Thứ Năm, 16 tháng 3, 2017

VÀNG THÁP HỜI (IV) - Vũ Hạnh


Nàng Phô-Mai ở với mẹ già trong một xóm thôn hẻo lánh, xa cách kinh đô chừng bốn dặm đường. Năm mười lăm tuổi, nàng mới biết nhìn khá lâu bóng mình dưới nước rồi bỗng thẹn thùng quay đi, kéo tóc rủ xuống vành môi để giấu nụ cười. Một hôm, đi mua lá dâu trong núi trở về, nàng theo tìm hoa bông biếc ở dọc chân đồi để về ướp xôi và lạc đến một vườn cây vắng vẻ có một ngôi nhà cô độc bốn bề cửa ngỏ mở tung như đón chờ ai.

Phô-Mai đứng ở đầu sân lễ phép gọi người trong nhà để xin nước uống. Ba lần, tiếng gọi của nàng chỉ có khoảng không dội lại. Đã toan quay đi, chẳng rõ vì đâu nàng lại quay vào. Thoáng nhìn bên trong, nàng thấy có những sắc màu lấp lánh, xôn xao bóng đáng nhiều người nín lặng ven tường. Phô-Mai tưởng mình lạc vào thế giới hoang đường của chuyện cổ tích có những yêu ma dựng cảnh bên đường để chọc ghẹo người. Nhưng không, la liệt quanh nàng là những bức tranh linh động và những lọ mực, nghiên son, giá bút, bình hoa. Phô-Mai nhìn không chán mắt sự sống phong phú phơi bày trong một quang cảnh nghèo nàn. Hình như trong ngôi nhà tranh đơn giản đã tụ hội lại bao nhiêu con người, bao nhiêu cảnh sắc, nào voi nào ngựa ở chốn kinh kỳ, nào chim nào cỏ ở miền hoang dã. Có những vị tướng hiên ngang vung kiếm ngoài chốn chiến trường, có cô thôn nữ hiền lành – như nàng Phô-Mai – hái dâu bên suối khi ánh vàng đông vừa mọc.

Giữa phút nàng đang ngơ ngẩn thì có tiếng động bên ngoài.

Chủ nhân đã về.

Phô-Mai luống cuống không dám ngước nhìn, ấp úng một lời xin lỗi vì sự đường đột của mình. Nhưng vẳng bên tai, nàng nghe một giọng ôn tồn:

- Cầu mong có những lầm lỗi của nàng để ngôi nhà này thêm một niềm vui mới mẻ. Tưởng nàng là người trong tranh do một phép lạ hiện xuống cõi trần nhưng may mắn thay, nàng chính là người sống thực. Cứ nghĩ trọn đời tranh vẽ của ta phải đem cho hạng quyền quí ở chốn kinh thành thưởng thức bằng những cái nhìn nửa mắt để mua cơm áo hàng ngày nuôi lấy sự sống nghèo nàn, ai ngờ còn có một người… Xin nàng cứ tự nhiên ngồi xuống tấm chiếu này, xin nàng cứ nói những điều nàng nghĩ. Ở đây chỉ có mỗi một mình nàng thay mặt cuộc đời, còn ta đã thuộc về phần tranh vẽ.

Phô-Mai không dám ngồi xuống tấm chiếu, cũng không dám nói những điều nàng nghĩ. Đôi má ửng đỏ như màu dâu chín, nàng nghiêng tai đón lấy những lời chuyển về từ một cuộc sống xa lạ với nàng. Nhưng nàng cảm thấy niềm vui rất nhẹ, một nỗi an ủi mơ hồ, ít nhiều băn khoăn mà nàng không sao hiểu được căn nguyên. Nàng đứng nhìn xuống mấy ngón chân mình ép trong quai dép da trâu sờn mòn và muốn thoát khỏi rất mau một nơi mà nàng bắt đầu nhận thấy có sự âm thầm lưu luyến.

