CHƯƠNG III
CHÚ BÉ HỌ TRẦN
Nguyễn Trãi và hai viên tướng tùy tùng đi đứng thật tự nhiên trên con đường cái chạy thẳng tắp từ bến đò Mai Lĩnh về hướng tây.
Đường thưa thớt người qua lại. Ai cũng có vẻ vội vã và sợ sệt. Không gian như bàng bạc một điềm sát khí.
Như dân địa phương đã thuộc lối, họ rẽ xuống con đường nhỏ phía trái dẫn quanh co tới làng Lương Xá.
Hai bên đường, mênh mông toàn những ruộng chiêm, vắng tanh không một bóng người
Một đám đất đột nhiên cao đưa tới một khu rừng nhỏ. Qua tấm bình phong xanh ngắt này, cảnh vật chắc còn âm u ảm đạm hơn nhiều.
Ba
người khách bộ hành vội vàng dấn bước. Họ rất đỗi ngạc nhiên và mừng rỡ
khi ra khỏi cụm rừng, họ đặt chân vào một thế giới mới, vui tươi và
sống động. Đó đây loáng thoáng bóng dáng mấy con trâu ung dung nhai cỏ
và nhìn đời bằng những cặp mắt mơ màng. Từ xa vẳng lại những tiếng nô
đùa trong trẻo của trẻ con.
Không
ai bảo ai, họ cùng đi chầm chậm lại để xem cho thích mắt một quang cảnh
mới lạ đang diễn ra trong một bầu không khí họ hoàn toàn không ngờ tới.
Trên
một khoảnh đất rộng bao la ngập ánh nắng chiều, ba bốn chục thiếu niên
vào trạc 16 tuổi trở lại đang chia ra hai phe quần thảo với nhau. Cậu
nào cũng mình trần trùng trục, vừa la hét, vừa chạy nhẩy đấm đá.
Ba
người khách lạ phương xa đứng dừng hẳn bên gốc một cây đa già khi một
chú bé tuổi chừng 14, toàn thân đen trùi trũi và rắn bóng như đồng, đã
hạ được một lúc tám chín cậu cao lớn hơn.
Nhiều tiếng vỗ tay khen ngợi xen lẫn những tiếng la :
- Hay ! Hay tuyệt !
- Diễn lại ngọn đá liên hoàn coi !
-
Còn ngón “Đại bàng vượt núi”, mày bay nhanh quá, Tráng à. Lần này, mày
phải phi thân chầm chậm lại một tí cho cánh tao học mót với chứ.
Chú bé đồng đen tươi cười giải thích :
-
Được rồi. Tao đánh thong thả cho chúng mày bắt chước nhé. Nhưng tao nói
trước, ngón đá liên hoàn của họ nhà tao trông dữ dằn thế mà dễ học, chứ
cái phép bay qua gò của họ Phạm khó lắm, phải khổ luyện cả năm mới
thành. Thầy tao kể chuyện ngày xưa cụ Điện tiền Thượng tướng (1) lúc còn
hàn vi đã nghĩ ra phép này và đã phải tập liền liền trong ba tháng mới
đến nơi đến chốn.
Đợi các bạn bầy trận xong, chú bé hô :
- Nào !
Ba
cậu đứng gần xông tới, ba mặt đánh tới tấp. Nó xoay người, bung chân đá
liền liền sáu ngọn, ngọn nào cũng cao ngang mặt đối phương. Ba cậu này
vừa dãn ra để tránh thì nhanh như cắt, nó đã bay qua một mô đất, cao
suýt soát đầu người, đón đánh ba cậu khác.
Ba
cậu sau thua rồi, tiếp tới ba cậu nữa tập kích sau một cái gò kế cận.
Vẫn những cái nhún người bay bổng như chim, vẫn những miếng đá xoay tròn
như chong chóng.
Lũ trẻ mải chơi không để ý đến những người lạ đứng xem. Chúng hò hét bầy những trò chơi khác.
