Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2018

CHƯƠNG II_HOA NẮNG


CHƯƠNG II


Ba me đã thất bại trong lần hòa giải thứ ba và việc ly thân giữa ba và me đương nhiên được tòa chấp thuận. Me thu dọn áo quần về nhà ông bà Ngoại tận Kim Long, ba vẫn ở lại trong ngôi biệt thự quạnh hiu của ông bà Nội ngày xưa để lại. Vú Lành, người quản gia trung thành nuôi nấng em từ thuở nhỏ cương quyết không về quê như lời ba khuyên, vú nhất định ở lại chăm sóc em và lo cơm nước cho ba. Nhưng em thì không còn thường xuyên ở cạnh vú nữa, số phận em đã được quyết định sau một buổi chiều bàn cãi giữa ba me. Em được gửi hẳn vào nội trú, mỗi tuần, ba hoặc me đến đón em ra ngoài chơi, âu cũng đành vậy, em cúi đầu nhận chịu tấm màn đen vừa buông xuống cuộc đời ngăn cách em với vùng trời thênh thang trước mặt, đời sống nội trú là đời sống tập thể, hạn chế tự do.

Nơi ở mới của em là gian phòng rộng với hai dãy giường nệm trải drap màu xanh ; nơi ở mới của em có những khung cửa vuông vắn nhìn ra sân vườn bóng nắng lung linh cài hoa lên thảm cỏ ; nơi ở mới của em tập trung những khuôn mặt dễ thương có, dễ ghét có, thuỳ mị không thiếu mà chua cay đanh đá cũng có thừa. Giường em nằm tận cuối phòng có tàng lá phượng nghiêng nghiêng ngoài cửa sổ, những cành hoa cuối hè đã phai màu đỏ thắm sắp sửa rụng rơi như tình yêu héo úa giữa ba me, như niềm hy vọng hòa giải đã chìm sâu. Em cố làm quen dần với những buổi sáng dậy thật sớm khi tiếng chuông reo vang dội hẳn gian phòng, sơ Madeleine rảo qua những hàng giường đánh thức vài đứa còn ngái ngủ quấn tròn mình trong chăn ấm làm biếng vờ không nghe tiếng chuông. Em cố làm quen dần với chiếc sân rộng còn mù hơi sương sớm với 15 phút tập thể dục trời lạnh buốt da... Những lần điểm tâm khô khan bánh mì thịt hộp... nhưng em đành cố gắng hòa mình vào nếp sống mới, hãy cố lên Trang ơi, vì số phận đã an bài rồi.

Chủ nhật đầu tiên ba đến đón em, em ứa nước mắt nhìn ba, tay vân vê tà áo. Ba tiến lại gần, ôm đầu em vào ngực :

- Trang của ba có buồn lắm không con ?

Em lắc đầu, hãy can đảm lên Trang ơi, mày không có quyền buồn, mày không có quyền khổ và nhất là đừng gieo thêm phiền muộn cho ba nữa, me đã làm khổ ba quá nhiều rồi. Lời em cố làm vui :

- Con không buồn mô ba ơi.

- Các bạn nội trú có dễ thương như Hoài Thu, như Diệp Hà không con ?

- Dạ, mới vô con cũng chưa quen thân lắm, nhưng thấy tụi nó cũng dễ chịu và tử tế.

Ba đưa em qua Hưng Đạo coi ciné rồi ăn cơm trưa ở Lạc Thành, ngày vui qua thật nhanh như tia chớp sáng loè trong đêm tối, em trở về trường với niềm hối tiếc không nguôi vì em đã từ chối không để ba chở về nhà thăm vú Lành. Tuy em còn nhớ vú Lành thiệt, nhớ bàn tay săn sóc, nét mặt hiền từ, nhưng em sợ về nhà, em sợ nhìn lại khóm trúc đào trước ngõ với con đường lót gạch hồng dẫn vào nhà nắng đổ lung linh. Ngôi biệt thự đó là mơ, là ước, là tổ ấm đã bùi ngùi rời xa em hun hút tầm tay. Em không dám về đó để thấy cõi lòng se thắt, để thấy khung tường trống trơn, bức ảnh màu chụp ba me trong ngày cưới đã được tháo gỡ đi cất vào đáy rương quên lãng, ba và me đã hai người hai lối ly thân, ngày ly dị rồi cũng sẽ đến như bất cứ sự việc gì sắp đến đã đến trong đời, thật lạnh lùng và thản nhiên...