Giây lâu, nàng nghe giọng nói chậm rãi càng đến gần nàng:

- Tôi lại có lỗi với nàng vì nói những lời đường đột. Cỏ non đầu xuân không thể chịu được gió Bắc trái mùa. Đã lâu, sau cơn địa chấn gieo nhiều tang tóc cho nước Chiêm Thành yêu dấu thì không bóng người lui tới vùng này. Ngày nay, nàng lại đến đây, phải chăng là để báo hiệu cho cơn địa chấn thứ hai. Mong rằng dù cho rung chuyển đất trời, hãy để mình ta chịu thiệt còn nàng thì nên sống mãi để nuôi mẹ già.

Bấy giờ, Phô-Mai mới ngẩng đầu lên và nàng nhìn thấy rõ người đứng trước mặt nàng. Những gì bình dị mà kiêu hãnh, mãnh liệt và xót xa như trộn vào nhau để tạo nên chàng. Và nàng bèn hỏi:

- Sao biết được tôi còn có mẹ già?

Chàng mỉm nụ cười dè dặt, đáp bằng giọng nói ôn tồn quen thuộc của chàng:

- Nếu đoán không lầm, có lẽ nàng ở thôn Đông cách đây năm sáu dặm đường. Nhà nàng bên ngôi giếng đá, có khóm ngọc lan rủ bóng bên sân. Ta đã gặp nàng khá lâu, khi nàng còn nhỏ nô đùa bên giếng với hoa ngọc lan gài trên mái tóc buông dài. Nàng đừng ngạc nhiên gì hết, ta quen nhìn ngắm mặt người thế thôi. Chắc ta có thể ngồi đây hồi tưởng để ghi lại trên màu giấy bao nhiêu khuôn mặt, dáng người đặc biệt ở khắp vùng này. Đó là thói quen nghề nghiệp như nàng quen nhớ lứa tằm và những màu dâu. Ban đầu, chưa nhận ra nàng, vì tuổi thanh xuân đã biến đổi nàng nhiều quá nhưng trong giây lát ta thấy cô gái ngày xưa thấp thoáng trong nàng. Những cô thiếu nữ đều lớn vội vàng và đuổi kịp những đàn ông lớp trước. Chắc rằng bao nhiêu bạn trai nô đùa bên giếng với nàng thuở ấy ngày nay đã đứng rất xa để ngắm nhìn nàng hoặc đang còn kết những lá bồ đề làm mão để đuổi bắt nhau trong mấy nương dâu.

Phô-Mai chớp mắt và nhoẻn miệng cười:

- Tôi không biết nói những gì vì ông đã nói hết rồi. Trời xế rồi kìa, tôi phải đi về kẻo mẹ chờ mong.

Chàng trông ra ngoài rồi bảo:

- Trời vừa nghiêng bóng về non nhưng tại cây vườn khuất nắng cho nên dáng xế tiêu điều. Dầu sao, đường vắng, nhà xa, nàng phải vội về kẻo muộn.

Bỗng chàng nhìn xuống đôi bàn chân nhỏ của nàng rồi nói:

- Hãy khoan, quai dép của nàng có chiếc sờn mòn sắp đứt, để ta khâu lại cho nàng. Sỏi đá dọc đường khúc khuỷu không hề thương đến chân ai.

Nàng muốn đón lây kim chỉ ở trong tay chàng nhưng chàng yên lặng, lắc đầu, cúi xuống trên chiếc dép da đã mỏi mòn rồi. Phô-Mai luống cuống tháo dép vội vàng đưa đến tay chàng. Hình như bàn tay của chàng có đủ khéo léo để làm bất cứ việc gì và nàng Phô-Mai chỉ biết ngồi im, rưng rưng cảm động trong lòng.

Khi đưa tiễn nàng ra một quãng xa và chỉ con đường gần nhất cho nàng về nhà, chàng nói:

- Mong cho lứa tằm của nàng chóng lớn để nàng sớm đi vào núi tìm dâu. Nhưng khi nắng ngả về trưa, có dịp mỏi chân, nàng chớ quên ngôi nhà cũ.

