Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

CHƯƠNG VIII_MƯA NGUỒN


 CHƯƠNG VIII



Mới sáng tinh mơ, bọn trẻ đã kéo đến “ngôi nhà của Miên”. Khi nghe Thái kể lại tất cả anh em đều vui mừng, và quyết định dành một ngày đặc biệt để sửa sang ngôi nhà mà họ không ngần ngại gọi là “nhà của Miên”. Người mừng nhất có lẽ là Thọ. Anh hăng hái đốc thúc anh em, người lo phạt gai, dọn cỏ ngoài vườn; kẻ leo lên nóc sửa lại những hàng ngói sô lệch. Đông trộn vữa trét những mảng tường long lở; Tân chữa lại các khuôn cửa xệ cánh; Phúc và Kiệt cọ rửa nền nhà, quét sạch bụi bậm và mạng nhện.

Riêng có Huân, cậu bé con bà Cửu, xung phong làm “hỏa đầu” cho nhóm Nguồn Vui, ở lại nhà Mai lui cui dọn bữa cơm trưa. Huân nấu nồi canh rau cải dưới bếp. Thằng bé cầm chiếc môi khuấy vào nồi canh đang sôi thì nghe có tiếng chân bước bên ngoài. Huân thầm nghĩ:

“Sao bữa nay các anh ấy về sớm thế ? Cơm nước đã kịp làm gì đâu !”

Quay lại toan hỏi, Huân bỗng mở tròn mắt kinh ngạc, miệng thốt:

- Ồ, mấy người nào đây ?

Ngoài ngưỡng cửa, ba người đàn ông đang nhìn Huân với nụ cười nửa miệng. Thằng bé nom buồn cười quá: mặt mũi nhọ nhem, đầu tóc rối bù, tay cầm môi múc canh giơ lên như dọa nạt:

- Các ông là ai, đến đây có việc gì ?

Ba người vừa đến, nối đuôi nhau vào trong bếp. Họ trịnh trọng giới thiệu:

- Ký giả Hoàng Chinh, đặc phái viên báo Thời Đại.

- Ký giả Thanh Lâm, đặc phái viên báo Nhà Nam.

- Ký giả Nguyễn Vũ, đặc phái viên báo Đời Mới.

“Những ông nhà báo !…” Huân bối rối khi nghe họ xưng danh, vì đối với Huân, được gặp “các ông nhà báo” là một điều vinh hạnh. Nó vội vã kiếm ghế mời họ ngồi, mắt không rời những chiếc máy ảnh họ đeo lủng lẳng bên mình.

- "Chắc họ đi làm phóng sự. Có khi họ chụp ảnh mình đăng trên báo ?"

Huân rót nước mời để gây cảm tình:

- Mời ba ông xơi nước.

Ba ông nhà báo không từ chối. Họ vui vẻ ngồi xuống ghế, tự nhiên như ở nhà họ. Rồi họ rút sổ tay, khéo léo gợi chuyện để Huân nói. Được thể thằng bé kể chuyện huyên thuyên, hãnh diện thấy lời nói của mình được ghi chép trên giấy.

- … Các ông biết không, mấy anh dưới tỉnh xung phong làm mọi việc là để giúp ấp em đó. Tại không ai chịu làm gì cả, cứ để cho nhà cửa đổ nát dần nên các anh ấy mới rủ nhau lên dọn dẹp hộ !

- Hình như trong bọn em có một người ở làng này ?

- Vâng, anh Thái. Anh ấy cũng như là anh của em, vì mẹ em nuôi anh ấy từ khi còn nhỏ.

- Có phải cậu Thái là người đầu tiên nêu lên ý kiến… này không ?

- Thưa, phải ! Và anh ấy nói với anh Phúc, con trai ông Tỉnh Trưởng.

- Cậu con luật sư Bình ?

Huân cau mày, thầm nghĩ:

“Mấy ông nhà báo này biết hết cả rồi, mà còn làm bộ hỏi mình !”

Huân toan không nói nữa, nhưng lại không thể im được khi nghe một người hỏi:

- Như vậy là nhờ một chú bé chăn bò mà dân ở đây mới quyết định kiến thiết lại nhà cửa của mình. Hắn không phải là người vùng này, tại sao hắn lại nặng tình với thôn xóm này thế nhỉ ?

Huân cãi:

- Em đã nói với các ông: anh Thái cũng như người trong gia đình em vậy. Anh Phúc có bảo là nếu thôn xóm này được hồi sinh là nhờ anh Thái, vì anh ấy không chịu để thôn xóm này tàn lụi. Ông Sáu cũng nói: “Mấy người lớn chỉ biết ngồi than trách, bây giờ thấy gương bọn trẻ mới chịu nhúc nhích…”

- Ông Sáu là ai vậy ?