Em tiếp tục sống những chuỗi ngày buồn tênh. Em vẫn gặp những đứa bạn thân như Hoài Thu, Diệp Hà... trong giờ học, nhưng đến giờ bãi, em phải ôm cặp trở về phòng chứ không còn được sánh vai các bạn tung tăng trên vỉa hè trò chuyện líu lo nữa, đó là một nỗi buồn lớn của em.

Hoài Thu thường khuyên em :

- Bớt buồn đi Trang, tao vẫn thường cầu mong cho ba me mi hồi tâm trở lại, cho mi được trở về đời sống êm đềm cũ, chứ ngày mô cũng thấy nét mặt dàu dàu của mi, tao bắt xót xa đứt ruột.

Em hứa với nó :

- Tao sẽ cố gắng quên, thôi thì chừ mình cứ cố gắng nhìn xuống, còn biết bao đứa bất hạnh hơn tao.

Hoài Thu tỏ vẻ mừng :

- Ừ đúng đó Trang, mi gắng học hành đi nghe, đừng xao lãng nữa đó.

Em cười buồn :

- Xao lãng răng được. Mi biết không, tối mô sơ cũng dò bài tụi tao từ 8 giờ đến 10 giờ, có mọc thêm sáu tay ba đầu cũng không dám nhác học.

Hoài Thu tán thành :

- Đúng đó, có rứa người ta mới an tâm khi gửi con vào nội trú chớ. À, mà Trang nì, mỗi tuần mi vẫn được ra chơi với ba me chứ.

- Ừ, tuần vừa rồi tao có đi ciné với ba, phim hoạt họa dễ thương lắm mi ơi.

-Tuần tới có đi nhớ qua nhà rủ tao với nhe.

Em vui vẻ :

- Ừ, chủ nhật ni me sẽ đến đón tao, nhớ ở nhà đợi tao hí. 

*

Sáng chủ nhật em sửa soạn chiếc áo đầm hồng, đôi giày da trắng và chiếc mũ rộng vành kết chùm hoa linh lan. Em đợi me đến đón em ra đường phố chủ nhật dập dìu tài tử giai nhân, em chờ me đến ôm em trong vòng tay, nói với em những lời âu yếm cho bỏ những ngày vò võ cô đơn. Chín giờ sáng xe đỗ trước cổng trường đủ màu đủ kiểu, tụi bạn chung quanh em ríu rít làm tâm hồn nô nức của em bừng rộn rã theo.

- Yến Oanh có me em đến.

Tiếng sơ gọi và Yến Oanh nhảy phóc xuống bậc thang lầu như mũi tên xanh, cô bé sáng nay thắng bộ patte màu xanh thẳm như khung trời mùa hạ làm tụi em ngây ngất nhìn theo. Em thầm nhủ thế nào em cũng xin me may cho em một bộ như vậy, thật sít sao và quí phái. Em cũng sẽ may màu xanh nhưng nhạt hơn, màu hy vọng mà, dù sao em vẫn còn hy vọng ba me sẽ bỏ ý định xa hẳn nhau.

- Tuyết Hằng, có bà nội đến.

- Tâm Phương, có chị Tâm Nga đến.

- Hồng Vân, anh Cả đã tới đón em.