*

Sau đấy, trong chuyến tìm dâu, Phô-Mai trở lại con đàng tìm hoa bông biếc hôm nào. Nàng mong chóng đến nhà chàng nhưng khi thoáng thấy ngôi vườn quen biết nàng lại rẽ theo lối khác. Khi nhìn trở lại đã khuất xa rồi, lòng nàng trở nên buồn bã và nàng ngồi xuống mô đá ven đường, mình giận cho mình không biết bao nhiêu. Chuyến sau, Phô-Mai lại nhớ màu hoa bông biếc ven đồi. Vừa thấy ngôi vườn, nàng toan rẽ theo lối khác – để mà giận mình thêm nữa, về sau – nhưng thoáng thấy chàng thơ thẩn đợi chờ, tim nàng rộn rã niềm vui khó tả. Chuyến viếng thăm này, Phô-Mai nói chuyện nhiều hơn lần trước, và lần sau đấy, Phô-Mai càng nói nhiều hơn, cho đến một lúc A-Doan, người họa sĩ kia, nhận thấy giọng nàng hay hớn bất cứ một thứ âm nhạc nào trên cõi trần gian.

Nàng đến kể lại cho chàng nghe chuyện của nàng thuở nhỏ, nói đến mẹ nàng già yếu và điều mơ ước của nàng. Nàng vừa pha mực, mài son, nàng vừa kể lể, y như tiếng chim ríu rít đón mùa xuân đẹp trở về. Nhiều lần chàng ngừng tay vẽ, bảo nàng:

- Giọng nàng êm dịu làm sao, tưởng như suối mật lưng trời tuôn xuống từng dòng bất tận. Tiếng hát là sự cố gắng công phu không sao gợi niềm xúc động thâm trầm bằng lời ngọt ngào tự nhiên của người yêu dấu.

Và như tất cả những người nghệ sĩ chân chính trên cõi đời này, chàng vẫn cảm thấy xót xa cho sự bất lực của phương tiện mình diễn đạt trong khi khao khát vô biên:

- Tiếc thay, tiếng nói là sắc diện tinh thần của mỗi con người, ta không có tài về nhạc để ghi giữ lại lời nàng.

Nàng bảo:

- Chàng ghi giữ lại làm gì? Em còn gần được bên chàng thì không có cơn gió nào thổi tắt được lời em nói.

Lòng chàng cảm thấy niềm vui tràn ngập. Chàng tìm lại nỗi tự hào rơi lạc của mình:

- Bàn tay của ta không ngừng tạo tác và ta nhờ nàng mà thêm những mối nhiệt tình. Những lời nàng nói thấm vào da thịt của ta chuyển ra nét bút nhiều màu phơi bày sức sống cho đến vô biên. Trong các công trình mà ta thành đạt có nàng chung sức góp phần. Chúng ta vẽ niềm hy vọng, vẽ lòng thương yêu, và đời hạnh phúc, và cảnh thái hòa, ta phải ghi cho đậm nét đẹp màu.

Hai người ngồi tựa bên nhau, cảm thấy ngày mai tươi tốt, sáng ngời. Nàng ngước đôi mắt long lanh âu yếm hỏi chàng:

- Bao giờ chúng ta mới sống bên nhau mãi mãi?

Và chàng trả lời, áp tay lên má của nàng:

- Một thời gian nữa, khi những bức tranh mà ta phác họa với nàng đã được hoàn thành.

Nhưng một sớm kia, bụi mờ bốc lên ngoài cõi biên thùy. Vó ngựa quân thù ồ ạt xéo dày đồng lúa tươi xanh. Người dân Chiêm Thành vội vàng xếp bộ lễ phục dài tay quen dùng nơi chốn đền đài để choàng nhung y ra ngoài trận mạc.

A-Doan tìm về thôn Đông, khi ánh mặt trời sắp tắt. Nàng thấy mặt chàng tái nhạt hẳn đi nhưng vành môi chàng mím lại. Chàng bảo với nàng:

- Ngày mai ta đã đi rồi. Chúc nàng bình yên để lo nghĩ đến mẹ già trong ngày xế bóng.

Nàng cố nén lòng, nhưng suối nước mắt tuôn tràn trên má. Giây lâu nàng mới ngập ngừng:

- Tại sao chàng quá vội vàng?

Chàng đáp:

- Đã trễ lắm rồi. Đáng lẽ phải đi từ lâu nhưng ta nghĩ ngợi đến nàng và ta trì hoãn. Bây giờ ta thấy rằng ta không xứng với nàng nếu ta cứ sống lẩn lút như loài sâu bọ.

