Thứ Ba, 28 tháng 2, 2023

CON CÁ VÀNG - Lan Đài

  


Một ông già đánh cá sống với vợ hơn ba mươi năm dư trong một túp lều tranh ven biển.

Hôm nay quăng lưới, lúc kéo lên, ông già chỉ gỡ ở lưới ra một con cá nhỏ... nhưng là một con cá vàng, con cá vàng rực.

Ông vội vàng cho con cá vào cái thúng thì hay quá! Con cá nói được tiếng người. Nó van xin:

- Ông già ơi, tôi van ông, ông đừng bỏ tôi trong thúng, ông hãy trả tôi lại cho biển cả đi. Tôi chỉ sung sướng khi nào được tự do bơi lội trong biển cả mênh mông mà thôi.

Trong ba mươi năm làm nghề chài lưới, ông già chưa bao giờ nghe cá nói chuyện. Thế nên ông ngạc nhiên đến kinh sợ, trả lời:

- Cá vàng ơi, ta sẽ bỏ mi xuống biển. Ta không làm trái ý mi đâu.

- Ông trả lại tự do cho tôi, ông sẽ được tôi tạ ơn cho ông. Ông muốn gì, ông cứ nói đi, tôi sẵn lòng.

- Ta không muốn gì hết.

Rồi ông bỏ cá xuống biển rộng. Xong ông vội vàng kéo dây, cho thuyền lên bãi cát, chạy nhanh về nhà.

Bà vợ thấy ông về, vội hỏi:

- Hôm nay ông lưới có nhiều cá không?

- Chẳng có chi cho bà kho nấu cả. Tôi chỉ có được một con cá vàng biết nói. nó quá van xin tôi trả nó về với biển cả và nó cũng muốn biếu tôi một món quà. Tôi muốn gì nó cũng cho miễn là tôi tha cho nó.

- Ông xin nó thứ gì hở ông?

- Tôi chẳng xin gì hết bà ạ.

- Chèn ơi, ông già ngốc đế! Ít nhất ông cũng xin nó một cái nhà thiệt mới để thế cho túp lều của mình.

Ông già đánh cá chạy ra bờ biển. Sóng biển vui đùa trên cát trắng. Ông gọi to:

- Cá vàng ơi! Cá vàng ơi! 

Thình lình con cá vàng trồi lên mặt nước:

- Tôi đây này. Ông già ơi, ông muốn tôi giúp ông cái gì?

- Riêng ta, ta không cần gì cả. Nhưng bà vợ ta, bả rầy ta, bả muốn có một tòa nhà để vui sống.

- Ông già yên tâm. Được, ông sẽ có một tòa lâu đài, ông về đi.

Ông già đánh cá quay về nhà. Đến nơi ông không còn thấy túp lều đâu nữa. Ông thấy một tòa lâu đài tuyệt đẹp sơn son thiếp vàng. Trong nhà có những căn phòng lộng lẫy, bàn ghế toàn bằng gỗ quí giá. Ông già vui mừng nhảy nhót. Ở trên lầu còn có một lan can ngó ra biển cả. Sướng chưa? Bà già đang ngồi ở lan can ngắm trời xanh nước biếc.

Thấy ông già về tới, bà nổi giận đùng đùng:

- Ngu như lừa! Đồ điên! Đồ khùng! Đã có tòa lâu đài như vậy mà để ta như vầy sao? Chạy ra gọi con cá, chào mừng nó, nói với nó là ta muốn trở thành một bà hoàng cao quý hơn hết thảy mọi người. Ngươi ra ngoài biển nói như thế.

Ông run run quay ra bờ biển. Lúc này mặt biển xám xì. Trời tối mò, những áng mây to che lấp mặt trời. Đằng xa có tiếng gầm thét.

Ông già run sợ, ông gọi to:

- Cá vàng ơi! Cá vàng ơi!

- Có tôi đây! Ông cần gì đó?

- Cá oi, ta nói ra thiệt xấu hổ! Một lần nữa ngươi cố thương ta, vì bà già không để ta yên thân. Bà muốn trở thành Hoàng hậu!

- Không sao, ông già chớ lo. Bà già sẽ trở thành Hoàng hậu. Ông về đi!

Ông già về nhà. Tòa lâu đài đã trở thành đền vua. Ông vừa run vừa đi vào. Ông thấy bà già đang ngồi dùng cơm, bà đã trở thành bà Hoàng hậu. Quanh bà, năm mươi cung phi mỹ nữ rót rượu hầu trong những cái ly vàng. Giữa bàn bao nhiêu món ăn ngon. Ông già kinh ngạc nghĩ thầm "Kỳ diệu thay! Kỳ diệu thay!" Ông đến gần bà mà vái lạy:

- Tâu Hoàng hậu, lần này hẳn Hoàng hậu hài lòng?

Nhưng Hoàng hậu quát tháo và truyền:

- Ta không thích làm Hoàng hậu nữa. Ngươi ra ngoài biển nói với con cá nhỏ rằng ta muốn trở thành nữ chúa biển Đông, còn con cá sẽ là đầy tớ của ta.

Lần nầy, ông già không dám hó hé nói năng chi cả. Ông ra ngoài biển. Mặt biển nổi giận tưng bừng. Những cơn sóng thần đập ầm ầm vô ghềnh đá. Nền trời chớp xẹt sáng lòe. Gió bão nổi lên rung cây tung cát. Ông già gọi to hơn:

- Cá vàng ơi! Cá vàng ơi!

- Ông gọi tôi? Ông cần việc gì?

- Khốn khổ cho ta quá! Ta không biết làm gì trước mặt bà quái ác đó. Bả cứ nổi giận ầm ầm. Cá vàng ơi! Lần này bả muốn trở thành nữ chúa biển Đông, còn người thì là đầy tớ của bả!

Con cá vàng không trả lời. Nó không nói chi cả, nó quật đuôi chìm mất dưới làn nước xanh đen.

Ông già đứng đợi. Ông đợi thật lâu không thấy con cá trồi lên. Ông bèn trở về nhà. Ông không còn thấy cung điện, đầy tớ, ngựa xe, vàng bạc đâu nữa cả. Ông chỉ thấy bà vợ già yêu quý của ông ngồi ủ rũ trong túp lều tranh xiêu vẹo.


LAN ĐÀI      

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Chiếc Áo Màu Thiên Thanh")


Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2023

TÔI LÀM BÁNH - Hồng Quân

 

Không có gì khổ cho bằng có vài ông anh biết qua chút đỉnh về gia chánh. Các ông cứ chê món này dở, bảo món kia chẳng ngon làm đôi lúc mình ao ước sao nó không là em trai để mình tha hồ "trừng trị".

Cũng không có gì khó cho bằng có một lũ em mồm lúc nào cũng thích nhai bánh mà không biết làm một thứ.

Trong gia đình, tôi đứng một địa vị không lấy gì làm đặc biệt trong các anh chị em. Thoạt đầu là anh Hòa và anh Bình. Cặp song sinh này chẳng những giống nhau về hình dáng Mà còn hệt về tính tình nữa. Từ ngày gia nhập đoàn hướng đạo nên biết chút đỉnh về nội trợ như: ghế nồi cơm không khét, kho nồi cá không tanh là các anh bắt đầu khó dễ tôi đủ chuyện. Mỗi lần có món ăn nào một trong hai người chê thì nhất định không tránh khỏi lời chê bai của nhân vật thứ hai. Nào là:

- Con gái gì mà chặt đầu cá lóc không khéo, không gọn gì hết. Tui mà làm thì cô phải biết.

