Thấy
bạn kết thúc chuyến du lịch trước hạn định, bà Bích tỏ ra phật ý:
-
Sao chị không nghe tôi? Về sớm làm gì? – Nhìn kỹ bạn, bà này kêu lên – Trông
chị còn tệ hơn hồi chưa đi. Đi du lịch như thế vô ích, thà ở nhà còn hơn.
Bà
Hoàng cười gượng:
-
Chị nói đúng, tôi đã làm một điều rồ dại, lầm lẫn. Tôi không thể nguôi quên
được. Ở đâu, lúc nào, làm gì tôi cũng nghĩ đến những cái chết thảm thương của
nhà tôi và các cháu. Trốn chạy vô ích, thà trở về đối đầu với thực tại…
-
Chị Hoàng ơi! – Bà Bích nắm tay bạn, giọng dịu dàng – Tôi biết làm gì cho chị
đây? Tôi có thể làm gì…
-
Không! Chị không thể làm gì cả, chúng ta không thể làm gì cả, trong những ngày
ở xứ lạ, quê người tôi đã suy nghĩ kỹ càng rồi. Chỉ có thời gian và sự làm việc may ra có thể giúp tôi nguôi quên. Ngoài
hai thứ đó, tất cả đều vô ích. Bích ơi! Chiến tranh tàn khốc, xưa nay vẫn thế.
Gia đình chúng tôi hạnh phúc quá nhiều rồi. Tôi nghĩ là mỗi người phải chịu
đựng, phải chia xẻ vận hạn của xứ sở mình. Bao nhiêu năm trời nay tôi sống
trong yên ấm và 15 năm sau này, kể từ khi lập gia đình tôi càng cảm thấy sung
sướng. Mà chị thấy đó, suốt phần tư thế kỷ nay, bao nhiêu người vợ, bao nhiêu
người mẹ đã khóc rồi? Nước mắt của những kẻ đau khổ ấy nếu đong được, e hẳn
thành sông chứ đâu phải ít! Không thể vì một lý do nào đó mà trời ưu đãi riêng
một số người. Ta phải cam chịu y như mọi người cam chịu.
Bà
Bích quay đi, lau vội hai giòng nước mắt mọng tràn mi. Bà biết là bạn bà nói
thế để tự an ủi, là cho đến nay bạn bà vẫn đau đớn dai dẳng khôn nguôi.
*
Bà
Hoàng lại dìm mình vào công việc. Bà làm việc không kể ngày đêm, giờ giấc. Có
thế, khi mệt nhoài bà mới có thể đánh một giấc ngủ mê, không bận tâm, không
mộng mị.
Dạo
ấy, dịch cúm đang lan rộng và hoành hành khắp thủ đô, dĩ nhiên bà được chiếu cố
cẩn thận, vì bà không chịu giữ gìn sức khỏe chút nào. Trên giường bệnh bà sống
lại những kỷ niệm cũ, bà bị ám ảnh trở lại về những ngày sum họp, vui vẻ, về
những cái chết thảm của chồng con. Sau trận ốm dai dẳng đó, bà suy nhược, héo
hon, hao gầy trông thấy.
Bà
Bích hoảng hốt, nhất định buộc bà phải rời Sàigòn lên Đà Lạt dưỡng sức ít lâu.
“Tôi có cái nhà nhỏ trên đó, địa điểm vắng vẻ, rất thích hợp với chị. Nên nghe
lời tôi, lên đó dưỡng sức, nhân thể sắp đặt lại những tài liệu chị ghi nhận ở
ngoại quốc, hoàn tất tập du ký để kịp đăng vào tờ “Hồn Nước” đầu năm tới như
chị đã hứa với tôi” Bà Bích nói. Bà Hoàng còn do dự thì bạn bà đã tiếp:
-
Tôi nhớ lúc nhỏ chị vẫn ao ước nếu được ra nước ngoài sẽ viết du ký và tôi hứa
sẽ đăng vào tờ tạp chí do tôi trông nom. Hiếm khi nào người ta đạt được ước
vọng ôm ấp từ thuở bé. Chúng ta đã đạt được, chị nỡ bỏ lơ sao?
