Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

CHÀNG TRAI DŨNG CẢM (I) - Minh Quân



Đứa con của biển - Ảnh : Thi Thơ

Vào thời kỳ xa xưa, thật xưa, khi mà loài người còn sống rải rác trên quả đất rộng thênh thang ; dân Orotche cũng sinh hoạt trong thông lệ ấy. Họ mài đá nhọn làm tên và câu cá bằng những lưỡi câu gỗ thô sơ.

Họ sống dọc ven sông. Đời sống họ khá đơn giản : họ không an nhàn mấy song cũng không quá vất vả. Khi nào câu được nhiều cá, lớn bé trẻ già xúm lại ăn uống no nê rồi nghêu ngao hát. Gặp hôm nào không được cá, mọi người ngồi im lặng, dùng rêu khô vấn thành thuốc hút và thắt chặt lưng quần để khi đứng khỏi bị tuột xuống quá hông.

Đất đai quanh họ hàng dặm dặm khô khan cằn cỗi, nên tuy không phải bọn người nhác nhờn, họ vẫn không thể canh tác được như những dân tộc sống miền rừng.

Một sáng mùa xuân, trong lúc bọn đàn ông, người thì ngồi trên bờ lơ đãng nhìn nước chảy, người thì hút thuốc bằng rêu khô, người thì mạng lại những tấm lưới rách, bỗng họ nhận ra một hòn đảo nhỏ đang trôi lềnh bềnh về phía họ.

Hòn đảo lạ lùng này được kết bằng khoảng mười lăm khúc gỗ, mỗi khúc dài cỡ hai sải tay đàn ông, trên có đất và cỏ. Ngoài ra lại còn có thêm một cây sào dài cắm xiêu vẹo trên đảo, phía ngọn sào là một miếng giẻ đỏ chóe bay phất phơ trong nắng sớm.

Một bô lão, ông Plétour đưa ra một nhận xét:

- Chắc có người trên đó. Cây sào kia là biểu hiệu hòa bình mà cũng có thể là một dấu hiệu cầu cứu… Ta nghĩ rằng…

Một tiếng trẻ òa khóc cắt đứt lời Plétour. Rõ ràng là tiếng khóc từ đảo vọng vào bờ và càng lúc tiếng khóc càng to, càng thê thảm, cho đến nỗi những kẻ lãnh đạm nhất trong bọn cũng động lòng. Plétour nói tiếp:

- Một đứa bé! Có lẽ chỉ mình nó sống sót. Bọn sát nhân đã giết trọn gia đình nó, hoặc tử thần đã cướp họ đi hết rồi. Trong đời ta, ta chưa từng thấy một người mẹ nào nhẫn tâm bỏ con mình trên sóng nước, nếu không có lý do. Tội nghiệp nó quá! Chắc người mẹ đáng thương đã đặt con lên đó trước khi tán mạng…

Hòn đảo trôi càng gần bờ, tiếng khóc càng lanh lảnh, ngằn ngặt. Bọn đàn ông dùng dây quăng một cái móc gỗ lên đảo và kéo vào bờ trước khi kịp suy tính thiệt hơn.

Đứa bé được đặt nằm trên cỏ mượt, trắng nõn nà, bụ bẫm dễ yêu. Nó có khuôn mặt sáng rỡ như vành trăng trung tuần, đôi mắt đen lóng lánh sáng tưởng như có thể soi rõ đêm thâu trong một buổi tối trời vào cuối tháng. Hai bàn tay mũm mĩm xinh xắn với những cái móng hồng hồng nắm chặt lại : tay trái là một mũi tên nhọn và tay phải là một mái chèo.

Trong lúc Plétour mải ngắm nghía cậu bé lạc loài không nguồn gốc thì mọi người thì thào bàn tán:

- Không biết là điềm lành hay điềm dữ cho chúng ta đây?

- Có nên chấp chứa một đứa trẻ lạ hoắc lạ huơ như thế này không? Ma quỉ vẫn hay đội lốt những cô gái đẹp và những trẻ xinh xắn lắm…

- Phải coi chừng, phải đề phòng…

Nhưng mọi người cùng im bặt khi giọng ông Plétour cất lên sang sảng, Plétour vốn là một bậc trưởng thượng và có nhiều uy tín đối với họ:

- Không nên nghĩ nhảm! Ta quyết đoán nó là một người dũng cảm về sau này. Anh em không thấy đó sao : tay nó nắm chặt mũi tên và mái chèo, điều đó chứng tỏ rằng khi lớn lên nó sẽ can đảm và siêng năng, nó sẽ không sợ kẻ thù và yêu sự làm việc. Vả lại, vì đức hiếu sinh, ta không có quyền làm ngơ phó mặc nó trôi nổi theo sóng nước, cho biển cả vô tri. Ta sẽ nuôi nó làm con.

Thế là cậu bé đáng thương được bàn tay từ ái bế lên, từ đây cậu đã có một mái nhà, chấm dứt cuộc đời nổi trôi vô định với cái nôi bằng cỏ.

Ngày tháng trôi qua. Không bao lâu, mọi người kinh ngạc mà nhận thấy thằng bé – bây giờ được đặt tên là Nazroum – lớn nhanh như thổi. Họ bảo Plétour:

- Này ông, ông có nhận thấy rằng dưỡng tử của ông lớn mau hơn cậu bé bình thường không?

- Có gì là bất thường đâu? – Plétour ôn tồn đáp – làm sao người ta không chóng lớn trên mảnh đất quê hương vững chắc và trong vòng tay trìu mến thân yêu?

Trong lúc Plétour nói, Nazroum lễ phép đứng nép một bên, nhường lối cho những người khách lớn tuổi vào nhà. Cử chỉ ấy làm vui lòng cha nuôi cậu lắm. Ông thường nghĩ:

- Con ta là một đứa khá. Lúc nào nó cũng biết nghĩ đến kẻ khác trước khi nghĩ đến bản thân.