- Vâng, em biết anh giỏi nhất rồi. Làm cá thuê nổi tiếng ngoài chợ ấy mà. Hôm nào đi chợ em lại chả gặp. Khoe mãi.

Thấy tôi gài bí anh Hòa là anh Bình lên tiếng ủng hộ đồng minh một cách đắc lực:

- Như vậy người ta cũng có một nghề. Ai như cô, nữa về cho chúng "sỉ vả" ấy.

- Còn anh, rán học cho khéo đi nữa về làm mọi... Ở nhà chả chịu động móng tay mà lúc nào cũng đầy câu khen chê.

- Trời ơi, nói thế mà nghe được à? Hôm qua, đứa nào nạnh người ta rửa chén vậy?

- Đâu phải em nạnh, em tập cho anh đó.

Đại khái, hai anh và tôi thường có những trục trặc kỹ thuật như thế luôn. Tiếp sau tôi là một lũ lỏi tì xếp hàng lớn bé: thằng Thịnh, Vượng, nhỏ Thủy, Thúy và bé Mai. Eo ơi! Tôi không hiểu bọn chúng có phải là "sâu đường" hay không mà ăn ngọt dễ sợ luôn. Mồm lúc nào vắng bánh là có kẹo. Tôi cứ phải dọa mãi:

- Mấy đứa ăn ngọt nhiều quá sâu nó đục cả răng. Mai mốt thành nha sĩ chị nhổ hết hai hàm răng cho xem.

Thấy tôi "nhát con nít", anh Hòa (lại cũng anh Hòa) bênh chúng liền:

- Chả sợ các em ạ, Chị ấy yếu như cọng bún chỉ có việc sờ mấy cái răng còn có lý chớ nói chuyện nhổ có vẻ hơi hoang đường đấy.

Tôi nhăn mặt:

- Người ta như vầy mà còn chê. Chả lẽ con gái mà hì hục, rầm rầm như anh à?

- Thôi đi cọng bún, nội việc đánh ổ bánh mà còn không xong, cứ gọi anh ơi, anh hỡi đã biết sức mạnh vô địch của cô rồi.

Thấy anh tấn công tôi xiểng niểng, mấy đứa nhỏ lại "cuốn theo chiều gió":

- Em chả sợ, có chị làm nha sĩ không ăn kẹo uổng.

- Nha sĩ gì mà cũng sún răng như bọn em chớ có gì hơn đâu mà rầy rà hoài.

Bỗng, nhỏ Thủy chạy đến gần tôi, nắm tay ra chiều thân mật:

- Cho anh Thịnh theo phe anh Hòa đi, còn em theo chị Thanh. Trưa nay em biết chị Thanh dự định cho chúng mình một chầu bánh ngon tuyệt cú mèo nè.

Nhỏ Thủy, Vượng, Mai lại chạy qua luôn, đứa nắm tay, đứa kéo áo:

- Thật hở chị Thanh? Thế thì em bồ chị nhất.

Tôi còn đang ngơ ngác vì có định làm bánh, làm trái bao giờ đâu thì nhỏ Thủy bỏ nhỏ vào tai:

- Chị Thanh ừ đi, em lập mưu để kéo bọn họ về chị đó mà. Tài ghê chưa? Mưu Khổng Minh mờ.

Nghe con bé nói có vẻ bùi tai, tôi gật gù, long trọng tuyên bố:

- Đúng rồi, trưa nay chị đãi một loại bánh đặc biệt: bánh Công Chúa.

- Hoan hô chị Thanh.

- Nhất chị Thanh.

Cả bọn nhao nhao lên, mừng như mèo gặp mỡ. Quay sang nhỏ Thủy, tôi định cám ơn nó đã giúp cho tôi một phương pháp thu phục nhân tâm thì gặp ngay gương mặt hí hửng của nó đang nheo mắt cười với anh Hòa. Chết rồi! Vậy là tôi mắc mưu bọn họ rồi. Vừa định tặng cho nhỏ Thủy một "Độc thủ quyền" thì con bé đã chạy ra sân mang theo giọng cười ròn rã.

Quân tử nhất hí ngôn. Chả lẽ hứa với bọn chúng mà giờ lại làm lơ thì mất mặt anh hùng hết à? Tôi đành hy sinh giấc ngủ trưa quý báu xuống bếp lục đục dụng cụ đồ nghề. Chao ơi, lúc làm việc sao chẳng thấy anh em nào hiện xuống dùm cả. Đi gõ cửa từng phòng mà phòng nào, phòng nấy im thin thít như con nít sợ ông kẹ. Chán nản, tôi đành đơn thân độc mã xông pha ra chiến trường.

Mới được nhỏ Sương (cô bạn cùng lớp) chỉ sơ cách làm bánh Công Chúa. Chẳng có gì là khó. Đong bột, đong dường cẩn thận, tôi cho vào thau nhồi với hột gà. Sau đó lại thêm va ni vào cho "chết cả mũi" bọn họ mới được. Kỹ lưỡng, tôi chia bột ra hai phần, một phần để trắng, phần ít hơn cho củ dền vào để có màu hồng thật tươi. Nhìn thau bột hồng hồng, màu của trẻ trung xinh làm sao. Bằng đôi tay và con dao con, tôi sử dụng mọi khéo léo để nắn từng cái bánh. Một cái, hai cái, ba cái... và nhiều lần lần những đóa hoa công chúa, từng cánh nhỏ xòe ra uốn éo với ngụy đỏ hồng bên trong trông thật mát cả mắt. Chả bao lâu, thau bột cạn dần rồi sạch nhẵn. Tôi hân hoan thoa dầu vào khuôn rồi bắc lò lên nướng. Canh lửa trên, lửa dưới thật kỹ, tôi thở phào, nhẹ nhõm thầm tự khen mình hấp thụ nhanh vì nhỏ bạn chỉ tóm tắt sơ. Để xem kỳ này hai ông anh quí còn dám "bình liệng" gì nữa không. Con trai làm gì bì kịp con gái ở những điểm này các bạn nhỉ?

Chờ khoảng 20 phút, gió hiu hiu làm cơn buồn ngủ từ đâu, hai mi mắt tôi chỉ còn một epsilon nữa là khép kín. Từ đâu bay đến một mùi hương ngào ngạt tỏa rộng cả nhà mỗi lúc một thơm hơn. Nhiều tiếng chân rầm rầm chạy đến:

- Bánh chín.

- Bánh chín.

Tiếng reo hò ròn rã như tiếng quân thắng trận làm tôi "tỉnh giấc nam kha" ngay. May mắn làm sao, hai vỉ bánh thật vừa vàng. Màu vàng rực rỡ của cánh hoa trông thật hấp dẫn tuyến nước bọt. Thằng Thịnh chép miệng nuốt nước bọt:

- Ái chà chà, mới nhìn là em biết ngay bánh ngon rồi.

- Em cũng vậy nhỏ Thủy tiếp nhìn hình thức là em biết ngay nội dung.

- Hoa công chúa đã đẹp mà lại thơm ác nữa nhỏ Thúy nịnh một câu.

Anh Bình gật gật:

- Tạm được, tạm được. Nhưng nếu muốn biết ngon hay không phải thử sốt dẻo mới được chớ.

