòn, thiếu gì những thiếu nữ đẹp, giàu, sẵn sàng để chàng chấm, hoặc những bà mai đến thuyết phục Ông Hội Đồng để tiến cử cô này, cô khác. Như vậy, chàng có thể quên Thủy, một cô gái nghèo, tầm thường này chăng?

Sự nghi ngờ đó đã trở lại trong đầu óc Thủy mà nàng không thể sao xua đuổi được suốt trong cuộc hành trình từ Vũng Tàu về Cao Lãnh. Mối lo ngại của nàng lại càng tăng thêm khi càng về tới gần Cao Lãnh. Đó là điều bí mật mà ba Từ đã trối trăng lại trước khi nhắm mắt. Ở Vũng Tàu, nàng cách xa cù lao Reng quá mà lại ở cạnh Sơn, nên nàng gần như quên mất điều bí mật đó. Bây giờ thì nó lại ám ảnh nàng đến nỗi nhiều lúc ngồi thiu thiu trên xe đang chạy đều đều, nàng mơ thấy những điều ghê rợn, mơ thấy nàng là con những tên trộm cướp đang bị truy nã. Có lúc nàng nghĩ: hay là mình không trở lại cù lao Reng nữa, thà mình không biết gì còn tốt hơn. Và một đôi khi xe đậu cho khách xuống, nàng thấy tâm thần khủng hoảng đến nỗi như muốn chạy trốn.

Trời đã về chiều khi những mái nhà đầu tiên của quận Cao Lãnh hiện ra. Trái tim Thủy như thắt lại. Quãng đường chót đối với nàng vừa quá dài lại vừa quá ngắn. Xe về tới bến, nàng nhìn trước nhìn sau chẳng thấy Sơn đâu. Uể oải, nàng bước xuống đứng đợi một lúc nữa. Không thấy gì, nàng bèn giao hành lý cho hãng xe giữ hộ, rồi thủng thẳng đi bộ tới bờ sông phía đầu cầu. Nàng kiếm một chiếc ghế đá để ngồi nghỉ chân. Đợi suốt một giờ nữa cũng chẳng thấy hình bóng người bạn đâu, nàng lẩm bẩm:

- Anh Sơn, lời hứa của anh đã thành vô giá trị rồi hay sao? Ồ không, em không thể tin rằng anh đã quên em.

Nàng ngồi gục mặt vào tay, khổ não. Đường phố đã vắng vẻ và mặt trăng mới lên chiếu ánh sáng vào các dãy nhà tường vôi trắng xóa. Nàng bèn đứng dậy, tiến bước lên cầu. Nàng thấy cù lao Reng như cám dỗ. Thủy, đi đâu vậy? Nàng đi tới đó để làm gì? Có phải để ngó lại căn nhà mà xưa kia nàng đã chịu khổ cực và bây giờ chẳng ai chờ đón. Phải, có lẽ thế. Nàng cảm thấy quá cô đơn. “Anh Sơn ơi, sao anh lại bỏ em?”

Như thúc đẩy bởi một sức mạnh vô hình, nàng tiến xuống cù lao Reng. Men theo bờ sông dưới ánh trăng, chẳng mấy lúc nàng đã nom thấy ngôi nhà của bà Từ. Ồ, không, nàng sẽ không vào ngôi nhà đó vì nàng không muốn gặp lại những người xưa kia đã làm nàng đau khổ. Tuy nhiên, nàng vẫn tiến bước lại gần. Ngôi nhà có vẻ vắng lặng.

“Ba Từ ơi! sao ba không có ở đó để đón tiếp sự sầu muộn này của con?”

Nàng chỉ còn cách cửa nhà vài bước. Sao cửa lại mở hé? Nàng đẩy cửa nhìn vào thấy trong nhà trống rỗng, không bàn ghế giường tủ. Nàng tiến vào phía trong, các phòng cũng vắng ngắt. Có lẽ bác Từ gái vì mấy người con đã bỏ đi nơi khác để sinh sống. Quang cảnh hoang tàn này làm cho nàng xót xa tấc dạ.

Nàng đứng lặng một lúc lâu tại chỗ quen thuộc xưa kia ba Từ hay ngồi, rồi nàng quỳ xuống chắp tay lâm râm khấn vái: “Ba Từ ơi! Lòng con đang tan nát, lúc này hơn lúc nào hết, con cần sự phù hộ của ba. Từ dưới lòng đất, ba cho con biết bây giờ con phải làm gì để bớt đau khổ”.

Bỗng nhiên nàng nhớ đến những lời trối trăng của ba Từ, đến điều bí mật quan hệ mà ba không thốt được nên lời.

“Cây đa to nàng nói cây đa to vẫn còn kia. Bây giờ thì ta còn e sợ gì, trong sự đau khổ tột độ này nữa”.