Ba
ông khách ý hẳn muốn thưởng thức trò vui cho đến khi mãn cuộc nên ngồi
bệt xuống cái rễ cây đa chạy ngoằn ngoèo dưới gốc. Họ ngồi thu hình dưới
chiếc nón đội sùm sụp như những người dân quê chất phác nhất thích nghỉ
mệt hơn là xem lũ trẻ nô đùa.
Đàng kia, những cậu bé nhất, yếu nhất lại thường hăng hái nhất. Chúng đua nhau la :
- Chơi tiếp trò đấu sức hôm qua đi, các anh.
- Đúng rồi. Hôm qua đẩy roi ba hiệp hoà cả ba. Hôm nay phải chơi trò khác.
- Đến bao giờ có kẻ được, người thua rõ ràng mới thôi.
- Phải đấy. Anh Tráng Trâu Lăn thử chơi trò kéo trâu với anh Toàn Trâu Nước đi, xem ai được ai thua nào.
Cả bọn vỗ tay ầm ầm phụ hoạ :
- Hay ! Trâu Nước đấu với Trâu Lăn mới xứng tay ! Xem trò này mới khoái tỉ !
Chúng chạy ù ra bụi tre dắt hai con trâu mộng lại. Tráng lắc đầu :
- Không nổi đâu, chúng mày ơi. Anh Toàn liệu có kham được không đây ?
Toàn
lớn hơn Tráng độ hai tuổi, cao hơn và cũng to sầm sầm hơn Tráng nhiều.
Nét mặt hiền lành nếu không nói là hơi chất phác. Y cười nói :
- Trâu Nước cũng chịu thua luôn. Của này phải để dành cho người nhớn. Mình chơi tạm với mấy con nghé được rồi.
Nghé đang độ lớn mạnh không kém trâu bao nhiêu, chúng còn hăng hơn trâu nữa là khác.
Tráng
và Toàn thay phiên nhau trổ tài. Xuống tấn thật thấp, chúng hai tay nắm
đuôi hai con nghé ghì lại trong khi bạn chúng reo hò cổ võ và lấy roi
đập vào mông hai con vật. Chúng cứ thế ghì thật lâu, đôi nghé lồng lộn
đến đâu rút cục cũng đành chịu phép đứng yên.
- Lại hoà !
Vẫn mấy chú bé con chịu khó sáng chế ra trò mới :
- Bây giờ cho chủ nghé nào cưỡi nghé ấy đi. Rồi ra roi cho nghé chạy mới sướng !
- Phải đấy ! Phải đấy !
Thằng Thọ, thằng Ngoạn khoái chí nhẩy phóc lên lưng chú nghé của mình, quay đầu lại hỏi :
- Anh nào “làm” trước đây ?
Tráng vội lên tiếng :
Vừa rồi Toàn làm trước. Giờ để Tráng làm trước cho công bằng.
Y
nghiến răng, nín thở, cánh tay, ngực, lưng và vế bắp thịt nổi lên cuồn
cuộn. Thọ và Ngoạn mặc sức ra roi, hai con nghé vẫn không tiến được một
bước nào. Hiệp này thật gay go vì đám khán giả đếm đến một trăm mới
thôi.
Đến
lượt Toàn, y chịu được đến 90 thì phải buông tay cho hai con vật lồng
lên và phóng chạy như bay. Y cố gắng để cho hai đầu gối hơi run khỏi quỵ
xuống.
Tráng vội chạy lại đỡ Toàn và phân bua giùm bạn :
- Tại hai cái thằng nhãi cứ như hai thằng điên, đập hai con nghé đau quá. Lúc nẫy đâu có dữ dội như vậy !
Như đã đủ ghiền, lũ trẻ hè nhau chạy ùa về hướng tây, vừa chạy vừa la :
- Đi tắm một cái cho mát, anh em ơi ! Sắp tối rồi !
Xa xa, một mảnh đầm mặt sáng như gương đang ngâm mặt trời chiều trong đáy nước.