Bà
Hoàng nghe lời bạn, bồi hồi cảm động. Bà nhớ ra lúc đi học bà có ước như thế
thực, cũng như bạn bà ước làm chủ một tờ tạp chí vậy. Rồi sực nhớ ra còn vài
ngày nữa đến Noel và sau Noel ít lâu là Tết, bà Hoàng đâm hoảng. Kể từ khi
chồng con tán mạng trong biến cố Mậu Thân, bà sợ nhất là hai ngày lễ trọng đại
đó. Phải đi xa, phải tránh Sài gòn! Tránh trước những hình ảnh đầm ấm ngày xưa
và tránh cả nhận quà, tặng quà cũng như thăm viếng xã giao và tiếp khách trong
những ngày này. Bà không đủ can đảm chịu đựng, bà biết.
Thế
là bà Hoàng nghe lời bạn sửa soạn hành trang.
*
Quả
đúng như lời bạn, bà Hoàng được thoải mái trong cái biệt thự nhỏ với khu vườn
be bé, xinh xinh, kín đáo tận cuối khu Chi lăng. Mươi gốc thông già vi vu phía
mặt tiền, chung quanh là những khóm hồng, khóm huệ, dưới lũng thấp vô số vồng
lang xanh mướt. Hài lòng nhất là không có láng giềng. Láng giềng gần nhất của
bà Hoàng chỉ là một cô nhi viện nằm chênh vênh trên sườn đồi, cách nhà bà cỡ
hai cây số.
Những
ngày đầu, bà Hoàng lái xe xuống phố ăn cơm, mua sắm ít thức lặt vặt khác. Khi
nào nhác, bà chỉ cần mua thêm ít bánh mì, phô ma và trái cây là khỏi phải lái
xe đi. Có lúc, bà nhịn đói để ngủ… cho khỏe. Một ông lão từ cô nhi viện vài
ngày lại sang để tưới hoa và săn sóc mấy vồng lang. Đôi bên không trò chuyện gì
cả. Đêm Noel, bà đắp chăn đi ngủ sớm, tiếng chuông từ nhà thờ vọng tận tai bà,
đèn sáng lấp lánh từ trung tâm thành phố và một vài cái xe vút ngang trước ngõ…
Tất cả đều không làm bà quan tâm đến.
Sau
Noel, bà có khách đến thăm. Đó là cô Lộc – cháu ruột bà Bích – làm quản lý cô
nhi viện, theo lời dì đến để xem bà có cần gì thì giúp đỡ. Cô đến vào buổi
chiều, sương mù giăng khắp sườn đồi, thung lũng. “Xin lỗi bà, tôi không thể đến
sớm hơn vì mấy ngày qua bận rộn tổ chức lễ Noel cho lũ trẻ”. Bà Hoàng đang ngồi
bên máy chữ, mặc phong phanh có một cái áo, lò sưởi lạnh tanh. Cô Lộc nhìn kỹ
bà Hoàng, kêu lên:
-
Không được! Bà phải giữ gìn sức khỏe!
-
Chỉ vì muốn tôi giữ gìn sức khỏe nên chị Bích bắt tôi lên đây…
Vốn
quen săn sóc đám cô nhi, cô Lộc bị méo mó
nghề nghiệp, cô nhìn bà Hoàng qua con mắt của người quen chăm sóc kẻ khác,
cô lặp lại bằng giọng cương quyết:
-
Như thế này đâu phải là giữ gìn sức khỏe? Ngày mai, tôi sẽ cho người mang đến
củi để bà đốt lò sưởi. Bà ăn uống cách nào?
Bà
Hoàng không giấu giếm, kể toạc ra mọi sự. Cô Lộc giơ hai tay lên trời, nói to –
cô vốn có tính nói to – bằng giọng như truyền lệnh:
-
Không được! Không được! Từ sáng mai bà phải ăn đúng bữa, đúng bèn.