- Là người làm công cho mẹ em – Huân hãnh diện khoe: ông ấy giúp nhà em ba chục năm nay rồi. Hiện giờ ông ấy thả bò trên núi.

- Nếu vậy, ông Sáu nào đó đáng được thưởng một huy chương vàng !

- Huy chương là gì hả ông ?

- Huy chương Lao Động.

Mắt Huân sáng lên:

- Thật hả ông ? Liệu người ta có cho ông Sáu huy chương không ? Nếu được chắc ông ấy mừng lắm.

Ba ông nhà báo cười:

- Đừng lo, chúng tôi sẽ không quên đề nghị này lên mặt báo.

Huân mừng rỡ như đã thấy tấm huy chương trên ngực ông Sáu. Nó cảm phục mấy ông nhà báo quá cỡ và mở hết lòng dạ nó ra. Nó nói tía lia về Thái và các bạn của anh ta. Người nào ra sao, có những biệt tài gì đều được nó kể ra hết. Sau cùng, nó say sưa nói đến chuyện tương lai, rằng thôn Tân Lập sẽ trở nên một nơi được nhiều người tới du ngoạn, vì sẽ có nhiều họa sĩ như anh Kiệt tới vẽ tranh, bởi anh Phúc đã nói phong cảnh nơi đây thật tuyệt mỹ… Rằng: ngày khánh thành thôn xóm đổi mới, sẽ là ngày hội vui hết chỗ nói, có cả ban nhạc đến giúp vui… vì anh Miên hy vọng thế này… anh Đông cả quyết thế nọ… còn Huân, nó tin chắc là…v..v…

Lúc bọn Thái trở về đợi bữa cơm trưa thì tất cả đều đứng sững ngoài cửa. Trong bếp nồi canh đang sôi trào cả nước ra ngoài, rớt xuống đám than hồng kêu xèo xèo và tro bếp tung bụi bay mù. Trong lúc ấy thì Huân, mặt mũi nhem nhuốc, tay cầm chiếc môi, đứng ưỡn ngực trước ống ảnh của các phóng viên vừa được Huân mở một cuộc hội báo !

*
Một tuần lễ thấm thoát qua nhanh. Nhóm Nguồn Vui đến trợ lực với Thái chỉ lưu lại Tân Lập một đêm nữa. Ngày mai họ sẽ trở về đời sống riêng của họ, nơi công trường, xưởng thợ, hay trường học.

Đêm nay họ chọn một gò đất ngoài đầu xóm, chất đống những cành cây khô, và đốt lên ngọn lửa trại. Ngọn lửa bốc thật cao soi tỏ những khuôn mặt trẻ quây quần bên nhau. Tất cả đều thấy luyến tiếc thời gian ngắn ngủi vừa qua. Bảy ngày sống chung với cùng một chí hướng đã nảy nở trong lòng họ nhiều cảm tình tốt đẹp.

Họ ngồi im lặng nhìn ngọn lửa hồi tưởng lại những ngày đã qua với những hy vọng mà họ đã nhen nhúm được.

Hôm đầu, khi bọn trẻ bắt đầu công tác, dân ấp tò mò lần lượt đến xem. Họ nhún vai, cười khẩy bảo nhau:

- Coi kìa ! Coi bọn con nít muốn dạy khôn mình kìa !

Làm ra vẻ thờ ơ, nhất định không nhúng tay vào, họ đảo quanh nhà, lòng mang nặng mối thù hận với “chính quyền”, với “thiên hạ” và có lẽ với chính họ nữa. Nhưng rồi, đã có người cúi xuống, bắt đầu thu nhặt mấy viên gạch rơi rớt trên cỏ, cho rằng: “để như vậy vướng lối đi…”

Một người khác, lén lấy cây búa và ít đinh trong hộp đồ nghề của Tân “thợ mộc” đóng lại cánh cửa sút lề nhưng cố gõ búa thật nhẹ cho khỏi có ai nghe – lấy cớ: “để nhỡ có gió không sợ rơi trúng đầu người khác!”

Họ viện ra những lý do để che giấu ý muốn nhập bọn của họ. Vì dù sao thì họ cũng phải công nhận là: “không thể để thế này mãi được!”

Hôm sau các bà vợ đòi về theo. Các bà là những người đầu tiên nản chí, thì bây giờ các bà cũng lại là những người đầu tiên lấy lại phấn khởi. Nghe bà Cửu cổ võ, và không ngớt ca ngợi nhiệt tâm của “bọn trẻ” các bà rủ nhau về, cọ rửa nền nhà, lau chùi, thu dọn mọi thứ. Họ nhận thấy trở về với nhà cửa vườn tược của họ vẫn dễ chịu hơn là phải sống gò bó ở những chỗ tạm trú.

