Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

CÂY LÚA - Ngô Bá Cường

 

Xưa kia, cả ngàn vạn năm qua, mỗi bông lúa chỉ có một hạt lúa thật to, lớn bằng nắm tay vậy. Mỗi vụ mùa nông gia chỉ phải gieo có một hạt lúa xuống cánh đồng có nước là hạt lúa sẽ nẩy mầm ra hàng chục ngàn cây lúa. Mọi người chỉ việc chờ những cây lúa lớn lên rồi chín. Ai nấy đều sung sướng, mà mùa gặt nào cũng luôn luôn tốt đẹp.

Khi mùa gặt đã tới, mỗi gia đình đều làm lễ tạ ơn Thần Nông trong ba ngày ba đêm và cầu xin Thần cho lúa về đầy nhà. Sau đó, những hạt lúa chín vàng thật lớn tự chúng lăn từ đồng về nhà nằm chật ních trong các vựa lúa của mỗi gia đình.

Nhưng một năm, sau khi đã làm lễ tạ ơn Thần Nông xong, một nông gia tên là Mễ Thảo quay ra dặn vợ:

- Mình lo dọn dẹp nhà cửa, lúa sắp về tới rồi đó.

Nhưng người vợ của Mễ Thảo còn đang mải mê với nhiều thứ trong đầu. Nào là chiếc áo gấm dài đỏ thắm với những chiếc vòng vàng và chuỗi ngọc trai mà chồng nàng sẽ tặng nàng trong dịp Tết Nguyên Đán. Nàng quên bẵng mất công việc quét dọn nhà cửa. Bỗng đâu, một hạt lúa, theo lời cầu của chồng nàng, lăn vào trong nhà đụng phải cây chổi của nàng và bị bể tan ra thành chục ngàn mảnh!

Quá tức giận, hạt lúa thốt lời nguyền:

- Vì loài người các ngươi không còn biết kính nể ta nên từ nay về sau các người sẽ ra đồng mà rước ta về ; và ta cũng sẽ chỉ mọc thành từng hạt lúa nhỏ!

Hạt lúa đã giữ lời nguyền.

Và cũng chỉ vì sự thích làm dáng của một người đàn bà mà người nông phu Việt Nam từ đó phải khổ cực quanh năm ngoài đồng mà việc gặt hái không bằng khi xưa nữa.


NGÔ BÁ CƯỜNG sưu tầm      

(Trích tuần báo Thiếu Nhi số 108, ra ngày 21-9-1973)


Thứ Năm, 29 tháng 4, 2021

NGÀY ĐÓ QUÊ HƯƠNG THANH BÌNH - Trang Vy

 
Ảnh : Nguyễn Đình Thành














Nỗi nhớ ngút ngàn trong từng hơi thở
Cho ta tìm lại thương yêu yên lành
Của một tuổi nào quê hương ngày đó
Ngày đó quê hương vắng bóng chiến tranh

Mặt trời trên cao chan hòa nắng ấm
Hương lúa thơm tho yêu mấy cho vừa
Công bác nông phu cày sâu cuốc bẫm
Đồng ruộng xanh tươi chờ đón ngày mùa


Làng quê mộc mạc lũy tre bờ giậu
Làn gió đồng quê lồng lộng buổi chiều
Mục đồng lưng trâu vi vu tiếng sáo
Khung trời thiên thanh tha thiết cánh diều

Mọi người về nhà hoàng hôn tắt nắng
Khói thổi cơm chiều vương vấn mái tranh
Ếch nhái kêu thương ở ngoài đồng vắng
Trăng rằm vừa lên khỏi ngọn tre xanh


Đêm trên quê hương thanh bình biết mấy
Câu hát ca dao thấm đượm thâm tình
Của tuổi ấu thời ở miền quê ngoại
Thuở đó quê ta rộn rã thanh bình


                                                   Trang Vy

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 156, ra ngày 1-7-1971)



Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

LÁ THÔNG XANH, HOA NGŨ SẮC - Nguyễn thị Mỹ Thanh

 

1

Thủy đứng yên trước một hàng rào hoa quỳ. Mùi hoa quỳ tỏa ra hơi ngai ngái. Đôi bàn tay Thủy vò nát một chiếc lá, nước trong lá xanh nhờn dính đầy cả mấy ngón tay. Thủy nhìn qua những hoa quỳ vàng và lá quỳ xanh, và Thủy bắt gặp một quang cảnh rất xinh, khiến Thủy kiễng chân lên để ngắm cho rõ.

Một cô bé trạc bằng tuổi Thủy ngồi trên bậc thềm gạch, trước một cái rổ tre, trong đựng đầy những hoa ngũ sắc và lá thông. Cô bé cúi xuống, mái tóc xõa ngang vai che lấp nửa khuôn mặt, nhưng Thủy cũng nom thấy rõ sống mũi thanh thanh và bờ môi nho nhỏ của cô bé. Cô cắm cúi nhặt từng lá thông lên, xâu vào những cánh hoa đủ màu, xâu cho đến khi lá thông đã bị che lấp bởi hoa ngũ sắc, chỉ chừa một tí ở đàng đuôi, cô bé sắp xâu hoa cạnh những xâu hoa khác, rồi lại nhặt một lá thông lên, xỏ vào những cánh hoa ngũ sắc. Chiếc rổ của cô bé trông như một giỏ hoa kỳ lạ, với những xâu hoa rực rỡ mà Thủy chưa hề thấy ở đâu bao giờ. 


Chân Thủy chợt đạp lên một cành cây khô, tiếng động nhỏ vang lên đủ làm cô bé trong sân ngừng tay. Cô ngẩng mặt lên. Đôi mắt sáng ngời đảo quanh tìm bóng người. Đôi mắt ngừng lại khi thấy màu áo của Thủy nổi lên sau màu hoa lá quỳ. Thủy không ngừng được, mon men theo hàng rào, và ló đầu nhìn vào trong sân.

Cô bé vẫn nhìn Thủy đăm đăm, làm Thủy ngại ngùng không bước tới. Một phút yên lặng. Cô bé vẫn nhìn và Thủy vẫn đứng yên. Chợt cô bé toét miệng ra cười:

– Vô đây!

Thủy ngần ngừ. Cô bé lại bảo:

– Vô đây!

Thủy bước nhè nhẹ đến. Cô bé ngoắc tay:

– Ngồi xuống chơi.

Giọng dịu dàng của cô bé khiến Thủy cũng nói để “đáp lễ”:

– Ừ. “Ấy” làm cái gì vậy?

– Xâu hoa ngũ sắc, làm chùm ruột bán chơi.

– Chùm ruột màu đỏ, sao cái này nhiều màu vậy?

– Chùm ruột này của… của “tiên” ăn mà!…

Rồi cô bé lại mỉm cười, tay vẫn xỏ cọng lá thông vào những bông hoa. Im lặng… Chợt cô bé nhìn lên, hỏi:

– “Ấy” chơi hông?

Thủy gật đầu. Không đợi cô bé nói thêm, Thủy nhặt một cọng lá thông, một nụ hoa ngũ sắc, xỏ vào. Đôi tay Thủy lúng túng. Cô bé phá lên cười:

– Bậy rồi, ai lại xâu rứa? Xâu cái đầu nhọn tề!

Thủy hơi ngượng, trở cọng lá thông lại. Bây giờ Thủy xâu thế nào mà nụ hoa bé xíu bị rách ra. Cô bé lại cười:

– Làm rách hoa hết. “Ấy” ni kỳ ghê nơi!

Gớm, nhỏ này “hách” lạ nhỉ! Thủy giận giận thế nào ấy. Thủy dợm đứng dậy, chẳng thèm chơi với nhỏ này nữa, thì cô bé đã nhanh nhẩu nói:

– Để Gái bày cho làm. Bộ… muốn về sao hở… gì nhỉ?

– Thủy.

– Ừ, Thủy. Thủy ngồi đây chơi với Gái hỉ!

Thủy không đáp, chỉ hơi gật đầu nhẹ. Gái nhặt một cọng lá thông, xỏ thật cẩn thận vào đuôi nụ hoa. Rồi từng nụ, từng nụ tiếp theo… Nó sắp đặt thật khéo, cứ một hoa đỏ thì đến một hoa vàng, rồi tím, rồi trắng. Đến lúc cọng lá thông chỉ còn chừa một tí ở gốc thì thôi, nó đặt xuống ngay ngắn cạnh những xâu khác.

Thủy tẩn mẩn nhìn Gái, làm theo như thế. Thủy làm rách rất nhiều cánh hoa. Nhưng cuối cùng Thủy vẫn xâu được một xâu. Thủy vui mừng giơ xâu hoa lên, ngắm nghía. Gái cười:

– Dễ chứ, “ấy” hỉ!

– Ừ. Thế xâu rồi mình đi bán hở Gái? Bán cho ai?

– Bán cho… người giả.

– Sao không kêu tụi bạn lại chơi, mà bán cho người giả?

Nụ cười tắt trên môi Gái. Nó thẫn thờ nhìn ra đường:

– Đâu có đứa nào mà chơi!

Thủy ngạc nhiên. Gái tiếp:

– Bộ “ấy” không biết à? Ở quanh đây, có người lớn không thôi.

– Thế con nít… không có sao? Lạ vậy?

Mặt Gái buồn rười rượi:

– Tụi con nít vô ở tạm trong ký nhi viện hết. Chỉ có ba má chúng về đây cất lại nhà cửa thôi.

Thủy hiểu ra, nhìn quanh nhà. Thảo nào từ lúc theo mẹ lên thăm làng Số Bốn, Thủy thấy vắng lặng thế nào ấy. Từ sáng đến tối Thủy chẳng thấy ai ngoại trừ một vài người cắm cúi trên những nền xi-măng trơ trụi, đục đục đóng đóng với những cây cột, những tấm tôn… Họ dựng lại ngôi nhà của họ đấy! Hơn một tháng sau ngày tàn phá, họ đang lập lại tổ ấm của gia đình họ.

Thủy thở dài, quay sang nhìn Gái đang xâu những cánh hoa. Thủy hỏi:

– Vậy sao Gái không ở ký nhi viện?

– Gái không thích. Gái đòi ba mạ Gái cho Gái ra đây.

– Ở đây không có ai, buồn chết.

Gái dõi mắt nhìn lên ngọn thông cao ngất:

– Tại Gái nhớ lá thông với hoa ngũ sắc. Trong ký nhi viện không có mấy thứ ni. Gái thích về đây đi lượm lá thông, hái hoa ngũ sắc để bán chùm ruột chơi. Mà không có ai chơi với Gái hết, Gái bán cho… “tiên”.

Gió chiều thổi hây hây lạnh, Thủy kéo vạt áo ấm, tay Thủy hơi buốt rồi đây! Gái thản nhiên như không. Đôi má của Gái ửng hồng lên thật xinh. Gái lại cười:

– “Ấy” lạnh không?

Thủy gật đầu. Gái nhích sát lại bên Thủy. Gió thổi, lá thông như đang hòa nhạc vi vu trên cao. Gái chỉ cây thông:

– Cây thông này, đố “ấy” biết nó sống bao lâu? Cả chục năm rồi đó “ấy” ạ! Rứa mà lá nó vẫn cứ xanh hoài. Trên làng Số Bốn ni, có nhiều cây thông rùng rợn lắm. Một cây thì… có ma, mạ Gái bảo rứa, nên bị sét đánh chỉ còn gốc thôi. Một cây thì có sâu róm trên ấy, con nít không đứa nào dám lại gần. Còn nhiều nữa. Ban đêm mà “ấy” ra ngoài, “ấy” thấy mấy cây thông trắng xóa qua màn sương, “ấy” hoảng hồn luôn.

Thủy tuy nghe rờn rợn, nhưng phì cười với Gái. Gái đã xâu đến cọng lá thông cuối cùng trong rổ. Đôi bàn tay nhỏ nâng niu từng xâu hoa. Gái nói:

– Gái lượm lá thông dưới gốc cây ni cũng đủ mệt luôn. Lá thông nhiều ghê, biết bao giờ cho hết hỉ!

Thủy hỏi:

– Còn hoa ngũ sắc Gái tìm ở đâu?