Nàng gượng nói lên một câu cản trở cuối cùng:

- Nhưng chàng phải giữ tài hoa của nét bút chàng. Chiến đấu là phần kẻ khác.

Chàng vội lắc đầu:

- Quân thù tàn bạo không hề biết đến tài hoa. Chiến địa là chỗ đứng chung của mọi người yêu nước. Thêm nữa, tài hoa của ta chỉ là màu lan thanh quí ủ hương trong xó đền đài nếu không thấm nhuần đau khổ lớn lao trăm họ, nếu không chia xe hy sinh bừng dậy muôn dân. Ta muốn nét vẽ của ta thuộc về đông đảo cuộc đời và mang sức mạnh giống nòi bất khuất. Ta đi chiến đấu là để bảo toàn nét vẽ của ta. Nàng cứ yên lòng chờ đợi. Bao giờ ta cũng tưởng nhớ đến nàng, cũng thấy nàng trong giấc ngủ.

Mặt trời lặn xuống, xóa nhòa hình ảnh A-Doan sau rặng cây đồi. Phô-Mai nhìn theo đến khi bóng tối tràn lan và lớp sương đêm thấm lạnh áo nàng.

Những ngày chờ đợi, Phô-Mai thỉnh thoảng tìm đến vườn xưa. Đĩa mực nghiên son, vẫn còn tươi thắm ý tình ngày cũ. Nhưng mấy tranh vẽ dở dang, với những con người chưa được hoàn tất, chim muông chưa được điểm tô, cây cỏ chưa được sửa đổi bày ra ở trước mắt nàng hình ảnh của sự điêu tàn, đổ vỡ, của những tang tóc đau thương.

Và mỗi ngày qua, gió bụi tanh mùi tử khí băng qua làng mạc ruộng đồng. Bờ tre, hốc núi, xao xác vó ngựa quân thù tàn bạo. Khói lửa loạn ly ngùn ngụt dâng cao, như bốc căm hờn lên thấu chín từng xanh thẳm.

Rồi lửa tàn, gió lặng, những lớp bụi mờ lần lượt tan mau. Thái bình nhợt nhạt phục hồi và trên các nẻo đường về thất thểu bóng người trở lại.

A-Doan về đến vườn xưa mà bao công trình dang dở đợi chờ.

Nhưng cánh tay tài hoa, chàng đã gởi lại chiến trường.

Và người họa sĩ cụt tay, một sớm, tìm về cô gái thôn Đông.

Đến nơi, chỉ là tro than mấy đống, vườn cây xơ xác tiêu điều. Riêng khóm ngọc lan vẫn nở lớp hoa cuối mùa thơm ngát một vùng tàn phá.

Chàng đứng tần ngần, đau nhói tim gan, thấy cả đất trời mờ tối.

Bỗng nàng Phô-Mai từ một túp lều rách nát, hiện ra.

Chàng muốn chạy lại phía nàng, ôm chặt lấy nàng. Nhưng sực nhớ mình tàn tật, chàng đứng lặng yên, chua xót ngậm ngùi.

Và nàng tiến lại trước chàng, những muốn kêu lên mừng rỡ. Nhưng nàng không sao thốt được lời nào.

Phô-Mai đã mất tiếng nói, đã hóa thành câm, từ khi uất hận nghẹn ngào trước cảnh quân thù hành hạ người mẹ già nua đến chết mà nàng phải đành bất lực.

Cánh tay tài hoa mà nàng yêu quí ngày xưa, giọng nói êm đềm mà chàng cảm mến thuở nào, chiến tranh đã cướp mất rồi.

Hai kẻ tật nguyền nhìn nhau giây lâu cùng cúi gục đầu để che những giọt nước mắt đau thương.

Cuối cùng A-Doan ngẩng lên, và bằng giọng nói ôn tồn quen thuộc, chàng bảo với nàng:

- Ta sẽ hoàn thành tất cả công trình dang dở đang đợi chờ ta bằng cánh tay còn sót lại. Chiến tranh không sao thắng nổi sức người, ta sẽ luyện lấy tay ta và đổi nghề ta thành nghề xây dựng sau những điêu tàn. Nàng chớ buồn phiền, Phô-Mai yêu dấu của ta. Nàng dù đã mất tiếng nói ngọt ngào thuở trước, nhưng ánh mắt nàng còn đấy, và tấm lòng nàng còn đấy, chúng ta không thể xa nhau.