Nghe khen, tôi thỏa mãn đôi phần vì thấy việc mình bỏ ngủ trưa không phải là vô ích. Ít nhất cũng được đền bù như thế chứ. Tôi hãnh diện:

- Từ từ đã nào, làm gì mà gấp quá, bỏng cả miệng bây giờ.


Bánh chưa kịp nguội là anh Hòa, anh Bình rồi tiếp theo là lũ nhóc mỗi người thủ sẵn một khẩu phần. (dĩ nhiên trong đó có cả tôi) Nhìn mọi người hăm hở, lòng tôi vui sướng vô ngần. Nhưng:

- Á! - Từng tiếng rú lên thảm não.

- Ái da...

Tôi cũng khựng lại ngay cắn đầu tiên khi tiếng khóc bé Mai thét lên.

- Trời ơi, đá nướng Thúy kêu lên đau khổ.

- Bé Mai cắn vào môi chảy máu rồi.

Tôi hốt hoảng ẵm con bé đi rửa miệng rồi dỗ dành:

- Mai đừng khóc, chị cho Mai hai, ba cái bánh thiệt nhiều.

Con bé lắc đầu nguầy nguậy:

- Hỏng thèm, hu hu, bánh gì cứng ngắc làm em cắn trúng môi, đau quá hu hu...

Nghe dưới bếp đám giặc con nổi dậy hỗn loạn, mẹ đi xuống"

- Trưa làm gì mà rần rật vậy?

- Mẹ ơi, một tài nhân vừa xuất hiện biến đá xanh thành bánh báo hại chúng con mỗi người mẻ hai ba cái răng. Phần bé Mai chảy máu môi.

- Nha sĩ ác quá. Bộ sợ nữa ra trường không ai thèm cho nhổ răng hay sao mà nỡ đành ám hại bọn ta như thế? Thương thân ta, nạn nhân khờ khạo của nha sĩ nhà ta.

Nghe hai anh kêu, mẹ không hiểu ất giáp gì cả. Nhưng khi nhìn đến vỉ bánh, mẹ cầm lên một cái cắn thử. Mẹ lại nhăn mặt:

- Chết rồi, con hại hàm răng của bọn chúng rồi Thanh ơi.

Thấy tác giả đứng mếu máo như mèo bị cắt tai, thằng Thịnh lại trêu:

- Eo ơi! Lúc này trông mặt chị Thanh tươi như hoa... Công Chúa vậy đó.

Nhỏ Thủy trêu Thúy:

- Mà thơm ác nữa hở Thúy?

Anh Hòa bắc tay làm loa quảng cáo:

- A lô, a lô. Một lối nhổ răng mới, phát minh bởi nha sĩ Thanh, phương pháp tiện và lợi. Ai muốn nhổ một cái răng, ăn một cái bánh. A lô. A lô. Bảo đảm 100%, chẳng những rụng một răng còn rụng luôn hai, ba cái nữa. Đây là lấy rẻ, nhổ một cái, tặng hai ba cái. A lô. A lô...

Chờ cho mẹ bình định xong đám giặc, khi mọi người phân tán mỏng lên nhà trên, tôi bắt đầu thu dọn chiến trường. Kết quả thu được:

- Địch khóc lóc, nhăn nhó, mẻ răng.

- Bên ta vô sự trừ một số bị "cắn mẻ" đôi chút.

Nhìn lại "chiến lợi phẩm" của buổi trưa: hai mâm còn nguyên, tôi lắc đầu chán nản. "Biết thế này ngủ quách cho xong".

- Thôi đừng nản - lời mẹ dịu dàng - Con gái siêng năng như thế mẹ mừng. Nhưng sao con làm mà không hỏi mẹ chỉ cho? Lẽ ra Thanh phải đánh hột gà cho thật nổi nó sẽ không bị cứng mà lại mềm và xốp. Lần sau, có làm gì phải hỏi mẹ cho chắc chắn nhé.

Nhìn nụ cười của mẹ thật đẹp, tôi sảng khoái lại dần. Thôi, âu cũng là một bài học quý giá sau này:

"Làm việc gì phải suy nghĩ cẩn thận và có phương pháp chắc chắn mới không hư việc".


HỒNG QUÂN   

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 191, ra ngày 15-12-1972)


 

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2023

MẢNH HỒN QUÊ - Đằng Linh

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Đã mấy mùa trăng xa cách quê 
Chiều nay háo hức bước tôi về 
Mây phía trời xa bay rất vội 
Hoàng hôn luênh loáng phủ triền đê 
 
Có cánh cò chao liệng mé đồng 
Một làn gió nhẹ thổi mênh mông 
Dáng ai tất tả băng bờ ruộng 
Chợ xa về vội, trẻ chờ mong 
 
Có ánh trăng quê trải xuống làng 
Một con đò nhỏ lướt sang ngang 
Dòng sông lấp loáng ngàn sao rụng 
Bồi hồi sóng vỗ … nhớ miên man! 
 
Tôi nhớ làm sao dáng mẹ hiền 
Lúc ngồi hong nắng ở bên hiên 
Nụ cười thấp thoáng sau làn tóc 
Đọng mãi trong hồn một nét duyên 
 
Tôi thấy thương hoài những nếp nhăn 
Trên vầng trán rộng gió mưa hằn 
Vượt mùa giáp hạt thương khoai lúa 
Cha cười sảng khoái giữa mùa trăng 
 
Tôi nhớ đường quê đến chợ phiên 
Chị tôi lúng liếng mắt trinh nguyên 
Đôi gò má đỏ mùa con gái 
Đình làng nay có hội trao duyên 
 
Tôi quên sao được bạn bè xưa 
Những trò nghịch ngợm thuở còn thơ 
Có cô gái nhỏ vì tôi, khóc
Lời bắt đền xưa … nhớ tới giờ 
 
Năm cùng tháng tận tôi trở về 
Gió bụi đường xa thôi mải mê 
Tắm ánh trăng ngà trên bến cũ 
Vẫn còn nguyên vẹn mảnh hồn quê !
 
                                             ĐẰNG LINH

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2023

ÁNH SÁNG LẠNH - Ánh Minh

   

 
 
 
Ngay giữa thời đại nguyên tử, thứ ánh sáng lạnh này vẫn còn tạo nhiều rắc rối buồn cười: Cả một khu phố ở Hoa Kỳ bỗng rúng động khi một người đàn ông mở tủ lạnh và nhìn thấy một con cá rực sáng... Cá biển đã bị nhiễm phóng xạ!??
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Gần như khắp mọi nơi trên địa cầu, những buổi tối trời mùa hạ luôn được thắp sáng bởi những chấm "đèn" xanh nhỏ bé. Lơ lửng gần mặt đất cũng có, tận ngọn cây cũng có. Đom đóm đấy!

Loại sinh vật phát quang này không khỏi kích thích óc tò mò của con người. Giả thuyết ban đầu cho rằng thân thể sinh vật có một ngọn lửa đang bùng cháy mà loài người đã thấy, xuyên qua lớp da. Cứ bắt một con đom đóm sờ thử, bạn sẽ thấy cái lầm của giả thuyết. Thay vì một thân mình đang cháy sáng và nóng bỏng, thì nhiệt độ của đom đóm lại chẳng khác chi những sinh vật khác.

