Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

CHƯƠNG III, IV_ÔNG ĐỒ LÀNG NHỊ KHÊ



CHƯƠNG III
 
 
ÔNG ĐỒ LONG VŨ
 
 
Đoàn Huy theo sau Phi Đằng bước lên thềm, vào gian giữa Long Vũ Trang, nơi ông đồ tiếp khách.
 
Cố giữ tư cách cứng cỏi của con nhà võ, chàng vẫn không sao ngăn được nước mắt sau khi chào hai bác và chào hỏi hai anh.
 
- Thưa bác, thầy con sắp gặp nạn lớn, chẳng những tính mạng khó bảo toàn mà gia đình cũng không thể tránh khỏi tai vạ. Cho nên thầy con cho con tới đây nương nhờ hai bác may ra thoát được tai mắt của triều đình. Đẻ con và em con chạy về ẩn thân nơi quê ngoại, còn thầy con thì đành một mình liều với số phận.
 
Khi Huy vừa mới bước vào nhà, Tường Vân suýt reo lên mừng rỡ. Ai ngờ người bạn mới đồng trang lứa với mình không ai khác hơn là cậu công tử tài ba vừa trổ tài đánh đáo ở đầu làng lúc nẫy. Chàng đứng lặng câm trước nét mặt không vui của những người hiện diện.
 
Ông đồ thở dài, than:
 
- Bác đã biết trước thế nào cũng có ngày này. Bác đã hết lời khuyên can mà thầy con không chịu nghe. Bây giờ có hối thì cũng đã muộn.
 
- Thưa bác, vâng. Thầy con có tiếc mấy năm trước đây không nghe lời chỉ dậy của bác. Thực ra, bản tâm thầy con đâu muốn thế. Chẳng qua chỉ là để chiều ý của bà nội con mà thôi. Vả lại, dạo ấy, thầy con cũng không thể làm gì khác hơn được. Nếu cứ khăng khăng không chịu làm quan với nhà Mạc, ắt bị chèn ép đủ thứ ở trong làng.
 
- Ờ, con nói cũng phải. Thôi việc đã qua, ta cho nó qua luôn. Chả hơi đâu gợi lại làm gì, thêm buồn bực…
 
Chuyện còn dài, không đi đâu mà vội. Con hãy lo tắm rửa, cơm nước đi cho khỏe. Rồi bác con mình sẽ tính sau.
 
*
 
Đêm khuya vắng vẻ. Ông đồ gọi hai con và Huy vào trong thư phòng bàn chuyện cho kín đáo.
 
- Nào đầu đuôi cớ sự ra sao, con hãy kể rõ cho bác nghe.
 
- Thưa bác, quân nhà Minh sắp kéo sang nước ta hỏi tội họ Mạc. Triều đình họp bàn. Nhà vua và một số lớn các quan muốn hàng. Riêng thầy con không chịu, đòi đánh.
 
Ông đồ vuốt chòm râu đen nhánh nổi bật dưới khuôn mặt trắng trẻo, vuông hình chữ Dụng, buông một câu phê phán:
 
- Ta đã bảo trước rồi mà! Đăng Dung không phải là một con người có khí tượng thiên tử. Y chẳng qua là một tên thuyền chài có sức khỏe mà thôi. Làm Đô lực sĩ thì được đấy, nhưng làm vua thì không nên. Ai đời đứng đầu cả một nước mà giặc chưa tới đã lo hàng!
 
- Vâng. Vua đã vậy, các quan còn tệ hơn!
 
- Rồi thầy con nổi nóng chửi vung tàn tán lên chứ gì?
 
Thầm phục ông bác này thật đã hiểu thấu gan ruột của cha mình, Huy gật đầu đáp:
 
- Thưa bác, chính thế. Rồi thầy con đòi đem quân lên ải Nam Quan ngăn giặc.
 
- Ờ, thế chúng nó tính sao?
 
- Thưa, họ muốn ghép thầy con vào tội khi quân đáng chém đầu răn chúng. May sao còn một số người có liêm sỉ cố xin tha. Nhà vua bằng lòng tha và cũng bằng lòng cho thầy con cầm quân dẹp giặc nữa.
 
- Thế thì còn gì hay bằng!
 
- Nhưng, thưa bác, chúng chỉ phát cho có hai nghìn quân, trong khi tin báo về cho hay quân Minh sắp kéo sang những mười vạn.
 