Một hôm, cậu nói với Plétour:

- Thưa cha, con nghĩ kể từ nay, cha cần phải nghỉ ngơi, mọi việc đã có con lo. Cha già rồi, phải dưỡng sức để bù lại những năm dài cực nhọc nuôi con…

- Ơ, không! Con đã lớn lao chi? Và ta, ta cũng đâu đã già nua lắm? Ta còn đủ sức mà…

Ông già nói và gắng sức kéo mẻ lưới lên, nhưng ông run bây bẩy vì đuối sức. Nazroum vội chạy đến giúp cha già, mặc lời ngăn cản của ông. Kỳ diệu làm sao : ông già cảm thấy con trai ông có một sức khỏe phi thường.

Kể từ đó, cậu Nazroum thay cha nhận lưới và mái chèo. Cậu quăng mẻ nào cũng được nhiều cá. Cậu mang cá về cho cha và còn chia cho tất cả mọi người. Cả làng ai cũng mến Nazroum.

*

Nhưng mọi việc không suôn sẻ mãi. Nhiều hôm rồi, Nazroum kéo lưới lên thấy nhẹ bổng, trống trơn. Gã trai trẻ buồn rầu mang lưới không về nhà. Trông dáng bộ con, ông già an ủi:

- Con đừng buồn! Ở đây xưa nay vẫn thế, lâu lâu mọi người phải chịu đói một thời gian. Ta biết làm thế nào hơn khi giòng sông từ chối không mang cá đến? Cha không muốn con vất vả thái quá. Cả làng sẽ thắt chặt dây lưng hơn, lên thuyền, cầu xin dòng sông ban ân huệ!

Nazroum nói với cha:

- Phải làm cách nào cho cá đến. Nhìn lũ trẻ đói, con đau lòng quá cha ạ! Lũ trẻ không biết hút rêu đỡ lòng như người lớn. Con không chịu nổi.

“Lúc nào con ta cũng chỉ nghĩ đến kẻ khác mà thôi” ông Plétour hãnh diện nghĩ thầm, nỗi hãnh diện đó làm ông nguôi cơn đói đi một lúc. Và ông sửa soạn đi tụ họp dân làng.

(Theo tục lệ cổ truyền, người ta vẫn nuôi nấng giòng sông để sông ban cho cá. Nhất là những lúc nạn đói sắp đe dọa, người ta càng phải tìm mọi cách lấy lòng sông).

Toàn dân Orotche lên thuyền. Họ mặc những áo quần đẹp nhất làm bằng da hải cẩu có hoa lốm đốm và bằng da chó mực. Họ trang hoàng các thuyền như ngày hội. Họ hát những bài hát trang nghiêm có tính cách cầu xin khẩn thiết khi thuyền ra giữa dòng sâu.

Plétour vứt lễ vật xuống sông, lễ vật gồm có cá khô, bột gạo và thịt nai. Bằng giọng thành kính, ông nói:

- Hỡi dòng sông cao cả! Dân ta đang đói! Xin dòng sông gởi cá đến cho dân. Ta dâng cho sông tất cả những gì ta có! Cái đói đang đe dọa dân ta : bụng dân ta gần dính liền vào lưng! Hãy giúp dân ta! Dân ta ghi ơn sông mãi mãi…

Hành lễ xong, Nazroum quăng mẻ lưới đầu tiên : được khá nhiều cá, mọi người reo lên, nhưng Nazroum không vui ngay. Thanh niên trầm tĩnh bảo:

- Mới bận thứ nhất, không nên vội mừng.

Quả nhiên, mẻ lưới thứ hai cá ít hơn và đến mẻ thứ ba thì nhẹ bổng, trống không, vắng cả một con cá lòng tong!

Mọi người chán nản, lại nhồi rêu khô vào ống điếu hút. Một giọng buồn bã cất lên:

- Chúng ta sẽ chết đói nay mai!

Nazroum lặng lẽ gom tất cả số cá ít ỏi do mình quăng lưới lại và chia đều cho tất cả mọi người chỉ chừa lại vài con đủ cho cha chứ không lấy phần mình.

Plétour khóc mà rằng:

- Cha hy vọng sẽ nuôi con đầy đủ và làm cho con được sung sướng. Nhưng sự thật trái lại : con đã chia xẻ tất cả nhọc nhằn và sắp đói đến nơi. Thôi! Con hãy lên thuyền đi! Con còn trẻ, nhiều đảm lực, hãy chọn một nơi sung túc, một chỗ no lành! Con không thể vì một cớ gì nấn ná lại để chịu chung số phận hẩm hiu, bi thảm của ta, ta không muốn…

Nazroum ngắt lời ông già:

- Không bao giờ! Con không bao giờ hèn đến mức đó, số phận con cột liền với số phận cha và tất cả mọi người trên mảnh đất này! Thà chết chớ không khi nào con giương buồm tìm đất khác, bỏ cha và mọi người đâu. Xin cha đừng nghĩ đến điều đó, vô ích.

Trầm ngâm một chốc, Nazroum tiếp, giọng cương quyết:

- Con sẽ đi tìm Thần Biển. Chính Thần Biển đã bỏ quên ta! Phải nhắc…

Plétour kinh hoảng, kêu lên:

- Con làm sao đến đó được? Chưa bao giờ một người dân hèn mọn Orotche dám yết kiến ông ta. Ông ta ở dưới nước nhưng tính nóng hơn lửa. Vả lại, con làm sao xuống tận lòng biển kia chứ?