Tráng sắp chạy theo Toàn và các bạn, bỗng nghe có tiếng gọi đằng sau :
- Cậu Tráng ! Lại cho tôi hỏi thăm một tí.
Ngạc
nhiên, Tráng quay lại thấy ba người lạ đứng dưới gốc cây đa, tuy ăn mặc
xuềnh xoàng nhưng phong thái uy nghi như những hình tượng thường được
vẽ trong những bức tranh thờ.
Người
đứng giữa, mắt sáng, râu dài, ba đình đều đặn, có vẻ phong lưu tiêu sái
như một vị thần tiên trong khi hai vị đứng hai bên lẫm liệt như hai
viên mãnh tướng.
Tráng chắp tay chào, e dè :
- Thưa ông gọi cháu ?
- Phải. Thầy cháu có ở nhà không ?
- Thưa ông, có ạ.
Y đánh bạo hỏi lại :
- Thưa, ông quen thầy cháu ?
- Ta chưa được quen biết ông Trần Lương Xá nhưng đã ngưỡng mộ uy danh ông từ lâu. Cháu dẫn bọn ta về nhà được chứ ?
- Thưa ông, được ạ. Nhưng…
- Có điều gì áy náy, cháu cứ hỏi tự nhiên.
- Vâng ạ. Ông đã cho phép, cháu xin hỏi. Tại sao ông biết cháu là con của ông Trần Lương Xá ?
Nguyễn Trãi vuốt râu, cười hà hà :
-
Có gì mà không biết ! Xem mấy thế võ cháu vừa phô diễn là đủ rõ lai
lịch của cháu rồi. Này nhé, phép đá liên hoàn của cháu có chỗ hao hao
với lối đánh của nhiều họ khác nên ta chưa dám đoán chắc cháu là con
cháu họ Trần. Nhưng môn “Đại bàng vượt núi” của cháu là môn chân truyền
của họ Phạm ở làng Phù Ủng. Môn này khó, học lỏm không được. Ngoài họ
Phạm ra, cụ Điện tiền Thượng tướng chỉ dậy cho con cháu họ Trần vì có
tình thông gia (2). Ta đoan quyết cháu là dòng dõi Đức Hưng Đạo Vương là
vì thế.
Tráng sung sướng vái ông khách, tỏ ý bội phục. Y nói thêm :
- Nghe ông chỉ dậy, cháu có cảm tưởng như ông là Nguyễn quân sư…
- Ta là một ông thầy địa lý.
- Ông đi để đất cho người ta ?
- Phải. Ta đi xem địa thế vùng này…
- Thưa ông, thầy cháu có nói nhiều người khen vùng này có nhiều kiểu đất phát to lắm.
-
Chính thế !... Cháu về thưa với thầy cháu rằng bọn ta ba người đi xem
đất lỡ độ đường, muốn vào chơi và quấy quả một bữa chén nhé !
Đến đầu ngõ, Tráng chạy ù về nhà. Thoáng cái đã thấy một tráng sĩ trung niên khăn áo chỉnh tề bước ra đón khách.
___________________
(1) Điện tiền Thượng tướng : chức của Phạm Ngũ Lão.
(2) Tình thông gia : Phạm Ngũ Lão là rể của Hưng Đạo vương.
CHƯƠNG IV
HAI CÁI TÚI
Người làng Lương Xá kháo nhau :
- Ông Trần Kiện vừa đón được một ông thầy địa lý có vẻ tiên phong đạo cốt ghê.
- Thảo nào ! Tôi thấy nhà ông ta có khách, đãi đằng trọng vọng lắm.
- Phải rồi, tu nhân tích đức như ông ta, giời có thí bỏ cho một ngôi đất tốt cũng là xứng đáng.
Họ
yên trí về chuyện mồ mả đất cát nên không một chút hoài nghi khi thấy
bốn người, cả chủ lẫn khách, đều say mê nghiên cứu thuật phong thủy ở
ngoài trời.