Sao chưa có tên em, sao sơ chưa gọi tới tên Trang cho em mừng vui chạy xuống, cho em sà vào vòng tay ấm của tình mẹ bao la. Em bồn chồn, em đứng ngồi không yên, em chạy ra bao lơn nhìn xuống, những chiếc xe nhà vẫn thay phiên nhau đậu dọc bên hè. Có chiếc xe màu đỏ giống như xe của dì Lan, nhưng chắc là không phải vì xe đó đến từ nãy giờ mà có ai gọi đến tên em đâu. Em lo ghê, em cũng thắc mắc nữa, không biết me đến đón em bằng xe gì, chắc me đi xích lô của ông Ngoại. Em còn nhớ mãi chiếc xích lô nhà của ông Ngoại sơn màu trắng, diềm che phía trên cũng bằng vải bố trắng, chiều chiều chú Mới đạp xe đưa ông Ngoại từ Kim Long về Phú Vân Lâu hóng mát và ghé lại nhà thăm ba me cùng đứa cháu ngoại thân yêu. Ông bà Ngoại thương em nhiều lắm, vụ ly thân giữa ba và me đã làm ông bà buồn thiệt là buồn, nhất là bà Ngoại, bà cứ than thở hoài, sinh con ai dễ sinh lòng, không ngờ con Thúy nhà tôi lại nông nổi rứa, Thúy là tên hồi con gái của me. Hôm me về nhà ông bà Ngoại ở, ông bà muốn em theo về luôn nhưng ba không chịu, ba viện cớ là ở đó xa xôi, đi học không tiện, nhưng em biết đó chỉ là một lý do nhỏ, điều ba e ngại nhiều nhất là, ba sợ sống gần gũi bên Ngoại, tình cảm của em sẽ nghiêng về phía đó nhiều hơn. Em không biết sự việc có xảy ra như vậy không nếu em dọn về ở hẳn bên Ngoại, nhưng hiện giờ, trong thâm tâm em, em thương ba nhiều hơn me, việc ly thân này do mình me chủ động, hay nói đúng hơn là có dì Lan đứng sau lưng giật dây, ba chỉ biết chiều theo ý me, ba chỉ đành làm theo ý định mù quáng của me. Thuở ấm êm, ba gọi em là con chó bông xinh đẹp của ba, me gọi em là cô Hoạ Mi nhỏ bé dịu dàng, hãy hát cho ba me nghe những bài ca hạnh phúc, bây giờ em không còn là gì cả, con chó bông đã lăn lóc đầu xó tủ, nàng hoạ mi đang tắt dần giọng hót trong veo khi bài ca hạnh phúc đã không còn ý nghĩa. Em, sợi dây thương yêu ràng buộc cuộc đời giữa hai kẻ yêu nhau, giữa ba và me, sau hơn mười lăm năm tràn trề hạnh phúc, chừ đã mất hết nhiệm mầu. Em ngã người lên tấm nệm xanh, hơn mười giờ rồi mà me đâu chẳng thấy, nếp áo hồng trước đây em nâng niu giữ gìn giờ mặc cho tấm lưng đằng lên nhăn nheo. Em úp mặt xuống gối.

-Trang, Trang.

Em nhổm dậy như lò xo bật, vuốt nhanh nếp áo và xỏ vội đôi giày. Nhưng không, nhỏ Thiên Trang lớp sáu chớ không phải em. Me ơi, me quên con thật rồi sao me ? Mi em đầm đìa nước mắt, qua màng lệ buồn thiu, em thấy những cụm mây màu xám trôi nhanh ngoài khung cửa, nắng nhạt đi và trời tối lại, gió thổi xạc xào xua đám lá vàng tơi tả bay. Em nhắm chặt đôi mắt, cố mơ tới một khu phố chợ đông người, me nắm tay em bước len qua gian hàng vải muôn sắc muôn màu ; em dừng lại trước chiếc tủ kính chưng toàn vải màu xanh, có màu xanh thẳm như màu của nhỏ Yến Oanh mặc sáng nay, có cả màu xanh lơ nữa, me ơi, mua cho con ba thước màu này để may chiếc áo đầm có tầng kết từ trên xuống dưới theo hình trôn ốc. Con sẽ nhảy múa cho ba me xem, con sẽ kiễng chân xoay vòng cho chiếc áo đầm bọc gió reo lên bài ca hạnh phúc.

Một bàn tay đặt lên vai em :

- Trang, có cô Phượng đến đón con.

Em giật mình thức dậy, ngơ ngác bàng hoàng, sao lại dì Phượng mà không phải là me. Mặc cho sơ dục dã, em chậm rãi bước xuống thang lầu ra phòng khách. Dì Phượng nhìn em cười :

- Đợi có lâu không Trang ?

Em không đáp, hỏi lại dì :

- Răng me không tới đón cháu hả dì ?

Dì Phượng đỡ lấy chiếc mũ em đang cầm đội lên đầu em :

- Về nhà Ngoại đã, me bận chút chuyện, trưa me mới về gặp Trang được.

- Răng dì qua đón cháu trễ rứa ?

