7
MỘT NGÀY BUỒN THẢM
Ái Lan rảo bước đi về nhà. Em hối hả dắt Vespa ra, đạp máy, trực chỉ hướng Lạc Dương. Khi bắt đầu rẽ vào con đường chạy dọc theo bờ con sông La Ngà, Ái Lan đưa mắt nhìn lên bầu trời trong vắt không một đám mây. Em lẩm bẩm :
- Trời hôm nay đẹp quá ! Không lo bị mưa như hôm nọ nữa !
Nhưng con lộ trải đá và đất đỏ bị xói mòn do trận mưa lớn bữa
trước, giờ đây đầy những ổ gà, đống đá lổn nhổn, khiến Ái Lan phải cho
xe chạy chầm chậm, mắt chăm chú ngó đường, không còn dịp thưởng thức
cảnh đẹp bên bờ sông được nữa. Và em chỉ thở ra một hơi dài nhẹ nhõm khi
thấy thấp thoáng bóng mái nhà trong nông trại của Ngọc Liên.
Khi tới gần, quang cảnh khu nhà và vườn, sau trận mưa bão tuần
trước hiện ra trước mắt Ái Lan với đủ sắc thái tiêu điều xơ xác. Phải
công nhận là trước đây chừng hơn 10 năm, cơ sở này đã phải là khá vĩ
đại. Ngoài căn nhà ba gian chính, lại còn tới năm sáu căn phụ thuộc có
lẽ do từ đời cụ kỵ ông bà Mỹ Ngọc, Mỹ Liên, cứ cần đến đâu là lại cho
xây cất thêm đến đó, chứ không theo một quy hoạch sẵn. Cũng giống như
phần đông các cơ sở gia cư tại vùng Tuyên Đức Đà Lạt, nhà gồm những bức
tường xây gạch chỉ cao độ một thước năm mươi, tiếp đến là đóng ghép cao
lên bằng gỗ thông xẻ để nguyên cả vỏ ngoài sần sùi. Lối kiến trúc này
tiết kiệm được số lượng gạch vốn hiếm tại địa phương. Với thời gian
chồng chất, nắng mưa dầu dãi, nhiều tấm gỗ vách đã xô lệch, chân tường
có lẽ đã từ lâu không được quét nước vôi mới, nhiều chỗ ố đen loang lổ
trông thật thảm não. Cái hàng ba, lan can, xiêu vẹo, ván sàn nhiều chỗ
đã bị trũng và mọt đục có lỗ lớn bằng cái đĩa tây. Cái kho rơm bữa trước
Ái Lan trú mưa lại còn tiêu điều hơn nữa. Tường, mái tróc từng mảng
lớn, nghiêng hẳn đi. Ái Lan tự hỏi thầm "Không hiểu sao nó còn chưa đổ
sập xuống". Và em thở dài, chép miệng :
- Nếu chị Mỹ Ngọc, Mỹ Liên có phương tiện thuê người sửa chữa, sơn phết lại thì khu nhà này có thể nói là đẹp vô cùng.
Vòng rào đóng bằng cây bao quanh cái sân lớn, mở cửa toang
hoác. Ái Lan lái xe vượt qua cổng vào trong, khiến đàn gà đang bới sâu,
bứt cỏ, hoảng sợ chạy tứ tán, kêu quang quác. Ái Lan đậu xe ngay cánh
cửa bếp đóng im ỉm, tắt máy dựng xe xong, chạy bay tới gõ cửa.
Hoàn toàn im lặng. Em lại rảo bước trên hàng ba tới gõ cánh cửa
gian chính giữa. Vẫn không có tiếng trả lời. Ái Lan quay ra đi quanh
cái sân rộng một vòng : không thấy bóng một ai !
Em buồn rầu lẩm bẩm :
- Mình thiệt xui quá l Ngọc, Liên đi vắng cả ! Thôi về vậy !
