Thứ Tư, 19 tháng 10, 2016

CHƯƠNG VII_TIẾNG SẤM DƯƠNG CHÂU


 CHƯƠNG VII


Mùa xuân năm ấy, trong khi kinh thành còn đang chưng đèn kết hoa thì An Dương Hầu với lũ quan thần kéo quân vào phá cung điện bắt vua hạ ngục. Sau ba ngày giam giữ nhà vua bị thắt cổ chết. An Dương Hầu tôn cháu của Trung Vương lên ngôi, lấy niên hiệu là Định Vương.

Giữa lúc ấy ở Mã Đài Sơn có tiếng reo hò chuyển núi suốt mấy ngày liền. Cụ Thiên Hộ ở miền Đà Dương Châu nửa đêm nghe tiếng reo hò dội đến tai mình, vội nghiêng vành tai già nua hướng qua vách nứa sơ sài bao nhiêu những lời vang dồn dội lại và mở cặp mắt yếu đuối lờ mờ nhìn vào trong đêm, lẩm bẩm :

- Sấm động Dương Châu... có lẽ giờ đây mới là sấm thực.

Rồi cụ ngồi mãi suốt đêm, tựa mình vào vách lắng nghe bao nhiêu náo động từ xa dội đến tai mình. Vách cụ rách nát cả rồi, mưa gió từng mùa lọt vào tự do đem cái lạnh lẽo của nhiều ngày tháng vây lấy cuộc đời già cả. Nhưng bây giờ đây, phên vách cũ nát của cụ đón lấy từ xa muôn tiếng reo hò không bị một sức cản ngăn. Cụ Thiên Hộ tưởng như qua lời vang động có những giọng hò reo quen thuộc, thân yêu phảng phất những hơi ấm áp lạ thường. Lòng cụ tự nhiên bừng sáng trở lên như là bầu trời vào tiết mùa đông u ám mây phủ bỗng chợt có ánh mặt trời hiện dậy xua tan những bóng nặng nề vây phủ không gian. Sáng hôm sau khắp miền Dương Châu đâu đâu cũng nghe bàn tán về sự chuyển động ở Mã Đài Sơn và trên bến, dưới thuyền nhiều người tụ tập tạo nên cái không khí rộn rịp khác thường. Từ miền Liêu Giang, Hồi Giang những khách thương hồ đi lại cùng nhau bàn tán về cái hiện tượng sôi sục khắp nơi. Người ta cảm thấy như có sự gì bất an sắp sửa nổ bùng. Ở trong không khí rung chuyển muôn ngàn xao động và nước sông như reo chảy sẵn sàng dâng ngập cả bờ, hơi gió ùn ùn tưởng như trở thành những trận cuồng phong lông lốc.

Rồi một sớm, xóm làng như vắng hẳn đi. Những người trai trẻ biến mất. Từ các ngả miền, gió bụi mịt mờ cuốn theo những gót người. Những cuộc giao tranh bắt đầu khai trận. Bao kẻ kinh thành nhốn nháo về quê. Trộm cướp thừa dịp nổi lên đốt phá xóm làng. Cả một sức sống như quật dậy từ ba miền Dương Châu, Liêu Giang và Hồi Giang rồi lan tràn khắp nơi bốc lên như luồng vũ bão quét hết khí độc đất trời. . .

Khi sóng yên gió lặng, chỉ còn những cảnh điêu tàn. Trên bãi chiến trường, lũ gian thần đền mạng phơi thây giữa nắng mặt trời gay gắt. An Dương Hầu bị người đâm chết vất thây trong dãy tường cao vây bọc nghĩa địa xưa kia vùi chôn những bậc anh hào mà lão đã từng tàn sát. Vị vua bất lực Định Vương chết gục ở trên ngai vàng. Máu kẻ nghĩa sĩ chan hòa viết nên những trang sử đẹp oai hùng.