Thứ ánh sáng đom đóm phát ra được gọi là LUMINESCENCE đôi khi gọi là ÁNH SÁNG LẠNH. Chỉ có một sự thay đổi nhiệt độ tí ti! Tuy chỉ là một chấm sáng, nhưng đôi khi phạm vi sử dụng lại rất rộng lớn. Chẳng hạn, bác sĩ đưa ánh sáng này lại gần nơi giải phẫu trên người bệnh nhân...

Ánh sáng lạnh không có hàng rào hạn chế, nghĩa là không phải chỉ ở đom đóm. Rau cải, khoáng chất, thú vật và ngay cả không khí cũng có thể phát quang. Thế nhưng chỉ đom đóm mới không che giấu ánh sáng đó.

Từ thời xưa, người ta đã đặt nghi vấn Phải chăng ánh sáng lạnh bị dập tắt cùng với cái chết của sinh vật phát quang? Giáo sư ngành khoa học, ông Thomas Bartholin tại đại học đường Copenhagen, vào thế kỷ 17, đã phát biểu bằng ngòi bút: "Tôi đã cố gắng tìm ta sự thực của thí nghiệm... nhưng (hỡi ôi!) trong khi chớ đợi kết quả, con đom đóm đã khôn khéo tẩu thoát, đem theo cả ánh sáng lạnh!"

Nhiều thí nghiệm khác, thành công, chứng tỏ rằng ánh sáng lạnh phát bởi loài đom đóm xuất phát từ một chất trắng hơi vàng liên tục thắp sáng trong một thời gian ngắn "sau khi nó rời khỏi thân thể sinh vật". Họ cũng khám phá ra rằng nếu không có sự hiện diện của oxigen, ánh sáng lạnh không xuất hiện.

Khi ánh sáng lạnh, hầu như xanh, của đom đóm xuyên qua một lặng kính, người ta còn thấy những tia xanh và một ít tia vàng ; nhưng nhiệt lượng thì chẳng thấy tỏa. Không có hơi nóng phát ra.

Có khoảng 2000 loại đom đóm. Ở một số loại, cả con đực và con cái đều có thể bay và phát quang. Một số khác, chỉ con cái mới phát quang. Một số khác nữa, chỉ con đực biết bay. Lạ nhỉ! Ở một vài nơi trên thế giới, Thái Lan chẳng hạn, từng "tốp" đom đóm đồng loạt "bật, tắt đèn" như một bảng quảng cáo!

Cũng còn một số sinh vật khác, ngoài đom đóm, phát quang. Ở Nam Mỹ Châu có con trùng XE LỬA, màu mè sặc sỡ. Con cái dài khoảng 5 cm, trông giống như một con sâu. Đỉnh đầu được thắp sáng bằng một ngọn đèn đỏ, trong khi hai bên mình có trang bị đèn vàng. Đêm đến, con vật trông chẳng khác gì một chiếc xe lửa tí hon.

Đom đóm cũng xuất hiện trong những mẩu chuyện lạ có thực. Trong những trường hợp lạ kỳ đó, các khoa học gia phải quan sát kỹ lưỡng để tìm câu giải đáp.

Ở Anh quốc, năm 1888, những dấu chân ngựa trên đường rực sáng. Nghe có vẻ "phịa" quá, nhưng sự thực vẫn là sự thực, những sinh vật phát quang bò lổ ngổn dưới đất và móng ngựa đã xới tung mặt đất lên!

Lạ hơn nữa là trường hợp mặt đại dương bừng sáng. Vào một đêm biển lặng, trời nóng, thường là trước cơn mưa, những làn sóng nhỏ nhấp nhô bỗng "mang" đèn xanh nước biển, đèn xanh lá cây hoặc đèn vàng. Một người thủy thủ già bảo đấy là "những vì sao rụng". Có người lại ví nó như "những hạt kim cương quí giá sáng ngời".

Đã có rất nhiều giả thuyết giải thích hiện tượng này. René Descartes cho rằng những hạt muối nhỏ tách khỏi nước biển mặn và khi cọ xát vào nhau, đã bắn ra những hạt nhỏ li ti và sáng quắc. Đi xa hơn nữa, René Descartes bảo rằng hiện tượng cũng xảy ra khi đá chạm vào sắt hay thép. Từ đó, ông ta chống đối mọi người đã không dùng nước muối để tạo ra lửa! (bởi biển sáng là cháy rồi!). Giả thuyết này dĩ nhiên hoàn toàn sai!

Khoa học gia Benjamin Franklin, con người rất tò mò về điện lực, và là người phát minh ra cột thu lôi, cũng đưa ra một giả thuyết về hiện tượng biển sáng liên quan đến điện lực. Sau này, chính ông xác nhận lại giả thuyết với kết luận sai khi bạn ông, James Boudin, đặt bút viết về vấn đề tách rời ánh sáng lạnh ra khỏi nước biển bằng cách cho nước biển đi qua một làn vải.

Qua những ống kính hiển vi hữu hiệu, sự thật đã phơi bày. Đại dương đầy d6ãy những sinh, thực vật phát quang thật bé nhỏ. Chỉ một số nhỏ được nhìn thấy bởi mắt trần. Những người thợ lặn xuống sâu dưới đáy biển đã trở lên mặt cát với những mẩu chuyện về các sinh vật "xách đèn đi chơi" dưới đáy đại dương. Một số quá nhỏ đến nỗi khi chúng tụ tập đông lại thì con người mới hy vọng diện kiến. Đấy là phiêu sinh vật, một ngày mai có thể trở thành một nguồn thực phẩm bất tận của thế giới.

Chưa hết, người ta còn tìm thấy sự phát quang ở phiêu thực vật và các vi khuẩn. Vi khuẩn, chính vì vậy đã trở thành đầu dây mối nhợ trong vụ thịt trừu phát quang ở Montpellier. Nguyên hồi đầu thế kỷ 17, tại thành phố cổ kính Pháp quốc Montpellier, có một bà nghèo khổ mua được một miếng thịt trừu, bèn treo lên trần nhà. Nửa đêm, bà ta thức giấc, trông thấy miếng thịt "yêu quí" đang chiếu sáng, một thứ ánh sáng lạ lùng, kỳ cục. Mẩu chuyện dường như chiêm bao đối với chính những viên chức tai to mặt lớn trong thành phố. Họ diện đồ lớn cẩn thận rồi trịnh trọng rảo bước tới căn nhà. Tới nơi, mấy ông "tai to mặt lớn" đứng trân ra nhìn, chẳng biết làm gì. Thịt hư, vi khuẩn phát quang xuất hiện, thì làm gì chẳng "lòe" sáng. Sự kiện này đã được giải thích cặn kẽ khi miếng thịt trừu được đem đệ trình lên ngài Thị trưởng nơi ấy. 

Mới đây, một văn phòng chính phủ Hoa kỳ nhận được một cú điện thoại khẩn. Một người đàn ông khi lôi thức ăn ra để sửa soạn cho bữa tối thì khám phá một con cá đang chiếu sáng trong tủ lạnh. Ông quả quyết con cá đã nhiễm phóng xạ, trước đó, và giờ đây không "xài" được. Nỗi lo sợ tràn ngập, tiếp theo bằng những cuộc bàn luận sôi nổi ngoài đường phố về tai họa đại dương nhiễm phóng xạ. Nhiều người run cầm cập (... đến đổ mồ hôi hột!) khi nghe bàn tán. Một số gạt bỏ ngoài tai vì cho đó chẳng có gì đáng sợ. Trong khi đó, "chủ nhân" con cá có cảm tưởng như mạng sống đang bị đe dọa. Sau khi khám nghiệm, sự thật phơi bày: ánh sáng tạo ra bởi vi khuẩn và lập tức, con cá được cho vô thùng rác!

