Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

CHƯƠNG 5_HAI TỜ DI CHÚC

 5


CUỘC ĐỐI THOẠI


Dọc theo bờ sông, trên mặt đường, một lớp bùn mỏng bao phủ đều khắp chỉ còn rải rác đó đây một ít chỗ rải đá và đất đỏ cứng được nước mưa chùi sạch.

Mỹ Ngọc bảo Ái Lan :

- Ái Lan cho xe chạy thật chậm nghe ! Con đường này cứ bị một trận mưa lớn, là nguy hiểm lắm đó... ! À, này, chị hỏi thật, em có việc gì gấp, cần phải về lắm không ? Nếu không, thì ngủ lại, sáng mai về sớm cho chắc ăn !

- Ối, không được đâu chị Ngọc ơi ! Thế nào em cũng phải về tới nhà trước ba em. Chị đừng lo, không sao đâu ! Em chỉ thắc mắc là đã làm phiền hai chị quá, nên em...

Mỹ Ngọc cắt ngang ngay :

- Đừng nói như vậy, Ái Lan ! 
Sắc mặt cô gái nghiêm hẳn lại  Chị giận em lắm đó !

Mỹ Liên phụ họa :

- Tụi này được tiếp đón Ái Lan là vui mừng hết lớn rồi đó nghe.

Ái Lan tươi cười cám ơn Ngọc, Liên rồi quay ra đi tới vựa rơm lấy xe.

Em vừa đạp cho máy nổ, thì Mỹ Liên đã theo ra kêu lên :

- Thôi đừng đi vội, Ái Lan ! Coi bộ đường sá nguy hiểm quá hà !

Mỹ Ngọc đứng ở hàng ba, nói với ra :

- Nếu có gì rắc rối thì quay lại ngay, nghe Ái Lan !

Mỹ Liên lo lắng hiện lên nét mặt :

- Cẩn thận chạy chầm chậm thôi nhé ! Nếu không, đâm vào cây thì nguy đó !

Ái Lan bật cười khanh khách :

- Lăn xuống sông mới nguy hơn chứ, đâm vào cây, đã ăn thua gì !
  Em cố nín cười, phụng phịu đôi má lúm đồng tiền, chẩu đôi môi vờ làm mặt giận : – Hai chị nói làm em run rồi đó nghe, không dám mó vào tay lái nữa ! Chắc các chị cũng chỉ mong có thế, để em phải ở lại chớ gì ?

Mỹ Ngọc đã đứng sau lưng em từ bao giờ :

- Không có đâu ! Ái Lan ! Các chị chỉ mong em về tới Đà Lạt bình yên, mạnh giỏi thôi !

Ái Lan giơ tay, miệng nhoẻn nụ cười tươi, quay cần vào số 1. Chiếc Vespa xinh xinh bóng loáng lăn bánh chầm chậm trên quãng đường hẹp lát đá tảng, nối liền với đường cái. Mấy phút sau, đụn khói phía sau cũng theo xe và người biến mất hút sau rặng cây xanh mọc dài theo hai bên lề con đường trải đá.

Đường đi không ngờ lại chẳng có gì đáng gọi là nguy hiểm như ba cô gái đã lo sợ. Tuy đôi khi bánh xe lăn trúng đám bùn trơn trượt, nhờ Ái Lan luôn luôn chăm chú nhìn đường, hãm bớt tốc lực kịp thời, nên không xảy ra sự gì đáng tiếc.

Nửa giờ sau, em đã tới quốc lộ Sài Gòn
Đà Lạt. Khi chiếc xe, máy nổ êm êm, lên tới quá nửa đèo Prenn, Ái Lan vụt quyết định :

- "Trước khi về nhà, mình phải ghé vào văn phòng của ba mới được !"

Những nóc nhà đầu tiên của Đà Lạt đã hiện ra, và năm phút sau, Ái Lan đã dựng xe trước cửa văn phòng luật sư Minh. Liếc mắt nhìn nhanh : "Con ngựa sắt" của em bùn dính tèm lem, mặt kính nhựa cản gió dính đầy lá cây, cọng cỏ. Ái Lan vỗ vỗ vào chiếc yên da êm ái :

- Yên trí đi mày, "thần mã" ! Rồi về nhà tao sẽ tắm rửa cho mày thật sạch sẽ, nghe !