Bà
Hoàng đâm cáu:
-
Tôi chán làm nội trợ. Cô Lộc ơi! Tôi đã là nội trợ khéo ngót 15 năm, bây giờ
tôi chỉ cần yên ổn mà thôi, xin cô để tôi yên…
Cô
Lộc đã được chị Bích viết thư kể rõ tình trạng bà Hoàng nên không phật ý, trái
lại cô nhỏ nhẹ:
-
Xin bà tha lỗi… Tôi quả kém tế nhị, tôi muốn nói từ mai…
Cô
chữa lại ngay:
-
Từ chiều nay, bà sẽ dùng cơm tại đây, không phải cất chân xuống phố hay mua sắm
nhiêu khê, tôi cho người mang lại hầu bà.
Vẫn
lạnh lùng, bà Hoàng từ chối:
-
Tôi không muốn phiền cô, nhiều trẻ em cần săn sóc hơn tôi. Vả lại, tôi đâu phải
cất chân? Tôi có cái xe, cô Lộc ạ!
-
Trời nhiều sương mù, bà chưa quen thuộc vùng này, e nguy hiểm…
-
Tôi không sợ đâu, cô Lộc! Cô hãy để thì giờ…
-
Bà yên tâm. Bà sẽ phải trả tiền cơm kia mà, và người tôi gửi đến là một đứa bé,
nó không làm bà phiền lòng đâu, tôi tin thế. Tôi cũng xin thưa rõ là cô nhi
viện chúng tôi rất cần tiền, vì vậy chúng tôi nhận nấu cơm tháng cho nhiều
người quanh đây để kiếm lời nuôi lũ trẻ, bà nhận ăn cơm của chúng tôi là giúp
lũ trẻ có thêm thức ăn… Mong bà không từ chối.
Thực
ra, cô Lộc đã nói dối, song chính nhờ cái giọng rắn rỏi như thật của cô làm bà
Hoàng tin và bà nghĩ : “Thế thì tốt quá, ta cũng chán cái lối lái xe đi ăn,
nhất là vào buổi chiều như chiều nay. Sương mù dày đặc, ngộ xe đâm xuống hố thì
sao? Ta không sợ chết nhưng ta đâu muốn tự tử?”
Bầu
không khí trong nhà có vẻ dễ thở hơn. Bà Hoàng nhận lời đề nghị của cô Lộc. Tức
thì cô vui vẻ ra mặt, chào bà ra về ngay để kịp cho người mang cơm lên cùng với
củi cho bà.
-
Trước nay, khí hậu Đà Lạt là tốt nhất, song hiện giờ có nhiều hiện tượng kỳ quá
: năm rồi, Noel, mùa đẹp nhất trong năm mà mưa tầm tã. Vì vậy, xin bà phải cẩn
trọng, chớ có khinh thường. Đau ốm rất khổ, thưa bà!
Nghĩ
đến trận dịch cúm vừa qua tại Sàigòn cũng như những cơn bão bất ngờ tại miền
Trung, bà Hoàng không dám coi thường lời cảnh cáo của cô Lộc nữa. Bà công nhận
thời tiết không điều hòa như trước, đúng! Bà phải giữ mình, bà đã hứa tháng sau
sẽ về Sàigòn với tập du ký nạp cho bà Bích, kia mà.
*
Ban
đầu, bà Hoàng không chú ý đến đứa trẻ do cô Lộc gửi đến giúp bà. Nó cũng như
trăm ngàn đứa trẻ mồ côi khác, ốm o, dốt nát, thèm ăn, rách rưới, thất lạc cha
mẹ hay cha mẹ chết vì chiến cuộc dằng dai của cái xứ sở tràn đầy bất hạnh này
chứ gì?
Phải!