– Thiếu chi! Quanh đây có nhiều lắm! Xuống cái dốc sau nhà Gái là thấy toàn hoa ngũ sắc mọc thành từng bụi, hay trên hàng rào nhà họ. Gái hái hoa ngũ sắc khôn lắm, lựa chùm nào mà hoa màu thật tươi mới lấy. Trái của nó thì tròn như viên bi nhỏ xíu thôi!

Thủy ngắm toàn cả rổ hoa. Song Thủy lấy làm lạ, hoa chỉ có màu đỏ, tím, trắng và vàng, sao gọi là ngũ sắc? Thủy hỏi Gái. Gái ngập ngừng:

– Gái… chả biết nữa. “Họ” kêu rứa. Thôi tụi mình đi bán chùm ruột đi!

Hai đứa men theo con đường dốc đầy đất đỏ sau nhà. Mùa mưa, đất đỏ trơn trợt, lầy lầy, Thủy phải nắm lấy tay Gái, đi run run. Gái thật hay, một tay ôm rổ hoa, một tay dắt bạn, mà vẫn đi như thường. Thủy ở thành phố, đi đường bằng, chân Thủy không quen đất đỏ. Thủy khâm phục Gái quá! Thủy mến đứa bạn miền cao nguyên, đứa bạn ở làng Số Bốn u buồn này rồi!

Thủy đã nhìn thấy những bụi hoa ngũ sắc. Lá ngũ sắc xanh hơn lá quỳ. Hoa ngũ sắc mọc thành từng chùm. Hàng rào hoa ngũ sắc che khuất những ngôi nhà sụp đổ bên trong. Có nơi, hàng rào hoa ngũ sắc quỵ xuống, nhưng hoa vẫn thắm và lá vẫn xanh um.

Gái thỉnh thoảng lại vẫy tay, nói đon đả:

– Chào bác, bác mua chùm ruột không? Chùm ruột “tiên” đó, bác thích chứ hỉ! Bán rẻ lắm, bác trả bằng “tiền lá quỳ” đi, không lấy “tiền chì” đâu!

Rồi chỉ sang Thủy, Gái bảo với người khách hàng vô hình:

– Chị Thủy, bạn mới của tui đó! “Chỉ” cũng xâu chùm ruột khéo lắm đó! Bác muốn làm quen với “chỉ” không?

Thủy nhìn Gái, cười. Mấy người đàn ông đứng trên thềm nhà trống, ngừng tay đục, nhìn hai đứa. Bóng hai đứa nhỏ lẻ loi giữa cảnh hoang vắng của làng Số Bốn làm họ ngạc nhiên. Thủy đã dạn chân, không phải nắm tay Gái nữa. Dưới dốc, mái chùa màu xám với vài chỗ lở ngói hiện ra. Gái kéo Thủy đi nhanh:

– Mau mau xuống chùa dưới tê, bán cho mấy bà đi chùa cũng khá. Đi Thủy!

Thoăn thoắt, hai cô bé nắm tay nhau đi xuống. Gió chiều thổi nhè nhẹ, tiếng lá thông trên cao kêu vi vu… vi vu…


2

Sài Gòn, ngày 12 tháng 5 năm 1968

Gái thân mến,

Thủy về Sài Gòn, đi học đã được một tuần rồi. Tụi bạn Thủy đi học lại từ đầu tháng trước cơ, thấy Thủy vô tụi nó mừng lắm. Có đứa bảo là tưởng Thủy “bị gì” rồi chứ. Thủy kể cho tụi nó nghe chuyện Thủy đi thăm Đà Lạt với mẹ Thủy, nên mất một tháng không đi học lại cùng lúc với tụi nó. Thủy kể chuyện bán chùm ruột “tiên” với Gái cho tụi nó nghe, tụi nó thích lắm. Ít đứa biết hoa ngũ sắc lắm Gái ạ! Tụi nó ở Sài Gòn làm sao biết được, Gái há!

Về đây Thủy thấy nhớ Gái ghê đi! Nhớ Gái, nhớ luôn lá thông với hoa ngũ sắc. Ở đây nhìn quanh chả có cây cối gì cả, toàn nhà với nhà không. Thủy chán ghê Gái ạ! Nhưng Thủy còn tí hy vọng, Gái biết cái gì không? Hè này có lẽ mẹ Thủy cho Thủy lên Đà Lạt chơi đó! Thủy sẽ đến tìm Gái ngay.

Gái ơi, bi giờ Gái đang làm gì đó? Thủy đoán ra rồi. Gái đang xâu hoa ngũ sắc chứ gì! Thủy nhớ hoa ngũ sắc quá chừng. Về đây đâu có hoa ngũ sắc mà xâu, chắc bữa nào lên Đà Lạt Thủy sẽ quên hết, Thủy lại làm rách hoa, làm gãy lá thông, làm ngược đầu nữa bây giờ.

Gái này, bao giờ nhà của Gái mới dựng xong? Lúc đó Gái nhớ viết thư cho Thủy biết nhé! Chắc khi Thủy lên, nhà của Gái đã xong, Gái dẫn Thủy vào thăm nhà của Gái nhé! Không cần nhà đẹp Gái ạ, chỉ cần mau xong thôi. Có nhà, tụi mình sẽ vào nhà khi thấy lạnh, nhất là khi mưa, eo ơi Thủy sợ mưa lắm!

Nói đến mưa, Thủy lại nhớ đến đất đỏ. Ở đây không có đất đỏ Gái ạ. Đất ở Sài Gòn đen sì, nhất là gần sông Cầu Kiệu thì đất biến thành bùn, hôi ghê lắm! Ở trên đó mát mẻ, yên lặng, Thủy thích lắm!

Tụi bạn Thủy hỏi Thủy là ở Đà Lạt con nít có tốt không, Thủy nói con nít trên đó rất hiền, nói năng thưa dạ đàng hoàng và không biết chửi thề. Con nít trên đó phần đông nói giọng Huế vì ba má chúng là người ngoài Huế vào. Con nít trên đó phụ ba má chúng dựng nhà, giúp ba má chúng đi buôn bán. Con nít trên đó tuy mặc áo ấm có khi sờn rách cả tay mà vẫn không thấy lạnh, vẫn đạp xe chạy vù vù dưới mưa. Và con nít trên đó có nhiều trò chơi đẹp lắm, như nhặt lá thông xâu hoa ngũ sắc để bán chùm ruột “tiên” chẳng hạn. Gái ơi, Thủy lên Số Bốn Thủy có thấy con nít trên đó đâu! Thủy chỉ thấy có mình Gái thôi, nên Thủy tả Gái cho tụi bạn nghe đó! Tụi nó cũng mến Gái lắm.

Thủy mong đến hè mau mau để Thủy lên chơi với Gái, Gái ơi!

Thủy.      


3

Xe vừa rời Định Quán, mình cũng vừa ăn một đĩa cơm gà ngon lành. Mẹ lại mua cho mình mấy phong bánh đậu xanh nữa. Nhưng mình không ăn đâu, để dành cho Gái cơ. Vui quá, thích quá! Mình sẽ gặp lại Gái, sẽ nhìn lại nét mặt, mái tóc, và giọng nói dễ yêu của nó. Mình sẽ đứng nấp sau hàng rào, đợi nó ra mình sẽ “hù” nó. Ấy, không được, nó tinh mắt lắm, nó sẽ nhìn ra ngay. Chả là hôm ấy nó cũng nhìn thấy mình nấp sau hàng rào hoa quỳ mà! Thôi, mình sẽ chạy vào vậy. Gái sẽ mừng rỡ lắm nhỉ! Mình thương nó quá đi thôi! Mình sẽ cho nó hết mấy phong bánh, và rủ nó đi nhặt lá thông về xâu hoa ngũ sắc, rồi lại đi bán nữa…

Gió thổi lồng lộng thật mát. Nhưng đã hơi lạnh rồi đây! Mẹ khoác cho mình một chiếc áo ấm. Mẹ thiu thỉu ngủ. Mình lại không muốn ngủ tí nào. Cảnh vật bên đường lôi kéo mình nhìn. Ngắm những cây cối đều đặn chạy lùi lại sau lưng, mình lại nghĩ đến những đồi thông ở Đà Lạt, và nghĩ đến Gái…
Mình bỗng nghe đâu đây tiếng súng nổ thật dòn. Bác tài biến sắc mặt. Một vài hành khách tỉnh giấc, ngạc nhiên nhìn nhau. Bác tài ngó lui, nói giọng hoảng hốt:

– Đánh nhau bà con ơi!

Mẹ giật mình mở mắt, hỏi mau:

– Hả, cái gì?

Tiếng súng nổ càng rõ hơn, gần hơn. Mẹ lo sợ ôm lấy mình. Hành khách trên xe nhốn nháo. Mình nhìn bác tài, thấy da mặt bác nhăn lại, nhưng bác vẫn cố gắng bình tĩnh cầm lái. Mẹ kêu to:

– Bác tài ơi! Dừng xe lại đi!

Trả lời mẹ, một tiếng nổ ù tai vang lên. Mình òa khóc, sợ hãi. Xe đã dừng, nhưng rõ ràng là bác tài gục đầu trên tay lái, im lìm. Hình như máu đỏ vương đầy cổ và vai áo bác. Đôi mắt mình như nhòa đi. Mình khiếp hãi ôm chặt mẹ. Hai ba tiếng nổ lớn nữa tiếp theo. Mình thấy con đường trước mặt tung đất lên. Một người tông cửa xe lao xuống. Hai người, ba người… lao xuống. Mẹ cũng bế mình lao xuống, không suy tính. Tất cả chạy thật nhanh xuống cái hố đọng đầy nước mưa bên lề đường. Mình bị mẹ dúi đầu xuống để tránh đạn, nhưng mình cũng vừa kịp thấy chiếc xe chở mẹ, chở mình đã bị một trái đạn rơi phải, nổ tung và cháy ngùn ngụt. Mình nhắm mắt lại. Điếc tai quá! Tiếng mẹ lâm râm cầu nguyện bị át đi. Ôi, thật hãi hùng!… Mình như người mê man trong cơn sốt. Trong phút giây, mình nghĩ đến ba, đến các anh chị ở nhà. Ba nào có biết. Anh chị nào có biết. Và nghĩ đến Gái ở trên Đà Lạt kia, mình khóc thật tức tưởi… Gái ơi! Gái cũng đâu có biết. Gái vẫn ngày ngày đi nhặt lá thông về xâu hoa ngũ sắc một mình. Gái vẫn chờ đợi Thủy nghỉ hè lên với Gái. Nhưng rồi Thủy có đến được với Gái không? Thủy có… có còn được sống để gặp Gái không? Mình hoảng sợ. Súng đạn ở đây, mình sẽ chết hay sao? Những câu chuyện trong báo mình đã đọc và xúc động – chuyện hai đứa bé quen nhau, thân nhau, rồi có một đứa chết, bỏ lại đứa kia… – có thể xảy đến cho mình đây! Mình sẽ chết như thằng Xuyên, bỏ Gái lại – như thằng Sáu – để Gái ngày ngày nhặt lá thông xâu hoa ngũ sắc một mình? Ôi thê thảm làm sao! Gái ơi! Mẹ ơi!.. Một trái đạn rơi xuống gần chỗ nấp, nổ xé tai. Mình không còn biết gì nữa…


4

– Con ơi! Tỉnh dậy đi con!

Tiếng mẹ gọi dồn dập khiến Thủy bàng hoàng mở mắt. Tiếng súng hầu như đã im. Thủy thấy mình nằm gọn trong tay mẹ. Đôi mắt của mẹ ướt nhòa, nhưng môi mẹ đang cười sung sướng:

– Cám ơn Trời Phật. Mẹ con tôi vẫn còn sống đây!