Ông đồ vỗ tay cười ha hả trước sự ngạc nhiên của ba chàng trẻ tuổi:
 
- Vậy là chúng muốn đem một tên quân Nam chống với năm mươi tên quân Tầu! Được chứ! Được lắm chứ!...
 
Không hiểu ông bác của mình nói thật hay nói chơi, Huy đánh liều thổ lộ:
 
- Thưa bác, đem một chống với năm mươi có khác gì đem trứng chọi với đá! Hay là đem châu chấu ra đá xe.
 
Ông đồ hỏi lại, giọng nghiêm trang:
 
- Cháu đọc sử nước nhà không nhớ những trang oanh liệt châu chấu đá xe đổ chổng kềnh đó sao? Đời nhà Lý, đời nhà Trần, đời nhà Lê, đời nào mà không có những trận quân ta đánh cho quân Tầu thua liểng xiểng!
 
Theo ý bác, đem hai nghìn quân ra đuổi mười vạn tên giặc không phải là một việc quá khó khăn. Có điều…
 
Ông suy nghĩ một lúc trước khi thở dài, nói ra một sự thật khá đau lòng:
 
- Có điều thầy con hay cậy khỏe và hơi… nông nổi. Đem ít đánh lại nhiều mà chỉ ỷ vào cái mạnh của gân cốt thì phần thua nắm chắc. À, con có biết những ai theo phụ tá thầy con không? Ai làm Tham tán quân vụ?
 
- Thưa, chỉ có chừng mươi viên tì tướng tầm thường. Tham tán quân vụ là một tên chủ hàng. Hắn không cản trở công việc của thầy con là may, mong chi hắn bày mưu lập kế.
 
- Vậy làm sao mà thắng được?
 
- Thưa bác, chẳng những thế mà thôi, chúng còn bít hẳn lối về của thầy con. Chúng tâu vua bắt thầy con làm quân lệnh trạng, nếu thua thì phải dâng đầu.
 
Ông đồ gãi cằm và suy nghĩ thật lung:
 
- Rầy rà nhỉ!
 
- Vâng. Vì chắc trước sau thế nào cũng không tránh khỏi chết nên thầy con quyết liều một trận tử chiến. Thầy con chết đã đành, nhưng còn lo liên lụy đến vợ con nên phải liệu trước cho gia đình đi lánh nạn.
 
Phi Đằng từ tốn nói ra một ý nghĩ:
 
- Thưa thầy, con thấy chú Đoàn con tính như vậy không ổn chút nào.
 
- Nghĩa là sao, con?
 
- Nghĩa là nếu chú Đoàn chỉ mua hai tiếng Anh Hùng bằng cái chết của riêng mình chú thì không lấy chi làm đắt vì ít ra chú cũng giết được vô số quân giặc trước khi kiệt sức. Nhưng chú lại xua hai nghìn quân và một chục viên tì tướng cho chúng nó làm cỏ thì con thấy họ chết oan uổng quá.
 
Ông đồ khen:
 
- Thằng cả luận có lý đấy. Huy, thầy con có nghĩ đến chỗ ấy không?
 
- Thưa bác, có. Đó chính là nỗi khổ tâm của thầy con. Thầy con không muốn cho mấy nghìn người chết uổng vì một chút khí phách của riêng mình. Cho nên thầy con lưỡng lự và không muốn chết với giặc ở biên thùy. Có lẽ người sẽ tự sát ở dọc đường để cho tên Tham tán rút quân về.
 
Tường Vân hốt hoảng la lên:
 
- Thế thì thím và các em ở nhà bị tội rồi!
 
- Chính vì thế thầy em mới đợi cho vợ con đi lánh nạn xong xuôi mới chịu cất quân.
 
Ông đồ cau mày suy nghĩ rồi đập tay xuống kỷ trà đánh chát một tiếng, gắt:
 
- Sao thầy mày nông nổi thế?
 
Mỗi khi ông đồ thay đổi cách xưng hô như vậy là ông sắp tính đến chuyện nghiêm trọng. Hai con ông thuộc rõ tính cha, ngồi im lắng nghe trong khi Huy sợ hãi không dám nhìn thẳng người anh kết nghĩa của cha mình.
 
Ông đồ nói tiếp, giọng dịu dần:
 
- Chú Đoàn nông nổi quá! Việc quái gì mà phải chết! Đâu đã đến đường cùng! Sao không đến hỏi ta trước khi quyết định?
 
Cả ba chàng trai trẻ cùng thở phào. Huy mừng hơn ai hết. Vậy là tình thế chưa đến nỗi tuyệt vọng. Hớn hở, chàng nhìn kỹ ông bác hơn.
 
Cặp mắt sáng quắc dưới hàng lông mày dầy và sắc như nét mác của một viên võ tướng hầu như tương phản với gương mặt khôi ngô, anh tuấn của một văn nhân.
 
Cha chàng vẫn tâm phục bác Nhị Khê chẳng những là một tay kiếm tuyệt luân mà còn là một khối óc đầy mưu lược.
 
Nhà nho vói tay kéo cái điếu ống lại gần. Cậu con trai lớn thông điếu cho cha và đặt một mồi thuốc mới vào miệng nõ. Cây cần trúc dài mầu ngà có nhiều đốt được vít cong như một cánh cung. Cậu út châm lửa vào một thanh đóm nhỏ. Với một dáng điệu thật nghiêm túc, cậu nâng ngọn lửa vừa tầm trên điếu thuốc.
 
Người cha hút một hơi dài, ngửa cổ thở khói lên thượng lương như nhả một đám mây. Ông chiêu một hớp trà, khoan khoái.
 
Mưu lược như đã định xong trong thời gian chớp nhoáng vừa qua, hậu duệ của vị quân sư khai quốc nhà Lê trấn an thằng cháu họ Đoàn bằng một giọng đầy tự tin:
 
- Huy, con đừng lo. Mọi sự đã có bác. Việc cũng chưa đến nỗi nào, còn xoay sở kịp…
 
Ông nói thêm cho thằng cháu được thật sự yên tâm:
 
- Thầy con sẽ không chết đâu mà sợ. Đẻ con và em con cũng chẳng phải chạy đi đâu hết. Trái lại, cả gia đình con sẽ vững như bàn thạch…
 
Trong thâm tâm, ba chàng trai trẻ tưởng chỉ trông mong cứu vãn lấy một đôi phần trong cái cơ đồ sắp sụp đổ. Họ không mảy may ngờ ông đồ có thể nghĩ ra một kế vạn toàn.
 
Họ nóng nghe kế ấy. Sáu tia mắt tinh anh chiếu thẳng như treo vào cặp môi đỏ hồng đang nở một nụ cười đắc ý để lộ hàm răng đều và đen láy.

 
 
 
CHƯƠNG IV
 
 
TẤM BẢN ĐỒ
 
 
Vốn có thói quen giải quyết những việc quan trọng dễ dàng như những việc tầm thường, ông đồ Long Vũ hỏi cháu ung dung như khi ngồi giảng sách:
 
- Huy, thầy con có nói nhà Minh sai ai sang đây không?
 
- Thưa bác, có ạ. Cừu Loan lãnh chức Đô đốc, còn Tán lý quân vụ là Mao Bá Ôn.
 
- Hừ! Nhà Lê bên ta suy thì nhà Minh chúng nó cũng sắp tàn! Phái mấy tên lính vô danh ấy làm tướng thì chết oan mạng mấy vạn quân là đáng lắm!
 
- Thưa, chúng mới bắn tin mà chưa có rục rịch. Chắc còn đang sửa soạn. Trong khi chờ đợi, chúng cho người đưa thư sang cho Đăng Dung bảo phải đưa sổ ruộng đất nhân dân sang nộp và chịu tội thì được tha cho khỏi chết
 
Ông đồ vuốt râu mỉm cười:
 
- Phải rồi. Nhà Minh đang hồi suy yếu đâu có dám ham đi xâm lấn lúc này. Nhưng gặp nhà Mạc hèn, tội gì chúng nó không nhân cơ hội này mà bắt chẹt. Xưa nay chúng soen soét cái mồm nói điều nhân nghĩa nhưng có bao giờ vị nhân, vị nghĩa đâu. Toàn một mầu vị lợi cả!
 
Phi Đằng hỏi cha:
 
- Thưa thầy, có phải vì ngại ra quân tốn kém và thua thiệt nên chúng mới bắn tin trước hòng dọa dẫm những tên yếu bóng vía không?
 
- Chứ còn gì nữa! Đợi lâu không thấy động tĩnh, chúng mới kéo quân sang. Cự với đạo quân này, chú Đoàn con có thể nắm chắc phần thắng nếu họ Mạc quyết tâm chống giặc.
 
Huy vội cải chính ngay:
 
- Thưa bác, họ Mạc không có hùng tâm tráng chí nên không dám đánh lại nhà Minh đâu. Họ sai thầy con cầm quân chẳng qua là một chuyện miễn cưỡng. Cầm bằng hy sinh một mớ để vớt vát một chút thể diện mà thôi…
 
- Bác biết điều ấy lắm chứ. Đem quân đi như vậy, mười phần chắc chết cả mười. Vấn đề của chúng ta bây giờ là làm sao chuyển thua thành được, và chuyển nguy thành an.
 
Cậu công tử họ Đoàn đánh liều thưa:
 
- Giá được bác thương tình tới giúp cho một tay thì họa may thầy con mới có cơ thoát nạn. Không có người tài giỏi chỉ đường vẽ lối, đoàn quân kéo đi như đưa chân vào đám sương mù và chẳng thấy lối ra…
 
Ông đồ nghiêm giọng đáp:
 
- Không được. Bác đã thề trước bàn thờ Đức Tế văn Hầu nhà bác là trọn đời không làm quan với bất cứ triều nào. Chắc con đã hiểu vì sao.
 
Nhà Lê mà bác còn không thèm giúp thì đời nào bác chịu khuất thân với nhà Mạc. Tuy nhiên, bác vẫn có thể bí mật đi giúp thầy con nếu phải chống với một đám giặc ngoại xâm quá mạnh… Bọn Cừu Loan, Mao Bá Ôn sắp sang đây không có gì đáng sợ, bác bất tất phải đích thân ra tay cũng đuổi được chúng nó chạy dài.
 
Ngưng một lát, ông hỏi đố con cháu:
 
- Theo ý các cậu thì làm cách nào thắng được lũ chúng nó bây giờ?
 
Phi Đằng thấy có bổn phận trả lời thay cả cho hai em:
 
- Thưa thầy, phải dùng kỳ binh mới thủ thắng được.
 
- Kỳ binh à? Ừ, được rồi! Nhưng kỳ binh thế nào, cậu nói rõ thêm một chút xem sao.
 
Ngẫm nghĩ mãi không khám phá được một mưu mẹo nào thật ổn, chàng đành thú nhận:
 
- Thưa thầy, thực quả con tính không ra. Theo con thấy, dù có phục binh mấy mặt thì hai nghìn quân cũng chả làm sao đẩy lui được mười vạn giặc.
 
Tường Vân và Huy cùng lắc đầu chịu thua.
 
Ông đồ hỏi, mở đường cho những người đối thoại:
 
- Thế theo binh pháp, bên quân ít có thể mượn cái gì để đánh thắng bên quân nhiều?
 
Sực tỉnh, cả ba cùng đáp:
 
- Thưa, nước và lửa ạ.
 
- Đúng rồi! Không mượn một trong hai thứ ấy không xong.
 
Ở cửa ải Nam Quan, không khơi được nước làm ngập chúng thì ta dùng lửa mà đốt chúng vậy.
 
Thế là bước thứ nhất, ta quyết định rồi. Giờ ta đi bước thứ hai. Nghĩa là ta phải nghĩ xem nên đốt ở đâu và đốt bằng cách nào.
 
Mở cái tráp bằng gỗ quý ở ngay tầm tay, ông lục ra một tờ giấy bản được gấp lại và dán vào một tấm bìa sơn then,
 
Tờ giấy đã ngả mầu vàng. Ông nâng niu như một bảo vật trước khi trải rộng tờ giấy trên văn kỷ.
 
Đó là một tấm bản đồ chi chít những hình núi non mầu đen và những chữ mầu son ghi chú.
 
Ông đồ ngồi trầm ngâm một lát trước khi giải thích:
 
- Đây là một tấm bản đồ mà tổ tiên ta, Đức Tế Văn Hầu, đã họa nên khi Người lưu lạc đến vùng Ải Nam Quan. Bao nhiêu thế đất hiểm trở, bao nhiêu rừng rậm núi cao, Người đều vẽ ra rành rẽ. Chỗ nào nên đóng trại, chỗ nào phải phục binh, mỗi mỗi Người đều ghi chú tường tận cho con cháu có khi phải dùng tới.
 
Chính nhờ bức vẽ này mà năm xưa Người đã định ngày cho tướng Lê Sát chém tên Liễu Thăng ở Mã Yên Sơn đó.
 
Những ngón tay tháp bút có móng dài của nhà nho vạch lên trên tờ giấy cùng lúc với những lời giảng dậy.
 
