Thứ Ba, 11 tháng 10, 2016

CHƯƠNG 6_CON ĐƯỜNG LÁ ME



6


Chị Quyên xõa mái tóc dài hong nắng sớm, mùi bồ kết quyện hương chanh êm đềm tỏa nhẹ không gian. Giàn hoa giấy bên hàng hiên nở những nụ nhỏ màu cam sẫm, tôi víu một cành xuống định ngắt một cánh hoa nhưng chị Quyên đã ngăn lại :

- Ngọc đừng hái, để rứa cho đẹp.

Tôi quay lại nhìn chị :

- Hoa còn nhiều mà.

- Coi chừng gai, chị sợ Ngọc đụng gai đó.

Tôi cười :

- Chị khéo lo chưa, em kinh nghiệm hái trộm hoa hồng nữa đó, chứ đừng nói là hoa giấy.

- Ngọc nì.

- Chi rứa chị ?

- Ngọc tới đây chị nói cái ni cho Ngọc nghe.

Tôi chạy đến ngồi vào thành tựa chiếc ghế xếp chị Quyên đang ngồi :

- Chị có chuyện chi rứa ?

Chị Quyên ngập ngừng :

- Chuyện chị với... anh Hữu đó, Ngọc biết chưa ?

Một chút hơi lạnh thoáng về se buốt con tim, tôi bàng hoàng, tôi rã rời, tôi đặt bàn tay lên trán, tôi không có cảm giác gì cả. Chị Quyên lại hỏi :

- Ngọc biết chưa ? 

Tôi nói bằng lời như không phải từ môi mình thoát ra :

- Biết, em biết mà.

Chị Quyên vuốt nhẹ mái tóc :

- Anh Hữu mới nói với chị, anh ấy yêu chị, anh ấy muốn cưới chị làm vợ.

Tôi nói ngu ngơ :

- Rứa à ?

- Tề, Ngọc chi lạ rứa, chị hỏi Ngọc mà.

Tôi nói hơi xẵng :

- Thì anh Hữu yêu chị, có chi mô mà chị hỏi em.

- Ngọc, chị muốn biết ý kiến của Ngọc mà, theo Ngọc, anh Hữu có phải là người tốt không ?

Tôi nói một hơi như trả bài :

- Anh Hữu đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi, và chị là người hạnh phúc nhất trần gian.

Chị Quyên nhăn mũi :

- Ngọc hay giỡn lắm, chuyện quan trọng rứa mà Ngọc cũng giỡn nổi.

- Em mô có giỡn, em nói thiệt mà.

Chị Quyên cầm tay tôi :

- Rứa là em chịu rồi phải không ? Em bằng lòng cho anh Hữu làm anh rể em phải không ?

Tôi nhẹ gật đầu với cõi lòng tê điếng, tôi cắn chặt làn môi để khỏi bật ra tiếng khóc thương đau. Tôi thất bại ngay trong bước chập chững đầu tiên trên con đường tình yêu đầy trái đắng bọc đường. Tôi níu chặt mép ghế, tôi đứng lên đi thẳng vào phòng, không quay đầu lại, chị Quyên nói theo :

- Ngọc, Ngọc đi mô rứa ?

- Tự nhiên em chóng mặt, chị cho em vào nghỉ.

Tôi gieo mình xuống giường, tôi quấn chăn khắp người dù trời đang nóng nực, tôi bịt tai bịt mắt lại, tôi không muốn có tôi trên cõi đời này nữa, tôi muốn tan biến vào không gian đang chan hòa niềm hạnh phúc của chị Quyên. Hữu ơi, Hữu ơi. Nước mắt tôi tràn lan đôi má, tôi vùi đầu xuống gối thiếp đi không biết bao lâu, khi tôi thức giấc, phòng khách rộn ràng tiếng nói cười ầm ĩ, tiếng bác Phán gái vừa lớn đủ xoáy nhẹ vào tim tôi một mũi kim nhọn buốt đau :

- Con Quyên với thằng Hữu thật xứng đôi, vừa lứa, má chưa hề thấy cặp nào đẹp hơn.

Tiếng anh Trứ :

- Bác Cảnh vừa qua đây hả má ?

- Ừ, qua xem mắt con Quyên.