Thủy tỉnh hẳn, nhìn quanh. Chiếc xe đã cháy còn nằm kia! Những xác người còn la liệt trên mặt đường, dưới hố nước. Nhưng mẹ còn kia. Nhưng Thủy còn kia. Thủy không chết. Thủy không chết như thằng Xuyên bỏ thằng Sáu bạn nó bơ vơ. Nhìn quang cảnh hoang tàn, Thủy bật khóc lớn. Mẹ ôm chặt lấy Thủy, và mẹ cũng khóc. Thủy nghe ấm lòng lại. Nỗi kinh hoàng chưa tan, nhưng Thủy thấy niềm hy vọng đang chớm lên, lan rộng trong hồn. Thủy vẫn còn sống để được nhìn cuộc đời. Thủy vẫn còn sống để nuôi mộng thanh bình về. Thủy vẫn còn sống để thấy được mẹ, thấy ba, thấy anh chị Thủy ở nhà. Và Thủy vẫn còn sống, Thủy sẽ lên đến Đà Lạt, lên đến làng Số Bốn, để Thủy còn được nhìn thấy Gái, đứa bạn nhỏ thân yêu, vẫn mỗi ngày đi nhặt lá thông xanh về ngồi trên thềm nhà vắng xâu hoa ngũ sắc, đợi chờ…


Nguyễn Thị Mỹ Thanh  

(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 112, ra ngày 15-8-1969)




Thứ Ba, 27 tháng 4, 2021

CHO MÔI NỞ NỤ HỒNG - Phạm thị Kim Phượng

 

Gió thổi lồng lộng làm tóc Nga bay cuống quít. Thằng Thi hỏi vu vơ:

- Tóc làm đau mặt không hở chị Nga?

- Không. Thi hái cho chị cọng cỏ may đi.

Nga dùng cọng cỏ cột đuôi tóc lại. Thi nhìn chị cười khoe răng khểnh:

- Chị Nga hay ghê, chị làm cho em với.

- Làm gì hở Thi?

Thằng Thi kề tai Nga:

- Cột tóc cho em với.

- Eo ơi! Thi không sợ thằng Thuận cười hở, con trai không cột tóc được đâu, xem nào! Tóc Thi ngắn thế kia làm sao cột được.

- Thế con gái mới cột được sao?

- Ờ con gái tóc dài.

Thằng Thi thôi hỏi chuyện Nga nữa, nó quay sang ngắt cỏ sâu. Nga biết nó sắp sửa đan cỏ làm máy bay nữa rồi đấy. Lúc đó Nga sẽ vểnh tai lên nghe nó kể: Bố lái máy bay nhá. Mẹ ngồi ôm Thi vào lòng này, còn chị Nga ngồi gần bố nhá và ; chị ơi! Sao bố đi lâu về thế... Nga sẽ không biết trả lời sao nữa. Thôi thì đừng cho thằng bé hỏi nữa cho xong. Nghĩ vậy, Nga đứng dậy. Thi ngơ ngác:

- Chị về đấy hở chị Nga?

- Ờ. Thi chơi một mình nhá!

Thằng Thi lúc lắc mái tóc vàng cháy vì nắng. Nó buông mấy cọng cỏ sâu ra, nhón lên tai Nga thì thầm:

- Chị giận Thi hở?

- Không, lại đàng kia chơi đi Thi.

Thằng Thi cười với Nga, băng cỏ chạy xuống từng mô đất con con. Nga dừng lại, gió làm bóng thằng em phất phơ trong cỏ. Nga ngồi thụp xuống ngắt vu vơ cọng cỏ đưa lên miệng. Có chiếc máy bay quân sự bay trên đọt ô môi. Nga chợt nghĩ đến bố, ờ nhỉ, sao bố lâu về thăm Nga ghê nơi. Thảo nào thằng Thi cứ nhắc bố mãi. Nga nhớ lần bố về, bố mua cho Nga cặp sách này, áo quần này, con búp bê tóc vàng mắt xanh. Bây giờ những đồ chơi ấy đã cũ mất rồi mà bố vẫn chưa về thăm Nga.

Thằng Thi chạy đến bên Nga hờn dỗi:

- Chị dối em, chị bảo xuống kia chơi, sao chị ngồi đây?

- Thôi thì bây giờ chị em mình chơi rượt bắt nhá!

Thi mỉm cười chịu cho Nga chạy trước để nó rượt bắt. Thằng bé chạy thật lanh lẹ, Nga cuống quít, bỗng nghe té đau dưới chân, Nga thụp xuống, có máu loang ra mấy cọng cỏ xanh. Thằng Thi chạy đến bên Nga cười vang:

- Chị Nga thua nhé, em chạy thì phải biết.

Thấy Nga cúi xuống chân, Thi nhìn theo:

- Eo ơi chị Nga sao thế?

Một miểng mảnh sành ghim dưới lòng chân, thằng Thi nhai vội vàng mấy cọng cỏ nhổ phì phèo vào chân Nga. Nga nhăn mặt:

- Đau, Thi dẫn chị về ngay đi, đau quá.

- Khoan đã, để hết máu đã, hôm nọ thằng Thuận cũng chảy máu chân, em đắp cỏ ngày mai là lành ngay.

Nga lắc đầu dợm đứng lên. Thằng Thi đỡ chị:

- Thế bây giờ về ngay hở chị Nga?

- Ừ chị đau quá.

Hai chị em dìu nhau về, thỉnh thoảng Nga dừng lại xuýt xoa:

- Chậm lại Thi ơi, đau quá nè.

Thằng Thi dừng lại, mắt dõi cuối xóm, rồi nhìn ra đầu ngõ có hàng tre xa mút. Thi bỗng mở to mắt, bóng người lính đầu đường mòn nhìn nó vẫy tay:

- Ơ, bố về, chị Nga ơi bố về.

Thằng Thi cắm đầu chạy. Nga gượng đứng lên, bố đang hỏi thằng Thi, thằng Thi chỉ Nga cho bố thấy. Nga thấy rõ ràng bố về, bố mỉm cười với Nga. Nga reo lên trong nỗi vui sướng tột cùng:

- Bố ơi!

Bố bồng Nga lên hổng đất, chúi mũi vào tóc Nga:

- Nga đạp miểng chai hở?

- Dạ, bố mới về hở bố.

- Ừ! Kỳ này bố ở nhà với Nga một tuần, chịu không hở con gái cưng?

Nga mỉm cười, bố dìu Nga về. Thằng Thi đang nặng nhọc khênh chiếc ba lô cho bố, tíu tít hỏi chuyện:

- Sao bố lâu về thế hở bố?

- Ừ, bố bận đánh nhau. Thi ở nhà đừng buồn nhá, lâu lâu bố về bố thương bố mua kẹo cho.

- Thế bây giờ bố về bố có kẹo không?

Bố xoa đầu thằng Thi:

- Kẹo cho Thi nhiều lắm, còn ô mai cho chị Nga nữa chứ.

Nga nghe chân mình hết đau, nụ cười ánh mắt của bố đã làm Nga xóa hết mọi ưu phiền. Nga chỉ biết bố với chị em Nga đang về nhà, con đường đất mọi hôm nay dễ thương hơn nhiều. Nga thấy thế.

Bố trìu mến hỏi Nga:

- Nga học ra sao rồi?

- Năm nay Nga được lên lớp nhất, em Thi lớp ba.

Thằng Thi kể cho bố nghe kỳ bãi trường năm ngoái nó được lãnh thưởng mấy cuốn tập bao bìa màu xanh, một hộp bút màu, mấy cuốn truyện nhi đồng tranh màu rực rỡ. Bố yên lặng nghe Thi kể rồi bố mỉm cười khi thấy thấp thoáng cái cổng nhà.

Thằng Thi chạy về trước gọi mẹ, Nga thấy mẹ mỉm cười. Thi xổ tung ba lô bố ra, Nga khập khễnh lấy được gói ô mai ôm vào lòng. Thằng Thi mừng tíu tít với mấy gói kẹo ngon. Nga thấy bố mẹ nhìn chị em nó rạng ngời...


PHẠM THỊ KIM PHƯỢNG     

(Trích từ bán nguyệt san Ngàn Thông số 35, ra ngày 7-10-1972)


Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

TUỔI HOA TRONG KHÓI LỬA - Minh Quân

 
Mới chiều mồng một Tết, mẹ gọi cả bọn lại, dặn dò bằng giọng trang trọng:

- Sáng mồng hai có Gia Đình Tuổi Hoa đến thăm đấy. Các con phải ngoan, phải...

Ba ngắt lời mẹ:

- Mẹ chúng mày lúc nào cũng Tuổi Hoa với lại Tuổi Xanh, làm như trên đời này chẳng còn có việc gì quan trọng hơn.

- Ơ hay! Cái ông này! (mẹ có vẻ cáu nhưng vì là Tết nhất nên mẹ phải cố làm lành). Với tôi thì Tuổi...

- Biết rồi, khoe mãi. Đùa thế chứ tôi cũng chiều ý mẹ con mợ lắm, chả thế mà tôi đã cấm không cho lũ trẻ đốt hết pháo, dành riêng cho Gia Đình Tuổi Hoa của mợ đến những non một thước à?

- Thôi, tôi không ơn chuyện đó, tôi ghét pháo lắm, đốt đì đoàng cứ y như là tiếng súng.

- Mẹ quê! Mẹ quê...

- Đứa nào dám nói mẹ quê? Vuốt râu hùm nhá?

Mẹ giả vờ nghiêm nghị, nhưng giọng lại hết sức khoan hồng, âu yếm. Cu Minh được trớn, tiếp luôn:

- Pháo đốt nghe vui tai chớ pháo gì lại y như tiếng súng? Mẹ nhát gan lắm!

- Ha! Mẹ nhát gan thỏ đế! Mẹ nhát gan thỏ đế...

Thế là cả lũ nhao nhao. Thu sắp dùng quyền chị cả quát lên song mẹ đã vui vẻ:

- Thôi con ạ, mặc chúng, cho chúng tự do đầu năm.

Hai mẹ con quay sang bàn chương trình đón khách quí ngày mai.

Phải nhận rằng năm nay mẹ đặc biệt quan tâm đến mấy lọ hoa hơn năm nào hết: Mẹ chọn lay-ơn mầu đỏ sẫm, thứ bum búp, cánh nào cũng bụ bẫm, cặm chen vào với những cành liễu trong chiếc lọ to tướng mầu trắng tinh như tuyết đọng. Pen-xê thì mẹ chọn mầu xanh nâu đựng trong chiếc lọ nhỏ hơn, bằng thủy tinh mầu hạt dẻ. Thủy trúc cao lêu đêu, lá nào cũng xòe ra như cái tán, xanh biêng biếc, óng ả nổi bật trên những viên cuội bóng loáng, trong suốt y như những viên đường phèn, bình đựng là một vật... thật Thu không biết nên gọi nó là cái gì cho đúng vì nó giống hình dáng cái bình cà phê, lại vừa giống cái liễn xúp, lại vừa giống cái ca múc nước, cao, sâu, miệng rộng, có quai, bằng thủy tinh trong suốt và rất dày, mẹ sắm nó từ hồi Thu mới chập chững biết đi, mà bây giờ Thu đã lái Suzuki được, đủ biết nó lớn tuổi là chừng nào!

Thu lo kiểm những thứ dọn khách ; này nhé: hạt dưa dòn khứu, mứt sen thơm ngát, mứt khoai bùi ngậy, mứt dừa beo béo, kim quất đỏ ong, mứt thơm dẻo quánh, dưa hấu bổ thử quả nào cũng ruột đỏ tươi, ngọt lịm. Hồng khô thì gồm đủ mùi vị thơm, bùi, ngọt, dẻo... đó là thứ không được dân tộc tính cho lắm, nhưng con Hà nó ưa nên mẹ chìu nó, chứ Thu thì Thu chỉ ưa những món cây nhà lá vườn.

Đành rằng sự thật thì Thu không làm được những ngần ấy thứ, nhưng mà ai biết đấy là đâu? Gia Đình Tuổi Hoa hãy cứ biết rằng thưởng thức những thứ ấy tại nhà Thu, mà Thu là con gái lớn của mẹ, thì những thứ ấy là sáng tác phẩm của Thu chứ còn ai vào đấy nữa. Đấy các bạn xem, Thu cũng biết "tam đoạn luận", Thu cừ đấy chứ?

Vốn là người chu đáo (!) Thu bàn riêng với mẹ:

- Này, mẹ nhớ có phong bao lì xì cho Gia Đình Tuổi Hoa nhé? Năm mới mà!

Mẹ trợn mắt lên:

- Ơ hay, con bé này! Các anh ấy đâu phải trẻ con? Bộ mày tưởng ai cũng như mày chắc, cả năm cứ chong mắt chờ Tết để vòi tiền...

Thu sắp sửa giận mẹ, vì điều này: hễ mẹ sai khiến, quở trách thì mẹ nói: "con gái lớn tướng" rồi, còn so sánh với ai thì mẹ mới: "đâu phải ai cũng trẻ con như Thu" có phải mẹ vô lý không?