Nhưng trước sự im lặng của người đàn bà, A-Doan lại nhớ cánh tay đã mất và người họa sĩ kiêu hãnh tưởng gặp nỗi lòng lạnh nhạt. Và trước lời an ủi của người đàn ông, Phô-Mai nghĩ đến giọng nói ngọt ngào đã mất và nàng tưởng nghe một sự xót xa. Mỗi người tưởng rằng họ chỉ gặp gỡ được lòng thương hại và họ không sao tìm lại tình yêu.

Do đó, gần nhau mà vẫn xa nhau, tấm lòng tự ái như một chất phèn làm cho tê dại chồi cây ái tình vươn mọc.

*

Một hôm, nhà vua Sạ-Khả tuần du quanh vùng ngoại thành để xem những mơi đã bị tàn phá trong cuộc đao binh.

Kiệu rồng kéo qua thôn Đông, vua thấy một nàng thiếu nữ xinh đẹp bên đường.

Vua truyền dừng lại hỏi thăm nhưng nàng không tâu lên được lời nào. Môi nàng duyên dáng mấp máy nghẹn ngào, mắt nàng trong xanh sáng ngời lấp lánh, và đôi má nàng chín đỏ như quả hồng đào khi thấy nhà vua đăm đắm nhìn mình.

Cho hỏi sự tình, biết cảnh ngộ nàng, nhà vua hết sức xúc động, truyền đem lụa là tiền bạc cho nàng.

Khi vua đi rồi, nàng đem những thứ vua cho tìm đến A-Doan.

Chàng đang vẽ bằng tay trái của mình, đôi mày nhíu lại làm cho vừng trán ưu tư thêm những vết nhăn sáng tỏ những giọt mồ hôi lấm tấm.

Nàng đặt lên trên lòng chàng tiền bạc, lụa là rồi nàng cầm lấy cây bút của chàng vẽ lên giấy, mấp máy đôi môi mà nói cùng chàng.

Cúi nhìn tặng vật, A-Doan chợt hiểu. Và chàng đưa cái bàn tay độc nhất còn lại ném tung tặng vật ra trước mặt nàng. Vừng trán ngẩng cao, cặp môi cong lại theo cùng cặp mắt quắc lên, chàng nói bằng giọng hằn học khác thường:

- Ta đã ra ngoài chiến địa cho nên biết rõ quá nhiều sự thực. Chết cho giống nòi được sống tự do thực là đẹp đẽ nhưng chết để bọn quyền quí thêm sự cao sang, thực là tủi nhục muôn phần. Lụa là, tiền bạc nhà vua ban phát cho nàng là vì sắc đẹp của nàng hay vì tiếng nói của nàng đã tắt? Bao cảnh đói khổ, điêu linh nhan nhản trước mắt chắc không có chút bù đền! Ta không muốn được an ủi cánh tay đã mất bằng những lụa là, tiền bạc vốn là xương máu muôn dân.

Nhưng thấy mắt người thiếu nữ long lanh giọt lệ, chàng không ngăn được nghẹn ngào:

- Ta thực có lỗi với nàng, xin nàng lượng thứ. Nhưng nàng đừng bắt lòng ta phải tự khinh ta bằng những vật này.

Rồi chàng nhặt hết lụa là, tiền bạc, đặt lên tay nàng, âu yếm sửa lại vành tóc cho nàng.

*

Nhà vua, sau lần gặp gỡ Phô-Mai trở về, nửa đêm gặp nàng ở trong giấc ngủ. Tỉnh dậy, vua quá ngạc nhiên khi thấy lòng mình bỗng nhiên thương nhớ một người con gái nghèo nàn, mắc phải tật nguyền. Mấy ngày hôm sau, thỉnh thoảng nhà vua vẫn thấy hình ảnh của nàng như một cánh bướm nhè nhẹ bay vào trong vườn hoa cỏ tâm tư rồi khuất chìm trong gió bụi của luồng kỷ niệm chập chờn.