Trên hòn đảo, ánh trăng rải rác đó đây. Bên bờ sông vắng, một hàng cây đa um tùm che rợp hết lối đi. Như một người mộng du, nàng tiến thẳng đến một cây to nhất. Cây đa này đã già, gốc lớn đến vài ôm. Run rẩy, nàng đứng nhìn một hồi lâu trước khi dám đụng tay vì sợ rằng những điều khủng khiếp sẽ được phơi bày ra. Nhưng còn có gì có thể xảy ra mà khủng khiếp hơn sự phản bội của Sơn nữa.

Bỗng cách mặt đất độ hai thước, nàng thấy một hốc tối om trong thân cây xù xì. Nàng kiễng chân thò tay vào hốc. Chẳng có gì. Cái hốc có vẻ như còn ăn sâu vào thân cây và thông xuống tới gốc. Nàng bèn ngồi xuống. Những cái rễ lớn, bị trơ ra vì trận lụt vừa qua, nằm chằng chịt trên mặt đất. Bỗng giữa đám rễ đó, hình như ăn thông với cái hốc bên trên. Tay run rẩy, nàng bới bới và lôi ra những lá mục với đất ẩm.

Đột nhiên, tay nàng đụng phải một vật gì cứng có đất bao quanh. Nàng bèn lôi nó ra và chạy như người điên xuống mé sông. Sau khi rửa sạch đất, nàng thấy một chiếc hộp bạc nhỏ lộ ra. Nàng định mở, xong lại thôi. Ngắm nhìn chiếc hộp, nàng tự nghĩ:

“Vật gì ở trong hộp này chỉ có thể cho ta biết những điều đau đớn. Tại sao cha mẹ ta lại bỏ ta từ mười bảy năm trước, nếu người không phải là những kẻ cùng cực”.

Trong khi nàng do dự, bỗng có tiếng chân chạy làm nàng giật mình. Ngoảnh lại, nàng thấy một bóng người chạy tới. Nàng sợ sệt, giấu chiếc hộp vào xách tay và đứng nép người sau một bụi cây. Nhưng quá trễ, người kia đã chạy tới và gọi:

- Thủy, Thủy, em làm gì ở đây?

Nhận ra là tiếng gọi của Sơn, nàng vùng vằng quay đi:

- Thôi, anh đi đi, anh đã dối tôi. Thà anh để tôi chết một mình ở đây còn hơn.

Rồi nàng vùng chạy trốn. Sơn chạy theo:

- Thủy nghe anh nói đã.

- Tôi không muốn nghe gì nữa.

Sơn bèn nắm lấy hai tay Thủy giữ lại. Nàng cố vùng ra, nhưng rồi nàng phải chịu thua trước hai cánh tay rắn chắc và vẻ mặt quá lo lắng của chàng. Thủy đành bỏ cuộc và bật khóc.

- Thủy! Chàng nói em tha lỗi cho anh vì không có mặt ở bến xe khi em tới lúc chiều. Nếu em biết rằng anh đã mong đợi em như thế nào!Nhưng rủi trưa nay nhận được tin cấp báo, anh phải xuống gấp trại chăn nuôi gia súc của chú anh ở cách đây chục cây số để chữa cho thú vật đang bị bệnh dịch sát hại. Công việc quá nhiều nên anh về trễ mất vài tiếng đồng hồ. Bây giờ thì anh có thể báo tin mừng cho em hay rằng ba đã chấp thuận cho chúng ta xây lâu đài hạnh phúc sau này.

Thủy đã nghe rõ, nhưng nàng còn chưa nguôi được nỗi sầu bi. Đôi bạn ngồi im lặng một lúc lâu. Dần dần, Thủy vơi bớt được cơn sầu, nàng nói:

- Anh Sơn! Anh tha lỗi cho em đã nghi ngờ anh. Trong mấy ngày qua em đã suy nghĩ đường kia nỗi nọ nên em lo sợ.

- Thế bây giờ em yên tâm rồi chứ?

Nàng thở dài đáp:

- Em chỉ lo rằng một ngày kia anh sẽ hối tiếc lời hứa của anh. Thế anh có chắc sau này không bao giờ anh buồn phiền về sự bí mật bao phủ cuộc đời em không?

- Thủy, anh thương em trong tình trạng hiện tại và sau này không có gì có thể làm thay đổi lòng anh được.

- Nhưng em nghĩ đến tương lai, khi chung sống dưới mái nhà của anh, sẽ còn có họ hàng thân thích, bạn bè.

- Em sợ rằng anh sẽ hổ thẹn vì em sao?

- Em không rõ nữa... có lẽ vậy?

- Ồ! Không đời nào!

Hai người im lặng. Thủy vẫn như còn băn khoăn, day dứt. Bỗng nàng mở chiếc xách tay rút ra chiếc hộp bạc.

- Cái chi vậy? Sơn vội hỏi.

- Ba Từ đã nói với em cái hộp này chứa đựng tất cả sự bí mật về cuộc đời em. Vì muốn khám phá ra điều đó nên em mới trở lại cù lao tối nay. Em chưa dám mở.