Nhưng mà Thu nguôi ngay, ngày Tết giận hờn thế, không hên. Mẹ lại tiếp, giọng hết sức âu yếm:

- Con nói phải, nhưng mà mẹ không mừng Tết bằng tiền mới, mẹ có quà đặc biệt cho các anh ấy bằng... thôi, chả nói. Để lúc đó con sẽ thấy.

*

Tối mồng một, mẹ và Thu lo mang hoa ra sân, thay nước, cắt gốc, bẻ nát át-pia-rin cho vào lọ, lại chọn chỗ thoáng giữa trời để hoa được hứng sương đêm. Giọng mẹ êm như lời ru, và có pha một chút hãnh diện:

- Con thấy hoa mẹ chọn hay không? Sáng mai mồng hai sẽ nở đều cho mà xem.

Thu gật gù:

- Con thấy hoa nhà bác K. không đẹp và tươi như hoa mẹ đâu. Mới hôm này mà đã nở tung cả rồi.

- Rõ mẹ hát con khen!

Ba từ nhà trên xuống, trêu một câu. Mẹ lờ đi, làm như không nghe vậy.

Thu cũng vừa sực nhớ, sà đến bên mẹ, nài nỉ:

- Mẹ cho con xem thử quà của...

Mẹ khoát tay:

- Con sao lạ quá thôi. Đã bảo là để sáng mai con sẽ thấy mà.

Chuyến này thì Thu giận mẹ thật sự, Thu vùng vằng đi lên. Trên nhà, ba, Vũ, Hà, Minh và Bé đang bàn nhau cách đón tiếp khách ra sao.

Thu thấy hay hay cũng nhập bọn, bàn cãi rất hăng. Sau hơn nửa giờ bàn qua, tán lại, ba phân công thế này: Khi Gia Đình Tuổi Hoa vào đến ngõ là mẹ vén màn cửa mời vào. Mọi người vừa an tọa thì Hà lập tức khai hỏa. Gọi là mừng khách quí! Thu trách nhiệm việc mời mứt, kẹo. Vũ lo pha nước ngọt. Nếu có anh Cả thì ba sẽ mời rượu. Có cả thuốc lá cho anh Vi Vi và anh Cấp nữa.

Nếu có những nhóc tì của "Đồng cỏ non" thì mẹ đã chuẩn bị sẵn phong bao lì xì và Minh, Bé sẽ sẵn sàng tiếp đón. Rõ là chu đáo đến một trăm lẻ một phần trăm. Muốn cho bay bướm, Vũ với Minh thêm:

- Trong lúc mọi người trò chuyện, tụi này cất lẻn ra sân cho nổ một cái pháo lẻ để mẹ và quí khách giật mình chơi.

Ba vỗ tay tán thưởng:

- Các con khá lắm, thật nhiều sáng kiến.

Nhưng mẹ lườm ngay và dọa bằng giọng cực kỳ nghiêm nghị:

- Liệu hồn, nếu chúng mày muốn ăn đòn ngày Tết thì bảo trước.

Cả hai xìu mặt xuống y như cái bánh xe hơi của ba bị xì lốp. Thế nhưng rồi chỉ một phút chúng lại tươi tỉnh lên như cũ khi nghe mẹ dung hòa ý kiến với chúng, nghĩa rằng mẹ không bằng lòng chúng cất lẻn đốt pháo lẻ làm giật mình khách quí nhưng mẹ bằng lòng cho đốt pháo mừng khi khách bước qua khỏi ngõ!

Nghe con Hà khoe váng lên rằng nó đã được Họa sĩ Vi Vi gọi bằng em và Vũ thì rằng "Em có nói chuyện với anh Trinh Chí nữa" Thu lấy làm ấm ức hết sức. (Chả là hôm nọ hai anh tới nhà Thu đi học nên chưa được yết kiến dung nhan hai vị này) Thu nhất định trọn ngày mồng hai không bước chân ra khỏi ngõ, chờ cho kỳ được. Nhưng muốn tỏ ra mình không phải tay xoàng, Thu làm mặt khinh khỉnh, nói:

- Cái gì làm bộ vậy? Tao không như tụi mày đâu. Tao còn quen cả anh Cấp với lại anh Quyên Di kia nữa ấy chứ...

- Nhưng chị làm gì được bác Trường Sơn cho ăn xí muội? Em, em được...

- Ối trời! Tao chở mẹ lại tòa soạn mỗi ngày, bác ấy vẫn hỏi chuyện tao kia, nhãi ạ! Bác vẫn bảo tao ngồi ở xa lông, khỉ ạ! Đừng tưởng...

- Ghê gớm nhỉ! Này Hà, mày có biết mẹ đối đãi với mấy ông tài xế ra sao không? Mỗi lần các ông ấy đến nhà, mẹ...

Vũ nheo mắt hỏi kháy con Hà. Nó trả lời ngay khi nghe chưa dứt câu:

- Em biết, em biết! Này nhé: mẹ mời ngồi, rồi mẹ giục chị Thu pha nước, rồi mẹ hỏi chuyện vồn vã, rồi...

- Đấy nhá? (giọng Vũ châm biếm) Bác Trường Sơn bác đối xử với tài xế của mẹ lịch sự cũng như mẹ đối xử lịch sự nhã nhặn với tài xế... Có gì đáng hãnh diện đâu? 

- Hỗn phải không? Tao đánh bây giờ!

- Đánh đi coi! Ngày Tết, mẹ còn chưa đánh nữa là chị, ỷ lớn phải không?

Cuộc đấu khẩu trở thành "găng" làm mẹ phải can thiệp:

- Thôi! Im! Không được cãi nhau. Đứa nào cãi nhau, ngày mai mẹ không cho phép ra chào khách đó.

Câu đó coi như có hiệu quả. Cả bọn im thin thít. Riêng Thu, Thu có tính nói dai, nên cũng còn cố trả đũa em trai mình một câu:

- Ừ, tài xế đó! Có gì là xấu hổ không? Khối đứa ao ước chảy nước dãi ra mà vẫn không được sờ đến cái bánh xe ấy chứ lị.

- Ai thèm sờ bánh xe chị? Người ta có xe đạp chớ không sao?

- Xe đạp nghĩa lý gì... hừ, xe đạp...

Vũ không kém cạnh một ly con nào:

- Phải! Xe đạp không nghĩa lý gì, mà không tốn xăng là được rồi. Nếu ba mẹ không cho tiền mua xăng coi, chị có bị treo giò không? Nói phét!

- Nói ai treo giò, thằng khỉ? Tao đánh coi!

- Đàn bà con gái mà vũ phu, hở chút là dọa đánh.

Mẹ giận đến một trăm linh hai độ rồi. Máu trong huyết quản mẹ như sôi lên, mẹ lẳng lặng vô phòng tắm rút cái roi nghe đến "soạt" một tiếng, may thay, ba can thiệp:

- Thôi, ngày Tết mợ tha cho chúng, rồi sẽ trị tội sau.

*

Sáng mồng hai, mới tờ mờ sáng, mẹ và Thu đã săn sóc mấy lọ hoa. Thu nảy ra cái sáng kiến là lấy bình bơm nước (mẹ thường dùng bơm nước để ủi quần áo) mà bơm nước lên cho đều tận các cuống hoa. Mẹ tán thành ngay. Mẹ lại thay nước cũ, thay bằng nước mát trong tủ lạnh, xong đâu đấy, hai mẹ con khệ nệ bưng mấy lọ hoa lên. Chưa khỏi cửa nhả ngang đã nghe tiếng gõ cửa. Mẹ ngạc nhiên, quay hỏi Thu:

- Ai mà đến sớm thế nhỉ?

- Bác dậy chưa? Cẩn thận nhé! Có đánh nhau đấy. Đừng ra đường đấy. Giới nghiêm suốt ngày đấy!

Giọng bác K. vọng vào từ cửa lớn, đầy vẻ kinh hoàng. Mẹ tưởng mình nghe lầm, hỏi lại:

- Bác nói gì? Ai đánh nhau?

- Bên kia chứ còn ai, thế ra bác không hay gì sao? Ra-đi-ô nói từ sáng sớm...

- Trời ơi!

Thu và mẹ cùng kêu lên một loạt. Tuy nhiên, Thu chưa biết mức độ nguy hiểm đến bậc nào, chỉ ngay ngáy có một điều: nếu quả thật giới nghiêm ban ngày, cấm đi lại thì hết hy vọng Gia Đình Tuổi Hoa đến được... nhà mình.

Mẹ tức tốc phóng ba bước lên gác, gọi ba dậy, báo tin này. Ba tức tốc mở ra đi ô nghe tin tức. Không khí bỗng trở nên căng thẳng. Mẹ ra sân ngước mắt nhìn lên bầu trời, trời u ám chứ không đẹp như mọi hôm. Mẹ có vẻ buồn nhưng không nói gì nữa.

Thu vẫn còn ấm ức:

- Như vậy chừng nào con mới đi thăm và chúc Tết các thầy con được, hả mẹ?

Mẹ trầm ngâm không trả lời. Vũ và Hà hí hởn:

- Đi sao được? Chị đem hai hộp quà ra chia cho tụi em quách đi cho xong.

- Sao chúng mày tham ăn thế? Lúc nào cũng mong mỏi có mỗi chuyện ăn.

Ba pha trò nhưng chẳng ai cười được. Có tiếng chuông reo. Hà phóng ra ngõ, Vũ phóng ra ngõ, mẹ và Thu cũng phóng ra ngõ. Dì Đ. mặc áo ngắn, tay bế đứa con trai mới đầy năm của dì, tay nữa xách cái tay xách nhỏ, hớt hải vào nhà, thở hào hển, nói không ra tiếng:

- Đánh nhau to quá, anh ấy chở em đến ở nhờ anh chị đây, không dám ở nhà.

Trọn ngày, mẹ chỉ những ra, vào, lên, xuống và ngong ngóng nghe tin tức. Lần thứ hai trong đời Thu, Thu trông thấy mẹ chịu khó nghe tin tức ở đài Phát thanh. (Lần đầu mẹ nghe là lần đảo chính 1/11/63) Giới nghiêm 24 trên 24 tiếng. Nhạc. Tin chiến sự các nơi. Thu chán, hết muốn nghe. Thu nuôi cái hy vọng mỏng manh là ngày mồng ba sẽ hết giới nghiêm, hoặc cũng chỉ vào buổi tối.

Song mồng ba chẳng khác gì. Trèo lên gác thượng nhìn về phía Chợ Lớn, những cột khói, những tiếng nổ thi nhau xuất hiện và vọng lại tai Thu. Báo có hai trang đăng toàn hình ảnh và tin tức chiến sự.

Thế mà ai cũng đua nhau mua. Ba không cho ai ra đường hết. Mẹ và Thu sốt ruột trông thấy.

Sớm mồng bốn, lại có thêm dì H. và các con của dì đến tránh đạn. Nhà dì ở cạnh cầu chữ Y nên dì rất hãi, nhà lại có một mình dì và các con, chú ấy mất đã lâu, còn cậu T. thì lo đi cứu trợ đồng bào với các bạn dưới trụ sở sinh viên suốt ngày.

Vậy là nhà thêm bốn đứa trẻ nữa, cả bọn tha hồ đùa nghịch ầm ỹ, mặc dù mẹ và các dì không ngớt lo ngại, đăm chiêu, nhất là vào buổi tối, một tiếng động khẽ cũng đủ làm cho mọi người nhớn nhác, kinh hoàng.

Mẹ hằng ngày vốn ghét truyền hình, bây giờ mẹ chỉ ngóng đợi đến giờ để mở ra xem. Mục gì mẹ cũng không chê, chỉ cốt cho thần kinh bớt căng thẳng, cho quên. Đêm ai cũng giật mình thon thót, nín thở, lắng tai...

Mẹ mặc áo đi lăng quăng trong xóm cho qua thì giờ, nhưng thì giờ như ngưng đọng không chịu trôi qua.

Tối mồng bốn, trong lúc mọi người đang xúm xít trước máy truyền hình, bỗng có tiếng "kêu gọi" bên ngoài văng vẳng. Mẹ đứng bật dậy đến bên mành cửa nhìn ra nghe ngóng. Tiếng nói chợt im. Từ bấy giờ trở đi, mẹ ra lệnh chỉ mở xem hình mà thôi, không cho nghe tiếng. Buồn cười hết sức, tuồng cải lương đang hồi gay cấn, chỉ còn thấy môi các diễn viên mấp máy và điệu bộ múa may, chả hiểu gì sốt.