Một sáng, nhà vua về lại thôn Đông. Bảo toán lính hầu chực ở đầu thôn, nhà vua một mình lội qua mấy cánh vườn hoang.

Phô-Mai, đang ngồi dệt vải dưới gốc ngọc lan chợt thấy bóng vị quân vương, vội vã quì xuống dưới nền đất cũ còn lưu dấu vết điêu tàn.

Nhà vua mỉm cười, ra lệnh cho nàng đứng dậy.

Rồi vua bảo nàng:

- Hãy nhìn ta đây và đừng sợ hãi nỗi gì. Ta muốn thay khung cửi dệt của nàng bằng chiếc giường hoa thơm ngát xạ hương, đổi chiếc lều tranh rách nát của nàng bằng một lâu đài giát ngọc, xóa tan cô độc của nàng bằng những niềm vui ở chốn kinh thành. Hãy đi theo ta.

Nhưng người thôn nữ cúi mặt, lắc đầu. Nhà vua chưa hề gặp người đàn bà từ chối trong đời, lấy làm phật ý. Nhà vua quắc mắt bảo nàng:

- Ta không muốn đem mệnh lệnh để khiến sai nàng. Hãy nghe lời ta về chốn lầu son gác tía đang đợi chờ nàng.

Nhưng nàng vẫn cứ cúi mặt, lắc đầu.

Và dòng nước mắt long lanh tuôn dài trên má.

Nhà vua, biết không thể nói cho nàng đổi ý, nhưng trước một vẻ nghèo nàn cô độc, yếu đuối, lặng câm, đành phải giận dỗi quay đi.

Trên bước đường về, nhà vua thấy nỗi băn khoăn xâm chiếm tâm hồn.

Rồi trong giấc ngủ, nhà vua lại gặp gỡ nàng. Sắc đẹp của nàng không phải che bằng son phấn như lớp phi tần chỉ có bề ngoài mỹ lệ, sắc đẹp của nàng là những hương sắc thiên nhiên tươi tốt giữa sự đói nghèo và giữa chiến tranh. Tâm hồn của nàng không phải thêu dệt bằng lời hoa gấm như lớp phi tần hàng ngày đồng thanh những lời tán tụng, tôn xưng nhất loạt như nhau, tâm hồn của nàng là sự lặng yên, là ý chân thành, tựa chất ngọc quí không cần trau chuốt.

Một sáng, nhà vua lại đến tìm nàng.

Nhưng nàng chỉ biết lắc đầu.

Phô-Mai càng chối từ vua, nhà vua càng quyến luyến nàng. Tâm hồn kiêu hãnh chỉ chuộng tình ái khó khăn, nhà vua nhất quyết không thể rời nàng.

- Hỡi nàng Phô-Mai, ta đặt tên nàng lên trên tính danh của đám phi tần. Vừa ý nàng chăng?

Phô-Mai chỉ biết lắc đầu.

- Ta đem châu báu trăm muôn của chốn kho tàng vương giả trao tặng cho nàng. Vừa ý nàng chăng?

Phô-Mai chỉ biết lắc đầu.

- Và cả ta đây, bách tính tôn thờ, vòi vọi trên ngôi cửu ngũ, quyền uy trải khắp san hà, ta đem đời ta giao trọn cho nàng, vừa ý nàng chăng?

Phô-Mai lặng thinh, cúi thấp mái đầu.

Nhà vua thấy lòng xúc động, tiến đến bên nàng.

Nhưng nàng ngẩng lên, giương đôi mắt biếc lạnh lùng nhìn vua và nàng lắc đầu.

Nhà vua nén giận, kêu lên:

- Nàng muốn những gì?

Nàng chỉ khung dệt, chỉ bóng ngọc lan, chỉ tấm lều tranh rách nát và chỉ vào nơi lồng ngực của nàng. Nơi đây, nàng đã mang sâu hình ảnh A-Doan.

Nhà vua không còn tự chủ, tiến lên, muốn giữ lấy nàng vĩnh viễn trong cánh tay mình. Nhưng nàng đã vội lùi lại, nhanh tay ngắt lấy một cành ngọc lan đặt trước mặt mình, rồi nàng quì xuống.