Đặt chân thong thả bước vào nơi cha làm việc, em không ngớt lẩm bẩm : "Kể thì khá mệt, nhưng cũng bõ công ! Nếu không có trận bão nguy hiểm trên bờ sông La Ngà, thì làm sao mình lại được biết hai chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên".

Luật sư Minh sáng rỡ hẳn nét mặt khi chợt thấy Ái Lan bước vào. Ông thở ra một hơi dài nhẹ nhõm :

- Trời ! Bây giờ ba mới yên tâm ! Thiệt ba đã lo quá đi khi nghĩ đến con gặp mưa bão giữa đường. Ba đã gọi điện thoại về nhà. Chị Năm nói con chưa về, ba lo quá, đã tưởng con bị rắc rối gì rồi !

Ái Lan làm vẻ mặt quan trọng :

- Rắc rối thì không có gì rắc rối đâu, ba ! Nhưng con vừa mới trải qua một cuộc mạo hiểm !

Và em kể lại rành mạch cuộc gặp gỡ hai chị em Ngọc
Liên, và một số tin tức liên hệ đến tờ di chúc của cụ Doanh.

- Mỹ Ngọc, Mỹ Liên sống trong cảnh nghèo, nhưng tính tình cao quý lắm ba à !

Ái Lan kết thúc câu chuyện mạo hiểm bằng lời nói trên.

- … Và con muốn ba con mình giúp hai chị ấy một cái gì nghe ba ! Con thấy rõ là các chị Mỹ Ngọc, Mỹ Liên thật xứng đáng hưởng một phần gia tài của cụ Phạm Tú Doanh, nhưng sẽ không hy vọng gì nếu không có người giúp đỡ !

Ông Minh, ánh mắt xa xôi, trầm ngâm suy nghĩ :

- Theo như lời con vừa nói thì chắc chắn là cụ Doanh có để lại cho hai chị em côi cút ấy một cái gì rồi đó. Và riêng phần ba, ba cũng chẳng ưa gì gia đình Phạm văn Phàm, cho nên, nếu họ bị mất quyền hưởng cái gia tài mồ hôi nước mắt của cụ Doanh thì..., không phải là ba có ác ý, cũng là hợp lý, hợp tình. Khó chịu nhất là cái thái độ nghênh ngang của họ : chưa chi đã hí hởn làm bộ làm tịch coi như đã là của mình hết cả rồi đó. À, này con ! Ba muốn gặp hai chị em Ngọc
Liên, để chỉ dẫn cách thức cho họ, liệu có được không ? Nếu được, thì xem hôm nào tiện, con viết thơ mời hai chị em cô ấy lên chơi nhà mình, gặp ba, con nghĩ sao ?

- Vậy thì hay lắm ba à !

Luật sư Minh mỉm cười :

- Con bảo rằng Mỹ Ngọc và Mỹ Liên không biết một tí gì về tung tích cái tờ di chúc thứ hai đó cả ?

- Đúng đó, ba ! Các chị ấy chưa hề trông thấy có một lần nào nữa kia !

- Thôi được ! Nhưng ba vẫn tin rằng, qua câu chuyện trao đổi với hai chị em cô ấy, thế nào cũng sẽ thâu lượm được một vài tin tức gì hữu ích !

- Vâng ! Ba xem nếu tiện thì con biên thơ mời các chị ấy mai lên được không ?

Ông Minh lật cuốn sổ tay trên mặt bàn giấy :

- ... Ồ, may quá, được ! Được đó con ! Kể từ chiều hôm nay cho tới hết ngày mai, ba không có cái hẹn nào hết. Con viết nói cho các cô ấy biết : 3 giờ chiều mai, nghe !

Ái Lan nhảy lên nắm cánh tay cha giật giật.

Đôi mắt em sáng rỡ như đã đạt được sở nguyện, miệng vui cười láu táu :

- Con biết ngay là thế nào ba cũng chịu giúp hai cô gái đáng thương đó mà !

Rồi nhún nhảy hai chân như người khiêu vũ, em tiến ra phía cửa, quay nhanh mặt lại, tinh nghịch nháy một bên mắt và cái miệng thì liến láu :

- Ba hứa rồi, thế là con yên trí ! Thôi con về nhà đây ! Ba làm việc đi, nghe ba !