Nazroum không trả lời cha, cậu dậm chân một cái, cát lún tận đầu gối cậu, cậu lại đập mạnh nắm tay vào tảng đá trước mặt làm tảng đá nứt ra và cậu nheo mắt nhìn tận ngọn đồi xa, thật xa trước mặt ; đoạn cậu chỉ cho cha:

- Kìa cha xem, có phải con sóc kia đang cố sức mà không cắn rời được cái vỏ hạt dẻ không. Cha xem đây!

Cậu giương cung lên, đặt mũi tên vào cung và bật dây. Tách một tiếng, mũi tên lao đi, ghim vào vỏ hạt dẻ tách đôi ra mà không động đến con sóc. Trước vẻ thán phục của dân chúng và sự hãnh diện của cha, Nazroum quả quyết:

- Xin cha và mọi người tin con. Con sẽ tìm được Thần Biển.

Thế là cậu sửa soạn cuộc hải trình quan trọng trong đời. Cậu cho vào túi áo một nắm đất làng, mài con dao nhọn cho thật sắc, chuẩn bị một số tên cùng với cây cung, một sợi dây dai và chắc, thật dài và cuối cùng mút dây có một cái móc. Sau cùng, Nazroum lấy thêm một phiến xương mỏng mỏng gần bằng lưỡi dao để làm nhạc khí giải trí trong quãng đường dài chưa rõ đến bao lâu mới tới đích.

Cậu cúi đầu rất thấp, trước mặt cha, thưa:

- Xin cha yên tâm chờ đợi và cố an ủi dân làng… con sẽ trở về!

Mọi người rơi lệ nhìn theo bóng cậu con trai quả cảm trong lúc Plétour bưng mặt khóc nức lên.

Nazroum đến cửa biển thì gặp một con bê đói giương mắt nhìn mình. Giọng ôn tồn, cậu hỏi con vật:

- Này! Bạn! Chúng ta có ở gần Thần Biển không?

- Hãy xuống biển mà tìm ông ấy! Tôi đang đói lả đây này, còn hỏi lôi thôi…

Bê cáu kỉnh đáp rồi bỏ đi, không đợi cho cậu trai có thể hỏi thêm tiếng nào nữa. Cậu tiếp tục đi, biển rộng thêm mênh mông trước mắt Nazroum. Hải âu bay là là trên đầu cậu, chim cốc kêu quang quác, sóng vỗ ầm ầm, bầu trời mịt mờ khói sóng, không gian xám xịt. Thật là một quang cảnh làm não lòng người

Chao ơi! Tuyệt mù tăm tích, biết Thần Biển ngự trị nơi nào? Nazroum dịu dàng hỏi thăm lần nữa:

- Này các bạn! Các bạn kiếm ăn có dễ dàng không? Dân chúng làng tôi gần chết đói đến nơi rồi… có cách gì không? Các bạn vui lòng chỉ giúp?

Đàn hải âu trả lời cậu thanh niên lạ mặt:

- Khá làm sao được hả anh? Chúng tôi chỉ còn có mớ lông là trông đường được, chúng tôi không đủ sức vỗ cánh đây này! Đã lâu rồi, chúng tôi không bói ra nổi một con cá nhỏ. Thần Biển ác quá…

- Phải! Tôi đang đi tìm Thần Biển để thưa ông về việc này, nhưng không rõ đường đi…

- Tận ngoài khơi xa tít kia có một hòn đảo nhả khói, song đó không phải là hòn đảo. Thật ra, đó là nóc nhà của Thần Biển. Khói ấy do ống khói nhà ông thông ra. Điều này chúng tôi cũng biết một cách mơ hồ, do bọn chim khách kể cho, chứ chúng tôi chưa hề đến đó. Đường đi rất khó khăn, anh hãy hỏi thăm bọn Linh Ngư, chỉ có chúng là loài hải tộc biết chỗ ở của Thần Biển mà thôi.

Nazroum cảm ơn lời chỉ dẫn, rồi lại dọc theo bờ biển mà đi, cho đến một lúc mệt nhoài, cậu ngồi xuống cát giữa cồn đá nhấp nhô, lặng lẽ ôm đầu suy tính…

Linh Ngư? Theo lời cha chàng kể lại trong một đêm trăng sáng thì đó là một loài hải tộc có tiếng là được Thần Biển quí chuộng, to lớn dị thường, hình dáng từa tựa như loài cá nhám, lại có hoa lốm đốm trên mình, chiều dài mỗi con Linh Ngư gấp đôi một chiếc thuyền đánh cá của dân Orotche, có khi hơn. Lại theo lời truyền tụng của dân làng thì nghe đâu như có một bận người làng bắt gặp một Linh Ngư lạc bầy, bị bão, tấp vào bờ biển. dân làng kéo ra đông như kiến, nhưng không ai dám mon men lại gần coi xác con cá khổng lồ kia. Mọi người đứng xa xa, bàn tán, chỉ trỏ hàng giờ. Mãi sau cùng, một gã thanh niên có tiếng là can đảm nhất làng nói với mọi người:

- Chả lẽ cứ đứng mà nhìn mãi hay sao? Chúng ta phải hành động chứ? Chỉ có cách là tôi lại gần nó xem xét…

Chưa ai kịp lên tiếng can ngăn thì anh ta đã phăng phăng đi lại gần xác con cá nọ. Những kẻ yếu bóng vía run thay cho anh chàng táo bạo kia. Song chỉ mươi phút sau, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm : thanh niên dùng cái lao đâm cá, chọc chọc vào đuôi, vào thân, vào đầu cá mà cá vẫn không phản ứng. Đúng là nó đã tắt thở rồi. Tức thì, mọi người đổ xô đến vây quanh xác nó để ngắm nghía cho thỏa mắt. Anh chàng can đảm muốn đo chiều dài con cá bèn trở lại chỗ đuôi cá, lấy lao vạch một lằn xuống cát làm mốc và đứng ngang cái mốc đó mà bước từng bước thật dài lên tận đầu nó. Mọi người vây quanh đếm to lên. Tất cả là sáu bước như vậy.