Tôi níu mép chăn thật chặt giữa những đốt ngón tay tê dại, bác Cảnh là mẹ của anh Hữu, người đàn bà phúc hậu với mái tóc trắng phau như bạch kim dù tuổi bác chưa quá sáu mươi, tôi đã gặp qua một lần khi anh Trứ dẫn tôi ghé nhà anh Hữu mượn cuốn nhạc.

Anh Trứ lại hỏi :

- Bác ấy có nói gì với má không ?

- Bác khen con Quyên thùy mị, mới thấy đã thương.

Ai thấy chị Quyên lần đầu tiên cũng phải có thiện cảm, đó là nhận xét của Tuyết hôm nó đi cùng tôi sang Văn Khoa và gặp chị trên cầu thang. Chị nở nụ cười thật tươi khi nhìn thấy chúng tôi. Hôm đó, có cả Hoàng Cúc em của Tuyết đi theo nữa. Cô bé Cúc cứ nhìn sững chị Quyên rồi bảo tôi :

- Chị của chị Ngọc dễ thương ghê, chị của chị Ngọc đẹp quá trời quá đất.

Tuyết đã bảo em :

- Chị Quyên hiền lắm, ai thấy cũng có cảm tình liền.

Tôi gác tay lên trán. Tất cả mọi người đều có cảm tình với chị Quyên khi gặp chị lần đầu, Hoàng Tuyết nè, Hoàng Cúc nè, cả Hữu của tôi và bây giờ thêm bác Cảnh nữa, cuộc hôn nhân giữa chị Quyên và anh Hữu đang diễn tiến trước mắt tôi hết sức tốt đẹp, nguồn hạnh phúc mà tôi hằng ao ước đã được cầm chắc trong lòng bàn tay búp măng của chị Quyên rồi.

Có tiếng hắt hơi, tôi biết chị Quyên cũng đang có mặt ở phòng khách, mấy hôm rày trời độc nên chị bị nhức đầu sổ mũi. Lời bác Phán gái hỏi chị Quyên :

- Hữu nó đã nói gì với cháu chưa Quyên ?

- Dạ... cũng có, anh ấy muốn đi đến hôn nhân với cháu.

- Thằng Hữu... được lắm đó cháu, nó đàng hoàng đứng đắn, lại có tương lai. Vậy bây giờ con nghĩ sau ?

- Dạ, cái đó còn tùy ba me cháu ở Huế, ba me cháu đặt mô cháu ngồi nấy.

- Giỏi, như vậy là cháu đoan trang, như vậy là cháu nề nếp thuần hậu. Để bác nói với bác trai viết thư trình bày cho chú thím ngoài đó biết.

- Dạ, cháu cám ơn bác.

Tôi nghe nóng ran trong đầu, tôi nghe mặn đắng trong cổ, cảm giác như dạo tôi đau thương hàn cách đây một năm. Trận đau kéo dài hơn một tháng, ba me tôi thức suốt đêm ngày túc trực bên giường bệnh, tôi đã cảm động khóc thật nhiều trước tình thương bao la của ba me, me tôi đã bảo :

- Con đừng khóc nhiều, làm răng mà lành bệnh được.

Sau trận thương hàn đó, thân hình tôi đã ốm lại càng khô đét như cây tre, bạn bè tôi đã nhạo tôi là "cô nộm nang". "Cô nộm nang" là đồ mã đan bằng nan tre uốn thành hình dáng người con gái, dùng để đốt xuống Âm Phủ làm nữ tì hầu hạ cho đức bà dưới đó, ấy là lời giải thích của bà đồng quen với me tôi mỗi lần tôi hỏi tới. Tôi thường cười nói :

- Rứa mà mấy đứa bạn nói con là cô nộm nang.

Bà đồng trợn mắt bịt miệng tôi lại :

- Con nít con ranh nói tầm bậy tầm bạ, bà quở, bà quở cho chừ.

- Tại vì con ốm mà.

- Ốm thì ốm như mắm mòi, ốm thì ốm như mực khô, chán chi cách để nói, ai lại đem so với mấy cô, lần sau đừng có dại rứa nghe con.

Bà đồng chúm môi, bà đồng nhăn mặt, bà đồng quơ quơ bàn tay tỏ vẻ khó chịu và nhìn me tôi như phân bua :

- Tề, mợ ngó đó, con Ngọc ăn nói tào lao quá, tui cũng sợ luôn.

- Ngọc im đi.