Dì Phượng vuốt tóc em :

- Cho dì xin lỗi nghe, tại sáng ni dì bận tới nhà dì Tâm chép bài từ sáng đến chừ mới xong đó. Thôi chào sơ đi rồi về với dì.

Em ngồi sau xe Honda cho dì Phượng chở, trời không có nắng nhưng thật là hanh. Đã gần trưa rồi, đường phố thưa người qua lại, xe qua rạp Hưng Đạo, phim chiếu tuần này là một phim kinh dị “La Rose écorchée” em chợt nhớ đến lời hứa cùng với Hoài Thu là sáng nay sẽ cùng me tới nhà rủ nó đi ciné, vậy là em đã thất hẹn, thế nào ngày mai vào lớp, em cũng không yên thân với nó đâu, con nhỏ hay mè nheo một cây. Đường về nhà ông bà Ngoại dừa xanh mướt hai bên đường, dọc theo bờ sông, vài cô gái giặt giũ trên những phiến đá trắng ngần, mái tóc huyền che khuất nửa khuôn mặt và đôi tay ngà thoăn thoắt xát xà bông, hình ảnh thật linh động, em chợt nhớ đến câu nói đùa của ba dạo ba me hương lửa mặn nồng :

“Gái Kim Long đẹp có tiếng mà, Trang ơi, ngày xưa ba theo me năm tháng mới được me cười cho một tiếng, nhưng phải đến ba năm, ba mới rước được me về nhà đấy”.

Văng vẳng đâu đây tiếng cười dòn dã của ba, thoang thoáng đâu đây đôi má ửng hồng của me dúi vào tóc em che giấu thẹn thùng. Còn đâu nữa ba, còn đâu nữa me, những ngày đầm ấm, những ngày mật ngọt đã hững hờ bỏ em mà đi, đã tan như mây khói buổi chiều.

Xe rẽ vào cổng nhà Ngoại, qua cây cầu gỗ bắc ngang, mặt hồ đầy bèo tai chuột biếc xanh. Ông Ngoại đang tỉa lá sâu nơi hàng chậu kiểng, nhìn em bằng đôi mắt lim dim :

- Trang đó hả cháu ?

Em nhảy xuống xe, vòng tay chào ông Ngoại. Ông chỉ vào trong nhà trong :

- Ừ, vô trong nhà đi cháu, bà Ngoại đang đúc bánh bèo trưa ni đãi cháu đó.

Em cất mũ chạy ra nhà sau, bà Ngoại đang múc từng muỗng bột đổ vào những cái dĩa nhỏ đặt trong chiếc hông lớn bắc trên bếp, dì Dung và dì Hạnh chạy lăng xăng.

Em cúi đầu chào :

- Thưa bà Ngoại, thưa hai dì.

Bà Ngoại ngẩng lên :

- Ừ, Trang đã về rồi đó à cháu. Ra vườn chơi một chút rồi bà dọn bánh cho mà ăn.

Em nhìn quanh nhà :

- Me cháu chưa về hả ngoại ?

Dì Dung trả lời em :

- Me cháu đi có việc với dì Lan, về chừ à.

Lại dì Lan, dì Lan, em thù ghét người đàn bà đó, chính dì đã đưa me đi vào con đường tối ám, dì Lan thật không khác chi con rắn độc, con chồn tinh… Dì Hạnh hỏi :

- Trang đang nói nhỏ cái chi rứa ?

Em giật mình vội chữa :

- Dạ mô có, cháu đang tính thử xem me cháu đi mô mà lâu rứa.

Em bỏ chạy ra vườn hái hoa dâm bụt kết thành một chùm, hoa đỏ như mầu xe của dì Lan vừa thấp thoáng ngoài hàng rào. Me vòng ra ngã sau tìm em :

- Trang ơi, Trang ơi.

Em hững hờ đón nhận gói quà to nơi tay me, tấm giấy màu được mở ra, chiếc hộp trắng được mở ra, quà cho em là con búp bê đắt tiền tuyệt đẹp để làm bạn với em trong những ngày nội trú. Em là đứa con gái nhà giàu lắm bạc nhiều tiền duy chỉ thiếu tình thương.

Bánh bèo dọn lên bàn ăn đầy đủ tóp mỡ, tôm chấy, thịt phay, nhưng thiếu tô nước mắm. Bà Ngoại la :

- Con Phượng hư quá là hư, nhiệm vụ của mi là pha nước mắm, rứa mà cũng không xong.