Thế rồi, suốt cả ngày hôm ấy rồi đến cả sáng hôm sau nữa, tia mắt Ái Lan cứ chăm chăm theo dõi hai cây kim trên mặt chiếc đồng hồ lớn treo trên tường : em chờ đợi hai chị em Ngọc, Liên.

Ái Lan biết rõ Mỹ Ngọc, Mỹ Liên là những người biết trọng lời hứa, nhưng em vẫn thắc thỏm : gần 3 giờ rồi mà vẫn chưa thấy bóng ai.

Đột nhiên chuông điện ai bấm ở ngoài cửa reo vang trong phòng khách. Ái Lan nhảy nhổm lên :

- Chắc Mỹ Ngọc, Mỹ Liên ! Có thế chứ !

Quả đúng hai chị em cô gái bất hạnh. Ái Lan tươi cười niềm nở nắm tay hai người đưa vào ngồi trong phòng khách.

Phút bỡ ngỡ ngượng nghịu lúc đầu qua mau, Ngọc, Liên bình tĩnh dịu dàng trả lời những câu hỏi của luật sư Minh.

- Hai chị em cho tôi biết rõ về tính tình cụ Phạm Tú Doanh nhé. Theo tôi nghĩ thì ông cụ hơi có vẻ khác thường đó ! Đúng không nào ?

Mỹ Liên bật thốt :

- Dạ, thưa đúng vậy đó, luật sư ! Hồi còn sống nhiều khi kính trắng đeo trên mắt mà bác cứ loanh quanh đi tìm khắp nơi trong nhà.

- Thế các cô có thấy thỉnh thoảng cụ Doanh lại âm thầm tìm chỗ cất giấu đồ riêng của mình không?

Mỹ Liên cười :

- Dạ, cái đó thì có ! Bác Doanh có cái tật là thích cất đồ tại những nơi thật kín đáo chỉ riêng mình bác biết. Có thể là bác cẩn thận quá sức mà lại hóa thành lẩn thẩn. Nhiều khi bác cất giấu vào một chỗ nào kỹ quá, bí mật quá để rồi chính bác cũng… quên cái chỗ ấy luôn, không còn tìm ra được món đồ đó nữa !

- Và qua những lời cụ nói chuyện với chị em cô thì có cái gì khiến các cô có thể nghĩ rằng ông cụ đã lập tờ di chúc thứ hai rồi ?

Cô gái lắc đầu :

- Dạ thưa luật sư, cháu không nhớ !

Mỹ Ngọc chợt nói to :

- Ấy có, có chứ Liên ! Thưa luật sư, cháu còn nhớ rõ, một hôm bác về thăm nhà chúng cháu, bác nói chuyện tụi nhà ông Phàm và cái cung cách ông ta nhằm thu vào trong tay gia tài của bác. Bác nói một câu như thế này :
"Ha ! Tụi nó tưởng cá đã nằm trong giỏ đó chắc ! Và sau một tiếng cười nhạt, bác có tật hay cười nhạt như thế, bác nói tiếp : Có lẽ bác sẽ làm cho tụi hèn hạ này bị cụt hứng một phen, cho bộ mặt chúng hết vác lên, mất tuyệt đi cái vẻ làm bộ, khinh người như cỏ rác mới được. Bác sẽ làm cho chúng nó trắng mắt ra khi trông thấy một lá chúc thư khác. Bác sẽ viết một lá chúc thư khác, rồi sẽ không giao cho ai hết ! Bác sẽ tự tay cất giấu một nơi thật chắc chắn !"

Mỹ Liên gật gật đầu :

- À, à... đúng rồi, phải phải, em nhớ ra rồi !

Luật sư Minh chợt hỏi :

- Thế khi nói ra những câu như thế, thì hồi đó cụ Doanh đã về ở nhà Phàm chưa ?

Mỹ Ngọc :

- Dạ ở rồi ạ !

Luật sư Minh lại hỏi :

- Vậy theo ý hai cô, thì có thể là cụ Doanh đã cất giấu tờ di chúc mới này nội trong nhà ông Phàm?

- Dạ thưa, chị em chúng cháu lúc đầu cũng chỉ nghi nghi thế thôi, nhưng rồi thì chúng cháu đoán chắc là sự việc tất cả phải xảy ra như thế rồi.