Nó là một nạn nhân chiến tranh chính cống, nhưng còn bà, bà là thứ gì đây? Bà
há không là nạn nhân chiến tranh ư? Ai bảo là bà sung sướng hơn nó, người ấy
hẳn phải điên khùng hay xuẩn ngốc. Bà kính phục ông Henri Dunant, người đã
thành lập tổ chức Hồng Thập Tự Quốc tế hơn bất cứ vĩ nhân nào trên thế giới,
không vì công lao khổ nhọc, cố gắng trọn đời ông, mà chỉ vì câu này của ông :
“Trong đau khổ mọi người đều bình đẳng”. Phải! Ông ấy nói đúng : tiền bạc mà bà
làm chủ đâu cứu sống được chồng con bà? Tiền bạc bà làm chủ đâu giúp bà nguôi
khuây bất hạnh mà bà hứng chịu? Bà và nó, chưa biết ai đau khổ, bất hạnh hơn
ai, vậy bà không muốn phí thì giờ tìm hiểu về nó làm gì. Bà phải chú tâm vào
việc viết tập du ký cho bà Bích, bạn bà đang nóng đợi ở Sàigòn. Bà đã quá cái
tuổi tò mò về kẻ khác.
Nhưng
con bé không như bà. Nó không để bà yên. Hễ có dịp là nó tìm cách để được nói
chuyện với bà:
-
Thưa bà, cá kho có mặn quá không ạ?
-
Thưa bà, bà muốn đổi món tráng miệng không ạ?
-
Thưa bà, cháu tưởng xà lách trộn hơi chua, có phải không ạ?
-
Cảm ơn em, không đâu, được đấy. Em đừng lo.
Bà
trả lời vắn tắt mỗi khi nó hỏi. Một hôm, đem cơm đến, thấy bà ngồi giặt áo, nó
xán lại:
-
Thưa, để cháu giúp bà.
Và
nó không đợi bà có đồng ý hay không, sau khi sắp các thức ra bàn, so đũa, đặt
khăn xong, nó tranh lấy công việc. Dáng bộ nó có cái gì quả quyết, hăng hái làm
bà xúc động, nhớ đến dáng bộ cô Lộc hôm nào, đành phải ngừng tay.
Một
vài bận, nó mang thức ăn đến, thấy bà đang cặm cụi làm việc, nó sẽ sàng sắp
thức ăn ra bàn, rồi lại đứng sau lưng bà, nhìn trộm qua sau vai bà những giòng
chữ hiện lên với nét mặt thích thú. Trước sau bà Hoàng vẫn không hay biết – con
bé nhẹ tay quá và nó gần như nín thở theo dõi những giòng chữ trên máy, sau
lưng bà. Tận đến khi bà thay giấy, sợ cơm canh nguội nó mới dặng hắng một cái,
bà quay lại:
-
Em đến bao giờ vậy? Sao không lên tiếng? Em đợi lâu không?
-
Thưa bà, cũng mới thôi… Cháu biết bà đang làm việc, bà cần được yên.
-
Cảm ơn em. Em ngoan quá!
Giọng
bà Hoàng ân cần, khác hẳn những câu xã giao chiếu lệ trước đây. Con bé đánh
bạo:
-
Thưa bà, bà viết văn phải không ạ?
Bà
Hoàng ngạc nhiên:
-
Ai bảo em thế?
-
Thưa, cô Lộc, cô Lộc bảo cháu là bà viết văn…
-
Không! Tôi không viết văn đâu, nhưng công việc tôi cũng hơi giông giống, nghĩa
là tôi viết du ký, em biết gì về công việc này không, em biết sự khác nhau của
hai việc không?
-
Thưa bà, cháu không biết rõ, nhưng cháu thích viết văn, vì… vì ba cháu cũng
viết văn, thưa bà!
Bà
Hoàng ngồi ngay ngắn, mở to mắt nhìn đứa trẻ:
-
Ba em viết văn à? Sao em không nói cho tôi biết?
Đứa
bé sáng ngời mắt:
-
Thưa bà, cô Lộc đã dặn cháu không được quấy rầy bà, cháu đâu dám nói, cháu chỉ
nói khi bà hỏi thôi, cô dặn thế.
Bà
Hoàng chép miệng toan hỏi một câu gì đó, song đột nhiên bà đổi thái độ. Bà nói
mau, giọng lạnh lùng trở lại như trước:
-
Thôi, trưa quá rồi, tôi phải ăn cơm để em còn về chứ!
Và
bà ngồi lại bàn trong lúc con bé tiu nghỉu buồn rầu, không hiểu đã làm gì phật
ý bà.