Đột nhiên có tiếng gọi :
- Ái Lan ! Ái Lan !
Đã ngồi lên xe, chợt nghe tiếng gọi tên mình, em sửng sốt quay
nhìn lại : Mỹ Ngọc, Mỹ Liên đang từ cánh vườn phía sau vựa rơm chạy ùa
lên. Khu vườn vừa lấp sau vựa rơm vừa ở dưới thấp nên khuất tầm mắt quan
sát của em. Mỹ Liên chạy trước, không kịp vòng ra phía cổng chánh, trèo
luôn qua hàng rào và la lên :
- Tụi này thấy Ái Lan từ lúc lái xe vào sân kia. Chạy hết hơi về thế mà chút nữa thì Ái Lan bỏ đi mất, hí hí !
Mỹ Ngọc xáp tới, thở hổn hển :
- Tụi này đi hái dâu chín ! Này, Ái Lan thấy không ! – Và Mỹ
Ngọc vui mừng đưa em coi một cái thùng bằng nhôm trắng có quai xách đầy
những trái dâu chín mọng đỏ hồng. Mỹ Liên cười khanh khách :
- Coi này ! – Và chìa hai bàn tay cùng hai cánh tay ra cho Ái
Lan xem. Ái Lan tròn mắt ngạc nhiên khi thấy cánh tay và bàn tay của hai
chị em đầy vết cào xước. Mỹ Liên khoe :
- Nhưng tụi này đâu có sợ gai ! Có thế mới được đầy một thùng thế kia chứ ?
Mỹ Ngọc giọng người lớn :
- Ấy ! Trồng có năm luống dâu mà vì bận việc không làm cỏ được
đến nỗi dây trinh nữ mọc tùm lum, gai quá là gai. Vào trong nhà đi Ái
Lan ! Chị lựa toàn quả chín, trộn đường cho hai em ăn thử ngon hay không
rồi sẽ biết !
Chợt có tiếng Mỹ Liên thở dài :
- Ngon thì nhất định là ngon lắm rồi ! Chỉ có cái là sợ không được ăn mãi mà thôi !
Hai chị em kéo Ái Lan vào trong nhà. Em vội vàng cho biết :
- Thôi ! Em có việc gấp lắm, chỉ tạt qua hỏi hai chị một chút về chuyện tờ di chúc đó thôi !
Mỹ Liên reo lên :
- Sao ! Ái Lan đã có tin tức gì về cái đó rồi hả ? Và tụi tôi sắp sửa có tiền của bác Doanh tiêu đến nơi rồi ! Sướng quá !
- Chưa đâu Mỹ Liên ạ ! Mãi tới nay cũng chưa được một tia sáng nào về vụ này hết !
Nét mặt Mỹ Liên sịu ngay xuống khi nghe giọng nói buồn buồn của
Ái Lan. Nhưng thoáng cái, cô bé gái nhà nghèo lại tươi ngay nét mặt, và
gượng cười :
- Giá có một số tiền khá khá thì tụi này đỡ lo. Nhất là chị Mỹ
Ngọc này, Ái Lan ! Đã ba năm nay chị không may nổi một chiếc áo dài.
Cũng hên là có một lô quần áo cũ của má Liên để lại, chị lấy ra cắt may
lại, mặc cũng đỡ. Nhưng cái giống quần áo mặc hai hơi, sao mau ải quá,
cựa mạnh chút xíu là bục à. Cứ cái đà này thì Liên e ngại rằng hai chị
em sẽ đi đến chỗ hở da hở thịt mất thôi !
Mỹ Ngọc liếc mắt e ngại, chỉ sợ Ái Lan để ý thắc mắc nhiều đến lời than vãn của Mỹ Liên, vội vàng nói khỏa lấp :
- Nói chuyện mà nghe vậy thôi ! Được hưởng chút nào thì hay mà
không thì cũng thôi, chớ tụi này cũng chẳng đặt hết hy vọng vào đó đâu,
Ái Lan à ! Vả lại thực ra thì hai chị em cũng đâu có phải là bà con dòng
họ chính thức của bác Doanh.