- Chán bỏ xừ đi, tắt quách còn hơn.

Dũng, con trai dì H. cầu nhầu. Dì nạt nó:

- Đứa nào không coi thì đi ngủ đi, đừng chê bai gì hết.

- Cố đoán mà hiểu, thế này con hơn ngồi không.

Thình lình, tiếng kêu gọi lại vọng lên mồn một:

- Yêu cầu đồng bào hãy sẵn sàng giáo mác, gậy gộc để sáng mai ra đường...

Trong một nháy mắt, tất cả đèn đóm đều tắt ngấm, truyền hình cũng vậy. Các dì, mẹ, mỗi người sờ soạng trong bóng tối bồng và dắt lũ trẻ vào giường. Tội nghiệp em Bé: nó sợ cho đến nỗi mồ hôi nó toát ra ướt đẫm lưng, nhưng nó không nói gì cả, chỉ ôm chặt mẹ.

Thằng Xinh đã thôi bú mẹ, nhưng mấy hôm nay lại được mẹ nó cho bú nhiều hơn bao giờ hết. Dì không dám để nó vòi, nó khóc, làm như tiếng khóc của thằng bé mới thôi nôi đó kêu gọi sự nguy hiểm tới vậy.

Trong ngoài, trên dưới phẳng lặng, một sự im lặng ghê rợn đầy đe dọa. Thu nằm yên bên em Bé và mẹ, cả ba đều nghe rõ nhịp thở của nhau.

*

Ngày mồng năm, ngày mồng sáu, tiếng súng nghe như quen tai đi, khi xa tít, khi xa vừa, nhưng cứ từng chặp, từng chặp đoàn người kéo nhau lũ lượt đi vào con hẻm nhà Thu. Họ lôi thôi, lếch thếch, ngơ ngác như những kẻ mất hồn.

Truyền hình có từ hai giờ rưỡi. Giới nghiêm từ hai giờ chiều.

Cả nhà (kể cả mấy dì) đều ngồi lại chơi bài trừ mẹ và cu Minh, em Bé, Thu, Vũ, Hà đều mê mải say sưa. Con Hà gớm thật, mới tập có mấy hôm nay mà đã thạo.

Mẹ không bằng lòng, nhưng mẹ không nỡ cấm, cấm thì cả nhà còn biết làm gì? Không ra khỏi ngõ được, hạt dưa, mứt, kẹo, hoa quả cạn dần. Thu và mẹ cũng hết muốn can ngăn, dành phần cho những người khách quí mà cả nhà đã mỏi mòn chờ đợi.

Trưa mồng sáu, ba đề nghị:

- Này, hay là anh đi chơi một chốc xem?

- Rồi chiều hai giờ, ba về không kịp thì sao?

- Không sao, nếu về không kịp thì ba cứ ở lại, sáng mai về. (Mẹ nói)

- Không, con không chịu ba đi. (Minh phụng phịu)

- Cái gì mà sợ? Ba ở nhà buồn, hãy để ba đi chơi một hôm cho đỡ quẩn chân. Mẹ ở nhà với con mà.

Chiều mồng sáu, vì không có ba nên mẹ cho ăn cơm sớm, gài chặt cửa nẻo, lên lầu chơi. Không ai nói ra nhưng mọi người đều không che giấu được nỗi lo âu. Truyền hình được mở ra. Ai cũng có vẻ chăm chú nhưng kỳ thật không một ai còn lòng dạ nào mà thưởng thức. Thì giờ ngưng đọng.

Sau cùng mẹ bảo:

- Mẹ chia ra: tụi con trai ngủ trên lầu. Mẹ, dì Đ. và con gái ngủ dưới nhà. (Dì H. và ba con của dì về nhà từ sáng qua). Vũ, Minh và Sơn (con chú B. ở Dĩ An về chơi, bị kẹt) kéo chăn trùm kín mít. Giá mẹ thấy thì mẹ rầy đấy. Nhưng bây giờ mẹ còn lo cắt xếp nhà dưới.

Chỉ một chốc sau là lũ con trai ngủ say. Con gái cũng vậy, còn lại mẹ, dì và Thu thao thức, phập phồng lo sợ. Bỗng mẹ lay khẽ Thu một cái, thì thào:

- Y như có tiếng chân người.

Thu cùng mẹ nhẹ nhàng nhỏm dậy hé cửa sổ nhìn ra, ngoài vườn, một toán người võ trang kéo nhau đi, nép sát vào tường, không nghe tiếng giày mà chỉ nghe võ khí va nhau canh cách. Thu lạnh cả người, không thở được. Song mẹ vẫn bình tĩnh, chạy sang phòng dì phía trước xem, sau cùng mẹ chạy lên lầu, đoàn người vẫn kéo nhau nép sát tường y như một con rắn khổng lổ. Họ vòng ra phía trước và cuối cùng mất hút sau con hẻm đổ ra đường Nguyễn Thiện Thuật.

Mẹ chạy vụt xuống, thì thào với dì Đ. và Thu:

- Nguy quá, chắc là...

Nhưng mẹ chưa dứt lời, một tràng tiếng liên thanh nổ ròn, rồi tiếng chó sủa vang lên.

Mẹ kéo Thu về giường. Súng càng lúc càng nổ mau, nhiều và gần hơn. Mẹ trải chiếu xuống đất, bế Bé đặt nằm xuống với Thu rồi lo chạy lên lầu đánh thức tụi con trai dậy. Sơn lấy chăn che đầu phóng xuống. Vũ vẫn còn ngái ngủ, ngồi lên, nằm xuống mấy lượt mới tỉnh hẳn theo chân Sơn. Mẹ  bế cu Minh, sờ soạng trong bóng tối, xuýt ngã mấy lượt.

Phòng bên kia có tiếng ọ ẹ của thằng Xinh, rồi tiếng nó ngoạm vú dì nút nghe chim chíp. Một con mối tắc lưỡi đâu đó. Quái, đồng hồ y như chết rồi, Thu đợi mãi chẳng nghe nó đổ 15 phút đều đều như thường lệ.

Trong sự căng thẳng ghê rợn đó, thỉnh thoảng một tiếng mèo gầm gừ lên, đâu dưới bếp làm Thu giật thót cả mình.

Rồi Thu thiếp ngủ cho đến khi nghe súng bắn gần quá mới thức dậy. Trời tờ mờ sáng rồi, Thu mừng quá. Mẹ lo súc hồ lấy nước và giặt gịa. Mặt trời lên thì xong. Thu giúp mẹ phơi áo quần mà chỉ nơm nớp sợ đạn nó véo trúng mình. Súng càng lúc càng bắn già. Xung quanh xóm nhốn nháo chạy sang gõ cửa xin nấp nhờ. Nồi cơm bắc lên thật khó khăn mới chín.

Mẹ mới mở cửa nhòm một cái thì có tiếng ra lệnh:

- Vào nhà, đóng cửa cẩn thận đi, bà.

11 giờ. Mẹ cho cả nhà ăn cơm, bát đũa mang xuống, nhưng chưa rửa, còn mẹ, mới bới chén cơm bỏ vào chút muối vừng rang, thì súng lớn nổ rung chuyển cả nhà. Thế là mọi người náo loạn cả lên. Mẹ bảo hãy nằm yên. Vừa lúc đó có tiếng ba gọi cửa.

Thu mở cửa cho ba vào, mừng quá. Ba nói:

- Thu coi mở cửa nhà xe, mau. Lũ nhỏ mỗi đứa lo lấy áo quần phần mình cho vô cặp, chờ ba đem xe ra trước, chạy ngay. Dì Đ. bế thằng Xinh đi luôn.

Tụi nhỏ coi thế mà cũng khá lanh. Chỉ một nhoáng là chúng xách mỗi đứa một cái cặp phóng theo ba liền.

Mẹ, Thu ở lại. Vì có muốn theo cũng không kịp nữa. Thu gài kỹ cửa, chạy vào nằm bên mẹ. Tiếng khóc, tiếng cầu nguyện vang lên, thỉnh thoảng bị súng lớn, súng nhỏ át đi. Lũ trẻ (nhà hàng xóm) ban đầu còn khóc thét, khóc ngằn ngặt, sau cùng chúng im thin thít, giương những con mắt kinh hoàng thao láo nhìn quanh. Tội nghiệp con út của bác P. bác bị chặn ở bên nhà, nên Phương là anh trai nó, mới 12 phải bế nó chạy sang. Nhiều đứa không thèm bú mẹ nữa. Một bà ra dáng can đảm nhất chạy xuống cửa bếp nhìn qua khe, chỉ một phút sau bà tái mét chạy bật lên, nói:

- Ghê quá, nhiều lính phía sau quá. Bao nhiêu là súng lớn, súng nhỏ...

- Lính nào?

- Lính nào?

- Đố ai mà biết được. Rõ...

Nhưng không ai giận ai. Trong nguy hiểm, mọi người xích lại gần nhau hơn. Dựa vào nhau để thêm can đảm và như đứa trẻ cần che chở. Bà N. bế con nhỏ, bụng gần sinh, khóc òa lên:

- Trời ơi, nhà tôi cắm trại cả đêm nay, chắc chết thôi!

Mẹ sợ xanh mặt nhưng cố làm gan, nắm tay bà, an ủi:

- Đừng sợ, không sao đâu, chị à!

Rồi mẹ hỏi cô K. ngồi bên mẹ:

- Bà cụ đâu? Chị M. đâu?

Lúc bấy giờ cô Kiên mới nhớ ra mẹ và chị mình bị kẹt bên kia. Cô hoảng lên và nghe tiếng đứa cháu 18 tháng khóc, cô đâm cáu, gắt:

- Có câm họng đi không?

Mẹ can:

- Thôi, tội cháu. Đừng gắt nó.

Lũ trẻ càng khóc già. Mẹ hé cửa tủ lấy chùm nho cuối cùng (chùm nho mà mẹ không cho đứa nào đụng đến, để phần ba) ngắt ra chia cho đứa vài quả.

Đạn nổ nghe lách cách, đạn nổ nghe xoàng, xoàng, xoàng... tạch tạch tạch, đạn nổ nghe veo veo veo... Nhà cửa rung lên từng hồi.

- Con coi lấy ít áo quần cho vào xách tay.

- Còn mẹ?

- Mẹ cũng vậy.

Nhưng hai mẹ con đều không dịch chân được. Các cửa phòng bị những người nấp nhờ dùng đồ đạc của họ mang theo chắn đạn mà đạn cứ xuyên qua vách, lóe sáng lên, xoi cả cầu thang. Mẹ không còn hy vọng mang theo gì được nữa. Song mẹ dặn Thu:

- Hễ ngớt tiếng súng là mẹ con ta chạy liền, nghe chưa. Không cần đem theo gì cả. Miễn thoát chết thôi.

Súng thưa đi. Mẹ ra hiệu bằng mắt, lập tức Thu chạy lại cửa, nhưng rồi Thu lùi lại ngay:

- Trời ơi! Con thấy... ghê quá, không chạy được đâu.

- Cái gì? Cô thấy cái gì?

- Một người đàn ông với một người phụ nữ nhảy tường vào nhà mình, đang chong súng chờ sẵn... chắc...

Tiếng súng tiếp liền theo đó, át lời Thu. Mẹ bịt hai tai lại. Giọng mẹ nghẹn ngào, tuyệt vọng:

- Thôi, thế là mẹ con mình đành chờ chết thôi.

Mọi người không hơn chi mẹ: run rẩy, tái xanh, hoảng sợ. Có người như ngất đi. Tiếng súng ngay sau lưng, tiếng súng ngay trước mặt, ngay bên tả, bên hữu...

Tất cả gục xuống như những cái xác. Lũ trẻ hết cả hơi, không kêu, không khóc nữa.

Mùi thuốc súng cay nồng cả mũi. Có tiếng chân người chạy rầm rập, toán loạn, tiếng kêu: "Cháy, cháy" bên ngoài. Súng thưa đi, tiếng kêu la dồn dập. Mọi người nhất loạt đứng dậy, chạy ùa ra. Lửa rực trời, lửa chói lọi, khói đen như một cái cột khổng lồ...

