Thứ Ba, 20 tháng 3, 2018

CHƯƠNG I, II_ÔNG ĐỒ LÀNG NHỊ KHÊ




CHƯƠNG I
 
 
QUÁN NƯỚC ĐẦU LÀNG
 
 
Một cây đa già có đến một trăm năm, cành lá xum xuê, tỏa bóng xuống một khoảnh đất rộng rãi phẳng phiu ở ngay đầu làng Nhị Khê. Nơi đây mát mẻ suốt ngày kể cả những buổi trưa hè oi bức nên từ sáng sớm đến lúc sẩm tối không mấy lúc vắng người.
 
Từ những khách lạ phương xa đến các bà trong làng đi chợ ở những xã kế cận, ai cũng lấy nơi đây làm chỗ nghỉ chân. Không tiền, bỏ nón ra, phe phẩy mấy cái cũng xong. Dư dả thì ghé vào quán nước dựng ngay dưới cây đa, uống bát nước chè tươi, ăn cái bánh, hỏi thăm đường, hoặc nói vài ba câu chuyện.
 
Quán thật khang trang mặc dầu mái chỉ lợp bằng tranh và bàn ghế đóng bằng tre nứa. Bà hàng đã đứng tuổi, nhai trầu, môi cắn chỉ, lúc nào cũng tươi cười chào đón khách dù lạ hay quen.
 
Một ông khách ngả nón bước vào, ngồi xuống ghế, tay phe phẩy chiếc quạt lớn, nan bằng tre cật.
 
- Hôm nay quán chắc đắt khách lắm hả, bà Nhiêu?
 
Bà hàng vói tay ngửa chiếc bát đàng trước mặt ông khách, nghiêng mình múc gáo nước chè tươi trong chiếc nồi đất ủ thật kỹ ở mé sau lưng, rót vào bát cho khách.
 
- Vâng, nhờ trời cũng khá. Nhưng chẳng làm sao bằng những ngày này năm xưa đó, thưa ông Khóa.
 
Ông Khóa lẩm nhẩm tính:
 
- Phải rồi, kể cả năm nay là mười năm, không thấy các quan về tế đền thờ Đức Khai Quốc (1).
 
- Từ năm Hợi phải không, ông Khóa?
 
- Phải, từ năm Đinh Hợi (2) đến năm nay là năm Đinh Dậu (3), đúng mười năm, bà Nhiêu nhớ cũng giỏi đấy.
 
- Nhớ chứ sao không! Tôi nghĩ tổ tiên là tổ tiên chung. Chả nói đâu xa, ngay như ở làng ta, đâu có phải chỉ có một mình ông Đồ Long Vũ mới là con cháu của Đức Khai Quốc.
 
Ông Khóa nâng bát nước lên uống từng hớp nhỏ rồi cười ha hả khen:
 
- Chí lý! Bà Nhiêu nói phải. Chẳng những cả làng Nhị Khê ta là con cháu Ngài, mà cả nước đều phải nhớ ơn Ngài nữa. Ấy thế mà…
 
Tiếng vó ngựa từ đàng xa phi tới cắt ngang câu chuyện.
 
Ông Khóa vừa quay đầu ra đã thấy một con ngựa chiến, toàn thân lông đen bóng, đứng dừng thẳng tắp ngay giữa ngả ba đường. Một thiếu niên tuổi chừng mười lăm, mười sáu, mặt còn non choẹt nhưng thân hình đã vạm vỡ, từ trên lưng ngựa nhảy tót xuống nhẹ như chiếc lá.
 
Buột miệng, ông Khóa khen với bà hàng:
 
- Cậu bé này cũng là một tay đáo để đây!
 
Tuy chỉ mặc bộ đồ võ sinh tầm thường bằng vải nâu tiệp với nước da sạm nắng, và đeo trên vai một chiếc tay nải quê mùa, Huy, tên chàng trẻ tuổi, vẫn có phong thái của một vị công tử con quan, nhất là ở ngang thắt lưng cậu có giắt một thanh gươm, chuôi và vỏ bằng đồng đen có chạm trổ.
 
