Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

GIẢI NHẤT CUỘC THI VĂN CHƯƠNG PHỤ NỮ 70 - Nguyễn thị Mỹ Thanh


Như thường lệ, hằng năm vào ngày lễ Hai Bà Trưng, Bộ Văn Hóa Giáo Dục có tổ chức một cuộc thi văn chương phụ nữ Việt Nam dành cho học sinh ưu tú các lớp 11 (đệ nhị) và 12 (đệ nhất) của các trường công tư vùng Saigon Gia Định. Năm nay có khoảng gần 200 nữ sinh tham dự. Giải nhất và giải ba về trường Gia Long. Giải nhì, tư và năm về trường Lê văn Duyệt. Giải sáu về trường Trưng Vương. Như các bạn đã biết, giải nhất về tay Nguyễn thị Mỹ Thanh, tức Cam Li một cây bút thường xuyên của Tuổi Hoa. Dưới đây là nguyên văn bài văn đoạt giải nhứt của Mỹ Thanh.


ĐỀ THI :

"CÓ NHỮNG CÔNG VIỆC NGƯỜI TA CHO LÀ CỦA NỮ GIỚI, NAM GIỚI LÀM RẤT HAY (ĐẦU BẾP, MAY CẮT, THÊU THÙA V.V...) NGƯỢC LẠI, CÓ NHỮNG CÔNG VIỆC NGƯỜI TA CHO LÀ CỦA NAM GIỚI, NỮ GIỚI TỎ RA XUẤT SẮC (LÀM VUA, LÀM THỦ TƯỚNG, LÀM VÕ TƯỚNG V.V...). ĐIỀU ĐÓ CHỨNG TỎ CÔNG VIỆC NÀO, NAM HAY NỮ CŨNG LÀM ĐƯỢC CẢ. VẬY TẠI SAO XƯA NAY NGƯỜI TA CỨ QUAN NIỆM "GÁI THÌ GIỮ VIỆC TRONG NHÀ?"


BÀI LÀM

Xưa nay, hễ nói đến việc nội trợ như may vá, thêu thùa, bếp núc, người ta liền nghĩ ngay đến đôi bàn tay khéo léo dịu dàng của người phụ nữ. Trái lại, hễ nhắc đến việc chính trị, quân sự, xã hội.., người ta lại cho là việc của nam giới, xem đó là trách nhiệm nặng nề và duy nhất của họ. Tuy nhiên, những sự kiện trong lịch sử, những kinh nghiệm thông thường trong đời sống lại cho chúng ta thấy rằng có những công việc thuộc phạm vi nội trợ, nam giới làm rất hay, trong khi phụ nữ có người tỏ ra xuất sắc trong những công việc thuộc lãnh vực bên ngoài đời sống gia đình như trị nước an dân, đánh đuổi quân xâm lược… Những sự kiện này xem qua có vẻ đối chọi với quan niệm “Gái thì giữ việc trong nhà” của người Á Đông, nhất là của người Việt Nam xưa nay. Quan niệm này xuất phát từ nguyên nhân nào? Có phải rằng người xưa đã quên lãng hay không hề biết đến những tài năng đặc biệt của nam giới và nữ giới có thể có, ngoài phạm vi hoạt động quy vào bổn phận của riêng mình không? Để làm sáng tỏ vấn đề, chúng ta sau đây sẽ lần lượt nêu những minh chứng cho tài năng nội trợ của nam giới, tài năng đối ngoại của nữ giới, và cuối cùng đi đến việc giải thích và phê bình quan niệm “Gái thì giữ việc trong nhà” mà từ xưa đến nay đã ăn sâu vào đầu óc người Việt Nam chúng ta.

Một bàn tay êm ái dịu dàng của người mẹ sẽ cho đứa con giấc ngủ hiền hòa. Bàn tay này sẽ nhanh nhẹn khéo léo, hứa hẹn cho gia đình một bữa ăn ngon, hay cho các con những chiếc áo xinh đẹp. Một mình người đàn bà có thể đảm đang hết các công việc trong nhà, không một ai sánh kịp. Ấy thế mà đã có những người đàn ông tỏ ra rất khéo léo, giỏi giang trong những công việc mà đáng lẽ, theo quan niệm thông thường, chỉ dành riêng cho nữ giới.