Mỹ Liên :
- Chị nói sao, Mỹ Ngọc ? Chị bảo không bà con dòng họ với bác
Doanh ? Vậy nhà Phàm cũng chỉ hơi hướm họ hàng xa lắc từ bốn năm đời với
bác Doanh sao lại có quyền đó ?
Mỹ Ngọc nghiêm nét mặt nhìn em :
- Thôi xếp chuyện đó lại đi, Mỹ Liên ! Thật ra, trong lúc bình
thường, công việc may cắt có đều đều thì vui vui một chút. Hiện nay thì
kẹt, huê lợi rau trái của toàn vùng chưa đến vụ, thành thử cũng ít người
may sắm. Vả lại khách hàng, trong thời buổi khó khăn, cũng ít cầu kỳ,
cứ vào tiệm, gặp cái áo nào vừa ý là mua liền cho đỡ tốn công, tốn tiền
đi mua vải giao cho thợ may.
Ái Lan chợt nói như kêu lên :
- Em thì lại nghĩ khác chị một chút, chị Ngọc ! Chính em hiện
giờ lại muốn đi mua hàng đem về giao cho chị cắt, may cho em ! Em đã
được biết là chị may đẹp lắm !
Mỹ Ngọc nước mắt vòng quanh :
- Ái Lan ! Chị hiểu cái hảo ý của em rồi ! Và chị cám ơn em
nhiều lắm ! Với Ái Lan, chị chẳng có điều gì cần giấu giếm ! Ba tháng
nay chị chẳng nhận được cái gì cắt may để mà ăn công hết ! Riêng mình
chị thì không ngại lắm. Sức chịu đựng thiếu hụt chị đâu có kém ai ! Chỉ
thương Mỹ Liên còn thơ dại... – giọng Ngọc nghẹn ngào nói không thành
tiếng, – Còn ít tuổi quá mà đã vất vả lam lũ. Khi má chị hấp hối, chị đã
nắm tay người mà hứa sẽ nuôi dạy Liên cho được bằng người...
Mỹ Liên, nước mắt ràn rụa, chạy lại giang tay ôm lấy Mỹ Ngọc :
- Chị ! Chị ! Em đã lỡ lời làm chị buồn ! Thôi kệ, chị Ngọc à !
Tiền của bác Doanh, chị em mình được càng hay, mà không được cũng chẳng
cần. Từ trước tới nay không có tiền của bác mà chị em mình vẫn sống
được đó thôi !
Mỹ Ngọc vừa cười, vừa đưa tay lau nước mắt. Cô dịu dàng bảo em, giọng cố gượng vui vẻ khôi hài :
- Xạo hoài ! Có tiền vẫn hơn chứ ! Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua lược cũng không !
Mỹ Liên hăng hái :
- Chị cứ yên trí đi mà ! Lứa gà này của em nếu trúng thì tha
hồ... ! Tức ghê ! Tại sao trời sinh gì mà ác quá, cho mỗi con gà mỗi
ngày đẻ có một cái trứng thôi hà !
Mỹ Ngọc và Ái Lan phá lên cười vì câu nói hồn nhiên của Mỹ Liên. Ái Lan nhìn Ngọc :
- Ngày mai em sẽ mua vải đem đến để chị đo cắt, may cho em cái áo nhé, chị Ngọc !
Thực ra Ái Lan đâu có thiếu áo mặc, nhưng chỉ có cách đó mới có
thể giúp đỡ hai cô gái nghèo mà không sợ động chạm tự ái của họ.
Rồi Ái Lan hỏi :
- Bây giờ hai chị cho em hỏi ít câu về cụ Doanh ! Hai chị cho
em biết, ngoài gia đình ông Phàm ra cụ Doanh thỉnh thoảng có lui tới nhà
mấy người bà con họ hàng kia không ?