Ngày nay, một đôi khi có người trông thấy cá, thịt sáng ngời trong tủ lạnh hay bày bán ngoài chợ. Những cuộc khám xét kỹ càng trước đó tránh cho chúng ta mua phải thực phẩm hư. Tuy nhiên, đối với những kẻ tò mò như ta điều này lại khiến ta cụt hứng. Dầu sao, ta cũng diện kiến được ánh sáng lạnh LUMINESCENCE, nơi phiêu thực vật phát quang vẫn thường xuất hiện ở những đẵn gỗ mục nát.


ÁNH MINH     

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 220, ra ngày 1-3-1974)


Thứ Hai, 20 tháng 2, 2023

XUÂN HƯƠNG - Trần thị Nguyệt Mai

 

Nến hồng soi trong mắt bé
tuổi vừa thơm nhánh xuân hương
xinh như nụ hoa vừa hé
buổi mai lóng lánh giọt sương

giòng suối tóc dài buông thả
ôm đôi vai nhỏ bé gầy
những buổi chiều về êm ả
tan trường áo lụa tung bay

tháng ngày còn xanh xanh ngát
mộng đời đang thắm vành môi
đâu đây vang lời chim hát
"này em! tuổi đẹp nhất đời..."

                       TRẦN THỊ NGUYỆT MAI

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 232, ra ngày 1-3-1975) 



Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

ĐÔI BẠN - Lê văn Ơn

 

Bữa cơm sáng nay, Thúy ăn không ngon. Thúy nhớ đến một người bạn. Đó là Trang.

Thúy quen với Trang đã ba năm rồi. Hai đứa học chung lớp, thương nhau tha thiết.

Lệ thường, sáng Chúa nhật, Trang đến nhà Thúy. Đôi trẻ nô đùa với nhau và học hành cho đến gần trưa mới xa nhau. Thế mà sáng Chúa nhật nầy Trang không đến với Thúy. Thúy buồn bã và lo sợ.

Thúy sợ Trang bị bịnh thình lình hoặc bị mẹ đánh rồi buồn bã không đến với Thúy.

Thúy xin phép mẹ đến thăm Trang. Mẹ Thúy bằng lòng nhưng bảo Thúy ăn cơm rồi hãy đi. Thúy vâng lời mẹ.

Mâm cơm đầy rẫy đồ ăn ngon lành, nhưng Thúy không ăn được. Cố gắng ăn chỉ có một chén thôi, Thúy buông chén đũa, thưa mẹ, rồi vội vã ra đường nhắm hướng nhà Trang chạy như bay.

Dọc đường, Thúy gặp Trang đang đi về phía nhà mình. Vui mừng khôn xiết, Thúy reo lên:

- Trang ơi! Mầy có sao không?

Trang vui vẻ chạy lại nắm tay bạn:

- Có sao đâu!

Thúy thở ra một cái khì, rồi đưa tay nhéo vào má Trang:

- Trời ơi! Tao mừng quá. Sao mầy đến trễ vậy?

- Mắc làm bài.

- Bài gì?

- Hai bài toán cô cho đó. Tối qua tao ngủ sớm, nên sáng nay phải làm bù lại.

Thúy gục gật đầu:

- À, tao quên chớ!... Mà mầy để chiều làm chẳng được sao?...

- Tao sợ lo chơi với mầy rồi chiều tao quên đi, nên tao phải làm trước. Mầy không nhớ hôm trước cô có dặn, CHỈ ĐI CHƠI KHI NÀO HỌC BÀI VÀ LÀM BÀI XONG, sao?

Thúy lại gật đầu:

- À, vậy mà tao quên hé!

Trang vỗ vai bạn, cười:

- Sao mầy hay quên quá hà.

- Vì tao bị yếu bộ óc mầy à. Tuần trước tao đi nhà thương bác sĩ bảo như vậy đó. Bác sĩ có cho tao uống thuốc bổ óc mà sao cũng còn quên. Tao buồn quá!

- Ối! Buồn gì mầy ơi! Thủng thẳng thuốc nó thấm rồi mới hết quên chớ. Mà dẫu mầy có quên cũng chẳng sao. Mầy quên thì còn tao nhớ. Tao sẽ ở bên cạnh mầy luôn để nhắc nhở mầy. Tao thương mầy quá chừng mà, mầy đừng lo.

Thúy vừa siết chặt tay Trang, vừa run giọng:

- Tao cũng thương mầy lắm, Trang à. Mầy giúp đỡ tao, thì tao cám ơn mầy nhiều đó.

- Thôi mà, tụi mình là bồ với nhau, cám ơn gì mậy. Bây giờ, chúng mình đi về nhà nè. Nghe nói mầy có tờ bào gì đó hay lắm. Mầy về lấy cho tao xem với.

- Báo Tuổi Xanh. Anh tao không cho tao đọc chuyện chưởng nữa, nên mua báo Tuổi Xanh cho tao đọc đó. Hay lắm mầy ơi! Nhưng mà tao cho con Lan mượn rồi. Thứ Tư nó sẽ trả cho tao. Chừng đó tao đem đến cho mầy mượn nhen!

- Ừ, cũng được. Nhưng bây giờ về nhà mấy, chúng mình chơi cái trò gì đây?

Suy nghĩ một chốc, Thúy đáp:

- Thì đánh carô, , học lại cửu chương rồi... mầy làm ơn chỉ giùm tao hai bài toán nhé?!

- Đồng ý!

Vừa nói, Trang vừa nắm tay Thúy kéo đi. Hai trẻ nói chuyện với nhau vô cùng thân mật trên đường về nhà Thúy. Ai nhìn thấy cũng tưởng đó là hai chị em ruột.

*

Thay quần áo và sửa soạn tập vở xong, Trang ra đứng tựa cửa ngõ trông Thúy. Trang chờ Thúy đến để hai đứa cùng đi học cho vui.

Đã chờ đợi Thúy hơn nửa giờ rồi mà Trang chưa thấy Thúy đến. Sốt ruột Trang ra đường hướng mắt về đàng xa xem có Thúy không. Nhưng không. Trang lo sợ ôm cặp đi đến nhà Thúy.
 
Dọc đường, Trang gặp Thúy. Tay Thúy không có ôm cặp mà cầm một tờ báo. Mặt Thúy đượm vẻ thiểu não.
 
Trang ngạc nhiên hỏi:
 
- Mầy làm sao vậy Thúy?
 
Thúy nhìn Trang gượng cười:
 
- Tối qua tao lại cảm gió Trang ạ.
 
Trang lo lắng:
 
- Vậy sao mầy không ở nhà nghỉ ngơi còn đi đâu đây nữa?
 
- Tao đem báo Tuổi Xanh cho mầy mượn.

Vừa nói Thúy vừa đưa tờ báo Tuổi Xanh cho Trang. Trang cầm tờ báo, chắt lưỡi:

- Hôm khác mầy đem đến cho tao chẳng được sao?

- Cũng được, nhưng tao muốn giữ lời hứa với mầy. Hôm Chúa Nhật, tao hứa rằng thứ Tư nầy tao đem báo Tuổi Xanh cho mầy mượn, thì dù hôm nay bệnh hoạn không đi học được, tao cũng ráng giữ lời. Tao nhớ thứ Sáu tuần rồi khi dạy bài Đức dục "Giữ lời hứa" cô có kể một chuyện đời xưa thật hay. Mà hôm ấy mầy không có đi học. Để tao kể lại mầy nghe nhé!