Dì Phượng cãi :

- Con bận qua trường đón cháu Trang chớ bộ, con đã giao việc lại cho con Dung rồi mà.

Bà Ngoại nói với ra sau :

- Con Dung, con Dung mô rồi ?

Có tiếng dạ lớn rồi dì Dung khệ nệ bưng tô nước mắm từ nhà bếp đi lên, dì Hạnh cầm chiếc muỗng chạy theo.

Dì Phượng nguýt hai cô em :

- Trời ơi, có chút nước mắm mà cả hai mạng pha mới xong.

Dì Hạnh trợn mắt :

- Chị nói sai rồi một mình chị Dung pha thôi, còn em, em là chuyên viên nếm mà. Chà, nước mắm bữa nay pha vừa vặn dữ, tuyệt.

Bà Ngoại cầm đũa :

- Thôi, vào mà ăn đi, cãi nhau hoài, tụi bay thiệt là lộn xộn.

Me hỏi bà Ngoại :

- Ba mô rồi mạ ?

Bà Ngoại đẩy dĩa bánh về phía me :

- Bây cứ ăn trước đi, ba bay sang nhà cụ Chữ đánh cờ, có để phần cho ổng nơi rồi.

Em ngồi giữa me và dì Hạnh, dì Hạnh gắp cho em miếng thịt heo thật lớn, miệng xum xoe :

- Ăn đi Trang, thêm tóp mỡ vô, nước mắm dì Dung pha hấp dẫn lắm. Ăn mau lên tao dắt đi ciné, ở Hưng Đạo đang chiếu phim rùng rợn lắm, ác ôn hơn cả phim Dracula nữa.

Dì Phượng nhìn dì Hạnh :

- Thì để cho con Trang nó ăn từ từ, làm chi mà náo loạn thiên đình rứa ?

Dì Dung phụ hoạ :

- Cái miệng con Hạnh chóp chép cả ngày, đâm da non không nổi.

Bà Ngoại nhìn đăm đăm cô con gái út, mẹ và dì Lan cũng chăm chú ngó dì Hạnh, làm dì hốt hoảng la lên :

- Thôi mà, mấy bà chiếu tướng chi tui mà kỹ rứa, cho tui ăn với chớ.

Em vui theo bầu không khí thân mật đang bao phủ gia đình Ngoại, rồi em lại thoáng buồn, không lẽ rồi đây em sẽ mất hẳn mái gia đình thật sao ?

Ăn uống xong, dì Lan lái xe đưa cả nhà đi chơi, dì Hạnh láu táu :

- Chúng mình đi dạo mát buổi trưa, vui ghê hí.

Em xem ciné ra thì trời đã chiều, sắp đến giờ trở lại nội trú, me hôn lên tóc em, me hứa :

- Tuần tới đi chơi với ba vui vẻ nghe con. Chủ nhật tuần sau nữa me sẽ đến đón con.

Em gục đầu vào cổ me tìm chút hơi hướng tình thương bám víu lấy mùi da thơm quen thuộc mẹ yêu giờ sắp chia xa. Dì Phượng siết tay em :

- Gắng vui nghe Trang.

Em định gật đầu nhưng rồi lại thôi. Chắc em sẽ ít buồn hơn nếu ngang qua Morin, em không thoáng nhìn thấy ba đang lái xe đi ngược chiều, đôi mắt buồn buồn sau tay lái. Ba me ơi, sao hai người thân yêu nhất đời em lại có thể hững hờ với nhau như hai chiếc lá trên giòng sông vậy ? 

*

Hoài Thu gặp em chả mè nheo như em dự đoán, cô bé còn an ủi em nữa :

- Hôm qua đợi me lâu, chắc mi buồn lắm phải không Trang ?

Em ngạc nhiên :

- Ai nói với mi rứa ?

- Con Hảo, nó nói nó thấy mi bồn chồn bắt nóng ruột theo.

Em hỏi theo :

- Nó có nói chi tao nữa không ?

- Nó nói mi tội.