Từ
sáng sớm tinh sương cho đến tối mịt, bốn người cưỡi bốn con ngựa khoẻ
đi dạo khắp nơi khắp chốn trong vùng. Hết Lương Xá đến Quảng Bị, Tụy
Động. Xa hơn nữa, đến Chúc Sơn, rồi đến Phượng Hoàng Sơn.
Vị quân sư họ Nguyễn có vẻ hài lòng sau khi đã có một cái nhìn tổng quát về khu vực mà ông đã lựa chọn.
Tối đến, ngồi bên mâm rượu trong thư phòng biệt tịch, ông nâng chén tâm sự với chủ nhà :
-
Bình Định Vương khởi nghĩa ở Lam Sơn từ mùa xuân năm mậu tuất (1). Bây
giờ còn mấy tháng nữa là hết năm bính ngọ (2. Tính ra đã được chín năm.
Và phần thắng lợi đã nghiêng hẳn về ta.
“Trước
thanh thế lẫy lừng của quân ta, vua nhà Minh đã phải thay tướng thêm
binh nhưng tựu chung quân thế của chúng chỉ còn ở trong mấy cái thành bị
vây mà thôi.
“Đó là nói ở mạn trong, thành Nghệ An và thành Tây Đô bị ta vây đánh rất gấp.
“Nhưng
còn ở mạn ngoài, chúng có đến mười vạn ở quanh thành Đông Quan, đồn lũy
đóng liên tiếp dài mấy chục dặm từ Thạch Thất cho đến Từ Liêm, Thanh
Oai.
“Ý tôi muốn diệt gọn mấy vạn tinh binh này trong một trận thật khốc liệt.
“Đánh
thắng xong trận quyết định này, ta sẽ hạ các thành bị vây một cách dễ
dàng. Và công đại định ở ngay tầm tay với. Ý ông nghĩ sao ?
Trần Kiện hăng hái đáp :
-
Dân chúng cũng mong ước như vậy lắm. Ai cũng muốn đánh những trận thật
to, thật quyết liệt cho nó xong đi. Xong thì dân tình mới đỡ khổ. Nhưng…
- Ông ngại điều gì ? Sợ quân ta ít chăng ?
- Vâng. Tôi ngại quân ta quá ít. Quân sư có thể cho biết…
Nguyễn Trãi ngắt lời :
- Tôi trọng ông như các tướng tâm phúc của Bình Định Vương nên không có điều gì phải giấu giếm.
“Hiện
giờ quân của Vương Thông dàn ra ở ba phía, phía tây, phía tây nam và
phía nam thành Đông Quan. Để cự với ba đạo quân ấy, tôi nhờ ba ông Lý
Triện, Đinh Lễ và Nguyễn Xí, mỗi ông có một nghìn quân.
-
Một nghìn quân thật là quá ít so với mười vạn tinh binh của giặc. Tuy
nhiên, nếu quân sư có lòng tin sai tôi cầm số quân nhỏ nhoi ấy đánh bất
cứ đạo quân Tầu nào, tôi cũng xin liều chết lĩnh mệnh. Nhưng nếu quân sư
buộc phải tiêu diệt mười vạn quân giặc thì tôi xin thú thật không tài
nào đương nổi.
Vỗ vai người tráng sĩ họ Trần, Nguyễn Trãi nói cười hỉ hả :
- Lực lượng hai bên quá chênh lệch, một mình ta không đủ sức quật ngã được chúng thì ta mượn thêm quân chứ có gì là khó.
Trần Kiện ngạc nhiên :
- Thưa, mượn thêm quân ?
- Phải.
- Tôi ngại…
Họ Nguyễn xua tay gạt phắt đi :
-
Không có gì đáng ngại đâu, ông Trần. Tôi thân hành đến đây không ngoài
mục đích nhờ ông giúp cho một tay trong việc mượn binh đó. Rồi đây ông
sẽ hiểu.