Cô kể rằng, cuối đời Lê mạt có một chàng tráng sĩ tên Ngọc Sơn, thích rày đây mai đó. Một hôm gặp một vị thân hào, chàng hứa sẽ tặng vị thân hào đó thanh kiếm quí của chàng sau cuộc du lịch.

Ít lâu sau, Ngọc Sơn trở lại thì vị thân hào đã chết. Giữ lời hứa cũ, Ngọc Sơn ra ngay trước mộ vị thân hào ngã mũ cúi đầu lạy. Đoạn chàng treo thanh kiếm trên một cành cây bên mộ rồi ra đi.

Mầy có thấy không Trang? Đối với người đã chết mà Ngọc Sơn còn biết giữ lời hứa, huống hồ đôi với mầy, còn sống trơ trơ mà tao lại quên... Không  tao không thể quên được. Dù bệnh tao cũng cố gắng giữ lời hứa với mầy.

Nói đến đây, Thúy nín lặng vì mệt. Nó lấy lại vài hơi. Trang xúc động vì lòng tốt của Thúy. Vì muốn giữ lời hứa với Trang mà Thúy khinh thường sức khỏe. Đau mới hết mà Thúy dám đến cho Trang mượn báo. Nhìn vẻ mặt gầy gầy mét mét của Thúy, niềm thương mến của Trang dâng lên tràn ngập. Nó khẽ nắm tay Thúy kéo sát vào lòng. Giọng nói của nó trở nên run run:

- Tao thương mầy lắm Thúy à.

- Tao cũng thương mầy!... Thôi Trang đi học đi trễ giờ rồi!

Trang nhìn đồng hồ tay, trợn mắt:

- Chết chưa! Đã trễ mười lăm phút. Nhưng không sao, để Trang chạy nhanh đến trường. Còn Thúy, thì vô nhà Trang mà nghỉ đi.

- Không sao, để Thúy về nhà.

Thúy vừa bước đi, thì bị Trang kéo lại:

- Thúy!

Thúy giựt mình:

- Chuyện chi?

- Tao trông mầy mệt lắm. Về nhà lỡ mầy té dọc đường thì nguy. Vô nhà tao mà nghỉ khỏe rồi về.

Thúy khoát tay, miệng mỉm cười:

- Mầy khỏi lo.

Đoạn nó vừa bước đi vừa dặn Trang:

- Nhớ xin phép cô giáo giùm tao nhé!

Trang gật đầu, nét mặt đượm vẻ lo ngại. Nó đứng đợi cho Thúy đi khuất đám vườn ở cuối đường, mới ôm cặp chạy đến trường.
 
Buổi học hôm ấy, đối với Trang là buổi học buồn tẻ, vì thiếu một người bạn mà nó hết dạ thương yêu.
 
 
LÊ VĂN ƠN         
(Sư phạm Vĩnh long)  
 
(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Xanh số 38, ra ngày 1-3-1967)


Thứ Tư, 15 tháng 2, 2023

CON ĐƯỜNG XUÂN - Tôn Nữ Quỳnh Trâm

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Khi tiếng hát đã ru mềm
Áo mùa đông cứng rắn
Búp hoa vàng trên tóc nở xôn xao
Buổi tối lạnh căm vội vẫy tay chào
Con đường hội đã hồng lên ánh nắng
Chim đã quen tiếng hót bình minh
Nghiêng đầu mừng em thêm một tuổi

Mắt có trong xanh
Áo lụa mềm năm mới
Vừa đi qua con đường xuân sớm mai
Chân em vùi trong hoa
Tay đã thơm mùi pháo
Môi hạt dưa ngọt những câu chào
Gọi nhỏ
Hỡi chim quên tiếng hót về rừng!
Một khoảng trời đã xanh
Tiếng chuông ngân vang lên đầu lá
Có thoáng mộng mơ thẹn thùng má đỏ
 
Em hỏi em rằng
Có gì lạ nhỉ?
Và cười nhẹ nhàng
Tà áo như cơn gió
Bay ra ngoài ngõ hẹn hò
Ngõ vàng mơ
Con đường thơm tuổi mới
Có em trên đường Xuân xanh lơ

                            TÔN NỮ QUỲNH TRÂM

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 195, ra ngày 15-2-1973)


Thứ Ba, 14 tháng 2, 2023

BÀI CHO MẸ - Vũ Chinh

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Buồn lên phố thị chiều xuân
Bàn tay đếm tuổi phong trần tháng năm

Thương về quê Mẹ lạnh căm
Còn mang dấu tích dập bầm chiến tranh

Từ con xa vắng đồng xanh
Đem tên tuổi xuống kinh thành cô đơn

Mùa xuân rồi lại mùa xuân
Một thân gác trọ âm thầm vòng tay

Mộng mơ luyến nụ hoa mai
Ngỡ mình lạc lõng tháng ngày biển khơi

Thì thôi đừng khóc mẹ ơi
Hẹn mùa xuân tới con hồi quê xưa...

                                                VŨ CHINH
                                               (Thi ca Sông Văn)

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Xuân Bính Ngọ, 1966)



Thứ Hai, 13 tháng 2, 2023

MỐI THÙ GIỮA CHUỘT VÀ MÈO - Thái Lynh Lăng

 

Ngày xửa ngày xưa, vương quốc chuột ở một vùng thênh thang, biệt lập. Vì thuở ấy con chuột nào cũng to hơn voi. Thân hình chúng lại gọn gàng khi di chuyển, chạy nhảy, không ồ dề cục mịch và bất cân xứng như voi... Nghĩa là chuột vẫn có hình dạng như hiện nay, mà chúng ta phải tưởng tượng nó to lên, to lên...

Chuột vua ở trong cung, chuột quan ở các dinh thự xây cất đẹp đẽ, rập một kiểu cổng ra vào hình chữ U úp ngược. Và dĩ nhiên hồi đó chúng biết nói tiếng người. Bởi vì vua chuột có một ống sáo thần như ý. Công chúa chuột bạch thường lén dùng ống sáo thổi lên để đạt ước nguyện. Nàng biến ra một người con gái đẹp đẽ, cỡi lưng lính chuột để thơ thẩn dạo chơi, y như loài người chúng ta cỡi voi vậy đó.

Bỗng một hôm có anh chàng thợ săn lạc lối đi vào vùng của chuột. Anh ta thấy những lính hầu, cung nữ chuột thì thích quá muốn săn bắt ngay, để mong bán làm giàu. Công chúa chuột bạch hoảng hốt ngăn lại. Chàng thợ săn cũng chợt thấy một nhan sắc đáng yêu hơn, đáng để quên hết tất cả. Nhưng công chúa chưa tiện dẫn chàng thợ săn về hoàng cung. Nàng muốn về trước để thổi sáo, hầu xin thần tiên hóa cả nước nàng thành loài người.

Nàng đã tính sai. Chớ chi nàng xin biến chàng thợ săn thành chuột như nàng thì khỏi gặp nghịch cảnh sau này. 

Vua chuột chiều ý con nhưng trong bụng không bằng lòng chút nào với phò mã người.