Với những cử chỉ thật âu yếm, thiếu niên quàng tay ôm cổ con ngựa, vuốt lưng, vuốt bờm, trước khi vỗ vỗ vào hông nó. Hiểu ý, con vật từ tốn bước tới đám cỏ tươi non gần lũy tre xanh kiếm một bữa quà thanh đạm miễn phí.
 
Chàng trẻ tuổi ung dung bước vào trong quán nước.
 
Khuôn mặt vuông với vừng trán rộng, cặp mắt sáng quắc cùng với đôi môi dầy và tươi dễ khiến cho người ta thoạt trông thấy đã có cảm tình ngay.
 
Chàng lễ độ nghiêng đầu chào những người có mặt trong quán trước khi ngồi xuống.
 
Chủ quán vừa rót nước mời khách vừa thăm hỏi thay lời chào:
 
- Chắc cậu cả từ Kẻ Chợ mới tới?
 
- Vâng. Đây đã phải là làng Nhị Khê chưa, thưa bà?
 
- Đây là làng Nhị Khê rồi. Cậu định…
 
Không để bà hàng tò mò hỏi thêm, cậu bưng bát nước chè bốc khói, rời chiếc chõng tre ra đứng ngoài quán hóng gió cho khô chiếc áo võ sinh đã ướt đẫm hết lưng.
 
Một lát sau, đặt chiếc bát vào chỗ cũ, chàng khen:
 
- Chè tươi ngon quá, xin bà cho bát nữa.
 
- Vâng.
 
Bà hàng quảng cáo thêm:
 
- Hàng tôi có xôi đậu mới thổi xong. Có chuối tiêu trứng cuốc, ngon lắm, cậu xơi…
 
- Dạ thôi.
 
- Có bánh, bánh gai, bánh mật…
 
Chàng trẻ tuổi mỉm cười, lắc đầu. Không nản lòng, bà hàng mời gặng:
 
- Có cả bánh dầy Quán Gánh nữa. Bánh dầy Quán Gánh là ngon nhất hạng đấy, cậu ơi! Cậu sơi thử vài tấm nhé.
 
- Vâng. Xin bà một cặp.
 
Bao nhiêu kỷ niệm êm đềm trở về cùng với hương vị tuyệt vời của món quà đâu cũng có nhưng đâu cũng chẳng ngon bằng ở miền Thượng Phúc này.
 
Bột nhuyễn trắng tinh, nhân đậu mịn màng điểm thêm vị cà cuống vừa thơm, vừa cay khiến cho khách khó tính đến đâu cũng thấy ngọt giọng, đã ăn một lại muốn ăn hai.
 
Ăn chưa hết cái bánh, mặt chàng bỗng sa sầm xuống. Hương vị thơm ngon gợi chàng nhớ về quá khứ, nhớ mẹ, nhớ em, nhớ quê nhà.
 
Những năm trước đây, cha mẹ chàng đến Nhị Khê thăm bác Đồ, khi về muốn mang quà gì thì mang, nhưng không thể nào quên được những tấm bánh dầy Quán Gánh gói trong những tầu lá chuối xanh. Hai anh em chàng được ăn bằng thích…
 
Những ngày vui ấy có lẽ không còn nữa. Nay mai đây, mẹ chàng, em chàng sẽ phải bỏ làng mà đi. Ngay bây giờ, mẹ và em chàng đã rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn rồi cũng chưa biết chừng! Cha chàng liệu có thoát khỏi cái chết ở nơi biên thùy xa thẳm hay không?
 
Còn chàng, biết nương náu nơi đây có được yên ổn cùng chăng? Không khéo còn liên lụy đến gia đình bác Đồ nữa thì khốn!
 