Vài kẻ háu ăn bàn nên xẻ thịt con vật ngay, song bị một bô lão trong làng ngăn lại : ông không muốn làm phật lòng Thần Biển. Nào đã thiếu cá ăn mà đến đỗi phải dùng thịt một con cá được Thần Biển quí chuộng? Sau cùng, mọi người cùng hè hụi xúm lại, đào một cái huyệt thật sâu, thật rộng, thật dài rồi dùng những cái lao chắc mà xiên vào thân mình cá, xeo xác nó đến huyệt và xô xuống đó, đoạn lấp cát đàng hoàng như một cái xác người.

Kể từ đó, dân làng đánh cá được nhiều hơn thường lệ và người ta tin rằng Thần Biển đã đền ơn họ vì họ không ăn thịt giống cá quí, vốn là bộ hạ của Hải Thần!

Đối với chàng trẻ tuổi thì câu chuyện trên mơ hồ như một truyện cổ tích. Từ khi chàng khôn lớn, chàng chưa từng thấy bóng Linh Ngư thấp thoáng tại vùng biển dân chàng đánh cá. Ngay đến ngôi mộ con vật cũng không còn dấu vết, và khi chàng tò mò hỏi thì được cắt nghĩa rằng Thần Biển không muốn để một con vật quí của Ngài phải xa Ngài, nên Ngài đã dời mộ nó bằng một trận bão biển kinh hồn : sóng biển như những cánh tay khổng lồ mà móng tay là những cái cuốc sắt đã đào sâu mồ con cá, nhặt nhạnh đem về lòng biển, không còn sót lại một cái xương vụn nào.

Đã lâu lắm, câu chuyện trên chìm vào dĩ vãng, không một lần nào chàng nhắc lại hay nghĩ đến. Chàng cho đó là câu chuyện trẻ con, huyền hoặc, loại chuyện chỉ kể vào những đêm trăng sáng, khi người ta sắp lên giường. Không bao giờ chàng có thể ngờ rằng lại là chuyện thật và chàng sắp phải nhờ đến Linh Ngư chỉ đường để đến gặp Thần Biển, rõ thật oái oăm! Chưa kể điều đáng ngại này : không hiểu loài Linh Ngư khổng lồ kia có ưa thịt người không? Nếu chúng thích thịt người thì tính mạng chàng coi như đi đứt!

Mải mê suy tính, chàng trẻ tuổi mệt nhoài – thì ra làm việc bằng đầu óc cũng nhọc nhằn không kém chi khi làm việc bằng chân tay, bằng sức mạnh – chàng thiu thỉu, ngủ quên đi một lúc khá lâu.

Vốn là một người siêng năng, trong giấc ngủ chàng cũng không ngừng làm việc. Chàng mơ thấy mình gặp Linh Ngư, tuy to lớn, con vật không làm anh sợ hãi. Song nó cương quyết từ chối lời đề nghị của anh, tuy anh đã hết sức vật nài. Lạ quá : Con vật biết nói tiếng người y như người vậy. Dần dần, anh mất bình tĩnh, to tiếng với cá và cá cũng to tiếng lại. Gớm, tiếng con Linh Ngư khi nó nổi giận mới to làm sao…

Chợt, trong lúc đôi bên đang còn cãi vã thì có tiếng ồn ào gấp bội vang lên, ồn ào cho đến nỗi chàng trẻ tuổi giật mình, tỉnh giấc. Anh bừng mở mắt, nhìn quanh : trên bãi biển không cách chỗ anh ngủ bao nhiêu, một nhóm thanh niên đùa giỡn thật vui vẻ, tốp này nhảy lò cò, tốp kia chơi trò đuổi bắt, tốp nữa vung kiếm sáng lóe giao đấu nhau. Rồi họ quay sang rượt chém những con hải cẩu láng quáng lại gần chân họ, cứ một nhát gươm bổ xuống là một con hải cẩu gục ngã.

“Ồ! Ước chi ta cũng có một thanh gươm như họ” Trong lúc Nazroum náo nức ao ước, cả bọn mải mê trò sát phạt kia không để ý đến kẻ lạ mặt gần bên mình. Trong giây lát, đàn hải cẩu chết sạch, cả bọn buông gươm tiếp tục trò đùa. Thừa dịp đó, Nazroum quăng sợi dây có móc mà anh mang theo mình đến gần một thanh gươm và kéo thanh gươm về phía mình một cách nhẹ nhàng. Nhặt thanh gươm lên, anh đưa tay vuốt, thấy thật là một thanh gươm quí, ánh thép ngời lên, lấp lánh trong ánh nắng chói chang.

Trò chơi chầm dứt, mỗi người thu nhặt lấy gươm mình và một thanh niên ngơ ngác vì không tìm được. Cậu tỏ ra bối rối, khổ sở làm cho Nazroum động lòng, nhưng Nazroum cố làm ngơ vì nghĩ mình chỉ mượn tạm chứ không có ý đoạt mất của người. Thanh niên mất gươm rên rỉ:

- Trời ơi! Làm sao đây? Nói sao với Thần Biển khi găp mặt ông đây? Ta đánh mất gươm rồi…

Một thanh niên cao lớn hơn các bạn nói to:

- Thôi! Đứng đó mà than thở! Tôi chưa thấy ai vô ý như anh. Sinh mạng anh tùy thuộc vào vật đã mất… lần này liệu mà chống chế với Thần Biển, đừng hòng tôi bênh vực nữa, nghe không?

Rồi anh ta sang sảng giọng ra lệnh cho các bạn cùng tìm giúp bạn thanh gươm. Riêng khổ chủ thì băng mình vào rừng, hy vọng là mình bỏ quên gươm trong đó.