Mỹ Ngọc gật đầu :
- Có chứ ! Trước khi về ở hẳn với gia đình Phạm văn Phàm, bác
Doanh cứ ở với người bà con này ít ngày, người kia ít ngày. Người nào
cũng vui vẻ, tiếp đón bác niềm nở, săn sóc bác từng miếng ăn, giấc ngủ
tuy rằng họ thật nghèo túng, ăn bữa sáng lo bữa tối đó Ái Lan !
- Chị có biết tên và địa chỉ mấy người đó ?
Sau một phút suy nghĩ, Mỹ Ngọc :
- Hai bà em họ bác Doanh hiện ở ngoài Phi Nôm.
Mỹ Liên láu táu :
- Đúng rồi ! Bà Ba Thìn và bà Tư Mậu đó ! Hai bà già này đều
góa chồng cả và tử tế lắm. Bà con gần với bác Doanh, thương bác lắm đó
Ái Lan !
Mỹ Ngọc tiếp lời em :
- Còn hai người cháu trai kêu bác Doanh bằng cậu ruột nữa ! Hai
Lân và Ba Mẫn, hai anh em ruột, hiện đang khai thác một sở trồng cà phê
và trà trên con đường này, cũng lối đi ra Phi Nôm, cách đây chừng hơn
năm cây số thôi, dễ kiếm lắm em à ! Nội vùng này ai cũng đinh ninh là
hai bác Lân, Mẫn thế nào cũng được hưởng di sản của bác Doanh ngay sau
khi bác nằm xuống kia đấy !
Đôi mắt Ái Lan sáng lên :
- Chị nhớ chắc chỗ ở của hai bác này đấy chứ ?
- Chắc mà em ! Cứ quay xe đi trở ngược lại phía Phi Nôm, cách đây khoảng năm, sáu cây số, bên tay mặt nghe, Ái Lan !
Ái Lan đứng lên :
- Vậy là tiện quá ! Em ghé tìm hai bác Lân, Mẫn xong, đến nhà
hai bà Ba Thìn, Tư Mậu tại Phi Nôm ! – Rồi liếc nhìn đồng hồ tay – Chà !
Bốn giờ chiều rồi này hai chị ! Thôi em đi, nghe !
Chợt Mỹ Liên quay lại ngó Mỹ Ngọc :
- Ấy chị Ngọc ! Sao chị không nói cho Ái Lan biết còn bà Sáu
Riệm nữa ? Theo em thì bà Sáu có lẽ lại biết rõ về bác Doanh hơn ai hết
đó !
Mỹ Ngọc giật mình :
- À ừ ! Đúng vậy đó Ái Lan ! Chị quên bẵng đi mất bà cụ Sáu
Riệm nữa ! Ái Lan ! Nhất định là em phải tìm đến hỏi bà cụ này cho bằng
được đó nghe ! Vì chính bà Sáu đã đích tay săn sóc bác Doanh như một
người chị cả săn sóc em út sau cái tang vợ đau buồn bị ngã bệnh trầm
trọng. Nhờ sự tận tâm của bà Sáu mà bác Doanh hồi phục được sức khỏe lần
lần. Bác vẫn nhớ ơn bà cụ không kể xiết và thường nói ra miệng là sẽ
không quên tên bà khi bác lập tờ di chúc.
Mỹ Liên :
- Em chỉ mong chuyện đó có thật để cho bà Sáu Riệm đỡ phần cơ
cực ! Tội nghiệp ! Bà cụ đã 79 tuổi rồi, mấy tháng nữa đầy 80 đấy, mà
trơ trọi mỗi một mình, chẳng có con cháu gì cả !
Ái Lan hỏi nhanh :
- Thế hiện bà cụ Sáu ở đâu, Mỹ Liên ?
- Trên con đường đi La Ba ! Nghe nói từ ngã tư Liên Khương,
quẹo tay mặt theo con lộ đất đỏ đi La Ba, chừng tám, chín cây số gì đó !