Dần dà, gia đình nào cũng cử một hai người về. Thôn Tân Lập tuy còn hằn những vết tích tàn phá của một trận thủy tai, nhưng chưa đến nỗi lâm vào cảnh điêu tàn.

Thái ngồi lặng thinh, nhưng đôi mắt sáng ngời.

Đêm nay,giọng nói của bọn trẻ đều nhuốm vẻ ngậm ngùi. Những bài ca vui, những lời đùa cợt tuy đôi lúc có nổi lên, nhưng lại tắt liền sau đó.

Thằng Huân vẫn là đứa nói nhiều hơn hết. Nó thọc chiếc gậy vào đống lửa, rồi rút đầu lửa đỏ ra quay tròn trên đầu:

- Chán quá ! Các anh ở đây đang vui, đã phải chia tay rồi.

- Rồi các anh sẽ trở lại

Nó thở dài tiếp:

- Giá tụi mình cứ được sống gần nhau mãi như thế này có phải sướng hơn không? Em ngán người lớn quá. Họ đâu có cởi mở như anh em mình ! Chỉ ưa bắt bẻ và hay hứa suông, hứa cuội !

Bọn các anh lớn cười rộ:

- Bữa nay cu Huân làm sao thế ?

- Có chuyện gì mà cu Huân tức khí với người lớn thế hả ?

Huân miễn cưỡng, “bật mí” ấm ức của nó:

- Này nhé, mấy ông nhà báo đó, các anh còn nhớ họ đã hứa hẹn những gì chứ ? Nào là “chúng tôi sẽ viết về thôn Tân Lập… Cả nước sẽ biết các em là những người đầu tiên tham gia vào việc kiến thiết lại thôn xóm này… Chúng tôi sẽ nói đến cảnh khổ cực của các gia đình phải tị nạn nơi khác… Chúng tôi sẽ khuấy động dư luận…” mà rồi có thấy báo chí đả động gì đâu! Hình ảnh họ chụp để làm gì cơ chứ ?

Huân đỏ mặt, hậm hực tiếp:

- Em đã chót khoe với mấy đứa bạn học là hình em sẽ được đăng lên báo… Nếu không thấy gì, chắc chúng nó “chọc quê” em ghê lắm !

Các anh lớn cười nghiêng ngửa:

- Thế ra vì muốn được in hình lên báo mà cu Huân tham gia với các anh hả?

Huân càu nhàu:

- Ai bảo các anh thế ? Em tham gia với các anh từ đầu chớ bộ ! Lúc ấy các ông nhà báo đâu đã tới !

Phúc an ủi:

- Không nên trách mấy ông nhà báo cu Huân ạ. Có nhiều biến cố còn quan trọng hơn số phận của thôn trang hẻo lánh này. Biết bao nhà cửa, quận lỵ bị tàn phá vì chiến tranh, hỏa hoạn và nhiều tai họa khác! Nếu các ông ấy phải tường thuật hết, e không có đủ chỗ để đăng !

- Nhưng mấy ông ấy đã hứa rồi !

- Ối thôi ! Đừng nghĩ đến chuyện ấy nữa. Anh Kiệt sẽ vẽ cho em một bức chân dung. Như vậy còn “hách” hơn hình chụp đăng báo nữa ! Chúng ta đến đây để giúp Thái. Ước nguyện của Thái là gìn giữ thôn xóm này khỏi lâm vào cảnh điêu tàn, thì bây giờ dân ấp dù không có cứu trợ cũng đã tiếp tục kiến thiết lại nhà cửa của họ. Như vậy là ta thành công rồi.

Đêm chưa khuya lắm. Gió núi bay xuống quét dưới lòng thung đem theo không khí mát lạnh của sương đêm, phảng phất mùi thơm cây cỏ. Thái thấy tâm hồn nhẹ lâng, phơi phới. Anh mỉm cười mãn nguyện, lòng rào rạt những cảm xúc nhẹ nhàng. Anh nghĩ đến núi đồi, nương bãi, đến đàn mục súc nhởn nhơ trên triền cỏ xanh non, đến một thôn trang hiền hòa bên giòng suối nhỏ. Nhìn những khuôn mặt trẻ đang trầm tư quanh ngọn lửa hồng, những bạn trẻ hào hiệp đó, chẳng biết họ đang nghĩ gì, nhưng Thái thấy mến họ vô cùng.