Trớ trêu thay, bác Đồ tài kiêm văn võ của chàng lại chính là hậu duệ của vị khai quốc nguyên huân Tế Văn Hầu Nguyễn Trãi, người đã bị chu di cả ba họ mặc dầu đã sớm biết thực hành câu “Công thành, thân thoái”!
 
Không thể để tấn thảm kịch ngót một trăm năm xưa tái diễn!
 
Bà quán cũng như ông Khóa đều nhận thấy nét ủ dột lạ kỳ của người khách lạ.
 
Bánh ngon là thế mà ăn mãi không hết. Bà hàng không dám mời thêm.
 
Khách còn đang uống thêm hớp nước thì cả chủ lẫn khách bỗng giật mình nghe có tiếng la của nhiều người cùng cất lên một lúc.
 
Nhìn ra thì thấy một đám đông con trai cao lớn lộc ngộc đang châu đầu vào một chỗ và reo hò khoái trá.
 
Ông Khóa lắc đầu mắng yêu thằng con trai vừa chạy tới:
 
- Chúng bay đứa nào đầu cũng to bằng cái rành (4) mà còn ham đánh đinh đánh đáo!
 
Người con khoe:
 
- Đám đáo này lạ lắm, thầy ơi! Bốn anh thẩy mỗi anh một đồng tiền. Không lọt được vào lỗ, bốn đồng tiền chia nhau nằm trấn quanh miệng lỗ. Các anh ấy đố ai thẩy trúng lỗ mà không được đụng chạm đến bốn đồng kia. Khó quá! Tiếc thay không có cậu Út ở đây!
 
Ông Khóa bào chữa cho tụi trẻ với những người chung quanh khi con trai đi khỏi:
 
- Mắng các cậu ấy thì mắng, chứ trò chơi ấy xét ra cũng vô hại, nếu không nói là hữu ích. Là vì nó luyện cho người chơi được tinh mắt, khéo tay, chẳng khác chi người luyện võ tập ném ám khí đó, các cụ ạ.
 
Ông nói đúng. Đánh đáo, người ta thường chỉ đứng cách xa lỗ đáo chừng một trượng. Nơi đây, vạch đứng cách xa đến bốn trượng, mắt phải tinh tường lắm mới trông thấy miệng lỗ khoét vừa vặn với đồng tiền. Và phải là tay có bản lĩnh cao mới hòng thẩy trúng. Đó là chưa nói đến bốn đồng tiền bao vây bốn phía!
 
Tính trẻ con bỗng nổi lên, cậu trai thấy ngứa ngáy muốn trổ tài cho thiên hạ sáng mắt. Nhưng kịp nghĩ lại thân phận mình, cậu đành dằn lòng bỏ qua.
 
Trả tiền quà xong, chàng huýt gió kêu ngựa lại, mắt vẫn không rời đám đông đang tiếc hùi hụi không có cậu Út ở đây để trổ tài.
 
Trước khi thót lên yên, chàng mỉm cười đứng ngó mấy cậu cao lớn lộc ngộc thẩy đồng nào cũng xa miệng lỗ đến cả thước.
 
Mấy chú bé lí lắc sấn đến gần chàng thiếu niên. Chúng ướm hỏi, đứa tung, đứa hứng, như khiêu khích:
 
- Cậu cả thẩy chơi thử một phát không?
 
- Ồ, con người sang trọng như cậu cả đâu có biết đánh đáo mày?
 
- Ừ, không biết chơi thì thôi! Nhưng tao nghĩ, con trai mà không biết đánh đáo thì hơi xoàng!
 
Chúng ngạc nhiên khi thấy người con trai có vẻ sang trọng mỉm cười đáp ngon lành:
 
- Biết chứ! Chẳng những biết mà còn chơi hay nữa là khác!
 
Và chúng reo lên gọi các anh lớn:
 
- Các anh ơi! Cậu cả ở đường xa cũng muốn trổ tài nữa đây này!
 