Nếu hình ảnh của một Phạm Công lúc ra trận, tay giữ kiếm, tay ôm con, bên người mang hài cốt vợ, vẫn không phai trong tâm trí chúng ta, thì chắc không ai phủ nhận việc nam giới cũng biết chăm nom con cái. Khi chưa tục huyền với Tào thị, Phạm Công đã một tay chăm sóc hai con, không quản nhọc nhằn, mà đến lúc ra trận vẫn không rời con nửa bước. Hình ảnh “gà trống nuôi con” này khiến chúng ta cảm động xiết bao.

Nhưng đó chỉ được xem như một huyền thoại, một chuyện cổ tích. Chúng ta thử xét sang đời sống thực tế bên ngoài. Ai cũng biết rằng ngày xưa đàn bà Việt Nam phải ra ngoài buôn bán tảo tần, hoặc làm công việc đồng áng. Ở nhà thiếu bàn tay của người phụ nữ. Vậy ai là người săn sóc con cái, lo việc bếp núc? Chính người đàn ông đã đảm đương việc đó. Một bàn tay người đàn ông lo liệu tất cả. Và đôi khi, sự khéo léo vượt hẳn người phụ nữ.

Ngày xưa như thế, hiện nay ra sao? Ngày nay, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng người đàn ông vẫn có tài nội trợ. Khi người phụ nữ lâm vào cảnh khó khăn như bệnh tật, sinh nở, người đàn ông vẫn có thể tự tay lo mọi việc trong nhà. Nếu bảo rằng bàn tay người đàn ông cứng cỏi, nam giới không có tài nội trợ, thì làm sao họ lại có thể làm được những công việc đó?

Hiện nay, nghề nấu nướng không phải là riêng của người phụ nữ. Chúng ta vẫn thường thấy những nhà hàng lớn đều do người đàn ông làm đầu bếp. Cho đến việc may vá thêu thùa, nam giới cũng góp phần vào đó rất nhiều. Những kiểu áo hợp thời trang nổi tiếng khắp thế giới hầu hết xuất phát từ các nhà may do chính nam giới trông coi. Ngoài ra, chúng ta còn phải kể đến lãnh vực thẩm mỹ, như trong nghề uốn tóc, trang điểm sắc đẹp chẳng hạn, nam giới quả đã tỏ ra có tài năng đặc biệt. Như thế, dầu muốn dầu không chúng ta cũng phải công nhận rằng: người đàn ông ngoài tài năng “kinh bang tế thế”, còn có nhiều trường hợp được trời phú cho tài khéo léo tinh tường để có thể làm những công việc của phụ nữ vậy.

Nếu nam giới đã xuất sắc trong công việc của nữ giới, thì nữ giới, đối với những công việc ngoài phạm vi nội trợ, đã chứng tỏ được điều gì? Xét ngay trong lịch sử, chúng ta sẽ có rất nhiều sự kiện để chứng minh rằng: phụ nữ cũng có tài về chính trị, xã hội và quân sự.