- Đây là chỗ chúng ta phải đóng quân mới đúng phép. Đây là chỗ mà quân giặc cần chiếm để giành lấy địa lợi… Ta phải nhường cho giặc chỗ này rồi phải rút về đây ngay… Đốt giặc ở những chỗ này là tốt nhất. Chúng nó thua rồi bắt buộc phải chạy theo những ngả này…
 
Ông đồ tạm kết luận:
 
- Lúc nãy, ta nói đến bước thứ hai có hai điểm là nên đốt ở đâu và phải đốt bằng cách nào.
 
Điểm trước coi như đã định xong, nghĩa là căn cứ vào tấm bản đồ này ta đã định được những chỗ phải đốt giặc? Kể ra thì chẳng lấy gì làm khó nếu lực lượng hai bên không quá chênh lệch…
 
Theo ta, một trận đánh hỏa công tầm thường không đuổi được chúng nó đâu. Phải có một trận cháy long trời lở đất…
 
Các cậu phải biết đốt cho ra trò không phải là chuyện dễ ai làm cũng được đâu. Đốt cho khéo, đốt cho mạnh, đốt cho ngon lành mới là chuyện khó.
 
Nói tóm lại, phải có người biết cách đốt mới được. Và chúng ta phải cầu cho được mấy tay chuyên về việc này phò tá.
 
Thằng cả, thằng hai, chúng mày còn nhớ hai chú họ Đặng ở làng Gióng không?
 
Phi Đằng và Tường Vân cùng nhẩy nhổm reo lên:
 
- Có ạ. Hai chú nổi tiếng về môn đánh địa lôi. Thầy có kể chuyện và hai chú đã đến đây chơi mấy lần.
 
- Thằng út còn nhớ mặt hai chú không?
 
Tường Vân cười khanh khách đáp:
 
- Thưa thầy, làm sao con quên được. Hai chú, chú nào cũng “cao lớn” như cặp Tần Hán, Đậu Nhất Hổ trong truyện Tầu, trông thấy một lần là phải tức cười và nhớ mãi mãi.
 
Hình ảnh hai ông tướng lùn vừa gợi ra khiến ông đồ không khỏi bật cười khi ông giải thích cho thằng cháu đang bỡ ngỡ:
 
- Người có dị tướng thường hay có biệt tài. Họ Đặng ở làng Gióng giỏi có tiếng về môn đánh địa lôi phục. Nói cho đúng, đó là chi Đặng Chấn của dòng họ Đặng. Chuyến này phải cầu cho được cả hai anh em chi ấy là Chấn Khởi và Chấn Hưng…
 
Sau khi cao hứng hút một điếu thuốc lào, ông đồ nhắp một hớp trà rồi ngó Tường Vân hỏi:
 
- Việc đi mời hai chú họ Đặng, thầy giao cho thằng út đấy. Liệu có cáng đáng nổi không?
 
Tường Vân chưa kịp lên tiếng thì người anh cả đã vội thưa:
 
- Nhà ta có chút ân tình với hai chú, con chắc thầy bảo một tiếng thì hai chú phải nghe ngay. Nhưng con sợ em con là…
 
Phi Đằng ngừng bặt. Suýt nói lỡ lời, chàng vội chống chế:
 
- Con sợ em con còn nhỏ, nói năng thất thố, hai chú buồn, không khéo vì thế mà lỡ mất chuyện lớn chăng. Có nhẽ thầy để cho con đi thì tiện hơn.
 
Người cha gạt ngay ý kiến đó:
 
- Không được. Thằng cả không đi được đâu. Con đã trưởng thành và đã có chút ít tiếng tăm trong làng võ. Nhiều người biết mặt con. Họ sẽ đồn đại những chuyện không hay nếu con chường mặt ra trong đám quan quân nhà Mạc. Em con còn nhỏ, không ai để ý, tiện hơn.
 
Huy tự thấy có bổn phận phải chia sẻ gánh nặng nếu không được gánh lấy một mình:
 
- Vậy xin bác cho con cùng đi với anh Vân con.
 
- Cũng không được. Còn có việc khác cần đến con nữa chứ. Cứ ngồi yên đấy, rồi đâu có đó.
 
Quay sang phía người con út, ông căn dặn:
 
- Thầy giao cho con tấm bản đồ, liệu cất giấu trong mình và giữ gìn cho kỹ. Sáng sớm mai, con lên đường, chạy ngựa cho nhanh để bắt cho kịp chú Đoàn càng sớm càng tốt. Theo như thầy lượng tính, chú mới cất quân – quân phần lớn đi bộ – thì giỏi lắm chiều mai cũng chỉ đến địa đầu xứ Kinh Bắc. Con sẽ trình với chú kế hoạch của thầy. Rồi hai chú cháu liệu mà bí mật tạt qua làng Gióng.
 