Nghe trộm được câu chuyện của đám thanh niên, Nazroum khấp khởi mừng thầm. Ban đầu anh tính hỏi dọ về tông tích Linh Ngư, nhưng nay thì anh cảm thấy mình không cần hỏi nữa. Chắc gì họ biết Linh Ngư? Vả chăng, căn cứ vào lời họ thì chắc là họ thân cận với Thần Biển lắm, có thể thân cận hơn Linh Ngư là khác. Vậy cứ kiên nhẫn theo dõi họ, khắc biết chỗ ở của Hải Thần.

Trong khi Nazroum bụng bảo dạ như thế thì toán thanh niên đã chán tìm quanh bãi cát và đợi mãi không thấy bạn ra, họ có vẻ nhấp nhỏm sốt ruột, đẩy thuyền xuống nước, ra khơi.

Chơ vơ trên bãi cát, còn lại có mỗi một chiếc thuyền của thanh niên mất gươm ban nãy. Không do dự một giây, Nazroum theo liền : anh nhảy phóc một cái nhanh như con sóc nhỏ lên chiếc thuyền vắng chủ và hăng hái chèo theo mấy thuyền kia, nhưng giữ khoảng cách xa xa vì sợ bọn kia biết được, e không tiện cho mình.

Lạ thay : Chỉ trong chốc lát Nazroum thấy cả thuyền lẫn các thanh niên đều mất dạng mất tăm trên mặt biển mênh mông. Nazroum thật vô cùng bối rối, anh sẽ làm cách nào tìm ra dấu vết họ đây? Đâu phải xe chạy trên đất liền hay là người đi mà hòng hy vọng tìm ra dấu chân hoặc vết xe in trên cát?

Anh dừng tay chèo, nheo mắt nhìn tứ phía, sóng vỗ trùng trùng, nước xanh ngăn ngắt, quanh anh chỉ một mầu xanh nghịt của đại dương, trắng như tuyết của nghìn lớp sóng…

Chợt, ngay trước mắt anh, hàng mấy chục con cá khổng lồ như từ đáy biển mới trồi lên : con nào cũng dài gấp đôi mỗi chiếc thuyền đánh cá thông dụng của làng anh, mầu da ngà bóng loáng như có tẩm dầu, điểm thêm vài mảng hoa đen trông xa như một đàn bò và, chúng trồi lên hụp xuống trên làn sóng trắng, thân hình nổi bật giữa biển cả bao la. Trên lưng chúng những cái vây dựng đứng mỏng như những thanh gươm sắc, lấp lánh dưới ánh nắng gấp gay! Và thịt hải cẩu thì bị xiên vào những cái vây xinh xắn đó.

Chúng không chăm chỉ bơi, mà vừa bơi vừa đùa giỡn. Nazroum biết ngay đó là những thanh niên ban nãy hiện nguyên hình. Nỗi hân hoan làm chàng trẻ tuổi như quên hẳn mình đang điều khiển con thuyền trên sóng nước, chàng mặc cho sóng vỗ, thuyền trôi. Thần trí chàng mải mê theo dõi đàn Linh Ngư kỳ diệu, đàn Linh Ngư mà chàng đinh ninh chỉ có trong tưởng tượng của dân chúng làng mình.

Đột nhiên, Nazroum có cảm tưởng con thuyền chàng cỡi trở thành một sinh vật, tai hại hơn nữa là nó có vẻ hục hặc, vùng vằng như tuồng muốn dìm chàng xuống biển sâu. Kinh hoàng, Nazroum cúi nhìn và chàng ngạc nhiên xiết bao : chiếc thuyền đã hóa ra con Linh Ngư như những Linh Ngư khác, có điều nó thiếu mất cái vây. Chàng hiểu ngay : vây nó chính là thanh gươm chàng đang giữ trong tay. Giọng ôn tồn nhưng quả quyết, chàng bảo Linh Ngư:

- Hãy ngoan! Tôi có một nhiệm vụ đặc biệt nên mới mạo hiểm đến đây! Cũng vì nhiệm vụ đặc biệt ấy, tôi mới mượn tạm vây anh. Hãy giúp tôi một chút, xong việc tôi sẽ trả vây cho anh. Nhưng nếu anh không nghe tôi, tôi sẽ giết anh bằng chính món khí giới của anh. Đừng chống tôi vô ích. Nếu anh nhận chìm tôi xuống nước, tôi sẽ chết và anh sẽ trở thành vô dụng, vì tôi thề sẽ bẻ gãy nát vây anh trước khi chịu chết dưới lòng biển tại đây, nếu không giết được anh!

Linh Ngư không nói được lời nào, nhưng có vẻ dịu lại tuân lời chàng trai dũng cảm và liều lĩnh.

Thế là Nazroum hài lòng an tọa trên lưng con vật, tay khư khư giữ chặt đốc gươm và con vật lướt sóng phăng phăng…

*

Không nhớ chính xác là mình đã cỡi sóng bao lâu, Nazroum chỉ mang máng là chàng trải qua nhiều đêm, nhiều ngày không đếm xuể. Cứ mỗi bình minh anh vững lòng trên sóng nước, đến xê xế thì nắng đốt cháy lưng anh nhưng anh vẫn không sợ nắng bằng khi mặt trời nguội dần sức nóng và chênh chếch tiến về hướng tây…

Anh mất bình tĩnh nhất là lúc mà ông mặt trời mỏi mệt lùi mãi, lùi mãi về một góc khuất và kín đáo rồi mất dạng ở chân trời! Đêm tối, một mình trên sóng nước, trên lưng một loài thủy tộc to lớn và xa lạ, nhất là mình đã buộc con vật làm theo lời mình mà nó lại không có thể trả lời là thuận hay không thuận, nó chỉ cúi đầu vì bị đe dọa chứ không vì anh mua chuộc được cảm tình!