Phải hỏi dần dần mới được, tụi này cũng chưa đến nhà bà cụ bao giờ, chỉ
nghe bác Doanh nói chuyện vậy thôi !
Ái Lan :
- Vậy thì hôm nay không kịp rồi ! Ngày mai em sẽ tìm đến bà cụ
Sáu ! Bây giờ phải đi gấp thì mới về tới Đà Lạt trước khi trời tối được !
Hai chị em Ngọc Liên tiễn Ái Lan tới lúc em lên xe đạp máy và
đứng ngó theo đến khi Ái Lan cùng chiếc vespa xinh xắn khuất sau lùm cây
xanh ngoài lộ đá.
Vừa lái xe, Ái Lan vừa tự nhủ :
- Mỹ Ngọc, Mỹ Liên là con gái mà can đảm chịu đựng sự nghèo khổ
thiếu thốn một cách đáng phục thật. Hai người cố sức gắng gượng nhưng
mình cũng dư biết là họ cũng đang lâm vào tình trạng bi đát lắm. Phải có
cách gì cứu giúp hai chị em mới được !
Phút chốc, dọc vệ đường bên phải, Ái Lan đã thấy xuất hiện
những cây cà-phê lá to như lá mít, quả chín đỏ mọng bám vào cành lúc lỉu
như những chùm nho căng nước ngọt.
Nhớ lời Ngọc, Liên dặn, Ái Lan chăm chú, đưa mắt nhìn, cho xe
chạy thật chậm, chợt thấy hai cánh cổng lớn đóng bằng những thanh gỗ lớn
ghép lại. Hai bên là hai cột trụ lớn xây bằng đá. Trên đầu hai cột trụ,
gối một tấm biển gỗ, sơn màu vàng, kẻ đen hai hàng chữ lớn : Mẫn Lân,
trại trồng tỉa.
Mấy phút sau, xe của Ái Lan đã bon bon chạy vào một cái sân
trại thật rộng. Một người đàn ông, trạc bốn mươi tuổi, đứng ở bậc cửa
đưa tia mắt ngạc nhiên ngó cô gái nhỏ tuổi lạ mặt. Ái Lan xuống xe, tiến
lại trước mặt người đàn ông. Và em tự giới thiệu. Ông chủ trại cũng cho
Ái Lan biết ông là Nguyễn Mạnh Lân, anh ruột ông Nguyễn Mạnh Mẫn. Hai
anh em ông hiện ở chung và cùng khai thác sở trà và cà phê "Mẫn Lân".
Ái Lan cho ông Lân biết mục đích em mới đây tìm hai ông. Mới
đầu ông chủ trại có ý nghi ngờ Ái Lan là người của bọn nhà Phàm nên ăn
nói dè dặt đề phòng. Chỉ mấy phút sau thấy em nói chuyện cởi mở hồn
nhiên, chân thực, ông ta mới yên lòng kể lể cho em nghe :
- Hai anh em tôi rất quan tâm đến cái quyền hưởng gia tài của
cậu tôi để lại. Cô cũng đã biết đó, cụ Doanh là cậu ruột chúng tôi. Ông
thương chúng tôi không khác mẹ chúng tôi thương con vậy, và đã nói chắc
là thế nào cũng để cho anh em chúng tôi được thừa hưởng một phần gia
tài. Do đó, tôi tin rằng thế nào cậu cũng đã viết một tờ di chúc khác
rồi. Có điều là không biết cất giấu chỗ nào đó thôi !
Tim Ái Lan đập thình thịch :
- Ông đã trông thấy tờ giấy đó bao giờ chưa ?