Máy bay quần đảo rợp trời. Tiếng loa kêu gọi nhưng chẳng ai nghe gì cả. Ba chạy vào nhà, bảo mẹ:

- Mẹ con chạy ngay đi.

- Chạy đi đâu? Sao anh không mang các con đi xa cho yên thân, còn trở lại làm gì?

- Không sao, chúng đã ở xa tầm đạn lửa, an toàn lắm. Mợ và Thu chạy đi. Ngớt bắn rồi, mau lên, không lại không kịp đó.

Thu lúng túng không biết nên lấy cái gì, vơ mấy chiếc áo dài thì mẹ ngăn:

- Không, chạy giặc, con đem áo dài theo làm chi? Lấy những thứ bền, chắc, gọn gàng kia.

Ba vẫn giục. Mẹ nhìn quanh, mẹ nói thế nhưng mẹ thì do dự, cái gì đối với mẹ cũng quí, cũng đầy kỷ niệm. Mẹ không biết nên mang theo cái gì, để lại cái gì.

Sau cùng hai mẹ con mang theo hai cái chăn, hai cái quần đen và một cái áo rách. Ra đến cửa mẹ nhớ sực, hỏi ba:

- Anh để xe chỗ nào để tôi ra với con chứ?

- Cứ đi thẳng. Đi thẳng là tới.

- Còn anh? Đi luôn cho xong.

- Không, để anh xem lửa có thể cháy nhà mình không, anh đi sau. Không sao đâu.

Thế là hai mẹ con bị cuốn trong lớp sóng người cuồn cuộn từ sau đổ ập tới, tuôn thẳng ra đường Phan Thanh Giản.

Mẹ nhìn ngang, nhìn thẳng, nhìn quanh chẳng thấy xe, dì với lũ trẻ đâu.

Súng bắt đầu nhặt lại. Lửa bốc cao, khói mịt mù. Thu với mẹ ngừng lại, lui tới quanh quẩn vẫn không thấy xe. Lính từ trên các lầu cao chĩa súng xuống, to tiếng giục đi qua mau, kẻo nguy hiểm... Mẹ và Thu như hai kẻ mộng du, chẳng còn tỉnh táo gì nữa. Cứ bước, bước tràn... Qua Trần Quốc Toản rồi lại qua Cao Thắng. Nhiều chiếc xe hơi vút qua, nhiều chiếc xe gắn máy vút qua, không thấy tăm dạng ba đâu. Mẹ muốn lộn lại song đường vào hẻm bị chận. Nhưng mẹ không khóc, mẹ đi ra Phan Thanh Giản. Mẹ hỏi Thu:

- Có phải con nghe ba nói cứ đi thẳng không?

- Vâng, con cũng nghe y như mẹ.

- Vậy thì cứ đi. Thế nào cũng gặp.

Thỉnh thoảng hai mẹ con lại bị đuổi, phải ngừng lại, nép sát vào hè phố cho chiếc xe nhà binh, lăm lăm đẩy mũi súng chĩa ra chạy vụt tới.

Mọi người cùng chạy đã tản mát dần. Mẹ con đâm hãi! Gặp ông bà Q. bốn người nhập lại, thấy vững lòng hơn.

Ngang nhà họa sĩ M., ông vồn vã mời ông bà Q. và mẹ cùng vào. Bà chủ nhà cắt dưa, mang bánh mì mời mọi người, nhưng mẹ và Thu chỉ xin cốc nước lọc.

Lúc chia tay, bà chủ nhà nắm tay mẹ rưng rức khóc mà rằng:

- Bà đi bình yên. Chúng tôi chắc cũng chạy thôi. Tôi hãi quá rồi...

- Xin ơn trên gia hộ cho ông bà và các cháu. Mong còn có ngày chúng ta gặp nhau. Bà hãy bình tĩnh, chắc khu này chưa đến nỗi nào...

Ông bà Q., mẹ, Thu và 5 đứa con chị D. với bà S. kéo nhau thành một tiểu đội lếch thếch. Ông bà Q. tỏ ý không bằng lòng, nhưng mẹ không thể nào rứt được mấy người này. Sau cùng ngang nhà thương Bình Dân mẹ chạy vào nài nỉ xin gửi 5 em bé và bà S. lại. Bà ta khóc, mẹ phải giảng giải:

- Chị và lũ trẻ không thể theo tôi được, tôi còn phải quay lại tìm nhà tôi với các con tôi. Nắng, lôi chúng theo chúng đến ốm mất thôi, vả lại vướng chân, chậm, lỡ họ bắn cho thì khốn. Cứ ở đây tránh nắng. Rồi sẽ tính sau. Đừng sợ gì hết. Yên xong tôi sẽ tin cho cha mẹ chúng lại đón.

Bà S, gạt nước mắt, bằng lòng.

Mẹ ngần ngừ, muốn quay về lối cũ tìm ba và các em nhưng ông Q. chỉ cho mẹ những cột khói đen nghịt ngay tầm mắt. Thu và mẹ cùng kêu lên:

- Trời! Cháy lan đến cả đường Nguyễn Thiện Thuật rồi.

Bà Q. lẩm bẩm:

- Những ba cột khói. Thôi, chắc nhà chúng ta tiêu tan rồi, bà ạ! Đừng quay lại, chắc ông và các cháu chạy xa rồi.

- Bây giờ bà và cháu định chạy đi đâu?

Ông Q. hỏi mẹ. Mẹ thẫn thờ đáp:

- Tôi chưa biết chạy đi đâu cả. Vả lại, tôi còn phải tìm các cháu và ba chúng.

- Bây giờ bà hãy cùng chạy với chúng tôi, thong thả sẽ tính sau.

Mẹ và Thu phân vân, nhìn những cột khói ngụt trời, và lắng nghe tiếng nổ một giây, rồi lặng lẽ theo chân ông bà Q.

Trời nắng gắt, mẹ xách hộ ông Q. cái xách tay. Ngang nhà một người quen của ông, ông dừng lại, nói vọng vào mấy câu. Trong nhà chạy ùa ra, chào hỏi, trò chuyện một chút rồi đưa biếu hai quả cam. Lại chia tay trước khi hứa hẹn, dặn dò. Những lời đó thoáng qua tai Thu rồi bay mất.


Đến ngã tư Lê văn Duyệt - Phan Đình Phùng ông bà Q. gọi được chiếc xích lô, ông bà bước lên, chúc mẹ may mắn rồi bảo xe chạy về phía Trương Minh Giảng. Thế là còn có hai mẹ con. Xung quanh toàn người lạ. Ai cũng lầm lì câm nín hay hớt hải, kinh hoàng.

- Giới nghiêm rồi đó mẹ, mẹ tính đi đâu?

- Cứ đi thẳng. Đến nhà bác C. rồi tính sau. Thế nào mẹ cũng phải tìm ba với các em. Mẹ gửi con ở đó đặng dễ...

- Không, con đi với mẹ kia.

- Đi làm gì cho vướng? Mà thôi, hẵng cứ đến đó xem đã.

Đường bắt đầu vắng. Trừ vài cái xe gắn máy chạy vút qua hay chiếc xe Hồng Thập Tự phóng nhanh, không thấy ai đi bộ nữa. Mẹ con lại nhìn nhau, bối rối.

Ngang trước một cái nhà sơn xanh, một thiếu phụ chạy ra hỏi mẹ:

- Bà ở đâu mà chạy đến đây? Giới nghiêm rồi...

Mẹ dừng chân, đáp:

- Thưa tôi ở đường Phan Thanh Giản, trong hẻm Vườn bà Lớn...

- Rõ khổ, xóm đó là xóm nhà của người bạn tôi. Anh L. đấy, không biết gia đình anh ấy có thoát không...

Người chồng lên tiếng. Mẹ nhìn người đàn ông, hỏi lại:

- Thưa, ông có biết nhà tôi?

- Thế chị là chị L. phải không?

- Vâng! Tôi là...

- Anh ấy và các cháu đâu? Trời ơi! Chị vào đây nghỉ đã.

Bác gái nắm tay mẹ lôi vào, còn bác trai thì nắm tay Thu. Mẹ kể lại đầu đuôi. Bác trai chạy sang nhà bên cạnh (hóa ra là nhà bác V. anh họ của ba) báo tin. Bác V. hớt hải chạy sang:

- Bây giờ thím tính sao?

- Thưa, tôi gửi cháu Thu ở đây quay lại tìm nhà tôi, thế nào cũng phải tìm...

- Để tôi bảo cháu nó chở thím đi, đừng đi một mình.

Và bác trở về nhà, bảo con trai bác đem xe qua chở mẹ. Thu có ý không bằng lòng, mẹ phải dỗ dành mãi, Thu mới thuận. Anh K. (tiếng là anh em mà Thu chưa từng biết mặt bao giờ) cho nổ xe rồi mời mẹ lên băng sau, chạy về đường cũ. Thu sốt cả ruột, hết ra lại vào. Lòng dạ nào mà uống nước cam. Làm sao mà vui được trong lúc mẹ một đường, ba và các em một ngả? Nhưng Thu không dám khóc, Thu ngồi dí ở cánh phản, đăm đắm nhìn ra đường.

Cỡ bốn giờ chiều thì anh K. chở mẹ trở về. Dáng mệt mỏi và thất vọng, mẹ nói cho Thu biết rằng không tìm thấy xe ba. Mẹ ngồi rốn, uống cốc nước dừa rồi xin phép vợ chồng bác V. đi đến nhà bác C. vì Thu không thích ở nhà bác V. (Thu không quen ai trong nhà cả, nhà bác C. thì Thu chở mẹ đến ngày một, khi đến chơi, khi đến giao bài cho báo, mẹ lại thân với bác gái, còn Thu thì quen với lũ nhỏ con bác ấy)

Cửa đóng im ỉm, mẹ vừa gõ cửa vừa lo: "ngộ hai ông bà chạy mất thì nguy"

Nhưng may quá, có tiếng bác gái trả lời ngay và cửa mở ra. Thu cảm thấy an toàn, thân mật trong khung cảnh nhà bác C. hết sức.

- Tôi chỉ lo ba cháu bị thiêu trong lửa... và lũ nhỏ...

- Trời ơi! Chị cứ lo... người như anh ấy mà lại dại dột cho đến nỗi... Chị và cháu mệt lắm rồi, hãy cứ nghỉ đây. Mai sẽ tính.

Nhưng mẹ không ngồi yên, bác lại chở mẹ đi nữa. Rồi lại thất vọng trở về. Đường phố im vắng. Mặt trời xuống thấp. Hai bác kiếm đủ lời để trấn an mẹ. Bữa cơm chiều được dọn ra. Thu nghe hai tiếng yên tâm được lập lại nhiều lần, song nét mặt biểu lộ tất cả những gì trái lại. Thu thì chưa kịp biết sợ, biết lo. Đây là lần thứ nhất trong đời, Thu nếm mùi loạn lạc. Đạn nổ, lửa cháy, ngay giữa thành phố Sàigon giữa mùa Xuân. Thu tức nghẹn.

Truyền hình được mở ra. Nhưng tất cả phảng phất quanh Thu như nửa thực nửa mộng.

- Mẹ, con bỏ quên cái học bạ ở nhà rồi, chắc cháy tiêu rồi.

- Tất cả đều cháy tiêu, riêng gì cái học bạ của con đâu.

Mẹ trầm giọng, nói. Bác gái cho giăng màn, mời hai mẹ con đi nghỉ, kẻo mệt.

Đèn tắt ngấm. Hai mẹ con nằm bên nhau cùng nén tiếng thở dài và tiếng kêu than. Mẹ không ngủ được. Mẹ rón rén ngồi lên, ra phòng khách, vặn đèn đọc báo. Song hình như mẹ không đọc được. Mẹ lại tắt đèn chui vào màn. Mẹ quàng tay qua ôm lấy Thu và mẹ nức lên khóc, song mẹ cố giữ, không cho tiếng khóc được bật ra to. Thu thì thào: "Mẹ đừng khóc, mai con sẽ đi tìm ba với mẹ, mẹ con cùng đi, chừng nào thấy mới thôi"

- Tội nghiệp con Bé, nó không bao giờ rời mẹ. Tối nay...

Giọng mẹ nghẹn lại, tiếng khóc lại bật lên. Thu không cầm được nữa. Đến lượt mẹ dỗ dành:

- Chớ khóc, để yên hai bác ngủ. Đừng lo. Đã có mẹ bên con.