Vỗ vai thằng cháu mà ông âu yếm như con, ông đồ cười bảo:
 
- Nào bây giờ đến lượt con. Sáng mai con phải lên đường về ngay quê nhà nói cho đẻ con yên lòng. Nghĩa là đẻ con và em con có muốn tạm về quê ngoại lánh mặt ít lâu cũng được. Hay là cứ bình tâm ở lại Hồng Thị cũng không sao. Chỉ trong vòng một tháng là cùng, thầy con dẹp giặc xong sẽ ung dung trở về và không có gì đáng lo ngại cả.
 
Thưa chuyện với đẻ con xong, con phải tức tốc sang bên làng Phủ Ủng. Có biết làng Phù Ủng không? Làng của cụ Phạm Ngũ Lão, cũng thuộc huyện Đường Hào như làng con đó.
 
- Thưa, con biết. Con đã được sang chơi làng Phù Ủng mấy lần cùng với thầy con.
 
- Ừ, thế thì tốt. Con tìm cho được một người tên là Bùi Tung.
 
- Vâng ạ. Con biết chú Bùi Tung. Chú Bùi thân với thầy con lắm. Dạo chưa ra làm quan, thầy con sang làng chú chơi luôn, con cũng được theo sang.
 
- Ừ, chú Bùi đối với thầy con, ngoài tình bạn hữu ra, còn có cái nghĩa thầy trò. Ta tin rằng, nghe tiếng thầy con kêu gọi, thế nào chú ấy cũng phải đi ngay. Con cứ trình thanh kiếm con đang đeo cho chú thấy, ắt chú tin ngay.
 
Đắn đo, rụt rè mãi, Huy mới dám đánh bạo hỏi lại:
 
- Thưa bác, thầy con thường nói võ nghệ của chú Bùi chỉ vào bực trung bình…
 
- Bác lạ chi điều đó. Thầy con đâu có cần đến mớ võ nghệ tầm thường của họ Bùi. Nhưng người này có một cái tài lạ rất quý trong lúc này.
 
Cả ba chàng trai trẻ cùng trố mắt, lắng nghe.
 
- Tài đào địa đạo của họ Bùi cả nước ít ai bằng. Đã nhanh, lại chuẩn xác. Phép chôn giấu địa lôi phải đi kèm theo phép đào địa đạo mới thật sự nhiệm mầu. Ta phải có đủ bộ mới nắm được cơ tất thắng.
 
Ông đồ giảng giải thêm:
 
- Vả lại, dùng binh bao giờ cũng phải cẩn thận phòng xa. Ta cho người đi cầu viện một lúc hai nơi được cả thì càng hay. Nhược bằng được có một, cũng tạm dùng được mặc dầu sẽ vất vả thêm không ít. Trái lại, nếu chỉ cầu có một đàng nhỡ gặp điều gì trắc trở, họ không đi được thì hỏng bét!
 
Huy lạc quan hơn bao giờ hết. Tất cả dường như đã thay đổi hẳn. Trước đây một trống canh, chàng chỉ thấy có thua thiệt, rã rời, chết chóc.
 
Bây giờ, kế mọn của bác đồ vừa được bầy ra, chàng thấy mưu cơ thật giản dị, cách thi hành cũng không mấy khó khăn. Do đó, tình thế chả có một tí gì gọi là tuyệt vọng.
 
Chàng vỡ lẽ. Thì ra cuộc đời cũng không mấy khác cuộc cờ, người chơi lắm lúc chịu thua oan chỉ vì thấp trí.
 
Và chàng sực nhớ đến những lời khen nức nở của cha khi ông nổi hứng:
 
- Bác Nhị Khê mày có tài xoay chuyển cả thời thế, trên đời này không ai bì kịp.
 
Bây giờ chàng mới nhận thấy cái sức khỏe đơn thuần gần như là một đồ vô dụng nếu thiếu hẳn cơ mưu và chàng mong ước một ngày kia được theo học ông bác cái thuật ngồi trong trướng mà định được chuyện hơn thua ngoài nghìn dặm.
 
Chàng ngước nhìn ông đồ tươi cười đứng dậy và thấy ông đẹp như một vị thiên thần. 


________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V, VI