Trong địa hạt chính trị, người phụ nữ cũng có tài lãnh đạo, hoặc tham gia việc nước. Lịch sử Anh quốc đã ghi nhận công lao kiến quốc của nữ hoàng Victoria Đệ Nhất, và đến nay Anh quốc vẫn còn duy trì ngôi vị nữ hoàng trong guồng máy lãnh đạo, với nữ hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Ấn Độ, một quốc gia Á châu, tinh thần ngày xưa cũng mang nặng thành kiến lạc hậu, ngày nay cũng đã có vị nữ thủ tướng là bà Indira Gandhi, tỏ ra là người có tài lãnh đạo, đối phó với những việc khó khăn trong nước, giải quyết những vấn đề nhân mãn, đói kém của dân chúng một cách khéo léo.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam, chúng ta không ai mà chẳng biết đến hai vị anh thư Trưng Trắc và Trưng Nhị. Là phận nữ nhi, song hai Bà không thể ngồi yên lo việc nội trợ, bởi quân nhà Hán tàn ác, nhất là từ khi Tô Định sang làm Thái thú. Chúng giết chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, trước khi việc mưu đánh quân Tàu của vợ chồng ông được thi hành. Hai Bà Trưng vì thù riêng thì ít, nhưng vì nợ nước thì nhiều, đã không nản chí, tiếp tục chí hướng quyết phá tan giặc xâm lăng. Khi ra trận, hai Bà mặc áo giáp vàng, ngồi trên lưng voi, làm cho binh sĩ hăng hái vì khí thế oai dũng. Hai Bà đánh đuổi quân Tô Định, bình định non sông và lên ngôi trị vì trong khoảng ba năm. Khi quân Mã Viện kéo sang, biết sức mình cầm cự không lại, hai Bà đã chẳng hèn nhát mà hàng giặc, lại chọn cái chết liệt oanh ở dòng sông Hát. Hai Bà đã không thực hiện câu “sống quê cha, ma quê chồng”, mà đã “làm ma” trên quê hương yêu dấu, quê hương của tất cả mọi người dân. Tấm gương liệt nữ ấy mãi mãi sáng ngời trong lòng dân tộc Việt.

Ngày xưa kẻ làm trai biết bao nhiêu người theo nghiệp kiếm cung, võ tướng không thiếu trong triều đình. Thì phía nữ giới, chúng ta cũng tìm thấy những vị anh thư can đảm, dõng lược. Đàn ông ra trận, họ cũng ra trận. Đàn ông “hét ra lửa”, họ cũng có phen làm táng đởm quân thù. Nếu nước Pháp có Jeanne d’Arc được truyền tụng đời đời, thì Việt Nam cũng không thiếu những liệt nữ như thế. Chúng ta ai có thể quên được câu nói oai hùng nầy: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng làm tì thiếp cho người ta”. Chính Nhụy Kiều tướng quân, tức Bà Triệu, đã hiên ngang nói câu như vậy. Có thể bảo rằng người phụ nữ Việt Nam chân yếu tay mềm, không có tài kinh bang tế thế ư? Lại như một nữ võ tướng của nước ta mà không ai quên là bà Bùi Thị Xuân. Chồng xông pha chốn tên đạn, Bà cũng ngang dọc nơi chiến trường. Khí thế dũng mãnh, Bà đã làm cho quân của Nguyễn Vương hoảng sợ. Để cuối cùng, với con thơ, Bà đã chết một cách đau đớn nhưng oanh liệt vô ngần trước sự trả thù dã man của họ Nguyễn. Rồi Cô Giang, Cô Bắc, những bậc liệt nữ trong phong trào cách mạng chống Pháp, rồi một cô Đỗ Thị Tâm đã nuốt dần chiếc dải yếm, nhận lấy cái chết quằn quại để khỏi tiết lộ cơ mưu và khỏi bị nhục với Pháp. Hình ảnh hào hùng đó, tấm gương bi tráng oanh liệt đó, muôn đời không nhòa trong quá trình chống giặc Tàu, giặc Tây của dân Việt chúng ta. 


Ngày lễ Hai Bà Trưng được tổ chức hằng năm ở Saigon

Xét xong về phương diện trị nước an dân, mưu tìm hạnh phúc cho giống nòi, chúng ta bước sang lãnh vực rộng rãi hơn: đó là việc phụng sự cho nhân loại, cho sự sinh tồn của toàn thế giới. Trong phạm vi khoa học, nếu đã có những Newton, Edison, Einstein, thì cũng có một Marie Curie mà gương hy sinh đã lừng lẫy. Bà Marie Curie đã cùng chồng làm việc trong hàng chục năm, để cuối cùng tìm được chất Radium, một chất rất độc nhưng lại rất ích lợi cho y học. Khi chồng mất, bà đã làm việc tiếp tục, và đã từ trần trong sự thương tiếc của toàn thể nhân loại. Ngoài ra, trong những phòng thí nghiệm ngày nay đã có nhiều nữ chuyên viên. Họ cũng nghiên cứu, cũng tìm tòi và đôi khi họ tỏ ra vượt hẳn nam giới nhờ ở đức tính kiên nhẫn và tỉ mỉ sẵn có của mình.