Cu Huân chợt đứng lên, nghiêng tai nghe ngóng:

- Có người đang tới, các anh ạ !

Tiếng chân bước mỗi lúc một gần. Ánh đèn chai vừa xuất hiện soi rõ mặt đứa con gái, Huân đã vội thốt:

- Thúy ! Mày lên đây làm gì giờ này ?

Đứa em gái của Huân, thở hào hển, vì chạy một quãng đường khá xa, lả người trên cỏ. Nó chìa ra một gói giấy. Huân hét:

- Có báo hả ?

Con Thuý gật đầu vì còn mệt nói chưa ra hơi.

- Sao không đem tới sớm !

Con Thúy cãi:

- Mãi hôm nay, báo mới nói đến các anh. Em mua được mấy tờ ở trên quận. Nhưng về đến nhà thì đã sẩm chiều rồi, nên mẹ không cho đi nữa. Em phải chờ đợi mọi người ngủ hết mới lén đem lên đây cho các anh được. Đêm tối, đi một mình sợ thấy mồ !

- Sợ gì ! Lát nữa anh đưa Thúy về, đừng lo !

Trong lúc mấy anh lớn đang châu đầu vào đọc bài phóng sự nhắc nhủ người ta đừng quên thảm cảnh của một thôn ấp bị nạn thủy tai, thì Huân say sưa ngắm bức hình của nó in ở trang trong tờ tạp chí. Bức hình chụp lúc nó đang ở trong bếp nhà Mai, bên cạnh có mấy con mèo vểnh mép đứng nhìn. Mái tóc của Huân xòa xuống che gần khuất một bên mắt và hai má nguếch ngoác lọ nồi !

Huân cười khoái trá:

- Tụi bạn sẽ lác mắt hết ! Nhưng giá mấy ông nhà báo cho biết trước để mình chải đầu, rửa mặt, thì bức hình của mình còn bảnh hơn nữa !

Liếc qua bài báo, Phúc cười thầm trong bụng: “Chắc ba mình sẽ biết cách lợi dụng mấy bài báo này”. Rồi đây các bài báo sẽ được gửi đến ông Nghị sĩ. Ông Nghị Sĩ sẽ ra chỉ thị… Và ông Tỉnh trưởng, ba của Phúc, sẽ có thừa quyền hành và phương tiện để xúc tiến công việc. Chắc chắn việc tái thiết ấp Tân Lập sẽ được thực hành mau chóng! Biết đâu, nhân cơ hội này bộ mặt của ấp Tân Lập sẽ chẳng được đổi mới, khang trang, đẹp đẽ hơn !

Để mặc các bạn xúm nhau bàn tán, Phúc lẳng lặng đứng lên. Thái làm theo bạn. Hai người rời khỏi đống lửa, men theo đường mòn sang bên kia dốc đồi, nơi mà Thái thường hay đứng mơ mộng nhìn xuống ấp. Bóng đêm che giấu các vết tích đổ nát, những mảng tường sụp đổ, những nóc nhà trốc mái, trơ sườn, nom như vẫn còn nguyên vẹn.

Phúc hít một hơi dài, sảng khoái. Đột nhiên, anh ý thức được rằng, ngoài thôn ấp này ra, còn biết bao nơi cần được xây dựng, kiến thiết. Một chân trời tương lai mở ra trước mắt Phúc. Anh đã tìm được đường hướng mới để theo. Rồi đây trong tương lai, anh mong sẽ được cùng các bạn xây cất những ngôi nhà sáng sủa, ấm cúng cho đồng bào. Những ngôi nhà ổ chuột, những con hẻm tối tăm sẽ được thay thế. Những khu vực bị bom đạn tàn phá sẽ được tái thiết…

Mộng của tuổi trẻ bao giờ cũng đẹp… và không khỏi có nhiều ảo tưởng. Phúc mường tượng ra những khu phố khang trang, những quận lỵ sầm uất, những làng mạc trù mật của quê hương Việt Nam, một nước Việt Nam đầy sinh lực đang vươn lên, rạng ngời dưới trời Đông Á. Bản ca: “Việt Nam minh châu” vang lên trong tâm tưởng Phúc:

Việt Nam minh châu trời Đông.

Việt Nam cháu con Tiên Rồng !


Phúc mỉm cười ưỡn ngực thở ra một hơi dài nữa. Anh thấy mình hiên ngang vững mạnh, và vòm trời bao la trong đêm tối mung lung không làm Phúc thấy mình nhỏ bé. Anh thốt nói:

- Ngày mai về nhà, mình sẽ thưa với ba má về ý định của mình !