______________________________
 
(1) Nguyễn Trãi có công khai quốc được phong là Tế Văn Hầu. Ông bị tội oan. Sau vua Lê Thánh Tôn giải oan cho ông và truy tặng là Thái sư Tuệ Quốc công. Tước phong “chính thức” này để dùng trong các văn tế. Còn dân làng Nhị Khê thì trước sau vẫn gọi ông là Đức Khai Quốc.
 
(2) Nhà Mạc dứt nhà Lê vào năm Đinh Hợi (1527)
 
(3) Chuyện này xảy ra vào năm Đinh Dậu (1537).
 
(4) Rành : một loại rổ lớn.
 
Đầu to bằng cái rành : Thành ngữ dùng cách thân mật để ngạo tụi con trai đã lớn mà còn chơi trò con nít.
 
 


CHƯƠNG II
 
 
MỘT CUỘC SO TÀI
 
 
Lũ trẻ vỗ tay reo thích thú:
 
- Khoái quá! Anh em ơi! Đứng xê ra cho cậu cả trổ tài!
 
Chúng tự động dẹp đường lấy chỗ tiến lui cho người khách lạ.
 
Bây giờ Huy mới thấy thật rõ ràng tình hình của “đấu trường”.
 
Cách xa mức đứng thấy chừng bốn trượng, một lỗ đáo được khoét tròn trịa vừa vặn cho một đồng tiền Hồng Đức.
 
Chung quanh miệng lỗ, ở bốn phía Đông Tây Nam Bắc, nằm ngay ngắn bốn đồng tiền đồng to bản và dầy dặn ngửa lên trời bốn chữ “Hồng Đức Thông Bảo”. Thoạt trông có thể tưởng rằng họ bầy ra như vậy để đánh đố chơi chứ bốn người khác nhau làm sao lại tình cờ thẩy được bốn đồng tiền đều tăm tắp như vậy.
 
Bốn đồng tiền bao quanh miệng lỗ thật sát. Muốn đặt một đồng tiền thứ năm lọt vào giữa, phải khéo tay lắm mới không đụng vào những đồng ở bốn chung quanh. Nói chi đến chuyện đứng tận đàng xa mà thẩy! Dù tài ba đến đâu, chắc cũng không ai làm nổi.
 
Trong thoáng giây, Huy chợt hồi tưởng những ngày luyện võ ở quê nhà. Cha chàng, dũng tướng Đoàn Phong, là dòng dõi của danh tướng Đoàn Thượng đời Lý mạt. Đường đao gia truyền của ông khiến anh hùng hào kiệt khắp xứ Hải Dương phải kiêng nể. Ngoài ra, ông còn luyện được nhiều tài vặt như phóng dao, ném tên, búng đạn, tung tiền, trăm phát không sai một.
 
Chàng đã được cha chỉ dậy từng li từng tí. Và nhờ có linh khiếu, chàng đã lĩnh hội được tất cả tinh túy của nghề võ chân truyền.
 
Trò chơi thẩy đáo này, đúng như lời ông Khóa vừa nói, chẳng qua chỉ là một khía cạnh giải trí của môn luyện ám khí.
 
Với vẻ tự tin của một kẻ có thừa tài, Huy khẽ vứt trả dây cương lên lưng con ngựa để lững thững tiến đến trước mức vôi đã vạch sẵn.
 
Không muốn dùng những đồng tiền Minh Đức của nhà Mạc nhỏ và mỏng hơn đồng tiền Hồng Đức của nhà Lê, chàng đứng xoa hai tay vào nhau, miệng tủm tỉm cười như chờ đợi.
 
Bọn trai làng biết ý khách muốn dùng những đồng tiền của chủ cho phải điệu. Họ đưa mắt cho nhau và cùng một lúc ba đồng tiền từ ba phía bay vút tới trước mặt Huy.
 