Nhiều
bận khác, bà Hoàng quay lại thình lình, bà bắt gặp đôi mắt nâu, to, sáng ngời
của nó nhìn bà chăm chú, cái nhìn kỳ quái như dán chặt, như quấn quít, như nồng
nàn, thiết tha làm bà đâm sờ sợ, phải quay đi. Bà đọc trong đôi mắt đó bao
nhiêu trìu mến, trao gửi mà bà thì, bà chỉ muốn giữ được cái giá lạnh bình yên.
Bà không muốn yêu thương… không, bà không muốn gì nữa cả.
Hình
như càng ngày, con bé càng quyến luyến bà hơn lên. Nó chăm sóc bà về đủ mọi thứ
: lò sưởi luôn luôn có củi, bàn ghế nhà cửa được lau quét sạch sẽ, mấy đôi giày
của bà được rửa, lau khô chùi bóng mỗi khi bà ra ngoài dính bùn hay đất đỏ. Nó
sắp đặt trong phòng tắm của bà ngăn nắp, thứ tự. Có khi bà Hoàng còn thấy cả
một bánh xà phòng thơm trong hộp và khăn mặt bà như mới giặt xong. Bà biết do
con bé cả, một lần bà gặng hỏi và nó bảo đã dùng tiền bà cho nó để mua xà phòng
thơm ấy, bà tỏ vẻ khó chịu:
-
Em không nên làm thế, tôi không bằng lòng đâu. Tiền đó là của em…
Nhưng
bà chợt ngừng lại, cảm thấy mình tàn nhẫn khi con bé ứa nước mắt nhìn bà bằng
đôi mắt khẩn thiết, van nài. Bà cố trấn tĩnh mình, tiếp:
-
Tôi xin lỗi, nếu đã làm em buồn, song tôi muốn công bình.
Và
lần này bà dịu giọng một chút – vì bà nghĩ không hại gì – bảo nó:
-
Tết sắp đến, em muốn quà gì không? Tôi muốn tặng em món quà, nhưng… nhưng tôi
dở lắm, không biết chọn…
- Cháu
xin cảm ơn bà, nếu bà thương cháu, cháu chỉ xin bà cho phép cháu đến đây để gặp
bà, vậy cháu thích hơn.
-
Kìa, em vẫn gặp tôi mỗi ngày đấy thôi, còn phải xin phép làm chi nữa?
-
Vâng, nhưng đó là cháu mang các thức cần thiết đến cho bà chứ không phải là
được đến thăm bà. Chẳng hạn như ngày chúa nhật bà không cần cháu, mà cháu muốn
đến bất cứ lúc nào…
Lần
thứ nhất, bà Hoàng tỏ ra dễ dãi:
-
Thì em cứ đến, tôi không cấm đâu, miễn em đừng hỏi chuyện lôi thôi trong khi
tôi làm việc là được.
Con
bé hớn hở ra mặt, cuống quít cảm ơn bà Hoàng. Và nó khoe thêm:
-
Năm nào gần Tết mẹ cháu cũng gửi quà về cho cháu, thưa bà…
-
Ủa, vậy ra em còn mẹ ư?
-
Thưa bà, vâng! Mẹ cháu… hơi giống bà, mẹ cháu…
Bà
Hoàng ngồi lặng, lòng nửa thương nửa giận : thương con bé đa cảm phải xa mẹ,
giận người mẹ vô tâm, nỡ bỏ con trong cô nhi viện. Người mẹ nào mà lại khu xử
như kiểu này đành lòng chứ? Đột nhiên, bà hỏi:
-
Này Ngân, nếu em không cho là tôi tò mò, em có thể cho tôi biết tại sao mẹ em
lại không ở với em? Tôi nghĩ rằng…
-
Thưa bà, mẹ cháu không muốn xa cháu đâu, tại… tại hoàn cảnh đó, thưa bà.