Xét về địa hạt xã hội, chúng ta nhận thấy công việc thật là trọng đại. Xã hội có ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống cá nhân. Phụ nữ ngày nay đã tham gia hăng hái vào công việc xã hội, cải tạo nhân sinh. Gương sáng của bà Hellen Keller, người Mỹ, đã gây nên sự xúc động lớn lao cho chúng ta: một phụ nữ bị mù, câm và điếc từ thuở nhỏ mà đã giúp đỡ nhiệt thành cho những người đồng cảnh ngộ để sống một cuộc sống bình thường, thật hiếm có ở cõi đời này. Có thể nói họ là những người sinh ra để phụng sự cho nhân loại, cho sự tương thân tương ái giữa người và người. Ở nước ta cũng có rất nhiều Hellen Keller. Đó là những dì phước sống một cuộc đời lặng lẽ phục vụ cho bệnh nhân ở những trại cùi; là những ni cô nguyện dâng đời cho sự sống vui của các trẻ nhỏ trong cô nhi viện; là những cô giáo sống ở thôn quê hẻo lánh vui với bọn học trò thơ dại, ngày đêm bị bom đạn đe dọa; là những nữ y tá xông pha ngoài chiến trận để cứu chữa các thương binh… Kể làm sao cho hết những người phụ nữ giàu lòng bác ái đó. Họ đã quên hẳn đời sống gia đình, quên hạnh phúc riêng tư để hòa mình vào cuộc sống của tha nhân, vui buồn với đồng loại.

Trên bình diện quân sự, mấy ai không biết đến đoàn nữ binh Do Thái, thật kiêu hùng, chứng tỏ cho thế giới thấy sự kiên quyết của nữ giới nước họ. Trong hiện tình của đất nước chúng ta, cũng có những đơn vị nữ quân nhân, những tổ chức nhân dân tự vệ, mà chị em bạn gái cũng đã hăng hái tham gia rất đông. Tinh thần tự giác của chị em đã được nhận thấy rất rõ tại cố đô Huế, nơi mà biến cố Mậu Thân đã tàn phá tan hoang. Ở đó, trong những đoàn ngũ nhân dân tự vệ, chị em đã tỏ ra hăng hái, kỷ luật và anh dũng. Họ sẵn sàng đánh giặc như nam giới, sẵn sàng làm bất cứ cái gì để bảo vệ xóm làng. Tinh thần đó không ai là không cảm phục.

Từ chính trị đến xã hội, khoa học, quân sự, người phụ nữ trên thế giới nói chung, người phụ nữ Việt Nam nói riêng, đã tỏ ra không kém gì nam giới. Ngược lại, nam giới cũng có khả năng đảm đương công việc của phụ nữ. Như thế, dù là công việc nào, đối nội hay đối ngoại, văn hay võ, nam nữ đều làm được như nhau. Thế nhưng tại sao quan niệm “Gái thì giữ việc trong nhà” vẫn mãi mãi tồn tại, không những thế lại ăn sâu vào đầu óc của dân ta xưa nay như vậy? Chúng ta sẽ tìm hiểu nguồn gốc của sự phát sinh quan niệm này bằng cách dựa vào phong tục tập quán của dân tộc chúng ta, và sau đó phê bình quan niệm ấy.

Sự giáo dục theo Nho giáo kéo dài trên mấy ngàn năm ở nước ta, mãi tới khi trào lưu tư tưởng Tây phương tràn vào mới bị đả phá. Trong nhà, ngoài đường, nhất nhất đều theo khuôn phép của Khổng Mạnh. Người phụ nữ Việt Nam, do đó chịu ảnh hưởng của sự giáo dục nghiêm khắc này, luôn luôn theo đúng nề nếp của gia đình.