Tuy không mấy tin tưởng ở kế cầu viện, họ Trần cũng gượng cười đáp :
- Vâng. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng tuân theo những lời chỉ giáo của quân sư.
Trải
một tờ giấy bản rộng lên trên văn kỷ, Ức Trai tiên sinh chậm rãi vẻ ra
một tấm bản đồ, ngòi bút lông bay lượn đến đâu, ông cắt nghĩa đến đấy.
- Đây là địa thế toàn thể khu vực chúng ta đã quan sát ngày hôm nay.
“Phía bắc có con sông Cái chắn ngang, nước đổ về Đông Đô ở phía đông, mạnh như thác.
“Sông
này có hai nhánh cách nhau mấy chục dặm, chạy song song về phía nam.
Nhánh bên tả là con sông Đáy chạy tuốt xuống phía nam huyện Mỹ Lương ta
và gặp con sông Bùi ở ngã ba Thá.
“Nhánh
bên hữu chạy dọc vùng Phượng Hoàng Sơn đến con đường này. Đây chính là
con đường cái chạy thẳng về thành Đông Quan qua bến đò Tích Giang trên
con sông Bùi và bến đò Mai Lĩnh trên con sông Đáy.
“Ông
Trần nhìn kỹ xem có phải khu vực vừa vẽ đây giống y như một cái túi
hình chữ nhật mà ba cạnh là sông và một cạnh là đường bộ không nào ?
“Nói
cho rõ ràng hơn thì mặt bắc khu vực này là sông Cái, mặt đông là sông
Đáy, mặt tây là một nhánh sông Nhị Hà. Duy có mặt nam là con đường cái
quan chạy từ bến đò Tích Giang đến bến đò Mai Lĩnh.
-
Vâng vâng, tôi thấy rồi, Phượng Hoàng Sơn và Chúc Động thuộc địa phận
huyện Chương Đức đều nằm gọn trong cái túi rộng nhớn này.
- Chính thế. Còn một cái túi nữa, nhỏ hơn, ở phía nam đường cái.
Trần Kiện vỗ tay reo, mắt sáng lên :
-
Vâng vâng. Mặt bắc túi nhỏ này vẫn là con đường cái quan lúc nãy. Mặt
đông và mặt nam là sông Đáy, mặt tây là sông Bùi. Hai con sông này gặp
nhau ở ngã ba Thá. Đây là khu vực của tôi, tôi thuộc rất rành, thưa quân
sư. Làng Lương Xá tôi đây cũng như các làng Quảng Bị, Tụy Động kế bên
thuộc huyện Mỹ Lương đều nằm gọn trong cái túi thứ hai này.
Vị quân sư họ Nguyễn nâng chén, uống một hớp rượu, khà một tiếng khoan khoái trước khi phê phán :
- Điều đáng chú ý là đất cả hai nơi đều rất thấp.
- Dạ dạ. Là vì ở đây toàn ruộng chiêm. Đất ở Lương Xá chúng tôi còn thấp hơn ở Chúc Sơn nhiều đó, thưa quân sư.
-
Vâng, tôi thấy. Và tất cả bốn chúng ta đều đã thấy. Vậy bây giờ tôi hỏi
ba ông câu này nhé : “Ta nên lùa mười vạn quân Tầu vào cái túi nào ?
Túi nhớn ở trên hay túi nhỏ ở dưới ?”
Lương hữu Trí lên tiếng trước tiên :
- Túi nhớn ở trên e quá rộng, mà quân ta thì quá ít. Sợ đối phó không nổi.
Lý đại Lực tiếp lời, giọng áy náy :
-
Còn cái túi nhỏ ở dưới, tôi lại e quá hẹp. Quân giặc lại quá đông.
Chúng nó lấy thịt đè người, mình chết bẹp, hết chỗ cựa quậy !...
Trầm ngâm một lúc lâu, Trần Kiện mới dè dặt góp ý :
- Theo ý ngu của tôi thì túi nhỏ tiện hơn. Có điều ta phải thêm quân…
Nguyễn Trãi vỗ đùi reo :
- Đúng đấy. Viện binh bao nhiêu cũng có. Ở cả trong tay chúng ta, hay nói rõ hơn, ở trong tay ông Trần chứ đâu xa !