- Nhưng bây giờ đã có anh bên cạnh em.

- Em lại càng sợ hơn.

- Không, dù chiếc hộp này có chứa đựng vật gì đi nữa thì cũng không có gì thay đổi.

- Ngộ nó chứng tỏ em là con một tên trộm cướp và một mụ đàn bà trắc nết cũng vậy chứ?

- Sự lựa chọn của anh là vĩnh viễn rồi em ạ.

Chàng kéo Thủy ra gần bờ sông để có ánh trăng sáng hơn.

- Em đưa anh coi chiếc hộp nào.

Chàng cầm lấy và ngắm nghía rất lâu, rồi lấy con dao trong túi ra cạo cạo trên nắp hộp.

- Này em coi, có chữ viết trên nắp hộp.

Rồi chàng cố nhìn mãi mới đọc được:

“Chỉ mở khi nào Thủy mười sáu tuổi”.

- À! Nàng thở dài bây giờ em mới biết tại sao ba Từ không nói gì cả. Trời ơi! Sao ba cẩn thận quá vậy?

Với mũi dao, Sơn loay hoay một lúc, nắp hộp mới bật ra. Bên trong có một tờ giấy cuộn cẩn thận, chữ viết không đều đặn nhưng cũng dễ đọc. Thủy thấy tim mình đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Soi tờ giấy dưới ánh trăng, Sơn đọc:

“Con ơi, má xin Đức Mẹ tha tội cho má vì đã bỏ con như thế này khi má hấp hối sắp lìa trần. Má đành tâm hành động như vậy, chỉ cốt để cứu sống lấy mạng của con. Thủy! Con nên biết rằng ba của con là kỹ sư Hoàng Đức Tuấn, quê quán ở Cần Thơ, nhưng ba chưa hề biết mặt con, vì ba đã nhắm mắt trước khi con ra chào đời. Con là con duy nhất của ba má. Trước khi chết, ba đã làm chúc thư cho con thừa hưởng cái gia tài rất vĩ đại của ba để lại. Khi con mới sanh ra, nhiều kẻ muốn hãm hại con để chiếm đoạt gia tài. Hai lần, những bàn tay khát máu đã muốn đầu độc con ngay trong nôi. Vì vậy, mẹ con ta phải tạm lánh nạn lên Cao Lãnh. Chẳng ngờ hôm nay, tự dưng má mang bạo bệnh. Trong giờ phút này, má cảm thấy kiệt sức và biết rằng má phải lìa bỏ con mãi mãi. Má đã nhờ cha sở giấu con thật lâu để con được an ninh. Vì thế má đã tỏ bày ý nguyện gởi con vào một gia đình thường dân nhưng lương thiện. Má tin cậy tất cả nơi cha sở. Nếu bức thư này đến tay con khi con được mười sáu tuổi như má mong mỏi, con sẽ biết rõ sự thực và con sẽ đủ sức tự vệ đối với những kẻ còn muốn hãm hại con.

Thôi, vĩnh biệt con. Má cầu chúc cho con luôn luôn dịu dàng hiền hậu và xin Chúa ban phước lành cho con.”

Thủy vừa nghe vừa nín thở. Khi Sơn đọc hết câu cuối cùng, nàng thở phào nhẹ nhõm như trút hết được gánh nặng đang đè áp con tim. Thảng thốt, nàng nghĩ đến người mẹ hiền đã phải gạt lệ bỏ nàng để cứu mạng cho nàng. Bây giờ, nàng không phải là một đứa con rơi, mà nàng đã có một người mẹ thương nàng bằng một tình thương tuyệt đối. Và bây giờ, bên cạnh nàng, nàng đã có Sơn là người đã dành cho nàng tất cả mối tình chân thật, bất diệt. Cách đây mấy tiếng, khi nàng mới tới bến xe thì tưởng chừng như nàng mất tất cả. Bây giờ thì tất cả đã trở thành thắm tươi, rực rỡ như một đóa hoa đang nở trong ánh bình minh tươi sáng.

- Anh Sơn ơi! Thật là thần tiên, em không tin được nguồn hạnh phúc như thế này! Em tự thấy không xứng đáng với hạnh phúc đó, không xứng đáng làm người bạn đường của anh, vì nhiều lúc em đã tàn nhẫn và quá nghi ngờ.

Sơn cầm tay Thủy và cười âu yếm:

- Nàng tiên của anh! Em không tàn nhẫn chút nào cả, đó chỉ vì em đã bị đau khổ quá nhiều. Còn bây giờ thì hết rồi phải không em?

- Vâng, anh Sơn, em sẽ dịu dàng hiền hậu như má em mong mỏi.

Rồi đôi uyên ương sánh bước đi về dưới ánh trăng sao vằng vặc của một đêm đẹp trời trên cù lao Reng....



THÙY HƯƠNG