Chỉ thấy chàng thanh niên khẽ vung tay như xua đuổi một con muỗi vô hình, ba đồng tiền đã biến đi đâu mất, không ai nghe thấy tiếng kim khí rơi hay va chạm vào nhau.
 
Hoảng kinh, mọi người bắt đầu nhìn cậu con quan bằng cặp mắt thán phục.
 
Xóc xóc mấy đồng tiền nhẩy tưng tưng trong lòng bàn tay, rồi như giỡn chơi cậu vung tay một cái. Ba đồng tiền theo nhau lọt vào lỗ đáo, đồng nọ nhẹ nhàng nằm lên trên đồng kia, tưởng chừng như chúng vừa được rót ra qua một vòi ấm vô hình.
 
Trẻ con vỗ tay rầm rầm khen ngợi. Mấy anh lớn reo lên, bội phục:
 
- Ngón đáo hay tuyệt! Thật là một ngón đáo “thần”!
 
Có người tiếc:
 
- Hoài của! Giá có cậu Út ở đây đấu với cậu này một chập!
 
- Ừ! Cậu Út đấu mới xứng tay! Chúng mình xem mới đã! Có đứa nào biết cậu Út ở đâu không?
 
Từ xa, một tiếng sáo văng vẳng bỗng vút lên cao, lơ lửng trong mây rồi chập chờn đáp xuống ngọn tre cùng với hơi gió chiều dìu dặt.
 
Cả bọn, người lớn cũng như trẻ con, đều reo lớn:
 
- A! A ha! Cậu Út đã về!
 
Trên dải đường đất phía tây dẫn tới quán nước đầu làng, một con trâu mập đĩnh đạc bước tới. Một thiếu niên quần nâu áo vải ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, hai tay nưng ống sáo.
 
Lũ trẻ chạy ào lại, vây quanh người mới tới, khoe rối rít thành tích kỳ diệu của khách lạ phương xa. Chúng nài nỉ:
 
- Cậu Út đấu một phát cho thiên hạ biết tài đi, cậu Út.
 
Liếc qua bàn đáo rồi nhìn về phía Huy, cậu Út mỉm cười, nhẩy xuống khỏi lưng trâu, rảo bước tới bên người khách lạ, nghiêng đầu chào:
 
- Chào anh bạn! Tôi hỏi hơi đường đột, phải chăng anh bạn là người làng Hồng Thị?
 
Giật mình, Huy không ngờ một cậu bé chỉ bằng trạc tuổi mình mà có một cái nhìn sắc bén dường ấy.
 
Đây là một cậu học trò mặt trắng hơn là một gã nông phu. Da trắng, môi hồng, mặt trái soan, đẹp như một người đẹp trong tranh. Đáng nể nhất là đôi mắt hiền từ nhưng có oai. Và dễ thương nhất là cái miệng cười thật tươi, chỉ thốt ra một lời đã cho thấy phong cách của một bậc đàn anh.
 
Huy khẽ cúi đầu đáp, hơi lúng túng:
 
- Thưa, em người Kẻ Chợ.
 
Cậu Út cười, vỗ vai người bạn mới:
 
- Vậy mà tôi cứ tưởng ngoài cánh họ Đoàn ở Hồng Thị ra, khó có ai chơi được như anh bạn. Thật đáng khâm phục… Anh bạn có thể thẩy thêm một đồng nữa được không?
 
- Dạ được.
 
Đồng tiền thứ tư được tung ra với nhiều chăm chú hơn. Đây là một phép chơi mới lạ. Đồng tiền vút tới như bay. Nó đâm bổ xuống như vuốt một con diều hâu dữ tợn. Ba đồng tiền trước bị bốc lên, tung xa ra ba phía, nhường chỗ cho đồng tiền mới.
 
Tiếng vỗ tay ran như sấm hoan nghênh ngón chơi lạ họ chưa từng trông thấy, cũng chưa từng nghe ai nói đến.
 