Trước sự ngạc nhiên của ba người đối thoại, họ Nguyễn đột ngột bắt sang chuyện đời xưa ;
- Ba ông có nhớ, trong truyện Tam Quốc, cái khúc Quan Vũ tháo nước sông Tương bắt Vu Cấm và Bàng Đức không ?
Ba người nghe cùng tỉnh ngộ. Hữu Trí gật gù buông mấy tiếng :
- Dạ có. Trận đó kêu là “Vu nhập Khoái khẩu.” Đúng là Cá vào miệng Đó !
Đại Lực ngó tấm bản đồ, lẩm nhẩm :
- Hai khu vực này quả thực là hai cái đó. Cái đó nhỏ cũng rộng rãi hơn cái đó của Quan Công nhiều.
Trần Kiện tiếp lời, giọng gượng gạo lúc nãy đã đổi sang giọng vô cùng tin tưởng :
-
Bây giờ tôi mới vỡ lẽ. Thì ra viện binh quân sư nói vừa rồi là nước hai
con sông, sông Bùi và sông Đáy. Phải rồi, binh thư đã chỉ rành rành :
Sức quân không đủ thì mượn sức lửa, sức nước thế vào.
Hạ thấp giọng, Nguyễn Trãi dặn :
-
Mẹo này ta phải giữ cho thật kín. Hơi lộ ra một tí là hỏng việc đấy.
Chúng nó sinh nghi không dám chui đầu vào trong thì mẹo ta hết đường thi
thố. Và quân ta sẽ lâm vào thế yếu.
Lời
dặn dò của Ức Trai tiên sinh mỗi lúc một nhỏ dần. Chỉ một mình Trần
Kiện ngồi ngay bên cạnh mới nghe được hết, còn Hữu Trí và Đại Lực ngồi
mé dưới dù có lắng tai cũng chỉ nghe lõm bõm được từng khúc rời rạc :
- … Vào rừng, chặt tre, đan thuyền thúng… Thật nhiều bao cát… Đưa dân đi… Giấu hết thóc lúa… Tên bắn bao nhiêu cũng có…
Giọng nói dần dần trở lại mức bình thường :
-
Ấy đó, những việc khác tôi giao cho các ông Đinh, Nguyễn, Lý được,
nhưng những việc vừa rồi tôi phải sở cậy vào ông. Ngoài ông ra, không ai
làm được vì ông là người duy nhất có đầy đủ uy tín ở địa phương này.
Trần Kiện khẳng khái nhận lời :
- Vâng. Quân sư đã giao phó cho tôi việc hệ trọng, tôi xin cố hết sức làm cho tròn để khỏi phụ lòng tin cậy của quân sư.
“Nói
cho ngay, việc cũng chẳng lấy gì làm khó khăn lắm. Các vị trưởng thượng
mấy làng quanh đây đều có giao tình với tôi rất hậu. Tôi bầy tỏ các nhẽ
lợi hại, chắc họ nghe ra ngay. Còn bọn trai tráng, phần nhớn là học trò
của tôi, tôi sai bảo được. Cả đến lũ trẻ nhỏ bằng trạc tuổi thằng cháu…
-
Quý hoá lắm đấy, ông Trần. Chiều hôm qua, tôi đã thấy các cậu ấy nô đùa
và diễn võ. Đánh lộn khoẻ như trâu và bơi lội tài như cá. Các cậu ấy sẽ
được việc vô cùng…
Tiệc
tàn. Chủ khách ra tràng kỷ ngồi ăn trầu, hút thuốc, đợi cho người nhà
lên triệt (3) bát đĩa xong mới nối tiếp câu chuyện dở dang.