Em nghĩ đến Hảo và thấy thương nó quá chừng. Hảo mồ côi cha mẹ ở với chú. Chú của Hảo cũng giàu có lắm nhưng gặp phải bà thím cay nghiệt nên Hảo phải vào nội trú từ thuở bé. Con nhỏ thật dễ thương, vậy mà hôm mới vào, em ghét nó thậm tệ. Em còn nhớ, khi em sướt mướt chồm mình ra bao lơn nhìn theo xe ba đang lăn bánh khuất sau khúc quanh, thì có tiếng cười khúc khích đằng sau lưng. Em bực tức quay lại, cô bé ngồi trên chiếc giường cạnh giường em đang tròn mắt nhìn em dí dỏm :

- Có chi mô mà khóc nờ.

Em chả thèm đáp, em mở valise sắp lại sách vở áo quần, cô bé đó lại gần em :

- Chà, ấy có con chó bông dễ thương ghê, cho mình coi tí nờ.

Em lẳng lặng như không nghe thấy. Cô bé tự giới thiệu :

- Mình tên là Hảo.

Em cũng không đáp lại. Hảo ngồi xuống bên em :

- Đưa mình sắp đồ dùm cho.

Em vốn còn tức tiếng cười trêu ghẹo của nó hồi nãy, em dằng lại quyển sách trên tay nó :

- Thôi cám ơn. Để tui sắp một mình cũng được.

Gợi chuyện với em hoài không được, Hảo lặng lẽ bỏ đi. Em ngỡ nó giận em thật lâu, không ngờ hôm sau Hảo lại tìm đến em vào buổi chiều khi tan học, em vừa thay áo quần xong đến ngồi bó gối trên giường. Hảo rủ em :

- Ra sân dạo chơi với mình, Trang.

Em nhìn nó :

- Sợ Sơ la lắm.

- La chi mà la, 7 giờ mới ăn cơm lận mà. Từ giờ tới đó tụi mình có quyền chơi.

Em theo Hảo ra sân, cô bé quàng vai em thân mật :

- Bộ hôm qua ấy ghét mình lắm hả ?

Em xác nhận :

- Ai biểu mình đang khóc mà ấy cười làm chi. Người ta đang rầu thúi ruột.

- Thôi xin lỗi nghe.

Rồi Hảo nâng cằm em như một người chị :

- Ấy mau khóc ghê, chắc ở nhà ấy được cưng lắm hí ?

Em gật đầu. Hảo lại hỏi :

- Rứa răng ấy không ở với gia đình mà vô đây ?

Em nói thiệt :

- Tại ba me của mình đã ly thân, nên mình không ưa ở với ai hết.

Hảo tò mò :

- Cái ông hôm qua dẫn ấy tới là ba của ấy đó à.

Em gật. Hảo khen :

- Ba ấy mập ngó oai ghê.

Em ngây thơ :

- Bộ mập là oai lắm há ?

Hảo giải thích :

- Chớ răng. Người mập còn là người dễ dãi vui tính nữa. Chú của mình cũng mập như ba ấy rứa, chỉ có bà thím của mình là ốm nhom nên bả khó chịu lắm.

Em phản đối :

- Mình không tin mô, mấy dì của mình cũng ốm như cây tăm rứa, mà họ có khó chịu chi mô nờ.

Hảo suy nghĩ một lát rồi nói :

- Chắc tại bà thím của mình không có con. Ấy không nghe người ta ví von à : “Có chồng mà chẳng có con, như bông hoa nở trên non một mình”, hoa mà nở một mình trên núi thì buồn thỉu buồn thiu, không đâm ra gắt gỏng sao được.

Em phì cười khi nghe Hảo ví bà thím của nó như một bông hoa, và tự nhiên em có cảm tình với Hảo kỳ lạ. Hảo hơn em một tuổi và học trên em một lớp nên từ dạo vào đây, mỗi lần có bài khó là em đem ra hỏi nó. Hảo học giỏi nên bài toán nào em hỏi nó cũng giải được và nó thường tỏ vẻ sung sướng khi thấy em hiểu cặn kẽ những lời nó giải thích. Điều an ủi em nhiều nhất là cô Phương Mai không còn buồn em nữa vì em đã bắt đầu chăm học trở lại, và mỗi lần lên đọc bài được điểm tốt, em muốn chìm đắm vào ánh mắt đầy trìu mến của cô, đôi lúc nhìn cô, em thấy nhớ me thật nhiều.

________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG III