Chủ Nhật, 12 tháng 3, 2017

CHƯƠNG XX_ĐẤT NGHỊCH


ĐOẠN KẾT


Dưới cây thập tự giá ai đã trồng một cây hồng nhỏ. Đất trên nấm mộ khô cong nóng quá, khiến cây nhỏ ủ rũ như muốn héo tàn. Cây bị nhổ từ đâu đem tới trồng giữa lúc đang trổ hoa, thành thử hầu hết cánh hoa đều xoăn lại, ngả chúi đầu.

Gần đó, mé tay phải, trên chóp mái một ngôi mộ cổ, mấy con chim di đá làm tổ, bay đi bay lại rập rìu. Lá, cỏ khô vương vãi đầy trên mái ngói phủ rêu xanh.

Trước nấm mồ mới, Trọng Minh đứng im lặng, cúi đầu. Chàng thầm thì kể lể. Trọng Minh đến đây lần cuối cùng trước khi giã biệt hẳn thôn làng Trung Quyết. Giã biệt hẳn ? Chưa chắc ! Chàng trai xứ lạ đã thực lòng yêu mến cái vẻ đẹp huyền bí, hoang dại của nơi này. Một ngày nào đó, chắc chắn Trọng Minh sẽ trở lại.

Phía sau lưng, cánh cửa sắt chợt rít lên ken két. Cánh cửa nhỏ bé chẳng có nghĩa lý gì. Nhưng ai cũng thế, cứ mỗi lần vào, ra, theo thói quen, lại đưa tay khép kín. Một cử chỉ mặc nhiên như có ý phân chia ranh giới. Ranh giới u minh phân cách hai cõi âm trần.

Trọng Minh thảng thốt quay mặt lại. Ánh sáng mặt trời làm chói mắt. Chàng phải úp bàn tay đặt ngang chân mày để nhìn cho rõ. Một thiếu phụ da trắng muốt, mặc bộ đồ bằng nhiễu đen đang nhẹ nhàng đặt bước đi len vào lối đi giữa các nấm mộ.

Bà Lê Phi ! Đúng rồi ! Trọng Minh khi nhận ra đúng là bà mẹ người mình yêu quý, liền cảm thấy trong lòng rộn lên hai niềm vui không bút nào tả xiết. Trước hết, chàng vui sướng khi được thiếu phụ bắt gặp tại chốn âm u này, bên nấm mộ đứa con yêu của bà. Thứ đến, suốt một ngày hôm qua, chàng cứ phân vân không quyết: có nên hay không đến giã từ gia đình ông Lê Phi, cha mẹ của Chi Lan ?

Muốn đến, nhưng lại ngại khơi động vết thương lòng, lại e sợ ông bà xót đau niềm khổ hận: “Chỉ tại có sự hiện diện của cậu nên mới xảy ra nông nỗi. Làng tôi từ trước tới nay đâu có sự gì”.

Thiếu phụ tiến lại gần:

- Tôi thoáng thấy bóng cậu đi về ngả này.

Trọng Minh đoán biết là thiếu phụ đã để ý theo dõi mình sát lắm.

- Và vì vậy bà mới ra đây ?

- Đúng thế ! Tôi thay mặt Chi Lan đến đây nói với cậu một lời từ biệt.

- Thay mặt Chi Lan ? Dạ, cháu không hiểu

- Tôi biết là thế nào cậu cũng không thể đem nó đi theo. Và rồi để nó khỏi phải đau khổ, cậu sẽ cất lén ra đi, lặng lẽ không cho nó biết. Nhưng đàn bà con gái ai cũng thế, đều có khả năng đoán biết rất đúng. Nếu còn sống, chắc bữa nay nó sẽ cùng làm như tôi. Nó sẽ nấp rình, sẽ để mắt theo dõi cậu từng ly từng tí.

Biết nói sao ? Biết trả lời sao đây ? Chàng trai cảm thấy ngay chính chàng cũng chưa chắc đã có đủ can đảm để thốt ra những lời ngay thẳng, minh bạch, rạch ròi như vậy.

- Thế nào cậu cũng sẽ bỏ nó ở lại, tôi biết. Nhưng tôi không giận cậu đâu. Cả Chi Lan nữa, nó cũng đã hiểu biết trước như thế rồi. Cậu nhớ chăng những gì nó đã nói với thằng Giậu ?

Bà mẹ xách theo một “xô” nước trong. Bà cúi xuống chăm chú tưới gốc cây hồng nhỏ. Ý chừng bà mong mỏi được làm công việc này lắm. Công việc sẽ lôi cuốn sự chú ý để bà khỏi nhìn Trọng Minh.

Vừa cắm cúi múc nước tưới, bà vừa cất tiếng:

- Tôi muốn nói với cậu một điều này, cậu Minh !…

Đột nhiên thiếu phụ ngừng im bặt:

- Dạ ! Bà muốn dạy cháu điều chi ?

- Con Chi Lan đã có mắt tinh đời. Cậu xứng đáng là người của làng Trung Quyết. Và cậu cũng đã chứng minh rõ rệt điều đó.

Trọng Minh nhìn đăm đăm lên nấm mộ:

- Cũng là do Chi Lan và nhờ Chi Lan cả đó, thưa bà !

… Chàng trai đưa tay khép cánh cửa sắt ra vào nghĩa trang. Cánh cửa ngậm kín khe sắt dọc cột trụ. Như một trang giấy vừa lật qua trong cuốn sách lớn. Mặt trước trang giấy ấy, Trọng Minh còn thấy rõ hàng chữ viết bằng mực đỏ !

Rõ ràng hai chữ: “Đất nghịch” !

Sàigòn, Sáu – 72
  NAM QUÂN