Trần Kiện tần ngần thấy những điều cần nói thật là khó nói :
-
Tôi sợ không dụ nổi đại quân Minh đâu, thưa quân sư. Chỉ ngại bẫy
giương ra thật to tát cốt bắt sống cả một đàn cọp mà rồi rút cục chỉ tóm
được một vài chú thỏ quèn, đã chẳng bõ công mà còn hại lây đến bách
tính (4) nữa.
Hữu Trí cũng đánh bạo tiếp lời :
-
Đúng thế. Tôi cũng lo điều ấy. Nhất là bên kia vẫn còn tên Trần Hiệp
làm Tham tán quân vụ. Nó là một con cáo già ở nước ta đã lâu, thông
thuộc cả thiên thời, địa thế, nhân tình nước mình, lừa được nó không
phải là chuyện dễ. Cứ xem như cái vụ các tên Trần Trí và Phương Chính bị
cách tuốt hết cả chức tước mà tên Trần Hiệp không hề hấn gì thì đủ rõ.
Nó là bộ óc của quân Minh, quân sư chớ nên coi thường.
Đặt
chiếc xe điếu xuống án thư, vị nhà nho ngửa cổ nhả từng ngụm khói lên
thượng lương (5) với một vẻ khoan khoái khác thường trước khi chậm rãi
buông ra một câu thật bất ngờ :
- Mẹo tôi bầy ra chỉ cốt để đánh lừa tên Trần Hiệp.
Không để cho người nghe kịp ngạc nhiên, ông nói tiếp :
-
Trong các cuộc tranh hùng, lợi hại nhất là đấu trí. Cái trò này biến ảo
khôn lường, sơ sẩy một chút là không xong. Lại còn phải tùy người đối
địch với mình mà lập mưu. Là vì có những cái mẹo chỉ đánh lừa được mấy
kẻ tầm thường chứ không qua mặt nổi người tài giỏi. Ngược lại, có những
kế gạt được những tay thao lược nhưng vô hiệu đối với bọn lục lục thường
tài.
“Nói
ngay chuyện Tam Quốc cho vui và dễ hiểu. Như vụ Khổng Minh đốt lửa ở
đường hẹp Hoa Dung để dụ Tào Tháo. Tên gian hùng này vì quá thông minh
và quá thuộc binh thư, quá thuộc binh pháp nên mới chui đầu vào bẫy rập.
“Mẹo
nhỏ của tôi cũng vậy. Những tên bất tài mới đánh hơi thấy đã vội lảng
xa, nhưng Trần Hiệp là một tay túc trí đa mưu sẽ đâm đầu vào tròng. Rồi
các ông xem, tôi tính không sai đâu…
Nhắp chén trà ướp ngâu thơm ngát, ông kết thúc câu chuyện :
-
Nói tóm lại, tôi nhờ ông Trần lĩnh giùm công việc đan một cái đó cho
thật chắc chắn. Còn việc lùa cá vào đó cho đầy, để chúng tôi lo. Lâm sự,
nếu cá không chịu vào trong đó thì lỗi ở chúng tôi. Nhược bằng cá có
vào mà lọt đi mất vì đó đan không khít thì trách nhiệm nơi ông Trần. Có
phải thế không ạ ?
Trần Kiện hăng hái đáp :
- Quân sư dạy chí lý. Việc của tôi, tôi xin lo nội trong ba hôm là chu tất.
Đêm
khuya, Nguyễn Trãi nằm trằn trọc nhớ đến quê nhà, làng Nhị Khê, cách đó
chẳng bao xa mà không về thăm được. Trong khi ấy, ba người kia thao
thức tự hỏi không biết ông quân sư tài ba của họ làm cách nào dụ được
một con thịt kếch sù bằng một miếng mồi nhỏ xíu.
___________________________
(1) Mậu tuất : 1418
(2) Bính ngọ : 1426
(3) Triệt : thu dọn hết.
(4) Bách tính : trăm họ, toàn dân.
(5) Thượng lương : cây xà chính ở nóc nhà (kiến trúc xưa).
_________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG V, VI