Ông Minh và Ái Lan liếc mắt nhìn nhau một cái thật nhanh. Hai cha con cũng đã có ý nghĩ như vậy. Nếu quả thực cụ Doanh đã cất giấu tờ chúc thư tại nhà ông Phàm, và lỡ đã lọt vào tay ông, tất nhiên ông ta phải tiêu hủy gấp cái tờ giấy nguy hiểm cho gia đình ông đó rồi chứ !

Luật sư Minh còn hỏi thêm vài câu nữa và chị em Ngọc, Liên cố gắng nhớ lại các việc đã qua để trả lời cho minh bạch. Nhưng tựu trung cũng không thêm được một tin tức nào khác có thể soi chút ánh sáng qua bức màn bí mật.

Ái Lan đứng lên pha trà, lấy bánh đậu mời cha và chị em Ngọc, Liên uống nước trà, ăn bánh. Rồi, hai cô gái lễ phép xin được ra về, đồng thời nồng nhiệt cám ơn ông Minh đã để tâm đến việc khó khăn của họ.

Luật sư Minh cùng con gái tiễn hai chị em ra tận cổng :

- Nếu có thể giúp các cô được việc gì tôi sẽ hết lòng ! Và đừng có ngại gì phí tổn thù lao cả nhé ! Nhưng có điều là hiện nay chưa tìm ra được tờ di chúc thứ hai thì vẫn chưa thể làm cái gì cho thắng lợi được cả !

Hai cô gái đi rồi, Ái Lan đưa mắt ngó cha như dò hỏi. Ông Minh nói ngay :

- Đúng như lời con nói, hai chị em Mỹ Ngọc, Mỹ Liên quả thật hiền ngoan lắm và rất xứng đáng cho cha con mình giúp đỡ một tay.

Ái Lan nôn nóng :

- Vậy thì ba nhất định sẽ giúp họ chứ hả ba ?

- Hừ ! Chỉ ngại là không làm nên trò trống gì thôi !
Giọng nói luật sư có vẻ kém vui. Có thể là tờ giấy quan hệ đó đã mất tiêu luôn rồi chứ chẳng không đâu ! Hà ! Biết đâu chừng !

- Vậy là ba nghi nhà ông Phàm... ? Con cũng nghĩ thế đó ba à ! Vô phúc mà lá chúc thư mới này lọt vào tay họ, con dám chắc họ sẽ thủ tiêu lập tức đó ba ! Nhà họ thì có bao giờ lại ngại ngùng do dự trước bất cứ một việc xấu nào. Miễn là có lợi !

- Ba đồng ý với con. Tuy nhiên đó chỉ là những giả thuyết riêng của ba và con. Nghi thì cứ việc nghi, nhưng chớ có nói ra cho chị em cô Ngọc biết sự nghi ngờ của mình. Vẫn biết hai người bạn mới của con có quyền hưởng một phần gia tài của cụ Doanh để lại thật, nhưng cũng vẫn không thể khiếu nại cho hữu hiệu được một khi chưa tìm ra tờ di chúc mới kia.

Giọng nói Ái Lan trầm hẳn xuống :

- Ba nói đúng lắm !

Tuy vậy em vẫn không hề một phút nào nghĩ đến chuyện bỏ cuộc giúp đỡ hai chị em Ngọc, Liên. Em vẫn ngấm ngầm hy vọng biết đâu một ngày kia, nhờ một phép mầu nhiệm nào đó, hai cô gái nghèo lại được hưởng một phần cái di sản mà người để lại muốn cho các cô hưởng. Và em ngẫm nghĩ :

"Phải lắm ! Nếu tờ di chúc mới này đã bị tiêu hủy rồi thì đành chịu thua. Nhưng một khi mình chưa tìm ra được bằng cớ dấu vết gì chứng thực là nó đã bị thủ tiêu thì nhất định là chưa chịu bỏ cuộc."

Đứng phắt lên, nét mặt cương quyết, Ái Lan giơ nắm tay đấm dứ vào không khí : 

- Thế nào mình cũng phải tìm hiểu bằng được số phận cái tờ di chúc này của cụ Doanh xem nó đã ra sao rồi ! Trở ngại, khó khăn ! Bất chấp hết !

________________________________________________________________________ 
Xem tiếp CHƯƠNG 6