Theo thời gian chàng thợ săn cũng khám phá ra bí mật về ống sáo thần, cô vợ có đuôi, và nhất là chuột. Công chúa cũng sơ hở đã khiến phò mã để ý rằng từ khi chàng đến đây cái giống vật lạ ấy đâu mất hết.

Rồi nghĩ vẩn, nghĩ vơ, chàng lo sợ tương lai. Ông "Ác" trong người lại giục giã. Chàng ta ăn cắp ống sáo thần, trốn đi, không quên thổi lên xin cả nước biến lại hình giống chuột như xưa.

Đau đớn thay cho sự phản trắc của chàng thợ săn. Vì nếu ống sáo thần bị dùng vào việc bất chính, nhất là không còn ở trong tay vua chuột... Tức thì nước chuột bỗng hóa tí hon. Nhỏ như những con chuột hiện giờ. Phút chốc vua, hoàng hậu, công chúa, quan quân, lính, tỳ, dân chúng... ngơ ngác trước biến cố kêu chí chóe phóng vút đi tứ phía. Cả một hoàng thành bỗng trở thành khổng lồ đối với họ. Chốn của họ phải là một nơi nhỏ bé đủ để dung thân.

Chàng thợ săn cũng không bao giờ săn được giống vật lạ nữa. Âu sầu và hối tiếc mang sáo thần trở về với thế giới loài người đầy dẫy xảo trá, lọc lừa. Ống sáo thần từ đó cũng hết linh nghiệm, được chàng ta treo ở phòng ngủ, mỗi lần nhìn đến là thương nhớ kỷ niệm xưa. Chàng ta ngày càng mang tật say sưa. Bản tính vốn khoe khoang, chàng ta lè nhè kể chuyện kỳ ngộ giữa rừng hoang với đám bè bạn cũng xấu bụng như chàng. 

Rồi câu chuyện lọt vào tai ông quan tham lam vùng ấy. Ông quan cho đòi chàng thợ săn đến hỏi rõ sự tình, toan tính việc chiếm đoạt ống sáo thần. Chàng thợ săn hối hả theo lịnh quan đến hầu, để minh oan chàng hứa sẽ nộp quan ống sáo ngọc.

Trong lúc ấy, công chúa chuột bạch đáng thương theo vết phò mã phản bội. Nàng hy vọng lấy lại được ống sáo, hy vọng được như xưa. Vì nàng quá nhỏ bé, nên lâu lắm nàng mới tìm ra phòng riêng của chàng thợ săn. Nàng trèo lên vách, cắn sợi dây treo. Ống sáo ngọc đứt dây rơi xuống nền gạch vỡ tan từng mảnh vụng.

Thôi thế là hết! Nàng ta đành phải chấp nhận cuộc sống mới vậy.

Còn phần chàng thợ săn, vì không có ống sáo thần cho ông quan tham lam nên bị bắt giam và tra tấn. Cả cha mẹ của chàng cũng bị khảo đả đến chết. Chàng thợ săn uất ức nguyền sẽ trả thù kẻ nào đã làm vỡ ống sáo thần. Chàng ta chết không nhắm mắt.

Công chúa chuột bạch tìm đến lao tù. Hai hàng râu của nàng thập thò lay động. Đôi mắt đen nhánh quan sát đôi mắt của kẻ chết mãi trợn trừng, ám ảnh...

Từ đó chàng thợ săn hóa kiếp thành giống mèo, để suốt đời rình mò, săn bắt lũ chuột cho thỏa ước nguyện. Thương thay cho số kiếp của chuột.


THÁI LYNH LĂNG    

(Trích tuần báo Thiếu Nhi Xuân Ất Mão, 1975)

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2023

NGÀY MỚI CỦA CHÚNG TA - Phạm Thái Hương Duyên

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Bé nghe không lời tình tự ấm áp trên muôn vàn đồng cỏ
 
Là mắt anh đã say rồi theo vạt áo vàng rực trăm hoa cúc
 
Buổi sáng hồng ngon như những ngón tay nuột nà
 
Thơm mềm như hơi sữa
 
Ôi! Bước chân chúng ta thì hoài quyến luyến theo từng nghiêng ngả cỏ tơ
 
Anh vừa thấy nhịp bước dè dặt xuân nồng dấu vào cửa mắt bé
 
Những búp nhụy nào nở hé và cây xanh nào nẩy lộc
 
Đồi cỏ nào ngút ngàn, sông xưa nào gợn sóng
 
Nghe như một hòa hợp đất trời dịu mát
 
Thiết tha quyện vương không cùng không tưởng
 
Lời chúc thơm nồng hương rượu anh gửi đến bé
 
Và bé có ước vọng nào
 
Khi chung quanh chúng ta mặt trời vẫn xoay tròn hực hỡ
 
Đỉnh đồi vẫn chi chít cỏ ngoan, suối nhạc vẫn reo vui lạ thường
 
Con đường êm mịn dài như tóc xõa
 
Phảng phất hương kẹo bánh lẫn lộn trong sương khói
 
Kết đọng cho một mùa xuân ngát đầy
 
Thành phố vươn mình trổi dậy sau giấc ngủ ngon
 
Những sắc màu rạng ngời tíu tít lượn quanh
 
Những đôi chân bắt đầu khua nhịp
 
Anh chợt biết một thoáng rộn rã vừa len nhẹ trong hồn bé
 
Và lòng anh cũng chùng xuống thật nhẹ
 
Ôi mùa xuân yêu quí của chúng ta!

                                     PHẠM THÁI HƯƠNG DUYÊN
 
(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 21, ra ngày 5-3-1972)




Thứ Năm, 9 tháng 2, 2023

MẢNH GẤM DÒNG HỌ LẠC - Trung Thu

  

Thuở xưa có một gia đình họ Lạc, làm nghề đốn củi và săn thú ở cạnh ven rừng rậm. Vợ chồng tiều phu này rất đông con, nhưng trên dưới thuận hòa đầm ấm. Họ chia sớt nhau từng miếng thịt, bó củi, nhường nhịn lẫn nhau, vui cùng hưởng buồn cùng chia. Buổi tối họ quây quần bên bếp lửa để sưởi ấm và nướng khô. Mọi người nhai từng miếng khô nai ngọt lịm ngon lành, yên lặng nhìn nhau, họ thầm cám ơn Đấng thiêng liêng đã ban phước lành xuống cho dòng họ Lạc.

Đêm hôm nay cũng như mọi đêm, khi ăn xong, họ ra trước hang, quỳ lạy, cầu nguyện Thượng đế để hạnh phúc gia đình được bền vững. Lời khấn vái này đã thấu đến trời xanh, nên một vị tiên xuất hiện đến trước mặt gia đình lão tiều phu bảo:

- Ta là sứ thần của Thượng đế vâng lệnh xuống đây ban cho gia đình nhà ngươi một mảnh gấm thần.

"Ngươi phải lập di ngôn để đời sau con cháu biết mà bảo vệ cái gia bảo này. Thượng đế đã ban cho nhà ngươi thì không bao giờ muốn để cho người khác đến chiếm đoạt, nhưng không vì thế mà ngươi hờ hững. Nếu mảnh gấm lọt vào tay kẻ khác thì dòng họ nhà ngươi sẽ bị cơ cực, khổ sở hay bị tiêu diệt. Trái lại, nếu bảo vệ nó thì con cháu ngươi sẽ được thịnh vượng sung sướng".

Cả gia đình họ Lạc cám ơn rối rít và đỡ lấy mảnh gấm thần đang tỏa hào quang sáng chói.