Me tôi vờ mắng tôi cho bà đồng vui lòng, bà đồng là bạn hùn hạp với me tôi trong những chuyến buôn hàng từ Đà Nẵng ra Huế bán, bà ta là người khôn ngoan tháo vát nên me tôi nể lắm, me tôi thường dặn tôi :

- Mi đừng đem chuyện cứng đầu cứng cổ nớ mà nói với bà Yên (tên bà đồng). Mấy thứ đó bả kỵ lắm, bả giận rồi mất lòng người lớn với nhau.

Vào tới Sàigòn, sự gầy ốm của tôi được mang một mỹ danh mới "Ngọc cò hương", chữ "cò hương" do Hữu nói đã trở thành cái tên thứ nhì của tôi vì mỗi lần anh Trứ nhắc đến "cò hương" là mọi người trong nhà đã nghĩ ngay đến tôi rồi. Bây giờ tôi không còn cười dễ dãi mỗi lần ai gọi tôi là "cò hương" nữa, tôi buồn quá, tôi khổ quá, tôi muốn quên mà, tôi không muốn nhớ nữa mà, chữ "cò hương" nhắc nhở bao kỷ niệm, những lần Hữu lại nhà chơi, những lần Hữu nhìn tôi như nhìn một cô bé mà tâm hồn non dại của tôi vẫn đan mộng xây mơ, giấc mơ êm đềm, giấc mơ xanh ngời, những chiều hè lung linh nắng lụa, hàng me tươi mát dìu bước chân ai quyến luyến bên tôi.

Tôi cảm thấy sự im vắng như trở lại, mọi người đã rời phòng khách để đi ra nhà sau. Chị Quyên hé cửa gọi tôi :

- Ngọc, có bạn em đến chơi nì.

Tôi giở tấm chăn, Châu Hà la lên :

- Trời đất, con này điên, nực thế này mà mày đắp chăn à.

- Tao đau mà.

Châu Hà ngồi xuống bên giường sờ trán tôi :

- Ừ, mày nóng thật. Mày thấy trong người thế nào ?

- Tao hơi mệt, mi tới thăm tao hay có chuyện chi rứa ?

Châu Hà cầm tay tôi :

- Nè mày, thứ năm này khai mạc Đại hội Thể Thao Liên Viện đấy, mày đi dự với tao nhé.

- Eo, tao ốm nhom…

- Con này kỳ, ốm với mập đâu có can hệ gì việc đi dự đâu, mình đi xem mà. Hấp dẫn lắm mày ơi, ngày đầu tiên có trận đấu bóng tròn giao hữu giữa Sàigòn và Huế, mày đi coi thử có gặp bạn nào quen ở Huế vào không nhé.

Tôi chợt nghe nao nức trong lòng :

- Ừ thì đi, nếu tao hết bệnh. Mi đến rủ tao nghe.

Châu Hà đứng dậy :

- O.K, thôi tao về nhé.

- Ở lại chơi đã.

- Trưa rồi, để mày nghỉ.

Chị Quyên khép cửa lại, đến bên tôi :

- Ngọc đau rứa là trưa ni ăn cơm không được mô. Để chị nấu cháo trắng cho Ngọc ăn nghe.

Tôi ôm chiếc gối vào lòng :

- Thôi để em nhịn trưa nay, chiều rồi ăn cháo.

Chị Quyên đi ra cửa :

- Để chị bắc nồi cháo lên, khi mô đói em nhờ chị bếp múc cho một chén nghe. Chiều ni chị lên trường bảy giờ rưỡi mới về lận.

Tôi không đáp, tôi mệt mỏi quá rồi, tôi rời rã quá rồi. Tôi cảm trong đầu, tôi xót xa trong tim, tôi gục xuống giường, tôi không hiểu tôi đang đau bệnh gì nữa. Chị Quyên đã ra khỏi phòng, tiếng đũa khua bên phòng ăn, tôi nhìn sững vào chiếc đồng hồ để trên bàn đêm, mười hai giờ rưỡi, đúng giờ cơm thường lệ. Hôm nay có mặt hai bác tôi ở nhà, chắc chắn trong bữa ăn này, vấn đề được đem ra bàn bạc là chuyện hôn nhân giữa chị Quyên và anh Hữu, may mắn thay, tôi không bị hiện diện trong bầu không khí vô tình đó cùng những lời tán đồng như kim châm muối xát vào tim.

____________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 7