Thỉnh thoảng, Nazroum lại ngủ quên trên lưng nó – dù anh hết sức mở to hai mắt, hai mắt vẫn không nghe lệnh anh. Sau những lần ngủ quên như vậy, thức giấc, anh thấy khoe khỏe một tí và lại một phen hú vía vì mối nguy hiểm đã qua. Anh tự hứa sẽ chống lại cơn buồn ngủ và sự mỏi mệt – nhưng rồi đến một lúc kiệt sức, anh gập người lại như một kỵ sĩ rạp mình trên lưng ngựa, thiếp đi.

Vốn là một người có sức khỏe phi thường nên sau một hồi thiếp đi như thế, Nazroum lại hồi tỉnh. Anh ngẩng đầu lên và vô cùng phấn khởi vì trước mắt anh hiện ra một hòn đảo lớn và trên đó, một cái chòi nhỏ, trên chòi, làn khói mỏng xanh nhạt đang uốn khúc dịu dàng. “Đích là nhà Thần Biển, không sai!” lòng khấp khởi mừng, Nazroum kêu lên nho nhỏ.

Đoàn Linh Ngư phía trước tấp lên bờ, quây tròn lại và trong khoảnh khắc chúng lại biến thành những thanh niên trên bờ biển, mỗi anh lăm lắm gươm sắc trên tay, xiên qua những tảng thịt hải cẩu đã khô vì nắng gió!

Riêng con Linh Ngư dưới mình chàng trẻ tuổi vẫn không thay dạng đổi hình chi cả – vì một bộ phận trong thân mình nó bị Nazroum cầm giữ – nó có vẻ bất bình vì điều này mà không thể phản ứng gì được nên vùng vằng hất mạnh chàng trai xuống biển làm chàng uống đến năm ngụm nước mặn ra trò. Còn nó, nó lại bơi nhanh ra biển cả, như tuồng bất cần chờ lấy lại vây.

Nazroum đưa tay vuốt mặt mình, anh cảm thấy râu mọc tua tủa quanh má và cằm. Mải buồn cười vì chuyện này, anh không để ý toán thanh niên bao vây quanh anh.

Họ không tỏ vẻ gì hung dữ trong lúc anh đang tính cách đối phó nếu họ giở trò… Một người chạy lại đỡ anh lên và nhíu mày, hỏi:

- Anh là ai? Đến đây cách nào? Để làm gì?

- Các anh không nhìn ra tôi nữa ư? Tôi đây mà! Tôi nán lại về sau là vì còn bận tìm thanh gươm đây này!

Cả bọn soi bói nhìn người lạ, nhìn thanh gươm, và cũng anh ban nãy nói:

- Đúng rồi! Thanh gươm là của anh, nhưng anh thay đổi quá đi mất, nhận không ra…

Vốn lanh trí cũng như lanh tay, Nazroum không để họ nghi ngờ, liền nói:

- Chỉ vì sợ quá mà tôi đến nỗi thế này đây! Thôi, để tôi đến thưa chuyện với Thần Biển, xin Ngài giúp tôi lấy lại hình dáng trước nay!

- Ngài ngủ say rồi, anh không thấy ư? Chỉ có ít khói mỏng trên ống khói kia. Mà thôi, tùy anh đấy. Hãy đánh thức ông dậy, miễn đừng làm ông giận lây đến chúng tôi là được.

Họ kéo nhau đi sau bấy nhiêu lời. Nazroum trơ trọi một mình, anh cũng vừa nhận thấy thấp thoáng con Linh Ngư đảo qua đảo lại dưới nước, nhưng anh mặc kệ, anh còn nhiều việc gấp hơn là việc trả gươm cho con vật.

Muốn đến tận chòi, Nazroum phải băng qua một ngọn đồi khá lớn. Đến lưng chừng đồi, Nazroum gặp một toán thiếu nữ chạy ra ngăn lại. Họ nói nhỏ vừa đủ lọt tai anh:

- Thần đang ngủ say. Đừng dại dột quấy rầy ông. Đừng đến đó…

- Các cô là ai mà ngăn cản đường tôi đi? Tôi cần gặp Thần.

Một cô xán lại vuốt ve Nazroum:

- Đừng đến đó, ổng nổi giận lên thì chết! Hãy ở đây với chúng tôi, anh có quyền chọn một trong số chúng tôi làm vợ. Anh sẽ sung sướng…

Các cô xinh quá là xinh, mắt sáng, tóc dài, mượt như rêu, miệng như cánh hoa, thân hình mảnh mai, đôi tay mềm mại. Nazroum quá xúc động trước sắc đẹp kiều mị của các cô… Anh do dự…

Nhưng đất quê hương, nắm đất mà anh khôn ngoan mang theo trước khi anh lên đường chợt như trở thành những sinh vật ngọ nguậy trong túi anh, chính chúng nhắc anh nhớ ra rằng mục đích của anh không phải vượt biển đến đây tìm vợ đẹp! Nazroum cảm thấy thẹn thùng quá đỗi, anh quay đi để khỏi phải thấy những nàng thiếu nữ đang cám dỗ mình. Anh thò tay vào túi vốc ra một nắm hạt trai (những hạt trai anh nhặt trong lúc rảnh rỗi định để dành cho lũ trẻ trong làng) vứt tung ra giữa cát, tức thì các nàng thi nhau cúi nhặt và trong lúc họ mải mê tranh nhau nhặt hạt trai, Nazroum vội vàng phóng tuốt lên ngọn núi. Thỉnh thoảng, anh quay nhìn xuống và kinh dị làm sao : anh thấy chân họ đầy những vẩy như vẩy cá… thấy mà ghê!