Thái từ nãy vẫn trầm lặng bên cạnh bạn, giật mình hỏi:

- Anh nói gì, anh Phúc ?

Phúc cười:

- Tôi vừa tìm được một hướng mới cho tương lai… Đố anh biết sau này tôi sẽ làm gì ?

- Thì... chắc anh lại học luật, rồi làm luật sư như ba anh chớ gì ?

- Không !

- Hay bác sĩ ?

- Cũng không nữa ! Tôi sẽ xin ba cho tôi theo ngành kiến trúc !

- Nghề xây cất nhà cửa phải không ?

Phúc thân mật khoác vai Thái:

- Ừ. Anh biết tại sao tôi có ý kiến này không ? Tại mấy hôm nay về đây công tác chung với các bạn mà tôi nảy ra mộng ước đó.

Phúc còn muốn nói nhiều, về sáng kiến khi thực hiện đồ án chính tay mình phác họa, niềm hãnh diện khi đứng trước công trình của mình đã được hoàn thành, và sự liên đới trong tinh thần hợp tác giữa những người bạn cùng làm chung một công trường… Nhưng chợt nghĩ đến Thái, Phúc hỏi:

- Còn Thái thì sao ?

Thái khoát một vòng tay:

- Tôi hả ?… Tôi ở đây !

Phúc cười:

- Dĩ nhiên rồi. Đây là quê hương của anh. Sau vụ này… dân ấp Tân Lập không thể coi anh là kẻ ăn đậu ở nhờ được nữa. Họ phải công nhận anh là người đã có công gìn giữ và đem lại sự hồi sinh cho thôn xóm này.

Thái khiêm nhượng:

- Nếu kể công thì phải kể đến ông Sáu, đến Mai và các anh nữa, chứ riêng gì mình tôi ?

Ngập ngừng Thái tiếp:

- Chắc là Mai sẽ vui lắm !

- Hẳn rồi ! Vài ba tháng nữa khi bà ngoại của Mai bình phục và rời bệnh viện, hai bà cháu có thể dắt nhau trở về đây vì lúc ấy thôn ấp đã tái thiết xong rồi. Thôn Tân Lập sẽ đẹp hơn xưa… Nhưng Thái này ?

- Anh bảo gì ?

- Thái ở lại đây để trở thành một nông dân, một nhà chăn nuôi, trồng trọt… Thái có nghĩ đến việc trau dồi thêm để sau này có khả năng hơn không ?

Giọng Thái trầm ngâm:

- Hiện giờ tôi đang học kinh nghiệm của những người như ông Sáu, bà Cửu. Tôi cũng ước ao được học hỏi thêm những cải tiến mới. Hình như có một trường dạy nghề chăn nuôi trồng trọt anh nhỉ ?

- Có. Trường Nông Lâm Súc, ở Bảo Lộc !

- Tôi chỉ ngại không đủ phương tiện… Vả lại với học lực kém cỏi của tôi, chẳng biết có theo đuổi nổi không ? Hay mình chỉ xin vô tập sự thôi anh nhỉ ?

Phúc sốt sắng:

- Tôi nghĩ có thể được. Nếu mình quyết tâm, bền chí, chắc sẽ đạt tới mục đích. Ngày mai gặp ba tôi, khi trình bày với người về trường hợp của tôi, tôi sẽ nói đến trường hợp của anh và xin người giúp đỡ…

Thái xiết chặt tay bạn:

- Cám ơn anh lắm !

Quả thật, Thái không biết nói lời gì hơn nữa. Con người bé nhỏ của anh không chứa nổi những cảm xúc dâng trào, cũng như gió thoảng miền cao nguyên làm hơi thở anh ngờm ngợp.

Trên nền trời những ngôi sao thi nhau lấp lánh. Có lần Kiệt họa sĩ đã bảo đấy là những ánh mắt long lanh ! Thái thấy những ngôi sao đúng là những cặp mắt ngời sáng của đám người trẻ tuổi…

Thái nói:

- Ngày mai tôi muốn đưa chân các anh…

- Chi vậy ?

- Để tiễn các anh tới tận nhà, đặng tỏ lòng biết ơn của tôi…

Phúc cười:

- Và để có dịp thăm Mai luôn !

Thái cười với bạn:

- Vâng, tôi cũng muốn được chính mắt tôi thấy nỗi vui mừng của Mai nữa !

Bên kia gò đất tiếng cười nói vang vang, đống lửa trại vừa được tiếp thêm những cành cây khô, vươn cao ngọn, bụi lửa bay lên nom như những đốm hoa vàng.

Phỏng theo truyện “Emmanuel” 
của RENÉE MANIÈRE        
BÍCH THỦY