Nhà vua dừng bước, không dám dẫm lên trên cành ngọc lan.

Vì hoa ngọc lan tượng trưng linh hồn tổ quốc Chiêm Thành.

Vua bỗng thấy nàng đưa vạt áo cũ rách sờn lau dòng nước mắt chan hòa. Nước mắt như niềm oán trách, như nỗi phân trần, như một lời than thống thiết.

Cuối cùng, vua bảo với nàng:

- Thôi đi, ta xin trả lại sự sống bình thường, giản dị cho nàng. Dù nàng không muốn chung sống cùng ta nhưng nàng chính thực là người đàn bà mà ta khao khát trong đời. Sắc đẹp của nàng không cần phỉnh phờ bằng vẻ phấn son, và sự câm lặng của nàng phong phú bao nhiêu tình ý. Ta đã gần nhiều phi tần trang điểm công phu, ta tưởng say mê những con người giả. Ta đã nghe lời phi tần kể lể yêu đương và ta chán ngán những trò dối trá. Phỉnh lừa, dối trá, đó là bản chất của sự cao sang mãi mãi giam hồn ta đó. Ta không đến được với nàng vì nàng nhìn quen sự thực và nàng khiếp sợ bao nhiêu sự thực nơi ta. Nhưng dù không được ôm nàng ở giữa vòng tay trói chặt, hồn ta mãi mãi bên nàng.

Về đến kinh thành, nhà vua ra lệnh cho tìm một nhà kiến trúc tài hoa. Nhiều người tiến cử A-Doan đến trước bệ rồng.

Nhà vua truyền lệnh:

- Trên những điêu tàn đổ vỡ của chốn kinh thành sau nạn đau binh, ta muốn xây hai ngôi tháp, một ngôi tháp nhỏ nương kề một ngôi tháp lớn. Trên đầu ta có niềm tin, nơi lòng ta có tình yêu. Hai tháp thờ phụng thần linh, che chở cho ta và nói những gì mà ta khát vọng trọn đời. Ta muốn bảo vệ tình yêu, nhưng trong điều kiện của ta, tình yêu không bảo vệ được. Ngươi hãy vì ta xây dựng nên những công trình toàn hảo nói lên cho được sự bảo vệ này. Không thể tìm thấy ngoài đời, ít nhất cũng tìm thấy trong nghệ thuật. Ta cho ngươi đủ phương tiện dưới tay và gấp hoàn thành trước khi ta về, sau chuyến tuần du.

A-Doan cúi đầu tuân lệnh, đem cái tài hoa rèn luyện nhiều năm gian khổ của mình biểu hiện tình vua. Phấn khởi của niềm sáng tạo làm chàng quên cả bao nhiêu mệt mỏi và chàng ngày đêm chỉ huy xây đắp công trình bằng cái cánh tay duy nhất của mình.

Chỉ một thời gian rất ngắn, hai tháp công phu đã được hoàn thành : một ngôi tháp nhỏ hiền lành đứng trước một ngôi tháp lớn uy nghi, nhìn về bể Đông, chung quanh có những tường thành bao bọc như sự gắn bó đời đời.

Và tiếng nhạc ngựa tuần du trở lại cũng vẳng nghe gần.

Từ xa, thấy đỉnh ngôi tháp sáng ngời trong nắng, nhà vua vui sướng mỉm cười, buông lỏng dây cương, giục ngựa bôn về.

Nhưng đến cổng tháp, một nỗi phẫn nộ khác thường xâm chiếm hồn người.

Lập tức, A-Doan được truyền gọi đến cổng thành.

Vua hét to lên:

- Nhà ngươi là tên họa sĩ tật nguyền dốt nát đã làm xúc phạm đến ta, xúc phạm đến cả thánh thần tối thượng. Tại sao ngươi dám đặt ngôi tháp nhỏ trước ngôi tháp lớn, đem sự yếu hèn đặt trước quyền uy, đem sự lệ thuộc bày nơi chính diện?