Ông Lân lắc đầu :
- Dạ, chưa đâu cô ! Anh em tôi chỉ nghe cậu hứa chắc như vậy
thôi, còn giữ lời hứa hay không thì hiện chúng tôi cũng chưa có được
bằng chứng chắc chắn trong tay, cô ạ ! Có điều rõ rệt nhất là cậu tôi
không ưa gì tụi nhà Phàm hết ! Cậu biết rõ là bọn họ chỉ săn đón, chứa
chấp cậu để nhằm trục lợi về sau. Cho nên lúc nào tôi cũng tin rằng cậu
tôi sẽ không thí cho tụi Phàm một đồng xu nhỏ.
- Hay là cụ Doanh đã quên bẵng mất việc viết tờ di chúc mới ?
Ông Lân mỉm cười lắc đầu :
- Không đâu cô ạ ! Tính tình cậu tôi, tôi biết rõ lắm mà !
Nhiều người không hiểu tưởng là ông cụ lẩn thẩn ! Điều đó có thể lắm,
nhưng đối với những cái nhỏ nhoi không đáng kể kia ! Chớ còn vấn đề tiền
bạc, của cải hay là làm ăn to lớn thì không ai kỹ bằng ông cụ đâu, cô !
Tôi và chú Mẫn nhà tôi, hai anh em tin chắc là cậu tôi đã lập tờ di
chúc thứ hai đó rồi, nhưng cất giấu một chỗ nào đó kỹ quá đến nỗi không
ai tìm ra nổi đó cô !
- Riêng ông thì ông có ý kiến gì hoặc phỏng đoán là ông cụ đã cất nó ở đâu không ?
Ông Lân cười buồn :
- Chịu chết cô ạ ! – Tia mắt ông bỗng lại lóe lên một ánh vui
tươi, – Nhưng anh em tôi sẽ treo một giải thưởng rất lớn cho bất cứ ai
tìm ra được.
Ái Lan còn hỏi thêm vài câu nữa, nhưng ông Lân không biết gì
hơn. Em đành đứng lên xin từ giã và tươi cười xin lỗi vì đã làm mất thì
giờ của ông.
Tới Phi Nôm, nhờ lời chỉ dẫn của Mỹ Ngọc, Ái Lan tìm đến nhà bà
Ba Thìn không khó. Bà Ba Thìn và bà Tư Mậu đều góa chồng, con cái lại
đã có gia đình đều ở riêng cả. Hai chị em về ở chung với nhau một ngôi
nhà có vườn rộng ở ngay mặt đường phố chính tại Phi Nôm. Đời sống có vẻ
sung túc nhờ tiền hoa lợi cây trái, ổi, mãng cầu, mít, cam trồng đầy
vườn. Hai bà tiếp đón Ái Lan niềm nở khi biết em là con luật sư Minh ở
Đà Lạt. Nhưng cũng như ông Lân, hai bà không biết một chút gì về tin tức
tờ di chúc sau này của cụ Doanh hết.
Sau cùng bà Ba Thìn bảo Ái Lan :
- A ! Vậy sao cô không tìm đến dì Sáu Riệm thử coi ! Hồi còn
sống, ông anh họ chúng tôi quý mến và tin tưởng ở dì Sáu này hơn hết cả
đấy. May ra...
Bà Tư Mậu nhè nhẹ lắc đầu :
- Chưa chắc đâu, chị Ba ! Dì Sáu hồi này già cả lú lẫn hết rồi, liệu còn nhớ được gì không ?
Trời đã xế chiều. Sương đã bắt đầu xuống khiến không khí trở nên lành lạnh. Ái Lan xin phép hai bà Ba Thìn và bà Tư Mậu ra về.
Ngồi trên xe, em lẩm bẩm :
- Lại một ngày đi không về rồi ! Chưa được một tia sáng nào soi
vào bên trong tấm màn bí mật này cả ! Chưa có một tin tức gì về tấm
giấy quan trọng này hết ! Hừ ! Ba nói đúng : nghề thám tử quả không phải
là một nghề nhàn hạ chút nào !
________________________________________________________________________
Xem tiếp CHƯƠNG 8