Lần
này, bà Hoàng quan sát kỹ con bé, khuôn mặt xương xương, đôi môi nhỏ hồng tươi
dưới một sống mũi cao, hai mắt sâu, sáng quắc, mầu nâu ẩn dưới hai hàng lông
mày hơi rậm làm tăng vẻ buồn bã trên khuôn mặt. Nếu không nhờ đôi môi thanh tú,
có lẽ nom nó hơi dữ tợn là khác. Người nó mảnh dẻ nhưng không gầy lắm, tóc cùng
mầu với mầu mắt và nước da hồng hào, khỏe mạnh, trái hẳn các trẻ mồ côi khác mà
bà đã gặp.
“Hừ,
hoàn cảnh!” Bà Hoàng cố gắng để khỏi kêu lên như thế . Bà lại hỏi thêm:
-
Cháu bảo là cha cháu viết văn, thế ông ấy tên gì?
-
Thưa bà, cháu chỉ nghe kể lại thế thôi, ba cháu mất từ khi cháu còn nhỏ lắm…
-
À! À…
Bà
Hoàng gật đầu, dáng thờ ơ. Điều bà muốn biết là người mẹ, người mẹ nhẫn tâm
kia:
-
Mẹ em hiện làm gì?
-
Thưa, mẹ cháu làm việc trong một sở trà Blao. Mẹ cháu rất thương cháu… Tết nào
cũng cố đem nhiều quà về cho cháu, bà ạ! Mẹ cháu không muốn xa cháu, tại hoàn
cảnh, thưa bà.
- Tôi
đã biết điều này rồi. Em vừa nói với tôi lúc nãy mà.
Giọng
bà Hoàng dấm dẳng, bà có vẻ khó chịu vì con bé bênh vực mẹ, người mẹ tàn nhẫn
đã bỏ con… Thấy nó có vẻ buồn, bà vội nói lảng sang chuyện khác:
- Thế
em có được cô Lộc cho đi học không?
-
Thưa bà, có, cháu học ban đêm, vì cháu muốn giúp việc lúc ban ngày. Thưa bà,
trong cô nhi viện nhiều em bé quá, các cô trông nom không xuể.
-
Em học lớp mấy?
Giọng
con bé vui vẻ:
-
Thưa cháu đậu Tiểu học năm ngoái rồi đấy ạ.
-
Thế ư? Em giỏi quá…
-
Thưa bà, không giỏi đâu ạ! Cháu lớn rồi, cháu 14 tuổi chứ còn nhỏ đâu.
-
Mười bốn cơ à? Tôi ngỡ em cỡ…
Bà
ngừng bặt nửa chừng, con bé đón lời:
-
Vâng! Ở đằng cô nhi viện người ta bảo cháu bị đẹt, thưa bà. Năm kia cháu bị thương hàn suýt chết, tóc rụng hết,
bà ạ! Vì thế nên cháu đẹt luôn… Bây giờ cháu đã bắt đầu lại nghỉn rồi.
-
Phải! Bây giờ tôi thấy em có vẻ khá lắm.
-
Vâng! Đằng ấy người ta bảo cháu đã qua cái đốt
rồi, qua cái đốt thì hết sợ chết, thưa bà.
Cơn
giận lại đến, xâm chiếm bà Hoàng. “Hừ! Hoàn cảnh!” Không biết trong lúc con đau
ốm như thế, người mẹ vô tâm ở đâu? Ca sĩ? Bán ba? Làm sở trà? Làm một công việc
lao động tay chân hay trí óc đi nữa, khó mà tưởng tượng được người mẹ có thể
rứt bỏ con bằng cách ấy. Bà muốn gợi chuyện để biết rõ về mẹ nó, song bà không
nỡ làm nó buồn, nên thôi, tuy bà vẫn hậm hực trong lòng.
-
Thưa bà, cháu biết đan, nếu bà muốn, cháu sẽ đan cho bà cái khăn quàng. Cháu
chưa biết đan áo…
-
Tốt quá. Tôi sẽ mua len em đan hộ. Cảm ơn em!
Con
bé lại sáng ngời mắt, nom nó sung sướng như thể gã hà tiện vừa bắt được vàng.
Nó nhìn bà âu yếm:
-
Cô Lộc bảo cháu là bà cần giữ gìn sức khỏe, thưa bà.
*
Hôm
20 tháng chạp, sau ngày Ngân đan xong cái khăn quàng cho bà Hoàng thì có tin từ
Sài Gòn cho hay là nhà bà bị trộm cạy cửa vào, theo thư bà Bích, đồ đạc bị mất
mát nhiều, bà ấy đã gọi thợ đến sửa lại cửa, nhưng cách tốt nhất là bạn bà nên
về để xếp đặt lại ngăn nắp, và biết rõ cái gì còn cái gì mất. Bà Hoàng không
tiếc của. Với bà không còn có gì đáng quí hơn sinh mệnh chồng con bà, song
tưởng tượng đến sự xáo trộn, bừa bãi bà rất khó chịu. Bà định về ngay song bà
trót hứa với Ngân là đưa nó đi chợ Tết, nó thì hứa sẽ đưa mẹ nó lại thăm bà.
Không hiểu sao sau khi nói đến điều này nó có vẻ không vui, làm bà Hoàng phải
để ý, bà hỏi:
-
Nếu mẹ em không muốn đến gặp tôi thì thôi, em đừng bận tâm.
-
Thưa bà, không phải thế, mẹ cháu rất muốn gặp bà, nhưng cháu e kỳ Tết năm nay
mẹ cháu không về với cháu được, mẹ cháu bận… mẹ cháu viết thư…
Bận?
Bà Hoàng không tin được, song bà lại, một lần nữa làm ngơ để con bé khỏi tủi
thân. “Ta sẽ ở lại đây ăn tết với con, Ngân ạ!” Bà Hoàng nói thầm một mình.
Bà
hơi ngạc nhiên không hiểu sao bà đã tự hứa không bao giờ nhìn kỹ một đứa trẻ
nào, mà bây giờ lại đâm chú ý nhiều đến con bé Ngân này. Từ ngày một, âm thầm
như cái bóng, len lỏi như giọt máu, con bé chiếm trọn cảm tình trong tim người
thiếu phụ cô đơn. Nhưng bà không chịu nhận điều đó. Không bao giờ! Bà nhất định
là mình không thể thương yêu bất cứ một ai sau những cái tang làm nát lòng bà.
Bà
không chịu thú nhận với chính mình là bà bắt đầu thương yêu nó, bà cho là mình
thương hại nó, hơn nữa bà còn cho là nó làm bà vui chút đỉnh trong khung cảnh
tịch mịch, vắng vẻ ở đây, và bà quyết định ở lại ăn tết vì thế chứ không phải
vì muốn nó được sung sướng.
Được
thư bạn, bà rất đỗi phân vân, đã mấy bận định về, song nghĩ đến con bé đáng
thương, nhất là đoán rằng Tết này mẹ nó không về gặp nó, bà không đủ can đảm để
trở về Sài Gòn. Sau cùng, bà nghĩ : “Ủa, mà sao mình lại lo lắng một việc vô
ích như vậy? Mình có trách nhiệm gì về nó đâu? Mẹ nó bỏ nó kia mà, mình chỉ là
một người ngoài”.
Bà
bèn cho Ngân hay việc bà bị mất trộm và tính về Sàigòn khi nó mang cơm đến cho
bà. Thoạt nghe, con bé sửng sốt một giây, khuôn mặt nó xám ngoét, miệng há to
như thể muốn kêu lên một tiếng mà không ra lời được. Rồi thình lình, nó ngồi
thụp xuống đất, bưng mặt khóc lên rấm rức, tức tưởi. Bà Hoàng buông đũa, lại
gần nó, giọng bà ngọt ngào:
-
Tôi biết em mến tôi, tôi cũng vậy, và tôi đã hứa ở lại ăn Tết với em, nhưng vì
việc nhà…
-
Cháu không dám trách bà. Cháu không dám… nhưng cháu nhớ bà lắm, không chịu nổi…
không chịu nổi…
Nó
nức nở khóc, vừa cố gắng để nói ngần ấy lời rồi ù chạy ra ngoài. Bà Hoàng muốn
theo ra dỗ dành nó, song rồi bà lại ngăn mình lại. Bà tiếp tục bữa ăn song đã
hết ngon.