Cậu Út khen:
 
- Giỏi tuyệt! Ai ngờ anh bạn cũng có ngón chơi này!
 
Sợ người đối thoại vô ý nhắc mãi đến họ Đoàn, Huy yêu cầu một cách thật khiêm tốn:
 
- Nếu không có chi phiền, xin cậu Út thẩy chơi một đồng cho em được mở rộng tầm hiểu biết.
 
- Được, được. Tôi xin vui lòng bồi tiếp anh bạn.
 
Một đồng tiền bay ra nhẹ nhàng. Nó không chịu nằm yên trên đồng tiền đã có mặt ở đấy từ trước, cũng không đánh bật đồng tiền ấy ra. Nhưng nó còn thừa sức.
 
Mọi người đứng há hốc miệng nhìn hai đồng tiền bám sát vào nhau, quay tít mấy vòng trong miệng lỗ để rồi sau hết cả hai đứng thẳng sát bên nhau như một đôi bạn chí thân.
 
Tiếng vỗ tay nổ ran như pháo. Người xem khen nức nở:
 
- Từ bé đến giờ mới thấy ngón đáo tài tình đến thế này!
 
- Cả hai cậu cùng tài!
 
Cảm phục cách xử thế có độ lượng đàn anh của cậu Út thích kết bạn hơn là muốn ganh tài, Huy mừng rỡ ngỏ lời khen tặng:
 
- Cậu Út chơi thật đẹp! Em…
 
Bỗng có tiếng người từ đàng xa kêu ơi ới:
 
- Cậu Út! Mời cậu Út về mau, ông gọi!
 
- Chết chưa! Thầy tôi dặn hôm nay về sớm một chút!
 
Chàng chắp tay chào người bạn mới, rồi thót lên lưng trâu phóng về.
 
Huy đứng ngẩn ngơ, trông theo, luyến tiếc.
 
Đường vào trong làng, hết đoạn đường đất gồ ghề đến con đường lát đá phẳng phiu. Tới đây, cậu Út quay đầu lại, giơ tay vẫy chào lần chót.
 
Như cái máy, Huy vẫy tay lia lịa, lòng tự trách lòng sao không sớm hỏi tên để kết bạn với con người dễ mến ấy.
 
Bỗng nghe thấy tiếng ông Khóa nói oang oang khi bước ra khỏi quán:
 
- Thế mà đã cuối giờ thân rồi. Tôi phải về ngay kẻo tối.
 
Và ông niềm nở hỏi Huy lúc tới bên chàng:
 
- Cậu cả về đâu ta? Có ngựa thì có ngựa, cũng nên đi sơm sớm một chút là hơn.
 
- Dạ, cám ơn ông Khóa. Cháu vào thăm ông Đồ ở làng ta đây thôi ạ.
 
Mấy người nhao nhao hỏi, giọng ngạc nhiên:
 
- Ông đồ nào? Phải ông đồ Long Vũ không?
 
- Thưa, ông đồ Nguyễn Giao.
 
Như trót dại thốt một lời phạm thượng, chàng vội chữa:
 
- Ông đồ Phi Đằng.
 
Ông Khóa cười hề hề giải thích:
 
- Ông đồ Nguyễn Giao hay ông đồ Phi Đằng, hoặc ông đồ Long Vũ nữa, thì cũng rứa! Cậu không biết, tôi nói cho mà nghe. Giao là tên tục của ông Đồ, trong làng không ai dám gọi tới. Phi Đằng là tên cậu cả con ông đồ, người lạ kiêng tên cha mà gọi tên con thế vào cũng được. Còn Long Vũ là tên hiệu của ông, người trong làng quen gọi ông bằng tên này…
 
Giảng giải một hồi xong, ông nghiêm mặt hỏi:
 
- À, tôi hỏi khí không phải, cậu là thế nào với ông Đồ?
 