Khi còn ở với cha mẹ, người con gái phải hết lòng thờ kính cha mẹ, giữ gìn ý tứ và trau dồi đức hạnh. Ca dao Việt Nam có câu:

Con gái chưa nói đã cười
Chưa đi đã chạy là người vô duyên


để nhắc nhở người con gái phải hết sức thận trọng trong cử chỉ, lời nói. Người con gái không hề biết đến sự việc gì bên ngoài đời sống gia đình. Họ chỉ việc lo may vá, thêu thùa, nấu nướng. Công, dung, ngôn, hạnh là tôn chỉ của họ. Một người con gái không đầy đủ tứ đức như vậy sẽ bị chê bai.

Đến một lứa tuổi nào đó, người con gái sẽ xuất giá, có khi họ không biết mặt kẻ chung thân. Thế nhưng dù ghét hay thương, khi đã trở thành người vợ rồi thì người phụ nữ phải hết lòng với bổn phận:

Có con thì khổ vì con
Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng


Người đàn bà phải nuôi con hết sức khổ cực:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy thức đủ năm canh


Chúng ta có thể nhìn thấy sự nhẫn nại hy sinh đó qua hình ảnh của bà Trần Tế Xương:

Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông 

 
Chịu khổ nhọc, chịu vất vả, có khi người đàn bà còn chịu sự dằn vặt của mẹ chồng, em chồng và họ hàng nhà chồng nữa. Nhưng bù lại, họ được nghe những lời ca tụng của con cái họ, của người đời:

Lên non mới biết non cao
Có con mới biết công lao mẹ hiền


Hay:

Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau


Một đời người phụ nữ chỉ biết tận tụy hy sinh cho chồng con như thế, cho nên:

Vắng đàn ông quạnh nhà,
Vắng đàn bà quạnh bếp


Chúng ta thử tưởng tượng nếu trong gia đình thiếu hẳn bàn tay người mẹ thì sẽ ra sao? Hẳn là hạnh phúc sẽ không trọn vẹn như trong gia đình có sự bảo bọc thương yêu của người phụ nữ. Nếp sống này đã ăn sâu vào tâm hồn của người Việt Nam từ muôn đời, và đã thể hiện qua ca dao, tục ngữ, trình bày một cách trung thực đời sống dân tộc:

Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa 

 
Để tìm một giá trị đúng mức cho quan niệm “Gái thì giữ việc trong nhà”, chúng ta hãy cùng nhau phân tích những ưu và khuyết điểm của quan niệm trên, hầu ứng dụng thế nào cho thích hợp với cuộc sống hiện tại và để khỏi mai một tài năng của mình.

Quan niệm người phụ nữ chỉ biết việc trong nhà, đối với chúng ta ngày nay, đã trở thành quá thiển cận và khe khắt. Bởi lẽ, qua những thí dụ đã kể trên, không ai phủ nhận được khả năng của người phụ nữ trong mọi địa hạt: chính trị, quân sự, xã hội, khoa học… Ngoài ra người phụ nữ cũng có thể giúp đỡ khích lệ nam giới làm những công việc nặng nề khó khăn. Nhà bác học Alfred Nobel đã hăng hái lo cho nền hòa bình của nhân loại, nhưng đồng thời đó cũng là nhờ ở sự cộng tác và tài thuyết phục của bà Nam tước Suttner. Vậy há chẳng phải “nhi nữ tạo anh hùng” hay sao? Công việc nào cũng thế, nếu trai gái cùng chung sức để thi hành thì sự thành công sẽ dễ dàng thu đạt hơn.

Quan niệm gò bó người phụ nữ trong gia đình đã khiến người phụ nữ không dám mơ ước cao xa, không dám nghĩ đến việc bên ngoài, sợ vượt ra khỏi khuôn khổ lễ giáo. Như thế người phụ nữ sẽ bị mai một tài năng sẵn có của mình và sẽ sống cuộc đời âm thầm như con ốc sống trong cái vỏ của mình.