Căn nhà của Thần Biển hiện ra trước mắt anh, chỉ có một ngõ vào duy nhất : băng ống khói. Nazroum dùng móc gắn vào miệng ống khói và tuột xuống theo sợi dây! Trong khoảnh khắc, anh lọt vào nhà Thần Biển. Lạ quá : mọi vật trong nhà từ giường, ghế, bàn, lò sưởi nhất nhất đều giống như các vật dụng của người Orotche ; chỉ khác ở chỗ, vật gì cũng được bọc ngoài bằng một lớp vẩy cá. Nhìn ra cửa sổ, anh thấy nước xanh ngắt, trong leo lẻo vây bọc quanh nhà, vỗ vào thành cửa sổ nghe róc rách, những gợn sóng như những giải lụa trắng bập bềnh. Vài cọng rêu xanh đong đưa như những con vật hình thù kỳ dị và đôi con cá nho nhỏ đủ màu đang lượn uốn như kẻ nhàn du!

Thần Biển thì… đang ngủ. Chào! Ông ngủ mới say làm sao! Tóc ông buông xõa trên gối, miệng vẫn ngậm ống điếu đầy rong, một chút khói mỏng là là bay, chứng tỏ thuốc rêu gần tắt! Ông ngáy như biển động và Nazroum đánh bạo lay gọi mãi, ông vẫn ngáy đều!

Tức quá, Nazroum liền lấy miếng xương cá nhạc khí của mình ra khỏi túi áo ngậm vào miệng và lấy tay gảy nhè nhẹ “ Phiến xương mỏng rung động phát ra một âm điệu khá êm tai ; khi thì vo ve như tiếng ong rời tổ, khi thì dìu dịu như tiếng suối reo, khi lại dồn dập như sóng vỗ vào gành đá rắn!

Thần Biển chưa  bao giờ được dự thính một buổi trình diễn âm nhạc đặc biệt đến mức đó. Cá thì giọng đục khàn khàn, tôm thì búng tành tạch, mực thì chỉ giỏi múa, bọn cá đao chỉ có tài đâm chém nhau mà thôi, chúng không có giọng ra hồn!

Tiếng nhạc do Nazroum trình tấu làm ông thích thú, ông cựa mình lắng nghe rồi tỉnh hẳn, ngồi lên. Ông là một người khổng lồ, nhưng lại hiền như Phật, tuy có hơi nóng tính – may là âm nhạc làm ông dịu đi! – Bộ râu hải cẩu viền quanh má và cằm, da ông lóng lánh như xà cừ, ông mặc bộ áo quần ngủ bằng thứ rêu xanh mượt càng dễ mến!

Tuy nhiên, Thần Biển không khỏi lạ lùng thấy một thanh niên lạ trước mặt mình. Ông nheo mắt hỏi:

- Con là dân từ xứ nào? Làm sao đến được chỗ này?

- Thưa con là dân Orotche…

- Á! À, dân Orotche! Ta biết rõ, nhưng dân Orotche sống trên đất liền kia mà.

Nazroum tức thì cho phiến xương vào túi áo. Bằng giọng lễ phép, thiết tha, anh kể lại ngọn ngành, đoạn, nghiêng mình trước Thần Biển khẩn cầu:

- Kính xin Ngài ra tay giúp chúng con, dân con sắp chết nay mai, bụng người nào cũng dính sát gần lưng, cha con và nhiều ông già gần bằng Ngài đã kiệt sức… Xin Ngài tha tội, con đã vượt muôn ngàn nguy hiểm đến đây cầu cứu cùng Ngài, nếu Ngài không giúp, con xin được chết tại đây, dưới chân Ngài còn hơn trở về đất liền, vì con đau lòng quá!

Thần Biển bùi ngùi xót thương cho tình cảnh dân Orotche, lại vừa áy náy vì xấu hổ. Ngài thú thật:

- Ta bậy quá! Ta không cố ý, ta chỉ định nằm nghỉ một tị, thế mà lại ngủ quên đi! Cám ơn con đã đánh thức ta. Hãy chờ ta một chút!

Dứt lời, Thần Biển thò tay vào gầm giường lôi ra một thau to đầy nhóc, hàng nghìn, nghìn cá : cá thu, cá trích, cá liệt, cá chim, cá hố, cá hương, cá ngân nhiều không kể xiết, đoạn ông vói tay lên sà nhà, lấy cái vợt da, múc độ một phần tư cá trong thau, mở cửa lớn và đổ cá ra ngoài, ra lệnh:

- Hãy bơi ngược dòng trở vào sông, đến miền Orotche và để cho lọt vào lưới dân chúng vào đầu thu tới!

- Kính xin Ngài rộng rãi chút nữa đối với dân chúng làng con, xin Ngài nghĩ đến các cụ già bất hạnh và các trẻ thơ ngây…

- Á! À, chú bé tham lam quá, ta bình sinh rất ghét kẻ tham lam!

Giọng Thần Biển vang lên đầy tức bực. Nazroum hơi hãi trong lòng, nhưng vẫn kiên gan, nhìn thẳng vào mắt Hải Thần với đôi mắt, tuy dịu dàng mà vẫn cương nghị, đôi mắt tựa như ngàn lời cầu xin thành khẩn, thiết tha. Thần Biển bỗng thấy lòng mình bàng hoàng, xúc động. “Không! Nó đâu có tham lam, nó xin cho kẻ khác, vì kẻ khác, chứ có phải xin cho nó đâu! Xem bụng nó lép kèm kẹp thế kia kìa!” Thần Biển nói thầm với chính mình và ôn tồn cất giọng:

- Con đã làm ta nổi giận, nhưng ta tha thứ cho con, vì con nghĩ đến người khác, chứ không nghĩ cho con! Ta sẽ giúp con toại nguyện!