- Thưa, cháu là cháu gọi ông đồ bằng bác.
 
- Thế à? Vậy mà tôi không biết đấy!
 
Một thoáng nghi ngờ phớt qua trên gương mặt từng trải của người đứng tuổi. Cậu này nói nhăng rồi, ông bà đồ có thằng cháu nào ở Kẻ Chợ đâu ! Cùng sống lâu đời trong một làng, ít khi người này không biết rõ họ hàng nội ngoại của người kia.
 
Điều thắc mắc ông không tiện nói ra đã được lũ trẻ la to lên như vỡ chợ:
 
- Ơ hơ! Cháu ông đồ mà không biết mặt con út của ông đồ!
 
Chúng nói tiếp khi Huy còn ngơ ngác nhìn quanh:
 
- Cậu Út vừa rồi đó! Cậu Tường Vân, con thứ hai của ông đồ, vừa giơ tay vẫy chào cậu đó!
 
Quên cả ngượng, Huy reo lên sung sướng:
 
- À ra thế! Thảo hèn!...
 
Và trong thâm tâm, chàng tự trách: Mình ngu thật! Anh ấy nhìn sơ một chút đã nhận ra được lai lịch của mình ngay, thế mà mình không nhận ra anh ta thì quả mình đần độn thật!
 
Chàng hồi tưởng những lời cha dậy trong những khi giảng tập võ nghệ:
 
- Nghề võ của họ Đoàn nhà ta và của họ Nguyễn ở làng Nhị Khê không có ngón nào giấu nhau hết. Phép đánh đại đao của ta đã truyền hết cho bác Nhị Khê. Đối lại, phép đánh trường kiếm của bác cũng đã truyền hết cho họ Đoàn ở Hồng Thị. Các môn ám khí cũng đều tập luyện chung. Duy chỉ có phép tắc trong Binh pháp yếu lược của Hưng Đạo Đại Vương và Thái Ất thần kinh của Tế Văn Hầu là ta không học được mặc dầu bác Nhị Khê đã cố công chỉ dẫn.
 
Những lúc trà dư tửu hậu, cha chàng cũng thường than thở:
 
- Tao chỉ có cái tài của một kẻ dũng phu là chém tướng, đoạt thành, xông xáo ở chỗ nghìn quân muôn ngựa mà thôi. Phép làm tướng đâu phải chỉ có thế!... Lớn lên mày phải theo bác Nhị Khê mà học.
 
Ông Khóa vui vẻ đề nghị:
 
- Chắc cậu chưa biết nhà ông đồ. Cậu có muốn đi cùng với tôi cho vui thì đi. Nhà ông Đồ với nhà tôi cũng ở chung một xóm.
 
Huy chắp tay, khiêm tốn:
 
- Vâng. Cháu xin đi theo hầu ông Khóa.
 
- Không dám! Nào thôi ta đi kẻo muộn.
 
Hai người cùng rảo bước trên con đường làng. Con ngựa ô không cần người dắt, lẽo đẽo theo sau. Lũ trẻ kéo nhau theo kế tiếp, trong giống như một đám rước nho nhỏ.
 
Một vài anh lớn nhanh chân vọt lên trước, lại báo tin cho thầy.
 
Ông đồ đang ngồi trên sập uống trà bảo người con trai lớn:
 
- Thằng cả chạy ra xem ai.
 
Thoáng cái, người thanh niên đã chạy vào trình:
 
- Thưa thầy, em Đoàn Huy, con trai chú Đoàn Phong ở Hồng Thị đến xin ra mắt ạ.
 
Giật mình, ông Đồ đặt mạnh chén trà xuống khay, linh cảm người em kết nghĩa của ông đã gặp chuyện chẳng lành:
 
- Chắc chú hai mày có chuyện khó khăn! Rắc rối gì đây không biết!

 _____________________________________________________________________
Xem tiếp  CHƯƠNG III, IV