Một đêm trăng sáng, ở trong quán rượu tại bến Hồi Giang, Trịnh Thiết Hào và cụ Thiên Hộ đang ngồi kể cho nhau nghe quãng đời xa cách. Cả hai đều đã già lắm và thời gian đã làm cho họ sâu sắc, thâm trầm gần gũi nhau hơn.

Giờ lâu cụ Thiết Hào nói :

- Mọi việc thế là xong xuôi cả rồi. Gian thần bị giết, và vị vua sáng suốt anh minh đã được lên ngôi. Cho đến nàng Bạch Tuệ kia, xa con đã biết bao năm bây giờ cũng đã gặp gỡ được rồi. Chỉ thương Hải Sơn và Hàn Thủ Bá bỏ mạng ở chốn chiến trường.

Cụ Thiên Hộ hỏi :

- Chừng nào Khải Hùng và Tiêu Diện Hổ mới trở về đây ?

Cụ Thiết Hào nói :

- Có lẽ sắp về, sau khi chôn cất xong Hàn Thủ Bá thế nào cũng đem Tiểu Thanh về đây thăm lại chúng ta. À, còn cái miếu ra sao ?

Cụ Thiên Hộ hỏi :

- Cái miếu nào kìa ?

- Cái miếu trên bờ Dương Châu mà hiền huynh vừa kể tôi nghe. Cái miếu thờ loài thủy quái đó mà.

Thiên Hộ cười lớn, rồi đáp :

- À… à… ta nhớ ra rồi. Từ sớm đến giờ nói chuyện lang bang quên mất cái miếu. Nhân dân triệt hạ cái miếu thờ loài thủy quái tàn hại bao người để thay vào đấy đền thờ Khải Hòa họ Lý người đã góp phần trừ diệt cho dân một mối họa lớn. Đã nhắc đến cái miếu ấy không thể không nhắc đến tên Tổng Trấn.

- Tên Tổng Trấn đã giết Khải Hòa phải không ?

- Chính nó. Khi nghe bốn phương nổi dậy thì nó cải trang tìm đường trốn thoát. Qua bến Dương Châu nó vừa xuống đò thì gặp Thiện Hải là người chèo đò ngày xưa đã bị thủy quái cắn đứt mất một cánh tay. Ra đến giữa dòng, Thiện Hải nhận ra mặt nó, gã bèn dừng sào, không chèo đi nữa. Tên Tổng Trấn hét : "Chèo gấp cho ta sang bờ bên kia !" Thiện Hải vẫn cứ làm thinh, ung dung hút một điếu thuốc vấn bằng chiếc tay còn lại của mình. Giây lâu, Thiện Hải đứng lên, điểm vào mặt nó, bảo rằng : "Mày đã cải dạng để giấu hình hài Tổng Trấn của mày nhưng không làm sao giấu được cái giọng hách dịch của tên Tổng Trấn". Lúc ấy tên Tổng trấn mới đưa mấy nén vàng mà nói : "Thôi chèo gấp cho ta sang bờ bên kia, ta sẽ đãi ngươi mấy nén vàng này". Thiện Hải hét lớn : "Đồ ác tặc, vàng kia là của nhân dân đóng góp cho mày chứ đâu phải là mồ hôi, xương máu của mày làm nên. Đừng hòng đem vàng mà chuộc mạng mày". Tên Tổng Trấn bèn toan sấn đến nhưng Thiện Hải nắm lấy cây sào bằng cánh tay độc nhất của mình đưa lên và nói : "Thủy quái ăn mất của ta một cánh tay rồi thế mà mày vẫn còn bênh loài ác, giết kẻ hiền lương là Lý Khải Hòa. Đáng lẽ mày lâm vào cảnh khốn cùng ta không sát hại làm gì, nhưng oan hồn của bạn ta không được yên nghỉ lâu nay thì ai thương đến ? Còn một cánh tay ta vẫn trừ mày. Đây là giữa dòng sông sâu không ai tiếp cứu cho đâu, đừng kêu vô ích. Hãy xuống dưới nước hoành hành như loài thủy quái xưa kia". Nói xong lật thuyền cho tên Tổng trấn rơi xuống sông sâu rồi Thiện Hải bơi vào. Mãi ba ngày sau, cuối bãi Dương Châu mới thấy xác nó nổi lên. Thế mới rõ : "Bọn ác đều bị ác báo".