Nói xong, ông lại dùng chiếc vợt múc thêm hơn phần tư cá trong thau, mở cửa đổ ra ngoài và lớn tiếng truyền:

- Hãy mau bơi về miền Orotche! Và để lọt vào lưới dân chúng vào đầu thu như bầy cá vừa rồi!

Đoạn, ông quay lại, mỉm cười thật vui với chàng trẻ tuổi:

- Thế nào? Con đã hài lòng rồi chứ?

Nazroum kính cẩn nghiêng mình:

- Con xin thay mặt dân con cảm tạ Ngài! Con nghèo quá, thật không biết lấy gì đền ơn Ngài cho xứng…

Anh ngừng lại, lôi trong túi phiến xương nhạc khí ra, dâng lên cho Thần Biển bằng cả hai tay:

- Con biết rằng vật mọn này không đáng là bao, nhưng Ngài thương mà nhận cho, để nó có thể giúp Ngài êm tai trong giây lát. Nó là một thứ khẩu cầm đơn giản…

- Cảm ơn con! Ta rất hài lòng…

Ngài chộp lấy miếng xương nhạc khí không do dự kiểu cách như hàng quí tộc ở trần gian, nhưng bỗng Ngài xịu mặt xuống mà rằng:

- Nhưng ta giữ nhạc khí làm chi, vô ích. Trừ phi là…

Thấy Thần ngần ngừ không nói nữa, Nazroum đón lời:

- Thưa Ngài, có gì làm Ngài không vui? Con mong sẽ giúp Ngài vừa ý. Hay là… hay là Ngài chê nó tầm thường quá, không xứng đáng?

- Ô, không! Ngàn lần không phải thế! Ta không chê nó chút nào. Nhưng giá…

- Thưa, giá làm sao, kia ạ? Xin Ngài đừng ngại, ngài há không vừa giúp dân con được sống đó sao?

- Giá, con ở lại đây với ta thì hay quá, ta không bắt con làm việc gì cả, con chỉ ăn, chơi thỏa thích, muốn gì cũng có. Ta sẽ gả đứa con gái đẹp nhất của ta cho con. Khi ta chết, con sẽ thay ta cai trị muôn loài hải tộc. Ta chỉ đòi hỏi ở con một điều là điều khiển món nhạc khí kỳ diệu đó cho ta nghe mỗi khi ta thấy mệt trong người. Con nghĩ sao?

Nazroum thật tình kinh ngạc, anh không bao giờ có thể ngờ tới đề nghị lạ lùng dễ dãi này! Nhưng anh chỉ mất vài giây suy nghĩ rồi quì xuống trước Thần Biển từ khước cái đặc ân hiếm có:

- Kính thưa Ngài đại lượng! Con rất cảm động vì lòng thương trời biển của Ngài, nhưng con rất khổ tâm mà không làm Ngài vừa ý ; Con làm sao có thể bỏ cha già còm cọm trên đất liền, không ai săn sóc, bỏ dân con bơ vơ không người dìu dắt khi cha già con yên nghỉ trong lòng cát quê hương? Con biết rằng con ở lại đây, con sẽ hưởng muôn nghìn sung sướng, nhưng con không đành lòng mà sung sướng một mình… Con muốn chịu chung số phận với dân con… Xin Ngài tha tội! Van Ngài!

Thần Biển vô cùng bất mãn! Thằng nhãi con này mới ngu si và kiêu ngạo làm sao! Nó chê sự nghiệp của ta, chê con gái đẹp của ta, chê giang sơn trù phú và thần dân trung thành của ta. To gan quá! Trong một giây, Thần Biển muốn vung gươm sắt, rạch bụng Nazroum xem gan nó bao to. Thần nghiến răng kèn kẹt nghe như tiếng quai chèo vặn mình mỗi khi bị siết chặt, quai hàm ông bạnh ra, ông giận đến sùi bọt mép, và những bọt mép đó đóng lại thành vũng rồi trong chớp mắt biến thành san hô ngay dưới chân Nazroum. Chàng trai chí hiếu và quả cảm kia biết sấm sét có thể giáng xuống đầu mình, lặng thinh chịu tội. Chàng nghĩ: “Nếu ta có tán mạng đi chăng, ta cũng cam tâm vì Thần Biển đã ban cho dân ta và cha ta cá tốt”. Chàng cũng nghiến răng chờ sự trừng phạt của Hải Thần, và tuy can đảm có thừa, chàng không khỏi run lên vì cái ý nghĩ không còn hy vọng gặp cha già và đồng bào nữa. Nhưng tuyệt nhiên, chàng không than thở cầu xin một lời nào. Chàng không thiết sống nếu Thần Biển hẹp lượng không cho chàng trở lại đất liền! Chàng thì thào một mình:

- Xin vĩnh biệt cha! Xin vĩnh biệt đồng bào thân mến.

Thần Biển không động thủ – Ông hút thuốc không ngừng – khói thuốc bao phủ quanh chàng trẻ tuổi và quanh ông như một lớp sương mỏng mầu xanh. Càng nhả nhiều khói, Thần Biển càng tăng cơn giận. Làm sao ông không giận chớ? Ông là chúa tể của lòng biển sâu, rộng hàng trăm dặm. Bao nhiêu binh tôm tướng cá đều thuộc quyền điều khiển sinh sát của ông. Trong đời ông, chưa một loài thủy tộc nào dám táo gan cãi ông một tiếng. Tất cả lệnh ông truyền, muôn loài thủy tộc chỉ biết răm rắp tuân theo. Ngay cả những cô gái xinh đẹp, yêu quí của ông mà còn không dám ho he thở mạnh khi ông phật ý.

________________________________________________________________
Xem tiếp PHẦN II


(Trích từ bán nguyệt san Tuổi Hoa số 143, ra ngày 15-12-1970)