Trước khi bước lên mình hạc, vị tiên còn quay lại căn dặn rằng:

"Một lần nữa, ta nhắc ngươi nhớ truyền lại cho con cháu điều này: "Mảnh gấm này rất kỵ màu đỏ vì màu này bắt ánh sáng mặt trời. Nếu nhuộm đỏ, mảnh gấm sẽ bị phát hỏa, lúc ấy con cháu ngươi sẽ bị chết chóc vì thiên tai, không còn thương yêu nhau nữa, chúng chém giết giành giựt địa vị, tiền bạc lẫn nhau như một bầy thú. Đó là sự tai hại ghê gớm không kém gì khi nó bị chiếm đoạt. Thôi ta trở về trời, chúc các ngươi sống vui vẻ và nhớ khắc ghi lời ta bảo".

Gia đình họ Lạc quỳ xuống tạ ơn Thượng đế đã đoái tưởng đến lời cầu mong của họ, và trở vào hang, họ mở tiệc ăn mừng của gia bảo ấy.

Lão tiều cùng vợ con mở ra xem thì nó không phải là hình vuông hay tròn mà là một hình dài lồi lõm nhưng óng ánh và tỏa ra mùi thơm dìu dịu.

Sau khi có mảnh gấm thần, con cháu lão tiều phu sinh sôi nẩy nở, làm ăn phát đạt. Thấy có hiệu nghiệm, lão bèn viết lại một lá huyết thư dán trên mảnh gấm như sau:

"Mảnh gấm này quý giá vô song, nó là gia bảo của chúng ta, vậy các con phải giữ gìn nó thì dòng họ mới được thịnh vượng đời đời. Nếu không bảo vệ, để mảnh gấm lọt vào tay người khác thì học Lạc sẽ bị tiêu diệt như lời tiên đã dặn".

"Các con cũng đừng nhuộm đỏ nó vì như thế con cháu chúng ta sẽ phải chịu nhiều khổ sở, tai họa".

"Các con hãy cố gắng lên! Quyết dẹp tan những kẻ phá hoại hay chiếm đoạt mảnh gấm này, dù phải máu chảy đầu rơi, các con vẫn cố hy sinh giữ gìn vật gia bảo".

"Nếu trong dòng họ ta có những kẻ phản phúc đem bán cho người khác thì chúng ta phải chịu một cực hình, một sự trừng phạt nặng nề của dòng họ".

"Ngoài việc bảo vệ, các con còn phải ngăn cản màu đó, vì chính màu ấy là một thứ thuốc độc chết người, phải chận đứng, đừng cho lan đến mảnh gấm quý".

"Trong dòng họ ta kẻ nào có tư tưởng nhuộm đỏ mảnh gấm các con hãy loại trừ và coi như người ngoại tộc vì họ chủ tâm tiêu diệt dòng họ nhà ta".

Ký tên
Trưởng họ Lạc

Thấy gia đình họ Lạc trở nên phát đạt, anh hàng xóm họ Trung để ý theo dõi và biết rằng sự phát đạt này do ở mảnh gấm thần mà tiên cho dòng họ lão ta. Máu tham nổi lên, nên lão họ Trung huy động con cháu kéo đến nhà họ Lạc để chiếm lấy của quý giá ấy. Nhưng con cháu lão tiều phu quyết chống trả mãnh liệt làm họ Trung đại bại.

Tuy thế lão hàng xóm vẫn không bỏ tính tham lam, lại một lần nữa đem lực lượng khá mạnh để cướp cái gia bảo ấy, nhưng với dòng giống bất khuất, với truyền thống anh dũng, con cháu họ Lạc không quả gian nguy, quyết tâm chiến đầu, máu họ đã phải chảy nhiều mới giành lại được cái hạnh phúc, sự ấm no.

Nhưng vẫn chưa hết tai họa, ở gần hang lão tiều, có một con hồ ly, chính là cáo già tu lâu năm, khôn ngoan, xảo quyệt. Nó học nghề làm son và gạt họ Lạc nhuộm mảnh gấm với son của nó.

Hồ ly quảng cáo rằng son của nó làm ra rất tốt, rất bền, sơn vào mảnh gấm thì con cháu sẽ được yên vui, sung túc.

Lão Lạc nhà ta đã biết đó là mưu mô của cáo già nên quyết liệt từ chối. Hồ ly cứ nói mãi khiến lão phải tát cho nó một bạt tai và tống ra khỏi động. Lão đã biết màu đỏ mà hồ ly dùng chính là máu dê, máu cho ghê tởm lắm.

Từ ngày bị đuổi đi, hồ ly nuôi tức giận căm thù gia đình họ Lạc, nhưng thấy lão già quá kinh nghiệm và cương quyết nên hồ ly bèn thay đổi chiến thuật.

Nó đến vuốt ve dụ dỗ con cháu nhẹ dạ của họ Lạc cắt đi nửa mảnh gấm đem đến cho nó nhuộm. Chưa được bao lâu mà dòng họ Lạc đã trở nên khốn khổ, đói khát, chém giết nhau, hơn nữa, trời cũng phạt làm hạn hán, lụt lội, bão tố.

Nhiều người còn lầm than, họ chờ mong những người tâm huyết ra tay cứu giúp, cùng họ giết con hồ ly quỉ quyệt kia, tẩy sạch màu đò và nối liền mảnh gấm cho cuộc sống được tươi vui.

Cáo già đã làm trái ý, nó sẽ bị thất bại nặng nề. Những con cháu tâm huyết thuộc nửa mảnh gấm không nhuộm đỏ, đang vươn lên để làm tròn  lời Thượng đế giao phó, xóa tan màu đỏ gớm ghiếc để nối lại mảnh gấm thành tươi đẹp như ngày xưa.


TRUNG THU      

(Trích từ tuyển tập truyện ngắn Tuổi Hoa "Cô Bé Can Đảm")


Thứ Tư, 8 tháng 2, 2023

ẨN CƯ - Thông Xanh

 
    
ngủ trong rừng lá mới
tấu khúc chim líu lo
có nghe không lời suối
mùa xuân qua hẹn hò

vòng tay ôm đất trời
luân lưu đời dép cỏ
lãng quên mùa hoa mai
Ngỡ ngàng loài chim nhỏ

ẩn cư mùa xuân xanh
ngày đi lên đỉnh núi
dưới kia nhã nhạc trầm
âm vang trong gió thổi

                           THÔNG XANH

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa Tết Ất Mão, 1975)



Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

KHÓM HOA BÊN ĐƯỜNG - Phương Cương

  

 
 
 
 
 
 
 
 




  
 
 
Xin làm hoa mắc cỡ
Âm thầm trong đêm thanh.
Đất buồn lên hơi thở,
Trên cành sương long lanh...

Tơ trời về vương ngõ
Cho chiều thêm hư không,
Cho lòng hoa bé nhỏ
Mà ôm tình mênh mông

Hoa hờn hoa khép nép
Mưa về ươm ý thơ
Mơ màng hoa rung động,
Êm đềm như cơn mơ...

Trong lòng chiều mờ tím,
Mây nào ru hơi sương
Nắng nào hong cành úa
Mưa nào mang đau thương

Đất buồn lên hơi thở
Âm thầm trong đêm thanh
Cho ngàn đời sau nữa,
Xin làm hoa vô danh...

                      PHƯƠNG CƯƠNG
                                     (MC)

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 18, ra ngày 20-1-1972)