Cụ Thiết Hào nói :

- Đúng vậy, nhưng nguyên nhân là nhờ sức mạnh con người. Nơi đâu con người ý thức đầy đủ được giá trị mình, được quyền lợi mình, phân biệt được ác và thiện một cách rõ ràng thì cái lẽ làm ác gặp ác mới được thực hiện. Nếu không, thì biết bao nhiêu kẻ thiện đã phải ngậm ngùi mà bị chà đạp.

Cụ vừa dứt lời, Khải Hùng và Diện Hổ cùng với Tiểu Thanh đi vào. Mọi người hết sức mừng rỡ.

Cụ Thiên Hổ hỏi :

- Thế mẹ cháu đâu ?

Khải Hùng đáp :

- Mẹ cháu không được khỏe nên còn nghỉ ở Trúc Sơn. Hàn Tiên Sinh trước khi lìa trần có giao quyền cai quản Trúc Sơn cho bác Tiêu đây, bác Tiêu muốn nhờ mẹ cháu trông nom, chừng nào mẹ cháu sức khỏe sẽ sang viếng thăm các bác.

Mọi người quây quần vui vẻ chung quanh bàn tiệc dọn sẵn. Yến Nhi gặp lại Tiểu Thanh lòng mừng vô hạn. Khải Hùng không giấu được sự cảm xúc khi thấy Yến Nhi đã lớn, dịu dàng, xinh đẹp nhưng vẫn giữ được những vẻ hiên ngang của con nhà võ.

Bỗng một lá ngô đồng rơi vào giữa tiệc. Cụ Thiết Hào cười bảo :

- Vương Tiên Sinh tới đây rồi. Thật là đúng hẹn.

Phút chốc Vương Thái Hòa bước vào, mọi người vui mừng chào đón. Giữa tiệc họ Vương cười bảo :

- Khải Hùng đóng góp rất nhiều cho cuộc chiến đấu vừa qua. Tôi muốn nhân bữa tiệc này đứng làm mai mối nối liền nhân duyên hai họ Lý, Trịnh, chẳng hay quí vị có chấp thuận không ?

Tiêu Diện Hổ nói :

- Thực là ý kiến hợp lý không biết chừng nào. Giòng dõi võ hiệp không nên để cho tuyệt diệt mà phải giúp cho nên vợ chồng để có con cháu lưu lại đời sau. Không rõ đàng gái thế nào, chứ đàng trai này rất là ưng ý rồi đó. Chúng ta nên hỏi Yến Nhi, kẻo lại bày sự hôn nhân cưỡng ép e rằng chú rể cũng khó lòng mà gần được cô dâu.

Cụ Thiết Hào nói :

- Hai kẻ đã gần nhau lâu, có thể rõ tính tình của nhau. Chúng ta là những người đã mệnh danh võ hiệp, chống kẻ quyền thế áp bức, tiêu diệt bè lũ gian tà, lẽ nào trong việc xây dựng hạnh phúc con cái ta lại áp bức chúng sao ! Vậy hãy để tôi hỏi lại Yến Nhi… Này, Yến Nhi, con có bằng lòng không nào ?

Yến Nhi cúi đầu xuống bàn, đáp rất nhỏ nhẹ :

- Tùy cha định đoạt, con không thể tự mình quyết định được đâu.

Nói xong bẽn lẽn chạy vào trong nhà.

Diện Hổ cười nói :

- Không biết tức là biết rồi. Đó là ngôn ngữ của các cô gái.

Cụ Thiên Hộ cũng cười nói :

- Thế ra có thừa võ nghệ cao cường mà vẫn không hề thay đổi bản chất dịu dàng của người phụ nữ. Hay lắm ! Tốt lắm !

Mọi người nhìn nhau và cười vui vẻ.


VŨ THIÊN LÝ