*
Trưa
hôm sau, Ngân không mang cơm cho bà, tối cũng không. Cô Lộc sai một lão bộc già
làm việc đó. Một lão già câm. Thành ra bà Hoàng muốn biết tin nó mà không sao
biết được. Bà tự nhủ : – Chắc nó bận gì đó, hay nó buồn vì mình sắp đi, không
muốn gặp, thôi thế mà hay. Bà rất sợ phải nhìn vào mắt nó, đôi mắt như van nài,
khẩn thiết làm bà phải mềm lòng. Tuy nhiên, bà vẫn lo ngại vu vơ.
Bà
sắp sẵn hành lý để lên tàu. Tối 27 tết, đang lơ mơ trong chăn ấm chợt bà tỉnh
phắt vì tiếng đập cửa gấp rút. Ai mà gọi cửa giờ này? Mà lại không bấm chuông?
Bà choàng dậy, mặc thêm áo ấm, mở cửa.
Bà
kinh ngạc nhìn thấy cô Lộc. Phải! Chính cô Lộc, dáng bộ cô hớt hãi:
- Xin bà đến ngay cô nhi viện! Tôi biết chỉ có bà cứu được con Ngân…
- Xin bà đến ngay cô nhi viện! Tôi biết chỉ có bà cứu được con Ngân…
-
Nó làm sao cơ?
-
Nó nằm liệt từ mấy ngày nay, nó không sốt lắm, nhưng nó cứ mê sảng, kêu “mẹ mẹ”
trong khi mê… có khi nó gọi bà… Hôm nay thì…
-
Ạ! Nó nhớ mẹ nó đấy mà! Tôi biết, nó nói là Tết này mẹ nó không về…
Bà
buông gọn mấy tiếng đó, thở phào nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng nhưng cô
Lộc trừng mắt nhìn bà:
-
Mẹ nào đâu? Nó gọi bà đấy!
-
Tôi? Tôi có phải là mẹ nó đâu?
-
Bà đã ở đây khá lâu, nó quyến luyến bà, bà lại hứa…
-
Trời ơi! Cô đổ tội cho tôi ư? Mẹ nó không về nên nó ốm chứ can gì đến tôi? Cô
lầm rồi…
Cô
Lộc nói như rên:
-
Xin bà rủ lòng thương nó, nó côi cút, mất cha mất mẹ từ khi lên bốn…
-
Vô lý, chính nó nói với tôi là mẹ nó vẫn gửi quà về mỗi dịp Tết kia mà…
-
Bà làm sao biết rõ bằng tôi? Con bé không có ai là thân nhân hết, không có quà,
có mẹ gì hết. Nó mồ côi! Tôi xin thề với bà. Nó – mồ – côi!
-
Thế ra nó nói dối với tôi ư? Để làm gì chứ?
-
Tôi không biết nó nói dối để làm gì, nhưng một điều chắc chắn là nó không có mẹ
đến thăm viếng trong 10 năm nay và nếu bà bỏ nó lúc này tôi e nó chết mất thôi.
Xin bà nán lại… ba ngày nay nó không ăn uống, bác sĩ chịu không tìm ra bệnh gì…
*
Ngày
27 tết, bà Bích có được điện tín cho hay là 28 bà Hoàng sẽ về bằng máy bay, lúc
5 giờ chiều, nhưng mới 4 giờ rưỡi bà đã sửa soạn lái xe đi đón bạn. Vừa nổ máy,
bà nghe tiếng con gái kêu giật lại:
-
Khoan đã me! Có điện của dì Hoàng.
Bà
vội vàng đón lấy tờ giấy xanh trên tay con run run mở vội – bà lo là bạn bị đau
ốm chi chăng – Điện tín ngắn gọn có mấy chữ:
“Hoàng ăn tết trên này,
không về được. Mạng người quí hơn đồ đạc, xin thông cảm. Sẽ có thư sau vì quá
vội”.
Bà
Bích ngẩn ngơ đưa bức điện tín cho con, lẩm bẩm : “Chị này dám hóa rồ chư không
chơi”.
MINH
QUÂN