Nhưng Thu cứ khóc, Thu cứ khóc. Thu khóc cho đến nỗi khan cả tiếng, ngạt cả mũi, không thở được và Thu phải ngồi lên để thở một chút.

Tiếng súng nhặt thưa từ xa vọng lại trong đêm khuya. Mẹ dìu Thu nằm xuống.

Mẹ hôn lên tóc, lên mặt Thu, thì thào, giọng đẫm nước mắt:

- Phải, mai mẹ con ta đi tìm các em với ba. Nhất định phải tìm ra. Ngày mai...

Ngày mai! Nếu ngày mai không tìm ra? Mãi mãi không tìm ra? Thu lạnh người, rùng mình khi nghĩ tới điều này. Y như có bàn tay khổng lồ bóp nghẹt tim Thu, y như máu trong huyết quản Thu ngừng chảy, tim ngừng đập. Thu nghẹn thở vì kinh hãi. Trong một chiều tai biến đến nhanh như thế sao? Nhà cửa, áo quần, sách vở, tranh ảnh mất?... Được! Nhưng còn ba và các em... Thu nhắm chặt hai mắt lại, nước mắt ràn rụa trào ra. Nước mắt mà Thu tưởng Thu khóc cạn cả rồi...

- Hãy can đảm! Còn có mẹ đây, con ạ!

Còn có mẹ! Còn có mỗi mình mẹ! Với hai cái xách tay nhỏ bé đựng hai chiếc quần và một cái áo rách, hai chiếc chăn. Với mấy phong bao tiền mừng tuổi ngày tết. Với cuốn sổ tay của mẹ, bên ngoài bìa có hàng chữ "Never alone" mầu xanh và cái bút nguyên tử đỏ. Thu xót xa thấm thía. Liệu mẹ có thể đương đầu với những bất trắc của Ngày Mai? Ngòi bút liệu có nuôi nổi mẹ và Thu? Chao ơi! Sao mà ghê rợn thế? Ba và các em giờ này ở đâu? Ba làm sao rửa ráy, săn sóc chúng thay Thu và mẹ được? Chắc là lạnh lắm, buồn khổ lắm. Con Bé và cu Minh chúa bướng, chúng khóc đòi mẹ và chị, ba liệu cách nào?... Hàng chục hàng chục câu hỏi xoay ngang, xoay dọc trong đầu Thu, chật ních.

Thu cảm thấy mình mệt mỏi rã rời, chán nản hơn bao giờ hết. Trong bóng tối, mẹ sờ tay lên mặt Thu, bàn tay ướt đẫm vì nước mắt, giọng mẹ bỗng nhiên trầm tĩnh và tin tưởng lạ thường:

- Con đừng buồn nữa, ngủ đi! Hãy cảm ơn trên, dù sao, mẹ mừng còn có con bên cạnh. Rồi mẹ con ta sẽ vượt qua thử thách ghê gớm này. Chắc xe ba rẽ vào một ngõ hẻm nào đó... ngày mai gặp, thế nào mẹ cũng bị ba rầy... Con yên tâm.

Thu vụt im bặt, một tia hy vọng lóe sáng trong đầu Thu, Thu cố bám vào đó. Phải! Ba điềm tĩnh, khôn ngoan, có lẽ nào...

Vả lại, dù gì đi nữa, mẹ nói đúng: Thu còn có mẹ, mẹ còn có Thu.

Rồi tất cả sẽ qua đi như một cơn ác mộng. Dù đây không phải là ác mộng và chưa biết ngày mai ra sao. Hãy cứ biết cảm ơn trên và tin tưởng. Thu thiếp dần trong vòng tay mẹ và trong tiếng súng rời rạc nhắc nhở nỗi kinh hoàng trong dịp đầu năm.


MINH QUÂN    

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 87, ra ngày 15-3-1968)



Chủ Nhật, 25 tháng 4, 2021

LÒNG NGƯỜI RA ĐI - Trần Miên Trường

 

Mai tôi đi rồi
xin giã từ thế giới học trò với nhiều thương tiếc.

Mai tôi đi rồi
xin giã từ bạn bè với nhiều kỷ niệm,

Mai tôi đi rồi
đi đột ngột như một loài hoa nở về đêm,

Mai tôi đi rồi
kỷ niệm nào tôi mang theo,
kỷ niệm nào tôi để chết trong quên lãng?

Mai tôi đi rồi
hành trang nặng trĩu tủi hờn
và bước chân tuổi trẻ mang hành trình vào chất tưởng,

Mai tôi đi rồi
thời gian sẽ là buổi sáng có sương trắng ngủ dài trên mặt đất với cảm tưởng đầu tiên tôi xin giao hòa 1 bài thơ thứ nhất để định nghĩa cuộc đời:

Ai đã bảo cuộc đời là đoạn đường lý tưởng?
Ai đã bảo cuộc đời là đoạn đường chông gai?
riêng tôi cuộc đời là tiếng mẹ ru con ngủ và tiếng khóc của người thân thuộc hoặc u mê hơn cuộc đời là chiếc nôi và hố dài hình chữ nhật.

Mai tôi đi rồi
không có người đưa tiễn
bởi mặt trời xuống núi cũng mù sương,
con chim đó bây giờ đã vỗ cánh,
các bạn và người thân đừng nghĩ gì đến người ra đi mà nên cầu nguyện cho quê hương từng đêm về súng nổ,

Mai tôi đi rồi
bài thơ này xin làm quà giã biệt.

TRẦN MIÊN TRƯỜNG      
(ĐỖ TƯ LONG)             

--------------------------
Đỗ Tư Long, 1 bạn thơ của chúng ta đã giã từ nếp sống học trò để vui đời quân ngũ
Long xin các bạn thơ viết thư cho Long vào những lúc rảnh.

Địa chỉ: Đỗ Tư Long, Đại đội 1-67, Trung đội 1, Tiểu đội 2, KBC 4773

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 66, ra ngày 1-4-1967)




Thứ Bảy, 24 tháng 4, 2021

CẦU TRE LẮT LẺO - Vũ Chinh

 

- Minh, mầy làm luận văn chưa?

- Rồi. Còn mầy?

- Chưa, mầy cho tao mượn bài mầy một chút đi.

Thằng Minh khe khẽ lắc đầu, một thoáng buồn trên đôi mắt to đen. Thằng Hưng, không thất vọng, từ dãy ghế sau chồm lên:

- Cho tao mượn một chút thôi. Lẹ lên mầy, ổng sắp vô rồi kìa.

Thằng Minh lặng lẽ cất quyển vở luận văn vào cặp. Thằng Hưng tưởng bạn giỡn cù nhầy liền thọt lét vào nách thằng Minh:

- Thôi mà. Đưa lẹ đây cho tao nhờ.

Gương mặt thằng Minh vẫn bình thản đến dửng dưng. Tiếng nó khô và lạnh:

- Tao không giỡn.

Thằng Hưng tròn xoe mắt trước thái độ này. Một ánh nhìn hờn dỗi vây bọc lấy thằng Minh.

- Đừng tưởng tao cần. Không có mầy bộ tao chết sao? Hừ, thứ học giỏi làm phách.

Thằng Hưng quay đi, nỗi buồn tỏa rộng trên khuôn mặt thằng Minh. Thế có phải là đã chấm dứt rồi không, tình bạn giữa nó và thằng Hưng. Những quyển vở mới, những trang giấy còn thơm mùi gỗ, những ngòi viết lá tre bóng lưỡng, còn không, còn không trong tháng ngày sắp tới. Ngần ấy thứ, đối với nó bây giờ vẫn là những món cần thiết mà nó đã đánh đổi bằng những bài toán làm sẵn, những bài luận viết xong cho thằng Hưng "sao" lại. Hai đứa đã giao kết với nhau như vậy. Hai đứa đều có lợi như nhau. Như vậy đó. Như vậy đó Hưng. Nhưng chợt một đêm nó thấy bứt rứt lạ lùng. Nó nghĩ là mình đã chơi xấu với bạn một cái gì. Hành động đánh đổi đó có phải là giúp đỡ bạn không. Chắc chắn là không rồi. Chỉ có hại cho người được giúp đỡ thôi. Và nó quyết định thật vội như sợ người thứ ba để mắt nhìn tới...

Một tiếng hô nghiêm đẩy bật dậy những đứa học trò còn ngồi lơ đãng tán dóc. Thầy giáo Tâm, với gọng kính trắng như bao giờ, với gương mặt phúc hậu trầm tư mênh mông theo tháng ngày lặng lẽ, đã đứng trên bục gỗ trắng bụi phấn, bên cạnh cái bàn giấy tróc sơn, đối mặt với hơn mấy mươi đôi mắt sáng tinh nghịch, những tiếng thì thầm chảy ngầm trong vùng yên tĩnh tạm thời. Bọn học trò con trai là vậy hết. Những tay chân nó chừng không ngừng cử động, những ánh mắt đó như không thôi liếc ngang.

Biết tính nết học trò, đó là bổn phận của hầu hết những bậc gõ đầu trẻ. Biết rõ chúng, rồi theo một phương pháp hướng dẫn thích nghi. Tuổi thơ không biết ngoan cố. Chúng chỉ bướng vì thích bướng vào một lúc nào đó thôi. Sự mềm dẻo khéo léo của ông thầy vẫn là phương pháp duy nhất uốn nắn ngọt lịm khoanh sắt cứng đầu đó.

Thầy Tâm ngồi yên trên chiếc ghế, bài Việt sử đặt trước mặt. Bọn học trò xì xào nhỏ to gì đó. Thầy Tâm đập một nhát thước kẻ lên bàn. Chúng im lìm. Bài sử mang cái tựa rất hấp dẫn: Lê Lợi và mười năm kháng chiến. Bọn học trò xầm xì bàn tán cũng vì bài sử mà chúng chờ đợi từ lâu.

Một ý nghĩ là lạ thoáng hiện trong trí thầy Tâm. Ờ há, mình phải đặt câu hỏi đó với chúng, xem chúng có còn nhớ tí ti gì hay không. Nụ cười tròn trên đôi môi khô tái. Thầy đứng lên bục gỗ:

- Các em im lặng cho thầy đặt một câu hỏi trước khi giảng bài. Câu hỏi rất dễ, trò nào trả lời đúng được mười điểm.

Bọn học trò la lên một tiếng mừng rỡ:

- Thầy nói lẹ đi thầy.

- Còn hổng trúng thì sao thầy?

Thằng Hưng thúc cùi chỏ thằng Lợi:

- Mầy hỏi lãng nhách hà.

- Cái gì lãng nhách mậy.

- Hổng phải sao? Khi không cái hỏi hổng trúng thì sao thầy, thì ăn trứng ngỗng chớ còn gì nữa.

- Kệ tao!

Tiếng thầy Tâm:

- Thầy đố các em chớ trước khi Lê Lợi lên làm vua, ông đã làm nghề gì?

Lớp học bỗng yên lặng sau tiếng nói chậm đều đó. Những trí nhớ sâu hút được bọn học trò dò dẫm thăm viếng lại. Những vòng  tay bất động ngoan ngoãn trên bàn đầy  vết mực tím xanh. Ánh nhìn thầy Tâm đậu trên từng đứa. Thầy tin chắc bọn học trò mình đứa nào cũng thông minh, cần nhất là phải biết cách tận dụng và khai thác sự thông minh đó đúng lúc. Thầy bật cười nhỏ khi thấy chúng chống tay lên trán ra vẻ suy tư như người lớn. Có đứa lại ôm đầu hay bóp chặt vầng trán. Ngày xưa thầy cũng ham điểm, thích được khen thưởng như chúng. Ngày xưa...

Những ngón tay mọc lên lần lần. Những ngón tay khác cứ chực giơ cao, nhưng e ngại hay phân vân gì đó lại thôi. Thầy chỉ một trò, ngồi ở góc cuối lớp:

- Hãnh! Nói cho thầy nghe đi.

Thằng Hãnh đứng bật dậy:

- Dạ thưa thầy trước khi Lê Lợi lên làm vua, ông đã là... học trò ạ!

Cả lớp bật cười vang. Thầy Tâm cũng không nín được tiếng cười chân thành của một sự hòa mình thân thiết nhất. Đến một trò khác, trò Khang.