Quan niệm “Gái thì giữ việc trong nhà” tuy ngày nay không còn hợp thời nữa, hay đúng hơn, không phải là khuôn khổ bắt buộc người đàn bà phải theo, nhưng không ai có thể phủ nhận được giá trị luân lý và đạo đức sâu xa của nó.

Người phụ nữ nếu bác bỏ quan niệm này, để chỉ lo việc bên ngoài mà không hề biết đến việc nhà thì thật tai hại. Chúng ta biết rằng người phụ nữ đã sẵn có tài nội trợ. Sự khéo léo dịu dàng cùng đức tính chịu thương chịu khó của người phụ nữ, không một người đàn ông nào có thể vượt qua. Cho dù có, thì đấy cũng là do sự luyện tập mà thôi, còn phần đông nam giới không có được tài năng bẩm sinh đó. Người đàn bà được trời phú cho nhiều đức tính: nhẫn nại, hy sinh, chịu cực khổ mà không hề than van. Những đức tính này chúng ta dễ tìm thấy ở người phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ Việt Nam có thể gọi là chậm tiến hơn phụ nữ ở các nước khác, điều đáng buồn này không ai có thể phủ nhận, nhưng phụ nữ Việt Nam có những đức tính mà phụ nữ nước khác không có hoặc khó tìm thấy. Lòng hy sinh, tính nhẫn nại của phụ nữ Việt Nam đáng là bài học cho mọi người. Như thế làm sao người phụ nữ có thể chối bỏ nhiệm vụ thiêng liêng của mình, đó là thiên chức  của bậc nội tướng? Trong gia đình, người phụ nữ sẽ là bóng mát cho con cái nương dựa, là dòng suối làm dịu lòng người chồng, là khí trời cần thiết cho mọi người sống. Nếu người mẹ không để ý săn sóc con, chúng sẽ dễ hư hỏng, và vô tình, người phụ nữ đã tạo cho xã hội những mầm mống bất mãn, xấu xa, nổi loạn.

Chúng ta phải công nhận rằng: nam giới được sinh ra đã có bản chất vững mạnh, đã có khuynh hướng hoạt động. Nhưng nếu để cho người đàn ông phải gánh vác việc trong nhà thay cho người phụ nữ, và trong khi đó người phụ nữ với đầy đủ đức tính khéo léo dịu dàng lại bỏ quên phận sự nội trợ của mình thì thật là trái với lẽ tự nhiên.

Tóm lại chúng ta thấy rằng: nam giới có thể làm công việc của nữ giới và ngược lại. Nhưng không vì thế mà người phụ nữ xao lãng vai trò trọng yếu của mình trong gia đình, đó là trách nhiệm của bậc nội tướng. Không ai có thể thay thế bàn tay hiền dịu của người phụ nữ để đảm đương mọi việc trong nhà. Do đó quan niệm “Gái thì giữ việc trong nhà” thật sự vẫn còn phần nào giá trị.

Người phụ nữ chúng ta không thể quên rằng mình là bóng râm che chở cho đàn con, là nguồn vui tươi mát của gia đình, đó chính là thiên chức cao quý làm vợ, làm mẹ của chúng ta. Nền tảng của xã hội là gia đình. Người phụ nữ phải cố gắng bảo vệ cho thành trì gia đình đó vững mạnh, để có thể xây dựng quốc gia, cải tạo xã hội. Chính lúc giáo dục, chăm nom con cái, lo lắng việc trong nhà, là lúc chúng ta đã giúp ích cho xã hội nhiều nhất. Công việc gia đình và xã hội phải đi đôi với nhau. Người phụ nữ nếu lo toàn được như thế sẽ không hổ danh là con cháu của Trưng Vương, của Triệu Trinh Nương vậy.


Nguyễn Thị Mỹ Thanh  

 (Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 127, ra ngày 15-4-1970)


Nguồn : https://tuoihoandmore.blogspot.com