A-Doan vội ngẩng cao đầu, mắt chàng sáng quắc long lên một nỗi bất bình tột độ cố ghìm nén lại. Giọng nói ôn tồn ngày xưa đã mất, và chàng khinh bạc trả lời:

- Muôn tâu hoàng thượng, ngài đã lầm rồi. Tất cả công trình sáng tạo không phải là trò suy tưởng mông lung, tùy theo hứng thích cá nhân mà phải phù hợp với hai sự thực : sự thực của bản thân nó, sự thực của hoàn cảnh nó.

Bản thân công trình, theo ý của ngài, là thể hiện lòng bảo vệ, nhưng xin hỏi ngài bảo vệ là gì, nếu không nói là đùm bọc, chở che, là ôm nơi lòng, là ấp nơi ngực, là đem kẻ muốn dựa cậy thân yêu đặt trước mặt mình? Tinh thần bảo vệ chân chính bao hàm ý nghĩa hy sinh về phần kẻ mạnh, chứ không bắt buộc kẻ yếu diễn trò lệ thuộc, tạo một hình ảnh đáng thương của kẻ tôi đòi bé mọn theo sau người chủ phương phi.

Thêm nữa cái công trình ấy nằm trong hoàn cảnh nước ta, ngước mặt nhìn về Đông Hải, hằng năm phải chịu những trận bão dữ thổi cuồng gieo sự phẫn nộ vào trong núi lớn. Cho dù kiến trúc công phu đến mức độ nào, cũng khó đương đầu sức gió, trải qua thời gian phá hoại lâu dài. Bệ hạ hẳn rõ, những gì cao lớn càng dễ tan tành. Ví phỏng, tuân theo thánh ý thì một ngày kia ngọn tháp qui mô đặt trước gió cuồng sụp đổ, thử hỏi tháp nhỏ làm sao thoát được điêu tàn?

Nhà vua lạnh lùng đáp lại:

- Một khi kẻ lớn tan tành, kẻ nhỏ không quyền sống sót.

A-Doan cũng không giấu vẻ lạnh lùng, ngạo nghễ trả lời:

- Thưa ngài, ý nghĩa của sự bảo vệ không phải là để kẻ nhỏ bị chính kẻ lớn chôn vùi.

Rồi nhớ mấy tiếng “tật nguyền dốt nát” phán truyền từ miệng nhà vua, chàng lùi một bước, ngắm nhìn kẻ đủ quyền uy đứng trước mặt mình, nói tiếp:

- Đành rằng kẻ yếu hèn này phải chịu tật nguyền để mà bảo vệ ngai vàng hoàng thượng, nhưng xin hoàng thượng hiểu cho, trên đường nghệ thuật không phải có đủ hai tay mới hết ngu si.

Vừng trán kiêu hãnh càng cao, nụ cười khinh bạc càng đậm và chàng họa sĩ A-Doan hiên ngang đứng trước nhà vua bênh vực cho sự xây dựng của mình.

Nhưng một vị vua bao giờ cũng tin mình chẳng sai lầm. Và thấy rõ được sai lầm của đấng quân vương, là kẻ có tội.

Những kẻ có tội đều đáng bêu đầu.

Lập tức, A-Doan bị đem ra trước cửa thành.

Máu chàng thắm tươi chảy xuống chan hòa mặt đất khiến kẻ qua đường ôm mặt nghẹn ngào.

Nhưng bên xác chàng, một người đã đến.

Lạnh lùng cúi xuống, Phô-Mai rút lấy thanh gươm A-Doan vẫn giắt bên mình.

Thanh gươm còn dính máu thù mang về từ chốn chiến trường để làm kỷ niệm.

Thanh gươm của kẻ suốt đời chỉ biết chiến đấu bênh vực lẽ phải, bảo toàn sự thực.

Và nàng quì xuống bên chàng, như ngày xưa kia chàng thường quì xuống để sửa mái tóc cho nàng.

Nàng áp bàn tay lên má lạnh ngắt của chàng rất lâu rồi đưa gươm lên.

Xác nàng ngã gục bên chàng như đôi vợ chồng âu yếm, máu nàng hòa lẫn máu chàng như một niềm son thắm thiết muôn đời…

*

________________________________________________________________________ 
Xem tiếp PHẦN V