- Trước lúc lên làm vua, ông Lê Lợi đã... làm quan.

Cả lớp nảy nhổm lên:

- Trật lất!

- Vậy mà cũng giơ tay!

Thằng Khang đỏ mặt ngồi thụp xuống ngay. Đến hai ba trò nữa cũng trật luôn. Chúng hầu hết đều cho Lê Lợi những chức tước do chúng tưởng tượng. Có đưa cho Lê Lợi làm tướng, có đứa lại quả quyết là quan văn, quan thượng thư... Thầy Tâm nói:

- Thầy cho hai trò nữa trả lời thôi.

Thằng Lớn nhanh nhẩu đứng lên:

- Dạ, trước khi Lê Lợi làm vua, ông đã đi lính dân vệ.

Tiếng cười dồn động một lúc vì câu trả lời đó. Phải nhận là thằng Lớn đã rất thành thật và tin tưởng mình đáp đúng. Nhưng sự thật không phải vậy.

Thầy Tâm gõ lên tiếng cuối cùng cho thằng Minh trả lời. Bao nhiêu ánh mắt đổ dồn về thằng Minh. Bàn ghế sách vở bị bỏ quên tội nghiệp dưới bàn tay tinh nghịch đập phá.

- Bình Định Vương trước khi lên ngôi Vua, ông là một nông dân áo vải...

Tiếng thầy Tâm mừng rỡ:

- Trò Minh đã trả lời rất đúng, vậy trò được 10 điểm.

Bọn học trò ríu rít lên như bầy chim buổi sáng...

*

Thằng Minh lấy làm lạ không hiểu sao gần tám giờ hơn rồi mà thầy Tâm chưa đến lớp. Thầy bận việc gì chăng. Hay cơn bịnh nào đó đã đến với tuổi già mệt mỏi của thầy. Bao ý nghĩ giăng mắc trong trí thằng Minh. Hồi chiều qua, nó đã gặp thầy. Thầy hiền kính và giản dị như nơi trú ngụ quá đơn sơ đó. Mái nhà thầy, những tấm phên ngăn đôi, những cái ghế, cái bàn, những cuốn sách chữ Tàu, những cơn gió lùa đập loạn xạ phía sau bụi chuối khô rã rượi. Thầy, chỉ có ngần đó thôi. Thầy hiền kính như người cha, thầy bao la như con sông dài qua nhiều miền đất lạ.

Muốn đến nhà thầy Tâm, thằng Minh phải qua một cây cầu tre. Lần đầu nó bước đi cẩn thận lắm, sợ té bõm xuống nước. Con lạch nhỏ dịu dàng lặng lẽ ở phía dưới những đóa bèo tỏa rộng, cỏ mướt ngọt với màu sắc dung dị. Khi tan buổi dạy thầy Tâm đạp xe về nơi đây. Đến cầu thầy phải dắt bộ. Nhiều lần nên thầy quen đi, dắt xe qua cầu thật gọn và chắc.

Thằng Minh không nghe thầy nói gì về gia đình, cũng không thấy ai thân thích cả.

Bọn học trò chạy đuổi quanh lớp, những đứa tinh nghịch nhẩy, leo lên bàn nhún nhẩy và cười. Thằng Minh nóng mặt quá, nhó lên đứng bục gỗ, cầm cây thước kẻ vỗ đôm đốp trên bảng. Bọn học trò quay nhìn nó phản đối, rồi tiếp tục chạy giỡn. Thằng Minh không thất vọng, nó hét to:

- Các bạn ngồi ngay tại chỗ. Đừng  giỡn đùa nữa.

Có tiếng la:

- Bộ mầy là thầy hả?

- Ê! Thằng kia, mày là gì mà dám ra lịnh chứ?

Tiếng thằng Minh:

- Tao là trưởng lớp.

Thằng Hưng xua tay:

- Trưởng lớp cũng mặc kệ trưởng lớp.

Bọn học trò chia làm hai phe: một phe ủng hộ thằng Hưng, một phe thì lừng khừng. Tiếng chân, tiếng cười làm ồn động cả lớp. Thằng Minh đỏ mặt vì tức giận:

- Tao nói lần chót, ai không ngồi lại chỗ, tao ghi tên mai đưa cho thầy phạt ngay.

Lần này bọn học trò hơi hoảng. Chúng lần lượt về chỗ ngồi. Chỉ có thằng Hưng thì đứng chống nạnh ở cuối lớp tỏ vẻ phản đối ngang ngạnh.

- Hưng. Về chỗ ngồi đi!

Thằng Hưng sấn tới:

- Tao hổng về rồi làm sao?

Tiếng thằng Minh:

- Mày hổng sợ thầy hả?

- Sợ... thì cũng sợ vậy. Nhưng thầy nghỉ tao có quyền về!

Thằng Minh ngăn lại:

- Sao mầy biết thầy nghỉ?

- Thầy hổng tới tức là nghỉ chứ còn gì nữa!

- Thây kệ mầy muốn làm gì thì làm.

Nó trở lại bục gỗ:

- Dù thầy có nghỉ tụi mình cũng không được ra về. Đó là lời dặn hồi tuần trước của thầy. Bây giờ ai muốn về thì cứ tự tiện.

Bọn học trò nín thinh. Chúng bắt đầu sợ oai thằng Minh. Thằng Minh trở về chỗ ngồi, lấy tập ra học. Thằng Hưng cũng không dám về, ngồi múa may tay chân với lũ bạn phá nghịch nhất.

Đúng giờ, bọn học trò kéo nhau ra khỏi lớp. Thằng Minh đóng cửa lớp rất cẩn thận, đoạn lên xe đạp, phóng vút về hướng nhà thầy. Buổi trưa nắng gắt. Mồ hôi rỉ đọng trên vầng trán thằng Minh. Nó dựng xe ở gốc cây, chạy lại bên cầu. Nước lạnh trong veo lặng lờ như bao giờ. Nó phóng lên cầu, nhà thầy đó, sau giàn mồng tơi xanh tím. Nó bước chầm chậm. Cánh cửa sổ bụi bám. Căn nhà tối om.

- Dạ thưa thầy.

Thầy Tâm nằm đó, trên bộ ván ọp ẹp cạnh bàn viết. Hơi thở mệt nhọc thoát từ đôi môi tái. Những buổi dạy đường xa, bao sức lực thầy dồn không quản ngại vào bầy trẻ thơ ngây. Hình ảnh chúng là hình ảnh thầy những năm xưa xa lắm. Chiếc xe đạp thân quen, con đường đất bụi bám vai, bước chân hôm nào thầy nghe như nặng trĩu. Thầy ráng lê vào nhà, rồi nằm rũ như con chim ướt cánh. Cơn sốt với mồ hôi vã nhầy nhụa khung trán nhăn nheo. Giờ này, bọn học trò thân mến của thầy, chúng đang làm gì. Căn nhà quạnh hiu, những lỗ trống xác xơ nắng nghiêng vào mặt. Thầy nhớ những chiều mưa, những khuôn mặt, những hình bóng thân ái, những nụ cười, những tiếng hát trẻ thơ, những vòng chong chóng cuốn quay trong đầu. Và thầy thiếp đi...

Thầy ngước mắt nhìn đứa học trò đứng trước mặt. Giọng hỏi thầy rơi vào khoảng không thật mệt nhọc:

- Trò Minh đó phải không?

Thằng Minh ôm cặp sát vào ngực:

- Dạ thưa thầy con đây.

Thầy Tâm đưa tay vuốt xoa mái tóc đứa học trò yêu mến:

- Thầy mệt quá, nên sáng nay không đi dạy được. Và có lẽ, ngày mai... cũng vậy.

Thằng Minh nhìn thầy với đôi mắt thương cảm. Thầy Tâm cố gắng ngồi dậy nhưng không được. Thằng Minh kể lại cho thầy nghe câu chuyện của lớp lúc sáng. Thầy ôm chặt lấy nó, cho nó những lời khen chân thành nhất. Thầy bảo:

- Thôi, trưa rồi, về dùng cơm đi Minh, kẻo ba má trò mong. Thầy bịnh, nhưng... không sao đâu!

Thằng Minh xin nán lại đôi chút nhưng thầy Tâm không cho. Nó ôm cặp, chào thầy rồi đi ra. Nó dừng lại vài lần, nghĩ gì đó, rồi bước đi thật vội. Cây cầu tre in bóng dưới con lạch hiền hòa...

*

Buổi mai mờ mờ những sương mù. Trời lạnh rét trong mọi ngõ ngách hang hốc, trong đám lá xì xào, trong tổ chim co rúm với bầy chim biếng hót.

Thằng Minh gò lưng trên chiếc xe đạp cũ. Tự nhiên nó thấy đường đến nhà thầy sao quá dài. Đôi chân siêng năng làm những vòng tròn thật vội. Thỉnh thoảng nó lại cho tay về phía sau, cái bọc đó vẫn còn. Những trái cam ngon ngọt, những trái vú sữa giữa mùa vẫn còn. Nó hăng hái thêm khi nghĩ đến nụ cười khỏe mạnh tươi vui của thầy. Nó sẽ tự tay bóc cam đưa lên miệng khô đắng của thầy những múi cam ngon, mùi vị đó sẽ chảy tan trong cơ thể nóng đem đến sự tươi mát cho dòng máu, cho da thịt và thầy sẽ bớt nhức bớt mệt vì căn bệnh kéo dài. Thầy sẽ đi dạy lại một ngày gần đây.

Thằng Minh dựng xe ở nơi rất xa cây cầu. Nó ôm bọc cam chạy thật mau. Bỗng dưng nó đứng sựng lại. Cây cầu tre đã sụp từ bao giờ. Con lạch đục ngầu như cau có với sự biến đổi bất ngờ. Vậy là sao? Nó phóng mắt qua bên kia con lạch, nhà thầy vẫn còn đó. Nó, không do dự, xắn cao quần, băng qua con lạch. Nước lạnh làm co rúm da thịt ở bắp chân. Bọc cam được thằng Minh cắn chặt lủng lẳng giữa hai hàm răng. Nước lên tới cổ nó, nó cố không cho bọc cam bị ướt. Nó khám phá những vỏ đạn, những bụi cỏ trốc gốc. Nó càng thấy lo. Rõ ràng là đêm qua trận đánh đã diễn ra ở đây. Cảnh tượng xơ xác như lòng nó bây giờ.

Thằng Minh chạy như điên trên khoảng đường lồi lõm. Nhà thầy đây rồi. Nó ghé mắt nhìn. Trời ơi, thầy đâu rồi? Thầy đã ra sao? Thầy còn bệnh kia mà? Nó xô cửa vô nhà. May quá đồ đạc vẫn còn nguyên không sứt mẻ dù những viên đạn đã xuyên thủng vài lỗ trên vách. Thầy đâu. Nó muốn khóc, bọc cam nhăn nhó trong bàn tay nắm chặt. Thầy ơi! Thầy đâu rồi. Thằng Minh rớt nước mắt vì nỗi lo âu tỏa đặc trong hồn.

Một lúc, bỗng có tiếng chân người ở phía sau nhà. Thằng Minh đứng bật dậy. Một người lính trẻ có vẻ hấp tấp:

- Cậu bé này, có phai nhà ông giáo Tâm đây không?

Thằng Minh đưa tya lên ngực:

- Dạ... thưa anh phải.

- Em biết giấy tờ của ông Tâm để đâu không?

- Dạ biết.

Thằng Minh mở ngăn kéo, nhanh nhẹn lấy ra một xấp giấy. Người lính gật đầu:

- Tốt lắm. Thôi tôi đi nghen.

Thằng Minh chạy theo:

- Dạ, anh khoan đi đã. Cho em hỏi... thầy em...

Người lính ngắt lời:

- Ông Tâm là thầy em hả? Ổng được đưa đi lên tỉnh để chữa bịnh rồi.

- Em đi theo được không anh?

- Đi theo làm chi?

- Dạ, để săn sóc cho thầy... Thầy em... có một mình hà...

- Không được đâu.

Người lính phóng lên xe, tiếng động cơ xa dần.

Thằng Minh đứng trơ ra đó, nhìn bọc cam, nhìn căn nhà xơ xác, nhìn con lạch, rồi bỗng òa lên khóc một mình.


Vũ Chinh      

(Trích từ tạp chí Tuổi Hoa số 87, ra ngày 15-3-1968)